Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 5 7 5 3
Số người đang truy cập
2 8 0
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 13/12 đến 15/12 năm 2014

Tuổi trẻ

Vỡ trực tràng vì bị bơm hơi

Ngày 12-12, bác sĩ Trần Hiếu Nhân - khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết bệnh viện có tiếp nhận hai trường hợp bị vỡ trực tràng phải mổ cấp cứu do bị người khác đặt ống bơm hơi vào hậu môn. Bệnh nhân Nguyễn Trường V. (34 tuổi, ở Q.Ô Môn, TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng đau bụng do đau vùng phúc mạc, gia đình cho biết anh V. bị người khác đùa giỡn, kê ống bơm hơi dùng để xịt xe vào gần hậu môn bơm. Các bác sĩ cho siêu âm, kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị vỡ trực tràng, ca mổ khâu trực tràng và đặt ống dẫn lưu được tiến hành ngay sau đó. Hiện bệnh nhân đã ổn định, có thể ăn uống nhẹ. Trước đó khoảng hai tuần, bệnh nhân Phạm Văn Q. (27 tuổi, ở xã Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng nhập viện cấp cứu tại đây trong tình trạng sốc nặng do đau bụng, bụng căng trướng. Kết quả chụp X-quang cho thấy trong bụng bệnh nhân lượng khí rất nhiều, bệnh nhân khai do bị người khác dùng ống bơm hơi (loại dùng trong công trình xây dựng) bơm vào vùng hậu môn. Ca mổ cấp cứu được tiến hành, các bác sĩ phát hiện chỗ vỡ trực tràng khá rộng, bụng bệnh nhân dơ do có nhiều phân từ lỗ thủng trực tràng. Bác sĩ tiến hành khâu trực tràng, đồng thời làm hậu môn nhân tạo. Hiện bệnh nhân đã được mổ lần 2 để đóng hậu môn nhân tạo và đã xuất viện. Bác sĩ Nhân cảnh báo việc đùa giỡn với các loại ống bơm hơi rất nguy hiểm, một lượng hơi lớn đưa vào bụng sẽ làm căng trướng bụng, vỡ trực tràng và nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

40% vụ ngộ độc thực phẩm chưa tìm ra nguyên nhân

Ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết như trên. Ông nói tại buổi diễn tập “Xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm tập thể có quy mô lớn tại TP.HCM năm 2014”, diễn ra ở Công ty TNHH Nobland VN (Q.12) sáng 13-12 Theo ông Long, có vụ ngộ độc đơn vị chức năng xác định là ngộ độc thực phẩm nhưng không tìm ra nguyên nhân, gây hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của các công ty. Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện TP có gần 3.000 bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, khu chế xuất, ngoài ra có 1.000 bếp ăn tập thể tại trường học cung cấp bữa ăn cho gần nửa triệu học sinh. Tại buổi diễn tập, Cục An toàn thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện diễn tập trong tình huống giả định một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn công nhân ở Công ty TNHH Nobland VN. Buổi diễn tập có sự theo dõi của 31 chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đến từ các tỉnh thành khác.

Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về thực phẩm tết

Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thành lập sáu đoàn để thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Đó là các tỉnh thành: Kiên Giang, Cà Mau, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và Tây Ninh. Các đoàn kiểm tra trung ương, tuyến tỉnh, TP tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đó là một phần nội dung trong kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa lễ hội xuân 2015 của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kế hoạch được triển khai từ ngày 15-12-2014 và kết thúc ngày 30-3-2015. Các đoàn thanh tra liên ngành thực phẩm được thành lập từ trung ương đến xã phường, tập trung thanh tra vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong năm, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Đối tượng thanh, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh thực phẩm ăn uống, thức ăn đường phố. Ban chỉ đạo liên ngành yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc... lưu thông trên thị trường.

Lần đầu tiên vn cho phép mang thai hộ

Từ cấm hoàn toàn (theo Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và quy định về sinh con bằng phương pháp khoa học), Luật hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 đã cho phép mangthai hộ vì mục đích nhân đạo và dự kiến có thể áp dụng từ năm 2015. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn ViếtTiến nói với Tuổi trẻ: “khi xét hồ sơ đề nghị của các gia đình mong muốn sinh con bằng phương pháp khoa học tại Bệnh viện phụ sản TƯ, chúng tôi thấy có những hồ sơ rất thống thiết, gia đình khát khao có một đứa con nhưng người mẹ có bệnh lý không thể mang thai được, Từ thực tế đó khi Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi, chúng tôi đã đề xuất nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và các bộ ngành đều đồng tình với đề xuất này.

Thanh niên

Tạm dừng sử dụng lô thuốc tiêm Levelamy

Ngày 12.12, Cục Quản lý dược cho biết thời gian qua Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) đã nhận được các báo cáo từ một số cơ sở điều trị: Bệnh viện (BV) đa khoa huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh; BV Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) và BV đa khoa Lào Cai về các phản ứng có hại liên quan đến thuốc tiêm Levelamy, SĐK: VD - 17807; Lô SX: 022014. Thuốc do Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Armephaco - Xí nghiệp dược phẩm 120 (nay là Công ty TNHH MTV 120 Armephaco) sản xuất. Theo các báo cáo ADR, sau khi sử dụng thuốc nêu trên, một số bệnh nhân đã có phản ứng nặng như: sốt cao, rét run, tức ngực, khó thở, huyết áp tụt. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đã quyết định tạm ngừng việc mua, bán và sử dụng trên toàn quốc đối với lô thuốc trên.

Gần 10.000 tỉ đồng xây dựng cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức

Sáng 13.12, tại xã Liêm Tuyền (TP.Phủ Lý), Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.  Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ sở 2 của mỗi BV có diện tích hơn 20 ha, diện tích sàn xây dựng gần 120.000 m2, quy mô 1.000 giường bệnh, dự kiến hoàn thành tháng 12.2017 với tổng mức đầu tư mỗi BV gần 5.000 tỉ đồng. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc xây mới cơ sở 2 của hai BV đánh dấu bước phát triển mới của ngành y tế. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, đây là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng cơ sở 2 của BV tuyến cuối với quy mô hiện đại. Thủ tướng yêu cầu, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân, cơ sở 2 của BV Bạch Mai và Việt Đức cần phải trở thành trung tâm chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho tuyến dưới để y, bác sĩ các tuyến đều có trình độ khám chữa bệnh ngày càng cao. * Thực hiện chương trình hoạt động sau kỳ họp, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri H.An Lão, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13.

Cảnh báo đột quỵ gia tăng do trời rét

Ngày 14.12, TS-BS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, cho biết do thời tiết chuyển lạnh, số bệnh nhân bị các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, xương khớp, hô hấp đến khám ở mức cao hơn các tuần trước khoảng 10 - 15%. Theo bác sĩ Thành, thời tiết lạnh dẫn đến hiện tượng co mạch đột ngột khiến huyết áp tăng cao sẽ gây nên tai biến mạch máu não, đột quỵ. Cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt ca tử vong do biến chứng tai biến mạch máu não, nhưng hầu hết bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Nhiều người ở độ tuổi 30 - 40 đã bị cao huyết áp, thậm chí đã có trường hợp ở lứa tuổi này hoặc trẻ hơn bị tai biến mạch máu não gây liệt do huyết áp tăng cao. Vì vậy, cần giữ ấm cơ thể vào mùa đông, kiểm soát huyết áp chặt chẽ.

Trẻ sinh ra sẽ có ngay thẻ bảo hiểm y tế

… Luật sửa đổi, bổ sung một số điềucủa Luật Bảo hiểm y tế, chính thức có hiệu lực từ 1.1.2015, quy định nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Thông tuyến đến quận huyện

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế,Bộ Y tế việc quy định bắt buộc tham gia BHYT toàn dân từ 1.1.2015 là một điểm mới hết sức quan trọng. Thực hiện BHYT toàn dân mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó việc mở thông khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến phường, xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế. Cụ thể người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến phường, xã có thể khám thẳng tại BV tuyến huyện gần nhà hoặc cùng trên địa bàn huyện mà không cần phải có giấy giới thiệu chuyển tuyến từ y tế tuyến phường, xã.

An ninh thủ đô

Phòng khám sản khoa ký cam kết không công bố giới tính thai nhi

Ngày 12-12, tại UBND phường Ngọc Khánh, lần đầu tiên, Hà Nội đã tổ chức ký cam kết không siêu âm công bố giới tính thai nhi với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn quận Ba Đình nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, các phòng khám không tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; không chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi; không vi phạm các quy định về lựa chọn giới tính thai nhi; không loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Nếu vi phạm các quy định trên, cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm và nhận các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Nâng cấp nhiều trạm y tế xã và Bệnh viện Ba Vì

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi, triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngành y tế Hà Nội sẽ xây mới và sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế xã: Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai), xã Tản Lĩnh, Vân Hòa (huyện Ba Vì); đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho phòng khám đa khoa Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) và phòng khám Yên Bình (huyện Thạch Thất). Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Ba Vì và các bệnh viện huyện có các xã vùng dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiền phong

Phối hợp công tác giữa Ban Dân vận T.Ư và Bộ Y tế; Ban Kinh tế T.Ư và Bộ Lao động – Thương binh và xã hội

Ngày 12-12, Bộ Y tế và Ban Dân vận T.Ư ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai đơn vị giai đoạn 2014 - 2020. Ðồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư cùng lãnh đạo hai cơ quan chứng kiến lễ ký. Chương trình phối hợp nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về y tế; tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân cùng chung tay vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hai bên cũng sẽ tăng cường công tác dân vận và thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở trong các đơn vị y tế, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, phong cách phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành y. Ban Dân vận T.Ư và Bộ Y tế sẽ phối hợp tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về chiến lược, chủ trương, chính sách liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác dân vận liên quan đến hoạt động của ngành y tế. Cùng trao đổi, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội về hoạt động của ngành y, góp phần định hướng dư luận. Hai cơ quan cũng phối hợp nắm bắt những vấn đề nhạy cảm, bức xúc của nhân dân liên quan đến thủ tục hành chính, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh,... để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết. * Cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác. Chương trình gồm năm nội dung chính. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; cụ thể, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội, dịch vụ công trong lĩnh vực lao động (gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Phối hợp hướng dẫn triển khai công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Ðảng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Ðảng về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội...

Đẩy mạnh bảo đảm an toàn thực phẩm

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Thủ tướngyêu cầu Bộ Y tế triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chỉ đạo triển khai và nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mô hình phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bộ NN&PTNT tập trung quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng, ATTP. Quản lý chất lượng, an toàn các loại rau, củ, quả trên thị trường, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trên các sản phẩm này. Bộ Công Thương tăng cường triển khai các biện pháp ATTP để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến; phối hợp các bộ, ngành và địa phương kiểm soát ATTP đối với các làng nghề thực phẩm, bảo đảm vừa duy trì và phát triển nghề truyền thống, vừa bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng; xây dựng, triển khai các mô hình điểm kiểm soát ATTP tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm.

Nhân dân

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng khó khăn

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em (CSSKBMTE) luôn được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, cần khắc phục sự khác biệt giữa các vùng miền để giảm chênh lệch các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nhất là tại các vùng khó khăn để hướng tới Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm tử vong mẹ (TVM) và tử vong trẻ em (TVTE). Các tỉnh trung du, miền núi phía bắc (TDMNPB) có vị trí quan trọng về kinh tế xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và là khu vực trọng điểm của ngành y tế. Tuy nhiên, hiện nay đây cũng là vùng khó khăn nhất cả nước, hệ thống y tế kém phát triển. Thời gian qua, các ngành liên quan và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế, tăng cường chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có công tác CSSKBMTE. Ngành y tế thường xuyên cập nhật quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về cấp cứu, hồi sinh sản khoa và sơ sinh; mở các lớp đào tạo nhân lực tại chỗ, nhất là cô đỡ thôn, bản là người dân tộc thiểu số; kết hợp tập huấn, thực hành nâng cao năng lực, chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu ở tuyến xã và cơ bản ở tuyến huyện; hỗ trợ các bệnh viện ở những huyện khó tiếp cận có thể mổ đẻ, thực hiện truyền máu, triển khai chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý. Đến nay hệ thống y tế cơ sở của các tỉnh TDMNPB đã có nhiều bước phát triển mới, các chỉ số sức khỏe của người dân đã từng bước được cải thiện. Qua đó góp phần đưa Việt Nam là một trong mười nước trên thế giới đang bảo đảm đúng lộ trình thực hiện thành công MDG số 4 (giảm hai phần ba tỷ suất TVTE dưới năm tuổi) và MDG số 5 (giảm ba phần tư tỷ số TVM) giai đoạn 1990 -2015. Tỷ suất TVTE dưới một tuổi đã giảm từ hơn 30 phần nghìn xuống 24,5 phần nghìn năm 2010 và còn 23,2 phần nghìn năm 2013. Tỷ suất TVM cũng giảm đáng kể. Tại Điện Biên, tỉnh cực tây của Tổ quốc, hệ thống y tế các cấp đã được củng cố, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, hệ thống tổ chức mạng lưới, cán bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản được kiện toàn, nhờ đó các chỉ số sức khỏe được cải thiện. Đáng chú ý, Điện Biên đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cô đỡ thôn, bản là người dân tộc thiểu số cho những thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã có tám trong số mười huyện thực hiện được kỹ thuật mổ lấy thai, ba huyện thực hiện được kỹ thuật mổ lấy thai và truyền máu; thành lập được năm đơn nguyên sơ, cứu sống được nhiều trẻ em sinh non yếu. Tỷ suất tử vong sơ sinh (TVSS) giảm từ 14,2 phần nghìn (năm 2010) xuống 11,5 phần nghìn (năm 2014). Tại đây, phụ nữ có thai được khám thai ba lần trở lên, đạt 73%; tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin hằng năm đạt trên 90%... Công tác CSSKBMTE ở khu vực TDMNPB tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Theo đó, địa hình các tỉnh trong khu vực chủ yếu là đồi núi, mạng lưới giao thông chưa phát triển, khoảng cách đến các cơ sở y tế còn quá xa; trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn vẫn còn phổ biến, tình trạng kết hôn cận huyết thống còn tồn tại ở một số dân tộc; kinh phí đầu tư cho công tác CSSKBMTE còn hạn hẹp,... dẫn đến sự khác biệt vùng - miền về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng và tử vong ở bà mẹ, trẻ em chưa thu hẹp. Điều tra tại 14 tỉnh TDMNPB về khó khăn của Chương trình giảm TVM, TVSS cho thấy vẫn còn từ 5% đến 10% số trung tâm y tế (TTYT) không có bộ khám thai, dụng cụ đỡ đẻ, bộ khám phụ khoa, ống nghe tim phổi, ống nghe tim thai, huyết áp kế; 20% đến 30% số TTYT không có bộ cắt khâu tầng sinh môn; hơn 60% số TTYT không có dụng cụ hút nhớt, bơm hút sữa bằng tay,... Đáng chú ý, tình trạng TVM, TVTE ở trẻ dưới năm tuổi đã giảm nhưng tốc độ giảm chậm lại, số ca TVM của cả nước là 67 trường hợp thì ở TDMNPB chiếm 56 trường hợp. Tỷ suất TVTE của vùng vẫn còn khá cao so với cả nước, một số tỉnh có tỷ suất TVTE cao như: Lai Châu 69,6 phần nghìn, Điện Biên 54,9 phần nghìn, Hà Giang 54,6 phần nghìn... Nhằm nâng cao chất lượng CSSKBMTE tại các tỉnh TDMNPB và hướng tới đạt các MDG, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đến quy định chuyên môn. Theo đó, ưu tiên tăng cường đào tạo nhân lực tại chỗ kết hợp thường xuyên tập huấn, thực hành nâng cao năng lực, chuyển giao kỹ thuật; tập trung các nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu ở tuyến xã và cơ bản ở tuyến huyện. Nhân rộng các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả cao như: đào tạo cô đỡ thôn, bản, thành lập đơn vị nguyên sinh bệnh viện huyện, thực hiện cách tiếp cận chăm sóc liên tục, thẩm định TVM... Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh đưa chỉ tiêu MDG vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có đầu tư hợp lý và kiểm tra giám sát định kỳ tình hình thực hiện. Rà soát, sắp xếp, bố trí hợp lý nguồn nhân lực làm công tác CSSKBMTE; có chính sách thu hút cán bộ sản/nhi về công tác ở tuyến cơ sở, tăng cường bổ sung vi chất cho bà mẹ, trẻ em... Đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi để người dân từ bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế.

Diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn

Ngày 13-12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn. Đây là buổi diễn tập thứ hai trên cả nước để chuẩn hóa các quy trình xử lý cũng như điều tra khi xảy ra các vụ ngộ độc tập thể. Tình huống giả định là sau bữa ăn trưa, khoảng 200 công nhân Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12, TP Hồ Chí Minh) bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và được đưa đến khám tại phòng y tế khu công nghiệp. Lãnh đạo công ty (có công nhân bị ngộ độc) đã thông báo cho Trung tâm Cấp cứu 115, Sở Y tế TP, Bệnh viện quận 12. Mười phút sau, nhân viên y tế của Bệnh viện quận 12 đến hiện trường và lập phòng khám dã chiến, trải đệm cho công nhân bị ngộ độc nằm ngay tại sảnh công ty. Bệnh nhân tập trung ở ba khu vực: nhẹ, vừa và nặng. Những bệnh nhân có nhịp tim nhanh, nôn ói, tiêu chảy lỏng liên tục nhiều lần sẽ được truyền dịch và nhập viện. Tuy nhiên, vì số lượng bệnh nhân quá đông nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hóc Môn, Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện quận 12. Cũng theo kịch bản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP và Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 cũng nhanh chóng đến hiện trường để lấy mẫu bệnh phẩm và điều tra nguyên nhân. Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết, diễn tập có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo công ty và ngành y tế. Đây là việc chuẩn bị hết sức cần thiết cho ngành chuyên môn cũng như các công ty để ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Tạm ngừng sử dụng thuốc tiêm gây phản ứng nặng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo tạm ngừng mua bán, sử dụng trên toàn quốc thuốc tiêm Levelamy (L-ornithin L-aspartat) 500 mg/5ml (SĐK: VD-17807-12, lô sản xuất 022014, do Công ty TNHH một thành viên 120 Armephaco sản xuất), để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Quyết định được ban hành sau khi một số bệnh viện báo cáo người bệnh có phản ứng nặng như sốt cao, rét run, tức ngực, khó thở, huyết áp tụt... trong quá trình sử dụng thuốc nói trên. Các mẫu thuốc sẽ được lấy tại các bệnh viện có báo cáo để gửi tới Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư hoặc TP Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra chất lượng.

Tình quân dân nơi trạm xá sư đoàn

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ y tá, bác sĩ của Bệnh xá Sư đoàn 324 (Quân khu 4) còn làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh Nghệ An. Bác Lê Khắc Tý, 67 tuổi, quê ở Thanh Hòa, huyện Thanh Chương kể: "Năm ngoái, con trai tôi bị đau ruột thừa dữ dội. Đêm khuya, trời mưa to, gia đình lặn lội đưa cháu vào Bệnh xá Sư đoàn. Đội ngũ y, bác sĩ đơn vị khẩn trương khám, hội chẩn và quyết định mổ kịp thời. Nếu để chậm vài tiếng đồng hồ, tính mạng con tôi sẽ nguy kịch. Một tuần sau mổ, con trai tôi hồi phục và xuất viện. Từ đó đến nay, tôi và mọi người trong gia đình nếu thấy sức khỏe "có vấn đề" đều đến đây khám, chữa bệnh". Tại phòng hồi sức, bác Nguyễn Văn Hùng, 46 tuổi, quê ở Bồi Sơn, huyện Đô Lương xúc động nói: "Không có các y, bác sĩ nơi đây, có lẽ tôi đã "xanh cỏ" rồi. Các chú là người sinh ra tôi lần thứ hai" Trung úy, bác sĩ Hoàng Văn Nga, Trưởng Khoa ngoại 1, người đã chăm sóc bác Hùng cho biết: "Chủ nhật mới rồi, do làm vườn bị o­ng vò vẽ đốt, bác Hùng được nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ, suy hô hấp, mạch rất yếu. Chúng tôi huy động lực lượng, phương tiện tập trung cứu chữa, đồng thời vận động cán bộ, chiến sĩ, y tá hiến máu. Sau hơn năm giờ cứu, chữa sức khỏe bác Hùng đã hồi phục. Nếu gia đình đưa đến chậm vài phút, chắc bác Hùng khó qua khỏi...". Để có tinh thần hết lòng phục vụ người bệnh, Bệnh xá đã gắn thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; trau dồi y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện phương châm "Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ", đẩy mạnh việc trồng, chăm sóc vườn thuốc nam, thu hái, chế biến phục vụ công tác điều trị... Những năm qua, cùng với làm tốt công tác khám, chữa bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn, Bệnh xá còn thực hiện tốt Chương trình 12, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân... Riêng từ đầu năm đến nay, Bệnh xá đã khám, kê đơn, điều trị cho gần hai nghìn lượt người.

Sức khỏe & Đời sống

Vị giáo sư dành 10 năm cần mẫn nghiên cứu cho mỗi cây thuốc

Ðể có thuốc tốt và an toàn từ nguồn dược liệu quý trong nước, NGND.GS.TS. Phạm Thanh Kỳ với sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học cùng nhiều thế hệ học trò đã phải làm việc cần mẫn trong nhiều năm.GS .TSKH. Đỗ Tất Lợi, người thầy của ngành dược Việt Nam, là người có công nhất trong việc nghiên cứu dược liệu Việt Nam đã nói: “Người Việt Nam phải dùng thuốc Nam. Cây thuốc có trong rừng vàng biển bạc, có trên khắp mọi miền”. Thầy cổ vũ các thầy thuốc phải dùng thuốc Nam chữa bệnh. Hầu như tất cả các bệnh thông thường, thầy thường khuyên bảo dùng loại thuốc gì, lấy ở đâu, thầy chấp nhận việc dùng các bài thuốc theo kinh nghiệm của đồng bào trong những năm tháng khó khăn của hai cuộc kháng chiến, nhưng khi có điều kiện, thầy yêu cầu phải  nghiên cứu một cách cẩn trọng, vì liên quan đến sức khỏe của người sử dụng.

GS.TS. Phạm Thanh Kỳ với cây thuốc Việt Nam

Năm 1965, DS. Phạm Thanh Kỳ tốt nghiệp thủ khoa khóa 15 Trường đại học Dược Hà Nội, trở thành giảng viên Bộ môn Dược liệu của trường. Là học trò gần gũi và làm việc với GS. Đỗ Tất Lợi, thầy đã truyền cho ông niềm say mê với  chuyên ngành từ những ngày khởi đầu, đã hướng cho ông sự khát khao cần tìm hiểu những tinh hoa của nguồn tài nguyên vô tận trên đất nước Việt Nam. Những năm 60 đó, nhân dân cả nước bước vào công cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, kinh tế nước nhà trong bao cấp, cung cấp thuốc vô cùng khó khăn, Bộ Y tế có Cục Dược liệu để lo toan về thuốc. Dược sĩ trẻ Phạm Thanh Kỳ đã nhiều lần đưa sinh viên dược đi sưu tầm điều tra dược liệu trên núi rừng tỉnh Lào Cai và tỉnh Hòa Bình. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1974, TS. Phạm Thanh Kỳ đã có nhiều đóng góp xây dựng Bộ môn Dược liệu của trường về giảng dạy và nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự phát triển của Trường đại học Dược Hà Nội khi ông là Hiệu trưởng (1994 - 1999).

Một quyết tâm lớn và quan điểm đúng

Là cán bộ được đào tào hoàn chỉnh, GS. Phạm Thanh Kỳ suy nghĩ: “Nước ta có nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú và đa dạng; nhân dân ta có kinh nghiệm dùng cây cỏ làm thuốc để phòng bệnh và chữa bệnh từ lâu đời, do đó việc nghiên  cứu tạo ra thuốc từ dược liệu là cấp thiết và rất khả thi, còn việc chế tạo ra thuốc theo con đường tổng hợp hóa học ở nước ta có nhiều khó khăn. Ông thường nói với đồng nghiệp, với các cán bộ khoa học trẻ: “Khi nghiên cứu một cây thuốc, cần thực hiện đầy đủ và hoàn chỉnh các bước: nghiên cứu về thực vật, xác định tên khoa học, nghiên cứu thành phần hóa học, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và các tác dụng sinh học. Tiếp theo là tìm dạng bào chế thích hợp, xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng, trải qua thử nghiệm lâm sàng, sau đó mới bàn giao cho doanh nghiệp sản xuất thuốc để đưa ra thị trường. Chúng ta không nên nóng vội đưa ra sử dụng sớm ở dạng thực phẩm chức năng”.Hoàn cảnh nước ta, cũng như các ngành khoa học khác, để thực hiện các công trình nghiên cứu tạo ra thuốc từ dược liệu, GS. Phạm Thanh Kỳ và cộng sự đã trải qua một quá trình phấn đấu làm nhiều việc, trong nhiều năm, với muôn vàn khó khăn. Đó là sự đầu tư của Nhà nước có mức độ, kinh phí cho nghiên cứu khoa học rất hạn hẹp. Ông đã động viên các cộng sự, các sinh viên, học viên sự tự tin và niềm say mê để kiên trì triển khai các hoạt động học thuật đòi hỏi cao về  tuân thủ quy trình, làm thật để có kết quả trung thực, viết thật trong báo cáo kết quả. Bằng uy tín của mình, ông dành nhiều thời gian để kết nối sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài ngành của các viện, của trường và các bệnh viện để thực hiện các thí nghiệm liên quan đến đề tài. Với sức khỏe tốt, với lòng nhiệt huyết, có hướng đi đúng, đầy đủ tài liệu và nhiều kinh nghiệm, giáo sư đã có nhiều đóng góp trong việc đưa các dược liệu trở thành thuốc tốt phục vụ người bệnh.

Từ cây chè dây đến thuốc ampelop

Trên vùng núi cao phía Bắc, đồng bào dân tộc thường dùng một loại cây leo mọc hoang, tiếng Nùng gọi là Thau rả, tiếng Tày gọi là Khau rả, tiếng Kinh là cây chè dây. Theo y học cổ truyền, cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, được dùng chữa các bệnh liên quan tới dạ dày và còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ.Trong một chuyến công tác, GS. Hoàng Tích Huyền và GS. Hoàng Bảo Châu chứng kiến tại Bệnh viện Đông y tỉnh Cao Bằng, các thầy thuốc đã dùng cao thuốc cây chè dây chữa cho bệnh nhân. Các vị đề nghị GS. Phạm Thanh Kỳ phối hợp  giúp đỡ một NCS làm nghiên cứu về tác dụng trên lâm sàng.GS. Phạm Thanh Kỳ đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thực hiện công trình nghiên cứu cấp Bộ về cây chè dây (1990 - 1995). Ông đã giao cho một sinh viên người Cao Bằng theo dõi cây tới khi lấy được mẫu cây có hoa, có quả, hạt để xác định được tên khoa học là Ampelopsis cantonesis Planch họ Vitaceae. Nhóm nghiên cứu đã xác định thành phần hóa học chính trong cây chè dây là flavonoid có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm axit dịch vị, làm liền vết loét và có tác dụng diệt xoắn khuẩn Helicobacter pylori gây ra bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng và xây dựng quy trình bào chế ra thuốc ampelop. Bằng nhiều thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định thuốc ampelop có độ an toàn cao.GS. Hoàng Bảo Châu đã hướng dẫn một bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nghiên cứu về tác dụng lâm sàng của cây chè dây và đã tiến hành thực hiện trên các bệnh nhân tại Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Với sự giúp đỡ của GS. Nguyễn Khánh Trạch, GS. Tạ Long thực hiện trên một nhóm bệnh nhân dùng ampelop, với nhóm đối chứng là bệnh nhân dùng thuốc đau dạ dày thông dụng là alusi. Kết quả, thuốc ampelop có tác dụng cắt cơn đau do loét hành tá tràng, làm lành các ổ loét và diệt trừ khuẩn Helicobacter pylori với tỷ lệ cao. Một đặc tính hơn hẳn là thành phần flavonoid trong chè dây còn có tác dụng giải độc gan theo cơ chế chống ôxy hóa khử gốc tự do và an thần. Các chi phí điều trị bằng thuốc ampelop thấp hơn nhiều loại thuốc tân dược điều trị loét dạ dày - tá tràng đang có trên thị trường hiện nay.Thuốc ampelop đã được sản xuất và tiếp tục thực hiện điều trị cho nhiều bệnh nhân loét dạ dày - hành tá tràng ở Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, BV đa khoa Hà Tây có kết quả tốt. GS. Kỳ tiếp tục chủ trì Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC.10 (mã số KC.10.DA11) “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất ampelop làm thuốc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng”. Công trình nghiên cứu được đánh giá xuất sắc và được giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2006.Kết quả nghiên cứu về cây chè dây đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc “Lấy Nam dược trị Nam nhân”. GS.TS. Phạm Thanh Kỳ và các cộng sự đã kết hợp với Công ty Dược phẩm Traphaco hoàn thiện quy trình sản xuất viên nang ampelop quy mô công nghiệp và đã sản xuất hàng chục triệu viên phục vụ nhu cầu trong nước.Việc dùng cây chè dây làm thuốc đã góp phần tăng thu nhập cho nhân dân vùng núi Sa Pa (Lào Cai) và Hà Giang, nơi có cây mọc hoang, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân vùng cao. Để đảm bảo khai thác lâu dài và bền vững nguồn dược liệu chè dây, giáo sư đã tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng cao bảo tồn nguồn nguyên liệu bằng cách chỉ thu hái lá, không chặt cành để  giúp cây chè dây tái sinh.Đồng thời, GS. Phạm Thanh Kỳ đã phối hợp cùng Công ty Traphaco nghiên cứu trồng và thu hái cây chè dây ở vùng núi cao theo Tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Việc trồng và thu hái chè dây theo tiêu chuẩn GACP-WHO đã góp phần đảm bảo nguồn dược liệu ổn định, chất lượng tốt để sản xuất thuốc ampelop hiệu quả, an toàn. Thuốc ampelop đã được Hội đồng Thuốc Bộ Y tế bình chọn là “Ngôi sao thuốc Việt” - giải thưởng danh giá của ngành dược dành cho thuốc sản xuất trong nước.

Người đưa cây thuốc quý giảo cổ lam phục  vụ cộng đồng

Trong một lần đi công tác ở Trung Quốc, GS. Phạm Thanh Kỳ chú ý tới một cây thuốc được nghiên cứu đầu tiên tại Nhật Bản với tên gọi amachazuzu - phúc âm thảo, còn ở Trung Quốc là jaogulan. Từ xa xưa, cây thuốc đã được sử dụng cho vua chúa để tăng sức khỏe, làm đẹp và kéo dài tuổi thọ. Khi về Việt Nam, ông dành nhiều quan tâm kiếm tìm dược liệu quý hiếm này.Năm 1996, GS. Kỳ có dịp gặp ông Nguyễn Văn Nhân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, là cha của một sinh viên làm luận văn tốt nghiệp Đại học Dược. Giáo sư nhờ ông quan tâm tìm cây thuốc ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Ít ngày sau, ông Nhân thông báo, đồng bào dân tộc ở địa phương thường thu hái cây dần toòng bán sang Trung Quốc và gửi mẫu cây tới GS. Kỳ. Nhìn cây khô, GS. Kỳ thấy rất giống cây cần tìm. Năm sau, ông thực hiện một chuyến đi dài ngày, lên vùng Cao Bằng tìm kiếm và có chuyến đi tới vùng núi Phan-xi-păng thuộc tỉnh Lào Cai. Giáo sư đã tìm thấy cây có hoa có quả tại rừng nguyên thủy ở độ cao 2.000m. Mẫu cây đưa về Hà Nội đã được GS. Vũ Văn Chuyên, Chủ nhiệm Bộ môn Thực vật của Trường đại học Dược xác định có tên khoa học chính xác là Gynostemma Pentaphyllum. Đúng là cây có cùng họ với cây jaogulan Trung Quốc, hay cây amachazuzu Nhật Bản, gọi là giảo cổ lam Việt Nam. Ông đã triển khai nghiên cứu dược liệu này từ năm 1997 cho tới nay với nhiều sinh viên làm luậnvăn tốt nghiệp dược sĩ đại học, nhiều học viên cao học làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ dược học, thạc sĩ y học, bác sĩ chuyên khoa cấp II và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ.Kết quả nghiên cứu đã chứng minh giảo cổ lam thu hái ở Việt Nam có tác dụng tăng lực, làm giảm cholesterol cao trong máu, chống xơ vữa động mạch, làm giảm đường huyết, có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ gan, chống lão hóa, tăng cường đáp ứng miễn dịch, hạn chế sự phát triển khối u trên chuột thực nghiệm. Dịch chiết giảo cổ lam bằng đường uống không có độc tính cấp, không có độc tính bán trường diễn, không ảnh hưởng tới sinh sản và cấu trúc nhiễm sắc thể của chuột thí nghiệm. Giảo cổ lam Việt Nam có thành phần chính là saponin, ngoài ra còn có flavonoid, axit amin, vitamin và có tới  35 nguyên tố vi lượng, trong đó có Se, Zn, Fe, Mg, Mn với hàm lượng khá cao. Nhóm nghiên cứu của ông đã chiết xuất, phân lập được 7 saponin mới có cấu trúc Damaran giống cấu trúc saponin trong nhân sâm. Những saponin này có tác dụng ức chế một số dòng tế bào ung thư trên thực nghiệm in vitro. Các kết quả đã cho thấy chất lượng giảo cổ lam Việt Nam rất tốt.Bên cạnh chè thuốc, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng công thức bào chế  dạng viên nén giảo cổ lam, viên  nang cứng gylopsin (phối hợp giảo cổ lam với Polyphenol của chè dây) viên nang cứng curpenin (phối hợp giảo cổ lam với nghệ). Các thuốc trên đã được đánh giá tốt trên lâm sàng.Sau hơn 10 năm kiên trì miệt mài nghiên cứu, GS. Kỳ đã chuyển giao công nghệ các  quy trình sản xuất cho các công ty dược phẩm.

Giảo cổ lam được tiếp tục phát hiện ở  vùng núi  Ba Chi, Hòa Bình

Tại tỉnh Hòa Bình, cựu chiến binh Bùi Đắc Quang, mắc nhiều bệnh, sức khỏe kém, sau khi dùng sản phẩm giảo cổ lam một thời gian, thấy bệnh tật thuyên giảm, sức khỏe hồi phục. Từ đó anh có niềm say mê với cây giảo cổ lam. Anh Quang nghĩ rằng, núi rừng Đà Bắc của Hòa Bình có khí hậu mát, cũng  có thể  có giảo cổ lam nên đã đi kiếm tìm nhiều ngày, anh đã lặn lội đi khắp núi rừng Đà Bắc. Sau nhiều ngày, cuối cùng anh đã tìm thấy được mẫu cây giống cây giảo cổ lam, anh phóng xe máy về Hà Nội, đến gặp GS. Phạm Thanh Kỳ đưa mẫu nhờ thẩm định. Giáo sư đã 70 tuổi, nhưng ông vẫn quyết định đi lên Hòa Bình để cùng anh Quang  đi bộ, lần theo các dãy núi đá Ba Chi thuộc huyện Đà Bắc để trực tiếp khảo sát tại chỗ vùng có cây giảo cổ lam mọc. Ông đã xác nhận, đó là cây giảo cổ lam. Anh Quang đã mạnh dạn thành lập công ty để thu hái chế biến và kinh doanh chè thảo dược quý này tại Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.Tâm huyết của GS. Phạm Thanh Kỳ là muốn giữ giảo cổ lam sống mãi với người Việt. Từ khi công trình nghiên cứu về giảo cổ lam được GS. Kỳ công bố, người dân vùng cao đã tận thu khai thác để bán, không nghĩ đến các lần thu hoạch sau. Giáo sư luôn nhắc nhở các đơn vị thu mua phải phổ biến rộng rãi, phổ biến nhiều lần cho người dân, khi thu hái phải để lại gốc của cây với một đoạn khoảng ba gang tay, để cây tiếp tục tồn tại, phát triển, để có nguồn thu cho các lần thu hái sau. GS. Kỳ và cộng sự cũng đã  nghiên cứu tạo giống giảo cổ lam ở vườn nhà, rồi lại trả cây giống giảo cổ lam về với rừng. Từ những cây giống này sẽ phát triển với diện tích lớn trên vùng đất có khí hậu phù hợp, giáo  sư cũng là người đầu tiên đưa giống giảo cổ lam đến trồng thành công đại trà ở  Đà Lạt.Cùng với việc phát hiện, nghiên cứu cây chè dây, cây giảo cổ lam, GS. Phạm Thanh Kỳ còn thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khác có giá trị.

Người thầy tận tụy

Tính đến nay, GS.TS. Phạm Thanh Kỳ đã có thâm niên 49 năm trong ngành dược liệu, trong đó 20 năm là giảng viên, 12 năm là Phó trưởng Bộ môn (1985 - 1997); 10 năm là Trưởng Bộ môn (1997-2007). Giáo sư đã hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy cho  sinh viên đại học và học viên sau đại học.Thành tích đào tạo của ông rất đáng khâm phục: GS. Kỳ đã hướng dẫn: 30 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, 41 học viên cao học làm luận văn thạc sĩ dược học, 14 dược sĩ CKI và 157 sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp dược sĩ đại học. Giáo sư có 328 bài báo đã  công bố trên các tạp chí khoa học  trong nước và nước ngoài. Các NCS và học viên được tham gia các chuyên luận trong các đề tài NCKH cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp trường, có kinh phí để bớt khó khăn khi thực hiện nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực, mang lợi ích cho xã hội. Cũng như nhiều nhà khoa học khác, GS. Phạm Thanh Kỳ  đã hình thành cho mình như một bản năng, luôn có sự gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu. Ông luôn quan tâm  hướng dẫn các học trò các đức tính của người dược sĩ: cẩn thận, tỉ mỉ và trách nhiệm, các đức tính của nghiên cứu viên: khoa học và trung thực, để tạo dựng cho các học trò có một tiềm năng vững vàng bước vào sự nghiệp  mới. Nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của ông đã được nhiều giải thưởng trong các hội nghị khoa học kỹ thuật tuổi trẻ các trường đại học của ngành y tế.Gần 50 năm làm thầy giáo, mang nhiều tâm huyết với chuyên ngành  dược liệu, GSTS. Phạm Thanh Kỳ  đã truyền cảm sự say mê nghề nghiệp cho các học trò và đồng nghiệp trẻ và rất đông học trò đã theo nghề của ông. Nhiều thế hệ dược sĩ đã học ông, hoặc đọc sách của ông. Tất cả đều kính trọng và cảm mến ông sự nghiêm túc trong giảng dạy, tính kỷ luật trong nghiên cứu, song lại thẳng thắn, vui vẻ, chan hòa, thân thiện, đầy tình thương yêu trong đời thường. Giáo sư đã được  bổ nhiệm là thành viên nhiều hội đồng khoa học kỹ thuật. GS.TS. Phạm Thanh Kỳ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001), hạng Nhì (2007),  được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1992) và Nhà giáo Nhân dân (1998) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Khởi công cơ sở 2 của bệnh viện hữu nghị Việt - Đức và bệnh viện Bạch Mai: Giảm tải cho 2 bệnh viện nội thành

Sáng 13-12, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng 2 bệnh viện lớn của Trung ương là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Dự án góp phần giải quyết cơ bản tình trạng quá tải cho các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong nội thành Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 xây dựng tại thành phố Hà Nam là 2 trong 5 bệnh viện Trung ương và bệnh viện tuyến cuối được Chính phủ quyết định dành 20.000 tỷ đồng đầu tư, xây dựng mới để nâng tầm chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời cung cấp các dịch vụ y tế khám chữa bệnh chất lượng cao. Hai bệnh viện này được đầu tư xây dựng với quy mô mỗi bệnh viện 1.000 giường, diện tích sàn mỗi bệnh viện gần 120.000m2, tổng mức đầu tư cả 2 dự án là gần 10.000 tỷ đồng. Đây là các bệnh viện hạng đặc biệt, có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị đồng bộ hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và có nguồn nhân lực kỹ thuật cao.  Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 sẽ là một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh, có đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để chữa trị các bệnh nhân nặng với các chuyên khoa sâu như chấn thương xương, sọ, não, đầu mặt cổ, lồng ngực cột sống; phẫu thuật cấp cứu; hồi sức, điều trị tích cực; cấp cứu ngoài viện. Còn Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sẽ là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, có đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và trang bị hiện đại, đồng bộ để chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu như tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp…Theo Quy hoạch vùng Thủ đô, vị trí xây dựng các Bệnh viện thuận tiện cho việc di chuyển và khám chữa bệnh của người dân, kết nối thuận tiện với vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống giao thông khu vực, trong đó tỉnh Hà Nam là đầu mối giao thông phía Nam Thủ đô Hà Nội. Qua đó, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng quá tải cho các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và giảm ùn tắc giao thông cho nội thành Hà Nội. Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối của Trung ương, nơi được giao nhiệm vụ nhận và điều trị khám chữa bệnh cho nhân dân không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, các tỉnh trong khu vực và còn có nhiệm vụ nhận, khám điều trị đối với những ca nan y và là các cơ sở y tế có nhiều thầy thuốc, y bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai rơi vào tình trạng quá tải, cơ sở vật chất, quy mô không có điều kiện mở rộng, thường xuyên quá tải. Thủ tướng nhấn mạnh: Việc khởi công xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho người dân với chất lượng và yêu cầu ngày càng cao; đồng thời giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai tại Hà Nội; đồng thời là địa chỉ thực hiện yêu cầu chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và đào tạo về khám và điều trị bệnh.

Gia đình xã hội

Thanh tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh trọng điểm

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, TP trọng điểm: Kiên Giang, Cà Mau, TP.HCM, Tây Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng và Hà Nội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tại tất cả các cấp từ tỉnh đến quận/huyện, xã/phường. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra về ATTP trên cả nước sẽ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, với mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm trước. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Mùi và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh mứt kẹo… Các đoàn trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra. Thời gian triển khai thanh, kiểm tra kéo dài từ ngày 15/12/2014-30/32015.

Kinh tế đô thị

Hơn 12 triệu trẻ được tiêm vắc xin Sởi –Rubella

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, công tác tiêm chủng diễn tiến hành an toàn với hơn 12 triệu trẻ được tiêm, chủ yếu từ 1 đến 10 tuổi. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, công tác tiêm chủng diễn tiến hành an toàn với hơn 12 triệu trẻ được tiêm, chủ yếu từ 1 đến 10 tuổi. Có 27 tỉnh ưu tiên triển khai tiêm cuốn chiếu cho trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tại một số huyện, xã vùng sâu, vùng xa và khó tiếp cận. Tính chung cả nước đã có 50 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%. Một số trẻ hoãn tiêm, chủ yếu là do có các biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe liên quan đến sự biến đổi thời tiết trong thời điểm giao mùa. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành tiêm vét, nhằm đảm bảo tốt nhất phòng bệnh Sởi và bệnh Rubella cho trẻ. Để đảm bảo chiến dịch đạt hiệu quả cao, sau khi kết thúc đợt 3 vào cuối tháng 2/2015, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương cần tăng cường truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về lợi ích của tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Các đơn vị y tế phối hợp ngành giáo dục và các đơn vị liên quan rà soát đối tượng tiêm chủng, tránh bỏ sót, tổ chức tiêm vét cho trẻ hoãn tiêm. Các địa phương đảm bảo chuẩn bị đủ vắc xin  và tổ chức tiêm chủng an toàn cho trẻ./.

Báo tin tức

Khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được coi là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa dị tật từ trong bụng mẹ, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra. Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều bà mẹ chưa hiểu đúng, hiểu rõ về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu như xét nghiệm máu hoặc lấy bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ… trong thời gian mang thai sẽ giúp phát hiện sớm thai kỳ có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm hoặc dị tật bẩm sinh hay không. Khi phát hiện những bất thường đó, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người mẹ lựa chọn đình chỉ thai kỳ hoặc tư vấn điều trị cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh… Các kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.Trẻ sinh ra không may bị tật nguyền hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Các bà mẹ khi mang thai phải chăm sóc sức khỏe tốt, khám bệnh định kỳ, tổng quát, bổ sung các vitamin, dưỡng chất cần thiết, chủ động tìm hiểu và hiểu đúng về tác dụng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Vnexpress

Trẻ ở Hà Nội bị bệnh hô hấp, tiêu chảy gia tăng

Lượng trẻ đến khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám vì các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy tiêu chảy đang tăng vọt, chiếm 70% tổng số bệnh nhân Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, cho biết những ngày gần đây số bệnh nhi đến khám không tăng nhưng trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản), tiêu chảy lại tăng vọt; đặc biệt đến khám về đêm. Có những tối kíp trực hai bác sĩ phải khám cho 50-60 bé, thậm chí 70. “Bệnh nhi viêm phổi tăng lên gấp đôi ngày thường, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới một tuổi. Đó chỉ là những ca nặng phải nhập viện, chưa tính đến những trường hợp nhẹ thì được về điều trị tại nhà”, tiến sĩ Dũng nói. Ngoài ra, miền Bắc đang bước vào mùa bệnh tiêu chảy do rotavirus, hay tiêu chảy mùa đông, nên cha mẹ cần lưu ý bù nước cho trẻ đúng cách. Tình trạng mất nước nhiều có thể đe dọa tính mạng trẻ bởi dễ bị sốc giảm thể tích. Khoa Nhi mới cấp cứu cho một trẻ 9 tháng tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội, bị tiêu chảy, mất nước nặng do gia đình chủ quan. 3 ngày trước khi nhập viện trẻ có biểu hiện ho, sốt; đi khám thì được chẩn đoán bị viêm đường hô hấp. Về nhà trẻ ho, nôn trớ nhiều, đi ngoài, sốt 41 độ nhưng người nhà lại nghĩ tình trạng đi ngoài của bé là do tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa của thuốc kháng sinh. Đến khi bé lịm đi gia đình mới đưa đến bệnh viện Phú Xuyên, sau đó chuyển thẳng lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tay chân lạnh, thở nhanh, tím, mạch không bắt được. Sau cấp cứu một tiếng bé mới dần ổn định. Bác sĩ khuyến cáo, với trẻ nhỏ, trong thời tiết này việc quan trọng nhất là giữ ấm cơ thể, nhất là vào buổi sáng sớm và tối. Nhiều bố mẹ mặc ấm cho trẻ nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu trẻ cũng có thể nhiễm lạnh và đổ bệnh. Bên cạnh đó, nên tắm cho trẻ trong phòng kín, tránh gió lùa, không tắm quá lâu. Đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống nên pha thêm nước nóng để tan giá. Trẻ có biểu hiện bệnh cần đưa đi khám để được điều trị kịp thời, tránh bệnh ngày càng nặng hơn. Để phòng bệnh tiêu chảy, cần lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ, có thể phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus bằng văcxin.

Phụ nữ

Tuổi nào nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung (CTC) là một trong những “sát thủ” hàng đầu đối với phụ nữ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, căn bệnh này có thể chữa khỏi. Dưới dây là những hướng dẫn mới nhất của các tổ chức y tế Hoa Kỳ về cách sàng lọc bệnh và phòng ngừa bằng vắc-xin. Tuổi bắt đầu sàng lọc: 21 tuổi. Lý do không đưa phụ nữ dưới 21 vào chương trình là vì: Ung thư CTC xâm lấn hiếm khi xuất hiện trong nhóm tuổi này. Sàng lọc có thể gây tác hại nhiều hơn lợi ích thu được, ví dụ điều trị không cần thiết các tổn thương tiền xâm lấn ở cổ tử cung (CTC) có thể dẫn đến những biến chứng lâu dài như thu hẹp CTC, sinh non... 21-29 tuổi: Làm xét nghiệm tế bào học mỗi ba năm một lần. Lý do: việc giãn cách mỗi ba năm được xem là thích hợp khi cân bằng được tốt nhất giữa lợi ích và rủi ro cho nhóm tuổi này. 30-65 tuổi: Làm xét nghiệm tế bào học và HPV mỗi 5 năm (ưu tiên), tế bào học mỗi ba năm (chấp nhận được). Lý do: Việc kết hợp giữa hai chỉ định này làm tăng độ nhạy của công tác sàng lọc, nhất là với phụ nữ trên 30 tuổi. Ngoài ra, việc kết hợp này còn làm tăng độ nhạy trong việc phát hiện ung thư tuyến CTC. Trên 65 tuổi: Ngưng các xét nghiệm kiểm tra sau tuổi 65 nếu có kết quả sàng lọc âm tính phù hợp trước đó (nghĩa là có ba lần xét nghiệm âm tính liên tục hoặc hai lần xét nghiệm kết hợp âm tính trong vòng 10 năm, với xét nghiệm gần nhất và được thực hiện trong vòng 5 năm trở lại). Không có tiền căn CIN 2+ (mức tổn thương) trong vòng 20 năm qua, không có nguy cơ cao ung thư CTC. Lý do: Ở lứa tuổi này, nếu đã được sàng lọc tốt trước đó, số ca ung thư CTC được phát hiện là rất hiếm và CIN 2+ cũng rất thấp. Trong khi đó, những phụ nữ có tiền căn CIN 2+ vẫn còn nguy cơ mắc các tổn thương CIN 3+ cao hơn 5-10. Do đó cần phải tiếp tục theo dõi đủ 20 năm. Sau cắt tử cung vì nguyên nhân lành tính, không có tiền căn CIN 2 +: Ngưng sàng lọc Sau tiêm ngừa HPV: Tiếp tục sàng lọc như phụ nữ chưa tiêm ngừa. Lý do: Các loại vắc-xin HPV được công nhận hiện tại bảo vệ chống lại ung thư CTC, nhưng chỉ chống lại ung thư CTC do HPV type 16 và 18 (chiếm khoảng 70% các trường hợp ung thư CTC). 30% còn lại do các type HPV khác gây ung thư CTC thì chưa có vắc-xin.

Dân trí

Cắt 2/3 lưỡi vì nghiện thuốc lá

Số bệnh nhân ung thư khoang miệng trong đó có ung thư lưỡi đang có xu hướng gia tăng. Đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa trong đó hầu hết những bệnh nhân ung thư khoang miệng có tiền “nghiện” thuốc lá. Bệnh nhân Nguyễn V. L. 58 tuổi ở Ninh Bình được chuyển đến đến Bệnh viện K Trung ương trong tình trạng đầu lưỡi cứng và có một vết loét sâu. Theo bệnh nhân L. trước đây vì thường xuyên bị nhiệt miệng nên khi thấy lưỡi có một vài vết loét nên chỉ nghĩ là nhiệt miệng thông thường. Cho đến khi miệng cứng đơ, đau đớn không thể nuốt nổi miếng cháo ông mới tìm đến bệnh viện. Sau khi làm các xét nghiệm, nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư khoang miệng bệnh nhân đã được chuyển tiếp lên tuyến trên. Tại đây bệnh nhân đã được xác định ung thư lưỡi giai đoạn cuối. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa ngoại đầu cổ (Bệnh viện K) cho dù bệnh nhân đã phải phẫu thuật triệt căn, cắt bỏ 2/3 lưỡi nhưng nguy có thể vẫn còn. Bác sĩ Bảo cho biết bệnh nhân L. là một trong những trường hợp nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tuy nhiên với những bệnh nhân ung thư lưỡi đa số bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân là do các triệu chứng ban đầu của ung thư lưỡi không rõ ràng, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý răng miệng thông thường khác. “Phần lớn các bệnh nhân ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu, đôi khi nhầm lẫn với nhiệt miệng nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi, khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai…”, bác sĩ Bảo lưu ý. Theo bác sĩ Bảo, thống kê cho thấy bệnh nhân ung thư khoang miệng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây trong đó đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều bệnh nhân trong số này cho biết họ có hút thuốc lá, uống rượu. Hầu hết bệnh nhân ung thư khoang miệng đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, trong đó 90% bệnh nhân ung thư lưỡi được phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng. Để phát hiện sớm bệnh bác sĩ Bảo khuyến cáo nếu người bệnh có các vết loét trong khoang miệng nhưng sau 3 tuần điều trị bằng kháng sinh không khỏi cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh với 16 triệu người hút thuốc lá, ước tính chi phí mua thuốc lá của người Việt Nam lên tới 22.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là số tiền để điều trị 5 bệnh phổ biến liên quan đến thuốc lá gồm: ung thư phổi; ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ.

Ung thư vú ngày càng gia tăng

Dân trí Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 150.000 ca mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ở Hà Nội và TPHCM, bệnh ung thư vú chiếm tỷ lệ 20-30% trong số các bệnh nhân ung thư và ngày càng có xu hướng gia tăng. Ung thư vú đang đứng thứ 2 trong số các dạng ung thư thường mắc ở phụ nữ tại nước ta. Đa phần người bệnh đến viện khi bệnh đã nặng khiến hiệu quả điều trị thấp. Thông tin được ra tại lễ phát động  Cuộc thi tìm hiểu phòng chống ung thư vú diễn ra ngày 13/12 do Bộ Y tế và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về ung thư vú của các hội viên Hội phụ nữ. Cuộc thi cũng là một cơ hội rất thích hợp để cổ vũ, động viên các tuyên truyền tại cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động truyền thông tại cộng đồng để giúp chị em phụ nữ hiểu biết đầy đủ về căn bệnh và sớm hình thành những thói quen, những động thái có lợi cho sức khỏe, đặc biệt trong việc phát hiện sớm ung thư vú phụ nữ để điều trị kịp thời mang lại cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc cho mỗi gia đình và cả cộng đồng. Theo Bộ Y tế, xu hướng mắc ung thư không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Người ta có thể mắc bệnh này ở mọi lứa tuổi, mọi vùng địa lý và mọi hoàn cảnh không kể giàu nghèo.Ung thu là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 11 triệu người mới mắc và trên 6 triệu người tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, một tín hiệu đáng mừng trong vài năm trở lại đây, nhờ những tiến bộ trong công tác khám sàng lọc và những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú, số người được chữa khỏi bệnh ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng chữa khỏi bệnh lên tới 90%. Vì thế, với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau 40 tuổi nên đi khám kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe, trong đó có bệnh lý về tuyến vú nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư vú và tránh tình trạng khi chẩn đoán ra bệnh thì khả năng điều trị không cao mà tốn kém.

Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn

Bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn cần được sơ cứu thích hợp, vận chuyển nhanh chóng và an toàn tới các khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc. Tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn. Đó là nguyên tắc đầu tiên được đưa ra trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân rắn lục xanh đuôi đỏ cắn mà Bộ Y tế vừa ban hành. Theo Bộ Y tế, khi bị rắn lục đuôi xanh đuôi đỏ cắn, người bệnh sẽ bị rối loạn đông máu và hậu quả là xuất huyết và thiếu máu tổ chức gây thiếu ôxy tổ chức. Chảy máu trong các khối cơ lớn có thể gây hội chứng khoang. Khi bị rắn lục cắn, chỉ vài phút sau tại vết cắn sẽ bị sưng nề nhanh, đau nhức nhiều kèm theo tại chỗ cắn máu chảy liên tục không tự cầm. Sau khoảng 6 giờ phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ. Có thể có bọng nước, xuất huyết trong bọng nước. Có thể nhiễm khuẩn tại chỗ, hội chứng khoang. Dấu hiệu toàn thân, người bệnh sẽ thấy chóng mặt, lo lắng ; có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu: tụt huyết áp, da đầu chi lạnh ẩm, lơ mơ, thiểu niệu, vô niệu. Có thể có sốc phản vệ do nọc rắn ; chảy máu tự phát tại chỗ, nơi tiêm truyền, chảy máu chân răng. Chảy máu trong cơ, chảy máu tiêu hóa, tiết niệu, chảy máu âm đạo, chảy máu phổi, não, thậm chí có thể ssuy thận cấp. Khi có người bị rắn lục cắn, cần sơ cứu trước khi chuyển bệnh nhân tới bệnh viện. Theo đó cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Sau đó, hãy băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, không garô động mạch. Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp. Đặc biệt người bệnh không chích rạch tại vết cắn. Ngay sau khi bệnh nhân bị cắn có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc rồi nhanh chóng chuyển người bệnh tới viện. Khi xác định được bệnh nhân có các dấu hiệu điển hình của rắn lục cắn bằng các xét nghiệm cận lâm sàng (cơ bản nhất là xét nghiệm đông máu 20 phút tại giường và xét nghiệm đông máu toàn bộ có rối loạn), cần nhanh chóng điều trị cho người bệnh theo phác đồ Bộ Y tế ban hành. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để phòng ngừa rắn độc cắn cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo…ở sân trước nhà, trồng xả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn có thể và nên áp dụng nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mắc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.

Lao động

Bài thuốc điều trị khối u hiệu quả của thày lang ngưới Sán Dìu

Hiện nay có rất nhiều loại bệnh về u, các khối u trong cơ thể thường có biến chứng rất nguy hiểm và khó điều trị. Nhưng nếu phát hiện sớm và được điều trị với bài thuốc đơn giản từ cây cỏ trên rừng của vị thầy lang người Sán Dìu thì hiệu quả khá cao.

Bài thuốc gia truyền hàng chục đời

Tình cờ, chúng tôi biết đến vị thầy lang người dân tộc Sán Dìu trong một chuyến công tác lên vùng Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ông tên là Lục Văn Hải, trú tại thôn Vi Sơn, xã Đông Sơn, người nắm giữ bí quyết về bài thuốc chữa trị các loại u nổi tiếng nhiều năm nay của núi rừng Yên Thế. Ngôi nhà của ông nằm khuất trong một quả đồi cuối xóm Vi Sơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Hải cho hay, bài thuốc trị các loại u của ông là bài thuốc gia truyền, không nhớ là được bao nhiêu đời vì cũng không có sổ sách chép lại. Ông chỉ biết rằng những cuốn sách ghi chép lại bài thuốc bằng chữ Hán của gia đình đã được chép đi chép lại thay thế nhiều lần vì giấy mục nát. Từ lúc nhỏ, ông nội của ông đã dùng đến quyển thứ 4, nếu tính ra thì cũng khoảng hàng chục đời chứ chẳng ít. Và ông Hải bắt đầu chữa trị thay bố mình từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bài thuốc của ông Hải điều trị chủ yếu các loại bệnh về khối u như u gan, u thận, dạ dày và các loại hạch. Bài thuốc hiệu quả hơn với loại u xơ tiền liệt tuyến.

Chữa trị giúp nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo

Bệnh nhân của ông Hải rất đông, do chữa trị đã nhiều đời nên người bệnh đến cắt thuốc có khi là quen mặt, có khi là những người trước kia từng được bố ông Hải chữa trị, giờ con cháu mắc bệnh vẫn tìm đến nhà ông để lấy thuốc. Ông không nhớ được hết tên tuổi người bệnh, nhưng có một số người ở gần nhà được ông chữa khỏi như bà Nguyễn Thị Sự (61 tuổi, nhà ở Cầu Đen, thị trấn kép, Lạng Giang, cách nhà ông vài cây số) bị ung thư gan. Bà Sự đến gặp ông khá muộn, khi u đã biến chứng. Lúc đó, cơ may chữa trị không nhiều vì khả năng chữa được cho những người bệnh ở giai đoạn này là rất khó, khi u đã bị biến chứng thì phải tùy thuộc xem thể chất từng người có hợp với vị thuốc của ông hay không. Rất may là bà Sự đã khỏi bệnh. Hiện nay, sau 20 năm điều trị, bà vẫn mạnh khỏe và thường xuyên đến nhà ông chơi. Một ca bệnh nữa là ông Đặng Văn Hùng (nhà ở ngã tư thị trấn Bảo Sơn, huyện Lục Nam) bị bệnh u thận. Sau khi uống thuốc của ông Hải được 20 ngày, đi siêu âm kết quả cho thấy khối u gần như biến mất. ông Hùng hiện vẫn đang tiếp tục uống thuốc của ông Hải. Được biết, chính bố của ông Hùng vài chục năm trước cũng đã từng chữa trị theo bài thuốc của ông Hải. Một trường hợp nữa mà ông Hải rất nhớ là một người đàn ông (ở Hà Nội) bị u xơ tiền liệt tuyến dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu nặng. Vì không muốn phẫu thuật cắt bỏ qua đường niệu đạo,  sức khỏe yếu rất dễ biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng, do vậy ông này đã tìm đến với ông Hải. Sau 1 tuần điều trị, khi kiểm tra lại ở bệnh viện, người nhà mang kết quả siêu âm đến và vui mừng thông báo với ông Hải là u xơ đã teo hoàn toàn. Còn anh Chu Văn Đông (ở huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) bị hạch ở cổ, uống thuốc của ông Hải được gần 2 tuần. Hôm nay, anh lên lấy tiếp 2 thang nữa về uống tiếp. Anh cũng vui mừng cho biết khối hạch đã teo nhỏ và không đau như trước nữa.

Khó khăn với việc kiếm thuốc

Bài thuốc gia truyền của ông Hải vốn được truyền cho mấy anh em ông Hải, nhưng chỉ có ông và một người chị gái đã lấy chồng và sinh sống ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là chịu khó bỏ công làm thuốc chữa bệnh. Theo ông Hải, bài thuốc chữa trị bệnh u này khá công phu, đòi hỏi phải tỉ mẩn trong giai đoạn bào chế thuốc. Để có được các vị thuốc, ngày trước ông phải đích thân đi lấy. Giờ già yếu rồi, ông cho cậu con trai út đi kiếm thuốc thay. Một số vị ông phải đặt mua ở các vùng rừng núi như Hữu Lũng, Lạng Sơn hoặc Quảng Ninh. Theo ông, tùy từng vùng rừng núi mới có các loại cây dùng trong bài thuốc nên ông phải mất công như vậy. Ngày trước ở vùng núi Yên Thế có đủ, nhưng bây giờ rừng núi bị người ta phá hết chẳng còn nữa. Cách chữa trị của ông Hải là cắt thuốc theo từng thang, các vị thuốc được cân đo đong đếm chính xác. Với các loại u dữ thì phải dùng 3 hình thức kết hợp là đun uống nước, dùng xoa, hơ nóng lá thuốc đắp. Còn với các loại u lành thì chỉ cần đun lấy nước uống là có thể điều trị được. Thuốc của ông có công hiệu rất nhanh, có người chỉ trong tuần đầu đã thấy tác dụng của thuốc. Chậm thì một tháng kiểm tra kết quả là biết được ngay. Bệnh u gan, u thận dùng bài thuốc gồm 15 vị, còn u xơ tiền liệt tuyến thì chỉ cần 6 vị là được. Các vị dùng trong điều trị u không giống nhau, tùy từng thời điểm mà tăng giảm. Khi dùng thuốc là phải kiêng các loại thức ăn giàu đạm khiến cho u phát triển nhanh chóng, đặc biệt là kiêng thịt chó, thịt ếch vì hai loại này tương khắc với bài thuốc của ông.

 

 

Ngày 19/12/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích