Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 6 5 6 3
Số người đang truy cập
6 7
 Tin tức - Sự kiện
Chứng sảng rượu với những hệ lụy khá tồi tệ

 

Chứng sảng rượu là một trong những hình thái lâm sàng của loạn thần do rượu, đây là trạng thái loạn thần cấp tính và trầm trọng thường xảy ra ở những người nghiện rượu mạn tính có thời gian uống rượu liên tục ít nhất 5 năm khi cơ thể bị suy yếu do quá mệt nhọc hay do tình trạng bệnh lý nào đó như nhiễm khuẩn, chấn thương...

Đồng thời chứng sảng rượu cũng thường khởi đầu sau khi cai rượu tương đối hoặc tuyệt đối và một số trường hợp có thể xảy ra trong khi uống nhiều rượu. Cần biết những hệ lụy tồi tệ để hạn chế việc uống rượu vì chứng sảng rượu thường gặp ở người từ 31 đến 40 tuổi, nam nhiều hơn nữ.

 
Ngày nào cũng “một hai ba dzô” dẫn đến nghiện với nguy cơ bị sảng rượu tồi tệ (ảnh minh họa)

Theo các nhà khoa học, chứng sảng rượu gồm có nhiều loại, nhiều thể khác nhau từ thể nhẹ, thể trung bình đến thể nặng, thể cấp tính, thể bán cấp tính và thể mãn tính.

Đặc điểm lâm sàng của chứng sảng rượu

Chứng sảng rượu được biểu hiện trên lâm sàng với các giai đoạn khỏi phát và giai đoạn toàn phát.

Trong giai đoạn khởi phát

Có biểu hiện diễn biến cấp tính hoặc từ từ. Giai đoạn này có thể kéo dài khoảng vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Người bị sảng rượu chủ yếu thấy mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, bị ác mộng, cơn hoảng sợ, kích động, rối loạn thần kinh thực vật, run rẩy, chếnh choáng, thay đổi cảm xúc biểu biện bằng sự lo lắng hay trầm cảm. Sau đó, triệu chứng bệnh lý tiến triển nặng dần và thường xảy ra trầm trọng về ban đêm với những ảo tưởng thị giác gọi là ảo thị, hay có hồi ức, ảo thanh, ảo thính, ảo giác xúc giác, ảo thị sinh động. Trạng thái ảo giác chiếm vai trò chủ yếu và thường xuất hiện vào buổi chiều tối với nội dung làm cho người sảng rượu ghê sợ, hốt hoảng. Các ảo giác thị trường ở mắt có kích thước bị thu nhỏ với hiện tượng nhìn thấy những hình người và sinh vật nhỏ bé lại; thấy lung tung các hình ảnh chuột nhắc, rắn, rết, nhện, gián... Người sảng rượu vẫn còn khả năng phê phán, có rối loạn định hướng thoáng qua hoặc định hướng không rõ ràng, đầy đủ về không gian và thời gian. Đồng thời nét mặt và các hoạt động mất linh hoạt, không chú ý tập trung, có thể có cơn co giật. Nói tóm lại, những triệu chứng bệnh lý thường hay gặp thực tế trong giai đoạn khởi phát là mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, chán ăn, khó tập trung chú ý, run rẩy, chếnh choáng, sợ hãi...

Trong giai đoạn toàn phát

Có biểu hiện ba triệu chứng cổ điển gồm: ý thức mù mờ, lú lẫn; các ảo tưởng, ảo giác sinh động xảy ra ở bất kỳ giác quan nào và run rẩy nặng. Đồng thời có thể có hiện tượng hoang tưởng, kích động, mất ngủ hoặc đảo lộn nhịp thức ngủ, hoạt động của thần kinh thực vật tăng mạnh. Có hiện tượng mê sảng nặng, bị rối loạn năng lực định hướng về thời gian và không gian, định hướng chung quanh đôi khi bị lệch lạc nhưng định hướng về bản thân còn giữ lại được. Người sảng rượu có nhận thức về chung quanh như là ảo giác và hoàn toàn mất khả năng phê phán. Mức độ ý thức mù mờ dao động và thường gia tăng vào buổi chiều tối. Khi có sự lôi cuốn chú ý lâu hơn, đôi lúc ý thức tỉnh ra và bắt đầu trả lời đúng các câu hỏi nhưng trạng thái này có thể đột nhiên bị hàng loạt những ảo giác ngắt đoạn. Đôi khi người sảng rượu cảm thấy như có côn trùng bò trên cơ thể, có cảm giác đau do vết cắn của động vật. Các ảo giác có tính chất toàn vẹn dưới hình thức những khung cảnh, những sự kiện thay đổi một cách hợp lý như mình bị tấn công, chuẩn bị đưa tới nơi hành hình. Cũng có thể có những hình ảnh trông rất sinh động, chứng sảng nghề nghiệp như cảm thấy đang ở trong môi trường hoàn cảnh làm việc bình thường, đang tiến hành các hoạt động trong thao tác công việc của mình. Do rối loạn ý thức nặng nề nên người bị sảng rượu tiếp thu những điều do ảo giác tạo nên giống như những điều xảy ra trong thực tế.

Hành vi và tính cách của người sảng rượu khá phù hợp với nội dung của hiện tượng ảo giác như: khi thì chăm chú nhìn vào một chỗ nào đó, khi thì có một tư thế bảo vệ, khi thì lẫn trốn, khi thì đi tìm; nét mặt có khi sợ hãi hoặc ngạc nhiên, đăm chiêu. Người sảng rượu trở nên nói nhiều, sôi nổi, bận rộn, không ngủ được. Các rối loạn tâm thần nặng lên về ban đêm và có thể có trạng thái bị kích động dữ dội. Một trong những nét đặc trưng được ghi nhận là sự kết hợp cảm xúc căng thẳng, lo âu, sợ hãi với sự hài hước, cố đùa cợt với những tình huống nguy hiểm gây chết người đang đe dọa bản thân. Đồng thời trạng thái hoang tưởng của người sảng rượu bao giờ cũng xảy ra, chúng mang tính chất cảm thụ, nội dung có liên quan đến tính chất và sự biến đổi của ảo giác. Rất ít thấy các trường hợp hoang tưởng cấp tính rõ khi các ảo thị và ảo thính ít được biểu hiện. Đồng hành với các rối loạn tâm thần trong chứng sảng rượu cấp tính còn có các rối loạn toàn thân khá rõ ràng. Triệu chứng run chân tay, run lưỡi và toàn thân thường gặp nên thường được gọi là sảng run; đây là sự run rẩy ở phần cuối các chi nhỏ, xảy ra nhanh và lan truyền mà thực tế hay cảm thấy nhiều hơn là trông thấy. Sự run rẩy cũng xảy ra trên khuôn mặt và tăng lên khi hoạt động, tình trạng run lưỡi có thể làm cho người sảng rượu khó nói được bình thường. Các động tác đi đứng và dáng đi kém sự phối hợp nhuần nhuyễn. Ngoài ra người sảng rượu thường bị đổ mồ hôi đầm đìa, sốt nhẹ, trường hợp nặng hơn nhiệt độ có thể cao, mạch nhanh, huyết áp tăng, tim hơi giãn. Xét nghiệm thấy có urobilin và albumin trong nước tiểu, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ lắng máu tăng.

Trong những trường hợp nặng, tâm trạng người sảng rượu tiến triển xấu dần, có thể bị tử vong do thiểu năng tim mạch hoặc mắc thêm bệnh viêm phổi. Trường hợp có tiên lượng khả quan thì dấu hiệu bệnh lý thường kéo dài từ 3 đến 8 ngày. Cơn sảng rượu có thể chấm dứt đột ngột sau một giấc ngủ sâu hoặc trong vài ngày, các biểu hiện bệnh lý nhẹ dần, trước tiên là vào buổi sáng và ban ngày. Khả năng nhận xét, phê phán đôi khi không khôi phục được ngay. Trong một số trường hợp, sảng rượu cấp tính có khả năng chuyển thành loạn thần hoặc trạng thái ảo giác do rượu.

Chẩn đoán xác định bệnh lý sảng rượu

Việc chẩn đoán xác định chứng sảng rượu được căn cứ vào tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn nhận thức và có bằng chứng của trạng thái nhiễm độc rượu hoặc có tiền sử cai rượu. Rối loạn ý thức được ghi nhận bằng dấu hiệu giảm thiểu tính sáng suốt trong nhận biết về môi trường ở chung quanh, giảm khả năng tập trung, không chú ý được vào công việc. Rối loạn nhận thức được ghi nhận bằng dấu hiệu giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ hoặc rối loạn khả năng quan sát nhưng không phải là tình trạng sa sút trí tuệ xảy ra trước đó. Hai rối hoạn ý thức và rối loạn nhận thức thường xuất hiện cấp diễn trong khoảng thời gian từ vài giờ đến vài ngày, chúng tiến triển có khuynh hướng dao động vào các thời điểm trong ngày. Thực tế ba triệu chứng kinh điển để chẩn đoán xác định chứng sảng rượu là: ý thức mê sảng hoặc lú lẫn, có các ảo tưởng và ảo giác sinh động, run rẩy. Đồng thời cũng thường có thêm trạng thái hoang tưởng, kích động, rối loạn giấc ngủ, rối loạn thần kinh thực vật. Còn trạng thái nhiễm độc rượu hoặc tiền sử có cai rượu phải được xác minh bằng chứng cụ thể được cung cấp từ người sảng rượu hay người thân.

Tuy vậy, trên thực tế phải cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý lâm sàng khác để loại trừ, tránh nhầm lẫn như chứng mất trí và bệnh tâm thần phân liệt. Chứng mất trí khởi phát từ từ, trái lại chứng sảng rượu khởi phát cấp diễn và đột ngột; các thay đổi nhận thức trong chứng mất trí ổn định, không dao động theo thời gian trong ngày, người bệnh vẫn tỉnh táo; khác với chứng sảng rượu thường có những giai đoạn ý thức bị rối loạn. Bệnh tâm thần phân liệt thường có các ảo giác, hoang tưởng bền vững hơn và có tính chất hệ thống; không có rối loạn ý thức, rối loạn định hướng, có các cơn mê sảng không do rượu; cần hỏi kỹ tiền sử, khám lâm sàng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân của những bệnh về não, gan, chấn thương sọ não, viêm não do vi-rút.

 
Sảng rượu là trạng thái loạn thần cần được điều trị, chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện (ảnh minh họa)

Xử trí điều trị chứng sảng rượu

Việc điều trị chứng sảng rượu được xử trí theo giai đoạn loạn thần và giai đoạn sau loạn thần. Trong giai đoạn loạn thần, mục đích của việc điều trị là làm mất trạng thái này và phòng ngừa các biến chứng xảy ra. Người bệnh cần được điều trị, theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện; bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định dùng các loại thuốc an thần kinh haloperidol, thuốc giải lo âu benzodiazepin; liều lượng sử dụng thuốc tùy thuộc tình trạng bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, sự dung nạp thuốc... Đồng thời dùng thêm vitamin B1 liều cao, phục hồi nước điện giải. Trong giai đoạn sau loạn thần, sử sụng liệu pháp tâm lý tiếp xúc, thiết lập mối quan hệ tin cậy, thông cảm với người bệnh để làm cơ sở cho việc phòng ngừa sự tái nghiện rượu. Thầy thuốc cần phải phối hợp với gia đình, người nhà của bệnh nhân trong việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Như trên đã nêu, chứng sảng rượu thường gặp ở nam giới ở độ tuổi từ 31 đến 40 khi còn khá trẻ do quá trình uống rượu và nghiện rượu sớm trong những năm trước đó. Hiện nay việc uống bia rượu rất phổ biến trong cộng đồng và nước ta theo thống kê xác định là một quốc gia có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao so với các nước trên thế giới nên tình trạng này cần được báo động. Sảng rượu là một trạng thái loạn thần cấp tính và trầm trọng xảy ra ở những người nghiện rượu, sau khi cai rượu hoặc uống quá nhiều rượu. Nhìn ra sinh hoạt xã hội hiện tại; nhà hàng, quán ăn, quán nhậu đi đâu cũng gặp và mọc lên như nấm; liên hoan, tiệc tùng, hội hè, cuộc vui có sử dụng rượu bia phổ biến khắp nơi từ thành phố đến nông thôn, miền núi nên nguy cơ dẫn đến trạng thái sảng rượu trong cộng đồng người dân với tỷ lệ cao là điều không thể tránh khỏi. Ngày nào cũng vui, ngày nào cũng uống rượu bia, ngày nào cũng “một hai ba dzô...” thì sẽ chuẩn bị đón nhận chứng sảng rượu với những hệ lụy khá tồi tệ cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội.

Ngày 13/03/2015
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích