Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 26/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 4 6 0 6 1
Số người đang truy cập
2 4 1
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Thực phẩm không an toàn nơi nào cũng gặp

Tràn lan chất tẩy thực phẩm khô

Bất chấp cảnh báo tồn dư lưu huỳnh trong thực phẩm gây bệnh, nhiều cơ sở, hàng khô, thuốc đông dược vẫn thoải mái ngâm sấy chất này. Trong vai người bỏ mối đồ khô cho các quán nhậu, chúng tôi dễ dàng tìm mua đủ các loại chất tẩy trắng, tẩy mốc ở TPHCM.

Tại chợ hóa chất Kim Biên, khi được hỏi mua lưu huỳnh để tẩy măng khô, bà chủ quán giới thiệu cả hai loại chất lỏng và dạng bột. “Dung dịch tẩy 20 ngàn đồng/lít. Loại dạng bột thì đắt hơn, 80 ngàn/nửa ký. Không chỉ tẩy măng khô mà còn xài tốt với các loại cá khô, mực khô, bò khô…”, người bán nói. Khi chúng tôi cho biết sẽ mua thử 1 lít dung dịch về thử nghiệm, bà chủ quán nói: “Các chú cứ mua về xài, chỗ tui bán bao sạch, bao đẹp. Thứ chất tẩy này pha loãng với nước, sau đó ngâm đồ khô vào, đảm bảo mốc meo bay hết mà không để lại bất cứ mùi vị gì trên thực phẩm”.
 

Theo quan sát của chúng tôi, dung dịch này được người bán chắt ra từ một chiếc can to khoảng 50 lít, không có bất cứ một nhãn mác, thành phần hay hướng dẫn sử dụng gì. “Tùy theo lượng mốc nhiều hay ít để pha đậm, nhạt thích hợp thôi”, người bán trình bày.

Theo bà chủ quán, rất nhiều người đến mua chất tẩy trắng thực phẩm khô. Khi chúng tôi hỏi tên và thành phần hóa chất của thứ dung dịch này, bà chủ quán lắc đầu: “Chỉ biết là chất tẩy trắng thôi, còn loại dạng bột là chất chống mốc. Tất cả đều mang pha loãng với nước và cho măng, cá mực khô vào ngâm. Người ta hỏi thì tui bán chứ đâu có biết thành phần ra sao đâu”.

             Tại chợ Bình Tây, nguyên dãy bán đồ khô với hơn 30 sạp trên đường Lê Tấn Kế bày bán đủ loại cá mực khô, măng, nấm khô… Tất cả đều được đựng trong các bao ni lông không có nhãn mác, nơi sản xuất. Tại đây, măng khô đã được tước thành sợi nhỏ bằng ngón tay có giá 120 ngàn đồng/kg. Măng chưa tước giá 55 ngàn đồng/kg. Theo người bán, măng này được nhập về từ Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, miền Bắc, đảm bảo không có bất kỳ hóa chất bảo quản nào.

Tuy nhiên, theo những người bán hóa chất ở chợ Kim Biên, các loại thực phẩm khô sau khi nhập về đều được các thương lái mua hóa chất ngâm tẩm để trông bắt mắt hơn. Trong quá trình bảo quản, người ta thường xử lý khí sulfur (SO2) hay sulfit natri (Na2SO3) với liều lượng vừa phải. “Khi chế biến, măng khô được ngâm, rửa nước sạch, luộc rồi rửa lại vài lần nên đảm bảo an toàn với liều lượng xử lý vừa phải. Tuy nhiên, nhiều người sản xuất thường xử lý với nồng độ cao khiến hóa chất độc hại tích tụ, khó đào thải gây nguy hiểm cho người dùng” ông Tuấn, một đầu mối cung cấp măng khô ở Gia Lai, nói. Ông Xuân, người chuyên sản xuất tinh bột sắn, nói, các loại hóa chất có gốc lưu huỳnh cũng thường được dùng để bảo quản khoai, sắn không bị nấm mốc phá hoại. Tuy nhiên, chúng chỉ dành làm thức ăn cho động vật hoặc dùng để sản xuất tinh bột hay nấu rượu. “Khi sản xuất tinh bột hoặc nấu rượu, các hóa chất này sẽ được rửa trôi qua quá trình xử lý nguyên liệu”, ông Xuân nói.

 

 Măng khô không ngâm hóa chất có màu sắc không bắt mắt như loại được ngâm tẩm.

Bảo quản đông dược bằng lưu huỳnh

Không chỉ dùng để sấy măng và một số thực phẩm khác, theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa (phòng khám y dược cổ truyền Tuệ Lãn ở TPHCM), không ít cơ sở đông dược vẫn dùng lưu huỳnh để chống nấm mốc. Tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, rất nhiều cơ sở sản xuất đông dược cho thuốc vào các thùng, sau đó cho lưu huỳnh vào xông để diệt hết sâu bọ, nấm mốc.

Theo lương y Nghĩa, nếu xông với hàm lượng cao sẽ rất nguy hiểm, không chỉ làm thuốc bị mất bớt chất mà còn gây ngộ độc, nhức đầu cho người dùng. “Lưu huỳnh dùng để xông, sấy thực phẩm đã có từ lâu, tuy nhiên vấn đề là hàm lượng như thế nào để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thông thường 100kg thuốc thì dùng 1kg lưu huỳnh để xông, sấy, nhưng không ít người dùng đến 7-8kg để nhanh chóng cho sản phẩm”, lương y Nghĩa phân tích.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đại Biên, Trưởng phòng khám bệnh, BV Nhân dân 115, cho biết, nếu bị ảnh hưởng ít bởi lưu huỳnh, có thể bị ho, viêm mũi; hàm lượng nhiều có thể gây viêm phổi, suy thận, có khi ảnh hưởng hệ thần kinh.

Bác sĩ Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, nói, lâu nay chưa ai kiểm tra các mặt hàng thực phẩm có hàm lượng lưu huỳnh. Bác sĩ Mai cho biết, chất này bị cấm đưa vào thực phẩm vì gây biến dị tế bào, sản sinh ra các tế bào có nguy cơ ung thư… Theo các chuyên gia, dung dịch tẩy trắng bán ở chợ hóa chất Kim Biên có thể là dung dịch lưu huỳnh. Loại dạng bột có thể là lưu huỳnh kết tinh. Tất cả những hóa chất trên khi ngâm tẩm vào thực phẩm đều tích tụ độc chất, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dùng.

Theo thạc sĩ Lê Văn Anh, một chuyên gia về công nghệ hóa học, các chất tẩy trắng, trong đó có lưu huỳnh có những tác dụng tức thì, nên các cơ sở thường lạm dụng. “Các hóa chất đều độc hại. Vì vậy, nếu dùng vào chế biến thực phẩm thì rất nguy hiểm”, ông Anh nói.

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần hành động quyết liệt với chế tài mạnh

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không chỉ là vấn nạn của Việt Nam, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối phó với thực trạng này. Tại Mỹ, theo thống kê, mỗi năm có gần 76 triệu người bị ngộ độc thực phẩm, khoảng 325.000 người phải nhập viện và 5.000 người tử vong có liên quan đến thực phẩm; tại Nhật Bản và Australia cũng không phải là ít; còn cộng đồng châu âu từng choáng váng vì bệnh bò điên, dioxin trong sữa... Tuy nhiên, cách họ quản lý và ngăn chặn vi phạm thì khác chúng ta rất nhiều.
  

Thực phẩm không an toàn, đâu cũng gặp

Trong khi Ban chỉ đạo VSATTP TP.Hà Nội liên tục tuyên truyền, kêu gọi ý thức chấp hành VSATTP của người dân; tổ chức thanh, kiểm tra VSATTP định kỳ hàng tuần, thì tại nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn, công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ cần kiểm tra đột xuất thì có thể bắt gặp vi phạm ở bất kỳ đâu. Tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), hàng loạt cửa hàng kinh doanh thực phẩm, từ nem chả, xôi sáng, đến bún, phở đều không có tủ kính che đậy. Ngày 10/3/2008, đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện tại chợ này 2 hộ kinh doanh trứng gia cầm sống không có dấu kiểm dịch và giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ... Tại chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), đoàn kiểm tra cũng phát hiện một cửa hàng kinh doanh gia cầm mổ sẵn không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, không có giấy tờ chứng minh xuất xứ của gia cầm. Đáng nói là, cửa hàng này nằm đối diện Ban quản lý chợ, thế nhưng, kẻ bán, người mua tấp nập mà không hề bị nhắc nhở. Hỏi ra mới biết, người phụ trách Ban quản lý vừa đi về!? còn nhân viên thì không để ý. Thậm chí, bà Đỗ Thị Hồng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Trọng Nghĩa, Phó ban Quản lý chợ còn biện hộ: "Do các anh đi kiểm tra đột xuất quá....". Bà này còn lý giải việc người bán gia cầm mổ sẵn ngay trước Ban quản lý chợ chỉ là một số hộ kinh doanh vãng lai, mua lại chỗ của hộ kinh doanh thịt lợn nên Ban quản lý chợ không để ý.

Tuyên truyền nhiều nhưng...

Con số tổng kết được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về VSATTP lần II đã khiến nhiều người hoài nghi mức độ “nhiệt tình” của các nhà quản lý, đặc biệt là kết quả đánh giá việc thực hiện 5 nhóm giải pháp cấp bách bảo đảm VSATTP theo Chỉ thị 06/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhóm giải pháp được ưu tiên hàng đầu là thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP. Hàng nghìn tin, bài, phóng sự đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gần 75.000 băng rôn, khẩu hiệu; hơn 400.000 panô, áp phích đượ c treo, dán trên các tuyến đường... Nhờ tích cực tuyên truyền nên nhận thức của người dân về VSATTP đã có chuyển biến đáng kể. Người sản xuất thực phẩm có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 47,8% (năm 2005) lên 53,8% (năm 2007); người kinh doanh nhận thức đúng tăng từ 38,6% lên 45,9% và người tiêu dùng tăng từ 38,3% lên 46,2%. Có thể thấy những tín hiệu vui qua con số chuyển biến trên.
  

Tuy nhiên con số vẫn chỉ là con số bởi từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình. Kết quả thanh, kiểm tra của các bộ, ngành liên quan cho thấy, số cơ sở vi phạm VSATTP chiếm 14,48% trong tổng số 363.541 cơ sở được kiểm tra (khoảng gần 92% cơ sở trên cả nước); 75% số lợn ở Hà Nội chưa được kiểm dịch trước khi đưa vào lò mổ; 22% mẫu rau trong tổng số 442 mẫu rau tại 9 chợ đầu mối của 5 tỉnh, thành phố xét nghiệm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép; hơn 90.000 chai bia, rượu, nước giải khát các loại không bảo đảm VSATTP bị thu giữ...

Hậu quả tất yếu là số vụ ngộ độc thực phẩm năm qua vẫn gia tăng với 248 vụ (tăng 50,3% so với năm 2006), làm 7.329 người mắc, 55 người tử vong. Đây chưa phải là những con số cuối cùng, thực tế còn nhiều vụ việc chưa được báo cáo, thống kê.

Ngành nào cũng... kêu khó!

Nguyên nhân của những tồn tại trên vẫn được viện dẫn từ những điều... “xưa như trái đất” , đó là: thiếu nguồn lực cơ bản để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giám sát, quản lý chất lượng VSATTP. Cụ thể, lực lượng thanh tra y tế quá mỏng. Ước tính chỉ có 0,5 người làm công tác quản lý ATTP ở một tỉnh trung bình từ 1 đến 5 triệu dân với 1.000 - 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Do đó, một xã chỉ có 0, 2 lượt đoàn đi thanh kiểm tra ATTP/năm (năm 2007, con số này tăng lên 0,73 lượt đoàn). Hệ thống phòng thí nghiệm kiểm nghiệm thực phẩm chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thực tế. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý quá ít... Năm 2008, Quốc hội đã phê chuẩn ngân sách cho 6 dự án hoạt động vì chất lượng VSATTP là 110 tỷ đồng, bình quân chỉ có 1.117,2 đồng/người/năm, không đủ chi phí cho hoạt động. Các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP đã cũ chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung...
 

Để bảo đảm VSATTP, rất cần trách nhiệm liên đới của nhiều ngành nhưng điều dễ nhận thấy là, ngành nào cũng... kêu khó! Theo đó, Bộ Y tế cho rằng tiến trình ban hành Nghị định của Chính phủ về Quy định hệ thống tổ chức quản lý VSATTP quá chậm, những tồn tại về tổ chức, biên chế về quản lý thanh tra VSATTP vẫn chưa được cải thiện, dẫn tới việc triển khai các hoạt động ở địa phương còn chậm trễ, không kịp thời và không đầy đủ. Cũng theo Bộ Y tế, các biện pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây nhiễm qua thực phẩm chưa làm được nhiều do thiếu sự chỉ đạo, kiểm tra của chính quyền; việc xử lý các vi phạm chưa thỏa đáng; thiếu điều kiện để chính quyền điều hành hoạt động, trong đó quan trọng nhất là tổ chức chuyên trách và biên ch ế con người, trang thiết bị để thực thi nhiệm vụ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT lại cho rằngB, hiện diện tích sản xuất rau an toàn chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu đề ra, xây dựng lò giết mổ tập trung còn hạn chế, hầu hết các lò giết mổ tại tuyến huyện chưa được xây dựng... gây nhiều khó khăn cho quản lý. Theo bộ này, việc quản lý, kiểm soát còn khó khăn cũng do nhận thức của cán bộ và nhân dân trong công tác VSATTP chưa cao, kể cả người sản xuất, tiêu dùng. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong sản xuất và nuôi trồng còn phổ biến; việc quy hoạch và phát triển vùng sản xuất nông sản, thủy sản an toàn còn chậm, chưa có cơ chế chính sách về đầu tư, quy hoạch, xây dựng hạ tầng, sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn để khuyến khích các tổ chức, cá nhân...

Bộ Công Thương thì kêu khó trong việc kiểm tra, kiểm soát. Kinh phí và trang bị của các lực lượng còn thiếu, không bảo đảm hoạt động. Chi phí kiểm nghiệm, kiểm định các mẫu hàng hóa cao so với khả năng kinh phí của lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Hầu hết các loại thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ đều phải tiêu hủy, trong khi đó kinh phí cho công tác kiểm soát chủ yếu từ tiền bán tang vật nên không động viên, khuyến khích các lực lượng tham gia bắt giữ...

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định, vi phạm trong vấn đề VSATTP ở nước ta rất nghiêm trọng, do chúng ta chưa thực sự quyết tâm thực hiện. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vì vậy còn nặng nề. Muốn cải thiện được những tồn tại, bất cập, điều quan trọng là xây dựng ý thức cho các tầng lớp nhân dân, tạo thói quen ăn uống vệ sinh bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi Pháp lệnh VSATTP; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đồng thời cụ thể hóa các chế tài xử lý vi phạm; xử phạt thật nghiêm lực lượng, địa phương nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm cũng như gây ra dịch bệnh, kể cả phải xử lý hình sự

Báo động đỏ - Nộp phạt là xong!

Mặc dù dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn chưa thực sự chấm dứt và số cơ sở bị xử phạt vẫn tăng, nhưng dường như người sản xuất, kinh doanh không biết sợ, thậm chí không ít chủ cơ sở tặc lưỡi: “Nếu bị phát hiện thì nộp phạt là xong”. Có vẻ như “đòn kinh tế” quá nhẹ này không đủ sức răn đe.
 

Chúng tôi trở lại đường Lê Trọng Tấn, thành phố Hà Đông (Hà Tây), nơi cách đây chưa lâu đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt rất nhiều cơ sở vi phạm. Khác với hình dung của chúng tôi, thịt chó vẫn được bày bán ngang nhiên ngay ven đường. Không chỉ có những quầy bán thịt chó, các quầy bán thực phẩm chín như lòng lợn, dưa cà, vịt quay cũng nhếch nhác không kém.

Trước tình hình mất VSATTP nêu trên, đoàn thanh tra một lần nữa tiến hành kiểm tra lại các điểm kinh doanh thực phẩm ăn uống. Khi kiểm tra một loạt cửa hàng thịt chó đã từng bị đóng cửa, đoàn phát hiện thấy số chó nhốt trong chuồng tăng gấp 10 lần so với lần kiểm tra trước đó (?!). Ông Đinh Thế Phôi, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tây cho biết: “Chúng tôi đã xuống khu vực này và chứng kiến người dân vẫn ngang nhiên bán thịt chó không kiểm dịch. Đoàn kiểm tra đã quyết định đóng cửa những cửa hàng trên, nhưng thực tế, khi chúng tôi về, người bán hàng lại tiếp tục công việc kinh doanh”.

Tương tự như ở Hà Tây, khi đoàn kiểm tra tới phường Nhật Tân, quận Tây Hồ - nơi tập trung nhiều quán thịt chó nhất của Hà Nội, rất nhiều nhà hàng thịt chó nổi tiếng đã bị đóng cửa vì vi phạm VSATTP nhưng vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách. Trước đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai phạm tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại phố Núi Trúc. Thịt chó, thịt ngan, vịt của các cửa hàng được kiểm tra đều không có nguồn gốc nhưng vẫn bày bán công khai. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng phát hiện các vi khuẩn gây bệnh đường ruột trong nhiều mẫu thực phẩm, thớt và tay nhân viên của một số quán ăn.

Qua các lần kiểm tra thấy việc kiểm tra và xử lý VSATTP thời gian qua chưa hạn chế được tình trạng vi phạm và nhiều vấn đề bất cập trong quản lý VSATTP lộ diện, đó là: người kinh doanh vẫn kinh doanh mà không chịu sự giám sát của bất cứ cơ quan nào sau khi bị kiểm tra; chưa bao giờ được kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài chưa đủ mạnh; chính quyền cơ sở buông lỏng việc giám sát các cơ sở vi phạm đã khiến cho việc kiểm tra, đình chỉ kinh doanh thời gian qua chẳng khác gì "ném đá ao bèo"...

Mỗi giải pháp – một mặt trận
 

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã từng nhấn mạnh phải tập trung vào một số giải pháp quyết liệt. Đó là, tuyên truyền, vận động giáo dục để hệ thống chính trị nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề; hệ thống quản lý nhà nước hành động quyết liệt hơn. Các nhà sản xuất và quản lý thị trường phải làm tốt hơn. Người tiêu dùng thực phẩm nâng cao cảnh giác, ý thức được mối nguy hiểm với sức khoẻ và sinh mạng, thay đổi thói quen, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn và sử dụng thực phẩm tốt hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có 45/64 tỉnh, thành có kế hoạch hành động bảo đảm VSATTP đến năm 2010 do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố ký. Chính vì vậy, Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước. Công tác này cần được tăng cường về lực lượng (thanh, kiểm tra) và đầu tư nguồn tài chính. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần khẩn trương kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành và hệ thống kiểm nghiệm VSATTP từ trung ương đến địa phương. Riêng đối với thanh tra chuyên ngành ATTP, cần có quy chế hoạt động và đủ quyền hạn, cần bổ nhiệm thêm một số thanh tra kiêm nhiệm thuộc các trung tâm y tế dự phòng để tăng cường nhân lực cho công tác thanh tra. Cần nhanh chóng thành lập Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và các trung tâm kiểm nghiệm ATTP khu vực.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, để công tác VSATTP hiệu quả và bền vững, chúng ta cần ưu tiên 3 nhóm giải pháp, đặc biệt là tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông về VSATTP, nâng cao nhận thức và thực hành của người quản lý, lãnh đạo, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Chú ý giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, phổ biến kiến thức khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm an toàn. Chúng ta cũng không thể bỏ qua năng lực quản lý điều hành các hoạt động đảm bảo VSATTP của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, cơ quan quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Triển khai thực hiện các quy định VSATTP tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể và dịch vụ thức ăn đường phố. Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn về ATTP phù hợp với quốc tế và khu vực; Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về ATTP.

Đồng thời nhanh chóng quy hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm VSATTP trong trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt trong sản xuất rau, quả, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản, kiểm soát chặt chẽ rau, quả, thịt, thuỷ sản nhập khẩu. Xây dựng chính sách khuyến khích nuôi trồng, lưu thông và tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch. Các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát lưu thông thực phẩm, hoá chất trên thị trường.

Mặc dù những năm qua, công tác kiểm tra, xử phạt được tiến hành khá rầm rộ nhưng không đủ mạnh nên cục diện về VSATTP dường như không có thay đổi lớn. Chính vì vậy, tăng cường kiểm tra là biện pháp cần làm thường xuyên, liên tục. Thiết nghĩ, việc xử lý vi phạm không chỉ dừng lại ở người sản xuất, kinh doanh mà người quản lý, lãnh đạo các địa phương, đơn vị... cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm. Có như thế mới tạo được sức mạnh tổng thể, đồng thời đưa hoạt động kiểm soát VSATTP dần đi vào hệ thống. Phấn đấu đến năm 2010 có 1 thanh tra chuyên ngành ATTP /10.000 dân. Điều quan trọng không kém là đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là tài chính, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu cơ bản của công tác kiểm soát VSATTP từ trung ương đến địa phương. Chúng ta đang cố gắng đến năm 2010, 100% số phòng thí nghiệm tuyến tỉnh có tối thiểu 2 thiết bị sắc ký lỏng và sắc ký khí, trong đó 35% số phòng thí nghiệm tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO -17025. Đảm bảo đến năm 2010, đầu tư cho công tác đảm bảo VSATTP đạt trung bình 10.000 đồng /người /năm, đến 2015 đạt 1 USD /người /năm (hiện nay, mức đầu tư của Thái Lan trong lĩnh vực này là 1 USD /người /năm).
 

Thiết nghĩ, việc đảm bảo VSATTP không phải là việc riêng của ngành y tế mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp của các cơ quan chức năng như chính quyền cơ sở, công an, quản lý thị trường... Không đảm bảo VSATTP đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư, đến an sinh xã hội và trở thành trách nhiệm của mỗi người dân. Đã đến lúc không chỉ tuyên truyền, hướng dẫn, mà cần có chế tài mạnh đối với những hành vi cố tình đi ngược lại quy định chung của Nhà nước và sức khỏe của nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc “từ đồng ruộng tới bàn ăn”

Giống như Việt Nam, các nước luôn đặt vấn đề tuyên truyền, giáo dục về VSATTP lên hàng đầu, tuy nhiên, họ thực hiện thường xuyên, liên tục. ở nhiều nước châu âu, để đảm bảo VSATTP, biện pháp giáo dục được áp dụng ngay từ khi còn học trong trường phổ thông, khi lên đại học và ra ngoài cuộc sống. Còn ở ta? Năm nào ngành chức năng cũng có Tháng hành động về VSATTP với những chủ đề "rất kêu", ví dụ như "Người sản xuất kinh doanh thực phẩm có lương tâm" hay "Hãy là người tiêu dùng thông thái"..., nhưng những vụ vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Ngay tại chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng cho phép mở chợ ẩm thực ngoài đường trong khi không có nguồn nước dẫn tới để rửa chén, không có nhà vệ sinh... Vì thế, bên cạnh việc giáo dục người tiêu dùng, nhà sản xuất, cần phải nâng cao nhận thức của cả lực lượng chức năng. Tại Singapore, khi mở quán ăn hay một xe bán thực phẩm lưu động, bạn phải học qua lớp tìm hiểu các quy định về VSATTP. Lớp này được tổ chức thường xuyên tại nhiều nơi, đến tận cấp phường. Khi đã biết mà vẫn vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hàng quán của bạn cũng sẽ được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Cách làm này, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng.

Theo ông Somchai, Phó văn phòng quốc gia về Tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm, trước năm 2001, nông sản Thái Lan gặp phải những vấn đề như xu hướng bệnh do ngộ độc thực phẩm gia tăng; tranh chấp về an toàn thực phẩm và yêu cầu chất lượng trong thương mại thực phẩm; các luật và quy định kiểm soát thực phẩm không đồng bộ... Để đối phó với vấn đề này, Thái Lan đã đề ra chiến lược “Từ đồng ruộng tới bàn ăn”, thực hiện theo dõi các quy trình: nhập khẩu (kiểm tra đầu vào vật liệu thô, thực phẩm chế biến); sản xuất ngoài đồng ruộng (đăng ký, chứng nhận tiêu chuẩn, kiểm tra tại ruộng); thiết bị (kiểm tra, tư vấn, chứng nhận vật liệu thô và cây trồng); đầu ra (kiểm tra, chứng nhận hàng hoá); cuối cùng là thị trường (đàm phán nước ngoài, thận trọng trong nước).

Nước láng giềng Trung Quốc cũng có những chính sách nhằm đảm bảo VSATTP rất hay như mỗi cơ quan phụ trách một mắt xích quy chế: Bộ Nông nghiệp quản lý nhà nước về các nông sản chính; Hiệp hội Chứng nhận và cấp chứng quản lý sản xuất lương thực và ngành chế biến; Bộ Y tế quản lý ngành tiêu dùng; Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) quản lý ngành vận tải thực phẩm và Cơ quan Quản lý dược - thực phẩm Trung Quốc (SFDA) chịu trách nhiệm chung về VSATTP. Nhờ vậy, tiêu chuẩn thực phẩm quốc gia và ngành đã áp dụng cho hơn 3.000 mặt hàng thực phẩm chế biến và gần 4.000 mặt hàng nông sản, đề ra tiêu chuẩn thanh tra, vệ sinh thực phẩm.

10 nguyên tắc vàng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về an toàn vệ sinh thực phẩm

1. Chọn thực phẩm tươi, an toàn. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 700C.

3. ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu càng nguy hiểm.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 600C hoặc lạnh dưới 100C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kỹ lại.

6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống, với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch trước khi dùng lại lần sau.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, không mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ

Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu

Nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời bảo vệ ngành sản xuất và chế biến trong nước, Nhật Bản áp dụng Luật VSATTP, Luật Chống gây nhiễm và kiểm soát các loại dịch bệnh, Luật Ngoại thương và Ngoại hối, Luật Thương mại với những quy định chặt chẽ, chỉ cho phép nhập vào Nhật Bản những loại thực phẩm đảm bảo VSATTP. Những loại thực phẩm không được phép nhập vào Nhật Bản bao gồm: thực phẩm chứa các thành phần độc tố hoặc có hại, hoặc bị nghi vấn có chứa độc tố; thực phẩm bị thối rữa hoặc hư hỏng; thực phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật trong quá trình chế biến, công thức hoặc nguyên liệu chế biến; thực phẩm sử dụng chất phụ gia quá mức cho phép; thực phẩm không kèm theo các chứng từ chứng minh.
 

Một số mặt hàng thực phẩm còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định kiểm tra nghiêm ngặt khác mới được nhập vào Nhật Bản như: không chứa các côn trùng gây bệnh hoặc có hại tới sức khỏe con người có trong thịt và cá tươi, các sản phẩm thịt chế biến như hamberger, xúc xích..., trái cây, rau quả hoặc ngũ cốc. Nước này còn quy định giấy phép nhập khẩu đối với một số loài cá đánh bắt tại các vùng duyên hải và rong biển ăn được. Ngoài ra, còn có một số ít các mặt hàng nằm tron g diện quản lý nhập khẩu theo quy định của Luật Ngoại thương và Ngoại hối yêu cầu quota nhập khẩu, phải được đồng ý trước của Bộ trưởng phụ trách chuyên ngành. Các mặt hàng này bao gồm: cá đánh bắt ở vùng duyên hải Nhật Bản; con điệp (động vật có vỏ như trai, sò), mực ống; rong biển ăn được.

Cũng giống như Nhật Bản, Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu. Để có thể đưa thực phẩm vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin trên nhãn mác về thành phần dinh dưỡng, nhà sản xuất phải ghi thêm hàm lượng axit béo chuyển hoá (TFA) ngay sau dòng về hàm lượng axít béo no (saturated) và chesterol. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về nhập khẩu thực phẩm, với những quy định chặt chẽ. Ngoài quy định của FDA, còn có các quy định riêng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Nghề cá Mỹ (NMFS) đối với một số mặt hàng nông, thủy sản. FDA cho biết, ở Mỹ chỉ quy định những kháng sinh được phép sử dụng, còn tất cả những kháng sinh khác ngoài danh mục đều bị cấm.

Hiện chỉ có 6 loại kháng sinh được Mỹ cho phép sử dụng là chorionic, gonadotropin, formalin solution, tricaine methanesulfonate, oxytetracyline, sulfamerazine và hỗn hợp sulfadimethoxine/ormetoprim. Cuối năm 2007, Tổng thống Mỹ còn ký một đạo luật quy định từ ngày 1/7/2012, tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ từ bất kỳ quốc gia nào đều phải được chiếu X. quang tại cảng trước khi hàng hoá xuống tàu nhằm đảm bảo VSATTP.

 

Ngày 30/10/2012
Ths.Bs.Huỳnh Hồng Quang,
Cn. Võ Thị Thu Trâm và Cn. Nguyễn Hải Giang

(sưu tầm các nguồn tin)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích