Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 0 1 8 2
Số người đang truy cập
3 2 3
 Tin tức - Sự kiện
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm bệnh nhân đang chờ khám tại BV Nội tiết TW Ảnh Trần Minh-suckhoedoisong.vn
Điểm báo về các thông tin liên quan đến y tế ngày 14/7 và 15/7 năm 2014

Lao động

Thừa Thiên- Huế: Trộm đột nhập phòng làm việc của giám đốc sở y tế

Ngày 13.7, CA tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trộm đã đột nhập phòng làm việc của Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Huế. Cụ thể, vào sáng ngày 10.7, phát hiện phòng làm việc của ông Nguyễn Dung – Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên – Huế - bị trộm đột nhập qua đường cửa sổ. Do ông Dung đang đi công tác nên chưa xác định được tài sản, tài liệu gì đã bị mất trộm. Ngoài ra, tại Sở này, trộm cũng đã cạy khuy khóa cửa đột nhập vào Phòng Kế hoạch tài vụ lục tìm tài sản, nhưng không lấy tài sản gì. Trước đó, vào các ngày 6 và 7.7, phòng làm việc của các ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch và Ngô Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Huế – cũng đã bị trộm đột nhập. Cơ quan CA xác định, phòng làm việc của ông Thành, ông Tuấn không mất tài sản, tài liệu. Trước tình hình này, CA tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát đi thông báo gửi các Sở, ban, ngành, đoàn thể… trên địa bàn biết tình hình nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác.

Truy tìm chất gây ung thư có trong đồ ăn nhanh

Cục An toàn Thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế vừa đề nghị Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia triển khai gấp việc lấy ngẫu nhiên 3 mẫu sản phẩm khoai tây rán tại các cửa hàng thuộc hệ thống của KFC và 3 mẫu sản phẩm bim bim đang lưu thông trên thị trường để xét nghiệm nhằm phát hiện những chất gây ung thư dễ có trong thực phẩm, rán. Động thái này được đưa ra bởi mới đây, Cục ATTP đã nhận được thông tin từ Cơ quan ATTP châu Âu (EFSA) về việc phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em. Cục ATTP cũng đề nghị việc lấy mẫu, xét nghiệm nói trên phải hoàn tất nhanh chóng và gửi báo cáo kết quả về Cục trước ngày 21-7.

Bộ Y tế chấn chỉnh quản lý trong cấp giấy khám sức khỏe

Trước việc dư luận phản ánh về tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe vi phạm qui định tại BV Hà Tây và một số BV khác ở Hà Nội, ngày 14/7, bà Phạm Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết: Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Tổng cục An ninh (Bộ Công an) phối hợp kiểm tra việc cấp giấy phép khám sức khỏe. Đồng thời, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Giám đốc các BV về việc quản lý công tác khám sức khỏe, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, thanh tra hoạt động này; quản lý chặt việc đóng dấu, cấp giấy khám sức khỏe ở đơn vị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp giấy khám sức khỏe này.

Thanh niên

Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển

Ngày 13.7, Hội Thầy thuốc trẻ VN phối hợp Viện Y học biển, Công ty dược phẩm Nhất Nhất, Hội LHTN Công ty CP chăn nuôi CP VN, Hội LHTN tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình “Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển” tại xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam). Đây là hoạt động hưởng ứng chương trình “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển” của Bộ Y tế và chương trình “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi” của Trung ương Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên phát động. Tại chương trình, các bác sĩ tập huấn, trang bị cho 100 ngư dân các kỹ năng cơ bản về xử lý cấp cứu ban đầu trên biển, giúp ngư dân tự chăm sóc sức khỏe bản thân và trợ giúp các bạn nghề bị ốm đau hoặc tai nạn trên biển. Bên cạnh đó, ban tổ chức tặng 100 tủ thuốc và dụng cụ y tế cấp cứu ban đầu cho các tàu của ngư dân với trị giá hơn 200 triệu đồng; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 ngư dân H.Núi Thành trị giá hơn 50 triệu đồng. Trước đó, chương trình đã diễn ra tại tỉnh Bình Định. “Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển” sẽ tiếp diễn tại Thanh Hóa, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Cây đinh dài 3 cm trong bụng bé 3 tuổi

Chiều 14.7, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân nhỏ tuổi có dị vật trong bụng. Trước đó, vào sáng cùng ngày, người nhà đã đưa một bé trai 3 tuổi (trú xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) vào bệnh viện này cấp cứu. Qua thăm khám, chụp phim, các bác sĩ đã phát hiện một chiếc đinh vít xoắn dài khoảng 3 cm nằm trong ổ bụng cháu bé. Theo người nhà cháu bé, chiếc đinh này đã trôi tuột vào cổ họng của cháu sau khi cháu nhặt được ở nền nhà và bỏ vào miệng ngậm. May mắn cho cháu là chiếc đinh vít lọt vào thực quản xuống ruột nên không nguy hiểm đến tính mạng, không phải phẫu thuật mà chỉ cần theo dõi đồng xu ra ngoài theo đường tiêu hóa.

Sức khỏe & Đời sống

Bộ trưởng kiểm tra công tác giảm tải ở BV K và BV Nội tiết TW: Giảm thủ tục, tránh phiền hà cho người dân

BV K và BV Nội tiết TW cần thực hiện tốt công tác điều trị ngoại trú, hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân, giảm bớt thủ tục, tránh để bệnh nhân phải đi lại nhiều lần gây tốn kém và phiền hà. Bên cạnh tăng cường các BV vệ tinh, cả hai BV cần thực hiện tốt công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các BV vệ tinh, BV tuyến dưới góp phần giảm tải cho tuyến trên... Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm và làm việc tại BV K (cơ sở Tân Triều) và BV Nội tiết TW (cơ sở mới Tứ Hiệp) ngày 11/7 nhằm đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Đề án giảm tải.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm bệnh nhân đang chờ khám tại BV Nội tiết TW Ảnh Trần Minh 

Niềm vui bước đầu

Từng bị xếp ở tốp đầu các BV bị người dân kêu ca nhiều nhất, thế nhưng đến nay, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, BV K cơ sở 3 tại Tân Triều đã có nhiều thay đổi. Người bệnh đã được chờ đợi, khám và điều trị trong khuôn viên rộng rãi, thoải mái hơn. TS. Bùi Diệu, Giám đốc BV K cho biết, nếu như tại cơ sở 1 của BV K ở phố Quán Sứ trước đây, tình trạng người bệnh phải nằm ghép 3 - 4 người/giường rất phổ biến thì từ khi cơ sở 3 tại Tân Triều đi vào hoạt động, với nhiều cải tiến mới như đẩy mạnh điều trị ngoại trú, giảm số bệnh nhân nội trú, mở rộng, sắp xếp, bố trí khoa khám bệnh hợp lý, tăng bàn phát số, tăng cường công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến... BV đã giảm được gần 70% số người bệnh nằm ghép giường; quy trình KCB chỉ còn 5 bước thay cho 9 - 10 bước như trước đây...Tương tự, khi BV Nội tiết TW cơ sở 2 đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 đến nay, đa số người bệnh đến BV này đã được nằm mỗi người một giường, buồng bệnh sạch sẽ, một số khoa đã có buồng bệnh có phòng vệ sinh khép kín. Đặc biệt, khu vực khám bệnh được bổ sung trang thiết bị (ghế ngồi chờ, quạt, điều hòa, bảng chỉ dẫn...); phòng khám bệnh, bàn khám được tăng thêm. Hiện, tỷ lệ giường bệnh có người bệnh nằm ghép/tổng số giường bệnh thực tế là 6 - 7% (trước đây tỷ lệ này là 60 - 70%, giảm khoảng 10 lần). Ở khu vực khám bệnh, thời gian khám lâm sàng đơn thuần từ 15 - 20 phút, khám lâm sàng có thêm 1 kỹ thuật xét nghiệm từ 40 - 60 phút. Thời gian chờ khám trung bình/người bệnh từ khi lấy số, khám xong và ra về hết 2 - 3 giờ (do đặc thù bệnh nội tiết - chuyển hóa nên người bệnh thường phải làm 2 - 3 kỹ thuật trở lên), rút ngắn khoảng 1 giờ.

Thủ tục phải đơn giản hơn...

Tại cả 2 BV này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đều đánh giá rất cao nỗ lực của BV trong việc giảm tải. “Tôi từng đến thăm cơ sở 1 của BV K, thấy 4 người bệnh được xếp chung một giường, 2 người nằm truyền hóa chất, 2 người ngồi đợi. Chỗ chật chội, bệnh nhân quá đông, chỉ đứng 5 - 10 phút đã thấy thiếu ôxy trầm trọng. Còn hiện giờ tại cơ sở 3, bệnh nhân đã được dễ thở hơn, thoải mái hơn khi đến KCB ngay từ khâu đón tiếp, không còn phải ngồi truyền hóa chất nữa” - Bộ trưởng chia sẻ. Cũng trong khi đi thực tế kiểm tra về quy trình KCB tại các BV, khi được hỏi về thủ tục KCB có thuận tiện hay không và thái độ phục vụ của nhân viên y tế ra sao, nhiều bệnh nhân đã khen ngợi về việc giảm tải nhưng cũng có bệnh nhân phản ánh thẳng thắn với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về những phiền hà mà họ gặp phải trong thủ tục nhập viện, ra viện... Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, mặc dù ngành y tế đang nỗ lực rút ngắn các quy trình KCB để góp phần giảm tải, nhưng trên thực tế tại một số BV lại nảy sinh những quy định “tự phát”, tự vẽ thêm nhiều thủ tục. Điều này khiến người bệnh vừa mất thời gian chờ đợi vừa phát sinh thêm chi phí khác không đáng có. Chẳng hạn như việc một số BV bắt người bệnh khám BHYT phải tự photo giấy chuyển viện và thẻ BHYT khi KCB. Những quy định như thế gây phiền hà và làm phức tạp thêm cho người dân. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế cũng đề nghị BHXH bỏ quy trình photo thẻ BHYT, giấy chuyển viện. “Đã có mã thẻ, đã có giấy chuyển viện, người điều dưỡng khi ghi sổ chỉ cần ký, xác nhận và chịu trách nhiệm toàn bộ về ghi mã BHYT sao lại bắt người dân lích kích đi photo. Điều đó là phiền hà và không cần thiết”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu các BV cần tăng cường truyền thông, giải thích để người dân hiểu rõ về quy trình KCB, tránh để bệnh nhân phàn nàn.

An ninh thủ đô

Hại con vì tự ý tiêm hormone để tăng chiều cao

Gần đây, nhiều bệnh viện đã phải tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân tự ý dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng có chứa hormone tăng trưởng để tăng chiều cao dẫn đến những hậu quả tai hại, đặc biệt là bệnh to đầu chi. Vậy hormone tăng trưởng liệu có giúp tăng chiều cao, và nếu dùng cần lưu ý những gì? Theo chị T chia sẻ trên một mạng xã hội thì con chị 16 tuổi nhưng chỉ cao 1,45m. Nghe người quen giới thiệu có một loại thực phẩm chức năng có chứa hormone tăng trưởng giúp phát triển chiều cao rất tốt với giá gần 2 triệu đồng, chị đã mua về cho con uống trong 1 tháng. Tuy nhiên, sau khi uống thì chiều cao của con không thấy tăng mà các khớp ngón tay, ngón chân lại có dấu hiệu to lên rõ ràng, sờ vào cảm giác xương bị lồi ra. Bác sĩ cho biết, con chị đã bị bệnh to đầu chi do sử dụng hormone tăng trưởng. Theo các bác sĩ, ở lứa tuổi này xương trẻ đã bị cốt hóa hoàn toàn nên các loại thuốc tăng trưởng không giúp tăng chiều cao, ngược lại sẽ gây những tác hại khôn lường. Thời gian gần đây, nhận thấy sự quan tâm sốt sắng của các bậc phụ huynh về chiều cao của con, nhiều công ty đã nhanh chóng nhảy vào thị trường hormone tăng trưởng với quảng cáo là giúp trẻ nhanh chóng cải thiện chiều cao rõ rệt. Tìm mua những sản phẩm này không khó, có thể mua ở nhiều hiệu thuốc và thậm chí là ở trên mạng, được quảng cáo là có thể tăng chiều cao thậm chí cho cả những người đã… trên 40 tuổi. Theo các bác sĩ, thực ra việc sử dụng hormone tăng trưởng giúp tăng chiều cao là có cơ sở. Hormone tăng trưởng của con người được sản xuất bởi tuyến yên và sự tiết ra của nó có thể được tối ưu hóa mạnh mẽ bằng một số phương pháp kích thích tự nhiên. Chiều cao của con người phụ thuộc vào ba yếu tố chính: Gene di truyền, dinh dưỡng và nội tiết. Trong số này, chỉ có yếu tố gene là không thể thay đổi, còn dinh dưỡng và nội tiết đều có thể tác động được. Khi xác định được nguyên nhân về chậm phát triển tăng trưởng chiều cao ở trẻ là do thiếu hormone, thì lúc đó trẻ sẽ có chỉ định tiêm hormone tăng trưởng để phát triển chiều cao. Thời gian tiêm thuốc kéo dài 2-4 năm. Nếu đáp ứng thuốc tốt, trong năm đầu tiên trẻ có thể cao thêm 8-12cm. Năm thứ hai mức độ đáp ứng thuốc giảm còn 75% của 8-12cm. Năm thứ ba đáp ứng còn 50%, sau đó mức độ đáp ứng thuốc giảm dần nhưng vẫn tăng chiều cao nếu trẻ được tiêm kích thích tố đều. Hormone tăng trưởng được chỉ định ưu tiên tuyệt đối cho các trường hợp chậm phát triển chiều cao, chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng sinh dục kèm theo đó là béo phì; dưới 2 tuổi sẽ có biểu hiện biểu hiện mềm cơ, khó nuốt, khó thở, tiếng khóc bé; suy thận mãn, ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển chiều cao. Tuy nhiên, nếu chiều cao không tăng quá 2cm/năm sau 2 năm dùng thuốc, bị tác dụng phụ (đau khớp, gây khối u - đặc biệt là u não, tăng áp lực nội sọ lành tính, phản ứng giả bệnh bạch cầu - lượng bạch huyết cầu tăng trong máu số lượng nhiều...) thì các bác sĩ sẽ dừng ngay việc điều trị. Ngoài ra, do tuổi xương đã lớn (nữ: 13 tuổi, nam: 14 tuổi), việc dùng thuốc cũng không hiệu quả, thậm chí khi đầu xương đã đóng, việc tiêm hormone không giúp phát triển chiều dài mà còn có thể dẫn tới to đầu chi tăng áp lực nội sọ, làm phát triển khối u. Vì vậy việc dùng hormone để tăng trưởng chiều cao, cha mẹ cần lưu ý là nên đưa con bệnh viện chuyên khoa để có liệu trình điều trị phù hợp, không tự ý mua thuốc về để tiêm cho con.

Khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách

Ngày 13/7, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ quận Hoàn Kiếm tổ chức khám bệnh miễn phí cho 140 người là thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, người cao tuổi ở phường Cửa Nam. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Ngoài khám bệnh, các bác sĩ còn tư vấn cách phòng tránh bệnh tật, cung cấp các kiến thức về một số bệnh lý tim mạch phổ biến, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe của mỗi người.

Trẻ từ 1-14 tuổi tiếp tục được tiêm miễn phí vaccine sởi- rubella

Bộ Y tế vừa chính thức phê duyệt kế hoạch tiêm miễn phí vaccine sởi- rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi trên cả nước và sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 9 tới. Theo đó, trước mắt mỗi tỉnh/ thành chọn 1 huyện triển khai tiêm thí điểm và rút kinh nghiệm. Chiến dịch sẽ chia thành 3 đợt: Đợt 1 bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 10, tiêm cho trẻ 1-5 tuổi; Đợt 2 tiêm cho trẻ 6-10 tuổi vào tháng 11 và 12-2014; Đợt 3 tiêm cho trẻ 11-14 tuổi vào tháng 1 và 2-2015. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nguy cơ cao và địa bàn đi lại khó khăn, khó tiếp cận có thể tiêm chủng đồng thời trong cùng một đợt. Theo Bộ Y tế, chiến dịch này sẽ góp phần làm giảm gánh nặng của bệnh rubella, góp phần quan trọng để nước ta đạt mục tiêu thanh toán được bệnh sởi vào năm 2017 và rubella trong tương lai.

Tiin.vn

Hỗ trợ bệnh nhân từ việc làm giản dị nhất

Tại các bệnh viện, không khó để bắt gặp hình ảnh những tình nguyện viên áo xanh hỗ trợ người nhà bệnh nhân trong công tác khám, chữa bệnh. CLB thiện nguyện blouse trắng là nơi gặp gỡ của những trái tim giàu yêu thương, nhiệt huyết và luôn sẵn sàng giúp đỡ các bệnh nhân trong quá trình đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Những hoạt động ý nghĩa của CLB đã và đang góp phần giúp đỡ được rất nhiều bệnh nhân, hỗ trợ các y bác sĩ đồng thời thể hiện được sự tích cực của thế hệ trẻ trong công tác xã hội. Chị Nguyễn Thu Huệ - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Màu áo xanh bệnh viện là chương trình nằm trong kế hoạch thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khám chữa bệnh dễ dàng hơn. Hoạt động này bắt đầu được thực hiện từ cuối tháng 6. Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối thêm được nhiều bạn trẻ có trái tim nhân ái, giúp đỡ người bệnh, giúp đỡ các y, bác sỹ trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân. CLB hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mỗi ngày sẽ có 10 bạn TNV túc trực để hỗ trợ bệnh nhân”. Chương trình đang được thực hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn với hơn 50 TNV tham gia góp sức. Công việc chính của các bạn TNV là hướng dẫn đường cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hướng dẫn nơi đăng kí, các phòng khám, lấy máu xét nghiệm… để bệnh nhân hạn chế thời gian tự tìm phòng, tìm đường. Với mỗi bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân đến từ các tỉnh thành cách xa Thủ đô hàng trăm km thì việc khám, chữa bệnh tại các bệnh viện thường gặp rất nhiều khó khăn. Cô Phạm Thị Mến ( Điện Biên) chia sẻ: “Mỗi lần phải về Hà Nội để khám, chữa bệnh là tôi lại mất ăn mất ngủ. Một phần vì không biết bệnh tật thế nào, một phần lo lắng vì không thông thạo đường đi, các khoa khám chữa bệnh. Có những khi tôi phải mất đến hàng tiếng đồng hồ để xếp hàng lấy số, rồi lại mất hàng tiếng để đi tìm phòng khám. Nên mãi đến tận ngày hôm sau mới có kết quả, khiến tôi càng sốt ruột và lo lắng nhiều hơn. Vì chạy lên chạy xuống đi tìm phòng nhiều nên dẫn đến sai lệch kết quả đo nhịp tim, phải tiến hành kiểm tra lại rất mất thời gian nhiều lắm. Lần này, may mắn có các bạn TNV hỗ trợ nên việc khám bệnh của tôi khá thuận lợi”. Trong những ngày thực hiện chương trình, CLB đã kịp thời giúp đỡ được nhiều bệnh nhân. Đặc biệt là vào sáng ngày 9/7 vừa qua, trường hợp bệnh nhân Phan Tăng Mạo (mắc bệnh ung thư bàng quang hiện đang được điều trị tại Đơn nguyên Ung Bướu - bệnh viện Thanh Nhàn) đã nhận được sự hỗ trợ của 2 TNV. Được biết, ông Mạo đang trong cơn nguy kịch, phải tiến hành phẫu thuật, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng ông không có tiền mua máu, chi trả viện phí. Trước cơn nguy kịch của bệnh nhân, 2 TNV trong Câu lạc bộ đã tình nguyện hiến máu giúp ông Mạo phẫu thuật thành công. Tới đây, CLB sẽ tổ chức chuyến thiện nguyện thăm khám và tư vấn sức khỏe miễn phí học sinh và giáo viên, đồng thời tặng tủ thuốc và một số đồ dùng học tập tại các trường Tiểu học tại 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh.

Dân Việt

Cứu sống bé trai người nước ngoài có khối u khổng lồ

Bệnh nhân Choyang, (huyện Xiengkhuang Lào) bị thoát vị vùng rốn bẩm sinh phải sống chung với khối u khổng lồ 5 năm nay. Người nhà bệnh nhi cho biết, cháu Choyang sinh ra đã có khối thoát vị khổng lồ bẩm sinh ở vùng rốn và được điều trị tại bệnh viện huyện bằng thuốc, không mổ. Sau đó, khối thoát vị tự khỏi và có da mọc trùm lên toàn bộ khối thoát vị.  Trong một buổi công tác tình cờ, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Lào đã phát hiện ra và đưa cháu về Viêng Chăn điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ Lào xét thấy khối thoát vị ở bụng quá lớn, không thể phẫu thuật cho bệnh nhi nên quyết định đưa Choyang sang Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ngày 1/7. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị thoát vị vùng rốn khổng lồ bẩm sinh. Khối thoát vị nằm ngoài ổ bụng dưới da bệnh nhân có kích thước khoảng 15cm x15cm x 10cm, bên trong gồm có: gan, đại tràng và ruột non. Theo TS Bùi Đức Hậu – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi trung ương, trường hợp bệnh nhân Choyang có thể tích khối thoát vị quá lớn so với thể tích ổ bụng hiện tại (cơ thể trẻ nhỏ và ổ bụng rất bé, trẻ 5 tuổi, cân nặng 15kg. Nếu không phẫu thuật, thể tích khối thoát vị càng ngày càng to, ổ bụng càng nhỏ lại (do các tạng hàng ngày bị rơi tự do ngoài ổ bụng), làm cho trẻ hoạt động khó khăn hơn, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt có nguy cơ gây xoắn các tạng, nhất là gan. Bác sĩ Hậu cho biết, phẫu thuật một lần đóng thành bụng ngay cho bệnh nhân có thể gây tăng áp lực ổ bụng, gây chèn ép tuần hoàn, hô hấp, khiến bệnh nhân suy thở, dẫn đến tử vong. Phẫu thuật nhiều lần đóng dần thành bụng tạo sự thích nghi dần dần phải tiến hành trong thời gian dài và cũng có những bất lợi ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau khi hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ quyết định làm tăng dần thể tích ổ bụng tự nhiên, tạo sự thích nghi dần dần tới khi có thể sẽ phẫu thuật đóng được thành bụng một lần bằng cách: tạo ra một dụng cụ giống như chiếc mũ bảo hiểm, đặt úp vào khối thoát vị cho bệnh nhân đeo và kéo dây ép dần mỗi ngày, đẩy ép các tạng từ từ trở lại ổ bụng, đến khi các tạng vào hết ổ bụng (khối thoát vị xẹp xuống). TS Bùi Đức Hậu cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng trên 20 bệnh nhân mắc bệnh này, tỷ lệ thành công trên gần 95%. TS Hậu cũng khuyến cáo, các bà mẹ trong giai đoạn mang thai nếu siêu âm phát hiện thấy em bé bị dị tật này nên chủ động đưa trẻ tới các trung tâm phẫu thuật nhi chuyên sâu sớm ngay sau khi sinh.

VOV

Hơn 600 người nghèo được khám, cấp thuốc miễn phí

Qua hoạt động này giúp người dân nghèo không có nhiều điều kiện khám chữa bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Sáng nay (13/7), Hội Doanh nhận trẻ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Đoàn y, bác sĩ phòng khám Đa khoa Hồng Lạc và Đoàn từ thiện Thánh thất Cao Đài Chợ lớn, TP HCM tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, đoàn đã khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 600 bà con nghèo, khó khăn, người già neo đơn tại địa phương, đồng thời trao tặng 200 phần quà cho bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về cuộc sống. Tổng kinh phí cho hoạt động là hơn 100 triệu đồng do đoàn vận các mạnh thường, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ. Qua đó, giúp người dân nghèo không có nhiều điều kiện khám chữa bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn./.

Vnmedia

Hà nội: Thí điểm điều trị tăng huyết tại cộng đồng

Từ tháng 7, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã tổ chức “Triển khai thí điểm mô hình quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp tại cộng đồng” cho nhân dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn tại Trạm Y tế xã. Đây là mô hình đầu tiên của Hà Nội về quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp tại cộng đồng nhằm tăng tỷ lệ người bị tăng huyết áp trong cộng đồng được khám, điều trị và quản lý, theo dõi bệnh ngay từ tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh cho nhân dân, tăng tuổi thọ của người bệnh, đồng thời góp phần giảm quá tải tại cho các bệnh viện tuyến trên. Theo đó, Bệnh viện Tim Hà Nội có nhiệm vụ giúp đỡ về nhân lực và chuyên môn, phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã Mai Đình tổ chức khám, sàng lọc, lập hồ sơ quản lý cho bệnh nhân tăng huyết áp tại địa bàn. 8 bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội cùng các y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện sẽ khám, sàng lọc, tư vấn và lập hồ sơ cho gần 300 bệnh nhân trong đợt này. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã yêu cầu Bệnh viện Tim Hà Nội cùng Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn và Trạm Y tế xã Mai Đình tổ chức tốt công tác khám, sàng lọc để đánh giá đúng tình trạng bệnh nhằm điều trị có hiệu quả cho người bệnh. Đặc biệt cần quản lý chặt chẽ hồ sơ bệnh án của người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Những trường hợp bệnh nhân nặng cần phải đưa lên các bệnh viện điều trị và theo dõi kịp thời. Bênh cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện tổ chức tái khám định kỳ cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn kiến thức về bệnh tăng huyết áp cho nhân dân để họ có thể bảo vệ sức khỏe của mình cũng như phối hợp chặt chẽ với các y bác sĩ trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả cao. Sau khi triển khai triển khai và điều trị thành công mô hình này tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, ngành Y tế Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các xã, phường khác trên địa bàn Thủ đô. Theo định nghĩa, huyết áp gọi là cao khi trị số vượt quá 140/90. Vậy huyết áp gần đến ngưỡng trên bạn cần làm gì để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp?

- Chú trọng thực phẩm có nhiều ma-nhê (Mg) trong chế độ dinh dưỡng cho người có cuộc sống căng thẳng như hột hoa hướng dương, hột điều, đậu phộng…

- Tăng chất “xanh” trong khẩu phần để tránh thiếu hụt khoáng tố kali, nhân tố cần thiết cho chức năng co bóp của trái tim. Nên nhớ, đối tượng thiếu kali có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gần gấp đôi người có đủ khoáng tố này.

- Giảm cân bằng biện pháp vận động nếu béo phì, vì mất 1kg mỡ đồng nghĩa với giảm 2mm huyết áp.

- Tập thiền vì huyết áp giảm khoảng 10mm ở người chịu khó ngồi thiền mỗi ngày 2 lần, mỗi lần không hơn 10 phút.

- Vận động thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Đừng chọn hình thức quá căng thẳng. Nhẹ nhàng như đạp xe, bơi lội, đi bộ, thể dục dưỡng sinh đủ để thư giãn thần kinh.

Tỷ lệ nữ vị thành niên có thai đang gia tăng

Theo báo cáo mới nhất của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tại Việt Nam, tỷ lệ nữ vị thành niên có thai trên tổng số ca có thai của toàn quốc là 3,2% và đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, tỷ lệ phá thai tuổi vị thành niên trên tổng số ca phá thai là 2,3%, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1.000 người. Khảo sát tại 3 cơ sở y tế công ở TP.HCM (gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản) cũng cho thấy, tỷ lệ nữ vị thành niên có thai đến khám chiếm xấp xỉ 5% tổng số các trường hợp mang thai, tỷ lệ vị thành niên phá thai chiếm 6%. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ phá thai vị thành niên luôn là 5% tổng số ca phá thai tại bệnh viện. Đáng ngại là có đến 1/3 thanh niên Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận với các biện pháp tránh thai và giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là nhóm vị thành niên. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn ở vị thành niên, nặng nề hơn là vô sinh, bệnh truyền nhiễm… ngày càng báo động. Thực tế là mang thai ở tuổi vị thành niên thường do các em không có sự lựa chọn nào khác và xảy ra trong những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của các em. Điều này chính là hệ quả của việc các em không được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận đến giáo dục, việc làm, thông tin và chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Khoảng một thập niên trở lại đây, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong công tác chăm sóc chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, song hầu hết các chương trình mới tập trung hướng tới các cặp vợ chồng đã kết hôn mà chưa dành nhiều cho đối tượng trẻ. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên chưa kết hôn, người di cư, lao động trẻ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất lâu nay vẫn là “khoảng trống” lớn còn bỏ ngỏ. Phần lớn các đối tượng này đều trong độ tuổi sinh sản nhưng còn thiếu thông tin, chưa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình, hoặc nếu có thì phải chi trả mức phí rất cao cho dịch vụ này.

VTV

Trẻ dưới 14 tuổi được tiêm miễn phí vaccine sởi.

Từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, ngành y tế sẽ triển khai tiêm miễn phí vaccine phối hợp sởi, rubella cho toàn bộ trẻ từ 14 tuổi trở xuống trên toàn quốc. Theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt, các tỉnh, thành sẽ chọn một huyện triển khai tiêm thí điểm và rút kinh nghiệm. Chiến dịch tiêm được chia thành ba đợt. Ở vùng sâu, vùng nguy cơ cao và địa bàn đi lại khó khăn, khó tiếp cận, có thể tiêm chủng đồng thời trong cùng một đợt. Triển khai tiêm vaccine cho trẻ theo phương thức cuốn chiếu từ trường học, Trạm y tế đến thôn bản. Chiến dịch đặt mục tiêu trên 95% trẻ được tiêm. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế và nghành giáo dục… có trách nhiệm điều tra, thống kê số trẻ được tiêm.

Một thế giới

Sắp có vaccine ngừa sốt xuất huyết

Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vaccine ngừa được 56% các trường hợp mắc sốt xuất huyết dengue và an toàn đối với người sử dụng. Hiệu quả ngừa được 4 tuýp virus gây bệnh. Sốt xuất huyết là căn bệnh gây ra mối đe dọa cho một nửa dân số thế giới nhưng chưa có thuốc và vaccine điều trị đặc hiệu. Vì thế, thông tin vaccine ngừa sốt xuất huyết sau 20 năm nghiên cứu đang đi đến đích được nhận được sự quan tâm của truyền thông toàn cầu trong những ngày này. Thông tin từ AP, BBC và các hãng thông tấn khác cho biết, những kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine sốt xuất huyết đầu tiên đang được tổng kết. Đây là một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện tại 10 nước châu Á và châu Mỹ. Kết quả ban đầu cho thấy giảm đáng kể đến 56% các trường hợp sốt xuất huyết dengue, an toàn đối với người sử dụng. Hiệu quả ngừa được 4 tuýp gây bệnh. Sanofi Pasteur đã nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết dengue gần 20 năm nay. Hiện nay, loại vaccine này đã đi đến hai nghiên cứu then chốt giai đoạn 3 về hiệu quả, tính an toàn và tính sinh miễn dịch của ứng viên vaccine trên cỡ mẫu lớn về dân số ở các môi trường dịch tễ khác nhau và đánh giá được tác động tiềm năng của vaccine trên gánh nặng của bệnh tật. Hơn 31.000 người tham gia tình nguyện từ các quốc gia châu Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) và từ các nước Mỹ La Tinh (Brazil, Colombia, Honduras, Mexico và Puerto Rico) đã tham gia nghiên cứu giai đoạn 3. Trong đó, theo TS. BS. Trần Ngọc Hữu - nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nghiên cứu thứ nhất được thực hiện với tổng cộng 10.275 trẻ em tuổi từ 2 đến 14, sống trong các vùng dịch ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand và Việt Nam. Nghiên cứu này kéo dài từ năm 2011-2013, được chọn lựa ngẫu nhiên để tiêm 3 liều vaccine sốt xuất huyết hoặc giả dược (tỉ lệ 2:1) với các khoảng cách giữa các liều là 6 tháng. Riêng tại Việt Nam, 1.402 trẻ ở Long Xuyên (An Giang) và 934 trẻ ở Mỹ Tho (Tiền Giang) đã tham gia. Các kết quả của nghiên cứu sẽ được bổ sung thêm trong quý 3/2014 bằng các kết quả của một đợt lớn hơn đang được thực hiện tại Mỹ la tinh với hơn 20.000 người ở Brazil, Colombia, Honduras, Mexico và Puerto Rico. Cũng theo TS. BS Trần Ngọc Hữu, nếu kết quả nghiên cứu thành công thì nhà sản xuất sẽ mất ít nhất khoảng một năm để xin phép lưu hành trên thế giới và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sốt xuất huyết: 75% gánh nặng toàn cầu

BS. Ferdinand Fernando, Trợ lý Giám đốc và Trưởng ban Sức khỏe và Bệnh Truyền nhiễm của Văn phòng ASEAN cho biết, sốt xuất huyết là một vấn đề y tế nghiêm trọng, chiếm 75% gánh nặng toàn cầu. ước tính 2,5 tỉ người trên toàn cầu đang có nguy cơ sốt xuất huyết, trong đó 1,8 tỉ người sống tại châu Á. Còn theo thống kê của Bộ Y tế nước ta, trong hơn 7 tháng vừa qua cả nước ghi nhận khoảng 12.000 ca sốt xuất huyết tại 42 tỉnh thành với 8 ca tử vong. Bệnh sốt xuất huyết dengue là mối đe dọa cho gần một nửa dân số thế giới. Hiện nay, không có điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết dengue, trong khi dịch thường xuyên xảy ra. Tổ chức Y tế Thế giớiước tính có đến 100 triệu người mắc bệnh hàng năm nhưng con số, thực tế mắc sốt xuất huyết dengue trên toàn cầu không được nắm rõ hoàn toàn. WHO đề ra mục tiêu đến năm 2020 giảm được 50% tỉ lệ tử vong và 25% tỉ lệ mắc bệnh do sốt Dengue.

Công an nhân dân

Tăng viện phí tác động đến 30% dân số cả nước

Những tháng này, nhiều tỉnh đã và đang trình Hội đồng Nhân dân địa phương việc tăng viện phí, dự kiến sẽ áp dụng vào cuối năm 2014. Nhưng, với hoàn cảnh thực tế của nước ta, việc tăng viện phí vẫn gây lo lắng cho nhiều người. Với 70% dân số có thẻ BHYT, như vậy, cả nước còn 30% dân số, chưa có thẻ BHYT...

Lấy mẫu khoai tây chiên, bim bim để xét nghiệm tìm chất gây ung thư

Chiều 14-7, TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) chi biết, Cục ATTP đã đề nghị Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia khẩn trương lấy ngẫu nhiên 3 mẫu sản phẩm khoai tây chiên tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh và 3 mẫu sản phẩm bim bim đang lưu thông trên thị trường để xét nghiệm chất acrylamide và chất polycyclic aromatic hydrocarbons (PAH) và báo cáo kết quả trước 21 – 7. Việc làm này nhằm chủ động giám sát, phát hiện và quản lý mối nguy về ATTP ở Việt Nam, sau khi cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) thông báo vừa phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em.

Cứu sống một bệnh nhân bị cháu đâm thủng tim

Sáng 14-7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết bệnh nhân thủng tim Nguyễn Xuân Thành (SN 1973, ngụ phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) đã qua cơn nguy kịch, hiện sức khỏe đang phục hồi tốt. Trước đó, bệnh nhân Thành nhập viện vào khuya 12-7 trong tình trạng bị đâm thủng tim, máu chảy dữ dội. Ngay sau đó, các bác sĩ của bệnh viện đã kịp thời phẫu thuật mở lồng ngực, khâu lại tim cho bệnh nhân. Thông tin ban đầu, giữa Thành và cháu là Lê Duy (SN 1992, nhà ở sát vách) thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xô xát nhau. Những lần đụng độ, do Duy trẻ khỏe hơn nên Thành hay lãnh đòn. Tối 12-7, Thành gọi Cao Văn Hùng (SN 1989, ngụ cùng khu vực) đến nhà uống rượu. Sau một hồi chén tạc chén thù, Thành kể chuyện mâu thuẫn giữa mình với Duy và rủ bạn rượu đâm cháu. Nghe vậy, Hùng gật đầu rồi chạy về nhà vác dao đến giúp Thành phục thù. Đến 23 giờ cùng ngày, thấy Duy đi chơi về, Hùng gọi Duy ra ngoài nói chuyện. Bất ngờ, Thành chạy ra đâm vào bụng Duy. Mặc dù bị đâm đau đớn nhưng Duy vẫn cố chạy vào nhà lấy cây kéo rồi đuổi theo đâm Thành một nhát trúng tim. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân tỉnh Rattanakiri (Campuchia)

Trong 2 ngày 11 và 12/7, Đoàn công tác Quân y Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 400 người dân tại làng Tà Ngà, xã Nhang, huyện Đum Mia, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Đây là một trong những hoạt động xã hội, từ thiện rất ý nghĩa của những người "Thầy thuốc quân hàm xanh" của Việt Nam, góp phần tô thắm truyền thống đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, vì nhân dân phục vụ của "Bộ đội Cụ Hồ". Cùng với việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí, các thành viên trong đoàn công tác đã tích cực tư vấn sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, hướng dẫn người dân cách vệ sinh phòng chống dịch bệnh và thực hiện chế độ ăn uống hợp lý nhằm hạn chế dịch bệnh, nhất là các chứng bệnh về đường ruột, viêm đường hô hấp trên, đau dạ dày, huyết áp, bệnh ngoài da, suy nhược cơ thể, trẻ em suy dinh dưỡng, đau mắt, sâu răng… mà bà con nơi đây thường mắc phải

Tiền phong

Tiêm miễn phí vắc-xin sởi-Rubella cho trẻ em

Ngày 14/7, Bộ Y tế cho biết, từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vắc-xin phối hợp Sởi-Rubella cho trẻ em từ 14 tuổi trở xuống trên toàn quốc. Các tỉnh, thành sẽ chọn một huyện triển khai tiêm thí điểm và rút kinh nghiệm. Chiến dịch được chia thành 3 đợt: Đợt 1 tiêm cho trẻ 1-5 tuổi vào tháng 9 và 10/2014; đợt 2 cho trẻ 6-10 tuổi vào tháng 11 và 12/2014; đợt 3 tiêm cho trẻ 11-14 tuổi vào tháng 1 và 2/2015. Vùng sâu, vùng nguy cơ cao và địa bàn đi lại khó khăn, khó tiếp cận có thể tiêm chủng đồng thời trong cùng một đợt, triển khai theo phương thức cuốn chiếu từ trường học, trạm y tế đến thôn bản. Bộ Y tế cho hay, chiến dịch đặt mục tiêu trên 95% trẻ được tiêm.

Hoại tử vì vi khuẩn ăn thịt

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư gần đây tiếp nhận một số ca bệnh hoại tử do nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila. Khoảng 50% số bệnh nhân tử vong do bệnh quá nặng. Nhiễm trùng nặng do vi khuẩn ăn thịt dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh do liên cầu lợn… Điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục và tránh được các biến chứng nghiêm trọng như cắt cụt chi hoặc tử vong càng cao. Bác sĩ khuyến cáo, để giúp ngăn ngừa bất cứ loại nhiễm trùng nào, hãy rửa tay thường xuyên và luôn giữ các vết cắt, xước, bỏng, loét….

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại tám tỉnh, thành

Bắt đầu từ hôm nay (15-7), mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) được thí điểm triển khai tại tám tỉnh, TP là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Đây là nội dung được quy định tại Thông tư hướng dẫn thí điểm mô hình BSGĐ và phòng khám BSGĐ do Bộ Y tế ban hành. Theo Bộ Y tế, BSGĐ hoàn toàn khác với bác sĩ đến khám tại nhà. Khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về (mang tính nhất thời) còn BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục, có tính cộng đồng cao bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mạn tính. Đây là một trong những đề án mà Bộ Y tế thực hiện với kỳ vọng giảm tải các bệnh viện. Phòng khám BSGĐ có thể thuộc tư nhân hoặc cơ sở y tế công lập. Nếu phòng khám là của cơ sở công lập thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phòng khám của tư nhân thì được quyền quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai. Ngoài ra, phòng khám BSGĐ cũng được thực hiện khám, chữa bệnh BHYT.

Sài Gòn giải phóng

Bệnh nhân “đói”… dinh dưỡng

Mặc dù từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011/TT-BYT hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện (BV), nhưng đến nay vẫn không ít BV chưa thực hiện. Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, vẫn còn gần 30% BV chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng, trong đó chủ yếu là BV tuyến huyện, tỉnh. Đánh giá sau 3 năm thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV của Bộ Y tế cho thấy hoạt động này còn nhiều bất cập. Là BV đa khoa, BV Nhân dân Gia Định TPHCM đã sớm thành lập Khoa Dinh dưỡng từ năm 1998. Theo TS-BS Tạ Thị Tuyết Mai, phụ trách dinh dưỡng BV Nhân dân Gia Định, qua đánh giá cho thấy tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nhập viện chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó bệnh nhân nằm khoa hồi sức tích cực chống độc đến 65%, bệnh nhân lão khoa 72,3%, bệnh nhân ung thư đại tràng trước phẫu thuật 83,5%... Theo TS Mai, đây là những bệnh nhân có nguy cơ thở máy kéo dài, nhiễm khuẩn BV, nằm viện kéo dài dẫn đến tiêu tốn chi phí. “Khoa dinh dưỡng của BV có 3 trách nhiệm chính là tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân trước xuất viện; hội chẩn nuôi ăn bệnh nhân tại giường; cung cấp suất ăn bệnh lý (nuôi ăn đường miệng, nuôi ăn qua ống thông)”, TS Mai cho biết. Tuy nhiên, cũng theo TS Mai, do bệnh nhân quá đông nên bệnh viện không đủ nhân sự thực hiện đánh giá tất cả bệnh nhân ngoại trú (3.000 lượt khám/ngày); không đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng và không thể chọn lọc được đối tượng cần được tư vấn dinh dưỡng… Tại BV Chợ Rẫy, nơi có hơn 5.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị mỗi ngày, công tác dinh dưỡng cũng được quan tâm, nhất là dinh dưỡng đối với các bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường, suy thận, gan… Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy, từ 2011 đến nay tỷ lệ bệnh nhân được ăn theo bệnh lý đã tăng từ dưới 50% lên 65% và nay đạt trên 75%. TS Tâm cũng cho rằng một tỷ lệ lớn bệnh nhân vẫn chưa được tư vấn, giám sát về dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân khác nhau… Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhi có một ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị. Theo BS Hoàng Thị Tín, Khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 1, dinh dưỡng là phần không thể thiếu trong điều trị. Qua quá trình thực hiện, hiện nay 87,5% khoa của BV Nhi đồng 1 đạt yêu cầu về nơi cấp phát thức ăn cho bệnh nhân và còn 6,25% khoa chưa thực hiện được do diện tích khoa quá chật hẹp. Theo Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, qua khảo sát đánh giá cho thấy phần lớn BV tại TPHCM đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng tiết chế cho người bệnh. Tuy nhiên, số BV có khoa, tổ dinh dưỡng cũng mới đạt 70%. Đáng chú ý, hơn 1/3 BV tư nhân chưa đáp ứng dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh (hiện chỉ có 10/34 BV tư nhân đáp ứng, đạt 29,4%). Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, hoạt động dinh dưỡng, tiết chế trong BV vẫn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức; công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú, xây dựng kế hoạch can thiệp về dinh dưỡng, cung cấp suất ăn chưa được thực hiện đầy đủ… Qua giám sát đánh giá của Bộ Y tế, phần lớn BV vẫn chưa quan tâm đến dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh, nhất là ở các tuyến BV quận, huyện, tuyến tỉnh. Hiện BV thành lập khoa dinh dưỡng là 276 BV, và 331 BV thành lập tổ dinh dưỡng (đạt 71,2%); còn 245 BV chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng (chiếm 28,8%). Đặc biệt, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, chỉ mới 23% BV tuyến huyện có khoa (tổ) dinh dưỡng, tỷ lệ các BV thuộc trường đại học và BV ngành chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng còn khá cao. “Tổ chức dinh dưỡng, tiết chế trong BV chưa được hoàn thiện theo yêu cầu, nhân lực còn thiếu và chưa thích hợp. Trong số các BV thành lập khoa dinh dưỡng thì trưởng khoa là bác sĩ chiếm tỷ lệ quá ít (45,6%), rất ít trưởng khoa là cử nhân dinh dưỡng (0,3%); số BV có phòng khám và tư vấn dinh dưỡng không cao”, PGS Khuê nhìn nhận. Cùng quan điểm trên, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng hạn chế của công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV là nhân lực chuyên môn còn thấp, chưa được đào tạo tập huấn chính quy. Mặt khác, do yếu tố cơ sở vật chất chật hẹp nên nhiều BV không triển khai khoa (tổ) dinh dưỡng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. “Cái đáng buồn là nhiều BV giao khoán toàn bộ chế biến suất ăn bệnh lý cho căn tin BV nên không đảm bảo chất lượng chuyên môn”, BS Diệp nói. Hơn nữa, theo BS Diệp, hiểu biết và nhận thức của người bệnh về dinh dưỡng còn hạn chế, chưa hợp tác và không đăng ký ăn chế độ trong BV… Để đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo BV, xây dựng đúng quy trình, quy chuẩn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV mà Thông tư 08/2011/TT-BYT đã hướng dẫn. Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy, cần nghiên cứu đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho chế độ ăn bệnh lý nhằm xây dựng quy định bệnh nhân nằm viện phải ăn theo chế độ do BV cung cấp. Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên yêu cầu lãnh đạo các BV nghiêm túc tổ chức thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV, nhất là bổ sung nguồn nhân lực, tổ chức khoa (tổ) dinh dưỡng hợp lý. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động chuyên môn về dinh dưỡng và có quy định phối hợp giữa khoa dinh dưỡng với các khoa phòng khác; tuân thủ quy trình sàng lọc dinh dưỡng, quy trình khám dinh dưỡng cho bệnh nhân…

Một chương trình “về đích” sớm

Tại Diễn đàn các đối tác sức khỏe phụ nữ và trẻ em do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ở Nam Phi mới đây, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang đi đầu trong lộ trình thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Diễn đàn đã nêu cao các mục tiêu tăng cường nỗ lực trên toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cụ thể: giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; giảm tử vong bà mẹ và tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Đến năm 2015, các quốc gia trên thế giới phải nỗ lực hết mình mới có thể đạt được các mục tiêu trên do Liên hiệp quốc đưa ra mà các quốc gia thành viên đã cam kết thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, các yếu tố thành công trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Việt Nam đã được trình bày với nội dung “Bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia đã thành công trong việc thúc đẩy tiến độ giảm tử vong bà mẹ và trẻ em”. Việt Nam được đánh giá cao do đạt thành công khích lệ vì trong 20 năm, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm hơn 3 lần (từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 61,9/100.000 vào năm 2013); tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 2 lần (từ 59/1.000 trẻ đẻ sống xuống còn 23/1.000 vào năm 2013); tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44.4/1.000 xuống còn 15.3/1.000 vào năm 2013; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 41% xuống còn 15,3% vào năm 2013 (mục tiêu trước thời hạn)… Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh những yếu tố thành công là sự ủng hộ của các cấp, các ngành và sự hợp tác tích cực của các tổ chức quốc tế cũng như xây dựng mạng lưới y tế và nhân viên y tế đến tận thôn, bản như Chiến lược về sức khỏe sinh sản và dân số giai đoạn 2010 - 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010 và 2011 - 2020. Trong thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường hệ thống y tế, tập trung vào tăng cường chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở, lồng ghép các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu với các mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bao gồm chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở cộng đồng, theo dõi cân nặng trẻ em, phòng chống thiếu vi chất, tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ, cung cấp gói đẻ sạch tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa… Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam được coi là quốc gia điển hình để chia sẻ kinh nghiệm thành công với các quốc gia khác. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam và các quốc gia khác vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự khác biệt giữa các vùng miền, nhóm dân cư, một số chỉ tiêu có tốc độ giảm rõ rệt nên cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu vào năm 2015. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác đa ngành hiệu quả chặt chẽ mới có thể đạt được các mục tiêu và duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Trung Quốc: 1.397 người chết vì bệnh truyền nhiễm trong tháng 6

Tân Hoa xã đưa tin, Ủy ban Sức khỏe quốc gia và kế hoạch gia đình Trung Quốc vừa công bố số liệu cho biết đã có 1.397 người tử vong vì bệnh truyền nhiễm tại nước này trong tháng 6. Số ca tử vong này nằm trong 923.234 ca nhiễm bệnh trong tháng 6. Cơ quan y tế Trung Quốc phân loại nhóm A gồm 2 loại bệnh sốt rét và dịch là 2 loại bệnh nghiêm trọng nhất. 1.287 ca tử vong trong số này do mắc các bệnh trong nhóm B gồm: viêm gan, lao, giang mai, bệnh lỵ, bệnh brucellosis. Theo ủy ban trên, trong tháng 7, đã có báo cáo về 110 trường hợp nhiễm bệnh cấp độ C bao gồm bệnh lở mồm long móng, tiêu chảy nhiễm trùng và bệnh quai bị. Ô nhiễm môi trường được cho là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Trung Quốc tử vong vì các bệnh truyền nhiễm. Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc từng thừa nhận rằng tình trạng ô nhiễm không khí, nước và đất đang diễn ra khá nghiêm trọng tại Trung Quốc, sau nhiều năm quốc gia này phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt. Chỉ có 3 thành phố, tức 4,1%, trong tổng số 74 thành phố lớn tại Trung Quốc có không khí đạt chuẩn không khí sạch quốc gia trong năm 2013. Gần 70% trong tổng số 256 thành phố nhỏ đạt chuẩn không khí được quy định trước đây, vốn là tiêu chuẩn không bao gồm mức độ hạt PM2.5.

Báo tin tức

Bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc - Kỳ 1: Từ dầu bẩn tới sữa độc

Trong những năm gần đây, số vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm gia tăng chóng mặt ở Trung Quốc. Dường như ngày nào cũng có thể tìm thấy các vụ bê bối thực phẩm trên báo chí, không lớn thì nhỏ. Vì lợi nhuận, không chỉ những người buôn bán làm ăn nhỏ lẻ mà một số tập đoàn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới cũng làm ra các sản phẩm độc hại, coi thường sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Người Việt Nam thường nói “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây” để thể hiện sự ngưỡng mộ với đồ ăn Trung Quốc. Nhưng giờ đây, chắc chắn người nước ngoài khi đến Trung Quốc sẽ phải đắn đo khi hàng ngày đọc trên báo chí những thông tin cho thấy rất có thể một bữa cơm sẽ bao gồm những thứ không nhiễm độc thì bị làm giả: gạo nhiễm độc, thịt bò giả, trứng gà giả, giá đỗ nhiễm độc, bánh nhuộm màu, dầu ăn bẩn, thịt lợn phát sáng, sữa bẩn… Thậm chí, một số người làm trong nghề kinh doanh nhà hàng ăn uống ở Trung Quốc còn dùng mọi thủ đoạn để thu lãi cao nhất, như dùng nguyên vật liệu rẻ tiền trong chế biến đồ ăn, thức uống bán cho người tiêu dùng. Một trong những vụ bê bối “bẩn thỉu” nhất, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, là vụ dùng dầu ăn bẩn được lấy từ cống rãnh để xào nấu thức ăn. Vụ dầu ăn bẩn bị phanh phui đầu tiên ở Trung Quốc là vào năm 2000, khi một người bán rong trên đường phố bị phát hiện bán dầu ăn lấy từ các cống rãnh rác thải của nhà hàng. Về sau, một loạt vụ tương tự bị phóng viên phát hiện. Truyền thông chính thống và chính quyền bao biện rằng đó chỉ là những vụ “nhỏ lẻ”, liên quan đến một số xưởng sản xuất nhỏ và phi pháp. Tuy nhiên, sự thật không phải thế. Lọc dầu ăn từ cống rãnh nước thải đã trở thành một ngành công nghiệp dầu bẩn quy mô lớn. Trong các vụ trên, công an các tỉnh như Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam đã phát hiện ra nhiều địa điểm bốc mùi dùng để lọc dầu ăn bẩn ẩn sâu trong rừng. Họ đã tập tan được một mạng lưới lọc dầu ăn bẩn và bán lẻ trên khắp 14 tỉnh. Chủ các cơ sở sản xuất dầu bẩn thú nhận mua chất thải trong bếp ăn các nhà hàng và “tinh lọc” dầu ăn bằng cách vớt váng dầu nổi lên trên. Điều tra thêm từ các vụ nhỏ lẻ, công an đã lần tới được các công ty sản xuất quy mô lớn. Các nhà máy sản xuất dầu bẩn quy mô có thể bán từ 400 đến 500 tấn dầu bẩn mỗi tháng, có khi lên tới 700-800 tấn vào thời gian cao điểm. Với số lượng dầu bẩn khổng lồ như vậy, người ta không khỏi rùng mình khi nghĩ đến số lượng người ăn phải các món ăn nấu bằng loại dầu cặn bã này. Sở dĩ tiểu thương Trung Quốc bán dầu ăn bẩn do nó được các nhà hàng mua khá nhiều vì giá thành rẻ. Dầu ăn bẩn có giá từ 895 đến 937 USD mỗi tấn. Trong khi nếu mua dầu ăn tử tế, họ có thể tốn tới 1.560 USD. Mờ mắt trước khoản lợi nhuận, các nhà hàng cứ điềm nhiên xài dầu ăn bẩn, còn sức khỏe của người tiêu dùng thì “sống chết mặc bay”. Ước tính, cứ 10 bữa ăn tại các nhà hàng xoàng xĩnh và các quán ăn đường phố rẻ tiền ở Trung Quốc thì có một bữa ăn được nấu bằng dầu bẩn. Sở dĩ, các nhà hàng ngang nhiên dùng dầu ăn bẩn là vì nhìn bằng mắt thường, khó ai có thể phân biệt được đâu là dầu bẩn, dầu sạch. Kể cả khi mang dầu đi xét nghiệm các chỉ số cũng khó mà phát hiện ra, điều đó cho thấy thủ đoạn của những gian thương này tinh vi đến mức độ nào. Vậy dầu bẩn này nguy hiểm thế nào? Tất nhiên là nó rất độc, có thể gây tiêu chảy và đau bụng. Ăn dầu bẩn lâu dài có thể bị ung thư gan và dạ dày cũng như gây chậm phát triển cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Xét nghiệm một số mẫu dầu bẩn cho thấy có chất Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH), một chất gây ô nhiễm hữu cơ nguy hiểm có thể gây ung thư nếu dùng lâu dài. Dầu bẩn cũng chứa cả Aflatoxins, một hợp chất có khả năng gây ung thư cao. Các bác sĩ cho biết dầu thực vật và động vật trong dầu bẩn sẽ bị ôi, ô xy hóa và phân hủy, sản sinh ra các chất độc khác như asen. Dầu bẩn sẽ gây chướng bụng khó tiêu, mất ngủ và nhiều triệu chứng khác. Ngoài các vụ bê bối thực phẩm kể trên mà dầu ăn bẩn là một điển hình khiến dư luận Trung Quốc chấn động, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn của Trung Quốc còn coi thường cả tính mạng của trẻ em khi sản xuất sữa bột công thức trộn melamine để tăng độ đạm. Vụ sữa nhiễm melamine phanh phui năm 2008 đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Ngày 10/9/2008, xuất hiện thông tin 14 trẻ em bị bệnh ở tỉnh Cam Túc trong giai đoạn hai tháng trước đó. Tất cả đều uống cùng một nhãn hiệu sữa của tập đoàn Tam Lộc. Hai ngày sau, tập đoàn này thừa nhận sữa bột công thức của mình có hóa chất công nghiệp độc hại melamine. Dây chuyền sản xuất bị ngừng lại. 19 người bị bắt, Phó chủ tịch Tam Lộc đã phải xin lỗi người dân. Không chỉ Tam Lộc, 22 công ty sản xuất các loại sữa cũng dùng melamine trong sản phẩm. Tổng cộng 53.000 trẻ nhỏ đã bị mắc bệnh do uống sữa nhiễm melamine, số trẻ bị chết lên tới 6. Đến ngày 21/10/2008, gần 6.000 trẻ vẫn phải nằm viện trên khắp Trung Quốc do bị các bệnh liên quan đến thận. Thậm chí, 1.500 con chó nuôi lấy lông ở một trang trại Trung Quốc cũng chết vì suy thận sau khi được cho ăn thức ăn nhiễm melamine. Tam Lộc đã phải bồi thường cho 300.000 người bị ảnh hưởng và tuyên bố phá sản. Nguyên nhân vụ sữa nhiễm bẩn xảy ra bắt nguồn từ tăng trưởng ngành sữa nhanh chóng nhưng không bền vững. Khi nhu cầu sữa tăng vọt, ngành sữa phải vật lộn để kịp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Họ mua sữa theo một hệ thống cung ứng sữa yếu kém và nghiệp dư từ hàng ngàn nông dân quy mô nhỏ. Những nông dân này vì lợi nhuận đã dùng thức ăn chăn nuôi chất lượng thấp để nuôi bò. Họ bán sữa thông qua các thương lái tự do không bị kiểm soát. Hệ thống cung ứng này bị ví là “hệ thống nông trại thời trung cổ” trong thế kỷ 21. Khi buộc phải sản xuất nhiều sữa, các công ty đã gây áp lực cho toàn hệ thống của mình, buộc phải sản xuất nhiều sữa hơn với giá rẻ hơn. Tam Lộc và nhiều công ty khác đã trộn thêm melamine vào sữa để tăng độ đạm mà giá thành lại rẻ hơn nhiều so với đạm thật, bất chấp melamine bị coi là “sát thủ” của thận. Kể từ sau vụ sữa melamine, hầu như năm nào Trung Quốc cũng xảy ra các vụ bê bối thực phẩm với nhiều mức độ khác nhau. Giờ đây, nhắc đến truyền thống ẩm thực, nhiều người Trung Quốc đã không còn dám tự hào nữa. Thay vào đó, họ gần như đã mất niềm tin vào ngành thực phẩm trong nước.

 

 

Ngày 15/07/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích