Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 18/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
Thừa Thiên - Huế
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Tin tức - sự kiện chung
Các hoạt động địa phương
Các hoạt động chuyên môn chung

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 4 7 3 2 5
Số người đang truy cập
7 8
 Tin tức - Sự kiện Các hoạt động địa phương
Chuyên gia Y tế thế giới Trần Công Đại phỏng vấn học sinh trong chiến dịch truyền thông giáo dục và tẩy giun cho các trường tiểu học
Hiệu quả sau 4 năm can thiệp biện pháp phòng chống giun đường ruột tại 237 trường tiểu học toàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Dự án Phòng chống giun đường ruột cho 237 trường tiều học toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được triển khai mở rộng từ năm 2005. Sau 4 năm can thiệp biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe kết hợp với tẩy giun định kỳ hàng loạt, tỷ lệ nhiễm giun tại các trường tiểu học đã giảm đáng kể, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học đường.

 

Cơ sở để triển khai dự án phòng chống giun đường ruột mở rộng

Năm 2002, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Dự án Phòng chống giun đường ruột cho học sinh tiểu học đã được triển khai thực hiện thí điểm tại 25 trường của 18 xã, thị trấn toàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bằng các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe kết hợp với chiến dịch tẩy giun định kỳ hàng loạt cách nhau 6 tháng bằng thuốc Mebendazole 500mg liều duy nhất cho đến năm 2004.

Điều tra cơ bản ban đầu vào tháng 10/2002 ghi nhận tỷ lệ nhiễm giun chung trong học sinh tiểu học là 70,21%, trong đó nhiễm giun đũa 55,48%; giun tóc 26,71%; giun móc 37,33%; nhiễm 1 loại giun 32,19%; nhiễm 2 loại giun 27,40% và nhiễm 3 loại giun 10,62%. Phân tích theo khu vực thấy vùng ven biển có tỷ lệ nhiễm giun chung cao 81,36%; tiếp theo là vùng trung du miền núi 68,64% và vùng đồng bằng 66,09%. Tỷ lệ nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc cũng có sự tương ứng tương tự, cao nhất ở vùng ven biển rồi đến vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng. Sau các đợt tẩy giun, với kết quả biện pháp can thiệp đã được đánh giá tại huyện Phú Lộc, Dự án Phòng chống giun đường ruột được tiếp tục duy trì tại huyện và mở rộng thêm cho học sinh tiểu học của các huyện, thành phố khác vào năm 2004-2005. Ở thời điểm này đã có 88 xã phường, thị trấn (chiếm 58,67% số xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh) được can thiệp biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe và tẩy giun định kỳ hàng loạt tại 144 trường, 2.434 lớp, 79.300 học sinh và 3.393 giáo viên tiểu học.

Trên cơ sở và kết quả đã thực hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương tiếp tục hỗ trợ để giúp Thừa Thiên Huế mở rộng Dự án Phòng chống giun đường ruột cho tất cả 237 trường tiểu học của toàn tỉnh ở 9 đơn vị huyện, thành phố, 152 xã, phường, thị trấn từ năm 2005. Đã có 3.872 lớp học, 122.221 học sinh và 6.015 giáo viên được can thiệp biện pháp vào thời điểm năm 2005 và tổ chức duy trì hoạt động mô hình này cho những năm tiếp theo để góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học đường.

Hiệu quả sau 4 năm can thiệp biện pháp

Sau 4 năm (2005-2008) can thiệp biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe kết hợp với chiến dịch tẩy giun định kỳ hàng loạt bằng thuốc Mebendazole 500mg, Albendazole 400ng liều duy nhất tại các trường tiểu học của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Phòng chống sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng đã kết hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Trạm Y tế và Trường Tiểu học các xã, phường thị trấn để điều tra đánh giá kết quả.

Công tác điều tra đánh giá đã được tổ chức năm 2009 tại 27 trường tiểu học thuộc các xã, phường, thị trấn đại diện của 9 huyện, thành phố toàn tỉnh. Mỗi đơn vị chọn 3 trường có đặc điểm riêng của vùng, trong đó có 5 trường ở ven biển, 11 trường ở đồng bằng, 3 trường ở thành phố, 2 trường ở trung du và 6 trường ở vùng cao miền núi. Xét nghiệm 2.470 mẫu phân của học sinh lớp 4, lớp 5 bằng phương pháp Kato-Katz tại thực địa và xử lý kết quả ngay trong ngày ghi nhận tỷ lệ nhiễm giun chung 7,94%, trong đó nhiễm giun đũa 2,55%; nhiễm giun tóc 2,96%; nhiễm giun móc 3,24%; nhiễm 1 loại giun chiếm 7,29%, nhiễm 2 loại giun chiếm 0,53%, nhiễm 3 loại giun chiếm tỷ lệ thấp 0,12%. Phân tích theo đơn vị hành chính, tỷ lệ nhiễm giun chung ở Nam Đông (13.31%); tiếp đến là Phú Vang (11,98%); Hương Thủy (10,77%); Phong Điền (10,26%), Huế (6,88%); A Lưới (5,17%), Quảng Điền (4,09%) và Phú Lộc (2,54%). Phân tích theo khu vực ghi nhận vùng cao miền núi có tỷ lệ nhiễm giun chung 9,91%; tiếp đến vùng ven biển 9,45%; vùng đồng bằng 6,89%, vùng thành phố 6,88% và trung du 4,94%.

Với tác động của biện pháp can thiệp sau 4 năm (2005-2008), so sánh với tỷ lệ nhiễm giun đường ruột trong điều tra cơ bản ban đầu tại một huyện thí điểm nhận thấy tỷ lệ nhiễm giun chung có thể nói giảm từ 70,21% xuống còn 7,94% (giảm 88,69%), giun đũa giảm từ 55,48% xuống còn 2,55% (giảm 95,40%), giun tóc giảm từ 26,71% xuống còn 2,96% (giảm 88,92%), giun móc giảm từ 37,33% xuống còn 3,24% (giảm 91,32%). Riêng tại Phú Lộc, huyện thí điểm dự án có tỷ lệ nhiễm giun chung giảm xuống thấp còn 2,54%; trong đó nhiễm giun đũa còn 0,72%; nhiễm giun tóc còn 0,36% và nhiễm giun móc còn 1,45% do tại đây đã tác động biện pháp can thiệp liên tục trong 7 năm, từ năm 2002-2008. Kết quả này đã khẳng định Dự án Phòng chống giun đường ruột trường tiểu học tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả rõ ràng, làm giảm thấp tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm giun của học sinh, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học đường, một thế hệ tương lai của đất nước.

Đề xuất giải pháp duy trì mô hình

Với hiệu quả đạt được của Dự án Phòng chống giun đường ruột trường tiểu học tại tỉnh Thừa Thiên Huế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương hỗ trợ trong những năm qua đã khẳng định. Thời gian tới khi nguồn lực hỗ trợ thuốc tẩy giun không còn được đáp ứng do Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương phải đầu tư, hỗ trợ vào một số lĩnh vực khác để phòng chống các bệnh sán truyền qua thức ăn, các loại ký sinh trùng truyền bệnh khác ... vì vậy địa phương cần chủ động tạo nguồn lực để duy trì mô hình hoạt động có hiệu quả này. Duy trì mô hình bằng cách huy động nguồn lực thuốc tẩy giun từ bảo hiểm y tế hoặc sự đóng góp của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Nếu gia đình đóng góp thì chỉ mất số tiền rất ít, khoảng 2 ngàn đồng cho mỗi học sinh tiểu học để mua 2 viên thuốc tẩy giun 2 đợt trong năm học, cách nhau học kỳ 6 tháng. Nếu chờ xin nguồn lực khác hỗ trợ phải cần đến 260 triệu đồng để mua 260 ngàn viên thuốc tẩy giun 2 đợt trong năm học cho toàn bộ học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường của 237 trường tiểu học toàn tỉnh. Đây là vấn đề mà ngành giáo dục và ngành y tế cần phải đặc biệt quan tâm để có giải pháp chủ động duy trì mô hình có hiệu quả này trong thời gian đến, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học đường và xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thế hệ tương lai của đất nước phải được quan tâm về vấn đề sức khỏe ngay từ bây giờ, trong đó có bệnh giun sán, một bệnh rất dễ bị lãng quên.

 

Ngày 13/08/2009
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
GĐ Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế
 

THÔNG BÁO


• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích