Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 4 5 1 9
Số người đang truy cập
5 3 9
 Tin tức - Sự kiện Trong nước
Bệnh áp xe gan đường mật

Bệnh áp xe gan đường mật là bệnh áp xe do viêm đường mật lan sang nhu mô gan tạo nên. Bệnh cảnh lâm sàng khác nhau tùy theo người lớn hay trẻ em khi bị mắc phải bệnh. Ở người lớn, áp xe gan đường mật thường kèm theo sỏi và bùn mật trong ống mật chủ và đường mật trong gan, xác giun hoặc giun tròn còn sống. Ở trẻ em, áp xe gan đường mật thường do giun chui ống mật (GCOM).

Thực tế, trong các trường hợp cho thấy tiền sử bệnh thường có những đợt đau bụng do giun GCOM gây viêm ống mật hay những đợt đau bụng do sỏi gây tắc đường mật với 3 triệu chứng cơ bản thường gọi là tam chứng Charcot (Charcot’s triad) là gồm có đau, sốt (có thể rét run) và vàng da xảy ra trong nhiều đợt cấp của viêm đường mật. Cần biết bệnh cảnh lâm sàng để phát hiện, điều trị và biến chứng bệnh để phòng ngừa.

Bệnh cảnh lâm sàng

Bệnh cảnh lâm sàng của áp xe gan đường mật có biểu hiện khác nhau tùy theo lứa tuổi. Cần biết đặc điểm này để phát hiện và chẩn đoán phân biệt.

-Đối với người lớn, bệnh nhân thường bi sốt cao, thể trạng suy sụp nhanh, có khi mê sảng, huyết áp hạ, kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn máu, vàng da, đi tiểu ít. Sờ nắn thấy gan to xuống dưới bờ sườn, mật độ gan rắn chắc hơn so với áp xe gan do amíp, có khi có cục lổn nhổn dễ nhầm lẫn với ung thư gan; vì vậy cần phân biệt rõ. Dấu hiệu thường gặp ở áp xe gan do amíp là áp xe đơn độc, có xu hướng phát triển lên trên bề mặt của gan, có dấu hiệu rung gan dương tính, đau khi ấn các gian sườn số 9 bên phải (P) trên đường nách giữa. Trái lại áp xe gan đường mật thường nằm ở phía gan trái (T), nếu gan trái to có thể nắn thấy thành bụng co cứng ở dưới mũi xương ức, ấn vào điểm dưới mũi xương ức gây đau. Có trường hợp đôi khi áp xe gan đường mật là loại áp xe đơn độc, to, nổi lồi lên dưới mặt da cạnh rốn hoặc dưới bờ sườn phải kèm theo vàng da nên ở những người trẻ có thể nhầm lẫn với nang ống mật chủ.

-Ở trẻ em, do không có sỏi làm tắc ống mật nên không thấy triệu chứng vàng da, bilirubin máu không tăng cao nhưng có sốt do giun chui vào ống mật gây nên những cơn đau dữ dội. Ấn vào dưới mũi xương ức làm bệnh nhân đau, điềm này tương ứng với điểm phân thùy 2 của gan, nơi giun hay chui lên. Sau khoảng 1 đến 2 tuần, cơn đau giảm đi nhưng vẫn sốt cao, sốt dai dẳng hàng tháng, thở nông nên dễ nghĩ đến thâm nhiễm bệnh lao; chân bị phù, tiểu ít nên tưởng là bị viêm thận; da xanh xao, gầy còm, mặt và chân phù thường nghĩ tới tình trạng suy dinh dưỡng. Trong thời gian này áp xe gan đường mật đã hình thành, phát triển ra mặt gan rồi vỡ gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong.


Áp xe gan đường mật có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cần được phát hiện sớm để xử trí

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán

Trên thực tế, dấu hiệu ở phim chụp X-quang bệnh áp xe gan đường mật cũng tương tự như bệnh áp xe gan do amíp nhưng khó phát hiện hơn vì thường là những ổ áp xe nhỏ. Áp xe gan đường mật chẩn đoán chậm thường có kèm theo áp xe dưới cơ hoành, nhất là trường hợp áp xe gan ở trẻ em. Chụp hình đường mật qua da dễ thực hiện vì ống mật giãn. Nếu bệnh nhân mới mổ đường mật, còn để ống dẫn lưu thì có thể chụp kiểm tra thông qua bơm thuốc cản quang sẽ thấy hình ảnh rõ hơn. Trên phim chụp có thể thấy những hình ảnh như thuốc nhòe ra ngoài đường mật, những ổ áp xe nhỏ bám vào thành ống mật như chùm hoa, khu trú ở một bên tiểu phân thùy hay nhiều tiểu phân thùy khác nhau cả gan phải lẫn gan trái, thường gặp nhất là ở tiểu phân thùy 2 và 8 hoặc thấy ổ áp xe thông với đường mật nếu chọc đúng ổ áp xe hay hình ảnh nhánh mật bị cắt cụt nếu ổ áp xe đóng kén cách biệt với ống mật.

Xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu tăng cao 15.000-20.000/mm3 hoặc hơn trong máu, tốc độ lắng máu tăng cao 60-100 mm trong giờ đầu, bilirubin máu tăng cao 30-50 mg/lít; urê máu cũng có xu hướng tăng cao trên 0,5 g/lít, nếu kèm theo nhiễm khuẩn huyết có thể trên 1 g/lít. Thủ thuật chọc dò hút mủ khó thực hiện vì thường là áp xe nhỏ rải rác. Trường hợp ổ áp xe to trong nhu mô gan, chọc hút mủ thấy màu trắng hay vàng kem nếu bị nhiễm tụ cầu khuẩn, trực khuẩn E. coli; có màu xanh lục nếu bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh Pseudomona aeruginosa.

Chẩn đoán phân biệt với áp xe gan amíp E. histolytica

Việc phân biệt áp xe gan đường mật do vi khuẩn với áp xe gan do amíp E. histolytica rất quan trọng vì nó quyết định cách xử trí can thiệp khác nhau, không những đối với ổ áp xe mà còn cả với những biến chứng khi áp xe gan vỡ vào ổ bụng hay lên lồng ngực.

Áp xe gan amíp thường là áp xe đơn độc, hay nằm bên gan phải, trong mủ không có vi khuẩn, điều trị bằng cách chọc hút mủ hoặc rạch dẫn lưu mủ bệnh có thể khỏi, tỷ lệ tử vong khoảng 4 - 8%. Áp xe gan đường mật thường có nhiều ổ nhỏ, thành bọc áp xe cứng, mủ chứa nhiều vi khuẩn gram âm và vi khuẩn yếm khí, kèm thêm tắc đường dẫn mật nên việc xử trí can thiệp ngoại khoa phức tạp hơn, tỷ lệ tử vong có thể chiếm tới 80%; hiện nay nhờ những kỹ thuật tiến bộ về phẫu thuật cắt gan nên thời gian gần đây tỷ lệ tử vong giảm xuống còn khoảng 14%.

Các biến chứng nguy hiểm

Chảy máu đường mật là một biến chứng nặng chỉ gặp trong áp xe gan đường mật. Theo các nhà khoa học, chưa có trường hợp nào bị chảy máu đường mật do áp xe gan amíp mặc dù loại áp xe này tuy xuất phát từ các tĩnh mạch cửa trong nhu mô gan nhưng các tĩnh mạch bị viêm tắc, trong mủ có khi lẫn một ít máu mà không chảy máu ồ ạt kể cả sau khi dẫn lưu ổ áp xe. Điều trị chảy máu đường mật bằng cách mở ống mật chủ lấy bỏ dị vật rồi bơm rửa. Trường hợp còn chảy máu thì thắt động mạch gan nếu không khu trú được vị trí chảy máu, có thể thắt thùy gan trái hay tiểu thùy gan phải nếu khu trú được vị trí chảy máu. Nếu cắt toàn bộ gan phải thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao vì thể trạng bệnh nhân đã yếu sẵn. Có thể luồn ống thông vào động mạch gan để nút mạch.

Áp xe gan đường mật vỡ vào ổ bụng có thể gây ra áp xe dưới cơ hoành hay viêm toàn bộ màng bụng. Áp xe gan đường mật vỡ vào lồng ngực thường gây tử vong cao. Việc chẩn đoán và xử trí áp xe gan đường mật vỡ vào lồng ngực dễ thiếu sót vì chẩn đoán áp xe đường mật nhưng không chẩn đoán viêm mủ màng phổi nên không dẫn lưu lồng ngực hoặc ngược lại chỉ chẩn đoán viêm mủ màng phổi mà không xử trí áp xe đường mật. Khi bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện, triệu chứng khó thở do viêm mủ màng phổi lấn át triệu chứng áp xe gan đường mật đã bị vỡ. Trong trường hợp này cần dẫn lưu màng phổi cấp cứu và những ngày sau đó phải mở bụng thăm dò, mở thông ống mật chủ và dẫn lưu thì ổ áp xe gan đường mật thì viêm mủ màng phổi mới lành được. Ngược lại nếu chỉ mở đường bụng để dẫn lưu đường mật, lỗ thông giữa gan với lồng ngực qua cơ hành hoạt động như một cái van, lúc mở lúc đóng nên không thể dẫn lưu hết mủ trong lồng ngực được sẽ gây nên tình trạng dính phổi và ổ mủ đóng kén hoặc rò mủ thành ngực.

Áp xe gan đường mật có khi gây rò làm thông ống mật với phế quản hoặc gây áp xe dưới cơ hoành, thủng cơ hoành rồi thông với phế quản. Thực tế thường gặp rò thông giữa nhánh ống mật của tiểu phân thùy 8 với một nhánh của thân phế quản nền của thùy dưới phổi phải. Trường hợp này phải mở bụng, lấy hết dị vật ở ở đường mật đã gây tắc mật. Khi đường mật đã lưu thông, lỗ rò có thể liền được. Có khi sau một thời gian phải mở lồng ngực, cắt bỏ các sẹo xơ rồi khâu đóng lỗ thủng cơ hoành và phổi hoặc có khi phải cắt một phân thùy hay thùy dưới phổi phải.

Áp xe gan đường mật có thể gây viêm mủ màng tim vì áp xe gan đường mật thường nằm ở thùy trái của gan nên có thể gây thủng cơ hoành và vỡ vào ở màng tim. Diễn biến thường xảy ra đột ngột trên bệnh nhân đang được theo dõi áp xe gan trái, phần lớn các trường hợp đều bị tử vong do không kịp xử trí can thiệp. Nếu phát hiện kịp thời, phải mổ dẫn lưu màng tim. Trong các trường hợp áp xe gan vỡ vào màng tim thì phần lớn là bệnh nhân bị áp xe gan đường mật, rất ít người bệnh bị áp xe gan amíp.

Thái độ xử trí - điều trị can thiệp

Điều trị áp xe gan đường mật bằng kháng sinh liều cao thường thất bại vì thành ổ áp xe xơ dày, các mạch máu bị tắc nghẽn nên thuốc điều trị không có tác dụng đến các vi khuẩn. Vì vậy cần áp dụng nguyên tắc điều trị nếu có mủ phải dẫn lưu hoặc cắt gan. Thực tế vì những ổ áp xe nhỏ nằm rải rác nên khó chọc dò hết mủ. Nếu chọc đúng ổ áp xe, hút ra mủ, đặt ống dẫn lưu sẽ bị rò mật kéo dài dẫn tới tình trạng suy kiệt vì đường dẫn mật phía dưới bị tắc nghẽn. Động tác cơ bản là mở ống mật chủ, lấy hết dị vật, sỏi hay giun để mật và mủ có thể chảy qua cơ vòng xuống tá tràng.

Trong trường hợp áp xe đóng kén ngăn cách với các nhánh mật trong gan, có thể dùng kẹp cong đưa qua ống mật chủ từ dưới lên phá vách áp xe để dẫn lưu, tay trái phẫu thuật viên đặt trên mặt gan để hướng dẫn đường đi của kẹp. Sau khi đặt ống dẫn lưu ống mật chủ, trong những ngày sau mổ cần dùng những kháng sinh chống vi khuẩn gram âm như gentamycine và vi khuẩn yếm khí như flagyl; có thể vừa tiêm truyền thuốc vừa bơm vào đường mật qua ống dẫn lưu.

Nếu những ổ áp xe khu trú ở một hay vài tiểu phân thùy hoặc ở bên gan trái, có thể tiến hành phẫu thuật cắt gan để tránh những biến chứng nặng. Khi cắt bỏ toàn bộ gan phải có thể rất nguy hiểm vì bệnh nhân bị suy kiệt và nhiễm khuẩn nặng, vì vậy cần cố gắng phá vách ổ áp xe để dẫn lưu qua ống mật chủ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Áp xe gan đường mật do sỏi và giun đường ruột thường có tỷ lệ tử vong cao, việc xử trí điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn; có một số trường hợp bệnh nhân phải mổ đến 4 - 5 lần nhưng cũng không qua khỏi tử vong. Trong thực tế nếu biết giữ gìn tốt vệ sinh môi trường không để bị ô nhiễm nặng, vệ sinh ăn uống với chế độ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm, bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, định kỳ 4 đến 6 tháng nên tẩy giun một lần đặc biệt là ở trẻ em để hạn chế các yếu tố thuận lợi gây nên bệnh lý viêm nhiễm đường mật; đồng thời cũng phải thực hiện vấn đề vệ sinh phân bón sử dụng trong nông nghiệp thì mới có thể giảm được tỷ lệ mắc bệnh áp xe gan đường mật với những biến chứng nguy hiểm như đã nêu ở trên.

Ngày 03/07/2017
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


Tin đáng chú ý
Thông điệp về Ngày Sốt rét thế giới 25-4 (World Malaria Day)
Ngày Sốt rét thế giới-Ngày Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (World malaria day – A day to make the world care)
 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích