Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 7 3 3 7
Số người đang truy cập
6 2 2
 Tin tức - Sự kiện
Bệnh ký sinh trùng ở người và động vật không nên lãng quên!

Nhiễm ký sinh trùng dễ gây bệnh trọng và đột quỵ; Các dấu hiệu cơ thể bạn có thể bị ký sinh trùng xâm nhập; Ăn uống không thận trọng dễ dẫn đến nhiễm KST giun đầu gai nguy hiểm ; Ký sinh trùng "ẩn nấp" đằng sau những món ngon bổ dưỡng ; Các nguy cơ bệnh tật khác nếu trong môi trường ô nhiễm tác nhân gây bệnh; Phòng tránh ký sinh trùng lây truyền qua thực phẩm; Nhiễm ký sinh trùng do ăn ốc sên sống ;

1. Nhiễm ký sinh trùng dễ gây bệnh trọng và đột quỵ

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) mới đây cho biết về bệnh Chagas, một bệnh nhiễm trùng ký sinh trùng có thể gây bệnh lý tim và đột quỵ, đã lan rộng từ Nam và Trung Mỹ sang Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây. Tuyên bố này nhằm mục đích giúp các bác sĩ Hoa Kỳ nhận biết, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng này tốt hơn, được truyền thông qua côn trùng có tên là bọ “Kissing Bug”.

Bệnh Chagas là một bệnh nhiễm trùng do đơn bào Trypanosoma cruzi, một loại ký sinh trùng sống trong ruột của côn trùng Triatomine còn được gọi là bọ hôn vì chúng có khuynh hướng cắn gần miệng người gây ra trong khi ngủ. Ký sinh trùng T. cruzi không lây lan qua vết cắn giống như cách muỗi truyền bệnh mà nó lây qua phân của nó. GS. Paula Stigler-Granados tại Trường Quản lý Y tế của Đại học bang Texas cho biết nếu bị bọ hôn cắn, hút máu, sau đó đi vệ sinh và bạn lại làm xước khu vực thương tổn nào đó trên da, chà vào vết thương hoặc dụi mắt, bạn có thể bị nhiễm bệnh.


Hình 1

Khoảng một phần ba số người bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh Chagas có các vấn đề về tim mạch mạn tính. Nhiễm trùng này thường không được chẩn đoán cho đến khi quá muộn. Chính vì vậy, các phương pháp sàng lọc và phòng ngừa sớm là rất quan trọng.


Hình 2.
Ba loài bọ hôn được tìm thấy ở miền Nam Hoa Kỳ: Triatoma protracta, Triatoma gerstaeckeri và Triatoma sanguisuga.

Những người nhiễm ký sinh trùng này có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng giống như cúm nhẹ, có thể kéo dài vài tuần. Sau đó, họ cảm thấy khỏe mạnh và hoàn toàn bình thường nhưng trong số 30-40% số người bị nhiễm bệnh có thể phát triển các bệnh lý tim mạch, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng, đột quỵ hoặc ngừng tim. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn không biết điều gì khiến một người dễ mắc bệnh Chagas hơn là không mắc bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US.CDC) ước tính có khoảng 300.000 người sống ở Mỹ mắc bệnh Chagas và hầu hết trong số họ bị lây nhiễm bệnh từ các nước khác có bệnh lưu hành. Tuy nhiên, thực tế có thể lên tới gần 1 triệu ca nhiễm đơn bào này.

Loài bọ này phổ biến ở Trung và Nam Mỹ và có mặt tại 27 tiểu bang ở miền Nam Hoa Kỳ. Theo nghiên cứu, có khoảng 60% số bọ được thử nghiệm ở đây bị nhiễm T. cruzi. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bệnh Chagas đã lan sang Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong vòng 40 năm qua. Nhưng có ý kiến cho rằng bệnh có thể xuất hiện từ những năm 1900. Theo GS.TS. Stigler-Granados, có thể có một vài trường hợp mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán sai trong những năm qua thực sự là do mắc bệnh Chagas.


Hình 3

Bất cứ ai sống ở các quốc gia châu Mỹ Latinh hoặc những người có nhiều thời gian ở đó đều có nguy cơ gia tăng bệnh Chagas. Những người sống ở miền Nam Hoa Kỳ, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn hoặc người nghèo, những người sống trong khu nhà ẩm thấp, điều kiện kinh tế kém và thu nhập thấp có thể tiếp xúc với bọ khi họ ngủ.

Những con bọ này có ở khắp mọi nơi, mặc dù bệnh Chagas không thể truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc hoặc qua nước bọt, nhưng nó có thể lây truyền qua truyền máu, cấy ghép nội tạng hoặc truyền từ mẹ mang thai sang con. Dù ít nhưng nó cũng có thể được truyền qua thực phẩm hoặc đồ uống đã bị nhiễm phân của ký sinh trùng này.

Về phòng bệnh, cách tốt nhất là bạn phải biết loại bọ này trông như thế nào và phải làm gì nếu tìm thấy chúng. Các con bọ này lớn, thường lớn hơn đồng 1 xu. Hầu hết loài đều có một dải các sọc màu cam hoặc đỏ xung quanh các cạnh của cơ thể chúng. Nếu tìm thấy các bọ lỗi hôn trong nhà, họ có thể gửi để xét nghiệm miễn phí.


Hình 4

Nếu con bọ mang T. cruzi, tất cả những người sống trong ngôi nhà đó phải được xét nghiệm máu để xem có bị nhiễm hay không? GS.TS. Stigler-Granados lưu ý rằng, các bọ này cắn không đau. Nếu bị bọ cắn mà đau thì không phải là bọ đó. Stigler-Granados khuyên phụ nữ mang thai (PNMT) sống ở miền Nam hoặc những người đã sống ở các nước khu vực Nam hay Trung Mỹ nên được sàng lọc bệnh Chagas. Các động vật, kể cả chó, cũng có thể mắc bệnh Chagas, nên nếu có thú cưng được chẩn đoán mắc loại KST này cũng nên được sàng lọc bởi bạn có khả năng bị phơi nhiễm với các bọ gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ ở đây không biết nhiều về bệnh Chagas. Họ nghĩ rằng đó là một căn bệnh nhiệt đới và chúng không có mặt tại Hoa Kỳ. Nhưng sau tuyên bố của AHA về căn bệnh Chagas, hy vọng rằng các bác sĩ sẽ ngày càng "quen thuộc" với bệnh Chagas và có những biện pháp cần thiết để chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.


Hình 5

Chagas là bệnh do ký sinh trùng, gây đột quỵ và suy tim. Dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều bang ở Mỹ, với 300.000 người mắc. Chuyên gia y tế cảnh báo có thể bùng nổ thành một đại dịch "có sức tàn phá lớn". Theo CDC, bệnh Chagas có hai giai đoạn ác tính và mạn tính:

+ Giai đoạn ác tính kéo dài vài tuần hay vài tháng đầu sau khi bị nhiễm. Người bệnh có thể có những triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, nổi ban đỏ hay sưng phù chỗ bị cắn. Ở giai đoạn này, tỉ lệ điều trị thành công khoảng 60-90%;

+ Giai đoạn mạn tính, ký sinh trùng đã đi vào các cơ tim và hệ tiêu hóa. Khoảng 30% người bệnh sẽ bị chứng loạn nhịp tim hay thực quản và đại tràng phì to. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho tính mạng, chẳng hạn như đột quỵ hay ngừng tim

Nhiều người bị mắc bệnh Chagas không hề có biểu hiện bệnh. Đó chính là đặc điểm đáng sợ nhất của bệnh này và được các chuyên gia y tế gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh lan truyền từ người sang người qua trung gian một loại côn trùng gọi là bọ xít. Loại bọ truyền ký sinh trùng gây bệnh thường cắn trên mặt, đặc biệt gần miệng người.

Tuy nhiên, bệnh Chagas không được lây truyền từ bọ sang người qua vết cắn mà do người tiếp xúc với phân của loài bọ xít hút máu. Cụ thể, Daily Mail dẫn giải thích của các chuyên gia y tế, sau khi bọ xít cắn chúng ta, chúng có khuynh hướng tống phân ra ngoài ngay tại chỗ. Qua phân này, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua vết cắn hoặc mắt. Vì vậy chúng ta bị nhiễm bệnh. Các hình thức lan truyền khác của bệnh còn có qua tiêu hóa các thức ăn bị nhiễm ký sinh trùng, truyền máu và lây truyền từ mẹ sang con.


Hình 6

Hiện tại, dịch bệnh này đã lây lan sang 27 bang ở Mỹ, bao gồm Florida, Louisiana, Texas, Arizona và California. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), ước tính đã có 300.000 người ở Mỹ đang bị nhiễm bệnh. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cảnh báo bệnh Chagas có thể bùng nổ thành một đại dịch "có sức tàn phá lớn" nếu có nhiều bác sĩ không chẩn đoán và điều trị tốt bệnh này. Theo CDC, ước tính có khoảng 8 triệu người sống ở Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ bị bệnh Chagas nhưng không biết. Căn bệnh cũng dần dần đang phổ biến ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, Anh, và Úc.

Các dấu hiệu cơ thể bạn có thể bị ký sinh trùng xâm nhập

Ký sinh trùng (KST) là những vi sinh vật xâm nhập cơ thể và ăn chất dinh dưỡng và máu của chúng ta, làm chúng ta mắc bệnh. Theo Natural News, ký sinh trùng có thể ở bên trong và bên ngoài cơ thể. Trong khi KST bên ngoài có thể nhìn thấy được bằng mắt thường và dễ dàng loại bỏ thông qua một số phương pháp, KST bên trong rất khó để xác định. Một số triệu chứng có ký sinh trùng trong cơ thể của bạn:


Hình 7
 

1.Mệt mỏi, kiệt sức, suy nhược hoặc cảm giác của sự lãnh đạm thường xuyên;

2.Tiêu chảy: KST thường tấn công niêm mạc của ruột dẫn đến một loạt các vấn đề vê tiêu hóa;

3.Triệu chứng về da: eczema, mẩn ngứa, nổi mày đay và vết loét có mụn nhỏ ở da;

4.Thay đổi tâm trạng, căng thẳng, trầm cảm, hay quên, bồn chồn, lo lắng;

5.Vấn đề giấc ngủ: mất ngủ, nghiến răng trong khi ngủ, đái dầm và khó ngủ;

6.Thay đổi trọng lượng như tăng cân, béo phì, thèm ăn hoặc mất cảm giác ngon miệng hoặc không kiểm soát được cơn đói và không có khả năng tăng hoặc giảm cân;

7.Cơ bắp và những vấn đề xương khớp: Đau cơ, đau khớp, co thắt cơ, tê tay hoặc chân, đau ở rốn, đau tim và đau khớp;

8.Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt;

9.Vấn đề sinh sản: Ảnh hưởng lên các các hội chứng hoặc bệnh lý sẵn có, làm cho bệnh hoặc hội chứng nặng hơn. Hội chứng tiền mãn kinh, nhiễm trùng đường tiết niệu, u nang và u xơ tử cung, các vấn đề kinh nguyệt, các vấn đề tuyến tiền liệt và giữ nước;

10.Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng này là một trong những dấu hiệu phổ biến của KST trong cơ thể kích thích ruột;

Vậy làm thế nào để phòng chống KST trên cơ thể người? Một số phương pháp ăn uống hiện được xem là tốt, tuy nhiên cần kiểm định bằng y học chứng cứ:

-Ăn cà rốt: Củ cà rốt giúp điều trị KST ruột. Nạo vỏ 2 củ cà rốt và ăn chúng khi dạ dày trống rỗng vào buổi sáng;

-Chanh và bạc hà: Uống một cốc nước ép bạc hà và thêm một ít muối đen, nước cốt chanh. Uống mỗi ngày để loại bỏ tất cả các loại bệnh nhiễm KST ký sinh trong dạ dày của bạn;

-Dừa: Nhai dừa nạo có thể giết chết tất cả các KST trong dạ dày của bạn. Hãy làm điều này trong 1 tuần nếu bạn nghi ngờ sự hiện diện của KST trong dạ dày của bạn;

-Hạt chanh: Hạt chanh được nghiền nát có thể diệt KST và loại bỏ các hoạt động của chúng trong dạ dày. Lấy hạt chanh và nghiền nát, pha nước uống hoặc uống cùng với nước cốt chanh. Nếu có thể, chỉ cần nhai hạt và nuốt chúng;

-Cà chua: Cắt 2 quả cà chua và thêm muối và hạt tiêu đen. Ăn nó mỗi ngày để ngăn ngừa nhiễm nấm và KST trong dạ dày. Cà chua có thể được ăn sống như xà lách quá nếu bạn thích theo cách đó;

-Tỏi: Tỏi có mùi khá khó chịu có thể giúp loại bỏ các KST từ dạ dày. Tỏi cũng là chất kháng khuẩn và kháng nấm, giúp giết chết vi khuẩn trong cơ thể. Nhai một vài nhánh tỏi mỗi ngày để phòng ngừa và loại bỏ các KST;

-Nghệ: Củ nghệ có thể được sử dụng để điều trị nhiễm KST. Thêm bột nghệ trong thực phẩm hoặc tiêu thụ trực tiếp với nước đó sẽ có một kết quả nhanh hơn và hiệu quả hơn.

  
Hình 8-9

Ăn uống không thận trọng dễ dẫn đến nhiễm KST giun đầu gai nguy hiểm

Loại KST này rất phổ biến nên bất cứ ai cũng có thể bị chúng tấn công. Carly Goff - Một cô gái tuổi teen đã công bố bệnh tình của mình sau nhiều năm chịu đựng những cơn đau dữ dội mà mới gần đây bác sĩ tìm ra được nguyên nhân là do ký sinh trùng giun gây ra.


Hình 10

Tìm hiểu về nguyên nhân nhiễm KST, Carly Goff cho biết bệnh bắt đầu xuất hiện từ sau khi cô tham gia kỳ nghỉ cùng gia đình ở Fiji ở châu Đại Dương). Trong kỳ nghỉ này Carly Goff đã ăn phải cá chưa được nấu chín khiến KST còn ẩn trú trong thịt cá tấn công vào cơ thể. Kể về những cơn đau, Carly Goff cho biết cô đã chịu đựng những cơn dày vò suốt 6 năm trời, người cô lúc nào cũng rã rời, mệt mỏi và những cơn đau cứ kéo đến liên tục. Cô cảm giác mọi thứ đang bùng cháy trong người từ chân đến mặt giống như cơ thể đang bị axit ăn mòn từng thớ thịt. Cảm giác như có một loài sâu nào đó có răng và di chuyển bên trong cơ thể, ăn mòn mọi thứ.

Sau nhiều lần xét nghiệm, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân là do Carly Goff đã mắc phải KST gây bệnh loại Gnathostoma spp gây bệnh giun đầu gai. Bệnh giun đầu gai do một loại KST khá phổ biến ở các quốc gia châu Á như Thái Lan, Nhật Bản - nơi nhiều người ưa thích ăn cá tươi sống gây ra.

Ngoài ra, bệnh giun đầu gai cũng được phát hiện ở một số quốc gia Trung Mỹ, nơi có món Ceviche - hải sản sống được thịnh hành. Bác sĩ Bernard Hudson thuộc BV Royal North Shore đã đưa ra lời cảnh báo KST gây bệnh, có thể xâm nhập bất kỳ cơ quan nào của cơ thể từ não, phổi, bàng quang, gan hoặc bất cứ đâu. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả thì khả năng ký sinh trùng này gây tử vong là rất cao. BS. Bernard Hudson cũng nhấn mạnh KST Gnathostoma rất phổ biến trong các thực phẩm chưa được nấu chín như cá, hải sản, gà, ếch, ốc hoặc loài bò sát như lươn, rắn. Loại KST này thường xuất hiện nhiều ở Đông Nam Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ và một phần châu Phi.

Các loại KST gây bệnh giun đầu gai, sống trong các loại thực phẩm sống, nên cách ngăn chặn loại KST này tấn công là phải đảm bảo nấu chín thức ăn thật kỹ. Nhất là đối với các loại cá, tôm cua thường có rất nhiều KST ẩn trú. Ngoài ra, các loại thịt tái cũng nên hạn chế bởi nếu không có KST gây bệnh thì vẫn còn nhiều loại KST khác đang tồn tại và chờ tấn công cơ thể.

Ký sinh trùng "ẩn nấp" đằng sau những món ngon bổ dưỡng

Mặc dù là món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng và là món khoái khẩu của nhiều người nhưng đằng sau nó ẩn chứa rất nhiều nguy hại cho sức khỏe. Hãy điểm mặt một số món ăn có thể đưa KST xâm nhập vào cơ thể, gây những bệnh nguy hiểm:

Mắc ký sinh trùng vì ăn lươn không đúng cách

Lươn là món ăn nhiều chất dinh dưỡng giá trị cao, thịt lươn luôn được chọn lựa là thức ăn bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ăn thịt lươn không đúng cách rất dễ nhiễm KST. Do môi trường sống thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục... lại thêm thói ăn tạp, nên hệ tiêu hóa và chính cả thịt lươn có thể nhiễm vi trùng và KST. Ở cả lươn nuôi và lươn hoang dã, tỉ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum từ 0,8-29,6%, mùa khô tỉ lệ thấp và tăng dần trong mùa mưa. Ngoài ra, tình trạng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum khá cao ở người có thói quen ăn thức ăn chưa nấu chín kỹ như lươn xào tái, lươn gỏi...


Hình 11

Ốc, ếch chứa rất nhiều ký sinh trùng

Thịt ếch là món ăn dân gian được ưa thích, trong thịt ếch có chứa nhiều chất khoáng tốt như kali, sắt, kẽm, đồng. Mặc dù, thịt ếch chứa nhiều đạm và khoáng chất tốt nhưng mọi người cũng nên hạn chế ăn vì loài ếch chủ yếu sinh sống ngoài đồng ruộng, dễ bị lây nhiễm các KST gây bệnh từ môi trường độc hại. Tỷ lệ ếch nhái có ấu trùng sán ở Việt Nam khá cao. Trong thịt ếch có chứa rất nhiều các KST ở dạng sợi màu trắng.

Những KST này rất khó bị phát hiện do lẫn với màu thịt của ếch nên khi ăn thường theo đường tiêu hóa vào ruột. Sau khi vào ruột, chúng nhanh chóng di chuyển tới các bộ phận trong cơ thể và khu trú thành những nang bệnh nguy hiểm. Nhiều trường hợp KST làm tổ/ kén ở mắt do khi chế biến thịt ếch, các KST bắn vào mắt hoặc KST di chuyển từ ruột lên mắt, nếu không phát hiện kịp thời sẽ bị mù mắt.

Một con ốc bươu vàng có thể mang từ 3.000-6.000 con KST. Mùa hè là thời điểm phát bệnh, do đó, muốn ăn ốc bươu vàng nhất định phải dùng nhiệt ở 1000C để nấu chín. Ốc dừa có sán là chuyện bình thường, phổ biến. Chỉ có điều khi ăn mọi người không để ý nên không phát hiện được ra. Nếu mọi người ăn những loại ốc có chứa KST thì rất nguy hiểm, bởi nếu vào ruột còn có thể uống thuốc chữa trị nhưng vào mắt, não thì không chữa được và có thể gây ra mù mắt, liệt.


Hình 12

Gỏi cá, hải sản sống là tác nhân gây nhiễm KST

Các món thủy hải sản tươi sống như hàu, cá ngừ, cá hồi, cá diêu hồng, cá lóc rất được ưa chuộng vì quan niệm bổ dưỡng và mát. Tuy nhiên, ít người biết rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong các món ăn này. Khi ăn sống các thực phẩm tươi như hàu, cá hồi, cá ngừ thì các chất dinh dưỡng và khoáng chất sẽ hấp thu được hầu hết. Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ, nhất là gỏi cá rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan. Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm tìm thấy tỷ lệ cao ấu trùng vẫn còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì có tỷ lệ ấu trùng cao vẫn còn sống sau 4 giờ.

Tuy nhiên, các loại cá là ký chủ trung gian của nhiều giun sán và là ký chủ tích trữ nhiều mầm bệnh dễ lây cho người. Mầm bệnh thường ở trong cơ của cá dưới dạng kén, bên trong chứa ấu trùng của các loại giun sán, kích thước kén rất nhỏ nên rất khó phát hiện bằng mắt thường. Khi ăn thịt cá có các mầm bệnh này vào cơ thể thì các ấu trùng này sẽ phát triển và sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người. Ở nước ta đã phát hiện ít nhất 10 loài giun sán có thể truyền từ cá sống sang người.

Trong đó có hai loại bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nước ta do ăn cá chưa nấu chín là bệnh sán lá gan và giun xoắn. Ngoài ra, các nhuyễn thể và cá, tôm cũng thường có các loại vi khuẩn như trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ, xoắn khuẩn, trực khuẩn E.coli, vi khuẩn tả. Tôm sống còn mang ấu trùng sán lá phổi, khi trưởng thành sẽ đi từ ruột, xuyên qua cơ hoành lên phổi, gây viêm phế quản, đau ngực, ho ra máu.


Hình 13

Rau sống cũng chứa tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng cao

Rau sống chính là các loại rau gia vị như xà lách, rau mùi, rau răm, kinh giới vốn là món rau ưa thích của rất nhiều người. Rau sống dễ ăn, mát và là món ăn tốt cho sức khỏe, cung cấp cho cơ thể lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng, tuy nhiên lại tiềm ẩn những nguy cơ bệnh cao, đặc biệt tỷ lệ nhiễm KST lên đến 90%.

Nhiều người thường ngâm rau sống trong dung dịch thuốc tím hoặc nước muối loãng song thực tế hai loại này đều không có tác dụng hoặc tác dụng rất ít với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là hóa chất bảo vệ thực vật. Kể cả sau 3 lần rửa sạch và rửa bằng nước rửa chuyên dụng, tỷ lệ nhiễm KST vẫn còn ở mức 51,9-82,6%. Các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất không nên ăn rau sống, phương pháp ăn chín uống sôi vẫn là cách bảo vệ sức khỏe an toàn nhất. Trong trường hợp muốn ăn, bạn nên chần qua nước sôi.

Các nguy cơ bệnh tật khác nếu trong môi trường ô nhiễm tác nhân gây bệnh

Trong khi các bệnh như cúm thường gây sốt, suy nhược cơ thể và các vấn đề về da như eczema làm xuất hiện mụn nhọt, giúp chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thì có những bệnh lại có triệu chứng rất khó nhận ra. Trên thực tế, hiện nay có một số loại bệnh nguy hiểm, đôi khi gây chết người mà không có dấu hiệu rõ ràng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Dưới đây là danh sách tổng hợp các chứng bệnh được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng" trong giới y học:

Huyết áp cao (HAC): là tình trạng áp lực máu ở thành động mạch tăng cao. Theo thời gian, Suzanne Steinbaum-TS.BS chuyên khoa tim mạch tại Đại học chuyên khoa tim mạch Hoa Kỳ (ACC) và Tổ chức Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết, chứng bệnh này gây tổn thương niêm mạc động mạch, có thể dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ. Điều đáng sợ nhất là bạn không biết mình bị HAC nếu chưa đi kiểm tra. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần, bắt đầu từ tuổi 20. Nếu bị HAC, bác sĩ có thể đề nghị bạn khám định kỳ thường xuyên hơn. Một số nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc HAC chúng ta không thể tránh khỏi là lão hóa hay gia đình có tiền sử về bệnh này. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (US.CDC), thực hiện những thói quen lành mạnh như tập luyện, ăn uống tốt, hạn chế uống rượu, không hút thuốc có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp;


Hình 14

Đau tim:Chuyên gia Steinbaum cho biết, ở phụ nữ, các cơn đau tim đôi khi có thể rất "thầm lặng". Những dấu hiệu như khó thở, đau quai hàm, đau lưng, mệt mỏi thường dễ dàng bị bỏ qua. Các cơn đau tim có thể gây tử vong, hơn nữa điều này xảy ra nhiều lần sẽ làm hủy hoại sức khỏe tim mạch. Phụ nữ có khả năng mắc bệnh tim giai đoạn cuối hoặc suy tim vì những lần đau tim nhỏ, xảy ra thầm lặng theo thời gian. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần đi kiểm tra càng sớm càng tốt nếu nhận thấy các triệu chứng đau tim, bao gồm tức ngực hoặc khó chịu ở ngực, đau cánh tay, lưng, cổ, quai hàm, dạ dày, khó thở, buồn nôn, cảm giác lâng lăng hoặc đổ mồ hôi lạnh;

Bệnh lậu: Là một tình trạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục đang ngày càng gia tăng ở Mỹ. Theo số liệu từ US.CDC, số ca mắc bệnh tăng 67% từ năm 2013 đến năm 2017. Trên thực tế, những người mắc bệnh lậu thường không biết bản thân đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe này. Hầu hết phụ nữ bị nhiễm trùng mà không nhận thấy dấu hiệu nào cả. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lậu có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả vô sinh và gây đau vùng chậu mãn tính. Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm trùng có thể lây sang máu và khớp, từ đó đe dọa tới tính mạng của người bệnh;

Ung thư phổi: Số liệu thống kê của US.CDC cho thấy số người Mỹ tử vong do ung thư phổi nhiều hơn các loại ung thư khác. Theo Hiệp hội Ung bướu Hoa Kỳ (ACS), hầu hết các bệnh ung thư phổi không gây bất kỳ dấu hiệu nào cho đến khi chúng lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Hiệp hội phổi Hoa Kỳ giải thích, do không có nhiều dây thần kinh trong phổi, khối u có thể phát triển mà không gây đau hoặc khó chịu. Khi ung thư phổi phát triển đến một giai đoạn nhất định, chúng sẽ gây ra triệu chứng bao gồm ho dai dẳng, đau ngực kéo dài, khàn tiếng, khó thở hoặc thở khò khè, nhiễm trùng phổi, sụt cân, mất cảm giác ngon miệng và đau xương;


Hình 15

Ung thư tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt là tuyến nằm ở dưới bàng quang của nam giới. Chúng tạo ra chất dịch màu trắng và giúp cho tinh trùng tồn tại. Theo US.CDC, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Mỹ. Thông thường, bệnh này không có dấu hiệu rõ rệt trong giai đoạn đầu. Ung thư tuyến tiền liệt là một tình trạng sức khỏe "thầm lặng" và người bệnh chỉ nhận thấy những triệu chứng rõ ràng khi bệnh đã tiến triển. Hiện nay, xét nghiệm máu PSA có khả năng phát hiện ung thư tuyến tiền liệt;

Ung thư tuyến tụy: Thường không có triệu chứng và lây lan nhanh chóng trong cơ thể. Do đó, chúng khó thể phát hiện và điều trị kịp thời. Tuyến tụy là một cơ quan nằm phía sau dạ dày. Nó có nhiệm vụ sản sinh enzym giúp phá vỡ cấu trúc của thực phẩm và tiết chế hormone điều chỉnh lượng đường huyết trong máu. Trung tâm Y tế trực thuộc Đại học Columbia giải thích, do nằm sâu trong bụng, các khối u tuyến tụy có thể phát triển trong nhiều năm trước khi chúng gây đau hoặc làm xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng khác. Các triệu chứng của bệnh nguy hiểm này có thể thay đổi tùy theo loại tế bào tụy bị ảnh hưởng. Với ung thư tuyến tụy ngoại tiết, các triệu chứng có thể bao gồm vàng da hoặc mắt, đau bụng, sụt cân, giảm cảm giác thèm ăn, buồn nôn, nôn và đôi khi gây bệnh tiểu đường;

Ung thư cổ tử cung: Là một loại ung thư khác không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung đều bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, do siêu vi papilon ở người gây nên. Ung thư cổ tử cung từng gây nên nhiều ca tử vong ở Mỹ nhưng ngày nay căn bệnh này đã trở nên ít nguy hiểm hơn trước. Theo ước tính của ACS, ung thư cổ tử cung sẽ liên quan tới khoảng 4.000 ca tử vong vào năm 2018, trong khi ung thư vú gây ra khoảng 40.000. Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ hiện đang khuyến cáo, phụ nữ trưởng thành có độ tuổi trên 21 cần xét nghiệm tế bào cổ tử cung ba năm một lần;

Viêm gan: Viêm gan là tình trạng sức khỏe có thể gây ra do việc sử dụng rượu cồn nồng độ cao, tiếp xúc với độc tố, sử dụng một số loại thuốc nhất định hoặc các tình trạng sức khỏe khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh này là một nhóm virus. Những virus này có thể lây lan qua thực phẩm và nước bị ô nhiễm, chất thải của con người, máu và mồ hôi của người bị nhiễm bệnh. Tại Mỹ, các loại viêm gan phổ biến nhất là A, B và C, mỗi loại đều do các virus khác nhau gây ra. Đôi khi tình trạng viêm gan siêu vi có thể tự biến mất. Với một số người, viêm gan trở thành bệnh nhiễm trùng mãn tính có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tổn thương gan vĩnh viễn, suy gan và ung thư gan gây tử vong. Viêm gan có thể có những dấu hiệu như sốt, buồn nôn và nôn mửa, mệt mỏi, đau bụng, nước tiểu sẫm màu và vàng da. Tuy nhiên, nhiều người bị viêm gan không nhận thấy triệu chứng và không biết bản thân đang nhiễm bệnh.


Hình 16

Phòng tránh ký sinh trùng lây truyền qua thực phẩm

Trong nhiều loại thực phẩm có thể chứa các mầm bệnh, đặc biệt là các mầm bệnh ký sinh trùng. Khi sử dụng thực phẩm không đúng cách sẽ làm cho người nhiễm các ký sinh trùng này gây bệnh, thậm chí tử vong…Mầm bệnh ký sinh trùng trong thực phẩm gồm hai nhóm chính là đơn bào và giun sán. Chúng thường dưới dạng nang hay nang ấu trùng. Các loại động vật có thể đóng vai trò là vật chủ phụ hoặc vật chủ chứa.

- Đơn bào Toxoplasma gondii: T. gondii  ký sinh ở mèo và động vật họ Felidae. Các nang trứng (oocysts) thải ra phân mèo, các vật chủ trung gian tự nhiên (chim và động vật gặm nhấm) nhiễm phải nang trứng sẽ hình thành các nang trong mô, mèo ăn phải động vật này sẽ nhiễm T. gondii. Người có thể bị nhiễm bệnh khi ăn thịt nấu chưa chín. Ngoài ra, người cũng có thể nhiễm nang trứng ở ngoại cảnh hay qua truyền máu, ghép tạng, từ mẹ sang thai nhi. T. gondii  tạo thành nang ở cơ vân, cơ tim, não và mắt. Người nhiễm T. gondii thường không có triệu chứng, tuy nhiên ký sinh trùng này có thể gây các thể bệnh nguy hiểm ở người suy giảm miễn dịch hoặc lây nhiễm sang thai nhi gây thai chết lưu, tổn thương mắt, thần kinh nghiêm trọng cho thai.


Hình 17

- Giun xoắn (T. spiralis): Lan truyền giữa nhiều động vật ăn thịt. Giun trưởng thành ký sinh ở ruột, đẻ ra ấu trùng ra khỏi ruột và đi đến cơ. Khi vật chủ khác (có thể là người) ăn phải thịt nhiễm ấu trùng Trichinella, ấu trùng đến ruột và phát triển thành giun trưởng thành. Giai đoạn khởi phát với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt... giống bị ngộ độc thức ăn. Giai đoạn toàn phát tương ứng lúc ấu trùng vào máu, triệu chứng lâm sàng khá rầm rộ, đa dạng với các hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc  (sốt cao liên tục, kéo dài, trạng thái lơ mơ...), hội chứng dị ứng quá mẫn nặng (phù nề mí mắt, mặt, các chi hoặc toàn thân, phát ban, nổi mề đay). Khi ấu trùng đến cơ sốt giảm dần, bệnh nhân có cảm giác đau cơ, hạn chế vận động... Tại Việt Nam bệnh giun xoắn lây truyền ở nhiều vùng núi Tây Bắc. Cuối năm 2017 có bệnh nhân tại Lai Châu bị nhiễm giun xoắn sau khi ăn thịt lợn ốm đã tử vong khi được chuyển về Bệnh viện nhiệt đới trung ương.


Hình 18

- Giun đầu gai (Gnathostoma sp.): Người nhiễm sau khi ăn thịt lợn, ếch, gà, vịt, lươn, rắn.. có nang ấu trùng còn sống. Triệu chứng lâm sàng xuất hiện ngay sau khi nhiễm ấu trùng, ấu trùng chui qua các tổ chức trong bụng, ngực gây đau thượng vị, buồn nôn, nôn, ngứa, nổi mày đay, sốt nhẹ, tăng bạch cầu ái toan. Khi ấu trùng di chuyển đến mô dưới da gây tổn thương phù, đỏ, ngứa thường ở ngực, bụng, hoặc chi. Đôi khi ấu trùng trong mắt (gây tổn thương thể thủy tinh, giác mạc, giảm hoặc mất thị lực), hệ thần kinh (gây ra nhức đầu, hôn mê, đột quỵ, liệt). Gnathostoma phổ biến ở Nhật Bản và Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). Một nghiên cứu thấy 74% lươn tại các chợ ở Bangkok chứa ấu trùng Gnathostoma. Tại Việt Nam số ca nhiễm Gnathostoma chiếm khoảng 4-6%  tổng số bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng đến khám và điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Sốt rét ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn.

- Giun Capillaria philippinensis: Là loại giun ký sinh ở người và chim, lây truyền qua ăn cá có ấu trùng. Ở người, giun cái trưởng thành có thể đẻ ra trứng, trứng nở thành ấu trùng và phát triển thành giun trưởng thành dẫn đến người có rất nhiều giun trong khi chỉ nhiễm ít ấu trùng. Sau giai đoạn ủ bệnh khoảng 3 tuần, xuất hiện đau bụng, tiêu chảy nặng dần, mất nước, sụt cân, giảm huyết áp, tử vong… Ở Việt Nam có ít thông báo bệnh này, tuy nhiên nghiên cứu trên cá nhệch “Pisodonophis” ở Nam Định đã phát hiện nhiễm Capillaria, đây là loại cá thường được dùng để ăn gỏi.


Hình 19

- Sán lá gan nhỏ: Ở Việt Nam lưu hành Clonorchis sinensis ở miền Bắc và Opisthorchis viverrini ở miền Trung. Sán ký sinh ở người hoặc một số động vật như chó, mèo… Người nhiễm khi ăn phải cá có ấu trùng còn sống. Sán ký sinh ở đường mật trong gan và gây viêm, tăng sản, tắc nghẽn đường mật, có thể gây ung thư đường mật. Thái Lan là một trong những nước có tỷ lệ ung thư gan cao nhất thế giới, nguyên nhân được cho là nước này có tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ Opisthorchis viverrini cao.

- Sán lá ruột nhỏ: Có nhiều loài, lây truyền qua cá và thường lưu hành cùng với sán lá gan nhỏ. Các triệu chứng lâm sàng thường nhẹ và thoáng qua, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn và giảm cân. Một số trường hợp trứng sán vào máu và hệ thống mạch bạch huyết đến nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là tim, não hoặc tủy sống, đôi khi gây tử vong. Tại miền Bắc Việt Nam nhiều loài cá nước ngọt dùng để ăn gỏi cá có tỷ lệ nhiễm nang ấu trùng sán lá ruột nhỏ cao.

- Sán lá phổi Paragonimus: Người nhiễm khi ăn tôm, cua có nang ấu trùng còn sống thường ở suối. Một số động vật có vú khác (như lợn rừng) ăn cua có ấu trùng, Paragonimus spp. không thể phát triển thành sán trưởng thành nhưng ấu trùng di chuyển đến các cơ và hình thành nang ấu trùng. Người ăn thịt động vật này còn sống cũng có thể nhiễm sán. Sán thường ký sinh ở phổi tuy nhiên có thể lạc chỗ đến nhiều vị trí khác nhau như não. Biểu hiện sớm là các rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng), sốt sau đó là các biểu hiện ở phổi như đau ngực, ho ra máu kéo dài, dễ bị chẩn đoán nhầm là lao hay ung thư phổi. Tại Việt Nam sán lưu hành ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An.


Hình 20

- Sán dây: Sán dây lợn Taenia solium, sán dây bò Taenia saginata, sán dây châu Á Taenia asiatica. Người nhiễm các loại sán này khi ăn thịt lợn, thịt bò có ấu trùng còn sống. Sán trưởng thành ký sinh ở ruột thường gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Các đốt sán dây bò có thể tự bò ra ngoài gây cảm giác ghê sợ. Người mắc sán dây lợn trưởng thành có thể tự nhiễm và nhiễm ấu trùng, ấu trùng đến não gây ra nhức đầu, động kinh, đến mắt gây giảm thị lực… Tại Việt Nam bệnh sán dây lưu hành ở nhiều nơi.


Hình 21

Phòng chống hiệu quả nhất bằng cách kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Có nhiều tiếp cận khác nhau như phòng chống bệnh cho vật nuôi, kiểm soát thực phẩm. Cải thiện thực hành nuôi lợn và thường xuyên kiểm tra tại lò mổ đã làm giảm tỷ lệ mắc giun xoắn ở Mỹ. Tuy nhiên có nhiều mầm bệnh lưu hành ở động vật hoang dại không thể kiểm soát được, mặt khác các xét nghiệm phát hiện mầm bệnh trong thịt thường có độ nhạy thấp và cũng không thể thực hiện với tất cả các loại mầm bệnh và các loại thịt, cá. Các biện pháp chế biến thịt, cá như ướp muối, hun khói, ngâm dấm… thường không hiệu quả. Nhiệt độ cao vẫn là biện pháp đáng tin cậy nhất, vì hầu hết các ký sinh trùng sẽ bị giết chết hoặc không hoạt động ở nhiệt độ 60°C, tuy nhiên, nhiệt phải thâm nhập toàn bộ khối thịt, cá. Đông lạnh ở nhiệt độ và thời gian quy định có thể bất hoạt nhiều đơn bào và giun sán. Ví dụ để thịt ở nhiệt độ -10°C trong ít nhất 10 ngày có thể làm bất hoạt nang ấu trùng sán dây trong thịt lợn. Các công nghệ mới như ozon, oxy hóa, chiếu xạ liều thấp, áp suất thủy tĩnh… cũng có thể làm bất hoạt nhiều KST thực phẩm, hiệu quả phụ thuộc vào KST, giai đoạn của KST và đặc điểm của thực phẩm.

Nhiễm ký sinh trùng do ăn ốc sên sống

Vừa qua, BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm màng não do nuốt ốc sên sống. Người bệnh là anh N.T.K, 26 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu. Trong một lần uống rượu, anh K. và bạn đã thách đố nhau nuốt ốc sên sống. Khi về nhà, anh K. nôn ói và tiêu lỏng liên tục nhiều ngày. Sau hai tuần tình trạng không khả quan, anh được người nhà đưa đến BV ĐHYD trong tình trạng sốt cao, người lừ đừ và đau nhức cơ toàn thân. Các bác sĩ chuyên Khoa Tiêu hóa, Thần kinh đã tiến hành hội chẩn, đánh giá kết quả xét nghiệm và xác định anh K. bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm KST.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Phụ trách Khoa Thần Kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD cho biết người bệnh bị viêm màng não do ăn phải các ấu trùng giun sán đang ký sinh trên cơ thể ốc sên sống. Sau đó, ấu trùng vào đường tiêu hóa, theo máu đến các cơ quan, xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây viêm não-màng não”.

PGS.TS. BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV ĐHYD chia sẻ: Ốc sên chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có thể là một món ăn bổ dưỡng ở một số khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể trở thành thực phẩm, ốc sên phải được nuôi trong môi trường đảm bảo. Bản thân ốc sên không có độc nhưng chúng thường ăn cỏ cây. Do đó, chúng là ký chủ của nhiều loại KST gây bệnh, truyền ấu trùng giun sán cho người ăn. Chúng cũng có thể ăn phải nấm độc hoặc các loại cây bị phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc khi ăn ốc sên. Ngoài ra, loài nhuyễn thể này thường hay chứa các protein lạ, dễ gây dị ứng với một số người có cơ địa nhạy cảm. Khi ăn ốc sên nhiễm ấu trùng sáng sẽ dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, hơn nữa có thể gây tổn thương gan, xuất huyết bàng quang, thậm chí gây tử vong. ThS.BS. Lê Minh Nguyệt, Khoa Tiêu hóa BV ĐHYD khuyến cáo nếu ăn ốc sên, chỉ nên ăn loại ốc sên đang sống khỏe mạnh, được nuôi hoặc sinh sống ở những vùng sạch sẽ. Cũng chỉ nên ăn phần thịt của ốc sên, bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa của chúng và tuyệt đối không ăn ốc sên được chế biến ở dạng sống hoặc chín tái để tránh bị nhiễm KST

Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng nhiễm trùng do các bệnh truyền nhiễm liên quan ốc sên đều do ăn sống hoặc nấu không kỹ ốc sên. Tại một số nơi trên thế giới thịt ốc sên lại là đặc sản phục vụ trong nhà hàng vì đa phần đó là ốc sên được nuôi có nguồn gốc rõ ràng và thậm chí được khử trùng trước khi phục vụ.

Thử thách với món ăn mới là một điều thú vị, tuy nhiên việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều rất đáng quan tâm để bảo vệ sức khỏe. Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo những bạn trẻ đừng bao giờ dại dột chơi trò "nuốt ốc sên sống" vì cái giá phải trả có thể bằng cả mạng sống của mình.

Ngày 29/10/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích