Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
Thừa Thiên - Huế
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Tin tức - sự kiện chung
Các hoạt động địa phương
Các hoạt động chuyên môn chung

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 1 9 2 6
Số người đang truy cập
2 3 1
 Tin tức - Sự kiện
Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Ngày 12/5/2010 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức với ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng cho các dân tộc thiểu số nước ta mà chung cho cả khối đại đoàn kết dân tộc. Nhân dịp này, Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Nguyễn Khánh Phong đã đăng trên Bản tin Khoa học & Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế với nội dung “Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương”.

 Trong thời gian gần đây, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế phấn chấn khi Bộ Chính trị thông báo Kết luận số 48/BCT tán thành đề án xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2015 có tính đến năm 2020; Thủ tướng Chính phủ có quyết định 86 phê duyệt các chương trình kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế trong chiến lược xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đó là những nỗ lực vượt bậc của tỉnh, tạo thế và lực mới cho các ngành, các cấp vào công cuộc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc trung ương sớm trở thành hiện thực.

Chính quyền các cấp cũng đã có những kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể để chung tay, góp sức xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Vì đặc thù của địa hình và thành phần dân cư cũng như mật độ phân bố dân cư, tỉnh Thừa Thiên Huế nếu trở thành thành phố trực thuộc trung ương sẽ là một thành phố đặc biệt nhất trên toàn quốc bởi lẽ có đồi núi dãy Trường Sơn đi qua, có hệ thống sông ngòi dày đặc, suối khe đa dạng, cảnh quan các lớp núi, đồi, đồng bằng, cồn cát, đầm phá ven biển. Thêm vào đó, là địa phương có cả hệ thống giao thông đường bộ (quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49...), đường sắt, đường hàng không, đường biển (cảng Chân Mây, Thuận An), đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, với hệ thống kiến trúc cung đình và dân gian, với di sản văn hóa cung đình và văn hóa dân tộc thiểu số đã tô đậm thêm nét đặc trưng của văn hóa Huế. Vì vậy, khi được trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì bản sắc các văn hóa dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng nào để phù hợp, xứng tầm là thành phố đặc biệt của quốc gia.

Như chúng ta đã biết, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có một nền văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc với các cộng đồng người Chăm, Hoa, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều và cùng một số nhóm nhỏ các dân tộc thiểu số từ phía bắc và phía nam đến định cư như Mường, Cao Lan, Hơ Rê, Ba Na, Tày... Trong đó địa bàn hai huyện Nam Đông và A Lưới là nơi quần cư đại bộ phận dân tộc thiểu số của tỉnh, cho nên đứng trước vận hội mới này thì bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số càng thêm cấp bách.

Ngay tại trung tâm thành phố Huế, những khu phố cổ Gia Hội, Bao Vinh là nơi đã và đang lưu dấu những dấu ấn văn hóa của người Hoa như các hội quán, nhà ở, chùa chiền đã được đầu tư tu bổ và bảo quản tốt đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa trong các hoạt động du lịch. Các địa bàn ngoại ô thành phố như vùng Liễu Cốc, Long Thọ, Thành Lồi, Thành Trung, Phước Tích, Mỹ Xuyên, Lai Trung, Cửa Thiềng, Cồn Ràng, Phú Diên còn bảo lưu nhiều dấu ấn của nền văn minh văn hóa Chăm Pa bởi hệ thống đền tháp, tượng, linh vật, thành quách, bệ thờ, mộ... Tất cả bản sắc văn hóa của người Chăm Pa và Hoa đã được quan tâm phát huy trong lĩnh vực phục vụ du lịch, nghiên cứu của nhiều đối tượng, nhiều ngành khoa học khác nhau.

 

 Nghề truyền thống của Dân tộc Tà Ôi
(Tư liệu Ban dân tộc)

Riêng đối với cộng đồng người Tà Ôi (Pa Cô, Pa Hy), Cơ Tu và Bru-Vân Kiều ở A Lưới, Nam Đông và vùng núi của các huyện Hương Trà (xã Hồng Tiến), Phong Điền (bản Hạ Long, xã Phong Mỹ), Phú Lộc (xã Xuân Lộc) sớm xác định được tương lai là cư dân của thành phố trực thuộc trung ương thì chúng ta cần có những bước định hướng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa có hiệu quả.

Đối với huyện A Lưới là địa bàn cư trú đại bộ phận người Tà Ôi của tỉnh và cả nước, ngay khi có Kết luận 48/BCT thì các ban ngành đã sớm xác định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sao cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Trong đó ngoài thị trấn A Lưới là đô thị hạt nhân, huyện A Lưới xác định xây dựng 4 vệ tinh chiến lược trong định hướng mở rộng quy hoạch đô thị. Riêng đối với đô thị hạt nhân là thị trấn A Lưới, huyện phấn đấu xây dựng nâng từ đô thị loại 5 lên đô thị loại 4, trở thành trung tâm hành chính, kinh tế đủ sức lan tỏa đến các vệ tinh khác, tác động và tạo đà cho các vệ tinh này phát triển, đưa A Lưới trở thành thị xã tương lai, với trung tâm đô thị tập trung phát triển dịch vụ, thương mại... và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện ở các vùng ngoại thị.

Nhằm tạo sự tương tác thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế, huyện đã tiến hành quy hoạch cụm công nghiệp, làng nghề tại khu vực A Co-Hồng Thượng với quy mô 20 ha. Huyện còn lập dự án quy hoạch tổng thể để xác định trữ lượng và đánh giá chất lượng các loại khoáng sản nhằm tạo cơ chế quản lý, thu hút đầu tư khai thác trên địa bàn.

Hiện tại, địa bàn huyện A Lưới có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trong tương lai như có đường Hồ Chí Minh đi qua với chiều dài gần 100 km, có hai cửa khẩu A Đớt-Tà Vàng, Hồng Vân-Cu Tai, có hệ thống thủy điện A Lưới, A Lin góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cho huyện nói riêng và trong tỉnh nói chung, là nơi tiếp giáp vùng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, đời sống của nhân dân dân dần dần được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức và phát huy được tác dụng, các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang. Chính những điều này đã dần làm thay đổi bộ mặt của vùng núi của tỉnh.

 

 Nhà sàn Văn hóa dân tộc huyện A Lưới
(tư liệu Ban dân tộc)

Cùng với huyện A Lưới, thì huyện Nam Đông, nơi có đại bộ phận người Cơ Tu sinh sống cũng mang trong mình những hơi thở mới khi những nghị quyết của Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống. Đồng bào nơi đây cũng đón nhận thông tin từ Kết luận 48/BCT với niềm vui sướng và cũng là trách nhiệm nặng nề. Nam Đông đã sớm khẳng định là địa phương thoát khỏi huyện nghèo, là nơi đang rầm rộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xi măng Nam Đông, thủy điện Thượng Nhật, Thượng Lộ, đồng thời phối hợp với các ban ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường La Sơn-Nam Đông, đường 74 Nam Đông-A Lưới, quy hoạch các khu dân cư tập trung, chỉnh trang đô thị Khe Tre và các trung tâm cụm xã.

Lãnh đạo chính quyền địa phương hai huyện miền núi của tỉnh đã định ra những bước phát triển kinh tế dựa trên những thế mạnh vốn có của mình thì đồng thời với cơ sở đó, đã đề ra những giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Tà Ôi và Cơ Tu trong thời kỳ hội nhập.

Một mấu chốt quan trọng để xích lại gần nhau giữa Nam Đông và A Lưới là đường 74 Nam Đông-A Lưới sẽ có mối quan hệ giao lưu buôn bán và trao đổi văn hóa giữa hai dân tộc người này. Văn hóa truyền thông của người Tà Ôi và Cơ Tu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang diễn ra quá trình hội nhập để phát triển, với các lễ hội truyền thống được phục dựng, các bài hát dân ca được ghi âm, ghi hình nghệ nhân diễn xướng, những làn điệu múa dân gian được ghi chép và quay hình... Bên cạnh đó phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng mở mỗi địa phương.

Huyện Nam Đông, công tác thực hiện xây dựng khu dân cư văn hóa, các ban ngành, đoàn thể, nhân dân địa phương đã đồng tình hưởng ứng xây dựng nên bản quy ước và quyết tâm thực hiện xây dựng khu dân cư đạt chuẩn văn hóa. Qua 7 năm thực hiện, tình hình chính trị ở địa phương luôn ổn định, đời sống kinh tế được nâng lên, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

Huyện A Lưới hiện đã có 131/131 buôn, làng đăng ký xây dựng thôn, làng đạt chuẩn văn hóa. Và trong địa bàn cộng đồng Tà Ôi, nhờ qua phong trào này đã từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt và sản xuất theo nếp sống văn hóa mới tiến bộ, ngành nghề thủ công truyền thống được phục hồi và phát triển như dệt dzèng, đan lát.

Với những điều kiện tốt của những địa phương nói trên, chúng ta cần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số nơi đây trên các khía cạnh bảo tồn và phát huy. Giải pháp bảo tồn là tăng cường sự quản lý, chỉ đạo ở các cấp, các ngành. Cần có sự quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân, làm cho họ tự giác đề cao trách nhiệm, có ý thức để tham gia vào công tác bảo tồn vốn cũ của dân tộc mình. Bộ phận và cán bộ bảo tồn, bảo tàng huyện cần phải kết hợp với ban văn hóa các xã, thị trấn tiến hành lập đề án thống kê phân loại các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn như cồng chiên, chum chóe, nghệ nhân truyền nghề, kể chuyện, nhà cửa, vật dụng sinh hoạt... Cần sớm xây dựng nhà trưng bày và sưu tầm các hiện vật sinh hoạt của đồng bào để giữ gìn và giáo dục tinh thần yêu dân tộc trong thế hệ trẻ. Tiến hành việc ghi âm, ghi hình các biểu tượng văn hóa, dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội, nghệ nhân... Khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống, truyền dạy, truyền nghề cho lớp trẻ. Tăng cường việc giảng dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, giáo viên người Kinh lên công tác, tăng thời lượng phát sóng bản tin tiếng dân tộc trên đài phát thanh-truyền hình huyện.
 

Lễ hội của đồng bào dân tộc Kơtu huyện Nam Đông
(Tư liệu Ban dân tộc)
 

Giải pháp phát huy là phải có kế hoạch xuất bản sách, tài liệu bằng song ngữ Tà Ôi-Việt, Pa Cô-Việt, Cơ Tu-Việt về các luật tục, truyện cổ, văn hóa văn nghệ dân gian. Xử lý, lựa chọn và nhân rộng các loại băng hình, ghi âm và phim tài liệu về văn hóa nhằm phục vụ bà con thôn bản, phục vụ cán bộ làm công tác nghiên cứu, quản lý văn hóa. Thành lập một ban nghiên cứu hoặc nhóm các nhà nghiên cứu, trung tâm thông tin tư liệu về người Tà Ôi, Cơ Tu giúp ủy ban nhân dân các huyện hoạch định chính sách phát triển văn hóa bên cạnh bộ phận phụ trách dân tộc, tôn giáo và phòng văn hóa-thể thao-du lịch.

Đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật chuyên sâu nhằm lưu diễn, phổ biến, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với đồng bào. Sử dụng rộng rãi, thường xuyên các loại thông tin đại chúng để tuyên truyền bản sắc văn hóa, làm sống dậy niềm tự hào dân tộc.

Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác và chính sách đối với đồng bào dân tộc Thừa Thiên Huế nêu rõ: “Bảo tồn, khai thác và phát huy truyền thống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của từng dân tộc... Tích cực mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thông qua các hình thức hội diễn, tổ chức lễ hội, triển lãm, ngày văn hóa thể thao... nhằm làm đậm đà và tiên tiến hơn nền văn hóa của đại gia đình các dân tộc”. Qua đây cho chúng ta thấy rõ vấn đề hội nhập và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở trên địa bàn là rất quan trọng. Nên chăng chúng ta cần phải định hướng cho họ tiếp cận cái truyền thống và hiện đại trên cơ sở xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó chú ý đến các sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Hiện tại ở Nam Đông và A Lưới, nhà văn hóa huyện được xây dựng khang trang bằng kinh phí của địa phương và nhân dân đóng góp, có các nhà sinh hoạt cộng đồng ở hầu khắp các thôn, bản; hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã được mở rộng, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nhân dân. Đã mở được các lớp dạy tiếng dân tộc cho các học viên là cán bộ chủ chốt các ban ngành, đoàn thể trong huyện, góp phần giúp đội ngũ cán bộ các ban, ngành nâng cao năng lực công tác, tạo điều kiện gần dân, tiếp xúc và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân.

Cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện có hiệu quả tạo bước chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội của người dân.

Còn nhiều việc phải làm ở phía trước, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đang đặt ra cấp thiết, hy vọng bằng các giải pháp bảo tồn và phát huy trên, cùng những thực trạng đã nêu rõ, những thuận lợi đã có, có thể giúp đồng bào nơi đây nhận thức được giá trị của những yếu tố văn hóa của dân tộc mình và có ý thức tìm về cội nguồn để họ sẵn sàng tự tin bước vào một thời đại mới khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Ngày 17/05/2010
Nguyễn Võ Hinh
(sưu tầm)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO


• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích