Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 26/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 4 9 2 9 3
Số người đang truy cập
2 4
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 4/11 đến 6/11 năm 2015

An ninh thủ đô

Ưu đãi sản xuất chíp sinh học phục vụ ngành y

Chính phủ  vừa đồng ý dự án “Ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý”. Dự án sẽ sản xuất sản phẩm Biochip (tim mạch, phát hiện các bệnh: lao, ung thư, khiếm thính bẩm sinh...) với quy mô 360.000 chip/năm. Các sản phẩm Biochip hiện đã và đang được ứng dụng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước. Dự án trên được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối  hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn chủ đầu tư áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật.

Ngăn chặn kịp thời hành vi đe dọa, tấn công cán bộ y tế

Ngày 3-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký công văn gửi các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các BV. Theo Bộ Y tế, thời gian qua, tại một số BV đã xảy ra tình trạng gây rối mất an ninh trật tự, đâm chém bệnh nhân, hành hung y, bác sĩ, cản trở các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế. Các vụ việc xảy ra đã làm ảnh hưởng đến tinh thần của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế và làm hư hỏng trang thiết bị y tế, tài sản của BV. Điển hình nhất là vụ việc vừa diễn ra vào chiều ngày 27-10 tại BV Đa khoa Quảng Ngãi, nhóm 3 thanh nhiên xộc thẳng vào phòng cấp cứu dùng dao chém nhiều nhát vào bệnh nhân Nguyễn Duy (32 tuổi, trú P.Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) và chém cả bảo vệ BV. Trước đó, hàng loạt vụ việc đã xảy ra tại nhiều BV trên cả nước khiến cho tình hình an ninh tại các BV đang trở nên bất an hơn bao giờ hết. Đơn cử như vụ việc xảy ra ngày 7-10, tại Khoa Cấp cứu-BV Việt- Tiệp (Hải Phòng), bệnh nhân Đỗ Văn Bình đang nằm trên cáng cứu thương đã vùng dậy hành hung bác sĩ chỉ vì bố của Bình bị nhắc nhở khi có hành động xúc phạm bác sĩ trực; hay vụ việc ngươi nhà bệnh nhân tấn công nhân viên y tế ở BVĐK khu vực Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh)… Những vụ việc trên đã gây náo loạn BV, ảnh hưởng tới tâm lý bệnh nhân và y bác sĩ. Để khắc phục và tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các BV trong thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ như: tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh/thành phố, công an quận, huyện trên địa bàn đảm bảo an ninh, trật tự trong BV, tăng cường đề cao cảnh giác, phát hiện các đối tượng gây rối tại các khu vực cấp cứu, khám chữa bệnh. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ nhân viên y tế.

Dịch sốt xuất huyết có xu hướng giảm

Cục YTDP cho biết, tính đến hết tháng 10/2015, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã có xu hướng giảm nhưng số mắc trong cộng đồng vẫn cao. Hiện SXH ghi nhận tại 54/63 tỉnh thành với hơn 53.000 ca mắc, 34 trường hợp tử vong. Dịch SXH vẫn rất đáng lo ngại ở phía Nam vì vẫn đang trong mùa mưa. Tuy nhiên đến nay, số ca mắc SXH không tăng đột biến bởi hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 50.000-100.000 ca mắc. Không riêng gì Việt Nam mà hiện dịch SXH đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong khu vực. Thời điểm hiện tại, có đến 9/10 nước khu vực ĐNA đang phải đối phó với SXH. Như tại Philippines ghi nhận hơn 100.000 ca mắc, hơn 300 người tử vong. Tại Malaysia cũng ghi nhận hơn 96.000 ca mắc, với hơn 260 người tử vong. Người dân không chủ quan với dịch bệnh này bởi nguy cơ dịch có thể diễn biến phức tạp do thời tiết thay đổi.

Hơn 90% trang thiết bị y tế phải nhập khẩu

Đó là thông tin được đề cập tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thiết bị y tế” do Bộ Y tế và Hội Thiết bị y tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội. Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, việc đầu tư trang thiết bị y tế ở nước ta còn chưa cân đối giữa mua sắm và sử dụng. Một số bệnh viện chưa sử dụng hết hiệu quả các thiết bị y tế hiện đại do cán bộ chưa đủ trình độ để vận hành thiết bị…

Ngộ độc chì do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc

Theo thông tin từ Trung tâm chống độc-Bệnh viện (BV) Bạch Mai, tại đây đang tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Trần Minh N. (6 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang) ngộ độc chì do dùng thuốc cam của một thầy lang. Gia đình cháu bé cho biết, do sốt ruột vì con trai lười bú, chậm tăng cân nên chị đã mua thuốc cam cho con uống ngay từ khi cháu bé mới vài tháng tuổi. Thấy con tăng cân, chị càng cho con uống thuốc cam nhiều hơn. Chị còn trộn thuốc cam vào cháo cho con ăn đến hơn 1 tuổi mới dừng. Lúc này, con bắt đầu xuất hiện những biểu hiện như: môi khô, xuất hiện những cơn co giật, đờ đẫn, nhận biết kém… nhưng gia đình vẫn không hề nghĩ con bị ngộ độc chì…

Tuổi trẻ

Chưa rõ nguyên nhân bé gái chết sau khi uống thuốc xirô

Sáng 3-11, Viện KSND huyện Krông Bông (ĐắK Lắk) xác nhận đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm tử thi vụ một bé gái tử vong sau khi uống xirô Unikids IQ(chai 100ml), do công ty cổ phần Dược Hậu Giang, TP Cần Thơ sản xuất và phân phối…

Bảo hiểm y tế: trên dưới chưa thông

Trả lời báo chí cuối tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng tăng viện phí người dân sẽ có lợi, nhưng bà Tiến hình như chưa tính đến 25 triệu người chưa có thẻ bảo hiểm y tế, mà việc mua thẻ gọi là tự nguyện nhưng không dễ dàng…

Sao phải ra nước ngoài mổ?

Gần đây, tiền vệ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) vừa sang Singapore điều trị do chấn thương nghiêm trọng: vỡ sụn chêm, bị đứt đến ba dây chằng chéo sau, chéo trong, chéo ngoài với chi phí hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, các bác sĩ Việt Nam khẳng định những chấn thương thường gặp ở các vận động viên, đặc biệt là cầu thủ, hoàn toàn có thể điều trị thành công ở trong nước…

Cứu thai phụ sắp sinh sốt xuất huyết nặng

Ngày 5-11, BVND Gia Định vừa điều trị thành công cho một thai phụ mang thai 39 tuần tuổi, bị sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu nặng. Đó là chị Trần T.H.Y. (30 tuổi, ở Q.2, TP.HCM), nhập viện ngày 31-10 với chẩn đoán sốt xuất huyết ngày 2, thai ước lượng 3,5kg. Ngày 4-11 khi đó bệnh nhân bị sốt xuất huyết ngày 6, giảm tiểu cầu, bệnh nhân đã được truyền 12 đơn vị tiểu cầu nhưng tiểu cầu chỉ tăng lên chút. Sau đó, chị Y. chuyển dạ sinh và bác sĩ đã có chỉ định mổ bắt con do bất xứng đầu chậu, nguy cơ băng huyết và nguy cơ rủi ro cho thai nhi rất cao. Đây là trường hợp có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ rất cao nên bệnh viện đã triển khai ngay quy trình báo động đỏ, hội chẩn cấp bệnh viện, triển khai êkip phẫu thuật, thông báo ban giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, BV Truyền máu - huyết học cử bác sĩ đến tham gia hội chẩn liên viện ngay tại bàn mổ cho bệnh nhân này. Trong lúc mổ bắt con, bệnh nhân bị mất gần 2 lít máu (do bệnh lý sốt xuất huyết, giảm số lượng và chức năng tiểu cầu), tuy nhiên nhờ các biện pháp chủ động phòng ngừa băng huyết, bù tiểu cầu, hồng cầu lắng... nên kiểm soát được tình trạng chảy máu. Một bé trai nặng 3,7kg đã ra đời. Sau mổ tình trạng sức khỏe của mẹ và con đã tạm ổn định. Bé đang tiếp tục được theo dõi chăm sóc tại khoa bệnh lý sơ sinh.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khóc trong họp báo

Chiều 5-11, Sở Y tế TP.HCM gặp gỡ báo chí để thông tin quan điểm chính thức của sở về bài báo “Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đá trách nhiệm, đuổi phóng viên” (báo Người Tiêu dùng bản giấy và điện tử ngày 30-10). Tham dự cuộc họp có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin Truyền thông TP, tác giả bài báo và thư ký tòa soạn báo Người Tiêu dùng cùng khoảng 40 phóng viên báo đài. Tại cuộc họp báo, ông Lê Anh Tuấn - chánh văn phòng Sở Y tế TP, người phát ngôn của sở - nói cuộc họp hôm nay là thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM. Theo ông Tuấn, nội dung bài báo nói trên phản ánh ba vấn đề chính: Sở Y tế TP.HCM từ chối tiếp xúc, đuổi phóng viên; giám đốc sở “say xỉn, mặt đỏ gay, người thì nồng nặc mùi rượu bia”; giám đốc sở “đá” trách nhiệm về quá tải hai bệnh viện nhi, việc cho thuê mặt bằng ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sở Y tế không đồng tình các nội dung này. Ông Tuấn trình bày, ngày 26-10 ông Hoàng Hùng có mang giấy giới thiệu đến gặp ông nhưng giấy giới thiệu không ghi rõ nội dung làm việc và ông Hùng không xuất trình thẻ phóng viên hoặc cộng tác viên. Ông Tuấn cung cấp thông tin ngắn gọn về việc quá tải hai bệnh viện nhi và về việc cho thuê mặt bằng ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ngày 27-10, ông Trần Phong tiếp tục đến gặp bộ phận tiếp nhận thông tin báo chí cũng mang giấy giới thiệu đến nhưng không ghi rõ nội dung làm việc và không xuất trình thẻ phóng viên hoặc cộng tác viên. Ông Trần Phong cũng không đồng ý để lại câu hỏi phỏng vấn và để lại giấy giới thiệu để chuyển cho người phát ngôn. Hình của ông Bỉnh đăng trên báo Người Tiêu dùng không phải hình ảnh của ông khi tiếp xúc với hai phóng viên báo này mà là hình khi ông Bỉnh tham dự mít tinh Ngày Asean phòng chống sốt xuất huyết ngày 14-6-2015 tại Q.7… Về việc giám đốc sở “say xỉn, mặt đỏ gay, người thì nồng nặc mùi rượu bia”, ông Tuấn nói 14g40 ngày 30-10 ông Bỉnh vừa kết thúc chủ trì cuộc họp do bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo về phối hợp thực hiện bệnh viện vệ tinh giữa Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Thống Nhất. Giám đốc sở cũng không đá trách nhiệm về quá tải hai bệnh viện và thông tin ngắn gọn về tình hình quá tải và nỗ lực của TP và ngành y tế. Đồng thời hướng dẫn gặp bác sĩ Tăng Chí Thượng - phó giám đốc sở và chánh văn phòng - người phát ngôn chính thức của sở. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh chia sẻ: “Khi tôi đang dự hội nghị ghép tủy châu Á Thái Bình Dương ở Nhật Bản thì biết tin báo Người Tiêu dùng có bài viết này. Tôi rất buồn, tôi không đồng tình với bài báo này” - nói đến đây, ông Bỉnh lặng đi mấy giây rồi xúc động khóc. Ông Bỉnh giải thích, khi tiếp xúc với hai phóng viên báo Người Tiêu dùng, ông đã tiếp xúc quá thân tình nên mới xưng hô “tụi bây” như vậy. Ông Bỉnh khẳng định, từ khi làm giám đốc Sở Y tế ông chưa bao giờ ký văn bản cho bệnh viện nào thuê đất. Việc cho thuê mặt bằng ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 là theo chỉ đạo của UBND TP, và việc này xảy ra từ năm 2009 - khi ông chưa làm giám đốc sở. Quá tải bệnh viện là nhức nhối không chỉ của ngành y tế mà còn của cả các ban ngành khác, dù ngành y tế đã có cố gắng, nhiều giải pháp để giảm tải. Đối với phóng viên báo đài, ông Bỉnh nói ông luôn trả lời tất cả, công khai, minh bạch. Những gì còn khuyết điểm cũng luôn nhìn nhận rõ ràng. Trong lúc phát biểu, có những lúc ông Bỉnh rưng rưng nói ông từng là hiệu trưởng, là người thầy của nhiều thế hệ học trò nên ông luôn cố gắng sống gương mẫu. “Việc đưa hình ảnh của tôi như vậy và những ngôn từ đó khiến người dân nhìn không đúng về ngành y tế. Không lẽ cá nhân tôi lại đi xóa bỏ cả một ngành như vậy. Nó là sự xúc phạm lớn lắm…”. Tuy nhiên, sau phần thông tin của Sở Y tế TP, một số phóng viên đề nghị để báo Người Tiêu dùng trao đổi lại để báo đài được nghe cả hai bên cũng như hỏi một số vấn đề khác, nhưng Sở Y tế TP nói cuộc họp chỉ dừng lại ở việc thông báo quan điểm của Sở về nội dung bài báo, những vấn đề khác sẽ thông tin sau.

10 người được phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí

Bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Q.2, TP.HCM - đã cho biết như vậy. 10 người này sẽ được các bác sĩ của Hội Thẩm mỹ TP.HCM, Bệnh viện Q.2 và Tổ chức Dasil (một tổ chức quốc tế về da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ được thành lập tại Mỹ với thành viên là các bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu đến từ 43 quốc gia) phối hợp hút mỡ, cấy mô mỡ, làm tan mỡ bụng bằng laser, trẻ hóa vùng kín. Bệnh viện Q.2 là một trong số rất ít bệnh viện quận huyện tại TP.HCM thành lập được khoa phẫu thuật - tạo hình - thẩm mỹ. Theo bác sĩ Khanh, trong thời gian tới với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, người dân Q.2 sẽ có cơ hội được hưởng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp chất lượng cao và toàn diện tại Bệnh viện Q.2.

Bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thiết bị y tế

Đánh giá của Bộ Y tế ngày 4-11 tại Hội thảo về khai thác và sử dụng thiết bị y tế, được Hội Thiết bị y tế VN tổ chức tại Hà Nội, cho biết như trên. Tình trạng chung về trang thiết bị y tế ở VN là thiếu, chưa đồng bộ, còn lạc hậu so với khu vực, phần lớn không được định kỳ bảo dưỡng, kiểm chuẩn, bệnh viện tuyến huyện có mới 30 - 50%, cá biệt có bệnh viện chỉ 20% thiết bị y tế theo yêu cầu, thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị như đèn mổ, máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân... Theo ông Hà Đắc Biên, Hội Thiết bị y tế VN, kết quả một khảo sát gần đây cho thấy chỉ 6% trong số cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm hệ thống trang thiết bị y tế là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, số còn lại là cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế thấp. Theo ông Phạm Lê Tuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, từ nay đến năm 2020 các bệnh viện VN sẽ chi hàng trăm triệu USD mua sắm trang thiết bị y tế, chủ yếu là nhóm thiết bị phòng mổ, khử khuẩn, theo dõi bệnh nhân, nội soi, xử lý chất thải y tế, chẩn đoán hình ảnh, thiết bị phục vụ điều trị ung bướu... Tuy nhiên xu hướng đầu tư thiết bị không chỉ tập trung ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, mà sẽ mở rộng ra các địa phương và các tuyến.

Sắp có thêm văcxin 6 trong 1 dịch vụ mới

Thông tin từ Viện VSDT T.Ư cho hay nghiên cứu lâm sàng về văcxin Hexaxim trên 330 trẻ em ở Thái Bình đã hoàn tất. Đây là văcxin 6 trong 1 được lưu hành tại khoảng 80 quốc gia trên thế giới. Hiện viện đang đợi kết quả thử kháng thể để báo cáo lên Bộ Y tế, sau đó nhà cung cấp văcxin sẽ hoàn tất các hồ sơ để đăng ký lưu hành văcxin này tại VN dự định trong năm 2016. Hexaxim là văcxin 6 trong 1 đóng gói dạng hỗn dịch bơm sẵn trong bơm kim tiêm, được sử dụng ngừa 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và bại liệt. Đây là loại văcxin 6 trong 1 thứ hai, có thành phần ho gà vô bào được đăng ký lưu hành tại VN và sử dụng cho nhóm trẻ tiêm phòng dịch vụ, theo nhu cầu. Trên thị trường còn một loại văcxin 6 trong 1 dịch vụ khác nhưng do thay đổi về nhà máy sản xuất, cả năm 2015 hầu như không có văcxin 6 trong 1 được nhập khẩu về, dẫn đến tình trạng khan hiếm văcxin dịch vụ nghiêm trọng. Cùng ngày, Viện VSDT T.Ư có thống kê cho biết các văcxin đều có tỉ lệ gặp phản ứng phụ, tuy nhiên văcxin có thành phần ho gà toàn tế bào có tỉ lệ phản ứng vào nhóm cao: 50% trẻ sưng, đỏ, đau chỗ tiêm; 50% sốt trên 38 độ C; tới 60% có các phản ứng toàn thân như khó chịu, kích thích. Kế đến là văcxin phế cầu cộng hợp, 10-20% trẻ gặp các biểu hiện kể trên sau khi tiêm, văcxin phế cầu cộng hợp có tỉ lệ trẻ sưng, đỏ, đau chỗ tiêm lên tới 50%, tỉ lệ trẻ sốt trên 38 độ C dưới 1%. Văcxin cúm bất hoạt có 10-64% người được tiêm có phản ứng tại chỗ, 5-12% sốt trên 38 độ C. Văcxin viêm não và văcxin bại liệt uống là hai văcxin có tỉ lệ gặp phản ứng phụ sau tiêm thấp nhất, trong đó chỉ 1-4% người tiêm văcxin cúm có tỉ lệ phản ứng tại chỗ, chỉ 1% người uống văcxin ngừa bại liệt có sốt, trên 38% hoặc khó chịu toàn thân.

Hiểm họa từ bữa ăn trưa của sinh viên

Nước lèo đựng trong hàng chục can nhựa 10 lít cùng tô nhựa, hộp nhựa, túi ni lông, khói bụi bủa vây bữa ăn sinh viên. Dù không đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng, nhưng nhiều bạn vẫn ăn.

Nhanh, gọn, lẹ, rẻ

Trước cổng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQG TP.HCM, các gánh hàng rong bán bún, miến, hủ tíu, cơm đậu quanh vỉa hè. Sát bên các gánh hàng rong là trạm xe buýt liên tục luân chuyển, xả khói đen xì vào thức ăn không được che đậy. Tầm 11g trưa là lúc sinh viên tan học ùa ra cổng trường mua bữa ăn trưa. Cứ thế, nồi nước lèo cạn dần rồi lại tiếp thêm từ những can nhựa méo mó nổi váng. Nước lèo được đựng trong can nhựa cả buổi dưới trời nắng chỉ chờ để châm đầy nồi nước dùng. Thức ăn nóng được để trong hộp nhựa hoặc túi ni lông. Sinh viên ăn bằng chiếc thìa nhựa có những vết bụi hoặc những đôi đũa bốc mùi. T.K.M (sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV) đi học cả tuần, ăn trưa bằng hộp nhựa ngoài cổng trường mỗi ngày, cho biết lí do chọn ăn trước cổng trường: “Dù biết hộp nhựa không tốt cho sức khỏe nhưng mỗi bữa trưa rẻ được hơn 10 ngàn so với ăn ở các chỗ khác thì một tuần cũng tiết kiệm được chút ít". N.M.L (sinh viên năm nhất, ĐHKHXHVNV) vừa mua hộp cơm trứng ốp la được người bán mang từ nhà đến trường. Trứng ốp la trong hộp cơm của L được để trong giỏ xe, không che đậy khi đi ngoài đường. L chia sẻ: “Không phải mình không nhìn thấy điều đó, nhưng ăn quen rồi, nhanh, gọn, lẹ, rẻ là tiêu chí của mình. Ra ngay cổng trường mua không phải đi xa”. Đối diện ĐH Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1) cũng có một gánh bún riêu với hàng chục lít nước lèo đựng trong can nhựa. Bún, đậu, chả để trong ni lông nằm lăn lóc dưới đất. Một phụ huynh đón con ở cổng ĐH Sài Gòn nói: “Nước lèo chứa cả ngày trong can nhựa cũ thế này thì mất vệ sinh lắm. Loại can này cũng khó để vệ sinh sạch sẽ, đồ ăn thì để trên mặt đường. Chưa kể, nếu cả tuần các em ăn thức ăn nóng đựng trong hộp nhựa tái chế thì cũng rất nguy hiểm”. Ngoài ra, trước cổng ĐH Luật TP.HCM và ĐH Nguyễn Tất Thành (Q.4), bữa trưa của sinh viên cũng có sự xuất hiện của những chảo dầu két lại, đen xì, những chai dầu ăn cùng tương ớt không nhãn mác. Sinh viên cũng phải ăn thức ăn được đựng trong hộp nhựa, múc bằng thìa nhựa.

Tiết kiệm tiền mà có hại cho sức khỏe thì… lợi bất cập hại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định sử dụng bao bì đựng thức ăn bằng hộp xốp, can nhựa…thì rất khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thứ đó sản xuất ra rồi qua chợ, đến thẳng nơi bán hàng chứ không có bao bì chứng tỏ đã qua kiểm nghiệm an toàn để đựng thực phẩm. Ăn ở lề đường thì nguy cơ nhiễm bệnh cao vì nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo. Trong căn tin hay những nơi có đăng kí kinh doanh sẽ được kiểm soát thực phẩm đầu vào nên an toàn hơn. Hơn nữa, hàng quán cố định sẽ có nguồn nước đảm bảo hơn. Đối với hàng rong bên ngoài thì người bán sẽ thiên về lợi nhuận hơn là chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cái nào có lợi thì họ bán, nguồn thực phẩm, nguồn nước không được kiểm soát, kể cả quá trình chế biến không ai biết đảm bảo hay không. Khi họ bán hàng mà không có đăng kí kinh doanh rõ ràng và không được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Hậu quả gây ra do ăn uống không hợp vệ sinh có thể nhận thấy tức thời nên sẽ nhận biết ngay, nhưng cũng có thể sau một thời gian mới biểu hiện ra nên hậu quả sẽ lâu dài. Đến lúc đó dù có muốn khắc phục hậu quả thì cũng đã muộn. Vì vậy, nghĩ một cách sâu xa thì đó không phải là cách tiết kiệm mà có khi còn tốn kém nhiều hơn cho các chi phí thuốc men, y tế. Để đảm bảo an toàn cho mình thì các bạn sinh viên nên chọn chỗ ăn uống an toàn, đó là những chỗ có đăng kí kinh doanh, có cơ sở đàng hoàng. Vẫn có những hàng quán như vậy nhưng bán giá chấp nhận được đối với sinh viên. Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì sinh viên cũng cần quan tâm đến việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đủ và cân đối các chất bột đường, chất đạm, chất béo, các chất khoáng, và vitamin để đảm bảo sức khỏe. Chất bột đường có trong cơm, chất đạm từ thịt, cá, trứng, các loại đậu. Vitamin và chất khoáng thì có trong trái cây, mùa nào ăn thức nấy, vừa rẻ, vừa an toàn mà lại đảm bảo dinh dưỡng. Để tăng dinh dưỡng cho bữa ăn sinh viên thì có thể trộn thêm muối mè, muối đậu phộng (dùng ít muối) vào bữa ăn.

Công an nhân dân

Không tiêm chủng sẽ tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Trước sự quan tâm của dư luận về những phản ứng sau tiêm vaccine, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: Về nguyên tắc, tất cả các vaccine đều phải đảm bảo được tính an toàn về hiệu lực, phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được sử dụng. Song giống như thuốc, không một loại vaccine nào có thể an toàn tuyệt đối 100%. Thông thường mỗi người phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h…

Nhân dân

Họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh miền núi phía bắc

Ngày 3-11, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Yên Bái tổ chức họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh miền núi phía bắc. Thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đến nay Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan, nhất là trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi phía bắc, việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế vẫn là một thách thức. Hiện tỷ lệ tử vong trẻ dưới năm tuổi ở miền núi còn cao; tỷ lệ tử vong bà mẹ ở miền núi gấp ba lần cho phép... Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung bàn thảo việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế, cách tháo gỡ những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; nước sạch và vệ sinh môi trường; các vấn đề liên quan tới HIV/AIDS và lao...

62 tỉnh, thành phố có người mắc bệnh tay chân miệng

Ngày 3-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 44 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó có năm trường hợp tử vong tại khu vực phía nam. So với trung bình giai đoạn 2010-2014, số trường hợp mắc bệnh giảm 48,8%, số tử vong giảm 90,8%. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đang chuyển mùa là thời điểm rất thuận lợi cho vi-rút gây bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát bệnh là rất lớn. Vì vậy, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân; trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ khác, nhất là tại cơ sở giáo dục mầm non…

Khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến dưới

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nguồn nhân lực y tế, phải có đủ về số lượng, cơ cấu và phân bổ hợp lý; bảo đảm trình độ chuyên môn theo nhiệm vụ được giao; làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và ứng xử tốt. Thế nhưng hiện nay ở nước ta, đội ngũ bác sĩ thiếu về số lượng và cơ cấu lại không hợp lý. Nếu bất cập, vướng mắc này không được giải quyết tháo gỡ sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, ảnh hưởng chất lượng KCB tuyến dưới, gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Theo thống kê của ngành y tế, tình trạng thiếu bác sĩ diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất hiện nay tập trung các tỉnh khó khăn, như khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long. Tại 15 tỉnh miền núi phía bắc, tuy số cán bộ y tế/10 nghìn dân cao hơn trung bình cả nước, nhưng tỷ lệ bác sĩ lại thấp hơn. Nếu cả nước đạt trung bình 7,34 bác sĩ/10 nghìn dân thì tỷ lệ này tại Lai Châu mới là 6,29 và Điện Biên là 6,74, ở Lạng Sơn, Sơn La tỷ lệ bác sĩ còn thấp hơn. Như tại tỉnh Sơn La, hiện tổng biên chế toàn ngành y tế là 4.275 người, vừa chưa đủ số lượng, vừa chưa bảo đảm chất lượng; tỷ lệ bác sĩ mới đạt 5,74/10 nghìn dân. Toàn tỉnh ước tính còn thiếu khoảng 1.000 bác sĩ, cán bộ y tế so với nhu cầu. BVĐK tỉnh này có quy mô 350 giường bệnh, hiện còn thiếu gần 150 cán bộ. Thực tế, vào thời điểm người bệnh đông, số giường thực kê tăng lên 500, thì cần số cán bộ, nhân viên phải tăng lên 650 - 700 người, nghĩa là đang ở mức mới đáp ứng được 50% so với nhu cầu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 14 vừa thông qua chỉ tiêu đến năm 2020 đạt từ 7,5 đến 8 bác sĩ/ 10 nghìn dân là một chỉ tiêu đòi hỏi sự phấn đấu rất nhiều đối với tỉnh miền núi vừa ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân nhưng chỉ có 9.264 bác sĩ, thiếu hơn 3.000 bác sĩ theo quy định. Tại khu vực này, Sóc Trăng là một trong những tỉnh thiếu bác sĩ trầm trọng nhất, hiện toàn tỉnh mới có 4,8 bác sĩ/10 nghìn dân. Những năm gần đây, tỉnh đã dốc toàn lực để thu hút nguồn nhân lực y tế, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, theo hình thức liên thông khoảng 300 bác sĩ, tuy nhiên số lượng này chỉ đáp ứng một phần nhỏ so nhu cầu thực. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực trình độ cao đang là thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Đác Nông, nhất là đội ngũ bác sĩ trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật tại các chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, phẫu thuật… Toàn tỉnh có 6,15 bác sĩ/ 10 nghìn dân, nhưng phần lớn là bác sĩ trẻ, đang phải đào tạo định hướng chuyên khoa và sau đại học; nhiều bác sĩ được đào tạo theo chế độ cử tuyển hoặc xét tuyển, mới ra trường, thiếu kỹ năng thực hành, hạn chế về năng lực chuyên môn. Tại các bệnh viện trên địa bàn, bác sĩ có trình độ sau đại học chỉ đạt 21,4%; bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu trong điều trị như ngoại thần kinh, ngoại chấn thương chỉnh hình… đều rất ít. Dù đang thiếu, nhưng việc tuyển dụng bác sĩ có trình độ cho các cơ sở y tế công lập không hề dễ, việc “giữ chân” đội ngũ này lại càng khó hơn. Nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đã và đang xin chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2004-2012, toàn ngành y tế Đác Nông chỉ tuyển dụng được 30 bác sĩ, nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, có 18 bác sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác tới địa phương khác. Tương tự, nhiều bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh ở Sóc Trăng, dù đang thiếu về số lượng, vẫn có nhiều bác sĩ giỏi chuyển đến Cần Thơ, TP HCM… công tác. Thu hút bác sĩ về tỉnh thì ít, mỗi năm chỉ vài chục người, nhưng số lượng chuyển đi nơi khác liên tục tăng, có năm bằng gần nửa số lượng về công tác tại tỉnh. Cùng với đó, một thực tế đáng buồn đối với ngành y tế nhiều địa phương là không ít bác sĩ được tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng sau khi tốt nghiệp đã không về công tác tại đơn vị đã cử đi. Họ sẵn sàng nộp lại các khoản chi phí đền bù và chuyển công tác. Điều này gây nhiều khó khăn cho các đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, triển khai các hoạt động chuyên môn. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, ngành y tế các địa phương đều đã có những giải pháp “tự cứu mình”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay tình trạng thiếu bác sĩ vẫn đang là thách thức không nhỏ. Thậm chí, có địa phương “thất bại” trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Như tỉnh Đác Nông, hơn một năm triển khai đề án “Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao” giai đoạn 2014-2020, mới chỉ thu hút được một bác sĩ y học cổ truyền về công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong khi đó tiếp tục có bác sĩ xin chuyển công tác. Thực tế tại các địa phương cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ do chính sách đãi ngộ dành cho người công tác trong ngành y chưa cao. Với các tỉnh khó khăn khi chưa xây dựng được chính sách đãi ngộ cán bộ hợp lý, tạo dựng được môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực đủ khả năng, trình độ và sự an tâm phục vụ. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, KCB của người dân, các địa phương cần tạo nguồn bổ sung cán bộ cho các cơ sở y tế bảo đảm chất lượng; xây dựng chính sách khuyến khích và thu hút cán bộ về công tác. Sở Y tế Sóc Trăng và Sở Y tế Đác Nông đều cho rằng, cần có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác đào tạo, xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ tốt, tạo môi trường làm việc tốt, mới có thể giải quyết việc thiếu nguồn nhân lực y tế tại các địa phương… Vụ trưởng TCCB (Bộ Y tế) cho rằng: Các tỉnh còn thiếu bác sĩ cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Bên cạnh đào tạo hệ chính quy còn có các hình thức đào tạo khác, như đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ cho đối tượng là người địa phương. Cùng với đó, tăng cường đào tạo chuyên sâu (theo chuyên khoa, theo nhu cầu, theo ê- kíp) để nâng cao chất lượng KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng của người dân, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án hỗ trợ tuyến dưới, như thí điểm “Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”; luân chuyển cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (đề án 1816); Bệnh viện vệ tinh… Hình thức đào tạo hệ chính quy là tốt nhất, tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay, vẫn nên duy trì một thời gian nhất định hình thức đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ để bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ đại học ở các đơn vị, lĩnh vực khó tuyển. Hình thức đào tạo cử tuyển chỉ còn phù hợp những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không có nguồn lực. Bên cạnh đó, phải có các chính sách đối với cán bộ y tế. Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt các quy định về chính sách chế độ đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng khó khăn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức, viên chức ngành y tế; nâng mức lương khởi điểm của bác sĩ tương xứng thời gian đào tạo sáu năm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế

Ngày 5-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ”. Thống kê cho thấy, có 100% số bệnh viện tuyến T.Ư, 68% số bệnh viện tuyến tỉnh và 61% số bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh… Để ứng dụng CNTT hiệu quả, Bộ Y tế sẽ triển khai hình thức thuê doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cho từng phần hoặc thuê trọn gói; tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT; xây dựng Cổng dịch vụ công Bộ Y tế và tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cổng dịch vụ công quốc gia…

Xác minh thông tin bim-bim không bảo đảm an toàn thực phẩm

Ngày 5-11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Sau khi nhận được thông tin phản ánh tình trạng sản xuất các sản phẩm bim-bim theo công nghệ Trung Quốc có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Hà Nội, Cục ATTP đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan chức năng tổ chức xác minh thông tin. Cục cũng đề nghị các cơ quan liên quan của Hà Nội thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất bim-bim trên địa bàn; tiến hành lấy mẫu các sản phẩm nghi ngờ không bảo đảm an toàn để kiểm nghiệm; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm...

Hơn 44 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng

Theo thống kê mới nhất của Cục Y tế dự (Bộ Y tế) tính tới thời điểm hiện tại cả nước có hơn 44 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, ghi nhận năm trường hợp tử vong tại khu vực phía nam. Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng là rất lớn. Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột, lây qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện, chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu loại bệnh này. Năm nay, do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên số ca mắc giảm 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương có số ca mắc cao như: TP Hồ Chí Minh với 6.554 trường hợp, Đồng Nai với 4.673 trường hợp, Đồng Tháp với 3.066 trường hợp, Đà Nẵng với 1.689 trường hợp, Thanh Hóa với 1.399 trường hợp, Hải Phòng với 1.251 trường hợp. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân. Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ khác, nhất là tại cơ sở giáo dục mầm non.

Triển khai nhiều giải pháp giảm tải bệnh viện tuyến cuối

Chiều 5-11, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh họp báo về các biện pháp giảm tải bệnh viện. PGS,TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chủ trì họp báo. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, vấn đề giảm tải cho các bệnh viện thành phố luôn được Bộ Y tế, lãnh đạo thành phố và Sở quan tâm, chỉ đạo sâu sát triển khai nhiều giải pháp giảm tải. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ 10 giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải. Trước mắt, ngành y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả của đề án “Bệnh viện vệ tinh”, “Khoa vệ tinh”, “Phòng khám vệ tinh” của các BV chuyên khoa, đa khoa của thành phố cho các BV tuyến tỉnh, quận, huyện của thành phố. Tiếp tục triển khai đề án luân phiên bác sĩ từ các BV thành phố xuống các BV quận, huyện còn gặp khó khăn trong bổ sung nguồn nhân lực. Đồng thời, bổ sung bác sĩ từ BV quận, huyện xuống các Trạm y tế, bảo đảm mỗi trạm có ít nhất một bác sĩ, phấn đấu có hai bác sĩ trong thời gian tới. Đối với các biện pháp giảm tải ngay ở từng bệnh viện: ngành y tế sẽ tăng bàn khám, kê thêm giường, ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, tăng giờ làm việc kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ. Đẩy mạnh hoạt động điều trị ngoại trú, như phẫu thuật trong ngày, giường lưu; chuyển ngược bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị ổn định, với kế hoạch điều trị tiếp theo cho BV tuyến dưới tiếp tục điều trị. Tăng cường phối hợp công – tư, sử dụng nguồn giường bệnh hiện chưa sử dụng hết công suất tại các BV ngoài công lập, nghiên cứu các cơ sở pháp lý triển khai thí điểm để các BV đang quá tải có thêm cơ sở hai. Triển khai quy trình chủ động phối hợp và hỗ trợ của các BV thành phố với BV quận, huyện và BV quận, huyện với các Trạm y tế. Triển khai “quy trình phản ứng nhanh” trong cấp cứu người bệnh tại mỗi BV và liên viện, bước đầu cứu sống nhiều trường hợp nặng, tạo niềm tin cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại một số BV quận, huyện. Về các giải pháp lâu dài, sẽ tăng số giường bệnh và chất lượng giường bệnh, xây thêm BV mới. Sở Y tế TP HCM khẳng định sẽ tăng số lượng và năng lực nguồn nhân lực y tế cả về nhân lực chuyên môn và nhân lực quản lý. Tăng quy mô đào tạo bác sĩ của ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, để mỗi năm thành phố có thêm 1.000 bác sĩ mới tốt nghiệp; chuẩn hóa năng lực chuyên môn bác sĩ. Đào tạo kiến thức quản lý bệnh viện cho gần một nghìn bác sĩ, đồng thời tăng năng lực và chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở… Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị BV tuyến tỉnh phải phát triển đồng bộ. Các BV tuyến cuối của thành phố góp sức cho các BV tỉnh triển khai đề án BV vệ tinh tại các tỉnh khu vực phía nam theo sự phân công của Bộ Y tế. “Mong các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền cho người dân biết các BV quận, huyện, BV tỉnh đã phát triển tốt kỹ thuật khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ… tạo sự an tâm và niềm tin cho người dân để góp phần giảm tải trước mắt cũng như lâu dài. Các biện pháp đang được ngành y tế triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ chắc chắn sẽ giữ vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải kéo dài tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố”. Được biết TP HCM có 32 BV thuộc thành phố, 23 BV quận - huyện, 14 BV tuyến T.Ư, 38 BV tư nhân. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt cao hơn mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, do người bệnh các tỉnh phía nam thường đổ về TP HCM nên các BV luôn trong tình trạng quá tải. Năm năm qua, các BV (thuộc thành phố) đã khám, điều trị cho hơn 12 triệu lượt người bệnh.

Lao động

Mổ ruột thừa thành công cho một chiến sĩ qua cuộc gọi video

Ngày 3.11, đại tá - bác sĩ Trần Văn Hiến, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 4 đóng tại (xã Hưng Lộc, Tp.Vinh, Nghệ An) cho biết, ê kíp bác sĩ của bệnh viện vừa phối hợp với các bác sĩ ở Bệnh xá huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) thực hiện thành công ca phẫu thuật ruột thừa trong điều kiện khó khăn. Theo đó, vào sáng 1.11 trung sĩ Lê Công Thủ (21 tuổi) hiện là khẩu đội trưởng đại đội pháo hỗn hợp thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), bị đau bụng. Qua thăm khám, các bác sĩ tại bệnh xá chẩn đoán trung sĩ Thủ bị viêm ruột thừa có biểu hiện nhiễm trùng. Vì điều kiện về cơ sở vật chất và trình độ bác sĩ tại bệnh xá không đảm bảo được ca mổ nên họ đã thông tin về Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Sau khi bàn bạc mọi phương án, Bệnh viện quân y 4 cùng đồng nghiệp đã trực tiếp hướng dẫn qua điện thoại với bác sĩ tại bệnh xá của đảo thông qua cuộc gọi video. Người trực tiếp thực hiện ca mổ tại đảo là bác sĩ Nguyễn Quốc Hoạt 43 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành đa khoa nhưng chưa tham gia phụ mổ. Từ Bệnh viện Quân y 4, các bác sĩ đã hướng dẫn cặn kẽ từng chi tiết với bác sĩ Hoạt ở bệnh xá. Sau hai tiếng đồng hồ ca phẫu thuật đã kết thúc thành công, sức khỏe của chiến sĩ dần bình phục. Ngay trong đêm 2.11, bệnh nhân đã được đưa về đất liền bằng máy bay để chăm sóc.

Nghệ An: Phẫu thuật thành công cho 1 bệnh nhân thủng manh tràng hiếm gặp

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công cho 1 bệnh nhân nữ bị thủng manh tràng hiếm gặp. Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Thanh Hà (83 tuổi) quê huyện Diễn Châu nhập viện sáng ngày 3.11 trong tình trạng đau bụng vật vã, nôn mửa, bí trung đại tiện, có dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn, sức khỏe yếu. Qua thăm khám, các bác sỹ khoa Ngoại Tiêu hóa chẩn đoán bệnh nhân Hà bị viêm phúc mạc nhiễm độc do thủng tạng rỗng. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng, cần khẩn trương phẫu thuật, bởi bệnh nhân diễn biến nặng nên dễ dẫn tới sốc không phục hồi và tử vong. Sau khi các khoa và bác sỹ bàn kế hoạch, bệnh nhân đã được đưa lên bàn mổ, may mắn ca phẫu thuật thành công đã cứu sống được bệnh nhân. Theo một số bác sỹ bệnh viện “Hầu hết các trường hợp thủng đại tràng thường gặp ở đại tràng Sigma và trực tràng, rất hiếm khi gặp ở manh tràng. Vì vậy trường hợp bênh nhân Hà là trường hợp hiếm gặp ở Nghệ An”. Hiện bệnh nhân đang được chăm sóc chu đáo tại phòng hậu phẫu.

Vietnamnet

Sốt xuất huyết đã lan 54 tỉnh thành

Tính đến hôm nay, cả nước đã ghi nhận trên 53.000 ca mắc sốt xuất huyết, 34 trường hợp tử vong. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện sốt xuất huyết đã lan 54/63 tỉnh thành. Trong đó TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn dẫn đầu về số ca mắc và tử vong.Ông Phu cho biết thêm, hiện dịch có xu hướng giảm ở phía Bắc do thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh, trong khi tại các tỉnh phía Nam phải đến hết tháng 12 và dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp do mưa, nắng kéo dài và thất thường. “So với đỉnh dịch những năm trước và so với các nước xung quanh, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết ở nước ta vẫn thấp”, ông Phu nói. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng dẫn chứng, hiện 9/10 nước Đông Nam Á đang phải đối phó với sốt xuất huyết, trong đó Malaysia có hơn 100.000 ca mắc với gần 270 trường hợp tử vong, Philippines có 110.000 ca mắc với gần 320 trường hợp tử vong. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, nguy cơ tử vong rất cao. Ông Phu khuyến cáo, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da... thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Bác sĩ Pháp công du chữa lành dị tật bàn tay cho trẻ em Việt

Mỗi chuyến công tác tới Việt Nam, bác sĩ Stephane Guero (sáng lập viên của Viện Phẫu Thuật Bàn Tay Pháp) đều “đem phép màu” chữa lành các dị tật bàn tay cho trẻ em. Vị bác sĩ này làm những điều kỳ diệu, di chuyển ngón, tái tạo chức năng cầm nắm, ghép xương, tách ngón đối với bàn tay dính liền... Ngày 3/11, BVFV TP.HCM cho biết một ca phẫu thuật vi phẫu cực kỳ phức tạp đã diễn ra thành công tại đơn vị mình. Bệnh nhi tên Nguyễn Quang Anh, tới khám trong tình trạng có khối u mạch máu to như quả chanh và choán gần hết bàn tay. Bác sĩ Stephane Guero (sáng lập viên của Viện Phẫu Thuật Bàn Tay Pháp, với 20 kinh nghiệm trong nghề đã tiến hành hàng ngàn ca nối chi, tạo chi cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em) đã phối hợp chuyển giao kỹ thuật với các bác sĩ tại đây để thực hiện ca phẫu thuật này. Theo gia đình bệnh nhi kể lại, từ khi Quang Anh lên 2 tuổi khối u xuất hiện ở kẽ tay nhỏ như cục mụn, càng ngày càng lớn dần. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán đó là mụn cóc nhưng bôi thuốc mãi không khỏi, tình trạng bàn tay của bé ngày càng nặng nề. Các bác sĩ tiên lượng, nếu không phẫu thuật sớm, bàn tay của bé Anh sẽ mất chức năng cầm nắm, chưa kể chất lượng sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khối u choán hết bàn tay, phồng tím gây đau nhức. Phương pháp được lựa chọn để tiến hành điều trị cho Quang Anh là thiết bị sóng siêu âm Sonopet. Đây là một hệ thống dao mổ đặc biệt cho phép phẫu thuật viên cắt bỏ khối u gọn ghẽ, loại bỏ tổ chức bệnh mà không xâm phạm các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Nhờ thế tránh làm tổn thương những thành phần quan trọng như mạch máu, dây thần kinh, giảm nguy cơ chảy máu và biến chứng sau mổ, rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh nhân... Sau thời gian hậu phẫu, mẹ của Quang Anh vô cùng hạnh phúc vì con trai đã tự cầm muỗng ăn cơm và đồ chơi, vật dụng (điều mà trước kia gia đình đều nghĩ là không tưởng). Chia sẻ về thành công của ca phẫu thuật, bác sĩ Stephane Guero cho biết, mỗi chuyến công tác tới VN, ông đều kết hợp cùng bác sĩ ở đây để thực hiện các ca phẫu thuật bàn tay cho cả trẻ em và người lớn. Khi được hỏi lý do nào khiến ông trở lại Việt Nam hàng năm, bác sĩ nở nụ cười: "Vì còn nhiều bàn tay trẻ em Việt mong chờ tôi trở lại". Vào năm 2006, chính bác sĩ Stephane đã phẫu thuật cho cô bé trú ở quận Bình Tân bị dị tật mỏm cụt ngón tay út và áp út. Ông đã dùng xương ngón chân của bé để nối vào hai mỏm cụt, giúp nối dài hai ngón tay dị tật. Ca phẫu thuật không chỉ giúp bé cải thiện chức năng thẩm mỹ cho bàn tay mà hai ngón tay này của bé lần đầu tiên có thể co, duỗi và cầm, nắm được những vật nhẹ. Những ca di chuyển ngón (ghép ngón) cho bệnh nhân bị mất ngón tay cái để tái tạo chức năng cầm nắm, ghép xương cho các trường hợp mất ngón bẩm sinh, tách ngón đối với bàn tay dính liền... do bác sĩ Stephane thực hiện thực sự là phép màu đối với hàng trăm trẻ em Việt Nam.

Cắt khối u hơn 4kg, cứu sống bệnh nhân ung thư

Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết đã mổ thành công cắt bỏ khối u nặng hơn 4kg cứu sống một bệnh nhân. Trước đó, bệnh nhân tên N.T.B (59 tuổi, trú Quảng Ngãi) được BV Đa khoa Quảng Ngãi chuyển ra BV Ung bướu Đà Nẵng với chẩn đoán có khối u hạ vị lớn, nghi ung thư. Bệnh nhân B. cho biết, cách đó một tháng, bà thấy bụng lớn nhanh nhưng chủ quan không đi khám. Đến khi bụng quá to, như mang thai 4 tháng, bà mới đến bệnh viện thì kết quả siêu âm cho thấy có khối u lớn. Sau khi chụp và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được ê-kíp BV Ung bướu Đà Nẵng chẩn đoán là u xơ tử cung lớn và tiến hành phẫu thuật. Khối u đã xâm lấn và cắm sâu vào tiểu khung, thay đổi nhiều giải phẫu vùng chậu. Sau hơn 2,5 tiếng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã phải cắt cả tử cung và buồng trứng để lấy được khối u nặng 4,3kg. Đến nay bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và đã xuất viện sau hơn 1 tuần điều trị.

Đại đoàn kết

Phòng ngừa mù lòa do đục thuỷ tinh thể

Hiện nay Việt Nam có đến gần 1,5 triệu người bị mù lòa. Rất nhiều loại bệnh tật có thể dẫn đến mù lòa. Trẻ sinh non cũng có nguy cơ mù bẩm sinh. Hôm qua (3/11), tại cuộc hội thảo về đánh giá nhanh các bệnh có thể gây mù để phòng chống mù lòa (RAAP). Mới chỉ có 18 bác sĩ chuyên ngành mắt/1 triệu người dân. Trong đó, bản thân các trung tâm mắt không phải nơi nào cũng có thể mổ được và nếu có mổ được thì vì chưa đúng chức năng nên bệnh nhân không được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo BHYT. Do vậy, các địa phương cần có những bước chuyển đổi các trung tâm này thành các bệnh viện để tăng cường mạng lưới phòng chống mù loà trên toàn quốc. Hội chứng mù loà do hành tím ở Sóc Trăng vừa qua như nêu một bài học nhãn tiền về phòng chống mù loà. Xuất phát từ cam kết tham gia phòng chống mù loà từng được cố Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương ký kết với Tổ chức Y tế thế giới những năm trước đây, tại cuộc hội thảo này, đại diện WHO cho rằng: RAAP cần thiết để chúng ta có thể khẳng định thêm một điều rằng: mù loà và giảm thị lực vẫn còn đang là thách thức lớn đối với chúng ta. Ông cũng cho rằng đái tháo đường liên quan đến mù loà cũng là một khủng hoảng mà chúng ta không dễ khắc phục. WHO nhấn mạnh tới các dịch vụ dự phòng và cải thiện cuộc sống của những người khuyết tật để họ có thể hoà nhập với cộng đồng. Việt Nam đang có nhiều thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến các dịch vụ y tế. Công nghệ tiên tiến đòi hỏi chúng ta phải bỏ ra nhiều chi phí. Tôi hy vọng các kết quả điều tra này có thể giúp chúng ta chủ động hơn trong công tác phòng chống mù loà. Theo Cục Quản lý KCB, 85% người mắc bệnh mù lòa có độ tuổi từ 50 trở lên và đa số có biểu hiện đục thuỷ tinh thể (lên đến 74%), sau đến bệnh bán phần sau (6,3%). Cuộc điều tra vừa qua của Cục chủ yếu hướng vào đối tượng người cao tuổi tại 14 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ này có khác nhau khá xa giữa các tỉnh nhưng không khác nhau là mấy giữa các giới. Tỷ lệ này có gia tăng hàng năm, tuy nhiên tốc độ gia tăng có chậm lại so với giai đoạn 2000-2007. Điều này cho thấy, tốc độ giải quyết tồn đọng đục thuỷ tinh thể chưa gia tăng nếu như không nói có phần chững lại. Kết quả điều tra cũng cho thấy hiện nay đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân chính gây mù loà và chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được và chúng ta cần quan tâm đặc biệt hơn ngay lập tức. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo cần khởi động các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khoẻ tại các địa phương hoặc trên toàn quốc để cộng đồng hiểu được thực trạng cũng như tham gia phẫu thuật đục thuỷ tinh thể. Các can thiệp khác cho bệnh glucom và bệnh võng mạc tiểu đường cần được tiến hành tích cực ở những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất. Đây là những cơ sở để Bộ Y tế đệ trình Chính phủ một chương trình quốc gia phòng chống mù lòa trong thời gian tới. 

Hơn 1,3 tỷ đồng phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo

Ngày 4/11, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 10/2015, ngành Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh này đã vận động hơn 1,3 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ phẫu thuật tim cho 22 trẻ em nghèo. Cùng với đó, ngành đã chi hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn cho 10 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi phẫu thuật tại TP HCM với kinh phí 10,5 triệu đồng; hỗ trợ 8 em bị dị tật vận động ở các huyện đi phẫu thuật tại BV Nhi Đồng 2 (TP HCM). Ngoài ra, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho trẻ em mồ côi cha mẹ ở buôn Puăn A, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk.

Kon Tum: Bố trí phòng điều trị riêng cho phạm nhân tại các cơ sở y tế

Ngày 3/11 Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Đào Duy Khánh cho biết, sau khi thống nhất các nội dung với Công an tỉnh, Sở đã triển khai việc bố trí phòng điều trị riêng cho can phạm, phạm nhân tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Đồng thời, thống nhất phương án tổ chức khám, điều trị và triển khai các thủ tục cần thiết khác để khám chữa bệnh cho can phạm, phạm nhân. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 9 cơ sở y tế gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi và 7 Trung tâm Y tế các huyện đã thực hiện phương án này. 

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo Campuchia

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp vừa phối hợp BV Thái Hòa tổ chức đoàn y, bác sĩ đến thị xã Pur Sát và Biển Hồ (huyện Krakor) thuộc tỉnh Pur Sát, Vương quốc Campuchia khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 1.100 người nghèo Campuchia và kiều bào Việt Nam. Hoạt động của đoàn thiện nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với ngành y tế Campuchia, được chính quyền và người dân Campuchia hết sức cảm kích; hoạt động ý nghĩa này không chỉ giúp đỡ những bệnh nhân nghèo chăm sóc sức khỏe tốt hơn, mà còn góp phần vun đắp, gắn kết bền chặt tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia, cũng như 2 tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Pur Sát.

Chuẩn chức năng, nhiệm vụ trạm y tế xã

Cuối tháng 10-2015 vừa qua, Bộ Y tế ra Thông tư số 33/2015/TT-BYT “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn”, thay thế Thông tư số 08/TT-LB, ngày 20/4/1995 của Liên bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và xã hội - Ban Tổ chức Chính phủ (cũ). Theo đó, tại Điều 1 của Thông tư này, Trạm Y tế được quy định “Có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn” và “Có trụ sở riêng, con dấu để giao dịch và phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ”. Trong gần 10 nhiệm vụ được quy định tại đây, trạm y tế có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật trong các lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ sinh sản... Với thông tư này, vị trí, vai trò các trạm y tế ngày càng được khẳng định không thể thiếu được trong mạng lưới y tế cộng đồng. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, cơ sở y tế này đã và đang là địa chỉ tin cậy và thiết yếu cho hơn 12 nghìn hộ dân xã Cẩm Dương. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cũng như đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở đây từng bước được đầu tư, huy động. Chính vì vậy, Trạm xá Cẩm Dương trở thành một trong gần 80% của 226 trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn quốc gia. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để đưa xã nghèo thành  xã nông thôn mới. Hiện nay, cơ sở y tế này đang được giao quản lý hơn 3.000 thẻ BHYT trong dân và đó là một trong những nguồn thu đáng kể từ 3-4 triệu đồng/tháng, cải thiện chi phí, thu nhập cho cán bộ, nhân viên ở đây. Trong thời gian tới đây, theo ông Hương, nhờ có thông tư này, Trạm sẽ có điều kiện đầu tư, hợp tác cũng như xã hội hoá để mở rộng mạng lưới quản lý đối tượng người có thẻ BHYT này. Hiện nay 100% người dân ở đây có thẻ BHYT do được chính quyền và các tổ chức cá nhân hỗ trợ. Tuy vậy, về lâu dài, những khoản hỗ trợ này không phải sẽ được duy trì thường xuyên mà mỗi người dân cần ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ, quyền lợi của mình tham gia đóng BHYT.    

Ghép tế bào gốc cho cặp song sinh 5 tuổi bị suy tuỷ xương giai đoạn cuối

Ngày 3/11, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, các bác sĩ ở đây vừa thực hiện ca ghép tế bào gốc bằng tế bào gốc máu dây rốn từ ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng cho cặp song sinh 5 tuổi Nguyễn Yến Ph. và Nguyễn Hải Ph. (quê ở Bắc Ninh) bị suy tủy xương giai đoạn cuối. Trước đó, cặp song sinh này được chẩn đoán là bị suy tủy xương bẩm sinh, điều trị ở BV Nhi Trung ương đến năm 2 tuổi thì chuyển sang khoa Nhi - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều trị tiếp được 3 năm. Sau khi rà soát ngân hàng tế bào gốc dây rốn cộng đồng, các bác sĩ đã tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp với 2 bệnh nhi. Ngày 30/10 vừa qua, cặp song sinh đã được các bác sĩ tiến hành truyền tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn cộng đồng. Đây là 2 ca ghép vô cùng phức tạp. Hiên tại bệnh nhi vẫn đang được theo dõi chặt chẽ. Để đánh giá ca ghép tủy có thành công hay không phải đợi khoảng 3 tháng nữa.

Sài Gòn giải phóng

Siết quảng cáo thực phẩm chức năng

Với quyết tâm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN), trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kết hợp cùng các đơn vị liên quan liên tiếp xử phạt nhiều đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi thị trường có hơn 10.000 sản phẩm TPCN các loại và nhiều cách thức quảng cáo cũng rất tinh vi. Chưa kể, đã không ít cơ sở bị xử phạt nhưng vẫn… tiếp tục sai phạm!

Lờn thuốc!

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong tháng 10-2015,  đơn vị này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt trên 751 triệu đồng. Cùng với đó là đã thu hồi hiệu lực 19 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hầu hết các công ty vi phạm đều liên quan đến TPCN với các hành vi như quảng cáo sai phép, ghi sai nhãn hàng hóa, quảng cáo thổi phồng công dụng… Trong tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH SXTM và DV Tinh Tấn (quận Tân Bình, TPHCM) đã bị cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản xử lý hành vi nhập khẩu, bán ra thị trường lô sản phẩm TPCN viên Happygra có chứa chất Sildenafil (một hoạt chất có trong thuốc điều trị rối loạn cương dương) và kinh doanh lô sản phẩm này vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Một trường hợp khác là Công ty TNHH TM Lê Huyền Trang (Long Biên, Hà Nội), với việc quảng cáo các sản phẩm TPCN mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo và bán sản phẩm TPCN viên nang Vita G2, Omega 3 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, đơn vị này cũng vừa bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt gần 34 triệu đồng… “Điều đáng nói, có những cơ sở cùng một lúc có tới 2 - 3 hành vi vi phạm, thậm chí có trường hợp tái phạm nhiều lần”, một chuyên gia Bộ Y tế cho biết. Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường (210 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) cùng lúc có 3 hành vi vi phạm: Không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định; quảng cáo TPCN mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; sản xuất TPCN khi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực. Trước đó, Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường cũng đã từng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt do thực hiện quảng cáo sản phẩm TPCN Uy Linh Phong và Cường lực Hồi xuân trên website baothanhduong.com.vn với nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 216 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt 4 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đa số các hành vi vi phạm là về quảng cáo TPCN với 169 cơ sở vi phạm; ngoài ra là các vi phạm khác như ghi nhãn, chưa xác nhận công bố, điều kiện bảo quản…

Quyết liệt xử lý

Thực tế, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm quảng cáo TPCN ngày càng phổ biến, phức tạp trên các phương tiện truyền thông, phương tiện mạng xã hội và các trang tin điện tử. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn cả sức khỏe của họ nếu mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, gần đây bộ này cũng đã ráo riết kiểm tra, xử phạt một số đơn vị vi phạm, như đã xử phạt Báo Sức khỏe cộng đồng do quảng cáo sản phẩm TPCN Yuca TD không phù hợp nội dung được cơ quan thẩm quyền xác nhận; phạt Báo Đời sống và Pháp luật do quảng cáo TPCN An Thụy Khang không đúng nội dung đã được phê duyệt. Trước thực trạng trên, nhằm chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” trong quảng cáo TPCN, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8742 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Khoa học - Công nghệ, Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định. “Mục tiêu là quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh TPCN đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng”, chỉ đạo của Phó Thủ tướng nêu rõ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN không đúng quy định của pháp luật. Các quyết định xử phạt này sẽ được công khai trên những phương tiện truyền thông đại chúng để người dân, xã hội nắm bắt được thông tin… Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc siết chặt quảng cáo TPCN đã triển khai từ các năm qua, nhưng hiện nay đang siết chặt hơn nhằm bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người dân. Bộ Y tế cũng đã có Thông tư 09/2015/TT-BYT có hiệu lực từ tháng 7 vừa qua quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Trong đó, tại Điều 7 quy định điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm (gồm cả TPCN - PV) là phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền cấp… Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết cục đã, đang và tiếp tục cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo nếu cơ sở tái phạm hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng; thực hiện công bố công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh…

Liên tiếp phản ứng sau tiêm "5 trong 1" Quinvaxem: Còn lâu mới có vaccine dịch vụ!?

16 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine "5 trong1" Quinvaxem trong đó có 8 ca tử vong, đặc biệt trong vòng 1 tuần qua đã xảy ra 2 trường hợp tử vong sau khi loại vaccine này. Thực tế này đã khiến những gia đình có trẻ nhỏ rất lo lắng và mong muốn được tiêm vaccine dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infanxix thay thế Quinvaxem dù chi phí cao. Tuy nhiên đại diện Bộ Y tế cho biết hiện nay cả 2 loại vaccine dịch này đều rất khan hiếm...

Muốn nhập cũng không được

Cục YTDP cho biết, từ nay tới cuối năm 2015 sẽ khó có thể có vaccine dịch vụ và cả sang năm 2016 cũng chưa biết được chúng ta có được là bao nhiêu liều, vì thế 2 loại vaccine dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infanxix sẽ vẫn còn rất khan hiếm trong thời gian tới. "Không phải vì Bộ Y tế không cho các công ty nhập khẩu vaccine dịch vụ để phục vụ nhu cầu người dân mà chính là việc các hãng sản xuất vaccine của nước ngoài không có vaccine để cung cấp cho chúng ta". Để làm rõ hơn việc khan hiếm 2 loại vaccine dịch vụ trên, đại diện Bộ Y tế cho biết, tại Singapore và một số quốc gia phát triển vẫn có đủ vaccine dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infanxix là do họ có kế hoạch đặt hàng và với số lượng lớn từ nhiều năm trước đó. Bình thường, muốn có vaccine phải đặt hàng 2-3 năm. Trong khi đó, các công ty nhập khẩu của Việt Nam thường mua theo lô lẻ, số lượng không nhiều nên các hãng sản xuất luôn ưu tiên đơn hàng lớn và đặt hàng dài hạn. "Việt Nam giờ muốn nhập cũng không được vì họ không đủ nguồn vaccine. Ngoài ra các vaccine dịch vụ khác như: thủy đậu, sởi, viêm não mô cầu... cũng trong tình trạng khan hiếm như 2 loại vaccine "5 trong 1" và "6 trong 1", khó đáp ứng nhu cầu của người dân.". Tuy nhiên dù vaccine dịch vụ đang rất khan hiếm, Bộ Y tế luôn kiên quyết nghiêm cấm việc tiêm vaccine dịch vụ tại nhà, cũng như việc nâng giá vaccine.

Nguy cơ tử vong tương đương nhau

Trước tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ và nỗi lo lắng của những gia đình có trẻ nhỏ về nguy cơ phản ứng, tai biến sau khi tiêm vaccine "5 trong 1" Quinvaxem miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thực tế bất kỳ loại vaccine nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định sau tiêm, trong đó kể cả dẫn đến tử vong. Ngay như vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào Quinvaxem và vaccine có thành phần ho gà vô bào (vaccine dịch vụ), WHO cũng chỉ rõ, tỷ lệ phản ứng nhẹ của vaccine vô bào là thấp hơn, nhưng còn phản ứng nặng và tử vong là tương đương giữa 2 loại vaccine. Tính từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước đã ghi nhận 16 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem được báo cáo, trong đó 8 ca tử vong. Tuy nhiên, khi Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem đã làm rõ có 7 trường hợp là trùng hợp ngẫu nhiên, một trường hợp sốc phản vệ. "Trẻ tử vong sau tiêm vaccine có thể do trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ. Nguyên nhân thứ hai có thể do vaccine gây nên, thứ ba là có thể do thực hành tiêm chủng và thứ tư là do chính cơ địa của cháu bé. Cùng lô vaccine, cùng loại vaccine tiêm 10 cháu khác không sao nhưng cũng có thể có một cháu bị phản ứng...". Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam là 4,5 ca/1 triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca phản ứng/1 triệu liều sử dụng. Do tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem ở nước ta vẫn nằm trong khuyến cáo cho phép của WHO nên loại vaccine này vẫn được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì nếu không tiêm vaccine thì khi dịch bệnh bùng phát nguy cơ tử vong của trẻ sẽ rất lớn. "Như bài học qua vụ dịch sởi năm năm 2014, hay gần đây là bệnh ho gà, bạch hầu tái bùng phát... qua giám sát cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm vaccine, hoặc tiêm vaccin phòng bệnh không đầy đủ. Vì thế, việc chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ sẽ rất nguy hiểm, trẻ có thể bị mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này. Người dân cần phải thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng. Các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn....”.

Người mắc sốt xuất huyết giảm nhưng dịch vẫn phức tạp

Ngày 4-11, Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch sốt xuất huyết trong cả nước đã có xu hướng giảm số người mắc, nhưng tại khu vực phía Nam vẫn căng thẳng, phải hết mùa mưa số người mắc mới sốt xuất huyết mới giảm. Từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước đã ghi nhận hơn 53.000 người bị sốt xuất huyết tại 54/63 tỉnh thành, đặc biệt đã có 34 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Theo Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết là dịch bệnh lưu hành quanh năm ở nước ta, mỗi năm cả nước có từ 50.000 - 100.000 ca mắc. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và so với những năm trước thì số mắc và tử vong do sốt xuất huyết hiện nay ở nước ta ở mức thấp. Dự báo dịch còn kéo dài thời gian nữa, có thể diễn biến phức tạp do thời tiết thay đổi, đặc biệt là do hiện tượng El Nino. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tuần qua, toàn thành phố có hơn 770 ca sốt xuất huyết nhập viện. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay toàn thành phố có hơn 13.800 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Không chỉ tập trung tại một số điểm dịch như những năm trước, năm nay sốt xuất huyết đang có xu hướng lan ra hầu khắp tất cả các quận huyện tại TPHCM.

Dân trí

Đề xuất tính luôn tiền ăn vào bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

“Nên nghiên cứu đưa cấu phần dinh dưỡng vào lộ trìnhtăng viện phí trong thời gian tới” – đây là một trong những ý kiến đề xuất của PGS-TSLương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế tại hội thảoNâng cao chất lượng quản lý công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện doTrung tâm dinh dưỡng-Sở Y tế TP.HCM tổ chức ngày 3-11. Theo PGS – TS Khuê cho rằng nếu cứ nghĩ tăng viện phí là khổ cho người nghèo là không phải, nếu chúng ta điều chỉnh giá viện phí đưa vào BHYT thì người nghèo sẽ là bộ phận được hưởng 100% quyền lợi từ BHYT. Hiện nay thực trạng hoạt động khoa dinh dưỡng - tiết chế (DD-TC) tại các bệnh viện còn thấp, nhân lực làm công tác DD-TC ít, một số BV chưa quan tâm đến vai trò DD-TC trong điều trị. Bên cạnh đó hiểu biết và nhận thức của người dân về DD-TC chưa cao khiến hiệu quả của DD-TC trong bệnh viện chưa được phát huy đúng mức. DD-TC đang nắm một vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe của bệnh nhân. Nếu được quan tâm hợp lý về DD-TC quá trình hồi phục và tiến triển của người bệnh sẽ đi theo hướng tốt hơn. “Vì vậy nên đề xuất thanh toán BHYT cho chế độ ăn của bệnh nhân, tức thành phần dinh dưỡng của mỗi bữa ăn, được các bác sĩ thiết kế các thành phần DD-TC phù hợp khác nhau, và toàn bộ các chi phí ăn uống, chế độ chăm sóc được tính vào bảo hiểm y tế cho bệnh nhân”.

Trốn" chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân “mọc thêm đầu” trên mặt

Hơn hai tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân trở lại bệnh viện với một khối bướu to như chiếc đầu thứ hai mọc trên mặt. Bác sĩ nhận định, tình trạng phì đại của tế bào ung thư ác tính xảy ra là do bệnh nhân không tuân thủ chỉ định điều trị. Ca bệnh thương tâm trên là trường hợp của bà Trần Thị Đông (52 tuổi, ngụ tại Bến Tre). Chiều 2/11, các bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy đã không khỏi ngỡ ngàng khi ca bệnh đã được phẫu thuật thành công trước đó, quay lại bệnh viện với một khối thịt lớn như quả dừa mọc ra từ hốc mắt. Khối thịt có biểu hiện bị hoại tử, bốc mùi hôi thối. BS Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai mũi họng, cho biết: “Đây là trường hợp đã được bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức phối hợp liên chuyên khoa thực hiện cuộc phẫu thuật rất phức tạp vào ngày 20/8/2015. Trước đó, bà Đông được bệnh viện địa phương chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng trên mặt có một khối bướu lớn, diện tích 8x10cm”. Khai thác bệnh sử từ người nhà ghi nhận, khối bướu đã xuất hiện trên mặt bệnh nhân hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, do kinh tế quá khó khăn nên bà Đông không chữa trị. Đến tháng 6/2015, khối bướu phát triển nhanh khiến bệnh nhân bị tịt hoàn toàn hai lỗ mũi kèm theo đau đớn. Trước cảnh bà Đông chỉ ngồi thở bằng đường miệng, chờ ngày kết thúc của số phận, người dân đã quyên góp tiền để bà đến bệnh viện. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả kiểm tra hình ảnh ghi nhận, khối bướu đã xâm lấn, gây mù hoàn toàn mắt phải, ăn thủng xương sàn sọ và màng cứng, tấn công vào mô não. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Tai mũi họng, Ngoại thần kinh, Mắt, Gây mê hồi sức, các bác sĩ đã thống nhất hội chẩn với chẩn đoán bệnh nhân bị u dây thần kinh. Trước nguy cơ khối u xâm lấn lên não sẽ khiến bệnh nhân tử vong bất kỳ lúc nào, nhờ sự hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân từ phòng Công tác Xã hội, các bác sĩ thuộc hai chuyên khoa Tai mũi họng và Ngoại thần kinh đã phối hợp thực hiện cuộc mổ với hy vọng giữ được sinh mạng của người bệnh. Ca mổ đối mặt với nhiều rủi ro, do vùng u xâm lấn có sự tập trung của hệ thần kinh thị giác, khứu giác, khối u xâm lấn lên não... có thể khiến bệnh nhân bị liệt nửa người hoặc tử vong ngay trên bàn mổ. Sau hơn 6 tiếng phẫu thuật, ê kíp đã mở hộp sọ hai bên, lấy được toàn bộ u ở hốc mắt, hốc mũi đồng thời vá màng cứng, đặt lưới titanium lót sàn sọ để tránh nguy cơ bị vi khuẩn theo đường mũi tấn công lên não,… Sau phẫu thuật, kết quả giải phẫu bệnh phẩm chỉ ra, người bệnh đã gặp phải dạng u xương ác tính (Sarcoma) hiếm gặp. TS Nguyễn Ngọc Khang, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh giải thích: “Loại bệnh này trong y văn thế giới mới chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều năm mới tiếp nhận một ca. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa rõ”. Gần 20 ngày sau phẫu thuật, nhờ được hồi sức và chăm sóc tích cực, sức khỏe người bệnh bình phục, các bác sĩ quyết định cho xuất viện. Xác định, bệnh nhân gặp phải dạng u ác tính nên bác sĩ đã chỉ định khám tại khoa Ung bướu để bước tiếp vào quá trình hóa trị, xạ trị tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, bà Đông đã không trở lại bệnh viện điều trị theo lịch hẹn. Chiều 2/11, ông Thạch Văn Quý (53 tuổi) đưa vợ trở lại bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng, hốc mắt phải của bà Đông lồi ra một khối thịt lớn như chiếc đầu thứ hai mọc trên mặt. Lớp băng gạc mỏng che phủ bên ngoài đẫm máu mủ, hoại tử bốc mùi hôi thối. Trong nỗi lo lắng cho tình trạng của vợ, ông Quý ngậm ngùi: “Vợ chồng tôi cứ tưởng mổ xong là hết bệnh, không ngờ hơn một tuần trước, hốc mắt bên phải đã được mổ bắt đầu sưng lớn, liên tục chảy máu, chảy mủ. Chẳng còn tiền nên tôi cứ chần chừ chờ cho lui bệnh, không ngờ nó ngày càng nặng thêm.” Ngay sau khi hay tin bệnh nhân trở lại bệnh viện trong tình trạng xấu, đã tiến hành thăm khám lâm sàng và nhận định: “Sau khi phẫu thuật bóc khối u thì toàn bộ hốc mắt, hốc mũi của người bệnh gần như trống rỗng. Việc bệnh nhân không tuân thủ chỉ định hóa trị, xạ trị đã tạo điều kiện cho tế bài ung thư ác tính phát triển nhanh, dẫn đến tình trạng phì đại mô thịt qua hốc mắt. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện tình trạng của người bệnh để tìm hướng xử lý tiếp theo”. Trường hợp của bà Đông sau khi được phẫu thuật bóc tách khối u, các bác sĩ đều tin tưởng vào chất lượng sống tốt đẹp hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn và sự thiếu hiều biết, người bệnh đã vô tình gây họa cho mình. Qua trường hợp trên bác sĩ khuyến cáo, dù là bệnh nhẹ hay bệnh nặng, việc điều trị đều phải tuân thủ quy trình thì mới mang lại kết quả tốt. Người bệnh không nên làm sai hoặc chống chỉ định của bác sĩ với bất kỳ lý do gì.

Ẩn hoạ từ những trái cây "chín vàng" nhờ hoá chất

 Trình bày là một phần quan trọng trong ẩm thực. Với rau, củ, quả màu sắc vô cùng quan trọng, trái chín vàng ươm, đỏ mọng tạo cảm quan ngon miệng qua cái nhìn đầu tiên. Nhưng hiện nay, quá nhiều trái cây được cho chín “ép”, chín “sượng” bằng hóa chất, đã thật sự là một vấn nạn, bất an cho xã hội .

Ủ chum, bã đất đèn và hơi etylen

Trước đây, bà con nông dân thường cho ủ chum kín có xông nhang cho hết oxy, dùng đất đèn để “giấm chín” trái cây. Vì tác dụng kém và không đồng đều, độc hại và dễ cháy nổ nên sau này ít ai dùng nữa. Sau đó, etylen được đưa vào ứng dụng. Trên thế giới, từ lâu etylen đã được sử dụng trong trồng trọt để đẩy nhanh quá trình nẩy mầm, ra rễ, chín quả, gây rụng lá nhân tạo, kích thích tiết nhiều mủ cao su… Vì ethylen là một chất khí nên việc sử dụng thường khó khăn, do đó, trong sản xuất nông nghiệp, người ta thường sử dụng các chất tổng hợp có tác dụng tương tự ethylen là ethephon (ethrel, bromeflor, arvest, vinylchlorid …). Ethephon hòa tan trong nước, ít độc với người, gia súc, o­ng, tôm cá, (liều chết LD 50 với chuột cống= 7g/kg). Khi phun vào cây, quả, ethephon bị nước có trong tế bào phân hủy thành etylen.

Chất kích thích tăng trưởng, IAA, 2.4 D, 2,4,5 T

Chất kích thích tăng trưởng, auxin, bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp – auxein, có nghĩa là tăng trưởng.Trong số các chất tiêu biểu, phải kể đến axit β - indolylaxetic (IAA), axit α – naphtylaxetic. Người ta đã tổng hợp được auxin để sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp: NAA (axit naphtylaxetic) được dùng như hocmon ra rễ và nảy mầm; axit 2,4-diclophenoxiaxetic (2,4-D), axit 2,4,5-triclophenoxiaxetic (2,4,5-T) có tác dụng kích thích tăng trưởng ở nồng độ phần triệu (ppm). Vì 2,4 D và 2,4,5 T với nồng độ cao lại có tác dụng diệt cây cỏ, nên chúng được sản xuất ở quy mô công nghiệp dùng làm chất diệt cỏ phát quang rừng rậm. Trong quá trình sản xuất thuốc diệt cỏ (2,4-D và 2,4,5-T) này luôn luôn  tạo ra một lượng nhỏ tạp chất dioxin. Dioxin là chất độc, nồng độ phần tỷ (ppb) cũng đủ gây ra ung thư, quái thai, dị tật….

Gây độc là do cách sử dụng

Theo tài liệu khoa học nông nghiệp, những hóc môn thực vật, chất kích thích tăng trưởng, đã được con người sử dụng rất lâu trong canh tác, chế biến nông sản thực phẩm như cho đâm chồi, mọc rễ, ra hoa, kết trái… Với những chất làm chín, nếu được sử dụng đúng quy trình chắc chắn sẽ cho ta những món ăn bắt mắt, hấp dẫn, ngon và an toàn. Nhưng, vì những lợi ích nhất thời, như có sản vật trái vụ, cho chín ép để kịp xuất hàng.v.v… những nhà sản xuất, thương lái đã sử dụng không đúng quy cách, sai liều chỉ dẫn khiến thực phẩm trở thành chất độc gây hai cho người. Đặc biệt với 2.4 D và 2,4,5 T là những chất chỉ được dùng để trộn vào phân bón với liều cực thấp, chứ không dùng liều cao lại ngâm trực tiếp trái cây vào để thúc chín như một số gian thương thực hiện.

Đôi điều bàn luận

Trình bày là một phần quan trọng trong ẩm thực. Riêng rau quả, màu sắc vô cùng quan trọng, trái chín vàng ươm đỏ mọng tạo cảm quan ngon miệng qua cái nhìn đầu tiên. Nhưng hiện nay, quá nhiều trái cây được cho chín “ép”, chín “sượng” bằng hóa chất là một vấn nạn. Dù cũng có những hướng dẫn cách nhận biết củ quả tốt xấu, nhưng đây là những nhận xét cảm quan nhiều hơn là chứng cứ khoa học, Người tiêu dùng cần lưu ý hai điều: một là sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hai là hạn chế tối đa chất độc trong thực phẩm bằng cách rửa nhiều nước các loại trái cây hay rau củ để loại bỏ hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng trước khi đem chế biến, sử dụng. Với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cục VSATTP phải tích cực kiểm tra và quyết liệt xử lý những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Cần Thơ: Cứu sống sản phụ bị biến chứng tiền sản giật

Dân trí Ngày 3/11, nguồn tin từ BV Phụ sản Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa cấp cứu thành công cứu sống hai mẹ con sản phụ bị hội chứng HELLP (thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu) - một biến chứng rất nặng của bệnh lý tiền sản giật. Cụ thể, ngày 22/10/2015, sản phụ Lâm Thị Bé Đ., 22 tuổi, mang thai lần đầu, con so 38 tuần, nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, có rối loạn tri giác, vàng da niêm mạc, rối loạn đông máu, suy thận, suy thai cấp. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, chẩn đoán, tư vấn cho bệnh nhân, đồng thời hồi sức tích cực và mổ lấy thai. Bé gái sinh ra khỏe mạnh, khóc tốt, cân nặng 3.200g. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã được cho thở máy và truyền 24 đơn vị máu bao gồm 12 đơn vị hồng cầu lắng, 4 đơn vị tiểu cầu, 6 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 2 đơn vị máu toàn phần. Hiện tại, sức khỏe sản đang hồi phục và đang được theo dõi. Đây là trường hợp sản phụ bị hội chứng HELLP - một biến chứng rất nặng của bệnh lý tiền sản giật. Hội chứng HELLP xảy ra với tần suất khoảng 0.,5 - 0,9% tổng số thai phụ và chiếm 10 - 20% các trường hợp tiền sản giật. Đây là trường hợp thứ 2 được chuyển lên từ Bệnh viện Bạc Liêu và được cấp cứu thành công. Bác sĩ Dự cũng khuyến cáo, trong thời gian mang thai các sản phụ cần thường xuyên đến các cơ sở y tế khám thai định kỳ để phát hiện nguy cơ của các bệnh nguy hiểm. Đồng thời, các bệnh viện tuyến dưới nếu phát hiện được các trường hợp bệnh nặng, vượt quá khả năng cần nhanh chóng kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân được hiệu quả.

Vụ sản phụ tử vong ở Cà Mau: Giấy chứng sinh sai thời gian!

Dân trí Ngày 3/11, anh Cao Văn Tư (chồng chị Cao Thị Liêu- sản phụ tử vong trên bàn sinh vào ngày 21/9 vừa qua) cho biết, anh và người nhà đã trả lại giấy chứng sinh của bé gái con anh cho Trạm Y tế xã An Xuyên vì nghi giấy chứng sinh “có vấn đề”. Cụ thể, theo anh Cao Văn Tư và gia đình thì bé gái sơ sinh con anh lọt lòng mẹ vào lúc 9h ngày 21/9, nhưng trong giấy chứng sinh của Trạm Y tế xã An Xuyên lại ghi con anh sinh vào lúc 10h ngày 21/9. Người nhà anh Tư nhận định, có thể Trạm Y tế muốn lùi giờ sinh của con anh để “đảo lộn” sự thật về nguyên nhân tử vong của vợ anh là sản phụ Cao Thị Liêu. “Sau khi làm lễ mai táng cho vợ tôi xong và đưa con gái sơ sinh về nhà, gia đình tôi đã nhiều lần đến Trạm Y tế xin giấy chứng sinh để làm giấy khai sinh thì lãnh đạo Trạm Y tế cứ viện hết lý do này đến lý do khác không chịu cấp giấy chứng sinh cho con tôi. Đến ngày 30/10 vừa rồi, Trạm Y tế kêu tôi ra lấy giấy chứng sinh thì phát hiện trong giấy ghi bé sinh lúc 10h. Thấy ghi sai thời gian, tôi yêu cầu sửa lại cho đúng thì lãnh đạo Trạm Y tế không chịu sửa nên tôi nghi có vấn đề gì đó mờ ám và đã trả lại giấy”, anh Tư trình bày lại sự việc. Như Dân trí đã thông tin, khoảng 5h30 sáng ngày 21/9, chị Cao Thị Liêu được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã An Xuyên thăm khám, chờ sinh. Đến khoảng 9h cùng ngày, sản phụ Liêu sinh bé gái nặng 3,2kg. Sau khi sinh, sản phụ vẫn cười nói bình thường nhưng đến khi nữ hộ sinh tên Anh Kim đến lấy nhau thai thì chị Liêu bất ngờ chảy máu nhiều, không cầm được và đã tử vong ngay trên bàn sinh. Người nhà sản phụ cho rằng, do cán bộ nhân viên Trạm Y tế đã tắc trách nên mới dẫn đến cái chết của sản phụ Liêu. Trao đổi với phóng viên vào ngày 3/11, anh Cao Văn Tư thông tin, đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo kết luận về cái chết của vợ anh.

Đột nhập xưởng sản xuất bim bim “bẩn” công nghệ Trung Quốc

Công nghệ Trung Quốc, nguyên liệu Trung Quốc và cả người Trung Quốc trực tiếp điều hành xưởng bim bim quy mô lớn ngay ngoại thành Hà Nội gây lo ngại về VSATTP.

“Ai ăn cái của nợ này làm gì”

Ngay đầu con đường đi vào KCN Cầu Gáo (huyện Đan Phượng, Hà Nội), một cột khói đen xì tỏa ra làn hương liệu ngây ngấy, hăng hắc. “Bim bim Trung Quốc đấy, xưởng ở gần cuối đường. Quản lý, công nhân người Trung Quốc vẫn ra đây uống nước lúc giải lao. Ban đầu, khi xưởng mới về đây, thấy mùi bim bim, người lớn, trẻ con đua nhau hít ngửi nhưng rồi càng ngày càng thấy ngấy, nhất là buổi trưa oi nắng thì đau đầu phải biết”, chị Hoa, chủ quán nước đầu KCN nói. Theo lời chị Hoa, xưởng bim bim đã có mấy năm nay, dân quanh vùng hễ nông nhàn là lại xin vào làm ở xưởng. “Người ở thì ít, người đi thì nhiều. Cực chẳng đã, không tìm được việc khác mới phải đi làm bim bim”, chị Hoa nói. Không biển hiệu, cổng đóng kín mít, duy nhất chỉ có số điện thoại liên hệ in trên tấm băng rôn tuyển lao động là cầu nối với xưởng. Không đắn đo, tôi bấm điện thoại xin vào làm việc. Đầu kia, giọng một người phụ nữ: “Đang tuyển lao động làm bim bim, nhưng xưởng này đủ người rồi, chị qua xưởng mới tại KCN thị trấn làm nhé. Không có biển tên gì đâu, cứ đi thẳng vào, nói là cô Thủy giới thiệu”. Xưởng tại KCN thị trấn Phùng nằm cách xưởng chính khoảng 2km. Trái ngược với bên ngoài có vẻ tạm bợ bằng những miếng tôn ráp lại, xưởng bim bim bên trong có quy mô hoành tráng hàng trăm mét vuông với gần trăm công nhân, đa phần đều là nữ tất bật làm việc. Đang loay hoay không biết di chuyển như thế nào trên nền nhà ướt nhẹp, dính nhép thì một chị công nhân nói: “Thay dép ra, đi đôi dép màu xanh ấy”. “Vậy là cũng có khâu khử trùng đấy”, ý nghĩ đó vừa lóe lên trong tôi, ngay lập tức bị dập tắt khi cùng lúc hai công nhân vô tư đi đôi dép xanh thẳng ra khu vệ sinh ngay sát cửa xưởng. Đặt chân vào đôi dép dinh dính nhớp nháp, tôi bước vào khu xưởng chính. Nơi đây được ngăn cách thành hai khu riêng biệt: Bên ngoài là đóng gói dán mác, bên trong là khu máy sản xuất. Ngay đầu xưởng, dãy thùng sản phẩm chất cao đầy một gian nhà. Trên đó ghi tên: Công ty TNHH Vela Việt Nam: Hương Bò Béo. Bất ngờ, một nhân viên xuất hiện, dò xét: “Gặp ai?”. Khi nghe tôi nói tới xin việc, nhân viên quản lý khá trẻ tên Y. bước ra nhìn tôi chốc lát rồi bảo: “Về đi, sáng mai 6h, chậm nhất là 6h30 đến, sẽ có người giao việc”. “Làm việc gì?”, tôi hỏi lại.“Đóng gói bim bim”. Nói rồi, Y. chỉ sang bàn bên cạnh: “Đây là hàng dài, mai sẽ làm hàng xiên”. Khi hỏi có cần giấy tờ gì không, Y. lắc đầu, ghi lại số điện thoại và cho tôi một mã số: “Chị phải nhớ mã số này để tính công hàng ngày”. Lấy cớ học việc, tôi nán lại bàn bên cạnh với bốn nữ công nhân, bịt khẩu trang kín mít, đang thoăn thoắt xếp những thanh dài nửa gang như chiếc nem chua rán song lại được tẩm ướp màu đỏ bắt mắt. Cầm thử một  thanh lên, bóp lại nước mỡ và hương liệu phòi ra, vừa xốp vừa dai, tôi hỏi: “Cái này ăn ngon không các chị?”. Nghe tôi hỏi, cả bốn người cùng ngước mắt lên nhìn ngạc nhiên: “Ai ăn cái của nợ này làm gì! Nhưng mà thấy bảo bọn trẻ con thích lắm vì nó cay cay ngọt ngọt”, một chị cất tiếng trả lời. Khi hỏi về thu nhập, một chị nói: “Nhìn thế này thôi nhưng không dễ xơi đâu. Xếp 100 hộp, mỗi hộp 60 thanh mới được 35 nghìn. Mai làm hàng xiên thì tính theo cân que. Mới học việc thì ngày cũng chỉ được vài ba chục thôi. Liệu sức chọn việc khác mà làm cho đỡ phí”.

Chỉ ngửi mùi cũng đã đau đầu

Dù chưa đến 7h tôi đã có mặt song cả xưởng đã ai vào việc nấy, tất bật tranh nhau làm như sợ “mất hàng”. Trên những dãy bàn, hàng đống bim bim cao ngang mặt người ngồi. Thi thoảng, lại có tiếng thúc: “Làm nhanh tay lên”. Được biết, mùa làm bim bim cao điểm từ tháng 9 tới tháng 2 năm sau. Đây cũng là thời điểm xưởng làm hết công suất, liên tục tuyển lao động cho kịp “tiến độ”. Vừa thấy tôi, Y. tỏ vẻ không hài lòng vì đến muộn. Sau đó, cô gọi nhân viên tên L. ra hướng dẫn tôi. Theo chân L. đi lấy đồ, tôi có dịp quan sát kho chứa đồ. Tất cả nguyên liệu từ bột, hương liệu tới cả những bó tăm xiên đều dán mác chữ Trung Quốc. Giữa tiếng máy chạy ầm ầm xen hệ thống quạt gió bật hết công suất, cái mùi hương liệu ngây ngấy đậm đặc xộc thẳng vào mũi, khiến tôi có cảm giác ngột ngạt đến tức ngực. Cân đủ 2 kg tăm xiên đưa cho tôi, L. nói, hôm nay làm hàng xiên, mỗi kg que xiên sẽ được trả 50 nghìn đồng. Nói là vậy, tính ra mỗi cân có hàng nghìn chiếc. Thấy tôi tỏ vẻ khó chịu với mùi bim bim, L. động viên: “Em là người mới, phải cố lên, ai cũng phải mất mấy ngày đầu mới quen được. Trước đây chị mới làm buồn nôn, đau đầu, đã tính xin nghỉ rồi nhưng vì không tìm được việc khác đành quay trở lại!”. L. cho biết, hầu hết lao động ở đây đều làm thời vụ theo tháng, rất ít người gắn bó được một năm trở lên. Hướng dẫn tôi, L nói: “Mỗi xiên phải đúng 7 viên, thừa hay thiếu đều không được tính. Làm nhanh nhưng phải cẩn thận kẻo chọc vào tay, hôm trước có người không may đâm thủng lòng bàn tay, phải đi mổ mất tiền triệu”. Khi làm việc, tất cả nhân viên được yêu cầu phải đi găng tay. Tuy nhiên, những viên bim bim trơn, que xiên nhọn nên để giảm độ ma sát, mỗi góc bàn lại được “bố trí” búi giẻ lau đen sì nhánh mỡ để công nhân lau chùi... Làm tới gần trưa, găng tay của tôi nát bươm, mỡ, hương liệu ngấm vào da tay gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Đầu ngón tay cầm xiên đã bắt đầu tê cứng. Thấy vậy, chị H. ngồi bên cạnh mách nước: “Làm hàng xiên phải biết cách phòng thân, đi thêm găng tay len vải vào, quấn thêm rẻ ở các đầu ngón tay nữa”. Trong lúc làm, thi thoảng lại có người nhỡ tay đánh rơi bim bim xuống đất, rồi lại nhặt lên xếp ngay ngắn vào giá. Tới lượt mình đánh rơi, tôi toan vứt đi, người làm cùng nhắc: “Đừng vứt bỏ, chủ nói đấy, trừ khi hàng bị cháy, lỗi thì gom vào một chỗ, cuối giờ chiều có người đi thu về để bán lại đấy”. Đang làm, bỗng có hai thanh niên khiêng xô nguyên liệu lặc lè đi vào khu sản xuất, H. chỉ, người Trung Quốc đấy: “Chỉ có người Trung Quốc, người làm tin cậy mới được vào khu chế biến”. Theo đó, chỉ trừ khi nhập nguyên liệu, chuyên gia Trung Quốc rất ít khi lộ mặt ra ngoài. Giờ nghỉ, lấy cớ uống nước, tôi tiến vào khu máy sản xuất thì có tiếng gọi thất thanh: “Làm gì đấy, công nhân thường không được vào khu này, bị phạt đấy”. Vậy là kế hoạch thâm nhập khâu sản xuất của tôi dường như thất bại.

Choáng với dịch vụ bơm 20 phút, ngực nở trong… một ngày

Dịch vụ bơm ngực kiểu “mì ăn liền” này đã xuất hiện tại Nhật Bản từ năm 2012. Theo đó, người có nhu cầu bơm ngực sẽ được tiêm một loại dung dịch (có thành phần gần giống dịch cơ thể) vào ngực và dung dịch ấy sẽ giúp làm căng phồng vòng một trong vòng 24 giờ. Một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ ở Tokyo đã cho ra mắt dịch vụ bơm ngực trong ngày có tên Cinderella (Cô bé Lọ Lem). Giống như câu truyện cổ tích về nàng Lọ Lem trở thành công chúa chỉ trong một đêm và trở về làm thường dân khi đồng hồ điểm 12 giờ, dịch vụ bơm ngực này cũng mang đến cho người sử dụng một khuôn ngực căng tròn trong vòng 24 tiếng. Theo đó, thay vì phải phẫu thuật cấy ghép, người sử dụng dịch vụ này sẽ được bơm một hỗn hợp gồm nước, axit lactic và chất điện giải (gần giống với thành phần của dịch cơ thể) vào ngực. Dung dịch này thường được sử dụng trong việc điều trị các bệnh nhân mất nước, mất máu nên khi tiêm vào ngực sẽ không gây nguy hiểm. Người sử dụng dịch vụ sẽ được tiêm chất gây tê tại chỗ trước đó nên sẽ không cảm thấy đau đớn. Toàn bộ quá trình bơm ngực kéo dài khoảng 20 phút và không để lại sẹo. Trung tâm phẫu thuật này quảng cáo đây là dịch vụ dành cho những người phụ nữ sợ phẫu thuật nhưng vẫn muốn có được khuôn ngực tròn đầy trong những dịp đặc biệt cần phải ăn diện. Chi phí cho một lần bơm ngực này vào khoảng 5.000 yên Nhật (tương đương hơn 900.000 đồng). Số đo vòng một của khách hàng sau khi bơm sẽ tăng lên từ ½ đến 1 cup. Tuy nhiên, trung tâm này cảnh báo rằng: việc chơi thể thao, ăn uống không hợp lý hoặc tác động vào ngực quá nhiều sẽ đẩy nhanh tốc độ chất lỏng được tiêm hấp thụ vào cơ thể, do đó ngực sẽ “xẹp” về như cũ nhanh hơn.

Dịch bạch hầu áp sát biên giới Việt: Tiêm vắc xin đơn để phòng bệnh?

Dịch bạch hầu tại Lào hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, năm 2015 Việt Nam cũng ghi nhận 2 ổ bạch hầu ở Quảng Nam, Gia Lai. Trước thực trạng này nhiều bạn đọc băn khoăn có thể tiêm mũi vắc xin đơn lẻ để phòng bạch hầu? Cục YTDP trao đổi về những thắc mắc của bạn đọc về việc phòng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở cả người lớn, trẻ em.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch bạch hầu từ Lào xâm nhập Việt Nam. Tình hình dịch bạch hầu tại nước ta trong những năm qua như thế nào?

Ở thời điểm hiện tại, dịch bạch hầu tại Lào rất có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam do việc giao lưu, đi lại giữa Việt Nam và Lào là rất lớn. Hơn nữa đây là bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp, người chưa có miễn dịch với bệnh này (miễn dịch tự nhiên do đã từng mắc bệnh và miễn dịch chủ động do tiêm phòng) rất dễ mắc bệnh. Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến. Tuy nhiên, từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình TCMR (đầu tiên là mũi DPT 3 trong 1 bạch hầu - ho gà - uốn ván và nay là mũi 5 trong 1 Quinvaxem phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi - viêm màng não do vi khuẩn Hib), bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh. Nơi xảy ra bệnh thường ở các khu vực vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Còn trong năm 2015 Việt Nam xác định 2 ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam và Gia Lai nhưng số mắc rất ít. Phần lớn người dân ở vùng khó khăn, không được tiêm chủng. Như tại Quảng Nam trong tháng 6, tháng 7/2015 (ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đã xảy ra dịch bạch hầu với nhiều người mắc. Khi các bệnh nhân đầu tiên xuất hiện triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng, 3 người tử vong khiến người dân nơi hoang mang, lo lắng về căn “bệnh lạ” lấy đi tính mạng người dân.

Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân để phòng bệnh bạch hầu? Làm thế nào để xử lý triệt để một ổ dịch bạch hầu, giảm lây lan ra cộng đồng, thưa ông?

Dù có nguy cơ xâm nhập nhưng may mắn, cộng đồng có miễn dịch với bệnh bạch hầu ở nước ta khá lớn do được tiêm phòng. Tuy nhiên nếu người dân có giao du, sang Lào phải phải giữ vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ như đau họng cần đi khám bởi đau họng trong bạch hầu là giả mạc, chỉ đi khám cán bộ y tế mới phát hiện. Tại một ổ dịch bạch hầu được xác định, bệnh nhân, người có nguy cơ được dùng kháng sinh để điều trị, dự phòng và ngành y tế sẽ tổ chức tiêm vắc xin TD (bạch hầu - uốn ván) cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Ngành y tế nhanh chóng tiến hành tiêm vắc xin cho gần 900 người dân và sau đó, dịch bệnh nhanh chóng được khống chế. Bởi khi cộng đồng được bảo vệ do đã có miễn dịch bạch hầu từ tiêm vắc xin thì số mắc sẽ giảm và dần tiến đến không có ca mắc mới. Người dân có nhu cầu có thể tiêm vắc xin bạch hầu phòng bệnh hay không, thưa ông? Tại Việt Nam không có mũi vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin TD. Tuy nhiên vắc xin này chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập. Hơn nữa, do đối tượng tiêm của vắc xin TD chủ yếu là người lớn nên nhà sản xuất đã loại bỏ thành phần ho gà chỉ còn thành phần phòng bệnh uốn ván và bạch hầu. Cũng xin nói rõ hơn, với bệnh bạch hầu có thể tồn tại người có miễn dịch tự nhiên (do đã mắc lúc nhỏ) hoặc ở dạng người lành mang trùng, có miễn dịch tự nhiên bởi trước kia bệnh bạch hầu phổ biến. Thực tế có những bác sĩ làm bệnh viện không mắc bạch hầu nhưng mang vi khuẩn này về lây cho con. Còn hiện nay, dịch bạch hầu rất hiếm do tỉ lệ tiêm vắc xin càng cao lên thì những người có miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng càng giảm đi, vì thế phải tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm phòng vắc xin.

Liên quan đến một số phản ứng sau tiêm Quinvaxem, nhiều người dân băn khoăn liệu họ có thể lựa chọn vắc xin TD hoặc vắc xin DPT 3 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) thay thế cho Quinvaxem để giảm nguy cơ phản ứng? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Hiện nay Việt Nam không tổ chức tiêm phổ biến vắc xin TD trong cả nước mà chỉ huy động cho chống dịch và chủ yếu là tiêm cho đối tượng người lớn. Còn với trẻ em, bệnh ho gà nguy hiểm không kém bệnh bạch hầu, uốn ván nên vắc xin TD không được chỉ định cho trẻ. Trước đó trẻ được tiêm vắc xin DPT và từ năm 2010 là vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem Nói về nguy cơ phản ứng, bản chất của vắc xin DPT và Quinvaxem là như nhau bởi cả hai vắc xin này đều chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Vì thế, không có sự khác biệt về nguy cơ phản ứng khi tiêm hai vắc xin này. Tuy nhiên khi tiêm vắc xin, chủ yếu là phản ứng nhẹ như nóng sốt, quấy khóc, sưng đau vết tiêm… còn phản ứng nặng là hi hữu, hiếm gặp. Trong khi đó, vắc xin Quinvaxem ngoài phòng 3 bệnh trên có thêm thành phần phòng bệnh viêm gan B, Hib. Xu hướng chung của thế giới hiện nay cũng hướng tới tiêm vắc xin đa giá càng nhiều càng tốt, giảm mũi tiêm mà phòng được nhiều bệnh cho trẻ.

Ông có khuyến cáo gì cho các bà mẹ phòng bệnh cho trẻ trong mùa đông xuân sắp đến?

Trong mùa đông xuân nhiều bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp có điều kiện phát triển. Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, luôn giữ vệ sinh bàn tay, thân thể sạch sẽ. Với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin thì cần cho trẻ tiêm vắc xin đúng lịch để phòng bệnh. Như ho gà, bạch hầu, hay sởi trong thời gian qua xảy ra dịch, đặc biệt ho gà gặp nhiều nhất ở Hà Nội, chủ yếu rơi vào nhóm trẻ tiêm phòng muộn, trì hoãn chưa tiêm phòng. Bạch hầu, ho gà đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ. Vì thế, gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đúng độ tuổi theo quy định của chương trình TCMR.

Hà Tĩnh:CSGT bắt xe tải chở gần 4 tạ nội tạng thối

Sáng ngày 5/11, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 15B, đội CSGT Công an huyện Lộc Hà(Hà Tĩnh) đã phát hiện và bắt giữ chiếc xe tải mang BKS 92C – 068.01 vận chuyển 360kg nội tạng thối đi tiêu thụ. Vào khoảng 9h30’ ngày 05/11, tại Quốc lộ 15B giao cắt với đường tỉnh 549 thuộc thôn Tân Quý xã Hộ Độ huyện Lộc Hà, Tổ TTKS Đội CSGT Công an huyện Lộc Hà do Trung úy Lê Viết Tính làm tổ trưởng phát hiện xe ô tô BKS 92C - 068.01 do Lê Văn Vân (trú tại thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) điều khiển chạy từ hướng Quốc lộ 1A xuống cảng cá Thạch Kim ( Lộc Hà) có dấu hiệu vi phạm. Tổ tuần tra đã tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra hành chính, quá trình kiểm tra, tổ đã phát hiện toàn xe bốc mùi hôi thối và tiến hành mở thùng lạnh của xe, kiểm tra từng thùng xốp loại 45kg đã phát hiện 8 thùng chứa nội tạng động vật (lợn, trâu, bò) đang trong quá trình phân hủy. Tại cơ quan công an huyện Lộc Hà, lái xe khai nhận, ngoài số tôm, cá chở theo hợp đồng ra nhập tại cảng cá Thạch Kim( Lộc Hà) thì lái xe đã tăng bo thêm số nội tạng trên ở Bến cá Phú Thọ ( Tp Đà Nẵng) ra nhập cho một khách hàng ở Quảng Ninh, quá trình vận chuyển ra cảng cá Thạch Kim thì bị Tổ TTKS - Đội CSGT CA huyện Lộc Hà phát hiện. Hiện các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời tiêu hủy toàn bộ lượng nội tạng thối trên.

Đình chỉ lưu hành 1 thuốc trị ký sinh trùng

Theo quyết định của Cục Quản lý Dược, một loại thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ bị rút số đăng ký, đình chỉ lưu hành và thu hồi được do không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế. Cụ thể, thuốc viên nén bao phim Proexen Tablet 200mg, SĐK VN-10774-10 do Công ty Dea Han New Pharm Co., Ltd sản xuất, Công ty Binex Co., Ltd đứng tên đăng ký sẽ ra khỏi Danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam do không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế. Cục Quản lý Dược cũng đình chỉ lưu hànhvtrên toàn quốc và thu hồi toàn bộ các lô thuốc viên nén bao phim Proexen Tablet 200mg, SĐK VN-10774-10. Đặc biệt, Cục Quản lý Dược sẽ tạm ngừng nhận mới hồ sơ đăng ký thuốc và tạm ngừng cấp số đăng ký lưu hành thuốc cho các hồ sơ đã nộp trong thời hạn 12 tháng đối với các thuốc do Công ty Dea Han New Pharm Co., Ltd đăng ký và/hoặc sản xuất, thuốc do Công ty Binex Co., Ltd đứng tên đăng ký Thuốc viên nén bao phim Proexen Tablet thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng,chống nhiễm khuẩn

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Lấy 1 triệu chữ ký ủng hộ phòng, chống kháng thuốc

Từ ngày 16 đến ngày 22-11, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế phát động và triển khai tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc. Trong hoạt động này có chương trình tổ chức lấy 1 triệu chữ ký của người dân ủng hộ việc phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết hiện mức độ và tốc độ kháng thuốc gia tăng đáng báo động do tình trạng sử dụng kháng sinh không theo chỉ định, mua bán tùy tiện, nhiễm khuẩn trong bệnh viện, lây nhiễm chéo… làm tăng chi phí điều trị và dẫn đến việc kháng thuốc, tăng gánh nặng cho xã hội. Một khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nông thôn và thành thị khu vực phía Bắc cho thấy có khoảng 90% kháng sinh được nhà thuốc bán ra mà không có đơn của bác sĩ. Ngoài ra, kháng sinh góp 13% doanh thu của các nhà thuốc ở thành thị và gần 19% ở nông thôn. Dịp này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng lập trang fanpage trên facebook “Tuần lễ Kháng thuốc kháng sinh 2015 - AMR Week 2015 Viet Nam” nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Tự mua thuốc điều trị, nguy cơ cao

Phụ huynh tuyệt đối không tự dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ khi có biểu hiện ốm sốt mà không có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tự dùng kháng sinh điều trị không hợp lý, kéo dài không chỉ làm bệnh nặng thêm mà còn khiến vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến khả năng không có thuốc chữa trị.

Nguy hiểm khi khuẩn kháng thuốc

Ngày 3-11, tại BV Bạch Mai, bệnh nhi Nguyễn Quang Đ. (12 tuổi) ở Nam Định, đang điều trị trong tình trạng viêm phổi nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, khó thở, tím tái, lơ mơ do sốc nhiễm khuẩn. Theo bác sĩ, bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ nhưng bệnh không thuyên giảm. Kết quả làm kháng sinh đồ cho thấy trẻ kháng đa phần với kháng sinh đang dùng. Các bác sĩ phải chuyển sang kháng sinh thế hệ cuối là cephalosporin, rất đắt tiền. Qua tìm hiểu, gia đình cho biết nhiều lần trẻ bị sốt, ho, cảm lạnh… đã tự ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về uống. Cũng tại bệnh viện này, bệnh nhi Nguyễn Văn Lợi (14 tuổi) ở Hà Nội phải điều trị kéo dài gần hai tháng tại khoa Nhi vì kháng kháng sinh. Lợi nhập viện trong tình trạng sốt cao, mạch nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp, tổn thương phổi…, được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn tụ cầu. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết bệnh nhân được thở máy và sử dụng lần lượt các thế hệ kháng sinh thứ nhất (Oxacicllin) và thứ hai (Vancomycin) để tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu nhưng không có kết quả dù Vancomycin ít ghi nhận trường hợp kháng thuốc. Các bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân sử dụng loại kháng sinh thế hệ thứ ba là Linezolid thì thấy có đáp ứng với thuốc, tuy nhiên lúc này bệnh đã bị biến chứng phổi, tràn khí và mủ ra ngoài màng phổi. “Nhiễm khuẩn tụ cầu hiện chỉ có ba nhóm kháng sinh để chữa trị. Thông thường, đối với vi khuẩn tụ cầu việc điều trị khá đơn giản nhưng với bệnh nhân này thì việc điều trị rất khó khăn. Nếu đến nhóm thứ ba cũng kháng thuốc thì điều trị sẽ rất tốn kém, thậm chí người bệnh có thể không qua khỏi vì không đáp ứng điều trị” - TS Dũng nói. Trường hợp anh Đặng Văn Chuẩn (33 tuổi, Hà Nội) đang điều trị lao phổi tại khoa Lao hô hấp BV Phổi Trung ương cũng là một điển hình. Anh Chuẩn được chẩn đoán là mắc lao thể nặng, siêu kháng thuốc chống lao. Nguyên nhân là do bệnh nhân bỏ giữa chừng, không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân ho ra máu, có khả năng nguy hiểm tính mạng, thời gian điều trị dài và rất khó khăn.

Mua kháng sinh dễ như mua rau

Theo khảo sát của Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, việc mua bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn rất thấp. Trong số gần 3.000 nhà thuốc được khảo sát thì có tới 88% hiệu thuốc ở thành thị và 91% hiệu thuốc ở nông thôn bán kháng sinh không có đơn. Thậm chí nhiều người sử dụng kháng sinh đối với trường hợp bệnh lý không do nhiễm khuẩn gây ra (qua khảo sát có 20% mua thuốc kháng sinh để điều trị ho), sử dụng không đúng liều lượng, hàm lượng và thời gian... Việc sử dụng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đều gây ra tình trạng kháng thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan. “Việc mua bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện nay dễ như mua rau. Người Việt cũng có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống, rất nguy hiểm” - ông Dũng cảnh báo. Ngoài ra thói quen tự chữa trị và “bắt chước” đơn thuốc của người dân dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng vi khuẩn kháng thuốc. Còn theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, nguyên nhân xuất hiện số ca đa kháng lao cao thứ 14 thế giới là do thuốc chống lao ở đâu mua cũng được.

Bệnh sẽ không có thuốc chữa!

Kháng thuốc đang làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm trùng. Nếu không có những biện pháp khẩn cấp, con người sẽ tiến dần tới kỷ nguyên “hậu kháng sinh”, khi các căn bệnh nhiễm trùng thông thường hay những thương tích đơn giản, vốn có thể điều trị dễ dàng, sẽ lại gây chết người như khi chưa hề có kháng sinh. Hàng loạt bệnh nguy hiểm trở nên khó kiểm soát do tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. “Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Trong tương lai, có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp phù hợp”.

Sợ mổ mắt, nhiều người bị mù oan

“Hai rào cản lớn nhất khiến những người bệnh không phẫu thuật đục thể thủy tinh là do tâm lý sợ mổ hoặc kết quả mổ không tốt và thứ hai là do nơi mổ xa, người dân không có khả năng chi trả”. Kết quả điều tra quốc gia về các bệnh gây mù có thể phòng tránh công bố ngày 3-11 tại Hà Nội cho biết. Nghiên cứu trên thực hiện với người trên 50 tuổi ở 28.000 hộ gia đình tại 14 tỉnh, thành trên cả nước. Tỉ lệ mù lòa toàn quốc hiện nay chiếm gần 2% dân số, giảm gần hai lần so với giai đoạn 2000-2002, tuy nhiên số người trên 50 tuổi có thị lực kém cả hai mắt tăng gần 500.000 người. Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây thị lực kém cả hai mắt của người dân (chiếm 75%), tiếp theo là bệnh bán phần sau, biến chứng sau phẫu thuật đục thể thủy tinh, glocom… Ước tính 75% nguyên nhân gây mù hai mắt ở người trên 50 tuổi là có thể chữa được. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi hơn 44% người được nghiên cứu có tình trạng từ giảm thị lực đến mù lòa cả hai mắt, trong khi ở các tỉnh khác dao động 15%-30%. Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế sẽ tìm giải pháp để hỗ trợ người dân, nâng cao tỉ lệ bệnh nhân đục thể thủy tinh được phẫu thuật, góp phần giảm tỉ lệ mù lòa ở nước ta.

Đà Nẵng: Báo động dịch sốt xuất huyết và tay-chân-miệng

Trung bình mỗi tuần có 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tính đến ngày 25-10 đã ghi nhận 591 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 374 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Sở Y tế TP Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Đà Nẵng về tình hình của ngành này trong năm 2015. Theo báo cáo, trong tháng 9 và đầu tháng 10-2015, một số bệnh có xu hướng tăng nhanh và diễn biến tương đối phức tạp như sốt xuất huyết (SXH) và tay-chân-miệng (TCM). Trung bình mỗi tuần có 100 trường hợp mắc SXH, tính đến ngày 25-10 đã ghi nhận 591 trường hợp mắc SXH, tăng 374 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, SXH xuất hiện tại 42/56 xã phường và tập trung chủ yếu tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Hòa Vang, Hải Châu. Riêng bệnh TCM, trong tháng 10, trung bình mỗi tuần có 60 trường hợp mắc. Tính đến ngày 25-10, đã ghi nhận 1.695 trường hợp mắc, tăng 469 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Bệnh thủy đậu tính đến ngày 25-10 đã ghi nhận 952 trường hợp mắc. Theo đó, trước tình hình dịch bệnh SXH và TCM đang có xu hướng tăng nhanh, Sở Y tế đã làm việc với lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch SXH; chỉ đạo Trung tâm YTDP TP tăng cường công tác giám sát dịch hằng ngày tại các bệnh viện và giám sát xử lý ổ dịch tại địa phương. Tiến hành cảnh báo dịch tại các địa phương có bệnh SXH cao Năm 2015 ngân sách chi cho y tế dự phòng tăng. Cụ thể năm 2014 chi  trên 94 tỉ đồng nhưng năm 2015 là trên 103 tỉ đồng.

Cho luộc một tấn thịt bò bơm nước

Sau gần một năm tạm lắng, cơ quan chức năng lại phát hiện thịt bò bơm nước tại chợ. Sáng 5-11, Trạm Thú y quận Tân Bình kiểm tra xe tải 57M-2835 chở 740 kg thịt bò và 130 kg phụ phẩm bò (tổng cộng 870 kg) có nguồn gốc từ cơ sở giết mổ Cổ Văn Mông (huyện Đức Hòa, Long An) vào chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình tiêu thụ. Chủ nhân lô hàng trên là bà Trần Thị Phượng (Long An). Mặc dù 870 kg thịt, phụ phẩm bò nói trên đã được Chi cục Thú y tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng nhân viên thú y phát hiện một số quầy thịt có hiện tượng ẩm, rỉ dịch. Tại buổi làm việc, bà Phượng khai mua 12 con bò sống từ Châu Đốc (An Giang) rồi đưa vào cơ sở Cổ Văn Mông giết mổ. Sau một giờ tạm giữ, nhân viên thú y tiến hành cân lại số lượng thực tế thì ghi nhận thịt có màu tái nhợt, hiện tượng rỉ dịch nhiều hơn và chảy xuống sàn xe. Sau khi cân lại 870 kg thịt, phụ phẩm bò, Trạm Thú y quận Tân Bình bất ngờ trước con số thực tế lên tới 1.050 kg, chênh lệch 180 kg so với số lượng ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch. Bà Phượng cố tình “độn” thêm thịt ngoài luồng (thịt chưa kiểm dịch) đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Bà Phượng cũng đã thừa nhận bò đưa vào giết mổ đã bị bơm nước. Sau buổi làm việc, bà Phượng có đơn đề nghị được chuyển mục đích sử dụng. Theo đó, toàn bộ 1.050 kg thịt và phụ phẩm bò bơm nước được chở tới một cơ sở giết mổ ở quận Bình Thạnh để luộc dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Sau khi luộc xong, Trạm Thú y quận Tân Bình cấp giấy kiểm dịch, niêm phong xe và báo Chi cục Thú y tỉnh Long An giám sát khi thịt được chở tới trại nuôi cá. Với hành vi sai phạm trên, căn cứ mục b khoản 4 Điều 14 của Nghị định 119/2013/NĐ-CP, Chi cục Thú y TP.HCM ra quyết định phạt bà Phượng 2,5 triệu đồng do vi phạm hành vi kinh doanh thịt bò bơm nước.

Mổ heo bệnh xuất huyết đem bán

10 giờ 30 ngày 5-11, lực lượng liên ngành gồm Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, Đội Quản lý thị trường số 2 cùng Trạm Thú y Biên Hòa bất ngờ kiểm tra và phát hiện cơ sở giết mổ heo lậu tại khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) do bà Phạm Thị Mai (32 tuổi) làm chủ, đang tiến hành giết mổ hai con heo bệnh với tổng trọng lượng trên 200 kg. Ngoài ra, tại đây còn có năm con heo khác trong chuồng không có giấy kiểm dịch đang được chờ giết mổ. Qua quan sát tại hiện trường, đại diện cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai nhận định số heo được giết mổ là heo chết đã đổi màu tím tái, đây là heo mắc bệnh xuất huyết. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Mai thừa nhận thu mua heo chết từ thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) về giết mổ rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Đoàn liên ngành đã lập biên bản tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số thịt và nội tạng của hai con heo bệnh đã được giết mổ. Đồng thời, số heo chờ giết mổ không có kiểm dịch cũng được cơ quan chức năng tạm giữ đem về lò mổ tập trung lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo quy định. Cách đây khoảng một tháng, Chi cục Thú y tỉnh Long An đã xử phạt và tạm ngưng hoạt động cơ sở giết mổ Cổ Văn Mông (huyện Đức Hòa) 10 ngày để cơ sở chấn chỉnh tình trạng vi phạm vệ sinh thú y. Sau việc xảy ra hôm nay, Chi cục Thú y tỉnh Long An sẽ làm việc với Chi cục Thú y TP.HCM và có hướng xử lý đúng pháp luật đối với cơ sở giết mổ Cổ Văn Mông.

'Ăn chất cấm, chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế'

"Ăn chất cấm chỉ chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế. Tôi kiến nghị khi phát hiện chất cấm thì xử lý hình sự, chứ không chờ chết rồi thì mới truy lại...". Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM như trên bên hành lang Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra ngày 5-11 tại Hà Nội do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Việc truy xuất nguồn gốc sử dụng chất cấm tại sao đến bây giờ vẫn chưa ngăn chặn?

Lo ngại nhất hiện nay của chúng tôi đó là việc truy xuất nguồn gốc chất cấm từ đâu. Thí dụ khi kiểm tra một sản phẩm xác định rõ là sử dụng chất cấm nhưng khi truy xuất lại thì không thể nào xác định được nguồn gốc của chất cấm đó có nguồn gốc từ đâu. Hiện nay, có một vấn đề là thương lái ngấm ngầm ép nông dân phải sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo thì giá thành sản phẩm tăng lên. Cụ thể nếu sử dụng thì giá thành được thương lái trả 1.000-2.000 đồng, thậm chí là 5.000 đồng/kg thịt hơi.

Ở Long An thì những sản phẩm nào dễ bị vi phạm và sử dụng chất cấm?

Đó là trong lĩnh vực chăn nuôi heo và sản phẩm rau, đặc biệt là rau muống. Phải xem việc “đánh” người sử dụng chất cấm như việc chúng ta “đánh” tội phạm buôn bán ma túy và cũng phải xem như tội phạm hình sự. Không thể nào cứ như cách làm hiện nay. Về lâu dài mình đã thấy rõ tác hại như thế nào đối với người tiêu dùng, bản thân của chúng ta. Nếu như người tiêu dùng nội

Quá trình thực hiện kiểm tra đối với doanh nghiệp sử dụng chất cấm ra sao?

Đối với các vùng sản xuất tập trung rau, củ quả, Chi cục Bảo vệ thực vật phải thường xuyên kiểm tra, loại bỏ ngay những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn trước khi bán ra thị trường. Tăng cường tuyên truyền cho người nông dân. Trên lĩnh vực chăn nuôi thì phải phối hợp với công an tỉnh đi các vùng trọng điểm. Loại trừ cả yếu tố nội gián bên trong có như thế thì “đánh” người sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật được hiệu quả.

Như vậy, sử dụng chất cấm là đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự?

Tới đây phải đưa việc sử dụng chất cấm vào Bộ luật Hình sự, bởi vì những lý lẽ như về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Không thể chờ được đến lúc chúng ta chết đi mới truy xuất chúng ta ăn cái gì thì làm sao truy xuất được, ăn cái gì như thế nào? Chất cấm thì không có ngưỡng cho phép vì thực phẩm mỗi ngày vào một chút, một chút, chưa có bằng chứng khoa học. Đừng để sự việc xảy ra chúng ta mới điều chỉnh thì khổ cho nhân dân. Trong sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, tôi đã kiến nghị Điều 316/BLHS cho rằng khi ảnh hưởng sức khỏe tổn hại 10%-20% mới xử lý vi phạm thì không bao giờ đi vào thực tế. Ăn chất cấm chỉ chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế. Tôi kiến nghị khi phát hiện chất cấm thì xử lý hình sự, chứ không chờ chết rồi thì mới truy lại. Tại phiên họp Quốc hội tôi cũng đã kiến nghị, đề nghị đưa việc sử dụng chất cấm vào xử lý hình sự. Ví dụ Methadophot được sử dụng trong trồng rau muống, cho rau phát triển, phun xịt, Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong khi Bộ Y tế cho phép vì vậy thời gian tới hai bộ cần có sự thống nhất điều chỉnh cụ thể.

Xin cám ơn bà.

Lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức thi ảnh ‘Vì sức khỏe nhân dân’

Chiều nay (5-11), tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức gặp gỡ báo chí thông báo về cuộc thi ảnh "Vì sức khỏe nhân dân".  Đây là cuộc thi ảnh đầu tiên của ngành y tế dành cho mọi công dân Việt Nam sinh sống trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế, cho biết cuộc thi ảnh nhằm để người dân hiểu công việc của những người thầy thuốc, tạo động lực cho người thầy thuốc có niềm tin để làm tốt hơn công việc của mình. Đồng thời cuộc thi cũng nhằm phát hiện và tôn vinh tấm gương sáng, hành động nhân văn của các cán bộ, nhân viên và y, bác sĩ làm việc trong ngành y. Thời gian nhận ảnh dự thi từ ngày 15-11-2015 đến hết ngày 25-1-2016. Lễ trao giải diễn ra vào ngày 27-2, nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cơ cấu giải thưởng gồm: Một giải nhất 15 triệu đồng; hai giải nhì, mỗi giải 10 triệu đồng; ba giải ba, mỗi giải 7 triệu đồng; năm giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng. Ngoài ra còn có giải ảnh do bạn đọc bình chọn với số lượng bình chọn cao nhất (trên fanpage) và ảnh do nhà tài trợ bình chọn. Tất cả giải đều được Bộ  Y tế tặng kỷ niệm chương. Chi tiết thể lệ tham gia cuộc thi bạn đọc tham khảo tại website www.visuckhoenhandan.khoe24h.vn.

Thanh niên

Kỷ luật điều dưỡng mắng bệnh nhân

BV Phụ sản T.Ư (Hà Nội) Vũ Bá Quyết vừa có văn bản báo cáo Bộ Y tế về việc xử lý kỷ luật điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Nhung, công tác tại Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (thuộc BV này), vì có những lời nói chưa đúng chuẩn mực trong giao tiếp với người bệnh. Ngày 3.10.2015, trên một số trang mạng xã hội đăng thông tin và clip ghi lại cảnh điều dưỡng Nhung mắng một nữ bệnh nhân đến khám sau khi phá thai “Ngu thì chết chứ không có bệnh tật gì hết!”. Tiếp nhận sự việc, BV đã tổ chức họp hội đồng kỷ luật, cách chức tổ trưởng và điều chuyển điều dưỡng Nhung làm công việc khác, không trực tiếp tiếp xúc với người Trước đó, tại Nam Định, một nữ điều dưỡng viên đã bị Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã ra quyết định điều chuyển công tác vì bị phản ánh “chơi facebook” trong giờ làm việc và có cử chỉ, lời lẽ không đúng mức với bệnh nhân... Điều dưỡng viên Dương Thị Hòa, làm việc tại khoa Khám bệnh của bệnh viện này bị người dân “tố” có thái độ không đúng mực, thiếu tôn trọng đối với bệnh nhân. Theo đó, sáng 7.9, trên trang facebook “Rao vặt Nam Định” xuất hiện ảnh và thông tin của một bệnh nhân phản ánh lúc 9 giờ sáng cùng ngày đã “bị” điều dưỡng Dương Thị Hòa gác chân, bắt đợi trong khi đang dùng facebook, khi người bệnh kêu đau, nữ điều dưỡng này đã yêu cầu ra phòng cấp cứu. Chiều cùng ngày, bệnh nhân này đã nhắn tin thông báo với PV báo Thanh Niên thông tin trên. Đến sáng 8.9, nữ điều dưỡng Dương Thị Hòa đã nộp bản tường trình, xác nhận lúc 9 giờ sáng ngày 7.9,có vào facebook trên điện thoại khi đang tiếp bệnh nhân bệnh.

Hầu hết trang thiết bị y tế chưa được kiểm chuẩn định kỳ

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng thiết bị y tế do Hiệp hội Thiết bị y tế Việt Nam tổ chức ngày 4-11, tại Hà Nội. Báo cáo của Hiệp hội Thiết bị y tế Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng 10.500 loại trang thiết bị y tế (TTBYT) khác nhau trên thị trường, trong đó có hơn 90% TTBYT là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm hơn 45%). Cũng theo Hiệp hội, hầu hết TTBYT đang sử dụng tại cơ sở y tế chưa được kiểm chuẩn định kỳ, công tác bảo dưỡng, sửa chữa cũng không được thực hiện thường xuyên, thậm chí có đơn vị không đủ nguồn vốn để đầu tư và đổi mới TTBYT. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chưa đủ trình độ để khai thác hết công suất của trang thiết bị hiện có. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, thời gian qua, tại hầu hết bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm, phụ trách công tác TTBYT rất thấp, chỉ có 6% là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm.

Ngộ độc do nuốt mật cá trắm

Khoảng 2 giờ sau khi nuốt mật cá trắm, một người đàn ông bị đau bụng dữ dội, sau đó phải nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận. Gần một tuần sau khi được điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Nguyễn Văn T. (38 tuổi, nhà ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã dần hồi phục. Anh T. kể: “Tôi bị đau dạ dày, nghe người quen mách bảo nuốt mật cá trắm sẽ khỏi đau nên tôi đã xin một cái mật cá trắm khoảng 3 kg về để dùng. Trước lúc nuốt mật, tôi có nhúng nước sôi cho sạch. Khoảng 2 giờ sau đó tôi thấy đau bụng, nôn nao nên nằm nghỉ, nhưng bụng càng đau dữ dội, nôn và tiêu chảy”. “Đau bụng và nôn nhưng chồng tôi vẫn nấn ná ở nhà, được hai hôm thì mặt sưng nề phù nước, bụng to trướng, mệt nhiều nên gia đình đưa đi khám ở bệnh viện địa phương và bác sĩ yêu cầu nhanh chóng lên trung tâm chống độc để điều trị”, vợ của anh T. cho biết thêm. Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng suy gan với biểu hiện vàng da, vàng mắt; bụng to trướng phù ứ nước, tiểu ít do suy thận cấp. Vào điều trị, mặc dù được dùng thuốc lợi tiểu (bài niệu cưỡng bức) liều rất cao nhưng chỉ tiểu được 500 ml mỗi ngày; trong khi đó một người bình thường lượng nước tiểu khoảng 1.500 - 2.000 ml/ngày. Trước anh T., Trung tâm chống độc cũng từng tiếp nhận điều trị các ca ngộ độc là bệnh nhân nuốt mật cá trắm để “trị đau lưng”; có trường hợp nuốt mật cá trắm để “tăng cường sức khỏe”. Theo chuyên gia, tình trạng ngộ độc phụ thuộc vào lượng mật đưa vào cơ thể, lứa tuổi, thể trạng, nhập viện sớm hay muộn. Nếu đến sớm bệnh nhân được rửa dạ dày; lọc máu điều trị suy thận, suy gan chức năng thận, gan sẽ được phục hồi. Nếu ngộ độc nặng, điều trị muộn bệnh nhân có thể tử vong. “Rất nhiều người phải nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc sau khi đã nuốt mật cá trắm hoặc uống mật gấu để “trị đau bệnh” hoặc “bồi bổ”. Đặc biệt xu hướng ngộ độc mật thường tăng vào dịp cuối năm là thời điểm thường tát ao bắt cá to; có các cuộc liên hoan, họp mặt”, TS Sơn cho biết. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vừa qua có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị bệnh như nhức mỏi, hen... bằng cách nuốt sống hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật o­ng. Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã bị ngộ độc, nguy hiểm tính mạng. Nuốt mật cá trắm có thể tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu. Độc tố chính trong mật cá trắm là 5α Cyprinol chất này gây tổn thương cho gan, thận. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, viêm thận cấp và có thể tử vong sau 2 - 3 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Quân đội nhân dân

Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện

Bộ Y tế vừa ký công văn gửi các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các BV. Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26-9-2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh, thành phố, công an quận, huyện trên địa bàn bảo đảm an ninh, trật tự trong BV, tăng cường đề cao cảnh giác, phát hiện các đối tượng gây rối tại các khu vực cấp cứu, khám, chữa bệnh; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ, nhân viên y tế.

Khám phá

"Vạch mặt" những nguyên nhân khiến 1,5 triệu người Việt bị mù lòa

Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người bị mù lòa, nguyên nhân mắc căn bệnh này có thể là do: đục thủy tinh thể, đái tháo đường, sinh non, thậm chí là việc mất an toàn lao động … Theo các bác sĩ chuyên ngành về mắt, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mù lòa như: trẻ bị sinh non, đục thủy tinh thể, mất an toàn lao động …Tuy mù lòa là căn bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhưng theo nhận định của GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc Hội thảo về “Đánh giá nhanh các bệnh có thể gây mù để phòng chống mù lòa”, thì hiện nay, nước ta mới chỉ có 18 bác sĩ chuyên ngành mắt/1 triệu dân. Ngay bản thân các trung tâm mắt không phải nơi nào cũng có thể mổ được và nếu có mổ được thì vì chưa đúng chức năng nên bệnh nhân không được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo BHYT. Do vậy, các địa phương cần có những bước chuyển đổi các trung tâm này thành các bệnh viện để tăng cường mạng lưới phòng chống mù loà trên toàn quốc. Lấy ví dụ điển hình về việc cần thiết phải tăng cường phòng chống mù lòa, Thứ trưởng Tiến đã đề cập đến hội chứng mù lòa do hành tím ở Sóc Trăng trong thời gian qua. Từ đó, để đưa ra những bài học nhằm phòng chống mù lòa cho người dân. Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Vương Ánh Dương  - Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay có tới 85% người mắc bệnh mù lòa có độ tuổi từ 50 trở lên và đa số có biểu hiện đục thuỷ tinh thể (lên đến 74%), sau đến bệnh bán phần sau (6,3%). Từ kết quả trên, TS Dương nhận định, tốc độ giải quyết tồn đọng đục thuỷ tinh thể chưa gia tăng nếu như không nói có phần chững lại. Kết quả điều tra cũng cho thấy hiện nay đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân chính gây mù loà, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được và chúng ta cần quan tâm đặc biệt hơn ngay lập tức. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần khởi động các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khoẻ tại các địa phương hoặc trên toàn quốc để cộng đồng hiểu được thực trạng cũng như tham gia phẫu thuật đục thủy tinh thể. Các can thiệp khác cho bệnh glucom và bệnh võng mạc tiểu đường cần được tiến hành tích cực ở những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.

VTC

Bác sỹ Bạch Mai đang khẩn trương cấp cứu 50 bệnh nhi bị o­ng đốt

Các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đang khẩn trương cấp cứu cho 50 cháu bé bị o­ng đốt khá nguy hiểm. Thông tin ban đầu, khoảng 50 học sinh tiểu học đang được các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai tích cực cấp cứu do bị o­ng đốt. Được biết, đây là những học sinh trường tiểu học Yên Sở. Chúng tôi đã trao đổi với nhà trường nhưng lãnh đạo nhà trường đang từ chối cung cấp thông tin vụ việc. Bác sỹ Nguyễn Công Long của Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang xét xét cụ thể, tiến hành rà soát, kiểm tra sức khỏe của các cháu. Khi được hỏi về loại o­ng ‘độc’ nào đã tấn công 50 bệnh nhi, bác sỹ Long cho biết các bác sĩ đang xem đó loại o­ng gì và khẩn trương có biện pháp tích cực để đưa ra phác đồ điều trị kịp thời. Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngân, khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, khi bị o­ng đốt thì tùy theo loại o­ng mà nọc độc sẽ ít hay nhiều. o­ng gần như không độc là o­ng mật. Có loại o­ng rất nguy hiểm mà độc tố có thể gây chết người, có khi chỉ với vài vết đốt là o­ng vò vẽ, o­ng đất (ong bắp cày), o­ng bầu. Đặc biệt, thường gặp các bé bị o­ng vò vẽ và o­ng đất đốt. Nhận biết o­ng vò vẽ qua thân và bụng o­ng khá thon gọn, có khoang đen xen kẽ khoang vàng. Đầu o­ng rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa. o­ng vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. o­ng đất thân màu đen, chấm vàng, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng,  thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất, trong đống cây mục. Khi bị o­ng đốt thì tùy theo số lượng nhát đốt mà có thể gây sốc phản vệ, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Do đó, biết cách xử trí khi bị o­ng đốt là hết sức cần thiết. Khi bị o­ng đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi o­ng loạn xạ càng thu hút số lượng o­ng tới nhiều hơn. Nọc o­ng được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít o­ng. Vì vậy, sau khi bị o­ng chích, cần rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của o­ng ra, có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau giảm đau và giảm sưng. Các dấu hiệu chứng tỏ nạn nhân bị o­ng độc đốt là: nạn nhân than mệt nhiều, tay chân lạnh, da nổi mẩn, tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở. Khi đó, nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác. Phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.

Trực tiếp Chào buổi tối: Ngành y tế đang tìm cách tận thu?

Chương trình Chào buổi tối 4/11: Từ giữa tháng 11, 1.800 giá dịch vụ y tế sẽ tăng với mức trung bình từ 2-7 lần, chủ yếu tập trung cho đối tượng bảo hiểm y tế đang khiến không ít người dân bức xúc. Chương trình Chào buổi tối 4/11 hôm nay sẽ đề cập tới những vấn đề nổi cộm trong việc điều chỉnh viện phí dự kiến áp dụng từ ngày 15/11 tới đây, với hơn 1.800 dịch vụ y tế điều chỉnh giá sẽ có mức tăng trung bình từ 2 - 7 lần so với giá viện phí áp dụng hiện nay. Điều đáng nói ở đây là những đối tượng bị tăng viện phí lại chủ yếu tập trung vào đối tượng bảo hiểm y tế, đồng nghĩa gánh nặng về chi phí phải trả cho mỗi lần khám chữa, điều trị của những người có hoàn cảnh khó khăn lại tăng lên. Thế nhưng theo BHXH Việt Nam, dù viện phí điều chỉnh tăng giá, nhưng mức chi tiêu tiền túi của người bệnh sẽ giảm đi và mục tiêu của Bộ Y tế là sẽ giảm số chi tiền túi của người dân xuống dưới 45% vào năm 2015 và dưới 40% vào năm 2020. Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn trả lời trên truyền hình rằng: “Khi chúng ta không tính giá dịch vụ đúng, đủ thì chất lượng dịch vụ y tế không thể đảm bảo. Cũng như một cái cốc giá 100 đồng, nhưng chỉ cho phép thanh toán 50 đồng. Như vậy còn 50 đồng nữa là người dân tự bỏ tiền túi chi trả... Vì vậy, chỉ có trả giá dịch vụ y tế đúng với giá trị thực của nó thì mới tạo ra được giá trị thực của chất lượng khám chữa bệnh. Người có thẻ BHYT sẽ được lợi nhiều nhất khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh”. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là liệu viện phí tăng lên nhưng chất lượng dịch vụ y tế có tăng lên tương ứng, hay liệu có giải quyết được những vấn đề tồn tại khác của ngành y tế bao nhiêu năm qua? Liệu có phải ngành y tế đang tìm cách để tận thu? Đó sẽ là những vấn đề sẽ được bình luận rõ hơn trong chương trình Chào buổi tối 4/11 hôm nay. Chào buổi tối là show tin tức tổng hợp của kệnh truyền hình VTC 14 được lên sóng từ ngày 6/7, đến nay đã nhận được sự quan tâm chú ý cũng như sự yêu mến của lượng lớn khán giả xem truyền hình. Với những thông tin nổi bật về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… diễn ra trong ngày cùng những câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi trong đời sống, chương trình Chào buổi tối mong muốn đem tới cho khán giả những giây phút vừa được cập nhật tin tức nóng hổi, vừa được thư giãn sau một ngày bận rộn và bắt đầu buổi tối quây quần bên gia đình. Đảm nhận vị trí “host” của Chào buổi tối là Hoa hậu Thu Thủy, một trong những người đẹp có học vấn đáng nể nhất trong số các Hoa hậu Việt Nam. Chương trình Chào buổi tối có thời lượng 30 phút được phát sóng vào lúc 18h hàng ngày trên kênh truyền hình VTC 14 và VTC1. Khán giả có thể tương tác, bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề thời sự đang được nhiều người quan tâm theo 3 cách: Đường dây nóng: 0904881414 Fanpage: www.facebook.com/bantinchaobuoitoi Email: chaobuoitoi@vtc.gov.vn

Chất lượng Việt

Cốm Cansua 3+ đang lưu hành trên thị trường hầu hết là hàng giả

Theo thông tin từ Cục ATTP (Bộ Y tế), lô sản phẩm thực phẩm chức năng Cốm Cansua 3+ hiện đang lưu hành trên thị trường hầu hết là hàng giả. Theo báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện nay trên thị trường đang lưu hành lô sản phẩm thực phẩm chức năng Cốm Cansua 3+ (số lô 012015, NSX: 21032015 – HSD: 20032017) giả mạo sản phẩm thực phẩm chức năng Cốm Cansua 3+ của Công ty TNHH Dược phẩm Mê Linh công bố và sản xuất. Địa chỉ của công ty hiện ở thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Công ty TMHH Dược phẩm và TBYT Minh Phát hiện đang phân phối sản phẩm này tại địa chỉ: Số 31, tập thể Cục An ninh quân đội, Tổ 50, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội Cốm Cansua 3+ đang lưu hành trên thị trường hầu hết là hàng giảCách phân biệt  Cốm Cansua 3+ thật-giả “Cục An toàn thực phẩm thông báo để người dân và các cơ quan chức năng biết. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm và sẽ công bố công khai khi có kết quả xác minh, xử lý”, thông báo khuyến cáo cùng người dân. Theo công bố của Công ty TNHH Dược phẩm Mê Linh, thành phần chính tạo nên Cansua3 là nguyên sinh chất men bia tươi chứa 21 loại acid amin cùng các nguyên tố vi lượng kẽm, sắt, iode.... Thêm vào đó Cansua 3 được bổ sung vitamin D3; Calci Gluconate; vitamin A; vitamin B1; vitamin B2; vitamin B6; vitamin PP; lysin... Cốm Cansua 3 giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, chống còi xương, chống suy dinh dưỡng, tăng cường tiêu hoá, tăng hấp thu và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Đời sống pháp luật

Kỳ tích cứu sống nạn nhân tim ngừng đập và cô gái xẹp phổi hồi sinh

Một bên phổi không còn chức năng hô hấp, bệnh nhân liên tục ho ra máu, cơ thể suy kiệt nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc mất máu. Hai trường hợp bệnh nhân còn khá trẻ (24 tuổi) bị lao dẫn đến tổn thương các cơ quan hô hấp, rơi vào tình trạng ngưng tim, suy hô hấp vừa được y, bác sỹ tại bệnh viện Phổi Trung ương cứu sống kịp thời. PV báo ĐS&PL đã đến khoa Hồi sức của bệnh viện Phổi Trung ương để trực tiếp tìm hiểu hai ca bệnh vừa được may mắn cứu sống. Nắm tấm dây vải, Nguyễn T.H. (24 tuổi, Giao Thuỷ, Nam Định) đang cố gắng ho, tập thở đều đặn theo hướng dẫn của bác sỹ. Khuôn mặt tỉnh táo, H. chia sẻ với PV: “Lúc cân nặng em “đỉnh cao” là 53kg. Tuy nhiên, một thời gian sau cân nặng em xuống còn 46kg, hiện nay là 44kg. Em cũng có đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ nhưng các bác sỹ cho biết em bị suy nhược có thể do làm việc quá sức. Tình trạng này diễn ra vài năm trời rồi, em đi đến 4, 5 bệnh viện nhưng vẫn không biết rõ mình bị bệnh gì”. Chị Nguyễn Thị V. A. - chị gái bệnh nhân cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, H. thường xuyên sốt về chiều. Gia đình chúng tôi đã đưa em đi khám ở bệnh viện tỉnh, Trung ương. Nhiều xét nghiệm được các bệnh viện làm. Họ nghi ngờ em tôi bị ung thư máu, thậm chí tiến hành chọc tuỷ, tuy nhiên vẫn không tìm ra được bệnh. Chúng tôi rời viện với kết luận em gái tôi bị suy nhược và cần bồi bổ. Các bác sỹ khuyên gia đình tôi đưa em sang viện Huyết học Truyền máu Trung ương để kiểm tra về máu kỹ hơn”. Khi gia đình đưa H. tới viện chuyên về máu để kiểm tra, vừa ra đến cổng viện bất ngờ H. bị ho ra máu tươi phải quay lại nhập viện tức khắc. 9h tối hôm đó, H. tiếp tục nôn ra nhiều máu phải cấp cứu. Ngày hôm sau, H. được chuyển sang bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, ho ra máu. Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Lao hô hấp (bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết: “Tình trạng của bệnh nhân H. khi vào viện rất nguy kịch vì cháu ho ra máu rất nhiều, suy hô hấp nặng phải thở ô xy, cơ thể suy kiệt. Bệnh nhân được chẩn đoán là lao phổi, tổn thương hang. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân bị xẹp phổi bên trái. Bệnh nhân không thể can thiệp bít mạch phế quản để ngăn chặn tình trạng ho ra máu. Chúng tôi đã điều trị nội khoa, tích cực sử dụng thuốc cầm máu, tuy nhiên tình trạng ho ra máu vẫn rất nặng, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Đây là trường hợp bệnh lý khá phức tạp. Ngay sau đó, chúng tôi đã đề xuất hội chẩn cấp cứu bệnh nhân xét phẫu thuật. Bảy khoa của bệnh viện bao gồm khoa Lao hô hấp, kế hoạch tổng hợp, Chẩn đoán hình ảnh, soi phế quản, cấp cứu, phẫu thuật lồng ngực, gây mê hồi sức đã được triệu tập để cùng hội chẩn ca bệnh này”. Bác Nguyễn Ngọc Khánh, người nhà của một bệnh nhân đang cùng nằm tại khoa Hồi sức cho biết: “Thời điểm cháu H. đang nằm cấp cứu. Người nhà tôi cũng đang điều trị tại đây. Ở bên ngoài, khi các bác sỹ trao đổi về tình trạng của cháu H. là 1 phần sống, 9 phần chết. Có ý kiến cho rằng  nguy kịch thế này, nên cho cháu về nhà... lo hậu sự. Tuy nhiên, tôi khâm phục mẹ cháu về sự quyết tâm. Mẹ cháu một mực nói chỉ cần 1% cơ hội cũng mong các bác sỹ cố gắng. Gia đình họ có niềm tin các bác sỹ sẽ cứu sống được con gái của mình. Nhìn cháu H. bây giờ, phải nói đúng là cháu được “hồi sinh””.

Cải tử hoàn sinh khi tim đã ngừng đập

Quả thật phải nói chuyện với người trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật cho H. mới thấy hết được sự cố gắng, quyết tâm của các bác sỹ tại viện. TS.BS Đinh Văn Lượng, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực kể lại: “Với các trường hợp thể trạng tốt thì phẫu thuật sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, cô gái quá yếu. Quá trình gây mê, hồi sức, khi trên bàn mổ, bất cứ lúc nào cô gái cũng phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Chúng tôi lo nhất là nguy cơ trào ngược, ho ra máu khi đặt ống gây mê cho bệnh nhân. Phổi bên phải sẽ bị bít tắc và bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Rất may, bằng sự phối hợp nhịp nhàng. Sau hơn gần 5 tiếng đồng hồ, ca mổ đã thành công tốt đẹp”. Chị gái bệnh nhân tâm sự: “Lúc nhìn các bác sỹ ra khỏi phòng mổ với khuôn mặt vui vẻ, bố mẹ tôi mừng quá phát khóc. Có lẽ, phúc nhà tôi còn lớn nên trời vẫn thương em nó, thương gia đình chúng tôi đã cho em nó gặp thầy, gặp thuốc”. Kíp mổ đã lấy được các tổn thương ở phổi, ngăn chặn được tình trạng ho ra máu. Sau 2 ngày mổ, kết quả chụp phim cho thấy phổi nở tốt. Dù còn nằm trong phòng Hồi sức nhưng biểu hiện lâm sàng của H. khá tốt. Việc H. trò chuyện được với PV và các bác sỹ phần nào cho thấy kết quả vô cùng khả quan của bệnh nhân. H. tâm sự: “Bây giờ, em tỉnh nghe cả nhà kể lại em mới thấy mình may mắn. May mắn vì tìm ra bệnh, may mắn được các bác sỹ tận tình cứu chữa, may mắn vì có người thân quyết tâm không buông xuôi”. Trường hợp thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập là trường hợp của chàng kiến trúc sư Võ Minh T. (24 tuổi, quê Tiên Lãng, Hải Phòng). Ca bệnh này lại khiến các bác sỹ rất bất ngờ vì mức độ tiến triển bệnh quá nhanh, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào trong khi cấp cứu. Trải qua thời khắc sinh tử, giờ T. đã có thể ngồi nói chuyện. T. kể: “Bốn tháng trước, em bị ho, tức ngực. Em về nhà và có lên bệnh viện ở tỉnh kiểm tra. Tuy nhiên, bệnh viện không phát hiện được là em bị bệnh gì. Cân nặng của em vẫn tăng bình thường, không hề bị suy nhược. Đến khi ho ra máu, em nhập viện Phổi và được chẩn đoán là lao tổn thương ở phế quản. Em còn được bố kể là đã ngưng tim nhưng may mắn được cứu sống. Không biết nếu hôm đó không được cấp cứu kịp thời thì giờ em có thể nói chuyện được với chị không!” (cười). Bác sỹ Hoàng Thị Phượng cho biết: “Trường hợp T. khá đặc biệt vì phổi của bệnh nhân không bị tổn thương nặng khiến dễ bị bỏ qua. Khi bệnh nhân nhập viện, chúng tôi phát hiện lao tổn thương phế quản gốc. Bệnh nhân ho ra máu rất nhiều và bị ngưng tim. Ngay lập tức, các ê - kíp đã phối hợp nút mạch khẩn trương, đặt ống nội khí quản cấp cứu nhanh chóng. Lúc đó, từng phút, từng giây cũng là khoảnh khắc sống còn với bệnh nhân”. Theo chia sẻ của các chuyên gia, điều đáng lo ngại là nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện trong tình trạng rất nặng, bị bệnh lao không những tổn thương ở phổi mà còn dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan khác. Bệnh nhân tốn rất nhiều chi phí thăm khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra bệnh. Đó thực sự là một điều đáng lo ngại. Theo khuyến cáo, nếu người bệnh có dấu hiệu tụt cân không rõ nguyên nhân, ho ra máu, sốt về chiều... thì nên đến cơ sở chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác.

Lao tai dễ bị chẩn đoán, chữa trị nhầm

Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 12 trong số 22 nước có người mắc bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS.BS Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Lao hô hấp còn chia sẻ về nhiều trường hợp bị lao tai hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm với bệnh viêm tai giữa. Điển hình như một trường hợp giáo viên dạy Hoá (Hà Nội) từng được lên lịch mổ tại bệnh viện chuyên về Tai – Mũi - Họng. Thính lực hai tai của bệnh nhân gần như không nghe được gì. Tuy nhiên, trước khi mổ 2 ngày, bệnh nhân đến viện Phổi Trung ương kiểm tra, sau khi kiểm tra, các bác sỹ đã phát hiện bệnh nhân bị lao tai. Ngay sau đó, bệnh nhân được điều trị thuốc đặc hiệu chữa trị mà không phải phẫu thuật.

Hà Nội mới

Thời tiết giao mùa, gia tăng trẻ nhập viện

Ngày 5-11, theo tin từ một số BV Hà Nội, do thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm nên số lượng trẻ nhập viện tăng nhanh. Cụ thể, tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), số bệnh nhân đến khám vào khoảng 250-300 bệnh nhân/ngày (tăng gấp 1,5 lần so với trước), trong đó có hơn 50% số bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp. Tại BVĐK Xanh pôn trung bình mỗi ngày có hơn 300 trẻ đến khám bệnh, chủ yếu là trẻ mắc viêm phế quản, viêm phổi, trong đó có khoảng 10% bị nặng, phải nằm viện để điều trị. Theo các bác sĩ, để chủ động phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi, cha mẹ cần đeo khẩu trang, mặc quần áo ấm cho trẻ khi ra đường. Khi trẻ ra mồ hôi, cần cởi bớt áo ngoài ra và lau mồ hôi ngực, lưng để tránh nhiễm lạnh. Khi trẻ có dấu hiệu ho, sốt cao, hắt hơi, chảy nước mũi thì cần đưa đến BV để được điều trị kịp thời.

Sức khỏe 51 học sinh bị o­ng đốt đã ổn định

Về sự việc 51 học sinh (HS) Trường Tiểu học Yên Sở (quận Hoàng Mai) bị o­ng đốt tại trường phải nhập viện, ngày 5-11, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai đã có báo cáo gửi Sở GD-ĐT. Theo đó, ngày 5-11, có 47 trong tổng số 51 HS bị o­ng đốt đã đi học bình thường; 4 em xin phép nghỉ học. Nhà trường đã trao đổi với phụ huynh của 4 HS này và cùng với nhân viên y tế phường đưa các em đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại. Kết quả sau khám cho thấy tình trạng sức khỏe của cả 4 HS này bình thường. Trước đó, trong giờ ra chơi chiều 4-11, khi các em HS đang vui chơi tại sân sau dãy lớp học nhà A thì bị o­ng đốt. Nhà trường phát hiện có một tổ o­ng nhỏ (loại o­ng ruồi) trên cây liễu gần khu vực các em chơi. Sau khi biết HS bị o­ng đốt, nhà trường đã phối hợp với Trạm y tế phường sơ cứu ban đầu và dỡ bỏ tổ o­ng, cùng cha mẹ HS đưa các em đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi khám, toàn bộ 51 HS (trong đó có 2 HS có dấu hiệu nặng, phải xét nghiệm máu) được xuất viện trong ngày.

Tiền phong

Chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo

Chiều 5/11, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Phong Quang, cho biết Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ vừa đặt máy điều trị phì đại và ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ để phục vụ miễn phí người nghèo…

Ghép tế bào gốc cứu sống trẻ bị bệnh tan máu

Lần đầu tiên Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn chữa bệnh tan máu bẩm sinh mà mẫu tế bào gốc được vận chuyển từ TPHCM ra Hà Nội bằng xe chuyên dụng. Bệnh nhi L.N.M. (10 tuổi) được phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh khi được 4 tháng tuổi. Bé thường xuyên phải đi bệnh viện để truyền máu vì lúc bấy giờ Việt Nam chưa thực hiện được ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn. Anh L.V.T, bố bệnh nhi có biết, khi M. được 3 tuổi thì anh đọc được thông tin Viện Huyết học và Truyền máu TPHCM có thể ghép được nên cả nhà khăn gói vào Sài Gòn với hy vọng mong manh con trai sẽ được chữa bệnh. Tại đây các bác sĩ tư vấn vợ chồng anh nên sinh thêm con để có thể sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn ghép cho bé M. Một năm sau đó, M. có thêm em trai, ngay sau khi em bé chào đời, các bác sĩ đã lấy máu cuống rốn của trẻ sơ sinh lưu trữ tại Ngân hàng tế bào gốc Mekostem (TPHCM). Nhưng phải đợi đến 6 năm sau, mẫu máu cuống rốn đó mới được ghép vào cơ thể bệnh nhân. Lý giải điều này, anh T. cho biết, Viện Huyết học và Truyền máu TPHCM ưu tiên ghép trước cho những bệnh nhân ung thư, trong khi bệnh của bé M. chưa quá khẩn cấp nên chờ mãi chưa đến lượt. Sau đó biết tin Bệnh viện Nhi T.Ư đã thực hiện được kỹ thuật ghép nên gia đình đưa con đến khám và làm các xét nghiệm. TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Truyền máu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, đây là ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại viện mà mẫu máu cuống rốn được chuyển từ TPHCM ra Hà Nội. Các chuyên gia đã sử dụng dung dịch bảo quản đạt tiêu chuẩn quốc tế vận chuyển mẫu trên xe chuyên dụng, đảm bảo chất lượng mẫu máu cuống rốn không bị ảnh hưởng. May mắn đến với bệnh nhi M. khi các xét nghiệm cho thấy chỉ số hòa hợp giữa tế bào gốc của người hiến và người nhận là 100%, chất lượng tế bào sống hơn 80%. Bệnh nhân M. được đưa vào phòng vô trùng, cách ly hoàn toàn với mọi người. Sau đó các bác sĩ dùng hóa chất diệt tế bào tủy của M. để chuẩn bị cho công đoạn ghép tế bào gốc của em trai. Lúc này, bệnh nhi đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn vì không còn tủy, hệ miễn dịch rất kém. Thức ăn được mang vào phòng cho người chăm sóc bệnh nhân ăn đều phải qua máy chiếu diệt khuẩn để đảm bảo an toàn. Lúc này do sức khỏe yếu nên trẻ không ăn được, phải nuôi bằng đường tĩnh mạch. Sau 15 ngày các xét nghiệm cho thấy tế bào tủy xương cũ đã hết, bác sĩ mới truyền tế bào gốc của người cho vào cơ thể người nhận. Sau khi ghép sức đề kháng của bệnh nhân vẫn chưa có nên bác sĩ liên tục chỉ định truyền máu và sử dụng thuốc chống thải ghép. Khó khăn xuất hiện khi cơ thể không còn miễn dịch, bệnh nhi bị nhiễm trùng do nấm rất nặng nề. Có thời điểm tưởng như không cứu vãn được tình hình khi bé M. bị tăng huyết áp, co giật, suy thận, đau đầu, nôn liên tục, tiêu chảy kéo dài. Hơn 1 tháng sau kể từ ngày ghép, mảnh ghép mới đã mọc, cơ thể sinh miễn dịch nên sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, xét nghiệm thấy tế bào tủy tốt, các dòng tế bào máu ngoại biên trở lại ổn định, giảm truyền máu. Ngày 3/11, bệnh nhân đã được các bác sĩ cho xuất viện về điều trị ngoại trú trong tình trạng sức khỏe tốt. Anh T. cho hay về nhà bé M. ăn uống tốt, chơi đùa với các bạn bình thường và sẽ trở lại lớp học vào tuần sau. Nói về thành công của ca ghép đặc biệt này, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: “Thành công của ca ghép có được là nhờ sự phối hợp toàn diện của các nhóm huyết học lâm sàng, nhóm tế bào gốc, huyết học xét nghiệm, các hệ thống labo, đơn vị chăm sóc ghép... Đặc biệt là nhờ cha mẹ bệnh nhân đã hiểu được bệnh của con để lưu máu cuống rốn em bé, phối hợp tốt trong thời gian ghép”. TS Thanh Mai chia sẻ, những bác sĩ, điều dưỡng của khoa Hồi sức Ngoại thực sự là những người làm nên điều kỳ diệu cho bệnh nhi khi họ đã dốc sức và kinh nghiệm để cứu bé M. vượt qua những thời khắc “cửa tử”.(Tiền phong trang 6)

Gia đình xã hội

Phấn đấu hết năm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 75%

Tính đến tháng 9/2015, số đối tượng tham gia BHYT khoảng 67,4 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73,91% dân số. Tỷ lệ chưa tham gia bảo hiểm y tế tập trung tại các nhóm là người lao động và người sử dụng lao đông. Theo Bộ Y tế, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý VI/2015 là phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 75%...

Sức khoẻ đời sống

Lần đầu tiên 900 đại biểu nhi khoa trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm điều trị

Các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ chia sẻ nhiều nội dung y khoa bổ ích trong công tác hàng ngày cũng như trong hoạt động nghiên cứu. Trong hai ngày 5 và 6/11/2015, tại BV Bạch Mai diễn ra Hội nghi Nhi khoa Việt – Mỹ năm 2015. Đây là hội nghị thường niên lần thứ 5 được tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Hoa Kỳ với nhiều nội dung y khoa bổ ích trong công tác hàng ngày cũng như trong hoạt động nghiên cứu. ThS.BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, hội nghị lần này có nhiều cập nhật nghiên cứu mới, điển hình là áp dụng PK/PD trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp và trường hợp lâm sàng về viêm phổi kẽ đặc biệt; Những cập nhật về kháng kháng sinh trong lâm sàng và các vấn đề về nhiễm virus bẩm sinh – một bệnh lý thường gặp trong thực hành lâm sàng; Hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ, nhấn mạnh vai trò liên kết sản - nhi giúp giảm những tai biến trong quá trình sinh và việc áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt trong điều trị bệnh lý của trẻ sơ sinh; Những vấn đề cấp bách trong xử trí cấp cứu đường thở ở trẻ em – một vấn đề gặp rất nhiều trong thực hành lâm sàng hàng ngày và một vấn đề mang tính thời sự không kém trong công tác điều trị đó là cấp cứu tim mạch trong nhi khoa; Các bệnh lý thận – tiết niệu thường gặp ở trẻ em như hội chứng tan huyết tăng urê máu và bệnh lý thận hư… Đặc biệt, trong thời điểm chuyển mùa ở nước ta như hiện nay, các bệnh lý hô hấp khá phổ biến. Trong công tác điều trị hàng ngày, có đến trên 50% là các bệnh lý đường hô hấp. Do đó, tại hội nghị lần này, chuyên gia về các bệnh lý phổi trẻ em đến từ BV Mayo Clinic sẽ chia sẻ hai vấn đề hay gặp hiện nay đó là bệnh lýviêm phổi, viêm tiểu phế quản và Xử trí khò khè ở trẻ em. Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cập nhật mới trong sinh lý bệnh và quản lý chấn thương; đánh giá và kiểm soát bất thường chảy máu ở trẻ em, những phản ứng trong truyền máu; xử trí cấp cứu co giật… Đây cũng là lần đầu tiên BV Bạch Mai triển khai truyền hình trực tuyến với sự tham gia của gần 900 đại biểu từ khắp mọi miền đất nước đăng ký tham dự, tạo điều kiện thuận lợi cho các y bác sĩ ở xa không có điều kiện tham dự hội nghị vẫn có thể trực tiếp theo dõi thông tin chia sẻ của các chuyên gia.

Đại biểu nhân dân

Triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020

Tăng cường sự lãnh đạo và đầu tư từ nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế là giải pháp được đưa ra tại Hội thảo Triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020 do Ban quản lý Dự án Nâng cao năng lực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nan ma túy, mại dâm về điều phối và vận động chính sách phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AID, Bộ Y tế tổ chức ngày 5.11, tại Hải Phòng. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến tháng 9.2015 cả nước phát hiện 7.054 trường hợp nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS là 4.257, số HIV tử vong là 1.640. Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao có xu hướng giảm mạnh, tuy nhiên ở một số tỉnh, thành phố tình trạng nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Cùng với đó, hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phát triển mạnh với 63 trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố; 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV, 95 phòng xét nghiệm khẳng định, 91 phòng xét nghiệm CD4 tại 48 tỉnh, thành phố, 7 cơ sở xét nghiệm tải lượng virus… Các hoạt động truyền thông cũng được đa dạng hóa với truyền thông báo chí, hệ thống phát thanh xã, phường, truyền thông theo nhóm, mít tinh, diễu hành… Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe quan trọng của cộng đồng, vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Theo đó, số lượng người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục tăng cao với khoảng 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời; nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao; tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế, trật tự an ninh xã hội… Để đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là đạt được chỉ tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người nhiễm HIV được chuẩn đoán được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo và đầu tư từ nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế; củng cố và tăng cường năng lực hệ thống trong việc cung cấp các can thiệp, thực hiện mô hình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS liên tục. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 cần đổi mới công tác thay đổi hành vi, thực hiện các hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông nhóm nhỏ cho người tiêm chích ma túy và gia đình họ; người có uy tín trong lòng, bản; kết hợp với đó là các hoạt động truyền thông trong khi cung cấp dịch vụ, tập trung và lợi ích của các biện pháp can thiệp dự phòng, điều trị methadone, dùng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, lợi ích của việc xét nghiệm HIV và điều trị ARV. Đồng thời nhấn mạnh đến thông điệp điều trị ARV kết hợp với các biện pháp dự phòng khác là biện pháp dự phòng nhiễm HIV mới hiệu quả nhất. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tiến hành rà soát số liệu theo từng xã, phường; xác định các huyện, xã cần tập trung can thiệp và chỉ tiêu mỗi “90”; xác định biện pháp cần làm để đạt được mỗi chỉ tiêu “90”; theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu của mỗi mục tiêu “90”.

Ngày 17/11/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích