Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 0 0 1 6
Số người đang truy cập
5 4 0
 Tin tức - Sự kiện
Một số ca bệnh nhiễm trùng giun sán đặc biệt

1. Thủng ruột do giun tròn trên trẻ em

Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 2 tuổi, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bị viêm phúc mạc và nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng đoạn cuối hồi tràng và manh tràng trong tình trạng cấp tính với nguyên nhân được xác định là nhiễm ấu trùng giun tròn chó mèo. Tuy nhiên, bệnh lý này được phát hiện muộn, dẫn tới tình trạng nguy kịch cho bệnh nhi.

TS.BS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bé trai này từng điều trị từ 6 tháng trước do tình trạng sốt dai dẳng, chưa tìm được chính xác nguyên nhân. Hai tháng gần đây, bệnh nhi sốt liên tục, kéo dài. Gia đình đã đưa đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau, thậm chí được hội chẩn cùng chuyên gia nước ngoài. Các bác sĩ từng nghi ngờ bệnh nhi mắc lao. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm âm tính. Sau đó, các bác sĩ nghĩ đến trường hợp mắc giun sán. Lúc này, bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện truyền nhiễm, sau đó, chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ phát hiện chỉ trên một đoạn ruột dài 30 cm có khoảng 50 lỗ thủng, đường kích 0,5-1 cm.


Hình 1

ThS.BS Nguyễn Sỹ Lánh, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, tế bào học và pháp y, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm trên vi thể cho thấy thành hồi tràng và manh tràng của bệnh nhi này có nhiều ổ áp-xe với trung tâm hoạt tử rộng, chứa bạch cầu đa nhân, bạch cầu ái toan (BCAT) và một số tinh thể Charcott-Leyden. Thành ruột xung quanh ổ áp xe có nhiều hình ảnh vi tắc mạch và thoái hóa thiểu dưỡng, có ổ thủng ra ngoài thanh mạc gây viêm mủ thanh mạc vùng hồi tràng, ruột thừa. Các hạch mạc treo có hình ảnh viêm quá sản phản ứng.

Từ hình ảnh áp xe đường máu đa ổ ở thành ruột gây thủng, viêm mủ thanh mạc, các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị nhiễm ấu trùng giun tròn chó mèo. Sau đó, bệnh nhi được phẫu thuật cắt đoạn hồi manh tràng đưa 2 đoạn ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, lau rửa dẫn lưu ổ bụng. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Thạc sĩ Lánh đánh giá đây là một ca bệnh đặc biệt. Nhiễm giun tròn chó/ mèo có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ấu trùng giun tròn hay gặp ở trong các tạng, biểu hiện là các khối u ở ổ tạng, rất ít khi gặp trường hợp thủng ruột cấp cứu như thế này. Trường hợp cấp cứu như này rất hiếm khi do ấu trùng giun tròn, thể bệnh lại gây ra ở trẻ em nhỏ nên người ta rất ít nghĩ đến vì trước đến giờ y văn cũng chưa thông báo”, thạc sĩ Lánh cho hay.


Hình 2

Chuyên gia cũng cho biết nhiều trường hợp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ do khối u nhưng thực tế lại là khối áp-xe mạn tính do ấu trùng. “Ký sinh trùng ở người ngày càng giảm, nhưng ở chó mèo ngày càng nhiều. Nếu vật nuôi không được chăm sóc vệ sinh tốt, ấu trùng sẽ lạc vào người gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan không nghĩ đến bệnh cảnh này, dẫn tới việc điều trị muộn”, thạc sĩ Lánh khuyến cáo.

2. Sán làm tổ trong não gần 10 năm, người đàn ông tưởng mình bị điên

Do sở thích ăn nem chạo, tiết canh, bệnh nhân bị sán làm tổ trong não mà không biết. Gần 10 năm, anh phải điều trị bệnh tâm thần. Theo thống kê từ Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương năm 2015, có 70-80% người Việt nhiễm giun sán do ăn rau, thịt tái, sống và tiếp xúc với ấu trùng giun sán. Tại khoa Khám và điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương), ông Hoàng Văn Lai 42 tuổi, quê ở Bắc Giang là một bệnh nhân mắc sán gần chục năm, thậm chí sán đã đóng thành kén lỗ chỗ trong não. Tuy nhiên, gần đây, bệnh nhân này mới được chẩn đoán bệnh chính xác.

Bệnh nhân Lai chia sẻ nhiều năm về trước hay bị đau đầu, choáng váng, lên cơn co giật. Do những khó chịu kéo dài và ngày càng tăng, ông đi khám bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh động kinh. “Tôi đã điều trị tại bệnh viện tâm thần một năm, sau đó không đỡ, lại tiếp tục 3 năm, rồi 5 năm, cuối cùng chẳng khỏi. Về làng, ai cũng kỳ thị vì bảo tôi bị tâm thần”, bệnh nhân Lai chia sẻ. Vừa không khỏi bệnh, vừa phải đối diện với ánh mắt xa lánh của hàng xóm, người đàn ông này thực sự bất lực, chán nản. Một lần tình cờ được một người quen mách vào viện kiểm tra tình trạng giun sán, ông tìm đến Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. Tại đây, kết quả kiếm tra cho thấy bệnh nhân bị sán đóng tổ trong não, không phải mắc bệnh tâm thần.


Hình 3

TS.BS. Trần Huy Thọ (Trưởng khoa Khám và điều trị chuyên ngành) cho biết trường hợp trên không phải là hiếm gặp. Nguyên nhân là người dân chưa ý thức được mức độ nguy hiểm do bệnh ký sinh trùng gây ra và thường bị lãng quên. “Khi thấy ngứa dưới da, đau đầu thậm chí là co giật, người dân thường nghĩ ngay đến các bệnh da liễu, động kinh thậm chí là ung thư. Chẳng ai nghĩ đó là bệnh do ký sinh trùng gây ra. Chỉ đến khi không điều trị khỏi, họ mới đến với chúng tôi, khi đó đã quá muộn và phải mất rất nhiều thời gian điều trị”, TS.BS. Thọ chia sẻ.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo đây là trường hợp điểu hình cho câu nói: “Bệnh từ miệng mà ra". Theo vị bác sĩ này, điều khó tiên đoán đối với sán não chính là biểu hiện của bệnh thường thoáng qua hoặc giống triệu chứng của các bệnh lý khác. Đáng lưu ý là các cơ sở y tế lại thường bỏ qua xét nghiệm ký sinh trùng để loại trừ. Để phòng bệnh, người dân nên ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi sống,… Đặc biệt khi thấy xuất hiện các cơn đau đầu, co giật, người dân cần phải chú ý xét nghiệm các bệnh liên quan đến ký sinh trùng.


Hình 4

3. Con vật rất nhỏ khiến 60 nghìn người tử vong mỗi năm

Giun đũa là một bệnh lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người lớn cũng như sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Anh Nguyễn Văn Lưu trú tại Kim Bảng, Hà Nam đến bệnh viện khám trong tình trạng đau tức ngực vùng trên, vàng da. Anh Lưu còn tưởng bị ung thư nên rất lo lắng. Tuy nhiên, khi đi khám chụp CT-scanner ổ bụng bác sĩ thấy có các dấu hiệu tắc ruột do giun đũa. Anh không hề biết mình bị bệnh do những con giun gây ra. Anh kể 15 năm nay anh không uống thuốc tẩy giun bao giờ.

Khoảng 1 năm nay, anh thấy người mệt mỏi, chán ăn. Gần đây anh thường đau bụng, da vàng không rõ nguyên nhân. Thấy bác sĩ kê đơn về điều trị giun đũa, anh mừng ra mặt vì thoát khỏi bệnh nặng nhờ phát hiện ra giun.

Trường hợp của chị Lê Thanh Thúy trú tại Thanh Hóa cũng tương tự. Chị Thúy bị đau bụng quằn quại, nôn mửa. Chị Thúy đi viện khám bác sĩ chẩn đoán tắc ruột. Tuy nhiên, khi chụp CT-scanner bác sĩ còn thấy bóng giun ở ống mật nên chẩn đoán giun chui ống mật và cho thuốc điều trị giun chui ống mật.Sau điều trị giun chui ống mật, chị Thúy còn điều trị thêm viêm gan do giun gây ra. GS.TS. Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội cho biết bệnh giun đũa người dân xem thường tuy nhiên nhiễm giun đũa rất nguy hiểm.

Bệnh giun đũa rất phổ biến trên thế gới, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) ước tính trên thế giới có 1, 4 tỷ người bị nhiễm giun đũa và 60 nghìn người chết do giun đũa hàng năm. Tại Việt Nam, bệnh giun đũa là một bệnh xã hội nghiêm trọng với tỷ lệ nhiễm cao từ 85 đến 95%, tác hại của chúng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của hàng chục triệu người cũng như sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em.


Hình 5

Theo GS.TS. Đề, tỷ lễ nhiễm giun đũa đứng đầu hàng trong các bệnh đường ruột và tại miền bắc ở các vùng đồng bằng là 80 -95%, vùng trung du 80 -90%, vùng núi 50 -70%, vùng ven biển 70%. Miền Trung vùng đồng bằng 70,5%, miền núi 38,4% ven biển 12,5%. Tây Nguyên chỉ có từ 10 đến 25%. Miền nam vùng đồng bằng 45-40%, vùng đống bằng sông Cửu Long dưới 10%.

Khi giun vào bụng, đẻ trứng và thành giun trưởng thành gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng trên, quanh rốn. Giảm ngon miệng, chán ăn, không biết đói. Các triệu chứng viêm ruột mãn tính như táo bón, tiêu chảy xen kẽ, bất thường, kéo dài. Mức độ rối loạn tiêu hóa tùy thuộc vào số lượng giun sinh sống trong ruột. Ngoài ra, người nhiễm giun đũa còn thường xuyên xuất hiện hiện tượng dị ứng, các nốt ban ngứa ngoài da. Giun đũa chui vào ống mật hoặc túi mật, trứng giun là nhân tạo ra sỏi mật, áp xe gan tạo mủ trong ổ gan với các triệu chứng cơ bản như đau quặn vùng bụng trên bên phải, sốt cao, vàng da, vàng mắt. Giun đũa có thể gây lồng ruột, thủng ruột hoặc viêm ruột thừa, khi nhiễm nhiều giun đũa có thể gây tắc ruột.

Giun ký sinh trong ruột chiếm chất dinh dưỡng khiến cơ thể suy yếu dần, đề kháng kém, tình trạng suy dinh dưỡng tiến triển âm thầm làm giảm khả năng phát triển thể lực và trí lực của trẻ em. Bình quân cứ 10 con giun đũa một ngày ăn mất 3 gr protein nguyên chất, tương đương khoảng 20 gram thịt bò. Để xác định giun đũa, các bác sĩ có thể xét nghiệm phân tìm trứng giun đũa gốm phương pháp xét nghiệm phân trực tiếp, phương pháp Willis, phương pháp Kato. Điều trị giun đũa, GS. Đề cho biết chỉ cần cho sử dụng thuốc trị giun. Tuy nhiên, để điều trị giun đũa hiệu quả, các bác sĩ khuyên nên điều trị cả gia đình, có thể điều trị ở cơ sở y tế hoặc ở nhà. Thuốc điều trị giun đũa rất rẻ và bán rộng rãi trên thị trường.

Để phòng bệnh giun đũa, giáo sư Đề khuyến cáo cần vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn, không phóng uế ra môi trường, không dùng phân tươi chưa ủ kỹ để bón cây.


Hình 6

4. Giun đũa có thể làm suy dưỡng trẻ em

Bé bị suy dinh dưỡng, 2 tuổi chỉ nặng 7 kg. Được gia đình đưa từ Sơn La xuống Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) khám mắt, bé đột ngột bị đau bụng, chẩn đoản viêm ruột thừa và được phẫu thuật tối 29/9.  Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, khi mổ các bác sĩ phát hiện ruột thừa bé đã bị giun đũa đục thủng làm tràn dịch ra ổ bụng gây tình trạng nhiễm độc. Kíp phẫu thuật đã cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng... Theo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, 50% người Việt Nam có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Bệnh do giun ký sinh gây nhiều tác hại như thiếu máu, thiếu vi chất, suy dinh dưỡng; nghiêm trọng hơn là viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc ruột… 

Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, bàn tay bẩn, nguồn nước không vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm... Người dân cần chủ động tẩy giun ít nhất 6 tháng một lần. Trẻ trên một tuổi, phụ huynh có thể tẩy giun cho bé bằng những loại thuốc có mùi vị thơm. Những biện pháp chống giun thông thường là giữ gìn vệ sinh môi trường sống, chỉ ăn uống thực phẩm đã được nấu chín, rửa rau dưới vòi nước sạch, không đi chân đất…

Theo BS Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BV Xanh Pôn, khi mở ổ bụng, các bác sĩ thấy ruột thừa của bé đã bị giun đũa đục thủng, làm tràn dịch ra ổ bụng gây nhiễm trùng. Các bác sĩ đã cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng và điều trị cho bé. Theo BS Hưng, 10 năm trở về trước có nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm giun nặng như trường hợp bệnh nhi này nhưng gần đây thì tình trạng tương tự rất ít gặp. Theo bác sĩ phẫu thuật viên chính điều trị cho bé, đây là lần đầu tiên trong 15 năm làm nghề y, bác sĩ gặp trường hợp nhiễm giun đục thủng ruột thừa ở bệnh nhi. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đang hồi phục và chờ ngày ra viện. Các bác sĩ khuyến cáo đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng cao phải cẩn trọng trong vấn đề giữ gìn vệ sinh. Các bé phải ăn chín, uống sôi. Đặc biệt cần được tẩy giun định kỳ để đảm bảo sức khỏe.

6. Kinh hãi giun dài 14 mm "bơi" trong mắt

Sau 1 tuần bị nhức, sưng tấy, nhiều giử mắt đồng thời có cảm giác như nhìn thấy cái gì đó đang "ngo ngoe" trong mắt, bà P. mới đi bệnh viện kiểm tra. Qua máy soi chiếu, bác sỹ phát hiện có 1 con giun còn sống trong mắt bệnh nhân và thực hiện phẫu thuật gắp ra ngoài.

Sáng ngày 11/5, bác sỹ Hoàng Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, bệnh viện vừa thực hiện phẫu thuật gắp thành công 1 con giun đũa chó mèo Toxocara spp. từ mắt một phụ nữ trung tuổi. Bệnh nhân Võ Thị P. (SN 1960, trú tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn kiểm tra vào sáng ngày 8/5 trong tình trạng mắt bị sưng, nhìn mờ, nhiều giử mắt. Tình trạng đã kéo dài 1 tuần, bệnh nhân cũng sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt thông thường nhưng tình trạng không đỡ, có xu hướng nặng hơn. Bệnh nhân cho biết, có cảm giác như nhìn thấy một vật gì đó ngo ngoe trước mắt. Qua soi chiếu, kiểm tra, chúng tôi phát hiện có một vật thể màu trắng, nhỏ bằng chiếc tăm trong mắt bệnh nhân. Do tình trạng viêm nhiễm khá nặng nên chúng tôi phải điều trị bằng thuốc kháng sinh chống viêm, vệ sinh mắt. Chiều ngày 10/5, ca phẫu thuật được thực hiện, kéo dài 20 phút. Đây là ca phẫu thuật khá phức tạp và cần nhiều thời gian hơn 1 ca thay nhân mắt (kéo dài 2,5 phút)”, bác sỹ Kiên cho hay.


Hình 7

Sau 20 phút phẫu thuật, các bác sỹ đã gắp ra khỏi mắt bệnh nhân P. một con giun có chiều dài 14 mm đồng thời lấy toàn bộ nang giun, vệ sinh mắt sạch sẽ. Sau phẫu thuật, thị giác của bệnh nhân đã được phục hồi một phần, tuy nhiên bác sỹ Kiên cho biết cần phải theo dõi ít nhất 1 tuần nữa.

Bệnh nhân P. được cho ra viện, về nhà theo dõi, uống thuốc và vệ sinh mắt theo chỉ dẫn. Con giun dài 14 mm, kích thước bằng chiếc tăm, kéo dài hết lòng đen mắt bệnh nhân khi được gắp ra ngoài. Theo bác sỹ Kiên, loại ấu trùng giun tròn của chó này thường có trong phân chó, mèo và xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống. Ấu trùng có thể ký sinh trong ruột, gan, não… của người. Khi ấu trùng xâm nhập lên mắt có thể phát triển thành giun và gây ảnh hưởng đến thị giác người bệnh, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến mù lòa. Đây là trường hợp khá hi hữu. Để tránh nhiễm các loại giun sán nói chung, cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn. Đối với các loại rau sống, hoa quả… cần phải rửa sạch dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối loãng hoặc thuốc tím trước khi ăn”, bác sỹ Hoàng Trung Kiên khuyến cáo.

8. Kinh hãi vì giun sán 'bò' khắp cơ thể bệnh nhân

Phù toàn thân vì giun sán

Thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết, ông H. (59 tuổi, Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cách đây 10 năm đang khỏe mạnh thì tự nhiên bị đau nặng hai chân, đi lại kém. Ông H. đi khám phát hiện có một u bọc như trứng gà ở khoeo chân và được phẫu thuật bóc u. Nhưng bệnh không hết, chân vẫn tiếp tục đau và lan dần lên cả hai tay. Ông đi khám chữa nhiều nơi cả đông và tây y nhưng không phát hiện bệnh.

Cách đây ba năm cơn đau lan ra khắp người, đi lại khó và phù toàn thân. Đi khám tại một bệnh viện, bác sĩ kết luận ông bị gan nhiễm mỡ và béo phì, cho thuốc điều trị sụt 7kg nhưng không hết đau và sau đó phù lại nặng hơn.

Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay ông phù nặng, đau nặng, trí nhớ giảm sút, không ăn uống được, nôn và buồn nôn, sợ mùi thức ăn, cả ngày uống được chút bột ngũ cốc, nằm liệt... Đi khám và nằm điều trị tại một bệnh viện khác gần một tháng không tìm ra bệnh, ông tiếp tục được chuyển đến Viện Huyết học truyền máu T.Ư vì nghi ngờ bệnh ở máu. Tại đây, xét nghiệm cũng không thấy bệnh về máu, nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên chuyển ông đi xét nghiệm. Kết quả, ông bị nhiễm 4 loài: giun đũa chó, giun lươn ruột, giun đầu gai, giun lươn não với hiệu giá kháng thể rất cao.

GS.TS Nguyễn Văn Đề, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, cho biết ông H. được hai người xốc nách hai bên dìu đến trong tình trạng bụng trướng to như bà bầu, người yếu, phù thũng nặng, tiên lượng sống rất ít. Sau khi phát hiện ký sinh trùng, bệnh nhân được cho uống thuốc đặc hiệu đáp ứng tốt và đã tự mình đi từ Nghệ An ra khám lại.

Ông H. kể, sau khi uống thuốc trị giun một đêm ông nhấc được chân lên. Sau ba tuần điều trị ông giảm được 15kg (cao 1,59m, nặng 80 kg nay còn 65kg), phần trên cơ thể từ trên xuống đã hết đau, từ hông xuống đi lại còn đau nhẹ.

Từng búi giun chui lên tá tràng thai phụ

Một thai phụ mang thai 25 tuần tuổi đến khám tại khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) khám hôm 24/7 vừa qua vì thấy buồn nôn, xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng lan tỏa ra sau lưng... Khi thực hiện nội soi tá tràng, bác sĩ nội soi đã “giật mình” vì nhìn thấy từng búi giun đũa kết lại, chui chen chúc trong tá tràng. Các bác sĩ đã cố gắng gắp ra nhưng không xuể bởi giun kết thành búi rất khó gắp, hơn nữa giun cũng chui cả vào ống tụy, đường mật, theo thông tin trên báo Dân trí.


Hình 8

Bác sĩ nhận định, do nhiễm giun đũa với số lượng lớn, giun chui cả vào ống tụy gây viêm tụy cấp là nguyên nhân khiến bệnh nhân xuất hiện cơn đau. Đáng nói, việc tẩy giun với phụ nữ mang thai rất cân nhắc. Nhưng nếu không tẩy giun, sẽ không thể lấy hết giun. Cùng với đó, tình trạng gây viêm tụy cho người bệnh nếu không có hướng điều trị cũng rất nguy hiểm. Vì thế, khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) đã hội chẩn với bác sĩ khoa Truyền nhiễm, với bác sĩ chuyên ngành kí sinh trùng và đưa ra lời khuyên với gia đình thai phụ. Được biết, sau khi cân nhắc lợi - hại, nếu không dùng thuốc tẩy giun, giun không thể ra hết và bệnh nhân chịu thêm nhiều cơn đau do giun tiếp tục chui lên ống mật, trong khi nguy cơ ảnh hưởng đến thai rất thấp do thai đã hơn 6 tháng tuổi nên gia đình bệnh nhân đã đồng ý tẩy giun.

9. Gắp hơn 300 con giun trong bụng bệnh nhi 3 tuổi

Cháu Trần Văn Đạt (34 tháng tuổi) ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn ói. Chẩn đoán ban đầu của bác sỹ là cháu bị tắc ruột chưa rõ nguyên nhân. Sau khi siêu âm, chụp phim và tiến hành xét nghiệm, bác sỹ xác định cháu Đạt bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun, cần phẫu thuật cấp để gắp giun ra.


Hình 9

Bác sĩ Nguyễn Tiến Văn, Kíp trưởng kíp phẫu thuật gắp giun sán hy hữu này cho biết: "Ca mổ kéo dài suốt 3 giờ liền, bắt hơn 300 con giun sán để bảo vệ tuyệt đối đường ruột cho cháu bé".

Hình 10

10. Sán dài 12 mét "làm tổ" trong ruột người đàn ông

Ngày 17/5, anh Nguyễn Ngọc T. (34 tuổi, trú tại Ba Lòng, huyện Đak-rông, tỉnh Quảng Trị) được chữa trị, lấy thành công một con sán dây dài hơn 12 mét ký sinh lâu ngày trong ruột.

Bệnh nhân T. cho biết trên báo Tiền phong, anh biết mình bị nhiễm sán dây hơn một năm trước, với cảm giác khó chịu ở vùng bụng, ăn không thấy no. Nhiều đốt sán từng bị đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.

Vài tháng trước đó, anh T. hay bị chứng đau quặn ở bụng hành hạ, nhưng do công việc bận rộn nên chưa có điều kiện chữa trị dứt điểm.

Qua sự can thiệp của y sĩ Lê Công Danh tại thành phố Huế, bệnh nhân T. đã được chữa trị, xổ lấy thành công con sán xơ mít dài hơn 12 mét kể trên.

Nói tóm lại, theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đa số các trường hợp nhiễm giun nhẹ thường không có triệu chứng, nhưng đôi khi nhiễm một con giun duy nhất cũng có thể gây áp xe gan hay làm tắt ống dẫn mật. Tại nơi cư trú bình thường như ruột non, nếu bệnh nhân bị nhiễm nặng giun trưởng thành có thể gây ra viêm ruột, xoắn ruột tắc ruột hoặc lồng ruột, nếu không được xử lý và điều trị đúng có thể sẽ dẫn đến tử vong. Điều này thường xảy ra ở trẻ em, có trường hợp bắt được cả 100 con giun ở một bệnh nhân. Khi giun di chuyển có thể lạc chỗ đến những nơi cư trú bất thường và gây ra triệu chứng cấp tính khác tùy thuộc vào từng cơ quan bị ký sinh như tắc ruột, thủng ruột, viêm ruột thừa cấp, làm nghẽn ruột viêm túi thừa, dạ dày hoặc ruột, tắc ống dẫn mật dẫn đến vàng da. Giun xâm nhập vào nhu mô gan gây áp xe gan, vào cơ quan sinh dục tạo u giả, hoặc vào cơ quan tạng rỗng làm thủng thực quản, ruột non.

Giai đoạn giun theo hệ tuần hoàn, giun vào phổi có thể gây cơn ho, khò khè, thâm nhiễm nhu mô phổi. Người bệnh có thể có đau bụng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa. Trẻ ngứa mũi, lên cơn co giật, đêm ngủ hay hốt hoảng, nghiến răng, chảy nước miếng/bọt, thích nằm sấp. Khi ấu trùng giun đũa lên phổi, bệnh nhân có ho thoáng qua, khó thở, khò khè, thở rít, nổi mẩn ngoài da. Khi nhiễm giun nặng, bệnh nhân có các triệu chứng kiểu loét dạ dày tá tràng hay cảm giác khó chịu ở bụng trước hoặc sau bữa ăn. Người nhiễm giun có thể khạc hay nôn ra giun qua mũi, miệng. Đặc biệt, sự di chuyển của giun trưởng thành ở những người nhạy cảm có thể khiến hậu môn ngứa dữ dội, nôn ói ra giun (ở cả mũi và miệng) và phù nề thành ruột,...


Hình 11

Bệnh giun đũa gây nhiều mối nguy hiểm và có thể tử vong, do đó, việc phòng bệnh là rất quan trọng. Mọi người có thể phòng tránh nhiễm giun đũa bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả như không ăn rau sống, quả xanh có chứa trứng giun hoặc ấu trùng giun sán, có nguồn gốc không an toàn; không uống nước lã, chưa nấu chín, nước đá, vì nước đá nhiều khi được làm từ nguồn nước không sạch; không nên dùng phân tươi bón ruộng hay bón rau xanh, xử lý tốt phân, nước, rác.

Do đó, dù là rau thủy sinh hay rau trên cạn đều cần rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ trứng giun sán, ký sinh trùng trên rau. Trước khi rửa dưới vòi nước, có thể ngâm 5-10 phút trong chậu để làm tan đất, bụi bẩn, ký sinh trùng bám trên rau, rửa sạch rồi rửa dưới vòi nước. Tuy nhiên, việc rửa rau cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các ký sinh trùng, vi sinh vật nguy hiểm bám trên rau, vì thế việc nấu chín là vô cùng quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật gây bệnh đường ruột nguy hiểm này.

Đồng quan điểm này, theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), một thói quen mà người nội trợ hay làm là rửa rau dưới vòi nước sạch, nhưng cũng khó làm sạch hoàn toàn các vi khuẩn gây bệnh đường ruột. “Nếu ăn phải rau sống, rồi hành - thường được nấu chưa chín vì cho vào sau khi đã tắt bếp - nguy cơ cho đường tiêu hóa là rất lớn, có thể không phải đi viện ngay, nhưng sự tích tụ của vi khuẩn gây bệnh trong đường tiêu hóa dần sẽ gây hại cho sức khỏe”, ông Phong chia sẻ.

Ngày 05/09/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích