Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 6 0 3 3
Số người đang truy cập
3 2 1
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 21/6 đến ngày 25/6 năm 2018

 Xuất hiện 'chùm' ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp; Giảm giá 88 dịch vụ y tế, hạn chế việc khám quá 50 người/ngày/bàn; Thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về an toàn thực phẩm; BV Chợ Rẫy phát hiện 12 người nhiễm cúm H1N1; Chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được điều trị ổn định;Tăng cường kiểm soát dịch cúm A/H1N1

Tuổi trẻ

Xuất hiện 'chùm' ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Tối 22-6, TS.BS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện đã có 12 bệnh nhân được xác định dương tính với cúm A/H1N1.

Trong 12 bệnh nhân này có 8 bệnh nhân của khoa nội thận, còn lại là bệnh nhân của khoa khám bệnh và khoa cấp cứu.

Ngoài ra, một nhân viên y tế của bệnh viện cũng có triệu chứng mắc cúm A/H1N1. Nhân viên này đã được bệnh viện cho nghỉ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh.

BS Hùng cũng cho biết từ trước đến nay tại Bệnh viện Chợ Rẫy chưa từng xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 như vậy. 5 bệnh nhân của khoa nội thận đầu tiên đã có kết quả dương tính với cúm A/H1N1 vào ngày 11-6, những ca còn lại được xác định sau đó.

Hiện nay những bệnh nhân này đang được điều trị tại khu cách ly của khoa bệnh nhiệt đới.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai công tác phòng chống dịch, truyền thông, tư vấn cho bệnh nhân, thân nhân và cả nhân viên bệnh viện phòng ngừa cúm...

Trước đó trong đầu tháng 6, tại Bệnh viện Từ Dũ cũng đã xuất hiện một chùm ca cúm A/H1N1.

Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, béo phì, có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như: tiêm chủng vắc xin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp.

Nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc…

Cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp

Ngày 24-6, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có đến 5 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 phải thở máy, 2 bệnh nhân đang ở trạng thái nguy hiểm tính mạng.

Cúm A/H1N1 đang có nguy cơ lan rộng. Sau Bệnh viện Từ Dũ có ổ dịch cúm A/H1N1 với 28 người mắc, nay lại có thêm ổ bệnh với 12 ca mắc cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó một bệnh nhân tử vong. Trước đó, một phụ nữ 26 tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) cũng bị tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.

Nguy hiểm cho bệnh nhân có bệnh khác

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, tại khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện này có 8 bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 đang nằm điều trị, trong đó có 5 bệnh nhân nặng bị suy hô hấp, phải thở máy, trong số này có 2 bệnh nhân có tiên lượng xấu.

Theo các bác sĩ, có những bệnh nhân đã trải qua 7 ngày mắc bệnh cúm A/H1N1, nhưng do trước đó đã mắc các bệnh mãn tính khác như suy thận mãn, lupus... nên bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, chưa thể rút máy thở.

Từ ngày 11-6 đến 24-6, Bệnh viện Chợ Rẫy xuất hiện một chùm ca bệnh cúm A/H1N1 với 12 bệnh nhân được xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) xác định dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong. Ngoài ra, còn có thêm một số bệnh nhân có triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 nhưng không bị tổn thương phổi nên không cần xét nghiệm và được điều trị như một bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. Một nhân viên của bệnh viện cũng có triệu chứng của bệnh, đã được cho nghỉ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh.

Trước diễn biến tình hình xảy ra phức tạp, có nhiều nguy cơ lây lan, Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai công tác phòng chống dịch dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng nhằm phát hiện sớm cách ly, điều trị và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã làm việc với Viện Pasteur về công tác theo dõi dịch, thực hiện cách ly những ca nghi ngờ, tăng cường công tác nhiễm khuẩn tại những ca có bệnh nhân đang theo dõi, thực hiện chích ngừa cúm cho những khoa có nhân viên có nguy cơ cao nhiễm cúm...

Tổ chức cách ly

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, từ trước đến nay chưa từng xảy ra những ổ dịch cúm A/H1N1 như vậy trong bệnh viện.

Tại các khu vực tiếp nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các phòng khám của bệnh viện nếu thấy nghi ngờ các trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm cúm.

Khi khám và nghi ngờ ca bệnh truyền nhiễm cúm phải bố trí người hướng dẫn hoặc trợ giúp đưa người bệnh đến phòng cách ly (tại khoa cấp cứu), mời hội chẩn khoa bệnh nhiệt đới và các chuyên khoa liên quan, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, chuyển bệnh nhân theo quy trình tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm. Khuyến cáo người bệnh, người nhà người bệnh sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân phù hợp theo đường lây của bệnh.

Tại khoa bệnh nhiệt đới, tổ chức khu vực cách ly, sẵn sàng tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm theo quy định cần điều trị nội trú. Chủ động chuẩn bị giường bệnh, có kế hoạch duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch bệnh truyền nhiễm cúm.

Các bệnh nhân nghi ngờ hoặc có thể đều phải được khám, làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh, bệnh nhân xác định bệnh phải cách ly hoàn toàn.

Giám sát sức khỏe tất cả nhân viên y tế trong khoa, khi có biểu hiện mắc cúm như: sốt, ho, viêm đường hô hấp, đau nhức cơ... thì cần báo cáo phòng y tế bệnh viện, từ đó được hướng dẫn tự cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Nguy cơ mắc cúm ở người có bệnh cảnh nền

           Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-6 về các chùm ca bệnh cúm ở TP.HCM gần đây, trong đó có hai ca tử vong, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay hai bệnh nhân mắc cúm và tử vong vừa qua đều là người bệnh đã có bệnh cảnh nền như suy thận, tiểu đường, những người đang mắc các bệnh mãn tính khi mắc cúm thì tình trạng nặng hơn bệnh nhân thông thường và nguy cơ tử vong nếu mắc cúm cũng cao hơn.Theo ông Phu, chủng cúm gây bệnh cho các chùm bệnh nhân gần đây là cúm A/H1N1 xuất hiện lần đầu năm 2009 và hiện đã trở thành chủng cúm lưu hành. Trước tình hình liên tiếp xuất hiện các chùm bệnh nhân cúm, ông Phu cho rằng dịch mới lây lan nhiều trong nhóm bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện, chưa lây lan ra cộng đồng.

Nhân viên y tế phải phòng cúm A/H1N1

            Thực hiện việc tiêm phòng bệnh cúm cho nhân viên y tế. Tại khoa nội thận (nơi xuất hiện 8 bệnh nhân cúm A/H1N1) thành lập khu cách ly nghiêm ngặt đối với bệnh nhân và người chăm sóc đã phơi nhiễm với bệnh nhân cúm trong những ngày qua, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa (rửa tay, mang khẩu trang, bảo đảm khoảng cách lây cho bệnh nhân). Tăng cường truyền thông về biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm trong toàn bệnh viện.

Công an nhân dân

Giảm giá 88 dịch vụ y tế, hạn chế việc khám quá 50 người/ngày/bàn

Theo Thông tư 15 về giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc, có hiệu lực từ 15-7-2018, giá khám KCB của nhiều dịch vụ y tế BHYT sẽ giảm. Bên cạnh đó, còn có nhiều qui định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người bệnh…

Theo đó, giá khám bệnh giảm 15-20%, giá ngày giường điều trị giảm từ 2 - 10% theo từng hạng BV, giá 40 dịch vụ y tế sẽ giảm mạnh. Có 88 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm giá tại các cơ sở y tế công lập: Giá khám bệnh ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 từ 39.000 đồng nay còn 33.000 đồng/lượt, BV hạng 2 từ 35.000 nghìn đồng nay còn 29.600 đồng/lượt, BV hạng 3 từ 31.000 đồng xuống 26.000 đồng/lượt, BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng còn 23.300 đồng/lượt.

Các dịch vụ cận lâm sàng như phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện, phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày, dịch vụ nội soi tai mũi họng... cũng được giảm giá: Các dịch vụ nội soi tai mũi họng giảm hơn 100.000 đồng, siêu âm giảm 8.000 đồng, chụp X-quang số hóa 1 phim giảm 5.000 đồng; chụp CT scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang từ 536. 000 đồng xuống còn 512.000  đồng, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2,336 triệu đồng xuống 2,2 triệu đồng…

Tuy nhiên, giá giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại BV hạng đặc biệt được điều chỉnh tăng 677.100 đồng lên 687.000 đồng/ngày; tại BV hạng 1 điều chỉnh lên thành 615.600 đồng/ngày; với giường bệnh hồi sức cấp cứu tại BV hạng đặc biệt là 401.300 đồng/ngày và BV hạng 4 thì giảm từ 226.000 đồng xuống 22.000 đồng/ngày.

Song Thông tư cũng qui định chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế mới được kê thêm giường bệnh ngoài số giường kế hoạch được giao để phục vụ người bệnh và được tổng hợp để thanh toán với cơ quan BHXH.  Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.

Với việc quy định mức giá khám bệnh cho các trạm y tế, người dân có thể KCB tại xã và vẫn được BHYT thanh toán: Mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của BV hạng IV. Các trạm y tế có giường lưu được áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của BV hạng IV và được thanh toán tối đa 3 ngày/người/đợt điều trị. Khi các trạm y tế cũng được thanh toán BHYT, người dân sẽ yên tâm KCB tại địa phương, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên.

Bộ Y tế cũng nêu rõ những trường hợp cụ thể để được thanh toán khi đi KCB: Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế (cùng một ngày hoặc 2 ngày), người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác, thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh. Khi đến khám bệnh, người bệnh đã được khám, cấp thuốc về điều trị nhưng do có biểu hiện bất thường, lại đến cơ sở y tế đó để khám lại ngay trong ngày hôm sau, thì lần này được coi như là lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày để thanh toán.

Để đảm bảo chất lượng khám bệnh, không xảy ra việc khám qua loa, Bộ Y tế qui định những bàn khám khám trên 65 lượt khám/1 ngày chỉ được BHXH thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên. Tối đa trong 1 quý, mà cơ sở y tế vẫn có bàn khám khám trên 65 lượt/ngày thì BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Điều này sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người bệnh, tránh tình trạng khám để lấy số lượng.

Vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là những bệnh nhân đang điều trị dở thì áp dụng thế nào từ ngày 15-7, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Với người bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế trước thời điểm thực hiện mức giá theo Thông tư này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm Thông tư có hiệu lực, thì tiếp tục được áp dụng mức giá trước thời điểm thực hiện Thông tư này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Nhằm phục vụ cho công tác KCB cũng như thanh toán dịch vụ KCB, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, để đảm bảo kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí, cũng như đảm bảo việc quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi có sự thông tuyến KCB, giúp cho vấn đề kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế cho người có thẻ BHYT phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng cả ở người bệnh và người cung cấp dịch vụ.

Thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về an toàn thực phẩm

Ngày 21/6, Bộ Y tế đã ban hành quyết định triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức đố 4 “Đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng, do Bộ Y tế quy định”...

Pháp luật Tp HCM

BV Chợ Rẫy phát hiện 12 người nhiễm cúm H1N1

Sau BV Từ Dũ, BV Chợ Rẫy tiếp tục được ghi nhận có 24 người có triệu chứng nhiễm cúm và kết quả xét nghiệm 12 người dương tính với cúm A/H1N1, một người tử vong. Ngày 23-6, thông tin từ BV Chợ Rẫy cho biết từ ngày 11-6 đến nay, BV đang theo dõi và điều trị tổng cộng 24 ca phát hiện có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp giống dịch cúm H1N1 như cảm, ho, sốt. Trong đó có 17 ca được tiến hành xét nghiệm PCR (xét nghiệm để xác định chủng loại cúm).

Kết quả có 12 ca dương tính A/H1N1, trong đó có tám ca của khoa Nội thận và bốn ca từ phòng khám và cấp cứu, năm ca âm tính. Một ca tử vong do viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối. 

Những trường hợp còn lại không làm xét nghiệm PCR là do bệnh nhân không có tổn thương phổi, lâm sàng ổn nên chỉ theo dõi, điều trị. Cho đến ngày 23-6, 12 ca dương tính đã được điều trị ổn định, trong đó có hai ca xuất viện, sáu ca điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, bốn ca còn lại được chuyển đến khoa Nội thận. Bệnh viện đã làm việc với Viện Pasteur TP.HCM về công tác theo dõi và giám sát dịch. Thực hiện cách ly các bệnh nhân nghi ngờ, tăng cường công tác nhiễm khuẩn tại các khoa có bệnh nhân đang theo dõi, thực hiện tiêm phòng cúm cho nhân viên các khoa có nguy cơ cao và khuyến cáo người nhà bệnh nhân nên chích ngừa.

Trước đó vào đầu tháng 6, một ổ dịch cúm A/H1N1 cũng đã được ghi nhận tại BV Từ Dũ TP.HCM với 28 trường hợp. Cũng trong thời gian này, một phụ nữ (26 tuổi) ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM tử vong vì cúm A/H1N1. Ngay sau đó, một nam tài xế (49 tuổi) cũng nguy kịch khi nhiễm cúm A/H1N1, phải chuyển vào BV Chợ Rẫy điều trị. Được biết tài xế này đã điều trị ổn định và xuất viện.

Sài Gòn giải phóng

Chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được điều trị ổn định

Tính đến chiều 23-6, trong số 12 ca dương tính với cúm A/H1N1 đã có 2 ca xuất viện, 6 ca điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, 4 ca còn lại được chuyển đến khoa Nội thận điều trị trong tình trạng ổn định.

Ngày 23-6, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, ngay sau khi phát hiện 12 ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 tại Khoa Nội thận, Phòng khám và Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện đã thành lập khu cách ly ở Khoa Nội thận và điều trị phòng chống phơi nhiễm cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và nhân viên y tế có tiếp xúc với những người mắc bệnh trong những ngày qua.

Trước đó, vào tối 22-6 Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện 24 trường hợp đang điều trị tại  các Khoa Nội thận, Phòng khám, Cấp cứu của bệnh viện có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp giống dịch cúm A/H1N1 như cảm, ho, sốt nên bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm để xác định chủng loại cúm cho 17 trường hợp, kết quả có 12 ca dương tính với cúm A/H1N1.

Đặc biệt, trong 24 trường hợp có dấu hiệu lâm sàng nhiễm cúm có một trường hợp tử vong do viêm phổi nặng suy hô hấp kèm suy thận mạn giai đoạn cuối.

Tính đến chiều 23-6, trong số 12 ca dương tính với cúm A/H1N1 đã có 2 ca xuất viện, 6 ca điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, 4 ca còn lại được chuyển đến khoa Nội thận điều trị trong tình trạng ổn định.

Để phòng ngừa bệnh cúm lây lan, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập Ban phòng chống dịch bệnh, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế; phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp kiểm soát, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện.

Đồng thời, tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các phòng khám của bệnh viện; nếu thấy nghi ngờ các trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm cúm bố trí người hướng dẫn hoặc trợ giúp đưa người bệnh đến phòng cách ly, mời hội chẩn khoa Bệnh nhiệt đới và các chuyên khoa liên quan, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, chuyển bệnh nhân theo quy trình tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm.

Trước đó vào đầu tháng 6, Bệnh viện Từ Dũ cũng đã phát hiện ổ dịch cúm A/H1N1 với 16 người mắc. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch cúm tại BV, UBND TPHCM cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, cấp cứu, đồng thời điều trị kịp thời cho các bệnh nhân và khống chế dịch không để lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, giao Sở Y tế TPHCM phối hợp với Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường công tác phòng chống các loại dịch cúm A như H1N1, H7N9, H5N1 và các bệnh lây qua đường hô hấp.

Tăng cường kiểm soát dịch cúm A/H1N1

Ngày 20-6, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, đã yêu cầu đơn vị trực thuộc tiếp tục cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1, theo dõi điều trị tích cực ở phòng bệnh riêng.

Các bệnh nhân còn lại theo dõi, điều trị chung phòng trong khu vực tách biệt với các phòng khác để tránh lây nhiễm và lây nhiễm chéo.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh; kiểm tra giám sát, tổng hợp thông tin, báo cáo, dự phòng dịch bệnh; phối hợp truyền thông đại chúng và truyền thông cơ sở phòng chống dịch bệnh về vệ sinh cá nhân, ăn chín uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch... bảo vệ sức khỏe người dân. Hiện tại, ổ dịch cúm và các dấu hiệu nghi nhiễm cúm A/H1N1 của 6 bệnh nhân tại tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. 

Trước đó, đoàn cán bộ của Viện Pasteur TPHCM do Viện trưởng Phan Trọng Lân làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm và các dịch bệnh hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Đoàn khuyến cáo bệnh viện nên tiêm phòng cúm cho cán bộ, nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là nhân viên y tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân mạn tính.

Hà Nội mới

Bảo đảm 100% bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế

(HNM) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, để việc điều trị cho người có HIV được duy trì trên phạm vi cả nước, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị bằng bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện giải pháp bảo đảm 100% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch bảo đảm ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020.

Về thuốc ARV (loại thuốc được cho là hiệu quả nhất hiện nay trong việc làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể), theo lộ trình chuyển giao điều trị HIV/AIDS sang nguồn BHYT, trong năm 2019 sẽ có 191 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT.

Theo Bộ Y tế, năm 2016, mới có gần 50% số bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Đến tháng 3-2018, con số này là 83,4%.

An ninh thủ đô

Giảm giá 70 dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ giảm lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu?

ANTD.VN - Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ y tế trong khi chỉ tăng giá của 9 dịch vụ sẽ làm giảm chi phí; góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020, đồng thời giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết của các bệnh viện.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 15 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng, thay thế cho Thông tư 37. Đáng chú ý, tại thông tư mới đã điều chỉnh, bổ sung 88 dịch vụ kỹ thuật, trong đó giảm giá 70 dịch vụ (chủ yếu là giá khám bệnh, giường bệnh và xét nghiệm); tăng giá 9 dịch vụ, bổ sung giá 9 dịch vụ khác.

Đây là lần điều chỉnh viện phí đầu tiên trong 3 năm qua mà số dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh giảm giá chiếm đa số thay vì số dịch vụ được điều chỉnh tăng giá. Sáng nay, 25-6, Bộ Y tế đã gửi thông tin đến báo chí để chính thức lý giải về sự điều này.

Theo đó, Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế cho biết, bối cảnh hiện nay có một số yếu tố tác động làm tăng nhưng cũng có một số yếu tố làm giảm chi phí để thực hiện các dịch vụ. Cụ thể, các yếu tố tác động giảm giá dịch vụ gồm: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng; các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng.

Đặc biệt, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tại các huyện trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ 1-1-2016 nên tần suất khám, chữa bệnh/thẻ BHYT tăng, dẫn đến số lượt khám bệnh/01 bàn khám, số lượt siêu âm, chụp Xquang, CT-Scanner, nội soi tai mũi họng, công suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng làm giảm được chi phí tính cho 1 dịch vụ.

Cùng đó, giá một số thuốc, vật tư, hóa chất giảm do công tác đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều địa phương, góp phần làm giảm chi phí về thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ.

Tuy nhiên, cũng có giá đầu vào tăng, giá điện, giá nước tăng, chi phí xử lý nước thải y tế trước đây mới tính một phần nay tính đầy đủ... 

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật y tế lần này sẽ làm giảm chi phí góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Dù vậy, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ bị giảm nguồn thu dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Hơn nữa, về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Ngày 26/06/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích