Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 26/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 4 6 4 0 4
Số người đang truy cập
1 8 5
 Tin tức - Sự kiện Trong nước
Nhiễm khuẩn bệnh viện, một vấn đề đáng lo ngại

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay là một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh. Chúng có khả năng làm tăng tỷ lệ tử vong, gây nên các biến chứng, mất nhiều thời gian điều trị; làm tăng mức sử dụng kháng sinh, xảy ra tình trạng kháng thuốc, tốn kém chi phí và trở thành gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình cũng như các cơ sở y tế. Vì vậy đây là vấn đề cần được quan tâm để khắc phục.


Cơ sở điều trị là nơi rất dễ có nguy có bị nhiễm khuẩn bệnh viện (ảnh minh họa)

Thực trạng tình hình và hậu quả

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một thực trạng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, kể cả những quốc gia phát triển và các nước nghèo. Các nhà khoa học cho rằng nhiễm khuẩn bệnh viện có thể dẫn đến 5 hậu quả tồi tệ như: làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, tăng số ngày điều trị, tăng chi phí chữa bệnh và tăng sự kháng thuốc. Tại các nước đang phát triển, tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện xảy ra càng nặng nề hơn do không có đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Chúng không những ảnh hưởng đến người bệnh mà còn cho cả các nhân viên y tế. Có thể nói nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong đối với trẻ sơ sinh. Thực tế tại nước ta, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện cũng khá phổ biến. Theo thống kê ghi nhận ở các bệnh viện, nhiễm khuẩn thường gặp xảy ra ở đường hô hấp, vết mổ, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, da và mô mềm, đường máu và các loại nhiễm trùng khác... nhưng chủ yếu tập trung vào 3 loại là nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng tiết niệu. Trường hợp các bệnh mới nổi như hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm A/H5N1, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV)... cũng đã làm cho hàng chục nhân viên y tế chịu trách nhiệm điều trị, chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã gây nên những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, cơ sở điều trị và cộng đồng xã hội về cả 2 phương diện chuyên môn cũng như kinh tế. Về mặt chuyên môn lâm sàng, nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng thời gian nằm điều trị tại bệnh viện của người bệnh và tỷ lệ tử vong. Về mặt kinh tế, chúng cũng làm tăng chi phí điều trị với nhiều tốn kém. Ngoài ra, tình trạng nhiễm khuẩn còn làm tăng khả năng kháng thuốc, gây khó khăn về chuyên môn kỹ thuật cho công tác điều trị. Hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng chi phí điều trị, tăng số ngày nằm viện của bệnh nhân, tăng nguy cơ bị biến chứng trầm trọng và tỷ lệ tử vong; đồng thời còn làm giảm chất lượng điều trị và uy tín của cơ sở điều trị.

Xác định nhiễm khuẩn bệnh viện và tác nhân gây bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện thấy có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan; chúng thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện. Để xác định và chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, các nhà khoa học thường căn cứ vào định nghĩa nêu trên và tiêu chuẩn chẩn đoán cho từng vị trí bị nhiễm khuẩn như: nhiễm khuẩn vết mổ sau phẫu thuật, nhiễm trùng máu có liên quan đến dụng cụ đặt trong lòng mạch, nhiễm khuẩn đường tiết niệu... Hiện nay theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC: Centers for Disease Control and prevention) và các cuộc hội thảo quốc tế về chuyên đề này đã mở rộng định nghĩa xác định ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện cho những vị trí nhiễm khuẩn khác nhau và đang được nhiều quốc gia áp dụng để giám sát tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện trên toàn cầu. Thực tế căn cứ trên các tiêu chuẩn lâm sàng và sinh học, các nhà khoa học đã xác định có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện khác nhau có thể xảy ra tại bệnh viện. Tác nhân gây bệnh hay mầm bệnh có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện bao gồm nhiều loại vi sinh vật khác nhau như vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm... Tuy vậy, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất và thường có khả năng đã kháng lại với các loại kháng sinh sử dụng hoặc ít ra cũng đã kháng với mức độ cao trong cộng đồng. Vi khuẩn là tác nhân quan trọng gây nên nhiễm khuẩn bệnh viện nên các nhà khoa học đã dùng thuật ngữ nhiễm khuẩn bệnh viện để gọi chung cho các trường hợp nhiễm các loại vi sinh vật. Một số loại vi khuẩn chủ yếu thường gây nhiễm khuẩn bệnh viện là cầu khuẩn gram dương như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... hầu như đã kháng lại nhiều loại kháng sinh gồm penicilline, gần đây phát hiện cũng đã kháng methiciline; trực khuẩn gram dương như Bacillus, Clostridium perfringens làm hoại thư sinh hơi... gây bệnh ở mắt, mô mềm, phổi, vết thương...; vi khuẩn gram âm như Pseudomonas aeruginosa thường gọi là trực khuẩn mủ xanh, E. coli, Salmonella, Shigella, Klebsiella, Proteus, Enterobacter... thường gây bệnh nặng, khó điều trị vì chúng đã kháng lại với các kháng sinh thông dụng.


Bàn tay bẩn có thể lây truyền nhiều loại tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện (ảnh minh họa)

Vi-rút cũng là tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện lây truyền qua đường tiêu hóa như: Polyovirus, Hepatitis A và E, Echovirus, Coxsackie A và B, Adenovirus, Rotavirus, Coronavirus...; lây truyền qua đường hô hấp như: sởi, quai bị, cúm, á cúm, Adenovirus, Coronavirus...; lây qua đường máu như: HIV, viêm gan B, viêm gan C... Ngoài ra, nhiễm khuẩn bệnh viện cũng còn do một số tác nhân khác ít gặp hơn gồm nấm, ký sinh trùng, đơn bào như: nấm Candida spp, Aspergillus thường gặp ở khoa hồi sức cấp cứu; ký sinh trùng Pneumocystic carinii, Toxoplasma gondii, Cryptosporidium...

Nguy cơ, nguồn lây nhiễm trong nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo các nhà khoa học, có thể nói rằng bất cứ ai khi vào bệnh viện đều có thể có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện kể cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Tuy vậy tình trạng sức khỏe của người bệnh và việc tiến hành các thủ thuật lâm sàng xâm nhập cơ thể bệnh nhân khi điều trị là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong nhiễm khuẩn bệnh viện. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nặng, tuổi cao, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hay đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; bệnh nhân đa chấn thương, bỏng nặng, có bệnh hô hấp mạn tính là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh nhân phải trải qua những thủ thuật lâm sàng xâm nhập vào cơ thể như: phẫu thuật, đặt nội khí quản, thông tiểu, đặt ống thông tĩnh mạch... dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Các nhà khoa học trong một nghiên cứu về vấn đề này tại Mỹ ghi nhận có khoảng 97% bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện ở người bệnh đặt ống thông tiểu, 85% bệnh nhân bị nhiễm trùng máu xuất hiện ở người bệnh đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm và 83% bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp có liên quan đến sự thông khí nhân tạo. Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Về nguồn lây nhiễm trong nhiễm khuẩn bệnh viện, con người là nguồn lây nhiễm chủ yếu và bệnh nhân là nguồn lây nhiễm quan trọng. Thực tế bệnh nhân, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân đều liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện. Bệnh nhân bao gồm những người bệnh mắc phải các bệnh truyền nhiễm đang được điều trị tại khoa truyền nhiễm hoặc các khoa nội, khoa ngoại; người bệnh đang điều trị bệnh không nhiễm trùng nhưng mắc đồng thời bệnh truyền nhiễm thể điển hình hoặc không điển hình hay người mang mầm bệnh không triệu chứng. Nhân viên y tế có thể là người đang mắc bệnh truyền nhiễm với các mức độ khác nhau nhưng vẫn đi làm việc hoặc là người mang mầm bệnh không triệu chứng. Người nhà bệnh nhân cũng có khả năng là người đang mắc bệnh truyền nhiễm hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng.

Cơ chế lây truyền và yếu tố trung gian truyền bệnh

Cơ chế lây truyền bệnh trong nhiễm khuẩn bệnh viện giống như cơ chế lây truyền bệnh nhiễm khuẩn qua đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, máu, da và niêm mạc. Tuy nhiên có 3 cơ chế chủ yếu quan trọng nhất là lây nhiễm qua tiếp xúc, qua giọt bắn và qua đường hô hấp. Lây nhiễm bệnh qua tiếp xúc là cơ chế khá phổ biến, chiếm khoảng 90% các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện đã được ghi nhận; sự lây nhiễm này có thể là tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bàn tay của nhân viên y tế, bơm kim tiêm, dụng cụ thăm khám và điều trị có tính chất xâm nhập, các chất thải ô nhiễm như bông găng, dịch tiết từ vết thương, vết loét, vết bỏng... Lây nhiễm bệnh qua giọt bắn là tác nhân thường gặp trong các loại dịch được bắn ra từ bệnh nhân hoặc từ các nguồn lây nhiễm khác do ho, hắt hơi, nói chuyện, bắn dịch tiết từ cơ thể người bệnh khi thực hiện các thủ thuật...; các giọt bắn này có kích thước tương đối lớn được bắn vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi và miệng của người tiếp xúc trong phạm vi dưới 1 mét để gây nên sự lây nhiễm mầm bệnh. Lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp chiếm gần 9% các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện; mầm bệnh được thải ra khỏi bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm do nói, ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc qua các thủ thuật lâm sàng để thăm khám và điều trị làm bắn ra các hạt ô nhiễm từ nước bọt, đờm dãi, máu, dịch tiết cơ thể... có chứa mầm bệnh gây lây nhiễm; những hạt này nếu có kích thước lớn sẽ bắn trực tiếp vào những người ở chung quanh trong phạm vi dưới 1 mét và cũng có thể bắn xa hơn phụ thuộc vào lực ho của người bệnh; đối với những hạt có kích thước nhỏ sẽ bay lơ lửng trong không khí và xâm nhập qua đường mũi và miệng của người ở môi trường tiếp xúc. Yếu tố trung gian truyền bệnh tương ứng với các cơ chế lây truyền bệnh chủ yếu đã được nêu trên gồm: bàn tay của bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và người đến thăm nuôi; dụng cụ y tế như bơm kim tiêm, thiết bị thăm khám và điều trị có tính xâm nhập khi thực hiện thủ thuật nội soi, khám tai mũi họng, phẫu thuật, đồ vải y tế... không bảo đảm vô khuẩn; chất thải y tế như bông, băng, dịch rỉ ra từ vết thương và vết bỏng hay vết vết loét... của người bệnh; môi trường không khí bị ô nhiễm trong bệnh viện với mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào mật độ bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và mức độ thông thoáng trong các phòng bệnh.

Biện pháp cơ bản phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện

Để phòng chống tình trạng nhiễm khuẩn có hiệu quả, các nhà khoa học khuyến cáo tất cả cơ sở điều trị phải thực hiện một cách nghiêm túc các biện pháp cơ bản như: vệ sinh bàn tay, xử lý vô khuẩn, cách ly bệnh nhân; ngoài ra còn phải xây dựng chính sách, tổ chức đào tạo và giám sát công việc một cách chặt chẽ.


Vệ sinh bàn tay là một yêu cầu bắt buộc trước khi thực hiện thủ thuật xâm nhập cơ thể (ảnh minh họa)

Vệ sinh bàn tay: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc rửa tay là một biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất để phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Thực tế tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm từ bệnh nhân; môi trường bệnh viện như dụng cụ, không khí, nguồn nước... có thể lây truyền từ bàn tay của nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Vì vậy việc vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế bị nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Có thể nói rằng tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện và tỷ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế có mối liên quan nghịch, khi tỷ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay càng tăng thì tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện càng giảm và ngược lại. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã khẳng định việc sát khuẩn bàn tay là biện pháp chủ yếu để phòng ngừa lây truyền tác nhân gây bệnh trong các cơ sở y tế. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế, trong đó đáng quan tâm nhất là nhận thức của nhân viên y tế về vệ sinh bàn tay, phương tiện để vệ sinh bàn tay và số lượng bệnh nhân. Do đó cần có sự đầu tư về dụng cụ, trang thiết bị cho các bệnh viện cũng như tăng cường công tác tuyên truyền tầm quan trọng về vệ sinh bàn tay cho tất cả mọi người ở trong bệnh viện mà trước hết là những nhân viên y tế.

Xử lý vô khuẩn: Vấn đề vô khuẩn đối với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được tuân thủ thực hiện một cách nghiêm túc khi tiến hành các thủ thuật lâm sàng xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương. Ở những vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật phải được sát khuẩn bằng hóa chất, dùng kéo cắt bỏ lông và tóc, không nên dùng dao cạo vì dễ gây tổn thương vi thể nhỏ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Các loại đồ dùng, dụng cụ trong bệnh viện như quần áo, giường tủ... và chất thải của bệnh nhân cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp phù hợp. Đối với các loại dụng cụ y tế sử dụng lại, phải bảo đảm việc xử lý vệ sinh, tiệt khuẩn theo đúng các quy định.

Cách ly bệnh nhân: Cần tổ chức thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân để phòng ngừa lây nhiễm tác nhân gây bệnh từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác; từ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm... Tuy nhiên việc tổ chức cách ly phải linh hoạt và tùy thuộc từng trường hợp bệnh cụ thể và điều kiện, hoàn cảnh của bệnh viện. Đối với bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa như tả, viêm gan A, viêm dạ dày và ruột... cần mang găng tay và vệ sinh bàn tay thật tốt, nên dùng riêng dụng cụ ăn uống cho bệnh nhân. Đối với bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như lao, cúm, quai bị... phải thường xuyên mang khẩu trang, vệ sinh bàn tay, thông thoáng không khí môi trường, hạn chế khách đến thăm...; một số bệnh về hô hấp nguy hiểm gần đây như SARS, MERS-CoV cần có biện pháp cách ly bệnh nhân nghiêm ngặt bằng phòng điều trị và chăm sóc riêng, dùng máy điều hòa không khí và lọc khí riêng, cấm khách đến thăm, mang khẩu trang và mặt nạ hô hấp, vô khuẩn tốt dụng cụ và đồ dùng của bệnh nhân... Đối với bệnh lây nhiễm qua đường máu, da và niêm mạc như HIV, viêm gan B, viêm gan C... cần mang găng tay, vô khuẩn tốt các loại dụng cụ, xử lý tốt chất thải gồm máu và dịch tiết từ cơ thể bệnh nhân.

Các biện pháp khác: Ngoài các biện pháp cơ bản yêu cầu nêu trên, cần xây dựng chính sách quốc gia về tăng cường công tác nhiễm khuẩn bệnh viện. Ban hành các quy định, hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh một cách cụ thể và xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội dung kiểm tra bệnh viện hàng năm để có căn cứ đánh giá chất lượng bệnh viện. Đồng thời chú ý công tác đào tạo phổ cập về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở những cơ sở khám chữa bệnh gồm thực hành về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa vào đường lây truyền, hướng dẫn thực hành phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện theo từng đơn vị và tuyến công tác; thực hiện chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong chương trình đào tạo chính quy ở các trường y và triển khai chương trình đào tạo vệ sinh bệnh viện cho hộ lý, nhân viên vệ sinh bệnh viện. Ngoài ra, phải tổ chức công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện để có cơ sở dữ liệu về nhiễm khuẩn bệnh viện cụ thể như: tỷ lệ mắc bệnh do nhiễm khuẩn bệnh viện, tác nhân gây bệnh, vi khuẩn kháng thuốc...; có thể nói việc giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những yếu tố cần thiết để cải thiện tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện; nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cần dành nhiều thời gian để tiến hành công tác giám sát nhiễm khuẩn, nhận biết những người bệnh bị nhiễm khuẩn bệnh viện, xác định vị trí nhiễm khuẩn, những yếu tố góp phần vào tình trạng nhiễm khuẩn...; từ đó giúp bệnh viện có kế hoạch can thiệp và đánh giá hiệu quả biện pháp can thiệp; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện còn là tiền đề để thực hiện các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, có thể bao gồm cả công tác kiểm soát kháng sinh và chính sách sử dụng kháng sinh phù hợp.

Điều cần quan tâm

Thực tế hiện nay bất cứ ai mắc bệnh vào điều trị tại bệnh viện đều rất dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện và mắc thêm bệnh khác, đây là điều không thể tránh khỏi. Việc lây nhiễm này xảy ra ở môi trường bệnh viện từ bệnh nhân nằm điều trị cùng phòng, nhân viên y tế, người nhà chăm sóc và người thân đến thăm... Vì vậy các cơ sở y tế và tất cả mọi đối tượng hiện diện trong môi trường bệnh viện cần phải có sự hiểu biết, quan tâm đến vấn đề thực hiện những biện pháp cơ bản phòng chống nhiễm khuẩn nhằm góp phần hạn chế, giảm thiểu mức tối đa sự lây nhiễm có thể do nhiều tác nhân gây nên. Đừng để mối lo ngại nhiễm khuẩn bệnh viện trở thành nỗi ám ảnh của người bệnh khi không may mắc bệnh phải vào bệnh viện để điều trị.             

Ngày 29/09/2015
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


Tin đáng chú ý
Thông điệp về Ngày Sốt rét thế giới 25-4 (World Malaria Day)
Ngày Sốt rét thế giới-Ngày Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (World malaria day – A day to make the world care)
 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích