Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 1 5 4 6
Số người đang truy cập
3 8 8
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 14/6 đến 17/6 năm 2016

Lao động

Đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Thủ tướng CP vừa có ý kiến chỉ đạo về việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và triển khai tin học hóa trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Về việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành trước ngày 30-6 tới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách và các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT nói chung, phát triển BHYT theo hộ gia đình nói riêng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu BHYT theo cơ chế dịch vụ công đối với tổ chức, đơn vị phù hợp với quy định của Luật BHYT, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT…

Cá nhiễm phenol dưới góc độ khoa học và luật pháp

Sự kiện 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị nhiễm phenol 0,037mg/kg, dù đã được cơ quan chức năng tiêu hủy, vẫn sôi sục truyền thông, lo ngại cho sức khoẻ người tiêu dùng nguồn thực phẩm cá hải sản từ Biển Đông khi chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bảo đảm an toàn. Trong khi, có thông tin cho rằng, “cá nục nhiễm phenol không đáng ngại” khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Mâu thuẫn về khoa học và luật pháp

Về mặt khoa học không còn phải bàn cãi, phenol là hoá chất thuộc lĩnh vực công nghiệp. Về mặt luật pháp, cũng chính vì lý do khoa học trên, nên phenol thuộc danh mục chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm (còn độc như thế nào cơ chế tác động ra sao không phải nội dung bàn cãi của người mua, bán, sử dụng, mà là công việc của giới nghiên cứu khoa học). Từ tiền đề khoa học và luật pháp phổ quát trên, thế giới không đưa ra ngưỡng hàm lượng phenol an toàn trong thực phẩm. Điều đó được hiểu nếu phát hiện có dấu hiệu định tính phenol chứ không cần định lượng bao nhiêu là buộc phải hủy do luật pháp chế tài. Trong khi những hoá chất được pháp luật đưa ra ngưỡng giới hạn, thì chỉ bị hủy khi thực phẩm có hàm lượng hoá chất vượt ngưỡng đó. Thế nhưng, lo ngại là có thông tin trên truyền thông cho rằng phenol vẫn sử dụng được vì luật pháp các nước "không đưa ra ngưỡng". Lập luận này lấy chủ quan làm thước đo, đặc biệt khi đưa ra kết luận mà không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào: “Với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại”. Bỏ qua căn cứ khoa học phenol là hoá chất công nghiệp và cơ sở pháp lý cấm dùng trong thực phẩm buộc phải tiêu hủy, việc lấy thước đo “tiền“ ra so sánh “30 tấn cá rất nhiều tiền, có khi cả cơ nghiệp của người dân“, và đưa ra lời khuyên “trường hợp này không nhất thiết phải tiêu huỷ“ là hết sức phản cảm. Trong khi, phát triển kinh tế ở ta cũng như thế giới lấy bảo đảm môi trường, sức khỏe làm thước đo. Nghĩa là môi trường và sức khoẻ được ưu tiên trước kinh tế. Cuộc sống hằng ngày cũng vậy, ở Đức cảnh sát luôn khuyên người dân, khi bị cướp giật trấn lột, không nên chống cự, mà làm theo lệnh của chúng để bảo toàn thân thể, tính mạng. Nghĩa là tiền không là gì so với an toàntính mạng.

Không tuân thủ quy trình ATVSTP

Nguy hại hơn là có thông tin đưa ra cách để cứu 30 tấn cá nhiễm phenol bằng quy trình tẩy độc, “hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước, nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên. Có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Sau đó kiểm tra lại nồng độ phenol một lần nữa trước khi cấp đông trở lại”. Nếu quả thật luật pháp nước ta cho phép điều đó, thì quy trình vệ sinh thực phẩm ở ta rất lạc hậu, không hoà nhập thế giới. Ở Đức chỉ cần mang thực phẩm đông lạnh ra khỏi tủ lạnh đông tới quầy trả tiền là bắt buộc phải mua không được trả lại hàng (trong khi quần áo mua xong vài ba tháng trả lại là chuyện thường). Lý do thuộc về ngành khoa học hoá vi sinh. Bất cứ thực phẩm đông lạnh nào khi tiếp cận không khí bên ngoài, bề mặt của nó cũng đạt nhiệt độ gọi là nhiệt độ “ơ tắc ti“. Ở nhiệt độ đó, nước cùng lúc ở cả 3 thể nước, rắn, và khí (nhìn tảng nước đá vận chuyển mùa hè, hơi nước bay nghi ngút, bề mặt nước lênh láng chính là ở nhiệt độ ơ tắc ti). Do ở thể khí, nước, nên vi khuẩn dễ xâm nhập và khi bỏ trở lại vào tủ lạnh đông, thực phẩm sẽ chứa luôn vi khuẩn xâm nhập đó dạng ngủ đông. Thời hạn bảo quản ngắn lại, và khi chế biến không bảo đảm an toàn. Nói cách khác, thực phẩm không được phép làm đông lạnh 2 lần, được quy chuẩn trong mọi văn bản luật liên quan ở các nước. Sự kiện cá hải sản chết bởi nhiễm độc ở ta không phải nằm trong phạm vi hẹp nhỏ, hay chỉ xảy ra trong một vài ngày có thể giải quyết dễ dàng trong phạm vi địa điểm và thời gian đó, mà ở tầm quốc gia, kéo dài 2 tháng nay, nên chỉ có thể giải quyết ở tầm cấp quốc gia, tức tầm cấp ra chủ trương chính sách pháp luật, rất cần được cung cấp đầy đủ căn cứ khoa học luật pháp làm nền tảng trước khi ban hành. Ở các nước tiên tiến, chừng nào các luật lệ và quy định trên chưa thể ban hành thì chừng đó mọi rủi ro liên quan tới an toàn sức khỏe tính mạng người dân phải được chặn đứng bằng phương pháp khẩn cấp, cấm lưu thông, tiếp xúc, sử dụng.

Cứu sống bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch lần đầu ghi nhận ở VN

Ngày 14.6, bác sĩ CKII Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, THCM – thông tin về ca bệnh hy hữu mà các bác sĩ vừa điều trị thành công. Bệnh nhân là ông Huỳnh Văn Ánh (56 tuổi, ngụ ở tỉnh Hậu Giang). Ông được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đau ngực tăng dần. Qua các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp… Sau mổ, hồi sức tích cực nên sức khỏe dần hồi phục và được xuất viện. Theo y văn thế giới, bệnh nhân mắc bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp tùy theo thể nặng nhẹ, có tỉ lệ tử vong từ 40 – 50%.

Pháp luật TPHCM

Vụ cá nục có phenol: Sẽ phải kiểm nghiệm lại

Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế: Quảng Trị đã hơi nóng vội, việc này cần phải kiểm nghiệm kỹ. Chiều 12-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ phát hiện hàm lượng chất phenol (0,037 mg/kg) trong mẫu kiểm nghiệm của lô cá nục gần 30 tấn tại cơ sở của bà Lê Thị Thuộc (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị (đơn vị đã thực hiện kiểm nghiệm trước đó), cho hay: “Bây giờ chúng tôi phải tiến hành kiểm nghiệm lại 30 tấn cá nục đó, theo cách làm là lấy mẫu ở từng bao cá một. Chứ trước đó, mình lấy mẫu ở một bao mà đại diện cho tất cả thì khó nói”. Theo ông Biên, trước mắt phải chờ kiểm nghiệm lại rồi đưa ra quyết định cuối cùng, số cá trên vẫn đang niêm phong chờ kết quả chứ chưa tiêu hủy.

“Muốn xử phải có quy định rõ ràng”

Liên quan đến cuộc tranh luận giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị về việc chất phenol được phép hay không được phép có trong thực phẩm, trao đổi với chúng tôi sáng cùng ngày, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, tiếp tục khẳng định hiện tại chất phenol chưa được quy định cụ thể trong ngành nông nghiệp. “Hiện nay quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN, do Bộ TN&MT ban hành - PV) có quy định ngưỡng cho phép của phenol trong nước biển là 0,03 mg/kg. Còn trong thực phẩm cụ thể ra sao? Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện mẫu cá nục trong cơ sở của bà Thuộc là 0,037 mg/kg thì có vượt ngưỡng trong thực phẩm không? Tiêu chí nào, hàm lượng bao nhiêu thì vượt ngưỡng? Hiện tại chưa có quy định này nên cơ quan chuyên môn y tế nên kiểm định lại và kết luận phải được công bố dựa trên tiêu chuẩn cụ thể” - ông Hưng nói. Theo ông Hưng, Bộ Y tế phải có tiêu chuẩn để biết được hàm lượng phenol như vừa kiểm tra có vượt ngưỡng không. “Nếu vượt ngưỡng thì khi đó mới có thể quy kết được là nó độc hay không độc với người tiêu dùng. Cụ thể theo tiêu chuẩn hàm lượng bao nhiêu thì được và trên bao nhiêu thì không được, là cấm”.

“Chưa có quy chuẩn về phenol trong cá”

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng lại tiếp tục khẳng định: “Chất phenol không được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Có văn bản đầy đủ”. Chúng tôi đặt tiếp câu hỏi: “Vậy Bộ Y tế có đưa ra văn bản nào quy định phenol là chất cấm trong cá, thực phẩm không?”, ông Thành nói: “Về văn bản cụ thể thì cơ quan chuyên môn nắm, còn tôi là quản lý chung nên biết vậy nhưng có căn cứ văn bản đầy đủ. Anh hỏi lại thêm bên Chi cục ATVSTP họ sẽ trả lời cụ thể”. Chúng tôi đặt tiếp câu hỏi trên với Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Bộ Y tế có quy chuẩn. Phenol trong cá thì không nói đến nhưng trong công nghiệp thực phẩm thì không được sử dụng phenol”. Ông Biên cho rằng thực tế phenol là chất độc ai cũng biết rồi, trong bao bì đựng thực phẩm mà không được phép thì chắc chắn trong thực phẩm cũng không cho phép. “Mà trong cá, người ăn vào phenol sẽ thải ra chậm, càng ngày càng tích lũy, với hàm lượng đó thì không thể ngộ độc rồi nhưng để lâu dài 5-10 năm sau sẽ ảnh hưởng”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Văn bản nào quy định trong công nghiệp thực phẩm không được sử dụng phenol?”, ông Biên cho rằng văn bản cấm sử dụng phenol trong thực phẩm thì tài liệu thế giới có nói. Ví dụ như vụ xúc xích mặc dù có ngưỡng của bộ y tế,… nhưng phải theo quy cách thế giới. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản TP Đà Nẵng, cũng cho hay hiện không có quy định về chỉ tiêu phenol. “Hiện liên quan đến chất phenol, chúng tôi cũng đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Tứ cho biết và nói: “đề nghị Bộ Y tế cần có ý kiến chính thức về vấn đề chất phenol này. Bởi đây là chuyên ngành của Bộ Y tế còn chúng tôi làm theo các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, đặc biệt là của Bộ Y tế. Vì vậy, cần đưa ra tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật… để các địa phương thực hiện”.

Cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS của Thái Lan

“Thái Lan đã chứng minh cho cả thế giới thấy HIV có thể bị đánh bại”. Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á loại bỏ việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ, theo WHO ngày 7-6. WHO cho rằng thành quả đáng chú ý của Thái Lan đã chứng minh cho cả thế giới thấy HIV có thể bị đánh bại.

Cơn ác mộng quá khứ

Thông báo này là một cú hích cho các nhân viên sức khỏe ở Thái Lan, những người đã chuyển hóa xứ chùa vàng từ một trong những nước châu Á bị HIV tàn phá thành một biểu tượng thành công trong việc đối phó HIV hiệu quả. Năm 1990, đất nước này có 100.000 ca HIV và ba năm sau tăng lên thành 1 triệu do công nghiệp tình dục khổng lồ. Theo Bangkok Post, số trẻ em nhiễm mới HIV/năm tính vào đầu những năm 2000 đến hơn 1.000 bé sơ sinh. Báo cáo của chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) thống kê số ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS tại Thái Lan vào năm 2005 lên đến hơn 42.000 người. Trong nhiều thập niên, HIV/AIDS là cơn ác mộng đầy ám ảnh của Thái Lan. Ban đầu các tổ chức sức khỏe đã rất vất vả để tìm cách thuyết phục chính phủ mạnh tay hành động. Vào cuối những năm 1990, các chương trình toàn quốc nhằm thúc đẩy phân phối miễn phí bao cao su cho những người tham gia vào công nghiệp tình dụng và sau đó là chương trình cung cấp rộng rãi ART những năm 2000 cuối cùng cũng giúp Thái Lan thành công rực rỡ, giành được lời ca ngợi của WHO. Từ năm 2000, Thái Lan đã là một trong những nước đầu tiên trên thế giới cung cấp miễn phí thuốc ART cho tất cả phụ nữ có thai được chẩn đoán có HIV. Theo thống kê của chính phủ Thái Lan, số trẻ em nhiễm HIV từ lúc mới sinh đã giảm từ 1.000/2.000 xuống chỉ còn đúng 85/2.000 cuối năm 2015, mức giảm lớn vừa đủ để được WHO công nhận không còn bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Một số lượng nhỏ các trường hợp không thành công đang được xem xét vì điều trị bằng thuốc không đạt 100% hiệu quả. Trên thế giới chỉ có thêm Cuba đạt được kết quả này theo tiêu chuẩn của WHO.

Một thế hệ mới “không HIV”

Tỉ lệ phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con mà Thái Lan đạt được có thể xem là ngang với các nước phát triển tại Bắc Mỹ và châu Âu, theo Bangkok Post. Bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực của WHO tại Đông Nam Á, ca ngợi thành quả của Thái Lan chứng minh rằng một quốc gia nằm ngoài nhóm những nước giàu có vẫn có thể đạt được cột mốc quan trọng này trong cuộc chiến chống lại thảm họa toàn cầu HIV/AIDS. Việc ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thắp lên niềm hy vọng rằng các nỗ lực ngăn ngừa và điều trị HIV trong thế hệ hiện tại sẽ chấm dứt được thảm họa HIV của Thái Lan, mở ra tương lai cho một thế hệ trẻ em “không HIV”. Phân tích về các yếu tố góp phần tạo nên thắng lợi to lớn này cho Thái Lan, bà Poonam Khetrapal Singh chỉ ra ba “chìa khóa” quan trọng. Thứ nhất, Thái Lan đã duy trì được con số ấn tượng trong việc giảm số ca nhiễm mới HIV tại nước này, giúp giảm tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi mang thai bị nhiễm HIV. Từ năm 2000 đến năm 2014, số ca nhiễm mới HIV ở nữ giới Thái Lan giảm mạnh từ 15.000 xuống còn 1.900 trường hợp được ghi nhận. Tỉ lệ giảm này đạt đến hơn 87%, một con số vượt xa cả nhiều quốc gia giàu có phương Tây. Thứ hai, Thái Lan đã xây dựng được một hệ thống hỗ trợ chi phí sức khỏe phổ thông toàn quốc vững chắc. Hệ thống này cho phép cả người giàu lẫn người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết để ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS. Hệ thống này là bệ phóng quan trọng cho chương trình cấp phát miễn phí thuốc ART cho những người nhiễm hội chứng chết người này. Mọi trường hợp người mẹ mang thai hay có con nhỏ bị nhiễm HIV đều được đưa vào chương trình chăm sóc sức khỏe và trẻ em tại các bệnh viện, chi phí chăm sóc sức khỏe đều được chi trả bởi chính phủ. Từ năm 2013 đến nay, 95% phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được cung cấp thuốc ART miễn phí, theo Bộ Y tế Thái Lan. Cuối cùng, bà Singh cũng ca ngợi tầm nhìn của chính phủ Thái Lan đã xây dựng một chính sách đối phó HIV/AIDS “bình đẳng” cho cả những người nước ngoài tại Thái Lan. Tương tự các công dân Thái Lan, những người nhập cư tại Thái Lan, mà đặc biệt là những người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, đều được điều trị HIV miễn phí. Theo báo cáo của UNAIDS vào năm 2013, tỉ lệ nhiễm HIV của người nhập cư tại Thái Lan cao gấp bốn lần tỉ lệ nhiễm HIV trung bình toàn quốc. Tổ chức WHO nhận định dù cũng là đối tượng dễ lây nhiễm HIV nhưng người nhập cư tại nhiều nước đa phần là thành phần bị xã hội bỏ rơi và không được hưởng các phúc lợi y tế. Đại diện của WHO tại Thái Lan, ông Daniel Kertesz, cũng đánh giá cao việc Thái Lan đưa cả những phụ nữ nhập cư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn quốc, giúp các biện pháp phòng ngừa và điều trị HIV không bỏ sót bất kỳ ai.

Thuyền trưởng của “cuộc chiến”

Theo đánh giá của chương trình UNAIDS châu Á-Thái Bình Dương, cũng như nhiều tổ chức sức khỏe tại Thái Lan, BS Praphan Phanuphak có thể được xem là “thuyền trưởng” của cuộc chiến chống cơn đại dịch chết người HIV/AIDS tại Thái Lan. Ông chính là người đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu AIDS - Hội Chữ thập đỏ Thái Lan (TRC-ARC) và giữ cương vị giám đốc từ năm 1989 đến nay. Ông cũng đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về hệ miễn dịch nổi tiếng tại ĐH Hoàng gia Chulalongkorn (Thái Lan) và là thành viên Ủy ban Chính sách và Chiến lược về HIV của Liên Hiệp Quốc. Vào giai đoạn 1984-1985, BS Phanuphak chính là người tiếp nhận và chẩn đoán những ca nhiễm HIV sớm nhất được phát hiện tại Thái Lan. Ông Phanuphak là một trong những “bộ óc” chủ đạo đằng sau những cách ứng phó HIV sáng tạo và hiệu quả của Thái Lan, theo tờ The Nation (Thái Lan). Ông luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả trong cuộc chiến chống lại cơn đại dịch thế kỷ, góp phần đưa Thái Lan trở thành một trong những hình mẫu toàn cầu trong vấn đề ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS. Bà Tatiana Shoumilina, Giám đốc chương trình UNAIDS tại Thái Lan, nhận định: “Ông ấy luôn đi trước mọi người trong cuộc chiến này. Ông ấy luôn biết sớm hơn mọi người chiến lược nào là câu trả lời đúng đắn nhất trước những thách thức của đại dịch AIDS”. Cuối những năm 1980, khi các ca nhiễm HIV ngày một nhiều, ông Phanuphak đã cùng TRC-ARC vận động chính phủ xây dựng các cơ sở tư vấn và xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc với quy tắc tiên quyết là giữ bí mật tuyệt đối danh tính bệnh nhân để khuyến khích những người có triệu chứng “lộ diện” và nhận được các hỗ trợ thích hợp. Sự hiệu quả to lớn của các trung tâm này đã thúc đẩy chính phủ xóa cả chính sách bắt người dương tính HIV phải đăng ký danh tính nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn xét nghiệm. Tính đến nay, các trung tâm này đã làm việc không mệt mỏi với hơn 25.000 xét nghiệm/năm, giúp xác định hàng ngàn ca nhiễm HIV hằng năm. Ông Praphan Phanuphak cũng là người có công đầu trong việc đưa thuốc kháng virus (ARV) đến với những bệnh nhân Thái Lan thông qua các kênh hợp tác nghiên cứu quốc tế với các trung tâm phương Tây. Trung tâm nghiên cứu của ông cũng đi đầu trong việc ngăn ngừa và điều trị HIV đối với người chuyển giới tại châu Á. Tờ The Nation mô tả ông Praphan Phanuphak là một người có tính cách thích tò mò khám phá không ngừng, có tư duy cởi mở và luôn khiêm tốn. Những phẩm chất này cùng với tài năng và tri thức đã giúp ông Praphan luôn đi đầu trong cuộc chiến chống HIV tại Thái Lan.

Ngưng hoạt động căn tin B03 phát hiện có giòi trong đầu cá

Chiều 15-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thanh An, Giám đốc Ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sự việc một nữ sinh mua suất cơm cá tại căn tin B03 mang về phòng ăn trưa (ngày 14-6) thì tá hỏa phát hiện trong đầu cá có giòi đã được xử lý. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc lấy mẫu phân tích, cách thức tổ chức bếp ăn có đúng quy trình, xem lại hợp đồng kinh doanh bếp ăn phục vụ sinh viên, khâu lưu mẫu thực phẩm như thế nào... Đồng thời lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, bước đầu đưa ra những phân tích đúng sai trong vụ việc này. Theo ông An, ngay khi có thông tin sinh viên phản ánh, Ban quản lý KTX đã trực tiếp có mặt tại căn tin B03 thu toàn bộ thức ăn để kiểm tra, lấy mẫu và cho ngưng hoạt động để chấn chỉnh. Cụ thể, toàn bộ có 10 căn tin phục vụ khoảng 21.000 sinh viên đang lưu trú tại các bloc KTX. Riêng căn tin B3, ngày 14-6, có 25 món, trong đó có món cá bạc má khoảng 20 con, trong đó chỉ phát hiện trong đầu một con do nữ sinh mua về phòng ăn có giòi, 19 con còn lại khi thu về mổ ruột, đầu không thấy có giòi. Qua sự việc này, chủ căn tin B03 đã ký vào biên bản xác nhận sinh viên mua cơm cá do họ bán, với giá 15.000 đồng. Điều đáng ghi nhận là chưa có sinh viên nào bị ói mửa do ngộ độc thức ăn sau sự việc này. “Cho dù chưa xảy ra hậu quả nghiệm trọng, tuy nhiên lúc này phải đặt trách nhiệm an toàn bữa ăn của sinh viên lên hàng đầu, không vì lợi ích của căn tin mà không đảm bảo sức khỏe cho sinh viên. Những việc khác liên quan đến việc đầu cá có giòi, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng làm cho ra nguyên nhân vì đâu trong đầu cá có giòi” - ông An nói. Ông An cho rằng 10 căn tin này đã hợp tác với KTX, phục vụ nhu cầu ăn uống của hàng chục ngàn sinh viên, 15 năm nay chưa xảy ra sự việc đáng tiếc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, sau sự việc Ban quản lý KTX đã họp với 10 chủ căn tin để chấn chỉnh tình hình, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát đầu vào thực phẩm, lưu mẫu nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn của sinh viên. Trước đó, khoảng 10 giờ sáng 14-6, một nữ sinh xuống nhà ăn B3 mua cơm cá mang phòng ăn và phát hiện trong đầu cá có giòi. Sinh viên này đã quay lại bằng điện thoại và đăng lên trang fanpage của KTX ĐH Quốc gia TP.HCM.

Phần mềm kết nối dữ liệu BHYT sẽ hoàn thành trước 30-6

Phần mềm ứng dụng quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) tại đơn vị, thực hiện trích xuất dữ liệu, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện sẽ hoàn thành trước ngày 30-6. Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại hội nghị đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, hướng dẫn trích chuyển dữ liệu lên cổng dữ liệu diễn ra sáng 15-6 tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng Tuấn, đến nay đã có hơn 3.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc trích xuất được dữ liệu điện tử đầu ra phục vụ yêu cầu thanh toán BHYT sẵn sàng chuyển đến cơ quan BHXH từ ngày 30-6. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình thực hiện tại các địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn nhiều bất cập trong việc trích xuất, kết nối liên thông dữ liệu, đường truyền. Hiện nay, trên toàn quốc vẫn còn 24/63 Sở Y tế chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, có 8.434/13.932 (60%) cơ sở khám chữa bệnh chưa báo cáo khảo sát công nghệ thông tin.

Được sống nhờ BHYT chi trả 50% phí trị ung thư

Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân Th., cô đã chống chọi với căn bệnh ung thư suốt bốn năm, đang có ý định bỏ cuộc vì chi phí quá cao, đã chia sẻ như trên. Sáng 15-6, tại buổi công bố khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư có BHYT tại BV Pháp-Việt TP.HCM (FV), nữ bệnh nhân cho biết mình phát hiện ung thư năm 2012, điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM nhưng không có khả quan. Một năm sau, chị Th. liên hệ điều trị tại BV FV, mặc dù được các bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị tốt, sử dụng xạ trị, hóa trị giúp chị ổn định rất nhiều, tuy nhiên số tiền để tiếp tục tiêu diệt ung thư quá lớn nên chị đã có ý định dừng điều trị vào cuối tháng 6. “Tháng 7, tôi được các bác sĩ cho biết Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM đã cùng BV FV bắt đầu tham gia khám chữa bệnh bằng BHYT cho bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại khoa Ung bướu BV FV. Ban đầu số tiền điều trị một năm bình quân của tôi hơn 1,5 tỉ đồng nhưng qua một năm điều trị được BHYT chi trả, tôi giảm được gần 50% chi phí, nhờ có BHYT tôi mới có thể tiếp tục điều trị và sống được cho đến ngày hôm nay” - chị Th. cho biết. Việc ký kết chương trình hợp tác giúp đảm bảo sức khỏe cho người dân trong hệ thống an sinh xã hội, giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện công, đồng thời giúp bệnh nhân ung thư có cơ hội khám, chữa bệnh tại một môi trường quốc tế, với chi phí khám, chữa bệnh được BHXH đồng chi trả theo chính sách BHYT. Sau một năm (7-2015), được sự giúp đỡ nhiệt tình của BHXH TP.HCM, FV đã thực hiện trôi chảy tốt công tác khám chữa bệnh này với gần 900 lượt bệnh nhân. BS Phạm Thị Thanh Mai - Giám đốc điều hành BV FV cho biết đối với bệnh nhân ung thư được điều trị tại BV. BHXH sẽ đồng chi trả cho chi phí khám bệnh và điều trị ung thư bằng phương pháp hóa-xạ trị. Trong đó, hạng mục được hỗ trợ nhiều nhất là thuốc điều trị được BHYT chi trả 30%-90%. Bên cạnh đó, số tiền được chi trả cho một bệnh nhân trong một ngày xạ trị là 400.000-500.000 đồng. Phạm vi khám, chẩn đoán và điều trị tại khoa Ung bướu gồm 228 dịch vụ kỹ thuật và 150 thuốc hóa trị và các loại thuốc thiết yếu khác đã được Bộ Y tế phê duyệt. BS Võ Kim Điền, Trưởng khoa Ung bướu - BV FV, cho biết từ tháng 7 đến tháng 12-2015, khoa đã tiếp nhận 414 lượt bệnh nhân trong chương trình. Trong bốn tháng đầu năm 2016 đã tiếp đón 454 lượt. BS Điền cho biết thêm BHXH đã hỗ trợ đáng kể cho bệnh nhân và đến thời điểm này, số tiền cao nhất được BHXH thanh toán cho một bệnh nhân lên đến 405 triệu đồng. Trong chương trình hợp tác này, tất cả bệnh viện và cơ sở y tế đều có thể chuyển tuyến đến FV miễn là đã ký hợp đồng với BHXH. Riêng chỉ tại TP.HCM, danh sách các bệnh viện và cơ sở y tế tại có thể chuyến tuyến đến FV lên đến con số gần 150. Nhằm động viện thêm cho các bệnh nhân có môi trường và điều kiện điều trị ung thư tốt hơn, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết FV là một trong gần 50 đơn vị bệnh viện, phòng khám tư nhân ký hợp đồng với BHXH triển khai chương trình khám, chữa bệnh BHYT. Đây là cơ hội để người dân được hưởng quyền lợi BHYT trong một cơ sở có chất lượng, nhất là những bệnh nhân ung thư, căn bệnh đòi hỏi sự kiên trì, thời gian điều trị và công nghệ hiện đại mới có nhiều hiệu quả.

Nhân dân

Chuyện hiến máu cứu người trong ngành y tế Hà Tĩnh

Thời gian qua, ở Hà Tĩnh xuất hiện ngày càng nhiều y sĩ, bác sĩ tình nguyện hiến máu cứu người bệnh. Nhiều bệnh viện trong tỉnh đã hình thành câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống”. Đây là hành động nhân đạo, thiết thực làm theo lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu.

Ca mổ “lịch sử”

Khoảng 9 giờ ngày 4-5-2016, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện miền núi Hương Khê tiếp nhận người bệnh Lê Thị Dung (46 tuổi), trú xã Hương Vĩnh, trong tình trạng da tím tái, niêm mạc nhợt, bụng trướng, trụy mạch, huyết áp không đo được. Vùng bụng của người bệnh bị đa chấn thương, mất máu nhiều do sừng trâu điên húc. Để cứu người bệnh, các y sĩ, bác sĩ phải trải qua một ca phẫu thuật phức tạp, vừa mổ vừa hiến máu, kéo dài nhiều giờ. Người bệnh thuộc nhóm máu hiếm A-B, trong khi bệnh viện không có nguồn máu dự trữ, hàng chục người nhà xếp hàng cho máu nhưng không trùng nhóm máu. Trong lúc cam go, bảy y sĩ, bác sĩ của bệnh viện có trùng nhóm máu được huy động đến “test” để hiến máu. Người đầu tiên hiến máu là điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thủy (52 tuổi); tiếp theo là bác sĩ, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Thăng Long. Ngay sau đó, bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Thanh Trà vừa mổ vừa tham gia cho máu. Thạc sĩ, Trưởng khoa Gây mê, hồi sức Nguyễn Văn Tuấn là người trực tiếp thực hiện gây mê, hồi sức và “kéo” huyết áp cho người bệnh, nhớ lại: “Sau khi ba y sĩ, bác sĩ vừa mổ vừa hiến máu, các tổn thương nghiêm trọng trong ổ bụng đã được khâu lại, nhưng do máu chảy quá nhiều, sức khỏe vẫn rất xấu. Tôi đã đề nghị để mình tiếp tục cho máu”. Bằng trách nhiệm, tình thương, lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp của các y sĩ, bác sĩ BVĐK Hương Khê, người bệnh Lê Thị Dung đã vượt qua cơn nguy kịch, đến nay sức khỏe đã dần phục hồi. Phó Giám đốc BVĐK Hương Khê Lê Anh Hùng cho biết: Trong quá trình mổ cấp cứu, nhiều trường hợp người bệnh liên quan đến thai sản, đa chấn thương… phải truyền máu, trong khi bệnh viện xa trung tâm, thuộc tuyến miền núi, không có kho máu dự trữ. Để giải quyết vấn đề khó khăn này, bệnh viện đã thành lập câu lạc bộ (CLB) “Ngân hàng máu sống” do tập thể y sĩ, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) thực hiện. Ngoài việc biết nhóm máu của mình, các y sĩ, bác sĩ còn phải định kỳ khám sức khỏe hay “test” đột xuất để sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân bất cứ lúc nào. Riêng từ năm 2014 đến nay, đội ngũ y sĩ, bác sĩ và CBCNV ở đây đã hiến máu cứu 30 người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, có nhiều người bệnh nghèo, ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Nguyễn Văn Lý nhận xét: Đội ngũ y , bác sĩ đã nâng cao được tinh thần y đức, thể hiện rõ trách nhiệm, ý thức trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

“Ngân hàng máu sống”

Trên địa bàn Hà Tĩnh, các BVĐK: Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh và các bệnh viện khác… đều thành lập CLB “Ngân hàng máu sống". Tại BVĐK Đức Thọ, “Ngân hàng máu sống” được thành lập cách đây hơn tám năm và đã hiến máu cứu nhiều người bệnh. Theo Giám đốc BVĐK Đức Thọ Hoàng Thư, từ năm 2011 đến nay, có 62 lượt y sĩ, bác sĩ ở CLB “Ngân hàng máu sống” hiến máu cứu người bệnh. Trong đó, phải kể đến Chủ nhiệm CLB “Ngân hàng máu sống”, Trưởng phòng Điều dưỡng Trần Văn Khoát, trong chín lần hiến máu, có bảy lần hiến máu trực tiếp cho các bệnh nhân đang mổ cấp cứu. Hay các bác sĩ: Trần Văn Nhân, Nguyễn Minh Đức; hộ lý Kiều Hữu Song, Nguyễn Thị Thanh Hà... đã nhiều lần hiến máu cứu bệnh nhân. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 5-2016, người bệnh Nguyễn Trọng Tiếp (27 tuổi), ở xã Đức Thanh (Đức Thọ) vào viện trong tình trạng chấn thương bụng kín, vỡ lách do tai nạn giao thông cần phẫu thuật ngay. Quá trình mổ, người bệnh cần truyền máu khẩn cấp. Do người nhà không trùng nhóm máu, bệnh viện đã huy động "Ngân hàng máu sống" từ kỹ thuật viên Đoàn Quốc Huy (Khoa Cận lâm sàng). Thời điểm khẩn cấp, cần máu cứu người, không thể đợi người đến hiến máu hay đưa máu từ xa về, cho nên các y sĩ, bác sĩ đang mổ trực tiếp hiến máu là giải pháp tối ưu nhất” - Giám đốc BVĐK Đức Thọ Hoàng Thư nhấn mạnh. Giám đốc BVĐK thị xã Hồng Lĩnh Trần Phan Tùng cho biết: Hằng năm, có từ bốn đến mười lít máu được CLB “Ngân hàng máu sống” do đội ngũ y sĩ, bác sĩ trẻ và các đoàn viên, thanh niên thị xã hiến tặng, cấp cứu bệnh nhân ngay trên bàn mổ. Trong đó, phải kể đến điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy, là người gầy yếu, nhưng trong bệnh viện chỉ duy nhất Thúy có nhóm máu hiếm A - B, nên Thúy đã tham gia CLB và hai lần dũng cảm hiến máu cứu người bệnh qua cơn nguy kịch. BVĐK Hà Tĩnh là trung tâm khám, chữa bệnh lớn nhất của tỉnh, có kho dự trữ máu để cấp cứu người bệnh, nhưng Ban Giám đốc Bệnh viện vẫn chỉ đạo thành lập CLB “Ngân hàng máu sống”, với sự tham gia của hơn 200 y sĩ, bác sĩ và CBCNV. Theo đó, mỗi năm, đội ngũ y sĩ, bác sĩ, CBCNV bệnh viện hiến khoảng 30 đơn vị máu sống cứu nhiều người bệnh. Điển hình, trường hợp cháu Trần Thị Hằng, ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vừa sinh ra đã bị vàng da, vàng mắt nặng. Sau hội chẩn, lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh quyết định thay máu cho bệnh nhi, nếu không sẽ gây tổn thương não không hồi phục. Theo quy định, để thay máu cho trẻ sơ sinh phải là máu tươi lưu trữ không quá ba ngày, trong khi đó, tất cả máu dự trữ tại bệnh viện đều đã lưu trữ hơn bốn ngày. Trước tình hình đó, dược sĩ, Phó Trưởng khoa Dược, Chủ nhiệm CLB “Ngân hàng máu sống” BVĐK Hà Tĩnh Bùi Hoàng Dương và điều dưỡng viên Hoàng Thị Ngọc Hà (Khoa Khám bệnh theo yêu cầu) đã hiến hai đơn vị máu cứu cháu bé. Ngành y tế Hà Tĩnh đã tổ chức, chỉ đạo, triển khai việc hiến máu nhân đạo ở tất cả bệnh viện trong tỉnh. Sở Y tế đã khuyến khích đội ngũ y sĩ, bác sĩ, CBCNV tham gia hiến máu nhân đạo, nhất là tại các bệnh viện tuyến huyện không có máu dự trữ. Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều tấm gương y sĩ, bác sĩ hiến máu cứu người bệnh trong trường hợp nguy kịch. Tính riêng hai năm trở lại đây, có gần 250 lượt y sĩ, bác sĩ, CBCNV tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh tham gia hiến máu cứu người bệnh ngay trên bàn mổ… Tinh thần hiến máu cứu người bệnh đã, đang tác động sâu sắc đến toàn ngành y tế Hà Tĩnh; "đây là nghĩa cử cao đẹp, nói lên sự tận tụy, lương tâm, trách nhiệm của cán bộ ngành y, giúp họ thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu”.

Vụ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai "buôn điện thoại": Bộ y tế yêu cầu xác minh xử lý nghiêm

Ngày 13/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã có công văn khẩn gửi Bệnh viện Bạch Mai liên quan đến việc một số báo điện tử có đưa thông tin “Dân xếp hàng chờ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai buôn điện thoại”. Công văn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, ngày 11/6/2016, trên một số báo điện tử đã đưa thông tin phản ánh việc “Dân xếp hàng chờ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai “buôn” điện thoại”; “bệnh nhân “tố” nhân viên Bệnh viện Bạch Mai “nấu cháo” điện thoại trong giờ khám bệnh?”… Nội dung báo phản ánh cho rằng nhân viên y tế tại khoa Sản của Bệnh viện “có thái độ khiếm nhã với bệnh nhân”. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương xác minh và giải quyết việc các báo nêu trên, xử lý nghiêm cá nhân và tập thể nếu có vi phạm theo đúng quy định. Cục cũng yêu cầu công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan báo chí, báo cáo về Cục trước ngày 15/6/2016.

Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện

Chiều 14-6, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam 2016, trong đó có rất nhiều người từng hiến máu từ 60 lần trở lên. Trân trọng sự chia sẻ và góp sức của tất cả những người hiến máu vì sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc hiến máu nhiều lần, cứu sống nhiều người bệnh rất đáng khâm phục. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, lượng máu tiếp nhận được ở nước ta mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cho cấp cứu, điều trị, nếu không có người hiến máu thì nhiều phương pháp điều trị không thể triển khai, người bệnh cần máu khó qua khỏi cơn nguy cấp.

Những thầy thuốc mang quân hàm xanh ở Bù Đốp

Trong công tác kết hợp quân - dân y bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới, các đơn vị quân - dân y thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã tích cực khắc phục những khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, hai trạm xá quân - dân y nằm trên địa bàn huyện Bù Đốp đã nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng bào các dân tộc tại địa phương tin yêu.

Dân cần là có

Nằm trong khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc Xtiêng sinh sống của ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, Trạm xá quân - dân y Bù Tam thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng khi ốm đau, bệnh tật của bà con từ gần 10 năm nay. Trong vài giờ đồng hồ buổi chiều, chúng tôi ghé thăm trạm xá đã có gần 10 người qua để khám bệnh và xin thuốc. Ngoài những trường hợp đi khám bệnh ngẫu nhiên, trạm cũng thường xuyên chăm sóc và cấp thuốc cho những người dân bị bệnh mãn tính. Cầm trên tay bọc thuốc do trạm xá cấp, cụ Điểu Thị Sơn (70 tuổi) xúc động nói: "Già lớn tuổi rồi nên nhiều bệnh lắm, hay đau đầu, nhức khớp, viêm họng... Gia đình cũng khó khăn cho nên không đi xa để chữa bệnh được. Cũng may là cán bộ ở trạm xá này có cái bụng tốt nên sức khỏe của già ngày càng khá hơn...". Ngoài những trường hợp kể trên, Trạm cũng thường xuyên phải xử lý những ca bệnh đột xuất vào ban đêm. Trung úy, y sĩ đa khoa Cao Văn Phương, Trạm trưởng Trạm quân - dân y Bù Tam nhớ lại: "Có lần, gần nửa đêm, trong khi trời đang mưa tầm tã thì có một bà cụ tới trạm xá xin thuốc cho người cháu đang bị sốt ở nhà. Tôi nhanh chóng lấy xe máy chở bà cụ về nhà, cách trạm xá khoảng ba km, mang theo nhiệt kế, dụng cụ đo huyết áp, que gỗ khám họng... Với kinh nghiệm đã có, tôi xác định người cháu của bà bị sốt rét, một căn bệnh phổ biến ở vùng đất này. Tôi liền quay về Trạm lấy thêm dụng cụ xác định (test) sốt rét và thuốc điều trị rồi trở lại nhà bà cụ...”. Tuân thủ nguyên tắc “Người dân bị bệnh kêu lúc nào, ở đâu thì cán bộ y tế cũng phải đến”, Trạm xá quân - dân y Phước Thiện ở thôn Mười Mẫu, xã Phước Thiện thuộc Đồn Biên phòng Đác Quýt cũng để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn. Mới sáng sớm, để có thể chữa trị kịp thời cho cụ Điểu Thị Đinh (bị gai cột sống mãn tính), Đại úy, bác sĩ Vũ Văn Thống Trạm trưởng Trạm quân - dân y Phước Thiện đã chạy xe máy tới nhà cụ Đinh rồi chở cụ tới Trạm để khám và tiêm thuốc... Bác sĩ Thống tâm sự: "Bà con ở đây còn nghèo khổ, không ít gia đình chưa có nhà để ở mà còn sống trong chòi, còn du canh du cư, hái lượm... Vì vậy, đối với đồng bào, mình phải “thương thì thương cho trót”, bà con bị bệnh ở đâu và lúc nào thì mình cũng hết sức cố gắng chạy tới và xử lý kịp thời...". Sau khi được tiêm thuốc giảm đau, cụ Đinh cảm động: "Không chỉ già mà cả gia đình già đều biết ơn cán bộ lắm! Nhờ có cán bộ ở trạm xá mà vợ chồng già còn sống được, chứ tiền bạc đâu mà đi chữa bệnh". Còn già làng Điểu Dương ở xã Hưng Phước xúc động: Đến nay dù những hủ tục nguy hiểm đã vắng bóng, nhưng nếu không có cán bộ biên phòng và trạm xá quân - dân y thì cuộc sống bà con mình vẫn sẽ còn nhiều khốn khổ. Bà con ở vùng biên giới này rất cảm ơn Đảng, cảm ơn cán bộ".

Chữa bệnh gắn với an dân

Trạm xá quân - dân y Phước Thiện nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng cao-su, muốn tới Trạm xá phải vượt qua con đường mới trải sỏi cấp phối ngoằn ngoèo gần 10 km, trước đó là đường đất đỏ, mưa thì sình lầy, nắng thì bụi mù trời… Nước sạch (giếng khoan) cũng mới có đầu năm nay mà phải sử dụng nhờ giếng khoan của trường tiểu học bên cạnh, trước đó sử dụng nước mưa hoặc nước ao, còn điện lưới thì có hơn một năm... Đại úy, bác sĩ Vũ Văn Thống là nhân sự y tế duy nhất được tăng cường từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An về trạm xá từ tháng 5-2013. Gia đình anh Thống ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Do xa xôi và hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên hơn ba năm nay, vợ con chưa thể vào thăm anh được mà mỗi năm anh được về phép một hoặc hai lần. Trung úy Cao Văn Phương, dù gia đình ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước), nhưng nhà cách Trạm xá khoảng 40 km và do yêu cầu công việc nên anh cũng chỉ được về phép mỗi tháng một lần, có khi hai tháng mới được về. Vợ anh Phương cũng làm nhân viên y tế ở một trường mầm non nên rất đồng cảm với anh. Cùng với việc khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc, các trạm xá quân - dân y cũng thường xuyên phối hợp hai trưởng trạm y tế xã tiêm chủng vắc-xin; vận động người dân ngủ trong mùng chống muỗi; tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật... Bênh cạnh đó, Đội vận động quần chúng còn thường xuyên giúp dân trồng cũng như thu hoạch lúa, hoa màu, hồ tiêu...; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai... Trong sáu tháng đầu năm nay, hai Đồn Biên phòng Hoàng Diệu và Đác Quýt còn vận động quần chúng triển khai tốt chương trình “Hũ gạo tình thương”, nhận đỡ đầu các em học sinh người dân tộc thiểu số nghèo hiếu học trên địa bàn… Nhờ vậy, những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, an ninh trật tự ở các xã biên giới của huyện Bù Đốp được giữ vững và bình yên.

Gia đình & xã hội

Miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm: Người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến

Chỉ sau 2 ngày miền Bắc, trong đó có Hà Nội nắng nóng như thiêu đốt, trẻ em, người già nhập viện đã tăng đột biến tại các bệnh viện tuyến trung ương.

Bệnh viện quá tải

Ngày 14.6, bác sĩ Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư thông tin, mấy ngày nay, số lượng trẻ đến khám tại BV Nhi T.Ư gia tăng, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi đến khám. Nhiều gia đình không đưa người bệnh đi khám ở tuyến tỉnh mà cho lên thẳng Hà Nội để yên tâm hơn. Do vậy, bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải, căng thẳng. Đa số trẻ đều mắc các triệu chứng ho kéo dài, sốt cao, nôn trớ tiêu chảy. Nhiều trẻ đã ốm bệnh kéo dài nhiều ngày mới được các bố mẹ đưa đến khám. Bác sĩ Điển khuyến cáo, các ngày nắng nóng trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, tiêu chảy, ngoài ra còn gia tăng các bệnh do virus như viêm não, tay chân miệng… Bác sĩ Điển cũng cho biết, khi con có triệu chứng sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy, ho thì cha mẹ nên đưa con đi khám ngay. Còn nếu chưa kịp đưa trẻ đi viện thì cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo khuyến cáo ghi trên vỏ thuốc. Nếu trẻ tiêu chảy cũng cần bù nước bằng nước Oresol, tránh để trẻ mất nước, kiệt sức hoặc sốt cao kéo dài rất nguy hiểm. “Không nên đưa trẻ con ra vào phòng điều hoà nhiều lần. Vì cứ mỗi lần ra vào, sự chênh lệch nhiệt độ khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt (nóng quá) hoặc viêm phổi (lạnh quá), rất nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ” – bác sĩ Điển lưu ý. Tại Bệnh viện Lão khoa, lượng bệnh nhân của bệnh viện tăng khoảng 10-20% so với thời gian trước (400-500 bệnh nhân/ngày).

Gia tăng ngộ độc thức ăn

BV Bạch Mai cũng cho biết, trời nóng khiến người dân đến khám với các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ, sẩn mề đay gia tăng, chiếm 10-20% số ca bệnh đến khám hàng ngày. Nguyên nhân do trời nắng nóng làm giãn mạch, các tế bào cũng hô hấp nhiều hơn, da tiết mồ hôi nhiều, cùng với bụi bặm, nắng gắt càng da tăng các phản ứng dị ứng. Thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng các độc tố trong thức ăn, do đó người bị dị ứng bởi thức ăn cũng tăng. BV Lão khoa Trung ương cho biết: “Đợt nắng nóng gay gắt này khiến người cao tuổi chưa thể thích nghi được. Người già và trẻ em là hai đối tượng chính của nhiều loại bệnh trong thời điểm giao mùa. Vì thế những người ở lứa tuổi này cần giữ gìn và nâng cao đề kháng cho cơ thể bằng các biện pháp tăng hàm lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn lên”. “Người dân nên tăng cường vệ sinh thân thể, mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi; vệ sinh môi trường sống, tăng cường ăn uống các đồ mát, nước chanh, nước cam, đồ ăn mềm có chất dinh dưỡng cao, nghỉ ngơi đầy đủ, đồng thời tập thể dục để cơ thể bài tiết mồ hôi, giải độc tố”. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở y tế cung cấp kiến thức cho người lao động và chủ lao động trên địa bàn hiểu và biết phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật… Cục Quản lý KCB cho biết, những người lao động làm việc ngoài trời như công nhân, nông dân, lao động tự do cần phải đề phòng sốc nhiệt trong trời nắng nóng.

Bệnh viện Bưu điện tư vấn, khám vô sinh miễn phí cho 200 cặp vợ chồng

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo tư vấn nâng cao nhận thức về vô sinh hiếm muộn và cập nhật hỗ trợ sinh sản được tổ chức tại Bệnh viện Bưu điện sáng 14/6, tại Hà Nội. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh viện đã tiến hành khám và tư vấn cho trên 1.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, thực hiện hỗ trợ sinh sản cho gần 500 cặp. Tỷ lệ thành công hiện nay khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của bệnh viện rất cao, từ 50 - 60%. Đặc biệt, trong năm 2015, bệnh viện đã thực hiện thành công những ca khó cho bệnh nhân lớn tuổi, trong đó có trường hợp bệnh nhân nữ 52 tuổi. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết: Ngày nay, những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. Bệnh viện vừa thực hiện thành công IVF cho một gia đình mà vợ 53 tuổi và chồng 54 tuổi tại Hà Nội. Hiện em bé đã được 5 tháng tuổi. Trước đó, nữ bệnh nhân này đã từng sẩy thai 3 lần do nội tiết tố, vợ chồng họ đã tìm cách có con suốt 10 năm trời.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tìm giải pháp giảm tai biến sản khoa

Tại Bệnh viện Bà Rịa (Vũng Tàu), Sở Y tế tỉnh vừa tổ chức hội thảo “Giảm tai biến sản khoa”. Tại Hội thảo, các bác sĩ đầu ngành sản khoa của tỉnh đã trình bày, phân tích tình hình tai biến sản khoa xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 - 2015, đồng thời trao đổi một số giải pháp nhằm giảm thiểu tai biến này cho sản phụ. Các báo cáo tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Đánh giá và xử lý trường hợp băng huyết sau sinh, tiên lượng và hồi sức bệnh nhân xuất huyết nặng; quy trình chẩn đoán, xử lý cấp cứu và chuyển tuyến điều trị bệnh lý sản phụ khoa thuộc tuyến huyện; quy trình phối hợp trước và trong quá trình chuyển dạ; công tác quản lý thai tại cộng đồng… Được biết, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 143 trường hợp tai biến sản khoa, trong đó 14 trường hợp sản phụ tử vong.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao ở Đắk Lắk

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk: Tính đến 6/6, toàn thành phố đã có 228 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 8 lần so với cùng thời điểm 2015. Trong đó, xã Ea Tu có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất với 45 ca, tiếp đó là xã Hòa Thuận với 20 ca. Để ngăn ngừa bệnh lây lan trên diện rộng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế TP đã tổ chức 2 đợt phun thuốc dập dịch tại những địa bàn có số ca sốt xuất huyết cao. Do bệnh diễn biến phức tạp, ngành Y tế thành phố đang đẩy mạnh theo dõi, giám sát các ổ dịch bệnh, số ca mắc bệnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết.

Tiền phong 

Nhiều bức xúc với dịch vụ y tế

Ngày 14/6, tại đối thoại chính sách” Đổi mới thể chế trong cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam” do Bộ KH&ĐT tổ chức, đại diện các bộ ngành cho rằng, cần minh bạch việc quản trị bệnh viện công lập để nâng cao chất lượng. Đồng thời giải quyết tình trạng đa số người dân bức xúc với dịch vụ y tế…

Nhíp kim loại nằm trong ổ bụng một tháng

BV T.Ư Huế ngày 14/6 vừa phẫu thuật nội soi thành công lấy dị vật là một chiếc nhíp nhổ râu dài khoảng 8 cm từ ổ bụng của một nam bệnh nhân 29 tuổi. Đây là ca phẫu thuật khó, do bệnh nhân nuốt dị vật này vào bụng gần cả tháng trời, khiến tá tràng viêm dính nhiều sát vào thành bụng. Bệnh nhân Trần Kim H. (SN 1987), trú tại thị xã Hương Trà (TT-Huế), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội và với mức độ đau tăng dần không thuyên giảm. Qua kiểm tra, bệnh nhân H. đã nuốt phải dị vật là chiếc nhíp kim loại vào ổ bụng trong khoảng thời gian gần 1 tháng trước đó. Các bác sĩ thăm khám và tiến hành lấy dị vật bằng nội soi qua đường miệng nhưng không thành công. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp nội soi qua ổ bụng để lấy dị vật. Ngày 13-6, ê-kíp ca phẫu thuật do Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Đông (khoa Ngoại - Nhi - Cấp cứu bụng của BV T.Ư Huế) cùng ê-kíp gây mê của bác sĩ Nguyễn Trung Hậu thực hiện. Sau hơn một giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, đưa chiếc nhíp ra khỏi ổ bụng bệnh nhân H.

Sài gòn giải phóng

Không nên hoang mang về thông tin phenol gây ung thư

Ngày 14 – 6, phản ứng trước thông tin cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị phát hiện hàng chục tấn cá nục bị nhiễm chất phenol c ó thể gây ung thư cho người sử dụng, TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y tế cho biết, phenol không có tác dụng gì trong thực phẩm nên họ không sử dụng trong chế biến thực phẩm. Ở một số nơi họ sử dụng làm hương liệu thực phẩm vì phenol có mùi thơm. Hàm lượng phải rất cao mới có thể gây chết chuột thí nghiệm, cả thế giới hiện nay chưa có quy định nào về ngưỡng…

Gần 25.000 trẻ em được phẫu thuật khuyết tật vùng hàm mặt miễn phí

Nhân tháng hành động Vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”, ngày 15-6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã đến thăm, động viên và tặng quà các gia đình trẻ em dị tật vùng hàm mặt đến khám, tư vấn, phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba (Hà Nội). Tại đây, đoàn đã thăm hỏi và trực tiếp trao tặng hỗ trợ cho 70 trẻ em của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội… mỗi em 450.000 đồng, gồm tiền mặt và quà tặng. Đây là 70 trẻ em được chỉ định phẫu thuật trong tổng số 123 trẻ em khám sàng lọc cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổ chức Operation Smile và Bênh viện Hữu nghị Việt  Nam – Cu Ba tổ chức khám trong tháng Hành động vì trẻ em. Tất cả các ca phẫu thuật này được thực hiện miễn phí (khoảng 7 triệu đồng/ca). Ngoài ra, bệnh nhân còn được hỗ trợ đi lại và ăn uống trong thời gian lưu viện. Được biết, năm 2016, Tổ chức Operation Smile  ký thỏa thuận với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ phẫu thuật hơn 1.800 trẻ em trên toàn quốc với tổng kinh phí khoảng 12,6 tỷ đồng. Tính đến nay, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đã có gần 25.000 trẻ em Việt Nam bị khuyết tật vùng hàm mặt được phẫu thuật miễn phí với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng.

Nga thử nghiệm thuốc chống virus Zika

Bộ Y tế Nga cho biết vừa kết thúc nghiên cứu tiền lâm sàng với thuốc chống nhiễm khuẩn Zika trong trường hợp phát sinh ở người và thu được kết quả rất tốt. Dự kiến trong tháng này, Bộ Y tế Nga sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng với loại thuốc này. Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova thông báo, nước Nga đã có nhiều phát minh hệ thống kiểm tra để xác định virus Zika có độ nhạy cảm cao.  Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có thể lây lan trong toàn khu vực châu Âu vào mùa hè này, ít nhất là tại 18 quốc gia và nguy cơ cao nhất là tại khu vực Đông Bắc Biển Đen. WHO cho biết, nếu không có các biện pháp phòng ngừa tích cực, virus Zika có thể tạo nên biến thể tại nhiều nước trong khu vực này.

TPHCM thí điểm lọc thận nhân tạo ngay tại trạm y tế

Theo Sở Y tế TPHCM, Trạm y tế phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức đã được chọn thực hiện thí điểm đầu tiên triển khai lọc thận nhân tạo phục vụ người dân. Đây là Trạm y tế khá xa bệnh viện và là địa bàn tập trung nhiều dân cư người lao động. Dự định, sau thời gian chuẩn bị ngành y tế  Thủ Đức sẽ bắt đầu triển khai lọc thận nhân tạo tại Trạm y tế phường Bình Chiểu vào cuối tháng 6-2016 theo mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận tại trạm y tế. Người bệnh tham gia BHYT sẽ được BHXH TPHCM thanh toán chi phí lọc thận nhân tạo theo đúng quy định. Sau thời gian triển khai thí điểm ở Trạm y tế phường Bình Chiểu, BV quận Thủ Đức sẽ đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng thêm tại các phường khác của quận Thủ Đức. Sở Y tế TPHCM sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai mở rộng trên các quận, huyện khác của thành phố. Đây là một trong những hoạt động khám, chữa bệnh thiết thực nằm trong kế hoạch triển khai mô hình “Phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế” Sở Y tế TPHCM xây dựng và triển khai trong năm 2016. Hoạt động này nhằm thu hút và tạo niềm tin cho người bệnh đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, góp phần giảm gánh nặng quá tải cho các bệnh viện.

Sức khỏe & đời sống

Dừng lưu thông 2 lô rau và đậu của Anh

Cục ATTP- Bộ Y tế vừa thông báo về việc dừng lưu thông 2 lô sản phẩm hạt đậu xanh hữu cơ TV thuộc (công ty: AEON TOPVALU), trọng lượng 250g/ gói; số lô: 4901810005444; nhà nhập khẩu: Công ty TNHH AEON Topvalu (HongKong). Sản phẩm Rau hỗn hợp TV GE thuộc (công ty AEON TOPVALU; trọng lượng: 250g/gói; Số lô: 4901810005420; nhà nhập khẩu: Công ty TNHH AEON Topvalu (HongKong). Cục an toàn thực phẩm, sau khi đã tiến hành rà soát tình hình nhập khẩu các sản phẩm này tại Việt Nam. Kết quả như sau: Từ năm 2013 đến nay, chưa có sản phẩm nêu trên công bố tại Cục An toàn thực phẩm. Cục ATTP sẽ tiếp tục giữ liên hệ với Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh để cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người tiêu dùng.

Dân trí

Y tế tư nhân được bảo hiểm y tế thanh toán... cao hơn công lập

Trong khi một phần giá dịch vụ y tế tại bệnh viện công lập vẫn được nhà nước bao cấp thì các yếu tố cấu thành giá đã được Bảo hiểm Xã hội chấp thuận thanh toán cho bệnh viện tư.

Tư nhân được chi trả thêm 2 khoản

Ngày 15/6, trao đổi với phóng viên bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết, đến nay toàn thành đã có 50 cơ sở y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (BHYT). Trong đó có 20 bệnh viện, số còn lại là các phòng khám. Theo bà Huyền, nếu so sánh mối tương quan giữa hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập thì hoạt động khám chữa bệnh BHYT gần tương đương nhau. Đến nay, số bệnh viện công thực hiện khám chữa bệnh BHYT là 60 bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân là 50. Sự đa dạng cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã giúp ngươi dân có thêm nhiều sự lựa chọn khi đi khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho những bệnh viện công lập, tăng sự hài lòng của người bệnh. Hiện nay, các chi phí khám bệnh, chỉ định cận lâm sàng, thuốc điều trị tại khối y tế tư nhân được Quỹ BHYT thanh toán tương đương với khối công lập. Đặc biệt, sau ngày 1/3, Bộ Y tế điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ thì cơ sở y tế tư nhân được thanh toán gói dịch vụ BHYT cao hơn khối công lập. Phân tích của bà Huyền chỉ ra: Từ ngày 1/3 cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ thanh toán phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và phụ cấp tiền lương vào trong giá khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế tư nhân. Hai loại phí trên tại hệ thống bệnh viện công lập hiện vẫn chưa được cấu thành thêm vào cơ cấu tiền lương. Do đó, nếu so về giá khám chữa bệnh BHYT thì Bảo hiểm Xã hội hiện đang thanh toán cho khối y tế tư nhân cao hơn khối nhà nước vì bệnh viện nhà nước vẫn được hỗ trợ tiền lương (trừ các bệnh viện tự hạch toán tài chính). Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều người dân chọn khám chữa bệnh tại khối y tế tư nhân vì còn sự chênh lệch giữa giá dịch vụ thực tiễn theo quy định của bệnh viện tư mà bệnh nhân phải chi trả (ngoài các khoản được bảo hiểm thanh toán) và giá dịch vụ mà hệ thống bệnh viện công lập được nhà nước cho phép thanh toán.

“Hội chứng người thứ 3 trả tiền”

Y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT cho người dân sẽ tạo nhiều thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng các chỉ định kiểm tra hình ảnh, chụp CT-Scan, chụp MRI đang có nguy cơ gây ra hội chứng “người thứ ba trả tiền” - bệnh viện chỉ định để tăng thêm chi phí khám chữa bệnh, người bệnh được hưởng lợi nhưng cơ quan bảo hiểm phải thanh toán chi phí. Để ngăn chặn tình trạng trên, tránh thất thoát dẫn đến nguy cơ vỡ Quỹ BHYT bà Huyền cho biết, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã tăng cường thêm các cộng cụ hỗ trợ để giám sát hoạt động khám chữa bệnh BHYT từ chối thanh toán đối với các hồ sơ có dấu hiệu “chỉ định cận lâm sàng rộng rãi, gây lãng phí”. Theo đó, giám định viên BHYT sẽ căn cứ trên các quy định của Bộ Y tế về sinh lý bệnh của bệnh nhân để xem xét, đánh giá những chỉ định cận lâm sàng ở cả cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Đối với các dịch vụ kỹ thuật cao cấp như CT-Scan hoặc MRI thì đơn vị bảo hiểm sẽ phải xem xét các xét nghiệm thông thường có dấu chứng bệnh liên quan đến chỉ định hay không. Nếu các hồ sơ không đủ cơ sở chứng minh các chỉ định là cần thiết thì bảo hiểm có quyền từ chối thanh toán hoặc yêu cầu cơ sở điều trị chứng minh chỉ định của mình là đúng. Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội thành phố còn sử dụng công nghệ thông tin trong việc thẩm định để đánh giá các chỉ định của bác sĩ đối với các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng tại hệ thống y tế tư nhân trên cơ sở so sánh với các bệnh viện công lập. Trường hợp cơ sở y tế tư nhân có chỉ định cận lâm sàng cao hơn cơ sở công lập, giám định viên sẽ xem xét đến các yếu tố mô hình bệnh tật tại bệnh viện. Bà Huyền cũng khuyến cáo các bệnh viện tham gia khám chữa bệnh BHYT cần lưu ý những quy định liên quan đến mức trần viện phí và quỹ BHYT được giao cho các cơ sở khám chữa bệnh để cân đối trong việc chỉ định cho bệnh nhân. Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh bị vượt quỹ, vượt trần nếu đơn vị bảo hiểm phát hiện việc chỉ định khám, chữa cho bệnh nhân không đúng quy trình kỹ thuật, không đúng phác đồ được ban hành thì phần vượt trần sẽ không được quỹ bảo hiểm thanh toán.

Bệnh viện Bạch Mai: Người bệnh quay cuồng vì nắng nóng

Miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng cao điểm, với nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. Dù số người mắc bệnh không tăng lên, nhưng nhà có một người đi viện mới thấy khốn khổ vì di chuyển đến các khoa trong bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) giữa cái nắng chang chang. Trong các bệnh phòng, bệnh nhân được mát nhờ quạt, điều hòa, còn người chăm nom thì tìm được góc nào có bóng râm để nghỉ ngơi đã là điều hạnh phúc. Ngày 14/6, người dân các tỉnh miền Bắc và miền Trung tiếp tục phải chịu đựng những ngày nắng nóng gay gắt đỉnh điểm. Ở bệnh viện, người bệnh đi viện cũng khổ, người nhà đưa đi viện cũng khốn đốn vì nắng nóng. “Đưa con đi viện khám sớm để trốn nắng mà đến 10h trưa đã hoa mắt, chóng mặt vì nóng. Đứng trước quạt mà nóng vẫn hầm hập, mồ hôi nhễ nhại cả mẹ, cả con. Có mẹ bế con chạy qua cái nắng để đến nhà xe thì tay chân bủn rủn, choáng váng vì nắng nóng”, chị Phương Vi đưa con khám tại BV Nhi Trung ương chia sẻ. Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi đến viện khám vì các bệnh sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Đáng chú ý, thời tiết nắng nóng khiến một số bệnh do vi rút gây nên như chân tay miệng, viêm não cũng gia tăng. Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), con số khám ngày, khám đêm đều không tăng, các bệnh gặp nhiều nhất vẫn là sốt cao vi rút, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Quyền trưởng khoa Nhi cho biết, các bác sĩ sợ nhất tiếp nhận bệnh nhi đến khám lúc nắng cao điểm 12 giờ đến 15h chiều, các bé sốt cao, ho, nôn trớ lại thêm nắng nóng khiến trẻ khát, mệt, mặt mũi đỏ tưng bừng, quấy khóc ầm ĩ. Nhiều bố mẹ sờ thấy con sốt nóng ran là vội cắp con đến viện bất kể ngày giờ. Trong khi đó, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ sốt, hãy bình tĩnh kẹp nhiệt độ cho con, hạ sốt cho bé rồi hãy đến viện. Vì đa phần sốt ở trẻ em cần phải theo dõi, không thể vừa sốt là phán bệnh. Chưa kể đưa con đi ngoài đường những lúc nắng chang chang, nhiệt độ cơ thể đã cao lại hấp thụ nhiệt càng làm trẻ sốt cao hơn, rất nguy hiểm. Hãy hạ sốt cho trẻ, chờ cho trẻ hạ sốt rồi đi đến viện bằng taxi, xe bus. Nếu thấy trẻ hạ sốt, vẫn chơi đùa bình thường có thể đợi lâu hơn, đến khi tắt nắng hãy cho con đến viện khám. Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), mỗi ngày có khoảng 700-800 bệnh nhân nhập viện. Riêng khoa Nhi, mỗi ngày có khoảng 300-350 bệnh nhân khám, với các bệnh sốt vi rút, viêm đường hô hấp… Theo các bác sĩ, nắng nóng kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp. Mọi người nên hạn chế đi ngoài đường vào giờ cao điểm bởi rất dễ xảy ra hiện tượng say nắng do phải phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao. Không được để cơ thể mất nước bằng cách thường xuyên uống nước lọc, các loại nước trái cây. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị bệnh là do ngày hè, chênh lệch nhiệt độ giữa điều hòa và ngoài trời rất lớn. Vì thế, vừa đi ngoài nắng về không vào ngay phòng điều hòa, mà hãy mở cửa phòng, đứng khoảng 1 phút để cái nóng hầm hập trong người thích nghi dần với sự mát lạnh bên trong rồi mới bước vào phòng. Nhiệt độ trong phòng nên điều chỉnh ở 25-28 độ C và trong phòng nên có quạt thông gió để đảm bảo môi trường trong phòng thoáng khí, tránh tình trạng phòng quá kín, cảm giác không khí mát nhưng có thể tích trữ vi khuẩn, vi rút gây bệnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản: “Mỗi ngày ăn 1,5 tấn cá chứa Phenol mới bị ảnh hưởng”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay bộ này đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT), cho biết, với hàm lượng 0,037 mg/kg Phenol có trong cá nục, thì một người dân bình thường phải ăn tới khoảng 1,5 tấn cá này trong 1 ngày mới bị ảnh hưởng. Liên quan đến sự việc Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị mới đây đã công bố thông tin phát hiện 1 mẫu của lô hàng gần 30 tấn cá nục thu mua ngay sau thời điểm cá chết tại kho đông lạnh của 1 hộ dân trên địa bàn tỉnh này có chứa chất Phenol với hàm lượng 0,037mg/kg, là chất cực độc tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm. Ngày (15/6), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay bộ này đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT), Tiến sĩ Minh cho biết: “Hàm lượng 0,037 mg/kg Phenol có trong cá nục mà Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị phát hiện tại lô hàng gần 30 tấn cá nục tại kho đông lạnh của 1 hộ dân trên địa bàn tỉnh này là rất nhỏ, nếu người tiêu dùng ăn phải cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nước châu Âu theo tôi được biết là họ đưa ra giới hạn với chất Phenol này là 5mg/kg. Do đó, nếu căn cứ theo giới hạn của châu Âu thì người bình thường phải ăn tới khoảng 1,5 tấn cá nục có chứa chất Phenol mới bị ảnh hưởng đến sức khỏe”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh cũng đưa ra khuyến cáo là người tiêu dùng, dư luận xã hội không nên quá hoang mang, lo lắng trước thông tin cá nục chứa chất Phenol mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị công bố mới đây. Cũng liên quan đến nội dung này, trước đó, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Phenol hoàn toàn có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm phổ biến. Theo đó, Phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, ba chỉ rán, gà rán và một số loại trái cây như cà chua, táo lạc, chuối, cam, ca cao, nho đỏ, một số loại quả có màu sẫm đều sẵn có phenol, với hàm lượng khá cao. Vì thế, con người có thể bị tiếp xúc với Phenol qua rất nhiều đường khác nhau qua không khí, đất, nước, trong môi trường làm việc sản xuất các nilong, nhựa… và ăn một số thực phẩm trên đều có thể có phenol. Tuy nhiên, theo ông Long, các nghiên cứu hiện tại chưa có bằng chứng Phenol gây ra ung thư. Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp Phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Liều gây chết cho khoảng 50% sinh vật thử nghiệm ở trên loài ngặm nhấm là dùng Phenol ở ngưỡng 300 - 600mg/1kg thể trọng. Nhận định về khả năng nguồn cá nục nhiễm Phenol, ông Long cho biết có thể có tự nhiên trong cá, nhiễm tự nhiên từ môi trường và Phenol chưa được đưa ra về giới hạn. “Nhưng nếu uống phải phenol có hàm lượng rất cao có thể phá hủy đường ruột, gây tử vong, phá hủy da…Tuy nhiên liều rất cao là bao nhiêu thì trong các tài liệu chuyên môn chúng tôi tham khảo họ không công bố”.

Một phụ nữ 52 tuổi được chữa vô sinh thành công

Lấy chồng muộn, nhưng sau hơn 10 năm kết hôn, chị Trần Thị P trải qua rất nhiều lần mang thai, sẩy thai mà vẫn chưa thể có một mụn con. Năm 2015, chị đã sinh con khi đã bước vào tuổi 52. Đây là một trong những trường hợp phụ nữ cao tuổi nhất tại Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công. Thông tin trên được Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF - Bệnh viện Bưu Điện cho biết tại Hội thảo tư vấn miễn phí về vô sinh, hiếm muộn cho những cặp vợ chồng đang mong con. Theo BS Nhã, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy ở nước ta hiện có 7,7% cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Đáng nói, sự hiểu biết của các cặp vợ chồng về hiếm muộn vẫn còn rất hạn chế. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau, quan hệ tình dục bình thường sau 3 - 4 năm không có thai tự nhiên mới đến viện khám. Hay có những cặp vợ chồng nôn nóng mong con đến mức, sau 3 - 4 tháng kết hôn chưa có con đã vội vàng đi khám. “Nếu một cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà trong 6 tháng (với người dưới 30 tuổi) hoặc 12 tháng (trên 30 tuổi) vẫn chưa có em bé thì được coi là hiếm muộn và lúc này nên đi khám để tìm ra nguyên nhân điều trị”, BS Nhã cho biết. Hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, giúp nhiều cặp đôi hiếm muốn có được mụn con. Vì thế, khi nhận biết được tình trạng hiếm muộn, các cặp vợ chồng nên đi khám sớm để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp và điều trị thành công. Tại Việt Nam, các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn hiệu quả nhất hiện nay gồm: IVF/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng), kỹ thuật PESA/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng lấy từ mào tinh hoàn có tỷ lệ thành công lên đến 50-60%. TS Nhã chia sẻ về thành công của nhiều trường hợp đặc biệt như bệnh nhân vô sinh nam có tinh trùng bất động 100% hay ca sản phụ lớn tuổi mang thai khi đã 52 tuổi... Đặc biệt, ca mang thai 52 tuổi của bệnh nhân Trần Thị P sau hơn 10 năm mòn mỏi chữa vô sinh, cả bệnh nhân, người nhà đều òa khóc khi đón bé gái vào cuối năm 2015 vừa rồi. “Những tưởng chị P không còn cơ hội làm mẹ vì tuổi càng cao, tỉ lệ thụ thai tự nhiên càng khó, IVF lại càng khó hơn. Nhưng may mắn đã đến với bệnh nhân. Tôi cho rằng đây là một trong những ca chữa thành công vô sinh lớn tuổi nhất ở Việt Nam”, BS Nhã nói.

BVĐK Bạc Liêu: Cứu kịp thời người cao tuổi bị o­ng đốt hơn 100 vết

 Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực- chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu vừa cứu sống một người đàn ông 68 tuổi bị o­ng vò vẽ đốt hơn 100 vết. Trước đó, ngày 9/6, ông Trần Xol (68 tuổi, ngụ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) được người nhà chuyển từ Bệnh viện huyện Phước Long đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu trong tình trạng nguy kịch vì bị o­ng vò vẽ đốt. Qua thăm khám, các bác sĩ bệnh viện cho biết, có tất cả 110 vết o­ng đốt trên người của bệnh nhân Xol. Thời điểm vào bệnh viện, ông Xol có dấu hiệu bị suy gan, suy thận cấp. Trao đổi với PV Dân trí ngày 14/6,, bác sĩ Quách Văn Lực, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-chống độc (BVĐK Bạc Liêu), cho biết, ngay khi bệnh nhân Xol vào viện, các bác sỹ đã tiến hành lọc máu “rửa sạch” nọc độc của o­ng. Ngoài ra, các bác sĩ cũng thực hiện thêm một số biện pháp khác như bù dịch, giảm đau, chống dị ứng,… nên bệnh nhân đã qua được nguy kịch sau khoảng 2 ngày điều trị. Theo bác sĩ Lực, thời điểm bị o­ng đốt, nếu bệnh nhân Xol chuyển vào bệnh viện trễ khoảng nửa ngày sẽ rất nguy hiểm. Bởi lúc này gan, thận sẽ bị tổn thương nặng dẫn đến suy gan, suy thận phù phổi cấp và có thể tử vong. “Chính vì thế việc lọc máu tiên tục đã kịp thời cứu bệnh nhân bởi bị o­ng đốt cả trăm vết là trường hợp rất nguy hiểm”, bác sĩ Lực nói. “Hiện sức khỏe của bệnh nhân Xol đã ổn định trở lại. Bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp tốt nên khoảng 3 ngày nữa là có thể xuất viện về nhà”, bác sĩ Lực thông tin. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 8/6, ông Trần Xol đi hái rau sau vườn thì giẫm phải tổ o­ng vò vẽ nên bị o­ng đốt.

Đà Nẵng: Lấy mẫu xét nghiệm các lô hàng thủy hải sản ở kho đông lạnh

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản giao Sở NN&PTNT thành phố chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Công thương và Công an thành phố tổng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ở tất cả các lô hàng thuỷ hải sản ở các kho lạnh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Giám đốc Sở NN&PTNT khẩn trương thực hiện chủ trương nêu trên và báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/6. Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, hiện Chi cục hiện đang phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thống kê tất cả các kho đông lạnh trên địa bàn thành phố và tổ chức kiểm tra, lấy mẫu thuỷ hải sản để xét nghiệm chất độc Phenol, các kim loại nặng như chì, thủy ngân... “Sau khi vụ việc cá nhiễm chất Phenol ở Quảng Trị, hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo mức giới hạn cho phép đối với chất này trong hải sản. Chính vì vậy chúng tôi vừa kiểm tra vừa chờ chỉ đạo của Bộ Y tế”, ông Thứ nói. Cũng theo ông Tứ, Chi cục đang tìm kiếm các phòng thí nghiệm đủ điều kiện xét nghiệm để gấp rút hoàn tất kế hoạch và có kết quả báo cáo cho thành phố trước ngày 20/6.

Một cơ sở trồng giá đỗ bằng hóa chất Trung Quốc

“Qua kiểm tra đột xuất bốn cơ sở trồng giá đỗ trên địa bàn TP.HCM(các quận Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp) vào đầu tháng 6-2016, Chi cục BVTV TP.HCM đã phát hiện một cơ sở ở quận Gò Vấp sử dụnghóa chất Trung Quốc”. Dùng hóa chất Trung Quốc, chỉ cần 48 tiếng giá đỗ mọc đầy thùng Infographic: 10 loại rau củ 'tắm' hóa chất nhiều nhất (phần 1) Chiều 15-6, bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục BVTV TP.HCM, cung cấp cho thông tin trên. Bà Thoa cho biết tại cơ sở vi phạm nói trên, đoàn kiểm tra phát hiện chai nhựa 2 ml ghi tiếng Trung Quốc được đựng trong bao rác. Trên bao bì chỉ ghi thành phần là hỗn hợp Fe, Cu, Zn, Mn, Bo. Hóa chất nói trên trước đây Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) xác định thành phần chính là chất điều hòa sinh trưởng Cytokinin. Trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, Cytokinin đã được đăng ký là chất kích thích sinh trưởng trên giá đậu xanh” - bà Thoa cho biết thêm. Theo bà Thoa, Cục BVTV ghi nhận các chất điều hòa sinh trưởng ít độc, thường sử dụng với liều lượng rất thấp. Vì vậy, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng có thể chưa nghiêm trọng. “Kết quả xét nghiệm cho thấy 4/4 mẫu giá đỗ không chứa chất điều hòa sinh trưởng Cytokinin. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra ghi nhận cả bốn cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Người trồng giá đỗ chưa được tập huấn và không có kiến thức về sử dụng thuốc BVTV (chất điều hòa sinh trưởng). Đoàn cũng ghi nhận chỉ một cơ sở có phiếu giao hàng của đơn vị cung cấp đậu nguyên liệu” - bà Thoa nói. “Chi cục BVTV TP.HCM đề xuất Sở NN&PTNT TP kiến nghị UBND quận, huyện có trồng giá đỗ tổ chức tập huấn hướng dẫn điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế giá đỗ. Đồng thời kết hợp vận động người trồng giá cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định tại Thông tư 51/2014 của Bộ NN&PTNT” - bà Thoa thông tin thêm.

Bảo vệ pháp luật

Nhiều nguy cơ trẻ em mắc bệnh mùa hè

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất vào mùa hè. Hơn nữa, mùa hè còn là mùa cao điểm của nhiều bệnh truyền nhiễm nên dễ bùng phát và thành dịch. Đặc biệt là bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu cũng thường xảy ra vào mùa hè và những trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin hay mắc phải. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm vì diễn biến nhanh, trẻ có thể tử vong trong vòng 24 giờ và cũng có thể gây ra những trận dịch nhỏ.Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khi vào hè, số bệnh nhi đến khám bệnh tăng cao. Do vậy, người lớn cần biết một số triệu chứng cũng như biện pháp để có thể chủ động chữa trị. Ngoài ra, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Một số bệnh mùa hè thường gặp như: Tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, chân tay miệng, sởi... Bệnh viên màng não thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tới 3 tuổi. Tuy nhiên, nhiều trẻ dù đã ở độ tuổi 7 tới 10 tuổi vẫn có khả năng mắc bệnh với các triệu chứng tương tự như: sốt, đau đầu… Trong 4 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, trong đó có 2 ca tử vong, năm 2015 cả nước có tới 8 cháu tử vong vì mắc bệnh này. Riêng tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm tới nay đã có tổng số trên 112 bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Viêm màng não mủ do vi khuẩn, viêm não có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do vi rút chiếm đại đa số. Vì vậy, những dấu hiệu để phát hiện như: trẻ sốt cao kèm theo nôn hoặc trẻ lớn bị đau đầu nhiều, nôn và sốt cao kèm theo bệnh nhân bị rối loạn ý thức hoặc co giật. Tùy từng trẻ, ví dụ viêm màng não mủ do vi khuẩn thì có thể điều chỉnh được nếu phát hiện sớm và được điều trị kịp thời. Thời tiết mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường là điều kiện cho các vi khuẩn, vi sinh vật phát triển mạnh, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh là rất lớn. Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Hội thảo về phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và các dịch bệnh mùa hè do Bộ Y tế tổ chức vừa qua: Hiện nay, nguy cơ bùng phát các bệnh phổ biến trong mùa hè rất cao (như: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, rubella, viên não vi rút...) do thực phẩm không an toàn, thiếu nước sạch; điều kiện thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường, nóng ẩm mưa nhiều khiến muỗi và véc tơ truyền bệnh phát sinh và phát triển nguy cơ gia tăng dịch bệnh… Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh mùa hè, người dân không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không nên bật quạt mạnh thổi gió trực tiếp vào người; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin tăng sức đề kháng của cơ thể. Mọi người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Trước diễn biến phức tạp của bệnh mùa hè đối với trẻ em, Cục Y tế dự phòng còn khuyến cáo, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ không chờ đợi vắc xin dịch vụ; khi có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm nên đến ngay những cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, đặc biệt không được tự ý điều trị tại nhà..

Người lao động

Mổ tim miễn phí cứu anh công nhân nghèo

Một thanh niên mắc bệnh tim nặng xin về vì không có tiền chữa trị vừa được các bác sĩ thực hiện mổ miễn phí. Bệnh viện Quốc tế VINMEC TP HCM cho biết nơi đây vừa thực hiện thành công ca mổ tim hở trong điều kiện phòng Hybrid (phòng mổ tích hợp đa năng) lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Bệnh nhân là nam thanh niên Trần Ly Viễn (22 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam), nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, khó thở khi gắng sức. Qua khám lâm sàng và siêu âm tim qua thành ngực, các bác sĩ phát hiện tim có lỗ liên nhĩ lớn, tăng áp lực động mạch phổi mức độ trung bình, hở van 3 lá. Để chính xác hơn trong chẩn đoán và xác định phương pháp điều trị, các bác sĩ tiếp tục siêu âm tim qua thực quản và phát hiện tim có tới 3 lỗ thông liên nhĩ. Các bác sĩ đã thực hiện phương pháp mổ hở vá lỗ thông bằng màng ngoài tim… Sau mổ 3 giờ, bệnh nhân được rút ống thở, sinh hiệu ổn định, dự kiến xuất viện trong 2 ngày tới. Theo PGS-TS-BS Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Bệnh viện VINMEC, Viễn là công nhân may mặc, gia cảnh khó khăn. Trước đó, Viễn đã đến một bệnh viện ở TP HCM khám và được chẩn đoán bị bệnh tim cần phẫu thuật, tuy nhiên anh đã xin về vì không có tiền phẫu thuật điều trị. Biết được hoàn cảnh của Viễn, Bệnh viện Quốc tế VINMEC đã miễn toàn bộ chi phí phẫu thuật.

Chữa ung thư có BHYT ở bệnh viện FV

Ngày 15-6, Bệnh viện FV công bố chính thức ký hợp đồng với BHXH TP HCM để bắt đầu tham gia khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân ung thư. Theo đó, BHXH TP HCM sẽ đồng chi trả cho chi phí khám bệnh và điều trị ung thư bằng phương pháp hóa – xạ trị cho người bệnh. Phạm vi được chi trả BHYT gồm các khoản chi phí: khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, hóa trị, xạ trị. Trong đó, hạng mục được hỗ trợ nhiều nhất là thuốc điều trị được BHYT chi trả từ 30%–90%. Bên cạnh đó, số tiền được chi trả cho một bệnh nhân trong một ngày xạ trị là 400.000-500.000 đồng. Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành Bệnh viện FV, phạm vi khám, chẩn đoán và điều trị tại Khoa Ung bướu tại đây gồm 228 dịch vụ kỹ thuật và 150 thuốc hóa trị và các loại thuốc thiết yếu khác đã được Bộ Y Tế phê duyệt. Hiện nay bệnh viện chỉ thực hiện khám chữa bệnh BHYT ngoại trú. Bác sĩ Võ Kim Điền, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện FV, cho hay sau gần 1 năm (bắt đầu từ ngày 1-7-2015), số bệnh nhân ung thư đến Bệnh viện FV gia tăng với khoảng 900 lượt bệnh nhân được khám và điều trị. Cũng theo bác sĩ Điền, trong chương trình hợp tác này, tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế đều có thể chuyển tuyến đến Bệnh viện FV miễn là đã ký hợp đồng với BHXH. Riêng tại TP HCM, danh sách các bệnh viện và cơ sở y tế có thể chuyến tuyến đến Bệnh viện FV lên đến con số gần 150. Để hưởng quyền lợi BHYT tại Khoa Ung bướu Bệnh viện FV, người bệnh cần cung cấp các chứng từ sau: Thẻ BHYT còn hiệu lực sử dụng; CMND còn hiệu lực; giấy chuyển tuyến phù hợp.

Giáo dục thời đại

Tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV/AIDS tăng vọt

Mặc dù nhiều quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát và khống chế dịch HIV/AIDS nhưng cho đến thời điểm này, các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí rằng chưa có quốc gia nào đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS.  Và để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì trước hết phải hoàn thành các mục tiêu đến năm 2020. Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS đòi hỏi không một quốc gia nào có thể giảm bớt nỗ lực phòng, chống AIDS vào lúc này.

Thiệt thòi rơi vào phụ nữ, trẻ em gái

Thái Lan là nước từng chịu sự tàn phá nặng nề của dịch HIV/AIDS nhưng đến nay căn bệnh này đã được khống chế. Có rất nhiều phụ nữ ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm miễn phí khi mang bầu. Việc tiếp cận thuốc dễ dàng không chỉ đảm bảo sức khỏe cho các bà mẹ mà còn giúp họ sinh ra đứa con khỏe mạnh. Ở Việt Nam, hình thái dịch đã có sự thay đổi, theo hướng dịch chuyển từ nam sang nữ. Con đường lây truyền chủ yếu chuyển từ tiêm chích ma túy sang quan hệ tình dục không an toàn. Nếu như 10 năm trước đây, tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV mới ở mức 10% thì năm 2007 tăng lên trên 24% và hiện nay là 32,4%. Nữ giới nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm tới 50% tổng số ca mắc. Có đến gần 50% phụ nữ bán dâm không dùng bao cao su thường xuyên. Tỷ lệ này ở nam quan hệ tình dục đồng giới cũng khoảng 63%. Nữ giới nhiễm HIV gia tăng đồng nghĩa với việc có nhiều phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra đối diện với nguy cơ mắc bệnh. Với tỷ lệ nhiễm HIV như hiện nay, ước tính nước ta có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Theo ThS Nguyễn Lan Hương, Phòng Điều trị chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), điều tra bà mẹ mang thai nhiễm HIV được xét nghiệm và điều trị thuốc ARV cho thấy, cứ 100 bà mẹ được điều trị dự phòng thì chỉ có 7 - 8 trẻ sinh ra nhiễm HIV, đặc biệt nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện điều trị sớm thì cứ 100 trẻ sinh ra chỉ có 3 trẻ nhiễm HIV. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khả năng dự phòng giảm lây truyền mẹ con còn hạn chế do mức độ bao phủ xét nghiệm còn hạn chế, xét nghiệm trước sinh thấp, xét nghiệm muộn làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con. Hiện điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con chỉ bao phủ được khoảng 60% số bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nhiều phụ nữ sau sinh không tiếp tục đến cơ sở y tế dẫn đến tình trạng mất ấu sau khi sinh con cao gây khó khăn trong theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ.

AIDS không còn biệt lập

Cũng như Việt Nam, tình trạng phụ nữ, trẻ em gái chưa được tiếp cận với các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Ước tính, mỗi ngày trên thế giới lại có thêm 2.000 ca nhiễm HIV mới trong thanh niên, chiếm 1/3 tổng số các ca nhiễm mới, nhưng chỉ có 28% số nữ thanh niên có kiến thức đúng về HIV. Kết thúc dịch AIDS bền vững phải bắt đầu từ nữ giới, đây là cam kết của các nhà lãnh đạo trên thế giới tại Hội nghị Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Kết thúc đại dịch AIDS vừa diễn ra. Theo đó, các nước cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên đóng một vai trò cốt lõi hơn trong công tác phòng, chống AIDS, thông qua thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khỏe và giáo dục toàn diện về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và dự phòng lây nhiễm HIV. Các nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết gánh nặng về HIV đối với phụ nữ, đặc biệt là nữ thanh niên và trẻ gái vị thành niên ở khu vực tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi. So với tuyên bố chính trị đưa ra năm 2016, mục tiêu tại hội nghị này quan tâm nhiều hơn đến nữ giới (quyền tình dục, không bị phân biệt đối xử…) thông qua việc đến năm 2020 giảm số nhiễm mới HIV trong trẻ gái vị thành niên và nữ thanh niên độ tuổi 15 - 24 trên toàn thế giới xuống dưới 100.000 ca mỗi năm. Xóa bỏ bất bình đẳng giới, lạm dụng và bạo hành trên cơ sở giới. Chấm dứt mọi hình thức bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, như bạo hành trên cơ sở giới, bạo hành tình dục, bạo hành trong gia đình và trong các quan hệ bạn tình, bao gồm cả trong môi trường xung đột, hậu xung đột và hoàn cảnh nhân đạo. Khuyến khích và hỗ trợ nâng cao vai trò chủ động của thanh niên, đồng thời mở rộng giáo dục toàn diện về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và bảo vệ các quyền con người. Để AIDS không còn biệt lập, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia sử dụng cách tiếp cận lồng ghép và tổng hợp nhằm giải quyết một loạt các vấn đề về y tế, bao gồm bệnh lao, viêm gan B và C, ung thư cổ tử cung, u nhú ở người, các bệnh không truyền nhiễm, các bệnh mới xuất hiện và bệnh tái bùng phát. Đến năm 2020 giảm 75% số tử vong do lao ở những người nhiễm HIV. Phấn đấu đến năm 2020, tiếp cận được 90% những người cần được điều trị lao, bao gồm 90% người có nguy cơ cao, và điều trị thành công cho ít nhất 90% trong số này. Đến năm 2020, giảm 30% các ca nhiễm mới viêm gan mãn tính B và C. Đến năm 2020 điều trị được 5 triệu người nhiễm viêm gan B mãn tính và 3 triệu người nhiễm viêm gan C mãn tính.

Tuổi trẻ

Tự đi truyền dịch, chưa chắc khỏe

Thông thường việc truyền nước có vẻ thông dụng và an toàn, nhưng lại tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường, có thể dẫn đến chết người nếu thủ thuật này được làm không đúng. Theo bác sĩ Trần Văn Thường - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, dịch vụ tiêm truyền nước (điện giải, dinh dưỡng...) rất phổ biến, có khi nhân viên y tế đến truyền tại nhà theo yêu cầu, đặc biệt trong khu vực nông thôn vùng sâu.

Mệt là truyền nước

Trong chuyến công tác tháng 5 vừa qua đến trạm y tế thị trấn Phong Điền (thuộc huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), khoảng xế trưa, chúng tôi gặp một phụ nữ lớn tuổi đến trạm và muốn truyền chai nước cho khỏe. Bà N.T.H. (60 tuổi, nhà ở thị trấn Phong Điền), vốn là khách quen của trạm, mỗi lần thấy trong người mệt mỏi là ra trạm y tế để truyền, thường 1-2 tuần một lần. Hỏi bà bệnh gì mà truyền nước, bà H. nói không bệnh gì, chỉ mệt mỏi do ăn uống và ngủ không được, truyền vào thấy khỏe hơn. Lát sau, lại có một thanh niên đến nhờ truyền cho chai nước cho “khỏe và mát” vì thấy nóng trong người. Nhiều người dân ở thôn quê thường ít khi đến bệnh viện khám bệnh, có mệt thì đi truyền nước hay chích thuốc ở gần nhà. Bà B.N. (ấp Trường Đông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, Cần Thơ) kể: "Hễ đau hay mệt gì là tui đi bác sĩ tư chích mũi thuốc hay truyền một, hai chai nước cho mau hết. Vậy cho đỡ mất công lội ra bệnh viện xa xôi, vừa tốn tiền vừa mất thời gian!". Còn bà T.T.L. (một cán bộ hưu trí ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng nói bà hay ra trạm y tế gần nhà truyền nước, đạm mỗi khi mất ngủ, ăn uống kém. Mỗi tháng ra trạm y tế 1-2 lần, riết thành khách quen. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Lập - trưởng phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế Cần Thơ - cho biết các trạm y tế ở địa phương đã được kiểm tra và được phép thực hiện kỹ thuật tiêm chích, thay băng, truyền dịch. Tuy nhiên phải được bác sĩ (hoặc y sĩ) khám bệnh, có chỉ định truyền mới thực hiện. Còn ở các điểm y tế tư nhân, dịch vụ truyền dịch chỉ thực hiện theo y lệnh của bác sĩ khám.

Mỗi loại dịch có một số chỉ định

Chính vì thói quen mệt là đi truyền nước ở nhiều người nên đã xảy ra một số trường hợp đáng tiếc. Theo bác sĩ Trần Văn Thường, tại Cần Thơ đã xảy ra một số ca tai biến đến chết người (trong đó có người truyền nước tại phòng mạch tư). Do đó tùy thể trạng, bệnh lý của từng người, sẽ được chỉ địch dịch truyền khác nhau. Trong khi đó, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết hiện có hơn 20 loại dịch truyền và chủ yếu chia thành 3 nhóm chính: nhóm dịch truyền cung cấp một số chất dinh dưỡng cho cơ thể, ví dụ dung dịch đường 5%, dung dịch đạm, dung dịch chất béo. Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, ví dụ dung dịch nước muối 0,9%, dung dịch Lactated Ringer, dung dịch bicarbonat. Những nhóm dung dịch đặc biệt ví dụ huyết tương tươi, dung dịch cao phân tử, dung dịch albumin... Mỗi loại dịch có chỉ định nhất định. Cụ thể, dung dịch đường truyền cho người đang hạ đường huyết, hoặc phối hợp với chất đạm, béo để truyền cho người không thể ăn, uống được, phải nuôi ăn lâu dài. Dung dịch chất đạm, chất béo được truyền để cung cấp dinh dưỡng cho người suy kiệt, không ăn uống được. Dung dịch điện giải chủ yếu dùng trong trường hợp mất nước, mất máu, chống sốc trong trường hợp tụt huyết áp. Nhóm dung dịch đặc biệt có chỉ định truyền khắt khe hơn.

Khi nào cần truyền dịch?

Cơ thể con người bình thường sẽ duy trì ổn định các chỉ số về máu, chất đường, chất đạm, chỉ khi bị rối loạn thay đổi mới chỉ định truyền dịch. Chỉ định truyền được bác sĩ quyết định sau khi khám lâm sàng với từng ca bệnh cụ thể. Vì vậy, có lúc bác sĩ chỉ định truyền dịch trước khi bệnh nhân được làm xét nghiệm, đặc biệt với bệnh nhân bị choáng, bị sốc do mất nước, mất máu, bệnh nhân bị ngộ độc. Người bị huyết áp thấp có nên truyền dịch? Bác sĩ Lưu Phương cho biết huyết áp thấp có hai loại là huyết áp thấp cơ địa và tụt huyết áp. Huyết áp thấp cơ địa thường không cần truyền dịch khi không mắc bệnh lý. Tuy nhiên, khi có bệnh lý mà có chỉ định truyền dịch thì vẫn phải truyền. Còn tụt huyết áp là một trong những dấu hiệu của sốc nói chung, đặc biệt sốc mất nước và mất máu hoặc uống thuốc trị bệnh cao huyết áp quá liều hoặc cơ thể suy kiệt quá nặng. Những trường hợp này phải truyền dịch càng nhanh càng tốt. Có một thực tế, bệnh nhân không biết chỉ số huyết áp bình thường nên khi mắc bệnh, nhất là bệnh lý cấp tính, nếu đi khám bệnh với chỉ số huyết áp thấp, các bác sĩ rất khó phân biệt giữa cơ địa huyết áp thấp hay tụt huyết áp do sốc. Bác sĩ Lưu Phương nhấn mạnh truyền dịch chính là đưa chất lạ vào thẳng mạch máu của cơ thể nên luôn tiềm ẩn những nguy cơ về dị ứng (trong y khoa gọi là choáng phản vệ). Tai biến có thể gặp khi truyền dịch là choáng phản vệ và nếu không cấp cứu đúng cách có thể tử vong, ngoài ra có thể gây ngứa ngáy, khò khè... Với người có bệnh tim tiềm ẩn, việc truyền dịch quá nhanh, quá nhiều có thể dẫn tới phù phổi cấp. Khi không có chỉ định mà truyền dịch, tim và thận sẽ làm việc nhiều hơn, lợi bất cập hại. Truyền dịch không đúng chỉ định còn gây rối loạn chuyển hóa. Người bình thường nếu truyền dịch sẽ làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn và không muốn ăn...

Hơn 60 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

62 công nhân Công ty TNHH dệt len Ecoway - xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy,  tỉnh Tiền Giang đã phải nhập viện vì đau đầu, nôn ói... sau khi dùng cơm trưa tại công ty. Ngày 16-6, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Tiền Giang cho biết đến sáng cùng ngày, 27 công nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện này đã được xuất việm. Theo bệnh viện, từ trưa ngày 15-6 đến tối cùng ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 62 ca nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Những bệnh nhân đều từ Công ty TNHH dệt len Ecoway. Triệu chứng chung của các công nhân khi nhập viện là nôn ói, chóng mặt, đau bụng, nhức đầu... Theo các công nhân, trưa 15-6 sau khi ăn cơm (thịt heo kho, đậu bún xào, canh khoai lang, mắm kho chay, tương hột...) thì họ bắt đầu bị các triệu chứng như trên. Đến khoảng 19g cùng ngày, 35 công nhân cơ bản đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện. Còn 27 công nhân vẫn tiếp tục điều trị qua đêm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Tiền Giang cho biết trưa 15-6, trong số 922 công nhân của Công ty TNHH dệt len Ecoway ăn cơm trưa tại bếp ăn của công ty thì 62 người đã phải nhập viện cấp cứu. Ngày 15-6 bếp ăn cung cấp 922 phần ăn cho công nhân đang làm việc tại công ty TNHH dệt len Ecoway (trong đó có 110 suất ăn chay, 812 suất ăn mặn). Thức ăn được công ty hợp đồng với một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp tại TP Bến Tre đảm trách. Hiện cơ quan chức năng đang lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

Sẽ lập ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

Sở Nội vụ TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án về việc thành lập ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Đây là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP để chịu trách nhiệm chính về ATTP tại TP. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lâm- phó giám đốc Sở Nội vụ TP- cho rằng một TP muốn phát triển vững mạnh thì người dân phải có sức khỏe, ăn sạch, uống sạch, an toàn. Do đó cần thiết thành lập sớm ban quản lý ATTP để nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết căn cơ tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn TP (Tuổi trẻ trang 5).

Vietnamnet

BV Thu Cúc: tặng 50% phí khám Giáo sư Gan mật

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống viêm gan siêu vi 28/7, từ 15/6 - 31/7/2016 Bệnh viện Thu Cúc tặng 50% phí khám Giáo sư Gan mật và 10% chi phí phát sinh (bao gồm: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng).

Gan kêu cứu trước “vấn nạn” thực phẩm bẩn

Thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam đứng top nhiều người mắc bệnh gan trên thế giới, với gần ¼ dân số mắc bệnh viêm gan B, C, 10.000 người chết vì xơ gan và ung thư gan mỗi năm. Nguy hiểm hơn khi phần lớn bệnh nhân đều không biết mình mắc bệnh, chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh đã tiến triển nặng, bỏ lỡ cơ hội điều trị. Gan là cơ quan giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, tổng hợp protein, chức năng đông máu, bài tiết mật, tham gia vào sản xuất các thành phần nội tiết tố miễn dịch, đặc biệt là chức năng giải độc, ngăn cho độc tố xâm nhập vào cơ thể. Các độ tố từ thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích,….đi vào cơ thể, sẽ đọng lại ở gan, kích hoạt tế bào Kupffer, khiến Kupffer “nổi loạn”, làm cho tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin… gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan. Nguy hiểm hơn, các độc chất này cũng khiến tế bào gan phải làm việc quá sức để khử độc, quá trình này làm sản sinh liên tục các sản phẩm trung gian tiếp tục kích hoạt tế bào Kupffer, từ đó gây chết tế bào gan nhiều hơn, khiến gan nhanh chóng suy yếu, hư hại.

“Chủ động bảo về gan trước vòng vây thực phẩm bẩn”

Theo các chuyên gia gan mật, những bệnh lý về gan mật thường tiến triển âm thầm, ít hoặc không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, bệnh chỉ có biểu hiện ra bên ngoài khi đã trở nên nghiêm trọng. Bởi vậy, bên cạnh một chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý thì việc thường xuyên quan tâm, chăm sóc và kiểm tra định kỳ đối với sức khỏe gan là rất quan trọng. Với thông điệp “Chủ động bảo vệ gan trước vòng vây thực phẩm bẩn” và hưởng ứng ngày thế giới phòng chống viêm gan siêu vi 28/7 hàng năm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc thực hiện chương trình: Ưu đãi 50% phí khám Gan mật với các Giáo sư và 10% chi phí phát sinh trong quá trình khám Giáo sư (bao gồm: phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng), chương trình áp dụng từ 15/6 đến hết 31/7/2016, giúp người dân nắm rõ sức khỏe bản thân, đồng thời nhận thức đúng tầm quan trọng của phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời các bệnh lý gan mật. Luôn chú trọng đầu tư hướng tới chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc xây dựng chuyên khoa Gan mật uy tín, với phòng khám Giáo sư gan mật, được hỗ trợ bởi hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại như máy sinh hóa, huyết học, Hệ thống phòng Lab sinh học phân tử định lượng virut và phân tích gen đột biến kháng thuốc, Hệ thống máy Siêu âm chất lượng cao, Máy MSCT-64,… giúp người bệnh có thể phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý gan mật nguy hiểm như: viêm gan, rối loạn chức năng gan, xơ gan, ung thư gan, bệnh lý đường mật như sỏi đường mật, polyp túi mật,… Đặc biệt, khách hàng sẽ được chính các Giáo sư - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Gan mật trực tiếp thăm khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về Gan mật. Trong đó phải kể đến: PGS.,TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc.  PGS. TS Nguyễn Xuân Thành là bác sỹ điều trị, tham gia giảng dạy về bệnh lý gan mật tại Bệnh viện Quân Y 103 và bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đã từng tham gia khóa thực tập và nghiên cứu tại khoa Nội tiêu hóa Đại học Y Shimane Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của GS Shimada - Chuyên gia hàng đầu tại Nhật Bản về chẩn đoán và điều trị bệnh lý gan mật.  PGS. TS Nguyễn Xuân Thành dành nhiều thời gian nghiên cứu và trực tiếp điều trị thành công các bệnh lý gan mật, đặc biệt là viêm gan virut. Nhiều nghiên cứu của Phó Giáo sư được đăng trên tạp chí nước ngoài, được bạn bè Quốc tế công nhận.

Hà Nội mới

"Cởi trói" cho Bảo hiểm y tế

Tỷ lệ người dân sử dụng BHYT của TP Hồ Chí Minh hiện thấp nhất cả nước. Trước thực trạng này, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đã mạnh dạn điều chỉnh chính sách, ký kết với các đơn vị y tế tư nhân để tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh BHYT.

Chi trả phí chữa trị cho bệnh nhân ung thư 

Tính đến thời điểm này, BHXH TP Hồ Chí Minh đã liên kết cùng 50 đơn vị y tế tư nhân, trong đó có 20 bệnh viện và 30 phòng khám đa khoa để tham gia điều trị cho bệnh nhân có BHYT. Trong các gói liên kết, ngành BHXH đã đồng ý chi trả chi phí chữa trị cho bệnh nhân ung thư. Đây là căn bệnh hiểm nghèo, hiện mức chi phí điều trị đứng đầu chi phí khám chữa bệnh ở nước ta. Việc BHXH chấp nhận thanh toán BHYT cho bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện tư đã hỗ trợ được nhiều cho người bệnh. Ông Ngô Sở Trị, 47 tuổi, ngụ tại Quận 11, TP Hồ Chí Minh đang điều trị bệnh ung thư phổi tại Bệnh viện Pháp - Việt (FV) đã 6 năm. Từ kinh tế khá giả, đến nay gia đình ông đã rơi vào cảnh kiệt quệ. Nếu không được BHYT thành phố chi trả hơn 70 triệu đồng, ông khó có thể điều trị tiếp. Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bệnh nhân đến khám chữa bệnh ung thư tại các cơ sở ký kết với BHXH đều được BHXH chi trả tương đương với mức chi trả với bệnh viện công. Đặc biệt, từ ngày 1-3-2016, một số dịch vụ tại bệnh viện tư được chi trả cao hơn bệnh viện công. Nguyên nhân là nhân viên các bệnh viện công đang được Nhà nước trả lương, trong khi bệnh viện tư phải chi trả mọi mặt. Sau một năm thực hiện liên kết cùng BHXH TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện FV đã tham gia điều trị cho 900 lượt bệnh nhân sử dụng BHYT, trong đó có bệnh nhân được BHYT chi trả nhiều nhất là 405 triệu đồng". Không chỉ Bệnh viện FV, BHXH đã thanh toán cho các bệnh viện tư nhân điều trị cho bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện như: Hoàn Mỹ, Quốc tế City, Tâm Đức... Các bệnh nhân ung thư sẽ được BHYT chi trả chi phí khám bệnh và xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chi phí hóa trị, trị xạ. Hạng mục được hỗ trợ nhiều nhất là thuốc hóa trị: Tiền chi trả cho thuốc hóa trị được BHYT thanh toán từ 30-90% tùy theo đối tượng theo quy định của Luật BHYT. Ngăn chặn "Hội chứng người thứ 3 trả tiền". "Hội chứng người thứ 3 trả tiền" tức là bệnh viện lạm dụng các chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Hội chứng này không chỉ xảy ra ở các bệnh viện tư nhân, mà cả những bệnh viện công lập khi các bệnh viện này bước vào lộ trình tự thu, tự chi. Thế nên, theo các chuyên gia y tế, ngoài lợi ích mang lại, việc góp mặt của 50 đơn vị y tế tư nhân dễ dẫn tới có lạm dụng chỉ định y khoa trong các khâu chẩn đoán và điều trị bệnh để BHXH nhằm "rút ruột" quỹ BHXH, gây vỡ quỹ BHXH. Để ngăn chặn điều này, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết, cơ quan BHXH có đội kiểm tra riêng, kiểm duyệt hồ sơ thanh toán BHYT riêng dựa vào quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế. Sử dụng công nghệ thông tin để kiểm tra, so sánh quy trình và phác đồ điều trị giữa cơ sở khám chữa bệnh tư nhân với các bệnh viện công lập. Đơn vị nào có sự lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng¸ cơ quan BHXH sẽ kiểm tra. Thường các bệnh nhân thực hiện xong các xét nghiệm lâm sàng, khi BHXH xét duyệt hồ sơ nhận thấy sự "lãng phí" BHXH sẽ không thanh toán, bệnh viện đó sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng sự kiểm soát gắt gao, rập khuôn này cũng khiến nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi thăm khám bằng thẻBHYT, nhất là các bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Điển hình, bà Thương Thương, bệnh nhân ung thư tại một bệnh viện tư nhân cho biết: "Tôi điều trị ung thư tại bệnh viện tư nhân đã 4 năm. Khi điều trị, một số bộ phận cơ thể như: mắt, tim, phổi và nội tạng bị ảnh hưởng nên cơ thể mắc thêm một số bệnh liên quan". Do vậy, bà mong muốn được thanh toán các căn bệnh đi kèm cho các bệnh nhân ung thư.

Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy

Tối 16-6, tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm; Bộ Công an; Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý, hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6). Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. Trong năm 2015, các ngành chức năng đã phát hiện, điều tra 19.517 vụ, bắt 29.963 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.510 kg heroin, hơn 4,5 tấn cần sa các loại. Số nghiện ma túy là 201.180 người có hồ sơ quản lý, giảm 3.193 người so với năm 2014. Năm 2016, Chính phủ đã chọn chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm hoạ ma tuý", nhằm nhắc nhở trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và xã hội trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma tuý. Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phù hợp với tình hình thực tế; cần tập trung chỉ đạo các lực lượng đấu tranh mạnh với tội phạm ma tuý, ngăn chặn không để hoạt động tội phạm lây lan; triệt xoá các điểm, tụ điểm trong và ngoài nhà trường, bảo đảm môi trường lành mạnh cho các em học tập; cần quản lý chặt chẽ hệ thống Internet, nhất là các trang mạng xấu, lôi kéo thanh niên sử dụng ma tuý. Phó Thủ tướng đề nghị Hội LHPN cần tiếp tục đổi mới và xây dựng các chương trình hướng dẫn sát thực hơn, giúp các chị em hội viên hiểu biết về ma túy và các kỹ năng cần thiết trong quản lý, giáo dục và phòng ngừa tệ nạn ma túy trong gia đình. Phó Thủ tướng cũng nhắn nhủ tới các bạn thanh niên, sinh viên, xác định đúng động cơ học tập, hăng say nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các phong trào của Đoàn thanh niên và trau dồi các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, để nhận biết nguy cơ và phòng tránh tệ nạn ma túy. Tương lai của dân tộc phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và hành động đúng đắn của thế hệ trẻ.

 

Ngày 20/06/2016
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích