GS.TS. Lê Bách Quang-Chủ tịch Tổng Hội Ký sinh trùng Y học Việt Nam thay mặt Hội tặng bức ảnh chân dung GS. Đặng Văn Ngữ cho Trường Đại học Y Dược Huế
Trường Đại học Y Dược Huế tổ chức Hội nghị chuyên ngành Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 37 nhân 100 năm ngày sinh của Cố Giáo sư- Anh hùng liệt sĩ-Đặng Văn Ngữ

Ngày 1-2/4/2010, Trường Đại học Y dược Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cố giáo sư, Anh hùng liệt sỹ Đặng Văn Ngữ (1910-2010) và Hội nghị khoa học & đào tạo chuyên ngành ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 37.

Nội dung Hội nghị khoa học chuyên ngành ký sinh trùng-vi nấm không chỉ đơn thuần về lĩnh vực y học mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác như thú y, môi trường sinh thái nhằm làm cho các khoảng trống về bệnh vi nấm-ký sinh trùng ngày càng được sáng tỏ hơn về mặt dịch tễ học, phân loại học, sinh lý bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh nói chung cùng với nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành ký sinh trùng cần được cải thiện để bắt kịp với sự phát triển vượt bậc của y học hiện đại. Đặc biệt Hội nghị khoa học & đào tạo năm nay còn mang đậm tính nhân văn khi được tổ chức ngay trên quê hương của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ-Ông tổ của chuyên ngành Ký sinh trùng học Việt Nam.

Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh hùng-Liệt sĩ-Cố giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910-2010)

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1910-2010) và tưởng niệm 43 năm ngày mất (1967-2010) của Anh hùng-Liệt sĩ-Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ngày 1/4/2010 các đại biểu tham dự Hội nghị đã đến thắp hương tại nhà Trưởng họ Đặng tộc-Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh và viếng mộ Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Trong không khí trang nghiêm và thành kính trước vong linh của Người các đại biểu là các thế hệ học trò đều tâm nguyện sẽ hết mình phấn đấu để tiếp bước xứng đáng sự nghiệp chuyên ngành ký sinh trùng mà Cố Giáo sư đã dày công vun đắp, đội danh dự của các cháu thiếu nhi Trường Trung học cơ sở Đặng Văn Ngữ thay mặt cho thế hệ mầm non của đất nước cũng tuyên thệ sẽ cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt để mãi mãi xứng đáng với mái trường mang tên Người.

 

ThS.GVC. La Đức Thiện-Trưởng Phòng Phòng Tổ chức - Hành chính - Đại học Y Dược
Huế giới thiệu các Đại biểu tham dự  Hội nghị
 

Ngày 2/4/2010, trước khi bước vào Hội nghị khoa học ký sinh trùng lần thứ 37, Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh hùng-Liệt sĩ-Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ được tiến hành trọng thể với sự có mặt của Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Dược Huế, Lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên-Huế, Bệnh viện Trung ương Huế; Lãnh đạo các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái & tài nguyên môi trường, Viện Thú y; Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng và các giảng viên đến từ các Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Y Thái Nguyên, Trường Đại học Y Thái Bình, Trường Đại học Y Hải Phòng; Lãnh đạo các Trung tâm Phòng chống sốt rét/Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị; Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh cùng đại gia đình Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ, các đài báo Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin Hội nghị.

 

 PGS.TS. Trương Quang Ánh-Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng-Trường Đại học
Y Dược Huế đã đọc thân thế sự nghiệp của GS.AHLS. Đặng Văn Ngữ
(Ảnh:Thanh Tuấn)

Tại buổi lễ PGS.TS. Trương Quang Ánh-Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng-Trường Đại học Y Dược Huế đã đọc thân thế sự nghiệp của GS.AHLS. Đặng Văn Ngữ; PGS.TS. Cao Ngọc Thành-Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Lê Bách Quang-Chủ tịch Tổng Hội Ký sinh trùng Y học Việt Nam phát biểu chào mừng Hội nghị và thay mặt Hội tặng bức ảnh chân dung GS. Đặng Văn Ngữ cho Trường Đại học Y Dược Huế, GS.TS. Phạm Văn Thân-Nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội tặng bức tượng của GS. Đặng Văn Ngữ cho Trường Đại học Y Dược Huế; Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh đại diện gia đình Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ phát biểu ý kiến cảm ơn tình cảm cũng như sự quan tâm của Hội nghị và tiếp nhận Cờ lưu niệm Hội Nghị Ký sinh trùng lần thứ 37 dành cho gia đình.
  

 Các Đại biểu tham dự

Lễ Kỷ niệm (Ảnh:Thanh Tuấn)

Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm:
 

 Văn nghệ chào mừng Lễ Kỷ niệm (Ảnh:Thanh Tuấn) 

  

GS.TS. Lê Bách Quang-Chủ tịch Tổng Hội Ký sinh trùng Y học Việt Nam phát biểu chào mừng
Hội nghị và thay mặt Hội tặng bức ảnh chân dung GS. Đặng Văn Ngữ cho Trường Đại học Y Dược Huế
 (Ảnh:Thanh Tuấn)
 

  

 GS.TS. Phạm Văn Thân-Nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội tặng  bức
tượng của GS. Đặng Văn Ngữ cho Trường Đại học Y Dược Huế
 (Ảnh:Thanh Tuấn) 

 

 Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh đại diện gia đình Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ phát
biểu ý kiến cảm ơn tình cảm cũng như sự quan tâm của Hội nghị và tiếp nhận Cờ
lưu niệm Hội Nghị Ký sinh trùng lần thứ 37 dành cho gia đình
 (Ảnh:Thanh Tuấn) 


Hội nghị khoa học & đào tạo chuyên ngành Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 37

Hội nghị họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của GS.TS. Lê Bách Quang-Chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thao, PGS.TS. Lê Thị Xuân, PGS.TS. Cao Ngọc Thành với một số chuyên đề mang tính tổng hợp, cập nhật thông tin, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của nhiều phương pháp chẩn đoán (cổ điển và hiện đại) đã và đang ứng dụng cũng như áp dụng trong lĩnh vực ký sinh trùng vi nấm trên thế giới và Việt Nam với các bài trình bày về chuyển biến kỹ thuật trong ngành Ký sinh trùng của PGS.TS. Trần Xuân Mai-Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, một số suy nghĩ về tình hình Ký sinh trùng y học hiện nay của GS. Trần Vinh Hiển-Nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nêu lên những điều đã làm được, những điều còn trăn trở cũng như các vấn đề tồn tài trong lĩnh vực ký sinh trùng; ứng dụng công nghệ gen trong nghiên cứu bệnh Ký sinh trùng do PGS.TS. Nguyễn Văn Đề-Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội trình bày mang ý nghĩa tổng quan và ứng dụng cũng như một số kết quả đạt được về mảng công nghệ sinh học và sinh học phân tử trong phân tích, nghiên cứu các bệnh lý ký sinh trùng giun sán trên thế giới và Việt Nam; đặc biệt giá trị của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán một số bệnh ký sinh trùng của PGS.TS. Hoàng Minh Lợi-Bệnh viện Trung ương Huế tưởng như “xa”với chuyên khoa ký sinh trùng-vi nấm thì nay lại cho thấy rất “gần” và hỗ trợ rất nhiều về mặt chẩn đoán xác định và gián biệt, thăm dò sinh thiết, điều trị và theo dõi, diễn tiến cũng như tiên lượng trong một số bệnh lý ký sinh trùng.

  

 GS. Trần Vinh Hiển-Nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng
Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với một số suy
nghĩ về tình hình Ký sinh trùng y học hiện nay 
 (Ảnh:Thanh Tuấn) 

 PGS.TS. Hoàng Minh Lợi-Bệnh viện Trung ương Huế
với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán
một số bệnh ký sinh trùng  

 (Ảnh:Thanh Tuấn) 

Trong phần đào tạo, Hội nghị đã nghe một số báo cáo trình bày về phần mềm đào tạo chuyên ngành Ký sinh trùng của Trường Đại học Tây Nguyên và thảo luận về chương trình đào tạo chuyên ngành Ký sinh trùng tại các trường Đại học Y Dược trong cả nước dưới sự chủ trì của GS.TS. Phạm Văn Thân. Phát biểu tham luận về lĩnh vực này TS. Triệu Nguyên Trung-Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn thẳng thắn phân tích trước thực trạng trình độ cán bộ chuyên ngành tại các tuyến y tế tỉnh, huyện chưa tiếp cận được kỹ thuật hiện đại cùng với sự khủng hoảng về nguồn nhân lực do bác sĩ bỏ việc hoặc không muốn về công tác tại hệ y tế dự phòng, các cơ sở chuyên ngành xuất hiện nhiều cán bộ không thuộc lĩnh vực y học (sinh học, hóa học, lý học...) thì nhu cầu đào tạo chuyên ngành ký sinh trùng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết trong bối cảnh “Tre già nhưng măng chưa mọc”, sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học và y học hiện đại đòi hỏi chuyên ngành ký sinh trùng cũng phải tiếp cận tất cả các kỹ thuật cao như miễn dịch học, sinh học phân tử, điện di, di truyền sinh học, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh các bệnh ký sinh trùng bằng các trang thiết bị hiện đại, tuy nhiên việc ứng dụng các công nghệ hiện đại này mới chỉ tập trung ở các Viện nghiên cứu và các Trường Đại học; giáo trình giảng dạy xuất bản một lần dùng trong nhiều năm nên không thể cập nhật được thông tin chuyên ngành cũng như tổng quan y học, các thuật ngữ khoa học chưa thống nhất và chưa phù hợp với y văn thế giới; việc hiệu chỉnh tài liệu chưa gắn liền với các kết quả nghiên cứu đã được công nhận, nhất là các kiến thức bổ sung về sinh thái học, hình thái học, siêu cấu trúc của ký sinh trùng của nhiều bệnh ký sinh trùng mới nổi như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, giun lươn, giun đũa chó, sán dây, sán máng...; việc biên soạn tài liệu đào tạo cũng còn nhiều bất cập do chưa có cơ quan chủ trì mang tính chính thống nên mỗi trường đại học, mỗi trường trung học, cao đẳng, thậm chí mỗi viện nghiên cứu có cơ sở đào tạo đều tự biên soạn giáo trình nên không có tính nhất quán về nội dung; mối quan hệ Viện-Trường chưa chặt chẽ nên giảng viên cơ hữu tại các trường đại học ít kinh nghiệm thực tiễn, ngược lại giảng viên kiêm nhiệm tại các viện nghiên cứu lại thiếu tính thị phạm trong quá trình giảng dạy; chưa có giáo trình nâng cao cho mỗi cấp độ sau đại học như chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ nên chất lượng đào tạo còn kém hiệu quả và chưa đạt yêu cầu mong muốn. Giải pháp mang tính bền vững là cần tạo động lực và niềm say mê cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành thông qua các hội nghị khoa học, hội thảo/tập huấn chuyên đề; xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác nghiên cứu, giảng dạy giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo chuyên ngành ở các cấp độ đại học, sau đại học theo các chương trình/dự án ngắn hạn và dài hạn để nâng cao chất lượng đào tạo; về tài liệu giảng dạy Tổng hội ký sinh trùng y học có vai trò quan trọng làm đầu mối tổng hợp, biên soạn và hiệu chỉnh tài liệu chuyên ngành ở các cấp độ kể cả việc thống nhất các thuật ngữ chuyên ngành; hoàn chỉnh các phần mềm về chương trình đào tạo chuyên ngành ký sinh trùng, cần phát triển dịch vụ về ký sinh trùng để tạo sức hút về kinh phí cũng như nguồn nhân lực.

 

Các đại biểu chủ trì Hội nghị  (Ảnh:Thanh Tuấn) 

Phần báo cáo khoa học chuyên đề dưới sự chủ tọa của GS. TS. Trần Thị Kim Dung, PGS.TS. Trần Xuân Mai, PGS.TS. Trương Quang Ánh với các đề tài nghiên cứu khoa học từ các Viện, trường đại học, bệnh viện trong toàn quốc; trong đó đề tài mang tính ứng dụng có khả thi trong tương lai là nghiên cứu một số độc tính của viên nang 10α–trifluoro methylhydroartemisinin (TFMHA) trên thực nghiệm do tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thu trình bày; một vấn đề rất quan trọng hiện nay và là một trong những khâu góp phần thành công trong Chương trình PCSR tại các quốc gia có sốt rét lưu hành, trong đó có Việt Nam là khâu cấp thuốc tự điều trị, nhất là trên các đối tượng người dân ngủ rẫy, nên kết quả đề tài “Nhiễm ký sinh trùng sốt rét và thực trạng sử dụng thuốc sốt rét tự điều trị của người dân ngủ rẫy tại Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định” do tiến sĩ Hồ Văn Hoàng và cộng sự báo cáo cho thấy vấn đề cấp thuốc tư điều trị có nhiều điểm thành công nhất định. Sốt rét dưới góc độ sức khỏe sản-nhi vẫn tiếp tục đe dọa đến phụ nữ mang thai và trẻ em toàn cầu do PGS.TS Phạm Văn Thân và cộng sự trình bày là một bài báo cáo mang tính tổng quan và cập nhật y văn thế giới về các vấn đề, các điểm mới trong sinh lý bệnh của sốt rét trên phụ nữ mang thai, trên sốt rét bẩm sinh và sốt rét chu sinh, các biện pháp can thiệp mới đã và đang được áp dụng tại các quốc gia châu Phi, nơi đó có các vùng sốt rét lưu hành nặng và rất nặng. Qua nhiều nghiên cứu đa trung tâm tại châu Phi và ngoài châu Phi, các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Cung cấp màn tẩm hóa chất, điều trị dự phòng từng đợt cho cả Phụ nữ mang thai và trẻ em (IPTp và IPTi), lồng ghép vào chương trình chăm sóc trước sinh và chương trình tiêm chủng mở rộng đã có hiệu quả rất nhiều tại các quốc gia này và có thể làm nhân rộng cho các vùng khác. Nhóm nghiên cứu của Thạc sĩ Phan Thị Hương Liên cùng cộng sự đã trình bày về nghiên cứu thực trạng nhiễm ấu trùng giun sán trên một số thủy sản được nuôi tại tỉnh Hòa Bình cho thấy vấn đề thủy sản hiện nay cũng còn ẩn chứa nhiều mầm bệnh, trong đó có tác nhân gây bệnh ký sinh trùng. Vi-Ký-Nhiễm như là một chuỗi mắt xích liên quan chặt chẽ bởi nhiều yếu tố chi phối và điều đặc biệt là chúng thường xuất hiện trên một vùng địa lý nhất định, thậm chí trên một cơ địa bệnh nhân (nhất là khi cơ thể suy giảm miễn dịch: lao, HIV/AIDS, dùng thuốc chống ung thư, thuốc corticoides,...) và các tác nhân đơn bào đôi khi cũng là một tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội trên các cơ địa như thế. Bài trình bày “Nghiên cứu tình hình nhiễm đơn bào đường tiêu hóa ở học sinh trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Huế” do nhóm nghiên cứu thạc sĩ Ngô Thị Minh Châu và cộng sự tiến hành rất có ý nghĩa và kết quả cho biết tình hình nhiễm đơn bào tiêu hóa ở các học sinh, từ đó có thái độ xử trí và phòng chống hợp lý. Bài báo cáo liên quan đến đề tài Nghiên cứu thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tại huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế do nhóm nghiên cứu của Nguyễn Văn Hòa và cộng sự đã cho biết tình hình thiếu máu ở các phụ nữ tuổi sinh đẻ tại một huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó có các biện pháp phòng chống phù hợp. Bài trình bày “Chẩn đoán bệnh do ký sinh trùng và nấm tại Bệnh viện 103 năm 2009” của Đỗ Như Bình và cộng sự cho biết tình hình bệnh nhân mắc bệnh do ký sinh trùng và vi nấm đến khám và điều trị tại Bệnh viện 103 năm 2009 với nhiều tác nhân và căn bệnh.

 
 
Phần báo cáo khoa học chuyên đề tiếp theo dưới sự chủ trì của GS.
Trần Vinh Hiển, PGS.TS. Phạm Văn Thân, TS. Nguyễn Mạnh Hùng tập trung vào các báo cáo về ca bệnh đặc biệt do nhiễm và mắc bệnh do các tác nhân ký sinh trùng mà các thầy thuốc rất hiếm gặp trên lâm sàng tại các bệnh viện Việt Nam như báo cáo “Lần đầu tiên một trường hợp nhiễmCapillaria philippinesis được phát hiện tại Bệnh viện Chợ rẫy” do tác giả Phan Tuyết Anh trình bày là một minh chứng; hoặc việc thông báo 2 trường hợp viêm não - màng não do ký sinh trùng tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh do nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu báo cáo; hoặc báo cáo liên quan đến nấm tai là “Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nấm tai ở Huế” do nhóm nghiên cứu Lê Chí Thông trình bày. Đề tài “Đánh giá hiệu quả công tác chống giun truyền qua đất tại các trường tiểu học tỉnh Thừa Thiên Huế sau 4 năm giáo dục sức khỏe và tẩy giun định kỳ hàng loạt (2005-2009)” do nhóm nghiên cứu Nguyễn Võ Hinh và cộng sự tiến hành trong một thời gian dài 5 năm cho thấy hiệu quả của thuốc Albendazole và Mebendazole còn duy trì mức cao khi điều trị và sổ giun hàng loạt tại các đối tượng học sinh trường tiểu học tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sàng lọc vi nấm nội sinh thực vật kháng Candida albicans và MRSA do báo cáo viên Nguyễn Đình Nga cũng đã nêu bật một số điểm khác biệt bệnh ký sinh trùng hoặc vi nấm trên động vật và thực vật, đồng thời cập nhật thêm thông tin về các khía cạnh vi nấm nội sinh thực vật kháng Candida albicans và MRSA.

Kết thúc phần báo cáo khoa học, các đại biểu tham dự hội nghị đã có nhiều ý kiến thảo luận nhằm làm rõ các nội dung nghiên cứu cũng như định hướng mở rộng cho các nghiên cứu tiếp theo. Phần chuyển giao đơn vị đăng cai, GS.TS. Phạm Văn Thân chính thức công bố đơn vị đăng cai Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 38 (năm 2011) là Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, PGS.TS. Cao Ngọc Thành-Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế đã trao Cờ luân lưu và Sổ truyền thống cho TS. Nguyễn Mạnh Hùng-Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đại diện cho đơn vị đăng cai tiếp theo, đồng thời phát biểu tổng kết và bế mạc.

            Hội nghị khoa học & đào tạo Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 37 do Trường Đại học Y Dược Huế tổ chức đã để lại trong lòng mỗi đại biểu ấn tượng tốt đẹp về giá trị nội dung, lòng mến khách cùng với vẻ đẹp thơ mộng của xứ Huế và hơn bao giờ hết mỗi cán bộ chuyên ngành ở mọi thế hệ tự răn dạy mình hãy cố gắng lao động sáng tạo trong khoa học, trong đào tạo để xứng đáng với người thầy đã quá cố-Cố Giáo sư-Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ.

Ngày 05/04/2010
TS. Triệu Nguyên Trung & Ths.Huỳnh Hồng Quang