Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 3 3 2 5 8
Số người đang truy cập
5 9 2
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 16/7 đến ngày 31/7 năm 2018

Số người mắc bệnh sởi gia tăng; Trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết; Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Quyền lợi người bệnh được cải thiện khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế; Không để bệnh sởi lan rộng; Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng lên 1.091 trường hợp; 84% người bệnh rất hài lòng với chất lượng khám, chữa bệnh; Giảm giá nhiều dịch vụ y tế

Hà Nội mới

Số người mắc bệnh sởi gia tăng

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội ngày 30-7, trong tuần (từ ngày 23 đến 29-7), trên địa bàn thành phố ghi nhận các dịch bệnh như: Sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết có số mắc tăng hơn so với tuần trước đó.Cụ thể, tuần qua ghi nhận thêm 26 trường hợp mắc sốt xuất huyết (gấp 2 lần so với tuần trước).Dù vậy, số mắc sốt xuất huyết lũy tích từ đầu năm đến nay là 272 trường hợp (giảm khoảng 97% so với cùng kỳ năm 2017). Ngoài ra, ghi nhận thêm 63 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 19 trường hợp so với tuần trước).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 1.091 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc phân bố rải rác tại các xã, phường, thị trấn, không ghi nhận ổ dịch lớn nhiều bệnh nhân. Riêng dịch bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng với 18 trường hợp mắc (tăng 5 trường hợp so với tuần trước). Ngoài ra, Hà Nội ghi nhận 271 trường hợp mắc sởi (tăng khoảng 4,5 lần so với cả năm 2017 (chỉ ghi nhận hơn 60 ca).

Tiền phong

Trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết

Một bé gái 7 tuổi ở quận 12 được xác định đã tử vong do mắc sốt xuất huyết. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong do căn bệnh này trong năm 2018 tại TPHCM.

Ngày 30/7, xác nhận với báo chí, BS Vũ Đức Diễn - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế quận 12 cho biết tại địa bàn quận đã có một trường hợp bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhi là một bé gái 7 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Thành. Ngay khi phát hiện bệnh, bé đã được gia đình đưa đến BV để theo dõi. Tuy nhiên, có thể do bé bị béo phì, hệ miễn dịch kém, tiền sử đã mắc sốt xuất huyết nên đã tử vong vào ngày thứ 6 của bệnh. Cũng theo BS Diễn, trong tháng 7, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có dấu hiệu tăng so với các tháng trước do đang vào thời điểm mùa mưa. “Tại phường Hiệp thành tháng 7 có 40 ca, xuất hiện nhiều tại các khu phố 3, 4, và 6 của phường Hiệp Thành. Vào mùa mưa, tình hình bệnh tăng chung tất cả các quận huyện, hơn nữa phường Hiệp Thành có số dân tạm cư rất đông, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, có mức độ miễn dịch kém. Bên cạnh đó, Hiệp Thành là địa bàn có nhiều điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết, do có diện tích rộng, có nhiều bãi đất trống, nhiều điểm chăn bò và buôn bán phế liệu”, BS Diễn thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết ,tính từ đầu năm đến nay, đã có 6.283 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện. Chỉ tính từ 16/6 - 15/7, số ca nghi ngờ do sốt xuất huyết nhập viện chiếm hơn 1.400 ca, tăng 74% so với cùng kỳ tháng trước.

Sức khỏe & Đời sống

Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Từ ngày 26 - 29/7/2018, tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra Hội nghị Khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS và Hội nghị lần thứ 8 khu vực Đông Nam Á về Y học nhiệt đới và Ký sinh trùng năm 2018. Đánh giá về các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, điều đáng ngại hiện nay là tình trạng lây nhiễm chéo ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, ngành y tế Việt Nam liên tục có sự quan tâm sâu sát để xử lí tình trạng này. Với các nỗ lực không ngừng vì người bệnh, từ năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp). Các loại dịch như: Cúm A/H1N1, H7N9... cũng được Việt Nam phòng chống tích cực và hiệu quả. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng mong muốn qua hội nghị lần này, các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng cường hơn nữa trong việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phối hợp trong lĩnh vực y khoa, đặc biệt là các bệnh liên quan đến truyền nhiễm và ký sinh trùng

Nhân dân

Quyền lợi người bệnh được cải thiện khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế

Theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT (Thông tư 15) của Bộ Y tế, từ ngày 15-7, có 88 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Việc điều chỉnh sẽ giúp cân đối quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, đồng thời tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Cụ thể, Thông tư 15 điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ, gồm: sáu dịch vụ khám bệnh (của năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã); 34 dịch vụ ngày giường bệnh, 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Điều chỉnh tăng giá chín dịch vụ, gồm: bảy dịch vụ ngày giường (chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu) và hai dịch vụ xét nghiệm. Đồng thời, bổ sung mức giá của chín dịch vụ kỹ thuật, người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Thông tư cũng điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Giá khám bệnh của năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã giảm bình quân 17%, tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 đồng đến 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện; giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một giảm từ 39 nghìn đồng xuống còn 33.100 đồng; ở bệnh viện hạng hai giảm từ 35 nghìn đồng xuống còn 29.600 đồng; giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng bốn giảm từ 29 nghìn đồng xuống còn 23.300 đồng.

Giá giường bệnh được ban hành thấp hơn đề xuất ban đầu, tăng tại các bệnh viện hạng đặc biệt và giảm ở các hạng còn lại. Giá ngày giường điều trị giảm từ 2% đến 10% theo từng hạng bệnh viện. Tại bệnh viện hạng một, giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc giảm từ 632.200 đồng xuống còn 615.600 đồng; giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng bốn giảm từ 226.000 đồng xuống 221.200 đồng. Giá ngày giường bệnh điều trị nội khoa đối với các chuyên khoa loại một (truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh...) giảm từ 199.100 đồng xuống còn 194.900 đồng; đối với các khoa loại hai (cơ - xương - khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng...) giảm từ 178 nghìn đồng xuống còn 175 nghìn đồng. Riêng giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng từ 677.100 đồng lên 687.100 đồng.

Giá một số dịch vụ chụp X-quang, chụp CT scanner cũng giảm. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày giảm từ hơn bốn triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu đồng xuống còn hai triệu đồng; phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu đồng xuống còn 3,6 triệu đồng... Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giảm từ 2,326 triệu đồng xuống còn 2,2 triệu đồng; chụp cộng hưởng từ (MRI) không thuốc cản quang giảm từ 1,754 triệu đồng xuống còn 1,3 triệu đồng...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ bị giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cho nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm dẫn đến phần đồng chi trả của người bệnh giảm, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Việc tăng, giảm giá phụ thuộc chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất..., hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Do đó, mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012, 2015 theo Thông tư 37 không còn phù hợp. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18 nghìn dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000 đến 3.000 dịch vụ y tế để xây dựng giá cho các dịch vụ này.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh theo Thông tư 15 này sẽ khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu BHYT đến năm 2020 thì Thông tư 15 sẽ giúp cho Quỹ khám chữa bệnh BHYT bền vững hơn. Do đó, các bệnh viện cần cân đối, điều tiết để hài hòa lợi ích giữa các bên, bởi nếu Quỹ khám chữa bệnh BHYT không cân đối được thì sẽ có nhiều khó khăn phát sinh hơn trong chính các bệnh viện.

ĐỂ thực hiện đúng các quy định của Thông tư 15, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thông báo công khai cho người bệnh, người nhà người bệnh về mức giá của các dịch vụ; thông báo ở địa điểm dễ quan sát, nhận biết. Đối với các cơ sở có số lượt khám bệnh tăng, phải tăng số bàn khám, tăng nhân lực cho phòng khám vào giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo quy định; thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật theo đúng quy định về chuyên môn y tế. Bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh; mua sắm bổ sung bàn khám, trang thiết bị và nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám, không để người bệnh chờ lâu...

Không để bệnh sởi lan rộng

Sau ba năm tạm lắng, bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Hà Nội. Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận hơn 250 trường hợp nhiễm bệnh sởi, cao gấp bốn lần so với năm 2017. Tại khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm của nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bạch Mai, Xanh Pôn…, lượng trẻ em đến khám sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua. Hiện nay, bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29 quận, huyện.

Nguyên nhân chính khiến bệnh sởi gia tăng chủ yếu do nhiều trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ. Ðây là loại bệnh truyền nhiễm dễ lây qua đường hô hấp, có thể gây dịch lớn. Ðối tượng nhiễm chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trẻ bị nhiễm sởi có nguy cơ biến chứng sang các bệnh khác như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy… Hiện chưa có thuốc đặc trị hiệu quả loại bệnh này, cho nên tiêm phòng vẫn là biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất.

Trước tình hình trên, ngành y tế cần tăng cường khám, điều trị cho bệnh nhân mắc sởi; rà soát lại các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để bảo đảm cho công tác điều trị. Ðồng thời, tổ chức tập huấn cách chẩn đoán, điều trị bệnh sởi cho nhân viên, cán bộ y tế thuộc các khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi. Ðể đề phòng lây nhiễm chéo, các bệnh viện phải phân loại bệnh nhân ngay tại khu vực khám và có biển chỉ dẫn từ ngoài cổng bệnh viện. Bố trí khu điều trị cách ly theo quy định, bảo đảm chuyển tuyến an toàn đối với những bệnh nhân quá khả năng điều trị, tránh lây nhiễm trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. Người bệnh, người nhà bệnh nhân sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp theo nguyên tắc bệnh lây qua đường hô hấp...

Quan trọng hơn, các đơn vị y tế trong ngành, các cơ sở tiêm chủng cần tăng cường công tác phòng, chống bệnh, nhất là tổ chức tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch cho trẻ em. Trẻ em cần tiêm phòng sởi lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi bé 18 tháng tuổi. Ðối với mũi tổng hợp gồm sởi - quai bị - rubella thì tiêm khi bé từ 12 tháng tuổi trở lên. Phụ huynh cần tiêm đủ liều cho trẻ để tỷ lệ miễn dịch tốt đạt tới 95%. Bên cạnh trẻ nhỏ, phụ nữ trước khi mang thai ít nhất ba tháng cũng được khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - quai bị - rubella để phòng bệnh cho cả mẹ và con trong giai đoạn con chưa đến tuổi tiêm chủng. Ðây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của mỗi gia đình đối với sức khỏe của trẻ và an toàn của cộng đồng trong việc ngăn chặn các loại bệnh truyền nhiễm.

An ninh thủ đô

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng lên 1.091 trường hợp

Chỉ trong 1 tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 63 trẻ mắc tay chân miệng mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 1.091 trường hợp và nguy cơ sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong mùa mưa lũ…

Sáng nay, 30-7, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn từ ngày 23-7 đến ngày 29-7. Theo đó, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 26 trường hợp sốt xuất huyết Dengue, 18 trường hợp mắc sởi, 3 trường hợp mắc ho gà…

Đặc biệt, trong tuần ghi nhận thêm 63 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng mới, nâng tổng số ca tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2018 đến nay lên 1.091 trường hợp.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hầu hết trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận ở thể nhẹ, tự khỏi và không có tử vong. Tuy nhiên, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, bệnh lại lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên nguy cơ bùng phát, lây lan trong mùa mưa lũ hiện nay là rất lớn.

Để phòng chống bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…

Sở Y tế cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống tay chân miệng; tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà.

84% người bệnh rất hài lòng với chất lượng khám, chữa bệnh

Trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, thành phố đã đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở các huyện ngoại thành. Tổng kinh phí đầu tư cho các trạm y tế xã, các bệnh viện huyện lên tới 2.135 tỷ đồng…Bệnh viện tuyến huyện  thực hiện được kỹ thuật cao

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh là một trong những bệnh viện huyện của Hà Nội được đầu tư xây dựng mới trong 10 năm qua, sau khi Mê Linh thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính từ một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất về Hà Nội vào năm 2008. Với cơ sở hạ tầng rất khang trang, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, lượng người bệnh tin tưởng đến khám, nhất là điều trị nội trú tại đây đã tăng nhanh.

Bà Hoàng Thị Đặt (Mê Linh, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân thường xuyên phải vào viện khám chữa bệnh, chia sẻ, từ khi Bệnh viện Đa khoa Mê Linh được xây mới, từ khu vực chờ khám rộng rãi, có quạt mát, hàng ghế ngồi mới, nhà vệ sinh cũng sạch sẽ hơn, khiến bà và những người bệnh khác rất hài lòng, khác hẳn với tình trạng chật chội như cơ sở cũ.  

Cảm nhận của người bệnh có thể chỉ đơn giản là cơ sở hạ tầng như bà Đặt nêu ra, song sự thay đổi về chất lượng khám chữa bệnh mới là yếu tố then chốt giúp tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến đã giảm nhiều so với trước đây.

Bác sĩ Đặng Trung Kiên, khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Đa khoa Mê Linh chia sẻ, từ khi được đầu tư hệ thống máy móc mới, rất hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ của bệnh viện đã có thể chẩn đoán tốt được những bệnh mà “trước đây rất khó chẩn đoán chính xác”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, vốn là bệnh viện hạng 2 của tỉnh Hà Tây (cũ), cũng đã được nâng cấp, cải tạo rất nhiều trong 10 năm qua và trở thành 1 trong 3 bệnh viện hạng 1 của thành phố Hà Nội.

Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện đã có sự thay đổi “cả về lượng lẫn chất” cao hơn hẳn, đặc biệt là chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ không ngừng được cải thiện.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung nêu rõ, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, tăng cường và đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng cao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân khu vực ngoại thành.

Đặc biệt, đến nay các bệnh viện đa khoa tuyến huyện của Hà Nội đều đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh viện đã thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật cao.

Hiện nay, 100% bệnh viện huyện đã thực hiện mổ nội soi, nhiều bệnh viện đã thực hiện được mổ sọ não… Nhờ đó, số bệnh nhân nội trú vượt tuyến, chuyển tuyến lên tuyến trên đã có xu hướng giảm đáng kể.

84% người bệnh hài lòng

Nhìn lại năm 2008, sau khi hợp nhất về Hà Nội, hệ thống y tế cơ sở ở khu vực các huyện ngoại thành của Hà Nội, bao gồm cả các trạm y tế xã, thị trấn lẫn bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực còn rất hạn chế. Vì thế, việc đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm suốt 10 năm qua.

Đến nay, các bệnh viện huyện của Hà Nội đều đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Một số bệnh viện được đầu tư và nâng cấp mở rộng như Bệnh viện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Vân Đình.

Nhiều bệnh viện xây mới như Bệnh viện Sóc Sơn, Đông Anh, Phúc Thọ và Gia Lâm. Hiện thành phố cũng đang triển khai xây dựng mở rộng Bệnh viện huyện Ba Vì và chuẩn bị cho công tác đầu tư Bệnh viện huyện Thường Tín.

Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ năm 2008 đến hết 2017, tổng cộng có tới 24 bệnh viện huyện, trung tâm y tế (TTYT) huyện ở khu vực ngoại thành Hà Nội được xây dựng mới với tổng kinh phí lên tới trên 1.282 tỷ đồng. Đồng thời, có 24 bệnh viện, TTYT huyện được nâng cấp với tổng kinh phí trên 374 tỷ đồng; 77 trạm y tế xã, phường, thị trấn được xây dựng mới với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng…

12/18 bệnh viện tuyến huyện được đầu tư xây dựng tòa nhà kỹ thuật từ 5 đến 9 tầng. Các phòng khám đều được nâng cấp, có 10 phòng khám được xây mới. Cùng đó, từ 2008 đến 2017, tổng kinh phí mà Hà Nội đã đầu tư cho trang thiết bị y tế tuyến cơ sở lên tới 500 tỷ đồng… Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở của thành phố từ 2008 đến nay là trên 2.135 tỷ đồng.

Kết quả của sự đầu tư nói trên thể hiện rõ nhất qua số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh đều trên 100%...

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua khảo sát năm 2017, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng và rất hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh ở cả bệnh viện công lập và bệnh viện tư của thành phố là 84%; tỷ lệ này ở khu vực điều trị nội trú còn cao hơn, lên tới 91%.

“Chúng tôi cho rằng, chỉ số đánh giá sự hài lòng người bệnh chính là thước đo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh” – bà Hà nói.

Thanh niên; Sức khỏe & Đời sống; An ninh thủ đô,

Giảm giá nhiều dịch vụ y tế

Từ 15.7, nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bảo biểm y tế và cả các bệnh viện.

PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết giá dịch vụ y tế quy định tại Thông tư 37 (có hiệu lực thực hiện đến trước ngày 15.7.2018), mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Tuy nhiên, sau thời gian hơn hai năm thực hiện, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT(có hiệu lực từ 15.7.2018) thay thế Thông tư 37.

Dịch vụ sử dụng nhiều cần giảm giá

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế): Có 88 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh, bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh, bình quân giảm 6% và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%. Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm.

Cùng với đó, Thông tư 15 cũng bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được bảo biểm xã hội (BHXH) thanh toán; điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT Scanner, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại, mỗi người bệnh sử dụng khác nhau mà Quỹ bảo biểm y tế (BHYT) sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Ông Liên chia sẻ, việc tăng, giảm giá phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất... hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Do đó, mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012, 2015 theo Thông tư 37 không còn phù hợp. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18.000 dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000 - 3.000 dịch vụ y tế/nhóm để xây dựng giá cho các dịch vụ này.

Cùng với đó điều chỉnh giá tại Thông tư 15 còn giúp việc kiểm soát lạm dụng chỉ định dịch vụ. “Thực tế cho thấy, đối với những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết”, ông Nam Liên nói.

Cam kết về chất lượng dịch vụ

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế lần này có hạn chế, khiến phía bệnh viện (BV) có thể “thiệt thòi”, bởi mức giá vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ 1.7.2018 là 1.390.000 đồng), nên thời gian tới vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Ông Nam Liên cũng xác nhận việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, nhưng đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Nhưng Bộ Y tế đã có chỉ đạo các BV tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên, nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Các BV phải dành đủ từ 3 - 5% số thu tiền ngày giường, tiền khám bệnh và ưu tiên sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, bàn, ghế, giường, tủ cho các phòng khám, phòng điều trị… Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Về việc người dân lo ngại chất lượng dịch vụ y tế giảm với các dịch vụ điều chỉnh giảm giá, ông Nam Liên cho biết thêm với khung giá dịch vụ y tế thực hiện trong hai năm qua có một số yếu tố làm giảm chi phí. Cụ thể: tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng, các BV nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tại các huyện trên địa bàn tỉnh được thực hiện nên tần suất khám, chữa bệnh/thẻ BHYT tăng, dẫn đến số lượt khám bệnh/bàn khám, số lượt siêu âm, chụp X-quang, CT Scanner, nội soi tai mũi họng, công suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng - làm giảm được chi phí tính cho một dịch vụ.

Cùng với đó, giá một số thuốc, vật tư, hóa chất giảm do công tác đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, BHXH VN và nhiều địa phương thực hiện góp phần làm giảm chi phí về thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ. “Do đó, các dịch vụ điều chỉnh giá lần này áp dụng trên cơ sở đã được Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH VN khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn, không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế trong điều trị”.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cam kết, Bộ Y tế đã và đang thực hiện để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và tăng khả năng cân đối quỹ BHYT thông qua việc tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; có các hỗ trợ tuyến y tế cơ sở (xã, huyện) phải làm tốt dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý, theo dõi, điều trị các bệnh không lây nhiễm, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí điều trị cho người dân nói chung và quỹ BHYT. Hiện tại danh mục dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu khi khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã đã được mở rộng; nhân lực đang được củng cố, nâng cao chất lượng, các BV huyện vùng khó khăn đang được tăng cường các bác sĩ tuyến trên về làm việc.

 

 

Ngày 01/08/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích