Nguồn chế phẩm cung cấp nước và chất khoáng cho cơ thể

Trong quá trình chữa bệnh ngoài cácthuốc đặc trị, thầy thuốc còn dùng một số chế phẩm khác để bổ sung nước, chất khoáng hay còn gọi là chất điện giải cho cơ thể nhằm hỗ trợ việc điều trị đạt yêu cầu hiệu quả tốt hơn nên cần biết các nguồn chế phẩm bổ sung này khi sử dụng.

Các cơ sở điều trị thường dùng một số chế phẩm cung cấp, bổ sung nước, chất khoáng cho cơ thể khi cần thiết là dung dịch oresol, natri clorua đẳng trương 0,9%; natri clorua ưu trương 10%, calcium chloride, natri carbonat, natri lactat, các dẫn chất của muối sắt, các chế phẩm có chứa iốt.

Oresol

Đây là dung dịch được pha từ chế phẩm ORS (oral rehydration salts) dùng để uống bù chất đường glucose và chất điện giải. Thành phần của chúng gồm: NaCl 3,5g; NaHCO3 2,5g hoặc 219g natri citrat; KCl 1,5g; glucose 20g. Thường 1 gói ORS được pha với 1.000 ml nước đun sôi để nguội để có một dung dịch với nồng độ của các chất điện giải ion Na+ 90 mmol/lít, Cl 80 mmol/lít, HCO3 30 mmol/lít, K+ 20 mmol/lít và glucose 111 mmol/lít. Theo các nhà khoa học, nếu chế phẩm hóa chất còn nguyên ở dạng bột chưa pha chế thường gọi là gói ORS, khi đã pha với nước để sử dụng gọi là dung dịch oresol. Dung dịch oresol được chỉ định dùng để chống mất nước và chất điện giải trong các trường hợp bị đi tiêu chảy do bất kỳ nguyên nhân nào. Liều dùng trong 24 giờ được quy định tùy theo nhóm tuổi: trẻ con dưới 6 tháng tuổi uống 250 - 500 ml, trẻ con từ 6 tháng đến 2 tuổi uống 500 - 1.000 ml, trẻ em từ 2 đến 5 tuổi uống 750 - 1.500 ml, trẻ em trên 5 tuổi uống 1.000 - 1.500 ml. Trên thị trường hiện nay chế phẩm ORS được sản xuất đóng gói với nhiều loại khác nhau, khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn cách pha chế dung dịch oresol theo quy định.

 
 

Natri clorua đẳng trương (NaCl 0,9%)

Dung dịch này còn có tên là sodium chloride 0,9%, thường được gọi là huyết thanh mặn đẳng trương. Chúng bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể trong những trường hợp bị mất nước như đi tiêu chảy, mắc bệnh tả, bị bỏng nặng, nôn mửa nhiều, tắc ruột... Sử dụng dung dịch bằng tiêm truyền vào đường tĩnh mạch.

Natri clorua ưu trương (NaCl 10%)

Dung dịch này còn có tên là sodium chloride 10%, thường được gọi là huyết thanh mặn ưu trương. Chúng có tác dụng trong các trường hợp cần bổ sung nước và chất điện giải tương tự như dung dịch NaCl 0,9%; ngoài ra còn được dùng khi bị tắc ruột cấp, liệt ruột sau phẫu thuật, sốc, đi tiểu ít... Dung dịch này được chỉ định tiêm truyền bằng đường tĩnh mạch, lưu ý không được tiêm bắp thịt và tiêm dưới da. Chống chỉ định dùng trong các trường hợp bệnh nhân bị viêm thận, phù thận, đang dùng loại thuốc cortisone.

Calcium chloride

Còn có tên là clorure de calcium; chúng được dùng để tiêm tĩnh mạch chậm, có tác dụng điều chỉnh nhanh chóng chứng giảm calci máu và các triệu chứng biểu hiện thần kinh cơ. Chỉ định sử dụng calcium chroride trong các trường hợp giảm calci máu, co giật do giảm calci máu, còi xương do thiếu calci phối hợp với vitamin D, hiện tượng dị ứng cấp tính. Lưu ý chống chỉ định dùng cho người bệnh bị bệnh cầu thận mạn tính, sỏi niệu, bệnh trứng cá ở thiếu niên, bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc digital...

Natri hydrocarbonat

Có tên khác là bicarbonate de sodium được dùng để uống với tác dụng trung hòa chất acid trong dịch vị của dạ dày. Nếu sử dụng bằng đường tiêm sẽ làm tăng dự trữ kiềm trong huyết tương. Đây là chất chống chỉ định dùng trong các trường hợp người bị nhiễm kiềm hóa, mất lượng chlorid do nôn nhiều, đang dùng thuốc lợi tiểu gây nhiễm kiềm giảm chlor huyết; đồng thời cũng không nên dùng liên tục dài ngày trong chứng bệnh đau dạ dày do thừa chất acid.

Natri lactat

Với tên khác là sodium lactate có tác dụng trung hòa acid và các chất điện giải ion acid. Sau khi vào cơ thể người, lactat được oxy hóa, phần lớn thành CO2 (carbon dioxide) và Na2CO3 (natri carbonat). Natri lactat được chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm acid do tất cả mọi nguyên nhân, dùng kiềm hóa nước tiểu trong thời gian sử dụng thuốc sulfamid. Lưu ý chống chỉ định dùng cho người lớn có tổn thương nặng ở gan.

Các dẫn chất của muối sắt

Gồm sắt amoni citrat (ammonium citrate) như: ferric ammonium citrate, iron andammonium citrate; sắt fumarat như: ferrous fumarate; sắt II oxalat như: ferrous oxalate, iron protoxalate; sắt II sulfat như: ferrous sulfate, sulfate de protoxyde defer. Chúng cung cấp nguyên tố sắt cho cơ thể người trong những trường hợp thiếu chất sắt, thiếu máu do thiếu sắt; người có phẫu thuật bị cắt mất dạ dày, viêm dạ dày, viêm ruột; bị chảy máu kéo dài như rong kinh, nhiễm giun móc, trĩ, loét dạ dày... Ngoài ra cũng còn được sử dụng đối với các trường hợp phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, đang cho con bú; phụ nữ bị bệnh xanh lướt được gọi là thiếu máu ở tuổi dậy thì. Lưu ý khi dùng các dẫn chất của muối sắt có thể gây nên tình trạng táo bón.

Chế phẩm có chứa iốt

Các chế phẩm chứa iốt dùng ngoài da có tác dụng sát khuẩn, diệt nấm. Nếu dùng dưới dạng uống bằng giọt quy định có tác dụng cung cấp chất iốt cho cơ thể. Thông thường dung dịch tarnier có chứa 0,15% chất iốt, dung dịch lugol có chứa 1% chất iốt. Chế phẩm có chứa iốt được chỉ định dùng trong trường hợp cung cấp chất iốt cho cơ thể trong điều trị bệnh bướu tuyến giáp trạng, còn gọi là bệnh phì đại tuyến giáp. Ngoài ra, việc chủ trương dùng muối ăn pha trộn chất iốt cung cấp cho toàn dân có mục đích bổ sung lượng iốt thường xuyên trong bữa ăn cho cộng đồng người dân để phòng chống các chứng bệnh do tình trạng thiếu hụt chất iốt gây nên.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bình thường nước, chất khoáng hay còn gọi là chất điện giải được đưa vào cơ thể qua nước uống, thức ăn hàng ngày tuy không cung cấp năng lượng hoạt động nhưng có vai trò quan trọng trong các thành phần và tham gia vào nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể. Trong cơ thể con người, nhu cầu của nước và các chất khoáng hay chất điện giải thường đi kèm với nhau. Khi bị mắc một bệnh nào đó có liên quan, cơ thể có thể bị thiếu hụt, giảm sút một lượng nước và chất khoáng đáng kể phải được bổ sung trong quá trình điều trị; vì vậy cần biết một số loại chế phẩm là nguồn cung cấp nước và chất điện giải để sử dụng nếu cần thiết. Đương nhiên các loại dược phẩm này khi sử dụng phải được bác sĩ chỉ định cụ thể theo từng trường hợp.

Ngày 13/01/2016
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh