Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 7 9 6 8
Số người đang truy cập
1 0 1
 Tin tức - Sự kiện Quốc tế
Một số nét chấm phá trong báo cáo sốt rét thế giới năm 2018

Báo cáo sốt rét thế giới (World malaria report), được công bố hàng năm, cung cấp một bản cập nhật toàn diện về dữ liệu và xu hướng sốt rét khu vực và toàn cầu. Báo cáo mới nhất, được phát hành vào ngày 19 tháng 11 năm 2018, theo dõi đầu tư vào các chương trình và nghiên cứu sốt rét cũng như tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực can thiệp: phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và giám sát. Báo cáo cũng bao gồm các chương chuyên đề về loại trừ sốt rét và các mối đe dọa chính trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét.

Báo cáo này dựa trên thông tin nhận được từ các chương trình phòng chống sốt rét quốc gia và các đối tác khác ở các quốc gia lưu hành bệnh; hầu hết các dữ liệu được trình bày trong năm 2017.


Hình 1

Gánh nặng sốt rét khu vực và toàn cầu qua những con số

Số ca sốt rét

Trong năm 2017, ước tính có khoảng 219 triệu ca sốt rét xảy ra trên toàn thế giới (95% khoảng tin cậy [CI]: 203-262 triệu ca), so với 239 triệu ca trong năm 2010 (95% CI: 219-285 triệu) và 217 triệu ca vào năm 2016 (95% CI: 200-259 triệu).

Mặc dù so với năm 2010, năm 2017 có ít hơn khoảng 20 triệu ca nhưng dữ liệu trong giai đoạn 2015-2017 cho biết rằng không có sự tiến bộ đáng kể nào trong việc giảm số ca sốt rét toàn cầu được thực hiện trong khoảng thời gian này.

Hầu hết số ca sốt rét trong năm 2017 đều nằm trong khu vực châu Phi của WHO (200 triệu hay 92%), tiếp theo là khu vực Đông Nam Á của WHO với 5% và khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO với 2%.

Mười lăm quốc gia (15) ở vùng cận Saharan châu Phi và Ấn Độ chiếm gần 80% gánh nặng bệnh sốt rét toàn cầu. Năm quốc gia (5) chiếm gần một nửa tất cả số ca sốt rét trên toàn thế giới là: Nigeria (25%), Cộng hòa Dân chủ Congo (11%), Mozambique (5%), Ấn Độ (4%) và Uganda (4%).

10 quốc gia có gánh nặng bệnh sốt rét cao nhất ở châu Phi báo cáo có sự gia tăng số ca bệnh sốt rét vào năm 2017 so với năm 2016. Trong số này, Nigeria, Madagascar và Cộng hòa Dân chủ Congo có sự gia tăng được ước tính cao nhất, tất cả đều lớn hơn nửa triệu ca. Ngược lại, Ấn Độ báo cáo ít hơn 3 triệu ca sốt rét so với cùng kỳ - giảm24% so với năm 2016.

Rwanda đã ghi nhận giảm gánh nặng bệnh sốt rét, với 430 000 trường hợp ít hơn trong năm 2017, và Ethiopia và Pakistan rõ rệt hơn 240 000 trường hợp so với cùng kỳ.

Tỷ lệ mắc mới bệnh sốt rét giảm trên toàn cầu trong giai đoạn 2010 - 2017, từ 72 xuống còn 59 ca/1000 dân có nguy cơ. Mặc dù con số này thể hiện mức giảm 18% trong giai đoạn này, nhưng số ca/ 1000 dân số có nguy cơ vẫn ở mức 59 trong 3 năm qua.

Khu vực Đông Nam Á của WHO tiếp tục cho thấy tỷ lệ mắc bệnh giảm từ 17 ca bệnh /1000 dân có nguy cơ trong năm 2010 xuống còn 7 vào năm 2017 (giảm 59%). Tất cả các khu vực khác của WHO đều ghi nhận có ít tiến bộ hoặc một sự gia tăng tỷ lệ mắc. Khu vực Châu Mỹ của WHO ghi nhận có sự gia tăng, phần lớn là do việc lan truyền bệnh sốt rét ở Brazil, Nicaragua và Venezuela (Cộng hòa Bolivarian). Trong khu vực châu Phi của WHO, tỷ lệ mắc mới bệnh sốt rét vẫn duy trì ở 219 ca/ 1000 dân có nguy cơ mắc bệnh trong năm thứ hai liên tiếp.

Plasmodium falciparum là ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất trong khu vực châu Phi của WHO, chiếm 99,7% số ca sốt rét ước tính vào năm 2017, cũng như trong khu vựcĐông Nam Á của WHO (62,8%), Đông Địa Trung Hải (69%) và Tây Thái Bình Dương (71,9%). P. vivax là ký sinh trùng chủ yếu ở khu vực Châu Mỹ của WHO, chiếm 74,1% số ca sốt rét.

Tử vong do sốt rét

Trong năm 2017, ước tính có 435.000 ca tử vong do sốt rét trên toàn cầu so với 451 000 ca tử vong ước tính trong năm 2016 và 607 000 ca tử vong trong năm 2010.

Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm dễ bị tổn thương nhất do sốt rét. Trong năm 2017, trẻ em chiếm 61% (266 000 ca) số ca tử vong do sốt rét trên toàn thế giới.

Khu vực châu Phi của WHO chiếm 93% tất cả các trường hợp tử vong sốt rét vào năm 2017. Mặc dù khu vực châu Phi của WHO là nơi có số ca tử vong cao nhất vào năm 2017, và khu vực này cũng chiếm 88% số trường hợp tử vong sốt rét toàn cầu báo cáo vào năm 2017 (ít hơn 172.000 ca tử vong) so sánh với năm 2010.

Gần 80% số ca tử vong do sốt rét toàn cầu trong năm 2017 tập trung ở 17 quốc gia trong khu vực Châu Phi của WHO và Ấn Độ; 7 trong số những quốc gia này chiếm 53% tất cả các trường hợp tử vong sốt rét toàn cầu: Nigeria (19%), Cộng hòa Dân chủ Congo (11%), Burkina Faso (6%), Cộng hòa thống nhất Tanzania (5%), Sierra Leone (4 %), Niger (4%) và Ấn Độ (4%).

Tất cả các khu vực của WHO ngoại trừ khu vực châu Mỹ ghi nhận sự sụt giảm số ca tử vong trong năm 2017 so với năm 2010. Sự sụt giảm lớn nhất xảy ra ở các khu vực Đông Nam Á của WHO (54%), Châu Phi (40%) và Đông Địa Trung Hải (10%). Mặc dù vậy, tỷ lệ giảm tử vong do sốt rét cũng chậm lại kể từ năm 2015, phản ánh các xu hướng ước tính về tỷ lệ mắc mới bệnh sốt rét.

Thiếu máu do sốt rét

Báo cáo năm nay bao gồm một phần về bệnh thiếu máu do sốt rét, một tình trạng bệnh lý nếu không được điều trị,có thể dẫn đến tử vong,đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Thiếu máu đã từng là một chỉ dấu quan trọng đo lường sự tiến bộ trong phòng chống bệnh sốt rét, và tỷ lệ hiện mắc được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các can thiệp. Những năm gần đây đã chứng kiến ​​một sự sụt giảm nhận thức về gánh nặng của bệnh thiếu máu do sốt rét

Mặc dầu tầm quan trọng của tình trạng thiếu máu do hậu quả trực tiếp và gián tiếp của sốt rét nhưng tỷ lệ thiếu máu trong các quần thể dễ bị tổn thương do bệnh sốt rét không được báo cáo liên tục như là một số đo về mức độ lan truyền và gánh nặng bệnh tật.

Dữ liệu từ các cuộc điều tra hộ gia đình được tiến hành ở 16 quốc gia có gánh nặng cao tại châu Phi trong giai đoạn 2015 - 2017 cho thấy, trong số trẻ em trong độ tuổi dưới 5, tỷ lệ thiếu máu ở các mức độ khác nhau là 61%, thiếu máu nhẹ là 25%, thiếu máu vừa phải là 33% và thiếu máu nặng là 3%. Trong số trẻ em được xét nghiệm dương tính với bệnh sốt rét, tỷ lệ thiếu máu chung là 79%, thiếu máu nhẹ là 21%, thiếu máu vừa phải là 50% và thiếu máu nặng là 8%.

Đầu tư vào các chương trình và nghiên cứu sốt rét

Đầu tư vào phòng chống và loại trừ sốt rét

Trong năm 2017, ước tính có 3,1 tỷ USD đã được đầu tư vào các nỗ lực phòng chống và loại trừ sốt rét do chính phủ các nước lưu hành sốt rét và các đối tác quốc tế - một số tiền cao hơn con số được báo cáo trong năm 2016.

Gần ba phần tư (2.2 tỷ USD) đầu tư vào năm 2017 được dành cho khu vực châu Phi của WHO , tiếp theo là khu vực Đông Nam Á của WHO (300 triệu USD), châu Mỹ (200 triệu USD), và Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương (mỗi khu vực 100 triệu US).

Trong năm 2017, 1,4 tỷ USD đã được đầu tư vào các quốc gia có thu nhập thấp, 1,2 tỷ USD ở các nước có thu nhập trung bình thấp và 300 triệu USD ở các nước có thu nhập trung bình cao. Kinh phí từ các tổ chức quốc tế là nguồn tài trợ chính ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, lần lượt là 87% và 70%.

Chính phủ các nước lưu hành bệnh đã đóng góp 28% tổng nguồn kinh phí (900 triệu USD) vào năm 2017, một con số không thay đổi so với năm 2016. Hai phần ba trong số các nguồn kinh phí có nguồn gốc trong nước được đầu tư vào các hoạt động phòng chống sốt rét thực hiện bởi các chương trình sốt rét quốc gia (national malaria programmes - NMPs), với phần còn lại chia sẻ chi phí ước tính như là chi phí dành cho chăm sóc bệnh nhân.

Cũng như những năm trước đây, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (United States of America- USA) đóng góp nguồn kinh phí quốc tế lớn nhất dành cho sốt rét với 1,2 tỷ USD (39%) trong năm 2017. Các nước thành viên của Ủy ban hỗ trợ phát triển cộng lại chiếm 700 triệu USD (21%). Vương quốc Anh và Bắc Ireland đóng góp khoảng 300 triệu USD (9%) trong khi Quỹ Bill & Melinda Gates cung cấp 100 triệu USD (2%).

Trong số 3,1 tỷ USD đầu tư vào năm 2017, có đến 1,3 tỷ USD đã được điều chuyển thông qua Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và sốt rét.

Triển vọng đầu tư

Mặc dù kinh phí dành cho bệnh sốt rét vẫn tương đối ổn định kể từ năm 2010 nhưng mức đầu tư vào năm 2017 còn xa so với những gì cần thiết để đạt được 2 mốc quan trọng đầu tiên của GTS; đó là mức giảm ít nhất 40% số ca mắc và tỷ lệ tử vong do sốt rét trên toàn cầu vào năm 2020 so với năm 2015.

Để đạt được các mục tiêu GTS vào năm 2030, người ta ước tính rằng kinh phí dành cho sốt rét hàng năm cần tăng lên ít nhất là 6,6 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020.

Tăng cường đầu tư vào phát triển và nghiên cứu bệnh sốt rét là chìa khóa để đạt được các mục tiêu GTS. Trong năm 2016, 588 triệu USD đã được dành cho lĩnh vực này, chiếm 85% nhu cầu hàng năm ước tính cho nghiên cứu và phát triển.

Mặc dù kinh phí nghiên cứu và phát triển cho các loại vaccine và thuốc sốt rét giảm trong năm 2016 so với năm 2015 nhưng đầu tư vào các sản phẩm phòng chống véc tơ gần như tăng gấp đôi từ 33 triệu USD lên 61 triệu USD.

Cung cấp vật tư sốt rét

Màn tẩm hóa chất diệt

Từ năm 2015 đến 2017, tổng cộng có 624 triệu màn tẩm hóa chất diệt muỗi (insecticide-treated mosquito nets-ITNs), chủ yếu là màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu (long-lasting insecticidal nets - LLINs), đã được báo cáo bởi các nhà sản xuất như đã được phân phối trên toàn cầu. Điều này thể hiện sự gia tăng đáng kể so với giai đoạn 2012-2014 trước đó, khi chỉ có 465 triệu ITNs được phân phối trên toàn cầu.

Ước tính có khoảng 552 triệu ITNs được phân phối bởi các chương trình sốt rét quốc gia (NMPs) trên toàn cầu, và phần lớn (459 triệu hay 83%) được phân phối ở vùng cận Saharan châu Phi trong giai đoạn 2015-2017.

Trên toàn cầu, 85% số ITNs được phân phối thông qua các chiến dịch phân phối miễn phí đại trà, 8% trong các cơ sở chăm sóc tiền sản và 4% trong các chương trình tiêm chủng.


Hình 2

Test chẩn đoán nhanh

Ước tính có 276 triệu test chẩn đoán nhanh (rapid diagnostic tests -RDTs) đã được bán trên toàn cầu vào năm 2017.

Trong năm 2017, 245 triệu RDTs được phân phối bởi NMPs. Hầu hết các RDTs (66%)được xét nghiệm chỉ để phát hiện P. falciparum và được cung cấp cho vùng cận Saharan châu Phi.

Tại vùng cận Saharan châu Phi, RDTs ngày càng được sử dụng nhiều nhất trong chẩn đoán sốt rét ở những bệnh nhân nghi ngờ sốt rét tại các cơ sở y tế công . Trong năm 2017, ước tính có 75% các xét nghiệm sốt rét được thực hiện bằng cách sử dụng RDTs, tăng từ 40% trong năm 2010.

Liệu pháp phối hợp dựa vào Artemisinin

Ước tính có khoảng 2,74 tỷ liều thuốc phối hợp dựa vào artemisinin (ACT) được các quốc gia mua sắm trong giai đoạn 2010-2017. Ước tính có khoảng 62% số lượng mua sắm này được báo cáo dành cho cho khu vực công.

Trong giai đoạn 2010-2017, 1,45 tỷ liều thuốc điều trị ACT được cung cấp bởi các NMPs, trong đó 1,42 tỷ (98%) thuộc khu vực châu Phi của WHO.

Với việc tăng cường xét nghiệm chẩn đoán trong những năm gần đây, liệu trình điều trị ACT đang ngày càng hướng đến những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sốt rét. Điều này được chứng minh bằng tỷ lệ ACTs so với xét nghiệm giảm đáng kể (0,8 trong năm 2017 so với 2,5 năm 2010). Tuy nhiên, điều này ngụ ý rằng ước tính có khoảng 30% bệnh nhân nhận được ACTs mà không được xét nghiệm sốt rét.

Phòng ngừa sốt rét

Kiểm soát véc tơ

Một nửa số người có nguy cơ bị sốt rét ở châu Phi đang ngủ dưới một ITN: vào năm 2017, 50% dân số được bảo vệ bởi can thiệp này, tăng từ 29% năm 2010. Hơn nữa, tỷ lệ người dân tiếp cận với ITN gia tăng từ 33% trong năm 2010 lên 56% trong năm 2017. Tuy nhiên, độ bao phủ đã được cải thiện nhẹ kể từ năm 2015 và đã chững lại kể từ năm 2016.

Các hộ gia đình có ít nhất 1 ITN cho mỗi 2 người tăng gấp đôi lên tới 40% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tuy nhiên, con số này chỉ thể hiện mức tăng khiêm tốn trong 3 năm qua và vẫn còn xa so với mục tiêu bao phủ toàn cầu.

Ngày càng ít người có nguy cơ bị sốt rét được bảo vệ bằng cách phun thuốc tồn lưu trong nhà (indoor residual spraying -IRS), một biện pháp phòng ngừa có liên quan đến việc phun tồn lưu lên các bức tường trong nhà. Trên toàn cầu, bảo vệ bằng IRS giảm từ mức cao nhất 5% trong năm 2010 xuống còn 3% trong năm 2017,

Trong khu vực châu Phi của WHO, độ bao phủ IRS đã giảm từ 80 triệu người có nguy cơ trong năm 2010 xuống đến một mức thấp với 51 triệu người vào năm 2016 trước khi tăng lên 64 triệu người vào năm 2017. Trong các khu vực khác của WHO, số lượng người được bảo vệ bằng IRS vào năm 2017 là 1,5 triệu người ở châu Mỹ, 7,5 triệu người ở Đông Địa Trung Hải, 41 triệu người ở Đông Nam Á và 1,5 triệu người ở Tây Thái Bình Dương.

Sự sụt giảm độ bao phủ IRS đang diễn ra khi các nước thay đổi hoặc xoay vòng thuốc trừ sâu (thay đổi tới các hóa chất đắt tiền hơn), và khi chiến lược triển khai thay đổi (ví dụ giảm quần thể có nguy cơ ở các nước loại trừ bệnh sốt rét).

Liệu pháp dự phòng

Để bảo vệ phụ nữ trong các khu vực có sự lan truyền bệnh sốt rét vừa và cao ở châu Phi, WHO khuyến cáo "điều trị dự phòng cách quãng trong thai kỳ" (intermittent preventive treatment in pregnancy - IPTp) với thuốc sốt rét sulfadoxine-pyrimethamine. Trong số 33 quốc gia châu Phi báo cáo về mức độ bao phủIPTp vào năm 2017, ước tính có khoảng 22% phụ nữ mang thai đủ điều kiện nhận được khuyến nghị từ 3 liều IPTp hoặc nhiều hơn, so với 17% vào năm 2015 và 0% vào năm 2010.

Trong năm 2017, có tới 15,7 triệu trẻ em ở 12 quốc gia thuộc tiểu vùng Sahel của châu Phi được bảo vệ thông qua các chương trình hóa trị liệu phòng ngừa sốt rét theo mùa (seasonal malaria chemoprevention -SMC). Tuy nhiên, khoảng 13,6 triệu trẻ em có thể được hưởng lợi từ sự can thiệp này không nhận được thuốc, chủ yếu là do thiếu kinh phí.

Xét nghiệm chẩn đoán và thuốc điều trị

Tiếp cận chăm sóc

Chẩn đoán và điều trị kịp thời là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh sốt rét nhẹ phát triển thành bệnh nặng và tử vong. Dựa trên các cuộc điều tra hộ gia đình ở cấp quốc gia hoàn thành tại19 quốc gia thuộc vùng cận Saharan châu Phi trong giai đoạn 2015 - 2017, trung vị 52% ([IQR]: 44-62%) trẻ em bị sốt được đưa đến một nhân viên y tế chăm sóc được đào tạo. Điều này bao gồm các bệnh viện và phòng khám của khu vực công, các cơ sở y tế khu vực tư nhân chính thức và các nhân viên y tế cộng đồng.

Mặc dù nhiều trẻ em sốt được đưa đến chăm sóc trong lĩnh vực sức khỏe công (trung vị: 36%, IQR: 30-46%) so với khu vực tư nhân y tế chính thức (trung vị: 8%, IQR: 5-10%), vẫn có một tỷ lệ cao trẻ em bị sốt không nhận được bất kỳ sự chăm sóc y tế nào (trung vị: 40%, IQR: 28-45%). Việc tiếp cận kém với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc thiếu nhận thức về các triệu chứng sốt rét ở những người chăm sóc là một trong những yếu tố góp phần.

Các cuộc điều tra trên quy mô quốc gia cho thấy sự bất tương xứng trong việc tiếp cận tới chăm sóc y tế dựa vào thu nhập hộ gia đình và địa phương, tỷ lệ trẻ em bị sốt đưa tới các cơ sở chăm sóc y tế cao hơn ở các hộ gia đình giàu có hơn (trung vị: 72%; IQR: 62-75%) so với các hộ gia đình nghèo hơn (trung vị: 58%, IQR: 47-67%) và cao hơn ở những hộ gia đình sống trong các khu vực thành thị (trung vị: 69%, IRQ: 59-76%) so với các khu vực nông thôn (trung vị: 60%, IQR: 51-71%).

Chẩn đoán sốt rét

Theo 58 cuộc khảo sát được thực hiện tại 30 quốc gia vùng cận Saharan châu Phi trong giai đoạn 2010-2017, tỷ lệ trẻ em bị một cơn sốt nhận được một xét nghiệm sốt rét tại khu vực y tế công đang gia tăng, đạt một mức trung vị là 59% (IQR: 34-75%) trong giai đoạn 2010 - 2017, , tăng từ mức trung vị 33% (IQR: 18-44%) cho giai đoạn 2010-2012.

Số liệu thu thập từ 56 cuộc khảo sát tiến hành ở vùng cận Saharan châu Phi cho thấy tỷ lệ trẻ em sốt vào các cơ sở y tế công nhận được một xét nghiệm chẩn đoán bệnh sốt rét trước khi điều trị thuốc sốt rét đã tăng từ một mức trung vị là 35% (IQR: 27-56%) trong giai đoạn 2010-2012 đến 74% (IQR: 51-81%) trong giai đoạn 2015-2017. Mức tăng tương tự đã được ghi nhận trong lĩnh vực y tế tư nhân chính thức, 41% (IQR: 17-67%) trong giai đoạn 2010-2012 lên 63% (IQR: 41-83%) trong giai đoạn 2015-2017.

Điều trị sốt rét

Dựa trên 19 cuộc khảo sát hộ gia đình được tiến hành ở vùng cận Saharan châu Phi từ năm 2015 đến năm 2017, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi dưới 5 bị sốt nhận được bất kỳ loại thuốc sốt rét nào là 29% (IQR: 15-48%).

Trẻ em có nhiều khả năng được cho ACTs - thuốc sốt rét hiệu quả nhất - nếu chăm sóc y tế được tìm kiếm trong khu vực công so với khu vực tư nhân. Dữ liệu từ các cuộc điều tra tại 18 quốc gia đã tiến hành khảo sát ở vùng cận Saharan châu Phi cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, ước tính khoảng 88% (IQR: 73-92%) trẻ em sốt mang đến để điều trị bệnh sốt rét trong lĩnh vực y tế công nhận được thuốc ACTs, so với 74% (IQR: 47-88%) trong khu vực y tế tư nhân chính thức.

Để thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em, WHO khuyến cáo thực hiện xử lý lồng ghép ca bệnh dựa vào cộng đồng (integrated community case management -iCCM). Cách tiếp cận này thúc đẩy việc xử lý lồng ghép các tình trạng bệnh lý phổ biến đe dọa mạng sống ở trẻ em như sốt rét, viêm phổi và tiêu chảy tại cơ sở y tế và các cấp cộng đồng. Trong năm 2017, trong 21 quốc gia châu Phi có gánh nặng sốt rét cao, có tới 20 quốc gia đã có chính sách iCCM, trong đó có 12 quốc gia đã bắt đầu thực hiện các chính sách đó.

Hệ thống giám sát sốt rét

Giám sát hiệu quả các trường hợp sốt rét và tử vong là điều cần thiết để xác định các khu vực hoặc nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh sốt rét và huy động các nguồn lực để mang lại tác động tối đa. Một hệ thống giám sát mạnh đòi hỏi mức độ tiếp cận cao tới chăm sóc và phát hiện ca bệnh, và báo cáo đầy đủ thông tin y tế bởi tất cả các lĩnh vực, dù là công hay tư nhân.

Vào năm 2017, trong số 52 nước có gánh nặng bệnh từ trung bình đến cao, báo cáo cho biết tỷ lệ mắc bệnh sốt rét là 60% hoặc cao hơn. Trong khu vực châu Phi của WHO, thì có đến 36 trong 46 quốc gia chỉ ra rằng có ít nhất 80% cơ sở y tế công đã báo cáo dữ liệu về bệnh sốt rét thông qua hệ thống thông tin sức khỏe quốc gia của họ.

Loại trừ sốt rét

Trên toàn cầu, mạng lưới loại trừ đang mở rộng, với nhiều nước đang hướng tới không có ( zero) ca bệnh bản địa: vào năm 2017, 46 quốc gia báo cáo có ít hơn 10 000 ca bệnh như vậy, tăng so với 44 quốc gia vào năm 2016 và 37 quốc gia trong năm 2010. Số lượng các nước có ít hơn 100 ca bệnh bản địa - một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy rằng việc loại trừ sốt rét đang nằm trong tầm tay - tăng từ 15 quốc gia trong năm 2010 lên 24 quốc gia trong năm 2016 và 26 quốc gia vào năm 2017.

Paraguay được WHO chứng nhận là quốc gia không còn sốt rét vào năm 2018, trong khi Algeria, Argentina và Uzbekistan đã đưa ra yêu cầu chính thức việc chứng nhận loại trừ bệnh sốt rét tới WHO . Vào năm 2017, Trung Quốc và El Salvador đã báo cáo không có ca sốt rét bản địa nào.

Một trong những mốc quan trọng của GTS vào năm 2020 là loại trừ bệnh sốt rét ít nhất ở 10 quốc gia có sốt rét lưu hành trong năm 2015. Với tốc độ tiến bộ như hiện nay, có khả năng là cột mốc này sẽ đạt được.

Trong năm 2016, WHO đã xác định 21 quốc gia có khả năng loại trừ sốt rét vào năm 2020. WHO đang hợp tác với chính phủ ở các nước này - được gọi là "các quốc gia E-2020" - để hỗ trợ mục tiêu tăng tốc loại trừ của họ.

Mặc dù 11 quốc gia E-2020 vẫn đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu loại trừ nhưng có tới 10 quốc gia báo cáo có sự gia tăng ca bệnh sốt rét bản địa trong năm 2017 so với năm 2016.

Những thách thức trong việc đáp ứng sốt rét đi đúng quỹ đạo

Những thách thức đang phải đối mặt trong đáp ứng sốt rét toàn cầu có nhiều ,và như đã được nhấn mạnh trong báo cáo năm nay, nhiều rào cản đang xuất hiện để đạt được các mốc quan trọng của GTS vào năm 2020 và 2025 là sự gia tăng liên tục bệnh sốt rét ở các nước có gánh nặng bệnh tật cao nhất và nguồn lực kinh phí quốc tế và trong nước không đầy đủ. Đồng thời, sự xuất hiện ký sinh trùng kháng thuốc sốt rét và muỗi kháng thuốc trừ sâu đang gây ra mối đe dọa cho sự tiến bộ.

Các quốc gia có gánh nặng cao

Trong năm 2017, 11 quốc gia chiếm khoảng 70% số ca sốt rét và tử vong ước tính trên toàn cầu bao gồm10 quốc gia ở vùng cận Saharan châu Phi và Ấn Độ. Trong số 11 quốc gia này, chỉ có Ấn Độ báo cáo có sự tiến bộ trong việc làm giảm số ca sốt rét trong năm 2017 so với năm 2016.

Để đạt được đáp ứng sốt rét toàn cầu đi đúng hướng, một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia - "Gánh nặng cao dẫn tới tác động cao" - sẽ được phát động tại Mozambique vào ngày 19 tháng 11 năm 2018, cùng với việc phát hành báo cáo sốt rét thế giới năm 2018.

Được khuyến khích bởi WHO và Đối tác Đẩy lùi sốt rét (RBM) nhằm chấm dứt bệnh sốt rét, cách tiếp cận này được thành lập dựa trên 4 trụ cột: khuyến khích sự quan tâm chính trị quốc gia và toàn cầu trong việc làm giảm tử vong do sốt rét; thúc đẩy tác động trong nước thông qua việc sử dụng thông tin chiến lược; thiết lập hướng dẫn toàn cầu tốt nhất; các chính sách và chiến lược thích hợp cho tất cả các quốc gia lưu hành bệnh sốt rét; và thực hiện một đáp ứng phối hợp mang tầm quốc gia.

Kinh phí

Tại 24 trong số 41 quốc gia có gánh nặng cao mà chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí bên ngoài dành cho các chương trình sốt rét, mức kinh phí trung bình có sẵn dành cho mỗi người có nguy cơ giảm trong giai đoạn 2015-2017 so với giai đoạn 2012-2014. Con số này giới hạn từ một sự sụt giảm 95% ở Congo (cao nhất) tới một sự sụt giảm 1% ở Uganda (thấp nhất) so với thời điểm so sánh.

Trong các quốc gia có sự sụt giảm 20% trở lên trong tổng kinh phí dành cho mỗi người có nguy cơ, nguồn kinh phí quốc tế giảm, vào những thời điểm kết hợp với nguồn kinh phí đầu tư trong nước thấp hơn.

Về tổng thể, trong số 41 nước có gánh nặng cao, kinh phí dành cho mỗi người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét đứng ở mức 2.32 USD.

Kháng thuốc

ACTs không thể lãng quên cho sự thành công gần đây trong cuộc chiến phòng chống sốt rét toàn cầu và bảo vệ hiệu quả của thuốc để điều trị bệnh sốt rét là một ưu tiên sức khỏe toàn cầu.

Hầu hết các nghiên cứu được tiến hành từ năm 2010 đến 2017 cho thấy rằng thuốc ACTs vẫn còn hiệu lực, với tỷ lệ hiệu quả chung lớn hơn 95% bên ngoài tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Ở châu Phi, kháng artemisinin (một phần) chưa được báo cáo cho đến nay.

Mặc dù đa kháng thuốc, trong đó có kháng artemisinin (một phần) và kháng thuốc đối tác, đã được báo cáo tại 4 nước GMS nhưng đã có một sự giảm lớn số ca sốt rét và tử vong trong tiểu vùng này. Giám sát hiệu quả thuốc sốt rét đã dẫn đến việc cập nhật kịp thời các chính sách thuốc điều trị sốt rét ở hầu hết các nước GMS.

Kháng hóa chất diệt

Báo cáo toàn cầu của WHO vừa công bố gần đây về kháng thuốc trừ sâu trong vectơ sốt rét: giai đoạn 2010- 2016 cho thấy sự đề kháng tới bốn lớp thuốc trừ sâu thường được sử dụng - pyrethroid, chlo hữu cơ, carbamate và phospho hữu cơ- rất phổ biến ở tất cả các vectơ sốt rét chính trên khắp khu vực châu Phi của WHO, Châu Mỹ, Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương.

Trong số 80 quốc gia lưu hành bệnh sốt rét đã cung cấp dữ liệu trong giai đoạn 2010-2017, sự đề kháng với ít nhất 1 trong 4 lớp thuốc trừ sâu trong 1 vector sốt rét từ 1 địa điểm thu thập đã được phát hiện tại 68 quốc gia, một sự gia tăng so với năm 2016 do cải thiện báo cáo và 3 quốc gia mới báo cáo về sự đề kháng lần đầu tiên. Tại 57 quốc gia có báo cáo về sự đề kháng với 2 hoặc nhiều hơn các lớp thuốc trừ sâu.

Kháng pyrethroid - lớp thuốc trừ sâu duy nhất hiện nay được sử dụng trong ITNs - là phổ biến và đã được phát hiện ở ít nhất 1 vector sốt rét trong hơn hai phần ba số địa điểm thử nghiệm và là cao nhất trong khu vực Châu Phi của WHO và Đông Địa Trung Hải.

Đề kháng với chlor hữu cơ đã được phát hiện cho ít nhất 1 vector sốt rét tại gần hai phần ba số địa điểm và là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á của WHO. Đề kháng với carbamate và photpho hữu cơ là ít phổ biến và đã được phát hiện ở mức tương ứng là 33% và 27% trong những địa điểm thử nghiệm. Tỷ lệ kháng cao nhất với carbamate trong khu vực Đông Nam Á của WHO và với chlor hữu cơ trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO.

Với tình hình hiện nay, kế hoạch giám sát và xử lý sự đề kháng là rất cần thiết, phù hợp với kế hoạch toàn cầu của WHO về xử lý kháng thuốc trừ sâu trong vectơ sốt rét. Đến nay, 40 quốc gia đã hoàn thành các kế hoạch này.

ITNs tiếp tục là một công cụ hữu hiệu để phòng ngừa bệnh sốt rét, thậm chí ở những nơi muỗi đã phát triển khả năng đề kháng với pyrethroid. Điều này được minh chứng bằng một đánh giá đa quốc gia được WHO điều phối từ năm 2011 đến năm 2016 tại các địa điểm nghiên cứu ở 5 quốc gia.

Ngày 05/12/2018
Ths.Bs.Lê Thạnh
( Nguồn: who.int.com)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích