Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 16/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 2 9 3 6 2
Số người đang truy cập
2 4 2
 Tin tức - Sự kiện
Nhân ngày Muỗi thế giới (World Mosquito Day) ngày 20 tháng 8: Cập nhật một số thông tin từ muỗi

Nhân dịp Ngày Muỗi thế giới (World Mosquito Day) được kỷ niệm hằng năm vào ngày 20 tháng 8 đã đánh dấu về khám phá lịch sử của tác giả Ronald Ross – một bác sỹ người Anh vào năm 1897. Ông ta đã khám phá ra con muỗi cái lây truyền bệnh sốt rét. Muỗi cái Anopheles chịu trách nhiệm lây truyền ký sinh trùng sốt rét và là căn bệnh đáng sợ nhất hành tinh này.

Nhân dịp ngày này cũng làm tăng thêm kiến thức nhân loại về nguyên nhân gây bệnh sốt rét và làm thế nào để ngăn ngừa bệnh do chúng gây ra. Đại học Y và Vệ sinh Luân Đôn đã kỷ niệm ngày này. Các đối tác cũng dã triển lãm và hội đàm các vấn đề liên quan đến sốt rét và vai trò của các công trình của Ngài Ross và nhiều nhà khoa học đã làm việc với ông ta.

Phát hiện protein làm ngắn vòng đời muỗi truyền bệnh

Các nhà khoa học tại Đại học York (Anh) gần đây đã phát hiện một loại protein có khả năng kích hoạt các hormone duy trì tuổi thọ có trong ruồi giấm và phổ biến ở muỗi truyền bệnh. Đây là một phát hiện quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở để phát minh những biện pháp ngăn cản quá trình này nhằm giảm tuổi thọ của muỗi, ngăn ngừa quá trình truyền bệnh nguy hiểm.

Loại protein này được mô tả có liên quan đến quá trình điều hòa insulin trong ruồi giấm và nhận thấy sự gắn kết insulin không giống ở người nhưng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống ở muỗi truyền bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt vàng, sốt xuất huyết. Phát hiện này đã thúc đẩy các nhà khoa học tiếp tục xem xét những biện pháp nhằm ngăn cản hoạt động của protein này với mục đích giảm thời gian sống của muỗi.


Hình 1

Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn không ngừng tìm kiếm các biện pháp mới như sản xuất thuốc mới hay chế tạo vaccine để chống lại những bệnh lý do muỗi truyền. Tuy nhiên, với các nước đang phát triển, các biện pháp này có thể khá đắt đỏ nên việc điều tra các can thiệp mới để thay đổi vòng đời của muỗi là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học phát triển mạnh trong việc ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm, có thể gây thành dịch do muỗi truyền.

Muỗi không chỉ là “ống tiêm” mà nước bọt của chúng có thể kích hoạt đáp ứng miễn dịch

Mùa phát triển của muỗi sắp đến và nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm có thể lây truyền qua vết muỗi chích cũng tăng cao.


Hình 2

Muỗi có thể làm tăng mức độ nguy hại của bệnh truyền nhiễm và các nhà nghiên cứu cho rằng nước bọt của muỗi đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Baylor (Texas, Mỹ) đã nghiên cứu về ảnh hưởng của nước bọt từ muỗi và nhận thấy rằng nước bọt muỗi có thể kích hoạt một loạt các đáp ứng miễn dịch không mong đợi của người trong mô động vật thử nghiệm. Những kết quả này gợi ý về cơ hội để phát triển các chiến lược hiệu quả nhằm ngăn ngừa sự lây truyền các bệnh do muỗi gây ra. Nghiên cứu này vừa được đăng trên tạp chí y học danh tiếng PLOS Neglected Tropical Diseases.

TS. Rebecca Rico-Hesse, Giáo sư về sinh học phân tử virus và vi sinh tại Đại học Y Baylor cho biết: "Hàng tỷ người trên toàn thế giới có khả năng phơi nhiễm với các bệnh lây truyền qua muỗi, và rất nhiều trường hợp không có phương pháp điều trị hiệu quả. Một trong những hướng nghiên cứu của phòng thí nghiệm chúng tôi là nghiên cứu sự phát triển của bệnh sốt xuất huyết gây ra bởi virus dengue được lây truyền qua muỗi Aedes aegypti."


Hình 3

Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính có khoảng 100 triệu ca nhiễm virus sốt xuất huyết và 22.000 ca tử vong xảy ra hàng năm trên toàn thế giới, phần lớn là ở trẻ em. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh của Mỹ (US.CDC), hơn một phần ba dân số thế giới sống ở những khu vực có nguy cơ mắc bệnh, khiến virus sốt xuất huyết trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

TS. Rico-Hesse cho biết một trong những hạn chế chính của việc nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết là virus sốt xuất huyết chỉ gây bệnh trên người, và không một loài động vật nào khác có thể được sử dụng làm mô hình để phát triển các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên một mô hình chuột mang hệ miễn dịch người."

Những “con chuột người hóa” này đã được các nhóm nghiên cứu khác xây dựng dựa trên những con chuột sinh ra mà không mang hệ miễn dịch chuột. Những con chuột bị suy giảm miễn dịch này được cấy tế bào gốc của người, và điều này sẽ làm tăng thành phần hệ miễn dịch người trong cơ thể chuột từ đó hình thành nên một “mô hình động vật người hóa”. Dựa trên mô hình này, TS. Rico-Hesse và cộng sự có thể nghiên cứu các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh sốt xuất huyết.


Hình 4

TS. Rico-Hesse cho biết: “Vào năm 2012, chúng tôi đã chứng minh rằng trên “chuột người hóa” quá trình lây nhiễm virus sốt xuất huyết Dengue do muỗi chích và lây nhiễm bằng kim tiêm đã đưa đến quá trình tiến triển bệnh hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng là quá trình lây nhiễm virus do muỗi chích thường gây ra những bệnh gần giống trên người hơn những biểu hiện mà chúng tôi quan sát được ở con đường lây nhiễm virus bằng kim tiêm. Khi muỗi phát tán virus, chuột xuất hiện những biểu hiện phát ban và sốt nhiều hơn cùng các đặc điểm khác giống với các dấu hiệu bệnh lý ở người."

Những phát hiện này ủng hộ quan điểm rằng muỗi không chỉ hoạt động như một 'ống tiêm', và đơn thuần “tiêm” các loại virus vào động vật mà chúng hút máu. Nước bọt của muỗi dường như đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của những bệnh này và điều này đã thúc đẩy TS. Rico-Hesse cùng các cộng sự nghiên cứu về vai trò này. Nhóm nghiên cứu bắt đầu bằng việc xác định ảnh hưởng của những vết chích từ muỗi không mang virus đối với các đáp ứng miễn dịch của người trên mô hình “chuột người hóa”.

Các đáp ứng miễn dịch phức tạp không mong đợi từ nước bọt của muỗi

Để đánh giá ảnh hưởng của nước bọt từ muỗi không mang virus trên “chuột người hóa”, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một lọ chứa muỗi áp vào một bàn chân của “chuột người hóa” đã được gây mê, và thiết kế sao cho tổng cộng có bốn con muỗi chích cả hai bàn chân chuột.


Hình 5

Sau đó các nhà nghiên cứu lấy máu và một số mẫu mô khác tại thời điểm 6 giờ, 24 giờ và 7 ngày sau khi chuột được cho muỗi chích, và tiến hành đánh giá nồng độ cytokine, các phân tử điều hòa đáp ứng miễn dịch, cũng như số lượng và hoạt tính của các các loại tế bào miễn dịch. Họ so sánh những kết quả này với những kết quả thu được từ “chuột người hóa” không bị muỗi chích.

Để ghi nhận các kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật có độ nhạy cao như phương pháp phân tích tế bào theo dòng chảy (flow cytometry) để phân tích tế bào miễn dịch và phương pháp phân tích đồng thời nhiều cytokine (multiplex cytokine bead array). Các phương pháp này cho phép phân tích các đáp ứng miễn dịch một cách chi tiết. Cách tiếp cận này mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên.

Tiến sĩ Silke Paust, đồng tác giả của công trình nghiên cứu và là phó giáo sư  Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Baylor và Texas cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng nước bọt muỗi kích hoạt các đáp ứng miễn dịch phức tạp và khác nhau mà chúng tôi không dự đoán được. Ví dụ, đáp ứng của các tế bào miễn dịch và nồng độ cytokine đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi nhận thấy có sự hoạt hóa các tế bào T giúp đỡ loại 1, một loại tế bào có vai trò trong đáp ứng miễn dịch kháng virus, và sự hoạt hóa tế bào T giúp đỡ loại 2, có liên quan trong miễn dịch dị ứng”.


Hình 6

Tại các thời điểm khác nhau, nồng độ và hoạt tính của một số loại tế bào miễn dịch thì tăng lên trong khi đó một số loại khác lại giảm. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã tìm được bằng chứng cho thấy nước bọt muỗi có thể kích hoạt các đáp ứng miễn dịch lâu dài, kéo dài đến bảy ngày sau khi bị muỗi chích, và các đáp ứng này xảy ra tại nhiều loại mô, bao gồm máu, da và tủy xương.

TS. Paust hiện cũng là thành viên của Trung tâm ung thư tổng hợp Dan L Duncan tại Đại học Y Baylor. Ông cho biết: “Tôi bị ấn tượng nhất bởi sự đa dạng của các đáp ứng miễn dịch. Điều này thật đáng ngạc nhiên khi không có sự hiện diện của bất kỳ tác nhân gây nhiễm nào. Những kết quả này là bằng chứng cho thấy các thành phần trong nước bọt của muỗi có thể điều hòa các đáp ứng miễn dịch ở chuột người hóa."

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục công trình này với các nghiên cứu để tìm ra trong hơn 100 loại protein có trong nước bọt muỗi thì loại protein nào có vai trò trung gian tác động đến hệ miễn dịch, hoặc có vai trò làm tăng khả năng xâm nhiễm của virus.

Việc xác định protein này có thể giúp tìm ra chiến lược chống lại sự lây nhiễm của bệnh sốt xuất huyết, cũng như các bệnh khác do virus gây ra qua trung gian muỗi Aedes aegypti như virus Zika, virus chikungunya và virus gây sốt vàng da.

TS. Paust cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nghiên cứu khác trong lĩnh vực này với mục tiêu lâu dài là ứng dụng những hiểu biết của chúng ta về cơ chế nước bọt muỗi tương tác với hệ miễn dịch vào mục đích điều trị".


Hình 7

Một số đặc điểm chung của loài muỗi

Muỗi là loài côn trùng nhỏ, có hai đôi cánh, thân mình mỏng với các chân dài, thuộc lớp côn trùng họ Culicidae. Tùy theo mỗi loài mà muỗi có các kích thước khác nhau, tuy nhiên, kích cỡ trung bình của muỗi thường không quá vài mm. Với trọng lượng từ 2 đến 2.5 mg, muỗi có thể đạt được tốc độ bay khoảng 1.5 đến 2.5km/h.

Muỗi xuất hiện khi nào? Con muỗi đầu tiên được biết đến với hình dáng cũng như cấu tạo khá giống với loài muỗi thường thấy ngày nay được tìm thấy trong một hóa thạch hổ phách 79 triệu năm tuổi ở Canada. Cho đến hiện nay, đã có đến 3500 loài được phát hiện.

Môi trường sinh sống của muỗi? Môi trường ẩm ướt là điều kiện sinh sôi và phát triển thuận lợi của loài muỗi. Chính vì vậy, người ta có thể thấy rất nhiều muỗi ở những nơi như đầm lầy, ao hồ, những khu vực có ao tù nước đọng.

Muỗi đẻ trứng xuống nước, từ trứng nở ra những ấu trùng chính là bọ gậy hay còn gọi là loăng quăng. Sau một thời gian chúng sống trong nước thì dần từ nhộng biến thành muỗi và bay lên khỏi mặt nước.

Loài muỗi ăn gì? Trong khi muỗi đực hút nhựa cây và hoa quả để sống thì máu người và động vật lại là nguồn “thức ăn” chính của muỗi cái để có đủ nguồn protein sản sinh ra trứng. Mặc dù lượng máu muỗi đốt con người hay động vật không đáng kể nhưng vết cắn của muỗi trên da gây cảm giác ngứa và tấy khó chịu.

Nguy hiểm hơn, nước bọt tiết ra từ con muỗi khi đốt, chích chính là mầm mống truyền bệnh từ động vật sang con người, làm lây lan dịch bệnh có thể gây tử vong như: sốt rét, sốt xuất huyết...nguy hiểm cho con người.


Hình 8

Vòng đời của muỗi? Vòng đời của muỗigồm 4 giai đoạn: Trứng muỗi; Bọ gậy (ấu trùng); Loăng quăng (nhộng) và Muỗi trưởng thành.

Giai đoạn đầu tiên bắt đầu khi muỗi cái đẻ trứng ở trong nước. Khoảng 2-3 ngày sau, trứng muỗi nở thành những ấu trùng hay chính là bọ gậy. Thời gian đầu, bọ gậy dần dần phát triển dựa vào thức ăn từ tảo, vi khuẩn, vi sinh vật dưới nước. Sau đó, nó chuyển sang giai đoạn thứ 3 trong vòng đời: loăng quăng. Cuối cùng, loăng quăng biến thái thành muỗi trưởng thành và bay khỏi mặt nước.

Như những gì chúng ta vừa tìm hiểu về muỗi, có rất nhiều loài muỗi khác nhauvới những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng phát triển phổ biến và đa dạng. Vậy thì hãy cùng xem xem có những loại muỗi chủ yếu nào ở Việt Nam cũng như cách phân loại chúng nhé!


Hình 8

Các loại muỗi phổ biến ở Việt Nam

Ba loại muỗi phổ biến ở Việt Namđó là: Muỗi Aedes; muỗi Anophel và muỗi Culex.

Muỗi Aedes (Muỗi vằn)

Muỗi Aedes hay còn có tên khác là muỗi vằn là loại muỗi ban đầu chủ yếu được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới hay cận nhiệt đới. Tuy nhiên, ngày nay, ngoại trừ Nam Cực thì người ta đều thấy loài muỗi này sinh sống ở các vùng đất khác.

Đặc điểm hình dáng

Muỗi vằn trưởng thành có hình dáng đặc trưng với phần chân trắng, vòi đen và những xúc tu có đầu trắng. Lưng giữa muỗi vằn có những vệt trắng như hình đàn lia với 2 sọc ở giữa, nổi lên trên những vệt đen. Cánh của chúng cũng có màu đen. Trong khi đó, trứng muỗi vằn có màu đen và hình dạng như bóng bầu dục. Ấu trùng loài muỗi này nằm ở góc 45 độ so với mặt nước.

Vòng đời

Cũng như vòng đời của loài muỗi, muỗi vằn có 4 giai đoạn trong vòng đời của mình và thời gian để trứng muỗi biến thành muỗi trưởng thành là từ 6 đến 8 ngày.

Thói quen

Không giống như các loại muỗi khác, muỗi vằn lại hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Khoảng thời gian “kiếm ăn” của muỗi vằn tập trung vào sáng sớm, khoảng 2 giờ trước khi mặt trời mọc và buổi chiều tối, vài giờ trước khi mặt trời lặn. Bên cạnh đó, loài muỗi vằn còn ưa thích màu tối như màu đen, đỏ. Muỗi vằn có thể bay khoảng cách ngắn từ 50 đến 100m. Chúng phát triển sinh sôi ở những nơi ẩm ướt, tù đọng và chúng cũng có thể sống ở những nơi trong nhà, trường học, nơi làm việc.

Tác nhân gây bệnh

Có thể nói, muỗi vằn vô cùng nguy hiểm bởi nó đã gây ra nhiều dịch bệnh gây chết người như: sốt xuất huyết, sốt vàng da và đặc biệt là vi rút Zika gần đây đã gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.


Hình 9

Muỗi Anopheles

Một loài muỗi có tính chất nguy hiểm không kém và còn tồn tại với số lượng lớn đó chính là muỗi Anopheles.

Đặc điểm hình dáng: Điểm khác biệtgiữa muỗi Anophel và các loại muỗi khác đó là muỗi Anophel có phần chân dài bằng chiều dài vòi, trên cánh có những vệt đen trắng và chúng thường đậu ở góc 45 độ so với mặt nước. Trứng muỗi Anophel dài khoảng 1mm và có phao ở hai bên. Sau 2 đến 3 ngày, trứng nở thành ấu trùng nằm song song với mặt nước.

Vòng đời: Thời gian trứng nở thành một con muỗi trưởng thành mất khoảng 11 đến 13 ngày.

Thói quen: Phần lớn muỗi Anophel thường hoạt động trong khoảng thời gian tờ mờ sáng hoặc chập tối, số ít lại hoạt động về đêm. Có loại muỗi kiếm ăn trong nhà, một số lại tìm đến môi trường bên ngoài. Chúng thích sinh sống trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm. Cũng như muỗi vằn, muỗi Anophel thích ở những chỗ tối, màu sắc tối. Một con muỗi Anophel cái có thể đẻ tới 50 đến 150 trứng sau khi nó hút máu xong.

Tác nhân gây bệnh: Muỗi Anophel dirus là nguyên nhân gây bệnh sốt rét vô cùng nguy hiểm. Trước đây, chúng sinh sống trong rừng và lấy máu động vật như khỉ, vượn làm thức ăn sinh sống. Những người đi rừng cũng trở thành “miếng mồi ngon” của chúng và từ đây, bệnh từ động vật đã lây sang con người.

Muỗi Culex: Culex là một chi gồm nhiều loại muỗi được coi là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm tới động vật và con người.

Đặc điểm hình dáng: Một con muỗi Culex trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 4 đến 10mm. Cấu tạo muỗi gồm đầu, ngực, bụng được phân chia rõ rệt, hai cánh trước của muỗi nằm ngang trên vùng bụng khi ở trạng thái nghỉ. Cũng như các loài côn trùng bộ hai cánh, hai cặp cánh sau của muỗi Culex ngắn lại và thu nhỏ khi bay. Muỗi Culex có màu nâu sậm, tối. Trứng của muỗi Culex màu nâu, dài và có hình trụ. Chúng thường nằm thẳng đứng so với mặt nước và kết thành bè gồm có 300 trứng. Bè có độ dài 3-4mm và độ rộng 2-3mm.


Hình 10

Vòng đời: Mất từ 6 đến 10 ngày để trứng muỗi Culex biến thái thành một con muỗi trưởng thành trong điều kiện thời tiết ấm nóng.

Thói quen: Muỗi Culex thường sinh sôi và phát triển ở những vùng nước ngọt: vũng nước, hồ bơi, bể chứa nước. Trứng muỗi Culex chỉ nở trong môi trường nước. Loài muỗi này thường đốt người vào ban đêm và ở trong nhà cả trước và sau khi hoàn thành “bữa ăn” của mình. Tương tự như các loài muỗi trên, muỗi Culex cũng ưa thích màu tối. Chúng là loài có khả năng bay đường dài.

Tác nhân gây bệnh: Những bệnh mà muỗi Culex gây ra có thể là: bệnh sốt tây sông Nile, sốt rét gia cầm và nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản. Với những thông tin chung nhất về ba loại muỗi phổ biến ở Việt Nam, chắc hẳn các bạn đã có thể nắm được phần nào môi trường sinh sống cũng như cách thức chúng kiếm ăn như thế nào.


Hình 11

Một số sự thật thú vị về muỗi có thế bạn chưa biết

Bạn vẫn còn nhiều thắc mắc về cách chúng tiếp cận con người như thế nào đúng không? Hãy nhấp chuột và cùng giải đáp qua một số điều thú vị về con muỗi nhé!

Muỗi đực có đốt người (hút máu) không? Câu trả lời là không. Cấu tạo vòi của muỗi đực không thể hút máu và chúng chỉ hút nhựa cây hay hoa quả. Trong khi đó, muỗi cái cần phải hút máu người để có thể lấy protein trong máu để đẻ trứng.

Tại sao có người hay bị muỗi đốt? Nhiều người tự hỏi: Tại sao mình lại hay bị muỗi đến thế? Hóa ra lại có rất nhiều giải đáp cho câu hỏi này đấy! Muỗi có khả năng tìm đến “con mồi” của chúng bằng cách đánh hơi khí CO2. Vì vậy, những người thở ra nhiều khí CO2 hơn sẽ dễ bị muỗi đốt hơn. Đó là những người mang thai hay những người có trọng lượng cơ thể lớn hơn. Bên cạnh đó, nhiệt độ cơ thể cao là lý do khiến muỗi “thích” bạn hơn những người khác. Ngoài ra, cơ thể những người thường xuyên tập thể dục tiết ra nhiều chất axit lactic – một loại chất rất hấp dẫn loài muỗi.

Nhóm máu nào hay bị muỗi đốt? Theo nhiều nghiên cứu, những người có nhóm máu O là những người dễ bị muỗi đốt nhiều gấp 2 lần những người có nhóm máu A và B.

Muỗi thích màu sắc quần áo gì? Màu tối như màu đen, nâu, xanh thẫm có tính chất giữ nhiệt, trong khi đó muỗi lại rất dễ bị thu hút bởi nhiệt độ cao. Chính vì vậy, mặc những bộ quần áo tối màu sẽ dễ bị muỗi đốt hơn. Ngược lại, những màu sắc sáng có tính chất phản xạ nhiệt nên ít thu hút muỗi.

Tuổi thọ của muỗi là bao nhiêu?Muỗi sống được bao nhiêu lâu?” Câu trả lời là tuổi thọ trung bình của muỗi khá ngắn. Trong khi muỗi cái có thể sống từ 42 đến 56 ngàythì muỗi đực chỉ sống được có 10 ngày.

Muỗi có bao nhiêu chân?

Muỗi là loài côn trùng thuộc ngành động vật không xương sống. Chúng có ba cặp chân, tức là có tổng cộng 6 cái chân.

Muỗi thích mùi gì?

Có những mùi hương thu hút loài muỗi hơn cả và đó là mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi rượu bia và các mùi hóa mỹ phẩm. Đây cũng chính là lý do tại sao một số người lại dễ bị muối đốt hơn những người khác. Tìm hiểu một số điều về thói quen sinh sống và kiếm ăn của muỗi, chúng ta có thể tránh được nguy cơ bị muỗi đốt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa hiểu hết hay đôi khi coi thường sự nguy hiểm mà muỗi gây ra.

Vậy thì muỗi đã đem lại những “tai họa” gì cho cuộc sống của chúng ta.


Hình 12

Tác hại của muỗi tới sức khỏe và đời sống con người

Dù muỗi chỉ là loài côn trùng rất nhỏ nhưng chúng lại là một trong những loài vật gây chết người nhiều nhất trên thế giới. Theo WHO, vết muỗi cắn đã gây ra cái chết của hơn 1 triệu người mỗi năm, phần lớn đều là do bệnh dịch sốt rét do muỗi lây truyền từ người này sang người khác.

Bệnh sốt rét

Sốt rét là một trong những chứng bệnh nguy hiểm lây truyền từ người này sang người khác khi họ bị muỗi Anophel đốt. Những biểu hiện ban đầu của chứng bệnh sốt rét khá giống với cảm cúm như: đau đầu, sốt, run, buồn nôn nên nhiều người thường chủ quan không đi khám. Triệu chứng điển hình của bệnh này là kịch phát: những cơn lạnh đột ngột, run rẩy, sốt và đổ mồ hôi tái phát liên tục. Bệnh sốt rét có thể lây truyền qua đường máu hoặc từ mẹ sang thai nhi. Tỷ lệ tử vong do bệnh sốt rét rất cao, mặc dù trong nhiều năm gần đây nó đã giảm dần nhờ một số biện pháp phòng tránh và chữa bệnh hiện đại tiên tiến hơn.

Bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết cũng là chứng bệnh lây truyền do muỗi vằn đốt. Triệu chứng của bệnh này đau đầu, đau mình, sốt cao kéo dài nhiều ngày và nguy hiểm nhất chính là hiện tượng xuất huyết ngoài da hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nếu không chữa trị kịp thời hay chữa trị sai cách có thể gây tử vong cho người bệnh.

Tỷ lệ ca mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây và tập trung ở những người bệnh trên 15 tuổi. Điều này là một mối lo ngại bởi người lớn bị sốt xuất huyết dễ tử vong hơn trẻ em.

Bệnh viêm não Nhật Bản

Một chứng bệnh vô cùng nguy hiểm từ muỗi khiến nhiều người e sợ là bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Muỗi Culexhút máu động vật là lợn và chim, những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản, rồi truyền sang con người gây bệnh này.

Bệnh viêm não Nhật Bản thường được phát hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi. Những biểu hiện trong vài ngày đầu là: sốt cao, co giật, cứng gáy, rối loạn vận động nhãn cầu và hôn mê. Đến giai đoạn toàn phát bệnh, nhiều triệu chứng nguy hiểm hơn xuất hiện và có thể gây tử vong. Dù cho người bệnh có thể qua khỏi thì có rất nhiều di chứng như bại liệt, rối loạn tâm thần, động kinh để lại cho họ.

Tỷ lệ tử vong do bệnh viêm não Nhật Bản rất lớn và ngay cả tỷ lệ bệnh nhân bị di chứng thần kinh cũng lên tới 50%.

Ngoài 3 chứng bệnh phổ biến trên, muỗi còn gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm khác cho con người. Vậy thì, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do muỗi gây ra, chúng ta cần phải áp dụng các cách phòng tránh như thế nào?

Cách phòng chống muỗi đốt (chích)

Chẳng thể nào diệt được loài muỗi hoàn toàn mà chúng ta chỉ có cách tìm những biện pháp kiểm soát muỗi. Áp dụng những cách sau đây để bạn và những người thân xung quanh có thể yên tâm trong môi trường “vắng bóng” loài muỗi nhé!

- Luôn giữ nhà cửa khô thoáng, sạch sẽ: Môi trường tối, ẩm ướt và nóng là nơi sinh sôi phát triển mạnh của loài muỗi. Vậy để tránh bị muỗi đốt, bạn hãy luôn giữ nhà cửa được sạch sẽ, khô thoáng và nhiều ánh sáng. Bên cạnh đó, tránh để những chỗ có đọng nước, bể chứa nước trong nhà bởi đây có thể là nơi muỗi muốn “trú ngụ” đấy!

- Sử dụng cửa lưới chống muỗi: Một cách hạn chế muỗi từ ngoài vào trong nhà khá hiệu quả chính là lắp đặt cửa lưới chống muỗi. Bạn sẽ không phải quá lo lắng rằng những loại muỗi bệnh sẽ “xâm nhập” và “ẩn náu” trong ngôi nhà của mình.

- Chống muỗi theo cách dân gian: Thay vì dùng những hóa chất như bình xịt côn trùng đề diệt muỗi, các bạn có thể sử dụng ngay những nguyên liệu tự nhiên như: tinh dầu sả, tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu quế, trồng các loại cây có mùi hương đuổi muỗi như cây cúc vạn thọ, cây hoa dạ hương…Với những nguyên liệu tự nhiên này, bạn sẽ vừa có thể an tâm về độ an toàn, vừa giúp căn nhà thơm mát hơn.

Màn là vật dụng khá rẻ mà lại vô cùng hiệu quả để chống muỗi ban đêm cho gia đình bạn. Bạn sẽ không phải quá lo lắng việc bị muỗi đốt để giấc ngủ ngon hơn và đảm bảo sức khỏe hơn. Ngoài ra còn có rất nhiều cách khác như dùng đèn bắt muỗi, vợt bắt muỗi, sử dụng thuốc chống muỗi mỗi khi đi ra ngoài, nuôi các loài vật có tác dụng bắt muỗi trong nhà…tùy tình trạng nhiều hay ít muỗi.

 

Ngày 02/12/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích