Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 18/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 4 8 1 9 7
Số người đang truy cập
1 7 2
 Tin tức - Sự kiện Trong nước
Cúm A(H7N9) lây nhiễm từ gia cầm cần được chủ động giám sát và phòng chống (ảnh minh họa)
Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm A(H7N9) xâm nhập nội địa

Dịch bệnh cúm gia cầm bùng phát trong thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi ở các địa phương do phải tiêu hủy một số lớn gia cầm bị mắc bệnh hoặc có yếu tố nghi ngờ. Mối nguy hại lớn nhất là bệnh có khả năng lây nhiễm sang người gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Lúc đầu chỉ là loại cúm A(H5N1), gần đây lại xuất hiện loại cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập nội địa; vì vậy cần giám sát và tổ chức công tác phòng chống bệnh để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng là vấn đề rất cấp thiết.

Dịch bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3/2013 có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Gia cầm bị nhiễm virút không có biểu hiện bệnh lý nhưng có khả năng lây nhiễm bệnh cho người. Phương thức lây truyền bệnh chưa được xác định một cách rõ ràng nhưng hầu hết người bị mắc bệnh cúm đều có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm và môi trường bị nhiễm virút cúm A(H7N9); đến nay chưa có bằng chứng xác định bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Khi bị mắc bệnh, người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Nếu bệnh diễn biến nặng sẽ có tỷ lệ tử vong cao khoảng 40%. Từ năm 2013 đến đầu tháng 4/2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 5 đợt dịch bệnh chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm với 1.378 bệnh nhân mắc gây 501 trường hợp tử vong; ngoài ra cũng đã ghi nhận 1 trường hợp người Malaysia và 2 trường hợp người Canada bị mắc bệnh khi đi về từ vùng có dịch bệnh của Trung Quốc về. Xuất phát từ tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo có sự thay đổi của virút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao đối với gia cầm; tuy nhiên trên thực tế chưa ghi nhận gia cầm nhiễm virút có biểu hiện bệnh lý. Bên cạnh đó cũng đã có bằng chứng cho thấy có sự thay đổi về gen của virút cúm A(H7N9) liên quan đến giảm nhạy cảm với thuốc kháng virút nhưng WHO vẫn chưa đưa ra khuyến cao về thay đổi hướng dẫn điều trị.

Mục tiêu giám sát và xác định trường hợp bệnh

Mục tiêu giám sát là phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm cúm A(H7N9) trên người, các trường hợp bệnh lây nhiễm từ người sang người nhằm đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch và hạn chế tối đa khả năng dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Thực tế cần xác định trường hợp bệnh nghi ngờ và trường hợp bệnh xác định một cách cụ thể. Trường hợp bệnh nghi ngờ là trường hợp có triệu chứng sốt trên 38oC, ho, đau họng, viêm long đường hô hấp; có thể khó thở, đau ngực; trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh có một trong các yếu tố dịch tễ như: có tiền sử đến, ở, về từ vùng xác định nhiễm virút cúm A(H7N9); có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh cúm A(H7N9) trong quá trình chăm sóc, sống, làm việc cùng, ngồi cùng chuyến xe, toa tàu, máy bay, đặc biệt là cùng hàng hoặc trước hay sau một hàng ghế trong khoảng thời gian từ 1 ngày trước khi người bệnh khởi phát triệu chứng cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn; có tiếp xúc với gia cầm, chim trong vùng có lưu hành virút cúm A(H7N9) như nuôi, buôn bán, vận chuyển, chế biến, ăn tiết canh và thịt gia cầm chưa được nấu chín... Trường hợp bệnh xác định là trường hợp bệnh nghi ngờ có xét nghiệm khẳng định dương tính với virút cúm A(H7N9). Lưu ý một nơi được gọi là có ổ dịch cúm A(H7N9) khi ghi nhận có 1 trường hợp bệnh xác định trở lên ở một địa điểm thôn, xóm, đội, tổ dân phố, đơn vị... và ổ dịch cúm A(H7N9) được xác định là chấm dứt khi sau 21 ngày không ghi nhận trường hợp bệnh mắc mới ở người.
 

Các nội dung giám sát theo từng hình huống

Công tác giám sát bệnh cúm A(H7N9) được thực hiện theo 4 tình huống khác nhau như: khi chưa có trường hợp bệnh trên người, khi có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây nhiễm từ người sang người, khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây nhiễm từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những trường hợp bệnh đơn lẻ, khi dịch bùng phát ra cộng đồng.

Khi chưa có trường hợp bệnh trên người: Hiện nay tại nước ta chưa ghi nhận được trường hợp bệnh dương tính với virút cúm A(H7N9) nên yêu cầu của công tác giám sát trong tình huống này là phải phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên xâm nhập vào nội địa hoặc xuất hiện tại cộng đồng nhằm xử lý triệt để từng trường hợp bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng. Nội dung giám sát trong tình huống này được thực hiện gồm: Tại khu vực xác định nhiễm virút cúm A(H7N9) phải lập danh sách, theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp có tiếp xúc gần với gia cầm, sản phẩm gia cầm hoặc môi trường đã xác định nhiễm virút cúm A(H7N9) trong vòng 14 ngày, khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị. Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, báo cáo các trường hợp bệnh nghi ngờ theo mẫu hướng dẫn quy định. Lấy mẫu, xét nghiệm xác định nhiễm cúm A(H7N9) các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virút tại các bệnh viện trên toàn quốc và các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng SARS (severe acute respiratory syndrome), các trường hợp mắc hội chứng cúm tại các điểm giám sát trọng điểm quốc gia. Lấy mẫu, xét nghiệm các chùm trường hợp bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng khi có hai hoặc nhiều người có tiền sử bị sốt hoặc sốt với nhiệt độ đo được từ 38°C trở lên, ho, khởi phát trong vòng 10 ngày và phải nhập viện; có thời gian khởi phát cách nhau trong vòng 14 ngày và có mối liên quan dịch tễ như học cùng một lớp, cùng làm việc, cùng gia đình, cùng bệnh viện, cùng doanh trại quân đội... Lấy mẫu, xét nghiệm các nhân viên y tế, nhân viên thú y có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng sau khi chăm sóc cho người bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A hoặc có tiếp xúc với gia cầm, môi trường, sản phẩm gia cầm bị nhiễm cúm A(H7N9).Thực hiện nghiên cứu, điều tra sự lưu hành của virút cúm A(H7N9) trên các đối tượng nguy cơ cao như người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và mẫu môi trường để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virút trong cộng đồng. Tăng cường công tác đánh giá nguy cơ xâm nhập hay lưu hành của virút cúm A(H7N9), thường xuyên phân tích số liệu hệ thống giám sát để phát hiện các biến đổi bất thường số mắc các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân. Giám sát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, các vùng biên giới giáp với vùng dịch.Phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trong việc giám sát, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh ở gia cầm, tình hình nhập lậu gia cầm, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường để chủ động giám sát và phòng chống dịch bệnh ở người.

Khi có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây nhiễm từ người sang người: Trong tình huống này, yêu cầu của việc giám sát là phát hiện sớm, không bỏ sót các trường hợp mắc mới, các trường hợp có khả năng lây truyền từ người sang người, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng. Nội dung giám sát được thực hiện tùy theo từng khu vực. Tại khu vực chưa có trường hợp bệnh được thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Tại khu vực ổ dịch cũng thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người, đồng thời theo dõi chặt chẽ các trường hợp bệnh, các chùm trường hợp bệnh đã xác định nhiễm virút cúm A(H7N9), tiến hành điều tra sâu về tiền sử dịch tễ, xét nghiệm virút chuyên sâu và giám sát chặt chẽ, lấy mẫu những người tiếp xúc gần với người bệnh để phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm từ người sang người và xác định các yếu tố nguy cơ.

Khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây nhiễm từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những trường hợp bệnh đơn lẻ: Trong tình huống này, yêu cầu của việc giám sát là phát hiện sớm và xử lý triệt để từng ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Nội dung giám sát cũng được thực hiện tùy theo từng khu vực. Tại khu vực chưa có trường hợp bệnh, được thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Tại khu vực ổ dịch, giám sát, điều tra dịch tễ tất cả các trường hợp bệnh;lấy mẫu xét nghiệm khẳng định tối thiểu 5 trường hợp bệnh đầu tiên tại ổ dịch, các trường hợp bệnh nghi ngờ trong cùng ổ dịch nhưng nếu không xét nghiệm khẳng định được thì xử lý như trường hợp bệnh xác định; cách ly, điều trị, hạn chế tiếp xúc với các trường hợp bệnh, các chùm trường hợp bệnh đã xác định nhiễm vi rút cúm A(H7N9),tiến hành điều tra sâu về tiền sử dịch tễ và xét nghiệm virút chuyên sâu; lập danh sách, theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Khi dịch bùng phát ra cộng đồng: Trong tình huống này, yêu cầu của việc giám sát là phát hiện sớm các ổ dịch mới tại các khu vực chưa có dịch và theo dõi diễn biến tại các ổ dịch đang hoạt động. Nội dung giám sát cũng được thực hiện tùy theo từng khu vực. Tại khu vực chưa có trường hợp bệnh, được thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Tại khu vực ổ dịch, việc giám sát được thực hiện như trong tình huống khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây nhiễm từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những trường hợp bệnh đơn lẻ; đồng thời giám sát, phát hiện, báo cáo các diễn biến bất thường về người bệnh, ổ dịch, chùm trường hợp bệnh; tiếp tục thực hiện các xét nghiệm virút chuyên sâu để theo dõi sự tiến triển của dịch bệnh và sự biến đổi của chủng virút.

Các biện pháp phòng bệnh

Việc phòng bệnh cúm A(H7N9) được thực hiện theo các biện pháp chung trong khi chưa có các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và chuẩn bị vật tư, hóa chất dự phòng sẵn sàng khi có dịch bệnh xảy ra. Biện pháp phòng bệnh chung là truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng người dân hiểu biết về bệnh cúm A(H7N9) và các biện pháp phòng bệnh cơ bản. Phải rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn chín, uống chín, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc gia cầm có nguồn gốc từ các khu vực có xác định nhiễm vi rút cúm A(H7N9).Tại khu vực ổ dịch, tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm, sản phẩm gia cầm và môi trường nhiễm bẩn bởi chất thải gia cầm. Trong trường hợp phải tiếp xúc, cần phải sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân, đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là dùng khăn vải hoặc khăn giấy che miệng và mũi khi ho để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp qua các giọt bắn li ti ra môi trường bên ngoài, sau đó tiêu hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng máy điều hòa không khí.Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người. Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu bằng vắcxin phòng ngừa cúm A(H7N9) nên thực tế vẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như đã nêu. Cần lưu ý việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới theo quy trình kiểm dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế. Mặc dù hiện nay tại nước ta bệnh cúm A(H7N9) chưa được phát hiện nhưng nguy cơ xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài vào nội địa là rất lớn nên việc kiểm dịch y tế biên giới phải được chú trọng; đồng thời cũng phải chuẩn bị các loại vật tư, hóa chất dự phòng cần thiết để có thể ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Biện pháp xử lý ổ dịch cúm A(H7N9)

Một nơi được gọi là có ổ dịch cúm A(H7N9) khi ghi nhận có 1 trường hợp bệnh xác định trở lên ở một địa điểm thôn, xóm, đội, tổ dân phố, đơn vị...Việc xử lý ổ dịch được thực hiện bằng cách tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh chung như đã nêu ở trên; đồng thời phải thực hiện thêm các biện pháp đối với người bệnh, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần, khu vực ổ dịch; ngoài ra cũng phải tổ chức công tác tuyên truyền phòng chống dịch và lưu ý xử lý ổ dịch đặc biệt ở trường học, công ty, xí nghiệp, công sở...

Đối với người bệnh: Phải cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về cách ly, điều trị bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;thời gian cách ly đến khi người bệnh được xuất viện thường sau khi hết sốt từ 3 đến 5 ngày.Sử dụng khẩu trang y tế cho người bệnh để hạn chế lây truyền bệnh.Điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H7N9) của Bộ Y tế.

Đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc gần: Phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh.Sau khi tiếp xúc với người bệnh, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần nên hạn chế tiếp xúc với người khác và hạn chế đến nơi tụ họp đông người để tránh lây bệnh cho người khác.Đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo... trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh;thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi ho, hắt hơi; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nếu có xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở... cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Đối với khu vực ổ dịch: Phải xử lý môi trường, khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển, xử lý người bệnh tử vong, xử lý gia cầm và chợ gia cầm. Việc xử lý môi trường được thực hiện bằng cách thường xuyên lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, các chất khử khuẩn gia dụng. Phun dung dịch khử trùng có chứa chlor nồng độ 0,5% chlor hoạt tính tại các địa điểm có liên quan dịch tễ càng sớm càng tốt khoảng 2 đến 3 lần cách nhau từ 2 đến 3 ngày.Địa điểm khử trùng phải thực hiện việc lau rửa, phun hóa chất bao gồm: khu vực nhà người bệnh kể cả khu vực chuồng trại và nơi chăn thả gia cầm; các gia đình tiếp giáp nhà người bệnh, gia đình có gia cầm ốm, chết; tại phòng khám bệnh, nơi điều trị người bệnh; rác thải, chất thải của người bệnh cần được thu gom đúng cách và xử lý bằng dung dịch khử trùng có chứa chlor nồng độ 0,5% chlor hoạt tính.Khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển cần được quan tâm như nhân viên vận chuyển người bệnh phải được trang bị phòng hộ chống lây nhiễm theo quy định, các phương tiện sau khi vận chuyển người bệnh phải được xử lý bằng các dung dịch khử trùng có chứa chlor nồng độ 0,5% chlor hoạt tính.Xử lý người bệnh tử vong phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.Xử lý gia cầm và chợ gia cầm bao gồm tất cả các loại gia cầm, chợ buôn bán, cơ sở giết mổ gia cầm, trại chăn nuôi gia cầm tại khu vực ổ dịch phải được thực hiện theo đúng quy định của cơ quan thú ý.

Tuyên truyền phòng chống dịch: Đây cũng là một biện pháp cần thiết trong xử lý ổ dịch. Phải tăng cường giáo dục, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bản chất, đặc điểm của bệnh dịch cúm A(H7N9), cách nhận biết, khai báo bệnh, cách phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng.Nội dung tuyên truyền giáo dục nên ngắn gọn, tập trung vào những điểm cần ghi nhớ và cần làm cho từng loại đối tượng, tránh gây hoang mang cho nhân dân.Cần thống nhất nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe căn cứ trên cơ sở tài liệu hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đối với ổ dịch tại trường học, công ty, xí nghiệp, công sở: Phải thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch chung như đã nêu ở trên. Đồng thời thực hiện biện pháp đóng cửa trường học, công ty, xí nghiệp, công sở … do cơ quan có thẩm quyền quyết định căn cứ trên cơ sở tình hình dịch bệnh cụ thể của từng nơi có cân nhắc tính hiệu quả để làm giảm lây truyền bệnh tại cộng đồng và các ảnh hưởng đến vấn đề xã hội và kinh tế.

Điều cần quan tâm

Mặc dù hiện nay bệnh cúm A(H7N9) chưa xuất hiện tại nước ta nhưng nguy cơ mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào nội địa để lây lan ra cộng đồng và bùng phát thành dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy ngành thú y, ngành y tế, các ban ngành khác có liên quan cần tăng cường các biện pháp để chủ động phòng ngừa bệnh xuất hiện và phát triển. Theo các nhà khoa học, phần lớn gia cầm bị nhiễm virút cúm A(H7N9) không có biểu hiện triệu chứng bệnh lý nên rất khó phát hiện để xử lý sớm, vì vậy rất dễ có nguy cơ lây nhiễm sang cho người. Mặc dù chưa có bằng chứng xác định bệnh có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành nhưng vẫn phải cảnh báo để đề phòng. Cũng cần lưu ý nếu trường hợp bệnh có diễn biến nặng thì tỷ lệ tử vong có thể chiếm đến 40%. Bệnh chưa có vắcxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chủ động giám sát phát hiện, phòng chống bệnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết theo mục tiêu, nội dung, biện pháp phòng bệnh và xử lý ổ dịch của Bộ Y tế hướng dẫn. 

Ngày 02/06/2017
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


Tin đáng chú ý
Thông điệp về Ngày Sốt rét thế giới 25-4 (World Malaria Day)
Ngày Sốt rét thế giới-Ngày Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (World malaria day – A day to make the world care)
 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích