Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 5 0 5 9
Số người đang truy cập
2 5 8
 Tin tức - Sự kiện
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Y tế và Tập đoàn FPT
Điểm tin y tế từ các báo ngày 10/8 đến ngày 20/8 năm 2018

Hà Nội mới

Mối hiểm họa từ nuôi thú cưng

Thời gian gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận các nạn nhân bị chó cắn thương tâm, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Rõ ràng, tình trạng này không chỉ đơn thuần là sự cố, tai nạn mà là hồi chuông cảnh báo về mối hiểm họa từ vật nuôi ngay trong chính gia đình.

"Sát thủ" từ chính chó nhà

Dư luận chưa hết bàng hoàng về trường hợp một bé gái 8 tháng tuổi (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong thì những ngày qua, tại các bệnh viện liên tiếp cấp cứu cho các trường hợp bị chó cắn đứt rời môi, nát tay... 

Đơn cử như trường hợp bé trai 7 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, khuyết nửa môi trên… Do phần môi đứt rời bị dập nát lại không được gia đình bảo quản đúng cách nên các bác sĩ không thể nối vi phẫu trồng lại môi cho bệnh nhân. 

Tương tự, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một bệnh nhân 10 tuổi (ở Hưng Yên), được người nhà đưa đến trong tình trạng chó nhà cắn nát tay, có cả vết thương sau gáy. Theo gia đình bệnh nhi, khi cho chó ăn, cậu bé bất ngờ bị chó xông vào cắn.

Trước đó, các bác sĩ Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ vành tai cho bé trai Bảo N. (5 tuổi, ở huyện Gia Lâm) bị chó nhà cắn rách tai khi đang đùa nghịch và cưỡi lên lưng con chó. Còn tại Khoa Tạo hình - Sọ mặt (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi năm tiếp nhận và phẫu thuật từ 10 đến 15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.

Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan, Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, người lớn không cẩn thận để trẻ bị chó cắn là một điều đáng trách. Có những trường hợp bị chó cắn để lại những vết sẹo vĩnh viễn và phải phẫu thuật tạo hình rất nhiều lần. 

“Trong trường hợp không may bé bị chó cắn thì người nhà phải lập tức rửa sạch phần tổn thương bị đứt rời và cho vào túi ni lông sạch, rồi để vào túi nước đá trước khi mang đến bệnh viện cùng bệnh nhân để được nối ghép kịp thời…”, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan lưu ý.

Không nên mạo hiểm chờ đợi

Không chỉ gây ra những tai nạn thương tâm, khi bị chó cắn còn có nguy cơ mắc và tử vong do bệnh dại nếu không được tiêm phòng kịp thời. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên toàn thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 35 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 18 tỉnh, thành phố. 

Điều đáng nói là 100% các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Trong khi bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, thời gian phơi nhiễm vi rút dại, ủ bệnh ở mỗi người khác nhau. Có những người sau 20-30 ngày bắt đầu lên cơn dại, có những người lâu hơn mới biểu hiện bệnh. Đa phần khi vết thương chó cắn đã liền da, người bệnh vẫn bình thường nên càng chủ quan không nghĩ là chó dại cắn. 

Đến khi lên cơn dại, sợ gió, sợ nước thì mọi chuyện đã quá muộn, không còn cách gì cứu chữa. Vì vậy, nếu không may bị chó cắn, nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Không nên mạo hiểm chờ đợi vì nhiều con chó sau 2-3 tuần cắn người mới phát bệnh.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng vi rút trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da. 

Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không. Khi đã phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong là 100%, vì vậy, tất cả những người bị chó nghi dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Bởi vì hằng năm tại nước ta vẫn có những trường hợp chết oan vì tin lời thầy lang, chữa bệnh dại bằng các biện pháp dân gian, bằng thuốc nam…

Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan khuyến cáo, những ca tử vong do bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu thực hiện ba biện pháp chính, gồm: Tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn. Riêng tại mỗi gia đình, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với "thú cưng" nuôi trong gia đình như chó, mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cố gắng giữ trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là với chó đang nuôi con, đang ăn, bị thương...

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút hoặc phải xối rửa vết thương bằng nước sạch và tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% nhưng không được băng kín vết thương. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Sức khỏe & Đời sống

Quy định mới về danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh BHYT

Ngày 8/8/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4883/QĐ-BYT về ban hành bổ sung danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT.

Theo đó, Quyết định số 4883/QĐ-BYT của Bộ Y tế bổ sung thêm 256 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và giá đã có trong các quyết định ban hành danh mục kỹ thuật tương đương thực hiệnThông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC nhưng còn thiếu trong Quyết định số 4442/QĐ-BYT ngày 13/07/2018.

Cụ thể, về nội khoa, tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21 là kỹ thuật Nong van động mạch chủ, song tên theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch (van tim, tim bẩm sinh, động mạch vành) dưới DSA, mã 02.0104.0054.

Đối với kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch, tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21, mã 12.368 là kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch, thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch (nội trú), mã 12.0368.2040; Kỹ thuật Nội soi thanh quản treo cắt hạt xơ (tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 43, 50, 21, mã 3.995) thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật thủ thuật loại II (Tai mũi họng), mã 03.0995.1005; Kỹ thuật điện mãng châm điều trị viêm da thần kinh (tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21, mã 3.328) thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật Điện châm (có kim dài), mã 03.0328.2046...

Bên cạnh các nội dung trên, tại Quyết định số 4883/QĐ-BYT đính chính một số mã dịch vụ kỹ thuật như: Thay băng vết mổ chiều dài trên 15 - 30 cm; HIV Ag/Ab test nhanh; EV71 IgM/IgG test nhanh; Nội soi dạ dày làm Clo test và Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa (cắt ruột thừa, cắt ruột thừa + rửa bụng, cắt lại mỏm ruột thừa, điều trị áp xe ruột thừa trong ổ bụng).

Đồng thời, hủy 9 mã tương đương không phù hợp như: Điện châm (có kim dài, điều trị rối loạn đại tiện, điều trị sa trực tràng, điều trị táo bón); Châm (có kim dài, hào châm, nhĩ châm); Xét nghiệm định tính một chỉ tiêu độc chất bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng; Phẫu thuật nong van động mạch chủ; Siêu âm + đo trục nhãn cầu; Nội soi tai hoặc mũi hoặc họng.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh triển khai, thực hiện và xây dựng hệ thống quản lý danh mục và bảng giá các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế: “Phải rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh”

Ngày 13/8, sau khi thị sát thực tế khám chữa bệnh tại BV Chợ Rẫy và BV ĐH Y dược TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi họp chỉ đạo các bệnh viện phải có những giải pháp để người dân không phải chờ đợi lâu.

Sáng 13/8, tại BV Chợ Rẫy, Bộ trưởng Y tế cùng đoàn công tác đã đến thăm khu ngoại trú, nơi đang có hàng nghìn bệnh nhân ngồi chờ khám. Bộ trưởng đã tiếp xúc với một số người bệnh, ân cần thăm hỏi và có những ý kiến chỉ đạo trực tiếp với ban giám đốc bệnh viện nhằm cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.

Trò chuyện với Bộ trưởng, nhiều bệnh nhân (chủ yếu là bệnh nhân ngoại tỉnh) cho biết phải đi khám bệnh từ rạng sáng và chờ đợi nhiều giờ đồng hồ nhưng chưa đến lượt khám.

Đón tiếp đoàn công tác, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, quá tải là thực trạng vốn diễn ra từ nhiều năm nay tại Chợ Rẫy. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, phần lớn người bệnh là người ngoại tỉnh, lượng người đến khám đông nhất vào những sáng đầu tuần.

Trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện khám bệnh cấp cứu 755.351 ca và điều trị nội trú có gần 70.000 bệnh nhân, trung bình mỗi ngày có 2.600 bệnh nhân. Do luôn luôn quá tải nên BV Chợ Rẫy hợp tác với 13 bệnh viện khác với gần 7.000 bệnh nhân được chuyển đến điều trị trong 6 tháng đầu năm. Mỗi ngày có khoảng gần 400 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện này.

Sau khi lắng nghe báo cáo, chia sẻ tình trạng cơ sở vốn chật hẹp của bệnh viện, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện phải hạ quyết tâm giảm lượng bệnh nhân khám ngoại trú xuống dưới 5.000 trường hợp trong mỗi ngày. Cụ thể với những bệnh nhân mắc một số bệnh thông thường, ngay khi tiếp nhận, bác sĩ hướng dẫn ngay chuyển xuống khám tuyến dưới.

Tại BV Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1 trên địa bàn quận 5), Bộ trưởng cũng chứng kiến cảnh quá tải tại khu khám bệnh. Bệnh viện tràn ngập bệnh nhân ngồi đợi, nhiều người cho biết phải đi khám từ 3 giờ sáng.

Báo cáo với Bộ trưởng sau khi thị sát khu khám bệnh, PGS.TS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, hiện tổng lượt khám ngoại trú quá tải, mỗi ngày khoảng trên dưới 8.500 người. Về nội trú, bệnh viện có 900 giường ở cơ sở 1, tình trạng quá tải cấp cứu xảy ra mỗi ngày (khoảng 60 người chờ mỗi sáng), bệnh viện không bao giờ có tình trạng trống.

“Mỗi ngày bệnh viện mổ khoảng 120 trường hợp nên bác sĩ luôn mổ sớm, giảm chờ đợi. Hệ thống thư ký hành chính giúp người bệnh thanh toán viện phí, xuất viện nhanh chóng. Việc cải tiến nâng cao chất lượng đã được bệnh viện quan tâm bằng cách thực hiện lấy mẫu xét nghiệm từ 3 giờ sáng, tổ chức đăng ký khám bệnh o­nline, khám bệnh không nghỉ trưa. Bệnh viện cũng có thư ký y khoa để tăng thời gian tiếp xúc với người bệnh. Kết quả khám bệnh, viết toa đều thực hiện trên máy tính”, BS Bình nói.

Đánh giá cao những cố gắng của BV Đại học Y dược TP.HCM trong việc áp dụng công nghệ thông tinh vào khám chữa bệnh, tuy nhiên theo Bộ trưởng, bệnh nhân vẫn còn chờ đợi quá lâu do lượng bệnh khám ngoại trú quá lớn.

“Giải pháp cần làm là chuyển bệnh nhân nội ngoại trú về tuyến dưới, không hẹn tái khám. Trừ cấp cứu, các kỹ thuật khác phải để bệnh nhân phải điều trị tuyến dưới. Bệnh nội trú cũng nên phân định rõ bệnh nào có thể nằm ở tuyến dưới. Không thể để tình trạng quá tải tuyến trên nếu bệnh nhân vượt tuyến chỉ đi khám dạ dày”, Bộ trưởng Y tế nói.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo bệnh viện phải giảm số khám ngoại trú xuống còn dưới 4.000 mỗi ngày bằng cách chuyển bệnh nhân xuống tuyến dưới. Cần mở rộng các cơ sở, phát triển ngoại tinh, kết hợp bệnh viện quận huyện…Những bệnh nhân khám lần 2 mắc bệnh lý không biến chứng có cùng phác đồ mà tuyến dưới điều trị được thì nhất định không nhận điều trị. Nhân rộng mô hình áp dụng công nghệ thông tin, tiến tới bệnh án không giấy, thu phí không tiền mặt.

Về quản lý bệnh nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần làm mọi cách để rút ngắn thời gian và đảm bảo hiệu quả, an toàn trong suốt quá trình khám chữa bệnh. Đơn cử, nên viết các phần mềm sao cho bác sĩ, điều dưỡng và cả người nhà dù không có trong phòng bệnh cũng có thể giám sát được người bệnh trong phòng hồi sức cấp cứu…

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị FPT nhanh chóng triển khai xây dựng mô hình y tế thông minh

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại lế ký kết thỏa thuận hợp tác về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế giai đoạn 2018-2028 giữa Bộ Y tế và Tập đoàn FPT

Ngày 16/8 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT về việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) y tế  giai đoạn 2018-2028.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, công tác triển khai ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có những bước phát triển quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới, người dân đã bước đầu được hưởng lợi từ việc ứng dụng CNTT.

Theo đó, Bộ Y tế đã hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách đẩy nhanh phát triển y tế điện tử. Năm 2017, Bộ Y tế được xếp hạng nhất về “Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin” qua kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử.

Bộ Y tế cũng thành công trong triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ rất sớm, hiện đã có 38 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đang thực hiện triển khai dịch vụ công một cửa Bộ Y tế, một cửa ASEAN; qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hầu hết các bệnh viện đều triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau. Bước đầu ứng dụng Y tế từ xa (Telemedicine) nhằm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới.

Tiếp đến, ngành y tế thành công trong việc kết nối liên thông giữa cơ sở khám chữa bệnh của 63 tỉnh/thành phố với cơ quan bảo hiểm xã hội trong giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ngành y tế cũng đã chính thức triển khai đồng loạt Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các tuyến trong cả nước đã giúp khắc phục tình trạng trạng trẻ em không được tiêm đủ mũi vaccine hoặc tiêm chủng không đúng lịch.

“Những kết quả bước đầu về ứng dụng CNTT y tế nêu trên là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Y tế thời gian tới cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và nhất là ngành Y tế phải chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

 Theo thỏa thuận hợp tác được ký kết, Bộ Y tế và Tập đoàn FPT cùng “bắt tay” để đạt được các mục tiêu: Xây dựng kiến trúc y tế điện tử, tài liệu chuyên môn hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế; Triển khai các quy định về y tế điện tử cho các đơn vị trong ngành Y tế; Đào tạo, nghiên cứu phát triển về y tế điện tử; Đào tạo về vận hành trung tâm dữ liệu; Xây dựng các chuẩn công nghệ thông tin y tế;

Xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh, bệnh viện thông minh, quản trị y tế thông minh (hiện đại hóa nền hành chính và dịch vụ công trực tuyến, dược, trang thiết bị y tế…), giải pháp tích hợp cho hoạt động nghiệp vụ y tế.

 Điểm nhấn quan trọng của thỏa thuận hợp tác này là Bộ Y tế và FPT sẽ cùng phối hợp để xây dựng mô hình Chăm sóc sức khỏe thông minh, Bệnh viện thông minh, Quản trị y tế thông minh (hiện đại hóa nền hành chính và dịch vụ công trực tuyến, dược, trang thiết bị,..). Đây là 3 lĩnh vực quan trọng để xây dựng y tế thông minh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế cần hướng đến việc đem lại sự hài lòng cho người dân và các y bác sĩ trong quá trình sử dụng. Phần mềm bệnh viện thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu là thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch và giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Đồng thời, phần mềm bệnh viện thông minh phải đáp ứng được tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đối với phần mềm Chăm sóc sức khỏe thông minh (ứng dụng tại các trạm y tế xã/phường gắn với mô hình bác sĩ gia đình), Bộ trưởng để nghị cần làm theo nguyên tắc đơn giản, dễ làm, dễ tiếp cận, phổ cập, hiệu quả từ đó mang lại sự hài lòng cho người dân… Bộ Y tế đề nghị FPT nhanh chóng bắt tay vào triển khai xây dựng, hoàn chỉnh mô hình y tế thông minh ở một số địa phương, đơn vị cụ thể, sau đó tổng kết và nhân rộng trên cả nước.

Đánh giá cao sự nỗ lực hợp tác với ngành y tế của FPT trong suốt 20 năm qua, đặc biệt trong việc ứng dụng các phần mềm CNTT hiện đại tại một số bệnh viện, đã giúp bệnh viện đạt được chỉ tiêu như thời gian khám chữa bệnh giảm 4 lần, thời gian chờ đợi đến 10 lần…

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu thực trạng: Vừa qua Bộ trưởng đã đi thăm nhiều bệnh viện công và thấy rằng có nhiều nơi vẫn còn tình trạng đi khám quá đông. Hiện nay, việc đặt hẹn khám trên điện thoại dù đã ứng dụng nhưng còn nhiều vấn đề mà các phần mềm của chúng ta cần phải sát hơn, thực tiễn hơn. Do đó, Bộ trưởng đề nghị là sau ký kết này là phải ra sản phẩm cụ thể. Trước mắt tiến tới thực hiện bệnh viện không giấy tờ, không tiền mặt.

Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019 là bao nhiêu?

Theo quy định mức đóng BHYT hàng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (tức là 4,5% x 1.390.000 đồng/tháng). Trong đó, học sinh, sinh viên chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 2873/BHXH-BT yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên trong năm học 2018-2019.

BHXH Việt Nam cho biết, trong những năm qua, BHXH các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên. Số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng đáng kể, từ khoảng 85% năm học 2013-2014 lên khoảng 93,5% năm học 2017 -2018. Việc cấp, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH được triển khai quyết liệt, đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia chưa đồng đều, tại một số tỉnh, thành phố số tham gia chưa cao (mới đạt khoảng 70-80%), việc cấp, đổi thẻ BHYT còn để xảy ra sai thông tin.

Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục triển khai hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT học sinh, sinh viên với các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi; đưa tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT để vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Trong đó, chú trọng vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT. Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại danh sách học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT đầy đủ.

BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục - Đào đạo tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT đến các trường học; ban hành văn bản hướng dẫn các trường học trên địa bàn tổ chức thu BHYT học sinh, sinh viên theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 05 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Đối với trường hợp học sinh, sinh viên đã được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH khi tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH thực hiện ghi giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT vào cơ sở dữ liệu và in danh sách cấp thẻ BHYT (mẫu D10a-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH) gửi cho các trường học, thẻ BHYT đã cấp theo mã số BHXH tiếp tục được sử dụng. Đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa được cấp mã số BHXH thực hiện kê Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS ban hành theo Quyết định 888/QĐ-BHXH).

Kịp thời xét duyệt và trích chuyển kinh phí thù lao thu BHYT học sinh, sinh viên, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định.

Theo quy định mức đóng BHYT hàng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (tức là 4,5% x 1.390.000 đồng/tháng). Trong đó, học sinh, sinh viên chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được nhà nước hỗ trợ.

Như vậy, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên cho năm học 2018-2019 (12 tháng) là: 750.600 đồng. Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70%, tương ứng là 525.420 đồng; Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, tương ứng 225.180 đồng.

Học sinh, sinh viên có thể lựa chọn các phương thức đóng như: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng tính theo năm tài chính.

Đối với học sinh, sinh viên năm đầu cấp hoặc đã tham gia BHYT gián đoạn trong năm học trước thì có thể tham gia BHYT ngay từ đầu năm học.

Nhân dân

Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta đã chiếm tới 86,9% dân số, cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân ngày càng cao, nhất là chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu. Y tế cơ sở được coi là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện đã được đưa ra tại Phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức vừa qua.

Khả năng cung ứng dịch vụ còn hạn chế

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thành tựu lớn nhất của ngành y tế trong thời gian qua là từng bước khôi phục, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS). Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản; gần 99% số xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh (KCB); 97% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đến nay, đã triển khai KCB BHYT tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Đáng chú ý, chất lượng KCB tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá, YTCS cả tuyến huyện và tuyến xã còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh thiếu tin tưởng và thường vượt lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, Trung ương. Trạm y tế xã chưa quan tâm đến phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như sàng lọc phát hiện sớm các bệnh cho người dân... Điều này do tổ chức hệ thống y tế chưa ổn định, lúc nhập vào, lúc tách ra, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Về nền tảng và tiềm năng, nhìn chung chất lượng chưa cao thiếu đồng bộ. Đầu tư cho YTCS còn thấp, có trạm y tế rất “xơ xác”. Chính sách đãi ngộ cho nhân viên YTCS chưa thỏa đáng; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của cấp chính quyền và cơ quan y tế chưa quan tâm đến YTCS... Nguồn nhân lực tại y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, có xu hướng bác sĩ không muốn làm việc tại YTCS mà muốn làm việc ở tuyến trên hoặc khu vực tư nhân.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, một trong những lý do khiến người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, KCB BHYT ban đầu là do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015, với điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay, người bệnh BHYT thường lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã. Ngoài ra, hệ thống trạm y tế xã hiện nay chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ và còn nhiều bất cập cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Chất lượng KCB tại YTCS chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân không lựa chọn trạm y tế xã làm nơi KCB ban đầu, dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện. Bên cạnh những thách thức nêu trên, còn có thêm một số khó khăn, vướng mắc về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, nguồn lực, nhân lực… đã tạo áp lực không nhỏ cho ngành Y tế và BHXH trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách BHYT tại tuyến YTCS.

Đồng thời, lợi dụng chính sách thông tuyến, nhiều cơ sở KCB tuyến huyện tiếp nhận người bệnh không có đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở này và cấp giấy chuyển lên tuyến trên để điều trị những bệnh thông thường do không phải quản lý quỹ. Tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ KCB diễn ra phổ biến tại các bệnh viện tuyến huyện, nhất là việc kê thêm giường, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý… Đơn cử, ở một số bệnh viện bệnh nhân phẫu thuật phải nằm viện từ 5 đến 7 ngày hay đẻ thường nằm viện tới 5 - 6 ngày; hay có những bệnh nhân chỉ bị viêm họng nhưng YTCS vẫn giữ lại điều trị tới ba ngày để được BHYT chi trả nhiều hơn.

Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh ở YTCS

Có ý kiến cho rằng, việc trạm y tế vắng bệnh nhân không chỉ do nguyên nhân nguồn nhân lực cán bộ y tế quá yếu mà còn do việc khoán KCB BHYT cho tuyến xã cao nhất chỉ 20%, nên người dân ít muốn đến trạm y tế. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, 31% số ca trường hợp KCB ở tuyến Trung ương có thể giải quyết ở tỉnh, 41% số ca KCB ở tuyến tỉnh có thể chữa ở huyện... Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý để BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh hạn chế nhận KCB bệnh nhân thông thường ở tuyến dưới. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã từng kiến nghị, không quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế cao nhất bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú như hiện nay, thay vào đó cơ quan BHXH sẽ thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới… kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao…

Qua thảo luận tại phiên giải trình, đại biểu, lãnh đạo các bộ, ngành thống nhất YTCS cần phải được củng cố và đầu tư một cách thỏa đáng để có thể đảm nhiệm vai trò là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. UBND các tỉnh, thành phố cần phải bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư các trạm y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia.

Đồng thời, Bộ Y tế cần đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở theo vị trí việc làm, triển khai các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế tại tuyến cơ sở; tăng cường công tác luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện tự chủ BV tuyến huyện và việc sử dụng quỹ KCB BHYT ở BV tuyến huyện.

Thêm người tử vong do nhiễm virus cúm A/H1N1

Theo bác sĩ Thạch Hoàng Dũng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trà Vinh, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vừa có hai bệnh nhân tử vong xác định dương tính với cúm A/H1N1. Theo đó, ngày 6-8, một ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh xác nhận tử vong có dương tính với cúm A/H1N1. Đó là bệnh nhân nam 60 tuổi, trú tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 9-8, thêm ca bệnh thứ hai tử vong được xác nhận dương tính với cúm A/H1N1. Đó là bệnh nhân nữ, 82 tuổi, ngụ ấp Kinh Xáng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần. Bệnh nhân này khởi phát bệnh nóng, sốt vào ngày 27, đến ngày 30-7 mới nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh. Với chẩn đoán là viêm phổi và nhồi máu cơ tim, có tiền sử bệnh thấp khớp mãn tính. Đến ngày 9-8, bệnh chuyển nặng và tử vong. Theo xác nhận của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính với cúm A/H1N1.

Sau khi nhhận được thông báo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp địa phương triển khai các biện pháp xử lý khoanh vùng ổ dịch, phun hóa chất diệt khuẩn tại hai hộ có người tử vong dương tính với cúm A/H1N1 và môi trường chung quanh, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng bệnh để người dân hiểu và thực hiện; lập danh sách 18 người có tiếp xúc với hai bệnh nhân để theo dõi.

Theo bác sĩ Thạch Hoàng Dũng, đến nay, địa bàn tỉnh Trà Vinh xác nhận có bốn ca dương tính với cúm A/H1N1, trước đó có hai ca người Trà Vinh mắc bệnh ở Bệnh viện Từ Dũ hồi đầu tháng 6. Về địa bàn bốn ca bệnh có dương tính với cúm A/H1N1 ở cách xa nhau, hai ca ở huyện Trà Cú, hai ca ở huyện Tiểu Cần

An ninh thủ đô

Dịch sởi tăng theo chu kỳ, lo ngại bùng phát cuối năm 2018

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017, chưa có trường hợp nào tử vong.

Chiều nay (14-8), tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, chưa có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các trường hợp bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch và rải rác từ đầu năm. Hầu hết các trường hợp mắc sởi đã khỏi, hiện chỉ còn 28 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Về bệnh sốt xuất huyết, ghi nhận 384 trường hợp mắc, số mắc phân bố rải rác tại 144 xã, phường, thị trấn của các quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 ghi nhận 17.619 trường hợp mắc sốt xuất huyết).

Nhận định về tình hình dịch bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đối với bệnh sởi, mặc dù số mắc tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng hiện tại các ca bệnh phân bố rải rác, chưa xuất hiện ổ dịch, đa số trường hợp mắc là trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi theo quy định. Dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời.

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục tăng nhanh tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đều năm 2019. Nguyên nhân do, dịch sởi Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình thế giới, năm 2018 -2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm.

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vaccine sởi.

Hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động đến Hà Nội sinh sống, học tập làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ thuận lợi cho vi rút sởi lây lan và gây dịch.

Trước tình hình bệnh sởi có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch: tổ chức nhiều hội nghị giao ban và xin ý kiến các nhà khoa học về công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ban Giám đốc Sở thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức rà soát và tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ đủ 9 tháng đến dưới 5 tuổi, kết quả tiêm sởi mũi 1 đạt 98,6%, tiêm sởi mũi 2 đạt 97,4% góp phần khống chế sự bùng phát và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng.

Để tăng cường khả năng tiếp cận với các loại vaccine phòng bênh, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiêm chủng theo tuần tại 584 xã, phường, thị trấn, tới nay việc này đã đi vào thường xuyên và được triển khai thực hiện tốt tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Để chủ động phòng chống dịch sởi, Sở Y tế Hà Nội lưu ý các bậc phụ huynh, cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ theo quy định, vì tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất trong công tác chống dịch bệnh sởi.

 

Ngày 20/08/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích