|
ThS.BS. Huỳnh Hồng Quang đang khám cho một bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn |
Tỉnh Bình Định có tỷ lệ bệnh sán lá gan lớn ở người cao hơn các nơi khác trong nước do nguồn nhiễm bệnh từ trâu bò phát triển ?
Sán lá gan lớn trên gia súc (livestock fascioliasis) là một bệnh quá khứ được phát hiện cách nay trên 5.000 năm, song gần đây có tính chất nổi trội (emerging diseases) tại nhiều quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam; kể từ khi Linnaeus tìm ra Fasciola hepatica (1758) và Cobbold tìm ra Fasciola gigantica (1856) đến nay bệnh đã gây thiệt hại rất lớn đến nền công nghiệp chăn nuôi và tác hại không nhỏ đến sức khỏe con người. Sán lá gan lớn (Fasciola gigantica, Fasciola hepatica) là ký sinh trùng có dạng chiếc lá dài 3-7cm, rộng 1.5- 2.0cm màu nâu đỏ, ký sinh ở gan, ống dẫn mật gây bệnh cho gia súc ăn cỏ: trâu, bò, dê, cừu. Sán trưởng thành sống trong ống dẫn mật, mật đẻ trứng ở đó, trứng theo ống dẫn mật về ruột, rồi thải ra ngoài theo phân. Trong điều kiện thuận lợi trứng phát triển thành ấu trùng lông và xâm nhập vào ký chủ trung gian (ốc Lymnaea spp.) ốc này sống phổ biến ở ao hồ, đầm lầy, vùng ngập nước thường xuyên, trong cơ thể ốc. Ấu trùng lông nẩy nở qua các giai đoạn: bào nang, redia, ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi chui ra khỏi ốc, sống tự do, bám vào các loài thực vật thủy sinh các loại cỏ dại, rau muống, sen, súng, rau nhút, rau mát, kèo nèo và thành nang ấu trùng rồi thành giai đoạn nhiễm (thường là giai đoạn 3). Nếu trâu, bò ăn phải cỏ hay con người ăn các loại rau thủy sinh hoặc uống nước lã và các chế phẩm từ gan sống có mang ấu trùng sẽ là yếu tốt nguy cơ mắc SLGL cao nhất. Fasciolae spp. chủ yếu ký sinh và gây bệnh trên động vật, nhất là các động vật nhai lại như cừu, trâu, bò, dê, ngựa, lạc đà; người chỉ là vật chủ tình cờ. Bệnh có tính chất chỉ điểm dịch tễ theo vùng và gây thiệt hại nền kinh tế, với Việt Nam thì sán lá gan lớn (SLGL) là vấn đề y tế công cộng cần được các ngành liên quan báo động và quan tâm. Trên thế giới có trên 65 quốc gia có lưu hành SLGL và tại Việt Nam, đến thời điểm này bệnh SLGL có mặt ít nhất 47/64 tỉnh, thành phố và đặc biệt phủ khắp 15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, trong đó Bình Định với tình hình nhiễm SLGL trên người và gia súc chiếm tỷ lệ cao (L.Q.Hùng và cs., 2005; H.H.Quang và cs., 2006-2008). Riêng năm 2006, số bệnh nhân toàn khu vực 2600 ca thì Bình Định có 1020 ca (chiếm gần 50% số ca); năm 2007 với số liệu toàn miền 1.088 thì Bình Định chiếm gần 500 (cũng chiếm gần 50%); năm 2008 với số ca cũng lên đến gần 1.000 trường hợp. Theo điều tra của đoàn chuyên gia WHO (2007), trong đó có nhóm điều tra vật chủ trung gian cho biết Bình Định cũng đa dạng phong phú về ốc Lymnae spp. (một loại ốc là vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá gan lớn), trong đó số bệnh nhân tập trung vào các huyện An Nhơn, An Lão, Tuy Phước, Phù Cát và các phường thuộc Quy Nhơn như phường Trần Quang Diệu,phường Bùi Thị Xuân, phường Nhơn Lý, phường Trần Phú và một số nơi có ít bệnh nhân hơn là phường Quang Trung, phường Lê Lợi, phường Lê Hồng Phong, phường Đống Đa, huyện Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ. Vào tháng 6-2006 ở tỉnh Bình Định đã xảy ra đợt nổi trội “emerging phenomenon” bệnh sán lá gan lớn trên gia súc được xem như “dịch” gây chết nhiều bò, trong đó có hộ có số lượng bò chết gần hết đàn chưa rõ nguyên nhân. Bò chết trong tình trạng kiệt sức, suy dinh dưỡng trầm trọng, có con tiêu chảy, có con táo bón, xảy ra trên bò trưởng thành và trên cả bê, nghé. Sau khi nghe thông tin, Chi cục thú y tỉnh Bình Định kết hợp Trung tâm thú y vùng miền Trung đến ngay ổ dịch lấy mẫu xét nghiệm đã đưa ra kết luận rằng một trong những nguyên nhân gây chết bò là do nhiễm sán lá gan lớn rất nặng. Biểu hiện triệu chứng trên trâu bò, khi mắc SLGL là khi sán ký sinh vào cơ thể trên đường đi, sẽ hủy hoại nhu mô gan, gây tắc ống dẫn mật, tổn thương niêm mạc ruột non, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và ống dẫn mật hoặc thậm chí rất nặng với hội chứng đen (Black syndrome), đa số là tử vong nếu mắc hội chứng này. Sán trưởng thành sống trong ống dẫn mật gây tổn thương và gây viêm túi mật, sán trưởng thành hút chất dinh dưỡng và ăn hồng cầu từ gan mật để sống, phát triển làm cho bò gầy yếu, suy dưỡng và chết do kiệt sức và thiếu máu. Ngoài ra sán trưởng thành còn tiết ra độc tố tác động lên bộ máy tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa. Phần lớn các bệnh lý này được phát hiện trong giai đoạn cấp của bệnh (trên gia súc) và giai đoạn mạn tính (trên người). Nếu thể mạn tính, gia súc mắc bệnh sẽ gầy yếu, suy nhược, thiếu máu, viêm ruột và rối loạn tiêu hóa kéo dài-đây là nguyên nhân lớn gây suy dưỡng ở gia súc. Ngược lại, nếu gia súc ở giai đoạn cấp, gia súc bỏ ăn, chướng hơi dạ cỏ, sau đó ỉa chảy dữ dội, phân lỏng màu xám, có mùi tanh, chết trong vòng vài ngày do kiệt sức. Hiện tượng này thường xảy ra trên bê nghé dưới 6 tháng tuổi, bệnh có thể nặng hơn do bê nghé nhiễm các bệnh thứ phát với các vi khuẩn đường ruột như Salmonella, E.coli,...) Với ý tưởng ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, cũng như nhằm nâng cáo sức khỏe nhân dân, nhất là tại các cộng đồng có dịch tễ bệnh SLGL nghiêm trọng, bên cạnh đó sớm đưa ra mô hình phòng trị bệnh sán lá gan lớn cho gia súc, cho người cho tỉnh nhà Bình Định, gần đây có khá nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến tình hình sán lá gan lớn trên gia súc (Nguyễn Văn Quốc và cs., 2008) cũng như trên người (Lê Quang Hùng và cs., 2002, 2005) với các đề tài “Nghiên cứu tình hình nhiễm SLGL trên đàn trâu bò tại tỉnh Bình Định và các giải pháp phòng trị” và “Nghiên cứu hiệu quả điều trị của triclabendazole trên bênh nhân nhiễm sán lá gan lớn tại tỉnh Bình Định” và đặc biệt điểm thành công ở các đề tài này vừa có tính mới vừa có giá trị rằng muốn xây dựng một mô hình phòng chống bệnh SLGL tại tỉnh Bình Định. Các đề tài là các vấn đề sức khoẻ gia súc và cộng đồng hội đủ tính xác đáng, tính cấp thiết, đặc biệt được sự đồng thuận từ Sở khoa học công nghệ, Hội đồng khoa học kỹ thuật ngành cùng cơ quan quản lý đề tài là Chi cục thú y tỉnh Bình Định. Bản thân các chủ trì đề tài và cộng sự tham gia chính vào nghiên cứu cũng đã rất có kinh nghiệm về căn bệnh này trên gia súc lẫn con người. do vậy, nếu qua các đề tài này khi phân tích và đề xuất những vấn đề còn bỏ ngõ trong đề tài sẽ giúp bổ sung dẫn liệu về bệnh SLGL hoàn chỉnh hơn, thấu đáo hơn và đưa ra biện pháp phòng chống hợp lý hơn cho tỉnh nhà Bình Định. Giá trị đề tài NC thật sự quan trọng và cần thiết, bổ sung thêm kinh nghiệm cho các thầy thuốc thú y lâm sàng, thầy thuốc lâm sàng ở người, đặc biệt bác sĩ chuyên nội nhi và truyền nhiễm về bệnh SLGL, giúp chẩn đoán phân biệt SLGL với bệnhlý tại phân khu ngực-bụng, nhất là loét tiêu hoá. Về phương thức điều trị & phòng bệnh: Trong điều trị bệnh SLGL ở gia súc, có thể sử dụng thuốc Vime-Fasci, tiêm lần đầu 1ml/30 - 35kg thể trọng trâu bò, sau đó cứ 3 tuần tiêm lập lại 2 lần để bảo đảm tiêu diệt hoàn toàn sán non và sán trưởng thành còn sống sót; hoặc cho uống Vime-Ono 1g/15 - 20kg thể trọng trâu bò, sau đó 4 - 6 tuần lặp lại lần 2 để bảo đảm tiêu diệt hoàn toàn sán lá gan. Sau khi cấp thuốc nên cho trâu bò nghỉ ngơi, ăn uống tốt, tránh ra ngoài nắng. Nên sử dụng thuốc luân phiên hàng năm để tránh hiện tượng kháng thuốc; Điều trịbệnh sán lá gan lớn ở người có thể dùng thuốc đặc hiệu triclabendazole với liều 10-12mg/kg cân nặng; có thể dùng liều thứ 2 với lượng gấp đôi 20mg/kg cân nặng tùy thuộc tình trạng lâm sàng và cận lâm sàng (ELISA, còn đau, lâu hồi phục tổn thương trên siêu âm); Hiện đang có nhiều nghiên cứu về thuốc Myrazid xuất xứ thảo dược, có thể là tiềm năng trong điều trị bệnh sán lá gan lớn trong tương lai; định kỳ tẩy sán lá gan 2 - 3 lần trong năm bằng Vime-Fasci, 6 tháng tiêm 1 lần hoặc Vime-Ono 4 tháng cho uống 1 lần. Bò sữa nên tẩy trong giai đoạn khô sữa. Trâu, bò cày kéo nên tẩy vào giai đoạn nghỉ việc, có thể xổ vào tháng 4 hoặc tháng 8 hàng năm. Diệt trứng sán lá gan bằng cách ủ phân. Diệt ký chủ trung gian bằng CuSO4 nồng độ 3 - 4% phun vào cây, cỏ thủy sinh, cắt đứt đường lan truyền bệnh sán lá gan (song cũng nên chú ý đến vấn đề thuốc, hóa chất ảnh hưởng vào môi trường). Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt gia súc để bảo đảm sức khỏe và nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh sán lá gan cũng như các bệnh khác; Mặc dù nhiều nghiên cứu trên thế giới cho biết tình hình nhiễm sán lá gan lớn trên người không nhất thiết phải liên quan đến hay nói đúng hơn là tỷ lệ thuận với tình hình nhiễm ở gia súc với loài ký sinh trùng này. Song, việc phòng bệnh hiệu quả và nhanh chóng cần phối hợp và có sự tham gia của đa ngành chức năng, nhất là các cơ quan thú y và y tế vì khi đó diện phòng chống không những bệnh này mà còn có hiệu lực trên khống chế một số bệnh lây truyền từ động vật sang người.
|