Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 9 4 8 5
Số người đang truy cập
3 7 6
 Tin tức - Sự kiện Trong nước
Dùng thuốc điều trị cần theo chỉ định của bác sỹ hoặc dược sỹ lâm sàng (ảnh minh họa)
Một số lỗi sai lầm thường gặp phải do bệnh nhân hoặc người nhà người bệnh “tự kê đơn và tự điều trị”

Trong thực hành lâm sàng, các bác sỹ đã nhiều lần gặp phải nhiều tác dụng phụ (side-effects) hoặc tác dụng ngoại ý (AE) hoặc biến chứng do dùng thuốc không đúng không theo chỉ định của bác sỹ hoặc dược sỹ lâm sàng của họ mà chủ yếu họ sử dụng đơn thuốc theo tin đồn, theo đơn kê chỉ dẫn trên internet, các tụ điểm khám chữa bệnh không đựơc cấp phép khám chữa bệnh, các đơn thuốc-bài thuôc chữa bệnh theo phương thức dân gian, hoặc một số bệnh nhân dùng lại đơn thuốc đã từng sử dụng trong nhiều năm trước đó mà họ thấy có thuyên giảm bệnh (nhất là các bệnh lý mạn tính) vì họ cho rằng trước đó bệnh đáp ứng tốt với phác đồ và đơn thuốc trước đó, hoặc mượn đơn thuốc của một người cùng trang lứa tuổi và cùng giới để dùng cho mình.

Ngoài ra, các thuốc chống bệnh nhiễm trùng như kháng sinh hoặc thuốc sốt rét đang trên đà kháng thuốc nên nếu dùng lại sẽ dẫn đến dùng thuốc không hiệu quả nữa.Tuy nhiên, các gia đình và bệnh nhân cho rằng đó là sự tiện dụng đó đã gây ra các hệ lụy về sau vì bác sỹ là điều trị người bệnh chứ không phải là điều trị bệnh, nên cơ địa mỗi người bệnh mỗi khác và đáp ứng với các thuốc trong một hệ thống chuyển hóa bởi nhiều cơ quan và mô trong cơ thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, mỗi khi mắc bệnh hoặc tái phát bệnh trở lại hoặc đi tái khám sau một thời gian điều trị cần có sự thăm khám của bác sỹ cẩn thận, để đánh giá đầy đủ về tình hình diễn tiến bệnh của bệnh nhân theo thời gian. Hơn nữa, mỗi bệnh nhân sẽ có các bệnh lý nền khác nhau như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, suy thận, vảy nến, suy giảm miễn dịch, suy tuyến giáp,…thì liều thuốc và loại thuốc điều trị cũng sẽ khác nhau trên từng bệnh nhân mặc dù là cùng loại bệnh. Do đó, qua bài viết này chúng tôi xin chia sẻ các bài học kinh nghiệm và hệ lụy cũng như rú kinh nghiệm trong sử dụng đơn thuốc phù hợp và an toàn cho người bệnh.


Hình 1

Nguy hiểm từ việc “tái sử dụng” đơn thuốc

Khi đi khám bệnh, dù là tại bệnh viện (BV) hay các phòng khám (PK) chuyên khoa, bệnh nhân đều được bác sĩ kê những đơn thuốc phù hợp với căn bệnh hiện tại của mình. Đơn thuốc do bác sĩ kê chỉ có giá trị một lần, tuy nhiên không ít bệnh nhân lại “tái sử dụng” đơn thuốc đó cho chính bản thân mình cho những lần tái phát sau hoặc dùng cho người khác.

Việc làm này có hợp lý hay không và có thể đem lại những nguy hại gì cho người bệnh? Các đơn thuốc ngắn ngày thường được kê trong các trường hợp bệnh cấp tính hoặc giai đoạn đầu cần theo dõi bệnh và điều chỉnh liều theo đáp ứng của các căn bệnh mạn tính. Với các trường hợp này, bác sĩ thường kê đơn đủ dùng trong không quá 2 tuần, kèm theo lời dặn tái khám để theo dõi tình trạng bệnh.

- Trường hợp không đáp ứng thuốc: Ví dụ trong các trường hợp nhiễm khuẩn và bác sĩ chỉ định kháng sinh để điều trị, có thể bệnh nhân đã kháng thuốc do đó thuốc không đạt hiệu quả. Trong trường hợp này, nếu không tái khám để được chỉ định thuốc mới mà dùng lại đơn thuốc cũ, có thể dẫn đến sự biến chuyển xấu của bệnh, bệnh nặng hơn.

- Trường hợp cần điều chỉnh liều thuốc theo giai đoạn: Một số bệnh, trong giai đoạn cấp tính, bác sĩ cần kê liều thuốc cao dùng điều trị khởi đầu ngắn ngày, sau đó sẽ giảm liều để điều trị duy trì sau khi bệnh đã biến chuyển tốt. Liều cao thuốc sử dụng dài ngày có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng cho bệnh nhân, nếu không tái khám mà tự ý dùng đơn thuốc cũ có thể dẫn đến nhiều tai biến nguy hiểm.

Một trường hợp ngược lại, bác sĩ sẽ cho liều khởi đầu điều trị thấp, ngắn ngày để theo dõi đáp ứng thuốc hoặc sự dung nạp thuốc của bệnh nhân, sau đó mới tăng liều dần để đạt được hiệu quả mong muốn. Trong trường hợp này, việc dùng lại thuốc cũ sẽ khiến cho bệnh tình kéo dài mà không nhận được sự điều trị đầy đủ.


Hình 2

Các đơn thuốc dài ngày được chỉ định cho bệnh nhân

Các đơn thuốc được bác sỹ chỉ định dùng dài ngày, tối đa 30 ngày, thường được kê trong các trường hợp bệnh mạn tính, điều trị duy trì để ổn định bệnh (liều tấn công và liều duy trì). Bệnh nhân có thể nhận được các đơn thuốc giống nhau trong nhiều tháng, dẫn đến chủ quan và dùng lại đơn thuốc cũ mà không tái khám.

- Trường hợp bệnh diễn biến xấu đi, thuốc cũ không còn kiểm soát được bệnh:

Các căn bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, nội tiết khác thường có diễn biến âm thầm, bệnh có thể xấu đi mà bệnh nhân không hề nhận biết được, thuốc được sử dụng ban đầu có thể không còn đủ hiệu quả kiểm soát bệnh. Điều trị dài ngày cũng có thể dẫn đến việc quen thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc.

Những sự thay đổi này cần có sự xem xét và đánh giá bác sĩ, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như tăng liều, đổi thuốc hoặc phối hợp thêm thuốc để điều trị bệnh.

- Trường hợp mắc thêm bệnh mới:

Các căn bệnh tim mạch-chuyển hóa thường có mối liên quan chặt chẽ với nhau, bệnh này có thể là yếu tố nguy cơ hoặc biến chứng của bệnh kia. Bệnh nhân có thể mắc thêm một căn bệnh mới có liên quan đến căn bệnh đang điều trị.

Lúc đó, sự điều chỉnh đơn thuốc là vô cùng cần thiết, vì có thể những thuốc đang dùng đã không còn phù hợp và có thể làm nặng hơn căn bệnh mới mà bệnh nhân mắc phải.


Hình 3

Dùng lại đơn cũ khi tái phát, dùng đơn thuốc của người khác

Trên thực tế, các trường hợp bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, song không lâu sau lại bị tái phát, khi đó bệnh nhân thường mang đơn thuốc cũ đi mua thuốc mà không đi khám trở lại. Đơn cử một trường hợp bệnh rất dễ tái phát là nhiễm virut Herpes simplex da-niêm mạc, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân Acyclovir để điều trị bệnh. Nếu số lần tái phát của bệnh nhân nhiều hơn 6 lần/năm, bác sĩ sẽ kê đơn một liệu trình điều trị mới với liều dùng cao hơn và dài ngày hơn, kết hợp theo dõi hiệu quả điều trị để loại bỏ tái phát bệnh. Bệnh nhân sẽ phải chịu căn bệnh này tái đi tái lại nhiều lần nếu không đi khám mà tự tiện dùng đơn thuốc cũ.

Một vấn đề “đau đầu” khác chính là việc chuyền tay nhau đơn thuốc, việc này ngày càng trở nên phổ biến hơn khi ở thời điểm hiện tại, người ta còn lan truyền đơn thuốc trên mạng internet, tin vào những bác sĩ “google”. Không thể làm điều này vì có thể cùng triệu chứng nhưng lại xuất phát từ hai bệnh khác nhau mà không thể dùng cùng một thuốc (ví dụ cùng là mất ngủ, nhưng có người là do kích thích quá độ, có người lại do suy giảm quá độ).

Ngay cả khi hai người mắc cùng một bệnh, nhưng mỗi người lại có bệnh sử bản thân và gia đình không giống nhau, đáp ứng của cơ thể đối với thuốc cũng khác nhau, nên chưa hẳn có thể dùng thuốc như nhau.

Người bệnh nên tái khám đúng hạn theo như dặn dò của bác sĩ để có được sự theo dõi và điều trị tối ưu. Những căn bệnh cấp tính nếu điều trị chưa khỏi cũng không nên vội vàng tìm thầy thuốc mới, mà nên đến khám lại ở thầy thuốc cũ - người đã nắm được tình hình bệnh trước đó sẽ có những thay đổi trong đơn thuốc phù hợp hơn.

Trường hợp bệnh mạn tính, đừng thấy đơn thuốc không thay đổi gì mà lơ là việc tái khám, các căn bệnh có thể diễn biến bất thường, hay đã đến thời điểm giảm liều thuốc để điều trị duy trì, thậm chí ngừng thuốc. Chỉ có bác sĩ của bạn mới biết được điều này. Vì lợi ích sức khỏe của bản thân, bệnh nhân cần nhớ rằng: Không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn thuốc của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn.


Hình 4 (ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa)

Lấy đơn thuốc từ trên mạng: Bệnh nhân dễ dẫn đến biến chứng và tử vong

Trong thực tế, mỗi khi có bệnh, khó chịu trong người thay vì đến các CSYT, nhiều người lại lên mạng tìm kiếm triệu chứng và tự lấy đơn cho mình từ trên mạng dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Ngay cả các bạn thanh niên, cán bộ viên chức và giới trí thức cũng tự tư duy và truy cập trên mạng internet để tự chẩn đoán và tự kê đơn thuốc và điều trị cho chính mình, nên họ đôi khi không biết các thuốc họ tự viết đơn và tự đi mua thuốc tại các quầy thuốc như một trường hợp mua thuốc không cần đơn bác sỹ (OTC), ngay cả các nhà thuốc, quầy thuốc cũng coi việc bán thuốc là công việc “ai mua thì bán” nên dễ dẫn đến các tai biến và tác dụng ngoại ý của thuốc, thậm chí dị ứng hoặc sốc phản vệ trên cơ địa bệnh nhân, cấp cứu và đe dọa thậm chí tử vong.

Nhiều bệnh nhân và thân nhân coi “Công cụ Internet là Bệnh viện”

Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều cháu bé bị suy thận, suy hô hấp nặng vì các bài thuốc do mẹ của cháu lấy từ trên mạng về cho con uống. Cháu Võ Hoài Nh., trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy hô hấp độ 3. Trước đó, cháu có biểu hiện sốt, ho húng hắng. Thay vì cho con đến bác sĩ, mẹ cháu lại lên mạng tra triệu chứng và lấy đơn thuốc về cho con uống. Cháu bé 5 tuổi này được mẹ cho uống kháng sinh, hạ sốt và đủ các kiểu thuốc, đổi thuốc.

Đến khi bệnh của cháu không đỡ vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ cho biết cháu bị viêm hô hấp độ 3, phải thở máy và điều trị cách ly. Mẹ của Nh. vẫn cho rằng mọi khi cháu ốm chị vẫn lấy đơn thuốc từ trên mạng và con khỏe lại, hết ốm. Lần này chị không ngờ là đơn thuốc lại vô tác dụng còn dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng do sốt vi rút.

Không phải bệnh nhi nhưng bà Cao Thúy L. bị chứng bệnh đau mỏi vai gáy. Mỗi lần dơ tay lên cao bà cảm nhận nhức trong bả vai và tê bì chân tay. Với từ khóa đó, không khó để bà L. nhờ con tìm xem là bệnh gì trên mạng. Con bà đoán do thoái hóa đốt sống cổ gây nên. Bà L. nghe những người đã điều trị bệnh này thành công bằng các phương pháp uống thuốc nam và chườm nước nóng. Bà thử làm theo thấy tay chân cũng đỡ nhức hơn. 

Tuy nhiên, một thời gian sau bà thấy người mệt mỏi, tay càng ngày càng đau không đưa lên quá đầu được. Đêm ngủ đau không trở mình được. Bà đến bệnh viện khám bác sĩ cho biết bà bị máu nhiễm mỡ, có đường trong nước tiểu và biểu hiện của suy thận. Lúc này, bà L. hốt hoảng kể về gần một năm bà chữa thoái hóa bằng thuốc đông y sắc sẵn. Bác sĩ cho biết có nhiều khả năng do bà bị ngộ độc thuốc đông y dẫn đến suy thận.


Hình 5: (ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa)

Tin bác sĩ ảo có ngày mất mạng

Nói vế việc tự bắt bệnh và lấy thuốc cho mình đang tồn tại nhiều ở các nơi từ thành thị đến nông thôn, bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết ông gặp tỷ lệ cao những người bệnh thuộc lĩnh vực cơ xương khớp bị các biến chứng do lạm dụng thuốc, dẫn đến bị suy tuyến thượng thận, dẫn đến hội chứng Cushing và hàng loạt bệnh lý khác như loãng xương, thoái hóa khớp, viêm da, xuất huyết dưới da…


Hình 6

Hầu hết những người bệnh này đều sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, những toa thuốc, bài thuốc truyền tay nhau hoặc lấy về từ trên mạng. Bác sĩ Sơn nhấn mạnh việc sử dụng những toa thuốc lưu truyền trên mạng gần như chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Tất cả các loại thuốc đều có thể là thuốc độc. Đối với người này nó là thuốc chữa bệnh nhưng với người khác thì nó là thuốc độc. Đối với cùng một người, ở thời điểm này thì nó là thuốc chữa bệnh nhưng lúc khác nó lại gây bệnh. Một thứ thuốc có thể chữa được bệnh này nhưng lại gây ra bệnh khác…

Một thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm với xã hội không bao giờ cho toa thuốc trên mạng cho mọi đối tượng. Những thầy thuốc thực sự có trách nhiệm với người bệnh, với cộng đồng sẽ luôn cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan để có một chẩn đoán đúng và liệu pháp điều trị đúng đối với từng cá thể. Hãy là một người tiêu dùng thông minh để nhận biết điều ấy.

Còn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, thì lo ngại rằng internet và mạng xã hội phát triển trở thành mảnh đất mầu mỡ cho các lang băm quảng cáo việc khám chữa bệnh bằng những bài thuốc “bí truyền”, “thần dược”. Nhiều thầy lang quảng cáo rầm rộ về những bài thuốc chữa khỏi từ bệnh ung thư đến xơ gan, thậm chí cả HIV. 

Tại bệnh viện gặp rất nhiều nạn nhân của việc sử dụng thuốc tràn lan thậm chí chỉ là thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo như thần dược và người bệnh tin vào điều đó sử dụng nó như cứu cánh cho căn bệnh của mình mà quên đi việc tìm đến bệnh viện khám rõ ràng, bác sĩ tư vấn.

Vấn đề tìm đơn thuốc, tìm bác sĩ ảo đang xảy ra hàng ngày, thậm chí có người đã tử vong vì thấy thuốc ảo kê đơn. Các bác sĩ ảo này có thể là những người từng là bệnh nhân, khi họ bị bệnh và được chữa hết bệnh, họ muốn phổ biến cách chữa của mình cho cộng đồng với mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ. 

"Tuy nhiên, cơ thể con người không ai giống ai, bệnh lý cũng vậy, cùng một triệu chứng nhưng có thể lại là do những nguyên nhân khác nhau, thậm chí phương pháp điều trị trái ngược nhau… nên việc áp dụng một toa thuốc chung cho mọi người là điều hết sức phản khoa học và nguy hiểm. Tin vào các bác sĩ ảo, nguy cơ nhận lãnh những hậu quả nặng nề", bác sĩ Sơn nói.


Hình 7

Dùng chung đơn thuốc: Một thói quen tai hại

Thay vì đi khám và được chẩn đoán đúng bệnh, nhiều người dùng ngay đơn thuốc của người khác. Không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Bạch Mai cho hay trong gần 40 năm trong ngành y đã chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp nguy kịch khi tự ý dùng thuốc, đặc biệt là việc dùng đơn thuốc của người khác để chữa bệnh cho mình. Tức là khi bị một bệnh nào đó, cảm thấy có những biểu hiện giống bệnh của một người khác từng đi khám và chữa trị, bệnh nhân đã tự khám, tự chẩn đoán bệnh và cho rằng bệnh của mình giống bệnh người kia. Do đó, thay vì đi khám để tìm ra bệnh thực sự, họ đã dùng ngay đơn thuốc của người khác.

PGS.TS. Dũng khuyến cáo điều này vô cùng nguy hiểm bởi cùng một biểu hiệu ra bên ngoài, các triệu chứng rất giống nhau, nhưng kể cả cùng một bệnh nhân, cũng có thể có các bệnh khác nhau. “Cùng một biểu hiện ra bên ngoài có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, có thể 10 bệnh y như nhau, ngược lại, một bệnh cũng có rất nhiều biểu hiện. Đó là mới tính ở một cá thể, mở rộng với nhiều người, giới tính, độ tuổi, sự khác biệt này càng rõ ràng hơn. Mỗi cá thể sẽ có những phản ứng bệnh khác nhau, không ai giống ai. Vì thế người ta mới giao trách nhiệm cho người thầy thuốc”, PGS.TS. Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, người bác sĩ có vai trò khám và tập hợp các triệu chứng, bao gồm triệu chứng do bệnh nhân và người nhà kể lại - triệu chứng chủ quan và triệu chứng khách quan là những dấu hiệu chỉ người thầy thuốc nhìn thấy. Nếu không cho thầy thuốc khám sẽ không có những triệu chứng khách quan đó, từ đó không thể chẩn đoán được bệnh. Tất nhiên các phương pháp sau đó sẽ sai hoàn toàn khi bệnh không được phát hiện chính xác.

Một đơn thuốc luôn có nghĩa dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể. Bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống như trước kia nhưng bây giờ có thể đã tiến triển ở mức độ nặng hơn mà thuốc dùng theo đơn thuốc cũ không còn hiệu quả. Bệnh của người này có vẻ giống người kia nhưng cách và thuốc dùng chữa trị lại hoàn toàn khác nhau, dùng nhầm rất nguy hiểm.


Hình 8

Tại sao vẫn có người khỏi bệnh?

Trước thực tế nhiều người vẫn khỏi bệnh khi dùng đơn thuốc của người khác, PGS.TS. Dũng cho hay: “Nếu cứ làm như thế sẽ có những tỷ lệ đúng nhất định, điều đó tương tự việc gieo đồng xu, tức một sự ăn may trong khi tính mạng con người hoàn toàn không thể đánh cược theo cách đó”.

Vẫn theo bác sĩ, trong ngành y, đã áp dụng nhiều kỹ thuật, máy móc, sau này kể cả việc dùng người máy cũng không thể thay thể thay thế người thầy thuốc. Ngành y vốn dĩ là ngành khoa học không chính xác, dựa trên kinh nghiệm và số đông. Để hạn chế sai sót, nhất là với các ca bệnh nặng, người ta cần phải hội chẩn bao gồm nhiều chuyên gia đầu ngành. Sau đó phải có một người đứng ra quyết để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Người quyết là người chủ trì cuộc hội chẩn, có đủ kiến thức, năng lực.

Thực tế, những bệnh nhẹ có thể tự khỏi hoặc khỏi theo cách may rủi như trên nhưng khi được can thiệp, tức bệnh nhân được dùng đúng đơn thuốc cho mình, bệnh chắc chắn sẽ khỏe nhanh hơn, không bị di chứng. Chữa sai có thể khỏi nhưng chúng sẽ gây hại về sau. Việc tự dùng thuốc trở nên nguy hiểm đặc biệt khi làm che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ gấp). Thí dụ, khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, bụng hết đau như bệnh vẫn còn (như viêm ruột thừa, có thai ngoài tử cung…), người bệnh không đi bệnh viện để được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu kịp thời và có thể xảy ra hậu quả rất đáng tiếc.


Hình 9

Do đó, PGS.TS. Dũng nhấn mạnh: tuyệt đối không bao giờ lấy thông tin trên internet để chẩn đoán bệnh, mua thuốc trên mạng, đến nhà thuốc hỏi mua về tự uống hoặc dùng đơn thuốc của người khác.

Khi bị rối loạn và nghĩ là mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị. Đối với đơn thuốc cũ của người khác, hoàn toàn không dùng để tự chữa trị cho mình. Kể cả với đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu, nếu bệnh trở lại cũng không nên tự ý dùng trở lại mà tốt nhất nên đi tái khám ở bác sĩ đã chữa bệnh trước đây. Vì chỉ có bác sĩ mới có đủ thẩm quyền cho dùng đơn thuốc cũ hoặc phải thay bằng đơn thuốc mới.

Ngày 23/11/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


Tin đáng chú ý
Thông điệp về Ngày Sốt rét thế giới 25-4 (World Malaria Day)
Ngày Sốt rét thế giới-Ngày Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (World malaria day – A day to make the world care)
 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích