Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 4 5 5 8
Số người đang truy cập
5 4 7
 Tin tức - Sự kiện Quốc tế
Một số tiến bộ gần đây trong lĩnh vực y học trên thế giới

Con người có thể nuốt những máy cảm biến nhỏ xíu, bên trong các cảm biến này là những giả dược. Những máy cảm biến này sẽ theo dõi và chia sẻ dữ liệu khi nào con người chúng ta bị ốm và uống thuốc như thế nào. Chuyện nghe có vẻ viễn tưởng nhưng nó đang sắp trở thành sự thật.

Chip tiêu hóa tự chẩn đoán sớm bệnh tật

Những con chip tiêu hóa

Nhiều người cao tuổi mỗi ngày đang phải uống các loại thuốc như: thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế bơm proton, vitamin và các chất bổ sung khác. Khi những người cao tuổi không đủ khả năng chăm sóc bản thân và cũng không có người kiểm soát việc uống thuốc thì vấn đề đặt ra là họ rất dễ nhầm lẫn các loại thuốc. Khi bạn bị mất phương hướng, các ứng dụng GPS trong điện thoại thông minh có thể dẫn bạn đi theo con đường đúng. Nhưng làm thế nào để một người bệnh tự theo dõi các viên thuốc mình đã sử dụng đúng hay sai lại là chuyện khác. Chỉ khoảng 50% bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDCP), năm 2010 khoảng 40% người trên 65 tuổi đã uống từ 5 viên thuốc hoặc hơn thế mỗi ngày. Quản lý việc nhầm lẫn thuốc đang gây nhiều áp lực cho hơn 10.000 người đã bước sang tuổi 65 mỗi ngày.

Từ đó, các công ty đã tìm ra các giải pháp công nghệ để giám sát thuốc uống. Ngày nay, những thiết bị cảm biến cơ thể mới nhất chẳng hạn như BBs, cái gọi là Nanomeds (thuốc Nano) là những cảm biến siêu nhỏ bọc giả dược bên trong, người bệnh có thể dễ dàng nuốt và nó sẽ tự theo dõi đường ruột của bạn. Những “chip tiêu hóa” này sẽ nảy lên khi tiếp xúc với nước bọt/hay dịch tiêu hóa. Một cảm biến khác sẽ ghi nhận các tín hiệu. Hệ thống này sẽ ghi lại việc hấp thụ thuốc cũng như các biện pháp đo lường khác, chẳng hạn như nhịp tim đập. Thông tin sau đó sẽ được hiển thị trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng thông qua Bluetooth và có thể gửi trực tiếp đến bác sĩ, các thành viên gia đình hay những người chăm sóc...

Ông Andrew Thompson, Giám đốc và nhà đồng sáng lập của Proteus Digital Health, người trực tiếp tạo ra “chip tiêu hóa” cho biết, mục tiêu của công nghệ này là kết nối với các hệ thống y tế lớn đến tay người tiêu dùng “nhằm cho phép gắn kết họ với sự chăm sóc sức khỏe cá nhân, tạo ra những thông tin quan trọng mà có thể được sử dụng để đảm bảo rằng họ và bác sĩ của họ sẽ đưa ra những quyết định tích cực về việc sử dụng thuốc và các sự lựa chọn y tế cá nhân”.

Thời đại kết nối chăm sóc sức khỏe

Với quyền lực mạnh mẽ, những con chip tiêu hóa được chế tạo một cách tinh vi sẽ giúp cho người cao tuổi đạt được sự hoạt động vững chắc và thoát ra khỏi phạm vi chăm sóc thông thường. Ông Bill Satariano từ Trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học California Berkeley tin chắc rằng sẽ đến lúc con người rất cần những “con chip tiêu hóa” này. Bởi một phần là chúng ta sẽ dựa trên những công nghệ thông tin liên tục mới mẻ để theo dõi đường đi của các viên thuốc; chúng ta sẽ ăn hay uống gì để đảm bảo sức khỏe và thiết bị này cũng gia tăng khả năng theo dõi sức khỏe bệnh nhân của bác sĩ trong việc uống thuốc. Ông David Lindeman, một đồng nghiệp của ông Bill Satariano, ghi nhận trong một báo cáo được xuất bản vào năm 2014 rằng, những dạng công nghệ thông tin sẽ đóng một số vai trò quan trọng trong một dạng thức được biết đến dưới cái tên là “sức khỏe kết nối”. Chúng sẽ hoạt động dựa trên các công nghệ internet để giúp cung cấp chăm sóc cho các hộ gia đình.

Dạng công nghệ này được sử dụng để giám sát các cá nhân có bệnh mạn tính, giúp phát hiện bệnh kịp thời, vì thế nhanh chóng phòng ngừa các biến chứng có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm. Đơn cử như, nếu phát hiện một đứa trẻ có lượng đường trong máu tăng cao thì nhóm y tế có thể biết sớm và chẩn đoán trước khi lượng đường đạt tới mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên, các thiết bị giám sát riêng biệt chỉ đang là sự khởi đầu của “chip tiêu hóa”.

Không còn xa, người ta sẽ cấy những con chip vô hình ngay trong các viên thuốc thực sự, giúp bệnh nhân nhớ đến việc uống thuốc của họ, bởi các viên thuốc sẽ gửi ngược trở lại các thông điệp khi chúng đang ở trong hệ thống. Tất cả những dạng công nghệ y tế cao cấp này có thể giúp cải thiện cả việc sử dụng thuốc và hiệu quả cho người già tại nhà, đồng thời giúp họ đạt được một cuộc sống chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, chúng có thể giảm hay loại bỏ những cách chăm sóc tốn kém tại bệnh viện.

Thiết bị cầm tay phát hiện nhanh virus bệnh truyền nhiễm

Tiến sĩ Jackie Ying (bên trái) và Tiến sĩ Tian Wei-Cheng thuộc IBN, với máy dò virus tự động. (Nguồn: Today Singapore) à


Các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Sinh học và Công nghệ nano (IBN) Singapore vừa thành công trong việc tạo ra một bộ kit cầm tay phát hiện nhanh các bệnh truyền nhiễm trong vòng hai giờ. Thiết bị này có thể phát hiện virus truyền nhiễm phổ biến, bao gồm cả H1N1 và hội chứng hô hấp cấp tính nặng, từ bệnh phẩm, máu và nước bọt trong khoảng thời gian ngắn.

Với kích thước nhỏ gọn (17cmx14cm), chiếc máy dò virus tự động này sẽ lưu các mẫu lâm sàng như máu hoặc mô... vào những hộp mực in rồi phân tích. Khi phân tích hoàn tất, máy sẽ được kết nối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android, chẳng hạn như một chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Một ứng dụng đi kèm trong điện thoại hoặc máy tính bảng sẽ chỉ ra có hay không có virus hiện diện trong mẫu. Giám đốc điều hành IBN Jackie Ying, một trong những nhà khoa học phát triển thiết bị này, cho biết tất cả các quy trình phát hiện virus hiện đang diễn ra tại các phòng thí nghiệm, nơi nó có thể mất từ 8-48 giờ để hoàn thành việc phân tích. Vì thế, việc nghiên cứu thành công bộ kit phát hiện nhanh virus với thao tác dễ dàng để sử dụng sẽ giúp cho các bác sĩ phát hiện bệnh nhanh chóng và chính xác ở giai đoạn đầu, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả, góp phần giải quyết những thách thức của sự bùng nổ hàng loạt các bệnh truyền nhiễm hiện nay.

Huyết khối và ung thư

Huyết khối tĩnh mạch ở các bệnh nhân ung thư đã được mô tả lần đầu tiên bởi Armand Trouseau từ năm 1865. Cơ chế hình thành huyết khối do ung thư rất phức tạp và do nhiều yếu tố gây nên. Điều đáng chú ý là tỷ lệ bệnh nhân ung thư có huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc nhồi máu phổi lên đến 20%. Theo Khorana và cộng sự thì huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai ở các bệnh nhân ung thư. Trong đó, các loại ung thư tụy, phổi, đường tiêu hóa, thận, vú và tiền liệt tuyến là những loại ung thư có nguy cơ hình thành huyết khối cao nhất.

Các cục máu đông ở tĩnh mạch sâu (chủ yếu là ở chân) có thể di chuyển lên phổi,gây thuyên tắc phổi à

Bệnh lý huyết khối

Bệnh lý huyết khối là gánh nặng có thể ảnh hưởng lên cả hệ thống động mạch và tĩnh mạch. Trong đó, huyết khối thuyên tắc tĩnh mạch bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu  (HKTMS) và thuyên tắc phổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thường gặp. Theo thống kê, hàng năm, VTE đe dọa tính mạng của hàng triệu người trên thế giới. Tính riêng châu Âu, HKTMS đã là nguyên nhân tử vong của hơn 500.000 người mỗi năm, cao hơn gấp đôi tổng số bệnh nhân tử vong do AIDS, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và tai nạn giao thông. Hơn thế nữa, quan điểm mới về huyết khối tĩnh mạch không còn coi đó chỉ là một bệnh lý cấp tính từng giai đoạn mà là một quá trình tiến triển mạn tính cần theo dõi, điều trị và dự phòng lâu dài.

 

Triệu chứng lâm sàng của bệnh đôi khi không điển hình. Chẩn đoán thuyên tắc - huyết khối dựa vào nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch, tính chất 1 bên của các triệu chứng lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (bao gồm các kỹ thuật xâm lấn và không xâm lấn). Nguy cơ tái phát HKTMS cao nhất trong những tháng đầu sau khi được chẩn đoán xác định ung thư, nguy cơ này tồn tại trong nhiều năm sau khi xuất hiện triệu chứng của HKTMS. Quá trình điều trị hóa chất làm gia tăng nguy cơ mắc HKTMS lên 7 lần so với người không mắc ung thư. Khi phải nhập viện, tỷ lệ HKTMS ở người ung thư còn gia tăng hơn nữa. Thậm chí, nguy cơ tái phát HKTMS ở người mắc ung thư cao gấp 3 lần so với người có HKTMS đơn thuần. Mối quan hệ giữa ung thư và tắc mạch là khá rõ ràng, tiến triển HKTMS ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến diễn tiến của người mắc ung thư...

Lĩnh vực ung thư - tim mạch là sự giao thoa giữa hai chuyên ngành lớn trong chăm sóc sức khỏe mạn tính, liên quan đến chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch ở người có ung thư. Đối với người bệnh ung thư, các biện pháp điều trị mới (hóa chất, tia xạ) kéo dài tuổi thọ và cứu sống người bệnh, song cũng gây không ít độc tính và ảnh hưởng đối với bệnh tim mạch. Đối với người bệnh tim mạch, các biện pháp điều trị mới kéo dài sống còn, khiến khả năng phát hiện và gia tăng ung thư cũng bộc lộ rõ hơn. HKTMS hiện nay là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây tử vong ở các bệnh nhân ung thư. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ hình thành HKTMS nằm trong khoảng từ 0,8 - 8%, cao nhất trong nhóm ung thư não, phổi, tử cung, bàng quang, tụy, dạ dày và thận. Bệnh nhân ung thư đã di căn có tỷ lệ mắc cao gấp 4 - 15 lần so với các bệnh nhân khác.

Phương pháp mới chẩn đoán sớm bệnh ung thư tụy

Một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Gothenburg (Thụy Điển) ngày 18/3 công bố đã tìm ra phương pháp chẩn đoán ung thư tụy ở giai đoạn sớm hơn khả năng hiện nay, mở ra hy vọng cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh này.

Với độ chính xác lên tới 97%, các bước tiến hành của phương pháp này giống như phương pháp nội soi thông thường. Cụ thể, nhóm chuyên gia tiến hành một xét nghiệm, trong đó đặt một chiếc ống bên trong miệng bệnh nhân sau đó luồn xuống dạ dày.

 
Ảnh: funscrape.com

Điểm khác biệt so với nội soi là chiếc ống này sẽ chụp lại hình ảnh siêu âm của các bộ phận trong cơ thể bệnh nhân giúp các bác sỹ xem xét và nhận diện khối u tốt hơn. Theo bà Karolina Jabbar, đồng tác giả nghiên cứu, phương pháp này không những được kỳ vọng sẽ phát hiện ung thư sớm, thời điểm ung thư có thể được ngăn chặn hay điều trị, mà còn giảm nguy cơ phải thực hiện phẫu thuật không cần thiết. Ngoài những khối u mới phát hiện, những khối u đã có từ trước cũng có thể được xét nghiệm bằng phương pháp này, với tỷ lệ chính xác là 90%, giúp xác định dễ dàng hơn nếu một bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật ngay hay không. Chỉ có 5% bệnh nhân ung thư tụy sống được nhiều hơn 5 năm sau chẩn đoán vì các khối u thường âm thầm phát triển và di căn ra các bộ phận khác của cơ thể trước khi được phát hiện.

Phát hiện ung thư dạ dày qua hơi thở

Các nhà khoa học Isarel và Trung Quốc đã thử nghiệm thành công phương pháp phát hiện ung thư dạ dày nhanh chóng và đơn giản: qua hơi thở. Theo tạp chí Ung thư Vương Quốc Anh, phép thử có độ chính xác tới 90% và sẽ là một cuộc cách mạng trong việc chẩn đoán và chữa trị ung thư dạ dày. Việc phát hiện ung thư dạ dày qua hơi thở sẽ tạo ranhiều cơ hội sống cho các bệnh nhân mắc bệnh này. Hiện nay các bác sĩ chẩn đoán loại ung thư này bằng cách lấy sinh thiết dạ dày qua một đầu dò có camera linh hoạt thông qua miệng xuống thực quản. Nhưng với phép thử qua hơi thở, các thành phần hóa học đặc trưng trong những dạ dày mắc ung thư sẽ được phát hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Giáo sư Hossam Haick viện Nghiên cứu Công nghệ Israel người đứng đầu nhóm nghiên cứu đã làm thí nghiệm với 37 bệnh nhân mắc ung thư, 32 người mắc chứng loét dạ dày và 61 người có những vấn đề khác về dạ dày. Qua hơi thở, các bác sĩ không những đã phát hiện sự phân hóa giữa những bệnh nhân ung thư với số còn lại, mà còn chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của ung thư. Phép thử mới này cũng chính xác trên chó. 80% bệnh nhân khi phát hiện ung thư dạ dày đang ở giai đoạn không thể phẫu thuật. 2/5 số bệnh nhân có thể tiếp tục sống ít nhất 1 năm nhưng chỉ có 1/5 kéo dài sự sống tới 5 năm. Vì vậy thành công này sẽ là bước tiến lớn tạo thêm nhiều cơ hội sống đối với các bệnh nhân ung thư.

Liệu pháp tế bào tua: hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư

Liệu pháp tế bào tua hay một số người còn gọi là liệu pháp “tế bào gốc trong điều trị ung thư” không chỉ giúp người tìm ra nó đoạt giải Nobel năm 2011 mà còn giúp cho chính “chủ nhân” của phương pháp này - Giáo sư Ralph Steinman (Canada) sống được thêm hơn 10 năm sau khi phát hiện căn bệnh ung thư.

Tin vui nhân dịp đầu năm 2015 là, sau quá trình tiến hành nghiên cứu, sắp tới đề tài “Nghiên cứu phân lập và sử dụng tế bào miễn dịch (tế bào tua) trong điều trị ung thư” của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang chờ nghiệm thu và có thể triển khai ứng dụng điều trị trên người, mở ra hy vọng mới cho người bệnh.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã công bố điều trị thành công cho người bệnh ung thư (UT) bằng phương pháp xạ trị liều cao rồi cấy tế bào gốc (TBG) (chủ yếu là TBG tạo máu) để tái tạo hệ thống miễn dịch và máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này, bên cạnh những ưu điểm còn có nhược điểm là khi xạ trị liều cao có khả năng tiêu diệt cả tế bào lành tính khác, đặc biệt việc ứng dụng trong các trường hợp khối u đã di căn còn nhiều khó khăn. Vậy phải làm thế nào để vừa có thể “quét sạch” tế bào UT lại vừa có thể bảo tồn được những tế bào tích cực khác?

Các nhà khoa học đã giải quyết bài toán này bằng liệu pháp “tế bào tua” (Dendritic cells - là tế bào chuyên trình diện kháng nguyên (tế bào APC) chuyên nghiệp cho các tế bào miễn dịch như tế bào lympho T, lympho B và tế bào diệt tự nhiên (NK) trong đáp ứng miễn dịch của động vật có vú, kể cả người). Một điều đáng ghi nhận là nhờ cơ chế kích hoạt hệ miễn dịch, tế bào tua bên cạnh khả năng giúp các tế bào của hệ miễn dịch “tìm, diệt” tế bào UT ác tính, kể cả TBG UT thì tế bào tua còn có khả năng kích thích tạo ra hệ thống miễn dịch (như vắc-xin) cho người bệnh, nhằm ngăn chặn nguy cơ tái phát/di căn của tế bào ác tính trên cơ thể. Liệu pháp này còn có thể góp phần điều trị các căn bệnh UT mà không thể phẫu thuật do khối u khác như UT tủy, não...

 
Nghiên cứu tế bào tua tại phòng thí nghiệm ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) chuẩn bị nghiệm thu

Đúc rút thành tựu nghiên cứu của thế giới, Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng TBG, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM hơn 5 năm qua đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng liệu pháp này và đã có những thành công nhất định. Dự kiến đầu năm 2015, đề tài này sẽ được nghiệm thu và sau đó sẽ được triển khai giai đoạn tiếp theo để có thể điều trị lâm sàng nhằm đem lại những hy vọng mới cho người bị UT. Tiến sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng TBG, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ.

Theo TS Phạm Văn Phúc, liệu pháp tế bào tua trong điều trị UT đã được tiến hành nghiên cứu trên chuột mang UT vú, kết quả cho thấy, khi không kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị, việc ghép tế bào tua được cảm ứng trình diện các kháng nguyên tế bào UT vú với liều một triệu tế bào đã làm khối u vú của chuột giảm kích thước đến 87,5% so với khối u ban đầu. Các kết quả trên mô hình chuột mang khối u vú người cũng cho thấy, việc ghép tế bào tua đã làm chậm, ức chế sự phát triển khối u so với chuột không điều trị.

Trên thế giới, theo thông tin trên trang clinicaltrial.gov (cổng thông tin về các nghiên cứu điều trị lâm sàng của Mỹ), đến nay đã có 574 thử nghiệm lâm sàng đã sử dụng tế bào tua trong điều trị bệnh, trong đó hầu hết là điều trị UT.

Cũng theo thống kê này, ở Mỹ đã tiến hành 351 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng với tế bào tua; tại khu vực Đông Nam Á đã có sáu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào tua trong điều trị bệnh UT (Malaysia 1, Philippines 1, Singapore 3, và Thái Lan 1). Đến nay, liệu pháp tế bào tua đã được cho phép ứng dụng điều trị một số bệnh UT tại một số quốc gia như Mỹ vào năm 2010, Nhật vào năm 2013… Chi phí điều trị bằng liệu pháp này ở nước ngoài khoảng vài chục đến hàng trăm ngàn USD/quy trình. Tại Việt Nam, nếu được đem vào ứng dụng điều trị thì chi phí chỉ khoảng 5.000 USD (khoảng hơn 100 triệu) đến 20.000 USD/quy trình (khoảng 400 triệu đồng).

 
Nghiên cứu về tế bào tua tại phòng thí nghiệm ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM)

Năm 2007, trong buổi gặp trao đổi về công nghệ điều trị UT mới, đoàn công tác của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM được một doanh nghiệp Trung Quốc chào bán công nghệ này với giá năm triệu USD. Khi đó, GS-TS Trương Đình Kiệt - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM và hiện đang là Chủ tịch Hội TBG TP.HCM, đã quay sang hỏi TS Phạm Văn Phúc: “Công nghệ này mình có thể tự nghiên cứu làm được không?”.

Khi đó, TS Phúc cho biết, chúng ta có thể nghiên cứu làm được và không cần phải mua. Quan trọng hơn việc mua công nghệ giá cao là mình có thể làm chủ được công nghệ. Vậy là sau khi về nước, TS Phạm Văn Phúc đã làm hồ sơ đăng ký đề tài nghiên cứu cấp nhà nước để nghiên cứu công nghệ này và được Bộ Khoa học công nghệ duyệt kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Điều thú vị nữa là công trình này được đem về triển khai nghiên cứu tại Việt Nam từ năm 2008, tức thời điểm trước khi Giáo sư Ralph Steinman được trao giải Nobel cho nghiên cứu này tới ba năm.

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư gan

Một năm trở lại đây, cuộc sống của hàng chục bệnh nhân ung thư gan tại Việt Nam đã được cải thiện và nâng cao nhờ áp dụng thành công phương pháp hạt vi cầu phóng xạ. Điều trị bệnh ung thư gan là một thách thức với ngành Y, bởi lẽ có rất ít phương pháp đặc trị điều trị hiệu quả căn bệnh này, nhất là với những người mắc ung thư gan giai đoạn muộn. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, cuộc sống của hàng chục bệnh nhân ung thư gan đã được cải thiện và nâng cao nhờ áp dụng thành công phương pháp hạt vi cầu phóng xạ. Mặc dù kỹ thuật này đã được thực hiện từ lâu trên thế giới, nhưng rất ít quốc gia triển khai do đây là kỹ thuật khó với chi phí tốn kém. Hiện tại, ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ có một số quốc gia thực hiện thành công phương pháp này như: Australia, Singapore, Thái Lan…

Năm 2014, Việt Nam cũng đã áp dụng thành công phương pháp này lần đầu tiên. Từ đó đến nay, trên cả nước mới có bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công phương pháp này.

Thêm cơ hội sống cho người bệnh

Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhật (69 tuổi, Phú Thọ) phát hiện mắc bệnh ung thư gan cách đây 8 năm. Năm 2008, bệnh nhân đã điều trị ở bệnh viện 108 bằng phương pháp nút mạch. Bốn năm sau, bà lên bệnh viện Bạch Mai tái khám vì khối u tái phát. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện nút mạch lần 2 cho bệnh nhân.

Đến năm 2015, do bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn, không thể áp dụng phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, bà Nhật đã được các bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai chỉ định áp dụng phương pháp hạt vi cầu phóng xạ.“Chỉ sau vài giờ thực hiện, tôi đã có thể ra viện. Đặc biệt, chỉ sau 2 ngày áp dụng phương pháp này, tôi thấy sức khỏe được cải thiện hơn rất nhiều và có thể đi lại bình thường”, Bà Nhật chia sẻ. Theo ông Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, trước đây, khi chưa áp dụng thành công phương pháp này tại Việt Nam, những trường hợp như bệnh nhân Nhật có thể điều trị ung thư gan bằng nhiều phương pháp khác nhau như: phẫu thuật tại chỗ, nút mạch, đốt sóng cao tần, tiêu diệt khối u tại chỗ bằng sử dụng nhiệt, điều trị bằng hóa chất, bằng xạ trị.

“Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của những phương pháp này không cao vì rất ít hóa chất có hiệu quả và đáp ứng tốt với bệnh ung thư gan; phương pháp xạ trị cũng như vậy”, Ông Mai Trọng Khoa cho biết. Trường hợp bệnh nhân Nhật chỉ là 1 trong 18 bệnh nhân mắc ung thư gan được điều trị thành công từ phương pháp này tại bệnh viện Bạch Mai từ tháng 2/2014 đến nay. Trong các loại ung thư thì ung thư gan là một trong những loại bệnh khó điều trị và hiệu quả, đặc biệt là bệnh ở giai đoạn muộn. “Tuy nhiên, phương pháp mới này đã cứu sống nhiều người bệnh, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, hiệu quả điều trị bệnh từ phương pháp này rất cao trong khi biến chứng và phản ứng phụ lại rất ít. Đây là một phương pháp rất tốt”, Ông Mai Trọng Khoa đánh giá.

Đề xuất BHXH chi trả một phần

Ung thư gan là 1 trong 8 bệnh ung thư hay gặp nhất trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 4 trong các loại ung thư ở cả nam và nữ. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư gan đến BV điều trị trong giai đoạn muộn rất cao nên quá trình điều trị rất khó khăn, kém hiệu quả và tốn kém.

Theo bác sĩ Trần Hải Bình, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nếu điều trị ung thư bằng hóa chất, chi phí 1 tháng vào khoảng 120 triệu. Bảo hiểm y tế chi trả 50% nên người bệnh sẽ phải trả 60 triệu/tháng. Một đợt điều trị kéo dài 10 tháng thì con số bệnh nhân phải trả sẽ lên tới 1,2 tỷ đồng (nếu không được BHYT chi trả). Trong khi đó, người bệnh phải chi trả 330 triệu đồng/lần thực hiện điều trị bằng phương pháp hạt vi cầu phóng xạ. Như vậy, tính trung bình thì điều trị bằng phương pháp này rẻ hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống hiện nay như xạ trị, hóa trị. “Tuy nhiên, do phải bỏ ra một khoản tiền lớn lên tới 330 triệu đồng một lúc, nhiều gia đình bệnh nhân không đủ sức cáng đáng. Vì vậy, cho đến nay Trung tâm mới thực hiện phương pháp này đối với 18 bệnh nhân”, bác sĩ Bình cho hay. Ngoài ra, không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định áp dụng phương pháp này. Phương pháp hạt vi cầu phóng xạ được chỉ định với những bệnh nhân đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó như: phẫu thuật, nút mạch, xạ trị và hóa trị. "Hiện tại, phương pháp điều trị mới này chưa được BHYT thanh toán. Sắp tới, Trung tâm sẽ nghiên cứu và đề xuất BHYT thanh toán một phần chi phí của phương pháp điều trị này", bác sĩ Bình nói.

Đột phá trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Quân y 103, Học viện Quân y đã thực hiện thành công phẫu thuật giảm thể tích phổi điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) đang là gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 600 triệu người mắc bệnh. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ tư trên thế giới và sẽ là thứ 3 vào năm 2020. Ở các BV tuyến chuyên khoa thường gặp các bệnh nhân mắc bệnh lâu năm, bệnh ở giai đoạn muộn và có nhiều biến chứng như suy tim, suy hô hấp mạn. Viêm phế quản mạn và khí thũng phổi là hai bệnh lý chính trong BPTNMT. Khí thũng phổi gây tình trạng căng giãn phổi không hồi phục làm giảm độ đàn hồi của phổi và tắc nghẽn đường thở do tăng xẹp đường thở ở thì thở ra dẫn đến giảm lưu lượng khí thở ra. Do vậy, bệnh nhân thường xuyên khó thở và tăng lên khi vận động, chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm.

Kỹ thuật làm giảm thể tích phổi (Lung volume reduction_LVR) chính là làm giảm thể tích vùng phổi khí thũng, do đó sẽ làm tăng độ đàn hồi của phổi và duy trì được kích thước ban đầu của vùng phổi ít tổn thương. Lợi ích của kỹ thuật là làm giảm tình trạng khó thở của bệnh nhân, cải thiện chức năng phổi, giảm đợt cấp của bệnh, tăng khả năng vận động của bệnh nhân, giảm sự tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Có 2 kỹ thuật điều trị giảm thể tích phổi: nội soi phế quản và phẫu thuật làm giảm thể tích phổi. Kỹ thuật làm giảm thể tích phổi bằng phẫu thuật (Lung volume reduction sergery_LVRS) điều trị khí thũng phổi đã được thực hiện đầu tiên từ những năm 1950. Trước đây là phẫu thuật mở nên hiệu quả của kỹ thuật thấp, tai biến, biến chứng còn cao.

Từ năm 2000 trở lại đây, kỹ thuật này được phát triển nhờ có nội soi lồng ngực hỗ trợ video (Video-assisted thoracoscopy) nên hiệu quả của kỹ thuật cao, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn và tai biến, biến chứng ít. Các nghiên cứu đa trung tâm trên thế giới cho thấy những bệnh nhân BPTNMT sau phẫu thuật giảm thể tích phổi đã cải thiện rõ rệt tình trạng khó thở và chức năng hô hấp (FEV1 tăng từ 25,3 - 38,3%, thể tích khí cặn giảm từ 20 - 30%), khả năng gắng sức của bệnh nhân tăng và giảm các đợt cấp trong năm; ngày nằm viện trung bình chỉ khoảng 9 ngày và chỉ gặp vài biến chứng nhẹ sau mổ và hồi phục, ra viện sau một tuần hậu phẫu.

 
 

Hình ảnh phẫu phuật nội soi cắt giảm thể tích phổi (a), Xquang phổi trước phẫu thuật (b) và sau phẫu thuật 1 tháng (c) của bệnh nhân.


Để đánh giá và lựa chọn những bệnh nhân thích hợp cho thực hiện kỹ thuật LVRS, người bệnh cần được khám bệnh và làm các xét nghiệm chuyên khoa như chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, đo chức năng hô hấp, các thể tích và dung tích phổi, điện tim, siêu âm tim... Các bệnh nhân phải được tư vấn và điều trị đợt cấp ổn định và điều trị duy trì bệnh định kì trước, trong và sau phẫu thuật nội soi làm giảm thể tích phổi. Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện phẫu thuật nội soi làm giảm thể tích phổi là Vũ Đức Hải (62 tuổi, quê quán Nghĩa Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định). Bệnh nhân mắc bệnh khoảng 10 năm, 4 năm gần đây, bệnh nhân khó thở thường xuyên và tăng khi đi lại.

Hàng năm, bệnh nhân phải nằm bệnh viện nhiều lần vì đợt cấp của bệnh. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy khí thũng ở cả 2 phổi và nặng nhất ở thùy dưới phổi phải. Đo chức năng hô hấp có rối loạn thông khí nặng: FEV1 23,4% số lý thuyết (SLT), thể tích cặn tăng (193% SLT), dung tích toàn phổi tăng (126% SLT). Bệnh nhân đã được điều trị và chuẩn bị trước phẫu thuật tại Khoa lao và bệnh phổi. Ngày 20/11/2014, dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Đồng Khắc Hưng - Phó Giám đốc HVQY, PGS.TS. Hoàng Mạnh An - Giám đốc BV Quân y 103, kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt bán phần thùy giữa và dưới phổi phải qua nội soi cho bệnh nhân. Sau 1 tuần điều trị hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân ổn định và ra viện. Kiểm tra lại 1 tháng sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt: khó thở giảm nhiều, bệnh nhân đi lại thấy dễ dàng, thoải mái hơn; đo chức năng hô hấp có cải thiện rõ rệt (FEV1 tăng lên 53% SLT), bệnh nhân tăng cân so với trước phẫu thuật. Bệnh nhân được tiếp tục kiểm tra và tư vấn điều trị định kì tiếp theo hàng tháng.

Đến nay, đã có 3 bệnh nhân được áp dụng thành công kỹ thuật này tại BV Quân y 103. Việc áp dụng và áp dụng thành công các kỹ thuật cao điều trị BPTNMT tại nước ta bước đầu đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh và đáp ứng nhu cầu điều trị hiện nay cho những bệnh nhân BPTNMT. 

Ngày 16/03/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang và Ths.Đỗ Văn Nguyên  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích