Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 26/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Finance & Retail Góc thư giản
Thế giới đó đây
Góc nhìn văn hóa
Cười 24h
Góc thơ

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 4 6 8 3 6
Số người đang truy cập
1 3 6
 Góc thư giản Góc nhìn văn hóa
(ảnh sưu tầm)
Quá nhiều “tặc” trong cuộc sống đời thường

Viết xong bài “Tản mạn về điển tích tam bành, lục tặc ngày xưa và đa tặc ngày nay” đã được đăng tải. Nghỉ ngơi không biết làm gì, vào mạng trên trang tin Thời báo Kinh tế Sài Gòn; tôi đã đọc được bài “Tặc” ngày càng nhiều của tác giả Quỳnh Yên. Xin tải nội dung này để mọi người cùng đọc và bổ sung thêm thuật ngữ “nhị tặc” vào kho từ vựng có liên quan đến “tặc” để điểm mặt thành viên của “đạo tặc”; đạo tặc nói nôm na có nghĩa là đạo của những người ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp...

 

“Tặc” ngày càng nhiều

Đạo tặc là cụm từ đầu tiên trong đó có “tặc” mà ngày lớn lên, đi học, tôi cũng như nhiều người được biết tới. Thủy hỏa đạo tặc. Đạo tặc - trộm cướp - được ông bà ta đặt ngang với lụt lội và hỏa hoạn, những mối họa lớn cho con người.

Mặt khác, khi bàn về nguyên nhân của nạn đạo tặc, ông bà ta cũng có cái nhìn rất xã hội: bần cùng sinh đạo tặc, nghĩa là nghèo đói sinh ra trộm cướp. Nhưng hình như đó chỉ là với những vụ trộm cướp vặt, chứ có những thứ đạo tặc hoàn toàn không phải do bần cùng. Đó là những tên ác tặc.

Lớn lên chút nữa, bắt đầu làm quen với sách vở, tôi được biết tới hai từ dâm tặc. Dâm tặc gắn liền với hôn quân bạo chúa, với tham quan ô lại, với cường hào ác bá, với những giai đoạn hỗn quan hỗn quân, nhất là trong sử sách Trung Hoa. Những tên đại dâm tặc, những đôi gian phu dâm phụ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, hầu như ai cũng biết, đó là những Lao Ái - Triệu Cơ, những Tây Môn Khánh - Phan Kim Liên trong Thủy Hử và Kim Bình Mai. Truyện kiếm hiệp Kim Dung sau này cũng không thiếu những tên dâm tặc như Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ.

Cùng với hai từ dâm tặc, tôi cũng bắt đầu biết đến từ hải tặc qua những truyện hoặc phim phiêu lưu mạo hiểm. Hai từ hải tặc cũng được nhắc đến qua tin tức thời sự nhưng không nhiều như bây giờ. Rồi cùng với hải tặc là không tặc, những tên cướp máy bay được biết đến qua phim ảnh cũng như tin tức thời sự nhưng khá hiếm hoi.

Kho từ vựng liên quan đến “tặc” của tôi cách đây khoảng 30-40 năm chỉ có thế. Thế rồi bỗng dưng “tặc” xuất hiện ngày càng nhiều và trong đủ mọi lĩnh vực. Đầu tiên là lâm tặc kể từ khi nạn phá rừng rộ lên và kéo dài đến tận bây giờ, khi nước ta đã “cơ bản hoàn thành việc phá rừng” như dân gian nói đùa. Hết lâm tặc đến đinh tặc, một căn bệnh trầm kha mà cả Nhà nước với bao nhiêu phương tiện trong tay lẫn cả xã hội dường như bó tay. Đến nay thì theo tin báo chí, đinh tặc không còn nhắm vào xe gắn máy mà cả xe hơi, không chỉ hoạt động ở ngoại thành mà còn tiến vào nội thành. Bọn người vô lương tâm không chỉ làm cho nạn nhân của chúng tốn tiền tốn của vì phải thay vỏ ruột xe, mà có lúc còn gặp tai nạn.

Vài chục năm nay thì kho từ vựng liên quan đến “tặc” đã phát triển không ngừng. Dâm tặc thì vẫn có đấy, dù bây giờ người ta cố né tránh dùng từ này, như vụ một ông tương đương thứ trưởng hay một quan đầu tỉnh mua dâm trẻ vị thành niên, một ông hiệu trưởng lợi dụng thân xác học trò, những ông thầy dụ học trò đổi tình lấy điểm. Ngoài ra, thời công nghệ thông tin, máy tính ta lại có tin tặc - những kẻ đột nhập máy tính của người khác để ăn cắp thông tin hoặc để cài những phần mềm phá hoại. Nhưng đáng chú ý là những từ “cát tặc” hay “sa tặc”, “quặng tặc”, “vàng tặc”, “than tặc”, rồi “sưa tặc” - những kẻ cưa trộm cây sưa trên hè phố, tài sản chung của cộng đồng, để bán thu lợi riêng, “nghêu tặc” - những kẻ ăn cướp nghêu trong bãi nuôi của người khác như vụ hàng ngàn người tràn vào ăn cướp nghêu của một hợp tác xã nuôi nghêu ở Cà Mau mới đây, “cẩu tặc” - những kẻ chuyên môn rình mò trộm chó, từng dẫn đến những cái chết thảm do người bị mất trộm chó không kìm nổi phẫn nộ ra tay bất chấp pháp luật.

Kho từ vựng chỉ những hành vi ăn cắp, ăn cướp cứ thế ngày càng nhiều lên, nhiều khi bất chấp những quy tắc hình thành từ ngữ mới, miễn sao ngắn gọn, thuận tiện để gọi một thực tế mới. Chẳng hạn, nếu lâm tặc, cát tặc, quặng tặc, sưa tặc, nghêu tặc dùng để chỉ những kẻ ăn cắp, ăn cướp gỗ rừng, cát sông, quặng mỏ, cây sưa, con nghêu... thì đinh tặc lại không phải là kẻ ăn cắp đinh mà là lén rải đinh trên đường để người đi xe bị bể vỏ ruột xe, buộc họ phải thay với giá cắt cổ. Cẩu tặc thì không phải là kẻ chó má, đểu cáng như trước nay người ta vẫn hiểu mà lại có nghĩa là kẻ trộm chó.

Tuy nhiên, có một số hành vi cũng thuộc loại ăn cắp, ăn cướp và cũng khá phổ biến hiện nay lại chưa có từ ngắn gọn để chỉ, hoặc được chỉ bằng một từ nghe ra khá nhẹ nhàng. Chẳng hạn, ăn cắp văn chương, ý tưởng, luận văn của người khác vẫn được gọi là đạo văn chứ không phải là “văn tặc”; xài bằng giả, bằng dỏm cũng là hành vi ăn cắp cái không phải của mình nhưng chưa có từ ngắn gọn để gọi. Chẳng lẽ gọi đó là “bằng tặc”? Những kẻ lén lút xả thải chưa qua xử lý ra sông suối, phá hoại môi trường sống trong lành của người dân cũng là một dạng ăn cướp môi trường, nhưng chưa ai sáng tạo ra từ mới, ngắn gọn để gọi. Gọi là “môi tặc” thì nghe kỳ và dễ làm người nghe liên tưởng đến những màn gọi là “khóa môi” người đẹp mà một số báo mạng hay khoái trá đưa lên.

Song có một thứ “tặc” mới, có lẽ là “đỉnh cao” của mọi thứ “tặc”, mà những nhà sáng tạo ngôn ngữ dân gian đã kịp tìm ra từ ngắn gọn, thuận tiện để chỉ. Đó là từ “đức tặc” để chỉ những kẻ đạo đức giả, thối nát, vô liêm sỉ, nhưng vẫn đeo bộ mặt đạo đức. Tuy hai từ “đức” và “tặc” đã từng hiện diện trong một câu nói của Khổng Tử: “Hương nguyện, đức chi tặc giả”, nhưng ghép hai từ này liền với nhau thành một danh từ để chỉ những kẻ giả hình, ăn cắp đạo đức, phá hoại lý tưởng thì thực sự là một sáng tạo, dù không hoàn toàn mới.

Đến đây, một câu hỏi đặt ra: người ta nói ngôn ngữ phản ánh hiện thực, vậy sự phát triển tăng tốc của những từ liên quan đến “tặc” thời gian qua nói lên điều gì về hiện thực cuộc sống?

Các “nhị tặc” và những loại “tặc phát sinh”

Trên đây là nội dung bài viết của tác giả Quỳnh Yên về “Tặc” ngày càng nhiều. Tôi đã có đề cập đến “nhị tặc” trong bài viết “Tản mạn về điển tích tam bành, lục tặc ngày xưa và đa tặc ngày nay”. “Nhị” là hai, “tặc” gọi nôm na là ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp... Có nghĩa là muốn thực hiện hành vi trộm cắp, cướp bóc phải có hai người cùng phối hợp một cách ăn ý, tinh vi, đồng lõa để giúp nhau thực hiện nhằm không bị người khác phát hiện, lộ tẩy. Trong bài viết này, tôi chỉ mới đề cập đến “nhị tặc” gồm có hai người là một người nắm quyền và một người giữ tiền. Người nắm quyền thường là thủ trưởng đơn vị, giám đốc, chủ tài khoản. Người giữ tiền thường là kế toán trưởng. Người nắm quyền lợi dụng chức vụ của mình để trộm cắp của công có thể gọi là “quyền tặc”. Người giữ tiền lợi dụng vị trí của mình để trộm cắp của công có thể gọi là “tiền tặc”. Ở đây sự phối hợp đồng bộ, ăn ý của “quyền tặc” và “tiền tặc” để thực hiện hành vi trộm cắp, tham ô, tham nhũng để chia cho nhau nên được gọi là “nhị tặc”. Cuộc sống đời tư của “nhị tặc” sẽ giàu sang, phú quý do trộm cắp mà có. Trái lại, cơ quan, đơn vị, nhà nước sẽ tan hoang vì bị thất thoát của công. Nhị tặc hiện diện không ít ở các nơi, nhất là những nơi có nhiều chương trình, dự án đầu tư của tổ chức nước ngoài hoặc vay vốn nước ngoài với sự quản lý, giám sát của cấp trên hay nhà tài trợ lỏng lẻo. Khi bị phát hiện hành vi tham ô, tham nhũng qua công tác kiểm toán, thanh tra thì nhị tặc đã dùng đòn bẫy kinh tế từ của của trộm cắp được để lót đường, chạy tội. Hành động này đã phát sinh thêm hai loại tặc mới là “kiểm tặc” và “thanh tặc”; Người xưa có nói “Vai mang bị bạc lè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Cứ thế danh sách các loại “tặc” tiếp tục được bổ sung vào kho từ vựng liên quan đến “tặc”.

Gần đây xuất hiện thêm một loại “nhị tặc” không ngờ xuất thân từ chốn cửa Phật. Hai nhà sư ở tại chùa Long Phước, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã xuất gia, quy y theo đạo Phật đã 10 năm, có pháp danh đàng hoàng và đang theo học trung cấp Phật học tại Bình Định; do thiếu tiền để trả góp mua xe máy nên hai nhà tu hành đã nhanh chóng hiện nguyên hình, trở thành thành viên của “đạo tặc” để thực hiện hành vi cướp giật điện thoại di động của một phụ nữ khi đang gọi và tiếp tục cướp giật túi xách của một phụ nữ khác tại thành phố Quy Nhơn; “nhị tặc” trốn chạy bằng phương tiện xe máy nhưng sau đó đã bị cơ quan công an truy tìm và bắt giữ để thụ án. Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định đã tuyên phạt một người 9 tháng tù giam và một người 6 tháng tù giam vì tội danh cướp giật tài sản. Tại tòa án, cả hai đối tượng đều tỏ ra rất hối hận khi chưa dứt bỏ được bụi trần, lòng tham nên đã phạm phải điều răn dạy của Đức Phật. Ai ngờ rằng hai nhà sư đã tu luyện ở chùa 10 năm rồi cũng giúp nhau trộm cắp vì lòng tham để trở thành một loại “nhị tặc”. Những người tu hành còn nổi lòng tham lam trước sự cám dỗ của vật chất, của đồng tiền để tham gia “đạo tặc” huống hồ gì những người bình thường mà không chịu “tặc” khi có cơ hội, quyền lực, vị trí thuận lợi trong tay.

Vừa qua, một loại “nhị tặc” mang yếu tố nước ngoài cũng được ghi nhận có liên quan đến việc tiêu cực “bán” visa cho những người Việt Nam nhập cảnh vào nước Mỹ. “Nhị tặc” gồm nghi phạm là một phụ nữ gốc Việt 27 tuổi và một cựu nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Người phụ nữ gốc Việt này sinh ra, lớn lên và tốt nghiệp đại học ở Mỹ; thông qua quảng cáo khách hàng và mạng lưới cư dân Việt Nam-Mỹ, nữ tặc đã nhắm đến những đối tượng không được cấp visa như những người bị từ chối trước đó, những người sống ở nông thôn, những người chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam... để kiếm mồi tiêu cực. Cơ quan điều tra của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cựu nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam đã quen với gia đình của người phụ nữ gốc Việt này tại Việt Nam khi phụ trách bộ phận cấp visa du lịch tại lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cặp “nhị tặc” này đã cùng bộ phận chân rết đồng lõa ăn hối hộ hàng triệu đô la Mỹ của người Việt để được cấp visa vào Mỹ với chiêu bài cấp visa du lịch, không phải visa công dân nhưng khi đã đến Mỹ có thể biến mất bằng cách kết hôn hoặc trở về Việt Nam và được bật đèn xanh bất kỳ khi nào xin visa khác đến Mỹ. Với chiêu bài này, mỗi khách hàng người Việt phải chi trả khoảng 50.000 đô la Mỹ để được đến Mỹ. Loại tặc này có thể gọi là “visa tặc”, bổ sung thêm vào kho từ vựng có liên quan đến “tặc” và “nhị tặc”.

Đời thường đã có quá nhiều các loại “tặc” và với sự phát triển của xã hội sẽ hình thành những loại “tặc phát sinh”. “Tặc” thời nay sao mà nhiều quá! Tất cả các loại trộm cắp, cướp giật đều được gọi là “tặc”. Nhất tặc, nhị tặc, tam, tặc, tứ tặc, ngũ tặc, lục tặc... rồi đa tặc. Gặp gì “tặc” nấy, cứ thế mà kho từ vững có liên quan đến “tặc” sẽ được nối dài. Eo ơi! Sợ quá!

Ngày 10/06/2013
Triết Điềm Đạm  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích