Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 18/09/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
Thừa Thiên - Huế
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Tin tức - sự kiện chung
Các hoạt động địa phương
Các hoạt động chuyên môn chung

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 3 5 8 0 6 2 6
Số người đang truy cập
3 2 6
 Tin tức - Sự kiện Tin tức - sự kiện chung
Đồng bào dân tộc Pa Cô
Pa Cô trở thành dân tộc thứ 55 của Việt Nam

Việt Nam có 64 tỉnh, thành phố; thời gian qua chỉ có 54 dân tộc anh em được hiện diện trong danh mục cộng đồng người dân Việt. Mặc dù người dân tộc Pa Cô đã có từ lâu và sinh sống trên vùng núi cao, biên giới A Lưới, một huyện phía tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, giáp ranh với nước CHDCND Lào nhưng chưa có trong danh mục. Năm 2009, Pa Cô sẽ trở thành dân tộc thứ 55 được công nhận trong đại cộng đồng các dân tộc của Việt Nam.

 

Huyện A Lưới và người dân tộc Pa Cô

A Lưới là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế; giáp ranh với hai tỉnh Xaravan và Xêkông thuộc nước CHDCND Lào. Diện tích 1.229,02 km2. Có 21 xã, thị trấn, 133 thôn bản với dân số 42.449 người. Đường biên giới dài 85 km qua 12 xã vùng biên, có hai cửa khẩu S3 Hồng Vân và S10 A Đớt; ngoài ra còn có cửa khẩu La Lay thuộc huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị cài xen vào ở phía bắc. Đường Hồ Chí Minh đi ngang qua địa phận huyện A Lưới dài 106 km gồm 3 địa đoạn. Địa đoạn từ xã Hồng Thủy đến xã A Đớt, địa đoạn chuyển hướng từ xã A Đớt đến xã A Roằng và địa đoạn mở mới từ xã A Roằng qua rừng nguyên sinh xuyên hai đường hầm nối với thôn A Tép, xã Bhalee, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Trong 21 xã, thị trấn của huyện A Lưới có 19 xã với 6.338 hộ gia đình và 34.159 người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 80% dân số toàn huyện. Nơi đây có 8 dân tộc thiểu số anh em sinh sống gồm Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy, Mường, Tày, Nùng và dân tộc Kinh đến xây dựng kinh tế mới năm 1976 sau ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất. Địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Hướng Hóa, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị là đất sống của người Pa Cô cổ trước đây và gần 20.000 người dân tộc Pa Cô sinh sống hiện nay. A Lưới có thể xem là “thủ phủ” của cộng đồng người dân tộc Pa Cô khi có đến 9/21 xã, thị trấn của toàn huyện mang tên “Hồng” với đa số là người Pa Cô như Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Bắc, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Hạ. Trong đó có 4 xã người Pa Cô chiếm đa số tuyệt đối về mặt dân số là Hồng Thủy, Hồng Bắc, Hồng Trung và Hồng Vân.

 
              Như vậy, tổ tiên người dân tộc Pa Cô cùng tổ tiên với các dân tộc thiểu số gần gũi như Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu ... là thế hệ cư dân bản địa hiện diện sớm nhất trên vùng đất cổ Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Từ lâu hai dân tộc Pa Cô và Tà Ôi bị lẫn vào nhau vì hai dân tộc này có nhiều điểm tương đồng trong phong tục tập quán và tiếng nói. Trên thực tế, người Pa Cô và người Tà Ôi hiểu được tiếng nói của nhau một cách dễ dàng có thể đến 90%. Chính nghĩa ngữ đã góp phần xác định người Pa Cô và Tà Ôi không phải là một. Trong ngôn ngữ Pa Cô-Tà Ôi, Pa Cô có nghĩa là “Người ở núi cao” do cách người Tà Ôi gọi người Pa Cô để phân biệt, cũng có thể người Pa Cô tự xưng để phân biệt. Như vậy người dân tộc Pa Cô ở tại huyện A Lưới đã được xác định.

Kết quả công tác phòng chống bệnh sốt rét tại huyện A Lưới

Dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Pa Cô nói riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu sống tập trung tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng trong phân vùng dịch tễ sốt rét và can thiệp. Thời gian qua, công tác phòng chống sốt rét đã được triển khai thực hiện tại đây để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng cao miền núi, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiều số đang sinh sống, trong đó có người dân tộc Pa Cô. Cho đến năm 2008, số bệnh nhân sốt rét tại huyện A Lưới giảm 97,61% (130/5.449) so với năm 1991, không còn sốt rét thể ác tính và tử vong do sốt rét (năm 1991 có 86 sốt rét thể ác tính và 12 tử vong); dịch sốt rét được khống chế không xảy ra trong nhiều năm liền mặc dù có nguy cơ dịch vào năm 1998 và 2001 ở phạm vi thôn bản. Hiệu quả công tác phòng chống sốt rét được tác động, can thiệp tại đây đã góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Pa Cô bảo đảm sức khoẻ, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, duy trì nòi giống dân tộc.

Năm mới 2009-Kỷ Sửu, Pa Cô trở thành dân tộc thứ 55 của Việt Nam

Mặc dù người dân tộc thiểu số Pa Cô sinh sống đã lâu đời trên vùng núi cao, biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và huyện A Lưới có thể xem là “thủ phủ” của người dân tộc Pa Cô nhưng trong thời gian qua dân tộc này vẫn chưa có trong danh mục của 54 dân tộc anh em. Sau khi được Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chấp nhận chủ trương lập đề án bổ sung dân tộc Pa Cô vào danh mục các dân tộc Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký quyết định phê duyệt đề cương đề án “Bổ sung dân tộc Pa Cô vào danh mục các dân tộc Việt Nam”. Theo đó, đề án sẽ được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2009 với kinh phí 55 triệu đồng. Ngày 06/03/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác minh, lập đề án để xem xét. Khi hoàn tất và được phê duyệt của các cơ quan cấp tỉnh, đề án sẽ trình Chính phủ bổ sung dân tộc Pa Cô vào danh mục các dân tộc Việt Nam. Hy vọng rằng vào năm mới 2009-Kỷ Sửu, một sự kiện lịch sử quan trọng được hình thành và dân tộc Pa Cô sẽ chính thức trở thành dân tộc thứ 55 trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

 

Ngày 12/01/2009
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Giám đốc Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế
 

THÔNG BÁO


• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích