Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 10/05/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 6 1 5 8 2 6
Số người đang truy cập
3 4 6
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 14/3 năm 2017

122 bệnh viện sẽ liên thông kết quả xét nghiệm y học; Vụ phòng khám 168 Hà Nội: Thai phụ chết não có chỉ định phải bỏ thai; Dừng các cơ sở nấu rượu không phép sau vụ 9 nam sinh ngộ độc; Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh ho gà; Kiểm toán Nhà nước: 54 tỷ đồng bảo hiểm y tế cấp trùng thẻ năm 2015; Một trẻ 45 ngày tuổi tử vong do mắc bệnh ho gà; Thông tin mới nhất vụ 9 sinh viên ngộ độc rượu; 7 sinh viên bị giảm thị lực, tổn thương não do ngộ độc rượu methanol

Nhân dân; An ninh thủ đô; Thanh niên

122 bệnh viện sẽ liên thông kết quả xét nghiệm y học

Ngày 13-3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm y học. Thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 27-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025, cũng như thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ thì từ ngày 1-7-2017 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm y học đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; với bệnh viện hạng một và tương đương là trước ngày 1-1-2018

Hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu 122 bệnh viện trực thuộc bộ và bệnh viện hạng một và tương đương rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm y học. Để đạt mục tiêu đó, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học

Tiền phong

Kỹ thuật huỳnh quang điều trị dị dạng mạch máu não

 Ngày 13. 3,  Bệnh viện Việt Đức thông báo, các bác sĩ khoa Phẫu thuật thần kinh II, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Dương Đức Tâm (35 tuổi, quê ở Quảng Bình) bị tắc động mạch cảnh não bên trái khiến mắt bị mờ bằng kỹ thuật huỳnh quang. Trước đó, bệnh nhân Tâm được chuyển từ Bệnh viện Mắt trung ương sang Bệnh viện Việt Đức do mắt trái bị mờ. Các bác sĩ đã dùng kỹ thuật huỳnh quang để phẫu thuật mạch máu não, “thông tắc”.

Dừng các cơ sở nấu rượu không phép sau vụ 9 nam sinh ngộ độc

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định 20 hộ dân nấu rượu ở Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) đều không có giấy phép hoạt động và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.Trong khi đó tại huyện Thanh Oai, địa phương này đang tổng rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

100% cơ sở nấu rượu không phép

Lần theo nguồn gốc sản xuất rượu chứa methanol mà Sở Y tế Hà Nội xác định sau vụ 9 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương nhập viện 5 ngày trước, ngày 13/3 phóng viên đã về những địa phương này để tìm hiểu.

Theo ghi nhận, từ đầu ngõ cụm 8, làng Thúy Hội xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), từng tốp từng tốp người dân địa phương xôn xao câu chuyện cơ sở rượu Bắc Hùng cung cấp rượu cho các đại lý, cửa hàng có thể dẫn tới việc hàng loạt sinh viên ngộ độc sau khi uống. Bà Thơm (người địa phương) cho biết, vài ngày gần đây liên tiếp có các đoàn kiểm tra các hộ dân nấu rượu. “Sau khi biết cơ quan chức năng xác định rượu Bắc Hùng liên quan tới vụ ngộ độc rượu, cả làng đều lo lắng, bất an vì từng sử dụng rượu ở đây. Mỗi khi đoàn công tác ra về, gia đình ông Hùng đều đóng cửa và ít ra ngoài”, bà Thơm nói.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 13/3, lãnh đạo UBND xã Tân Hội cho biết, ngày 11/3 địa phương đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra toàn bộ 20 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Theo đó, xã xác định 100% cơ sở này là các hộ dân tự nấu rượu gạo phục vụ nhu cầu địa phương và đều không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. “Trước mắt UBND đã tạm đình chỉ sản xuất đối với những hộ này để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý. Đồng thời phối hợp với UBND huyện lập các đoàn công tác liên ngành tổ chức lấy mẫu, kiểm tra quy trình sản xuất”, ông nói.

Đối với hộ gia đình ông Hùng (trú cụm 8, làng Thúy Hội, người được cho là  cung cấp cho quán hàng tạp hóa liên quan vụ việc sinh viên ngộ độc rượu 5 ngày trước), tổ công tác đã thu giữ 80 lít rượu tại nhà ông Hùng. Qua bước đầu kiểm tra, số rượu này chưa có dấu hiệu pha hóa chất. Về thông tin cơ quan điều tra xác định nhóm sinh viên ngộ độc rượu sau khi uống rượu do chứa methanol, vị phó chủ tịch cho biết, đơn vị chưa xác định được ông Hùng có giấu giếm mua rượu nơi khác về để pha chế bán cho các cửa hàng hay không. Do đó UBND xã gửi mẫu rượu đã thu giữ lên cơ quan chức năng để thẩm định lần nữa về nồng độ methanol.

Chủ cơ sở bán rượu trốn khỏi nhà

Trong khi đó, tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), mấy ngày nay người dân trong thôn vẫn chưa hết hoang mang về vụ ngộ độc rượu liên quan tới cơ sở chuyên cung cấp rượu Duy Hảo của bà Nguyễn Thị Hảo. Ngôi nhà 50m2 đầu thôn của bà chủ này luôn trong tình trạng khóa trái. Bà Sinh (người địa phương) cho biết, bà Hảo có hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi hai con. Vài năm trở lại đây, bà Hảo không nấu rượu mà mua từ nơi khác về rồi bán lại cho các quận, huyện khác ở Hà Nội.

“Giá rượu nếp truyền thống tại địa phương có giá 40.000-45.000 đồng/lít trong khi những loại rượu trôi nổi tại các cửa hàng tạp hóa chỉ từ 15.000-20.000 đồng/lít. Loại rượu trôi nổi này thường bán cho những người lao động phổ thông hoặc sinh viên. Người dân trong thôn không sử dụng rượu Duy Hảo”, bà Sinh nói.

Ông Vũ Văn Tuấn, trưởng thôn Cự Đà cho biết, vài ngày trước khi cơ quan công an tới làm việc về vụ ngộ độc rượu, bà Hảo do quá sợ hãi đã rời khỏi nhà. Sau đó, cơ quan chức năng đã mời người phụ nữ này lên làm việc. Từ trước đến nay, trong thôn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc rượu phải nhập viện điều trị. “Cả thôn có gần 2.000 hộ, trước đây có khoảng 30 hộ nấu rượu theo phương thức truyền thống sử dụng gạo nếp và men tự sản xuất để sử dụng và cung cấp ra thị trường.Tuy nhiên hiện nay những hộ nấu rượu đã giảm đi nhiều”, ông Tuấn nói

Rượu ngoại, rượu thuốc cũng gây ngộ độc

Ngày 13/3, Bệnh viện Bạch Mai thông báo 9 sinh viên nhập viện vì ngộ độc methanol đã được giải độc và hồi sức thành công. Các bác sĩ cảnh báo, không chỉ rượu có methanol mà cả rượu nhập ngoại, rượu thuốc cũng có khả năng gây ngộ độc nặng cho người dùng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau khi được điều trị tích cực, lọc máu, giải độc, hồi sức, đến ngày 11/3 cả 4 bệnh nhân nặng nhất phải thở máy đều đã được rút ống thở, giao tiếp được. Đến sáng qua, cả 6 bệnh nhân còn lại đều tỉnh táo, giao tiếp tốt. Trong đó, có 4 bệnh nhân bị giảm thị lực, 3 bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương não sẽ tiếp tục được làm các thăm dò để kiểm tra và đánh giá.

TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu rượu chứa methanol đem đến những cái chết nhanh chóng thì ngay cả rượu thật, tức là rượu chứa etanol cũng làm cho người uống có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các căn bệnh mạn tính như xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, tim mạch, ung thư...  Rượu chứa cồn, tức là ancol etylic (etanol), rất độc hại cho cơ thể vì nó ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Rượu là nguyên nhân gây tử vong, là một chất kích thích mạnh ngang hàng với heroin về mặt độc hại và nguy cơ lệ thuộc (nghiện rượu). 

TS Vũ Trường Khanh cho biết: Nếu như 10 năm trước số bệnh nhân nhập viện bị xơ gan chủ yếu do viêm gan do virus thì gần đây chuyển biến thành xơ gan do rượu. Chỉ tính riêng tại Khoa Tiêu hóa, mỗi năm gần đây phải điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú bị xơ gan, viêm tụy do rượu. 

Bác sĩ Nguyên cho biết, nhiều người quan niệm sai lầm rằng rượu tự nấu không khử được andehit nên mới nguy hiểm, còn rượu nhập, được chưng cất tốt là không sao. Thực ra, ethanol vào cơ thể chuyển hóa vẫn là nguyên nhân gây tổn thương tế bào gan, gây xơ gan và ung thư gan.

Về cơ chế quản lý và giám sát rượu sản xuất thủ công, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết là việc của Bộ Công Thương. Về phía Bộ Y tế ông Phong cho hay chỉ có thể khuyến cáo người dân về cách sử dụng rượu để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu

An ninh thủ đô; Công an nhân dân; Tuổi trẻ; Gia đình & Xã hội

Vụ phòng khám 168 Hà Nội: Thai phụ chết não có chỉ định phải bỏ thai

Liên quan đến vụ một thai phụ Trần Thị T.T (ở Quảng Ninh, mang thai tuần 22) bị chết não sau khi khám tại Phòng khám 168 Hà Nội, ngày 13-3, người nhà bệnh nhân cho biết bệnh viện vừa có chỉ định đình chỉ thai của chị T. Theo chị Trần Thị Thu Hằng – chị gái bệnh nhân T. cho biết, sáng 13-3, sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã thông báo tới gia đình rằng tình hình chị T. và thai nhi diễn biến rất xấu và có chỉ định đình chỉ thai nghén. Đến trưa ngày 13-3, các bác sĩ khoa Sản của Bệnh viện Bạch Mai đã tới phòng điều trị của bệnh nhân T tại khoa Cấp cứu (A9). “Hiện chúng tôi chưa biết diễn biến cụ thể như thế nào nhưng gia đình cũng đã chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất” - chị Hằng chia sẻ. Cũng theo chị Hằng, đại diện Phòng khám 168 Hà Nội đã bày tỏ ý định hỗ trợ chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân T. nhưng gia đình từ chối.

Cũng liên quan đến vụ việc này, chiều nay, 13-3, Bộ Y tế tiếp tục có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội (tiếp theo công văn số 255/KCB-HN mà Bộ Y tế gửi Sở Y tế Hà Nội ngày 9-3) đẩy nhanh tiến trình xác minh vụ việc.

Cụ thể, công văn thứ hai của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến ký đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tai biến đối với bà Trần Thị T.T (bệnh nhân nữ, 29 tuổi, ở Quảng Ninh, đang mang thai tuần 22, bị tai biến chết não sau khi khám phụ khoa tại Phòng khám 168 Hà Nội, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai).

Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ gia đình bà Trần Thị T.T trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân này. Yêu cầu Phòng khám 168 Hà Nội có thông báo, hướng dẫn và chuyển người bệnh đang điều trị tại Phòng khám tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp, bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng để triệu tập và yêu cầu bác sĩ người Trung Quốc có tên Trịnh Túc Vinh (Zheng Zu Rong) – nữ bác sĩ đã trực tiếp chỉ định điều trị cho bệnh nhân T. trước khi xảy ra tai biến – để báo cáo, tường trình chi tiết quá trình khám bệnh, chữa bệnh cho bà Trần Thị T.T.; cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông về trường hợp tai biến nêu trên.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước, tư nhân thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 18-3-2017

Báo Hải quan

Chuẩn bị liên thông các kết quả xét nghiệm khám bệnh

Ngày 13/3, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện hạng I và tương đương rà soát, lập kế hoạch thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện.

Yêu cầu này nhằm thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, thực hiện theo Công văn số 1154/VPCP-KGVX ngày 13/2/2017 của Văn phòng Chính phủ về lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương.

Cụ thể, lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ được thực hiện trước ngày 1/7/2017; bệnh viện hạng I và tương đương trước ngày 1/1/2018. Đến năm 2025, sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.

Tại hội thảo tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm y học do Bộ Y tế tổ chức ngày 13/3, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết hiện cả nước có 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 492 bệnh viện tỉnh, 629 bệnh viện tuyến huyện, 31 bệnh viện ngành và hơn 30.000 cơ sở y tế ngoài công lập.

Ở các cơ sở y tế có tình trạng việc xét nghiệm gần như là sự chỉ định tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh của các bác sĩ trong khi họ bỏ qua khám lâm sàng vì lý do quá đông bệnh nhân; nhiều bác sĩ cho rằng khi bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên thì tình trạng bệnh đã khác nên phải làm lại các xét nghiệm.

“Tôi cho rằng đó là những lý do chống chế vì chúng ta phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là công nhận các xét nghiệm trên cơ sở bảo đảm chính xác, chất lượng”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, từ năm 2011 đến nay, số lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tăng nhanh qua các năm, trung bình từ 15-20%.

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết hiện nay chất lượng các phòng xét nghiệm trong cả nước chưa đồng đều, thậm chí có nhiều trường hợp đi khám, mỗi phòng xét nghiệm lại cho kết quả khác nhau. Chính vì vậy đã xảy ra tình trạng bệnh nhân vừa xét nghiệm tại bệnh viện này nhưng đến bệnh viện khác lại bị yêu cầu làm lại xét nghiệm.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện sẽ được thực hiện thông qua 3 trung tâm kiểm nghiệm chất lượng xét nghiệm ở 3 vùng miền trên cả nước. Từ đó, sẽ khắc phục được tình trạng người bệnh bị yêu cầu làm lại nhiều xét nghiệm trùng nhau khi chuyển cơ sở y tế.

Bộ Y tế đang dự thảo tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học trên cả nước. Theo dự thảo này, các phòng xét nghiệm sẽ được đánh giá 5 mức: Chưa xếp mức, mức 1, 2, 3 và 4 với các nội dung như bảo dưỡng, hiệu chỉnh trang thiết bị, thực hiện nội kiểm, ngoại kiểm...

Nếu chưa được xếp mức thì phòng xét nghiệm đó có thể bị tạm dừng xét nghiệm và phải khắc phục lại những điểm yếu để được hoạt động trở lại. Dự thảo dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 3/2017.

Đài Tiếng nói Việt Nam

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh ho gà

Trước tình hình số người mắc bệnh ho gà ngày càng gia tăng, ngày 13-3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh sớm.

 Trong những tháng đầu năm 2017, trên cả nước đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do ho gà. Chỉ tính riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị hơn 50 bệnh nhi mắc ho gà, trong đó có năm ca tử vong.

Người bệnh mắc ho gà đang có chiều hướng gia tăng, bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới ba tháng tuổi chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng, phải thở bằng máy.

Do vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã gửi công văn yêu cầu Giám đốc các BV trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị giảm tử vong và phòng chống lây nhiễm bệnh ho gà tại các bệnh viện (đặc biệt là các bệnh nhi ở các tỉnh phía Bắc ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu).

Cùng với đó, công văn của Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện cần lưu ý các trường hợp đến khám, nếu có nghi ngờ về mặt lâm sàng cần chỉ định xét nghiệm kịp thời. Cách ly những người mắc bệnh ho gà và nghi ngờ mắc ho gà tại khu vực riêng biệt điều trị nội trú. Cùng với đó là chuyển tuyến an toàn, kịp thời với những trường hợp bệnh diễn biến nặng.

 Một trẻ 45 ngày tuổi tử vong do mắc bệnh ho gà

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng, tại địa phương đã xảy ra 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do mắc bệnh ho gà.

Trong số 11 trường hợp mắc bệnh ho gà từ 45 ngày đến 11 tuổi nghi mắc bệnh ho gà được điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, có 1 bệnh nhân mới 45 ngày tuổi bị nặng, đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Đến ngày 10/3, bệnh nhân đã tử vong.

Bệnh nhân này chưa đến tuổi tiêm vắc xin Quinvaxem (vắc xin phòng các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib).

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 13/3 chưa có  thêm bệnh nhân nào mắc bệnh ho gà. Do thời tiết miền Bắc đang ẩm ướt nên virus cúm tồn tại trong môi trường lâu hơn.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh mũi, miệng, mắt. Nếu có điều kiện, nên tiêm phòng vắc xin cúm.

Thanh niên

Xuất hiện liên tục nhiều ca thương hàn

Ngày 12.3, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong 2 - 3 tuần qua, BV tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp trẻ em bị thương hàn (do trực trùng Salmonella typhi), tất cả đều ở tỉnh chuyển lên.

Các bé nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài và điều trị khá phức tạp, phải dùng kháng sinh mạnh từ 10 - 14 ngày. Còn tại địa bàn TP.HCM, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cũng cho biết từ đầu năm 2017 đến nay có 3 trường hợp mắc bệnh thương hàn.

Về nguyên nhân nhiễm vi trùng này, bác sĩ Khanh cho rằng thường do ăn, uống thức ăn không đảm bảo vệ sinh, hoặc thức ăn bị nhiễm vi trùng bởi người chế biến bị nhiễm bệnh thương hàn mà không có biểu hiện bên ngoài. Về triệu chứng, người bệnh thường sốt cao dần, sốt kéo dài, tiêu chảy hay táo bón, đau bụng, biếng ăn, có khi vài tuần kiểm tra mới biết thương hàn.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo phòng ngừa bệnh thương hàn bằng cách ăn uống vệ sinh, tiêm vắc xin phòng ngừa (trẻ từ 3 tuổi trở lên). Tuy nhiên, vắc xin chỉ bảo vệ được khoảng 90% và có liệu lực trong vòng 3 năm, sau đó phải tiêm lại.

 Khám bảo hiểm y tế có thể không cần đến thẻ

Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và luật Bảo hiểm y tế (BHYT), dự kiến hiệu lực thi hành từ 1.6.2017, người tham gia BHYT khi đến khám, chữa bệnh (KCB) phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa xuất trình thẻ BHYT thì có thể cung cấp số định danh cá nhân và xuất trình một trong các loại giấy tờ còn giá trị hiệu lực như: thẻ căn cước công dân; CMND (bao gồm cả chứng minh quân đội); hộ chiếu; thẻ học sinh, sinh viên, học viên (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm CMND) hoặc các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước, hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp, xác nhận.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay: “Mã số định danh là mã riêng cho từng cá nhân, gắn với người đó suốt đời. Do đó, khi đi khám, trong trường hợp chưa xuất trình được thẻ BHYT thì có mã số định danh và một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh đã có thể được đảm bảo quyền lợi”.

Theo ông Sơn, trong năm 2017, BHXH sẽ thông báo đến mỗi người có thẻ BHYT mã số định danh của mình. Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được thông báo thông qua chính quyền xã/phường. Mã số này cũng được lưu trên hệ thống máy tính của cơ quan BHXH. Hệ thống mạng của BHXH liên thông với các cơ sở điều trị có thể tra được khi người bệnh thông báo mã định danh.

“Mã số định danh không chỉ kiểm soát việc cấp trùng thẻ mà còn hỗ trợ trong khi đăng ký khám BHYT. Hiện tại, BHXH VN đã có mã số định danh cho 76 triệu thẻ BHYT, trong đó đã đồng bộ được 67 triệu thẻ. Số còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017. Những người tham gia BHYT hộ gia đình cũng được cấp mã số định danh riêng”, ông Sơn cho hay.

Theo ban soạn thảo dự thảo, trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT, vẫn được hưởng quyền lợi nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.

Thông tuyến, thêm quyền lợi

Theo Bộ Y tế, từ 1.1.2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở y tế là trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB tại các cơ sở y tế này trên cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến.

Theo lộ trình, việc áp dụng quy định về thông tuyến tỉnh chung trên cả nước sẽ thực hiện từ 1.1.2021 với trường hợp điều trị nội trú. Riêng đối tượng là người dân tộc thiểu số và người nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, hiện đã được KCB thông tuyến tại các cơ sở tuyến huyện và điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh, tuyến T.Ư. Như vậy, các đối tượng này được áp dụng quy định về thông tuyến sớm hơn và ở tất cả các tuyến.

Trong động thái khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký công văn gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ và các bệnh viện hạng 1 yêu cầu rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Theo đó, việc liên thông kết quả xét nghiệm áp dụng với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1.7, áp dụng với bệnh viện hạng 1 và tương đương trước ngày 1.1.2018. Bộ Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm, đặc biệt lưu ý chấn chỉnh các đơn vị xét nghiệm đặt tại các khoa khám bệnh, phòng bệnh, yêu cầu nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm. Các bệnh viện thuộc diện trên thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện trước khi làm xét nghiệm cho bệnh nhân; đồng thời lập kế hoạch hoạt động cụ thể các công việc để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm theo lộ trình quy định, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30.3.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, với việc thực hiện thông tuyến BHYT, tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 là 76% dân số, đến nay đã đạt 81,7%. Số lượt KCB BHYT tăng. Năm 2015 có 130 triệu lượt với tần suất KCB trung bình là 1,85 lần/người/năm. Năm 2016, có 148 triệu lượt người và tần suất 1,89 lần/người/năm.

Trường ĐH Y dược TP.HCM tăng 160 chỉ tiêu tuyển sinh

Theo đó, trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia bằng tổ hợp 3 môn: toán, hóa và sinh.

Đáng chú ý, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhiều ngành trong năm nay. Theo đó, chỉ tiêu của trường tăng thêm 160 so với năm ngoái (từ 1.600 lên 1.760 chỉ tiêu).

Trong số này có 5 ngành chỉ tiêu giữ mức ổn định như năm ngoái gồm: y đa khoa 400, răng hàm mặt 100, y học cổ truyền và điều dưỡng đa khoa 150, điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh 80.

Các ngành còn lại chỉ tiêu đều tăng ở mức khác nhau. Đáng chú ý, ngành dược học tăng từ 320 lên 380. Các ngành còn lại tăng từ 10-20 chỉ tiêu.

Niêm phong 15.565 lít rượu không rõ nguồn gốc

Báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội cho biết sau gần 2 tuần kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn toàn TP, đến chiều 12.3, cơ quan chức năng đã niêm phong tổng cộng 15.565 lít rượu, 172 chai rượu các loại cùng 4,9 kg men rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Hiện còn 7/24 bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol trên địa bàn Hà Nội vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từ 26.2 - 11.3 đang tiếp tục phải điều trị, 15 bệnh nhân khác đã ra viện, 2 bệnh nhân tử vong.

Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Sở Công thương, Công an TP và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ quyết liệt tổ chức điều tra truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu liên quan đến các trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chuyển điều tra, truy tố các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Trong khi đó, tối 12.3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội cho biết 5/43 mẫu rượu được cơ quan chức năng xét nghiệm có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép. Trong đó, 1 mẫu rượu lấy tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính (Q.Thanh Xuân), 2 mẫu lấy tại cửa hàng cơm (số 1 phố Trung Liệt, Q.Đống Đa) và cơm Vĩnh Thành (số 95 khu giãn dân Mỗ Lao, Q.Hà Đông), 2 mẫu lấy tại quán cơm số 38 phố Chùa Láng (Q.Đống Đa). 

Ngày 14/03/2017
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích