Cố Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ
Những ngày đầu trở về Tổ quốc

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm (1975-2010) ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, 100 năm (1910-2010) ngày sinh và 43 năm (1967-2010) ngày mất của Cố Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Ban Biên tập trang thông tin điện tử Viện Sốt rét-Ký inh trùng-Côn trùng Quy Nhơn xin giới thiệu bài viết “Những ngày đầu trở về Tổ quốc” của Nhà báo Trần Giữu, đã đăng trên Báo Sức khoẻ & Đời sống.

 Giáo sư Đặng Văn Ngữ sinh ngày 04/04/1910, tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937. Ngoài công việc giảng dạy tại trường Đại học y dược khoa Hà Nội, ông dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu khoa học. Năm 1943, ông được du học tại Nhật Bản. Năm 1949, ông quyết định về nước để tham gia kháng chiến. Ông là Chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng, Trường Đại học y khoa Hà Nội, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng, Anh hùng lao động; được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật. Ông đã hy sinh tại chiến trường miền Nam ngày 01/04/1967.

Bài viết này ghi lại lời kể của Ông Nguyễn Song Tùng về những ngày Giáo sư Đặng Văn Ngữ trên đường từ Bangkok, Thái Lan trở về nước. Ông Nguyễn Song Tùng nguyên là Thứ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ nước ta tại Đức và đảm nhiệm các công tác ngoại giao khác.

... Năm 1949, vào một buổi chiều đầu tháng 10, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, Trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bangkok trao cho tôi một bức thư của một bác sĩ tên là Đặng Văn Ngữ do đồng chí thường trực chuyển. Nội dung đại ý như sau: “Thưa ngài Nguyễn Đức Quỳ, tôi là bác sĩ đang làm việc ở Nhật Bản. Tôi đã đến Bangkok. Mong ngài cho tôi được tiếp kiến”.

Anh Nguyễn Đức Quỳ phân vân: “Theo mình chờ điện xin ý kiến anh Thận thì không kịp mà không tiếp đón thì không được, Cậu tính sao?” (Thận là bí danh đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng ta lúc bấy giờ). Tôi suy tính, nói với anh Quỳ: “Theo tôi, ta cứ tiếp, rồi đưa về cơ quan Thông tấn xã xem ông ta muốn gì đã ... Một vị bác sĩ từ Nhật về xin gặp, chắc có việc hệ trọng”.

Anh Quỳ gật đầu, vỗ vai tôi:

-Cậu Sơn ạ, cậu phải xuất hiện thôi. Cậu thay mặt tớ tiếp ông Ngữ, rồi đưa về Silôm (tức là trụ sở Thông tấn xã của ta đặt ở đường Silôm). Cậu thăm dò xem ông ta về có mục đích gì rồi chúng ta quyết định sau. Khi đó tôi ra hoạt động quốc tế, lấy tên là Hoàng Minh Sơn. Tôi được Bộ Chính trị chỉ định là Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng tại hải ngoại.

Không nhớ rõ ngày tháng, nhưng tôi còn nhớ mãi hình ảnh một vị khách người mảnh dẻ, da trắng muốt, mặc bộ com-lê trắng, đeo cà vạt, có một mảnh giấy dán trên ve áo đề 3 chữ Đặng Văn Ngữ. Tôi tự giới thiệu. Vị giáo sư ôm tôi thật chặt, giàn dụa nước mắt. Sau đó, tôi mời vị khách ra xe ô tô của cơ quan đi nhận hành lý ở bến tàu, rồi về cơ quan Thông tấn xã. Vừa lên xe, vị bác sĩ đột ngột hỏi: “Tôi có được gọi ngài bằng đồng chí không?”. Tôi cười, nắm tay ông: “Chúng ta là người Việt, lại vừa cùng đồng chí hướng cả”. Thế là anh đi thẳng vào công việc:

-Tôi là bác sĩ, biết quân và dân ta bị thương, thiếu kháng sinh để chữa trị, tôi rất lo lắng và chắc chắn là nước nhà chưa có penicilline. Tôi quyết định dành toàn bộ tiền mà tôi đã có, đem mua các phương tiện nuôi và bảo quản nấm penicilline để đưa về nước. Vị khách vừa nói vừa chỉ các kiện hàng ngổn ngang xung quanh. Vị giáo sư lạ lùng này không tin vào bất cứ ai mang hộ các kiện hàng của ông. Ông giải thích: “Tất cả hàng mang theo của tôi đều là chai lọ, nồi niêu, hụ, bềnh, ống nghiệm ... đựng nấm penicillinum và phương tiện cấy, bảo quản. Tôi lo không biết có cách gì chuyên chở an toàn về nước bằng cách nhanh nhất?”.

Về đến nhà, vị khách hỏi ngay phòng ở. Tôi giới thiệu đồng chí Xổm, phụ trách cơ quan Thông tấn xã ra đón khách, rồi cùng nhau bê đồ đạt lên phòng. Chúng tôi mời vị khách ra uống nước nhưng vị khách lắc đầu, xin được ở phòng để kiểm tra hàng hóa.

Khoảng 3 giờ chiều, một đồng chí sang cơ quan đại diện, gặp tôi báo cáo:

-Ông khách từ khi vào phòng ở, khóa cửa lục đục suốt buổi. Mời đi ăn trưa ông cũng không mở cửa, nói vọng ra là không ăn. Chúng tôi rất lo, không biết ông ta làm gì. Đến 2 giờ chiều, anh Trần Mai đến thăm. Gõ cửa rất lâu, cửa mới mở. Cả gian phòng toàn chai lọ, dụng cụ bày lung tung. Đồng chí nhận định thế nào, ta hay địch?

Tôi giải thích và viết mấy chữ nhờ về đưa cho vị khách, mời 19 giờ sang cơ quan đại diện ăn cơm với anh Quỳ và tôi. Buổi chiêu đãi đầu tiên trở thành buổi làm việc. Vị khách không quan tâm đến tình hình thế giới, không thích nghi lễ trong giao tiếp. Đi thẳng vào việc, ngắn gọn, ông chỉ đề cập đến việc làm thế nào đưa được nấm penicillinum về sản xuất trong nước phục vụ nhân dân. Anh Quỳ thay mặt Ban Cán sự hoan nghênh bác sĩ đã quyết định trở về nước tham gia kháng chiến. Anh nói, Ông đã từng phụ trách Hội Việt kiều ở Nhật, Ông có thể ở lại Bangkok cùng công tác với anh em vì kiều bào ta ở Thái rất đông, hoặc trở về tham gia kháng chiến tại Nam Bộ bằng đường thủy theo dòng sông Mê Kông thì đỡ vất vả hơn. Khả năng thứ ba là về chiến khu Việt Bắc gần Trung ương, nhưng việc đi lại rất khó khăn, phải từ Thái Lan qua đất Lào rồi theo đường mòn vượt Trường Sơn. Anh Ngữ tỏ ý muốn được phục vụ kháng chiến nhiều nhất, dù có khó khăn gian khổ cũng sẵn sàng chịu đựng. Anh Quỳ nói sẽ xin chỉ thị của Trung ương và sẽ sắp xếp kế hoạch vì đường về nước phải có chuyến nhất định.
 

Ngày hôm sau là chủ nhật, anh chị em cơ quan Thông tấn xã nghỉ việc, đi thăm bà con. Vị khách xin ở nhà và cả ngày cần cù làm việc.

Ban Cán sự Đảng hải ngoại điện hỏa tốc về Bộ Chính trị xin ý kiến. Chỉ sau 24 giờ, Bộ Chính trị điện sang, câu đầu tiên trong bức thư viết: “Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng bác sĩ Đặng Văn Ngữ trở về tổ quốc”. Tiếp đó chỉ thị cho chúng tôi tổ chức đưa giáo sư và hàng hóa về càng sớm càng tốt, và phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Anh Ngữ trở thành bạn thân của tôi vì chỉ có tôi được bàn với anh về việc chuẩn bị hành trang cho chuyến trở về đầy gian khổ này.

Tôi mô tả từng chi tiết cuộc hành trình vượt Trường Sơn về Tổ quốc để anh chuẩn bị. Chúng tôi ủy nhiệm một cán bộ đi bảo vệ ở sát anh, cùng anh tập đi bộ và chuẩn bị hành lý. Những ngày này thật khẩn trương. Sáng nào anh và người “bạn đồng hành” cũng dậy từ tờ mờ sáng, đi bộ dọc theo các phố Bangkok. Dáng thư sinh như anh, thế mà anh tập đi bộ đến ngày thứ 10, đã đi được rất xa. Trông anh gầy đi nhưng rắn chắc hơn. Khó khăn nhất là hành lý. Chúng tôi thông báo với anh: “Đoạn đường leo dốc Trường Sơn vất vả và gian nan, mỗi người phải mang 8 ký gạo cùng với 8 đến 10 ký hàng hóa đi trong nhiều ngày. Riêng anh Ngữ, chúng tôi quyết định chỉ để anh mang ba lô 4 đến 5 kg cùng 5 kg gạo. Căn cứ số dụng cụ mang theo, Ban sẽ chỉ định số người của đoàn”.

Anh cám ơn đặc ân dành cho anh nhưng khi tập, anh mang đủ 18 kg. Ngoài thời giờ tập đi, anh tranh thủ gói ghém những thứ cần thiết. Đêm đêm anh mang ba lô thật nặng đi quanh phòng hàng giờ.

Một hôm tôi cho anh biết: “Chúng tôi có ý định điện về Trung ương cố gắng bắt liên lạc đón vợ con anh từ trong thành phố Huế ra chiến khu Việt Bắc nếu có thể được. Đề nghị anh cho chúng tôi địa chỉ”.

Lần đầu tiên tôi thấy anh nổi giận. Anh tròn xoe mắt, giơ hai tay như để ngăn cản: “Tôi cấm các anh làm việc này. Bác Hồ mà biết thì Bác đánh giá tôi ra sao? Trong khi cả nước chịu cảnh chia ly, tôi có quyền gì được đặc ân? Tôi về nước để tham gia kháng chiến, đâu phải vì hạnh phúc riêng? ...”

Ngày sắp lên đường, anh rất vui. Đêm ấy, tôi và anh nói chuyện rất khuya. Tôi đọc tặng anh bài thơ “Nhớ chiến khu”, trong đó có đoạn:

“ ... Này anh bác sĩ

Trở về bên tê

Cho tôi gửi chút tình quê với nào.

Đường lên lên vút xứ Lào

Anh về Tổ quốc nặng trao lời thề

Đường lên lên vút dòng khe

Hồn thiêng đất nước chở che an toàn.

Hẹn ngày đuổi hết xâm lăng,

Đoàn quân chiến thắng, tôi anh đứng kề

Nghe xong, anh đứng dây, ôm chầm tôi rất chặt rồi không đợi tôi đồng ý, anh lấy bài thơ từ tay tôi. Anh nói giọng cảm động: “Tôi giữ bài thơ này và sẽ trả lại đồng chí khi kháng chiến thành công”. Chúng tôi chia tay nhau như thế đấy.

Cuối năm 1960, tôi hết nhiệm kỳ ngoại giao, trở về làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương. Một hôm anh Ngữ đến thăm không báo trước. Một con người khác hẳn, rắn rỏi, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, tuơi vui, đôi mắt như đang cười. Anh ôm tôi thật chặt. Tôi nhìn vị giáo sư, người đã cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ và tâm hồn cho Tổ quốc, cho đồng bào mình. Anh lấy bài thơ trong túi trả lại tôi.

  
Những ngày đầu tiên trên đường trở về tổ quốc của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, một trí thức yêu nước, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp giải phóng dân tộc là thế

Ngày 30/03/2010
Nguyễn Võ Hinh
(Theo Báo Sức khỏe đời sống)