Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 26/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 3 3 5 9 6
Số người đang truy cập
5 7 5
 Tin tức - Sự kiện Trong nước
Phòng ngừa bệnh dịch hạch xâm nhập vào nội địa

Ở nước ta, ổ bệnh dịch hạch cuối cùng được ghi nhận và thanh toán dứt điểm tại Tây Nguyên cách đây đã 12 năm và từ năm 2003 đến nay có thể nói dịch bệnh được loại trừ ra khỏi cộng đồng.

Tuy vậy, đứng trước thực trạng tình hình bệnh dịch hạch đang bùng phát ở Madagascar cũng như có khả năng xảy ra tại một số quốc gia khác rất dễ có nguy cơ xâm nhập vào nội địa qua con đường giao lưu, hội nhập nên Bộ Y tế đã cảnh báo và chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn.

 
Vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch (ảnh minh họa)

Thực trạng đáng lo ngại

WHO thông báo từ cuối tháng 8 cho đến ngày 24/11/2014 tại Madagascar có 138 bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch được xác nhận và đã làm cho 47 người bị tử vong, con số này còn có khả năng tăng lên trong thời gian tới. Tại đây dịch bệnh đã bùng phát ở 16 quận của 7 khu vực trong tổng số 22 khu vực của toàn vùng và là mối lo ngại lớn cho đất nước này. Trước đó, các nhà khoa học cũng đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch ở Colorado, Mỹ; khả năng phát triển dịch hạch tại thị trấn Ziketan, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc... Gần đây nhất tại Trung Quốc đã xác định 1 bệnh nhân tử vong do mắc bệnh dịch hạch tại thành phố Ngọc Môn, miền Bắc tỉnh Cam Túc. Hiện nay trong tiến tình giao lưu, hội nhập quốc tế qua con đường du lịch, lao động; nước ta đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh ngoại nhập từ bên ngoài vào nội địa. Thực tế trong thời gian qua, một số trường hợp sốt rét ngoại nhập đã được xác định, bệnh Ebola từ Tây Phi đang có nguy cơ xâm nhập cùng với các loại bệnh khác vào nước ta và hiện tại là mối nguy cơ của bệnh dịch hạch. Để phòng ngừa bệnh dịch hạch có khả năng xâm nhập vào nội địa, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường kiểm soát người và động vật mang mầm bệnh dịch hạch qua cửa khẩu sân bay, hải hảng, biên giới đường bộ để chủ động ngăn chặn mối nguy cơ có thể gây nên thảm họa và tạo điều kiện cho bệnh dịch hạch quay trở lại tại đất nước ta sau 12 năm vắng bóng. Bệnh dịch hạch chủ yếu do bọ chét là loài côn trùng trung gian truyền bệnh. Khi bị mắc bệnh, trên lâm sàng có các loại thể bệnh khác nhau. Phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp phòng chống bọ chét và tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.

Bọ chét với vai trò truyền bệnh dịch hạch

Bọ chét là một loài côn trùng không có cánh, đảm nhận vai trò truyền bệnh quan trọng trong truyền bệnh dịch hạch và có thể gây thành dịch bệnh. Con trưởng thành dài từ 1,5 đến 2,5mm; con đực thường nhỏ hơn con cái. Chúng có hình bầu dục, dẹp theo hướng hai bên; lớp vỏ bên ngoài cơ thể có màu vàng, nâu hoặc đen nâu với nhiều loại lông mọc xiên ra sau. Cơ thể bọ chét được chia thành 3 phần là đầu, ngực và bụng; ở phần ngực hình thành 3 đôi chân rất khỏe, đặc biệt là đôi chân thứ ba. Bọ chét phát triển qua 4 giai đoạn trứng, ấu trùng, thanh trùng và con trưởng thành; cả con đực và con cái đều hút máu. Sau khi giao phối, con cái có khả năng đẻ trung bình khoảng 400 trứng; một tuần sau đó trứng có thể nở ra ấu trùng. Ấu trùng có hình con sâu, trên thân có nhiều lông nhỏ dài; chúng ăn phân của bọ chét bố mẹ vì trong phân có nhiều máu khô chưa tiêu hóa và các tạp chất hữu cơ khác. Khoảng 2 tuần qua 2 lần lột xác, ấu trùng nhả tơ làm kén và thành thanh trùng còn được gọi là nhộng. Thanh trùng hay nhộng không ăn, không hoạt động và sau 1 tuần nở ra bọ chét trưởng thành. Thời gian hoàn thành chu kỳ phát triển của bọ chét chuột Xenopsylla cheopis truyền bệnh dịch hạch từ giai đoạn trứng đến con trưởng thành mất khoảng 3 đến 5 tuần ở nhiệt độ từ 21 đến 23oC.

 
Bọ chét chuột Xenopsylla cheopis, thủ phạm truyền bệnh dịch hạch (ảnh minh họa)

Bọ chét rất ham hút máu, khi đã hút máu no vẫn tiếp tục hút máu, vừa hút vừa đùn máu ra hậu môn để có máu nuôi dưỡng ấu trùng. Chúng có sức chịu đói rất cao và có khả năng hút máu nhiều loại vật chủ như chuột, chó, mèo, chồn, sóc, dơi, chim, gà... kể cả con người. Tuy vậy tùy từng loài, bọ chét có tính chọn lọc vật chủ để ký sinh như bọ chét Xenopsylla cheopis thích hút máu chuột, Pulex irritans thích hút máu người và chó, Stivalius thích hút máu chuột và các loại động vật hoang dã khác. Bọ chét trưởng thành có thể sống tự do ở trong đất, nơi có nhiều chất mùn, cát, rác rưởi; trong các khe kẽ tường hoặc trong các hang ổ chuột, ổ gà, ổ chim... Khi có nhiều bọ chét, dấu hiệu có thể nhận biết sự có mặt của chúng căn cứ vào các vết máu khô do chúng không tiêu hóa hết thải ra áo quần, giường chiếu... Một đặc điểm cần ghi nhận là bọ chét có khả năng phát tán đi xa do chuột mang chúng đi theo các phương tiện giao thông như tàu biển, máy bay, ô tô... đến những vùng xa lạ chưa bao giờ có bệnh dịch hạch lưu hành. Vì vậy bệnh dịch hạch do bọ chét truyền có thể dễ dàng lan truyền từ vùng này sang vùng khác. Mùa phát triển của bọ chét tùy theo từng loài khác nhau, bọ chét chuột Xenopsylla cheopis phát triển mạnh vào mùa nóng từ tháng 6 đến tháng 9, bọ chét người và chó Pulex irritans phát triển mạnh từ tháng 12 đến tháng 3, bọ chét ở các động vật hoang dã Stivalius phát triển mạnh vào mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 6.

Bọ chét có vai trò truyền bệnh quan trọng đối với bệnh dịch hạch. Để truyền được vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, bọ chét cần hút cả máu người và máu các loại động vật. Thực tế bọ chét người và chó Pulex irritans có thể hút cả máu người và các loại động vật nhưng hiếm khi hút máu chuột nên vai trò truyền bệnh không đáng kể; trái lại bọ chét chuột Xenopsylla cheopis có khả năng hút cả máu người và các loại động vật, trong đó phổ biến là chuột nên có vai trò truyền bệnh rất lớn. Ngoài bệnh dịch hạch, bọ chét cũng truyền các bệnh khác như sốt phát ban chuột, sán lá chuột, sán dây chó...; có thể gây dị ứng, viêm da ở các vết đốt. Khi đứng, con người dễ bị bọ chét tấn công đốt máu ở phần cẳng chân; còn khi nằm thì có thể bị ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

 
Phương thức lây truyền bệnh dịch hạch (ảnh minh họa)

Bệnh sốt phát ban chuột do bọ chét lây truyền xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và thường được ghi nhận tại các vùng con người sống ở trong nhà có nhiều chuột. Đôi khi bọ chét cũng có khả năng truyền một số bệnh khác do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng từ động vật sang người như bệnh do vi khuẩn Francisella tularensis, sán dây ký sinh ở chó, mèo ... Trẻ em thường chơi đùa với động vật nuôi ở trong nhà như chó, mèo nên có thể bị nhiễm sán vì nuốt phải các bọ chét đang mang sán ở giai đoạn có thể gây nhiễm.

Cơ chế lây truyền bệnh dịch hạch

Bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây nên, loại vi khuẩn này được nhà bác học Alexandre Yersin phát hiện và xác định là nguyên nhân gây bệnh từ năm 1895, cách đây gần 120 năm mặc dù trước đó đã lâu bệnh lý xuất hiện ở con người. Lúc đầu dịch hạch xảy ra ở các động vật hoang dại như chuột và các loài gậm nhấm khác. Con người có thể bị nhiễm bệnh dịch hạch do bọ chét hút máu động vật mắc dịch hạch và truyền sang cho người qua vết chích đốt. Trước đây, bệnh dịch hạch được gọi là cái chết đen và gây ra các vụ dịch thảm khốc. Dịch hạch hiện nay vẫn còn là bệnh rất nguy hiểm vì nó thường xảy ra rộng rãi ở quần thể của các loài gậm nhấm. Ở vùng nông thôn, miền núi, dịch hạch xảy ra khi con người đi vào và tiếp xúc với các loài động vật hoang dã. Nguy hiểm nhất là những người thợ săn, họ có thể bị bọ chét đã nhiễm bệnh dịch hạch chích đốt trong khi mang vác các động vật vừa giết được. Ở các đô thị, dịch hạch có thể xảy ra khi chuột sống quanh những khu dân cư bị nhiễm bệnh. Bọ chét chuột Xenopsylla cheopis bình thường đốt máu chuột nhưng thỉnh thoảng có thể chích đốt máu người và truyền bệnh sang cho con người. Khi chuột hay các loại động vật gậm nhấm nhiễm vi khuẩn dịch hạch và bị chết, bọ chét sẽ rời vật chủ, có thể tấn công, chích đốt người và truyền bệnh qua vết đốt. Loài bọ chét người Pulex irritans cũng có thể có khả năng truyền bệnh từ người mắc bệnh sang người lành khi bị chích đốt máu. Trong cơ chế lây truyền bệnh, vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis từ vòi và từ phân của bọ chét theo vết đốt máu, vết xước ngoài da xâm nhập vào cơ thể con người và các vật chủ để gây bệnh. Vi khuẩn thường phát triển trong cơ thể bọ chét và bám vào các van ở diều để tạo thành “nút” gây tắc diều. Khi bọ chét đói, chúng hút máu nhưng máu hút được từ người và các vật chủ không vào được tới dạ dày nên vẫn bị đói và càng ham hút máu. Máu đến chỗ “nút” tắc ở diều bị đẩy ngược ra lại, mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể người và các vật chủ qua vết đốt. Các nhà khoa học cho rằng trong các vụ dịch hạch, khi điều tra xác định bọ chét có “nút tắc” ở diều được xem là có vai trò truyền bệnh quan trọng. Trước đây tại nước ta, bọ chét chuột Xenopsylla cheopis được xác định là trung gian truyền bệnh dịch hạch và đã phân lập được vi khuẩn Yersinia pestis hiện diện ở loài bọ chét này tại các khu vực có bệnh dịch hạch lưu hành ở tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum với mật độ bọ chét hoạt động từ 81 đến 92%. Đồng thời mầm bệnh dịch hạch Yersinia pestis ở bọ chét Xenopsylla cheopis cũng đã được một số nhà khoa học khác phân lập phát hiện ở Nha Trang, Hải Phòng, Hà Nội... Đường lây truyền và cơ chế lây truyền bệnh dịch hạch thường do bọ chét hút máu các loại động vật như chuột, thỏ, nhím... có mang mầm bệnh rồi đốt người để gây nhiễm; đồng thời người có thể bị lây nhiễm trực tiếp vi khuẩn gây bệnh từ động vật nhiễm bệnh qua vết trầy xước ở da hoặc bị động vật mang mầm bệnh cắn hay cào. Ngoài ra, người hít thở trực tiếp vi khuẩn dịch hạch từ trong không khí cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Các thể bệnh của bệnh dịch hạch

Bệnh dịch hạch được biểu hiện bằng 3 thể bệnh chính trên lâm sàng là thể hạch, thể phổi và thể nhiễm trùng máu. Tại nước ta trước đây, bệnh dịch hạch thể hạch là loại khá phổ biến, chiếm tỷ lệ từ 94 đến 98%.

Thể hạch được biểu hiện với các triệu chứng như: rét run, sốt cao trên 38oC, sưng hạch, các hạch bạch huyết chứa đầy vi khuẩn, đặc biệt là hạch ở bẹn, nách và cổ. Chúng thường do bọ chét đã bị nhiễm mầm bệnh đốt máu người lây nhiễm sang người. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời thì bệnh dịch hạch thể hạch có thể diễn biến nặng, chuyển sang thể phổi và thể nhiễm trùng máu; tỷ lệ tử vong có thể chiếm tới 50%.

Thể phổi là thể đáng sợ nhất vì bệnh tiến triển nhanh và có nguy cơ lây lan cao. Người bệnh có biểu hiện triệu chứng như: sốt cao, rét run, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, bứt rứt. Khoảng 24 giờ sau đó bệnh nhân có những triệu chứng tổn thương tại phổi như: đau tức ngực, khó thở, thở nhanh, ho có chất đờm nhầy và loãng sau đặc dần; chất đờm có máu hoặc có nước bọt. Bệnh dịch hạch thể phổi có khả năng lây lan rất mạnh do vi khuẩn dịch hạch dễ dàng phát tán từ người bệnh sang người lành qua nước bọt, đờm dãi khi ho hoặc hắt hơi. Nếu khi bị mắc bệnh mà không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm thì hầu hết tất cả các trường hợp bệnh dịch hạch thể phổi đều dẫn đến tử vong.

Thể nhiễm trùng máu xảy ra do vi khuẩn dịch hạch xâm nhập vào máu, bệnh nhân thường bị tử vong trước khi xuất hiện một trong hai thể hạch hoặc thể phổi. Bệnh dịch hạch thể nhiễm trùng máu cũng khá phổ biến, đây là thể bệnh chỉ đứng sau thể hạch. Bệnh nhân có các triệu chứng như: sốt cao từ 40 đến 41oC, rét run, đau đầu dữ dội, bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần; có tình trạng hoảng hốt, vật vả, kích động, nói sảng, thở nhanh...

Ngoài 3 loại thể bệnh chính ở trên, các nhà khoa học còn xác định thêm bệnh dịch hạch thể màng não tuy những trường hợp bệnh nhân mắc thể màng não này ít gặp; chúng thường xuất hiện kèm theo sau thể hạch và thể nhiễm trùng máu.

  

Bệnh dịch hạch thể hạch và thể phổi (ảnh minh họa)


Giải pháp cơ bản phòng chống dịch hạch

Giải pháp cơ bản để phòng chống dịch hạch là thực hiện các biện pháp phòng chống bọ chét lây truyền bệnh vì bọ chét có thể sống tự do ở môi trường và sống ký sinh trên vật chủ, chủ yếu là chuột. Diệt bọ chét ở môi trường được tiến hành bằng các loại hóa chất diệt côn trùng có hiệu lực cao; có thể phun hóa chất diệt hoặc dùng giấy bẫy dính hay đặt chậu nước bẫy ở những chỗ không thể phun hóa chất; đồng thời triệt phá nơi sinh sản của bọ chét bằng đốt các ổ gia súc, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, gầm nhà, sàn nhà... Diệt bọ chét sống ký sinh trên chuột được thực hiện bằng các biện pháp kết hợp diệt bọ chét với diệt chuột; có thể diệt bọ chét sống ký sinh trên động vật nuôi như chó, mèo... bằng cách tắm hóa chất diệt côn trùng phù hợp. Điều cần lưu ý là trong các vụ dịch hạch xảy ra, cần diệt bọ chét ở môi trường trước khi diệt bọ chét sống ký sinh trên chuột để tránh làm tăng mật độ hoạt động của bọ chét ở môi trường có thể gây phát tán mầm bệnh. Một vấn đề cũng nên quan tâm là nếu chuột bị chết hàng loạt sẽ làm cho nhiều bọ chét chuột rời vật chủ, tìm kiếm người để đốt máu thay thế và có khả năng truyền bệnh dịch hạch. Khi bị mắc bệnh dịch hạch, bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng thường gặp là bỗng nhiên nổi hạch và gây đau đớn. Nhiều trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với thể phổi và thể nhiễm trùng máu thường không có dấu hiệu rõ ràng. Vì vậy việc chẩn đoán phải căn cứ vào các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm như máu và dịch của hạch bạch huyết. Nếu chẩn đoán xác định chính xác người bệnh bị mắc bệnh dịch hạch; cần thành lập khu cách ly bệnh nhân, hạn chế việc giao lưu, đi lại. Các cơ sở y tế cần tổ chức khu vực điều trị cách ly; tại tuyến cơ sở có thể sử dụngtrạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc một nhà cách ly; tại tuyến bệnh viện có thể sử dụng khoa truyền nhiễm của bệnh viện hoặc một phòng điều trị cách biệt với các khoa khác.Mặc dù bệnh dịch hạch khá nguy hiểm nhưng có thể chữa trị bằng các loại thuốc kháng sinh thông thường nhưstreptomycine, tetracycline, chloramphenicol, trimethoprim, sulfamethoxazol... Nếu bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ có cơ hội mang lại hiệu quả tốt. Một điều lưu ý là nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân có tiếp xúc, chăm sóc người bệnh bị mắc bệnh dịch hạch thể phổi cũng cần phải được theo dõi và cách ly; có thể sử dụng kháng sinh để điều trị dự phòng sự lây nhiễm bệnh nếu cần thiết.

Phòng bệnh dịch hạch bằng vắc-xin

Để phòng bệnh dịch hạch, các nhà khoa học đã khuyến cáo tất cả các nhân viên y tế có tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là các nhân viên phòng thí nghiệm có liên quan đến việc tiếp xúc với vi khuẩn dịch hạch và người có nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh phải sử dụng vắc-xin dịch hạch phòng ngừa. Vắc-xin có tên thương mại là vắc-xin dịch hạch CSL gồm 3.000 triệu vi khuẩn Yersinia pestis được bất hoạt hóa bởi nhiệt độ cọng với phenol 0,5%; có thời gian bảo vệ 6 tháng. Khi sử dụng, có thể có phản ứng phụ tại chỗ tiêm hoặc phản ứng toàn thân nhẹ; tuy vậy không chống chỉ định tuyệt đối nhưng không nên tiêm khi đang có nhiễm trùng đường hô hấp. Vắc-xin phòng bệnh dịch hạch được tiêm dưới da, có khả năng gây miễn dịch cơ bản bằng tiêm 2 liều cho người lớn và thiếu niên, tiêm 3 liều cho trẻ em dưới 12 tuổi; tiêm cách nhau từ 1 đến 4 tuần. Những người sống ở trong vùng có dịch bệnh lưu hành, nên tiêm nhắc lại 6 tháng một lần. Đối với những người có phản ứng với lần tiêm trước đó nếu tiêm nhắc lại chỉ cần tiêm trong da 0,1ml vắc-xin. Liều lượng sử dụng vắc xin dịch hạch được quy định tùy theo nhóm tuổi: trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi tiêm 3 lần và tiêm nhắc lại, mỗi lần tiêm 0,1ml; trẻ em từ 3 đến 6 tuổi tiêm 3 lần và tiêm nhắc lại, mỗi lần tiêm 0,2ml; trẻ em từ 7 đến 11 tuổi tiêm 3 lần và tiêm nhắc lại, mỗi lần tiêm 0,3ml; trẻ em trên 12 tuổi và người lớn tiêm 2 lần và tiêm nhắc lại, mỗi lần tiêm 0,5ml.

Ngày 28/11/2014
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


Tin đáng chú ý
Thông điệp về Ngày Sốt rét thế giới 25-4 (World Malaria Day)
Ngày Sốt rét thế giới-Ngày Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (World malaria day – A day to make the world care)
 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích