Điểm tin y tế từ các báo ngày 01/5 đến ngày 10/5 năm 2018
Lùi thời gian tiêm đại trà vaccine ComBe Five; Kêu gọi người dân chung tay phòng chống sốt xuất huyết; Xuất hiện bệnh nhân bị não mô cầu đầu tiên của "mùa dịch"; Cứu người bệnh xuất huyết não hố sau; Nhiều thuốc không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế siết quản lý chất lượng; Nắng nóng, bệnh dại vào mùa; Bộ Y tế dự kiến cắt giảm hơn 1.100 điều kiện kinh doanh: Đã đủ giảm phiền hà? Sài Gòn giải phóng
Lùi thời gian tiêm đại trà vaccine ComBe Five Theo Bộ Y tế, trong tháng 6 và 7, vaccine ComBe Five sẽ được triển khai tại 4 tỉnh/thành phố thuộc 4 khu vực: Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định và Kon Tum để rút kinh nghiệm, trước khi tổ chức triển khai chuyển đổi sử dụng vaccine trên phạm vi toàn quốc. Vào tháng 8, vaccine ComBe Five sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc thay thế vaccine “5 trong 1” Quinvaxem… Trước đó, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai sử dụng đại trà vaccine ComBe Five vào tháng 6. Lý giải về việc lùi thời gian, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết việc này nhằm để bên cung ứng vaccine có đủ thời gian dán nhãn, làm các thủ tục hành chính, thủ tục thông quan. Cùng với đó, phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng có thêm thời gian để kiểm định kỹ lưỡng loại vaccine mới này. Việc vaccine Quinvaxem được thay thế bằng ComBe Five là do Tập đoàn Vaccine Jassen tại Hàn Quốc (nhà sản xuất vaccine Quinvaxem) đã có thông báo ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem từ năm 2016 và ngừng cung ứng vaccine này trên toàn cầu từ năm 2018. Số vaccine Quinvaxem còn lại tại Việt Nam chỉ đủ để tiêm cho trẻ đến hết tháng 5 và một số tỉnh đến tháng 6. Bộ Y tế cho biết, vaccine ComBe Five là loại vaccine phối hợp “5 trong 1” phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vaccine ComBe Five do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới và tới nay đã được sử dụng ở 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều tiêm. Vaccine ComBe Five đã được đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2017. Công an nhân dân Kêu gọi người dân chung tay phòng chống sốt xuất huyết "Các cơ quan, công sở, đơn vị và người dân Thành phố mỗi tuần dành từ 10 đến 15 phút tìm và diệt các ổ loăng quăng tại nơi làm việc, sinh sống để phòng chống bệnh sốt xuất huyết". Đó là lời kêu gọi của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Lễ phát động Chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” năm 2018 được tổ chức vào sáng 05/5. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện phường, xã huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện các giải pháp phòng bệnh hiệu quả tại địa phương; nhất là đẩy mạnh việc xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng, để tồn tại các điểm nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết theo quy định Xuất hiện bệnh nhân bị não mô cầu đầu tiên của "mùa dịch" Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên của “mùa dịch” năm nay bị viêm màng mủ do vi khuẩn não mô cầu đến từ Hưng Yên. Ngay lập tức, các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng để tránh lây nhiễm từ bệnh nhân 30 tuổi này. Theo lời người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân bị đau họng, ho khan và 2 ngày sau thì sốt cao 39 độ C, đau đầu và buồn nôn rồi ngày càng sốt cao và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên và đến trưa ngày 18-4 thì bắt đầu rối loạn ý thức nên đã được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, có nhiều chấm xuất huyết ở chân và thân mình. Đặc biệt bệnh nhân đã có dấu hiệu của rối loạn ý thức, kích thích vật vã”. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Đây là một trong những thể bệnh nặng của nhiễm khuẩn do não mô cầu. Hiện bệnh nhân được nằm tại phòng cách ly để điều trị theo phác đồ viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển hơn, hiện đã tỉnh táo, tuy còn sốt, nhưng sức khỏe đã được cải thiện rõ rệt. Cũng theo TS. Dũng, bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%. Vì thế, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng; đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân vv… Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi làm việc, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Trường hợp buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì cần đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày. Mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời. “Người tiếp xúc gần với bệnh nhân - là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… - cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.” - TS. Dũng khuyến cáo. Nhân dân Cứu người bệnh xuất huyết não hố sau Các bác sĩ Bệnh viện E vừa triển khai thành công kỹ thuật khó, cứu sống bệnh nhân xuất huyết não hố sau do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch kích thước lớn bằng can thiệp nút mạch siêu chọn lọc. Cách đây mấy tháng, bệnh nhân P.T.T (25 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện đau đầu không rõ nguyên nhân, đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Ngày 9-4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu đột ngột, lơ mơ, nôn nhiều, sau đó ý thức chậm dần, rơi vào tiền hôn mê. Bệnh nhân được chụp CT sọ não thấy hình ảnh xuất huyết não hố sau. Các bác sĩ Ngoại Thần kinh, Hồi sức tích cực và Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E hội chẩn và chỉ định cho bệnh nhân chụp dựng hình mạch não thấy hình xuất huyết vùng cầu não lệch phải kích thước 25x14mm, chảy máu vào não thất và các bể quanh cầu não do dị dạng mạch (AVM) vùng cầu não, sau tiêm thuốc cản quang có hình hai tĩnh mạch dẫn lưu giãn to. Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị dị dạng động tĩnh mạch vùng cầu não (sàn não thất IV) có chảy máu não thất. Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất. Ngày 11-4, một kíp bác sĩ của khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E đã phối hợp khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện can thiệp chụp và nút tắc dị dạng động tĩnh mạch não, lấy huyết khối động mạch não bằng keo sinh học cho bệnh nhân. Do khối dị dạng có nhiều mạch máu nuôi nên các bác sĩ phải nút siêu chọn lọc các nhánh mạch nuôi khối dị dạng, kéo dài thời gian ca mổ. Sau một ngày, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI sọ não, cho thấy không còn hình ảnh nhồi máu xuất huyết mới. Hiện tại bệnh nhân tỉnh chậm, chi giác cải thiện, không liệt khu trú, đỡ đau đầu… Theo ThS.BS Đỗ Quốc Phong, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E, dị dạng AVM vô cùng nguy hiểm bởi vùng dị dạng chảy máu ngay cạnh vùng thân não (bao gồm trung tâm điều hành tim mạch, hô hấp, thân nhiệt – là những trung tâm điều phối mọi hoạt động sinh tồn cơ bản của cơ thể). Bên cạnh đó, vùng hố sau đó ngay gần lỗ chẩm là nơi điều phối của não đối với tất cả các hoạt động cơ thể. Vì vậy, chỉ cần một chảy máu kích thước nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến chi phối của não bộ lên hoạt động cơ thể. “Đau đầu ở người trẻ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chụp chiếu, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh hệ lụy chảy máu não, thậm chí tử vong”, BS Phong cảnh báo. GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, việc cứu sống thành công bệnh nhân xuất huyết não hố sau do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch kích thước lớn bằng can thiệp nút mạch siêu chọn lọc do các bác sĩ Bệnh viện E phối hợp Bệnh viện Bạch Mai thực hiện đã mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Hiện nay, Bệnh viện E bước đầu triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp mạch, trong đó có can thiệp mạch não, nút mạch bằng hạt hóa chất, hạt phóng xạ điều trị ung thư gan… Tiền phong Nhiều thuốc không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế siết quản lý chất lượng Thời gian gần đây qua công tác thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng tại một số tỉnh, thành đã phát hiện, xử lý một số cơ sở kinh doanh thuốc mua bán thuốc không rõ nguồn gốc. Vì thế, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc. Cụ thể, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở sử dụng thuốc tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, sử dụng thuốc và quy định về ghi nhãn thuốc. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi kinh doanh đã được cấp phép. Chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các loại thuốc đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi kinh doanh phù hợp. Triển khai, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành tốt trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bảo quản và sử dụng tại cơ sở theo đúng quy định. Duy trì nghiêm túc việc kiểm tra hậu kiểm, đối chiếu hồ sơ sổ sách, đối chiếu hàng hóa, kịp thời phát hiện thuốc hết hạn dùng, thuốc có nghi ngờ về chất lượng. Biệt trữ bảo quản riêng biệt đối với các thuốc có nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc thuốc hết hạn dùng. Nghiêm cấm mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc trôi nổi, thuốc hết hạn dùng, thuốc đã có thông báo thu hồi, thuốc của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh dược. Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn về việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành tốt, việc mua bán thuốc có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ hợp pháp. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định hiện hành đối với các cơ sở cá nhân vi phạm mua bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc bị thu hồi, thuốc không có hóa đơn chứng từ phù hợp, đặc biệt tập trung vào các công ty đầu mối và cơ sở bán lẻ thuốc là tuyến cuối phân phối thuốc đến tay người sử dụng Nắng nóng, bệnh dại vào mùa Đã bắt đầu vào "mùa cao điểm" của bệnh dại. Căn bệnh nguy hiểm này gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin. Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường, Cục đã nhận được một số thông tin phản ánh về việc có nguy cơ chưa cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêm phòng dại của nhân dân tăng cao từ quý 1 và đặc biệt vào các tháng mùa hè, nên các đơn vị không có đủ vắc xin dự trữ; do giá dự thầu cao hơn giá mời thầu; một số đơn vị chưa chủ động thay thế nguồn vắc xin trong trường hợp nguồn cung hiện tại có nguy cơ thiếu đột ngột. Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành y tế, số người tử vong vì bệnh dại cả nước trong các năm 2016, 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 lần lượt là: 91 (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014); 62 và 18 người. Trước tình hình này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn Số 7545/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Parteur Nha Trang, Tây Nguyên và Tp Hồ Chí Minh yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại. Về tình hình vắc xin phòng bệnh dại đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam, ông Cường cho hay, hiện tại có 4 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu). Công văn của Cục Quản lý Dược cho biết, theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu, khả năng cung ứng vắcxin phòng bệnh dại của năm 2018 là đủ để cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Để đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin cho tiêm chủng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn; đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện hoạt động tiêm chủng, tiêm vắc xin phòng dại cần có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, ký hợp đồng, đấu thầu, để cung ứng vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh dại, tuy nhiên bệnh này có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Hà Nội mới Bộ Y tế dự kiến cắt giảm hơn 1.100 điều kiện kinh doanh: Đã đủ giảm phiền hà? Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; theo đó, đề xuất cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư, kinh doanh và 168/338 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, bệnh viện và người bệnh cho rằng, vẫn còn không ít quy định cản trở việc kinh doanh thuốc chữa bệnh, khiến người bệnh khó tiếp cận với dịch vụ này tại cơ sở y tế. Việc cắt, giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2017, Bộ Y tế xếp hạng thứ 18 trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính. Vì thế, việc Bộ công bố dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, theo hướng cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư, kinh doanh (gần 70%) và 168/338 thủ tục hành chính (gần 50%), được coi là cuộc "cách mạng" về thủ tục hành chính. Riêng dược phẩm, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 77/144 điều kiện đầu tư, kinh doanh (hơn 53%) và 121/157 thủ tục hành chính (hơn 77%). Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quy định hiện hành muốn đưa ra hành lang pháp lý để quản lý thật chặt, rồi mới đến bảo đảm chất lượng và tiêu chí của các dịch vụ y tế. Song, thực tế đã bộc lộ một số hạn chế; mục tiêu quản lý chặt thị trường dược phẩm, giảm giá thuốc cho người bệnh chưa như mong muốn. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không theo kiểu cơ học, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện. Tuyệt đối không giảm cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi. Không chỉ riêng thuốc chữa bệnh, nhiều bệnh nhân cũng chưa hài lòng về thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh; còn không ít phiền toái, khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu... Trước thực tế đó, dự thảo nghị định lần này được Bộ Y tế soạn thảo theo nguyên tắc cố gắng cởi bỏ những ràng buộc, các thủ tục gây khó khăn, kể cả với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng như bệnh viện và người bệnh. Mục tiêu đặt ra là nhằm thay đổi cách thức tiếp cận để quản lý chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, nhất là tăng sự hài lòng với người bệnh. Lo thiếu thuốc do vướng quy định Tuy cắt giảm hơn 1.100 điều kiện kinh doanh, song không ít bệnh viện, doanh nghiệp dược vẫn “than phiền” một số quy định gây khó cho hoạt động của nhà thuốc bệnh viện vẫn chưa được đưa vào dự thảo nêu trên. Ví dụ, Khoản 2, Điều 136, Nghị định 54/2017/NĐ-CP (nghị định hiện hành) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, ban hành ngày 8-5-2017 quy định: Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám, chữa bệnh đó và thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng... đang gây rất nhiều khó khăn cho khối bệnh viện tư. Ông Phạm Văn Học, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương lý giải, cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước đấu thầu thuốc mới có thể áp dụng quy định này, còn cơ sở y tế tư nhân rất khó để thực hiện. Chưa kể, cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện cũng giống cơ sở bán lẻ thuốc bên ngoài, tức là cùng kinh doanh các sản phẩm dược phục vụ khám, chữa bệnh. Nếu chỉ bán thuốc đã trúng thầu dẫn đến việc nhiều loại thuốc mới vào Việt Nam, đã được phép lưu hành nhưng chưa nằm ở gói thầu nào sẽ không được bán, gây khó cho cả bệnh nhân và bệnh viện. Không chỉ bệnh viện tư, ngay cả bệnh viện công cũng gặp khó khăn khi trên thị trường có gần 30.000 loại thuốc, song danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả chỉ gần 900 hoạt chất (tương đương hơn 1.000 loại thuốc). Như vậy, còn rất nhiều thuốc sẽ không có trong danh mục đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, không có mặt trong nhà thuốc bệnh viện, nhất là các thuốc hiếm, thuốc đặc trị. Theo bà Trần Thị Thanh Hóa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, các bệnh viện tuyến cuối cần dùng thuốc đặc trị, nếu những loại này không có trong bệnh viện, không chỉ gây khó khăn cho bác sĩ kê đơn, mà còn gây phiền hà, khốn khổ cho người bệnh khi phải tìm mua thuốc bên ngoài. Trong khi đó, trên thị trường, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng... chưa được kiểm soát hoàn toàn. Khi không có nhà thuốc bệnh viện cạnh tranh thì nhà thuốc ở ngoài tha hồ “hét” giá, khiến mục tiêu giảm giá thuốc cho người bệnh khó khả thi. Ông Phạm Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 cũng đề nghị, đẩy nhanh việc công bố giá kê khai, kê khai lại trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Theo quy định, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được cơ quan quản lý công bố, vì thế nếu chậm trễ, thuốc nhập về không thể phục vụ ngay người bệnh. Liên quan đến vấn đề trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát và bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo, gây khó khi thực hiện, trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên, của cả người bệnh và doanh nghiệp. Cảnh giác với bệnh viêm não mô cầu Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã ghi nhận 10 trường hợp mắc viêm màng não mô cầu. Tới đầu tháng 5-2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân người dân tộc Mông trong tình trạng nguy kịch, khó qua khỏi do nhiễm viêm não mô cầu. Vào hè, đây được xem là bệnh rất nguy hiểm bởi có khả năng gây biến chứng nhanh Dễ chẩn đoán nhầm Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, tính đến 14h ngày 8-5, bệnh nhân nữ Hảng Thị D. (24 tuổi, dân tộc Mông, trú tại tỉnh Yên Bái) bị viêm não mô cầu vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, mất phản xạ, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân này có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, hôn mê… vào ngày 2-5. Đến ngày 3-5, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân D. bị viêm não mô cầu và cho chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho phép khẳng định bệnh nhân D. bị viêm màng não mủ do viêm não mô cầu, dẫn đến tình trạng phù não vô cùng trầm trọng. Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cũng tiếp nhận hai trường hợp mắc viêm não mô cầu, đó là một nữ sinh 15 tuổi (ở huyện Ba Vì) và một bệnh nhi 14 tháng tuổi (ở huyện Đông Anh). Đây là hai trường hợp mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2018 trên địa bàn Hà Nội. Còn từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã điều trị cho một thanh niên 30 tuổi (ở TP Hưng Yên) được chẩn đoán viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở giới trẻ và thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...) nên có khả năng gây thành dịch. Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày, trung bình 5-7 ngày. Bệnh có biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể như: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, tổn thương ở nhiều cơ quan. Trong lâm sàng thường hay gặp hai thể bệnh là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt, ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp, tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 60-70%). Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong là 30-40% nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, còn có các thể bệnh khác, gồm: Viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm nắp thanh quản tối cấp... Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 90 đến hơn 100 người mắc viêm não mô cầu, tỷ lệ tử vong khoảng 15%-20%. Ngoài ra, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề (chậm phát triển, điếc, liệt…). Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là loại bệnh không thường gặp nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh sốt xuất huyết do biểu hiện bệnh có những dấu hiệu tương tự như xuất huyết dưới da, đau đầu, cứng gáy, sốt... Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, não mô cầu chuyển nặng rất nhanh và có thể gây tử vong. “Mảng xuất huyết dưới da ở bệnh nhân viêm não mô cầu có hình sao - dấu hiệu phân biệt với sốt xuất huyết. Bệnh nhân có dấu hiệu này cần được đưa ngay đến bệnh viện”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý. Phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin Chiều 8-5, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, bệnh viêm não mô cầu tuy nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc xin. Hiện nay, có hai loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là AC của Pháp và BC của Cuba. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đang triển khai tiêm vắc xin AC, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, cùng với việc đưa con em mình đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin hiện có, mỗi gia đình cần thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, bảo đảm vệ sinh ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết… Đó là cách phòng tránh hiệu quả không chỉ bệnh viêm não mô cầu mà còn cả các loại bệnh dễ phát sinh trong mùa hè. PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, cần tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh; khi tiếp xúc với người bệnh, cần phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Những người ở khu vực xung quanh nơi có dịch bệnh lưu hành hay những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch Vào hè, cảnh giác bệnh truyền nhiễm Thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ngành Y tế Thủ đô cũng đưa ra cảnh báo, thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa hè và nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, sởi, thủy đậu… là rất lớn. Nhiều biến chứng khó lường Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 4 ca tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn cả nước cũng ghi nhận gần 7.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 135 trường hợp mắc sởi, 3 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Riêng tại Hà Nội, ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 234 trường hợp mắc tay chân miệng, 61 trường hợp mắc sởi, 2 trường hợp mắc não mô cầu. Đây là những bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trong những ngày hè, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8. Nếu như trong tháng 3-2018, trên địa bàn Hà Nội chỉ ghi nhận từ 20 đến 25 ca mắc tay chân miệng/tuần thì đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2018, số mắc tay chân miệng tăng lên từ 50 đến 70 ca/tuần. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên một số trường hợp ở thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm (như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp...) dẫn đến tử vong. “Khi bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, khó thở, giật mình và sốt trên 38,5 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài hơn 48 giờ, cần được đưa đến bệnh viện ngay”, bác sĩ Đỗ Thiện Hải nói. Cùng với tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào dịp hè. Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, hằng năm ghi nhận trung bình từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc và từ 50 đến 100 trường hợp tử vong. Dù 4 tháng đầu năm nay không có địa phương nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến nhưng dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp do nhiều công trình xây dựng, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy. Bên cạnh đó, khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển mạnh… Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lưu ý, với bệnh sốt xuất huyết, theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, người bệnh cho rằng sắp khỏi nhưng đây chính là giai đoạn có thể có những biến chứng nặng. Bệnh viêm màng não do não mô cầu cũng là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên và thường có khả năng gây thành dịch. Chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 4-2018, cả nước đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm não mô cầu, trong đó 2 trường hợp ở Hà Nội và 1 trường hợp ở Hưng Yên. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh viêm màng não do não mô cầu thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 đến 20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 đến 15%. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Chủ động phòng bệnh tại nhà Dù từ đầu năm đến nay chưa bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bài học từ vụ dịch sốt xuất huyết vào mùa hè năm ngoái tại Hà Nội vẫn khiến ngành Y tế lo ngại. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, những ngày hè nắng nóng tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ. Để phòng bệnh, các địa phương và mỗi người dân cần triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, như diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn, khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng, đặc biệt lưu ý các nhà trẻ, mẫu giáo... Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nắng nóng vào mùa hè còn gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Vì vậy, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động việc phòng ngừa... Với những bệnh đã có vắc xin phòng bệnh thì người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh phải bảo đảm việc cách ly để phòng lây cho người khác. Dùng các thuốc bác sĩ chỉ định để chữa triệu chứng. Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đối với một số dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cần có những đánh giá, dự báo tình hình chính xác nhất nhằm đưa ra biện pháp phòng chống kịp thời. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm phủ vắc xin với cả trẻ em và người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ Sức khỏe & Đời sống Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh hướng đến sự hài lòng của người bệnh Chiều ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế, về phía Tập đoàn FPT có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, cùng đại diện Lãnh đạo các phòng, ban, công ty của Tập đoàn FPT. Trong chuyến thăm và làm việc đoàn công tác của Bộ trưởng đã tới thăm trường Đại học FPT, Làng phần mềm F-ville tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc… Tại chuyến thăm đại diện FPT và các chuyên gia công nghệ của FPT đã trình bày với Bộ trưởng về giải pháp quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital phiên bản 2.0, là phiên bản mới ứng dụng những công nghệ 4.0 mới nhất như Trí tuệ nhân tạo (AI), Phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), thiết bị di động (Mobility), Kết nối vạn vật (IoT)… Theo lãnh đạo Tập đoàn FPT, phiên bản này giúp lãnh đạo bệnh viện quản lý toàn bộ hoạt động với các số liệu trực tuyến theo thời gian thực, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử… hướng đến xây dựng bệnh viện không giấy tờ; tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh theo hướng nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian/khối lượng công việc thủ tục hành chính; nâng cao công suất, hiệu suất bệnh viện; Quản lý chặt chẽ tài chính, chống thất thoát, tăng thu, giảm chi. Đây được cho là hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện ứng dụng công nghệ 4.0 đầu tiên tại Việt Nam. Tại buổi làm việc các đại biểu đã cùng thảo luận về những ứng dụng CNTT đối với ngành Y tế, cùng với đó tập đoàn FPT đã đưa ra một số đề xuất hợp tác ứng dụng CNTT cho ngành y tế trong thời gian tới. Qua thăm quan thực tế và lắng nghe các chuyên gia CNTT của Tập đoàn FPT báo cáo về các giải pháp công nghệ cao ứng dụng trong y tế, đặc biệt là sự đồng hành của tập đoàn FPT với ngành Y tế với ngành Y tế trong 20 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả mà tập đoàn FPT đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tin tưởng tập đoàn sẽ có đủ năng lực và kinh nghiệm tin học hóa hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam, bắt nhịp cùng với sự tiên tiến của các nước phát triển. Đối với những đề xuất của tập đoàn FPT trong việc phối hợp, thúc đẩy và đưa sản phẩm dịch vụ của tập đoàn FPT trong lĩnh vực Y tế Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng trong thời điểm này có 3 bài toán cấp thiết cần làm nhanh đó là: Bệnh viện thông minh, Chăm sóc sức khỏe thông minh, Quản trị hệ thống y tế thông minh. “ Việc triển khai 3 bài toán cần hướng đến những thuận lợi, lợi ích dành cho nhà quản lý, các bác sĩ và đặc biệt đó là sự hài lòng của người dân. Cụ thể bài toán phần mềm bệnh viện thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu là thủ tục đơn giản, giảm thời gian chờ đợi, công khai minh bạch. Với các quản lý bệnh viện thì phần mềm cần tốn ít thời gian, quản lý hiệu quả, tránh lãng phí”- Bộ trưởng nhấn mạnh. Đối với phần mềm Chăm sóc sức khỏe thông minh áp dụng tại các trạm y tế xã/phường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần gắn với mô hình bác sĩ gia đình, cần làm theo nguyên tắc đơn giản, dễ làm, dễ tiếp cận, phổ cập với người dân, hiệu quả từ đó mang lại sự hài lòng cho người dân. Bộ trưởng kỳ vọng tới năm 2020 100% bệnh viện Trung ương triển khai thành công Bệnh viện thông minh. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cảm ơn Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã dành thời gian tới thăm và làm việc cùng Tập đoàn FPT, cũng như đưa ra những ý kiến đóng góp cho xây dựng, góp ý các sản phẩm công nghệ của Tập đoàn trong công tác khám chữa bệnh. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, trong hơn 20 năm hợp tác với ngành Y tế, Tập đoàn FPT đã có các chuyên gia công nghệ chuyên sâu về nghiệp vụ ngành Y và triển khai hệ thống công nghệ tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ 4.0, Tập đoàn FPT tin tưởng sẽ đáp ứng được những yêu cầu từ phía Bộ Y tế đưa ra. Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng mong muốn trong thời gian tới Tập đoàn FPT sẽ tiếp tục phối hợp cùng với ngành Y tế để đẩy mạnh, đưa ứng dụng CNTT vào trong công tác khám chữa bệnh giúp ngành Y tế sánh bước cùng với các nền y học tiên tiến trên thế giới đặc biệt đó là đem lại sự hài lòng của người bệnh Tiền phong, Sức khỏe & Đời sống Kiểm soát chặt hoạt động của bệnh viện tự chủ tài chính Sở Y tế Hà Nội vừa ký Quyết định số 511/QĐ-SYT giao quyền tự chủ tài chính năm 2018 (đợt 1) cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành Y tế Hà Nội. Theo đó, Hà Nội tiếp tục có thêm 13 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính. Trước đó, năm 2017, Hà Nội đã có 5 bệnh viện tự chủ tài chính. Như vậy, đến thời điểm này ngành y tế Hà Nội hiện có 18 bệnh viện công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động… Cụ thể là các Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Ngoài ra, Hà Nội có 36 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động, bao gồm 3 bệnh viện là Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức; 4 trung tâm chuyên khoa là Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội, Trung tâm Pháp y Hà Nội và 29 Trung tâm Y tế các quận, huyện. Còn lại 6 đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, đó là 4 bệnh viện (gồm: Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương và Bệnh viện 09); Trung tâm tư vấn dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì. TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện công, không có nghĩa bệnh viện muốn làm gì thì làm. Bởi lẽ, khi được giao quyền tự chủ về tài chính sẽ khó tránh được trường hợp bệnh viện lấy chi phí từ dịch vụ bù đắp cho các hoạt động và có thể có tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế để tăng nguồn thu. "Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh cũng như sự hài hòa lợi ích của bệnh viện, Sở Y tế sẽ thường xuyên chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và quy định của pháp luật về quản lý tài chính. Song song với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước cần thực hiện cơ chế kiểm soát chéo giữa người bệnh và bệnh viện; phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật"- TS Nguyễn Khắc Hiền cho biết. Hà Nội mới, Nhân dân Bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại trong mùa hè Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường vừa có Công văn khẩn số 7545/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại. Theo đó, Cục Quản lý dược đã nhận thông tin phản ánh về nhu cầu tiêm phòng dại của nhân dân tăng cao từ quý I-2018, nhất là vào các tháng mùa hè nên các đơn vị không có đủ vắc xin dự trữ. Hiện có 4 loại vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành, trong đó đã có 3 loại được nhập khẩu vào Việt Nam và 1 loại dự kiến nhập khẩu vào cuối tháng 5 này. Như vậy, việc cung ứng vắc xin phòng bệnh dại trong năm 2018 đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo thống kê của ngành Y tế, trong năm 2016, số người tử vong vì bệnh dại cả nước là 91 người, năm 2017 là 62 người và 4 tháng đầu năm 2018 là 18 người Gia đình & Xã hội Nhu cầu tiêm vaccine viêm não mô cầu tăng cao bất thường Ngày 9/5, Khoa cấp cứu BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp mới nhất được xác định viêm màng não do mô cầu – một phụ nữ 24 tuổi ở Yên Bái đã được gia đình xin về do tiên lượng quá nặng. Đây là ca thứ 4 được chẩn đoán xác định mắc bệnh nguy hiểm này ở miền Bắc năm 2018... Chết não vì viêm màng não do não mô cầu BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân là chị Hảng Thị Dùa (24 tuổi, dân tộc Mông, quê ở Trạm Tấu, Yên Bái). Bệnh nhân nhập viện ngày 3/5, trong tình trạng hôn mê sâu, trên người có nhiều vết ban xuất huyết dưới da. Trước đó một ngày, khởi điểm chị Dùa có biểu hiện sốt, tiêu chảy, hôn mê… Trong 5 ngày ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân Dùa được làm nhiều xét nghiệm khẳng định bị viêm màng não do não mô cầu thể viêm màng não mủ, diễn biến bệnh rất nặng, mất phản xạ. Ngày 8/5, bệnh nhân được làm test khẳng định chết não. Trong ngày, gia đình đã xin bệnh viện cho bệnh nhân ra viện. Đây là ca bệnh viêm màng não do não mô cầu thứ 3 trong năm 2018 nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó có một bệnh nhi. Ngoài ra, tại Bệnh viện Bạch Mai mới đây cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân vào viện vì bệnh nguy hiểm này. Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột. Đây là bệnh được xác định là bệnh nguy hiểm. Bệnh nhân có các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê, có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% - 15%. Cách duy nhất để phòng bệnh là viêm vaccine. Đến thời điểm này, vi khuẩn não mô cầu được phát hiện có 13 chủng, nhưng ở Việt Nam nguy hiểm nhất là các chủng A, B, C. Do đó, trẻ cần tiêm ngừa cả 2 vaccine phòng viêm não mô cầu A+C và B+C. Trong đó, vaccine phòng viêm não mô cầu B+C áp dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đến người lớn đến 45 tuổi. Lịch gồm 2 mũi tiêm, cách nhau từ 6 - 8 tuần. Vaccine phòng viêm não mô cầu A+C áp dụng cho trẻ từ 24 tháng tuổi; mũi nhắc lại tiêm sau mỗi 3-5 năm. Nhu cầu tăng cao nhưng lại… hiếm vaccine Đại diện của Trung tâm Tiêm chủng - Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cho biết, thời điểm vào hè, lượng trẻ đến tiêm vaccine viêm não mô cầu tăng lên từ 30% – 50% so với trước. Tại Trung tâm Nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), đại diện Trung tâm này cũng cho biết, sau khi xuất hiện nhiều ca mắc viêm não mô cầu, nhu cầu được tiêm vaccine phòng bệnh này của người dân cũng tăng cao. Nhu cầu tăng cao nhưng phía Trung tâm Tiêm chủng - Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cho biết, hiện vaccine viêm não mô cầu B+C đã trong tình trạng “cháy hàng” và chưa rõ khi nào sẽ có trở lại. Tương tự, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) cũng thông báo hết vaccine viêm não mô cầu B+C. Trung tâm này cho biết, các bậc phụ huynh có nhu cầu tiêm chủng cho con có thể điện thoại liên lạc lại vào cuối tháng 5/2018 để nắm được tình hình cụ thể. Trong vai một bà mẹ có nhu cầu tiêm chủng viêm não mô cầu cho con tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (Đống Đa, Hà Nội), nhân viên tại đây cho biết, vaccine viêm não mô cầu A+C và B+C đều có sẵn. Dù vậy, do nhu cầu tiêm đang tăng cao, số lượng liên tục biến động nên Trung tâm chỉ đảm bảo tại thời điểm liên hệ. “Để chắc chắn em bé có thuốc tiêm trong thời gian tới, bố mẹ có thể đặt trước vaccine tại Trung tâm để giữ thuốc”, một nhân viên tại đây tư vấn. Tương tự, tại Trung tâm Nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế, lãnh đạo Trung tâm cho biết, dù vẫn còn nguồn vaccine B+C nhưng số lượng không dồi dào. Chị N.L (40 tuổi, ở huyện Sông Mã, Sơn La) có 3 cháu, các cháu có độ tuổi lần lượt là 13 tuổi – 3 tuổi – gần 2 tuổi, tức là đều trong độ tuổi tiêm phòng vaccine viêm não mô cầu, nhưng các bé chưa được tiêm. Chị L cho hay, do đây là vaccine dịch vụ, nằm ngoài Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên ở huyện Sông Mã không có điểm nào cung cấp vaccine này để tiêm cho các cháu. Chị L không phải trường hợp duy nhất ở địa phương này có nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh nguy hiểm cho con. Chị L đã phải đưa con đi 100km lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La hi vọng nguồn cung ứng vaccine này tốt hơn. Dù đi lại vất vả, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ vaccine để tiêm, hoặc mỗi lần chuẩn bị đi tiêm, các bé lại “lăn đùng” ra ốm, nên nhà chị L luôn trong tình trạng “đăng ký chậm”, chưa có vaccine để tiêm. Ngoài điểm tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các gia đình phải đăng ký tiêm dịch vụ bên ngoài, với mức giá 350.000 đồng (cao hơn 100.000 đồng so với giá tại Trung tâm niêm yết). Để được tiêm vaccine cho con, tránh phải đưa con đi lại xa, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe vào thời điểm tiêm chủng, nhiều bà mẹ tại huyện Sông Mã đã rủ nhau lập nhóm “tiêm chung”. Theo đó, nhóm này trực tiếp liên lạc với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đặt vấn đề để mời các bác sĩ vào huyện tiêm, số lượng đông và nhóm nãy sẵn sàng chịu mọi mức chi phí. Tuy nhiên, đề nghị này của nhóm đã bị từ chối vì lý do vận chuyển thuốc khắt khe, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Các bà mẹ trong nhóm lại tiếp tục đưa con đi và “lập hội” để thuê xe đi lại cho đỡ vất vả. Cũng theo khảo sát của phóng viên, giá vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu tại các trung tâm tiêm chủng hiện nay có sự chênh lệch “nhẹ”. Đơn cử, giá vaccine ngừa não mô cầu A+C tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC có giá 265.000 đồng/liều nhưng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chỉ có giá 185.000 đồng. Giá vaccine ngừa não mô cầu B+C được các trung tâm niêm yết các mức giá khác nhau, từ 220.000 đồng (như ở Trung tâm Nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế)– 285.000 đồng/liều (Trung tâm Tiêm chủng VNVC).
|