Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 26/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Finance & Retail Hoạt động đào tạo
Đào tạo cao học
Đào tạo lại
Đào tạo KTV xét nghiệm
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 4 9 5 3 4
Số người đang truy cập
7 0
 Hoạt động đào tạo Đào tạo KTV xét nghiệm
Các kỹ thuật viên xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét
Tại sao có sai sót trong xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét ?

Một người trước đây bị mắc sốt rét ở Tây nguyên, trở về đồng bằng sinh sống đã hơn 10 năm nay và chẳng bao giờ đi lại vào vùng sốt rét lưu hành. Có lần bị sốt cao, vàng da, nôn mữa nặng phải vào cơ sở y tế để điều trị. Do có tiền sử sốt rét nên bệnh nhân được xét nghiệm máu, kết quả phát hiện trong máu có ký sinh trùng sốt rét dương tính. Cán bộ y tế cơ sở chẩn đoán xác định bệnh nhân bị bệnh sốt rét tái phát và được điều trị bằng thuốc sốt rét đặc hiệu nhưng không đáp ứng, phải chuyển lên tuyến trên. Trong chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm lam máu tại cơ sở, kết quả có sai sót không ?

Mắc sốt rét đã hơn 10 năm, không bị tái nhiễm, sốt rét có khả năng tái phát ?

Không thể nào có trường hợp này vì ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người chỉ có hạn định và sốt rét không phải là bệnh mạn tính, dù bệnh nhân không được điều trị thì sau một thời gian hết tuổi thọ, ký sinh trùng sốt rét sẽ tự hết sạch trong cơ thể với điều kiện người đó không bị tái nhiễm ký sinh trùng mới. Thời gian hạn định của bệnh thay đổi tùy theo chủng loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh. Đối với P. falciparum, thời gian từ 6 tháng đến 1 năm nhưng phần lớn không quá 6 tháng. Đối với P. vivax, thời gian từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, trung bình là 1 năm rưỡi. Còn P. malariae có thể từ 2 đến 7 năm nhưng chủng loại gây bệnh này hiếm gặp tại nước ta. Như vậy, mặc dù người có tiền sử mắc bệnh sốt rét tại vùng sốt rét lưu hành và chuyển về sinh sống ở vùng đồng bằng không có sốt rét lưu hành đã hơn 10 năm, không có cơ hội để tái nhiễm bệnh thì bệnh sốt rét sẽ không còn và không có điều kiện để gây tái phát. Trong việc khai thác yếu tố dịch tễ có liên quan, cán bộ y tế cần chú ý đến vấn đề này để loại trừ. Có một số người ở vùng sốt rét về ở hẳn vùng không có sốt rét mà sau nhiều năm vẫn thấy còn bệnh là do chẩn đoán nhầm, sự nhầm lẫn này vì chủ quan của cán bộ y tế và ngay cả bệnh nhân. Người bệnh thường chịu ảnh hưởng của bệnh sốt rét cũ trước đây, mặc dù ký sinh trùng sốt rét không còn ở trong cơ thể nhưng do ảnh hưởng thần kinh nên thỉnh thoảng lại có những cơn sốt giả tạo.

Vậy xét nghiệm máu ở đây tại sao lại phát hiện được ký sinh trùng sốt rét ?

Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét dương tính mà y tế cơ sở phát hiện ở trên bệnh nhân này có thể là do sai sót về kỹ thuật. Muốn phát hiện được ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm một cách chính xác thì xét nghiệm viên phải thực hiện tốt các quy trình bảo đảm yêu cầu kỹ thuật từ việc lấy lam máu, nhuộm lam máu và soi phóng đại dưới kính hiển vi quang học để tìm ký sinh trùng. Nếu thực hiện các kỹ thuật lấy lam máu, nhuộm lam máu không tốt thì khi soi phát hiện ký sinh trùng sốt rét rất dễ bị nhầm lẫn. Các khuyết điểm mà xét nghiệm viên tuyến dưới thường bị sai sót khi gửi lam kiểm tra kỹ thuật lên tuyến trên được phát hiện là kết quả đánh giá sai từ lam âm (-) sang lam dương (+), sai từ lam dương (+) sang lam âm (-); trong đó lỗi sai từ lam dương (+) sang lam âm (-) nặng nề hơn vì sự sai sót này làm cho cán bộ y tế chủ quan và sai lệch trong chẩn đoán bệnh. Ngoài ra trong xét nghiệm lam máu còn có thể có các khuyết điểm khác như nhầm chủng loại, sót thể loại, sai mật độ ký sinh trùng sốt rét. Trong chẩn đoán bệnh sốt rét, tiêu chuẩn xác định chính xác bệnh nhân khi phát hiện được ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm. Vì vậy cán bộ y tế cần thận trọng trong công tác xét nghiệm và xem xét, tham khảo các yếu tố khác có liên quan trước khi chẩn đoán và điều trị bệnh.

Lam máu xét nghiệm phải lấy và nhuộm như thế nào để đạt yêu cầu ?

Lam máu xét nghiệm thường thực hiện gồm 2 loại giọt mỏng và giọt dày. Giọt mỏng đạt yêu cầu là phải mỏng đều và có đuôi, mặt giọt máu phải trải đều trên lam kính, không có chỗ nhiều máu hoặc chỗ ít máu, không bị loang lỗ do lam kính có vết mỡ, vết nước hoặc lam kính không sạch, dính sợi bông, chất bẩn sẽ dễ làm nhầm lẫn với hình thể của ký sinh trùng sốt rét. Ưu điểm của giọt mỏng là ký sinh trùng nằm trong hồng cầu vẫn còn nguyên vẹn và khi nhuộm qua giai đoạn cố định nên hình thể điển hình, dễ dàng xác định chủng loại và các thành phần cấu tạo của ký sinh trùng. Giọt mỏng thường được thực hiện tại các cơ sở điều trị ở tuyến trên và trong quy trình nghiên cứu hình thể của ký sinh trùng. Giọt đặc đạt yêu cầu là phải đánh dàn đều ra thành một hình tròn trên lam kính, có đường kính từ 1 cm đến 1,5 cm. Do quá trình đánh giọt máu dàn đều khi làm giọt đặc và nhuộm qua giai đoạn dung giải nên hồng cầu bị vỡ, hình thể của ký sinh trùng sốt rét sẽ không điển hình. Ưu điểm của giọt đặc là thường được thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến dưới hoặc trong công tác điều tra dịch tễ vì dễ phát hiện được ký sinh trùng do giọt máu lấy nhiều hơn giọt mỏng, ký sinh trùng sốt rét tập trung nhiều hơn. Các cơ sở y tế nếu có điều kiện nên thực hiện cùng một lúc cả 2 loại giọt đặc và giọt mỏng trên 1 lam kính để xét nghiệm được đầy đủ.

Việc nhuộm lam máu cũng cần bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Một lam máu nhuộm đạt yêu cầu khi soi dưới kính hiển vi quang học, ký sinh trùng sốt rét bắt màu thuốc nhuộm giemsa tốt với nhân là một chấm tròn bắt màu đỏ thẩm, nguyên sinh chất bắt màu xanh và sắc tố bắt màu đen, nâu hoặc có ánh vàng. Các sắc tố có thể có hình que, hình hạt, tụ thành từng đám hoặc rải rác trong nguyên sinh chất của ký sinh trùng. Trên lam máu, có thể thấy các thể loại của ký sinh trùng như thể tư dưỡng trẻ còn gọi là thể nhẫn (immature trophozoite), thể tư dưỡng già (mature trophozoite), thể phân liệt (schizont) và thể giao bào (gametocytes). Hình thể của các loại ký sinh trùng sốt rét trên lam máu nhuộm giemsa có nhiều thay đổi về hình dạng và kích thước, có khi rất khó phân biệt vì không phải ở lam máu nào cũng có đủ các thể loại của chủng loại ký sinh trùng và kích thước của ký sinh trùng cũng không cố định. Vì vậy trên một lam máu, ngoài các yếu tố cơ bản để phân biệt hình thể của ký sinh trùng, còn phải căn cứ vào một số đặc điểm riêng biệt của từng chủng loại ký sinh trùng nữa.

Thế thì hình thể của ký sinh trùng sốt rét rất dễ bị nhầm lẫn ?

Hình thể của ký sinh trùng sốt rét rất dễ bị nhầm lẫn với các vật giả hoặc tiểu cầu nếu xét nghiệm viên không thận trọng khi soi phát hiện dưới kính hiển vi quang học như: tiểu cầu nằm riêng lẻ trên hồng cầu có thể nhầm với thể tư dưỡng, nếu tiểu cầu tập trung thành từng đám có thể nhầm với thể phân liệt; bạch cầu đa nhân trung trung tính khi bị phá hủy dễ nhầm với thể tư dưỡng già, những dấu vết của hồng cầu lưới đã bị dung giải dễ nhầm với các hạt sắc tố Schuffner của P. vivax, những cụm tiểu cầu dễ nhầm với ký sinh trùng P. vivax; những bào tử, nấm men, nhụy hoa, cặn bẩn có trong dung dịch nhuộm dễ nhầm với ký sinh trùng khi chúng bắt màu thuốc nhuộm giemsa. Ngoài ra, vi khuẩn có trong dung dịch nhuộm cũng dễ nhầm với ký sinh trùng, những thể Howell-Jolly trong máu bệnh nhân thiếu máu cũng dễ nhầm với thể tư dưỡng trẻ của ký sinh trùng sốt rét ... Như vậy, xét nghiệm viên ở các cơ sở y tế khi soi lam máu dưới kính hiển vi quang học để phát hiện ký sinh trùng sốt rét cần phải cảnh giác với các hình thể dễ nhầm lẫn với ký sinh trùng để có sự xác định một cách chắc chắn, rõ ràng trước khi kết luận và trả lời kết quả trên phiếu xét nghiệm, giúp cho cán bộ y tế có hướng chẩn đoán và điều trị bệnh một cách chính xác.

 

Ngày 03/10/2007
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Giám đốc Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


Tin đáng chú ý
Thông báo tuyển sinh Kỹ thuật xét nghiệm trung cấp chuyên nghiệp năm 2014 (Thay thế Thông báo số 99/VSR-ĐT ngày 31 tháng 3 năm 2014)
Kết quả tuyển sinh Kỹ thuật viên xét nghiệm Trung học Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn năm 2009
Kết quả và danh sách trúng tuyển Trung học chuyên nghiệp hệ chính quy Trường Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn năm học 2008-2010
Thông báo tuyển sinh Kỹ thuật viên xét nghiệm trung cấp hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học năm học 2007-2008
Thay thế môn thi tuyển chuyên môn trong các kỳ thi tuyển sinh Kỹ thuật viên xét nghiệm viên Trung cấp hệ không chính quy tại Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn
 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích