Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 3 3 3 9 5
Số người đang truy cập
5 9 0
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong tháng 3 năm 2012 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp

Những đại gia thực phẩm dính scandal "độc tố"; Thần dược "thổi" lợn nạc: Nấu chín vẫn tồn dư; Những “hạng mục” trên nhãn mác không thể bỏ qua; Phù phép nước máy thành... nước tinh khiết ; VTC News ra mắt chuyên mục An toàn vệ sinh thực phẩm; Phát hiện thêm một lượng lớn chất tạo nạc; Nhiều cơ sở bán chất cấm; Chỉ cần 15 phút, thịt ôi chảy nước biến thành thịt tươi;  Rùng mình công nghệ ủ thịt thú rừng

1. Những đại gia thực phẩm dính scandal "độc tố"

Mới đây, thông tin nước uống Coca, Pepsi có chứa chất tạo màu độc hại khiến thị trường hoang mang, chao đảo. Đây không phải là lần đầu những hãng lớn dính scandal ‘độc tố’. Thực tế cho thấy không phải những thương hiệu lớn đều biết bảo vệ mình trước những tai nạn kinh doanh liên quan đến chất lượng sản phẩm - điều mà bản thân doanh nghiệp hoàn toàn có thề kiểm soát. Thiệt hại về vật chất là điều hiển nhiên nhưng tệ hại hơn chính là ở chỗ hình ảnh của thương hiệu đình đám này không còn nguyên vẹn trong mắt người tiêu dùng. Dưới đây là những hãng lớn bị vướng vào scandal tương tự:

KFC

Là một hãng thực phẩm nổi tiếng bậc nhất trên toàn cầu nhưng không ít lần KFC khiến cho người tiêu dùng lo lắng. Một loạt các thông tin xấu liên quan đến an toàn trong chế biến thực phẩm như dầu ăn, sữa đậu nành không đảm bảo chất lượng, và đặc biệt cốc giấy đựng nước uống của hãng này có chứa huỳnh quang- một hóa chất có hại cho sức khỏe. Mặc dù đã ra sức chứng minh sự "trong sạch" của mình nhưng hiệu ứng của thị trường đã khiến cho KFC không tránh khỏi bị tổn thương khi người tiêu dùng không còn niềm tin tuyệt đối khi sử dụng sản phẩm của họ. McDonald Năm 2011, các nhà chức trách Mỹ phát hiện cốc mang nhãn hiệu của Mac có thành phần kim loại độc hại. Ngay sau đó, hãng đã phải thu hồi hơn chục triệu chiếc cốc vì không đảm bảo an toàn cho người sử dụng đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó, vào giữa năm ngoái, truyền thông đưa tin, món gà McNuggets có chứa chất phụ gia gây hại cho người sử dụng, rồi chất lượng bảo quản bánh Macdonald cũng một phen làm chấn động giới tiêu dùng.

Nestle

Nestle là một thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên hãng này đã từng dính phải scandal đình đám với sản phẩm sữa bột có chứa hóa chất độc hại. Cách đây gần hai năm tại Trung Quốc, nhiều sản phẩm sữa và thực phẩm ăn dặm cho trẻ em của Nestle bị phát hiện có chứa Melamine. Ngay lập tức sản phẩm bị cấm bán tại thị trường này.

Trước đó, Nestle cũng thông báo rút khỏi thị trường Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý sau khi bị cáo buộc sản phẩm của họ có chứa chất độc hai. Thị trường bị thu hẹp, hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng khi lo ngại của người tiêu dùng quá lớn. Đó chính là hệ lụy mà hãng phải đối mặt trong một thời gian dài.

Red bull

Giữa tháng 2 vừa qua, các siêu thị tại Trung Quốc đã ngừng bán sản phẩm nước uống tăng lực Red Bull - một sản phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới. Trước đó các chuyên gia y tế cho biết, họ phát hiện trong sản phẩm có chất tạo màu Ponceau 4R - chất có hại cho người sử dụng.
 

Cocacola - Pepsi

Hai hãng nước giải khát thống trị thế giới trong thời gian qua liên tục vướng phải các cáo buộc sản phẩm của họ bị nhiễm thuốc trừ sâu hay việc nhà sản xuất sử dụng các chất hóa học bị cấm trong sản phẩm của họ. Mới đây, đại diện hai tập đoàn tuyên bố sẽ thay đổi thành phần chất tạo màu để tránh khỏi những cáo buộc rằng sản phẩm của họ có chứa chất gây ung thư.

Mead Johnson

Là thương hiệu sữa hàng đầu trên thế giới với nhiều dòng sản phẩm nổi tiếng chất lượng cho trẻ em. Tuy nhiên, năm ngoái, sữa bột Enfamil của Mead Johnson đã gặp nạn khi dính vào nghi án bị nhiễm khuẩn và gây tử vong một trẻ sơ sinh tại Mỹ. Thông tin này thực sự gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ngay lập tức dòng sản phẩm này đã bị thu hồi trên thị trường trong thời gian chờ kiểm định sản phẩm. Trước đó, tại Philippine, hai dòng sản phấm sữa cho trẻ em của hãng này cũng bị thu hồi do các nhà chức trách cho rằng, thành phần không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.

Abbott

Vào cuối năm 2010, Abbott cũng tuyên thu hồi khoảng 5 triệu hộp Similac - sữa bột dành cho trẻ sơ sịnh tại Mỹ, Puerto Rico, đảo Guam và một số nước tại vùng biển Caribbe khi do nghi ngờ sản phẩm có chứa côn trùng, ấu trùng...gây ảnh hưởng sức khỏe cho các bé.

Similac được các bà mẹ tại Mỹ và trên toàn thế giới hết sức tin tưởng đồng thời cũng là nguồn thu lợi nhuận khủng cho tập đoàn Abbott. Đợt thu hồi này sẽ khiến Abbott thiệt hại hàng trăm triệu USD. Ngay sau khi có thông tin cổ phiếu của họ bị giảm.

Meiji

Hãng sữa nổi tiếng Nhật Bản Meiji vừa qua quyết định thu hồi nửa triệu hộp sữa Meiji Step do có nghi ngờ nhiễm chất phóng xạ. Trước đó, khoảng hơn 200.000 sản phẩm pho mát của họ cũng bị cáo buộc có lẫn kim loại và phải thực hiện thu hồi khỏi thị trường.

Mông ngưu

Mông ngưu là tập đoàn sản xuất sữa hàng đầu Trung Quốc gần đây bị phát hiện sản phẩm của họ có chứa chất gây ung thư gây hoang mang cho người tiêu dùng. Kể từ năm 2008, rất nhiều hãng sữa của nước này bị tố sử dụng chất Melamine - một hóa chất rất độc hại. Phản ứng của thị trường thế giới ngay sau đó là tẩy chay sản phẩm sữa từ Trung Quốc. Hậu cả là toàn ngành sản xuất tại nước này điêu đứng khi gần một nửa nhà máy sản xuất phải đóng cửa.

2. Thần dược "thổi" lợn nạc: Nấu chín vẫn tồn dư

Người tiêu dùng hiện đang hoang mang trước thông tin chất cấm được sử dụng để tạo lợn siêu nạc. Giám sát của cục Thú y tại một số tỉnh phía Nam cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu được lấy tại các trang trại chăn nuôi cho kết quả dương tính với nhóm β-agonist, 26% mẫu thịt được lấy tại các lò mổ có chất cấm này. Bài viết này cung cấp thông tin khoa học về chất thổi lợn siêu nạc. Các chất dùng để thổi lợn siêu nạc như Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu.
 

Chất cấm sử dụng để tạo lợn siêu nạc

β-agonists là nhóm các hormone tự nhiên, có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose.

Theo tài liệu khoa học, họ β-agonist gồm 2 nhóm. Nhóm β1-agonist: như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine... có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính. Nhóm β2-agonist: như Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine... làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính. Trong Thú y, chỉ được phép dùng Clebuterol để điều trị bệnh viêm phế quản ở ngựa, bê và trong bệnh sản khoa của bò cái.

Bên cạch các tác dụng trên, β-agonists được chứng minh là chất chuyển đổi khá hiệu quả, làm giảm lượng mỡ của cơ thể, kích thích phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm, khi đó người ta phải dùng β-agonists gấp 5-10 lần điều trị.

Việc sử dụng các loại β-agonists bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển.

Trong những chất thuộc nhóm β-agonists thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở VN và hầu hết các nước trên thế giới. Trong các loại β-agonist sử dụng trái phép trong chăn nuôi thì phổ biến hơn cả là Salbutamol.

Tồn dư lâu dù đã qua chế biến

Nếu người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư β-agonist sẽ bị ngộ độc, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. PGS.TS. Dương Thanh Liêm, Khoa chăn nuôi Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết các chất kích thích này là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Cũng theo các nhà khoa học, Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ. TS. Liêm cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động tức thời với các triệu ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch. Ở Trung Quốc trước đây đã sử dụng chất này gây ngộ độc, hàng trăm người phải nhập viện.

Với nhóm chất kích thích trọng lượng heo còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, và có thể làm rối loạn giới tính đối với thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai. Đối với đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn, dung tích, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục, một trạng thái bệnh giống như đồng tính, hay các chứng bệnh về thần kinh, dễ chán nản, phiền muộn, suy yếu nhận thức, hại tuyến yên, hại tuyến vú, suy yếu hệ thống kháng thể...

Nhận biết triệu chứng và xử lý

Theo báo ANTĐ, biểu hiện khi ngộ độc ractopamine và clenbuterol trong nhóm β-agonist gồm: lo lắng bất an, rối loạn nhịp tim, ù tai, tim đập quá nhanh, cơ mặt và các chi run rõ rệt, đau cơ, buồn nôn, huyết áp tăng cao, trong trường hợp nặng có thể hôn mê. Thời gian ủ bệnh từ 30 phút-2 giờ, tùy lượng thịt ăn phải.

Khi xác định đã ăn phải thịt siêu nạc có độc chất, việc đầu tiên nên làm là uống nhiều nước để chất độc được đào thải ra ngoài, sau đó đến bệnh viện để được chỉ định biện pháp điều trị tiếp theo. Cấp cứu tại nhà như sau:

-Rửa dạ dày bằng dung dịch thuốc tím tỷ lệ 1:5000 hoặc axit tannic 1%.

-Dùng 40-60ml thuốc nhuận tràng magnesium sulfate để kích thích đi ngoài.

-Uống thuốc đối kháng atenol (altenolol) 12,5-25mg, mỗi ngày 3 lần để ngăn tình trạng loạn nhịp tim, sau khi nhịp tim đã ổn định đổi thành liều 12,5mg, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 3 ngày. Có thể dùng propranolol (không áp dụng với bệnh nhân hen suyễn hoặc có tiền sử phổi tắc nghẽn), mỗi lần 10-30mg, ngày 3 lần liên tục trong 3 ngày.

-Truyền tĩnh mạch 1000ml truyền tĩnh mạch muối đẳng trương có glucose được bổ sung vitaminC 1,0gram.

(VEF.VN) Thịt lợn đã nhiễm chất độc khó đào thải

Nhiều người đề xuất, yêu cầu các cơ sở giết mổ lưu giữ lại đàn lợn có chất cấm từ 7-10 ngày nuôi đào thải, sau đó cho phép lưu thông giết mổ trở lại. Song, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, với những con lợn đã phát hiện chất cấm beta-agonits nên tiêu hủy 100%. "Nếu cho phép đưa về trang trại nuôi tiếp một thời gian rồi cho giết thịt trở lại, chúng ta đã vô tình đồng ý với hành động cho phép sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Quan điểm của tôi, nên tiêu hủy toàn bộ những con lợn có chất cấm".

3. Những “hạng mục” trên nhãn mác không thể bỏ qua

Chú ý thông tin nhãn mác trên sản phẩm sẽ giúp bạn lựa chọn phù hợp và thông minh nhất.

Calo: Nghiên cứu của trường ĐH Minnesota (Mỹ) chỉ ra rằng 91% người đi chợ thường bỏ qua bước tính lượng calo trước khi mua sản phẩm. Điều này thực sự không tốt. Nếu mỗi bữa ăn dư thừa khoảng 170 calo so với mức calo mà bạn cần thì mỗi tuần cân nặng của bạn sẽ tăng khoảng 4kg đấy!
 

Chất béo: Rất nhiều đàn ông đều cho rằng nếu món ăn ít béo sẽ tốt cho cơ thể và ngược lại. Tuy nhiên, theo TS Katz – tư vấn viên dinh dưỡng trang thông tin sức khỏe Men’s Health, cách tốt nhất để hấp thu chất béo là bổ sung omega 3 và chất béo không bão hòa đơn để tăng cường cho sức khỏe tim mạch.

Natri: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một người đàn ông khỏe mạnh không cần phải để ý đến lượng natri trong cơ thể. Tuy nhiên chúng ta nên biết thức ăn càng chứa nhiều natri thì khả năng thực phẩm đã qua xử lý nhiều càng cao. Do vậy, lưu ý không nên mua thực phẩm chứa nhiều natri hơn calo.

Protein: Theo chuyên gia tư vấn Alan Aragon (Men’s Health), một người đàn ông hoạt động thể lực ở mức trung bình nên tiêu thụ ít nhất 115gr protein mỗi ngày. Những thực phẩm chứa nhiều protein sẽ giúp bạn có cảm giác no lâu, do vậy tránh được tình trạng ăn quá độ.

Chất xơ: Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyên nên ăn 38gr chất xơ mỗi ngày. Để đạt được điều này, cần chắc chắn ăn các sản phẩm ngũ cốc chứa ít nhất 1gr chất xơ trên 100 calo.

Đường: Ngày nay chúng ta tiêu thụ nhiều hơn khoảng 10% chất ngọt hơn ngày xưa, điều này kéo theo tỷ lệ béo phì ngày nay cũng tăng gấp đôi. Tốt nhất nên giữ lượng đường dưới 10% trong tổng số calo tiêu thụ - tức là khoảng 2gr đường trên 100 calo.

4. Phù phép nước máy thành... nước tinh khiết

Gần 600.000 lít nước tinh khiết nhãn hiệu Tân Túc của Công ty TNHH Long Bảo ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai sản xuất hoàn toàn bằng nước máy vẫn được ngành chức năng của tỉnh cấp Giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng để bán ra thị trường. Đoàn kiểm tra phát hiện gian lận nhưng có điều lạ là cơ sở vẫn không bị buộc phải thu hồi sản phẩm. Và người dân Krông Pa đang hàng ngày phải tiêu thụ loại nước tinh khiết dỏm này...

Nước máy + đóng chai = nước tinh khiết!

Gần 1 năm nay, trên địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai xuất hiện sản phẩm nước tinh khiết đóng trong chai nhựa loại 0,5 lít; 1,5 lít và bình 20 lít mang nhãn hiệu Tân Túc. Đây là sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Long Bảo ở số 79 đường Nay Đer, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Chỉ rẻ bằng một nửa sản phẩm cùng loại, lại đầy đủ nhãn mác, bao bì đẹp, có nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng...
 

Đầu tháng 4/2009, sau khi tiếp nhận phản ánh của cử tri, Thường trực HĐND huyện Krông Pa đã tổ chức đoàn giám sát tại Công ty TNHH Long Bảo về các điều kiện thành lập công ty và điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm nước tinh khiết Tân Túc. Tại đây, đoàn thật bất ngờ với những việc làm gian lận hết sức trắng trợn, coi thường luật pháp và sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng của công ty này. Trong khuôn viên rộng chừng 55m2 dùng để sản xuất nước tinh khiết, ông Phạm Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Long Bảo đã bố trí hệ thống dây chuyền sản xuất lộn xộn, không theo quy trình một chiều như yêu cầu đảm bảo về ATVSTP. Đặc biệt nghiêm trọng là trong hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm của công ty đưa ra, có đóng dấu xác nhận của Trung tâm Y tế Dự phòmg tỉnh, nguồn nước được lấy từ nước ngầm; nhưng trên thực tế tại công ty không có giếng nước ngầm mà nguồn nước để sản xuất nước tinh khiết Tân Túc hoàn toàn được lấy từ nước máy sinh hoạt của thị trấn do Trạm nước Krông Pa hút lên từ sông Ia Mlá.

Đoàn giám sát chứng kiến công nhân duy nhất của cơ sở đang cởi trần, mặc quần đùi ngồi bệt trên sàn nhà ướt nhẹp lấy nước máy từ hệ thống ống nước sinh hoạt của thị trấn Phú Túc, đóng thành những chai nhựa 0,5 lít; 1,5 lít và bình 20 lít "nước tinh khiết Tân Túc". Sự gian dối này kéo dài từ tháng 9/2008 đến thời điểm bị đoàn giám sát phát hiện (tháng 4/2009).

Vẫn được cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng (?!)

Qua kiểm tra, Đoàn giám sát Thường trực HĐND huyện Krông Pa đã phát hiện, với quy mô mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 lít nước tinh khiết nhưng đơn vị lại không có những giấy tờ đăng ký cơ bản như: Dự án sản xuất kinh doanh; thiết kế và giấy phép xây dựng nhà xưởng; giấy cam kết và dự án bảo vệ môi trường; biên bản kiểm tra và xác nhận tác động môi trường...

Ngoài ra, còn một số giấy tờ không phù hợp với hiện trạng cơ sở vật chất của công ty như: Trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm ghi tên sản phẩm  là "nước uống đóng chai và bình Phú Xuân", không đúng với tên trên nhãn mác sản phẩm của công ty là "nước tinh khiết Tân Túc". Đăng ký nhãn mác vẫn ghi theo Quyết định 178/1999 của Thủ tướng Chính phủ, trong khi văn bản này đã được thay thế bằng Nghị định 89/2006 từ năm 2006 (cơ sở công bố vào thời điểm 15/9/2008).

Đặc biệt, về điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho sản xuất tại Công ty TNHH Long Bảo, Đoàn giám sát đã tiến hành dựa trên các tiêu chí của Bộ Y tế ban hành mà trước đó Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã kiểm tra thì thấy trong 13 tiêu chí mà Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đánh giá đạt yêu cầu thì hầu hết đều cho kết quả ngược lại. Chẳng hạn, về môi trường, thực tế cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, rác thải (nước thải xả trực tiếp ra vườn). Trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm ghi quá trình sản xuất theo sơ đồ mô phỏng là: nước ngầm - bể lọc sơ bộ - hệ thống xử lý nước.... nhưng thực tế không có giếng nước ngầm mà nguồn nước cửa cơ sở sử dụng làm nguyên liệu sản xuất lấy trực tiếp từ hệ thống nước sinh hoạt của Trạm nước sinh hoạt Krông Pa... Mặc dù, điều kiện sản xuất của Công ty TNHH Bảo Long không đảm bảo và có những thiếu sót và vi phạm nghiêm trọng nhưng công ty vẫn được các cơ quan chức năng tỉnh chứng nhận cho cơ sở đạt yêu cầu.

Từ thực tế trên, dư luận ở Krông Pa đang đặt câu hỏi là phải chăng do trình độ năng lực kém hay vì một lý do nào khác mà ngành chức năng của tỉnh đã tiếp tay cấp phép cho Công ty TNHH Long Bảo làm ăn phi pháp?

5. VTC News ra mắt chuyên mục An toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ năm (15/3), báo VTC News ra mắt chuyên mục An toàn vệ sinh thực phẩm nằm trong mục Sức khỏe. Thời gian qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đông đảo độc giả quan tâm vì an toàn vệ sinh thực phẩm gắn liền với đời sống của mỗi gia đình. Nó len lỏi vào từng mâm cơm hàng ngày ở công sở hay ở nhà. Nếu an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, sức khỏe người dân sẽ được cải thiện. Ngược lại, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt sẽ gieo rắc nhiều mầm bệnh.

Trong những năm qua, báo VTC News đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Chất lượng sữa, nước uống đóng chai, thịt, rau, quả…Để thông tin đa dạng, kịp thời hơn nữa về các vấn đề trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, báo VTC News sẽ ra mắt chuyên mục An toàn vệ sinh thực phẩm nằm trong mục Sức khỏe. Chuyên mục được phối hợp thực hiện giữa VTC News, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. Cụ thể, chuyên mục sẽ phản ánh các sự cố tiêu dùng trong lĩnh vực thực phẩm; phát hiện các điểm nóng về mất vệ sinh an toàn thực phẩm; điều tra theo phản ánh của độc giả liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những thông tin về các sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm trên thế giới, tác dụng tốt hoặc phát hiện ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ngoài ra, những thông tin về chủ trương, chính sách liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và các hoạt động của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đăng tải tại đây. Để phản ánh cho chúng tôi về các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, quý độc giả vui lòng gửi thư đến: toasoan@vtc.vn; hoặc qua đường dây nóng: 01255911911.

6. Phát hiện thêm một lượng lớn chất tạo nạc

             Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai vừa phát hiện thêm một lượng lớn chất tạo nạc không rõ nguồn gốc dùng trong chăn nuôi. Ngày 10.3, Chi cục QLTT Đồng Nai tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Thiên Hương Phát (ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, H.Trảng Bom), do ông Đỗ Tiến Chánh, 33 tuổi, làm giám đốc. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện trên 220 kg chất tạo nạc dùng trong chăn nuôi. Trong đó, có 108 kg đã được đóng thành từng gói 1 kg và 5 kg. Ngoài bao bì được ghi tên là chất “Super Weight 02” và “Bcomplex - C”. Còn lại hơn 120 kg chất bột là nguyên liệu nhưng không có nhãn mác.

Theo Chi cục QLTT Đồng Nai, các loại chất này đều là thuốc “siêu nạc siêu trọng”, trộn vào thức ăn có công dụng tăng trọng nhanh, nở mông vai, giảm mỡ, kích thích cho heo ăn ngon miệng, hồng da, mượt lông, tăng sự hấp thu dưỡng chất, kích thích thèm ăn ngủ nhiều, tăng khả năng sinh đẻ, rút ngắn thời gian xuất chuồng. Chi Cục QLTT đã niêm phong, lấy mẫu để xác định thành phần hóa chất trong thuốc để xử lý.

7. Nhiều cơ sở bán chất cấm

Trước đó, ngày 8.3, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại KP.6, P.Long Bình, do ông Phạm Văn Phương (44 tuổi) làm chủ. Tại đây, công an phát hiện cơ sở tồn trữ khoảng 5 tấn thức ăn chăn nuôi thuộc nhiều nhãn hiệu khác nhau, được đóng vào thùng nhựa và bao để đem đi tiêu thụ. Qua xác minh, những bao thức ăn này có nhiều loại là sản phẩm thức ăn dinh dưỡng có tác dụng tăng trọng cho gia súc, do Công ty CP thức ăn T. và Công ty CP thức ăn V. (tại TP. Biên Hòa) sản xuất. Ngoài ra, còn có các sản phẩm mang rất nhiều nhãn hiệu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Phương chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên công an đã tạm giữ một số thiết bị dùng để pha trộn, sản xuất thức ăn và lấy mẫu số hàng trên đưa đi kiểm nghiệm.

Một cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết hiện có nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi lén lút buôn bán chất cấm. Cá biệt, có trường hợp dùng mùn cưa, hoặc các loại đất đá xay nhuyễn, pha trộn vào thức ăn để kiếm lợi. Một lãnh đạo Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết đã chỉ đạo chi cục QLTT các tỉnh mở đợt kiểm tra việc buôn bán thức ăn và thuốc thú y để xử lý việc kinh doanh chất cấm.

8. Chỉ cần 15 phút, thịt ôi chảy nước biến thành thịt tươi

Tảng thịt đã tái nhợt, bốc mùi, chảy nước, chỉ cần ngâm 15 phút với một chất bột trắng của Trung Quốc là đã trở nên hồng hào, tươi roi rói.

Rau già, gà chết và thịt lợn ôi

Theo chân hai chủ quán cơm bình dân tại khu vực Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) chúng tôi dễ dàng tìm thấy mặt hàng thịt ôi tại một số chợ đầu mối. 5h sáng, chúng tôi có mặt tại khu bán thịt lợn, gia cầm trong chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội). Biết tôi có nhu cầu, chị bán thịt lôi một tảng thịt lợn trắng nhợt từ trong bao tải, vứt bạch ra trước mặt bàn, khẳng định: “Bán cơm bình dân thì nên lấy hàng loại hai này. Hàng hơi ‘héo’, nhưng ngon chán, chưa có mùi đâu. Chú lấy thường xuyên, chị để cho 55.000 đồng/kg. Còn muốn lấy hàng loại ba giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, đã ôi chảy nước, về phải làm kỹ”.

Anh chủ quán cơm tên H. đi cùng rỉ tai: “Ở đây cái gì cũng có, từ gà chết, lợn ôi, thịt đông lạnh… Khách mua hàng này 100% là các quán cơm bình dân phục vụ sinh viên và người lao động có thu nhập thấp”.

Tỏ vẻ lọc lõi trong nghề, anh chủ quán cơm tên Q. đi cùng cho hay, không ai mở cơm bình dân lại đi mua đồ tươi sống. Có 15.000 đồng một đĩa cơm, giá thực phẩm thì tăng cao, mua đồ xịn về thì lấy đâu ra lãi. Rau già, gà chết và thịt lợn ôi là ưu tiên hàng đầu. Loại thịt này ở Vồ (Hà Đông, Hà Nội) còn rẻ hơn nhiều. Theo chỉ dẫn, ngày hôm sau, tôi mò xuống chợ Vồ, nơi được mệnh danh là thiên đường tiêu thụ loại thịt phẩm ôi. Giá các mặt hàng tại đây khá mềm, một cân thịt nạc mông chỉ có 65.000 đồng/kg. Đặc biệt càng về cuối ngày, giá thịt lại càng hạ. Một chủ hàng tại đây cho biết: “Khách chủ yếu là dân mở quán cơm “bụi”. Hàng thì nói thẳng, không được chuẩn cho lắm, nhưng về làm món kho, xào … không khác thịt tươi”.

Công nghệ phù phép

Theo bí quyết của anh Q. bán đồ chết, đồ ôi lợi nhuận gấp chục lần. Còn việc biến thịt “héo” thành tươi thì rất đơn giản. Với những loại thịt chưa bị ôi chảy nước, chỉ cần đun một nồi nước nóng, cho nhúm muối và trần qua là thịt lại ngon như mới. “Nếu cẩn thận hơn, trước khi chế biến, mình ướp các loại gia vị như hành, tỏi, muối. Nếu màu thịt chưa đẹp, chỉ cần cho chút nước cốt dừa, hay kẹo đắng vào là ngon ngay”, anh Q. chia sẻ.

Với những mặt hàng thịt thiu có mùi, bị vữa, không thể xử lý bằng những phương thức thông thường, các chủ quán sẽ “phù phép” biến thành thịt tươi khi ngâm chúng vào chất bột trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc, được chào bán tràn lantrong chợ Đồng Xuân. Lôi một túi bột màu trắng từ gầm bàn, anh H. vừa “biểu diễn” vừa giải thích: “Chúng tôi gọi nó là bột phù phép. Chúng được bán với giá 50.000 đồng/kg. Thịt có thiu rữa, chỉ cần ngâm một đến hai thìa trong khoảng 15 phút là tươi hồng như thịt mới. Ngay cả mặt hàng đông lạnh, chỉ cần ngâm với loại bột này thịt sẽ luôn giữ được mềm và màu sắc khá đẹp”. Quả nhiên, miếng thịt tái nhợt, mềm oặt sau khi ngâm với loại bột trằng này trở lên đanh hồng trong vòng chưa đầy 15 phút.

Theo TS. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng Cục ATVSTP,Bộ Y tế: “Chúng tôi chưa rõ tác hại của loại bột không rõ nguồn gốc này ra sao bởi cần phải lấy mẫu kiểm tra trước khi đưa ra kết luận. Tuy nhiên, riêng việc các quán cơm bình dân sử dụng nguồn thực phẩm ôi thiu là đã gây tác hại lớn đến sức khỏe con người. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này”.

9.Rùng mình công nghệ ủ thịt thú rừng

Mấy vị thực khách đưa miếng thịt heo rừng lên miệng, gật đầu tấm tắc khen ngon, không hề biết rằng trước khi được chế biến lên đĩa, những miếng thịt đó đã được ủ dưới đất vài ngày, ôi thối nồng nặc, được ngâm tẩm hóa chất độc hại...

Ủ thịt rừng trong đất

Đều đặn mỗi ngày, cứ 8h sáng, các quán nhậu khu vực đầu đường Phạm Viết Chánh (Q.1, TPHCM), quốc lộ 22 đoạn chạy qua quận 12, lại nhộn nhịp chuẩn bị đón thực khách. Những con bê được thui nguyên con vàng ươm bắt mắt được móc phía ngoài mời gọi, nhưng đây chỉ là món ngụy trang. Trong quán, mọi đặc sản từ rừng sâu đều sẵn sàng phục vụ các thực khách có nhu cầu.

Trong quá trình tìm hiểu về đường đi của thịt rừng lên phố, chúng tôi quen biết được một người tên Th, hiện đang ở Hóc Môn. Th vốn là một tay chuyên cung cấp “hàng độc” từ các vùng lân cận như Tây Ninh, Đồng Nai... đặc biệt là từ rừng Nam Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng, cho các quán nhậu ở TPHCM. Theo lời Th, hàng ngày nhiều người dân sống gần rừng và các tay thợ săn chuyên nghiệp vào rừng đặt bẫy hoặc tìm thú bắn. Mỗi chuyến đi săn thường kéo dài hàng tuần. Những con mồi săn được gần bìa rừng, nhỏ, sẽ được chuyển ra ngay để bán cho các quán nhậu. Nhưng những con thú lớn như nai, heo rừng sống ở trong rừng sâu nên khi thợ săn hạ được phải ủ con vật tại chỗ, để đoàn người tiếp tục hành trình săn bắn.

Cách ủ mà Th nói ở đây là thợ săn bỏ con thú mà vừa săn được vào túi ni lông, chôn xuống đất, đánh dấu cẩn thận rồi tiếp tục hành trình săn. Mấy ngày hoặc có thể cả tuần sau, khi thợ săn quay ra mới đào lên xẻ thịt mang về. “Ủ thú vừa tránh được cơ quan chức năng kiểm tra vừa tránh cho “sản phẩm” bị thú rừng khác ăn thịt”, Th tiết lộ thêm.

Việc ủ thú chết dài hay ngắn ngày hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian của chuyến đi săn. Thịt thú rừng khi được đào lên có khi đã thối rữa, nhưng vẫn được đưa về bán cho các đầu nậu ngoài bìa rừng, rồi được ướp hóa chất để vận chuyển về thành phố bán cho các nhà hàng, quán nhậu...

100% thịt rừng bị kiểm tra đều ôi thối

Theo ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM thì 100% thịt rừng khi bị kiểm tra đều ôi thối, thịt rừng được bảo quản bằng hóa chất, khi bỏ ra ngoài chỉ vài giờ sau là đã bốc mùi, thối rữa. “Nhiều lần các anh em đi kiểm tra, thu giữ và đưa tang vật về trụ sở nhưng khi mở thùng xe ra thì mùi hôi thối nồng nặc; khi đưa tang vật xuống xong là các anh em phải chạy đi mua hóa chất về khử mùi cho cả cơ quan. Nhiều vụ chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để xử lý, tiêu hủy tang vật vì đã quá thối không dám đưa về cơ quan”, ông Cương kể.

Cũng theo ông Cương thì “Tất cả các cửa hàng, quán nhậu, quán ăn, kinh doanh thịt rừng trên địa bàn đều là kinh doanh trái phép. Hiện tại TPHCM chưa cấp bất kỳ giấy phép nào cho các doanh nghiệp kinh doanh thịt rừng, thú rừng và động vật hoang dã ngoài môi trường tự nhiên. Nếu có cũng chỉ cấp phép cho các hộ nuôi heo rừng, rắn, thỏ theo quy mô chuồng trại”.

Từ nhiều năm nay, chi cục đã kiểm tra, truy quyết liệt, bắt giữ và xử lý hàng nghìn kg thịt rừng trái phép, đồng thời xử phạt hàng trăm hộ kinh doanh vi phạm nhưng tình trạng kinh doanh chui vẫn còn và ngày càng tinh vi hơn, ông Cương khẳng định.

Một vị khách đang hỏi mua thịt rừng trên đường Phạm Viết Chánh cho biết: “Do thịt rừng có mùi vị đặc trưng, ít mỡ nên được ưa chuộng, nhất là cánh đàn ông ăn vào thì khỏi phải chê”. Còn một chủ quán bán thịt rừng thì cao giọng: “Có người mua thì mới bán, chúng tôi chỉ phục vụ những người có nhu cầu và biết thưởng thức”.

Không hiểu cái sự “biết thưởng thức” được hiểu theo nghĩa nào, nhưng theo khuyến cáo của các bác sĩ tại Viện Vệ sinh y tế công cộng và Sở Y tế TPHCM thì những vi sinh, vi khuẩn như Salmonella (gây ngộ độc) và E.coli (gây tiêu chảy)... sẽ xâm nhập vào sản phẩm thịt chỉ 1 ngày sau khi giết mổ mà không được bảo quản tốt.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều điểm chuyên bán “chui” các loại thịt rừng, giá cả không thống nhất, tùy theo từng loại “đặc sản”. Cụ thể: thịt nai, heo rừng 120.000 đồng/kg; chồn, nhím, dúi khoảng 260.000 đồng/kg. Những loại thú còn sống thì được chào giá cao hơn và chỉ dành cho khách “vip”,khách mối. Đáng báo động là nguồn thịt rừng để giữ được tươi lâu trước khi đưa lên đĩa đã bị tẩm, ướp những loại hóa chất độc hại như u rê, phoóc môn, hàn the... mà người ăn vào có thể gặp các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ra máu, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.
 

10. Coi chừng ngộ độc trứng

Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy vậy, trong trứng cũng tiềm ẩn chất gây ra ngộ độc, dễ bị nhiễm khuẩn nếu như không được sản xuất đúng quy trình và không được sử dụng đúng cách.

Nhu cầu lớn

Tại chương trình trò chuyện cùng chuyên gia với chủ đề: “Trứng an toàn: Từ trang trại đến bữa ăn” do Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM tổ chức, BS. CKI. Nguyễn Thu Ngọc Diệp – Trưởng khoa Dinh dưỡng & An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho biết, trứng gia cầm là một trong những loại thực phẩm thiết yếu luôn nhận được sự tin dùng của người tiêu dùng do độ dinh dưỡng cao, giá cả hợp lý. Hiện nay, lượng trứng gia cầm tiêu thụ trên thị trường TP.HCM mỗi ngày khoảng 3.200.000 – 3.500.000 quả. Trước đây, yếu tố quan trọng nhất để người tiêu dùng quyết định chọn mua trứng là tiện lợi, dễ mua, lượng trứng tiêu thụ chủ yếu là thông qua các kênh bán lẻ tại các chợ, các cửa hàng tạp hóa…Tuy nhiên, khi dịch cúm gia cầm xuất hiện và có thông tin trứng bị nhiễm melamin, có sudan… người tiêu dùng đang ngày càng thận trọng hơn khi mua trứng. Xu hướng mới là chuyển dần sang mua trứng gia cầm tại các siêu thị, của các nhà cung cấp có thương hiệu, được bao gói kỹ càng và có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

Sức tiêu thụ trứng gia cầm sạch tại hệ thống siêu thị Co-op Mart và Co-op Foop trong năm 2008 đã tăng khoảng 20% so với năm 2007. Riêng 5 tháng đầu năm 2009, nhu cầu còn tăng mạnh hơn. Có đến hơn 50% người tiêu dùng chọn mua trứng tại các siêu thị. Và ngay tại các chợ, người tiêu dùng cũng đã tẩy chay dần các loại trứng không có thương hiệu, nguồn gốc hoặc đóng gói không kỹ mà chuyển sang mua sản phẩm của các nhà sản xuất có tên tuổi, thương hiệu. Hiện nay, có khoảng 60 nhãn hiệu trứng gia cầm được người tiêu dùng chọn mua. Trong đó, các nhãn hiệu dẫn đầu, là nguồn cung cấp trứng cho các siêu thị và cửa hàng thực phẩm có uy tín, chủ yếu từ Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN, Công ty Ba Huân, Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt…Tất cả những nhà sản xuất này khi đưa hàng hóa ra thị trường đều có giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng và giấy công bố chất lượng sản phẩm đầy đủ.

Sử dụng đúng cách để tránh ngộ độc…

Theo BS. Nguyễn Thu Ngọc Diệp, trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. Trong trứng có đủ protid, lipid, glucid, vitamin, các chất khoáng, các men và hormone. Về số lượng các chất này có tương quan với nhau rất thích hợp, đảm bảo cho sự lớn và phát triển của cơ thể. Thành phần quả trứng có: lòng đỏ, lòng trắng, các màng dưới vỏ, vỏ. Trong trứng gia cầm lòng đỏ chiếm khoảng 32 – 36%, lòng trắng 52 – 56%, các lớp vỏ 12%. Trứng có thể là nguyên nhân gây bệnh cho người. Trên bề mặt vỏ trứng tùy theo điều kiện bảo quản có thể thấy các vi khuẩn của đất, nước và không khí. Những loại hay gặp nhất: B. proteus vulgaris; B. subtilis; B. coli communis; B. mesentericus…

Trứng bị nhiễm bẩn chủ yếu khi đi qua ổ nhớp. Các loại gia cầm biết bơi do trứng ở những chỗ ẩm ướt, gần ao nước bẩn, đọng nên trứng vịt có thể nhiễm trùng salmonella. Nhiệt độ thay đổi, độ ẩm cao, những rối loạn lớp màng dưới vỏ tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập vào trứng. Trứng có thể nhiễm bẩn do nguyên nhân nội sinh. Các vi khuẩn như: S. pullorum; S. enteritidis; S. anatum… Ở các bệnh của gia cầm theo đường máu vào buồng trứng và vào lòng đỏ ngay trước khi trứng hình thành. Trứng có thể nhiễm bẩn khi đi qua ống dẫn trứng. Vi trùng S. typhi murium cũng thường thấy trong ống dẫn trứng nhiều loại gia cầm biết bơi. Vì vậy, trứng của chúng có thể là nguyên nhân ngộ độc, nhiễm trùng ở người, nhất là khi xử lý nhiệt không đầy đủ và bảo quản ở nhiệt độ cao. Vì vậy, trứng vịt, trứng ngỗng phải ăn chín, thời gian luộc trứng vịt là 13 phút, trứng ngỗng 14 phút kể từ khi sôi nước. Các rổ đựng phải ghi rõ “trứng vịt hay trứng ngỗng”.

BS. Ngọc Diệp cho biết, do quá trình phân giải men, trứng để trong không khí mất dần nước, giải phóng khí CO2, pH tăng và trọng lượng giảm dần. Nhiệt độ chung quanh cao, các men tự dung giải hoạt động mạnh, cuối cùng đưa tới phân giải sâu sắc các prorid của trứng và tạo thành các sản phẩm thoái hóa mùi rất thối. Quá trình tự dung giải do men thường phối hợp với quá trình thối do vi khuẩn. Hiện nay, cách bảo quản trứng tốt nhất là làm lạnh. Điều kiện bảo quản cần chấp hành đúng, vì nhiệt độ thay đổi 0,3 độ gây tăng độ ẩm 2%, điều đó làm trứng bị ẩm dễ thối. Nhiều nơi bảo quản trứng bằng cách cho vào các chất lỏng như nước vôi 5% hoặc phủ mặt ngoài trứng một lớp dầu thực vật hay dầu khoáng.

Dấu hiệu để nhận biết ngộ độc trứng

Ngộ độc trứng là tình trạng dị ứng với đạm của trứng. Nếu bị ngộ độc nhẹ thường có các biểu hiện như: buồn nôn, nổi mẩn đỏ, ngứa, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy… Khi bị ngộ độc nặng sẽ có dấu hiệu của hội chứng thần kinh như: lơ mơ, vật vã… Khi có các dấu hiệu trên dù nhẹ hay nặng thì người bệnh cần phải tới ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

11.Thực phẩm không an toàn của Mỹ chưa cấp phép công bố chất lượng tại Việt Nam

Ngay sau khi Cơ Quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo danh sách 72 sản phẩm thực phẩm giảm cân đang có mặt trên thị trường Mỹ có một hoặc nhiều dấu hiệu độc hại: chứa hóa chất cấm, có 1 số thành phần không được công bố rõ ràng, mức độ an toàn chỉ mới thử nghiệm lâm sàng, sử dụng hóa chất cho phép nhiều hơn quy định...

Sáng ngày 29/5, PV báo SK&ĐS đã khảo sát tại một số quầy thuốc lớn trên phố Ngọc Khánh, Láng Hạ, Bạch Mai, Giải Phóng... và trung tâm bán buôn thuốc Ngọc Khánh. Bước đầu đều không ghi nhận có bất kỳ sản phẩm thực phẩm nào có tác dụng giảm cân trong danh sách 72 thực phẩm mà FDA đã công bố được bày bán. Chiều cùng ngày, thông tin từ Phòng Đăng ký và chứng nhận sản phẩm, Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ thực phẩm đăng ký chất lượng từ cuối năm 2008 đến nay và hồ sơ đang thẩm tra chờ công bố chất lượng, hiện chưa phát hiện sản phẩm thực phẩm nào trong số 72 sản phẩm thực phẩm giảm cân mà FDA đã công bố được đăng ký công bố chất lượng tại Cục.  

Điểm mặt "ổ bệnh" trong tiết canh

Sán lên não, sốt cao, xuất huyết hoại tử dưới da, nhiễm trùng huyết, viêm não, hoại tử cơ... là những căn bệnh đau đớn mà những vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có trong tiết canh có thể tàn phá con người.

"Vũ điệu" của vi khuẩn

Theo BS đông y Vũ Quốc Trung, tiết canh là máu tươi của gia súc như lợn, ngan, vịt... Đây là dung dịch giàu protein, protit, đồng thời là chất lỏng nên đây là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Chỉ cần khi máu của động vật ra ngoài cơ thể, các vi khuẩn có trong môi trường đã có thể xâm nhập ngay. Chưa kể, trong quá trình cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu. Một trong những vi khuẩn gây bệnh cho đường tiêu hóa chính là staphylococus aureus - còn gọi là tụ cầu khuẩn.

Tụ cầu khuẩn có ở khắp nơi trong không khí và môi trường, đất, nước. Khi giết gia súc, máu rất dễ nhiễm tụ cầu khuẩn này, sinh ra các độc tố ruột. Chỉ 4 đến 5 tiếng sau khi bị ô nhiễm vào tiết canh, tụ cầu khuẩn này đã sản sinh ra loại độc tố ruột, để khi vào trong ruột và dạ dày, các men tiêu hóa không thể tiêu diệt được nó. Tụ cầu khuẩn nhanh chóng thấm vào trong niêm mạc dạ dày, ruột và máu, tác động lên thần kinh thực vật, làm cường hệ thần kinh phó giao cảm khiến tăng bóp dạ dày, ruột và dẫn đến các triệu chứng ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy... Nếu bị nặng, bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy nhiều dẫn tới mất nước, trụy tim mạch.
 

Vi khuẩn Salmonella có nhiều trong máu sống của động vật, đương nhiên hiển diện trong món tiết canh. Nguy hiểm của loại vi khuẩn này là khi nhiễm vào trong ruột, nó sẽ xâm nhập vào các mảng Payer theo đường mạch huyết và vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết. Nó sẽ phá hủy các tổ chức tảng phủ bằng nội độc tố của nó. Loại vi khuẩn thứ ba là Shigella, có trong máu và thịt động vật. Vi khuẩn này khi vào trong ruột sẽ định cư ở đó và phát triển lên trong tế bào biểu mô của thành ruột non, làm tổn thương niêm mạc ruột, khiến người nhiễm chúng có cảm giác đau quặn bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng.

Vi rút cũng "hân hoan"

Ngoài vi khuẩn, trong máu động vật còn có nhiều virus gây bệnh cho người. Theo BS Trung, trong máu, tạng phủ động vật thường có vi rút đường ruột gây viêm gan cho người. Cơ chế gây bệnh của chúng là thông qua đường ruột, phát triển trên tế bào biểu mô đường ruột sau đó chúng tấn công sang máu và tới tế bào nhu mô ở gan. Loại vi rút này có thể gây viêm gan A với thời gian sau 28 - 30 ngày; gây viêm gan E sau 40 ngày.

Ngoai ra, máu của động vật còn chứa vi rút đường ruột (polyo) gây ra bại liệt; vi rút astro gây hủy hoại niêm mạc ruột, gây viêm dạ dày trên người; Vi rút adno có trong máu, sữa, thịt của động vật nhiễm bệnh sẽ gây ra thoái hóa thần kinh chậm người (bệnh bò điên là do nhiễm vi rút này)

Ký sinh trùng "cổ vũ"

Có không ít trường hợp ăn tiết canh nhiễm sán, giun. Một trong những ký sinh trùng hay gặp nhất là sán lá gan, giun móc, giun xoắn. Vì trong máu động vật thường có những ký sinh trùng này. Bệnh giun xoắn (Trichinella spiralis) là bệnh nguy hiểm, gây sốt cao kéo dài và dễ làm người ta nhầm tưởng với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét...

Giun xoắn rất nhỏ, mắt thường khó nhìn thấy (con đực dài 1,4 - 1,6 mm, chiều ngang 40 micromet; giun cái dài 3 - 4 mm, ngang khoảng 60 micromet). Giun sống chủ yếu trong ruột non một số súc vật, đặc biệt là loài lợn. Theo máu, ấu trùng giun sẽ đi khắp cơ thể, bám trụ ở các cơ và thành kén trong các cơ rồi sống rất dai dẳng. Người khi mắc bệnh giun xoắn (do ăn món lòng lợn luộc chưa kĩ, món tiết canh) sẽ bị giun xoắn tấn công tương tự cơ chế trên, rất khó chữa, dễ làm chết người. Tiết canh lợn còn có thể "bổ sung" cho cơ thể món sán lợn. BS Nguyễn Nhật Lệ - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TƯ, cho biết, bệnh nhân mắc sán lợn sẽ bị động kinh, co giật là do sán chèn lên não, làm tổn thương vùng não. Sán lợn sang người thường chỉ lên não và vùng dưới da. Nếu lên não, bệnh nhân sẽ bị giảm trí nhớ, mất trí nhớ, đau đầu và động kinh co giật. Ký sinh dưới da, giun xoắn sẽ hút chất dinh dưỡng tại đây, bệnh nhân có thể bị giảm thị lực hoặc liệt chân, tay.

Những nạn nhân của tiết canh

Ông Nguyễn L., 60 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An rất thích ăn tiết canh. Cách đây khoảng 2 năm, bỗng dưng ông bị lên cơn động kinh, co giật và ngã xuống đường khi đang đi xe. Sau đó 2, 3 tháng liền, ông vẫn bị triệu chứng đau đầu, động kinh và gia đình đưa ông đi khám với nghi ngờ ông bị tai biến mạch máu não.

Tuy nhiên, tại Bệnh viện Ba Lan (Nghệ An), khi các bác sĩ điện não đồ cho ông, đã chẩn đoán não của ông Liên bị tai biến do xuất hiện một sợi dây lạ. Sau khi chụp cắt lớp não, bác sĩ phát hiện sợi dây lạ đó chính là một tổ kén sán trong não. Ông được chuyển đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TƯ và các bác sĩ kết luận ông Liên bị nhiễm sán lợn lên não do ăn nhiều tiết canh. Sau khi điều trị, số nang sán trong não đã giảm. Và đến khi diệt hết số nang sán đang sống “ký sinh” trong người ông thì chứng động kinh lúc đó mới hết.

Viện Truyền nhiễm & Các bệnh Nhiệt đới Quốc gia cũng đã đón nhận không ít bệnh nhân mắc bệnh do ăn tiết canh. Nam bệnh nhân Nguyễn Ngân Đỉnh, 58 tuổi, ở huyện Thường Tín - Hà Tấy vì ăn tiết canh lợn dẫn tới sốt cao, buồn nôn, xuất huyết hoại tử dưới da, các đầu ngón chân tím đen… Các bác sĩ xác định ông bị nhiễm liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Theo ThS Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện Truyền nhiễm & Các bệnh Nhiệt đới Quốc gia, bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh chủ yếu là bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 do ăn tiết canh ngan, vịt (có 7 trường hợp mắc cúm A/H5N1 do ăn tiết canh, chiếm 12,5%) và bệnh nhân ăn tiết canh lợn (5 trường hợp bị nhiễm liên cầu lợn, gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não).

Ngoài ra còn có bệnh nhân ở Sơn La, vì ăn tiết canh lợn mán bị nhiễm giun xoắn mà bản thân ông đã bị ấu trùng giun xoắn chui vào trong cơ thể, gây hoại tử cơ, đau cơ.

Nhiều người quan niệm, tiết canh mát, bổ, nhưng với các bác sĩ, đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh, là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Còn khi động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ thay đổi chóng mặt.

Ngày 28/03/2012
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang,
Cn. Võ Thị Thu Trâm, Cn. Nguyễn Hải Giang
(Tổng hợp từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích