Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm cố GS. BS. AHLS. Đặng Văn Ngữ
Ngày 1/4/2018 tại Vườn Tượng danh nhân Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) đã tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm 51 năm ngày mất (01/4/1967 -01/4/2018) cố Giáo sư Bác sĩ Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ-Người sáng lập chuyên ngành Ký sinh trùng học Việt Nam. Là một nhà khoa học vĩ đại của Việt Nam, cố Giáo sư Bác sĩ Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, Giáo sư là người sáng lập ra chuyên ngành ký sinh trùng học được xem như “Ông tổ chuyên ngành Ký sinh trùng” Việt Nam với biết bao thế hệ học trò tiếp bước sự nghiệp của Thầy. Gần nửa thế kỷ nay theo thông lệ vào đầu tháng 4 hàng năm, Hội Ký sinh trùng học Việt Nam nòng cốt là Bộ môn Ký sinh trùng các trường Đại học Y Dược cả nước, các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng luân phiên tổ chức Hội nghị khoa học chuyên ngành thường niên gắn với lễ tưởng niệm ngày mất (1/4/1967), kỷ niệm ngày sinh (4/4/1910) tưởng nhớ công ơn Thầy, kính dâng Thầy những thành tựu khoa học đã đạt được và định hướng phát triển chuyên ngành ký sinh trùng lâu dài bền vững. Tượng cố GS.BS.AHLS Đặng Văn Ngữ và bia ghi nhận cống hiến của Thầy tại Vườn tượng danh nhân Quy Hòa, Tp. Quy Nhơ, tỉnh Bình Định
 Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơnthành kính dâng hương tưởng nhớ Cố GS.BS.AHLS Đặng Văn Ngữ tại Vườn tượng danh nhân Quy Hòa, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những thành tích cống hiến của Giáo sư Bác sĩ Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ với ngành y tế là vô giá nhất là lĩnh vực chuyên ngành ký sinh trùng, các công trình nghiên cứu của Giáo sư có chiều sâu cả về khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng đáp ứng toàn diện yêu cầu chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh cho cộng đồng. Hy sinh anh dũng vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học ngay trên mảnh đất quê hương nhưng công trình nghiên cứu của Giáo sư không dang dở vì các thế hệ học trò tiếp bước thực hiện trọn vẹn mong ước của Thầy. Kể từ hội nghị khoa học chuyên ngành đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất do Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức (1975) đến hội nghị khoa học chuyên ngành lần thứ 44 do Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đăng cai nhân dịp 40 năm thành lập Viện (2017), hàng chục ngàn công trình, ấn phẩm nghiên cứu khoa học chuyên ngành đã được công bố trên các tạp chí y học trong nước và quốc tế làm dày thêm kho tàng kiến thức do người Thầy đầu tiên đặt nền móng. Cùng với sự phát triển khoa học, đội ngũ cán bộ chuyên ngành cũng không ngừng lớn mạnh, những học trò đầu tiên của cố GS. Đặng Văn Ngữ trở thành những người thầy đào tạo nhiều thế hệ học trò kế tiếp, những thế hệ học trò này lại trở thành thầy tiếp tục đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực không bao giờ cạn với hàng chục giáo sư, phó giáo sư; hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên ngành ký sinh trùng. Năm tháng qua đi trải qua biết bao thế hệ, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực hành tích lũy được từ thời cố GS.BS. AHLS. Đặng Văn Ngữ cùng những bước chân không ngừng nghỉ của những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến thầm lặng với các bệnh ký sinh trùng đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện tình hình dịch bệnh, góp phần tích cực cùng ngành y tế đem lại sức khỏe, sức sản xuất, kéo dài tuổi thọ của người dân, khẳng định vị thế của chuyên ngành ký sinh trùng, thực hiện trọn vẹn hoài bão của người Thầy vĩ đại.  Những học trò thế hệ sau nay là Lãnh đạo Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn thành kính dâng hương nhân ngày giỗ cố GS.BS.AHLS Đặng Văn Ngữ
Tiếc rằng năm nay hội nghị khoa học chuyên ngành lần thứ 45 (2018) không diễn ra như thông lệ, nhiều thế hệ học trò từ mái đầu bạc trắng đến mái đầu xanh không có dịp hội tụ cùng nhau để tưởng niệm ngày giỗ Thầy nhưng hình ảnh người thầy vĩ đại-ông tổ chuyên ngành Ký sinh trùng học Việt Nam vẫn luôn sáng mãi trong tâm trí mỗi người, nhất là với tập thể Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (đơn vị trực thuộc Bộ Y tế) chịu trách nhiệm phòng chống dịch bệnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Thừa Thiên-Huế nơi sinh ra người Thầy vĩ đại và là chiến trường khốc liệt chứng kiến sự hy sinh anh dũng của GS.BS. Đặng Văn Ngữ cùng các đồng nghiệp của mình.  Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn (Bộ Y tế) phụ trách khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Thừa Thiên-Huế nơi sinh và hy sinh của GS.BS.AHLS Đặng Văn Ngữ
Trong bối cảnh không còn lễ tưởng niệm chung, từ 1/4/2018 Ban Giám đốc Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn quyết định làm lễ dâng hương thường niên đúng ngày giỗ GS.BS.AHLS. Đặng Văn Ngữ tại Vườn Tượng danh nhân Quy Hòa, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định-nơi tượng Thầy an tọa nhìn ra bờ biển phủ đầy phi lao, cát trắng cùng biển rộng bao la, dập dờn sóng vỗ tượng trưng cho tâm nguyện cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Thầy như biển rộng mênh mông. Vườn Tượng danh nhân Quy Hòa, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định-nơi tượng GS. Đặng Văn Ngữ an tọa nhìn ra bờ biển phủ đầy phi lao, cát trắng cùng biển rộng bao la, dập dờn sóng vỗ Tài năng của GS. Đặng Văn Ngữ đã để lại cho các thế hệ mai sau hành trang chuyên nghiệp, nhân cách của Thầy là tấm gương sáng cho mỗi cán bộ chuyên ngành ký sinh trùng noi theo trong suốt chặng đường đời. Từ hàng chục năm nay, ngày giỗ Thầy 1/4 hàng năm đối với Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn thiêng liêng hơn bao giờ hết, trong phòng làm việc của Viện trưởng, nguyên Viện trưởng và các Viện phó chuyên môn đều có di ảnh của cố GS.BS. Đặng Văn Ngữ; thắp nén hương thơm vào ngày giỗ Thầy còn mang yếu tố tâm linh mong Thầy chỉ giáo đường đi nước bước trong phòng chống dịch bệnh cũng như bước đường công danh sự nghiệp của mình PGS.TS. Nguyễn Văn Chương-Viện trưởng và PGS.TS. Triệu Nguyên Trung-Nguyên Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn thành kính dâng hương nhân ngày giỗ cố GS. Đặng Văn Ngữ Từ 1/4/2018 thay vì lễ tưởng niệm chung hàng năm, lần đầu tiên Viện sốt rét-KST-CT Quy Nhơn tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ ngày mất cố GS.BS.AHLS. Đặng Văn Ngữ tại Vườn tượng danh nhân Quy Hòa, tỉnh Bình Định với sự có mặt của PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Chương-Viện trưởng, PGS.TS.BS. Triệu Nguyên Trung-Nguyên Viện trưởng; các Phó Viện trưởng: PGS.TS.BS. Hồ Văn Hoàng, TS.BS. Huỳnh Hồng Quang, Ths. Võ Trí Dũng cùng các cán bộ chủ chốt của Viện. Thành kính dâng hương trước tượng thầy, tập thể cán bộ Viện Sốt rét-KST-CT có thể tự hào báo công với thầy về thành tích phòng chống và loại trừ sốt rét ở khu vực trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, loại trừ giun chỉ bạch huyết, đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết và kiểm soát các bệnh ký sinh ở người trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các cán bộ viên chức Viện làm lễ dâng hương trước tượng thầy Cho đến nay trên thế giới các bệnh ký sinh trùng vẫn được coi là nhóm bệnh bị lãng quên (Neglected tropical diseases_NTDs), ở Việt Nam các bệnh ký sinh trùng được xếp vào nhóm C & B trong danh mục bệnh truyền nhiễm ít được đầu tư phòng chống, cộng đồng ít quan tâm đến căn bệnh này bởi vậy những người công tác trong chuyên ngành ký sinh trùng được coi như những chiến binh thầm lặng trong cuộc chiến với các bệnh ký sinh trùng. Hiện nay cơ cấu bệnh tật nhiều thay đổi, nhiều bệnh ký sinh trùng trở nên khó kiểm soát như các bệnh truyền từ động vật sang người (Zoonoses): sán lá gan lớn, giun đũa chó/mèo, ấu trùng sán lợn…; các bệnh do véc tơ truyền (Vector-borne disease_VBD): sốt rét, sốt xuất huyết, giun chỉ bạch huyết… cùng các bệnh lạ, các bệnh ký sinh trùng mới nổi… đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của những người làm trong chuyên ngành ký sinh trùng. Tuy nhiên, trong buổi lễ dâng hương tượng thầy lãnh đạo cùng cán bộ tập thể cán bộ Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn đều tâm nguyện noi gương Thầy sáng tạo trong nghiên cứu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong phòng chống dịch bệnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, góp phần xây dựng chuyên ngành ký sinh trùng ngày càng vững mạnh.
|