Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 8 5 4 6
Số người đang truy cập
4 1 4
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 9/7 đến 12/7 năm 2015

Tuổi trẻ

Xe cấp cứu bốc cháy khi lộn nhào, 2 người tử vong

Đâm vào xe máy, ôtô cứu thương lật ngang khiến người đàn ông cùng một bệnh nhi chết tại chỗ, 4 người khác bị thương. Khi các nạn nhân được đưa ra ngoài, xe bất ngờ cháy ngùn ngụt. 16h ngày 8/7, xe cấp cứu chở 5 người gồm tài xế, nữ điều dưỡng, bệnh nhi 7 tuổi cùng 2 người nhà (cha và bà nội của bệnh nhi) chạy trên quốc lộ 60, hướng từ Trà Vinh đi TP HCM. Vừa xuống dốc cầu Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày, Bến tre), ôtô cấp cứu tông xe máy của ông Nguyễn Văn Út (49 tuổi) bay xuống lề đường. Sau cú tông mạnh, xe cấp cứu lộn nhiều vòng, nằm lật ngược trên quốc lộ. Người đàn ông đi xe máy và bệnh nhi trên xe cấp cứu tử vong tại chỗ, 4 người còn lại được người dân kịp kéo ra ngoài, đưa đi cấp cứu. "Mọi người dân chạy đến phá cửa ôtô, kéo các nạn nhân ra ngoài thì xe cấp cứu bốc cháy ngùn ngụt. 15 phút sau, cứu hỏa đến hiện trường nhưng chiếc xe đã cháy rụi", ông Châu Duy Nhân - Phó công an xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) - thông tin. Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết, xe cấp cứu bị nạn là của Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh khi đang trên đường đưa em Đặng Trung Kiên (7 tuổi, ngụ huyện Duyên Hải) bị ung thư máu lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM điều trị. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Yêu cầu giám sát sau từng trường hợp tiêm chủng

Theo bà Hồng, sau khi thăm khám các bác sĩ đánh giá bé V.N.U.N. (bị tiêm nhầm hai văcxin DPT và sởi - rubella) đã khỏe mạnh trở lại. Ngày 8-7, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế gồm bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ông Lê Thanh Hải, giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư và ông Viên Quang Mai, viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, đã cùng trực tiếp thăm khám, đo lượng kháng thể sau tiêm, tình hình sức khỏe... cho bé V.N.U.N., 3 tháng tuổi ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), bị tiêm nhầm hai văcxin DPT và sởi - rubella hôm đầu tháng 7. Về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của bé về sau này hay không, bà Hồng cho rằng văcxin DPT đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng từ lâu, nhưng hiện nay chương trình đang sử dụng văcxin Quinvaxem có năm thành phần trong một mũi tiêm, vì tiêm DPT chỉ có ba thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván nên bé N. sót hai thành phần ngừa viêm gan B và Hib. Thời điểm bé 4 và 5 tháng tuổi, bé sẽ được tiêm Quinvaxem trở lại. Với văcxin sởi - rubella thông thường sử dụng cho trẻ từ 1 tuổi, ở Mỹ lịch tiêm chủng cho phép sử dụng văcxin sởi cho bé từ 6 tháng tuổi ở vùng dịch, tuy nhiên hiệu quả miễn dịch không cao bằng giai đoạn 9 tháng tuổi tiêm mũi sởi đầu tiên như lịch tiêm hiện nay. Do thời gian qua, có một lượng trẻ khá lớn chưa đến lứa tuổi tiêm sởi đã mắc sởi nên Bộ Y tế đang có một đề tài nghiên cứu cấp bộ về hiệu quả tiêm sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Về việc bé N. bị tiêm nhầm văcxin, bà Hồng cho biết hiện bảng nhắc 5 đúng về việc cha mẹ trẻ và cán bộ tiêm chủng cần làm gì khi đưa trẻ đến tiêm chủng và tiêm chủng cho trẻ đã được phát đến trạm y tế xã phường, tuy nhiên sau nhầm lẫn này, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ đề nghị có giám sát sau tiêm với từng trẻ được tiêm chủng. Tức là một cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng, một thực hiện giám sát sau tiêm. Cha mẹ trẻ cũng cần hỏi rõ loại văcxin mà con mình được tiêm trong lần tiêm này, đối chiếu với lứa tuổi của trẻ... để phối hợp đảm bảo an toàn.

TP.HCM: giám sát chặt việc cấm chọn giới tính thai nhi

Tại TP.HCM, tỉ số giới tính khi sinh hằng năm duy trì ở mức hợp lý, 106 - 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Riêng sáu tháng đầu năm 2015, dự ước tỉ số này là 108,8 bé trai/100 bé gái. Ông Trần Văn Trị - chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch gia đình TP.HCM - cho biết như vậy tại lễ mittinh kỷ niệm Ngày dân số thế giới (11-7) và tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011 - 2015, do Sở Y tế TP.HCM tổ chức ngày 8-7. Theo ông Trị, TP.HCM kiểm soát khá tốt và chặt chẽ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhờ có nhiều giải pháp mang tính đột phá, thực hiện đồng bộ công tác truyền thông vận động, thanh tra, kiểm tra - giám sát thực hiện quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Tiền phong

Đề án Tiếp sức người bệnh: Giảm quá tải, tiêu cực bệnh viện

“Với sự tham gia của đông đảo thanh niên tình nguyện (TNTN) bằng tinh thần nhân ái, hết lòng vì bệnh nhân, trong đó có nhiều sinh viên theo học ngành y, chúng tôi hy vọng Đề án Tiếp sức người bệnh giảm tình trạng quá tải, đẩy lùi các tiêu cực trong bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đồng thời gieo mầm nhân ái, giá trị nhân văn”, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam Nguyễn Phi Long, nói.

Từ 2016-2020, triển khai tại 90 bệnh viện

Vì sao Hội LHTN Việt Nam tổ chức chương trình Tiếp sức người bệnh và thời gian của chương trình kéo dài trong bao lâu, thưa anh? Hiện, các bệnh viện tuyến trung ương đều trong tình trạng quá tải, nảy sinh nhiều vấn đề: Gia đình bệnh nhân đội chi phí phát sinh trong quá trình chữa bệnh, ngành y tế quá tải trong đón tiếp bệnh nhân. Đây là những nguyên nhân tạo ra bức xúc cho bệnh nhân, người nhà và ngành y tế. Để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh thông qua cung cấp đội ngũ TNTN được đào tạo và hoạt động có tổ chức, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phát động chương trình Tiếp sức người bệnh trong toàn quốc. Những đội hình TNTN này giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện góp phần thực hiện chủ trương lớn về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác CSSK cho người nghèo.

Vậy “Tiếp sức người bệnh” được tổ chức như thế nào, TNTN sẽ làm những công việc gì?

Năm 2015, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình tại 30 bệnh viện ở 5 thành phố (trong đó có 12 bệnh viện ở Hà Nội, 14 bệnh viện ở TPHCM, Bệnh viện T.Ư Huế, 2 bệnh viện ở Đà Nẵng, Bệnh viện T.Ư Cần Thơ) và 90 bệnh viện từ năm 2016-2020. Tại các bệnh viện, các đội TNTN phối hợp với các phòng ban trực tại khu vực tiếp đón và tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ cổng bệnh viện. Giúp đỡ, chỉ dẫn bệnh nhân và người nhà đi lại, di chuyển để được khám chữa bệnh thuận lợi, nhanh chóng; hướng dẫn bệnh nhân và người nhà thực hiện các thủ tục khám bệnh, nhập viện, xuất viện nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên (TNV) hướng dẫn người nhà người bệnh sử dụng các dịch vụ hiện có trong bệnh viện; nhắc nhở bệnh nhân và người nhà thực hiện các nội quy trong bệnh viện, giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện. Hỗ trợ, cùng với nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật. TNV còn giúp đỡ người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện. Thăm hỏi, trò chuyện với người bệnh nhằm động viên tinh thần, tạo động lực, niềm tin cho người bệnh. Đồng thời tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện như: “Nồi cháo yêu thương”, “Bát cơm nghĩa tình” cho những người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong bệnh viện. Tổ chức chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” phục vụ bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ. Phối hợp với Phòng Công tác xã hội để kết nối các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với các nhà hảo tâm.

Đẩy lùi tiêu cực trong bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế có nói, bên cạnh nhiều tập thể và cá nhân đã không quản khó khăn, gian khổ hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh, vẫn còn một bộ phận cán bộ có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. Vậy, đề án có đặt ra tiêu chí giúp giảm bớt vấn nạn phong bì, thưa anh? Một trong những vấn nạn của ngành y tế là phong bì cho nhân viên y tế và “cò” bệnh viện để làm các thủ tục, tạo ra tâm lý rất mệt mỏi, lo lắng cho bệnh nhân. Tôi thấy, vấn đề nâng cao y đức được Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện hết sức quan tâm triển khai và đạt được kết quả nhất định. Trong các bệnh viện, tính minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính cơ bản tốt, tuy nhiên không tránh khỏi trường hợp còn tiêu cực. Cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Y tế, các bệnh viện và nhận thức, hỗ trợ của người dân, “Tiếp sức người bệnh” với các hoạt động nhân văn chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đại đa số nhân viên y tế và đông đảo người bệnh… Khi các hoạt động tình nguyện lan tỏa, chắc chắn sẽ góp phần đẩy lùi những hành vi tiêu cực trên; thậm chí ở khía cạnh khác, hành vi tiêu cực sẽ tự triệt tiêu khi giá trị hành động tích cực được nhân lên. “Tiếp sức người bệnh” nhằm thực hiện giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính tại những bệnh viện thực hiện đề án; giảm được 80-90% tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện; giảm được 50-70% tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định. Góp phần làm giảm tình trạng “cò” bệnh viện tại những bệnh viện thực hiện trong đề án tiến tới chấm dứt được tình trạng cò bệnh viện. Đến hết năm 2015 xây dựng được 30 đội hình tình nguyện, với hơn 3.000 TNV tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện. Đến hết năm 2019, xây dựng được 100 đội hình tình nguyện, với hơn 10.000 TNV tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện.

Vụ “Nguy kịch sau 2 mũi tiêm, dù chỉ bị đau họng”: Bộ Y tế đề nghị xác minh

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị xác minh thông tin báo Tiền Phong phản ánh. Theo đó, ngày 8/7/2015, báoTiền Phong có đưa tin “Nguy kịch sau 2 mũi tiêm, dù chỉ bị đau họng”. Về vấn đề này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương xác minh làm rõ thông tin vụ việc nêu trong bài báo. Thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định tại Điều 73 Luật Khám chữa bệnh để xác định cá nhân tập thể liên quan có hoặc không có sai sót chuyên môn. Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan theo đúng quy định hiện hành nếu có sai phạm. Báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 20/7/2015 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ và công khai trước công luận.

TPHCM: Đầu tư cho bệnh viện vệ tinh còn hạn chế

Ngày 9/7, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện cho khu vực phía Nam. Theo Bộ này, năm 2014, TPHCM có 6 bệnh viện hạt nhân được giao xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh để giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các bệnh viện này đã triển khai xây dựng 11 bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh và 1 trung tâm y tế liên doanh Việt - Nga. Số bệnh viện vệ tinh này được nhận chuyển giao 250 kỹ thuật từ tuyến trên. Các kỹ thuật chính được chuyển giao là cấp cứu sản khoa, mổ lấy thai, phẫu thuật chấn thương sọ não bệnh nhi, thay xương khớp, phẫu thuật cột sống. Tổng kinh phí chương trình được cấp là hơn 32,6 tỷ đồng, gồm phục vụ đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực tại chỗ đáp ứng cho nhu cầu bệnh viện vệ tinh..., nhưng chỉ sử dụng hơn 5,6 tỷ đồng, chiếm 17%tổng kinh phí đã được cấp.

Nhân dân

Hưởng ứng ngày DSTG (11-7): Ưu tiên hỗ trợ người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai

Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay có chủ đề: "Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai". Hưởng ứng chủ đề đó, Bộ Y tế đã có những giải pháp nhằm chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ ở những vùng thiên tai, lũ lụt, những vùng bị ảnh hưởng khắc nghiệt bởi thời tiết. VIỆT NAM là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu khi tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác. Theo tính toán, nếu biến đổi khí hậu không được giảm một cách hiệu quả thì đến cuối thế kỷ này, nước ta sẽ mất đi ít nhất 22% diện tích đất. Những trận bão lụt, siêu giông vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cả vùng thành thị lẫn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù đã có những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bằng các dự án, trong đó có chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhưng phần lớn các dự án này tập trung vào xóa đói, giảm nghèo và cung cấp lương thực chứ chưa tập trung vào chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân. Chính vì vậy, theo ông Béc-na Cô-cơ-lin -điều phối viên Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết: Ngày Dân số thế giới năm nay, UNFPA đã đưa ra chủ đề này bởi ngày càng xảy ra nhiều thiên tai, lũ lụt, hạn hán trên thế giới. Và hơn hết, phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi hệ luỵ của thiên tai. Bằng việc làm cụ thể, Quỹ UNFPA đã thiết kế bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đặc biệt giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai. Bộ đồ này gồm: giấy vệ sinh (bằng chất liệu có thể tái sử dụng), quần áo, khăn tắm, xà-phòng, bàn chải... Các đồ dùng này đáp ứng cả nhu cầu vệ sinh cơ bản trước mắt của những người dân bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho phụ nữ có thể duy trì cuộc sống trong một thời gian tối thiểu. Theo Phó Tổng cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân, để hưởng ứng Ngày Dân số thế giới, Bộ Y tế đã triển khai những nội dung của Thông điệp Ngày Dân số gửi đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhất là những vùng có nguy cơ thiên tai, lũ lụt hay xảy ra. Triển khai xây dựng các lớp tập huấn để nâng cao năng lực ứng phó tình huống thiên tai, bảo đảm nguồn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Xây dựng những mô hình tương tự nhằm luyện tập, thích ứng với những mô hình như vậy trong tình huống có thể xảy ra, để nếu như thiên tai, lũ lụt xảy ra, bảo đảm các dịch vụ được triển khai đáp ứng đến những người dân ở nơi có lũ. Ngoài ra, ngành dân số cũng đã chuẩn bị những gói chăm sóc SKSS cơ bản cho phụ nữ, trẻ em gái, nhằm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong thời gian một tháng. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường bảo đảm dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số để họ có kinh nghiệm chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; bảo đảm việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trước và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật cho người dân vùng thiên tai. Mặc dù, chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là một chủ đề mới khác biệt hẳn so với mọi năm, tuy vậy ngành dân số cũng đã đưa ra năm nhóm giải pháp phù hợp, tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý đến công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ trung ương đến địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp nhằm cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai. Thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai. Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ ngành dân số. Thông điệp toàn cầu cho Ngày dân số Thế giới (11-7): Luôn bảo đảm phẩm giá, sự an toàn và SKSS cho mọi phụ nữ và trẻ em gái. Cuộc sống của mọi người phụ nữ luôn quý giá trong bất kỳ tình huống nào. Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Khi thiên tai xảy ra, cần phải chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì cuộc sống của phụ nữ và các trẻ em gái sẽ trở nên an toàn và khỏe mạnh hơn.

Khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gần 300 đối tượng chính sách ở huyện Thanh Trì

Ngày 11-7, Bệnh viện Nội tiết T. Ư phối hợp UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gần 300 đối tượng chính sách là các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, gia đình chính sách xã Tứ Hiệp và thị trấn Văn Điển. Bệnh viện cũng tặng quà cho một số đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư khẳng định: Đây là hoạt động thiết thực để bệnh viện tri ân những người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2015). Việc chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho đối tượng chính sách luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc, toàn thể cán bộ công nhân viên bệnh viện coi là một hoạt động thường niên đầy ý nghĩa và thiết thực. Trong những năm vừa qua, Bệnh viện Nội tiết T. Ư đã có nhiều hoạt động thiết thực như việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa tại địa phương cũng như trên cả nước. Bệnh viện đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, nhân viên đi thăm hỏi và khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng tại nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2015, bệnh viện đã xây dựng hai nhà tình nghĩa tại Quảng Trị và tặng quà cho tất cả các gia đình chính sách, người có công với cách mạng của xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Hà Nội hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11- 7

Ngày 11-7, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội phối hợp Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Đống Đa tổ chức điểm văn nghệ truyền thông, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7. Cùng với đó, các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, huyện Gia Lâm... cũng đã tổ chức nhiều hoạt động mít tinh, tuyên truyền, khám sức khỏe sinh sản, tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Với mục đích để mọi người dân đang sinh sống trên địa bàn cùng thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình, một số đơn vị còn tổ chức đoàn xe tuyên truyền ra quân cổ động trên các tuyến đường chính của thành phố. 6 tháng đầu năm nay, tổng số sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn Hà Nội đã có xu hướng giảm song chưa đồng đều và không bền vững, nhất là tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn TP Hà Nội là hơn 39.200 trẻ (giảm hơn 2.200 trẻ so với cùng kỳ năm 2014). Tương tự, số trẻ là con thứ ba trở lên được sinh ra cũng giảm 181 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn duy trì ở mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái và chưa có xu hướng giảm.

Sản xuất thực phẩm chức năng giả ngày càng tinh vi

Tình hình hoạt động sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Trí Dũng cho biết: Ngày 8-6, đã kiểm tra và phát hiện khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố. Trong đó chủ yếu là sản phẩm: Sữa o­ng chúa Costar, 100% Royal Jelly 1450mg, Omega3... Các sản phẩm trên chủ yếu của Công ty VQTech trụ sở tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông - Hà Nội. Tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh), lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 12 tấn thực phẩm chức năng gồm Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan, cà-phê giảm cân hiệu Eva, Lisu Hồng, 3Days... không có hóa đơn, chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ cùng nhiều vỏ hộp, tem nhãn và các dụng cụ thô sơ để sản xuất các sản phẩm trên. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, ngay trong tháng 6, lực lượng chức năng đã khám xét trụ sở công ty Bảo Khang (quận Gò Vấp) bắt giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng cùng nhiều nguyên liệu, bao bì... Tại cơ quan điều tra, giám đốc công ty Bảo Khang thừa nhận đã tổ chức buôn bán một số loại thực phẩm chức năng giả. Số hàng giả này Bảo Khang đặt tại Trung Quốc, mỗi khi giao hàng, họ sẽ giao riêng sản phẩm, vỏ hộp và tem, sau đó công ty Bảo Khang đóng gói thành sản phẩm, dán nhãn mác và đưa đi tiêu thụ. Theo ông Trần Hùng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thực phẩm chức năng nhằm bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, tuy nhiên lại bị làm giả rất nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng các đối tượng làm giả ngày càng tinh vi, gian lận nên không kiểm soát được hết. Trong năm 2014 và năm tháng đầu năm 2015 các lực lượng chức năng đã thanh, kiểm tra phát hiện xử lý 2.113 vụ việc vi phạm trên cả nước. Phần lớn các mặt hàng làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng thật và mang đi tiêu thụ. Điều đáng nói, những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, thực phẩm chức năng bùng nổ, đó là một mặt hàng kinh doanh siêu lợi nhuận. Những mặt hàng thu hút nhu cầu của người dân sẽ là cơ hội để các đối tượng làm giả, làm nhái và buôn lậu lợi dụng. Vì lợi nhuận, chúng bất chấp chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng. Công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không thể một bộ, một ngành, hay một doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả, mà cần có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội, nhất là người dân và bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những quy định xử phạt nghiêm hơn nữa đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm... Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản để quản lý ngày càng chặt chẽ hơn. Đáng chú ý, Bộ Y tế đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo sở y tế chủ động phối hợp Chi cục Quản lý thị trường, các ban, ngành liên quan tập trung nguồn lực hơn nữa nhằm phòng, chống buôn lậu, hàng giả, nhất là thực phẩm chức năng, nguyên liệu dược hiệu quả hơn.

Bộ Y tế khen thưởng 18 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Chiều 9-7 Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã trao quyết định khen thưởng, biểu dương toàn bộ kíp cấp cứu cho bệnh nhân H ngày 4-7, ca cấp cứu khiến cho 18 nhân viên y tế của BV Phụ sản Hà Nội đối mặt nguy cơ phơi nhiễm HIV đang được dư luận quan tâm gần đây. Theo đó, ngày 4-7, chị N.T.H cùng con trai 12 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối, Hưng Yên, chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu. Bệnh nhân được đưa vào BV Phụ sản trong tình trạng rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Trong tình huống nguy cấp, các bác sĩ đã phải phẫu thuật cho bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu để cứu tính mạng cho chị H. Quá trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh, sau phẫu thuật mới có kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân. Khi đó, 18 y, bác sĩ mới biết rằng mình có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV. Tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu, sau khoảng 20 ngày nữa, BV và Trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không? Về cá nhân, nguy cơ nhiễm là rất thấp. Bản thân bác sĩ phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân đều thực hiện đúng các quy định khi tiếp xúc và phẫu thuật cho bệnh nhân. Hiện tại, tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu là âm tính với HIV, nhưng các y bác sĩ vẫn được chỉ định uống phòng phơi nhiễm HIV.

Ở một đơn vị anh hùng

Là đơn vị YTDP đầu ngành phía nam, Viện Pasteur TP HCM được Bộ Y tế phân công quản lý 20 tỉnh, thành phố (hơn 33 triệu người) về chuyên môn y tế dự phòng. Với những thành tích đã đạt được, vừa qua, Viện vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Sau khi tiếp quản vào ngày 1-5-1975, tập thể cán bộ, nhân viên của viện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao là phòng, chống dịch, tham gia xây dựng và chỉ đạo mạng lưới phòng, chống dịch các tỉnh phía nam; nghiên cứu khoa học; sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, môi trường; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên khoa phòng, chống dịch.Với nhiều nỗ lực, từ những năm có cao điểm xảy ra dịch hạch lớn như năm 1977 với 3.363 ca mắc, 165 ca chết, thì đến năm 1997, khu vực phía nam chỉ còn hai ca mắc, một ca chết. Từ năm 1998 tới nay không phát hiện ca bệnh dịch hạch nào, góp phần tiến tới thanh toán bệnh dịch hạch trên toàn quốc. Với căn bệnh tả, từ chỗ phía nam có 1.711 ca mắc (năm 1995) thì năm 2012 đã không có ca mắc. Trong thời điểm dịch cúm A/H5N1, với sự chỉ đạo chuyên môn kịp thời của viện, năm 2012 đã không còn ghi nhận ca mắc cúm A/H1N1 dương tính ở phía nam (năm 2009 ghi nhận 7.393 ca dương tính cúm A/H5N1).Nhiều năm qua, với vai trò là chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia (2008-2009) về phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), viện đã chỉ đạo và cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện các chương trình hành động phòng, chống SXH một cách hiệu quả, giảm tỷ lệ các ca chết. Còn Chương trình Tiêm chủng mở rộng của viện đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; bệnh sởi, giảm 7.475 lần; bệnh bạch hầu giảm 102 lần; bệnh ho gà giảm 337 lần; số trường hợp tử vong do bệnh dại giảm liên tục và rõ rệt từ 52 trường hợp (năm 1994) xuống còn chín trường hợp (năm 2012). Hoạt động của các phòng xét nghiệm là chỗ dựa vững chắc và thiết thực cho công tác phòng, chống dịch, giúp cho việc xác định được nguyên nhân, từ đó có định hướng, lập kế hoạch can thiệp kịp thời và hiệu quả. Được trang bị những máy móc hiện đại, con người được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, cho nên viện còn là địa chỉ được tin cậy của cả hệ thống y tế dự phòng cũng như khối bệnh viện về xét nghiệm, nhất là những xét nghiệm đòi hỏi kỹ thuật cao. Viện có phòng xét nghiệm đạt chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là phòng xét nghiệm vi-rút hô hấp, phòng xét nghiệm vi-rút đường ruột, sởi-rubella, viêm não Nhật Bản... Phòng xét nghiệm chuẩn thức HIV đã góp phần rất lớn trong việc mở rộng mạng lưới, đào tạo con người cho các tỉnh, thành phố để đến nay đã có một hệ thống các phòng xét nghiệm khẳng định HIV đều khắp các tỉnh phía nam. "Tháng 12-1990, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại phòng xét nghiệm HIV của viện khởi đầu cho việc cả hệ thống y tế và toàn dân đối phó với đại dịch nguy hiểm này. Rồi năm 1966, viện cũng xác định trường hợp bại liệt cuối cùng của Việt Nam tại Phú Yên. Năm 2003, lần đầu triển khai giám sát và nghiên cứu bệnh tay-chân-miệng và viêm não cấp trẻ em do Enterovirus-71, Coxsackie A-16 và các Enterovirus khác và viện đã phát hiện vi-rút Entero 71 gây viêm não cấp ở trẻ em lần đầu xuất hiện tại Việt Nam", PGS, TS Cao Thị Bảo Vân cho biết thêm. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, từ năm 1985 đến nay, viện đã đào tạo và cử đi đào tạo 10 tiến sĩ, 53 thạc sĩ, có năm viên chức đang theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ và nhiều học viên cao học. Hằng năm, viện cử cán bộ đi học nâng cao chuyên môn và tu nghiệp ngắn hạn trong và ngoài nước từ 40 đến 80 lượt người/năm, trong đó có hơn 30% lượt cán bộ tu nghiệp tại nước ngoài. Viện còn đào tạo về lĩnh vực vi sinh, dịch tễ học, nghiên cứu khoa học cho các cán bộ y tế của cả nước và các nước trong khu vực; tổ chức các lớp tập huấn cho các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh và các trường đại học; đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới từ 1.600 đến 2.400 lượt học viên/năm. Trong bối cảnh khó khăn chung, viện đã ứng dụng kinh tế tri thức hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, tạo nguồn thu cho viện, đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Điển hình là dịch vụ xét nghiệm lâm sàng, viện đã thực hiện hơn 400 nghìn xét nghiệm sinh học, kiểm định hóa lý và vi sinh thực phẩm/năm. Hằng ngày, có từ 700 đến 1.000 lượt người đến khám và tiêm phòng các loại vắc-xin và kháng huyết thanh. Doanh thu liên tục tăng và có năm đạt 175 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 6,6 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức của viện, giúp họ yên tâm làm việc, tập trung vào các hoạt động chuyên môn được giao… Cùng với công tác chuyên môn, Đảng bộ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh còn chú trọng công tác xây dựng Đảng ở đơn vị. Công tác phát triển Đảng luôn được quan tâm, mỗi năm đều tăng về số lượng và chất lượng. Đảng bộ viện nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh...

Doanh nghiệp Việt Nam

Tránh nhầm viêm não Nhật Bản với các bệnh khác

Mùa hè là mùa cao điểm của bệnh VNNB. Theo cảnh báo của Bộ Y Tế, số ca mắc viêm não Nhật Bản tại viện Nhi Trung Ương đã tăng lên đáng kể. Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Bệnh viêm não, viêm màng não, VNNB đang bắt đầu vào mùa với diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải chú ý phòng bệnh, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Do diễn biến của bệnh phức tạp và dễ bị nhầm với các bệnh lý thông thường khác nên hầu hết bệnh nhân đến viện khi bệnh cảnh đã nặng, xuất hiện nhiều biến chứng. Theo Sở Y Tế, tính đến hết tháng 6/2015 Hà Nội có 11 ca mắc viêm não Nhật Bản, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi.

Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản

Bác sĩ Bùi Vũ Huy, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản thường có các biểu hiện như sốt cao đột ngột (39 độ- 40 độ), sau đó bệnh nhân có biểu hiện đau đầu kèm theo cảm giác buồn nôn. Thậm trí khi trẻ không ăn gì cũng có cảm giác buồn nôn. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý quan sát rõ triệu chứng để đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Nếu để muộn, trẻ sẽ có biểu hiện mất tri giác, rơi vào trạng thái hôn mê, nặng hơn nữa là co giật (nếu không hạ sốt). Lúc này, khả năng cứu chữa là rất khó và mong manh. Để tránh trường hợp xấu nhất là tử vong hoặc hạn chế việc để lại di chứng sau khi khỏi bệnh, bác sĩ Huy khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên chú ý quan sát dấu hiệu bệnh của trẻ, khi thấy nghi ngờ cần đưa đến bệnh viện để được chăm sóc kĩ hơn. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp suy nhất là tiêm phòng và phát hiện bệnh sớm để điều trị.

Tăng cường phòng chống, đối phó với viêm não Nhật Bản

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản không để bệnh bùng phát thành dịch. Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại các bệnh viện và cộng đồng, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh để chủ động khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, vận động các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản và tổ chức tốt công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ cao. Bệnh viêm não Nhật Bản được truyền sang người do muỗi đốt, vì vậy cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi (vec-tơ truyền bệnh), ngủ phải mắc màn. Ngoài ra, việc quan trọng nhất cần đưa trẻ đi tiêm phòng văc-xin viêm não Nhật Bản đúng và đủ liều. Bên cạnh đó cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, đồ chơi của trẻ nên được cọ rửa thường xuyên.

Công an nhân dân

Hàng chục loại thuốc bị bảo hiểm y tế có bất thường về giá

Có 23 loại thuốc đấu thầu ở trong bệnh viện đã bị Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) thông báo tạm thời dừng thanh toán từ tháng 3-2015 và gây nên những ý kiến về lý do xuất hiện các loại thuốc “bất thường” đó trong bệnh viện. Lý giải cho việc dừng thanh toán, BHXHVN cho rằng, qua báo cáo kết quả đấu thầu thuốc (từ 1/1/2014 đến 30/12/2014) của một số tỉnh, thành phố, vẫn còn các thuốc không thông dụng có giá cao trúng thầu với số lượng lớn. Vì thế, BHXHVN đề nghị Bộ Y tế sớm chỉ đạo Hội đồng thuốc và điều trị các bệnh viện (BV) xem xét, lựa chọn, sử dụng đối với thuốc có hàm lượng, dạng bào chế không thông dụng đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý, đồng thời, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành rà soát kết quả đấu thầu còn hiệu lực tại địa phương và cơ sở khám chữa bệnh (KCB), thống kê số lượng và giá trị các thuốc không thông dụng có giá cao bất hợp lý đã thanh toán và các thuốc không thông dụng có giá cao bất hợp lý khác trong kết quả đấu thầu tại địa phương, cơ sở KCB đã sử dụng. BHXHVN yêu cầu BHXH các tỉnh kiên quyết đề nghị chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục thuốc trong kế hoạch đấu thầu những thuốc không thông dụng có giá cao bất hợp lý trong quá trình tham gia đấu thầu trong thời gian tới.

23 loại thuốc bị BHYT từ chối thanh toán gây thiệt thòi cho người bệnh.

Hầu hết các thuốc bị tạm dừng thanh toán là của các công ty dược Việt Nam. Đáng chú ý là các thuốc không thông dụng này lại có giá cao hơn thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, thậm chí, cao hơn cả thuốc của châu Âu vốn được coi là có uy tín về chất lượng. Một lọ Piracetam 2g/10ml có giá 6.700 đồng, nhưng lọ thuốc không thông dụng với hàm lượng 4g/10ml, giá lại tới 26.000 đồng. Giá một số loại thuốc khác cũng cao hơn nhiều lần so với thuốc thông thường. Nhưng điều được quan tâm còn là, những hàm lượng khác thường sẽ rất khó chia liều cho người sử dụng, như ngày uống 4 viên 250mg, thì với hàm lượng 275mg sẽ chia liều ra sao để đảm bảo việc điều trị chính xác. Trước ý kiến của BHXHVN, ngày 7/7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi BHXHVN, các cơ sở y tế và Sở Y tế trong cả nước để đưa ra các biện pháp xử lý, nhằm khắc phục tình trạng trên. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Bộ Y tế thống nhất gọi các thuốc như trên là thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao. Bộ Y tế cũng bày tỏ quan điểm: 23 loại thuốc mà BHXHVN thông báo tạm thời dừng thanh toán đã được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, được Thủ trưởng của cơ sở KCB lựa chọn trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thuốc và điều trị. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, có sự tham gia của BHXH. Tuy nhiên, các thuốc này có giá trúng thầu cao do ít có cạnh tranh trong đấu thầu, vì vậy, việc rà soát lại tính hợp lý về giá trúng thầu của các thuốc này so với giá trúng thầu các thuốc khác có cùng hoạt chất trước khi thanh toán là cần thiết. Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị BHXHVN chỉ đạo BHXH các địa phương thanh toán chi phí sử dụng của 23 mặt hàng thuốc trên theo nguyên tắc: Thanh toán theo giá mua vào của cơ sở KCB, không vượt giá thuốc trúng thầu đúng quy định trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà thầu hoặc hợp đồng điều chỉnh đối với trường hợp nhà thầu có văn bản đề nghị giảm giá. Phối hợp với Sở Y tế và nhà thầu thống nhất mức giá thanh toán đối với các thuốc đã được nhà thầu đề nghị giảm giá. Về số lượng, thanh toán theo số thực tế sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực của hợp đồng, nhưng không vượt quá số thuốc trúng thầu đã ký. Về trách nhiệm trong việc lựa chọn thuốc đấu thầu, Bộ Y tế cũng đề nghị phía BHXH tăng cường trách nhiệm trong tham gia lựa chọn nhà thầu, có ý kiến ngay khi đơn vị lập kế hoạch mua sắm các thuốc như đã bị tạm dừng thanh toán, nếu đã có các thuốc cùng hoạt chất, bảo đảm cạnh tranh trên thị trường. Trong quá trình triển khai thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đối với các loại thuốc như trên, cần tổng hợp, cung cấp cho Bộ Y tế để rà soát, công bố giá kê khai, kê khai lại. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng các loại thuốc trên, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải báo cáo Bộ Y tế bằng văn bản về lý do sử dụng, kèm theo biên bản họp, thống nhất của Hội đồng thuốc và điều trị của các cơ sở KCB có nhu cầu. Sau khi Bộ Y tế đồng ý, đơn vị mới được đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bệnh viện Nhi đồng 1: 10 năm và hành trình cứu sống hơn 3000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Kể từ khi triển khai Chương trình phẫu thuật tim kín vào năm 2004 và phẫu thuật tim hở từ năm 2007, tới nay, các bác sĩ (BS) bệnh viện này đã thực hiện được 3.115 ca phẫu thuật tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam. Trong  đó, có 645 ca tim bẩm sinh nặng, phức tạp và 125 ca bệnh nhi sơ sinh được phẫu thuật thành công. Ca phẫu thuật tim hở có số cân nặng thấp nhất là 2000 gam, và ca phẫu thuật tim kín có cân nặng thấp nhất là 1.200 gam. Trong đó, tỉ lệ tử vong phẫu thuật tim đã giảm từ 7,7% năm 2004 xuống còn 1,1% vào năm 2014. Thế nhưng, dù đã hoạt động hết công suất, thậm chí các BS đã phải làm việc vào ngày thứ 7, chủ nhật, nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phải chờ phẫu thuật và danh sách trẻ cần phải phẫu thuật tim bẩm sinh hiện đã lên tới 1.300 trẻ. Số ca khám ngọai trú thì rất cao: 18.023 trường hợp (năm 2012); 13.867 trường hợp ( năm 2013) và 13.385 trường hợp ( năm 2014) tới khám tại Nhi đồng 1, liên quan tới mắc tim bẩm sinh. Từ những ca đơn giản thực hiện từ 2004 tới những bệnh lý phức tạp nhất về tim mạch mà Thế giới làm được, đều được thực hiện thành công tại đây. Nói về cuộc hành trình “từ trái tim tới trái tim” này, TS – BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay:  10 năm qua, nhờ có  sự hỗ trợ của nguồn Ngân sách TP HCM, còn có sự hỗ trợ của Viện tim TP, tổ chức Children’s HeartLink, đặc biệt là sự hỗ trợ từ nhiều nhà hảo tâm. Hiện, bệnh viện thực hiện được khoảng 7 ca/ngày ( 2-3 ca nặng, còn lại là thực hiện các ca cấp cứu và ca phẫu thuật tim bẩm sinh trong chương trình). Riêng với các trường hợp trẻ cần thông tim can thiệp, hiện không phải chờ đợi, mỗi ngày bệnh viện thực hiện được từ 5-7 ca. Ngoài ra, bệnh viện đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập mạng lưới quản lý điều trị bệnh tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam. Theo đó, bệnh viện đã tăng cường đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho các tỉnh, thành. Bệnh Nhi sau khi được chẩn đoán và quản lý tại địa phương, được đưa lên phẫu thuật tại Nhi đồng 1, xuất viện sẽ được tái khám, tiếp tục điều trị tại địa phương theo phác đồ của bệnh viện Nhi Đồng 1. Và nếu mạng lưới này hoạt động tốt, thời gian chờ đợi và điều trị tại Nhi Đồng 1 sẽ giảm, mở ra nhiều  cơ hội cho trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh sớm được phẫu thuật.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Bổ sung nhiều thanh toán BHYT có lợi cho người bệnh

Chiều 8-7, tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT), đại diện Bộ Y tế đã đề nghị BHXH Việt Nam bổ sung thanh toán chi phí BHYT nhiều trường hợp có lợi cho người bệnh. Theo đó, đề nghị nhập chi phí khám ngoại trú vào chi phí nội trú để thanh toán cho người bệnh là dân tộc thiểu số, người nghèo vùng khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo trong trường hợp khám, chữa bệnh không đúng tuyến, có điều trị nội trú tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, tuyến huyện. Thanh toán chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… đối với người bệnh đến BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương khám ngoại trú không đúng tuyến, sau đó có chỉ định vào BV điều trị nội trú. Bổ sung thanh toán chi phí trong trường hợp bệnh nhân được cơ sở khám, chữa bệnh BHYT gửi cơ sở khác để xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh do cơ sở chuyển đi không có trang thiết bị thực hiện kỹ thuật đó. Bổ sung thanh toán trường hợp phối hợp chuyên khoa của BV khác thực hiện các dịch vụ tại BV khi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Thanh toán số tiền cùng chi trả BHYT vượt sáu tháng lương cơ sở đối với người tham gia BHYT liên tục từ năm năm trở lên. Thanh toán chi phí BHYT đối với trường hợp người già, yếu, lão suy… không đến cơ sở khám, chữa bệnh để khám, chữa bệnh định kỳ được. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị bổ sung thanh toán chi phí do bác sĩ gia đình thực hiện.

Bệnh viện 115 triển khai khám bệnh ban đêm

Chiều ngày 9-7, TS. BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV 115, cho biết BV vừa triển khai khám bệnh ngoài giờ hành chính tại khoa Khám và điều trị theo yêu cầu. Theo BS Phú, từ thứ hai đến thứ sáu, ngoài giờ hành chính, BV sẽ khám từ 16 giờ 30 đến 20 giờ. Thứ bảy, sáng khám từ 7 giờ đến 12 giờ, chiều từ 13 giờ đến 16 giờ. Chủ nhật khám buổi sáng. Bệnh viện triển khai khám các chuyên khoa Tổng quát, Tim mạch, Thần kinh, Nội tiết, Cơ xương khớp, ung bướu… Thực hiện các xét nghiệm sinh hóa, vi sinh, chụp MRI, CT, siêu âm, X – quang… Để đăng ký khám bệnh hẹn giờ, bệnh nhân liên hệ số (08) 1080 để khỏi chờ đợi. BV sẽ trả kết quả qua email hoặc đường bưu điện nếu bệnh nhân có yêu cầu. Giá khám bệnh là 150.000 đồng/chuyên khoa; khám hẹn giờ là 170.000 đồng/chuyên khoa. "Nhiều người không có thời gian đi khám vào ban ngày, ban đêm thì không biết đi đâu. Do vậy, BV cố gắng triển khai để phục vụ bệnh nhân, hơn nữa ở BV có đầy đủ trang thiết bị, ê kíp BS để kịp thời xử lý những ca bệnh khẩn", TS Phú nói. Được biết mỗi ngày BV 115 khám cho trên 4.000 lượt bệnh nhân.

Mức sinh ở TP.HCM giảm 14%

“TP.HCM cần tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con nhằm đáp ứng đủ nhân lực, tránh suy giảm dân số trong tương lai”. TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), phát biểu như trên tại lễ mít-tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới (11-7) do Sở Y tế TP.HCM tổ chức sáng 8-7. Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2015, tổng số trẻ sinh ở TP.HCM là 21.660, giảm 3.610 (hơn 14%) so với cùng kỳ năm 2014. Mức sinh ở TP.HCM có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới và tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số của TP.

Phẫu thuật miễn phí cho người dị tật khe hở môi, hàm ếch

Từ ngày 11 đến 17- 7- 2015, Đơn vị Khe hở môi vòm miệng - khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Răng Hàm Mặt ,Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Tổ chức từ thiện Operation Smile, sẽ tổ chức chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho 70 - 80 trường hợp bị dị tật khe hở môi, hàm ếch. Đối tượng được phẫu thuật miễn phí lần này những người có độ tuổi từ 2 tháng tuổi đến 20 tuổi. Các ca phẫu thuật sẽ thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (số 215 Hồng Bàng, Quận 5, TP.HCM). Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình, bạn đọc vui lòng liên hệ Đơn vị Khe hở môi vòm miệng, điện thoại: (08) 3952 5601 – (08) 3952 5602.

Sức khỏe & đời sống

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, làm việc tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 8-7, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chuyến công tác thăm, làm việc tại tỉnh Hậu Giang. Chiều 8-7, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Tiếp và làm việc với Bộ trưởng có đồng chí Huỳnh Văn Chắc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành và các đơn vị trong ngành Y tế tham dự. Theo báo cáo của Sở Y tế cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động ngành Y tế tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành có 3.023 cán bộ y tế, trong đó sau đại học chiếm 7,74%; đại học 19,28%; cao đẳng, trung học 67,03%, số trình độ khác chiếm 5,95%. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 6,2; tỷ lệ dược sỹ/vạn dân đạt 1,7%. Giường bệnh trên/vạn dân đạt 26,27. Số người tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt còn thấp 56,86%, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị được đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, đã làm thay đổi bộ mặt y tế từ tỉnh đến xã. Kinh phí giành cho ngành Y tế năm sau cao hơn năm trước đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của các cơ sở y tế. Hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch chặt chẽ, khống chế và ứng phó kịp thời với các dịch bệnh mới nổi. Các bệnh truyền nhiễm đều giảm so với năm 2014. Các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và các chương trình y tế dự phòng được triển khai tích cực, góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm của cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số, bảo vệ môi trường...

Lao động

18 y - bác sĩ bị phơi nhiễm HIV: Ai cũng lo cho bản thân, bệnh nhân sao có cơ hội sống!

Bác sĩ (BS) Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội - chia sẻ như vậy với PV Báo Lao Động vào chiều 9.7 - 4 ngày sau ca phẫu thuật cấp cứu đặc biệt mà sau đó ông cùng 17 đồng nghiệp bị phơi nhiễm HIV. Đáp lại lo lắng của cộng đồng, ông chỉ cười: “May mắn nhất là bệnh nhân được cứu sống”.

Một giây sững sờ

Buổi làm việc hôm ấy của BS Lưu Quốc Khải vẫn diễn ra bình thường. “Tôi là phẫu thuật viên chính còn trang bị bảo hộ đầy đủ hơn các nhân viên khác. Nhiều nhân viên lúc đó còn không kịp đi cả găng tay bảo vệ. Có người còn đang mang thai. Khi ca phẫu thuật gần kết thúc, nhận được thông tin bệnh nhân dương tính với HIV, cả kíp sững sờ trong giây lát. Thế nhưng, trực tiếp cấp cứu nhiều ca nặng nên tôi chủ động động viên mọi người. Sở dĩ lúc đó chúng tôi sững sờ bởi cấp cứu là bản năng nghề nghiệp, còn khi nghe tin bệnh nhân nhiễm HIV là bản năng của con người. Ca cấp cứu đặc biệt nên người nhà chưa kịp thông báo tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Nhưng nếu biết bệnh nhân nhiễm HIV chúng tôi vẫn cấp cứu như bình thường. Ai cũng lo cho bản thân thì bệnh nhân không còn cơ hội sống như hôm nay” - ông chia sẻ.Y tá Bùi Thị Thanh - đang mang thai tham gia ca mổ - tâm sự: “Thời điểm đó mọi công đoạn đều phải diễn ra khẩn trương bởi tình hình sức khỏe bệnh nhân không cho phép chậm một giây. Bệnh nhân không thể chuyển lên phòng mổ mà phải cấp cứu ngay tại phòng cấp cứu. Bản thân tôi không kịp đi găng tay vì mọi việc diễn ra quá gấp. Ca phẫu thuật diễn ra khoảng 1 giờ, lúc hay tin bệnh nhân nhiễm HIV, tôi thấy tay mình có dính máu nhưng công tác trong ngành y tôi hiểu cơ chế lây nhiễm của HIV. Sau ca mổ biết thông tin nhiều người gọi điện hỏi thăm nhưng tôi cùng các đồng nghiệp vẫn an tâm vì biết khả năng lây nhiễm rất thấp”.

Có quy trình, nhưng…

TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội - thừa nhận, BV cũng tiếp nhận người bệnh có HIV và đều nắm được quy trình cần phải làm gì khi khám, điều trị. Tuy nhiên, trong giây phút bệnh nhân rơi vào thập tử nhất sinh, các cán bộ đều nỗ lực hết mình để cứu bệnh nhân. Đáng tiếc là tất cả đều không có sự phòng hộ để phòng lây nhiễm. Rất may là bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV tại địa phương vì thế khả năng lây nhiễm sẽ thấp hơn. “Trong hoàn cảnh đó nếu ai cũng nghĩ đến việc trang bị đầy đủ đồ phòng hộ cho mình có lẽ không cứu kịp người bệnh” - TS Ánh nói.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - chia sẻ: “Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đây là những trường hợp phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp. Cấp cứu bệnh nhân là công việc thường xuyên của các BV. Tuy nhiên, việc một lúc nhiều cán bộ y tế cùng bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trong trường hợp này là ít gặp”. Cũng theo ông Long, trong số 18 cán bộ y tế trực tiếp tham gia cứu chữa cho bệnh nhân, cần đặc biệt quan tâm đến những cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh. Khi xảy ra sự việc, BV Phụ sản Hà Nội đã xử trí theo đúng quy trình và hướng dẫn của Bộ Y tế từ việc đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm HIV, tư vấn cho các cán bộ y tế, đồng thời BV cũng liên hệ ngay với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội để cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm cho tất cả 18 y, bác sĩ này, bất kể đó là ngày nghỉ cuối tuần. “Được điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong 48 giờ sau phơi nhiễm có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV” - TS Long cho hay. Cũng theo vị này: “Với nguy cơ lây nhiễm không cao, người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, nhân viên y tế được xử trí nhanh nên chúng tôi có niềm tin là các cán bộ y tế trên sẽ không bị lây nhiễm HIV” - TS Long nói.

Huế: Cứu sống thành công một phụ nữ bị máy nổ cuốn rách bụng

Ngày 9.7, GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV T.Ư Huế cho biết, BV phải huy động 7 khoa tại BV cứu sống bệnh nhân Lê Thị H. (hành nghề khai thác cát sạn trên sông Hương) bị máy nổ cuốn, đa chấn thương nguy kịch. Trước đó, 11h 30 ngày 26.6, bệnh nhân H. được chuyển trực tiếp từ thuyền khai thác cát sạn đến Khoa Cấp cứu BV T.Ư Huế trong tình trạng nguy kịch. Chị H. lơ mơ, sốc do đa chấn thương nặng ngực phải (vết thương hở toác rộng lộ tim,phổi; gãy dập xương sườn…), vỡ đứt thành bụng gây tràn máu ổ bụng (vỡ gan, đứt các mạch máu thành bụng…), lộ toàn bộ các cơ quan trong ổ bụng, chân phải biến dạng do dập cơ đùi phải và gãy hở độ IIIB hai xương cẳng chân phải… TS Phan Hải Thanh, phẫu thuật viên-điều phối kíp mổ cho biết, tại phòng cấp cứu bệnh nhân vừa được hồi sức tích cực (truyền 8 đơn vị máu), chuyển thẳng phòng mổ ngay và phương án phẫu thuật song song đã được tiến hành một cách khẩn trương. Trong khi đó, các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch-lồng ngực, gây mê hồi sức A xử lý các vết thương ngực (khâu nhu mô phổi rách, cắt lọc, cầm máu, cố định các xương sườn, tái tạo lại thành ngực…), đặt dẫn lưu màng phổi. Còn các bác sĩ khoa ngoại Cấp cứu bụng đã tiến hành khâu gan cầm máu, cắt lọc cầm máu thành bụng, tái tạo lại thành bụng, các bác sĩ khoa siêu âm loại trừ khả năng tổn thương mạch máu ở chân để các bác sĩ ngoại chấn thương tiến hành phẫu thuật cố định ngoài hai xương cẳng chân gãy… Kết quả, các kíp mổ đã thành công, cứu sống bệnh nhân H. Đến nay, chức năng sống của bệnh nhân H. đã ổn định, tự ăn uống được. BSCKII Trần Quốc Thắng, Trưởng khoa cấp cứu, BV T.Ư Huế nhận định, thành công của ca mổ không chỉ thể hiện trình độ cao về công tác tổ chức và kĩ thuật chuyên sâu mà còn là tinh thần trách nhiệm cao đối với sự sống của người bệnh.

Quan tâm nhiều hơn tới trẻ em,phụ nữ vùng gặp thiên tai

Ngày 10.7, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức lễ mit tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới – 11.7. Chủ đề năm nay được lựa chọn là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”…

An ninh thủ đô

Phát hiện trên 7.100 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra 57.666 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua kiểm tra, đã phát hiện 7.113 cơ sở vi phạm ATTP, ra quyết định xử phạt 1.771 cơ sở với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng, thu giữ và tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP. Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục ATTP - Bộ Y tế vừa quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, tập trung kiểm tra tại 9 tỉnh, thành phố trọng điểm từ nay đến cuối năm 2015.

Nguy cơ phơi nhiễm không chỉ HIV mà còn nhiều bệnh khác

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 10-7, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, y bác sĩ là những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm HIV trong quá trình tiếp xúc, điều trị bệnh nhân, song từ phơi nhiễm đến lây nhiễm lại là chuyện khác.

-Là một người có thâm niên trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, xin ông cho biết thời gian qua tại Hà Nội có nhiều trường hợp y bác sĩ bị phơi nhiễm HIV giống như 19 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây không?

- Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy 19 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội âm tính với HIV. Những nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm HIV này đã được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên sau khoảng 20 ngày, sẽ xét nghiệm lại lần 2 để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không. Tại các cơ sở y tế, hàng ngày, hàng giờ, cán bộ y tế tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và đối mặt với nhiều loại bệnh tật nên nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh - không phải chỉ riêng HIV mà rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: SARS, MERS-CoV, viêm gan B... là rất lớn. Những tai nạn nghề nghiệp như bị máu của bệnh nhân nhiễm HIV bắn vào người trong lúc phẫu thuật, thủ thuật, hay thậm chí vừa tiêm cho bệnh nhân HIV xong do sơ suất để bơm kim tiêm đâm vào da thịt mình… đối với các y bác sĩ không phải lúc nào cũng tránh được. Đó được xác định là những trường hợp phơi nhiễm HIV, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng bị lây nhiễm HIV. Thực tế ở Hà Nội hơn 10 năm qua chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế nào bị lây nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.

- Xin ông cho biết quy trình bảo hộ, phòng ngừa phơi nhiễm bệnh đối với các nhân viên y tế được thực hiện như thế nào?

- Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn rất kỹ về dự phòng phổ cập và dự phòng sau phơi nhiễm do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp. Nguyên tắc phổ cập đầu tiên là phải coi mọi nguồn máu và dịch cơ thể đều có khả năng lây nhiễm. Do đó, khi cán bộ nhân viên y tế tiếp xúc với nguồn máu và dịch cơ thể bệnh nhân thì bắt buộc phải sử dụng những dụng cụ bảo vệ như đeo găng tay, mặc áo blouse. Bác sĩ khi thực hiện những thủ thuật, phẫu thuật dự kiến dễ bị bắn máu và dịch cơ thể vào vùng mặt thì phải đeo khẩu trang, kính mắt, kính che vùng mặt, áo choàng, bao chân. Phải có lớp không thấm nước để ngăn dịch thấm vào da hoặc quần áo…

- Với những trường hợp y bác sĩ hàng ngày phải trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân HIV, nếu không may bị phơi nhiễm HIV thì nguy cơ bị lây nhiễm ra sao, thưa ông?

- Nếu một nhân viên, cán bộ y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân không may bị máu bắn vào niêm mạc, hay bị bơm kim tiêm vừa tiêm cho bệnh nhân đâm vào da thịt mình thì theo quy trình phải làm biên bản báo cáo, tường trình ngay để gửi bệnh viện. Bệnh viện sẽ hướng dẫn xử lý vùng vết thương, xác định đối tượng bệnh nhân được điều trị có nhiễm HIV không. Nếu bệnh nhân bị HIV thì cán bộ gặp rủi ro nghề nghiệp đó phải được hướng dẫn điều trị dự phòng càng sớm càng tốt. Về lý thuyết, trong vòng 72 giờ đầu tiên sau khi bị bơm kim tiêm dính máu người nhiễm HIV đâm vào nếu được uống thuốc dự phòng kháng virus thì có thể phòng tránh được lây nhiễm, tuy nhiên tốt nhất là trong 8 giờ đầu tiên. Thông thường ở đầu bơm kim tiêm dính máu bệnh nhân nếu đâm vào da thịt của người bình thường thì lượng virus HIV trong đó rất ít, khi được uống thuốc dự phòng HIV kịp thời, thuốc này có tác dụng ức chế sự hoạt động của virus HIV nên sẽ tránh được việc bị lây nhiễm.

- Xin cảm ơn ông!

Đại biểu nhân dân

Bộ Y tế làm việc tại Hậu Giang về công tác y tế của tỉnh

Ngày 8.7, tại Hậu Giang, Bộ Y tế đã làm việc tại Hậu Giang về công tác y tế của tỉnh trong thời gian qua và triển khai kế hoạch định hướng của ngành trong thời gian tới. Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đánh giá cao công tác y tế của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua. Đặc biệt, Hậu Giang là tỉnh mới chia tách, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng nhiều năm qua ngành y tế tỉnh đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cụ thể, bằng nguồn vốn đầu tư Trung ương, địa phương, vốn vận động, tỉnh đã đầu tư xây dựng, kiện toàn hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, trang thiết bị được trang bị cơ bản đầy đủ, đội ngũ y bác sĩ được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn cao. Nổi bật trong công tác y tế, tỉnh thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác DSKHHGĐ, phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh cúm A (H1N1, H5N1), bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Hậu Giang là một trong 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng thấp nhất. đồng thời yêu cầu ngành thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của bộ về tiếp tục nâng cao công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt quy tắc ứng xử đối với người bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân tích cực tham gia BHYT, đào tạo nguồn lực cán bộ y tế tuyến cơ sở, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, HIV…

Bổ sung kinh phí mua thuốc ARV

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 60 tỷ đồng dự toán năm 2015 cho Bộ Y tế để mua thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cân đối bố trí nguồn bổ sung. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo, quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung đúng mục đích, đúng quy định, hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ quy định chính sách sử dụng thuốc ARV; trong đó, quy định cụ thể đối tượng được cấp miễn phí thuốc ARV theo quy định tại Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS, đối tượng phải chi trả tiền thuốc ARV để người dân biết và tham gia bảo hiểm y tế.

Giải pháp duy trì điều trị ARV bền vững

Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) sẽ góp phần làm giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh. Do đó nguồn hỗ trợ điều trị ARV cho người nhiễm HIV cũng bị cắt giảm theo. Điều này đang gây ra khó khăn cho công tác điều trị và phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta. Từ năm 2004, những người nhiễm HIV/AIDS ở nước ta bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV. Đây là loại thuốc có thể giảm tử vong ở người nhiễm HIV, giảm lây nhiễm qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con… Nhờ được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, số người nhiễm HIV mới và số bệnh nhân AIDS tử vong giảm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, người điều trị phải được điều trị liên tục, suốt đời, bởi việc bỏ thuốc điều trị sẽ gây ra những hậu quả lớn, gây kháng thuốc, tăng lây truyền HIV trong cộng đồng, từ đó làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Tính đến cuối tháng 3.2015, cả nước phát hiện khoảng 227.000 người nhiễm HIV. Nhưng nước ta bắt đầu gặp khó khăn khi các nguồn tài trợ mua thuốc ARV bị cắt giảm dần và đến năm 2017 có thể bị cắt hoàn toàn. Trong khi theo số liệu thống kê vẫn còn khoảng 58% số người nhiễm chưa được điều trị bằng ARV. Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng trong một vài năm tới, việc thiếu hụt nguồn kinh phí điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc, gián đoạn điều trị, làm tăng nguy cơ HIV kháng thuốc dẫn đến thất bại trong điều trị. Nếu không có các thuốc ARV thay thế, sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV và gia tăng số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng… Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam Olivier Cavey cho biết, Quỹ Toàn cầu và PEPFAR hiện đang hỗ trợ cho khoảng 105.000 người điều trị ARV. Do mức thu nhập trung bình của Việt Nam đã đạt mức thoát nghèo nên PEPFAR và Quỹ Toàn cầu sẽ rút dần viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong khi hiện nay, việc mở rộng điều trị ARV ở nước ta vẫn tiếp tục chủ yếu từ nguồn kinh phí tài trợ. Nguồn kinh phí trong nước cho ARV thấp ở mức 1 triệu USD, nếu nguồn kinh phí trong nước cho ARV không được tăng lên, chỉ tiêu quốc gia là 155.000 bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằng ARV sẽ chỉ thực hiện được 1/3 vào năm 2017. Cũng theo Quản lý Olivier Cavey, cùng với việc khó đạt được chỉ tiêu quốc gia, hậu quả dự báo trước là sẽ có khoảng từ 12.000 - 14.000 ca nhiễm mới HIV mỗi năm do không được điều trị ARV. Như vậy, để góp phần phòng, chống HIV/AIDS, cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, việc điều trị bằng ARV là vô cùng quan trọng. Song kinh phí đang là vấn đề đáng lo ngại, khi nguồn tài trợ đang dần cắt giảm và nguồn kinh phí trong nước cho hoạt động này vẫn còn chiếm tỷ lệ ít. Trong khi đó, thuốc ARV được mua bằng nguồn kinh phí trong nước với giá rất đắt, cao gấp 4 - 8 lần so với giá thuốc ARV Quỹ Toàn cầu và PEPFAR đang mua. Trước mắt để bảo đảm nguồn thuốc để duy trì điều trị, Quỹ Toàn cầu và PEPFAR cam kết có thể giúp Việt Nam mua thuốc với giá rẻ. Tuy nhiên, về lâu dài nước ta cần có giải pháp để tăng kinh phí trong nước cho ARV để đáp ứng độ bao phủ cần thiết. Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Bùi Đức Dương cho rằng, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho điều trị ARV, trước mắt bảo hiểm y tế đang là giải pháp tài chính bền vững trong khi nguồn lực cho công tác này bị cắt giảm. Với việc tham gia vào bảo hiểm y tế, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ giảm được tới 80% chi phí khám, chữa bệnh ở các bệnh viện đúng tuyến. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có khoảng 35% người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc kháng ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Những trường hợp này đang được điều trị miễn phí thông qua các chương trình, dự án. Còn trong thực tế, vẫn còn có nhiều người chưa sử dụng bảo hiểm y tế, không được nhà nước hỗ trợ do ngại công khai danh tính, vô gia cư, không có địa chỉ rõ ràng. Mặt khác, phần lớn người nhiễm HIV là người nghiện chích ma túy, người nghèo, có thu nhập thấp. Trong trường hợp người nhiễm HIV đồng chi trả thì rất dễ xảy ra trường hợp dùng thuốc không đều, dễ gián đoạn trong quá trình điều trị do không có đủ kinh phí chi trải. Do vậy, theo Phó cục trưởng Bùi Đức Dương, cùng với việc tham gia bảo hiểm y tế thì giải pháp lâu dài là nên tăng ngân sách nhà nước. Đây là nguồn kinh phí chính có thể đáp ứng điều trị cho mọi công dân, mọi đối tượng tại cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ và phi Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho công tác này. Đồng thời, thực hiện các biện pháp để có thể chi trả cho thuốc ARV qua bảo hiểm y tế bao gồm xây dựng được quỹ cho điều trị HIV bằng thuốc ARV chi trả qua bảo hiểm y tế từ các nguồn tài chính khác nhau; xây dựng được cơ chế mua sắm, phân phối thuốc ARV điều trị HIV qua hệ thống bảo hiểm y tế… Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích, tạo việc làm cho các bệnh nhân nhiễm HIV để họ có thể bảo đảm cuộc sống và duy trì điều trị lâu dài, góp phần phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Một thế giới

Có hay không bác sĩ tiêm 2 mũi thuốc khiến bệnh nhân ngưng thở?

Ngày 9.7, Cục quản lý khám chữa bệnh ( Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị  Sở Y tế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xác minh làm rõ có hay không nhưng sai sót về chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ khi tiêm 2 mũi  thuốc cho bệnh nhân khiến bệnh nhân bị tím tái, hôn mê và ngưng thở. Trong công văn, Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, theo phán ánh của các cơ quan truyền thông, ông Huỳnh Ngọc Nhụy (47 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)  bị đau họng kéo dài, đã tìm đến Trung Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ để khám bệnh. Tại đây, thấy bệnh nhân khó thở, bác sĩ đã tiêm 2 mũi thuốc kháng viêm và giãn phế quản. Ngay sau đó, ông Nhụy đột nhiên tím tái, ngưng thở, rơi vào hôn mê phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập hội đồng chuyên môn để xác định cá nhân tập thể liên quan có hoặc không có sai sót chuyên môn. Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan theo đúng quy định hiện hành nếu có sai phạm. Đồng, Cục quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải báo cáo kết quả  trước ngày 20.7

Dân Việt

Sản phụ mất con do bác sĩ nhận định không kịp thời

Ngày 9.7, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân bé sơ sinh, con của sản phụ Trần Thị Tỏ (29 tuổi, ngụ ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai) tử vong là do bác sĩ chưa nhận định kịp thời tình trạng suy tim thai để có hướng xử lý nhanh. Theo bác sĩ Trung, về quy trình chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán đã đảm bảo đúng quy định hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế. Trước đó - sáng 11.6, sản phụ Tỏ nhập viện trong tình trạng ối vỡ hoàn toàn. Qua thăm khám bác sĩ thấy tử cung mở 7cm, tiên lượng có thể sinh thường nên sắp xếp giường, sản phụ nằm chờ sinh. Khoảng gần 8h cùng ngày, ca trực do bác sĩ Lê Nguyễn Linh phụ trách đã đặt máy theo dõi tử cung và tim thai. Tuy nhiên, khi sản phụ vào phòng sinh thì đầu thai nhi thò ra ngoài, tức đã chuyển sang giai đoạn suy thai. Lúc này, bác sĩ đã dùng máy hỗ trợ để hút thai nhi ra ngoài (bé gái nặng hơn 3,6kg) nhưng bị ngạt và đã tử vong sau đó.

Người đưa tin

Bé trai chết sau tiêm vaccine là do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa

Xác định nguyên nhân dẫn tới tử vong của bé L. là do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa và không liên quan đến tiêm chủng. Tin tứcmới nhận, chia sẻ với PVbáoNgười Đưa Tin,gia đìnhbé L.H.L. (xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) kể lại thì vào 9h ngày 7/7, bé L. được mẹ là chị P. đưa đi tiêm ngừa mũi thứ 2 của vaccine 5 trong 1 tại Trạm y tế xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất. Sau khi tiêm vaccine thì đến chiều cùng ngày thì bé sốt cao trên 40 độ, sốt liên tiếp, dù uống thuốc cũng không hạ sốt. Gia đình đã đưa bé vào cấp cứu tại BVĐK Dầu Giây. Tại đây, bé khó thở phải thở oxy, tay chân lạnh nên được chuyển lên BVĐK khu vực Long Khánh để cấp cứu. Tuy nhiên, do tình trạng của bé quá nặng, BVĐK khu vực Long Khánh đã chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng - Đồng Nai để tiếp tục điều trị. Theo người nhà bé L., trước khi tiêm vaccine, bé L. vẫn khỏe mạnh bình thường. Theo thôngtintừ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bé L. đã tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cố gắng hồi sức tích cực cho bé nhưng vô hiệu. Ngay sau khi nhận được thông tin, cán bộ Viện Pasteur TP HCM, Trung tâm y tế dự phòng, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã xuống Trạm y tế xã Bàu Hàm 2 làm việc, ghi nhận thông tin để điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé bốn tháng tuổi. Liên quan đến vụ việc trên, vào ngày 9/7, ông Cao Trọng Ngưỡng – GĐ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết vào tối ngày 8/7, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine tiêm phòng y tế của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có kết luận về nguyên nhân dẫn đến tử vong của bé trai L.H.L. (4 tháng tuổi), con trai của chị P., ngụ tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, hội đồng này xác định nguyên nhân dẫn tới tử vong của bé L. là do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, không liên quan đến tiêm chủng. Đồng thời, hội đồng cũng xác định quy trình tổ chức tiêm chủng và quản lý vaccine là đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Vietnamnet

18 bác sĩ phơi nhiễm HIV: Nguy cơ lây nhiễm thấp

Dù tiếp xúc trực tiếp, khả năng lây nhiễm HIV cũng chỉ vài phần ngàn, hơn nữa bệnh nhân đã được điều trị ARV nên có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Đây là khẳng định của TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ông Long cho rằng, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV là một rủi ro nghề nghiệp. Tuy nhiên, trường hợp cùng lúc có nhiều cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trường hợp này là cực kỳ hiếm gặp. Ông Long cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV. Tuy vậy, dù tiếp xúc trực tiếp thì khả năng bị lây nhiễm HIV cũng rất thấp, chỉ khoảng vài phần nghìn, tùy theo tính chất, mức độ phơi nhiễm, vị trí phơi nhiễm, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV đó có được điều trị hay không… Trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cán bộ y tế đã xử lý đúng quy trình khi đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm, tư vấn và liên hệ ngay với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội để cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm cho tất cả 18 y bác sĩ. Việc điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV (nếu sau 72 giờ, việc điều trị dự phòng không có tác dụng). "Hơn nữa, bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại Quảng Ninh đã 2 năm nay nên tải lượng virus HIV trong máu xuống thấp, có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm cho người khác",ông Long thông tin. Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV tin tưởng, với quy trình đã xử lý, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không bị lây nhiễm HIV. Với trường hợp này, các y bác sĩ sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trong vòng 4 tuần, tư vấn xét nghiệm lại sau 1, 3, 6 tháng. Trước đó như đã đưa tin, vào ngày 4/7, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành cấp cứu cho nữ bệnh nhân N.T.H (Quảng Ninh) đang nguy kịch vì xuất huyết âm đạo, máu chảy không ngừng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập và rất nguy kịch. Nếu chỉ chậm 1-2 phút bệnh nhân sẽ không qua khỏi. Trước tình hình nguy cấp, 18 y bác sĩ tại bệnh viện đã được huy động để thực hiện ca phẫu thuật ngay tại chỗ. Tất cả đều không có thời gian để mặc áo và đeo kính phòng vệ hay đưa bệnh nhân lên phòng mổ. Khi ca mổ được tiến hành được chừng 10 phút, cả kíp mới nhận được kết quả xét nghiệm cho biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, trước tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của bệnh nhân, cả êkíp vẫn tiếp tục ca mổ cắt bỏ tử cung hoại tử. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền 4 lít máu. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe chị H. đã hồi phục nhanh chóng và được xuất viện vào chiều 8/7.

Afamily

“Chúng tôi hành động theo bản năng của người thầy thuốc"

Đó là lời tâm sự đầy cảm động của bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh. Anh cho biết, trường hợp chị H. (Quảng Ninh) rất khổ cực, không chỉ anh mà toàn bộ y bác sĩ trong viện rất thương cảm. Ngày 4.7, chị H. cùng con trai 10 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối (Hưng Yên), chị thấy xuất huyết âm đạo nặng nề, quần áo đẫm máu. Con trai chị vội gọi điện cho người thân và chị được đưa ngay vào Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, tất cả bác sĩ đang trực tại viện được huy động để cứu chị. Sau khi kết thúc cuộc phẫu thuật, kết quả máu của chị thông báo chị dương tính với HIV. Điều này đồng nghĩa với việc 18 bác sĩ cùng 1 học viên tổng cộng 19 người tham gia cuộc phẫu thuật có khả năngphơi nhiễm HIV. Có mặt tại phòng cấp cứu, bà B – mẹ chồng chị H. cho biết: “Từ ngày con dâu tôi vào viện vàphơi nhiễm HIV cho 18 bác sĩ, không lúc nào tôi thấy nhẹ lòng. Tôi thấy mình có tội với họ, ngoài từ đội ơn cứu mạng con mình tôi không biết nói gì hơn”. Sau khi tỉnh dậy qua cuộc phẫu thuật, chị H. đã có thể ăn nhẹ, uống sữa, sức khỏe chị đã dần trở lại. Chị ngại ngùng tâm sự: “Tôi không biết người khác thế nào, còn riêng tôi, tôi sợ hãi cảm giác nếu một ngày nào đó tất cả mọi người xung quanh mình biết mình đang mang trong mình virus thế kỷ. Tôi không sợ tôi bị dè bỉu, tôi sợ con tôi sẽ bị kỳ thị, mà bản thân con đã quá thiệt thòi rồi”. Vừa nói vừa khóc, chị H. nhớ về gia đình của mình, chồng mất từ lâu vì chính virus quái ác này. Điều chị mong lớn nhất lúc này là con chị sẽ được sống đúng tuổi, được đến trường và có bạn bè. Hiện tại, chuyện chị mangvirus HIVtrong người chỉ có chị và mẹ chồng biết, những người khác không ai biết. Trao đổi với chúng tôi về điều này, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh chia sẻ, “hôm đó, trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống tính bằng giây nằm trong tay chúng tôi, một giây e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Chúng tôi chỉ biết hành động theo bản năng người thầy thuốc mà thôi”. Chị H. phải tiến hành ép tim, hồi sức, mổ cấp cứu cắt tử cung hoàn toàn, chị được truyền 4000ml hồng cầu khối, 2000ml chế phẩm từ máu. Được biết, chị có điều trị ARV tại địa phương. 18 y bác sĩ và 1 bạn đang học việc có khả năng bị phơi nhiễm HIV, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ, trong ngành y tế, các cán bộ y tế thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ nhiễm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Không chỉ riêng HIV/AIDS mà có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm từ cúm H5N1, SARS, Mers CoV… mà cán bộ y tế thường xuyên phải đối mặt. Trong tình huống này, trước một bệnh nhân cấp cứu mất máu ồ ạt, tim ngừng đập, thời gian sống của bệnh nhân tính bằng giây, cứu người như cứu hỏa nên các bác sĩ, với sự hết lòng cứu chữa người bệnh đã cùng lao vào cấp cứu cho bệnh nhân và họ đã không kịp dùng các phương tiện bảo hộ an toàn. Đây là trường hợp phơi nhiễm HIV nhiều người nhất từ trước tới nay, với 19 nhân viên y tế trong cùng một kíp trực cấp cứu người bệnh bị phơi nhiễm HIV. Ngay sau sự việc xảy ra, những nhân viên y tế đã được tiến hành kiểm tra sức khỏe cẩn thận. Tuy họ tham gia cấp cứu người bệnh HIV không kịp dùng các phương tiện bảo hộ chuyên biệt nhưng ai cũng đều có đeo găng tay nên nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp. Chỉ sau 4 tiếng đồng hồ các nhân viên y tế đã được uống thuốc dự phòng. Điều này rất kịp thời bởi thế giới khuyến cáo khi bị phơi nhiễm HIV/AIDS nên uống thuốc dự phòng trong 72 giờ kể từ thời điểm bị phơi nhiễm, và tốt nhất là uống trong thời điểm 2 - 6 tiếng sau khi bị phơi nhiễm. Hàng năm ở nước ta có hàng nghìn cán bộ y tế, công an bị phơi nhiễm HIV/AIDS. Thực tế trong các năm, tỉ lệ lây nhiễm trong các đối tượng phơi nhiễm rất thấp. Những y bác sĩ này sẽ đều được điều trị phơi nhiễm, xét nghiệm miễn phí, được nghỉ 20 ngày làm việc giữ nguyên lương...  Qua sự việc này Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát, tăng cường công tác quản lý, cung cấp các trang thiết bị bảo hộ dành cho dự phòng lây truyền tại các khoa cấp cứu, để các cán bộ y tế có thể kịp thời sử dụng nhanh trong tình huống cấp cứu người bệnh, giảm nguy cơ phơi nhiễm HIV cho nhân viên y tế. Bs Khải cũng khẳng định rằng những y bác sĩ có khả năng bị phơi nhiễm này không có khả năng làm lây truyền HIV cho bệnh nhân khác bởi họ thăm khám bệnh nhân đều có dụng cụ y tế. Bác sĩ Nguyễn Biên Thùy trực tham gia kíp mổ cho biết, "khi bước chân vào công việc này, không chỉ mình tôi đâu, mà bất cứ một vị thầy thuốc này cũng đều có một tâm niệm, làm gì thì làm, bệnh nhân phải sống, còn nếu bệnh nhân không qua khỏi thì chúng tôi chẳng còn việc gì để làm, chẳng còn điều gì để nói". Anh cũng chia sẻ thêm, đây là lần thứ 2 anh bị phơi nhiễm và cả hai lần anh đều uống thuốc."Sau  ngày 4/7 đó, có một chị y tá đang mang bầu đã rất hoang mang lo lắng, tôi cùng những đồng nghiệp khác cũng chỉ biết động viên chị. Đây là công việc mình đã chọn và dù thế nào đi nữa, chúng tôi ai cũng mừng vì giờ chị H. đã hồi phục, trở về cuộc sống như trước đây", anh mỉm cười nói.

Dân trí

Lần đầu tiên xảy ra tình trạng phơi nhiễm HIV tập thể cho 19 cán bộ y tế

Sự việc kíp trực của BV Phụ sản Hà Nội gồm 19 cán bộ y tế cấp cứu cho một bệnh nhân bị băng huyết, có nguy cơ phơi nhiễm HIV là vụ phơi nhiễm HIV tập thể đầu tiên. Vậy nguy cơ nhiễm HIV của các cán bộ y tế này là như thế nào? Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Đình Cảnh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự việc 19 cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho một bệnh nhân tại BV Phụ sản Hà Nội?

Trong ngành y tế, các cán bộ y tế thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ nhiễm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Không chỉ riêng HIV/AIDS mà có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm từ cúm H5N1, SARS… mà cán bộ y tế thường xuyên phải đối mặt. Trong tình huống này, trước một bệnh nhân cấp cứu mất máu ồ ạt, thời gian sống của bệnh nhân tính bằng giây, bằng phút, cứu người như cứu hỏa nên các bác sĩ, với sự hết lòng cứu chữa người bệnh đã cùng lao vào cấp cứu cho bệnh nhân và họ đã không kịp dùng các phương tiện bảo hộ an toàn. Đến khi cấp cứu xong, cứu sống người bệnh họ mới biết bệnh nhân này có HIV/AIDS. Đây là trường hợp phơi nhiễm HIV đông nhất từ trước tới nay, với 19 nhân viên y tế trong cùng một kíp trực cấp cứu người bệnh bị phơi nhiễm HIV.

Vậy ông đánh giá như thế nào về nguy cơ nhiễm HIV/AIDS của các nhân viên y tế này?

Ngay sau sự việc xảy ra, chúng tôi đã kiểm tra người bệnh có HIV. Bệnh nhân này vẫn đang được điều trị HIV/AIDS bằng thuốc. Do được điều trị nên nồng độ vi rút HIV trong máu của bệnh nhân thấp, vì thế nguy cơ lây nhiễm cũng thấp hơn. 19 cán bộ y tế tham gia cấp cứu người bệnh trong quá trình cấp cứu tuy không kịp dùng các phương tiện bảo hộ chuyên biệt nhưng cũng đều có đeo găng tay nên nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp. Tôi có thể lấy dẫn chứng về nghiên cứu nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với máu cũng như với các vật nhọn qua một nghiên cứu của Mỹ cho thấy khi bị kim đâm vào tay (kim tiên cho người nhiễm HIV) thì xác xuất lây nhiễm là 0,3%. Hoặc trong tình huống máu hoặc dịch của người nhiễm bắn vào mắt hoặc niêm mạc miệng của người khác thì khả năng lây nhiễm là 0,1%. Như vậy có thể nói, trong tình huống có bị tiếp cận với máu khả năng lây nhiễm rất thấp. Hơn nữa các cán bộ y tế được uống thuốc dự phòng rất kịp thời, có mang găng tay khi phẫu thuật nên nguy cơ cũng thấp hơn.

Vậy 19 cán bộ y tế này đã được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV như thế nào, thưa ông?

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban giám đốc BV Phụ sản Hà Nội đã làm việc với Trung tâm phòng chống HIV Hà Nội và chỉ sau 4 tiếng đồng hồ các nhân viên y tế đã được uống thuốc dự phòng. Điều này là rất kịp thời bởi thế giới khuyến cáo khi bị phơi nhiễm HIV/AIDS nên uống thuốc dự phòng trong 72 giờ kể từ thời điểm bị phơi nhiễm, và tốt nhất là uống trong thời điểm 2 - 6 tiếng sau khi bị phơi nhiễm. Các cán bộ y tế đã được uống thuốc kịp thời, xét nghiệm HIV đều âm tính. Họ cũng đã nhớ lại, đánh giá lại toàn bộ quá trình cấp cứu cho người bệnh nên giờ tâm lý đã ổn định và họ cũng yên tâm công tác. Trong 19 cán bộ y tế này, có một bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật, nhưng đánh giá lại nguy cơ vị bác sĩ này thấy không có yếu tốt lây truyền vì trong phẫu thuật có đeo khẩu trang nên không dùng thuốc dự phòng. 18 cán bộ y tế còn lại không nhớ chắc chắn trong thời gian cấp cứu có thời điểm nào tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nào không nên đã được uống thuốc dự phòng.

Trong tình huống một trong số cán bộ y tế này được xác định nhiễm HIV sau thời gian điều trị phơi nhiễm, ngành y tế sẽ có chế độ như thế nào với họ, thưa ông?

Hàng năm ở nước ta có hàng nghìn cán bộ y tế, công an bị phơi nhiễm HIV/AIDS và đây là lần đầu tiên có số người phơi nhiễm đông nhất. Thực tế trong các năm, tỉ lệ lây nhiễm trong các đối tượng phơi nhiễm rất thấp. Trong trường hợp này tôi cũng đánh giá nguy cơ nhiễm HIV/AIDS của 19 cán bộ y tế rất thấp, như đã phân tích ở trên. Nhà nước cũng đã có quy định cụ thể cho các trường hợp bị phơi nhiễm HIV. Theo đó, trong giai đoạn điều trị phơi nhiễm họ được điều trị, xét nghiệm miễn phí, được nghỉ 20 ngày làm việc giữ nguyên lương... Còn nếu không may bị nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp cũng sẽ được hưởng trợ cấp tối thiểu 30 tháng lương, được dùng thuốc điều trị miễn phí, được BHYT thanh toán 100%...

Thưa ông, vậy trong quá trình điều trị phơi nhiễm các cán bộ y tế có được tham gia chữa trị cho bệnh nhân hay không? Bộ Y tế có những quy định gì trong việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân có HIV/AIDS để giảm nguy cơ lây nhiễm thấp nhất cho cán bộ y tế?

Cán bộ y tế trong quá trình điều trị phơi nhiễm được nghỉ việc 20 ngày. Trong trường hợp không nghỉ việc họ vẫn được thăm khám cho người bệnh bởi nguy cơ lây truyền cho người khác hầu như không có. Hơn nữa HIV/AIDS không lây qua tiếp xúc nên việc thăm khám cho người bệnh là an toàn. Nếu phải tham gia phẫu thuật cán bộ y tế đều có găng tay, phương tiện bảo hộ nên chắc chắn không có nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh. Với việc dự phòng HIV cũng như các bệnh truyền nhiễm nói chung Bộ Y tế đã có quy định về dự phòng phổ cập. Bởi với một người nhiễm HIV nhìn  bề ngoài họ hoàn toàn khỏe mạnh không thể biết được khi không xét nghiệm. Vì thế Bộ Y tế đã có quy định cán bộ y tế phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết khi thăm khám cho người bệnh. Trong trường hợp này do tình huống cấp cứu, cứu người như cứu hỏa nên các bác sĩ mới không kịp thực hiện các biện pháp bảo hộ an toàn. Qua sự việc này Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát, tăng cường công tác quản lý, cung cấp các trang thiết bị bảo hộ dành cho dự phòng lây truyền tại các khoa cấp cứu, để các cán bộ y tế có thể kịp thời sử dụng nhanh trong tình huống cấp cứu người bệnh, giảm nguy cơ phơi nhiễm HIV cho nhân viên y tế.

Xin cảm ơn ông!

Tin tức

18 y bác sỹ phơi nhiễm HIV được điều trị kịp thời

Trước sự việc 18 y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm với HIV trong khi cấp cứu bệnh nhân đang được cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm, Ts. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có cuộc trao đổi với phóng viên về nguy cơ lây nhiễm HIV đối với những cán bộ y tế này và các biện pháp xử trí.

Mấy ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về 18 y bác sĩ cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội phơi nhiễm với HIV? Xin Cục trưởng cho biết rõ hơn về sự việc này?

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã xác minh sự việc trên. Theo đó, ngày 4/7 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cấp cứu cho một nữ bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc, thở ngáp cá và có thể nói là rất nguy kịch. Bệnh viện phải huy động hàng chục y bác sĩ từ các khoa phòng để giành giật sự sống cho người bệnh. Người bệnh đã được mổ cấp cứu cắt tử cung, truyền máu, hồi sức tích cực và đến nay đã dần bình phục. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã nhiễm HIV và trong lúc cấp cứu giành sự sống cho bệnh nhân, 18 cán bộ y tế trong đó có các cán bộ y tế cấp cứu, tham gia phiên mổ và chăm sóc sau mổ ít nhiều đã tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân. Trong chuyên môn, đây được gọi là những trường hợp phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp.Cấp cứu bệnh nhân là công việc thường xuyên của các bệnh viện. Tuy nhiên, việc một lúc nhiều cán bộ y tế cùng bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trong trường hợp này là ít gặp. Đây cũng thể hiện sự cống hiến, hy sinh thầm lặng và thường xuyên của đội ngũ cán bộ y tế mà không phải ai cũng biết.

Xin Cục trưởng cho biết về nguy cơ lây truyền HIV trong những trường hợp này và hiệu quả của điều trị dự phòng mà các cán bộ y tế đang được điều trị; việc xử lý của Bệnh viện Phụ sản đối với các cán bộ y tế có đúng quy trình không?

Những tiếp xúc thông thường trong cuộc sống hàng ngày (như ăn uống, sinh hoạt chung, bắt tay, ôm...) thì không thể lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV. Tuy vậy, dù tiếp xúc trực tiếp thì khả năng bị lây nhiễm HIV cũng rất thấp (chỉ khoảng vài phần ngàn) tùy theo tính chất, mức độ phơi nhiễm, vị trí phơi nhiễm, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV...Trong số 18 cán bộ y tế trực tiếp tham gia cứu chữa cho bệnh nhân, cần đặc biệt quan tâm đến những cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh. Khi xảy ra sự việc, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã xử trí theo đúng quy trình và hướng dẫn của Bộ Y tế từ việc đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm HIV, tư vấn cho các cán bộ y tế. Đồng thời, bệnh viện cũng đã liên hệ ngay với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội để cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm cho tất cả 18 y bác sĩ này, bất kể đó là ngày nghỉ cuối tuần. Được điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm thì có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV.Hơn nữa, bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại Quảng Ninh đã 2 năm nay. Những bệnh nhân nhiễm HIV khi được điều trị ARV thường xuyên thì tải lượng virus HIV trong máu xuống thấp, có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Sự việc xảy ra là một trong những rủi ro nghề nghiệp đối với các cán bộ y tế. Tuy nhiên, với nguy cơ lây nhiễm không cao, người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc ARV, đồng thời BV Phụ sản Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội đã xử trí rất đúng quy trình nên các cán bộ y tế có thể sẽ không bị lây nhiễm HIV trong trường hợp này.

Cục trưởng có thể cho biết về các xử trí khi cán bộ y tế bị phơi nhiễm với HIV và họ sẽ được những quyền lợi như thế nào?

Việc xử trí các trường hợp phơi nhiễm HIV, trong đó có phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp đã được hướng dẫn rõ ràng trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn kèm theo như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, người bị phơi nhiễm HIV phải xối ngay vết thương hay rửa ngay bộ phận bị phơi nhiễm dưới vòi nước. Nếu là vết thương chảy máu thì để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Với các phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, mũi miệng thì rửa bằng nước muối 9%o nhiều lần và xúc miệng bằng nước muối 9%o nhiều lần. Ngay sau đó, báo cáo người phụ trách và làm biên bản nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm. Đồng thời, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, xác định tình trạng nhiễm HIV của nguồn phơi nhiễm (trong trường hợp này là người bệnh) và tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm, tư vấn cho người bị phơi nhiễm. Nếu xác định có nguy cơ, người bị phơi nhiễm sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV trong vòng 4 tuần. Việc điều trị dự phòng cần tiến hành sớm ngay sau khi bị phơi nhiễm từ 2-6 giờ hoặc thời gian tối đa là trước 72 giờ. Sau 72 giờ việc điều trị là không có tác dụng dự phòng.Cán bộ bị phơi nhiễm sẽ được tư vấn về điều trị, tư vấn xét nghiệm lại sau 1, 3, 6 tháng. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn, điều trị và xét nghiệm đều được miễn phí. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, cán bộ bị phơi nhiễm được nghỉ việc để điều trị dự phòng trong 20 ngày làm việc, được hưởng nguyên lương và phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Giao thông

18 y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội âm tính HIV

Chiều 9/7, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã trao quyết định khen thưởng, biểu dương kíp cấp cứu bệnh nhân HIV. Bác sỹ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật đang hỏi thăm bệnh nhân H. Chiều 9/7, ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, hiện đã có kết quả xét nghiệm ban đầu với 18 bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ bị phơi nhiểm HIV, sau khi cấp cứu một ca bệnh nhân có HIV. Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, sau khoảng 20 ngày nữa, Bệnh viện và Trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không. Nhưng về nhận định của cá nhân mình, ông Tuấn cho hay, nguy cơ nhiễm là rất thấp, bởi bệnh nhân đang uống thuốc điều trị HIV. TS Hoàng Đình Cảnh, Cục phó Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV đối với các y, bác sĩ trong ca cấp cứu đặc biệt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là rất thấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ bác sỹ, nhân viên y tế, Trung tâm Phòng chống HIV Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã làm thủ tục cho các bác sĩ, nhân viên y tế có nguy cơ uống thuốc kháng virus HIV. “Hiện tại, tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu là âm tính với HIV, nhưng các y, bác sĩ vẫn tiếp tục được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV", ông Tuấn nói. Chiều 9/7, Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã trao quyết định khen thưởng, biểu dương toàn bộ kíp cấp cứu cho bệnh nhân H. ngày 4/7. Trước đó, ngày 4/7, bệnh nhân N.T.H. trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội đã có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng nguy kịch, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Ngay lập tức, các y, bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu, phẫu thuật, cắt toàn bộ tử cung để cầm máu cho bệnh nhân. Do ca cấp cứu đặc biệt, các y, bác sỹ không còn thời gian mặc bộ áo và đeo kính phòng vệ. Sau phẫu thuật, mới có kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân dương tính với virus HIV. Bệnh nhân H. sức khỏe đã ổn định và ra viện ngày 8/7.

Kiến thức

Vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV: Câu chuyện y đức

Sau vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV có thể thấy đa số các cán bộ y tế vẫn hi sinh thầm lặng, tận tụy với nghề... Thời gian vừa qua, vẫn còn nhiều lời phàn nàn về y đức của người thầy thuốc, nhưng sự thiếu trách nhiệm trong công tác và sự xuống cấp về đạo đức của người thầy thuốc chỉ là một bộ phận nhỏ “con sâu làm sầu cả ngành”. Thực tế, đa số các cán bộ y tế vẫn tâm huyết, tận tụy với nghề, với sự nghiệp hi sinh thầm lặng vẻ vang của mình. Những người thầy thuốc đã trở thành những người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận đấu tranh giành lại niềm tin, sức khỏe và tính mạng cho người bệnh. Điều này, chúng ta cảm nhận rõ nhất từ sau vụ18 y bác sĩ phơi nhiễm HIVlúc mổ cấp cứu giành giật sự sống cho một nữ bệnh nhân đang nguy kịch vì chảy máu âm đạo khi không biết bệnh nhân bị HIV. Ca cấp cứu đặc biệt này diễn ra vào ngày 4/7 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh nhân đang trên đường cùng con trai 11 tuổi từ Quảng Ninh về thăm quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vừa đến bến xe thì chị có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu. Theo bác sĩ Lưu Quốc Khải (Trưởng khoa Đẻ A2, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật), bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Bệnh viện phải huy động 18 y bác sĩ từ các khoa phòng xuống phòng cấp cứu để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Sau khi được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu; bệnh nhân có dấu hiệu sống, tim đập trở lại nhưng máu từ âm đạo vẫn chảy. Vì vậy, các bác sĩ quyết định mổ cắt toàn bộ tử cung bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu, không kịp chuyển đến phòng phẫu thuật. Tử cung của bệnh nhân đã bị hoại tử nên chỉ có cách này mới bảo toàn được tính mạng người bệnh. Khi cả ê kíp đang tiến hành phẫu thuật thì bộ phận xét nghiệm cho biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, cấp cứu chậm 1-2 phút có thể không cứu được nên cả ê kíp vẫn tiếp tục hoàn thành nốt ca mổ để cứu bệnh nhân. Do không trang bị phòng hộ nên đã cả 18 y bác sĩ bị phơi nhiễm virus căn bệnh thế kỷ. Việc làm của các 18 y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thật đáng khâm phục. Họ đã không ngần ngại vì lo cho bản thân mà đánh mất cơ hội cứu sống một con người. Đó không chỉ là bản năng mà còn là lương tâm đạo đức, trách nhiệm ngành nghề của người thầy thuốc. Có thể nói, nghề y là một nghề vất vả với những nguy cơ tiềm ẩn về bệnh nghề nghiệp cao. Hàng ngày, hàng giờ, các y bác sỹ phải đối mặt với các loại bệnh tật, với ranh giới giữa sự sống và cái chết, với những người bệnh đau đớn và mệt mỏi. Sự hi sinh trong ngành y là sự hi sinh thầm lặng, những người thầy thuốc âm thầm với những ca trực, căng thẳng trong các phòng mổ nhưng đôi khi bất khả kháng khỏi tử thần. Chỉ những ai đã từng đi khám bệnh hoặc đi chữa bệnh ở các cơ sở y tế mới thấy được câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu” quan trọng đến nhường nào. Những sự cố của ngành Y trong thời gian gần đây chỉ là phần rất nhỏ bên cạnh sự hy sinh, cống hiến của đông đảo những người thầy thuốc để giành giật sự sống, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Do vậy, chúng ta cần có sự khách quan, công bằng và thiện cảm hơn với ngành Y tế.

Vnexpress

Hiểm họa HIV rình rập nhân viên y tế

Một nữ y tá 62 tuổi ở Mỹ, sau khi nghỉ hưu vào đầu năm nay đã phát hiện mình dương tính với viêm gan siêu vi C, một căn bệnh có liên quan đến HIV/AIDS. Bà không có bất cứ triệu chứng nào và chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể bị lây. Bà không biết mình mắc bệnh lúc nào, nhưng đồng ý với kết luận rằng đã nhiễm bệnh trong khi làm việc tại bệnh viện. “Phải đến năm 1992 chúng tôi mới có hiểu biết đầy đủ về viêm gan siêu vi C và HIV. Vậy nên trước đó, trong suốt một thời gian dài, các y bác sĩ không hề lo nghĩ gì đến những nguy cơ lây bệnh”, người phụ nữ bày tỏ. Từ trường hợp của mình, cựu nữ y tá khuyên: “Nhiều bác sĩ nghĩ rằng thử máu là việc không cần thiết, nhưng họ thực sự nên làm điều này”. Các y bác sĩ hàng ngày phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ mắc bệnh, trong đó có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Trên thế giới, châu Phi là nơi có nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe mắc HIV nhất, trong khi ở các nước phát triển, số nhân viên y tế nhiễm HIV là rất ít. Tại Mỹ, gần 1% nhân viên y tế nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp. Từ năm 1985 đến 2003, có 58 ca được xác định và 150 ca chưa xác định. Từ năm đến 1999 đến năm 2008, chỉ một trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm HIV do chạm phải kim tiêm khi đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ở Anh, 80% số người nhiễm bệnh qua đường máu vì bị thương do vật nhọn là các y bác sĩ. Trong đó, khoảng một phần ba phơi nhiễm HIV. Họ đều được điều trị trong vòng 72 giờ và không tiến triển thành bệnh. Ở các nước đang phát triển, do chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức cũng như phương tiện phòng chống phơi nhiễm, các y bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh rất cao. Theo một nghiên cứu ở Ethiopia, gần 45% người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở châu Phi không hài lòng với các thiết bị bảo hộ mà họ có. 71% tin rằng công việc đẩy họ vào nguy cơ nhiễm HIV. Tại Châu Phi, bác sĩ và y tá được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm nhất. Tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của bệnh nhân khiến họ có thể lây nhiễm HIV và virus gây viêm gan rất nhanh, đặc biệt là đối với những người làm việc tại tiểu vùng Sahara, khu vực có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao nhất thế giới. Thêm vào đó, các y bác sĩ thường không biết người bệnh có nhiễm HIV hay không bởi hầu hết bệnh nhân đều cố gắng che giấu việc họ dương tính với virus HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV ở các y bác sĩ là ngang với người dân và họ không được hưởng bất cứ ưu đãi nào nếu mắc bệnh. Các y tá nữ còn dễ trở thành nạn nhân của bạo lực. Nhiều người trong số họ thậm chí đã phải bỏ ra nước ngoài vì nguy cơ bệnh tật khủng khiếp, bị stress nặng và không được đối xử tốt. Năm 2005, ở một bệnh viện tại Nam Phi, 11 y tá trong đó 5 thực tập sinh đã chết vì AIDS. Một báo cáo y tế năm 2006 nhận định rằng tỷ lệ chết do HIV/AIDS ở các y bác sĩ tại châu Phi có thể lên tới 1 trên 20. Tại Việt Nam, các y bác sĩ cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ lây nhiễm. Gần đây nhất, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu cho một phụ nữ mắc bệnh mà không thông báo cho nhân viên y tế.

Vnmedia 

Bộ Y tế vào cuộc vụ bệnh nhân mổ cấp cứu tử vong

Ngày 6/7, báo chí có bài “Quảng Bình: Thắc mắc của người nhà bệnh nhân bị tử vong” phản ánh về thắc mắc của gia đình đối với việc tử vong của người bệnh Nguyễn Thị Như Mai vào BV Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới ngày 8/5/2014.Bà Mai được mổ cấp cứu ngày 12/5/2014 và tử vong ngày 15/5/2014. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), về việc này, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn xem xét kết luận vụ việc; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thông báo kết luận và ý kiến chỉ đạo của Hội đồng chuyên môn đối với bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.  Vì vậy, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới báo cáo về quá trình kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý vụ việc nêu trên theo ý kiến kết luận của Hội đồng chuyên môn về Cục QLKCB trước ngày 15/7/2015. 

Quý I, hơn 1.500 người ở Việt Nam nhiễm HIV mới

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS), trong quý 1 năm 2015, số người nhiễm HIV mới ở Việt Nam là 1504 người, tương đương với con số 20 người nhiễm HIV mới một ngày. Trong số đó, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 836 người, số người tử vong là 228 người. Điều đáng lo ngại là nhóm đối tượng lây nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa dần, hiện nay đang tập trung ở nhóm tuổi từ 16 - 39. Nhóm độ tuổi này chiếm tới 79% trong số người nhiễm. Thêm nữa, con đường lây nhiễm HIV cũng có sự thay đổi, tỷ lệ người lây nhiễm qua đường tình dục cao hơn lây qua đường máu. Đặc biệt, do nguồn lây là đường tình dục nên tỉ lệ nữ giới bị lây nhiễm bệnh có xu hướng tăng lên. Con số nữ giới bị lây nhiễm HIV tăng lên đồng nghõa với việc nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng tăng lên.

VTV

"Đảm bảo sức khỏe cho các y, bác sĩ phơi nhiễm HIV yên tâm công tác"

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về trường hợp các cán bộ, nhân viên y tế phơi nhiễm HIV. Các y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV do quá trình cấp cứu và phẫu thuật cho một bệnh nhân nặng được đưa vào bệnh viện. Hiện các nhân viên y tế này đã được lập hồ sơ theo dõi, tiến hành các xét nghiệm và uống thuốc ARV kháng virus. Trong số này có 3 nhân viên đang mang thai. Các nhân viên y tế cho biết, họ rất lo lắng và tinh thần bất ổn, vì chưa biết kết quả xét nghiệm như thế nào. Theo kết quả xét nghiệm máu mới nhất, các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội này đều âm tính với HIV. Tuy nhiên, đây mới là xét nghiệm bước đầu, sau 20 ngày nữa các nhân viên này sẽ được tiến hành xét nghiệm lần 2 để khẳng định chính xác xem có nhiễm HIV hay không? Trao đổi với phóng viên VTV về trường hợp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tất cả mọi người đều hy vọng những cán bộ, nhân viên y tế này đều không nhiễm HIV. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu bị nhiễm HIV sẽ cố gắng bảo vệ sức khỏe của các cán bộ; giải quyết các chế độ chính sách tối đa nhất cho các cán bộ y tế đảm bảo sức khỏe và yên tâm công tác. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: "Đây là trường hợp hết sức hy hữu mà cán bộ y tế không có cách nào khác trong tình huống đặt tính mạng của bệnh nhân lên trên hết".

Từ vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV: Phải làm gì sau phơi nhiễm HIV?

BS Mai Xuân Phương, Bộ Y tế tư vấn: Điều trị ARV phải được tiến hành sớm từ 2 - 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm, không nên điều trị muộn sau 72 giờ. Liên quan đến sự việc 18 nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ bị phơi nhiểm HIV, sau khi cấp cứu một ca bệnh đặc biệt, chiều nay (9/7), ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV.

18 nhân viên y tế tại BV Phụ sản Hà Nội âm tính với HIV

Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV. Tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu, nhưng theo ông Tuấn, sau khoảng 20 ngày nữa, Bệnh viện và Trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không. Về cá nhân, ông Tuấn cho biết, nguy cơ nhiễm là rất thấp. Bản thân bác sĩ phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân đều thực hiện đúng các quy định về khi tiếp xúc và phẫu thuật cho bệnh nhân. “Hiện tại, tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu là âm tính với HIV, nhưng các y bác sĩ vẫn tiếp tục được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV”, ông Tuấn nói. Cùng ngày, TS Hoàng Đình Cảnh, Cục Phó Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV đối với các y, bác sĩ trong ca cấp cứu đặc biệt tại BV Phụ sản Hà Nội là rất thấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân viên y tế, Trung tâm phòng chống HIV Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã làm thủ tục cho các y bác sĩ uống thuốc kháng virus HIV. Chiều 9/7 Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành biểu dương toàn bộ kíp cấp cứu cho bệnh nhân H. ngày 4/7. Trước đó, ngày 4/7, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh năm 1979, ở Quảng Yên, Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị băng huyết, mất nhiều máu. Lập tức bệnh nhân được ép tim, hồi sức, xét nghiệm và tiến hành mổ cấp cứu để cắt hoàn toàn tử cung ngay tại khoa cấp cứu. Cách xử trí sau phơi nhiễm HIV Bước 1: Xử lý vết thương tại chỗ -Xối ngay vết thương dưới vòi nước.-Để vết thương chảy máu trong một thời gian ngắn. -Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javel 1/10, hoặc cồn 700) trong thời gian ít nhất 5 phút.-Phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối  NaCl  0,9% liên tục trong 5 phút.-Phơi nhiễm qua miệng, mũi:-Rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl  0,9%.-Súc miệng bằng dung dịch NaCl  0,9% nhiều lần. Bước 2: -Báo cáo người phụ trách và làm biên bản -Nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm. Bước 3: Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm. Bước 4 : Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm -Thông báo cho bệnh nhân về sự việc, tư vấn và xét nghiệm HIV, VGB, VGC (có sự chấp thuận của bệnh nhân) -Thu thập thông tin về nguy cơ nhễm bệnh gần đây (giai đoạn cửa sổ) -Cân nhắc sử dụng test nhanh HIV – giảm sử dụng dự phòng nếu bệnh nhân nguồn có HIV (-) -Nếu bệnh nhân nguồn nhiễm HIV, xác định giai đoạn nhiễm HIV, liệu pháp ARV đã và đang được dùng (khả năng kháng thuốc) Bước 5: Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm *Nguy cơ cao: -Tổn thương qua da sâu, chảy nhiều máu do kim nòng rỗng cỡ to. -Tổn thương qua da sâu, rộng chảy máu nhiều do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị vỡ đâm phải. -Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng từ trước. *Nguy cơ thấp: -Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít. -Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào niêm mạc không bị tổn thương viêm loét.-  Không có nguy cơ: Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành. Tư vấn cho người bị -Nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan B, C -Các triệu chứng gợi ý bị tác dụng phụ của thuốc và nhiễm trùng tiên phát: sốt, phát ban, buồn nôn hoặc nôn, thiếu máu, nổi hạch...-Phòng lây nhiễm cho người khác: người bị phơi nhiễm có thể làm lây truyền HIV cho người khác dù xét nghiệm HIV âm tính (thời kỳ cửa sổ), vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Điều trị dự phòng bằng ARV cho người bị. *Chỉ định: -Phơi nhiễm không có nguy cơ: Không cần điều trị -Phơi nhiễm nguy cơ thấp: chỉ tiến hành điều trị khi nguồn gây phơi nhiễm có HIV(+) và người bị phơi nhiễm có HIV(-). -Phơi nhiễm có nguy cơ cao: -Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm và xét nghiệm nguồn gây phơi nhiễm.  Ngừng điều trị nếu nguồn gây phơi nhiễm có xét nghiệm HIV âm tính. -Điều trị ARV phải được tiến hành sớm từ 2 -  6 giờ sau khi bị phơi nhiễm, không nên điều trị muộn sau 72 giờ.  

Gia đình Việt Nam

Hưởng ứng ngày dân số thế giới 11/7: Hỗ trợ chăm sóc SKSS và kế hoạch hóa gia đình

Tại TP.HCM, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tổ chức chương trình Mít tinh hưởng ứng ngày dân số thế giới 11/7 do Quỹ dân số Liên hiệp quốc và Bộ Y tế, Tổng cục dân số - KHHGĐ với chủ đề: “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị thiên tai” kết hợp Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015, là vấn đề chung của cả nước đã và đang quan tâm. Thông qua chương trình, thấy được Việt Nam là một trong những nước chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi sự tác động to lớn của biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác, cùng các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trích lời phát biểu của ông Trần Văn Trị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM: “Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, khi có xung đột vũ trang hay thiên tai xảy ra, phụ nữ, trẻ em, thiếu niên thường bị buộc phải di chuyển khỏi nơi mình đang cư trú. Trong khủng hoảng, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người phải gánh chịu rất nhiều những rủi ro như: bị lạm dụng và bóc lột tình dục, gánh chịu bạo lực, bị cưỡng hôn, mắc các bệnh có liên quan tới sức khỏe sinh sản và tử vong do không được bảo vệ hoặc không được viện trợ để có thể đáp ứng, giải quyết các nhu cầu của họ”. Dự báo nếu khí hậu không được giảm thiểu một cách hiệu quả thì đến cuối thế kỷ 21 này, Việt Nam sẽ mất đi ít nhất 12.2% diện tích đất, hiện đang là nơi cư trú của 23% dân số và thậm chí là mất đi một con số lớn hơn diện tích đất màu mỡ cũng chính là một trong những vựa lúa quan trọng nhất của thế giới do lũ lụt và xâm nhập mặn. So với tình hình chung, Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất so với các tác động của biến đổi khí hậu. Do đó buổi lễ diễn ra nhằm đánh giá kết quả, mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đinh giai đoạn 2011- 2015, định hướng phương hướng, nhiệm vụ để thực hiện nâng cao công tác Dân số giai đoạn 2016 – 2020 đề ra: Hưởng ứng chương trình trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành Dân số thành phố tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đạt đã đạt được tổng số trẻ em chiếm 21.660 trẻ, giảm 3.610 trẻ, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên là 1.098 trẻ, ở mức 5,07% so với năm 2014. Bên cạnh đó, thành phố ta triển khai thêm các đề án, mô hình phòng khám miễn phí sức khỏe sinh sản – Tiền hôn nhân, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc sinh sản, kiểm soát Dân số và các vùng biển, đảo… Giảm thiếu tối đa vấn đề mất cần bằng về giới tính khi sinh, tất cả đều triển khai đúng tiến độ và đạt được kết quả khả quan so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2015. Thông điệp của chương trình đưa ra cho Ngày Dân số thế giới 2015 nhằm mục tiêu: Quan tâm đến sự an toàn và sức khỏe sinh sản cho mọi phụ nữ và trẻ em gái. Cuộc sống của một người phụ nữ trong bất kỳ tình huống nào. Vì “phái yếu” là nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Đảm bảo sự an toàn, phẩm giá và sức khỏe cho họ sẽ góp phần đảm bảo hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng. Khi thiên tai xảy ra, chúng ta cần chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì cuộc sống của phụ nữ và các trẻ em gái sẽ trở nên an toàn hơn và họ sẽ mạnh khỏe hơn.

Pháp luật Việt Nam

Khăn giấy ướt nhập nhằng xuất xứ “bẫy” người tiêu dùng

Từ ngày 1/7, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế bắt đầu thực hiện lộ trình hạn chế cho phép lưu hành một số chất bảo quản sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể như dầu gội, sữa rửa mặt, sữa tắm, kem dưỡng da, khăn ướt... Hiện khăn giấy ướt giá rẻ đang được bày bán tràn lan. Đáng chú ý, những gói khăn giấy ướt này đều không có mã vạch, không rõ nhà sản xuất, không có hạn sử dụng, thậm chí còn "bẫy" người tiêu dùng khi tự ý gắn mác "Hội Sản phụ khoa khuyên dùng". Trước đó, Cục Quản lý dược có văn bản khẩn gửi các sở y tế thông báo về việc ngưng sử dụng 5 loại dẫn chất paraben trong hóa mỹ phẩm, đồng thời quy định nồng độ hỗn hợp methylisothiazolinone (MCT+MIT) cho phép theo lộ trình của Cộng đồng châu Âu và ASEAN. Theo đó, 5 loại dẫn chất của paraben (isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben) chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam trước ngày 30-7. Còn chất bảo quản rất phổ biến ở mỹ phẩm là MCT+ MIT ở tỉ lệ 3/1 chỉ được sử dụng trong sản phẩm tẩy rửa với nồng độ rất thấp và không được dùng trong mỹ phẩm. Thời hạn áp dụng quy định này là từ ngày 1/7. PGS-TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học của bộ - cho biết các paraben là một nhóm hợp chất hóa học được sử dụng làm chất bảo quản chống vi khuẩn trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Trên thế giới có 22.000 sản phẩm mỹ phẩm, chất tẩy rửa có sử dụng paraben hoặc hỗn hợp MCT+MIT. Còn tại Việt Nam, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu sản phẩm chứa các chất này. Từ năm 1998, việc nghi ngờ paraben gây ung thư đã xuất hiện. Tại Pháp và nhiều quốc gia khác, người tiêu dùng rất lo lắng vì có những yếu tố liên quan giữa paraben và ung thư ở phụ nữ dùng nhiều sản phẩm ngăn tiết mồ hôi. Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu nghi ngờ chất isoparaben (dẫn chất của paraben) có thể gây ung thư vú. Giới khoa học cũng cảnh báo dùng sản phẩm chứa một số dẫn chất paraben với nồng độ nhất định trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện tại chợ đầu mối, gánh bán dạo trên đường hay các cửa hàng tạp hóa lớn, hàng chục loại khăn giấy ướt giá rẻ đang được bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm khăn giấy ướt giá rẻ hiện nay trên thị trường đều có bao bì nham nhở, bong tróc, mập mờ hạn sử dụng; thành phần sơ sài, chung chung và đều được gắn mác "Hội Sản phụ khoa khuyên dùng". Tuy nhiên, Hội Sản phụ khoa lại khẳng định, chưa từng làm việc với các nhãn hàng giá rẻ này. Từ trước đến nay, Hội chỉ cấp chứng nhận khuyên dùng cho nhãn hàng khăn giấy ướt Mamamy. Theo quan sát của nhóm phóng viên, trên bao bì các gói khăn giấy ướt giá rẻ có thể nhìn thấy những vi phạm về nhãn mác hàng hóa và chất lượng sản phẩm khó được đảm bảo. Mời độc giả theo dõi phóng sự dưới đây sẽ thấy rõ hơn tình trạng này./.

Đại đoàn kết

Hội thảo khoa học chuyên đề: Suy giảm chức năng trí tuệ ở người cao tuổi

Chiều 8/7, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương phối hợp cùng nhãn hàng Hộ Trí Vương tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “ Suy giảm chức năng trí tuệ ở người cao tuổi”. Tham dự hội thảo có các Giáo sư, Bác sĩ, các nhà khoa học hàng đầu về chuyên ngành Tâm thần kinh và lão khoa. Chủ đề được quan tâm và được các chuyên gia chia sẻ nhiều nhất trong hội thảo đó là các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ suy giảm trí nhớ dẫn đến sa sút trí tuệ -Alzheimer. Khoảng 50% số người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành bệnh sa sút trí tuệ 3 năm sau đó. Khi bệnh tiến triển thành sa sút trí tuệ, người bệnh sẽ mất hẳn trí nhớ, mất khả năng sinh hoạt hàng ngày, suy giảm chức năng hô hấp, tuần hoàn và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Tại hội thảo thông tin về hoạt chất Huperzine A chiết xuất từ cây Thạch tùng răng có khả năng xuyên qua hàng rào mạch máu não và tác động trực tiếp đến não bộ được các chuyên gia chia sẻ là giải pháp mới trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh SGTN dẫn đến SSTT – Alzheimer. Hiện hoạt chất này đã được chiết xuất và bào chế dưới dạng sản phẩm TPCN viên nén Hộ Trí Vương và được cấp phép lưu hành tại Việt Nam sử dụng tốt cho người cao tuổi.      

Người lao động

Đối mặt rủi ro nhiễm HIV

Sự việc 19 y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị cho là có nguy cơ phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cấp cứu, phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ nhiễm HIV khiến nhiều người lo lắng. Chiều 9-7, lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế TP Hà Nội đã tổ chức thưởng “nóng” cho kíp y, bác sĩ cứu sống bệnh nhân nhiễm HIV.

Tình huống bất khả kháng!

Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, cho biết ca mổ cho bệnh nhân N.T.H (36 tuổi, ở Quảng Ninh) tại BV được thực hiện ngay trong phòng cấp cứu là trường hợp bất khả kháng. Bà H. nhập viện với tình trạng rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Nếu chỉ chậm 1- 2 phút để đưa vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tử vong. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng, các bác sĩ phải cắt toàn bộ tử cung để cầm máu. Quá trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh, bà H. phải truyền 4 lít máu. Khi ca phẫu thuật thành công mới có kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân là bị nhiễm HIV. “Lúc này, 19 y, bác sĩ mới biết mình có nguy cơ phơi nhiễm HIV, trong đó có 3 phụ nữ đang mang bầu. Ngay sau khi biết sự việc, BV đã động viên các y, bác sĩ tham gia kíp trực. Hiện tại, họ vẫn đi làm bình thường” - bác sĩ Ánh cho biết. Bác sĩ Lưu Quốc Khải - Trưởng Khoa đẻ BV Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh - giải thích: “Đây là ca mổ đặc biệt. Khi đó, chúng tôi không còn đủ thời gian để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân”. Ngay sau ca phẫu thuật, Ban Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội đã làm việc với Trung tâm Phòng chống HIV. Chỉ 4 giờ sau, các y, bác sĩ đã được uống thuốc kháng virus dự phòng. Trong 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tiếp theo, BV sẽ thực hiện các xét nghiệm theo dõi định kỳ thì mới có kết luận chính xác họ có bị nhiễm HIV hay không. Theo kết quả xét nghiệm mới nhất, 19 mẫu máu đều âm tính với virus HIV.

Nguy cơ lây nhiễm thấp

Theo ông Nguyễn Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, ngay sau sự việc xảy ra, Trung tâm Phòng chống HIV Hà Nội đã kiểm tra bệnh nhân nhiễm HIV. Bệnh nhân này vẫn đang được điều trị HIV/AIDS bằng thuốc nên nồng độ virus HIV trong máu thấp, vì thế nguy cơ lây nhiễm cũng thấp hơn. Hơn nữa, 19 cán bộ y tế tham gia cấp cứu người bệnh tuy không kịp dùng các phương tiện bảo hộ chuyên biệt nhưng đều có đeo găng tay nên nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp. Ông Cảnh cho biết trong 2 năm 2013 và 2014, mỗi năm có hơn 950 ca phơi nhiễm HIV trong quá trình điều trị, cấp cứu người bệnh. Nếu bị phơi nhiễm, thuốc dự phòng cần được uống trong vòng 72 giờ đầu sau khi phát hiện. “Cho đến nay, hàng ngàn nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm trong các năm qua nhưng chưa có trường hợp nào nhiễm HIV. Đây là trường hợp phơi nhiễm HIV đông nhất từ trước tới nay, với 19 nhân viên y tế trong cùng một kíp trực cấp cứu người bệnh có HIV” - ông Cảnh nhấn mạnh. Đại diện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết ở Hà Nội, hơn 10 năm qua chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế nào bị nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, sau sự việc trên, ông Nguyễn Duy Ánh cũng đưa ra khuyến cáo cần rút kinh nghiệm đối với BV và với nhiều phòng khám cấp cứu ở các BV phụ sản khác. Đó là cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nhấn mạnh sự việc cũng là một bài học để các cơ sở tế thực hiện đúng các quy trình về bảo hộ đối với nhân viên y tế. Bộ Y tế yêu cầu các BV rà soát, tăng cường công tác quản lý, cung cấp những trang thiết bị bảo hộ dành cho dự phòng lây truyền tại các khoa cấp cứu để các cán bộ y tế kịp thời sử dụng nhanh trong tình huống cấp cứu người bệnh, giảm nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Đề phòng nguy cơ lây nhiễm

Trước băn khoăn của dư luận về việc 19 y, bác sĩ có bị phơi nhiễm HIV hay không, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm - Trưởng Khoa virus, ký sinh trùng BV Bệnh nhiệt đới trung ương - khẳng định không có trường hợp nào có nguy cơ. Bác sĩ Lâm cho biết phơi nhiễm là khi máu bắn qua mắt, niêm mạc; khi mổ, khâu cho bệnh nhân bị dao cứa hoặc bị kim đâm qua găng tay. Theo quy định của Bộ Y tế, trường hợp 19 y, bác sĩ này chưa đủ tiêu chuẩn gọi là phơi nhiễm. Tuy nhiên, bác sĩ Lâm lưu ý phải đề phòng nguy cơ lây nhiễm từ các mẫu máu, dịch, cơ thể của người bệnh trong quá trình cấp cứu, điều trị. Do đó, các cơ sở y tế phải hiểu biết và tuân thủ quy định về bảo hộ y tế.

Ghép tế bào gốc: Kéo dài sự sống

Nếu các phương pháp hóa trị, xạ trị... đẩy lui bệnh đa u xương tủy từ 65%-70% sau 5 năm thì phương pháp ghép tế bào gốc ngoại vi nâng tỉ lệ này lên 80%-90%. Cách đây 3 năm, khi đang khỏe mạnh và là trụ cột gia đình, anh Phan Xuân Hoàng (36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) bất ngờ ngã bệnh. Căn bệnh của anh không có gì nghiêm trọng, chỉ biểu hiện qua tình trạng đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, dù anh đi khám rất nhiều BV nhưng vẫn không tìm ra căn nguyên.

Quá ít bệnh nhân được điều trị

Tình trạng uể oải, đau nhức xương ngày càng nặng khiến anh Hoàng gần như không thể đi lại được; chỉ nằm, ngồi một chỗ. Nhiều người thấy vậy tưởng anh giả bệnh vì họ không tin một người đàn ông trẻ, vóc dáng vạm vỡ như thế mà mắc bệnh, đặc biệt họ đặt nghi vấn vì sao nhiều BV lại không tìm ra nguyên nhân. Quyết không bỏ cuộc, anh gắng gượng đến BV Chợ Rẫy thăm khám. Tại đây, qua một loạt xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện anh bị đa u tủy xương. Tháng 6-2013, anh được BV Chợ Rẫy thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc (TBG) tự thân từ máu được bảo quản đông lạnh để trị đa u tủy xương. Cách ly với thế giới bên ngoài gần một tháng sau ngày ghép, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục, không còn đau nhức như xưa. “Đến nay đã 3 năm, tôi thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh, lao động bình thường, đặc biệt còn có thể chơi bóng đá tùy thích. Xin tri ân những người giúp tôi trở về cuộc sống bình thường sau chuỗi ngày dài mang căn bệnh ác tính tưởng như bế tắc” - anh Hoàng tâm sự. Ông Lê Văn Anh (58 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) là một trường hợp khác. Đang công tác trong ngành truyền hình, ông buộc phải tạm gác công việc do bị đau nhức xương sườn không rõ nguyên nhân, đi nhiều nơi cũng không định bệnh được. Cuối năm 2014, ông đến khám tại BV Chợ Rẫy mới phát hiện trên đầu xương sườn có u nhỏ, các bác sĩ kết luận bị đa u tủy sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu. Sau nhiều lần chiếc tách TBG máu ngoại vi, dự kiến ông sẽ được ghép trong tháng 7 này. PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết trường hợp anh Hoàng là ca ghép TBG từ máu tự thân đầu tiên do BV thực hiện. Đến nay, sau 2 năm triển khai, BV đã thực hiện thành công 16 trường hợp (14 ca đa u tủy, 2 ca Lymphoma). Tại Việt Nam, hiện đã có khoảng 100 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp ghép TBG, được cho là quá ít so với nhu cầu của người bệnh bởi tính riêng BV Chợ Rẫy, mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 ca đa u tủy và 200 ca ung thư hạch.

Tuân thủ nguyên tắc vô trùng

Theo các chuyên gia, ghép TBG đang được áp dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau trên thế giới. Phương pháp này đang mở ra triển vọng mới đẩy lùi các bệnh ác tính. Hầu hết bệnh nhân đa u tủy đã được điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích… nhưng tỉ lệ lui bệnh hoàn toàn chỉ đạt 60% - 70% sau 5 năm. Với phương pháp ghép TBG ngoại vi, tỉ lệ lui bệnh hoàn toàn ở bệnh nhân trong cùng thời gian lên đến 80%-90%. Qua theo dõi, đến nay tất cả 16 trường hợp được ghép TBG tự thân hoàn toàn khỏe mạnh, không có ca nào tái phát. Có thể nói, họ đã thoát khỏi bệnh tật, quay lại cuộc sống thường ngày. Có 2 phương pháp ghép TBG tự thân, đó là dạng tươi hoặc dạng được cấp đông. Trong trường hợp ghép TBG tươi, sau khi được chiết tách sẽ truyền trở lại cho người bệnh trong vài ngày. Còn để ghép TBG cấp đông, tế bào sẽ được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, sau đó bảo quản đông lạnh rồi cũng truyền trở lại cơ thể bệnh nhân theo quy trình điều trị. Phương pháp này không gây đau đớn cho người bệnh. Các chuyên gia cũng cho biết để ghép TBG, ngoài thái độ hợp tác từ phía người bệnh cần sự cẩn trọng tuyệt đối trong y khoa, đặc biệt là vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Nguy hiểm nhất là nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh. Vì vậy, yêu cầu cao nhất là tuân thủ nguyên tắc vô trùng một cách tuyệt đối. Người bệnh được cách ly với thế giới bên ngoài và người điều dưỡng thì gần như “sống chung với người bệnh”. Do không được người thân chăm sóc, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái tâm lý buồn chán tiêu cực, vì vậy người điều dưỡng cần thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, đồng thời biết cách trấn an để giúp họ vượt qua bệnh tật. Trong 6 tháng đầu khi bệnh nhân xuất viện, việc ngăn ngừa nhiễm trùng cũng rất quan trọng, người bệnh phải giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày. Trong năm nay sẽ triển khai thêm 6 phòng ghép TBG để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của người bệnh. “Ngoài việc tiếp tục ghép TBG điều trị cho 2 nhóm bệnh đa u tủy và ung thư hạch, tới đây, BV sẽ triển khai ghép TBG cho những nhóm bệnh lý huyết học ác tính khác, hy vọng cứu thêm nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo”. Biểu hiện ở bệnh nhân u hạch là 60% nổi hạch bên ngoài, 40% nổi hạch trong nội tạng; còn triệu chứng của bệnh đa u tủy là đau xương, thiếu máu.

Cứu sống nạn nhân bị cây tre đâm xuyên cổ họng

Chiều 9-7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một bệnh nhân bị cây tre đâm xuyên thủng từ góc hàm vào ổ miệng. Trước đó, khoảng 23 giờ 50 phút ngày 5-7, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn L. (51 tuổi, ngụ thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức) được Trung Tâm Y tế huyện Hiệp Đức chuyển đến với chẩn đoán vết thương hàm họng do cây đâm. Các bác sĩ tại bệnh viện đã tiến hành các bước phẫu thuật kéo dài trong 2 giờ và cứu sống ông L. Hiện tại, sức khỏe ông L. đã tạm ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Theo người nhà nạn nhân, trong lúc lao động, ông L. rơi xuống hố sâu và bị thân cây tre dài khoảng 80 cm đâm xuyên thủng từ góc hàm trái qua sàn miệng, thủng 1/3 giữa lưỡi lên tận cung răng hàm trên...

Thanh niên

Phù phép thịt bẩn thành đặc sản

Thịt bẩn được phù phép thành đặc sản các loại cung cấp cho quán ăn, nhà hàng, thậm chí lên kệ siêu thị. Ngày 1.7, khi đoàn liên ngành Q.Bình Tân (TP.HCM) kiểm tra cơ sở trên đường số 3 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân), bắt quả tang ông Mai Nhật Trường tổ chức sản xuất “chui” giò, chả. Hiện trường có gần 50 kg thịt heo đã xay (nguyên liệu sản xuất chả, giò) không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, không rõ nguồn gốc. Ông Trường khai nhận đi thuê cơ sở này để ở và sản xuất giò, chả bỏ mối cho các tiệm bán bánh mì, bánh cuốn.

Thịt bẩn + hóa chất = thịt đặc sản

Trước đó 1 ngày, đoàn liên ngành H.Bình Chánh đã phá một lò chuyên phù phép thịt bẩn thành đặc sản giả khi kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến sản phẩm động vật tại địa chỉ ấp 4A (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) do bà Kim Thy (thường trú tại Long An) làm chủ. Trong căn phòng chỉ khoảng 15 m2 ẩm thấp có 5 tủ cấp đông công nghiệp chất đầy thịt heo bán thành phẩm, thịt đóng gói ghi nhãn thịt đà điểu, nai, nhím, ngựa..., máy hút chân không, máy ép bao bì và bao bì, tem nhãn ghi thịt nai, thịt đà điểu, thịt nhím. Đáng lo hơn, đoàn kiểm tra đã phát hiện hai chai nhựa bên trong chứa nước màu đỏ. Làm thử nghiệm nhanh bằng cách tẩm nước màu đỏ trong 2 chai nhựa này vào vỉ thịt heo cắt lát trong tủ đông thì thịt từ từ chuyển sang màu đỏ tươi. Theo Trưởng trạm Thú y Bình Chánh (Chi cục Thú y TP.HCM) Nguyễn Hồng Triệu, chất lỏng màu đỏ trong 2 chai nhựa có tác dụng làm thay đổi tính chất vật lý của thịt. Từ đó, "biến" thịt heo thành các loại thịt giả khác. Bà Thy khai nhận hàng sản xuất ra bỏ cho các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn. Đoàn kiểm tra niêm phong tạm giữ hơn 650kg “đặc sản” thịt nai, đà điểu, nhím... giả. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 3 mẫu sản phẩm thịt đặc sản giả tại lò này bị nhiễm vi sinh.

Hàng chứa chất cấm vào siêu thị

Trước đó, ngày 9.6, đoàn liên ngành Bình Chánh còn phát hiện vụ dùng chất cấm chế biến bò viên khi kiểm tra hộ kinh doanh Pháp Việt (C2/19E2 ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) do ông Nguyễn Văn Bảo làm chủ. Tại hiện trường có hơn 2,1 tấn bò viên thành phẩm, nguyên liệu (thịt xay, thịt tươi), gần 100 kg thịt đông lạnh hết hạn sử dụng, toàn bộ không giấy kiểm dịch và 170 kg bột ngọt Trung Quốc, đường cát Thái Lan không hóa đơn chứng từ. Đáng sợ hơn là phát hiện đến 70 kg chất cấm Benzoate, một loại chất không được phép sử dụng trong sản phẩm chế biến từ thịt. Tình trạng sử dụng chất cấm trong tẩm ướp, bảo quản, gian lận thực phẩm diễn ra ngày càng nhiều. Cách đây chưa lâu, lực lượng cảnh sát kiểm tra Công ty thực phẩm H.B (Q.Tân Phú) cũng đã phát hiện chất cấm. Tại đây, dụng cụ sản xuất, nguyên liệu sản xuất đặt ngay ở nền sàn ẩm ướt, sát miệng cống nước thải và gần nhà vệ sinh. Sản phẩm công ty đưa ra thị trường là bò viên, cá viên, heo viên nhưng trong kho lại chứa rất nhiều thịt trâu. Một cán bộ đoàn kiểm tra nhận định, công ty này dùng thịt trâu để làm bò viên và sử dụng rất nhiều loại phụ gia, hương liệu, trong đó có nhiều loại không nhãn mác, có loại cả bột màu trắng mà kiểm tra nhanh sau đó cho biết đó là hàn the, một chất cấm dùng trong thực phẩm. Đặc biệt, thông tin trên các thùng hàng tại công ty này chuẩn bị giao cho các siêu thị, trong đó có cả các siêu thị lớn. Theo khảo sát của Thanh Niên, sản phẩm công ty này có mặt trên kệ hầu hết siêu thị lớn tại TP.HCM. Ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, các siêu thị âm thầm cho thu hồi thực phẩm “bẩn” của công ty này khỏi kệ. Nói về việc thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan, Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM, cho rằng kiểu quản lý, xử lý hiện nay vừa tốn kém, không hiệu quả, không phù hợp thực tế. Đặc biệt công tác phối hợp các đoàn liên ngành lỏng lẻo, không hiệu quả. Trong đoàn kiểm tra lực lượng chính lại không có quyền lực, công cụ có thể điều tra, truy xét, xử lý vụ vi phạm đến cùng. Lực lượng có quyền thì chỉ tham gia với vai trò lực lượng hỗ trợ, cho có mặt, cho đủ ban ngành theo quy định.

Hà Nội mới

Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bao giờ mới hấp dẫn?

Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt tối thiểu 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, tại hội nghị về thực hiện chính sách BHYT diễn ra mới đây, nhiều ý kiến lo ngại mục tiêu trên khó có thể đạt được. Vẫn gặp phiền hà khi tham gia BHYT là lý do khiến người dân chưa mặn mà với thẻ BHYT...

Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa cao

Theo BHXH Việt Nam, tính đến 31-5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4%, so với cùng kỳ năm 2014), đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh gồm An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ đạt độ bao phủ BHYT trên 55% dân số. Lo ngại trước mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 sẽ gặp khó khăn, ở những nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức thì tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp. Việc tuân thủ pháp luật trong tham gia BHYT của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa cao. Con số thống kê còn cho thấy có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động với tổng số tiền nợ lên tới hơn 3.100 tỷ đồng. Còn người dân thì thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Thêm vào đó, thủ tục, quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà. Thời gian đầu, một số đại lý còn yêu cầu hộ gia đình phải xuất trình bản sao giấy tạm vắng, quyết định ly hôn… khi đăng ký tham gia BHYT. Trong khi đó, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT lại chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là tuyến y tế cơ sở. Người dân vẫn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong KCB, chuyển tuyến KCB, thanh toán BHYT... Do cơ chế tài chính chậm đổi mới, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (mới tính 3/7 yếu tố) làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và người dân phải chi tiền túi trong quá trình KCB còn cao. Mặt khác, thanh toán chi phí KCB BHYT tại các địa phương còn nhiều vướng mắc. Vẫn còn tình trạng chậm thanh quyết toán năm, nợ đọng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở có vượt trần, vượt quỹ... "Tại một số địa phương, người dân, kể cả cán bộ xã, phường chưa nắm rõ quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, như: Thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, mua thẻ BHYT ở đâu, có bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình không, mức đóng BHYT cụ thể của hộ là bao nhiêu, giảm mức đóng thế nào...".

Mở rộng diện bao phủ để bảo đảm an sinh xã hội

Nói về vai trò của BHYT, không có một hệ thống BHYT toàn dân thì khó đảm bảo an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, Phó Thủ tướng lưu ý, không chỉ mở rộng các kênh bán BHYT mà hệ thống KCB cũng phải phát triển tương ứng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân theo hướng các cơ sở y tế (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) nếu đủ điều kiện đều được BHYT thanh toán khi điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Ngành Y tế phải tích cực rà soát, sửa đổi lại các quy định để cửa khám dịch vụ hay khám BHYT phải thuận lợi như nhau, giá dịch vụ xét nghiệm, chiếu, chụp cũng phải xem xét sao cho hiệu quả, thiết thực. Để thu hút người dân tham gia BHYT, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng KCB và chữa bệnh BHYT. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Bộ sẽ triển khai thực hiện các đề án giảm tải, bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình... và chương trình đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại y tế cơ sở.

Thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra thực phẩm chức năng trong quý III

Cục ATTP (Bộ Y tế) đã ban hành kế hoạch thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra thực phẩm chức năng (TPCN) tại các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An… từ tháng 7 đến 9-2015. Theo kế hoạch, các đoàn sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, chú trọng các cơ sở có vi phạm về ATTP đã bị phát hiện trong các đợt thanh, kiểm tra trước đó…

VOV

Nhiều người Việt đang ăn để… chết

Thông thường ăn là để... sống chứ đâu phải ăn để… chết, nhưng trước thời buổi làm ăn chộp giật, “lướt sóng” hiện nay thì nhiều khi ăn lại là để chết. Đầu tiên là “chết” tiền. Những ngày vừa qua, báo chí xôn xao việc thực khách bỏ tiền ra mua một con cua nặng 1,2kg để rồi cuối cùng thực chất chỉ ăn được 420 gram. Số tiền còn lại hao phí cho cho 780 gram sợi dây và hao phí khi luộc! Rồi câu chuyện hai vợ chồng Việt kiều vào một quán phở tại Hà Nội ăn, sau khi ăn xong ra tính tiền chủ quán đòi 800.000 đồng cho hai bát phở. Hai vợ chồng này không hài lòng và thắc mắc thì được người chủ này đáp lại bằng cách chém con dao xuống mặt bàn và quát “không nói nhiều”. Sau đó các vị khách phải trả 800.000 đồng rồi lẳng lặng ra về. Chặt chém, ép giá tại các khu du lịch không còn là “chuyện lạ”. Dư luận đã không thể không bức xúc khi thốt lên rằng: Đó chẳng khác gì ăn cắp và nếu nói đây là “ăn cắp” thì đó là hành động “ăn cắp” trắng trợn. Dù vậy, sự ăn để “chết” tiền vẫn chưa nguy khốn bằng sự ăn để chết người. Bởi đây là chết thực sự, chết vì ốm đau bệnh tật, chết theo đúng nghĩa đen của nó. Mới đây nhất, ngày 6/7, khi kiểm tra tại một lò giết mổ thuộc phường Hiệp Thành, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường và Đội Quản lý thị trường Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện tại cơ sở này có một số lượng lớn vỏ chai thuốc hiệu Combistress. Loại thuốc này được chủ lò mổ thừa nhận dùng để tiêm vào heo trước khi mổ để thịt có màu sắc bắt mắt, tươi hơn bình thường. Song điều đáng nói, theo một cán bộ thú y, lượng thuốc Combistress tồn dư trong thịt (mà chắc chắn là tồn dư vì thuốc được tiêm trước khi heo chết) sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn phải như làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, rối loạn giấc ngủ và nguy cơ ung thu rất cao. Có lẽ chưa bao giờ mà cả xã hội lại lo ngại, thậm chí hoang mang về chất lượng thực phẩm như hiện nay. Ăn gì, uống gì và dùng gì cũng sợ. Gạo nhựa, trứng giả, mực cao su, rau quả ngâm thuốc kích thích, bún, bánh phở có chứa formol… thôi thì đủ cả. Đến giấy lau miệng và chén đũa cũng được các chuyên gia khuyến cáo hóa chất phụ gia tồn dư từ quy trình sản xuất khăn giấy có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe… Trước tình trạng bệnh hiểm nghèo gia tăng và nhu cầu bảo vệ, tăng cường sức khỏe, nhiều người đã tìm đến với các loại thực phẩm chức năng, hiếm, độc như một “cứu cánh” nhưng rồi cũng nhanh chóng thất vọng bởi thực phẩm chức năng cũng bị làm giả từ sữa o­ng chúa, nhau thai cừu, Glucosamin, Collagen… và gần đây nhất là yến huyết. Theo VTV, một tư thương kinh doanh yến tại quận Tân Bình, TP. HCM cho biết, chiêu thức làm yến huyết như sau: đầu tiên, xịt tổ yến cho ẩm rồi bỏ vào thùng xốp. Sau đó sẽ đào một cái hố để cho thùng xốp vào và ủ phân hữu cơ lên. Ủ khoảng hai tháng, tổ yến sẽ chuyển sang màu hồng do trong phân hữu cơ có chứa NH3 phản ứng với Oxy có trong không khí, tạo ra Nitrit. Nếu để thêm một tháng thì toàn tổ yến sẽ chuyển từ màu trắng sang màu đỏ. Còn theo cách thứ 2, nếu không làm vệ sinh ở nơi chế biến, làm tổ thì trên thành tường sẽ có phân chim và NH3. NH3 phản ứng với Oxy sẽ tạo thành màu đỏ dưới chân tổ. Lâu ngày, tổ yến sẽ đỏ từ dưới chân tổ lên trên, dần dần sẽ đỏ toàn tổ". Theo những cách trên, nếu lỡ có bị pháp luật “sờ gáy”, tư thương sẽ lấp liếm rằng, sự hình thành yến huyết tại nhà yến của họ hoàn toàn tự nhiên chứ không nhuộm màu hay tác động gì. Với những chiêu thức “làm giả ăn thật” như vậy, người tiêu dùng nhiều khi “tiền mất tật mang”, bỏ hàng trăm triệu đồng ra mua yến huyết giả, để phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh tật, ung thư. Hàng năm, Việt Nam có từ 100.000 - 150.000 người mắc ung thư và khoảng 70.000 người tử vong do căn bệnh này. Theo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có nhiều lý do khiến số người mắc bệnh ung thư gia tăng trong những năm gần đây như số người hút thuốc, uống rượu bia tại nước ta còn cao, tình trạng ô nhiễm môi trường… Song, còn có một nguyên nhân nữa đến từ việc không kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm, thực phẩm có chứa những hóa chất độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều thế hệ, không chỉ gây bệnh ung thư mà nhiều bệnh lý khác. Trót ăn để rồi “chết tiền” là ác mộng nhưng chỉ là ác mộng đối với những thực khách, du khách khi du lịch ở Việt Nam. Nhưng ăn để rồi chết theo đúng nghĩa đen của nó thì quả là ác mộng đối với cả xã hội bởi nó để lại hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đến chất lượng sống của nhiều thế hệ, làm suy giảm giống nòi. Tuyên truyền, vận động, chế tài, tẩy chay hay hình sự… đều rất cần áp dụng. Song có lẽ, rất cần một “liều thuốc” cực mạnh lúc này từ các cơ quan quản lý Nhà nước để chặn đứng ngay lòng tham, sự gian dối và những hoạt động kinh doanh vô đạo đức đang diễn ra hàng ngày./.

Trẻ sơ sinh tử vong: Sở Y tế Đồng Nai nói bệnh viện làm đúng quy trình

Sở Y tế tình Đồng Nai khẳng định, BVĐKKV Định Quán đã đảm bảo đúng quy định hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế. Nguyên nhân bé sơ sinh, con của sản phụ Trần Thị Tỏ (ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai) tử vong là do bác sĩ chưa nhận định kịp thời tình trạng suy tim thai để có hướng xử lý nhanh. Theo chị Tỏ, khoảng 4h30 phút ngày 11/6, chị thấy đau bụng, chảy nước ối và ra máu. Biết chị sắp sinh con nên gia đình cấp tốc đưa chị đến BVĐKKV Định Quán. Khi sản phụ Tỏ nhập viện, bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, đo tim thai thông báo đều khỏe mạnh... và bác sĩ nói vào phòng chờ sinh thường. Chị Tỏ cho biết, đã phải chờ đợi nhiều giờ đến khi bác sĩ kiểm tra thì đầu bé con đã nhô ra tử cung nhưng chị không còn cảm giác đau đẻ nữa. Đến khi bác sĩ đến hỗ trợ thì không còn kịp, bé đã bị ngạt và tử vong. Về quy trình chuyên môn, BVĐKKV Định Quán đã đảm bảo đúng quy định hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế. Sản phụ Tỏ nhập viện trong tình trạng ối vỡ hoàn toàn. Qua thăm khám bác sĩ thấy tử cung mở 7cm, tiên lượng có thể sinh thường nên sắp xếp giường, sản phụ nằm chờ sinh. Khoảng gần 8 giờ cùng ngày, ca trực do bác sĩ Lê Nguyễn Linh phụ trách đã đặt máy theo dõi tử cung và tim thai. Tuy nhiên, khi sản phụ vào phòng sinh thì đầu thai nhi thò ra ngoài, tức đã chuyển sang giai đoạn suy thai. Lúc này, bác sĩ đã dùng máy hỗ trợ để hút thai nhi ra ngoài nhưng bị ngạt và đã tử vong sau đó./.

 

Ngày 20/07/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích