Công nghệ điện toán lưới đã bắt đầu được ứng dụng vào nghiên cứu chống sốt rét
Thông tin cập nhật về sốt rét trên thế giới

1. Chẩn đoán sốt rét qua xác định DNA ký sinh trùng sốt rét trong nước bọt, nước tiểu

            Đó là đề tài nghiên cứu của David J. Sullivan và cộng sự thuộc đại học y khoa Johns Hopkins phối hợp với viện nghiên cứu Machia, Zambia tiến hành, nghiên cứu đã áp dụng kỹ thuật khuyếch đại chuõi DNA là PCR nhằm giúp phân tử DNA sao chép / nhân lên trong ống nghiệm, từ đó chúng ta có thể đo được lượng DNA lấy từ ký sinh trùng sốt rét trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật PCR nghiên cứu phân tử DNA từ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong nước tiểu và nước bọt của 47 bệnh nhân bị sốt rét và 4 người tình nguyện không bị sốt rét (nhóm chứng). nghiên cứu trên mẫu bệnh phẩm là máu, nước bọt và nước tiểu của cùng trên một bệnh nhân đồng thời. Kết quả thử nghiệm cho thấy DNA tăng cao trong nước nước bọt và nước tiểu bệnh nhân sốt rét khi thực hiện sao chép trong ống nghiệm, chi tiết hơn rằng DNA trong nước bọt cũng lại cao hơn so với nước tiểu nhưng lại thấp hơn lược DNA trong máu.

 

Kỹ thuật sinh học phân tử nói chung và PCR nói riêng là nhưng phương pháp chẩn đoán, phát hiện hiện đại có độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác rất cao, song có những mặt chưa được áp dụng rộng rãi vì lý do trang thiết bị đắt tiền, giá thành một lần xét nghiệm quá cao, trong khi các chẩn đoán cổ điển khác (giêm sa, test chẩn đoán nhanh, AO/QBC, test lẩy da nội bì,…) lại còn hữu ích và không kém về độ nhạy và độ đặc hiệu nên chúng ta chỉ áp dụng chúng trong một số trường hợp đặc biệt (sốt rét ác tính thể não, đa phủ tạng mà các phương pháp khác không tìm thấy ký sinh trùng) hoặc một số phòng xét nghiệm tại các bệnh viện châu Âu, nơi rất hiếm khi đối mặt với một ca bệnh sốt rét thì việc xét nghiệm PCR sẽ giúp thay thế (!). Dù sao đi nữa, thử nghiệm trên của các nhà khoa học cũng phần nào có bước đột phá trong nghiên cứu về phát hiện hoặc chẩn đoán sốt rét trong các dịch sinh học ở cơ thể người.

2. Kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh sốt rét

Các nhà khoa học trường đại học Exeter và trường đại học Coventry đã phát minh được một kỹ thuật chẩn đoán sốt rét mới đầu tiên có thể so sánh với xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDTs (Rapid diagnosis Tests) hiện đang được sử dụng trong lĩnh vực này. Hiện, các kết quả ban đầu được công bố trong Tạp chí lý sinh cho biết kỹ thuật này có thể nhạy và đặc hiệu như RDTs nhưng nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều, có thể kỹ thuật này là một sự lựa chọn thay thế đầy tiềm năng.

 
          Nhóm nghiên cứu hiện đang thực hiện phiên bản không xâm lấm của thiết bị này, với sự trợ giúp của nhóm nghiên cứu từ Viện Nhiệt đới hoàng gia KIT, Phòng Nghiên cứu y sinh ở Amsterdam và nhóm nghiên cứu dự định thử nghiệm ở Kenya năm nay. Qua 2 năm chế tạo, kỹ thuật này sử dụng công nghệ quang từ (magneto-optic technology) để phát hiện chất haemozoin (một phế phẩm của ký sinh sốt rét). Các tinh thể haemozoin thì có tính từ yếu và có dạng hình chữ nhật khác biệt. Chúng còn chứa tính lưỡng hướng sắc quang học, có nghĩa là chúng hấp thu ánh sáng mạnh hơn dọc theo chiều dài so với chiều rộng. Khi được sắp thẳng bởi từ trường, chúng hoạt động giống như tấm Polaroid như được sử dụng trong mắt kính râm. Công nghệ mới này tận dụng những tính chất này để đọc được chính xác sự có mặt của haemozoin trong mẫu máu nhỏ. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra thiết bị có khả năng cho biết kết quả có bị nhiễm sốt rét hay không trong vòng không quá một phút. Thiết bị mới này có phương pháp hoàn toàn khác với RDTs, sử dụng chất hoá học để phát hiện kháng nguyên có liên quan đến KSTSR. Một trong các vấn đề với RDTs là chúng cần phải được giữ trong một điều kiện có nhiệt độ ổn định, lại khó bảo quản tốt những vùng khí hậu nóng. Bộ thiết bị này dùng một lần, có giá từ 1.5-4.5 USD và mất khoảng 15 phút để cho ra kết quả. Sử dụng kính hiển vi vẫn là phương pháp chuẩn vàng cho chẩn đoán sốt rét và đã được sử dụng hơn một thế kỷ qua. Không may là, nó tốn nhiều thời gian và đòi hỏi thiết bị đắt tiền và chuyên môn y khoa, những vấn đề khó khăn ở các vùng nông thôn ở những nước có bệnh sốt rét. Trong thập kỷ vừa qua, phương pháp RDTs đã được phát triển, cho phép chẩn đoán nhanh hơn trong lĩnh vực này, nhưng cũng cũng không phù hợp với điều kiện các nước đang phát triển. Hơn nữa, RDTs thường thì không ổn định khi nhiệt độ cao (> 400C), đôi khi cho kết quả dương tính giả. Sốt rét là một căn bệnh mà đến giờ vẫn chưa có vaccine. Giáo sư Dave Newman của trường đại học Exeter, phát biểu: “đây là nhu cầu cấp thiết đối với kỹ thuật chẩn đoán mới cho bệnh sốt rét, đặc biệt trong khi trái đất đang nóng lên, đe doạ lan rộng đến các vùng mới của thế giới, bao gồm cả Nam Âu. Các kết quả ban đầu từ thiết bị rất hứa hẹn và rất thú vị, hy vọng sẽ sản xuất được một thiết bị không gây tổn thương nhạy cảm có giá hợp lý và dễ sử dụng, khiến nó phù hợp với các nước phát triển với nhu cầu rất lớn.

 
3. Đồng hồ có khả năng phát hiện bệnh sốt rét

Nhà phát minh người nam Phi G.Lubbe đã chế tạo thành công chiếc đồng hồ có khả năng chẩn đoán sốt rét, giúp phát hiện kịp thời KSTSR trong cơ thể người đang đeo nó. Chiếc đồng hồ kỹ thuật số này sẽ lấy máu người đeo 4 lần / ngày bằng một cây kim nhỏ và thử máu để phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Nếu kết quả cho thấy số ký sinh trùng chạm mức 50, đồng hồ sẽ phát âm thanh báo động và đồng thời dấu hiệu "con muỗi" trên màn hình cũng được phát sáng. Khi đó, người đeo phải uống 3 viên thuốc trong vòng 48 giờ để tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét.

Giá bán của loại đồng hồ đặc biệt này là khoảng 280 USD/ chiếc.

4. Phương thức mới chống bệnh sốt rét

 
          Các nhà khoa học Australia đã xác định được 8 loại gen liên quan đến sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu của người, điều này mở ra một hướng đi mới trong phát triển vũ khí mới phòng chống bệnh sốt rét. 
Sốt rét, dẫu sao cũng là bệnh xã hội và vấn đề y tế toàn cầu, bệnh do ký sinh trùng hoặc đơn bào sốt rét gây ra, mỗi năm cướp khoảng 1-1.3 triệu người, trong đó 90% là người dân châu Phi, dặc biệt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bàn mẹ mang thai và trẻ em nhỏ. Bệnh có thể do 4 loại ký sinh trùng gây ra (Plasmodium falciparum, P.vivax, P.malariae, P.ovale) song trong đó loại ký sinh trùng nguy hiểm và thường gây bệnh lý nặng và ác tính là Plasmodium falciparum và gần đây có khá nhiều thông báo từ Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan công bố gần 20 ca sốt rét ác tính do loại P.vivax và vấn đề này hiện đang được nghiên cứu nhân rộng và chi tiết về cơ ché bệnh sinh. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu y học Melbourne khẳng định rằng để có thể phát triển trong môi trường tốt, Plasmodium falciparum đã tạo ra những biến đổi lớn trong cấu trúc tế bào hồng cầu và điểm lưu ý là loài này có ái tính với cả hồng cầu non lẫn hồng già, các tế bào bị nhiễm bệnh hầu như sẽ mất cấu trúc bền vững cũ và bề mặt các hồng cầu xuất hiện các móc, chồi nhỏ dựng đứng trong các vách của huyết quản, và như vậy các móc này sẽ ngăn cản hồng cầu di chuyển trong máu. Đây là cách thức chủ yếu để KSTSR có thể tồn tại được trong cơ thể, nếu không thì một phần hồng cầu mang KSTSR sẽ bị tiêu diệt trong quá trình di chuyển vào tạng lách. KSTSR theo cơ chế xâm nhập tế bào hồng cầu này, khi đã di chuyển sang các động mạch dẫn máu lên não chúng sẽ gây nên các hiện tượng kết dính và ẩn cư trong lòng các vi huyết quản, gây nên sốt rét nặng hoặc sốt rét ác tính thể náo và khi đi đến các tạng khác trong cơ thể, chúng đồng thời gây tổn thương hoặc biến chứng trên nhiều cơ quan, khi đó gọi là sốt rét ác tính suy đa phủ tạng (multi-organs failures_MOF). Qua quá trình thay đỏi và biến đổi về mặt di truyền của chủng Plasmodium falciparum, các nhà nghiên cứu có thể xác định được 8 loại gen giúp tạo ra các protein cần thiết cho việc tái tạo lại tế bào. Trong khi tìm hiểu hoạt động bình thường của các gen này, họ đã đúc kếtđược rằng các hồng cầu bị ký sinh, không đi vào các vách trong huyết quản nữa, có lẽ đây là kết quả khá thú vị. Quả vậy, nó có thể được khai thác để tạo ra các loại thuốc mới đặc biệt là các protein mang mã các loại gen này. Nhưng các nhà khoa học cũng hy vọng sẽ tạo ra các dạng thức đã biến đổi và suy yếu của ký sinh trùng sốt rét nhằm sử dụng trong việc chế tạo vaccine.

5. Muỗi đột biến chống lại sốt rét.

Trong một phòng thí nghiệm chật hẹp, ẩm thấp tại London, những đàn muỗi vo ve trong chiếc lồng phủ lưới đang được nghiên cứu nhằm tìm ra biện pháp kiểm soát bệnh sốt rét. Các nhà khoa học đã tiến hành biến đổi đặc tính di truyền cho hàng trăm con muỗi với hy vọng ngăn chặn chúng truyền căn bệnh chết người-sốt rét. Đối mặt với cuộc chiến lâu dài với bệnh sốt rét, các nhà khoa học hiện đang khám phá các cách thức mới mà chỉ cách đây vài năm ý tưởng của họ bị xem là“cường điệu hóa”.

 
 
Andrea Crisanti, một chuyên gia về sốt rét chịu trách nhiệm trong đề tài biến đổi di truyền cho những con muỗi tại đại học Hoàng gia, London cho biết: “Chúng ta không có sẵn những thứ có thể mà cứ thế dựa vào mãi được, đã đến lúc phải tạo nên một điều mới mẻ”. Sốt rét đã lấy đi sinh mạng của gần 3 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, chủ yếu tại vùng cận sa mạc Sahara, châu Phi. Hàng triệu chiếc màn chống muỗi đã được phân phát, các làng mạc đều được phun thuốc diệt muỗi. Nhưng bằng ấy biện pháp vẫn không làm cải thiện đáng kể tình trạng sốt rét. Sau thất bại của một loạt các biện pháp, mới đây Liên hiệp quốc đã tuyên bố thực hiện chiến dịch cung cấp màn chống muỗi cho bất cứ ai có nhu cầu đến năm 2010. Một số nhà khoa học cho rằng tạo muỗi đột biến chống lại căn bệnh sẽ cho hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Yeya Toure, một chuyên gia nghiên cứu bệnh nhiệt đới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết:“Chúng ta vẫn mang gánh nặng bệnh sốt rét ngày một nghiêm trọng hơn”
Toure không tham gia nghiên cứu tại đại học hoàng gia trên, song ông nói rằng: “với tình cảnh như thế, chúng ta phải tìm hiểu xem liệu muỗi biến đổi gen có tạo nên sự khác biệt hay không”. Quỹ Bill và Melinda nhận thấy kế hoạch này rất hứa hẹn nên đã đầu tư gần 30 triệu đô la vào chiến dịch biến đổi gen nhằm ngăn chặn muỗi truyền bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết. Tiến sĩ Regina Rabinovich, giám đốc Đơn vị nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc Quỹ Gates cho biết: “Đây là một trong những cải tiến công nghệ cao với nhiều nguy cơ nhưng sẽ mang lại thay đổi cơ bản trong cuộc chiến giữa con người và loài muỗi”. Những con muỗi sinh ra miễn dịch với sốt rét có thể phá vỡ chu trình lây lan của căn bệnh, đây chính là biện pháp kiểm soát bệnh sốt rét lý tưởng, nó sẽ mang lại những biến đổi tiềm năng.

Năm 2005, Crisanti đã chứng minh có thể tạo ra muỗi biến đổi về mặt di truyền bằng cách chuyển một gen làm con đực phát màu xanh huỳnh quang. Trong số các khả năng khác, ông cùng nhóm nghiên cứu hiện đang dự tính tạo muỗi đực vô sinh để giao phối với muỗi cái trong môi trường tự nhiên, từ đó hạn chế quần thể muỗi tăng trưởng. Họ cũng cố gắng tạo muỗi chống lại bệnh sốt rét. Trước đó, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng đã tạo thành công muỗi chống bệnh sốt rét truyền nhiễm trên chuột.

 
 
Thế nhưng, không phải ai cũng cho rằng những con muỗi “siêu năng lực” này lại là ý tưởng hay. Một số nhà khoa học nói rằng còn có quá nhiều vấn đề về di truyền cần phải giải đáp để những con muỗi đột biến hoạt động hiệu quả. Theo Jo Lines, một chuyên gia nghiên cứu bệnh sốt rét tại trường Y học nhiệt đới và vệ sinh Luân Đôn, cho biết mầm bệnh sốt rét được muỗi truyền vào cơ thể người rất giỏi lẩn tránh bất cứ biện pháp nào các nhà khoa học tạo ra để bảo vệ vật chủ của chúng.Lines cho biết mầm bệnh sốt rét có rất nhiều biện pháp để liên tục chiến thắng chúng ta”. Bất cứ khi nào những con muỗi hình thành gen chống mầm bệnh sốt rét, thì mầm bệnh luôn luôn tìm ra cách để đối phó lại. Số lượng cũng là một vấn đề nữa, chúng ta sẽ cần tạo ra hàng tỷ con muỗi đột biến nếu muốn tình trạng được cải thiện. Một số nhà môi trường học lo lắng rằng muỗi đột biến có thể tàn phá hệ sinh thái. Gallian Madill, tác giả tham gia kỹ thuật di truyền tại tổ chức Friends of the Earth, Washington đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thể chỉ cung cấp màn chống muỗi cho mọi người thay vì tìm kiếm các kỹ thuật phức tạp để cải thiện tình trạng nhưng lại tạo nên trạng thái cân bằng mong manh của tự nhiên và lịch sử tiến hóa?”

Rabinovich đề nghị tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt trước khi thả bất cứ con muỗi đột biến nào ra môi trường tự nhiên. Bà nói: “Lừa dối mẹ Thiên nhiên là không tốt. Nhưng nếu chúng ta có thể tìm ra biện pháp khác để đối phó với căn bệnh sốt rét, thì chúng ta cũng không thể cứ tiến hành mà không đánh giá trọn vẹn biện pháp đó”. Năm tới, Crisanti hy vọng hoàn tất kế hoạch giải phóng kiểm nghiệm muỗi đột biến tại miền nam nước Ý. Tại đó, hàng triệu con muỗi sẽ được kiểm soát lỏng lẻo trong những cái lồng lớn nhằm đánh giá một số vấn đề như chúng sẽ tương tác với các con muỗi trong tự nhiên như thế nào, và số lượng muỗi cần thiết là bao nhiêu để đánh bại căn bệnh sốt rét. Crisanti thừa nhận sẽ có những hậu quả không mong muốn xảy ra khi giải phóng muỗi đột biến ra môi trường mặc dù ông không thể dự đoán được những hậu quả đó. Các nhà khoa học cho rằng đây là một thử thách đáng để thực hiện. “Tôi cho rằng đây là một điều tốt nên thực hiện. Nếu chúng ta thành công, những con muỗi đột biến sẽ loại bỏ căn bệnh sốt rét cho chúng ta”.

6. Công nghệ nguyên tử chống muỗi sốt rét

Liên hiệp quốc đang áp dụng công nghệ hạt nhân để loại bỏ loài muỗi truyền bệnh sốt rét, một căn bệnh chết người đang tàn phá lục địa đen châu Phi cũng như một số quốc gia châu Á. Người ta sẽ thả muỗi đực được chiếu xạ gây vô sinh ra môi trường và cho giao phối với con cái. Trứng của chúng sẽ không nở thành con. Bart Knols, một nhà côn trùng học người Hà Lan đang làm việc cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ước đoán có khoảng 3-5 triệu ca sốt rét mỗi năm trên toàn thế giới, 90% số đó xảy ra ở châu Phi cận Sahara. Trung bình, cứ 30 giây có một em bé châu Phi qua đời vì căn bệnh này, những người dân nghèo sống trong các làng vùng xa thường không thể nhận được các biện pháp chữa trị phù hợp. Vì thế, nghiên cứu của Knols nhằm giải quyết vấn đề này từ gốc, bằng cách diệt trừ loài muỗi truyền ký sinh trùng sốt rét. Kỹ thuật vô sinh côn trùng (SIT) là một ý tưởng đơn giản nhưng khá tuyệt vời.

Các nhà khoa học sẽ nhân giống côn trùng và chiếu xạ con đực sao cho chúng trở nên vô sinh. Những con đực này được thả về thiên nhiên, giao phối với muỗi cái và những quả trứng của chúng không bao giờ nở thành con. Khi đó, quần thể muỗi giảm xuống và cuối cùng có thể loại trừ loài côn trùng này, nhờ đó giảm được bệnh sốt rét. Alan Robinson, nhà côn trùng học của IAEA, cho biết dự án trị giá 4 triệu USD này chỉ mới bắt đầu, trong vòng 5 năm tới, họ cần đạt mức “sản xuất” 5 triệu muỗi đực vô sinh mỗi ngày, chúng phải đủ khoẻ để có thể sống sót trong tự nhiên và cạnh tranh với những con đực khỏe khác trong mùa sinh sản. Muỗi cái là những con trực tiếp đốt người, chỉ có thể giao phối một lần trong vòng đời 2 tuần của chúng. Năm 1970, El Salvador đã ứng dụng thành công công nghệ SIT để loại bỏ muỗi gây sốt rét khỏi quốc gia này. Tuy nhiên, cuộc nội chiến xảy ra đã chấm dứt dự án. Kỹ thuật vô sinh không thể sử dụng trên toàn châu Phi, mà sẽ kết hợp với các kỹ thuật kiểm soát quần thể khác để loại trừ loài muỗi gây bệnh, kỹ thuật này không có gì nguy hại và các tác giả khẳng định đây là một kỹ thuật sạch, côn trùng không thể phát xạ khi chúng được thả ra môi trường.

7. Khoảng 31 triệu USD hỗ trợ phòng chống sốt rét giai đoạn 2009 - 2013

Tại hội thảo về Dự án phòng chống sốt rét tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2013 (vòng 7) tổ chức ở Nha Trang, tiến sĩ Elma Vinh Thomas, đại diện Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (GFATM) đã trao bản thoả thuận về Dự án cho Ban điều phối dự án Việt Nam. Theo đó, GFATM sẽ cung cấp khoản tài trợ không hoàn lại xấp xỉ 30 triệu USD, phía Việt Nam góp vốn đối ứng trên 853.000 USD để thực hiện dự án. Với tiêu đề “Tăng cường phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, nâng cao năng lực và tính bền vững của chương trình phòng chống sốt rét quốc gia”, dự án sẽ triển khai tại 152 huyện thuộc 29 tỉnh của Việt Nam, gồm 10 tỉnh miền Bắc, 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, 5 tỉnh miền Nam.

8. Phát hiện mới giúp ngăn ngừa sốt rét ác tính

Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu y học Walter và Eliza Hall ở Melbourne, Australia, vừa tìm ra phương pháp mới có thể chống lại bệnh sốt rét nhờ xác định được những chất protein đã giúp ký sinh trùng sốt rét xâm nhập hồng cầu. Nhóm nghiên cứu phát hiện cơ chế khiến các tế bào hồng cầu nhiễm sốt rét dính vào thành mạch máu. Ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) tiết ra một chất giống như keo khiến cho các tế bào có tính kết dính, sau đó chúng làm cho các tế bào này không đi qua tạng lách, nơi các loại vi trùng có thể bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn nhiễm. Qua xét nghiệm di truyền của KSTSR, các nhà khoa học đã nhận dạng được 8 loại protein làm cho KSTSR này dính vào thành của tế bào hồng cầu bị nhiễm.Việc loại bỏ một trong các chất protein đó sẽ ngăn không cho tế bào bám vào thành mạch máu.

Theo giáo sư Alan Cowman cho biết nếu dùng thuốc men để tấn công những protein nói trên, hoặc ngăn chặn chúng bằng vaccin thì có thể ngăn chặn chức năng của chúng, nhờ đó loại bỏ tính kết dính của các tế bào hồng cầu nhiễm. Nếu loại bỏ được tính kết dính này thì về cơ bản sẽ ngăn chặn cơ chế gây sốt rét ác tính của loài KSTSR này. Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện mới nàylà một sự đột phá quan trọng trong cuộc chiến chống sốt rét.

9. Sốt rét, tiêu chảy lại xuất hiện tại Myanmar sau cơn bão

 
 
Các chuyên gia y tế đang nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch sau khi đã có báo cáo về việc bùng phát dịch sốt rét và tiêu chảy ở những khu vực bị bão tàn phá nặng nề nhất tại Myanmar.
Ước tính ban đầu cho thấy khoảng 20% trẻ em ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão đã bị bệnh tiêu chảy và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, Osamu Kunii, phụ trách y tế và sức khỏe của UNICEF tại thủ đô Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar cho biếttất cả các vùng đều bị nước bẩn bao phủ, rất nhiều xác người và động vật chưa được chôn cất, người dân không thể có nước sạch hoặc lương thực sử dụng. Các viên lọc nước dường như không thể trợ giúp gì vì rất nhiều nguồn nước cung cấp bị nhiễm mặn. Hiện chưa rõ có bao người bị mắc bệnh sốt rét, nhưng loại muỗi gây bệnh này đang phát triển khá nhanh tại tiểu vùng Irrawaddy của Myanmar. Theo Poonam Khetrapal Singh, phó giám đốc WHO tại khu vực Đông Nam Á tại New Delhi thì khoảng 10.000 màn chống muỗi đã được gửi tới khu vực bị bão tàn phá. Các chuyên gia WHO đang nỗ lực làm việc tại Myanmar để đánh giá tình hình. Theo Kunii, tình hình ở Myanmar thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều vì có rất nhiều người bị thương nặng do gió mạnh, thủy triều lớn và nước lụt. Ông nhấn mạnh, sau sóng thần, lương thực và nước có thể được vận chuyển từ các vùng ở sâu trong đất liền không bị ảnh hưởng. Mỗi năm tại Myanmar có hàng chục nghìn người chết vì bệnh lao, AIDS và tiêu chảy. Riêng sốt rét đã cướp đi khoảng 3.000 sinh mạng mỗi năm tại nước này. Năm 2000, WHO đã xếp hệ thống y tế của Myanmar ở mức tồi nhất thế giới, sau Sierra Leone. Ở đây có các bệnh viện, nhưng phần lớn người dân không thể tới điều trị do tới 90% dân số sống ở mức thu nhập 1 USD/ngày.

10. Phát hiện nhiều xác ướp bệnh nhân chết vì sốt rét hơn 1.000 năm

Các nhà khoa học vừa qua phát hiện hai xác ướp cổ xưa nhất mà nguyên nhân tử vong là bệnh sốt rét. Hai xác ướp này khoảng 3.500 năm tuổi, các nhà khoa học người Đức đã xem xét các mẫu mô xương của gần 100 xác ướp được tìm thấy tại thành phố Thebes thuộc Ai Cập cổ đại mà ngày nay có tên gọi là Luxor. DNA trong hai xác ướp người lớn từ những lăng mộ khác nhau cho thấy dấu vết của ký sinh trùng sốt rét, có thể là nguyên nhân gây chết người. Những nghiên cứu khoa học này nhằm mục đích ngăn ngừa những bệnh nhiễm khuẩn mới và tránh sự bùng phát của những căn bệnh cũ. Hằng năm có cả triệu người chết vì bệnh sốt rét mà đó lại là căn bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa. Còn bệnh lao thì đang kháng thuốc nghiêm trọng, gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị.

11. Các nhà Khoa học chuẩn bị thử nghiệm vaccine chống sốt rét

Các nước châu Phi sắp sửa thử nghiệm vaccine chống lại sốt rét. Công ty bào chế vaccine của Anh hy vọng sớm nhận được giấy phép cho loại vaccine nhiều hứa hẹn này. Dự kiến sẽ có 16.000 trẻ em thuộc 7 nước châu Phi sẽ được đưa vào tiêm loại vaccine này. Các cuộc thử nghiệm thấy vaccine đó có hiệu lực 30% đối với các ca sốt rét thường và công hiệu 50% với các ca nặng. Các nhà khoa học nói rằng điều này có nghĩa là mỗi năm có thể ngừa được 100 triệu ca sốt rét, cứu được nhiều mạng sống. Các chuyên gia nhận định, sốt rét vẫn được xem là loại bệnh giết người nhiều nhất, mỗi năm giết khoàng 1 triệu người, đa số là trẻ em châu Phi dưới 5 tuổi. Nếu kết quả thấy tốt, loại vaccine mới sẽ được bán ra thị trường kể từ năm 2012.Chương trình nghiên cứu loại vaccine được tài trợ một phần bởi quỹ từ thiện của ông bà Bill Gates, người sáng lập công ty Microsoft của Mỹ.

12. Dự án “Atlas” bệnh sốt rét

Dự án Atlas bệnh sốt rét, viết tắt là MAP (Malaria Atlas Project), là một dự án phi lợi nhuận được tổ chức Wellcome Trust, Anh Quốc tài trợ trong 5 năm, MAP là một dự án liên kết giữa Nhóm Sức khoẻ cộng đồng và dịch tễ học, thuộc Trung tâm y học địa lý, Kenya và nhóm Sinh thái học và dịch tễ học không gian, thuộc đại học Oxford, Anh Quốc với các điểm hợp tác ở châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương.

 
Mục tiêu chính của dự án là phát triển mô hình chi tiết về giới hạn không gian của sốt rét Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax ở quy mô toàn cầu. Những nỗ lực gần đây nhất để lập bản đồ nguy cơ bệnh sốt rét đã được thực hiện từ những năm 1960, đối với nhiều khu vực trên thế giới, bản đồ này vẫn là nguồn thông tin tốt nhất về nguy cơ sốt rét. Dự án này nhằm mục đích lập bản đồ, xây dựng mô hình và ước lượng dân số có nguy cơ mắc bệnh sốt rét để cung cấp các phương pháp hiện đại và chắc chắn hơn nhằm giúp đánh giá gánh nặng về bệnh sốt rét hiện nay và trong tương lai. Các giai đoạn đầu của MAP sẽ kết thúc vào cuối năm 2008, bao gồm thu thập và lưu trữ dữ liệu, những phương pháp chúng tôi sử dụng để tổng hợp một cơ sở dữ liệu lớn nhất từ trước đến này về tỷ lệ mắc bệnh đã được mô tả. MAP dự định công bố trên website công cộng tất cả các dữ liệu thu thập được trong dự án này. Do vậy, quyền được công bố dữ liệu đã được cấp, lần công bố dữ liệu đầy đủ đầu tiên được lên kế hoạch là tháng 06/2009 để đảm bảo việc tìm kiếm dữ liệu được triệt để và đảm bảo thời gian kiểm tra và xem xét các bản đồ về tính đặc trưng sốt rét. Mới đây MAP đã công bố trên website công cộng bản đồ giới hạn không gian ở mức toàn cầu của sốt rét P. falciparum (diện không nguy cơ, nguy cơ không ổn định và nguy cơ ổn định) cùng với việc công bố mô tả chi tiết cách xây dựng của các bản đồ đó.

13. Xác định các loại protein phục vụ cho chế vaccine phòng sốt rét

Theo cuộc nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLoS Pathogens, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã xác định và mô tả được một số protein tiềm năng có thể sử dụng để thiết kế một vaccine chống sốt rét mới cho người. Vaccine hiện vẫn chưa được phát triển và thử nghiệm chính thức mặc dù đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu nỗ lực tập trung. Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch tiêm vaccine dựa vào việc làm yếu những KSTSR để chúng xâm nhập vào tế bào gan, khởi động một đáp ứng miễn dịch và sau đó ngừng phát triển. Nếu vaccin có thể làm bất hoạt những gen đơn thuần mà hoạt động trong khi KSTSR vẫn phát triển ở gan thì nó có thể thành công. Tác giả Edwin Lasonder (thuộc Ban sinh học phân tử NCMLS, Radboud University Nijmegen, Hà Lan) và đồng nghiệp có thể làm thay đổi các protein cần thiết cho sự phát triển của thoi trùng. Nghiên cứu trước đã chứng minh rằng sự tháo bỏ một trong các gen ở gan này (p36p) trong bệnh sốt rét là một cách thành công để chủng vào chuột. Chuyển sự chủng ngừa trên loài gặm nhấm này sang người được mô tả trêntạp chí PLoS o­nE, có thể được hoàn thành bằng cách làm bất hoạt gen cân bằng (p52) trongloài KSTSR P.falciparum (loài thường gây ác tính ở người). Theo bài báo, thì việc biến đổi gen của KSTSR ở người tiếp theo bằng việc ngăn chặn sự lớn lên trong tế bào gan chưa bao giờ xảy ra trước đó. Cuộc nghiên cứu cho thấy một tương lai về vaccine cho người và họ cũng cho thấy sự có ích của những loại gặm nhấm có thể hình thành nên những nền tảng cơ bản cho sự phát triển lâm sàng vaccin chống sốt rét ở người.

 
14. Loài hải sâm – một vũ khí mới có khả năng chống sốt rét

 
 
Hải sâm có khả năng tạo ra một protein là lectin, làm suy yếu hoặc ngăn chặn phát triển của ký sinh trùng sốt rét. Đây có thể xem là vũ khí mới đầy triển vọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Nhóm nghiên cứu quốc tế PLoS Pathogens sau khi nghiên cứu gen của muỗi đã phát hiện lectin có khả năng phá vỡ sự phát triển của KSTSR trong dạ dày muỗi. Để kích thích muỗi tạo ra lectin, các nhà nghiên cứu đã ghép nối một phần của gen hải sâm với gen muỗi. Lectin là chất độc với ký sinh trùng sốt rét ở giai đoạn đầu, được gọi là ookinete, thường thì ookinete sẽ di chuyển qua vách của dạ dày muỗi và tạo ra hàng ngàn tế bào con lan tỏa trong tuyến nước bọt và truyền sang người khi muỗi hút máu. Nhưng khi đưa lectin vào, ookinete sẽ bị giết trước khi chúng truyền bệnh.

15. Phát hiện mới liên quan đến di truyền trong sốt rét

Sốt rét gây ra trên thế giới khoảng 500 triệu trường hợp phải khám và điều trị với các triệu chứng từ đau đầu, sốt cao và buồn nôn đến số người tử vong là hơn 1 triệu người một năm. Theo Kevin Kain, một giáo sư của khoa y, đại học Toronto và là một trong những nhà nghiên cứu lãnh đạo dự án, bệnh sốt rét có ảnh hưởng lớn đến sự tiến hoá của loài người. Những sự đột biến diễn ra ở bộ gen của người đã giúp con người sốt sót chống lại bệnh sốt rét, đã được chọn lọc từ hơn hàng chục nghìn năm sống cộng sinh với loài ký sinh trùng này. Việc hiểu rõ cơ chế tại sao những sự đột biến này đã làm cho con người có sức đề kháng chống lại bệnh sốt rét có thể sẽ giúp chúng ta tìm ra các chiến lược mới để phòng chống hoặc điều trị bệnh ở các khu vực, như cận Sahara của châu Phi. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy những người bị thiếu enzym hoặc những người có thể mang gen thiếu enzyme này có thể sẽ được bảo vệ không bị bệnh sốt rét nặng và gây tử vong. 

Nhóm nghiên cứu do Kain gồm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học McGill cũng đã phát hiện ra nếu thiếu enzyme pyruvat kinase (enzym cần thiết để sản sinh năng lượng trong cơ thể), sẽ tạo ra khả năng chống lại sự nhiễm bệnh sốt rét. Phát hiện này có thể dẫn đến khả năng phát triển các liệu pháp chữa bệnh mới. Nghiên cứu này được nhận tài trợ của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu sức khoẻ Canađa về bệnh sốt rét và kết quả đã đăng tải trên Tạp chí New England Journal of Medicine, ngày 24/04/2008.

16. Sốt rét tăng lây truyền HIV/AIDS

             Nghiên cứu của các khoa học đang làm việc tại Kenya cho thấy có liên hệ giữa bệnh sốt rét và sự lây lan của bệnh HIV/AIDS ở châu Phi hiện đang nghiêm trọng. Nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí Science cho biết 2 bệnh này tương tác để cùng lây lan nhanh hơn, khiến cho sức khỏe của bệnh nhân vốn đang bị bệnh này lại thêm bệnh khác thêm nghiêm trọng và tăng tỷ lệ tử vong cũng như diễn tiến tử vong sớm hơn khi mắc chỉ 1 bệnh. Khi người nhiễm HIV/AIDS bị sốt rét,lượng virus HIVtrong máu của họ tăng rất cao khiến cho nguy cơ lây nhiễm của họ đến đối tượng khác cũng tăng lên. Trong khi đó, người mang HIV cũng bị nguy cơ mắc sốt rét cao hơn, cũng cần lưu ý thêm là 2 bệnh này đang là hai trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại châu Phi.

 
Các nhà khoa học nghiên cứu sự lan truyền nhanh chóng của nạn dịch HIV/AIDS ở thành phố Kisumu tại Kenya cho thấy HIV lây truyền nhanh hơn nếu có đồng nhiễm với sốt rét thay vì chỉ qua sinh hoạt tình dục nguy cơ cao. Họ cho rằng bệnh sốt rét làm lượng virus HIV tăng lên tới 10 lần và có thể bị truyền sang bạn tình một cách dễ dàng hơn. Đó là chúng ta chưa kể đến khi dùng cùng lúc nhiều thuốc để điều trị hoặc ức chế tác nhân gây bệnh này cùng lúc sẽ khiến người bệnh chịu tác dụng phụ của thuốc cũng cao hơn gấp nhiều lần, trong khi các cơ quan đang suy yếu và hệ miễn dịch suy giảm rõ rêt.

Đặc biệt, hiện tại có rất nhiều công trình nghiên cứu rất lớn về liên quan giữa nhiễm HIV/AIDS với bệnh sốt rét trên cùng một cơ địa, nhất là cơ địa phụ nữ mang thai và trẻ em tại các quốc gia châu Phi với hậu quả ban đầu trong các số liệu cho thấy rất đáng quan tâm.

17. Ứng dụng điện toán lưới vào nghiên cứu chống sốt rét

 
 
Các nhà khoa học châu Âu bắt đầu sử dụng công nghệ lưới máy tính grid để tìm ra phương pháp mới điều trị và xây dựng mô hình phòng căn bệnh nhiệt đới nguy hiểm mà mỗi năm giết chết hàng triệu người trên thế giới, đó là bệnh sốt rét. Tiến sĩ Vincent Breton thuộc Trung tâm thí nghiệm vi vật lý tại Clermont-Ferrand (Pháp) cho biết ông đang tìm kiếm các dự án y học để chạy thử trên mạng máy tính có tên Enabling Grids for E-sciencE (EGEE) với biểu tượng trên mạng của EGEE trên hình bên. Lưới này do Chương trình công nghệ xã hội thông tin của Liên minh châu Âu tài trợ. Thông thường thì chỉ có các nước phát triển là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ tiên tiến như điện toán lưới, nhưng ở đây muốn grid đem lại ích lợi cho cả châu Phi với những quốc gia đang chịu gánh nặng sốt rét nặng nề, nơi các nghiên cứu y tế đang cần hơn. Hai dự án ứng cử viên có thể được chọn tham gia hệ thống EGEE sẽ là chương trình nghiên cứu sốt rét Wide In Silico Docking o­n Malaria (Wisdom) và chương trình nghiên cứu sốt xuất huyết Swiss Bio Grid's Dengue.

Theo ước tính trên thế giới năm 2007, khoảng 350-500 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét và trong số đó có khoảng 1.3 triệu ca tử vong, chủ yếu là ở các khu vực nhiệt đới, bán nhiệt đới. Nếu việc áp dụng điện toán lưới vào nghiên cứu sốt rét sẽ có tác dụng đặc biệt quan trọng vì căn bệnh này đang bị nhiều công ty dược phẩm lớn lãng quên. Việc điều chế thuốc hiện nay đòi hỏi phải tìm được các hợp chất có thể tồn tại và giết được KSTSR xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, có tới hàng triệu hợp chất “ứng
 
cử viên” như vậy và người ta có thể phải mất 10 năm để xác định được loại thuốc phù hợp nhất từ số chất này và rồi lại mất thêm 10 năm để thứ thuốc đó được phê duyệt. Với công nghệ điện toán lưới (trong đó một lượng lớn máy tính phân phối được kết nối với nhau để cùng thực hiện một công việc), thời gian xác định các hợp chất phù hợp có thể giảm xuống còn vài nghìn hoặc vài trăm, giúp nhanh chóng sàng lọc được những thành phần thuốc tiềm năng nhất và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện dược phẩm.

Chương trình nghiên cứu sốt rét Wisdom sử dụng lưới EGEE để so ghép các cấu trúc 3D của protein từ KSTSR với ligand, tức những hóa chất gắn liền với thành phần thu nhận protein. “Điện toán lưới đặc biệt phù hợp cho việc điều chế thuốc vì chúng ta có thể tính toán xác suất ligand nào thì khớp với protein nào trên mỗi máy tính đơn lẻ trong mạng, tạo ra một hệ thống tính toán song hành quy mô lớn”, tiến sĩ Breton giải thích. Chỉ mất từ vài giây đến vài phút để có thể tạo mô hình ghép protein và ligand và dự án Wisdom đã thực hiện công việc của một CPU đơn lẻ làm trong nhiều năm chỉ trong có 6 tuần. Theo Breton, điện toán lưới còn có thể được sử dụng để tổ chức ra các cơ sở dữ liệu thu thập thông tin về tình hình lây nhiễm và cách điều trị sốt rét, sốt xuất huyết và thậm chí cả HIV.

18. Vaccine sốt rét thử nghiệm hiện đang dần tiến đến thành công

 
 
Các nhà nghiên cứu cho biết một loại vaccine sốt rét được thử nghiệm ở Mozambique là an toàn và có hiệu quả tốt nơi trẻ em (đối tượng có nguy cơ tử vong vì sốt rét cao nhất). Tạp chí y học The Lancet của Anh cho biết vaccine này được thử nghiệm trên 214 trẻ sơ sinh chào đời từ 10-19 tuần. Các nhà nghiên cứu cho hay trong vòng 3 tháng, loại thuốc này đã giảm 65% tỷ lệ nhiễm bệnh sốt rét của các em bé. Loại vaccine này cũng giảm được 35% số trẻ em mắc bệnh nặng. Công ty dược phẩm Glaxo-Smith-Kline cho biết nếu kết quả của vòng thử nghiệm thứ ba cũng thành công như lần này thì công ty sẽ xin giấy phép sản xuất và loại vaccine này có thể được tung ra thị trường trong vòng 5 năm tới. Một chuyên gia của hãng GlaxoSmithKline cho biết kết quả thử nghiệm lần này rất đáng khích lệ và mở đường cho việc ghi danh để tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng lần thứ 3 trong năm 2008.

19. Tại sao chúng ta không hy vọng vào vaccine sốt rét ở đầu năm 2009

Mới đây, một tin vui cho cả thế giới là một bác sĩ người Mỹ đã tìm ra được vaccine ngừa sốt rét, những thí nghiệm lâm sàng cho thấy loại vaccine này làm giảm 90% nguy cơ mắc bệnh sốt rét và có tác dụng trong vòng 10 tháng. Vừa qua, công ty Sanaria, Mỹ, đã cắt băng khánh thành cơ sở bào chế  vaccine mới của công ty. Người sáng lập và Giám đốc điều hành cơ sở là Stephen Hoffman (ảnh bên) vừa chế ra thuốc chủng ngừa sốt rét. Hoffman là người đã làm việc với bệnh sốt rét trên 1/4 thế kỷ, từng giữ chức giám đốc chương trình sốt rét của Trung tâm Nghiên cứu y khoa hải quân Mỹ. Vaccine ngừa bệnh là tốt nhất để chống lại bệnh sốt rét nhưng từ lâu đã chứng tỏ khó thực hiện vì ký sinh trùng Plasmodium falciparum đã có diễn tiến phức tạp khác biệt khi ở trong thân thể muỗi và khi ở trong cơ thể con người.

Trước đây, công ty Glaxo Smith Kline cho biết họ đã thí nghiệm một loại thuốc chủng mới, và chứng tỏ thuốc này có thể bảo vệ trẻ em miễn nhiễm với vi trùng sốt rét trong thời gian 3 tháng, giảm được 35% mắc bệnh trong thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, vaccine của Hoffman chứng tỏ có thể làm giảm 90% nguy cơ mắc bệnh sốt rét trong vòng 10 tháng. Hiện nay, công việc bào chế đòi hỏi một giai đoạn đặc biệt đối với ký sinh trùng sốt rét P.falciparum, biến ký sinh trùng này thành sporozoite. Đây là giai đoạn một ký sinh trùng sốt rét đang sống trong các tuyến nước bọt của muỗi, xâm nhập vào con người và sống trong máu con người. Ở những thí nghiệm đầu tiên, bác sĩ Hoffman đã lấy KSTSR ra khỏi các tuyến nước bọt của muỗi và sau đó dùng để chế vaccine. Công ty Sanaria đã gây quỹ được 45 triệu USD để nghiên cứu chế vaccine chủng sốt rét, trong đó có 9 triệu USD của Viện y tế quốc gia, 30 triệu từ Bill và Melinda Gates Foundation, 4 triệu từ Chương trình Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của quân đội Mỹ.
 

Bác sĩ Hoffman hy vọng sẽ có thể thử thuốc ngừa sốt rét trên những người tình nguyện trong năm 2008. Thuốc này sẽ dùng những loại kháng các gen và protein mà hệ thống miễn nhiễm của con người có thể hấp thụ. KSTSR vẫn còn sống khi vào máu người chủng nhưng chúng đã yếu đi, không có khả năng làm nguy hại tới gan của con người như KSTSR thường. Công ty Sanaria đang nhắm đến hệ thống miễn nhiễm tế bào. Hệ thống miễn nhiễm của con người có hai cách chống đỡ. Chống đỡ soma gồm có những loại protein chống lại vi khuẩn và ký sinh trùng. Cách thứ hai đã dùng tế bào được gọi là T-cells để chống lại virus.

Một số thuốc chủng sốt rét đang thí nghiệm chỉ dùng một hay hai loại gen của KSTSR Plasmodium. Nhóm nghiên cứu của Hoffman tin rằng, cơ thể người có thể nhận ra tất cả 5.300 gen. Vaccine dùng vi khuẩn làm yếu đi đã hữu hiệu ngăn ngừa nhiều chứng bệnh thế thì tại sao giới y khoa lại không tin tưởng cũng sẽ hữu hiệu để ngừa sốt rét nhỉ. Nếu điều này được thành công thì sẽ là một khám phá quan trọng nhất về y tế trong thiên niên kỷ này, giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho sốt rét trên toàn thế giới, nhất là lục địa đen châu Phi.

20. Những bài thuốc chữa sốt rét trong dân gian

 
         Theo Đông y, bệnh sốt rét có nhiều thể khác nhau và có phép điều trị cùng bài thuốc riêng theo từng thể bệnh như sau: với thể thông thường (còn gọi là chính ngược), triệu chứng gồm: rét run người, sau đó sốt cao, cuối cùng ra mồ hôi, sốt hạ, bệnh có chu kỳ mỗi ngày 1 cơn, hai ngày 1 cơn, ba ngày 1 cơn, nhức đầu, mặt đỏ, lưỡi đỏ, phiền khát muốn uống nước. Phương pháp chữa trường hợp này với một trong các bài thuốc gồm:

Bài I: sài hồ 20g, cam thảo 12g, rau má 16g, rễ đinh lăng 20g, lá tre 12g, gừng 6g, bán hạ (sao vàng) 8g. Sắc (nấu);

Bài II: hoặc dùng bài gồm các vị: thường sơn 16g, thảo quả 8g, binh lang 8g, hậu phác 8g, thanh bì 8g, trần bì 8g, gừng 4g;

Bài III: hay bài gồm: sài hồ 10g, trần bì 10g, ý dĩ sao 10g, bán hạ chế 10g, mạch môn 10g, chỉ xác 10g, thanh hao 10g, cam thảo nam 10g, tri mẫu 20g, hoàng cầm 10g, xạ can 6g, tô tử 10g, hoàng đằng 10g;

Bài IV: sài hồ 12g, binh lang 6g, đảng sâm 12g, thường sơn 12g, cam thảo 6g, hậu phác 8g, bán hạ chế 8g, thảo quả 8g, gừng 4g, đại táo 10g.

Với thể sốt cao ít rét hoặc không rét (ôn ngược), triệu chứng là: sốt nhiều, rét ít, hoặc không rét, mồ hôi ra ít, đau các khớp, nhức đầu, khát nước, táo bón, lưỡi đỏ. Phương pháp chữa là "thanh nhiệt, sinh tân dịch, bổ huyết", dùng một trong các bài thuốc sau: thạch cao 40g, huyền sâm 12g, quế chi 8g, mạch môn 12g, thường sơn 12g, sinh địa 12g, đảng sâm 12g, thạch hộc 12g; bài 2 gồm: thanh cao 16g, sinh địa 12g, miết giáp 12g, đan bì 8g, tri mẫu 8g.;

Với thể rét nhiều, triệu chứng: sốt ít hoặc không sốt, không khát, ngực sườn đầy tức, mệt mỏi, lưỡi nhạt... Có thể dùng một trong các bài thuốc sau: quế chi 8g, thảo quả 8g, gừng khô 8g, xuyên tiêu 8g, qua lâu 8g, binh lang 6g; hay bài gồm: sài hồ 8g, qua lâu căn 8g, quế chi 8g, mẫu lệ 12g, hoàng cầm 8g. Thể sốt rét lâu ngày (có lách to), dùng bài thuốc: bạch truật 12g, bạch thược 9g, hoàng kỳ 12g, cam thảo 8g, thảo quả 8g, hậu phác 8g, binh lang 8g, gừng 8g, xuyên khung 8g, ô mai 8g, thanh bì 8g, miết giáp 16g. Tán nhỏ thành bột mỗi ngày sắc uống 40g. Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang.

 

Ngày 12/12/2008
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
(Dịch và tổng hợp: Nouvelobs, MedNews, BACSI.com,
The NEJM, Reuter 4-5-8/2008)