Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 9 5 9 8
Số người đang truy cập
3
 Tin tức - Sự kiện
Nguồn ảnh: http://ktv.org.vn
Điểm tin y tế từ các báo ngày 16/6 đến ngày 20/6 năm 2018

Từ 15-7: Giảm giá khám bệnh và hơn 40 dịch vụ chụp chiếu, siêu âm, nội soi…; TP.HCM tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Ebola; Vắc xin Hexaxim “6 trong 1” mới của Pháp đã có tại Việt Nam; Điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả; Từ 15-7, giá khám bệnh sẽ giảm 15% - 20%; Người dân sớm có hồ sơ sức khỏe điện tử; Phòng bệnh sởi: Nghiên cứu hạ độ tuổi tiêm chủng; Từ 1/7: Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh vượt, trái tuyến ra sao?; Đổ xô đi chích ngừa cúm A/H1N1

An ninh thủ đô

Từ 15-7: Giảm giá khám bệnh và hơn 40 dịch vụ chụp chiếu, siêu âm, nội soi…

Theo Thông tư 15 (thay thế thông tư 37) do Bộ Y tế vừa ban hành và có hiệu lực từ 15-7 tới, có 88 dịch vụ y tế, trong đó chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, nội soi… sẽ được điều chỉnh giảm giá.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp (thay thế thông tư 37).

Theo đó, thông từ này quy định, từ 15-7-2018, sẽ điều chỉnh 88 mức giá dịch vụ y tế. Trong đó, giá khám bệnh tại tất cả các cơ sở y tế công lập đều giảm mạnh từ 15-20%.

Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 39.000 đồng hiện nay xuống 33.100 đồng; giá khám tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 thay vì 35.000 đồng. Giá khám tại trạm y tế xã, Bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.

Cùng đó, giá ngày giường điều trị cũng giảm từ 2 - 10% theo từng hạng bệnh viện. Tại Bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 632.200 xuống còn 615.600 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 226.000 xuống 221.200 đồng. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.

Riêng giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng lên 687.100 đồng; nhưng cũng thấp hơn đề xuất ban đầu gần 64.000 đồng, giá hiện áp dụng là 677.100 đồng.

Đặc biệt, khoảng 40 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh giảm giá, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như: Siêu âm, Xquang, MRI, CT scanner, PET-CT...

Trong đó, một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng, xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert giảm đến 6 lần, nội soi tai mũi họng giảm hơn 2 lần. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày cũng giảm mạnh từ hơn 4 triệu xuống còn 2,8 triệu đồng…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tuy đợt này chỉ điều chỉnh giá của một số dịch vụ y tế (đa số là giảm giá) nhưng tác động lớn đến khả năng cân đối Quỹ BHYT, vì đây là các dịch vụ sử dụng nhiều. Hơn nữa, việc điều chỉnh này không ảnh hưởng các đối tượng người nghèo, cận nghèo.

Thanh niên

TP.HCM tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Ebola

Ngày 18.6, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các sở ngành liên quan, UBND 24 quận, huyện tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Ebola tại TP. Theo đó, phải chủ động rà soát, tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu, giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế; sẵn sàng cơ sở điều trị, cách ly, thuốc, trang thiết bị, vật tư để phục vụ điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola (nếu có). Trước đó, theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh Ebola tại CHDC Congo tiếp tục diễn biến phức tạp; từ 4.4 - 29.5 ghi nhận 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, trong đó 27 trường hợp tử vong

Vắc xin Hexaxim “6 trong 1” mới của Pháp đã có tại Việt Nam

Sáng 16.6 Công ty CP Vắc xin VN kết hợp với Công ty Sanofi Pasteur VN tổ chức lễ ra mắt vắc xin Hexaxim “6 trong 1” thế hệ mới tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP.HCM (198 Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận).

Ông Thomas Gaudry, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Sanofi Pasteur VN cho biết, vắc xin của công ty đã được chứng minh tính hiệu quả, an toàn trên 23 nghiên cứu lâm sàng thực hiện trên nhiều quốc gia, trong đó có VN. Thực tế, vắc xin đã được cấp phép lưu hành trên 113 quốc gia với hơn 50 triệu liều được sử dụng cho trẻ em. Việc lựa chọn Trung tâm tiêm chủng VNVC là nơi đầu tiên ở VN để tiêm chủng loại vắc xin mới xuất phát từ sự đánh giá cao Hệ thống tiêm chủng VNVC không những quy mô lớn về cơ sở vật chất, hiện đại về dịch vụ mà quan trọng hơn đây là hệ thống tiêm chủng vắc xin đáp ứng các điều kiện khắt khe về kho lạnh, quy trình tiêm chủng đảm bảo tính an toàn cho khách hàng khi sử dụng vắc xin.

Bộ Y tế đã kiểm định và cấp số đăng ký

Phát biểu tại buổi ra mắt vắc xin, ông Phạm Văn Hùng, Viện phó Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cho rằng, Hexaxim là loại vắc xin mới, được sản xuất bởi một hãng dược phẩm quốc tế là Sanofi Pasteur với công nghệ hiện đại, đạt các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức y tế thế giới, Châu Âu. Vừa qua, vắc xin cũng đã được Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng và đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký.

Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì hiện VN đã có 30 loại vắc xin đang lưu hành. Quan điểm của Bộ Y tế là mong muốn người dân và trẻ em tiếp cận ngày càng nhiều vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là vắc xin hiện đại, thế hệ mới, đảm bảo hiệu quả và an toàn. Việc đưa về VN loại vắc xin Hexaxim “6 trong 1” mới nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân VN, giải quyết định được tình trạng thiếu hụt vắc xin như thời gian qua.

Theo PGS-TS Phu, việc sử dụng vắc xin “6 trong 1” thì trẻ em chỉ cần tiêm một mũi có thể phòng được 6 loại bệnh, giúp trẻ tiếp cận vắc xin đầy đủ hơn, không phải tiêm nhiều lần. Đây là loại vắc xin vô bào nên phản ứng tại chỗ sưng, đau, sốt thấp. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần lưu ý tiêm nhắc lại cho trẻ để đảm bảo miễn dịch sau này. PGS-TS Phu cũng đã chỉ đạo phía Công ty Sanofi Pasteur cần có cam kết cung cấp vắc xin đầy đủ cho người dân.

Tiện lợi, an toàn

Theo nhà sản xuất, vắc xin Hexaxim “6 trong 1 được chỉ định để tiêm chủng cơ bản và tiêm nhắc lại cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi để phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh xâm lấn do Haemophilus influenza týp b (Hib) gây ra. Đây là loại vắc xin thế hệ mới với hỗn dịch tiêm pha sẵn không cần hoàn nguyên giúp thời gian tiêm chủng cho trẻ được rút ngắn, góp phần đơn giản hóa việc tiêm ngừa, tiện dụng cho đối tượng tiêm chủng, tránh nhiễm khuẩn trong quá trình thao tác và đồng thời mang lại hiệu quả miễn dịch cao.

Hexaxim “6 trong 1” cũng đã được chứng minh về sự an toàn và tính dung nạp. Các nghiên cứu của Hexaxim với các vắc xin khác thì Hexaxim không có sự khác biệt nhiều về phản ứng phụ toàn thân và tại chỗ, đồng thời chưa ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra trong vòng 30 ngày và 6 tháng sau khi tiêm.

Hệ thống tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn của Trung tâm tiêm chủng VNVC là hệ thống tiêm chủng dịch vụ cao cấp đầu tiên tại VN đi vào hoạt động với 2 trung tâm tại HN và TP.HCM. Ngày 17.6.2018, hệ thống sẽ đi vào hoạt động trung tâm thứ 3 tại tòa nhà ICON4 Cầu Giấy – Lầu 1-2, 243A Đê La Thành, P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, HN. Đây được xem là trung tâm tiêm chủng lớn nhất VN với tổng diện tích 3.000 m2, bao gồm 80 phòng khám và phòng tiêm cùng các khu tiện ích cao cấp, dự kiến phục vụ 2.000-3.000 lượt khách mỗi ngày. Với cơ sở vật chất sang trọng, diện tích mặt bằng lớn, hệ thống quản trị hiện đại, đặc biệt là nguồn vắc xin phong phú, giá thành hợp lí... hệ thống VNVC sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân

Nhân dân

Điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả

Theo Thông tư 15/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành, từ ngày 15-7 tới đây sẽ điều chỉnh mức giá 88 dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế thanh toán, trong đó sáu giá khám bệnh theo năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã, 42 giá ngày giường theo hạng bệnh viện và trạm y tế, 40 giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như:

Siêu âm, X-quang, MRI, CT scanner, PET-CT... Cụ thể, giá khám bệnh sẽ giảm 15-20%; giá ngày giường điều trị giảm từ 2 đến 10% theo từng hạng bệnh viện; giá một số dịch vụ chụp X-quang, chụp CT scanner cũng giảm… Đáng chú ý, là một số dịch vụ kỹ thuật giảm nhiều như: phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF, nội soi tai mũi họng.

Thông tư này cũng quy định các bệnh viện phải bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh; mỗi bàn khám không quá 65 lượt một ngày

Sài gòn giải phóng

Từ 15-7, giá khám bệnh sẽ giảm 15% - 20%

Đáng chú ý là một số dịch vụ kỹ thuật giảm giá nhiều như: phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng… 

Ngày 18-6, Bộ Y tế cho biết đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, quy định đáng chú ý của trong Thông tư 15 chính là giá khám bệnh sẽ giảm 15% - 20% (tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 đến 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện); giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 giảm xuống còn 33.100 đồng (hiện nay là 39.000 đồng). Tương tự, giá tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 thay vì 35.000 đồng. Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.

Cùng với đó, giá ngày giường bệnh nội khoa và ngoại khoa đều giảm so với trước. Cụ thể tại bệnh viện hạng 1, giá giường bệnh sẽ giảm từ 632.200 xuống còn 615.600 đồng/ngày. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 226.000 xuống 221.200 đồng… 

Đáng chú ý là một số dịch vụ kỹ thuật giảm giá nhiều như: phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng…

Người dân sớm có hồ sơ sức khỏe điện tử

Theo Bộ Y tế, tháng 1-2019, hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được triển khai thí điểm tại 26 trạm y tế xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm Hà Nội, TPHCM, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.

Đây là những cơ sở được lựa chọn tham gia vào đề án y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020 của Bộ Y tế. Sau khi triển khai thí điểm, dự kiến, tháng 7-2019, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ áp dụng trên cả nước.

Việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% dân số được quản lý sức khỏe.

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử được lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Hồ sơ này cung cấp thông tin sức khỏe của người bệnh cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin quản lý sức khỏe cũng giúp ngành y tế hoạch định chính sách tốt hơn.

Hà Nội mới

Phòng bệnh sởi: Nghiên cứu hạ độ tuổi tiêm chủng

Bệnh sởi thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, vậy nhưng vào mùa hè năm nay, dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng. Qua theo dõi dịch tễ trên thế giới, thường thấy cứ 4 năm dịch sởi quay lại một lần. Vào năm 2014, tại miền Bắc đã xảy ra dịch sởi với quy mô rất lớn, cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ nhỏ. Do lo ngại dịch bệnh này quay trở lại, Bộ Y tế đã nghiên cứu để hạ độ tuổi tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ.

Người lớn không có “hàng rào” miễn dịch

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nếu như năm 2017 cả nước chỉ ghi nhận gần 300 ca mắc bệnh sởi thì chỉ tính hơn 5 tháng đầu năm 2018, tại 25/63 tỉnh, thành phố đã có 354 người mắc căn bệnh này. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, theo chu kỳ đã được ghi nhận thì năm nay chúng ta phải cảnh giác trước khả năng quay trở lại của dịch sởi, nhất là tại khu vực miền Bắc. Đây là bệnh có tính lây truyền rất mạnh, một người mắc bệnh sởi có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác, bệnh dễ bùng phát thành dịch.

Hiện tại, Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca mắc sởi cao so với các tỉnh, thành phố khác. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nếu trong tháng 4 và đầu tháng 5-2018 trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 2-6 ca bệnh sởi/tuần thì trong tuần đầu tháng 6-2018, con số này là 20 ca/tuần. Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã có 148 trường hợp mắc sởi. Đáng lưu ý, trong số các trường hợp mắc sởi do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch bệnh sởi có thể gia tăng bởi trên thực tế, ngay sau khi ghi nhận các ca mắc sởi mới, Hà Nội và một số địa phương đã tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ và tỷ lệ trẻ được tiêm ở mức rất cao. Dù vậy, sau khi Bộ Y tế họp, đánh giá tình hình miễn dịch trong cộng đồng đối với bệnh sởi, kết quả cho phép đưa ra nhận định rằng miễn dịch sởi ở trẻ em là có nhưng với người lớn thì không.

PGS.TS Trần Như Dương cho biết thêm, thông thường thì trước 9 tháng tuổi, trẻ vẫn được bảo vệ nhờ có kháng thể từ nguồn sữa mẹ. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng tại tỉnh Hải Dương gần đây cho thấy, hơn 92% trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi không có kháng thể phòng bệnh sởi.

Trong thực tế, thời gian qua đã xảy ra tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi với tỷ lệ khoảng 3%; đặc biệt, trong năm 2016 và 2017, tỷ lệ trẻ bị sởi khi chưa đến tuổi tiêm vắc xin là 20%. Tỷ lệ này trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng lên gần 40%. Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca mắc sởi, trong đó có gần 1/3 trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi.

Giải quyết dứt điểm “vùng lõm” tiêm chủng

Trước tình hình dịch bệnh sởi đang gia tăng, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, kịp thời triển khai giải pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng. Hiện nay, thành phố đã tổ chức tiêm chủng hằng tuần thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Vì vậy, các trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Sở Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho mẹ và con.

Riêng với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu phân luồng bệnh nhân nghi mắc sởi ngay từ khu vực phòng khám, bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh sởi để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đồng thời tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh.

Điều lưu ý, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu việc hạ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em - bắt đầu tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay; kết quả nghiên cứu và đề xuất đã được giao cho Hội đồng nghiên cứu của Bộ Y tế xem xét, phê duyệt để tiến tới triển khai trong thực tế - dự kiến vào quý IV năm nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc hạ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ cũng như khuyến khích các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, triển khai quyết liệt việc tiêm vét cho các đối tượng có nguy cơ cao sẽ giúp Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh sởi sau năm 2020. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo giải quyết dứt điểm các “vùng lõm” về tiêm chủng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở cấp xã, phường...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Hơn tất cả, cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 đến 4 tuổi tại 17 tỉnh có nguy cơ cao. Dự kiến, Bộ Y tế tổ chức thêm một chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 4 tuổi trên phạm vi toàn quốc.

Sức khỏe & Đời sống

Từ 1/7: Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh vượt, trái tuyến ra sao?

Khi đi khám bệnh vượt tuyến hoặc trái tuyến, mức hưởng BHYT của người bệnh sẽ ra được quy định từ ngày 1/7/2018 ra sao? Xin cho biết, hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT được quy định như thế nào?

Đây là một trong những thắc mắc của bạn đọc tại Buổi Giao lưu trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, chương trình do BHXH VN tổ chức sáng 24/5 tại Hà Nội.

Về nội dung này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 22 Luật BHYT, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến trong năm 2018, được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ như sau:

Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Đối với người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Đối với đối tượng người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh 100% chi phí KCB BHYT theo phạm vi, mức hưởng của đối tượng khi KCB BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Về hồ sơ hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, gồm các giấy tờ sau:

Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành; thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh về nhân thân và giấy chuyển viện/giấy hẹn khám lại (nếu có); giấy ra viện; bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).

Pháp luật Tp HCM

Đổ xô đi chích ngừa cúm A/H1N1

Nghe thông tin dịch cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh và người có nguy cơ bệnh nặng khi mắc cúm đã chủ động đi chích ngừa để phòng cúm.

Có mặt tại Trung tâm Tiêm chủng cho trẻ em và người lớn VNVC (198 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM) sáng 17-6, chúng tôi ghi nhận không ít bậc phụ huynh đưa con em đi chích ngừa phòng cúm.

Cha mẹ cùng chích để ngừa cho con

Ẵm theo con chờ đến lượt vào phòng chích ngừa, anh Phan Hải Phong (nhà ở quận Tân Bình) cho biết: “Do bé mới được hơn bốn tháng, chưa đủ tuổi để chích ngừa cúm nên hai vợ chồng đi chích vì không muốn lây bệnh cho con. Mấy ngày qua, nghe báo, đài thông tin có dịch cúm đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ nên hai vợ chồng rất lo lắng. Hôm nay, đưa con đi chích nhắc vaccine 6 trong 1 thì tôi đi chích cùng vợ luôn”.

Chị Lợi Phượng My (sống ở quận 8) cũng đưa con sáu tháng tuổi đi chích ngừa cúm. Chị My kể: “Một tháng trước, nghe tin về dịch cúm nhưng do bé chưa đủ tuổi để chích nên hôm nay tôi mới mang bé đến chích ngừa cúm được. Tôi cũng có bà chị có con nhỏ nên tôi cũng khuyên chị khi vừa đủ tháng là nên đưa con đi chích ngừa cúm luôn”.

Không chỉ người dân ở TP.HCM, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa đã từ huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) lên Trung tâm VNVC để cùng chích ngừa cúm cho ba mẹ con và con người hàng xóm. Do đang bị cảm, không thích hợp chích ngừa nên bác sĩ đã hẹn chị Hoa hai tuần sau lên chích ngừa lại. Chị Hoa cho biết: “Mấy năm trước, nghe tin về dịch cúm H5N1, tôi sợ lắm nên sau lần đó là năm nào tôi cũng chích ngừa cúm và đưa hai con đi chích cả”.

Theo Trung tâm VNVC, nửa tháng trở lại đây, có lẽ do thông tin về bệnh cúm bùng phát khiến người dân lo lắng nên số lượng người đến chích ngừa cúm tăng đáng kể. Những ngày cao điểm, trung tâm đã mở thêm một tầng phục vụ chích vaccine. Trung bình mỗi ngày có 100-200 bệnh nhân chích ngừa cúm. Đối tượng đăng ký chích ngừa đủ mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ em, phụ nữ chuẩn bị hoặc đang mang thai.

Tại Viện Pasteur TP.HCM, một điểm chích ngừa cúm dịch vụ khác, chúng tôi ghi nhận khá nhiều phụ huynh đưa con đi chích ngừa cúm. Chị Nguyễn Thị Kim Lài dắt hai con gồm bé bốn tuổi và hơn hai tuổi đi chích ngừa cúm cho biết sống ở quận 1, gần BV Từ Dũ. “Vừa rồi, nghe tin ở BV Từ Dũ có dịch tôi cũng rất lo nên trong tuần tranh thủ cho hai bé đi chích ngừa cúm. Sẵn đây chích nhắc cho bé mấy mũi khác hoặc còn thiếu mũi nào thì chích luôn. Phòng được bệnh thì cứ phòng hết cho yên tâm” - chị Lài chia sẻ.

Ghi nhận tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, một điểm chích ngừa cúm dịch vụ khác, những ngày gần đây, số lượng người lớn chích ngừa cúm tăng cao, mỗi ngày có 30-50 liều. Đối tượng chích ngừa cúm là người trung niên, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi tái khám được bác sĩ tư vấn chích ngừa cúm.

Mỗi năm mỗi chích ngừa cúm

ThS-BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐH Y Dược TP.HCM, bệnh cúm H1N1 còn gọi là cúm heo và lây qua người từ heo. Tuy nhiên, sau này loại cúm này được phát hiện ở những người không tiếp xúc với heo mà có thể lây qua người từ gia cầm hay từ người khác. Trong lịch sử, loại cúm này gây bệnh cho người thường nhẹ cho đến năm 2009, cúm heo H1N1 đã gây ra đại dịch làm chết nhiều người ở Mỹ.

Cúm H1N1 làm nặng thêm các bệnh mạn tính có sẵn như bệnh tim, hen suyễn, COPD, viêm phổi, suy hô hấp, gây ảnh hưởng thần kinh như co giật hay lơ mơ, nặng nhất là tử vong từ các biến chứng trên. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là chích ngừa. Người đã chích ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa chích ngừa.

Theo BS Vinh, vì chủng virus cúm thay đổi hằng năm nên cần chích ngừa cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Nên chích càng sớm càng tốt khi có vaccine của năm đó. Lưu ý, mỗi năm đều có một loại thuốc chích ngừa cúm ra đời, trong đó có chứa ba loại cúm phổ biến nhất trong giai đoạn đó. Trẻ em phải chích hai mũi khi chích lần đầu. Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm chích mỗi năm một mũi.

Người chích ngừa cúm sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus khi họ bị nhiễm. Cần khoảng hai tuần để tạo ra kháng thể này và khả năng bảo vệ là 50%-80% (tức 50%-80% người chích sẽ không bị cúm sau khi chích).

Có ba loại vaccine: Chích bắp thịt, chích dưới da và dạng xịt mũi. Ở Việt Nam chỉ có loại chích bắp thịt. Loại chích bắp thịt (chứa virus chết) là loại phổ biến cho người lớn và trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên. Loại xịt mũi (chứa virus sống giảm độc lực) chỉ dành cho người khỏe từ hai tuổi trở lên đến 49 tuổi. Phụ nữ có thai và người có sức đề kháng kém (suy giảm miễn dịch) hay có bệnh mạn tính không nên dùng loại chứa virus còn sống.

Nếu bị bệnh thì nên ở nhà để tránh lây cho người khác. Ở nhà cho đến khi hết sốt ít nhất 24 giờ. Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên với xà phòng hay cồn khô (dung dịch rửa tay y tế chuyên nghiệp). Che mũi, miệng khi ho hay hắt hơi. Tránh tiếp xúc nơi đông người khi có dịch…

Ai cần chích ngừa cúm?

Mọi người từ sáu tháng tuổi trở lên đều cần chích ngừa cúm. Người từ 50 tuổi trở lên, người sống ở nhà dưỡng lão, người có bệnh tim, phổi, tiểu đường mạn tính, trẻ từ sáu tháng đến 18 tuổi phải dùng aspirin lâu ngày, phụ nữ có thai trong mùa cúm… càng cần phải chích ngừa cúm. Chỉ những người dị ứng nặng với vaccine, người đang mắc bệnh cấp tính nặng, trẻ dưới sáu tháng tuổi… mới không chích ngừa cúm.

Vaccine 6 trong 1 Hexaxim lần đầu được tiêm tại Việt Nam

(PLO)- Ngoài ngừa năm bệnh như các loại vaccine 5 trong 1 hiện nay gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh do HIB gây ra, vaccine mới 6 trong 1 Hexaxim còn ngừa thêm bệnh bại liệt. “Vaccine Hexaxim 6 trong 1 được chỉ định để tiêm chủng cơ bản và tiêm nhắc lại cho trẻ nhỏ từ sáu tuần tuổi để phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh xâm lấn do HIB gây ra như viêm phổi, viêm màng não. Trẻ không phải tiêm nhiều lần nên tránh khả năng bỏ sót, tăng khả năng tiếp cận với vaccine phòng bệnh của trẻ. Do có thành phần ho gà vô bào nên vaccine Hexaxim có phản ứng sau tiêm gồm đau, sốt ít hơn vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào. Phụ huynh nên lưu ý cho trẻ tiêm nhắc lại để được miễn dịch và bảo vệ lâu dài theo khuyến cáo của nhà sản xuất”.

Đó là đánh giá của PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), về vaccine Hexaxim 6 trong 1 do Sanofi Pasteur sản xuất tại lễ ra mắt loại vaccine này tại Trung tâm tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn VNVC (198 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) diễn ra sáng 16-6. 

Ngoài ra, theo ông Phu, vaccine Hexaxim đã được sử dụng ở trên 120 nước, gồm cả các nước phát triển và có điều kiện kinh tế khó khăn, trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Trước khi về Việt Nam, Hexaxim đã trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng, được cấp phép theo quy định của Bộ Y tế.

Cùng với vaccine 5 trong 1 Combe five (thay thế Quinvaxem trước đây) trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, vaccine 6 trong 1 Hexaxim là chọn lựa phòng bệnh mới cho người dân.  

Được biết Trung tâm tiêm chủng VNVC là cơ sở đầu tiên cung cấp vaccine Hexaxim 6 trong 1 tại Việt Nam. Hexaxim là dạng hỗn dịch bơm sẵn trong kim tiêm không cần hoàn nguyên giúp thời gian tiêm chủng cho trẻ được rút ngắn, giảm nhiễm khuẩn.

Cùng với hai trung tâm tiêm chủng VNVC tại Hà Nội và TP.HCM, ngày 17-6, Trung tâm tiêm chủng VNVC thứ ba tại tòa nhà ICON4 Cầu Giấy (lầu 1-2, 243A Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) sẽ đi vào hoạt động. Với tổng diện tích 3.000 m2, bao gồm 80 phòng khám và phòng tiêm cùng các khu tiện ích cao cấp, trung tâm dự kiến phục vụ 2.000-3.000 lượt khách mỗi ngày.

 

Ngày 22/06/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích