Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 9 0 2 4
Số người đang truy cập
5 7 4
 Tin tức - Sự kiện
(ảnh minh họa)
Bệnh viêm não Nhật Bản-Hiểu biết và phòng chống

Hiện nay ở nước ta số ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản đang có xu hướng gia tăng, bệnh dễ biến chứng nặng và tử vong, nhiều bệnh nhi sau khi điều trị vẫn phải mang di chứng não nghiêm trọng do đó hiểu biết những kiến thức về bệnh và cách phòng chống là giải pháp có hiệu quả nhất để đối phó với căn bệnh này.

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây theo đường máu qua véc tơ truyền bệnh là muỗi culex, đặc điểm lâm sàng chủ yếu là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng cùng với sự phát triển của viêm não tuỷ nặng và tỷ lệ tử vong cao. Viêm não Nhật Bản là bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi nhưng nguồn bệnh chủ yếu được cho rằng từ chim và lợn.  

Phương thức lây truyền

Đường lây nhiễm duy nhất của bệnh viêm não Nhật Bản từ các ổ chứa virus trong đó chim và lợn được coi là những động vật có vai trò chính, khi muỗi hút máu của chim/lợn có chứa virus đốt người sẽ truyền virus sang người, tới nay chưa ghi nhận sự lan truyền bệnh trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, điều nguy hiểm chính là chim/lợn nhiễm virus viêm não Nhật Bản không bị bệnh nhưng nó lại trở thành ổ chứa virus trong thiên nhiên và là nguồn cung cấp quan trọng cho muỗi truyền virus viêm não Nhật Bản lây sang người.
 
Sơ đồ lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản 

Véc tơ truyển bệnh viêm não Nhật Bản là muỗi Culex (C.tritaeniorhynchus, Culex vishnui, C.pipiens, C. bitaeniorhynchus), ngoài ra muỗi Aedes (A.togoi, A.Japonicus) hoặc Anopheless maculipennis cũng có khả năng truyền bệnh nhưng chủ yếu vẫn là loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus. Ở Việt Nam loài Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (từ tháng 3 đến 7), hoạt động mạnh vào chập tối, có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du làtrung gian truyền bệnh chủ yếu bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
 

Vi rút viêm não Nhật Bản được muỗi truyền vào máu, phát triển ở trong máu và đi khắp cơ thể, xâm nhập vào các tế bào thần kinh, sinh sản và phát triển nhanh ở đó đến đạt được mật độ cao ở các tế bào thần kinh, vi rút lại từ đó xâm nhập lần thứ 2 vào máu. Nhiễm virut lần hai ở máu bắt đầu gây nên phản ứng sốt tương ứng với sự bắt đầu của giai đoạn cấp tính của bệnh, khi vi rút viêm não nhật bản đã xâm nhập đến hệ thần kinh trung ương, chúng có khả năng nhân lên ở những neuron thần kinh gây nên các phản ứng viêm ở não và sự sản sinh kháng thể tại chỗ chống lại vi rút ở hệ thần kinh trung ương cũng như miễn dịch tế bào sẽ thúc đẩy các triệu chứng tinh thần kinh xuất hiện cũng như tiên lượng của bệnh.
 

Thể bệnh và các biến chứng

Thể bệnh không điển hình

Phần lớn những người bị nhiễm virut viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, tức là không biểu hiện triệu chứng lâm sàng và có khả năng tạo kháng thể đặc hiệu. Một số ít các thể bệnh có triệu chứng như thể nhẹ (sốt, nhức đầu, nôn, không có triệu chứng đặc hiệu); Thể màng não (hội chứng nhiễm khuẩn, dấu hiệu màng não, rối loạn ý thức nhẹ); Thể tủy sống (sốt, liệt mềm, liệt không đồng đều, liệt ở chân nặng hơn tay, rối loạn tri giác và sau đó xuất hiện hội chứng viêm não, chụp cộng hưởng từ tủy sống, đo điện cơ và dẫn truyền thần kinh thấy có tổn thương sừng trước tủy sống).

Thể bệnh điển hình

Thời kỳ ủ bệnh: kéo dài từ 5-14 ngày, trung bình là 1 tuần.

Thời kỳ khởi phát: khởi phát đột ngột ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh với sốt cao ≥ 39-40°C, đau đầu nhất là vùng trán, đau bụng, buồn nôn và nôn; xuất hiện hội chứng màng não (cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu), rối loạn ý thức từ nhẹ đến nặng (li bì, kích thích, vật vã, u ám, mất ý thức hoàn toàn); phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ; thời kỳ này tương ứng với giai đoạn virus vượt qua hàng rào mạch máu-não tổn thương vào tổ chức não gây phù nề não.

Thời kỳ toàn phát: từ ngày 3-4 đến 6-7 của bệnh, các biểu hiện của thời kỳ khởi phát hầu như không giảm mà lại tăng lên từ mê sảng kích thích, u ám, dần dần đi vào hôn mê sâu; các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật tăng lên (vã mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản, nghe phổi có nhiều ran, mạch ngoại vi nhanh và yếu). Biểu hiện nổi bật trong thời kỳ này là tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú, bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp làm cho bệnh nhân nằm co quắp và có các cơn xoắn vặn; có thể co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi hoặc bại, liệt cứng. ở một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế (catalepsia). Rối loạn trung khu hô hấp dẫn tới thở nhanh nông, xuất tiết nhiều ở khí phế quản và có thể viêm phổi đốm hoặc viêm phổi thuỳ.

Thời kỳ lui bệnh: tuần thứ 2 của bệnh (từ ngày thứ 7-8), các triệu chứng lui dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và trở về bình thường vào ngày 9-10 trở đi nếu không có bội nhiễm; hội chứng não-màng não mất dần, bệnh nhân phục hồi ý thức, trương lực cơ giảm dần và không còn những cơn co cứng; hết nôn và đau đầu, gáy mềm, các dấu hiệu màng não âm tính.

Các biến chứng và di chứng

Bệnh viêm não Nhật Bản gây tử vong trong những trường hợp biến chứng nặng như bội nhiễm phổi ở bệnh nhân hôn mê sâu, phù não do hạ natri máu, cơn động kinh ác tính, xuất huyết tiêu hóa, suy dinh dưỡng và loét. Sau thời kỳ lui bệnh, các di chứng có thể gặp là liệt chi, liệt thần kinh sọ não, liệt nửa người, mất vận động và phản xạ gân xương, mất ngôn ngữ và giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần hoặc co cứng mất não …

Xét nghiệm

Những ngày đầu bạch cầu thường tăng cao 15.000-20.000/mm3, trong đó bạch cầu đa nhân trung tính tăng tới 75-85%, bạch cầu ái toan và lympho giảm, tốc độ máu lắng tăng (20-30mm/giờ đầu); xét nghiệm dịch não tuỷ áp lực tăng, dịch trong vắt, protein tăng nhẹ (60-70mg%) tế bào tăng nhẹ (dưới 100 tế bào/mm3), lúc đầu là bạch cầu đa nhân và về sau là lympho chiếm ưu thế, glucoza trong dịch não tuỷ ít thay đổi hoặc tăng nhẹ... Soi đáy mắt trong giai đoạn cấp tính thường thấy xung huyết gai thị, đôi khi thấy cả phù nề và xuất huyết, rối loạn nhận cảm mầu sắc và ánh sáng.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị:

         Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và chống loét, dinh dưỡng, và nâng cao thể trạng... 
 

Phòng bệnh

          Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêm phòng vaccin viêm não Nhật Bản, nhất là với những người sống trong vùng có lưu hành dịch bệnh hoặc du khách vào vùng có dịch từ một tháng trở lên. Chú trọng diệt muỗi truyền bệnh bằng cách phun/xịt hóa chất, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng các biện pháp sinh học (thả cá ăn bọ gậy), loại bỏ nơi muỗi đẻ và hủy bỏ các vật phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi; phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay cho trẻ em cũng như người lớn, luôn ngủ trong màn,kể cả ban ngày.

Ngày 11/07/2014
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích