Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 26/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 5 1 0 6 8
Số người đang truy cập
4 6
 
Dự đoán tiến bộ y học trong năm 2011

 

Chúng ta dự đoán như thế nào về những tiến bộ trong năm 2011? Dưới đây là các dự đoán do các chuyên gia trong những lĩnh vực này đưa ra trên tờ My Health News Daily. 

Kết quả một loại vaccine ngừa HIV rất hứa hẹn sẽ được công bố

Một người đàn ông Mỹ trở thành tiêu đề trên báo trong tháng 12.2010 khi các bác sĩ Đức tuyên bố rằng, ông đã được chữa khỏi virus gây bệnh AIDS. Người này dương tính với HIV, bị ung thư bạch cầu dạng tủy cấp tính, loại bệnh ung thư máu có thể gây chết người, do vậy hồi năm 2007 các bác sĩ thực hiện cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh cho ông ta. Họ đã may mắn tìm được một người hiến tặng tủy xương có một đột biến hiếm hoi, gọi là Delta 32, vốn có thể cung cấp sự đề kháng tự nhiên đối với các virus suy giảm miễn dịch của con người. Ba năm sau khi cấy ghép, bệnh nhân này tiếp tục cho thấy không có dấu hiệu của HIV.

Trong năm 2011, dự đoán sẽ có một tiến bộ khoa học khác có thể giúp đỡ nhiều người hơn trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Hồi năm 2009, các nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy một vaccine có thể giảm khoảng 30% nguy cơ nhiễm HIV. Tiến sĩ Susan Zolla-Pazner, chuyên gia nghiên cứu HIV tại Trung tâm Y khoa Langone thuộc Đại học New York (Mỹ), cho biết đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thành công thực sự của một loại vaccine ngừa HIV và là một hướng đi cho một nghiên cứu trong tương lai.

Đề cập đến thành tựu của các bác sĩ người Đức, bà Zolla-Pazner chỉ ra rằng chỉ một phần nhỏ các bệnh nhân HIV có thể tìm thấy tủy xương phù hợp từ một người hiến tặng có sự đề kháng tự nhiên, và thậm chí khi tìm được, những bệnh nhân đó có nguy cơ chết vì phẫu thuật cấy ghép tủy xương. Vì vậy, thay vì cấy ghép tủy xương, chuyên gia này đang đặt hy vọng vào những tiến bộ về vaccine ngừa HIV. Theo bà này, dự kiến sẽ có thêm nhiều kết quả dựa trên vaccine thử nghiệm được công bố giữa năm 2011.

Nhiều trái tim bị tổn thương sẽ được điều trị bằng cách đông lạnh

Hàng triệu người ở Mỹ và trên thế giới vốn phải chịu khổ sở vì rung tâm nhĩ, sẽ nhìn thấy một công cụ khác trong cuộc chiến chống lại căn bệnh của họ trong năm 2011: thiết bị làm đông lạnh mô tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một trái tim khỏe mạnh hoạt động theo mô hình các tín hiệu điện hẹn giờ, nhưng người bị rung tâm nhĩ có tín hiệu điện bất thường, làm cho các ngăn trên của tim họ rung thay vì đập. Rung tâm nhĩ có thể dẫn đến mệt mỏi, khó thở và thậm chí cả đột quỵ.

Trong tháng 12.2010, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt thiết bị hệ thống thông tim bằng cách “cắt lạnh” có tên gọi Arctic Front. Thiết bị này làm đông lạnh các phần của mô tim thay vì đốt nóng chúng bằng năng lượng có tần số vô tuyến. Các bác sĩ có thể sử dụng thiết bị này tạo vết sẹo ở phần nhất định của tim nhằm ngăn chặn các tín hiệu bất thường tạo ra rung tâm nhĩ. “Mô hình điều trị này cho thấy đã chữa được bệnh ở 70% bệnh nhân”, tiến sĩ Moussa Mansour, người đã sử dụng thiết bị này trong các thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ), cho biết. Theo ông, cách thức cũ (cắt bỏ bằng năng lượng tần số vô tuyến) đã có những thành công tương tự, nhưng ông và các cộng sự tin rằng có thể làm điều đó theo cách mới dễ dàng hơn. Bây giờ khi kỹ thuật “cắt lạnh” (cryoablation) đã được chấp thuận, nhiều người sẽ có cơ hội được điều trị hơn.

Tìm ra thuốc công hiệu, hiểu bệnh ung thư hơn nhờ nghiên cứu gien

Theo tiến sĩ Eric Topol, Giám đốc Viện Khoa học Scripps ở La Jolla (Mỹ), với việc chi phí của việc lập bản đồ gien có xu hướng ngày càng giảm, những tiến bộ y khoa nhiều hơn từ các nghiên cứu về di truyền sẽ đến trong năm 2001.

Chẳng hạn, Medco và CVC/Caremark hồi năm 2009 đã bắt đầu kiểm tra các gien của bệnh nhân về việc sử dụng rộng rãi thuốc tim Plavix. Các nhà nghiên cứu đã xác định được hai gien có tên gọi PON1 và CYP2C19, vốn có thể quyết định việc một người sẽ phản ứng với Plavix như thế nào. Kỹ thuật di truyền cũng đã tìm thấy các đột biến có thể quyết định phản ứng của một bệnh nhân với thuốc trị sốt rét, thuốc chống đông máu, và liệu pháp điều trị ung thư vú. Giới nghiên cứu cũng đã xác định được các gien có thể giúp nhiều bệnh nhân viêm gan C không bị tác dụng phụ.

Ông Topol dự đoán, chi phí lập bản đồ gien thấp cũng sẽ mang lại tin tốt lành cho nghiên cứu ung thư vào năm tới, mở ra triển vọng có thể so sánh bộ gien gốc của một người với bộ gien bị đột biến của các khối u ung thư để tìm thấy những gen gây ra ung thư. Topol nói nghiên cứu như thế đã đem lại lợi ích cho các bệnh nhân u ác tính đang dùng thuốc PLX4032. Nghiên cứu gien đã cho thấy rằng, bệnh nhân bị khối u ác tính với đột biến BRAF sẽ được hưởng lợi từ thuốc này, trong khi bệnh nhân có khối u không có đột biến này có thể sẽ tồi tệ hơn nếu dùng thuốc này. Topol khẳng định nghiên cứu tương tự "sẽ chỉ tốt hơn" trong năm 2011.

Về ca bắc cầu nối chủ - vành chưa từng có ở Việt Nam

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E vừa phẫu thuật bắc 5 cầu nối chủ vành cho một bệnh nhân 84 tuổi trong tình trạng cấp cứu. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận ca phẫu thuật đặc biệt này. Thành công của ca bệnh khẳng định sự phát triển đồng bộ về trình độ của những người làm phẫu thuật tim mạch, gây mê hồi sức Việt Nam và cho thấy sự đầu tư đúng hướng của ngành y tế cho lĩnh vực này.

 

 Bệnh nhân Phụng sau ca phẫu thuật.

Kỷ lục về phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành nhiều nhất

Cách đây 2 năm, ông Đỗ Ngọc Phụng, 84 tuổi (Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) có dấu hiệu đau thắt ngực, khó thở. Các kết quả khám và chẩn đoán cho biết bệnh nhân Phụng bị tắc nghẽn động mạch vành. Lo ngại về tình trạng tuổi đã khá cao, khó đáp ứng với các biện pháp điều trị khác nên gia đình yêu cầu bác sĩ cố gắng điều trị cho bệnh nhân bằng nội khoa. Thời gian gần đây, tình trạng bệnh của ông Phụng ngày một tiến triển xấu. Cơn đau thắt ngực dữ dội khiến ông Phụng phải nhập Viện Tim mạch. Kết quả chụp mạch cho thấy bệnh nhân bị tắc 5 nhánh động mạch vành, có nhánh tắc 100%. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân không thể chịu đựng được can thiệp trong tình trạng sức khỏe kém và bệnh lý quá nặng nên đã chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E để phẫu thuật.

PGS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm cho biết, khi nhập viện, tình trạng của bệnh nhân Phụng rất nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Tiên lượng chặt chẽ mọi yếu tố nguy cơ, các bác sĩ ở đây quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân Phụng trong tình trạng cấp cứu. Sau gần 5 giờ phẫu thuật, bệnh nhân Phụng đã được bắc thành công 5 cầu nối động mạch chủ - vành. Đây là một kỷ lục về phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành ở Việt Nam trong cùng một ca mổ. Hiện bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.

Bệnh nhi tim bẩm sinh không phải chờ đợi phẫu thuật

Chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đã phẫu thuật được hơn 500 ca, trong đó chủ yếu là bệnh tim bẩm sinh. Đây là địa chỉ phẫu thuật tim bẩm sinh mà người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi.

Nhiều bệnh lý cần có sự kết hợp cùng lúc giữa phẫu thuật và can thiệp

- Các trường hợp phình tách động mạch chủ nếu vừa được phẫu thuật vừa đặt stent cho đoạn phình tách đó sẽ hiệu quả hơn là chỉ phẫu thuật đơn thuần.

– Khi động mạch chính cung cấp máu cho phổi bị tắc nghẽn bẩm sinh ở trẻ em thì phổi được cung cấp bằng các nhánh động mạch phụ. Nếu muốn phẫu thuật sửa chữa động mạch chính đó, cần bít lại các nhánh động mạch phụ bằng phương pháp can thiệp.

Mọi bệnh nhân tim mạch đều có cơ hội được chữa trị

Các bác sĩ cho hay, khó khăn đối với những ca phẫu thuật có tim phổi nhân tạo là nguy cơ xảy ra tình trạng viêm phổi và suy thận. Đối với bệnh nhân Phụng, khả năng này xảy ra nhiều hơn do phải trải qua phẫu thuật quá nặng, có nhiều bệnh lý phối hợp, chức năng các cơ quan giảm, hệ miễn dịch yếu. Mức độ đáp ứng với gây mê của bệnh nhân cũng nhiều khó khăn, chỉ cần biến đổi rất nhỏ trong suốt quá trình gây mê cũng dẫn đến thất bại. Vấn đề hồi sức, chống đau cho bệnh nhân sau mổ cũng là một thử thách phức tạp, đặc biệt là kiểm soát được đường thở và chống nhiễm khuẩn. Tất cả những khó khăn đó được tiên lượng và xử trí tốt, vì vậy dù phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật, song bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.

PGS.TS. Lê Ngọc Thành cho biết, phẫu thuật tim mạch cho người cao tuổi có nhiều bệnh lý phối hợp là quyết định khó khăn. Muốn có sự thành công đòi hỏi sự tự tin về trình độ chuyên môn đồng đều của phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức và đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp cùng điều kiện chăm sóc hiện đại. Bệnh nhân Đỗ Ngọc Phụng là bệnh nhân cao tuổi nhất của trung tâm từ khi triển khai hoạt động (2/2010) cho đến nay và cũng là người bệnh phải trải qua phẫu thuật đặc biệt nhất. Thành công của ca bệnh khẳng định tuổi tác không hạn chế người bệnh tim điều trị bằng phẫu thuật, mọi người bệnh đều có cơ hội được chữa trị.

Mong muốn có được phòng mổ xứng tầm khu vực

Bên cạnh việc tập trung điều trị các bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E còn chú trọng điều trị nhiều bệnh lý tim mạch phức tạp ở người lớn. Các bác sĩ ở đây đã thực hiện thường quy mổ tim hở cho trẻ em dưới 5kg, nhiều trường hợp là trẻ sơ sinh với nhiều bệnh lý tim bẩm sinh nguy hiểm phối hợp. Điều này cho thấy sự đầu tư của ngành y tế để phát triển Trung tâm là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời, đặc biệt là sự đầu tư về nguồn nhân lực.

Theo PGS.TS. Lê Ngọc Thành, hiện trung tâm có đội ngũ bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức có trình độ chuyên môn lành nghề hoàn toàn đáp ứng được những phẫu thuật tim mạch và lồng ngực phức tạp nhất. Để có thể bắt kịp với xu thế của phẫu thuật tim mạch quốc tế, các bác sĩ nơi đây đang rất mong muốn có được phòng phẫu thuật Hybrid, kết hợp giữa phẫu thuật tim mạch và can thiệp tim mạch. Đây là dạng phòng mổ đã được triển khai ở nhiều nước tiên tiến, giải quyết hiệu quả nhiều bệnh lý tim mạch phức tạp đòi hỏi vừa phải phẫu thuật vừa phải can thiệp thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.

Tương lai của vaccin

Cứ theo định nghĩa quen thuộc thì vaccin phải là những vi sinh vật gây bệnh đã chết hoặc bị làm giảm độc lực được đưa vào cơ thể nhằm làm cho hệ đề kháng của cơ thể “nhận diện” chúng để rồi có thể tấn công một khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Nhưng định nghĩa này bắt đầu trở nên lạc hậu khi mà y học hiện đại đã có thể chế tạo ra đủ các loại vaccin dành cho tất cả các chứng bệnh, ngay cả khi các chứng bệnh đó chẳng liên quan gì tới virus hay vi khuẩn. “Chúng ta sẽ có vaccin cho tất cả các chứng bệnh. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu các loại vaccin phòng ung thư, thấp khớp, tiểu đường, dị ứng, thậm chí cả vaccin phòng nghiện thuốc lá và ma túy” - Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã tuyên bố như vậy. Họ có quá lời không nhỉ? Xin thưa, hoàn toàn không!

Vaccin phòng lao chữa ung thư

Bệnh ung thư rất ít liên quan đến virus hay vi trùng nhưng vẫn có thể được điều trị nhờ vaccin - TS. Mike Whelan của Hãng dược phẩm o­nyvax khẳng định. Bình thường hệ đề kháng của cơ thể vốn tự nó đã có khả năng tiêu diệt mọi khối u, mọi tế bào nổi loạn nếu như hệ thống này hoạt động tốt. Đây là điều đã được kiểm chứng ở động vật thí nghiệm. Điều này có nghĩa là hệ đề kháng của cơ thể có khả năng nhận biết các tế bào nổi loạn đủ sớm, để có thể tiêu diệt chúng trước khi chúng phát triển hành các khối u. Chỉ thỉnh thoảng hệ thống này mới chịu đầu hàng.

Vậy thì, điều quan trọng là phải kích hoạt được hệ đề kháng để hệ này lao vào cuộc chiến chống các tế bào nổi loạn ngay khi các tế bào này mới xuất hiện. Đó là ý tưởng để tiến sĩ TS. Whelan tiến hành điều chế vacxin phòng bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Ông đã nghiên cứu 28 bệnh nhân nam có khối u đang phát triển nhưng chưa đến giai đoạn di căn. Tất cả đều có hệ đề kháng tốt. Họ được tiêm vaccin phòng lao có nhiệm vụ “kích hoạt” hệ đề kháng. Kết quả: ở 26 bệnh nhân, sự phát triển của khối u chậm lại rõ ràng, thậm chí dừng hẳn. Rõ ràng, khi được đánh thức và kích hoạt đúng lúc, hệ đề kháng của cơ thể sẽ sẵn sàng chiến đấu không khoan nhượng với tất cả những gì lạ lẫm, kể cả các tế bào ung thư!

Nghiện - sẽ không còn đáng sợ

Tạo cho con người khả năng không bị nghiện thuốc lá và ma túy - đó là đích tiếp theo mà TS. Campbell Bunce của Hãng dược phẩm Xenova muốn đạt tới. Hướng mà TS. Bunce thực hiện là điều khiển hệ đề kháng của cơ thể sao cho hệ này ngăn chặn các phân tử nicotin và ma túy xâm nhập vào não. Nhờ vậy mà những người nghiện nặng nếu có hút cũng sẽ không còn cảm thấy thích thú, lâng lâng như trước đây. Nhưng phải làm sao để các tế bào của hệ đề kháng có thể vô hiệu hóa nicotin và ma túy? Các phân tử của những hợp chất độc hại đó nhỏ tới mức mà trong những điều kiện bình thường, những người lính canh của cơ thể chúng ta không hề để ý tới.

Nhóm của TS. Bunce đã tìm cách gắn các phân tử nicotin và cocain với một protein lớn. Một liên hợp như thế sẽ khiến cho hệ đề kháng của cơ thể dễ dàng phát hiện. Sau khi tiêm liên hợp protein + phân tử nicotin hay protein + phân tử cocain này, trong máu của người vừa được tiêm sẽ xuất hiện những kháng thể chống lại nicotin hay cocain. Trong thực tế thì khoảng vài tuần sau khi tiêm mũi cuối cùng, lượng kháng thể giảm xuống, nhưng chỉ cần một mũi tiêm nhắc lại là cơ thể nhanh chóng đạt được khả năng chống lại chất gây nghiện.

Vaccin ngừa thấp khớp, đái tháo đường và dị ứng

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, đối với các bệnh như thấp khớp, đái tháo đường và dị ứng, hệ đề kháng của cơ thể hoạt động quá tốt, tốt tới mức mà nó tấn công cả những tế bào của chính mình. Và đó mới là lý do chính để gây nên bệnh. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại tế bào mới có mặt trong cuộc chiến đấu giữa hệ đề kháng và bệnh tật, đó là tế bào lympho T điều chỉnh. Nhiệm vụ của chúng không phải là tiêu diệt mầm bệnh, trái lại – chúng ngắt hệ đề kháng. Loại tế bào mới được phát hiện này sẽ tham gia vào chiến dịch khi hệ đề kháng bắt đầu tấn công chính cơ thể mình. Rất tiếc là nhiều khi chúng hoạt động quá yếu nên không thể bảo vệ cơ thể khỏi những tác hại. Vậy có thể kích hoạt chúng bằng một loại vaccin? Đúng thế, nhóm của TS. Williams đã thử nghiệm trên động vật. Họ sử dụng protein EtxB, thường do các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy sinh ra, hiệu quả rất ấn tượng. Ở loài gặm nhấm, các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, thấp khớp và dị ứng đã rút lui. Điều này đồng nghĩa với việc, đã đến lúc chúng ta có thể để các loại thuốc chữa bệnh sang một bên!

Hiện nay nhóm của TS. Williams đang chuyển sang thử nghiệm trên người. Trong năm tới, họ sẽ cho biết liệu loại protein khác thường kia có an toàn đối với sức khỏe con người hay không và sau đó sẽ kiểm tra xem có điều trị cho người hiệu quả như đối với động vật hay không. Rất có thể đây sẽ là một bước ngoặt thực sự trong y học.

 
Vaccin phòng chống HIV/AIDS

AIDS cũng giống như tất cả các loại bệnh khác có thể phòng ngừa được nhờ các loại vaccin truyền thống, ở chỗ đều do virus gây ra. Nhưng có một khác biệt cơ bản. Nếu người bệnh đã trải qua bệnh đậu mùa chẳng hạn, sẽ miễn dịch với bệnh đó suốt đời (đây chính là chỉ dẫn đầu tiên để các nhà khoa học phát minh ra vaccin). AIDS lại không như vậy. Virus HIV biến đổi nhanh tới mức nếu cơ thể có kịp loại bỏ được một trong số những kẻ xâm lược thì cũng không thể nhận mặt được hết lũ cháu con của nó.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn nỗ lực điều chế vaccin và hiện nay hãng VaxGenem đang gần tới đích. Hướng đi của họ là tìm ra một điểm chung nhất, điểm kế thừa giữa các thế hệ của virus HIV. Điểm chung nhất này sẽ chính là đặc điểm nhận diện để hệ đề kháng của cơ thể tấn công chính xác vào mục tiêu là những virus HIV cho dù chúng có biến hóa đến thế nào. Những nghiên cứu ban đầu đã cho kết quả đầy hứa hẹn. Tất cả chỉ còn chờ đợi vào kết quả của giai đoạn cuối cùng, giai đoạn thứ ba của những nghiên cứu lâm sàng trên 5.000 bệnh nhân.

Song song với những nghiên cứu của VaxGenem, các nhà nghiên cứu Anh cũng đang thử nghiệm khoảng 20 loại vaccin “kiểu mới” khác trên người và động vật. Giáo sư Andrew McMichael thuộc phòng thí nghiệm Oxford đã báo cáo về một trong số đó tại Hội nghị khoa học Lucy Dorrel. Đó là vaccin được điều chế từ AND. Nhóm của McMichael đã phát hiện ra rằng có thể đưa vào cơ thể một đoạn AND có chức năng mã hóa protein gây nên những phản ứng tự vệ mạnh nhất của cơ thể, theo hai cách: hoặc dưới dạng một AND đơn thuần hoặc cùng với một virus gây bệnh đã bị suy yếu. Nhưng nếu tiêm cả hai cùng một lúc là tốt nhất. Một kết hợp như vậy không gây hại gì cho cơ thể nhưng lại chính là một “liều doping” khiến cho hệ đề kháng của cơ thể làm việc không biết mệt mỏi với hiệu quả cao nhất. Ở Anh và châu Phi, các nhà khoa học đã thử những mũi tiêm kết hợp như vậy trên người và đang chờ đợi kết quả. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai mới, tốt đẹp hơn nhiều từ vaccin.

Những cuộc hành trình vì khoa học

Đóng góp của những hoạt động tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Các danh mục vaccin phòng bệnh ngày một nhiều hơn, chất lượng và an toàn hơn. Trong nhiều những thành công đó, thanh toán bại liệt là một kỳ tích của y tế Việt Nam mà GS. Nguyễn Văn Mẫn là người đã có nhiều đóng góp.

Người có “căn duyên” với những mũi vaccin

Trong căn phòng làm việc của mình, GS Mẫn say sưa nói với tôi về  những công trình khoa học mà ông và các đồng nghiệp đang nghiên cứu và bước đầu có những kết quả khả quan. Tôi cảm thấy đối với ông tình yêu dành cho khoa học vẫn dào dạt sức trẻ, vẫn đầy đam mê như một buổi sáng mùa thu ngày nào người thanh niên Hà Nội có tên Nguyễn Văn Mẫn từ biệt Tây Hồ lộng gió lên chiến khu Việt Bắc và trở thành sinh viên trường Đại học Y Hà Nội từ những ngày kháng chiến (1952). Những tháng ngày học tập tại chiến khu, gần gũi với gian khổ của bộ đội, của nhân dân đã khiến ông hăm hở lựa chọn con đường y học dự phòng. “Căn duyên” với những mũi vaccin phòng bệnh bắt đầu từ những tháng năm ấy.

 

 GS. Nguyễn Văn Mẫn trình bày tại Hội nghị khoa học quốc tế Malaysia 2009.

Đã hơn hai mươi năm Chương trình TCMR có mặt ở Việt Nam, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccin cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90%, nhiều tỉnh, thành phố đạt được mức 100%, bệnh bại liệt đã được thanh toán, các bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ… Việt Nam cũng đã đưa vào sử dụng vaccin “5 trong 1”. Đó là những kỳ tích của y tế Việt Nam mà trong đó GS Mẫn là người đã có nhiều đóng góp.

Năm 1985, khi Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam, GS. Mẫn lúc đó là Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Chương trình  TCMR miền Bắc. Bao nhiêu khó khăn chồng chất ở thời điểm này, bệnh dịch ở trẻ em rất nhiều, vaccin còn ít ỏi, hệ thống dây chuyền lạnh vừa thiếu lại vừa yếu, cán bộ làm tiêm chủng không đủ người, công tác tuyên truyền vận động người dân gắn bó với TCMR gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa… Lo lắng, bộn bề với công việc nhưng ông rất vui vì ước mơ có được một chương trình phòng bệnh chiến lược cho trẻ em đã trở thành hiện thực. Mỗi lần tham gia chiến dịch tiêm chủng ở miền núi là mỗi lần ông nặng lòng hơn với tinh thần làm việc của các cán bộ tiêm chủng nơi đây, họ mang vaccin đến với đồng bào của mình bằng trái tim và sự nhiệt tình không gì sánh nổi.

 

GS. Nguyễn Văn Mẫn (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà khoa học
Nhật Bản và Malaysia.
 

Hành trình vì những “vaccin made in Việt Nam”

Năm 1990, khi Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế thanh toán bệnh bại liệt, khó khăn đặt ra cho y tế dự phòng và Chương trình TCMR là vấn đề vaccin. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á sản xuất được vaccin bại liệt. Tuy nhiên tại thời điểm đó Việt Nam vẫn chưa tự túc hoàn toàn được vaccin mà dựa vào nguồn vaccin viện trợ là điều không thể khi mà chúng ta quyết tâm thanh toán căn bệnh này. Năm 1994, GS Mẫn về làm Giám đốc Trung tâm sản xuất vaccin Sabin, tiếp nối công việc của GS Hoàng Thuỷ Nguyên. 10 năm làm Giám đốc một trung tâm khoa học hàng đầu về vaccin của cả nước, GS Mẫn đã cùng các đồng nghiệp cung cấp đủ vaccin bại liệt phục vụ TCMR trên toàn quốc. Số lượng vaccin từ 17 triệu liều năm 1994 lên 20 triệu liều năm 1995, riêng trong năm 1997, Trung tâm đã cung cấp cho TCMR gần 40 triệu liều. Thành quả thanh toán bại liệt năm 2000 của Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của Trung tâm sản xuất vaccin Sabin mà GS Mẫn là người đứng mũi chịu sào. Không chỉ chú trọng số lượng vaccin được làm ra, GS Mẫn còn đặc biệt đầu tư cho dây truyền công nghệ sản xuất vaccin, chính vì thế chất lượng vaccin do Trung tâm sản xuất luôn đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt của quốc tế.

Song song với nhiệm vụ bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, Việt Nam hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh sởi vào năm 2012, nhiệm vụ khó khăn và vinh quang này đặt lên vai ngành y tế. Cùng với những nỗ lực khác thì vấn đề tự chủ sản xuất vaccin này trong nước cũng là một đòi hỏi cấp thiết. Để chủ động vaccin phòng bệnh sởi, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, năm 2004, GS Mẫn và các cộng sự bắt tay gây dựng một cơ sở sản xuất vaccin sởi tại Hà Nội, đó là Trung tâm sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế (POLYVAC).

Vượt qua tất cả những khó khăn và sự kiểm định chặt chẽ về mọi yếu tố kỹ thuật, pháp lý, đảm bảo chất lượng... vaccin sởi “made in Việt Nam” đã chính thức được cấp phép sử dụng. Năm 2009, 1,3 triệu liều vaccin đầu tiên đã được đưa vào TCMR và từ năm 2010 đảm nhận toàn bộ nhu cầu vaccin sởi của Chương trình với khoảng 5 triệu liều mỗi năm. Thành công này ghi tên Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sản xuất được vaccin này. Với năng lực sản xuất 7,5 triệu liều vaccin sởi mỗi năm, POLYVAC không chỉ đáp ứng nhu cầu của TCMR mà còn đảm bảo đủ vaccin phục vụ các chiến lược tiêm vaccin cho lứa tuổi lớn hơn nhằm đi tới loại trừ bệnh sởi ở nước ta vào năm 2012. Có được dây chuyền sản xuất vaccin sởi hiện đại cũng là điều kiện thuận lợi để POLYVAC triển khai sản xuất vaccin sởi - quai bị - rubella trong thời gian tới.

Tâm hồn nghệ sĩ trong trí tuệ của một nhà khoa học

Không chỉ là một nhà khoa học, GS Mẫn còn là một người làm kinh tế giỏi, ông chính là người đã đưa Trung tâm khoa học sản xuất vaccin Sabin thành một đơn vị “ăn nên làm ra”, nâng cao đời sống của cán bộ nhân viên, thu hút được đầu tư của Chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế. Được trò chuyện cùng ông, tôi còn nhận ra đó là con người có tâm hồn nghệ thuật, yêu và thiết tha với cái đẹp đến lạ lùng, có lẽ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Hồ đầy sóng, đầy gió và nhiều huyền thoại đã cho ông có một tâm hồn như thế. Trong căn phòng làm việc của ông, mấy ai biết rằng những bức ảnh mờ sương ở Sapa, mơ màng chiều sông Hương... treo trên tường kia lại là của “nhiếp ảnh gia” Nguyễn Văn Mẫn! Giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn tham gia sáng lập và hoạt động khoa học sôi nổi tại Trung tâm nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng (thuộc Hội liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội). Thời gian lấy đi sức khỏe và tuổi xuân nhưng có lẽ lại làm đầy thêm tình yêu khoa học của những người như GS. Mẫn.

Ghi nhận những đóng góp của ông, cho ông được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động... Nhưng phần thưởng đặc biệt nhất mà cộng đồng dành cho ông là ngày một nhiều những đứa trẻ lớn lên được bảo vệ bệnh dịch ngay từ khi chào đời. Tạm biệt vị GS đáng kính, tôi cầu mong ông luôn có được sức khỏe, nhiều niềm vui để cống hiến nhiều hơn nữa sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người.

Tắc ruột non - Nguy hiểm, vì sao?

Tắc ruột non có thể do nguyên nhân cơ học hay do liệt ruột. Tuy ruột liệt vô động lực hay xảy ra hơn, nhưng thường tự giới hạn và không phải phẫu thuật. Tắc cơ học có thể gây nên bởi những yếu tố nội tại hay ngoại lai. Nếu tắc ruột non hoàn toàn, không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phúc mạc và tử vong.
 
 Dính duột sau phẫu thuật dễ gây tắc ruột.

Vì sao bị tắc ruột non?

Một người bị tắc ruột non thường do các nguyên nhân sau: dính ruột, thoát vị, ung thư chiếm hơn 90% các trường hợp. Dính ruột sau mổ là hay gặp nhất gây tắc ruột non (56%). Thoát vị nghẹt chiếm (25%). Tắc ruột do dính chiếm khoảng 5% bệnh nhân hậu phẫu nội soi. Thoát vị bẹn và thoát vị đùi cũng có thể gặp. Những nguyên nhân khác ít gặp hơn gồm: ung thư, viêm ruột, sỏi mật, xoắn ruột, lồng ruột, áp-xe, các thương tổn bẩm sinh, do giun đũa…

Dấu hiệu nhận diện tắc ruột non

Khi bị tắc ruột, bệnh nhân thường đau bụng và trướng bụng. Tính chất đau quặn, đôi khi co thắt ở vùng thượng vị hay quanh rốn. Khi tắc, phản xạ ruột non thường gây trướng bụng nhiều hơn. Bệnh nhân bị nôn và bí trung, đại tiện. Nôn thường xảy ra muộn, nếu nôn ra chất phân là do tắc ở đoạn cuối của ruột non. Bí trung, đại tiện rõ nhất khi tất cả phân ở đoạn ruột dưới chỗ tắc được thụt tháo sạch. Khi tắc ruột non hoàn toàn ở giai đoạn sớm có thể khó chẩn đoán.Trường hợp bệnh nhân chỉ bị tắc ruột non bán phần thường tiếp tục trung tiện (đánh hơi) và đi cầu ra ít phân. Tuy nhiên khi tắc ruột non bán phần hay hoàn toàn giai đoạn đầu cũng có triệu chứng tương tự, nên cần phải chú ý phân biệt với tắc hoàn toàn. Khám bụng thường thấy bệnh nhân nhạy cảm đau lan tỏa. Cần chú ý phát hiện thoát vị hay các khối u. Thăm trực tràng thường chỉ thấy một vòm trống rỗng, nhưng đôi khi có thể phát hiện một khối u hay phân bị nêm chặt. Khi ruột bị tắc, dịch ứ đầy lòng ruột do sự giảm hấp thụ và sự tăng tiết dịch. Các dịch tiết của dạ dày, tụy, dịch mật cũng tích tụ trong lòng ruột. Dịch có thể thấm qua thành ruột gây phù thành ruột và có thể rỉ vào trong phúc mạc. Do ứ dịch tại ruột, nôn nhiều làm cho bệnh nhân bị mất nước và  chất điện giải nghiêm trọng dẫn đến choáng. Nếu quá trình này kéo dài, ruột giãn ra, tổn thương mạch máu, do áp lực trong lòng ruột tăng lên hay do thắt nghẹt có thể dẫn đến hoại tử và thủng ruột. Vi khuẩn từ ruột đi vào thành ruột bị thương tổn, tăng sinh và xâm nhập vào phúc mạc gây nên viêm phúc mạc dẫn đến tử vong cao.

Khi tắc ruột non hoàn toàn thường khó phân biệt với thắt nghẹt ruột trong giai đoạn sớm. Bệnh nhân thắt nghẹt ruột có thể có sốt, nhịp tim nhanh, nhạy cảm đau rõ rệt ở bụng, cảm ứng phúc mạc, tiếng động ruột bị giảm, hay thấy một khối u ở giai đoạn muộn. Xét nghiệm có thể nhiễm toan chuyển hóa, amylase… Những dấu hiệu Xquang của một tắc quai đóng bao gồm dấu hiệu hột cà phê, xoắn manh tràng, quai căng khí với lòng được ngăn cách bởi một dải ruột phù nề lớn, đặc, dấu hiệu u giả: quai ruột đầy dịch như một khối u. Phim chụp không chuẩn bị có độ nhạy cảm 41 - 86% và tính đặc hiệu 25 - 85%. Chụp CT scan bụng có độ nhạy cảm 100% và tính đặc hiệu 83% nên rất có giá trị chẩn đoán.

Chữa trị và phòng bệnh

Cấp cứu một trường hợp tắc ruột gồm: trợ tim phổi, bồi phụ chất điện giải, đặt ống thông mũi - dạ dày để giảm đè ép, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Do khó phân biệt một tắc ruột non nghẹt với một tắc ruột non hoàn toàn, nên cần hội chẩn ngoại khoa sớm. Nếu tắc ruột không hoàn toàn thường được xử trí không phẫu thuật trong khoảng 48 giờ, nếu không kết quả phải can thiệp ngoại khoa sớm. Điều trị liệt ruột cần duy trì thể tích trong huyết quản. Hạn chế ăn uống bằng đường miệng, điều chỉnh các chất điện giải, đặc biệt là giảm kali-huyết. Cần đặt một ống thông mũi-dạ dày hay miệng-dạ dày để điều trị triệu chứng trướng bụng và gây khó chịu. Ngưng ngay các thuốc làm chậm nhu động ruột như opiate. Trường hợp liệt ruột kéo dài trên 3 - 5 ngày, cần chụp hình ảnh để phát hiện nguyên nhân gây tắc ruột.

Phòng bệnh: cần điều trị tốt các bệnh là nguyên nhân gây dính ruột, thoát vị, hậu phẫu nội soi, ung thư, viêm ruột, sỏi mật, lồng ruột, áp-xe, giun đũa...

Hiến máu có lợi cho sức khoẻ

Mỗi năm đến dịp Tết Nguyên đán nhu cầu cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị là rất lớn, đặc biệt trước nguy cơ tăng cao các cấp cứu người bệnh nhu cầu về máu trong cấp cứu và điều trị rất lớn, nhất là khi những trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, phỏng... trong khi đó, nguồn máu dự trữ ngày càng khan hiếm. Hiện hơn 90% máu dự trữ cung ứng cho các bệnh viện vẫn là từ việc hiến máu tình nguyện. Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng.
 

Hiến máu không làm cơ thể yếu đi...

Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn được đổi mới hàng ngày. Có người sợ rằng hiến máu sẽ làm yếu đi nhưng điều này không đúng vì cơ thể không hụt đi lượng máu lưu thông khi cho máu. Trung bình một người trưởng thành có từ 3-5 lít máu tùy theo trọng lượng cơ thể (mỗi kg trọng lượng cơ thể trung bình có 70ml máu). Lượng máu mỗi lần là 250ml, bằng 4-6% số lượng máu cơ thể, nên không ảnh hưởng tới sức khỏe.

... mà còn khoẻ mạnh hơn

  Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện Trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, vào ngày thường, Viện Huyết học truyền máu tiếp nhận khoảng 100 đơn vị máu, chỉ đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu điều trị của 15 BV tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Mặc dù số lượng máu thu được năm 2010 nhiều hơn năm 2009 là 70.000 đơn vị, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Đó là chưa kể, nhu cầu điều trị tự nhiên hàng năm ở các bệnh viện (BV) còn tăng thêm 15%. Đặc biệt vào dịp tết, nhu cầu cần máu cho cấp cứu và điều trị của các BV tăng 30-40 %. Đặc biệt tình trạng khan hiếm máu trong suốt thời gian Tết nguyên đán có từ nhiều năm nay, không chỉ ở Hà Nội mà ở cả nhiều địa phương trong cả nước. Theo thống kê của Viện HHTM, tháng 12 Viện chỉ tiếp nhận được khoảng 8000 đơn vị máu. Sang tháng 1, lượng máu tiếp tục giảm đã gây nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu máu điều trị tăng cao trong các BV

Bình thường, lượng máu hiến đi được phục hồi nhanh chóng sau 3-5 ngày. Máu mới được tái tạo, các thành phần trong máu được trẻ hóa, tăng sức đề kháng chống bệnh tật và tạo sự hưng phấn. Như vậy, hiến máu làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Khoa Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Việt Đức, cho máu một cách khoa học không hề ảnh hưởng đến sức khoẻ, mà nó còn là một phương pháp kích thích tuỷ xương phát triển, tăng cường quá trình trao đổi chất và kích thích sản sinh các tế bào mới tốt cho cơ thể. Ở nữ giới, mỗi lần hành kinh, lượng máu bị đào thải ra ngoài ở mỗi người thường khoảng 250ml. Để bù vào lượng máu mất đi, cơ thể lại sản sinh ra lượng máu mới bù đắp. Hành kinh là yếu tố thuận lợi để cơ thể người phụ nữ có sự trao đổi chất và sản sinh ra các tế bào mới rất tốt cho cơ thể, giúp kéo dài tuổi thọ của phụ nữ.

Với những phụ nữ không có kinh nguyệt do bị bệnh tật thì cơ thể sẽ không có sự trao đổi chất như những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Cũng như vậy với nam giới, không có sự ra máu, không thể kích thích tuỷ xương sản xuất ra tế bào mới tốt hơn. Do vậy, cho máu đúng cách rất có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt là với nam giới.

Hiến máu cũng có lợi cho những người có quá nhiều hồng cầu, quá nhiều sắt hoặc trong một số điều kiện đặc biệt máu quá đặc. Trong những trường hợp này, lấy bớt máu đi là một chỉ định điều trị. Điều kiện quan trọng nhất là người hiến máu thực sự khỏe mạnh, tuổi từ 18 - 60 đối với nam, 18 - 55 đối với nữ. Cân nặng trên 45kg với nam và trên 43kg với nữ. Phụ nữ khi đang mang thai, có kinh nguyệt, đang cho con bú không được hiến máu.

Những bệnh trong miệng dễ bị bỏ qua

Rất nhiều trường hợp khi bị một số bệnh như vôi hóa tuyến nước bọt, nang vùng hàm mặt, bệnh bạch sản… do triệu chứng của bệnh diễn tiến âm thầm, ít gây đau đớn nên chủ quan, tự điều trị tại nhà. Bởi vậy, khi đến cơ sở y tế bệnh thường nặng, thậm chí đã bị biến chứng. Điều này không những gây nguy hiểm cho người bệnh mà còn khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị.

Vôi hóa tuyến nước bọt

Vôi hóa ở tuyến nước bọt là một trong những bệnh nằm trong miệng rất dễ phát hiện qua chẩn đoán bằng chụp X-quang, tuy nhiên bệnh nhân lại dễ bỏ qua. Vôi hóa tuyến nước bọt thường do canxi có trong nước bọt lắng đọng quanh khối viêm lâu dần tạo thành sỏi. Viên sỏi này nằm chắn ngay tuyến nước bọt, khi người bệnh nhai làm tuyến nước bọt bị kích thích và sưng phồng. Sau khi ăn, nước bọt tiết ra miệng từ từ, tuyến nước bọt sẽ xẹp xuống. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng bệnh đã tự hết hoặc không nguy hiểm. Đến khi viên sỏi quá lớn, bít cả tuyến nước bọt, gây sưng phồng và đau nhiều mới đến cơ sở y tế để khám.

Khi bị vôi hóa tuyến nước bọt, người bệnh thường xuất hiện khối sưng phồng vùng góc hàm hoặc dưới hàm, kèm theo đau trong bữa ăn, đặc biệt là ăn chua, sau vài phút lại xẹp xuống. Khi sỏi tắc nghẽn lâu, nó có thể gây viêm tấy, áp xe tại vùng tuyến như sưng, nóng, đỏ, đau tại vùng góc hàm và dưới hàm, bệnh nhân có thể sốt cao, thậm chí rét run. Tổ chức viêm có thể tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.

Điều trị vôi hóa tuyến nước bọt bằng cách phẫu thuật lấy sỏi. Tuy nhiên, nếu sỏi to bác sĩ phải cắt luôn cả tuyến nước bọt, để lại sẹo ở phía ngoài khuôn mặt. Bên cạnh đó, chức năng tiết nước bọt bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến quá trình nhai và tiêu hóa.

Nang vùng hàm mặt

Đa số bệnh nhân mắc bệnh nang răng đến khám đều đã có biến chứng nặng. Bệnh phát triển âm thầm, không gây đau nhức nhưng phát triển đến đâu gây tiêu xương đến đó. Khi nang phồng lên, gây biến dạng khuôn mặt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, răng bị mất hàng loạt, gãy xương.

Nang răng được chia thành nhiều dạng, tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp răng mọc ngầm không được điều trị kịp thời để mảnh mô biểu bì bao quanh sẽ phát triển thành nang thân răng. Răng bị nhiễm trùng dần dần sẽ phát triển thành nang nhiễm trùng. Ngoài ra, còn có nang quanh răng hoặc nang sót (nang răng đã được mổ nhưng lấy không hết, sau đó tái phát).

Điều trị nang hàm mặt phụ thuộc vào giai đoạn bệnh nặng hay nhẹ. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt nang, sau khi phẫu thuật và đợi vết thương lành, bệnh nhân có thể làm răng giả.

Răng mọc trong xoang

Răng mọc trong xoang không phải là bệnh thường gặp nhưng là một trong những bệnh dễ bị bỏ qua. Vì đây là bệnh dễ gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán và điều trị vì có triệu chứng không đặc thù của bệnh răng hàm mặt. Khi răng mọc trong xoang bệnh nhân thường đau nhức vùng trán, hốc mắt hoặc vùng má ở một bên mặt. Răng nằm chèn vào đường dẫn lưu của xoang, gây tắc dịch, phù nề kéo dài, dẫn tới viêm xoang. Khi đó, bệnh nhân bắt dầu có biểu hiện của viêm xoang kết hợp như ngạt tắc mũi, chảy mũi mủ... Những bệnh nhân có răng mọc trong xoang thường bị thiếu răng trên cung hàm.

Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật xoang lấy bỏ răng lạc chỗ, kết quả rất khả quan. Sau phẫu thuật, bệnh nhân dần dần mất hết toàn bộ những triệu chứng kể trên.

Bệnh bạch sản

Bạch sản là dạng tổn thương trong miệng, hay gặp ở nam giới cao tuổi. Bệnh không gây đau vì vậy dễ gây chủ quan cho người bệnh. Triệu chứng ban đầu bệnh bạch sản biểu hiện như một vết loét phẳng, màu xám - thường ở trên lợi hoặc trên mặt trong má và đôi khi ở trên lưỡi. Qua vài tuần hoặc vài tháng, vết loét bạch sản tiến triển thành mảng với những đặc điểm sau: Màu trắng; Dày, thô; Bề mặt cứng.

Thông thường, bạch sản là hậu quả của sự kích thích mạn tính các mô mỏng manh trong miệng. Sự kích thích này có thể từ một số nguồn gồm: Răng giả lắp kém, những nốt xù xì trên răng hoặc hàn răng, và uống rượu lâu ngày. Tuy nhiên, hút thuốc lá là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bạch sản. Đại đa số những người bị bạch sản là người nghiện thuốc lá, và hầu hết các mảng bạch sản được cải thiện hoặc biến mất trong vòng một năm sau khi bỏ thuốc.

Bệnh bạch sản không gây đau, nhưng những mảng này có thể nhạy cảm khi chạm vào chúng hoặc ăn thức ăn cay, nóng. Mặc dù bệnh không nguy hiểm, song nó có thể rất nghiêm trọng. Đa số ung thư miệng hình thành ở vùng gần kề các mảng bạch sản, và các mảng này tự chúng có thể biểu hiện những thay đổi ung thư. Do đó, tốt nhất là đi khám nha sĩ nếu bạn có những thay đổi khác thường ở trong miệng kéo dài trên 1 tuần. Điều trị thông thường đối với bạch sản là loại bỏ nguồn kích thích. đối với phần lớn bệnh nhân, bỏ thuốc hoặc chỉnh nha sẽ làm bệnh biến mất.         

Ngày 12/02/2011
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang và CN YTCC. Nguyễn Hải Giang
(Tổng hợp)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích