Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 1 7 0 7
Số người đang truy cập
2 6 4
 Tin tức - Sự kiện Quốc tế
Những phát minh và sự kiện y học quốc tế nổi bật đầu năm 2015

Phát minh thiết bị mới dự báo sớm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 5 phát minh y học được trao giải sáng tạo James Dyson Award (JDA) 2015. Các phát minh mới trong ngành y học Nga. Nhật Bản phát minh thành công hành không cay mắt. Đứng hình trước khối u khổng lồ giống quả trứng luộc. Kết hợp hóa trị liệu và liệu pháp gen trong điều trị HIV. Tổ chức Y tế thế giới nhận định Ngày càng tăng mối đe doạ từ thực phẩm không an toàn. In 3D - Cuộc cách mạng trong y học.

Phát minh thiết bị mới dự báo sớm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Theo tạp chí The Lancet Diabetes & Endocrinology số ra ngày 26/3, các nhà nghiên cứu cứu thuộc Đại học Y tế Cộng đồng ở thành phố Boston (Mỹ) vừa phát minh thiết bị mới mang tên Globorisk có thể phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hay còn gọi là chứng đột quỵ. Thiết bị mới được sử dụng dựa trên phương pháp rất đơn giản, người dùng cần đưa ra các thông số như độ tuổi, giới tính, huyết áp, lượng cholesterol trong máu, có mắc bệnh tiểu đường hay hút thuốc lá không và là người nước nào.

Ông Goodarz Danaei, tác giả chính của phát minh mới, cho biết nếu biểu đồ về bệnh tim mạch bắt đầu dâng cao tức là bạn có 4%-5% nguy cơ mắc căn bệnh chết người này. Các nguy cơ cao hơn 10% được coi là "nghiêm trọng". Các chuyên gia hy vọng thiết bị mới có thể giúp thay đổi mạnh phong cách sống ở những người có nguy cơ mắc bệnh, như cai thuốc lá, ăn uống lành mạnh và tập luyện thể chất nhiều hơn.
  

Hiện nhiều chuyên gia đã lập biểu đồ sức khỏe cho người dân ở các nước như Trung Quốc, Đan Mạch, vùng England (thuộc Vương quốc Anh), Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ. Việc lập biểu đồ này được dựa trên các số liệu từ 8 nghiên cứu lớn và dài hạn khác với tổng cộng hơn 50.000 người tham gia và đã đăng trên: http://www.thelancet.com/journals/landia/article/PIIS2213-8587(15)70007-0/abstr .

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có biểu đồ sức khỏe cho mọi nước trên thế giới trong vài tháng tới. Ngoài phân tích cá nhân, Globorisk còn cho phép so sánh trong phạm vi toàn cầu ở những người cùng độ tuổi và thể trạng. Chẳng hạn, những người được khảo sát ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đan Mạch và England có nguy cơ mắc bệnh thấp nhất, trong khi nguy cơ cao nhất xảy ra ở Trung Quốc và Mexico. Theo nhóm nghiên cứu ra thiết bị mới nói trên, các thiết bị chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch trước đây được phát triển chỉ cho nhóm đối tượng đặc biệt và không thể được sử dụng rộng rãi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo nên can thiệp y tế đối với những người có trên 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì những người này sẽ đối mặt nguy cơ tử vong ở mức 10%-15% trong 10 năm sau đó.

5 phát minh y học được trao giải sáng tạo James Dyson Award (JDA) 2015

Năm 2007, triệu phú người Anh James Dyson, cha đẻ máy hút bụi Bagless đã đứng ra thành lập giải thưởng James Dyson Award (JDA) nhằm khuyến khích tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.  Năm 2015 có nhiều phát minh được lọt vào danh sách ngắn trao giải JDA, trong số này có 5 phát minh liên quan đến lĩnh vực y học.
 

Nhãn Bump Mark

Đứng đầu danh sách giải JDA 2015 là phát minh mang tên Bump Mark của nữ sinh viên 23 tuổi Solveiga Pakstaite đến từ Đại học Brunel, Anh. Đây là loại bao gói thông minh giúp người dùng phân biệt chất lượng thực phẩm đựng bên trong. Nguyên lý làm việc của nhãn Bump Mark tương đối đơn giản nhưng hiệu quả, sử dụng gelatine, một loại protein có thể bị phân rã nếu chất lượng bên trong suy giảm hay hết hạn. Nhãn được dán vào bao bì lúc đóng gói, ban đầu sờ lên có cảm giác mịn màng nhưng theo thời gian, nhất là khi thực phẩm biến chất, hết đát (hạn sử dụng) nhãn sẽ thô ráp, bong ra báo hiệu cần loại bỏ. Lợi thế của nhãn Bump Mark là không thể che giấu, kể cả những người khiếm thị cũng có thể nhận biết được bằng tay nên tin cậy hơn các loại nhãn truyền thống. Loại nhãn này rất hợp cho ngành y dược, thực phẩm và các ứng dụng tương tự  khác... Ngay sau khi được trao giải JDA.

Bút cảnh báo cháy nắng Suncayr

Nhóm nghiên cứu sinh viên Đại học Waterloo Canada vừa cho ra đời một sản phẩm độc đáo có tên Suncayr. Đây là loại bút cảnh báo nếu phơi nắng quá nhiều. Nó ưu việt và tiện hơn so với các thiết bị hiện có như vòng đeo tay hay các phương pháp truyền thống khác. Khi viết lên da, nếu đổi màu có nghĩa người dùng cần bôi thêm kem chống nắng hoặc tìm nơi tránh nắng. Suncayr sử dụng một loại mực cực nhạy, có khả năng phản ứng nhanh với tia UV. Khi ra nắng, chỉ cần dùng bút vẽ hình bất kỳ lên da trước khi bôi kem chống nắng, nếu mực vẫn còn màu xanh lá cây, có nghĩa kem chống nắng còn tác dụng. Ngược lại, mực chuyển màu đỏ là cần bổ sung kem chống nắng hoặc nên tránh nắng ngay.

Thiết bị Luke Stairwalker giúp người già leo cầu thang

Trong khi hầu hết chúng ta lên xuống cầu thang dễ dàng thì có không ít người, nhất là nhóm bị chấn thương, người già gặp nhiều khó khăn khi lên xuống. Để giúp nhóm người này đi lại dễ dàng và hợp với hoàn cảnh kinh tế của đại đa số cộng đồng, nhóm sinh viên người Đức do Alexander Abele chủ trì đã thiết kế thành công một thiết bị giúp người già, tàn tật leo cầu thang dễ dàng có tên là thiết bị Luke Stairwalker.

Trước khi cho ra đời thiết bị Luke Stairwalker, nhóm đề tài đã tiếp xúc với nhóm người già, đặc biệt những người khó khăn khi leo cầu thang và phát hiện thấy tay vịn cầu thang thông thường gây khó khăn và không thể hỗ trợ cho những người đau đầu gối hoặc bị hỏng khớp gối lên xuống. Luke Stairwalker có thiết kế giống như một đường ray có tay vịn chuyên dụng cho phép người già có thể leo cầu thang dễ dàng mà không cần đến người hỗ trợ.

Giường Flipod cho bệnh nhân liệt

Một trong những nan giải trong lĩnh vực chăm sóc nhóm bệnh nhân liệt giường hiện nay là làm sao giảm thiểu đau đớn, giúp người bệnh cử động dễ dàng, dễ thở do nằm quá lâu trong một vị trí nhất định. Hiện tại, để làm được điều này, đòi hỏi người chăm sóc phải thức khuya, dậy sớm và do lâu ngày gây mệt mỏi cho cả hai. Ngược lại nếu mua sắm các loại giường hiện đại cũng không phù hợp. Để giảm bớt gánh nặng chăm sóc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, Chow Wai Tung Eason, sinh viên thiết kế công nghiệp ở Đại học Quốc gia Singapore đã phát minh ra một sản phẩm có cơ chế hoạt động giống như túi không khí mini, có tên Flipod. Thực chất là miếng dán quấn quanh lưng của người bệnh. Khi dùng chỉ cần nhấn một nút thì một trong hai túi khí bung ra, làm xoay cơ thể. Sau khi cơ thể nâng lên, các túi khí này thực hành thao tác mô phỏng chuyển động cơ bắp, giúp người bệnh xoay chuyển được và làm người bệnh dễ chịu hơn.
 

Ứng dụng EyeCheck phân biệt bệnh về mắt

Mới đây, hai sinh viên bách khoa Canada là Ashutosh Syal và Daxal Desai đã bỏ ra một năm nghiên cứu, trình làng một ứng dụng trên điện thoại di động, giúp các bác sĩ nha khoa phát hiện nhanh thị lực và các loại bệnh về mắt. Ứng dụng có tên EyeCheck, phù hợp cho việc khám chữa bệnh mắt ở các nước đang phát triển, nơi bệnh về mắt đang gia tăng trong khi đó lại thiếu các dịch vụ y tế và bác sĩ trầm trọng.

Ứng dụng EyeCheck phù hợp cho điện thoại thông minh và nhờ một số hình ảnh về đôi mắt nên nó có thể chẩn đoán được bệnh cận, viễn thị hoặc mắt bị mờ đục, dấu hiệu sớm của bệnh tăng nhãn áp hoặc ung thư. Đơn giản, nếu có hình lưỡi liềm ở đỉnh con ngươi, thì người đó mắc bệnh cận thị; nếu có một lưỡi liềm ở phía dưới thì bị viễn thị. Sau khi phân tích, máy ảnh độc lập của EyeCheck sẽ chụp lại hình ảnh bất kỳ liên quan đến thị lực, phân tích và đưa ra khuyến cáo nên dùng loại kính phù hợp. Với EyeCheck thời gian khám mắt sẽ được rút ngắn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho khách hàng, có thể giảm thời gian chờ khám từ 20 phút đến 2 hoặc 3 giờ đồng hồ.
 

Các phát minh mới trong ngành y học Nga

Các nhà khoa học từ thành phố TomskNovosibirsk (Xibiri) đã chế tạo được ống đỡ động mạch mới. Các nhà khoa học từ thành phố TomskNovosibirsk (Xibiri) đã chế tạo được ống đỡ động mạch mới. Các bác sĩ Nga cho biết rằng thiết bị này tốt hơn của đối tác nước ngoài mà lại có giá thành rẻ hơn 5 lần.

Ống đỡ động mạch được thực hiện trên cơ sở niken và titan, đặt hoặc cấy trực tiếp vào tim của bệnh nhân. Bí quyết của các nhà khoa học Nga nằm trong lớp silicon phủ trên thiết bị cấy ghép. Chuyên viên cao cấp Phòng thí nghiệm vật liệu kim loại, Chi nhánh Siberia của Viện hàn lâm khoa học Nga Ludmila Meisner cho biết: "Lớp silicon cho thông số thích ứng rất cao với cơ thể. Nguyên tố hóa học này rất gần gũi với tế bào sống.”Cấy ghép ống đỡ động mạch tim đã được thế giới bắt đầu thực hiện khoảng một năm trước đây. Thiết bị cấy ghép chỉ được chế tạo ở nước ngoài. Theo các nhà khoa học, ống đỡmạch vành tương tự của Nga sẽ có một số điểm khác biệt so với sản phẩm nhập khẩu. Giám đốc công ty sản xuất ống đỡ động mạch vành Andrei Kudryashov nói:

“Thiết bị tương đương của Nga sẽ có giá rẻ hơn so với sản phẩm phương Tây 5 lần. Ở nước ngoài ống đỡ như vậy có giá hơn 30 000 đô la. Lớp phủ silicon cho phép các mô nhanh chóng phát triển và quá trình chữa bệnh sẽ nhanh hơn và ít biến chứng hơn.”

Phát minh này của các nhà khoa học Siberia đã trải qua giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật và hiện nay đang thử nghiệm lâm sàng. Một phát minh khác của các nhà khoa học Sibirri là băng kháng khuẩn hấp thụ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều bệnh viện Nga. Giám đốc Công ty sản xuất băng kháng khuẩn hấp thụ Natalia Kirilov cho biết: "Nhờ loại băng này các loại vi sinh vật có hại được loại khỏi vết thương. Bằng cách đó vết thương được khử trùng, chóng liền da và việc chữa bệnh được thúc đẩy nhanh chóng.”

Chấn thương, vết cắt, vết bỏng, vết loét sẽ chóng khỏi nhờ loại băng kháng khuẩn. Theo các bác sĩ, loại băng đặc biệt này rất cần thiết cho bệnh nhân có cơ địa không chấp nhận thuốc kháng sinh. Các nhà khoa học Siberia đã nghiên cứu loại băng đặc biệt này hơn 5 năm. Ban đầu, băng hấp thụ được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Bây giờ đang thành lập sản xuất công nghiệp. Loại băng mới được các bác sĩ phẫu thuật ở Ấn Độ và Trung Quốc rất ca ngợi.

Nhật Bản phát minh thành công hành không cay mắt

Mới đây, công ty House Foods Group (Nhật Bản) đã tuyên bố đã sản xuất ra loại hành đầu tiên trên thế giới “không làm bạn khóc”. Công ty này cho biết, các nhà nghiên cứu của họ đã dành đến hơn một thập kỷ để nghiên cứu cấu tạo hóa học của hành…
  

Được biết, vào năm 2002, công ty đã công bố một nghiên cứu mô tả quá trình sinh học của việc “vì sao thái hành khiến bạn khóc”. Nghiên cứu đã giành giải ig Nobel - giải thưởng quốc tế hàng năm dành cho những công trình nghiên cứu mang tính hài hước.

Trong tài liệu nghiên cứu này, các nhà khoa học đã giả thuyết rằng, liệu có thể làm yếu các enzyme gây chảy nước mắt mà vẫn giữ nguyên được mùi vị và giá trị dinh dưỡng của hành?! Điều đó đã được hiện thức hóa trong công bố gần đây. Các nhà nghiên cứu đã vô cùng vui mừng khi phát hiện ra rằng, bằng cách dùng các ion bắn phá củ hành, khiến nó sản sinh ra ít enzym gây cay mắt hơn. Không chỉ vậy, khi dùng loại hành mới này, hơi thở và tay đều sẽ không còn mùi khó chịu nữa.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng loại bỏ đặc điểm làm cay mắt ở hành là một ý kiến hay. Người ta cho rằng, chính đặc điểm tự nhiên này đã giúp bảo vệ củ hành khỏi thế giới sâu bọ, côn trùng.

Đứng hình trước khối u khổng lồ giống quả trứng luộc

Mới đây, tạp chí Y học New England cho biết, một người đàn ông 62 tuổi đã phải tới gặp bác sĩ để khám chữa về căn bệnh tiểu nhiều diễn ra trong thời gian dài của mình. Được biết, căn bệnh này đã đeo bám người đàn ông suốt 20 năm nay. Các kết quả khám và xét nghiệm ban đầu cho thấy không có gì bất thường. Phải tới khi siêu âm, các bác sĩ mới phát hiện ra một khối u lớn khổng lồ hình quả trứng chèn lên bàng quang của ông. Đây chính là nguyên nhân khiến người đàn ông phải vào toilet thường xuyên.
 

Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, các bác sĩ xác định khối u này có chiều dài 10cm, chiều ngang 7,5cm, nặng 220g và có cấu trúc mềm nhưng chắc, đặc như cao su. Bên cạnh đó, khối u còn có hình dáng và màu sắc giống như một quả trứng đã luộc và bóc vỏ. Được biết, đây được gọi là u tự do màng bụng, được hình thành khi các túi mỡ trong màng ruột kết bị xoắn lại và tách rời ra. Từ đó, chúng dần hình thành khối u có sợi và bị vôi hóa. Thông thường, u tự do màng bụng không có triệu chứng rõ rệt khi chúng còn nhỏ. Khi u phát triển to, chúng có thể che lấp ruột, chèn lên bàng quang và gây ra vấn đề về tiểu tiện.

Lịch sử y học thế giới ghi nhận đây là khối u tự do màng bụng có kích thước chiều ngang “khủng” nhất.Về phần người đàn ông, sau khi phẫu thuật xong, ông đã không còn gặp phải hiện tượng thường xuyên đi tiểu nữa. Trước đó, y học thế giới cũng đã từng ghi nhận một vài ca u tự do màng bụng như thế này nhưng chỉ có chiều ngang tối đa là 5cm chứ chưa có trường hợp nào 7,5cm như người đàn ông nói trên.

Kết hợp hóa trị liệu và liệu pháp gen trong điều trị HIV

Một cách tiếp cận mới trong điều trị căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS đang mở ra những hy vọng mới cho loài người. Nhóm các nhà nghiên cứu Sangamo BioSciences tại Mỹ đã nghiên cứu và kết luận khi kết hợp hóa trị liệu Cytoxan và liệu pháp gen thì khả năng chiến đấu của cơ thể tăng lên.
 

Liệu pháp dùng thuốc chống virus sao chép ngược hiện nay là phương pháp điều trị chủ yếu cho các bệnh nhân HIV. Một nhóm các thuốc được chia thành nhiều loại, thuốc kháng virus thường làm việc bằng cách ngăn chặn virus lây nhiễm cho các tế bào mới sắp sản sinh, trong khi vẫn duy trì hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Điều trị mới vừa thay đổi các gen bị virus HIV phá vỡ vừa kết hợp với các thuốc hóa trị liệu, giúp làm gia tăng khả năng chiến đấu của các tế bào miễn dịch khỏe mạnh trong cơ thể, áp đảo lại virus.

Đầu tiên, các nhà khoa học lấy ADN từ một số tế bào của bệnh nhân và thay đổi nó. Họ đang tìm kiếm một gen cụ thể như CCR5, gen bị HIV phá vỡ để tấn công các tế bào miễn dịch của cơ thể (còn gọi là tế bào T). Bằng cách nhằm vào các thụ thể CCR5, các nhà khoa học có thể ngăn chặn sự tấn công của virus và giúp các tế bào không bị nhiễm bệnh nữa. Nghiên cứu cho thấy sử dụng hóa trị liệu cytoxan vào quá trình này thực sự đạt kết quả tốt hơn.

Kể từ lần đầu tiên dùng loại thuốc mới này, hai trong số ba bệnh nhân điều trị với liều cao nhất cytoxan đã không cần dùng thuốc chống virus sao chép ngược trong nhiều tuần. Bệnh nhân vẫn còn dấu vết của HIV trong máu, tuy nhiên truyền dần Cytoxan làm giảm số lượng tế bào T, cho phép liệu pháp gen chữa trị bệnh khi các tế bào đang phát triển trở lại. Khi ngừng sử dụng thuốc, các tế bào phục hồi lại nhanh chóng.

Hy vọng kỹ thuật gen mới sẽ bắt chước các đột biến gen mà các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy trong các nghiên cứu của CCR5 và giúp chống lại virus.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định Ngày càng tăng mối đe doạ từ thực phẩm không an toàn

Thực phẩm không an toàn, ví dụ như thịt nấu chưa chín, trái câyrau quả bị dính chất thải hay các loài động vật có mai, vỏ chứa độc tố biển, có thể gây ra 200 vấn đề từ tiêu chảy đến ung thư. Chúng chứa nhiều loại vi khuẩn có hại, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất. Theo TCYTTG, việc điều tra các ổ dịch bệnh liên quan tới thực phẩm ngày càng trở nên khó khăn vì những nguyên liệu để nấu nướng đang có xu hướng được kết hợp từ nhiều loại đến từ nhiều quốc gia.
 

Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc TCYTTG nói rằng: “Một vấn đề thực phẩm địa phương có thể nhanh chóng biến thành một tình trạng khẩn cấp quốc tế. Việc sản xuất thực phẩm đã được công nghiệp hóa, và quá trình thương mại cũng như phân phối chúng được toàn cầu hóa. Điều này khiến thực phẩm dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn có hại, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất”. Các phân tích từ khắp nơi trên thế giới cho thấy:

-Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan tới thực phẩm được gây ra bởi các mầm bệnh như Salmonella spp., E. coli và Norovirus.

-Đa số người thiệt mạng là ở châu Phi và Đông Nam Á.

-40% số ca tử vong nằm ở nhóm dưới 5 tuổi, nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Không những vậy, các chuyên gia còn cho biết bệnh tật do thực phẩm gây ra cũng mang theo những rủi ro kinh tế lớn. TCYTTG ước tính rằng dịch E. coli ở Đức vào năm 2011 đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và các ngành công nghiệp với số tiền lên tới 1,3 tỷ USD. Hiện tại, TCYTTG đang ra sức kêu gọi chính phủ các nước khẩn trương tăng cường các hệ thống an toàn thực phẩm. Vào ngày 7/4 tới đây, TCYTTG sẽ phát động chiến dịch an toàn thực phẩm với khẩu hiệu “From Farm to Plate” (Từ trang trại tới bàn ăn). Chiến dịch này nhằm mục đích nhắc nhở cộng đồng và chính phủ các nước chú tâm hơn tới mức độ an toàn của thực phẩm từ nguồn gốc thành phần cho tới cách xử lý, chế biến. TCYTTG cũng đưa ra một số khuyến cáo về việc làm thế nào để có thực phẩm an toàn như sau:

-Rửa tay, thực phẩm và dụng cụ trước khi chuẩn bị thức ăn

-Phân chia thực phẩm sống và chín riêng biệt - sử dụng đồ dùng riêng cho việc xử lý thực phẩm tươi sống

-Nhiệt độ an toàn - không giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ đồng hồ. Làm nóng thực phẩm trên 60oC trước khi sử dụng.

-Sử dụng nước sạch để rửa rau và trái cây.

In 3D - Cuộc cách mạng trong y học

Từ chân tay giả tới răng và van tim, công nghệ này đang đưa những giải pháp “Theo đơn đặt hàng” đến với các phòng mổ và phòng mạch. Các chuyên gia cho biết, hiện đang có hàng chục bệnh viện thử nghiệm với máy in 3D, trong khi các nhà khoa học đang nghiên cứu những ứng dụng tương lai hơn của công nghệ này: in ra các mô và cơ quan của người. Sydney Kendall - cô bé bị mất cánh tay phải dưới khuỷu tay trong một tai nạn thuyền buồm khi mới chỉ 6 tuổi. Đến nay ở tuổi 13, Sydney đã được lắp nhiều tay giả. Nhưng không có cái nào trong số đó tiện lợi và dễ thương như chiếc tay giả robot in 3D bằng chất dẻo màu hồng mà em đang mang.

Các sản phẩm từ máy in 3D giúp cho những người khuyết tật tay, chân có cuộc sống bình thường. Cánh tay được thiết kế theo ý khách hàng - màu hồng theo đúng yêu cầu của cô bé vào mùa xuân năm ngoái bởi nhóm sinh viên công nghệ Trường Đại học Washington (Mỹ), đối tác của Bệnh viện Shriners. Họ đã in nó trong khi Sydney cùng cha mẹ em ngồi xem. “Mất khoảng 7 phút cho mỗi ngón tay” - mẹ của Sydney cho biết. “Tất cả chúng tôi đều “choáng”. Cánh tay robot với ngón cái có thể đối chiếu được giúp Sydney cầm bóng, sử dụng chuột máy tính và nhặt cốc cà phê bằng giấy.

Cánh tay robot như của Sydney chỉ là một ví dụ về việc công nghệ in 3D được sử dụng như thế nào trong kỷ nguyên mới của y học cá nhân hóa.
  

In 3D là gì?

Hãy hình dung bạn có một chiếc máy in phun, nhưng thay vì phun ra mực theo hình dáng của chữ cái thì nó phun ra gel hoặc bột chất dẻo hoặc kim loại theo hình dáng của răng, ngón tay hoặc khớp háng. Máy in thông thường nhận tài liệu để in, trong khi máy in 3D nhận lệnh từ máy chụp cộng hưởng từ hoặc máy chụp cắt lớp vi tính về bộ phận cơ thể. Nó tạo ra vật thể - hết lớp này đến lớp khác từ dưới lên trên. Mặc dù các máy in 3D đã ra đời từ thập kỷ 80, song việc sử dụng nó trong y học đã có bước nhảy vọt trong vài năm trở lại đây.

Răng giả, chi giả và tai giả

In 3D đã được sử dụng rộng rãi cho nhiều bộ phận của cơ thể, thường được làm bằng chất dẻo hoặc kim loại có tiếp xúc với cơ thể nhưng không đi vào máu như răng, tai và chi giả. “Trước đây, chụp răng giả phải được làm trong xưởng, mất vài ngày tới vài tuần và bệnh nhân phải đến nha sĩ hai hoặc ba lần” - TS. Chuck Zhang, giáo sư công nghệ công nghiệp và hệ thống tại Viện Công nghệ Georgia cho biết. Giờ đây, bác sĩ nha khoa có thể chụp ảnh 3D của chiếc răng và in chụp răng ra ngay tại chỗ. Kỹ thuật mang lại cho những người bị mất chi như cô bé Sydney một giải pháp để thay thế cho chi giả xấu xí và khó lắp. Các xưởng in 3D thường hợp tác với khách hàng để thiết kế nên những chi giả đậm phong cách và nghệ thuật mà người dùng muốn khoe ra chứ không phải giấu đi. Zhang và các cộng sự tại Viện Công nghệ Georgia đang làm việc với các cựu chiến binh bị mất chi để chỉnh sửa chi giả không lắp vừa. Nhóm của ông sử dụng vật liệu in 3D để chế tạo những ổ chi giả thích nghi với sự thay đổi mức thể dịch của cơ thể. Ổ này sẽ chặt lại hoặc lỏng ra khi cần để chi giả không bị tuột cũng như không gây đau đớn khó chịu.

Các thiết bị cấy trong cơ thể

Chất dẻo và kim loại in 3D cũng có thể được đưa vào trong cơ thể. Năm 2012, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Mott, Đại học Michigan đã cứu được 2 em bé bằng cách đặt những nẹp nhựa in 3D vào khí quản của các bé. Dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính đường thở của bé Garrett, BS. Green và GS. Hollister đã thiết kế và in những chiếc nẹp vừa vặn với bệnh nhân để giữ cho đường thở của Garrett luôn mở thông. Cuối cùng, cơ thể bé sẽ hấp thu thiết bị và đường thở sẽ tự đứng vững được. Bệnh viện nhi đồng Mott cho biết, họ là cơ sở đầu tiên trên thế giới thực hiện thủ thuật này.

Mô sống

Ngoài kim loại và chất dẻo, các bác sĩ và các nhà khoa học cũng đang tìm cách tải vào máy in 3D những tế bào của người và in ra mô sống, một công nghệ gọi là in sinh học. Phép màu ở đây là in ra tạng sống để ghép từ chính tế bào của bệnh nhân. Một số chuyên gia dự báo chỉ một hai thập kỷ nữa là điều này sẽ trở thành hiện thực và có thể cách mạng hóa việc ghép tạng. Bệnh nhân sẽ không còn chết trong khi đợi tạng và hệ miễn dịch của họ cũng không “từ chối” tạng được ghép. Sử dụng công nghệ này, Viện Nghiên cứu Wake Forest đã chế tạo được gan “tí hon” mà họ cho biết sẽ dùng để thử nghiệm độc tính của thuốc. Dự kiến, phương pháp chính xác hơn nhiều so với việc thử trên động vật và trên tế bào như cách truyền thống. 

Ngày 20/04/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang & PGS.TS. Triệu Nguyên Trung  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích