Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 9 5 3 0
Số người đang truy cập
1 0 3
 Tin tức - Sự kiện
Ảnh sưu tầm từ internet
Điểm tin y tế từ các báo ngày 3/12 đến 5/12 năm 2014

Kiểm tra việc quảng cáo phòng khám đa khoa thành bệnh viện đa khoa; Giám sát chặt chẽ các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng bệnh dịch hạch; Thúc đẩy nỗ lực chống dịch E-bô-la; Năm 2015 sẽ tiếp tục tăng viện phí; Bộ Y tế yêu cầu tập trung điều trị, không để người bị rắn độc cắn tử vong; Các trường không chuyên Tạm dừng mở mã ngành đào tạo y dược…

Nhân dân

Kiểm tra việc quảng cáo phòng khám đa khoa thành bệnh viện đa khoa

Ngày 2-12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương kiểm tra hoạt động của Phòng khám đa khoa Bảo Sơn (ở 52 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) sau khi có thông tin cơ sở này quảng cáo hoạt động theo hình thức bệnh viện đa khoa. Nếu có vi phạm cần có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng theo các quy định hiện hành về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cục cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh và quảng cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Giám sát chặt chẽ các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng bệnh dịch hạch

Chiều 2-12, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết: Kể từ năm 2003 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh dịch hạch trên người. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch hạch có thể xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Để chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch, Bộ Y tế đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch hạch; tiến hành giám sát chặt chẽ dịch tễ học dịch hạch hằng năm tại một số tỉnh, vùng có nguy cơ (như các tỉnh, vùng dịch lưu hành cũ)... Tổ chức kiểm dịch đối với các phương tiện vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ tại các cửa khẩu quốc tế lớn; một số các cửa khẩu đường bộ biên giới với các nước đang lưu hành bệnh dịch hạch trên người và động vật, có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam... Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo về dịch hạch xảy ra tại Ma-đa-ga-xca và tính đến ngày 16-11, đã ghi nhận 119 trường hợp mắc, trong đó có 40 trường hợp tử vong (chỉ 2% số ca bệnh là thể phổi). Ngoài ra, tại các nước Trung Quốc, Mỹ cũng ghi nhận một số trường hợp mắc liên quan đến căn bệnh nêu trên.

Thúc đẩy nỗ lực chống dịch E-bô-la

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 2-12, phát biểu ý kiến tại Viện Y tế quốc gia ở Be-thơ-đa, bang Me-ri-len, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua quỹ hỗ trợ trị giá 6,18 tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch E-bô-la đang hoành hành tại Tây Phi, đồng thời cảnh báo cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này sẽ gặp khó khăn nếu thiếu hụt tài chính. Người đứng đầu Nhà trắng cho biết, dịch E-bô-la cần được dập tắt hoàn toàn và cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của vi-rút chết người này đòi hỏi thêm hỗ trợ về tài chính; nhấn mạnh Mỹ phải tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và giúp các nước, như Ghi-nê, Li-bê-ri-a và Xi-ê-ra Lê-ôn xây dựng hệ thống y tế công cộng tốt hơn để thế giới có thể đối phó dịch bệnh bùng phát trong tương lai. Số tiền gần 6,2 tỷ USD trong quỹ hỗ trợ khẩn cấp này sẽ phân bổ hai tỷ USD cho Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ, 2,4 tỷ USD cho Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh và hơn 1,5 tỷ USD cho một quỹ ứng phó khẩn cấp. * Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC) đã chỉ định 35 bệnh viện trên toàn quốc là nơi điều trị bệnh nhân nhiễm vi-rút E-bô-la. Theo thông cáo của CDC, động thái này là bước chuẩn bị để đối phó với mọi trường hợp lây nhiễm vi-rút E-bô-la mới tại Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh này lây lan mạnh tại khu vực Tây Phi. Trước đó, CDC đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa vi-rút E-bô-la lây lan sau khi hai nữ y tá tại một bệnh viện ở thành phố Ða-lát, bang Tếch-dát đã lây nhiễm vi-rút này trong quá trình điều trị bệnh nhân người Li-bê-ri-a T.Ðun-can hồi tháng 10 vừa qua. * Tình hình sức khỏe của bác sĩ bị nhiễm vi-rút E-bô-la tại I-ta-li-a đã trở nên xấu đi từ đêm 1-12 và ngày 2-12, sau khi thân nhiệt giảm xuống do tiêm vắc-xin thử nghiệm ở một bệnh viện tại Rô-ma. Các bác sĩ của Bệnh viện Span-lan-di, nơi đang điều trị cho bệnh nhân này cho biết, sức khỏe của bệnh nhân đã "xấu đi" so với tuần trước. Do đó, bệnh viện sẽ điều trị cho bệnh nhân này bằng một loại thuốc chống E-bô-la thử nghiệm được nhập từ nước ngoài, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). * Theo thống kê mới nhất của WHO, số ca lây nhiễm vi-rút E-bô-la đã vượt quá 17.000 trường hợp, phần lớn tập trung tại các nước Ghi-nê, Li-bê-ri-a và Xi-ê-ra Lê-ôn. Trong số bệnh nhân lây nhiễm này, có hơn 6.000 người tử vong. * Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, dịch E-bô-la tiếp tục ảnh hưởng xấu tới kinh tế các nước Ghi-nê, Li-bê-ri-a và Xi-ê-ra Lê-ôn, khiến tăng trưởng kinh tế ở các nước này giảm sút. WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn và Ghi-nê tương ứng đạt 2,2%, 4% và 0,5%, thấp hơn so với mức dự báo 2,5%, 8% và 2,4% hồi tháng 10 vừa qua. * Chủ tịch WB Gim I-âng Kim đã đến Gha-na bắt đầu chuyến thăm bốn nước khu vực Tây Phi. Sau khi kết thúc thăm Gha-na, ông Gim I-âng Kim sẽ thăm Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn và Ghi-nê, nơi dịch E-bô-la đang hoành hành. Theo kế hoạch, Chủ tịch WB sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp các nước Tây Phi, thảo luận về các tác động, ảnh hưởng của dịch E-bô-la đối với phát triển kinh tế và biện pháp đối phó dịch bệnh này.

Nông thôn Ngày nay, Thanh niên

Năm 2015 sẽ tiếp tục tăng viện phí

Theo lộ trình, giai đoạn 2014 - 2015, các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc miền núi và Tây Nguyên sẽ tăng viện phí để “bù” lại 30% tiền lương của cán bộ công nhân viên bệnh viện, còn các bệnh viện tuyến T.Ư, tỉnh, thành phố sẽ cộng thêm 50% lương. Ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo lộ trình 2014 - 2015, các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc miền núi và Tây Nguyên sẽ tăng viện phí để “bù” lại 30% tiền lương của cán bộ công nhân viên bệnh viện, còn các bệnh viện tuyến T.Ư, tỉnh, thành phố sẽ cộng thêm 50% lương. Những nội dung này nằm trong Nghị định 85 nhằm điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh của Bộ Y tế. Bộ Y tế xây dựng định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật làm căn cứ cho liên Bộ Y tế - Tài chính quy định mức chi phí chi trả chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật...

Thanh niên

Điều tra vụ 2 bé trai nguy kịch nghi bị tiêm thuốc diệt cỏ

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM đang điều trị cho 2 bệnh nhi bị nhiễm thuốc diệt cỏ paraquat, trong đó có một bé tình trạng rất nguy kịch. Đó là hai anh em Huỳnh Văn Quốc (7 tuổi) và Huỳnh Quốc Em (2 tuổi). Cả hai là con của anh Huỳnh Văn Bảo (33 tuổi, ngụ P.Núi Sam, TP.Châu Đốc, An Giang) và chị Nguyễn Thị Bé Đào (25 tuổi, ngụ thị trấn Ngãi Giao, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Chiều qua, Công an thị trấn Ngãi Giao (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đến Trung tâm y tế H.Châu Đức gặp chị Đào đang điều trị sốt tại đây, và hỏi chị có tiêm thuốc gì vào tay hai con mình hay không, chị Đào trả lời “không có”. Vụ việc đang được công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Sức khỏe & đời sống

Bộ Y tế yêu cầu tập trung điều trị, không để người bị rắn độc cắn tử vong

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế ; Y tế các Bộ, ngành về việc điều trị rắn độc cắn. Công văn nêu rõ, trong thời gian qua, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đăng tải nhiều thông tin về việc rắn độc, đặc biệt là về rắn lục đuôi đỏ cắn người, có trường hợp tử vong, gây xôn xao và hoang mang trong một số bộ phận dân chúng tại một số địa phương. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nhiều loại rắn độc cắn người có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng và kịp thời, vì vậy trong chương trình giảng dạy, đào tạo cho cán bộ y tế từ điều dưỡng, y sỹ, bác sĩ đều có các bài giảng về sơ cứu, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, đặc biệt những trường hợp bệnh nhân nặng do rắn độc cắn phải được cấp cứu chuyên sâu. Những nội dung này được các trường đại học y, y dược đào tạo giảng dạy cho các bác sĩ sau đại học về hồi sức cấp cứu, chống độc (bác sĩ định hướng, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II) và các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Trung ương Huế, Chợ Rẫy… là các cơ sở thực hành rất tốt vì hàng năm đã cấp cứu, điều trị cứu sống hàng chục ca bệnh rất nặng do rắn độc cắn.

Các trường không chuyên Tạm dừng mở mã ngành đào tạo y dược

Thông tin từ Bộ GD và ĐT cho biết, Bộ GD và ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành y đa khoa, răng hàm mặt... Thông tin từ Bộ GD và ĐT cho biết, Bộ GD và ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược.

Chỉ tiêu lớn, kinh nghiệm ít

Theo ước tính của Bộ Y tế, đến năm 2015, nhu cầu nhân lực y tế Việt Nam cần tới 444.500 người. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành y tế, thời gian qua ngành y tế đã triển khai nhiều loại mô hình đào tạo, phương thức đào tạo. Các trường công lập đều tăng quy mô đào tạo. Trường tư cũng không bỏ qua “mảnh đất” màu mỡ này và nhanh chóng nhập cuộc. Thống kê của Bộ Y tế cho biết, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ ĐH, 74 trường CĐ và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có đến 13 trường đào tạo lĩnh vực y dược, trong đó có 11 trường ngoài công lập. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, đào tạo nhân lực y tế có tính đặc thù, trong quá trình đào tạo yêu cầu rất cao việc gắn trường với cơ sở thực hành. Điều này ở các trường công lập vẫn được đảm bảo nhưng ở trường ngoài công lập rất đáng lo ngại. Theo ông Lợi, trong thời gian qua có nhiều trường ngoài công lập đa ngành mở thêm ngành y với chất lượng không đảm bảo. Điều này thể hiện ở việc cơ sở thực hành quá xa. Các bệnh viện đủ điều kiện thực hành cũng phải có tiêu chí nhất định. Hiện có nơi không đủ điều kiện để trở thành điểm thực hành của sinh viên. Nhiều trường có chỉ tiêu đào tạo lớn trong khi số năm kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực này của trường rất thấp, số giảng viên cũng ít.

Vì mục tiêu đổi mới căn bản đào tạo nhân lực lĩnh vực khoa học sức khỏe

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc tạm dừng mở ngành với một loạt ngành đào tạo y dược được hai bộ thống nhất nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành rà soát và đánh giá hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc về đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực y tế. Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế xem xét nhu cầu nhân lực thực tế, thẩm định các điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo trước khi quyết định cho mở ngành tại các cơ sở đào tạo ĐH không chuyên ngành y dược. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải xác định chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế theo số giảng viên cơ hữu quy đổi của từng ngành (chứ không phải dựa trên đội ngũ toàn trường để quy đổi chung với các ngành khác) và các điều kiện đã được quy định để bảo đảm chất lượng.

Tiền phong

Vụ bác sĩ làm sai, bệnh nhi tử vong: Chuyển sang làm hành chính một năm

Quyền GĐ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, bác sĩ Trần Văn Dễ cho biết, đã quyết định không cho bác sĩ Trần Hương Giang khám bệnh nhi một năm, chuyển sang bộ phận hành chính làm việc. Hội đồng chuyên môm của bệnh viện đã kết luận, bác sĩ Giang sai hoàn toàn khi khám cho cháu Võ Thị Minh Châu (sinh ngày 7/7/2011) vào rạng sáng ngày 26/11 trong tình trạng sốt cao vì nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhưng lại cho về nhà để cháu sau đó tử vong…

Giải cứu người nghiện ma túy

Hiện trên cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy. Điện Biên là một trong những tỉnh có số người nghiện ma túy cao nhất cả nước. Điều đáng nói, tỷ lệ người nghiện nhiều nhưng số cơ sở điều trị Methadone thay thế ma túy lại rất hạn chế. Hơn một năm nay, cứ 6 giờ sáng, Giàng A Sùng (26 tuổi, bản Nà Dung, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) đều đặn đi xe máy vượt quãng đường hơn 35 km đến điểm uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà. Đường khó đi, trời mưa lạnh hay nắng bỏng lưng Giàng A Sùng đều cố gắng không bỏ buổi uống thuốc nào. Nghiện ma túy vài năm nay, không biết bao lần Sùng khiến cả gia đình khổ sở vì trong nhà có gì cũng bị cậu vác đi bán lấy tiền mua ma túy. Khi chương trình điều trị Methadone triển khai tại tỉnh Điện Biên, Sùng may mắn được tham gia, mỗi lần được uống 50ml thuốc. Hơn một năm dùng Methadone, từ một người với thân hình gầy gò chừng 50 cân, giờ Sùng đã tăng được 10 cân, sức khỏe ổn định. Chúng tôi gặp Đặng Văn Quý (33 tuổi, khối 5, thị trấn Mường Ẳng, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) khi anh đến uống thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế huyện. Quý kể, đã nghiện ma túy hơn 10 năm từ khi còn làm lái xe chở vật liệu xây dựng quanh địa bàn tỉnh. Đói ma túy, Quý phải bán xe ô tô để có tiền mua. Cả hai lần cai nghiện tại Trung tâm 06 đều không thành công vì bị tái nghiện chỉ sau thời gian ngắn. Quý được hàng xóm mách nước cai nghiện bằng thuốc Methadone từ năm 2012. Gần 2 năm dùng thuốc Methadone đều đặn, Quý không còn cảm giác thèm ma túy, tinh thần thoải mái và mặc cảm với mọi người cũng vơi dần. Quý chia sẻ: “Uống Methadone tôi bị giảm cân do nóng trong người, táo bón nhưng cảm thấy người khỏe hơn. Trước đây mỗi ngày tôi tốn khoảng 300 nghìn để mua ma túy, nay được uống Methadone miễn phí”. Thống kê của ngành y tế Điện Biên cho thấy, đến tháng 10/2014, Điện Biên có 5 cơ sở điều trị Methadone đang điều trị cho 1.438 người. Chương trình được đánh giá có hiệu quả rất lớn về kinh tế- xã hội và dự phòng lây nhiễm HIV; góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.

Khó tiếp cận

Theo báo cáo của Mạng lưới của người sử dụng ma túy tại Việt Nam (VNPUT), 90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị Methadone. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chương trình được viện trợ 100%, hiện đang bị cắt giảm nhanh và sẽ kết thúc trong 1 – 2 năm tới. Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, năm 2014, ngân sách trung ương cắt giảm 70% so với năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở thiếu kinh phí, không muốn nhận thêm bệnh nhân. Nhiều địa phương không có tiền mở thêm cơ sở mới hoặc có sơ sở nhưng lại vắng bệnh nhân, gây lãng phí; đội ngũ nhân viên y tế không tha thiết với công tác này. Y sĩ Vũ Thị Châu Lai, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Na San (huyện Na San, tỉnh Điện Biên) cho biết, Điện Biên là địa phương có nhiều bản nằm heo hút xa trung tâm y tế huyện nên việc đi lại để uống Methadone rất khó khăn với nhiều người nghiện ma túy. Không ít người nghiện phải đi đến điểm uống thuốc tại huyện cách nhà tới 45-50km. Việc triển khai các cơ sở điều trị Methadone tại xã còn rất xa mới thành hiện thực. Ông Long cho biết thêm, kinh phí cho một ca điều trị Methadone là từ 20.000-25.000 đồng/ngày/người. Trong đó, tiền thuốc là 7.000-8.000 đồng. Hiện, ngành y tế đang tính mở rộng xã hội hóa chương trình điều trị bằng thuốc Methadone. Theo đó, dự kiến thu 10.000 đồng/người/ngày. Để chương trình đạt hiệu quả hơn, ông Long cho rằng cần rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục để đưa người nghiện vào điều trị; xây dựng mô hình điểm cấp phát thuốc tại các trạm y tế xã, nhất là khu vực miền núi; cũng như có thể sản xuất thuốc trong nước. Phần lớn những người đang điều trị bằng Methadone cho biết, sẵn sàng đóng góp 10.000 đồng/ngày để được uống Methadone lâu dài thay vì quay trở lại với ma túy.

Hôm nay, xét xử vụ thẩm mỹ viện Cát Tường

Hôm nay (4/12), TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường. Theo đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội, nguyên Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị truy tố về hai tội: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Bị cáo Đào Quang Khánh (SN 1996, bảo vệ của Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị truy tố về 2 tội danh “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và tội “Trộm cắp tài sản”. Đáng chú ý, trong bản cáo trạng lần hai, bị cáo Tường sẽ bị đề nghị tăng hình phạt (từ khoản 2 sang khoản 3 Điều 242 Bộ luật Hình sự về tội danh Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Theo đó, bị cáo Tường sẽ phải đối mặt bản án cao nhất đến 20 năm tù.

An ninh thủ đô

Thức ăn chế biến sẵn sẽ phải dán nhãn công bố lượng calo

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc về gánh nặng suy dinh dưỡng diễn ra ngày 2-12, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi còn cao (chiếm 26%), trong khi tỷ lệ thừa cân béo phì đã chiếm trên 6% và đang có xu hướng tăng nhanh. Để giải quyết được bài toán này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị các cơ quan liên quan nên tiến tới nghiên cứu phương pháp dán nhãn công bố lượng calo cho thức ăn chế biến sẵn tại các quán ăn, nhà hàng nhằm giúp người dân kiểm soát được lượng calo nạp vào cơ thể, từ đó có chế độ ăn uống hợp lý. Đồng thời thiết lập hệ thống cộng tác viên tuyên truyền trong cộng đồng để người dân có thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng.

Nghiêm cấm kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc

Ngày 4-12, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, Cục ATTP nhận được phản ánh tại một số bệnh viện có hiện tượng bác sĩ kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc.  Trong khi đó, Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đã quy định rõ, không được kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. Vì vậy, Cục ATTP đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện và người kê đơn thuốc không kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc cho bệnh nhân, nếu phát hiện, phải xử lý nghiêm theo quy định.

Hà Nội phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số

Sáng 4-12, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Tại lễ phát động, TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, số sinh con thứ 3 trở lên và các chỉ tiêu khác về dân số trên địa bàn Hà Nội đều đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao. Tuy vậy, mức sinh vẫn biến động khó lường, trong đó xuất hiện tình trạng mức sinh giảm mạnh, tỷ lệ các cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con gia tăng dẫn đến dân số suy giảm, thu hẹp giai đoạn cơ cấu dân số vàng và đẩy nhanh quá trình già hóa dân số. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, trong tháng hành động năm nay, Hà Nội sẽ đổi mới công tác truyền thông, giáo dục phổ biến chính sách về dân số

Bệnh dịch hạch có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh thông thường

Ngày 4-12, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh dịch hạch có thể được điều trị khỏi bằng các loại kháng sinh thông thường và sẵn có như Streptomycin, Chloramphenicol, Tetracycline, Sulfonamide. Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết: Song song với việc điều trị bằng kháng sinh, người bệnh cần phải điều trị triệu chứng chống nhiễm độc thần kinh, chống rối loạn thần kinh nội tiết, rối loạn đông máu, rối loạn cân bằng kiềm toan, nhất là trong các trường hợp bệnh nặng. Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Người mắc bệnh dịch hạch có triệu chứng khởi phát đột ngột như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và sốt cao từ 39 đến 40 độ C, hoại tử các mô và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong. Có nhiều thể lâm sàng nhưng phổ biến nhất là dịch hạch thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh). Thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết và thể màng não rất ít gặp, thường là thể thứ phát sau thể hạch. Dịch hạch thể phổi là thể nguy hiểm nhất vì tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong rất cao và thường xảy ra ở người trên 15 tuổi. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trước đây biện pháp phòng, chống dịch hạch có thể được thực hiện theo cách gây miễn dịch bằng vaccine. Tuy nhiên, hiệu lực của vaccine thấp, thời gian miễn dịch ngắn và không phòng được dịch hạch thể phổi. Vì vậy việc phòng, chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ và vi sinh vật, phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân dịch hạch, điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh, trong đó diệt chuột và diệt bọ chét là một biện pháp rất quan trọng. Trước tình hình bệnh dịch hạch đang diễn ra phức tạp tại Madagascar và một số nước, mặc dù chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại hay thương mại, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng nhiều nước cần giám sát các chỉ số nguy cơ về dịch tễ học để phòng bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý tránh chuột chui rúc và làm tổ. Khi thấy nhiều chuột chết bất thường, người dân phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất; không diệt chuột khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người. Khi có các biểu hiện nghi dịch hạch (sốt, nổi hạch…), người dân phải đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời

Tuổi trẻ

Khởi công xây dựng 5 bệnh viện lớn

Ngày 2-12, ông Nguyễn Nam Liên-vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết trong tháng 12 sẽ có bốn bệnh viện lớn với quy mô 1.000 giường/ bệnh viện cùng một bệnh viện 500 giường sẽ được khởi công xây dựng. Đây là cơ sở 2 của các bệnh viện đang quá tải gồm: Bạch Mai, Việt Đức (Hà Nội)… Trong đó ngay đầu tháng 12, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai sẽ được khởi công xây dựng tại tỉnh Hà Nam với quy mô 1.000 giường/ bệnh viện. Ba bệnh viện còn lại sẽ được xây dựng tại TP.HCM…

Vụ “Bệnh viện mới xây đã tan nát”: Sửa xong trong tháng 12

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 30-11 đăng bài “Bệnh viện mới xây đã tan nát” phản ánh tình trạng hư hỏng nặng nề của Bệnh viện huyện Hàm Tân (Bình Thuận) đã kiểm tra việc sửa chữa tại bệnh viện này. Theo đó, những nơi nền gạch phồng lên đã được công nhân nạy lên thay mới, tường và trần nhà nứt, thấm nước được trát lại. Ông Nguyễn Quốc Việt, phó giám đốc phụ trách sở Y tế Bình Thuận, cho biết trong tháng 12 sẽ sửa xong những phần hư hỏng của bệnh viện.

Tạm dừng mở một số ngành đào tạo nhân lực y tế bậc đại học

Nhằm bảo đảm chất lượng tay nghề của đội ngũ thầy thuốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng cho mở ngành đào tạo trình độ đại học một số ngành như Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền của các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược. Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát và đánh giá hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc và đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực y tế. Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế xem xét nhu cầu nhân lực thực tế, thẩm định các điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo trước khi quyết định cho mở ngành tại các cơ sở đào tạo không chuyên ngành Y Dược.

Một em bé nghi bị tiêm thuốc diệt cỏ đã tử vong

Khoảng 12g ngày 3-12,bé H.Q, E., 2 tuổi rưỡi, một trong hai bé nghi bị tiêm thuốc diệt cỏ đã tử vong. TS. BS Phạm Văn Quang, phó khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết khoảng 12g ngày 3-12,bé H.Q, E., 2 tuổi rưỡi, một trong hai bé nghi bị tiêm thuốc diệt cỏ đã tử vong. Nguyên nhân bé E. tử vong là do bé bị xơ phổi dẫn đến suy hô hấp. Hiện bé H.V.Q. đang được các bác sĩ điều trị tích cực để ngăn chặn tiến trình xơ phổi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Quang, dù tình trạng bệnh của bé Q. nhẹ hơn bé E. vì không phải thở máy nhưng cũng phải theo dõi vài tuần nữa mới biết có cứu sống được bé hay không. Như Tuổi trẻ đã đưa tin, ngày 22-11, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận hai bé từ Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang chuyển lên với chẩn đoán viêm gan cấp. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ ghi nhận hai bé bịtổn thương gan cấp nhưng lạ một điều triệu chứng lại giống hệt nhau. Những ngày sau, hai bé cùng bị suy hô hấp, chụp CT phổi thấy xơ phổi, bác sĩ hỏi thêm thông tin từ người nhà bệnh nhi nên nghi ngờ hai bé bị ngộ độc hóa chất. Các bác sĩ đã lấy mẫu máu, nước tiểu của hai bé gửi sang Trung tâm Giám định pháp y TPthì phát hiện có chất diệt cỏ (Paraquat) trong máu. Theo lời người nhà bệnh nhi kể lại trước khi nhập viện hai bé đã bị chích loại hóa chất này vào người. Trên người hai bé, các bác sĩ cũng thấy ở vai, mông có vết chích bị hoại tử, phù hợp với lời khai của gia đình bệnh nhi.

Đào tạo 1.200 bác sĩ nội tiết - đái tháo đường

Hiện nay, Việt Nam có 5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, nhưng chỉ có 33,4% số người được chẩn đoán, và trong số đó, có 56,3% số bệnh nhân chưa được điều trị, đồng thời tỉ lệ bệnh tăng nhanh (trung bình là 5,5% trên toàn quốc). Con số này đưa Việt Nam rơi vào danh sách những nước có số người bị bệnh đái tháo đường cao nhất trong khu vực. Trước thực trạng trên, ngày 3.12, tại Hà Nội, Tập đoàn Sanofi (hãng chăm sóc sức khỏe) phối hợp với Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ và Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo quốc tế về đái tháo đường (iSTEP-D). Sự hợp tác này thể hiện cam kết của Sanofi và các chuyên gia trên toàn thế giới trong việc chung tay phòng, chống bệnh đái tháo đường và cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân. Chương trình đào tạo đã đi qua 2 giai đoạn với các lớp học chỉ dành riêng cho bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Giai đoạn 3 của iSTEP-D sẽ được triển khai trên quy mô mở rộng toàn quốc với 20 khóa đào tạo cơ bản và 20 khóa nâng cao, học viên tham gia là những bác sĩ đa khoa. Theo đó, sẽ có 1.200 bác sĩ đa khoa tại các bệnh viện trên toàn quốc được trang bị, cập nhật những kiến thức trong việc chẩn đoán và điều trị đái tháo đường theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ. Các khóa học sẽ được lần lượt tổ chức tại 5 trung tâm đào tạo của 3 thành phố Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh. GS-TS-BS Thái Hồng Quang – Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam – cho biết: “Việc tổ chức các lớp đào tạo về đái tháo đường tại Việt Nam mang tính cấp thiết, kịp thời trước thực trạng chẩn đoán, điều trị đái tháo đường chưa được thống nhất. Chúng ta cần hành động ngay để có thể kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, đặc biệt là giai đoạn sớm. Việc tăng nhận thức về bệnh và đào tạo chuyên sâu hơn cho đội ngũ bác sĩ tại Việt Nam là yếu tố quan trọng để thành công”.

Công an Nhân dân

Phẫu thuật thành công khối u nặng 12kg

Ngày 3-12, Bệnh viện (BV) Ung Bướu Hà Nội đã tiến hành ca phẫu thuật cắt bỏ khối u xơ khổng lồ tồn tại suốt 10 năm ở phần mông trái của bệnh nhân Hà Thị Quý (39 tuổi ở Thanh Hóa). Sau 6 giờ đồng hồ, ca mổ kết thúc thành công, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt và khối u khi lấy ra khỏi cơ thể nặng khoảng 12kg. Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp BV Lê Văn Thành cho biết, đây là ca mổ khối u phần mềm chưa từng gặp từ trước đến nay. Dựa theo các chẩn đoán cộng hưởng, chụp citi 64 dãy, khối u này có khả năng là u xơ thần kinh Neurofibroma, có gốc từ tiểu khung (phần thấp ở ổ bụng nơi chứa trực tràng, tử cung, bàng quang) đi qua đáy chậu chui ra ngoài tầng sinh môn, phần mông trái. Do đó, chiến thuật điều trị khối u này phải qua ba lần mổ vì vị trí giải phẫu phức tạp.

 

Ngày 08/12/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích