Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 9 0 9 0 6
Số người đang truy cập
1 4 6
 Tin tức - Sự kiện
Khó khăn mới trong phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét

Sau nhiều năm tác động các biện pháp phòng chống có hiệu quả, hiện nay tình hình sốt rét tại miền Trung - Tây Nguyên là khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước đang phải đối mặt với một khó khăn, thách thức mới trong lộ trình thực hiện chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét do cơ cấu ký sinh trùng sốt rét gây bệnh đã biến đổi. Plasmodium falciparum có xu hướng giảm, ngược lại Plasmodium vivax lại nổi trội lên chiếm ưu thế; việc điều trị tiệt căn loại ký sinh trùng này dài ngày, khó thực hiện nên làm hạn chế kết quả.  

Cơ cấu ký sinh trùng sốt rét biến đổi

Theo thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 1976 cơ cấu ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum chiếm 83,44%; Plasmodium vivax chiếm 16,22%. Sau 39 năm tác động các biện pháp phòng chống, đến năm 2015 cơ cấu này có biến đổi với Plasmodium falciparum giảm còn 44,32%, trong khi đó Plasmodium vivax lại có xu hướng tăng lên chiếm tỷ lệ 53,85%. Trên thực tế, có thể nói khu vực miền Trung-Tây Nguyên là trọng điểm sốt rét của cả nước; vì vậy giải quyết được tình hình sốt rét của khu vực là cơ bản đã giải quyết được tình hình sốt rét của cả nước.

Những năm trước đây, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong khu vực chiếm ưu thế đã gây nên nhiều trường hợp sốt rét ác tính và tử vong. Do đó biện pháp can thiệp điều trị tập trung vào vấn đề này để xử trí tích cực nhằm thực hiện mục tiêu cơ bản giảm tử vong sốt rét và đã đạt được yêu cầu mong muốn, từ 96 bệnh nhân sốt rét ác tính và 6 trường hợp tử vong năm 2011 đã giảm xuống còn 15 bệnh nhân sốt rét ác tính và 1 trường hợp tử vong năm 2015. Bên cạnh đó, một vấn đề đang phải đối mặt là tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng lại với các loại thuốc sốt rét sử dụng cũng gây nên khó khăn, làm hạn chế kết quả điều trị. Tuy nhiên hiện nay cơ cấu ký sinh trùng sốt rét bị biến đổi, loại Plasmodium vivax lại tăng lên và chiếm ưu thế nên một khó khăn mới được phát sinh.

 

Cơ cấu ký sinh trùng sốt rét biến đổi,
Plasmodium vivax chiếm ưu thế gây khó khăn mới về điều trị 
 

Một khó khăn mới phát sinh

Mặc dù thời gian qua biện pháp can thiệp tập trung để xử trí điều trị chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum chiếm ưu thế trong khu vực thực hiện một cách có hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu giảm sốt rét ác tính và tử vong nhưng hiện nay cơ cấu ký sinh trùng sốt rét đã có sự biến đổi. Tỷ lệ nhiễm Plasmodium falciparum đã giảm xuống, trong khi đó tỷ lệ nhiễm Plasmodium vivax lại gia tăng và chiếm ưu thế.

Theo các nhà khoa học, chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium vivax có thể gây nên sốt rét ác tính và tử vong nhưng không phải là vấn đề phổ biến cần được quan tâm như nhiễm Plasmodium falciparum; mặt khác chúng chưa có hiện tượng kháng lại với thuốc sốt rét thông thường nên có thể đáp ứng tốt với kết quả điều trị. Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành; nếu bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium vivax được chẩn đoán xác định qua lam máu xét nghiệm nhuộm giemsa hoặc qua xét nghiệm chẩn đoán nhanh thì việc xử trí điều trị rất đơn giản, chỉ cần cắt cơn sốt và cắt ký sinh trùng bằng thuốc chloroquin uống trong 3 ngày kết hợp với thuốc primaquin tiệt căn chống tái phát xa uống trong 14 ngày.

Thuốc chloroquin phosphat viên 250mg có chứa 150mg base có thể uống với liều lượng theo trọng lượng cơ thể gồm ngày 1 uống 10mg base/kg cân nặng, ngày 2 uống 10mg base/kg cân nặng và ngày 3 uống 5mg base/kg cân nặng. Trường hợp không có cân trọng lượng cơ thể thì có thể cho uống thuốc theo nhóm tuổi như: dưới 1 tuổi uống 2 ngày đầu mỗi ngày 1/2 viên, ngày 3 uống 1/4 viên; từ 1 đến dưới 5 tuổi uống 2 ngày đầu mỗi ngày 1 viên, ngày 3 uống 1/2 viên; từ 5 đến dưới 12 tuổi uống 2 ngày đầu mỗi ngày 2 viên, ngày 3 uống 1 viên; từ 12 đến dưới 15 tuổi uống 2 ngày đầu mỗi ngày 3 viên, ngày 3 uống 1+1/2 viên; từ 15 tuổi trở lên uống 2 ngày đầu mỗi ngày 4 viên, ngày 3 uống 2 viên.

Thuốc primaquin phosphat viên 13,2mg có chứa 7,5mg base có thể uống với liều lượng theo trọng lượng cơ thể, mỗi ngày uống 0,25mg base/kg cân nặng, uống liên tục trong 14 ngày, điều trị vào ngày đầu tiên kết hợp cùng với thuốc chloroquin để diệt thể ngủ của ký sinh trùng ký sinh tring gan chống tái phát xa. Trường hợp không có cân trọng lượng cơ thể thì có thể uống thuốc theo nhóm tuổi như: từ 3 đến dưới 5 tuổi mỗi ngày uống 1/2 viên, từ 5 đến dưới 12 tuổi mỗi ngày uống 1 viên, từ 12 đến dưới 15 tuổi mỗi ngày uống 1+1/2 viên, từ 15 tuổi trở lên mỗi ngày uống 2 viên và lẽ dĩ nhiên cũng phải uống đủ liều điều trị quy định 14 ngày. Nên uống thuốc primaquin sau khi ăn và lưu ý không dùng thuốc này cho trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh gan và người thiếu men G6PD (glucose 6 phosphat dehydrogenase); nếu không có điều kiện xét nghiệm men G6PD thì cần theo dõi biến động khối lượng hồng cầu, màu sắc da và màu sắc nước tiểu nhằm phát hiện nước tiểu chuyển màu sẫm như nước vối hoặc màu nước cà phê đen để dừng thuốc kịp thời. Do thuốc primaquin phải điều trị liên tục trong 14 ngày nên thực tế một khó khăn mới xuất hiện là bệnh nhân tự ý bỏ trị, không uống đủ liều khi thấy bệnh đã đỡ.

Biện pháp khắc phục

Việc xử trí can thiệp điều trị các trường hợp bệnh nhân sốt rét bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vivax khá đơn giản như chỉ định đã nêu ở trên nhưng trong thực tế để bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu này thường không đơn giản như sự mong muốn do thuốc primaquin phải được uống đủ liều liên tiếp 14 ngày. Thời gian sử dụng thuốc primaquin có thể nói là tương đối dài trong một liệu trình điều trị so với các bệnh nhiễm trùng thông thường khác; vì vậy người bệnh chủ quan, thường hay bỏ trị khi thấy bệnh đã đỡ. Nếu bệnh nhân thấy hết sốt và ăn uống, đi đứng, sinh hoạt trở lại bình thường sẽ tự ý ngừng thuốc điều trị được cấp, không uống thuốc đủ liều quy định nên không đáp ứng hiệu quả, bệnh có nguy cơ tái phát.

Vấn đề cần quan tâm ở đây là các cơ sở y tế nên áp dụng biện pháp điều trị quan sát trực tiếp DOT (directly observed therapy), có nghĩa là phải cho bệnh nhân uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế như những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp có Plasmodium falciparum để ngăn ngừa kháng thuốc mặc dù phải quản lý bệnh nhân dài ngày.

Việc điều trị và quản lý điều trị để cho người bệnh uống thuốc đủ liều theo phương pháp điều trị quan sát trực tiếp trên thực tế dễ thực hiện đối với bệnh nhân nội trú, còn đối với bệnh nhân ngoại trú sẽ gặp nhiều khó khăn do không điều trị quan sát trực tiếp được; vì vậy cơ sở y tế có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho y tế thôn, bản, tổ, ấp thực hiện việc cấp thuốc và giám sát việc uống thuốc hàng ngày cho đủ liều thuốc quy định hoặc tư vấn, khuyến cáo rõ ràng, cụ thể việc uống thuốc đủ liều đã cấp cho người bệnh; đồng thời nhờ người nhà bệnh nhân có sự hiểu biết nhất định để thực hiện việc theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc uống thuốc.

Vấn đề cần quan tâm

Hiện nay tình hình ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng thuốc artemisinin và các dẫn chất, thậm chí ngay cả các thuốc phối hợp có artemisinin ACTs (artemisinin based combination therapy) đang có nguy cơ phát sinh, phát triển, lan rộng là một vấn đề làm khó khăn, hạn chế kết quả điều trị. Bên cạnh đó cơ cấu ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm có sự biến đổi, chủng loại Plasmodium vivax lại gia tăng chiếm ưu thế, liệu trình điều trị tiệt căn chống tái phát xa để diệt thể ngủ của ký sinh trùng ký sinh ở trong gan phải thực hiện trong thời gian 14 ngày nên cũng gặp khó khăn do bệnh nhân có thể tự ý bỏ trị. Vì vậy các cơ sở y tế và người bệnh sốt rét, người nhà bệnh nhân cần quan tâm đến sự khó khăn mới này để khắc phục, góp phần cho công tác phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng có hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Ngày 27/11/2018
BS. NGUYỄN VÕ HINH  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích