Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 7 2 6 7
Số người đang truy cập
5 6 9
 Tin tức - Sự kiện
Ảnh sưu tầm từ internet
Điểm tin y tế từ các báo ngày 5/1 và 6/1 năm 2015

Ngành y tế Đà Nẵng sẵn sàng đón, chữa bệnh cho ông Nguyễn Bá Thanh; Hai vụ nhảy lầu ở bệnh viện Chợ Rẫy: Nguyên nhân do bế tắc?; Muốn phòng chống dịch có hiệu quả: Cần công khai minh bạch thông tin; Nhiều trẻ nhập viện do Rotavirus; Đầu năm, nhiều người nhập viện vì tai nạn giao thông, ngộ độc rượu…

Lao động

Ngành y tế Đà Nẵng sẵn sàng đón, chữa bệnh cho ông Nguyễn Bá Thanh

BS Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng ngày 4.1 cho biết, ngành y tế thành phố đã có kế hoạch sẵn sàng đón nhận, tiếp tục chữa bệnh cho ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ trở về. Cả hai bệnh viện có đội ngũ bác sỹ chuyên khoa giỏi, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị y tế tốt là BV Đa khoa Đà Nẵng và bệnh viện Ung bứơu đều có sự chuẩn bị, trên tinh thần đón ca bệnh cấp cứu. "Chúng tôi chuẩn bị nhân vật lực, phương án đón, chữa bệnh ông Nguyễn Bá Thanh ngoài trách nhiệm tất yếu của ngành y còn có tinh thần, tình cảm để đón nguyên lãnh đạo cấp cao của địa phương. Nhưng chưa biết sẽ bố trí ông nằm BV nào vì chưa có hồ sơ bệnh án, chưa biết tình trạng sức khỏe mức độ nào" - BS Chiến nói. Tương tự, BS Trần Ngọc Thạnh, GĐ Bệnh viện Đà Khoa Đà Nẵng cũng cho biết công tác chuẩn bị đón tiếp, chữa bệnh cho ông Nguyễn Bá Thanh cũng sẵn sàng. Ông Thạnh nói: "Chúng tôi chưa biết ngày, giờ cụ thể khi nào ông Thanh về Đà Nẵng, có về hay không, tình trạng sức khỏe như thế nào, phải tiếp nhận, điều trị ra sao... Tuy nhiên, ngành y thì luôn trong tình trạng sẵn sàng đón bệnh cấp cứu. Đặc biệt, với ông Nguyên Bá Thanh thì dù thụ động địa phương vẫn có phương án sẵn sàng, tốt nhất để đón tiếp, chữa trị cho ông". Ông Trần Ngọc Thạnh đã phủ nhận có phát ngôn trên một trang mạng xã hội. "Tôi không có quyền, trách nhiệm cũng chưa có phát biểu với báo chí hoặc mạng xã hội nào về kế hoạch, ngày giờ đón tiếp ông Nguyễn Bá Thanh của bệnh viện cả. Thế nhưng xuất hiện tin đồn như thật về xác nhận của tôi trên mạng Internet" .

Tiền phong

Hai vụ nhảy lầu ở bệnh viện Chợ Rẫy: Nguyên nhân do bế tắc?

Liên tiếp trong 2 ngày 3-4/1/2015, 2 người đàn ông đã nhảy lầu tự tử tại bệnh viện Chợ Rẫy (phía đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM). Theo một số người chứng kiến thì có thể do họ gặp bế tắc (!?). Theo thông tin từ các nhân chứng, tối ngày 3/1, một người đàn ông đã nhảy từ lầu 7 xuống đất và tử vong. Sau đó, trưa ngày 4/1, tiếp tục một người đàn ông khoảng 50 tuổi đã nhảy từ lầu 5 của bệnh viện xuống và tử vong ngay tại chỗ. Việc 2 người đàn ông tự tử tại bệnh viện Chợ Rẫy đã khiến cho nhiều bệnh nhân và thân nhân cảm thấy lo lắng. Một người nhà bệnh nhân, bà T (Trà Vinh) cho biết, nhiều người nói rằng do người nhà tronggia đình họ bị bệnh nan y nhưng không có tiền chữa trị, vì quá buồn nên họ đã tự tử. Ông H, ngụ Cần Thơ, người có mặt ngay thời điểm người đàn ông tự tử khuya ngày 4/1 cho biết, một số thân nhân có thấy người đàn ông này ngồi buồn một mình ở lan can cầu thang, tuy nhiên họ không nghĩ là ông ta tự tử ngay sau đó không lâu. Hiện tại, nguyên nhân cái chết cũng như danh tính của 2 người đàn ông tự tử tại bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa rõ và đang được các cơ quan chức năng điều tra và làm rõ. Mong rằng, những bệnh nhân và thân nhân đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy hãy bình tĩnh và yên tâm điều trị, đây chỉ là những trường hợp hi hữu.

Muốn phòng chống dịch có hiệu quả: Cần công khai minh bạch thông tin

Trong những năm gần đây, dịch bệnh luôn có chiều hướng diễn biến phức tạp, phát sinh bệnh mới nguy hiểm. Tại Việt Nam, ngành y tế có những thời điểm “căng mình” chống dịch. Cục trưởng Cục YTDP (Bộ Y tế) chia sẻ với Tiền Phong về vấn đề này. Năm 2014 đã qua với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, ông nhìn nhận gì về công tác phòng chống dịch tại Việt Nam trong năm qua, trên phương diện của nhà quản lý lẫn vai trò của một chuyên gia phòng chống dịch? Năm 2014, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, tăng đột biến tại nhiều nước. Chúng ta đã khống chế không để dịch Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. Các dịch bệnh lưu hành trong nước như cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại... đều có số mắc giảm và tử vong đáng kể so với năm 2013 và giai đoạn 2006 - 2010. Năm qua ghi nhận sự gia tăng về số mắc, tử vong liên quan đến sởi do sự tích lũy số trẻ không có miễn dịch sởi trong nhiều năm tại cộng đồng, còn xảy ra tình trạng lây chéo tại một số bệnh viện do chưa làm tốt việc cách ly bởi sự quá tải và tâm lý người dân muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.  Một số dịch bệnh vẫn ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương do điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập cũng như việc di biến động dân cư tại một số thành phố lớn, các khu công nghiệp. “Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh có từ bên ngoài có thể xâm nhập vào nước ta bất kỳ lúc nào. Cần nhất là nắm bắt được tình hình dịch bệnh, phải có giám sát rất tốt. Quan điểm của tôi là ở chỗ nào có một ca bệnh thì ở đấy là một ổ dịch và phải xử lý ngay”. Tôi cho rằng phòng chống dịch là một hoạt động đòi hỏi có tính khoa học kỹ thuật cao nếu không sẽ không thể chẩn đoán xác định dịch và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả được. Nhưng rõ ràng quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng. Quản lý đã tác động đến toàn hệ thống, chỉ đạo và huy động toàn hệ thống tham gia vào công tác phòng chống dịch có hiệu quả. Tôi cũng phải nói rằng quản lý tốt để xác định trách nhiệm nhưng đồng thời khơi dậy sự quyết tâm của cá nhân, cộng đồng tham gia phòng chống dịch.

Bài học nào ngành y tế rút ra được sau một năm đối mặt với nhiều dịch bệnh, đặc biệt với những thời điểm dịch sởi hoành hành bất thường?

Khi phát hiện thấy ca bệnh phải xử lý ngay, triệt để không để lây lan là hết sức quan trọng. Việc phòng chống dịch cần phải quyết liệt và triệt để ngay từ những ca bệnh đầu tiên sẽ tạo được hiệu quả lớn không để dịch lây lan tại cộng đồng. Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng để người dân chủ động tham gia các hoạt động phòng bệnh. Một yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh đó là sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như đảm bảo đủ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Việc tham mưu các biện pháp phòng chống dịch là ngành Y tế, còn chỉ đạo điều hành triển khai các biện pháp phòng chống dịch là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Nơi nào được chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt nơi đó dịch bệnh nhanh chóng được khống chế và dập tắt kịp thời.

Ngày càng có nhiều dịch bệnh lạ, nguy hiểm nên vấn đề không chỉ là chống mà phải phòng, vậy làm thế nào để phòng được hiệu quả, thưa ông?

Theo tôi, việc phòng và chống dịch bệnh phải được thực hiện một cách hài hòa và đồng bộ, trong chống có phòng và trong phòng phải có giải pháp sẵn sàng chống nếu có dịch xảy ra. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh có từ bên ngoài có thể xâm nhập vào nước ta bất kỳ lúc nào. Cần nhất là nắm bắt được tình hình dịch bệnh, phải có giám sát rất tốt. Quan điểm của tôi là ở chỗ nào có một ca bệnh thì ở đấy là một ổ dịch và phải xử lý ngay. Về lâu dài là phải giải quyết tốt được vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao các ý thức, giáo dục người dân thay đổi hành vi phòng bệnh, thay đổi tập quán, cách sống lạc hậu đảm bảo phòng bệnh chủ động. Khi có dịch xảy ra cả cộng đồng phải chung tay phòng chống dịch. Đồng thời Nhà nước có chính sách để hệ thống y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng có đủ năng lực để tham mưu và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch.

Ông nghĩ gì về ý kiến: Ngành y tế cần công khai thông tin khi có dịch bệnh để tránh việc thông tin sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh thông tin mạng chính thống và mạng xã hội nhiều như hiện nay?

Tôi cho rằng phải công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh, giúp người dân, cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tuy nhiên việc truyền tải thông tin như thế nào là rất quan trọng. Nếu việc đưa thông tin không có tính định hướng tốt hoặc thông tin không chính xác thì nó lại trở thành trở ngại, làm người dân quá lo lắng hoặc không huy động được sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh, có vấn đề không chỉ dừng lại ở khía cạnh sức khỏe mà ảnh hưởng cả đến đời sống người dân, an sinh xã hội, phát triển kinh tế… Để làm tốt việc này, cần có sự tham gia ủng hộ tích cực của các cơ quan truyền thông, trong đó ngành y tế đóng vai trò là người cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời. Báo chí được coi là phương tiện truyền tải thông tin từ nhà quản lý đến người dân hiệu quả nhất. Tuy nhiên có những thời điểm giữa truyền thông và ngành y tế chưa thực sự “hiểu nhau”. Theo ông để giải quyết vấn đề này cần những yếu tố nào? Mặc dù câu hỏi đã để từ “hiểu nhau” trong ngoặc kép nhưng tôi nghĩ không hẳn như vậy. Nhưng rõ ràng công tác truyền thông trong thời gian đầu có sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa người cung cấp thông tin và người truyền tải thông tin. Đó là kỹ năng cung cấp thông tin chưa tốt, chưa kịp thời, chưa chủ động định hướng… Phải hết sức cởi mở, chia sẻ giữa ngành với truyền thông. Đồng thời, ngành y tế cũng tăng cường hơn nữa việc chủ động cung cấp thông tin để định hướng trong phòng chống dịch bệnh và phối hợp với các cơ quan báo chí chuyển tải những biện pháp phòng bệnh tới người dân.

Theo ông, năm 2015, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì về dịch bệnh? Ngành y tế đã chuẩn bị đối phó thế nào?

Theo tôi, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; các bệnh dịch mới phát sinh, bệnh nguy hiểm cũng có thể xảy ra. Dịch bệnh Ebola ở châu Phi chưa khống chế được; dịch cúm trên gia cầm và trên người đang bùng phát ở nhiều nơi. Tổ chức Y tế thế giới cũng đang cảnh báo sự quay trở lại của một số bệnh dịch cũ đã lưu hành như lao, sốt rét, HIV, nguyên nhân có thể do kháng thuốc, sự giao lưu, đi lại rộng mở giữa các quốc gia, sự biến đổi khí hậu… Một số dịch bệnh lưu hành trong nước cũng có thể gia tăng và bùng phát như bệnh cúm gia cầm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não virus, dại, đặc biệt là những khu vực có sự biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, thông tin kịp thời tới người dân về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh.

Nhiều trẻ nhập viện do Rotavirus

Thời tiết đang giao mùa từ đông sang xuân, là điều kiện thích hợp cho Rotavirus gây tiêu chảy phát triển. Những ngày này tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) số lượng trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy ngày càng tăng. Không ít bệnh nhi nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì những sai lầm trong quá trình điều trị tại nhà hay tuyến y tế cơ sở. Chị Minh Phương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thấy con có biểu hiện ho, chảy nước mũi thường nghĩ bị cảm lạnh nên chỉ nhỏ thuốc mũi. Hai ngày sau trẻ sốt, nôn liên tục và đi ngoài phân lỏng mới đưa bé đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm, trẻ bị tiêu chảy do nhiễm Rotavirus, phải vào viện điều trị hơn một tháng. TS Nguyễn Văn Ngoan, Phó trưởng khoa Tiêu hóa cho biết, trong vòng 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 20-25 ca nhập viện do tiêu chảy, trong đó có đến hơn một nửa là do Rotavirus. Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em. Bệnh này lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và phát tán nhanh do Rotavirus sau khi được thải qua phân của trẻ nhiễm bệnh có thể lưu lại trên tay vài giờ và trên các bề mặt rắn như đồ chơi, chăn màn, quần áo trong vài ngày. TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết thêm, nhiều cha mẹ khi thấy con bị tiêu chảy lại mua kháng sinh cho trẻ uống trong khi đó tiêu chảy do Rotavirus không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh sẽ gây những tác dụng phụ như làm nặng thêm bệnh lý đang mắc hoặc trẻ bị dị ứng kháng sinh, ngộ độc thuốc gây khó khăn thêm cho quá trình điều trị. Biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh là cho trẻ uống vắc-xin phòng Rotavirus nhưng cần cho trẻ uống sớm để tạo hệ miễn dịch cho trẻ. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cho trẻ. Không nên ăn kiêng và cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Trường hợp thấy trẻ sốt cao, phân có máu, đờm, hoặc đau bụng nhiều cần đi khám tại bệnh viện ngay.

Dễ nhầm với bệnh khác

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là trẻ nôn nhiều, nôn dữ dội khiến không ít gia đình lầm tưởng con bị ngộ độc thực phẩm. Một số bé có thể bắt đầu bệnh bằng các triệu chứng sốt, ho, chảy mũi, nôn ói rất giống với cảm lạnh. Ngoài ra một số bác sĩ tuyến dưới do chuyên môn chưa tốt nên khi thấy trẻ ho, sốt kèm tiêu chảy lại chẩn đoán nhầm sang trẻ bị viêm đường hô hấp nên tiếp tục cho dùng thuốc kháng sinh khiến trẻ suy kiệt sức khỏe. Trong khi đó ho, nôn hay sốt cũng là những biểu hiện ban đầu của tiêu chảy cấp do Rotavirus, nhưng không phải bác sĩ nào cũng nắm chắc triệu chứng bệnh để điều trị cho trẻ dẫn tới những sai lầm đáng tiếc. Bác sĩ Ngoan cho biết, trẻ nhiễm Rotavirus trong vòng 10-24 giờ sẽ có 3 biểu hiện chính như nôn ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Đặc biệt, ở những trẻ này, chất nôn là thức ăn chứ không lẫn các chất màu vàng, màu nâu như biểu hiện ở trẻ tắc ruột; tiêu chảy cấp với biểu hiện trẻ đi ngoài, phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đàm, nhớt nhưng không có máu. Ngoài ra, nhiều trẻ còn có biểu hiện sốt nhẹ, đau bụng, có thể có ho và chảy mũi nước. Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong. Chính vì vậy, cha mẹ không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc. Theo các bác sĩ không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng cần mang trẻ tới bệnh viện. Với những bé mất nước ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà, dự phòng mất nước và suy dinh dưỡng theo các nguyên tắc cho trẻ uống nhiều dịch (oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp) hơn bình thường để đề phòng mất nước. Khi trẻ bị tiêu chảy vẫn tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng. Phần lớn trẻ tiêu chảy phân nước sẽ thèm ăn trở lại khi được bù đủ dịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, khẩu phần ăn hằng ngày của bé nên được tiếp tục và tăng dần lên. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng giúp cơ thể bé chóng bình phục, hồi phục cân nặng và chức năng đường ruột. Tuy nhiên, cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã nói ở trên. Tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trà đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp vì các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm. Trong trường hợp bù nước bằng dung dịch oresol, bố mẹ cần chú ý pha dung dịch theo sự hướng dẫn của bác sĩ, cho bé uống từng ngụm nhỏ bằng chén hoặc thìa. Ngoài ra, tiếp tục cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ muốn. Cho bé uống bổ sung kẽm sớm ngay khi tiêu chảy bắt đầu. Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 10mg/ngày trong vòng 10-14 ngày. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: 20mg/ngày, trong vòng 10-14 ngày. Nên cho trẻ uống kẽm lúc đói.

An ninh thủ đô

Đầu năm, nhiều người nhập viện vì tai nạn giao thông, ngộ độc rượu

Theo số liệu tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 4 ngày nghỉ lễ Tết dương lịch vừa qua, bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận cấp cứu trên 150 bệnh nhân, trong đó hơn 80% là các trường hợp bị tai nạn giao thông. Cụ thể, ngày 31-12-2014, bệnh viện đã phải tiếp nhận 192 trường hợp, trong đó 168 trường hợp đến cấp cứu vì tai nạn giao thông, chiếm tới 87,5%. Trong ngày 1-1-2015, có 146 trường hợp đến cấp cứu, trong đó 112 trường hợp do tai nạn giao thông (chiếm 76,7%) và đa số bị chấn thương rất nặng (44 trường hợp bị chấn thương sọ não, 53 trường hợp đa chấn thương)… PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Việt Đức cho biết, dự báo tình hình bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ lễ sẽ tăng mạnh, bệnh viện đã triển khai phân công lịch trực cụ thể tại khoa Khám bệnh và từng khoa trong viện cũng như lên phương án cấp cứu trong tình huống có quá nhiều người đến cấp cứu cùng một lúc… Thực tế, trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, các bác sĩ đã phải căng mình vì lượng bệnh nhân quá đông. Trong các ngày nghỉ lễ vừa qua, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng liên tục tiếp nhận các nạn nhân nhập viện do ngộ độc, trong đó có nhiều ca ngộ độc do rượu, hóa chất, thậm chí có một số ca ngộ độc nặng gây suy gan, suy thận. Cá biệt có trường hợp được chuyển đến điều trị trong tình trạng rất nặng trên bệnh cảnh kết hợp: suy hô hấp, suy gan, suy thận nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Nguyên nhân khiến bệnh nhân nhập viện tăng cao chủ yếu vì sử dụng bia rượu quá mức. Đáng chú ý, dù thời tiết khá thuận lợi song số bệnh nhi vào khám, cấp cứu tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai 4 ngày vừa qua vẫn tăng cao. Bình quân, mỗi ngày, khoa Nhi tiếp nhận 100 - 130 bệnh nhi, các bệnh lý chủ yếu là viêm mũi họng, phế quản, viêm phổi, sốt cao, co giật, tiêu chảy… trong đó có nhiều ca nặng phải nhập viện. Thống kê của khoa từ ngày 1 đến 4-1, mỗi ngày có 8 - 13 ca nhập viện. Trong số nhập viện có các trường hợp mất nước nặng do tiêu chảy. Theo các bác sĩ, lý do khiến bệnh nhi nhập viện đông là do thời điểm này ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, bệnh tiêu chảy do virus đang tăng cao. Đây là bệnh rất dễ lây, đã có những “cặp” bệnh nhân là anh em trong gia đình cùng mắc tiêu chảy do virus đến khám và cùng phải nhập viện. Đáng lưu ý, một số bệnh nhân khi nhập viện đã ở tình trạng nặng (viêm phổi, tiêu chảy) do gia đình tới khám muộn hoặc về quê, đi chơi xa, không được điều trị kịp thời.

Cứu sống 1 người nước ngoài bị rách tim

Đó là anh Edwin, quốc tịch Philippines, 40 tuổi, ở đường Âu Cơ (quận Tây Hồ - Hà Nội) được xe cấp cứu 115 đưa vào BVĐK Xanh Pôn Hà Nội lúc 9h30 ngày 31-12-2014 trong tình trạng lơ mơ, da xanh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp không đo được, trước tim có vết rách khoảng 2cm đang chảy máu. Anh Edwin được đưa ngay lên phòng mổ để hồi sức và mổ cấp cứu. Kiểm tra vết thương vùng phễu thất trái, đường kính khoảng 0,5 cm thấy đang phun máu, các bác sĩ đã khâu vết thương. Sau kiểm tra không chảy máu, bệnh nhân đã được rửa sạch khoang màng tim và màng phổi. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, ca mổ tiến hành xong. Hôm qua, 4-1, bệnh nhân đã hồi phục tốt và chuẩn bị xuất viện.

Nhân dân

Cứu bệnh nhi bị vỡ nang dị dạng tuyến phổi bẩm sinh

Khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) vừa điều trị thành công bệnh nhi P.M.N (3 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng khó thở, ho nhiều, ho từng cơn. Chụp X-quang các bác sĩ phát hiện bệnh nhi dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh, nhưng do không được phát hiện sớm, nang khí bị vỡ gây biến chứng tràn khí màng phổi. Bệnh nhi đã được điều trị kháng sinh, sau đó phẫu thuật cắt phần phổi dị dạng. Hiện nay, dị dạng nang phổi bẩm sinh có thể được phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai nhờ kỹ thuật siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, trong giai đoạn trước sinh, người mẹ cần khám và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý trên thai nhi, từ đó có phương án điều trị ngay sau sinh.

Hơn 67 nghìn ca nhập viện trong bốn ngày lễ

Ngày 5-1, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bốn ngày nghỉ lễ vừa qua, tại 72 bệnh viện trên địa bàn có hơn 67 nghìn ca nhập viện, trong đó gần chính nghìn ca do tai nạn giao thông với 24 người chết. Tổng số ca tiếp nhận cấp cứu chung của các bệnh viện tăng 14,9% và tổng số các trường hợp tai nạn giao thông cũng tăng 12,6% so với năm 2014…

Infonet

Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang gia tăng

Kết quả nghiên cứu do BV Phụ sản TW và Đại học Y Hà Nội tiến hành cho thấy, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam đang gia tăng. Đáng báo động là có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30. Theo WHO khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất. Cách đây không lâu, nhiều chuyên gia đã lo sợ về một sự bùng nổ dân số không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, quỹ đạo này đã đảo chiều khá nhanh và ít nhất 60 quốc gia hiện đã có tỉ lệ sinh thấp hơn đáng kể so với mức độ cần duy trì. Nghiên cứu trên toàn quốc do BV Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta cũng xác định tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, nghĩa là có từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Vấn đề vô sinh đang là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam. Đáng báo động có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30. Theo WHO tỉ lệ vô sinh trên thế giới trung bình từ 6%-12%. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nếu như khoảng 10 năm trước đây, mỗi tuần Trung tâm tiếp nhận 2 - 3 cặp vợ chồng đến điều trị các vấn đề về vô sinh hoặc hiếm muộn thì đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên từ 40-60 cặp vợ chồng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh hiếm muộn ở cả vợ và chồng. Đối với nữ giới, ngoài nguyên nhân tắc vòi tử cung thường gặp nhất thì nguyên nhân tiếp đến có thể là rối loạn phóng noãn. Bệnh nhân bị bệnh lý về lạc nội mạc tử cung cũng gây đau, gây rối loạn phóng noãn, khó thụ tinh… Về phía nam giới, người chồng có thể bị bất thường về chất và số lượng tinh trùng, thiếu hụt nội tiết, xuất tinh sớm hoặc ngược dòng, nghiện thuốc lá…Trong khi đó, phụ nữ sẽ gặp phải những yếu tố bất lợi như: bị tổn thương vòi trứng, nhiễm trùng vùng chậu, quá độ tuổi sinh đẻ, nhất là sau tuổi 35, rối loạn rụng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc các khối u buồng trứng. Ngoài những nguyên nhân trên, còn có những nguyên nhân thứ phát như nạo phá thai, đồ ăn có vấn đề, trong đó những người có quan hệ tình dục sớm, không biết giữ vệ sinh đều có nguy cơ vô sinh cao. Các bác sĩ khuyến cáo, tất cả các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sử dụng các biện pháp tránh thai mà không có thai trong vòng 12 tháng thì nên đến các cơ sở chuyên khoa về vô sinh, hiếm muộn để được khám và tư vấn. Hiện nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, với tỷ lệ thành công từ 35 đến 50%, tương đương tỷ lệ thành công của thế giới. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều bà mẹ vẫn cho rằng, trẻ sinh ra từ phương pháp này có thể bị dị tật cao hơn bình thường. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, tỷ lệ dị tật ở trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm không có khác biệt với trẻ được thụ thai tự nhiên. Đây cũng là kết luận của bác sĩ Lê Phương Lan, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Vinmec, người đã có 30 năm làm việc trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn. Hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu khoa học tìm kiếm mối liên hệ có thể có giữa dị tật bẩm sinh và thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, kết luận là chưa tìm thấy bất cứ liên hệ nào. “Hiện nay, trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản IVF đã có kỹ thuật chẩn đoán tiền làm tổ, nghĩa là phôi trước khi được đặt vào buồng tử cung sẽ được sinh thiết lấy một tế bào phôi để chẩn đoán xét nghiệm, phát hiện bất thường về gen”- bác sĩ Lê Phương Lan cho biết. Cũng theo bác sĩ Lê Phương Lan, với các cặp vợ chồng vô sinh, tỷ lệ nam giới chịu một phần hoặc hoàn toàn trách nhiệm trong việc không có khả năng thụ thai đang ngày càng gia tăng. Kỹ thuật sàng lọc trước làm tổ này rất có lợi cho những bệnh nhân với nguy cơ cao như: tuổi cao, tiền sử bản thân hoặc gia đình có những bệnh lý di truyền; tiền sử đã làm thụ tinh ống nghiệm thất bại hơn 2 lần và sẩy thai liên tiếp nhiều lần. “Kỹ thuật chẩn đoán tiền làm tổ có thể đem đến hy vọng không nhỏ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp tăng tỷ lệ mang thai thành công cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi, giảm tỷ lệ phải bỏ thai do những dị tật bất thường. Trong một chu kỳ IVF, yếu tố tâm lý của người vợ đặc biệt đóng vai trò quan trọng”- bác sĩ Phương Lan chia sẻ thêm. Cũng theo các chuyên gia về sản phụ khoa và hiếm muộn, chỉ có khoảng 40% nguyên nhân vô sinh có thể giải quyết được bằng điều trị thuốc hoặc phẫu thuật, còn lại 60% là cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại. Thời gian vô sinh càng kéo dài, việc điều trị càng phức tạp, chi phí cũng càng lớn. Chính vì thế, khi các cặp vợ chồng sau 1 năm không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc sau 6 tháng khi người vợ trên 35 tuổi mà chưa có thai thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để sớm tìm được cách chữa trị hiệu quả nhất. Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang gia tăng

Báo điện tử Chính Phủ

Quy định về thanh toán tiền thuốc BHYT

Ông Trần Thanh Phong (tỉnh Sóc Trăng) đi khám bệnh viêm gan B tại Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2. Lần đầu, ông được BHYT thanh toán 30% tiền thuốc, khám bệnh và các xét nghiệm. Từ lần khám thứ 2 trở đi ông không được BHYT thanh toán tiền thuốc mặc dù các lần khám bác sĩ đều kê đơn như nhau. Theo giải thích của bộ phận BHYT tại Bệnh viện thì các loại thuốc này không nằm trong danh mục thuốc BHYT. Ông Phong hỏi, ông cần làm thế nào để được BHYT hỗ trợ thanh toán tiền thuốc? Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau: Theo quy định của Luật BHYT năm 2008, người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến hoặc không thực hiện đúng thủ tục KCB thì được quỹ BHYT thanh toán 30% (KCB tại Bệnh viện hạng I), 50% (KCB tại Bệnh viện hạng II), 70% (KCB tại Bệnh viện hạng III) chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi BHYT. Vì ông Phong không cho biết loại thuốc ông đã sử dụng nên không thể trả lời cụ thể thuốc đó có trong Danh mục thuốc BHYT không. Trường hợp thuốc đó có trong Danh mục thuốc BHYT thì mỗi lần đi KCB, ông sẽ được hưởng 30% tổng chi phí như nêu trên. Từ năm 2015, thực hiện Luật BHYT sửa đổi, quỹ BHYT chỉ chi trả đối với trường hợp KCB trái tuyến vào điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương (chi trả 40%) và tuyến tỉnh (60%). Như vậy, nếu Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng không đủ khả năng điều trị bệnh Viêm gan B, ông Phong có thể đề nghị Bệnh viện chuyển ông lên tuyến trên điều trị để được hưởng chế độ BHYT.

Thanh Niên

Thêm khoảng 6.000 cơ sở khám bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết cơ quan này đã phối hợp Bộ Y tế điều chỉnh giảm các điều kiện đối với các cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu cho người khám bảo hiểm y tế (BHYT) từ 6 chuyên khoa xuống còn 2 chuyên khoa. Theo đó, từ năm 2015 sẽ có thêm 5.000 - 6.000 cơ sở đủ điều kiện khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân BHYT. Để giảm tải bệnh nhân BHYT tại y tế cơ sở, Bảo hiểm xã hội đã chấp nhận thêm các đơn vị y tế của các bộ, ngành, y tế tuyến trên là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, giúp tiếp nhận khoảng 10 triệu người và có thể tiếp tục mở rộng việc tiếp nhận thêm nữa. Các nỗ lực trên nhằm hỗ trợ người tham gia khám chữa bệnh BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi nhất.

Zing News

Bốn ngày nghỉ Tết, quá tải bệnh nhân cấp cứu

Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, trong đó có những bệnh nhân tuổi còn trẻ, từ 25 - 35 tuổi và có tới 50% bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu. Ngày 4/1, tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch bệnh viện tiếp nhận 120-150 ca cấp cứu mỗi ngày với khoảng 60% là các ca liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT). Theo thống kê của Khoa Khám bệnh, trong ngày 1/1 có 146 trường hợp đến cấp cứu tại bệnh viện. Trong đó có 112 trường hợp do TNGT (chiếm 76,7%) với 44 trường hợp bị chấn thương sọ não; 53 trường hợp bệnh nhân đa chấn thương. Trước đó 31/12/2014 số bệnh nhân đến viện là 192 trường hợp trong đó 168 trường hợp đến cấp cứu. Đây là ngày có số bệnh nhân cấp cứu đông nhất. Quá tải bệnh nhân cấp cứu rơi vào thời điểm ngay đêm giao thừa đón năm mới 2015 và trong ngày đầu tiên của năm mới. Ngày 4/1, là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ nhưng số bệnh nhân cấp cứu vẫn rất đông, được chuyển tới từ nhiều địa phương như Hưng Yên, Nghệ An, Bắc Giang. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn nhân lực và trang thiết bị nhưng khoa Cấp cứu vẫn có lúc rơi vào tình trạng quá tải do nhiều bệnh nhân của các vụ tai nạn nhập viện cùng lúc với những trường hợp cấp cứu do các bệnh khác. Có những bệnh nhân phải nằm cáng ngoài hành lang. Quá tải bệnh nhân cấp cứu dẫn tới quá tải tại khu vực chờ mổ. Trong khi đó, bác sĩ Phạm Văn Khiêm- Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết 4 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch(từ ngày 31/12/2014 đến ngày 3/1/2015), lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu và tử vong do TNGT tại bệnh viện này tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chiều 4/1, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, cả nước xảy ra 209 vụ, làm chết 104 người, bị thương 135 người (trung bình 26 người chết/ngày). So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 17 vụ, giảm 2 người chết, tăng 17 người bị thương.

VietnamPlus

Các bệnh viện "căng mình" cấp cứu trong dịp nghỉ Tết dương lịch

Trong suốt 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, tại nhiều bệnh viện các y bác sỹ vẫn liên tục “căng mình” trực cấp cứu cho các bệnh nhân. Tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày vừa qua, số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông hay số trẻ em bị viêm phổi, tiêu chảy tăng cao bất thường.

Cụt tay, cụt chân... vì bia rượu

Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong bốn ngày nghỉ lễ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 140-150 ca cấp cứu, trong đó khoảng 60% là các ca liên quan đến tai nạn giao thông. Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ, số nạn nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia tăng hơn hẳn ngày thường. Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 150 ca cấp cứu thì đến 60-70% là do tai nạn giao thông. Theo phó giáo sư Quyết, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối nên Bệnh viện Việt Đức thường tiếp nhận những ca tai nạn rất nặng từ các địa phương chuyển lên. Một bác sỹ cấp cứu tại bệnh viện cho biết, phần lớn nạn nhân tai nạn giao thông trong đợt nghỉ là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Đáng thương tâm có nhiều trường hợp bệnh nhân dù được cấp cứu kịp thời thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, không nói được hay trong tình trạng không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân… do hậu quả của tai nạn để lại. Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày nghỉ các bác sỹ của Trung tâm liên tục tiếp nhận các nhập viện do ngộ độc, trong đó có các nguyên nhân do rượu, hóa chất. Đáng lưu ý, có một số ca ngộ độc trong tình trạng nặng gây suy gan, suy thận.

1.200 bệnh nhân nhi khám mỗi ngày

Ghi nhận tại các bệnh viện nhi cho thấy, cũng trong những ngày nghỉ lễ Tết dương lịch, rất nhiều trẻ em đến khám tại các bệnh viện, trong đó nhiều trường hợp phải nhập viện vì tình trạng bệnh diễn biến nặng. Các sỹ trực khám liên tục, “xoay như chong chóng” vì số ca đến khám đông không kém gì ngày thường trong khi số lượng nhân viên y tế có hạn. Phó giáo sư Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số trẻ đến khám trong bốn ngày nghỉ Tết vẫn xấp xỉ ngày thường. Bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.200 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Vì thế, các bác sỹ hầu như vẫn phải phân nhau khám, đi làm như ngày thường. Tại Bệnh viện Bạch Mai, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi dẫn chứng, trong những ngày nghỉ vừa qua, tại khoa mỗi ngày tiếp nhận trung bình 100-130 bệnh nhi được đưa đến khám, trong đó có từ 8-13 bệnh nhi phải nhập viện. Thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, đa phần các trường hợp trẻ nhập viện do liên quan tới các các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, sốt cao co giật và tiêu chảy. Đặc biệt, số trẻ nhập viện tuy không tăng đột biến nhưng đều là bệnh diễn biến nặng, chủ yếu là viêm phổi và tiêu chảy, sốt cao co giật phải nhập viện. Theo các bác sỹ, đợt nghỉ vừa qua các bệnh nhân nhi phải nhập viện chủ yếu là ca nặng vì đúng dịp nghỉ lễ, nhiều trẻ được bố mẹ đưa về quê, đi du lịch… nên khi con có những dấu hiệu đầu tiên thì nhiều bậc phụ huynh chần chừ chưa đưa ngay trẻ đi khám bệnh, khi để qua mấy ngày nghỉ lễ thì bệnh của trẻ đã nặng lên. Điển hình như bé N.H.N. (5 tháng tuổi) ở Hà Nội, trước kỳ nghỉ Tết bé được bác sỹ chỉ định nhập viện theo dõi viêm màng não. Mẹ bé N. cho biết, thấy con vẫn chơi ngoan, nên nghỉ Tết chị cho con về Nam Định chơi. Sau đó, thấy con sốt gần 40 độ, hốt hoảng, chị vội vã đưa con về Bệnh viện Bạch Mai khám và qua kết quả chọc dịch não tủy cho thấy bé bị viêm màng não. Phó giáo sư Dũng cho hay, trường hợp của bé N. cũng chưa nguy kịch đến tính mạng do bé được gia đình đưa đến viện kịp thời để điều trị sớm, tuy nhiên, phụ huynh của bé thì nghỉ luôn Tết dương lịch trong... bệnh viện. Thời điểm hiện nay trùng với dịch tiêu chảy mùa Đông bắt đầu vào mùa. Vì vậy, khi bị dịch tiêu chảy, trẻ thường nôn, đi ngoài nhiều nên diễn biến nhanh, trẻ mất nước, suy kiệt nên khi đến khám, số bệnh nhi phải chỉ định nhập viện, truyền nước là nhiều hơn hẳn các bệnh lý khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ nôn trớ, tiêu chảy cần biết cách bù nước đúng cách, tránh tình trạng để trẻ bị mất nước, suy kiệt, mệt mỏi khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn./

Tuổi trẻ

TP.HCM: Gần 9.000 ca cấp cứu dịp nghỉ tết Dương lịch

Chiều 5-1, Sở Y tế TP HCM thông báo số liệu trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2015 (từ 1 đến 4-1) có 8.937 ca cấp cứu (tăng 14,9% so với Tết Dương lịch 2014: 5.987 ca). Trong đó, cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT): 1.334 ca (tăng 12,6% so với năm 2014: 1057 ca ). 72 bệnh viện trực thuộc trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận khám chữa bệnh cho 67.476 lượt người. Có 7.770 ca nhập viện, phẫu thuật 1.625 trường hợp. Về vệ sinh an toàn thực phẩm, không ghi nhận các vụ ngộ độc tập thể trên địa bàn thành phố trong các ngày nghỉ lễ.

 

VN tham gia lộ trình thay thế văcxin ngừa bại liệt

Viện trưởng Viện VSDTT.Ư cho biết dự án này sẽ bắt đầu từ tháng 10-2015. Ngày 4-1, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển cho biết: tháng 10-2015 VN sẽ bắt đầu tham gia chương trình thay thế văcxin ngừa bại liệt nhằm phòng ngừa nguy cơ biến đổi theo hướng tăng độc lực ở virút gây bại liệt type 2, hiện có trong thành phần văcxin ngừa bại liệt dạng uống ở VN. Theo ông Hiển, VN là một trong 25 quốc gia trên thế giới được Liên minh văcxin và tiêm chủng toàn cầu - GAVI hỗ trợ văcxin mới. Theo đó, tháng 10-2015 trẻ trong độ tuổi sẽ được uống ba liều văcxin ngừa bại liệt, đồng thời được tiêm một mũi văcxin ngừa bại liệt. WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên chuyển dần sang văcxin bại liệt tiêm cả ba type, nhằm mục tiêu chấm dứt bệnh bại liệt trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2018. Nhiều năm gần đây, VN đã không còn bệnh bại liệt, nhưng có nguy cơ virút bại liệt hoang dại xâm nhập VN từ các nước châu Phi và khu vực nên vẫn rải rác xuất hiện bệnh nhân bại liệt mới.

​Phẫu thuật thành công ca bệnh tim hiếm gặp

Bệnh nhi N.T.T.A., được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM từ bệnh viện tỉnh khi mới 3 tháng tuổi. “Bé nhập viện trong tình trạng toàn thân tím đen, mặc dù trước khi vào bệnh viện tỉnh bé chỉ bị ngất hai lần” - bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn,phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 và cũng là phẫu thuật viên chính, cho biết. “Sau nhập viện một giờ, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản. Lúc này tình trạng của bé rất nguy hiểm vì độ bão hòa oxy trong máu (SPO2) đã xuống quá thấp, chỉ còn 62%” - bác sĩ Tuấn nhớ lại. Vì thể trạng bệnh nhi này quá yếu, hai ngày sau các bác sĩ mới chụp CT mạch máu. “Từ kết quả CT, chúng tôi nhận thấy đây là một ca rất khó và hiếm gặp: Bé bị cửa sổ phế chủ type III (phức tạp nhất) kèm theo đứt đoạn cung động mạch chủ type A và viêm xẹp phổi hai bên rất nặng”. Theo kinh nghiệm công tác lâu năm trong nghề, bác sĩ Tuấn cho biết cửa sổ phế chủ nằm trong nhóm bệnh tim bẩm sinh với tần suất chỉ chiếm 0,15%. Cửa sổ phế chủ kết hợp đứt đoạn cung động mạch chủ được ghi nhận trên thế giới lại không nhiều. Y văn gọi đây là hội chứng Berry (hội chứng làm tăng áp động mạch phổi cũng như suy tim nhanh và nặng). Các bác sĩ đã cân nhắc cẩn thận và quyết định sẽ phẫu thuật cho bé vì “dù phẫu thuật sẽ nguy hiểm nhưng vẫn có hi vọng”. Ngày 9-12-2014, ca phẫu thuật cho bệnh nhi 3 tháng tuổi này được tiến hành, kéo dài suốt bảy giờ. Các bác sĩ phải sửa chữa, tạo hình lại hoàn toàn cung mạch chủ đồng thời tách hệ động mạch phổi ra khỏi hệ động mạch chủ của bệnh nhi. “Sau chín ngày, bé đã rút được ống giúp thở, uống được sữa và tỉnh táo hoàn toàn” - bác sĩ Tuấn vui mừng kể và cho biết khoảng một tuần nữa bé có thể xuất viện. Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn cho biết đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật thành công và cứu sống được bệnh nhân đối với loại bệnh hiếm gặp này. Bác sĩ Tuấn cũng lưu ý dấu hiệu của loại bệnh này vì “ban đầu bệnh nhân vẫn hồng hào bình thường. Chỉ đến lúc viêm phổi, suy tim nhanh và nặng thì cơ thể bệnh nhân mới tím tái”. Để cứu sống được những bệnh nhân mắc bệnh hiếm này thì quan trọng nhất là việc lựa chọn thời điểm phẫu thuật phù hợp kết hợp quan tâm, theo dõi các vấn đề sau phẫu thuật để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thực phẩm tự nhiên chưa chắc an toàn

Thịt, cá có nguồn gốc tự nhiên (nuôi thả tự nhiên, đánh bắt ở ao, hồ, sông, suối...) vẫn tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe. Ngoài nguy cơ nhiễm hóa chất và kim loại nặng, nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên còn nhiễm giun sán với tỉ lệ cao.

Cứ tưởng là an toàn

Ông T. (45 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) vì sợ thực phẩm nuôi công nghiệp có chất tăng trọng nên thường đặt ở quê mua giúp thịt heo thả, heo mán, ngựa... để làm thức ăn. Cả cua, cá, ốc, ếch, lươn... ông cũng đều được người nhà ở quê mua giúp từ những người đi đánh bắt ngoài tự nhiên. Vì nghĩ thực phẩm tự nhiên và nuôi chăn thả an toàn nên ông chẳng ngại ngùng mà thường xuyên chế biến các món tiết canh, thịt tái, gỏi cá... Sau một lần ăn tiết canh, ông có biểu hiện sốt, đau cơ, đi lại khó khăn, phù nề, đi ngoài ra máu... Ông nhập viện trong tình trạng xuất huyết phủ tạng, suy gan, suy tim và sau đó tử vong. Kết quả định bệnh cho thấy ông bị nhiễm giun xoắn mà không biết. Ông Đỗ Văn H., 67 tuổi, Sơn La, thích ăn ếch xào tái, cua đá nướng và hấp. Từ sở thích này mà ông bị ho kéo dài, không chữa khỏi. Bệnh viện ở Sơn La nghi ông bị lao nên chuyển đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương. Ông được hút dịch kiểm tra và bệnh viện phát hiện sán lá phổi trong dịch. GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng Trường đại học Y Hà Nội, cảnh báo thực phẩm bị ô nhiễm đang ở mức báo động, tuy nhiên người ta thường chỉ chú trọng ô nhiễm bởi hóa chất, còn mầm bệnh ký sinh trùng trong thực phẩm ít được quan tâm. Trong khi thực tế ký sinh trùng gây nên bệnh lý rất phức tạp và với tỉ lệ nhiễm cao trong cộng đồng, nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên bệnh cảnh hết sức nặng nề. Bệnh giun xoắn có thể tử vong và gây thành dịch tại nhiều tỉnh thành. Bệnh ấu trùng sán heo gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt... Bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan, sán lá gan lớn gây u gan và chẩn đoán nhầm với ung thư gan. Bệnh sán lá phổi gây chẩn đoán nhầm với lao, nhiều bệnh nhân điều trị lao hàng chục năm, có bệnh nhân điều trị lao 30 năm đến khi phát hiện sán lá phổi thì chỉ cần điều trị trong hai ngày. Bệnh giun đũa chó còn gây nhiều triệu chứng phức tạp như nổi mề đay, sẩn ngứa, xuất huyết, sốt kéo dài... Đó là chưa nói đến có tới 50-60 triệu người nhiễm giun đường ruột và hàng chục triệu người nhiễm đơn bào hầu hết có liên quan đến rau xanh. ThS Bùi Ngọc Thanh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cảnh báo xu hướng thích dùng các sản phẩm tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao, tránh thuốc tăng trọng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bệnh tật cho người sử dụng. Đơn cử như cá sống ở các ao hồ sông suối tự nhiên hiện nay bị ô nhiễm nặng bởi hóa chất của các nhà máy, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân... Hơn nữa, nghiên cứu tại các vùng miền khác nhau cho thấy nhiều loại cá, lươn, ếch... nhiễm giun đầu gai, sán với số lượng rất lớn. Cá tự nhiên thường nhiễm cao hơn cá nuôi như tại một vùng biển, một kết quả nghiên cứu cho thấy cá tự nhiên bị nhiễm ấu trùng 86-95%, trong khi cá nuôi có tỉ lệ nhiễm 80%. Ở những nơi nuôi trồng thủy sản mà tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi: tẩy sạch ao trước khi nuôi, không sử dụng phân, nguồn nước và thức ăn đảm bảo... thì xét nghiệm cá mè, trắm, trôi, rô phi không thấy sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ... Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, nhiều xét nghiệm cho thấy thực phẩm ở vùng nông thôn thường có tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng cao hơn vùng thành thị. Tại Hà Nội, kiểm tra trên 2.237.000 con heo phát hiện 835 con nhiễm ấu trùng sán, tỉ lệ 0,037%, trong khi kiểm tra tại năm tỉnh miền Bắc thì tỉ lệ heo nhiễm ấu trùng này cao gần gấp đôi (0,063%). Tương tự, kiểm tra cá tại năm chợ ở nội thành Hà Nội cho thấy tỉ lệ nhiễm sán lá truyền qua cá ở cá trắm 13,3%, cá chép 3,3%, cá rô phi 1,7%, cá trôi 1,7%... Trong khi đó, tỉ lệ nhiễm này tại nông thôn Nam Định ở cá chép lên đến 52%, cá trắm 50%, cá rô phi 24%, cá trôi 10%... Tại các vùng có nhiều bệnh sán lá gan nhỏ như Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình... tỉ lệ nhiễm ấu trùng sán trong cá rất cao 60-90%. Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, tại một số tỉnh miền núi VN thịt heo mán, heo thả tự nhiên được người dân hiện nay tin dùng. Tuy nhiên, loại thịt heo này thường nhiễm giun xoắn và đây là nguồn gây ra nhiều đợt dịch bệnh giun xoắn. Năm 2012, ở Mường Lát (Thanh Hóa) có 24 người cùng mắc bệnh giun xoắn trong một bữa tiệc đầu năm. Trước đó, trong một vụ dịch giun xoắn ở Yên Bái khiến 26 người mắc bệnh, xét nghiệm một con heo mán nuôi được tám năm thấy mỗi gam thịt chứa 879 ấu trùng giun xoắn, một con heo khác được nuôi bảy năm cũng có 70 ấu trùng giun xoắn trong 1g thịt. Cua đá cũng là sản phẩm tự nhiên được ưa chuộng, tuy nhiên kiểm tra ấu trùng sán lá phổi trong cua đá cho thấy tỉ lệ cua nhiễm ấu trùng tại Lai Châu là 98,1%, Sơn La 52,5-88,9%, Hòa Bình 55,2%, Lào Cai 95,6%, Yên Bái 60%...

Sài Gòn giải phóng

Các bệnh viện sẵn sàng đón ông Nguyễn Bá Thanh về điều trị

Đến cuối ngày 5-1, thông tin về ngày giờ ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ về Đà Nẵng để tiếp tục điều trị vẫn chưa được thông báo chính thức. Chiều 5-1, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành, đơn vị liên quan về công tác tổ chức đón tiếp ông Nguyễn Bá Thanh. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ngành y tế được yêu cầu chuẩn bị chu đáo nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sĩ để tiếp nhận và tiếp tục điều trị cho ông Nguyễn Bá Thanh. Trong khi đó, lực lượng công an, an ninh hàng không, cảnh sát giao thông… được yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt trong và ngoài sân bay cũng như tại bệnh viện và nhà riêng ông Nguyễn Bá Thanh để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc đón tiếp khi ông về đến Đà Nẵng. Từ nhiều ngày qua, cả 2 bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Ung bướu đều chuẩn bị phòng ốc, thiết bị y tế cần thiết, sẵn sàng đón tiếp ông Thanh vào điều trị.

Bác sĩ trẻ về huyện nghèo - Nâng chất y tế vùng sâu, vùng xa

Khởi động từ năm 2013 nhưng đến đầu năm 2014, Dự án “Đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo” của Bộ Y tế kết hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam mới được triển khai. Đến nay đã có hàng chục bác sĩ trẻ tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để góp phần chăm lo sức khỏe người dân ở những vùng đất khó khăn, thiếu thốn.

Đâu khó, có thanh niên!

Nhìn lại sau hơn 1 năm triển khai dự án “Đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo” (dự án), Tiến sĩ Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, trầm ngâm: “Đã có những tín hiệu vui nhưng cũng còn nhiều thách thức, phải cố gắng”. Tuy là dự án chính thống của Bộ Y tế nhưng việc đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa không phải đơn giản bởi không chỉ đòi hỏi những chế độ, chính sách mà quan trọng là tinh thần tình nguyện của chính những người trẻ. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Đức rất cảm động khi nhắc đến những cái tên bác sĩ mà ngay buổi đầu triển khai dự án đã xung phong như bác sĩ trẻ Cao Thị Hồng Yến (Gia Lâm, Hà Nội), bác sĩ Đường Văn Mười (dân tộc Thái), bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Hà Nội)… Là cô gái Hà Nội nhưng Cao Thị Hồng Yến là nữ bác sĩ duy nhất trong đợt ra quân đầu tiên về nhận công tác ở vùng núi xa xôi thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Còn Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1990, huyện Mê Linh, Hà Nội) tốt nghiệp với tấm bằng loại khá ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội sau 6 năm “giùi mài kinh sử” cũng xung phong về Mường Nhé, tỉnh Điện Biên công tác… “Tuổi trẻ các em đang tràn trề nhiệt huyết và không ngại cống hiến sức trẻ của mình, mang những kiến thức đã học để góp một phần công sức nhỏ bé chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng cao”, Tiến sĩ Đức nói. Với chủ trương nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu, vùng cao, khó khăn, Bộ Y tế đã phát động tinh thần hưởng ứng của bác sĩ trẻ. Với dự án “Đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo”, Bộ Y tế nhắm tới các bác sĩ tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi, bác sĩ nội trú tại các trường đại học y, hoặc chuyên khoa cấp I, thạc sĩ trở lên... tình nguyện về với bà con xa xôi. Thời gian tình nguyện của bác sĩ trẻ là 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ nhưng theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, luôn khuyến khích các bác sĩ trẻ gắn bó càng lâu dài càng tốt. Dự án đã được triển khai tại 20 tỉnh có huyện nghèo, với số lượng dự kiến khoảng 500 bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia và hướng tới 62 huyện nghèo của cả nước.

Chủ trương đồng bộ chính sách

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dự án nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ bác sĩ mới ra trường vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế; xây dựng mô hình để các địa phương xây dựng chế độ, chính sách, nhằm vận động đội ngũ bác sĩ trẻ tình nguyện về địa phương mình công tác. Qua đó, góp phần giảm tải công tác khám, chữa bệnh của người dân ở tuyến trên, giúp tuyến dưới hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước, đặc biệt có 20 tỉnh có huyện nghèo với số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ còn nhiều bất cập. Một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện chỉ có 6 - 7 bác sĩ, trong đó chỉ có 1 - 2 bác sĩ chuyên khoa cấp I (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu). Tại các trung tâm y tế huyện, số lượng bác sĩ còn ít hơn với 4 - 5 bác sĩ, trong đó chỉ có 1 - 2 bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I (như Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Lai Châu...). Với thực tế này, việc chăm lo sức khỏe cho người dân cũng không ít hạn chế, trong khi chính sách thu hút bác sĩ của các địa phương lại khó khăn. Mặt khác, tinh thần tình nguyện của chính các bác sĩ trẻ mới ra trường cũng ít ỏi bởi sự cuốn hút của các thị thành vàsự đãi ngộ chưa tương xứng. Chính vì vậy, trên cơ sở chủ trương đúng đắn, Bộ Y tế đã đồng bộ với chính sách để khuyến khích bác sĩ trẻ về với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ trẻ tham gia dự án sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Các bác sĩ trẻ tham gia dự án được tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển và ký hợp đồng làm việc tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; được cử đi đào tạo chuyên khoa miễn phí theo các chuyên ngành mà địa phương có nhu cầu; được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề... Ngoài ra, ngay chính các địa phương có bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác ít nhiều cũng có chính sách riêng đãi ngộ để các bác sĩ trẻ yên tâm công tác. Theo Bộ Y tế, mặc dù mới triển khai giai đoạn 1 (2013 đến năm 2016) tại 20 tỉnh có huyện nghèo, nhưng bước đầu đã có hiệu quả. “Sau khi thực hiện, dự án sẽ cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho các huyện nghèo, vùng núi, biên giới hải đảo. Đối với nhiều sinh viên mới ra trường, đây là một lựa chọn tốt cho tương lai”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Kiểm tra siêu thị bán thực phẩm bẩn

Sáng 5-1, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết sở này đang có kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm bán trong siêu thị.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Chất cấm vào thực phẩm siêu thị”, dẫn kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thực hiện cuối năm 2014 cho thấy có nhiều loại thực phẩm chứa chất cấm hoặc chất bảo quản vượt mức cho phép được bày bán trong vài siêu thị. Giải thích việc chưa công khai tên doanh nghiệp (DN) sai phạm, bà Đào nói Sở phải làm theo các quy định bắt buộc trước khi công khai tên DN. Cụ thể, Sở Công Thương TP.HCM sẽ lấy mẫu thực phẩm theo cảnh báo của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM để làm xét nghiệm. Nếu kết quả không đạt, Sở sẽ trực tiếp lấy mẫu sản phẩm tại DN sản xuất để kiểm định. Trong trường hợp cũng không đạt, DN sản xuất có thể lấy mẫu lưu và kiểm định lại. Nếu kết quả vẫn không đạt thì lúc đó Sở mới công bố tên DN sai phạm và siêu thị, đồng thời sẽ xử lý đúng quy định pháp luật. Trả lời câu hỏi vì sao siêu thị kiểm tra chặt nhưng vẫn không phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, bà Đào cho rằng hiện chỉ mới một đơn vị kiểm định (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM - PV) thì chưa thể kết luận chính xác chất lượng sản phẩm, mà cần phải xét nghiệm lần hai, lần ba tại các cơ sở kiểm định khác mới đưa ra kết luận chính thức.

Dân trí

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Dân trí Bộ Y tế vừa quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm mục đích thanh kiểm tra tình hình ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân năm 2015.. Theo đó, sẽ có 2 đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra, giám sát tình hình an toàn thực phẩm tại các địa phương gồm Hà Nội, Lào Cai, Kiên Giang và Cà Mau. Các đoàn thanh tra liên ngành có nhiệm vụ kiểm tra việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân năm 2015; Thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm; Xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Sau đượt thanh tra, các đoàn kiểm tra sẽ phải tổng hợp kết quả và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền các biện pháp tăng cường và nâng cao quản lý về an toàn thực phẩm; Trong đợt thanh tra, kiểm tra các đoàn sẽ làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân năm 2015.

Dân Việt

Nghị lực phi thường của nữ bệnh nhân viết thư cho Bộ trưởng Tiến

Mang trên mình căn bệnh ung thư vú đã di căn vào xương và gan nhưng Khánh Thương vẫn luôn mỉm cười và kiên cường sống chung với những đau đớn do căn bệnh gây ra.

Chỉ mong Bộ trưởng hiểu người bệnh

Những ngày cuối năm, những thông tin về bảo hiểm y tế sẽ giảm chi trả cho một số loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Có những bệnh nhân cho rằng luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) mới khiến họ bước gần đến cái chết hơn là giúp bệnh nhân. Hiểu tâm tư và sự đau khổ, tuyệt vọng của những người đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Khánh Thương – Thương Sobey nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã mạnh dạn viết lá thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Lá thư của chị Thương đã đến được với Bộ trưởng và bà đã viết thư gửi lại cho chị chỉ sau hai ngày. Nhận được thư của Bộ trưởng Tiến, Thương rất vui khi tiếng nói của một bệnh nhân như chị đã được nữ Bộ trưởng lắng nghe và đồng cảm. Chị tâm sự “nhiều người bàn cãi, tranh luận về nội dung lá thư trả lời của Bộ trưởng, nhưng thái độ và hành động của Bộ trưởng nên được trân trọng và hoan nghênh. Xét cho cùng đây là một lá thư cá nhân giữa một công dân gửi cho Bộ trưởng”. Chị chia sẻ: “Có những đổi thay mà bạn có thể nhìn thấy chỉ sau 1 giây, một phút, một giờ hay một đêm thức dậy. Nhưng cũng có thay đổi bạn phải chờ 5, 10 năm và lâu hơn thế. Tôi viết thư vì mong ước giản dị là tâm tư của những người đồng cảnh ngộ được người đứng đầu ngành y lắng nghe và chia sẻ". Tôi không có nhiều thời gian, nhưng sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi và hi vọng những điều có thể sẽ xảy ra tích cực hơn ở ngành y tế năm 2015. Chính sách vĩ mô không dễ thay đổi ngày một ngày hai và tôi cũng hiểu được cái khó khăn, day dứt của những người làm chính sách và đứng đầu ngành y tế. Tôi tin những gì Bộ trưởng chia sẻ là chân thành. Hoặc ai nói tôi là một người lãng mạn và có quá nhiều niềm tin cũng được. Với cá nhân mình, kể từ ngày phát hiện mắc ung thư giai đoạn IV, Thương đã gây dựng, phát triển Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam - BCNV) để góp phần nâng cao chất lượng sống cho người Việt không may mắc ung thư vú cũng như nâng cao nhận thức, giáo dụccộng đồng nói chung về căn bệnh. Chính ngọn lửa của tình yêu thương, những nỗ lực không mệt mỏi của chị đã là động lực và mang lại niềm tin được nhiều người trong cuộc chiến chống chọi với bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng.

Mang niềm tin và hi vọng thắp sáng khắp nơi:

Nói đến nghị lực và niềm hi vọng không mệt mỏi của Thương, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và ngưỡng mộ người phụ nữ nhỏ bé ấy. Phát hiện ung thư trước lễ cưới không lâu, Thương cảm thấy cuộc đời của mình như một dấu chấm hết. Chị chia sẻ đã muốn tự tử để không là gánh nặng của gia đình và của xã hội. Căn bệnh đã lấy đi của chị nhiều thứ: “Ung thư vú không chỉ cắt ngắn cuộc đời của tôi mà còn cướp đi cơ hội làm mẹ và bắt tôi chứng kiến rất nhiều tổn thương, mất mát của chính tôi và của những người xung quanh”. Hiện ung thư đã di căn xương và gan với những đợt truyền hóa chất dai dẳng khiến da dẻ nhăn nheo, cháy xạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác nhưng chị là người chủ động lựa chọn cắt toàn bộ tuyến vú để mong kéo dài thêm thời gian được sống. Thương cũng chủ động đi cắt tóc trước khi truyền hóa chất và gửi tặng mái tóc của mình cho tổ chức từ thiện chuyên làm tóc cho trẻ em bị hói bẩm sinh chứ không ngồi chờ hóa chất làm tóc rụng. Chị tâm sự: có những thứ tôi không thể từ bỏ ngay cả những khi khó khăn và tuyệt vọng nhất, đó là tình yêu và hi vọng. Những gì chị đã trải qua hơn hai năm qua với căn bệnh chẳng thể diễn tả hết bằng lời giống như chúng ta vẫn hay đúc kết “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Nhìn vào những gì chị và đồng sự của mình đã làm cho phụ nữ cùng cảnh ngộ và cộng đồng trong 2 năm chiến đấu với ung thư mới thấy người phụ nữ nhỏ bé này đáng khâm phục và ngưỡng mộ tới nhường nào.

Một thế giới

Lao động nhập cư Trung Quốc chết vì không được hưởng bảo hiểm y tế

Báo The Wall Street Journal ngày 4.1.2015 thuật câu chuyện về một lao động nhập cư Trung Quốc không được hưởng bảo hiểm y tế, đã phải chết ở tuổi thanh xuân. Câu chuyện này chỉ ra việc lao động nhập cư Trung Quốc không được hưởng bảo hiểm y tế, là những yếu kém của hệ thống này tại Trung Quốc (TQ): người nghèo không thể mua bảo hiểm y tế và chỉ còn mỗi cách đón nhận cái chết trẻ. Chính quyền TQ nói 95 % trong tổng số 1,34 tỷ dân được hưởng bảo hiểm y tế. Lẽ ra có cả Zhao Guomei, người vướng phải một chứng bệnh tủy xám hiếm gặp nhưng có thể chữa trị. Nhưng cô lại chẳng được hưởng gì, cho thấy hệ thống bảo hiểm y tế TQ không dành cho 260 triệu người lao động nhập cư.

Khoản chi trả bảo hiểm y tế "manh mún"

Theo báo The Wall Street Journal, chính phủ TQ chi 3 ngàn tỷ Nhân dân tệ (NDT) cho bảo hiểm y tế từ năm 2009. Nhiều nhà kinh tế học nói: đó là một nỗ lực để chuyển dân TQ vốn nổi tiếng tằn tiện trở thành người tiêu dùng, bằng cách khuyến khích họ chi tiêu, thay vì để dành tiền đề phòng khi mắc bệnh. Dù vậy, hàng triệu người vẫn không được hưởng bảo hiểm y tế, nhất là giới lao động nhập cư rời làng quê đến các thành phố lớn làm công nhân xí nghiệp. “Khoản chi trả này rất manh mún, và việc điều hành quỹ này là một công việc chẳng ai muốn”, theo tiến sĩ Zhang Wei, một chuyên gia bảo hiểm y tế ở khoa quản lý trường đại học Bắc Kinh. Ông nói dù mở rộng bảo hiểm y tế, gánh nặng kinh tế của người dân cũng tăng theo: “Đó vẫn là một vấn nạn quản lý”. Vấn đề là hệ thống y tế TQ một cách nào đó giống của Mỹ. Hơn 40 % dân TQ hưởng chi trả qua thẻ bảo hiểm do chủ lao động mua. Đa phần còn lại thuộc một chương trình bảo hiểm y tế dành cho số đông dân ở vùng nông thôn. Hồi tháng 5, họ tăng chi trả cho bảo hiểm cho dân nông thôn, bằng cách hạ chi phí chăm sóc y tế. Vài năm qua, ngành y TQ mởng rộ số bệnh được chi trả 70 % khoản phải chi. Nhưng một thăm dò hồi hè 2014 của các nhà nghiên cứu thuộc 4 đại học, với 300 lao động nhập cư, đã có kết quả chỉ có 1/3 số lao động này hưởng các lợi ích bảo hiểm y tế. Thăm dò riêng của chính phủ hồi năm 2013, nêu chỉ có 18 % lao động nhập cư được hưởng bảo hiểm do chủ lao động mua.

Hưởng bảo hiểm ở nơi người bệnh đăng ký hộ khẩu

Vấn nạn lớn là người lao động TQ làm việc không phải tại nơi mà họ đăng ký hộ khẩu. Như Zhao từ lúc còn bé đã xa quê ở tỉnh Quế Châu (tây nam TQ). Chỗ làm gần đây nhất của cô là tại một quán ăn nhỏ ở Tài Châu (tỉnh Chiết Giang, đông TQ) rất xa quê của cô. Chủ quán là Wu Lailai nói Zhao nghỉ làm hồi tháng 6.2014, và ông không mua bảo hiểm y tế cho cô, vì cô chỉ mới làm được vài tháng. Wu nói chỉ có nhân viên làm việc lâu hơn mới được ông mua bảo hiểm xã hội: “Tôi còn không nhớ có nói chuyện với cô ấy hay không, thì làm sao có thể mua bảo hiểm cho cô ấy”. Không lâu sau khi làm việc ở quán này, Zhao vướng bệnh. Sau cuộc chẩn đoán hồi tháng 7.2014, các bác sĩ nói việc chữa bệnh cho Zhao tốn ít nhất từ 400.000 đến 500.000 NDT (từ 65.000 đến 82.000 USD). Đó là một số tiền mà cô tiếp viên quán ăn 26 tuổi này không thể có, dù có làm việc cả đời chăng nữa. Như nhiều người trong số lao động nhập cư, Zhao “nhảy” từ thành phố này qua thành phố khác, làm hết việc này đến việc khác, từ khi rời quê lên thành phố nhằm tìm cuộc sống khá hơn. Hậu quả là chủ lao động-hầu hết là các quán ăn nhỏ và tiệm mì-không đóng bảo hiểm y tế cho cô. Zhao có thể được nhà nước trang trải chi phí chữa trị, theo chương trình bảo hiểm y tế nông thôn mới nói trên. Nhưng với điều kiện là cô phải trở về quê ở tỉnh Quế Châu, nơi cô và người chồng chưa cưới rất khó tìm được việc làm. Và ngay cả trước khi cô có thể xin hưởng khoản bảo hiểm y tế khi về quê, Zhao phải trả món nợ 56.000 NDT mà cô nợ bệnh viện tại thành phố Vũ Hán, nơi cô được truyền máu cùng vài cuộc trị liệu khác. Hồi đầu tháng 9, Zhao rời khỏi bệnh viện này, dù sức khỏe suy kiệt. Cô nói thều thào: “Tôi cảm thấy rất mệt, cứ như đi được vài bước là hết sức”. Người chồng chưa cưới Zhou Guangsheng, 28 tuổi, bán cây tre để sống qua ngày, nói:“Họ không đuổi chúng tôi. Chúng tôi chỉ cảm thấy xấu hổ nếu lưu trú mà chẳng họ được một xu nào”. Khi cạn tiền, Zhao và Zhou phải vay tiền bạn bè để tiếp tục chữa trị. Các bác sĩ nói: riêng chi phí chữa trị đã là một gánh nặng cho đến khi họ có thể nhận một cách trị tích cực hơn. Meng Li, một chuyên gia ở bệnh viện Vũ Hán chữa bệnh cho cô, nói Zhao cần được ghép tủy, một thủ thuật đắt tiền mà cô không thể nào trả được, lại còn phải tìm người cho tủy phù hợp. Ngay cả khâu truyền máu, một cách giảm nhẹ các triệu chứng chứ không chữa được bệnh, đã tốn hơn 10.000 NDT. Việc Zhao mất sức còn do cô có bầu. Bác sĩ báo trước cô có thể mất con, nhưng thai lớn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng cô nếu phá thai. Cuối tháng 8.2014, không lâu sau khi bắt đầu chữa trị, Zhao bị sẩy thai ở thai kỳ thứ hai.

Nộp viện phí trước, được chữa trị sau

Người chồng chưa cưới Zhou làm việc cho một xí nghiệp nội thất. Anh cạn tiền hồi đầu tháng 7.2014, nhưng một người bạn ở tỉnh Quảng Đông quyên giúp được 8.000 NDT (1.290 USD) cho Zhou và Zhao. Tại TQ, việc chữa trị y tế đòi hỏi phải đóng tiền trước rồi mới được chữa trị. Đến tháng 9, Zhao và Zhou chuyển đến thành phố Xianning, cùng cha mẹ Zhou vốn cũng đang gánh riêng gánh nặng y tế: cha Zhou bị ung thư. Zhou kể anh tìm sự hỗ trợ của cán bộ địa phương, thì được chỉ anh và Zhao nên đến tỉnh Quế Châu, để làm giấy tờ cho cô được hưởng bảo hiểm y tế nông thôn. Nhưng với sức Zhao, hành trình xa về quê là không thể, mà cô lại cần Zhou bên cạnh để chăm sóc cô. Trong đó, ủy ban dân sự Xianning hỗ trợ một khoản tiền nhỏ-cấp chỉ một lần-cho Zhao chữa trị. Số tiền này là 1.000 NDT, chẳng bõ bèn gì so với các khoản chi phí chạy chữa cho cô. Đầu tháng 10, Zhou đưa vợ chưa cưới trở lại Vũ Hán, khi sức khỏe của cô càng tệ hơn. Anh hy vọng bệnh viện có thể chữa trị cho Zhou. Không lâu sau khi Zhou và Zhao rời đi, cha Zhou qua đời. Về lại Vũ Hán, Zhao được nhập vào bệnh viện nọ, nhưng cũng không có tiền chữa bệnh. Ngày 22.10.2014, Zhao tử vong. Tại bệnh viện, Zhou kể lãnh đạo bệnh viện ban đầu không cho anh nhận xác vợ, vì không có một sự chứng minh nào họ đã đính hôn. Zhou thở dài: “Lẽ ra chúng tôi nên cưới sớm hơn, có thể mọi sự sẽ khác hẳn”….

Ngày 15/01/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích