Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Finance & Retail Hoạt động hợp tác
Hợp tác trong nước
Hợp tác quốc tế
Dân tộc thiểu số
Dự án Quỹ toàn cầu PCSR
Quân dân y kết hợp
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 3 9 3 8
Số người đang truy cập
1 4 1
 Hoạt động hợp tác Hợp tác quốc tế
70 năm UN với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn cầu

Ngày 24/10/2015. Liên Hiệp quốc (United Nations_UN) kỷ niệm 70 năm thành lập (1945-2015), đánh dấu một quá trình phát triển của tổ chức này trong sứ mệnh lịch sử bảo vệ hòa bình thế giới, trong đó có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và y tế toàn cầu.

 
Kỳ niệm 70 năm thành lập UN (1945-2015) với chủ đề ‘Lliên Hiệp Quốc vững mạnh. Thế giới tốt đẹp hơn’ (Strong UN. Better World)

UN70: Liên Hiệp Quốc vững mạnh vì một thé giới tốt đẹp hơn

Theo Liên Hiệp Quốc (UN), kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (UN70) với chủ đề "Liên Hiệp Quốc vững mạnh. Thế giới tốt đẹp hơn"(Strong UN. Better World”) là để thế giới cùng nhìn lại lịch sử của UN, các thành tựu lâu dài, tập trung vào nơi cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng những thách thức hiện tại và tương lai trong 3 nhiệm vụ trụ cột của UN là hòa bình và an ninh (peace and security), phát triển (development) và nhân quyền (human rights). Từ đó, UN chính thức ra đời sau khi được sự thông qua của đa số 51 thành viên đầu tiên bao gồm cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và một trong những nước ký vào Hiến chương là Philippines cũngnằm trong số trong 51 thành viên sáng lập của tổ chức. Được thông qua tại Hội nghị UN về Tổ chức Quốc tế tại San Francisco, California vào ngày 24/10/1945, Hiến chương UN đã tập hợp một cộng đồng quốc gia dốc sức ngăn chặn các cuộc chiến tranh trong tương lai và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ. Kỷ niệm ngày thành lập UN lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 24/10/1948 và Tướng Carlos P. Romulo, đại sứ người Philippine của UN t1946-1954 đã trở thành người châu Á đầu tiên làm Chủ tịch của Đại hội đồng UN vào ngày 20/9/1949. Đến năm 1971, Đại hội đồng UN đã quyết định 24/10 hàng năm trở thành ngày kỷ niệm của tất cả các quốc gia thành viên. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Đại hội đồng UN đã nỗ lực làm phong phú thêm trang lịch sử của mình với nhiều ngày kỷ niệm đáng ghi nhớ như: Ngày Nhân quyền, Ngày Tài nguyên nước, Ngày Môi trường, Ngày Sức khỏe, Ngày Lương thực, Ngày xóa đói giảm nghèo… Những dấu mốc này góp phần thu hút sự chú ý của mọi người tới các vấn đề còn tồn tại trên thế giới và thúc đẩy nhân loại cùng nhau tìm cách giải quyết hiệu quả. Ngày 24/10/2015, các quốc gia trên thế giới cùng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập UN, từ 51 quốc gia thành viên nay đã tăng lên 193 quốc gia chứng tỏ UN thực sự trở thành tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn nhất, là nền tảng không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và phát triển một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đó là lý do trong suốt 70 năm qua, UN luôn giữ vững vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột, khủng hoảng, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xây dựng hòa bình và hướng tới phát triển bền vững cho thế giới.

 
Tổng Thư ký UN Ban Kimoon phát đi thông điệp UN70

Các sự kiện đặc biệt được tổ chức để tôn vinh 70 năm tồn tại của UN: Thư viện Dag Hammarskjold tại UN New York sẽ trình bày 70 văn kiện đã định hình UN và thế giới trong một cuộc triển lãm trực tuyến "70 năm, 70 văn kiện" (70 Years, 70 Documents). Lễ kỷ niệm toàn cầu "UN70" nhằm đoàn kết 193 quốc gia thành viên, xã hội công dân đàn ông và phụ nữ cùng hoạt động trong sự nghiệp chung để đi đến một thế giới tốt đẹp hơn. Nhân dịp trọng đại này Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phát đi thông điệp: "Năm 2015 là cơ hội duy nhất trong đời (once-in-a generation opportunity), mục tiêu của chúng ta là đặt người dân vào vị trí trung tâm và bảo vệ hành tinh chỉ có một và duy nhất của chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta là chấm dứt đói nghèo, không để ai lại đằng sau và xây dựng cuộc đời phẩm giá cho tất cả mọi người". Thông điệp của Ngài Tổng thư ký muốn nhấn mạnh rằng UN70 là một cơ hội kịp thời làm nổi bật nhiều vấn đề và những thành tựu của UN, đồng thời tăng cường quyết tâm chung làm nhiều hơn để thúc đẩy hòa bình và an ninh, phát triển bền vững và nhân quyền trên toàn thế giới.Mỗi ngày UNtạo ra một sự khác biệt tích cực cho hàng triệu người như tiêm chủng cho trẻ em, phân phối viện trợ lương thực, che chở cho những người tị nạn, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, bảo vệ môi trường, tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và hỗ trợ các cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng giới, quyền con người và cai trị theo pháp luật.Ông Ban cho rằng những thách thức trong thời đại chúng ta đã vượt qua phạm vi biên giới, đòi hỏi các giải pháp phức tạp đạt được thông qua thương lượng và thỏa hiệp vì vậy chủ đề của năm kỷ niệm này là "Liên Hiệp Quốcvững mạnh vì mộtthế giới tốt đẹp hơn" (Strong UN. Better World) nhằm thu hút về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và vai trò thiết yếu của UN. Chỉ khi nào chúng ta làm việc cùng nhau thì mới có thể vượt qua các mối đe dọa chung và nắm bắt cơ hội chung, chỉ ở UN mới có thể tất cả các nước lớn và nhỏ, giàu và nghèo và tất cả mọi người có tiếng nói của mình. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng của chúng ta, UN vẫn là công cụ vô giá của loài người vì sự tiến bộ chung. UN kêu gọi hãy sử dụng lễ kỷ niệm này để phản ánh về những bài học của 7 thập kỷ qua và tái khẳng định cam kết để phục vụ "tất cả con người chúng ta" (we the peoples) và xây dựng các cuộc sống thịnh vượng, an ninh và phẩm giá cho tất cả. Trong thông điệp của mình ông Ban Ki-moon nhấn mạnh tổ chức này vẫn luôn luôn là một ngọn hải đăng cho toàn nhân loại và lá cờ màu xanh của UN vẫn mãi mãi là biểu tượng của niềm hy vọng toàn cầu: “Trong tất cả các quốc gia trên thế giới, lá quốc kỳ là một biểu tượng của niềm tự hào và lòng yêu nước nhưng có một lá cờ duy nhất thuộc về tất cả mọi người, đó là lá cờ màu xanh của UN là một biểu ngữ của niềm hy vọng…”.

 
Lá cờ màu xanh của UN như ngọn hải đăng hy vọng cho toàn nhân loại

Nhà lãnh đạo cấp cao của UN cho biết UN70 còn là cơ hội để hoan nghênh sự cống hiến và tôn vinh những người đã hy sinh cao cả khi làm nhiệm vụ, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nhưng không có một quốc gia cũng như một tổ chức nào có thể một mình đơn độc loại bỏ được những thách thức hiện tại và chỉ rõ: “UN được mở ra cho tất cả 7 tỷ người, những người đang xây dựng nên gia đình nhân loại và chăm sóc trái đất, ngôi nhà duy nhất của chúng ta”. Sau 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals_MDGs) dưới sự giám sát của hai Tổng Thư ký UN-Kofi Annan, người đã đưa ra các mục tiêu này vào năm 2000 và Ban Ki-moon, người đã lãnh đạo hiệu quả để đạt được các mục tiêu đó đến năm nay UN đã hoàn thành nỗ lực xóa đói giảm nghèo lớn nhất của mình. Tiếp theo MDGs, trong 15 năm tớiMục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals_SDGs) với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu được thể hiện trong nghị quyết "Biến đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030" (Transforming Our World: The 2030 Agenda”) đã được Đại hội đồng UN thông qua vào ngày 25/9 vừa qua với mục tiêu chấm dứt nghèo đói cùng cực, thu hẹp bất bình đẳng và đảm bảo môi trường bền vững. Nằm trong các hoạt động này là một thỏa thuận chung và ràng buộc về khí hậu mà lần đầu tiên trong hơn 20 năm đàm phán của UN sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua bởi các quốc gia, các nhà lãnh đạo và những nhà hoạt động môi trường trong Hội nghị Biến đổi khí hậu UN (COP21) được nhiều chờ đợi tại Paris, Pháp vào ngày 30/11-11/12/2015.

 
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thành phố New York

Các cơ quan liên quan đến y tế của UN

Các cơ quan của UN liên quan đến y tế và sức khỏe

Liên Hợp Quốc (UN) là tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu bao gồm 6 cơ quan chính là Đại hội đồng (General Assembly), Hội đồng Bảo an (Security Council), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (Economic and Social Council), Hội đồng Ủy thác (Trusteeship Council), Toà án Quốc tế (International Court and Justice) và Ban Thư ký (Secretariat). Trong số các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Tổng thư ký, Đại hội đồng và Hội đồng bảo an có nhiều cơ quan liên quan đến y tế và sức khỏe như Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization_WHO); Tổ chức lương thực & nông nghiệp (Food and Argriculture Organization_FAO); Quỹ nhi đồng UN (United Nations Children's Fund_UNICEF); Chương trình phát triển UN (United Nations Development Programme_ UNDP);Ngân hàng thế giới (World Bank_WB); Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund_IMF); Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa UN (United Nations Education, Scientific, & Cultural Organization_UNESCO);Chương trình Kiểm soát ma túy UN (United Nations Drug Control Programme); Chương trình vì Môi trường UN (United Nations Environment Programme); Quỹ UN về các Hoạt động Dân số(United Nations Fund for Population Activities); Chương trình Lương thực thế giới (World Food Programme); Viện Nghiên cứu và Đạo tạo UN(United Nations Institute for Training and Research_UNITAR); Chương trình Hợp tác chung Liên Hiệp Quốc chống HIV/AIDS(Joint United Nations Programme o­n HIV/AIDS). Trong đó những cơ quan có vai trò dẫn đầu về sức khỏe như WHO, UNICEF, FAO, UNDP… đã đem lại nhiều thành tựu chăm sóc sức khỏe toàn cầu theo mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của UN đến năm 2015.

 
 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Theo Wikipedia, WHO là một cơ quan chuyên môn của UN được thành lập ngày 7/4/1948 đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế. WHO có trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. Tổng Giám đốc WHO hiện nay là Tiến sĩ Margaret Chan đảm trách từ 2007 đến tháng 6/2017. Đến năm 2015 WHO có 194 thành viên quốc gia hay vùng lãnh thổ, Đại hội đồng y tế thế giới (WHA) là cơ quan ra quyết định tối cao của WHO họp vào tháng 5 hàng năm tại trụ sở của WHO tại Geneva với sự tham dự của tất cả các nước thành viên. WHA đề cử Tổng Giám đốc, thông qua chính sách tài chính và ngân sách chương trình của WHO. WHO có trách nhiệm tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, địa chỉ đáng tin cậy thuộc về lĩnh vực sức khỏe con người, giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người, đồng thời chịu trách nhiệm quốc tế hàng đầu về các vấn đề y tế. WHO có vai trò giúp đỡ thiết lập chương trình nghị sự y tế quốc tế và đã đóng một vai trò then chốt trong việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh trong nhiều thập kỷ. Mục tiêu của WHO là giúp mọi người có được sức khoẻ tốt nhất, từ năm 1977 WHA đề ra khẩu hiệu "Sức khoẻ cho tất cả mọi người vào năm 2000" và coi là ưu tiên cao nhất của WHO. Để đạt được những mục tiêu này, WHO đã đề ra 4 định hướng chiến lược tác động qua lại lẫn nhau là giảm tỷ lệ tử vong, tỉ lệ mắc bệnh và tật nguyền cao quá mức, đặc biệt trong các nhóm dân cư nghèo và bị thiệt thòi; cổ vũ lối sống lành mạnh và giảm các yếu tố gây nguy cơ cho sức khoẻ con người do các nguyên nhân môi trường, kinh tế, xã hội và hành vi gây ra; xây dựng các hệ thống y tế trong đó nâng cao một cách công bằng các kết quả đầu ra về sức khoẻ, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của nhân dân và công bằng về tài chính; xây dựng môi trường thể chế và chính sách thuận lợi trong ngành y tế, đẩy mạnh có hiệu quả vị thế y tế trong chính sách phát triển, môi trường, kinh tế và xã hội. Ngoài các định hướng chiến lược này, WHO cũng xác định các ưu tiên cụ thể như phòng chống các bệnh sốt rét, lao phổi, sức khoẻ tâm thần, thuốc lá, các bệnh không truyền nhiễm (ung thư, tim mạch...), mang thai an toàn hơn và sức khoẻ trẻ em, HIV/AIDS, sức khoẻ và môi trường, an toàn thực phẩm, truyền máu an toàn, hệ thống y tế. công cộng…

 
 

Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF)

Thường xuyên sát cánh với WHO về chăm sóc sức khỏe và y tế, phải kể đến vai trò của UNICEF. Theo Bộ Ngoại giao (MOFA) UNICEF là tổ chức quốc tế thuộc hệ thống UN, có tôn chỉ mục đích là bảo vệ và phục vụ các nhu cầu về sự sống còn, tồn tại và phát triển của trẻ em trên toàn thế giới. Trụ sở của tổ chức này đặt tại New York (Mỹ), ngoài ra có 8 văn phòng khu vực với 126 văn phòng đại diện tại hơn 160  nước trên thế giới. Ngày 11/12/1946, Đại hội đồng UN đã thông qua nghị quyết 57 thành lập Quỹ cứu trợ trẻ em khẩn cấp (United Nations International Children's Emergency Fund_UNICEF) đến 6/10/1953, Đại hội đồng UN thông qua nghị quyết 802 quyết định đổi tên thành Quỹ Nhi đồng củaUN (United Nations Children's Fund) nhưng vẫn giữ tên viết tắt là UNICEF. Giám đốc chấp hành của UNICEF hiện nay là bà Carol Bellamy, quốc tịch Hoa Kỳ đảm trách từ tháng 5/1995. Tôn chỉ mục đích ban đầu của UNICEF chỉ là giúp đỡ trẻ em ở châu Âu gặp hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh thế giới thứ hai nhưng sau khi chính thức đổi tên thành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tháng 10/1953, UNICEF đã mở rộng tôn chỉ mục đích của mình với các mục tiêu chăm sóc, phục vụ và bảo vệ mọi quyền lợi cho sự phát triển của trẻ em trên toàn thế giới với tập trung ưu tiên số một vào trẻ em  ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Các hình thức giúp đỡ phổ biến là cung cấp các dịch vụ  cơ bản về y tế kể cả thuốc thiết yếu; chăm sóc sức khoẻ ban đầu;  dinh dưỡng; nước và vệ sinh môi trường; giới và phát triển và các lĩnh vực khác có liên quan đến trẻ em và phụ nữ. Đặc biệt, UNICEF còn tham gia vào các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, mọi hỗ trợ của UNICEF tập trung vào các chương trình của cộng đồng với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho trẻ thơ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Năm 1996,  Hội đồng chấp hành của UNICEF đã thông qua "Tuyên  ngôn UNICEF" (New Mission Statement) với nội dung chủ yếu như thực hiện mọi chủ trương của UN về bảo về các quyền của trẻ em đồng thời hỗ trợ,  đáp ứng những yêu cầu cơ bản của trẻ em; hỗ trợ các quốc gia thực hiện những cam kết về trẻ em do Hội nghị Thượng đỉnh về trẻ em của UN (1990) đề ra; huy động mọi ý chí chính trị và các nguồn lực vật chất nhằm giúp các nước xây dựng năng lực nhằm đề ra các chính sách phù hợp để  chuyển giao dịch vụ trẻ em tới các hộ gia đình; cam kết đảm bảo sự bảo vệ đặc biệt cho những trẻ em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em là  nạn nhân của xung đột vũ trang;  trẻ em nghèo khó;  trẻ em lang thang cơ nhỡ...; thông qua  các chương trình quốc gia để khuyến khích quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời  hỗ trợ họ  tham gia các hoạt động phát triển kinh tế cũng như chính trị của các  quốc gia và  cộng đồng.

 
UNICEF luôn đặt quyền trẻ em lên hàng đầu

UNICEF hợp tác với tất cả  các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ (NGO's)  trong khuôn khổ Công ước quốc tế về Quyền trẻ em nhằm đạt được các mục tiêu về trẻ em  do Hội nghị Thượng đỉnh về trẻ em (1990) đề ra. Để thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh thế giới mới nhằm phục vụ trẻ em một cách có hiệu quả nhất, trong những năm gần đây UNICEF đã xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình như thực hiện trách nhiệm do Đại hội đồng UN giao phóchăm lo việc bảo vệ các quyền của trẻ em, giúp đỡ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ em và tạo thêm cơ hội giúp trẻ em phát huy đầy đủ  tiềm năng của mình.

 
 

Theo Công ước về Quyền Trẻ em, phấn đấu thiết lập các quyền của trẻ em như những  nguyên tắc đạo lý bền vững và các chuẩn mực quốc tế về việc đối xử với trẻ em; nhấn mạnh sự sống còn, việc bảo vệ và phát triển của trẻ em là những đòi hỏi phát triển toàn cầu gắn liền với sự tiến bộ của con người; động viên ý chí chính trị và nguồn lực vật chất để giúp đỡ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, bảo đảm phương châm “Trước tiên cho trẻ em” và để xây dựng năng lực, đề ra các chính sách phù hợp và cung ứng các dịch vụ cho trẻ em và gia đình của các em; cam kết bảo đảm sự bảo vệ đặc biệt đối với trẻ em chịu thiệt thòi nhất như nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, đói nghèo cùng cực, của mọi hình thức bạo lực và bóc lột cũng như trẻ em bị tàn tật; ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp để bảo vệ các quyền của trẻ em.Trong việc phối hợp với các đối tác của LHQ và các cơ quan nhân đạo, UNICEF dành cho họ những phương tiện đáp ứng nhanh của mình nhằm giảm bớt những đau khổ của trẻ em và thực hiện việc chăm sóc đối với trẻ em. UNICEF là một tổ chức không thiên vị và sự hợp tác của UNICEF là không có phân biệt đối xử trong mọi hoạt động của mình, dành ưu tiên cho các trẻ em bị thiệt thòi nhất và những nước cần sự giúp đỡ nhất. Thông qua các Chương trình Quốc gia, thúc đẩy các quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái và hỗ trợ họ tham gia đầy đủ vào sự phát triển về chính trị, kinh tế và xã hội của cộng đồng; hợp tác với mọi đối tác để đạt được những mục tiêu phát triển con người bền vững đã được cộng đồng thế giới thông qua cũng như thực hiện triển vọng hoà bình và tiến bộ  xã hội đã được ghi trong Hiến chương của UN.

 
 

Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO)

FAO là cơ quan của UN đóng vai trò quan trọng về cung cấp sức khỏe dinh dưỡng, được thành lập ngày 16/10/1945 tại Hội nghị Quebec (Ca-na-đa), từ năm 1981 UN đã chọn ngày 16/10 làm Ngày Lương thực Thế giới. Theo Bộ Ngoại giao (MOFA), FAO là tổ chức chuyên môn của UN có trụ sở tại Rôm, Ý. Tổng Giám đốc FAO hiện nay là ông Jacques Diouf, quốc tịch Senegan. FAO có 183 nước thành viên, ngân sách hoạt động lấy từ hai nguồn là nguồn ngân sách thường xuyên (regular budget) do các nước thành viên của FAO đóng góp và nguồn từ chương trình hỗ trợ tài chính được cấp chủ yếu từ Chương trình phát triển của UN (UNDP) và Quỹ Uỷ thác (Trust Fund) của các ngân hàng hoặc của một số nước tài trợ. Hiện nay FAO đang phải đối mặt với tình hình tài chính ngày càng hạn hẹp do các nước phát triển giảm mức đóng góp. Năm 1993, nguồn ngân sách thường xuyên của FAO đạt 673,1 triệu USD, đến năm 2003, con số đó chỉ đạt khoảng 650 triệu USD do đó FAO phải kêu gọi các nước thành viên tăng mức đóng góp nhằm nâng ngân sách thường xuyên lên 2,2% - mức để FAO không phải cắt giảm các chương trình hoạt động đã cam kết tại các nước. Mức ngân sách 2006 - 2007 của FAO đã tăng lên 765 triệu USD. FAO hoạt động như là một trung tâm thu thập và phân tích các thông tin, tư vấn về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, lương thực và dinh dưỡng trên phạm vi toàn cầu (knowledge-based organization). FAO cũng là một diễn đàn quốc tế quan trọng về lương thực và nông nghiệp, đồng thời là nguồn tư vấn về chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đối với các nước thành viên, FAO khuyến khích và tìm nguồn tài chính hỗ trợ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các nước thành viên mà tiêu biểu là hợp tác NAM-NAM.

 
Số người nhận viện trợ lương thực tăng cao tại Malawi

Để thực hiện các mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về lương thực, FAO đã tiến hành một số cải tổ về cơ cấu tổ chức như thu gọn và sát nhập các vụ ở trụ sở, tăng cường quyền lực và phân cấp cho các văn phòng khu vực và văn phòng quốc gia, lập văn phòng tiểu khu vực, tăng cường các dự án trên thực địa. Với chủ trương “Kỹ thuật của FAO, kinh nghiệm thực tiễn ở khu vực và các nước”, nhìn chung, các hoạt động của FAO đã có hiệu quả hơn. FAO hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ các quốc gia thành viên nâng cao mức dinh dưỡng và mức sống của người dân, thông qua việc tăng cường sản xuất, chế biến, cải tiến thị trường và phân phối tất cả sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm; khuyến khích phát triển nông thôn và nâng cao điều kiện sống của người nông dân nông thôn, qua đó thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. FAO hợp tác với các nước thành viên thông qua các dự án UNDP, theo đó FAO tham gia như một thành viên thứ 3 với vai trò vừa là cơ quan điều hành dự án, vừa là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp chuyên gia cho dự án. Hợp tác thông qua Chương trình hợp tác kỹ thuật (TCP) là  sự hỗ trợ của FAO dưới hình thức dự án trợ giúp các nước thành viên, mỗi dự án trị giá khoảng từ 250.000 USD đến 500.000 USD, trích từ nguồn ngân sách thường xuyên của FAO cung cấp vốn và kỹ thuật dưới các hình thức như chuyên gia, dịch vụ tư vấn và cung cấp trang thiết bị quan trọng cho dự án; khoảng 60% dự án TCP hỗ trợ trực tiếp cho các nước nhận viện trợ và 40% cho các chương trình quốc tế khác; đặc trưng của dự án TCP là không cần tổ chức các đoàn đánh giá khi dự án kết thúc, trung bình thời gian thực hiện dự án là một năm, tuy nhiên ngoại lệ có dự án kéo dàinhưng không được quá hai năm. Hợp tác thông qua Quỹ Uỷ thác (TF) của FAO là nguồn viện trợ nước ngoài của các chính phủ, các ngân hàng và các tổ chức trên thế giới thông qua FAO thực hiện và quản lý. Hợp tác thông qua Sáng kiến Chương trình Lương thực truyền thông (TeleFood) được FAO đưa ra năm 1997, sau đó hàng năm được phát động nhằm mục đích huy động thêm nguồn tài chính cho các dự án chống đói nghèo; thông qua các hoạt động truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người dân về nạn đói nghèo trên thế giới. Nguồn vốn cho mỗi dự án thuộc loại này rất hạn chế, chỉ khoảng 10.000 USD/dự án. Hợp tác thông qua Chương trình đặc biệt về An ninh lương thực (SPFS-Special Programme for Food Security) do FAO phát động năm 1994 và được Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Lương thực lần thứ nhất (11/1996) tại Rôm thông qua. Chương trình SPFS hiện đang được triển khai ở 69 quốc gia nhằm nâng cao năng lực cho các nhóm nông dân nhỏ và các hộ nghèo thành thị, giúp họ hiểu được những trở ngại cũng như những cơ hội trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực bền vững.  Hợp tác thông qua Chương trình hợp tác giữa các nước đang phát triển gọi tắt là hợp tác Nam-Nam nhằm khuyến khích sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước đang phát triển, cho phép nước nhận dự án được nhận các kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác thông qua việc sử dụng chuyên gia của chính các nước đang phát triển thực hiện dự án. Nội dung chủ yếu của Chương trình hợp tác Nam-Nam là nước đang phát triển này cung cấp kinh nghiệm, chuyên gia trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vv .. cho các nước đang phát triển khác. Chương trình được đánh giá cao vì chi phí cho chuyên gia thấp, dễ chia sẻ kinh nghiệm vì các nước đang phát triển có nhiều điều kiện và trình độ phát triển tương tự.      

 
 

Sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn cầu

Đánh giá những thành tựu nổi bật về chăm sóc sức khỏe toàn cầu, TS. Margaret Chan-Tổng giám đốc WHO đã chỉ rõ bức tranh toàn cảnh của y tế thế giới sau MDGs đến năm 2015 với những thành công không tưởng trước thềm SDGs đến năm 2030. Tổng Giám đốc WHO cho rằng thế giới đã thay đổi từ thế kỷ này khi MDGs trở thành trọng tâm của nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu sự nghèo khổ của nhân loại mà nguyên nhân chính là do đói nghèo, thiếu nước sạch và vệ sinh, thiếu kiểm soát bệnh dịch truyền nhiễm và thiếu chăm sóc cơ bản trong thời kỳ thơ ấu, thai kỳ và khi sinh nở. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của y tế thế giới đã vượt xa hơn kỳ vọng của nhiều người khi các mục tiêu MDGs phát huy hiệu quả cùng với tham vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS và lao phổi, loại trừ sốt rét khỏi một số lượng lớn các nước và kết thúc tử vong ở trẻ em thời kỳ thơ ấu, sơ sinh và phụ nữ mang thai. WHO nhận định trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm mãn tính (chronic noncommunicable diseases) đã vượt qua các bệnh truyền nhiễm (infectious diseases) trở thành sát thủ lớn nhất toàn cầu, một vài hệ thống y tế trên toàn thế giới đã được xây dựng để quản lý các bệnh mãn tính nếu không phải là các bệnh kéo dài suốt đời (chronic if not life-long conditions).

 
Bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu

Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp dẫn đến tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí, mối nguy hại đơn lẻ từ môi trường quan trọng nhất trong khu vực này đã đến giới hạn cuối cùng buộc ngành y tế phải tham gia vào cùng những cuộc tranh luận về những hậu quả của biến đổi khí hậu, nhất là tháng 7/2015 được cho là tháng nóng nhất kể từ năm 1880 khi các nhà khoa học đã bắt đầu ghi nhận hàng nghìn ca tử vong tại một số quốc gia châu Á bị ảnh hưởng đã cung cấp bằng chứng hàng đầu rõ ràng hơn về các tác động y tế của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hội nghị các bên về Công ước khung của UN về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) tại Pari vào tháng 12 năm nay sẽ là cơ hội tốt nhất để WHO góp phần đưa ra các giải pháp ngăn ngừa tránh cho các thế hệ tương lai không phải sống trong một hành tinh bị phá hủy. Tình trạng kháng thuốc ngày càng lan rộng, các loại vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng về mức độ, thậm chí trở thành vi khuẩn siêu kháng thuốc (superbug), các siêu vi trùng thường xuyên xuất hiện tại các bệnh viện và các khu chăm sóc đặc biệt, ngay cả ở đây tại châu Âu. Bệnh lậu hiện kháng với nhiều loại thuốc, dịch bệnh thương hàn kháng đa thuốc đang hoành hành trên một số khu vực châu Á và châu Phi. Tại châu Âu cũng như nơi khác chỉ khoảng một nửa tất cả những ca lao phổi kháng đa thuốc có thể được chữa khỏi thành công. Ký sinh trùng sốt rét đa kháng thuốc (malaria parasite multi-drug resistance) đã trở nên tồi tệ hơn khi kháng cả với thuốc có hiệu lực cao Artemisinine, thậm chí có biểu hiện kháng với phối hợp của nó (ACTs) ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là một số nước Tiểu vùng sông Mê Kông.

 
 

Bên cạnh đó, việc tiến hành Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO cũng nằm trong chương trình hành động của các quốc gia thành viên với mong muốn bảo vệ công dân của họ thông qua những lời cảnh báo hình họa lớn hơn trên bao thuốc hoặc bằng việc giới thiệu việc đóng gói thuốc lá đơn giản (hay bao bì thuốc lá trơn) đang bị đe dọa bởi sự kiện tụng tốn kém và dài dòng của các công ty thuốc lá. Các cơ chế hòa giải tranh chấp nhà đầu tư-nhà nước đang đượ sử dụng để kiện các chính phủ vì những bộ luật thuốc lá làm tổn hại lợi nhuận nền công nghiệp này, tới nay Australia đã tiêu tốn gần 50 triệu đô-la Mỹ để bảo vệ quyền lợi của họ trong việc giới thiệu biện pháp đóng gói thuốc lá đơn giản, chúng ta cần phải theo dõi tất cả những vấn đề này chặt chẽ điều đang bị đe dọa ở đây là hoàn toàn về quyền tối cao của một quốc gia trong việc ban hành luật pháp để bảo vệ công dân nước đó khỏi những điều xấu. WHO cho biết tình trạng thừa cân, béo phì cũng đang là vấn nạn toàn cầu khi 47 nước vớilà 87% dân số có hơn 50% người lớn thừa cân hoặc béo phì; trong một số nước, tỷ lệ này gần tới 70% dân số trưởng thành. Theo báo cáo của Ủy ban Chấm dứt béo phì thời thơ ấu (Commission o­n Ending Childhood Obesity) cùa WHO “nhấn mạnh môi trường gây béo phì thì không đủ nhưng không có biện pháp nào có thể thành công nếu thất bại trong việc xử lý môi trường này” và xác định nhiều nhân tố giúp giải thích tại sao tỷ lệ béo phì ở trẻ em đang gia tăng trong tất cả các nước mà nguyên nhân rộng khắp là do toàn cầu hóa những thực phẩm và đồ uống không có lợi cho sức khỏe. Sự ra mắt của tổ chức Mạng lưới cân bằng năng lượng toàn cầu (Global Energy Balance Network) là phương tiện đấu tranh để giúp mọi người đưa ra những lựa chọn lối sống đúng đắn nhằm hạn chế vấn nạn này.

 
WHO cảnh báo đại dịch Ebola chưa chấm dứt ở Tây Phi

Một đại dịch kinh hoàng gây chấn động năm 2014 là Ebola xảy ra ở 3 nước Tây Phi và ảnh hưởng tới một số quốc gia châu Âu, châu Mỹ. Trước đó Ebola là một căn bệnh hiếm gặp, tất cả những người phản ứng đã gặp khó khăn trong việc tìm ra số lượng thích hợp những bác sĩ và các nhà dịch tễ học có kinh nghiệm, nhiều cơ quan và tổ chức với lòng mong ước giúp đỡ to lớn đã chấp nhận những vai trò vượt xa quyền hạn và những kinh nghiệm trước đó của họ, những người chưa hề có kinh nghiệm trong quản lý lâm sàng Ebola đã mất vài tháng để có thể hoạt động được. Mặc dù đến nay dịch bệnh này vẫn chưa kết thúc nhưng hầu như WHO đã kiểm soát được nó và đang ở giai đoạn có thể theo dõi và bẻ gẫy mắt xích mới nhất của lây nhiễm. Để kiểm soát được đại dịch này, WHO đã triển khai hơn 1000 nhân viên tới 68 khu vực thực địa trong 3 nước Tây Phi. Hiện nay thế giới đang sắp có một vắc-xin an toàn và hiệu quả, với yêu cầu của chính phủ Sierra Leone, thử nghiệm lâm sàng của WHO về loại vắc-xin mới, đã được sử dụng tại Guinea đã được mở rộng sang nước thứ 2 này và có thể tiêm ngừa cho những người tiếp xúc gần gũi với những ca đã xác nhận và mang lại cho chúng ta thêm một vòng bảo vệ nữa. WHO cho biết có 4 thử nghiệm chẩn đoán nhanh giai đoạn chăm sóc được tiền thẩm định, đang phát triển một kế hoạch nghiên cứu và phát triển với các quy trình thử nghiệm lâm sàng di truyền học và các dàn xếp cho việc phê duyệt lập quy ưu tiên, để xúc tiến sự phát triển các sản phẩm y tế mới trong suốt tình trạng khẩn cấp tiếp theo.

 
Tổng Thư ký Ban Ki Moon cùng phu nhân chụp ảnh lưu niệm với nhân viên của UN đang làm việc tại Việt Nam

Tất cả những thành tựu này đã được hiện thực hóa bởi sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của nhiều quốc gia thành viên, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan liên quan đến y tế của UN dưới sự dẫn dắt của WHO đã thúc đẩy y tế toàn cầu tiến bộ vượt bậc khi kết thúc mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015. Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng những thành quả này chứng tỏ sự vững mạnh của UN và sẽ là bệ phóng để các cơ quan của UN hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, trong đó nhiều mục tiêu và chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe toàn cầu. 

Ngày 03/11/2015
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, CN. Huỳnh Thị An Khang
(Theo UN, WHO, MOFA và Wikipedia)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích