Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
Thừa Thiên - Huế
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Tin tức - sự kiện chung
Các hoạt động địa phương
Các hoạt động chuyên môn chung

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 5 7 5 4
Số người đang truy cập
3 3 7
 Tin tức - Sự kiện Các hoạt động chuyên môn chung
PHÒNG BỆNH SỐT RÉT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ HIỆU QUẢ

Sốt rét là một bệnh do muỗi Anopheles truyền. Để thực hiện một mục tiêu cơ bản của Dự án Quốc gia Phòng chống Sốt rét là giảm số người mắc sốt rét hàng năm, giải pháp can thiệp là làm thế nào để hạn chế sự tiếp xúc của muỗi truyền bệnh có mang mầm bệnh đốt máu người lành và lây truyền bệnh. Biện pháp đơn giản đã có từ lâu là sử dụng màn chống muỗi thành thói quen, tập quán trong sinh hoạt của cộng đồng. Màn chống muỗi được tăng thêm khả năng bảo vệ bằng hóa chất Fendona 10 SC hoặc Icon 2,5 CS có tác dụng xua, diệt muỗi tẩm vào màn theo các chiến dịch phòng chống sốt rét tổ chức mỗi năm ngay từ đầu mùa bệnh phát triển. Việc sử dụng màn chống muỗi khi ngủ để phòng bệnh sốt rét thật là đơn giản nhưng trên thực tế không phải tất cả mọi người đều có nhận thức và thực hành đầy đủ về vấn đề này, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhà nước đã hỗ trợ một số lượng lớn màn chống muỗi trong thời gian qua cho dân nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm độ bao phủ bảo vệ 2 người/màn đôi . Công tác truyền thông giáo dục, vận động nhân dân sử dụng màn chống muỗi đã được triển khai thực hiện tích cực để nâng cao hiệu quả biện pháp. Tuy vậy, qua kiểm tra thực tế cơ sở ghi nhận vẫn còn một bộ phận người dân sử dụng màn ngủ chưa trở thành thói quen, tập quán trong sinh hoạt. Mặt khác, một số người khi ở nhà thì có sử dụng màn ngủ nhưng khi vào vùng sốt rét lưu hành, đi rừng, đi rẫy .... có ngủ lại đêm đã không đem theo màn để phòng bệnh, khi trở về thường bị mắc bệnh sốt rét. Phòng bệnh sốt rét chỉ có hiệu quả khi việc sử dụng màn chống muỗi là vấn đề không thể thiếu được trong sinh hoạt hàng ngày của tất cả mọi người trong cộng đồng.

Một biện pháp khác để hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm mắc sốt rét ngoài sử dụng màn chống muỗi là uống thuốc phòng bệnh. Nguyên tắc uống thuốc phòng là phải uống hàng tuần vào một ngày nhất định trong tuần. Đối với các đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét như phụ nữ có thai ở vùng sốt rét phải uống thuốc phòng trong thời kỳ mang thai; khách đi du lịch, người đến công tác có thời hạn ở vùng sốt rét trong vòng 6 tháng phải uống thuốc phòng trong thời gian ở vùng sốt rét và 4 tuần sau khi rời khỏi vùng sốt rét. Ngoài ra, người mới đến định cư trong vùng sốt rét cũng phải uống thuốc phòng trong vòng 6 tháng đầu; người ra khỏi khu vực được bảo vệ của vùng sốt rét như đi rừng, vào rẫy ngủ lại đêm .... cũng phải sử dụng thuốc uống phòng như khi đi vào vùng sốt rét lưu hành. Thuốc sử dụng để uống phòng bệnh sốt rét hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế là Chloroquine phosphate, viên 250mg (chứa 150mg base). Người lớn uống 2 viên, trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 15 tuổi uống 1 viên, từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi uống ¾ viên, từ 3 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi uống ½ viên, uống mỗi tuần theo quy định. Ở những vùng có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc Chloroquine, có thể sử dụng thuốc Mefloquine, viên 250mg để uống phòng. Từ 15 tuổi trở lên uống 1 viên, từ 8 tuổi đến dưới 15 tuổi uống ¾ viên, từ 2 tuổi đến duới 8 tuổi uống ½ viên, từ 3 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi uống ¼ viên, cũng uống mỗi tuần theo quy định.

Ngoài ra, nếu đi xa cơ sở y tế dài ngày (trên 15 ngày) như khi đi rừng, vào rẫy, qua về biên giới .... phải xin cấp thêm một liều thuốc tự điều trị khi có sốt. Thuốc được cấp là Artesunate, viên 50mg hoặc CV8, viên phối hợp. Thuốc được sử dụng để bệnh nhân tự điều trị khi có sốt nếu nghi ngờ bị mắc bệnh sốt rét mà không có cơ sở y tế gần nhất giúp đỡ. Khi cấp thuốc tự điều trị khi có sốt, cán bộ y tế hướng dẫn việc sử dụng, liều lượng thuốc một cách cụ thể đối với từng loại thuốc được cấp. Việc cấp thuốc tự điều trị khi có sốt với mục đích chủ động giúp bệnh nhân giải quyết bệnh khi nghi ngờ mắc sốt rét ở thể nhẹ, không để bệnh chuyển qua thể nặng, đe dọa ác tính và gây tử vong trước khi trở về tiếp cận được với cơ sở y tế gần nhất. Thuốc uống phòng và thuốc tự điều trị khi có sốt được cấp hoàn toàn miễn phí cho nhân dân tại các cơ sở y tế của Nhà nước.

Mặc dù các biện pháp phòng bệnh sốt rét bằng sử dụng màn chống muỗi, tẩm hóa chất xua, diệt muỗi truyền bệnh vào màn ngủ, uống thuốc phòng đã được ứng dụng ở các cơ sở trong mùa bệnh phát triển nhưng biện pháp chỉ có hiệu quả khi tất cả mọi người trong cộng đồng dân cư có nhận thức đầy đủ, thể hiện hành vi một cách tự giác mới mong đem lại kết quả như mong muốn, mục tiêu giảm mắc sốt rét qua các năm mới có thể đạt được.

Ngày 10/08/2006
BS. Nguyễn Võ Hinh
Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Thừa Thiên Huế
 

THÔNG BÁO


• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích