Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 9 0 4 1 3
Số người đang truy cập
1 8 5
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 01/01 đến ngày 10/01 năm 2018

Nhân dân

10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2018. Theo đó, toàn ngành khẩn trương triển khai các nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới. Thực hiện đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành các đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chương trình công tác của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế... Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, y tế dự phòng, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế. Đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Bảo đảm cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế...

Trao giải sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Long An

Ngày 3-1, UBND tỉnh Long An tổ chức tổng kết cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ 10 năm 2017 và phát động cuộc thi lần thứ 11 năm 2018. Cuộc thi do Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp tổ chức.

Ban tổ chức chọn 27 đề tài để trao giải gồm: hai giải nhất, ba giải nhì, bảy giải ba và 15 giải khuyến khích, ngoài ra còn có năm giải phong trào dành cho tác giả nhỏ tuổi nhất và tác giả có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 22 nghìn học sinh đăng ký dự thi English Champion 2018

Ngày 3-1, tại Hà Nội, IvyPrep Education (thành viên Công ty cổ phần tổ chức giáo dục Hoa Kỳ) chính thức khởi động cuộc thi English Champion 2018. Theo ban tổ chức, đây là lần thứ sáu cuộc thi tiếng Anh dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 8 được tổ chức trên cả nước. Tổng số học sinh đăng ký dự thi đến nay là hơn 22 nghìn em; dự kiến kết thúc đăng ký dự thi thu hút khoảng từ 25 đến 30 nghìn học sinh tham dự. Cuộc thi gồm bốn vòng: Chinh phục tri thức (học sinh dự thi trực tuyến tại nhà); Kiện toàn kỹ năng (thi trực tuyến tại điểm thi tập trung của ban tổ chức); Đối mặt thách thức (50 thí sinh mỗi khối được lựa chọn từ vòng thi trước thi đấu loại trực tiếp); thi chung kết, dự kiến diễn ra ngày 1-4, tại Hà Nội. Toàn bộ thí sinh đạt thành tích cao tại các vòng thi đều nhận được quà tặng và các suất học bổng từ Ban tổ chức với tổng trị giá giải thưởng năm 2018 là 50 tỷ đồng.

Theo PGS, TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cuộc thi được kỳ vọng mang lại những giá trị nhất định trong nhìn nhận, đánh giá về dạy học tiếng Anh hiện nay để cơ quan quản lý có những điều chỉnh phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

Dùng rô-bốt nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc

Ngày 3-1, Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, vừa thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng rô-bốt để cắt tuyến tiền liệt cho người bệnh N.T.D (57 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước) bị ung thư tuyến tiền liệt khi được bác sĩ tư vấn về các phương pháp phẫu thuật, ông D đã quyết định lựa chọn phẫu thuật nội soi ứng dụng rô-bốt ngay tại Bệnh viện Bình Dân thay vì ra nước ngoài điều trị. Ca phẫu thuật cho ông D. kéo dài hai giờ, bác sĩ đã cắt tuyến tiền liệt tận gốc kèm túi tinh hai bên và nạo hạch toàn bộ vùng chậu. Người bệnh hồi phục nhanh chóng và xuất viện chỉ hai ngày sau phẫu thuật.

Quân đội Nhân dân

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2018

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh dịch mùa Đông Xuân 2018 do Bộ Y tế tổ chức tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày 4-1. Tại hội nghị, nhiều chuyên gia y tế nhận định, trong năm 2018, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2017, dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp với 183.287 ca mắc (154.552 nhập viện), 30 ca tử vong. Số mắc tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8-2017, từ đầu tháng 9 đến nay số mắc giảm sâu và liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm 2017, dịch sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, tuy nhiên số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc. Ngoài ra, các dịch bệnh khác đều giảm hoặc tăng nhẹ như sởi chỉ có 431 ca phát ban nghi sởi, giảm 29,2% so với năm 2016 (609 ca mắc); bệnh ho gà tăng nhẹ, ghi nhận 571 mắc, trong đó 353 trường hợp dương tính, 3 tử vong; số mắc tăng so với năm 2016…

Tại hội nghị, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong khi dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan quốc tế thì cho đến nay, không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh có vắc xin tiếp tục được khống chế hiệu quả, giữ vững thành quả thanh toán bại liêt, loại trừ uốn ván sơ sinh.

Nói về những khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh, ông Trần Đắc Phu cho biết, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam như: Cúm A (H7N9), sốt vàng, dịch hạch… và bùng phát nếu không có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Đặc biệt, trong mùa Đông Xuân, mùa lễ hội có thời tiết ẩm lạnh, tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella…; tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được hơn 95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có di dân biến động lớn; nguy cơ bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2018. “Chính vì vậy, chúng ta phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, xử lý các ổ dịch tại cộng đồng hiệu quả, kịp thời. Ngoài việc tăng cường công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh, chúng ta cần nâng cao tỷ lệ tiêm chủng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong”, ông Trần Đắc  Phu nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2017 tại Việt Nam không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh lưu hành khác được khống chế, không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan quốc tế. Các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập như Cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch … và bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Trước tình hình trên, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo trực tiếp, đôn đốc kiểm tra các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng, chống các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như: Cúm H7N9, MERS-CoV và các bệnh thường gặp mùa đông xuân. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo sát sao các hoạt động tiêm chủng mở rộng, các chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo tiêm chủng; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chủ động ứng phó với dịch bệnh, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện…

10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm chủng từ năm 2018

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 38/2017/TT-BYT quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Tất cả trẻ em từ sơ sinh đến 5 tuổi sẽ được tiêm miễn phí 10 loại vắc xin nêu trên do ngân sách nhà nước mua.

Cụ thể, 10 bệnh truyền nhiễm và vắc xin thực hiện tiêm bắt buộc đối với trẻ em dưới 5 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) gồm: Viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b; bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella. Trong đó, có hai vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho các bé sơ sinh (viêm gan vi rút B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh).Ngoài ra, thông tư này cũng quy định tiêm chủng bắt buộc 8 bệnh truyền nhiễm với những người ở vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, gồm: Bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản, bệnh dại.Bộ Y tế khuyến cáo, nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch thì cần phải tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải đảm bảo phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình TCMR.Thông tư này có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2018.

Bộ Y tế: Nhiều trăn trở về sự cố y khoa

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời tuyên truyền bảo hiểm trách nhiệm với nhân viên y tế, bệnh viện để bảo vệ quyền lợi của họ.

Đặt vấn đề về nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa tại nước ta, bộ trưởng cho rằng BV chính là môi trường có nhiều nguy cơ để tai biến và sự cố y khoa xảy ra, như kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng hoặc quá nhiều y lệnh do thói quen công việc một người pha thuốc, một người tiêm, một người sao y đơn thuốc. Tại một số BV, hiện tượng quá tải bệnh nhân cũng dẫn đến việc cắt xén hoặc làm tắt các quy trình chuyên môn. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu dẫn đến việc lạm dụng thuốc. 

Bên cạnh đó, y học mang tính xác suất và bất định cao, người bệnh trong các cơ sở y tế phải trải qua nhiều thủ thuật, phẫu thuật mà không thể làm lại, sử dụng các thiết bị nguy hiểm, thiết bị xâm lấn, các hóa chất độc hại cũng làm tăng nguy cơ sai sót trong y tế. Trong cấp cứu người bệnh, thời gian là điều rất quan trọng, nhân viên y tế cần phải cấp cứu với tốc độ cao, do vậy sự cố y khoa cũng dễ xảy ra. Dây chuyền khám chữa bệnh phức tạp, nhiều đầu mối, ngắt quãng, nhiều cá nhân tham gia trong khi hợp tác, trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế chưa đầy đủ và kịp thời... Ngoài những sự cố tập thể, sự cố y khoa cá nhân gây ra cũng đang được xem là vấn đề nhức nhối.

“Còn nói đến việc bồi thường, vẫn còn khá nhiều lo âu. Khi người bệnh bị tai biến y khoa, việc bồi thường người bệnh và gia đình của họ sẽ được thực hiện theo Luật Khám chữa bệnh, còn một số rắc rối gặp phải thì chắc chắn cả hai bên đều không ai mong muốn mà chỉ để thỏa mãn thủ tục hợp pháp thôi” - bộ trưởng cho biết.

Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể mức bảo hiểm, định mức cơ sở dữ liệu khác nhau về mức rủi ro, mức trách nhiệm bảo hiểm theo vụ việc, chuyên khoa/đa khoa, hạng BV. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ nhân viên y tế và cơ sở khám chữa bệnh. 

Bảo vệ nhân viên y tế bằng bảo hiểm

Một trăn trở khác được Bộ Y tế lưu tâm liên quan đến sự cố y khoa chính là việc mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các bác sĩ trong trường hợp tai biến y khoa.

Theo bộ trưởng đánh giá, nghề y là một nghề đặc biệt, đối tượng cung cấp hay tiếp nhận dịch vụ khám chữa bệnh đều là con người, mà con người thì “nhân vô thập toàn”, vì vậy việc xảy ra các tai biến trong quá trình khám chữa bệnh luôn có khả năng xảy ra. Do đó, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức bảo hiểm giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn đó.

Thế nhưng theo các báo cáo, tính đến thời điểm cuối năm 2015, số lượng BV đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm mới đạt gần 10%, gia hạn hợp đồng năm 2015 giảm so với năm 2014. Do bảo hiểm trách nhiệm là loại hình bảo hiểm mới mà các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam mới tiếp cận lần đầu, lại mang tính đặc thù chuyên môn cao nên cần có thời gian thử nghiệm, triển khai từng bước.

Đáng lo ngại khi có quá nhiều thầy thuốc bị hành hung

Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc. Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các BV, các trung tâm y tế lớn mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tinh thần làm việc.Có một thực tế đáng buồn là đa số người hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay những đối tượng có tiền án, tiền sự mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.

 Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

An ninh thủ đô

Hà Nội: Lại lo dịch sởi, ho gà và thủy đậu gia tăng

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, bắt đầu tăng vào tháng 1 và lên đỉnh điểm vào tháng 3. Cùng đó, dịch sởi, ho gà cũng dễ bùng phát trong thời điểm này…

Sáng nay, 4-1, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân. Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong năm 2017 cả nước ghi nhận gần 39.000 ca mắc thủy đậu, tăng 45,9% so với năm 2016 và xảy ra ở quy mô gần như khắp cả nước.

Căn bệnh này có xu hướng tăng mạnh vào mùa xuân, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 3. Chẳng hạn như năm 2017, bệnh thủy đậu bắt đầu tăng vào tháng 1, tăng mạnh, đỉnh điểm vào tháng 3 với khoảng 8.000 ca mắc, rồi giảm dần. Các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca mắc.

“Bệnh thủy đậu các biểu hiện phần lớn là nhẹ nên vaccine chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vaccine dịch vụ, độ phủ vaccine không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều, số người mắc bệnh rất lớn. Bệnh có tốc độ lây lan cao, nên để phòng bệnh người dân cần chủ động đi tiêm phòng vaccine này” - ông Phu khuyến cáo.

Cũng tại hội nghị, báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân 2018, thành phố đặc biệt lưu ý đến bệnh sởi và ho gà.

Ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 83 trường hợp mắc sởi, 1 trường hợp tử vong. Trong đó 71/83 trường hợp mắc chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Về bệnh ho gà, đến nay cũng đã ghi nhận 125 ca mắc, 1 ca tử vong. Điều đáng nói, 91,2% số ca mắc chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng bệnh.

“Hiện Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt tình hình bệnh sởi và ho gà, chỉ ghi nhận các ca bệnh đơn lẻ, rải rác, không ghi nhận ổ dịch lớn. Tuy nhiên, Hà Nội tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống những dịch bệnh này trong mùa Đông-Xuân năm nay” - ông Hạnh nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, với việc xây dựng 10 biện pháp, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng ngành, từng đơn vị, thành phố Hà Nội xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018.

Ngoài các dịch bệnh truyền nhiễm kể trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo thêm, hiện nay, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta như: cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch… và có thể bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế tiếp tục nâng cao công tác dự phòng, đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh dễ bùng phát trong mùa Đông-Xuân 2018 bằng những kế hoạch và hoạt động cụ thể.

Thêm 4 trường hợp nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức xác nhận, một bệnh nhân nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân đã tử vong vào ngày 1-1-2018. 

Hiện nay, ngành Y tế Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp phòng bệnh, khống chế số ca mắc mới và tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân. 

Bệnh nhân tử vong là em Phạm Văn Quy (SN 2004, học sinh lớp 8, trường THCS Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi). Em Quy tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng vì suy đa phủ tạng do men gan tăng cao quá mức bình thường, nhiễm trùng huyết nhưng trên bàn tay bàn chân lại không phát hiện các dấu hiệu của hội chứng viêm da dày sừng.  

Trước diễn tiến phức tạp của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng bệnh, khống chế số ca mắc mới và tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân gây ra. 

Cụ thể, từ ngày 8 đến 9-1, ngành Y tế đã khám sàng lọc cho gần 700 học sinh của cả 2 trường Tiểu học và THCS Ba Ngạc. Qua khám sàng lọc, ngành đã phát hiện thêm 4 trường hợp nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng. 4 trường hợp này có men gan tăng cao hơn mức bình thường, các triệu chứng lâm sàng trên bàn tay, bàn chân đã xuất hiện. 4 học sinh này đã được đưa về Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ để theo dõi và điều trị. 

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết bùng phát có phần nguyên nhân do dự báo chưa tốt

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch xâm nhập, khả năng bùng phát các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… là rất lớn.

Ngày 9-1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Hoàng Đức Hạnh trình bày, năm 2017, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp với 37.651 ca mắc, 7 trường hợp tử vong. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, số ca mắc SXH đã giảm dần và đến tháng 11-2017 thì cơ bản được khống chế. Hiện tại, Hà Nội chỉ ghi nhận 7 ca mắc SXH/tuần.

Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, các dịch bệnh khác trên địa bàn thành phố cơ bản kiểm soát tốt như: bệnh sởi ghi nhận 83 ca, 2 ca tử vong; ho gà ghi nhận 125 ca, 1 ca tử vong; liên cầu lợn ở người ghi nhận 23 ca, 4 ca tử vong; uốn ván người lớn ghi nhận 21 ca; chân tay miệng ghi nhận 763 ca; não mô cầu ghi nhận 2 ca; viêm não Nhật Bản ghi nhận 9 ca; dại ghi nhận 2 ca...

Rút kinh nghiệm từ vụ dịch sởi bùng phát trên địa bàn thành phố trong năm 2017 vừa qua, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch để có biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng người dân Thủ đô trong công tác phòng chống dịch SXH vừa qua.

Dù vậy, thực tế triển khai công tác phòng chống dịch cũng cho thấy còn một số tồn tại như công tác dự báo dịch còn chưa thực sự tốt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt; một bộ phận người dân còn chủ quan…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, với đặc điểm Thủ đô Hà Nội là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch xâm nhập, cũng như nguy cơ tiếp tục bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Do vậy, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu trong năm 2018, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động phòng chống dịch bệnh, trước mắt tập trung vào phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân.

Cùng đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông về phòng chống dịch bệnh; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường; tiếp tục duy trì hoạt động của đội xung kích tại các xã, phường, quận, huyện; đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao…

Tuổi trẻ

Dịch ho gà đang gia tăng

Dịch ho gà đã gia tăng mạnh trong năm 2017, với ba trẻ em tử vong, số mắc gia tăng mạnh trong nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng văc xin ngừa ho gà. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết như vậy tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, được Bộ Y tế tổ chức ngày 4-1

Nhân dân

Nhiễm giun xoắn do ăn thịt lợn ốm, một người chết

Ngày 4/1, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân là P.P.H. (32 tuổi) và L.L.G. (24 tuổi) cùng ở huyện Mường Tè (Lai Châu) bị bệnh giun xoắn do ăn thịt lợn ốm. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, một bệnh nhân đã tử vong…

Sài gòn giải phóng

Tiêm miễn phí 10 loại vaccine cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Bộ Y tế vừa công bố danh sách 10 loại bệnh truyền nhiễm cần tiêm chủng vaccine. Theo đó, các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được áp dụng cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi  

Các vaccine bao gồm 10 bệnh: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B, bệnh sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella. Bộ Y tế cũng quy định tất cả trẻ tiêm 10 loại vaccine nêu trên đều được miễn phí, do đã có ngân sách nhà nước chi trả.

Trong số 10 vaccine trên, có 2 loại vaccine được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh là tiêm vaccine viêm gan virus B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vaccine lao được tiêm 1 lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.

Đáng chú ý, so với quy định cũ, danh mục vaccine này đã giảm 13 loại (gồm viêm gan virus A, viêm gan virus B, lao, quai bị, thương hàn, sốt vàng, thủy đậu, Rota virus, uốn ván, viêm màng não do não mô cầu, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não do vi khuẩn Hib…) không còn trong danh mục tiêm bắt buộc.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, việc điều chỉnh danh mục các bệnh và vaccine tiêm chủng bắt buộc với trẻ em là nhằm phù hợp với sự thay đổi mô hình bệnh tật và các yếu tố gây dịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xác định phạm vi và đối tượng sử dụng vaccine thuộc danh mục quy định bắt buộc do sở y tế xem xét quyết định hoặc chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vaccine và nguồn lực của địa phương.

Hà Nội mới

Nhiều bệnh nguy hiểm có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, dịp đông xuân, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam như cúm A/H7N9, Mers-CoV, sốt vàng, dịch hạch... nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, kết quả giám sát cúm trong năm 2017 trên người ghi nhận trong toàn quốc chủ yếu là cúm A/H3N2 (37%), A/H1N1 (35%), B (28%). Đặc biệt, trong năm qua tại Việt Nam không ghi nhận cúm A/H7N9), A/H5N1. Các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn rải rác xảy ra tại một số địa phương.

Năm 2017, bệnh sởi ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam với 431 trường hợp phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 183.000 trường hợp mắc, 30 trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng ghi nhận hơn 105.000 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong.

Vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng được ngành y tế đặt ra trước mắt là nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, không để dịch cúm, sởi, sốt xuất huyết… bùng phát.

Thanh niên

Phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh trong thịt heo ở chợ TP.HCM

Đây là lần đầu tiên vi khuẩn kháng colistin được phát hiện trên thịt ở Việt Nam. Hôm nay (9.1), bà Vũ Thị Quỳnh Giao, Điều phối viên Dự án ViParc (Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM), cho biết: Các nhà khoa học ViParc gần đây tìm thấy vi khuẩn Salmonella kháng với thuốc kháng sinh colistin trong thịt heo mua từ chợ truyền thống ở TP.HCM (loại Salmonella không thương hàn).

Đây là lần đầu tiên vi khuẩn kháng colistin được phát hiện trên thịt ở Việt Nam. Colistin là thuốc kháng sinh dùng để trị bệnh nhiễm khuẩn nặng, thường chỉ được sử dụng cho người như giải pháp cuối cùng, khi các thuốc khác không hiệu quả.

Theo bà Giao, hiện nay, việc sử dụng sai, sử dụng quá mức kháng sinh còn phổ biến trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh (lờn thuốc kháng sinh). Hiện tượng này xảy ra khi vi khuẩn chống lại được tác dụng của thuốc, khiến việc điều trị bệnh nhiễm khuẩn ở động vật và người bị thất bại.

Trước thực trạng đó, dự án ViParc đã mở cuộc vận động “Cai nhậu kháng sinh cho gia cầm” với mục đích giúp người chăn nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long nuôi gà khỏe mạnh nhưng sử dụng ít kháng sinh hơn. Trong đó, có cuộc thi ảnh “Cai nhậu kháng sinh cho gia cầm” cho thấy việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong sản xuất gà, vịt cần bắt đầu từ cam kết áp dụng các thực hành chăn nuôi tốt.

Cuộc thi diễn ra từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, được tổ chức bởi Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp. Có 123 học sinh của các trường THPT tham gia dự thi qua hình chụp, tranh vẽ và bài viết ngắn. Tất cả thí sinh đã đặt vấn đề lạm dụng kháng sinh trong đa dạng các mối quan hệ xã hội và không quên đưa vào đó phong cách dí dỏm. Ban tổ chức đã trao 10 giải thưởng vào hôm nay (9.1).

Lao động

Bệnh thuỷ đậu rình rập khắp cả nước

Năm nay bệnh thuỷ đậu có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là thời điểm mùa đông xuân như hiện nay. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017 cả nước ghi nhận gần 39.000 ca mắc (tăng 45,9% so với 2016), quy mô gần như khắp cả nước. Đây là bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân nên cần hết sức cảnh giác.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, bắt đầu tăng vào tháng 1, đỉnh điểm vào tháng 3 rồi giảm dần. Dự báo, cao điểm có thể có 8.000 ca mắc thuỷ đậu, các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca mắc.

Tại TPHCM, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, số mắc thủy đậu tại địa phương này cũng rất cao. Năm 2017, thủy đậu tăng 46% (459/316), việc tiêm phòng là biện pháp bảo vệ chủ động nhất với thủy đậu vì thế cha mẹ nên cho con đi tiêm phòng, nhất là thời điểm mùa xuân đang đến gần.

Thủy đậu là bệnh lành tính, nếu bệnh nhân được chăm sóc tốt, ăn uống đủ dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ thì nhanh khỏi. Nhưng nếu để biến chứng, trong đó bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất, thì rất nguy hiểm: Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng khác như viêm phổi, não, tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng, nếu có điều trị khỏi thì cũng sẽ để lại di chứng.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thủy đậu. Trẻ em từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Người lớn vẫn có thể mắc bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Khi người lớn mắc bệnh, nhất là phụ nữ có thai, khả năng biến chứng sẽ cao và nặng hơn trẻ em.

Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật. 

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo. 

Bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng cách tiêm vaccine, vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm chủng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm vaccine để phòng bệnh. 

Cũng có trường hợp đã tiêm rồi vẫn mắc, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt bỏng và thường không bị biến chứng. 

Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vaccine thủy đậu. Vaccine này tiêm cho trẻ từ 1 tuổi và người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu).

Tiền phong

Siết dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu

Bộ Y tế đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo mới nhất về thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm siết chặt các điều kiện và viện phí của dịch vụ này, tránh mỗi nơi một giá. Theo đó, giá khám bệnh theo yêu cầu không được quá 300.000 đồng. Theo dự thảo Bộ Y tế đề xuất giá trần khám bệnh theo yêu cầu tại Hà Nội và TP.HCM là 300.000 đồng; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là 250.000 đồng. Các tỉnh thành còn lại tối đa 200.000 đồng một lần khám theo yêu cầu. Ở các cơ sở chất lượng cao, mức thu tối đa không quá 2 lần mức nêu trên. Giá giường bệnh từ 300.000 đồng đến tối đa 3 triệu đồng theo ba nhóm địa phương trên và theo số giường bệnh trong một phòng. So với dự thảo cũ, mức giá lần này có điều chỉnh tăng. Trước đó giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 200.000 đồng. 

Dự thảo quy định tiêu chuẩn khu vực khám chữa bệnh, khu điều trị nội trú, buồng bệnh… phải đảm bảo diện tích, các thiết bị y tế. Cụ thể, một bệnh viện đa khoa 500 giường bệnh, khu vực phòng khám chỉ bố trí dưới 59 chỗ khám thì không được giảm diện tích phòng khám để tổ chức phòng khám theo yêu cầu. Các phòng bệnh phải có một bác sĩ trên tỷ lệ 4 giường bệnh và một điều dưỡng trên một giường bệnh phục vụ 24/24 giờ.

Giá giường bệnh (tính theo đầu giường mỗi ngày) của phòng điều trị theo yêu cầu được quy định ở mức 3 triệu đồng đối với phòng đặc biệt, từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với phòng 1 giường đến loại III và 600.000 đồng đối với phòng 4 giường. Mức giá tương ứng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ lần lượt là: 1,8 triệu đồng, từ 600.000 - 900.000 đồng, 450.000 đồng; các tỉnh còn lại lần lượt là: 1,2 triệu đồng, từ 400.000-600.000 đồng, 300.000 đồng.

Đối với phòng dịch vụ, dự thảo cũng quy định diện tích phòng phải rộng từ 12 m2 (loại đặc biệt với 1 giường bệnh) đến 28 m2 (loại III với 4 giường/phòng). Phòng phải có các thiết bị y tế như: giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, monitor (màn hình), ôxy đầu giường, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, hệ thống báo gọi y tế. Phòng điều trị theo yêu cầu cũng phải kèm theo các thiết bị sinh hoạt như: tivi, tủ lạnh, máy lạnh, bình đun nước uống và ấm chén, bàn ghế ngồi cho người nhà, điện thoại - internet, chăn drap nệm, quạt cây (quạt trần). 
Trong dự thảo, Bộ Y tế nhấn mạnh dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu phải được tổ chức thành khu riêng. Trường hợp không tổ chức thành khu vực riêng, các cơ sở y tế chỉ được tổ chức dịch vụ khi đáp ứng điều kiện như mỗi bàn khám không quá 45 bệnh nhân một ngày (khám có bảo hiểm y tế, khám thông thường); không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người không sử dụng phòng theo yêu cầu. Bệnh viện đã kê thêm giường nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh bảo hiểm y tế và luôn có trên 10% số giường phải nằm ghép hai, thì không được tổ chức các buồng dịch vụ

Sức khỏe & Đời sống

Người dân vùng xa được tiếp cận y tế chuyên môn cao ngay tại địa phương

Sau 4 năm triển khai sâu rộng trên toàn quốc Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2014-2017 với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, chương trình đã tổ chức 13.449 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.041.923 lượt người, trị giá tiền thuốc hơn 552 tỷ đồng và tặng hơn 3,1 triệu suất quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 448 tỷ đồng.

Với những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao chương trình khám, chữa bệnh thiện nguyện này vì đã giúp người dân các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... được phần nào tiếp cận với cán bộ y tế có trình độ, có chuyên môn cao. Đồng thời, chương trình cũng thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế, là hình thức gián tiếp giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc trẻ.

Nhân dịp này, báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế về chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đã đạt được sau 4 năm triển khai Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2014-2017?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Về cơ bản, Chương trình “Phối hợp hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo giai đoạn 2014 -2017” (Số 111 CTPH/TƯHCTĐ-BYT-TCCT-TƯHTTTVN ngày 8 tháng 7 năm 2014) do TW Hội Chữ thập đỏ, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và TW Hội Thầy thuốc trẻ ký kết đã đạt được mục tiêu mà chương trình đã đề ra. Đây cũng là hoạt động thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ từ các bên, sau 4 năm triển khai chương trình (từ 1/9/2014 đến 30/11/2017) đã tổ chức 13.449 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.041.923 lượt người, trị giá tiền thuốc hơn 552 tỷ đồng và tặng hơn 3,1 triệu suất quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 448 tỷ đồng.

PV: Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo phối hợp giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam với mục tiêu hàng năm tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho ít nhất 1 triệu lượt người trên toàn quốc, nhất là người nghèo, gia đình chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số, ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng xa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đảng và Nhà nước cũng như ngành y tế, các tổ chức, ban ngành luôn luôn quan tâm, chăm lo sức khỏe người dân. Tuyến y tế cơ sở y tế thôn, bản, xã, phường... trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối với vùng sâu, vùng xa, 96,9% thôn bản vùng khó khăn có nhân viên y tế thôn bản, 65% số trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Y tế cơ sở luôn đóng vai trò là nền tảng và là niềm tự hào của y tế Việt Nam nhiều năm qua; đặc biệt là vai trò then chốt trong việc triển khai các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giám sát và khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Với sự quan tâm của Chính phủ, của Bộ Y tế, nhiều trạm y tế xã cũng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới từ nguồn ngân sách địa phương và viện trợ, vay ưu đãi nước ngoài. Các cơ sở y tế huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... là cơ sở nằm trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, điều trị dự phòng, chăm sóc sức khỏe của Bộ Y tế và luôn nhận được sự quan tâm, cố gắng của ngành y tế trong việc đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... mà ngành y tế có thể làm được. Tuy nhiên, còn nhiều trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị (0,6% số xã chưa có cơ sở nhà trạm; trong khi đó chỉ 78,5% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 98,2% trạm y tế xã chỉ có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi).

Chương trình khám, chữa bệnh thiện nguyện này giúp người dân huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... được phần nào tiếp cận với cán bộ y tế có trình độ, có chuyên môn cao. Các bệnh viện tham gia đều chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, địa điểm khám bệnh, mời khám đúng đối tượng, đảm bảo các điều kiện phục vụ chu đáo. Người bệnh được khám bệnh và cấp thuốc chữa bệnh tại chỗ; phát hiện kịp thời bệnh mạn tính; khám sàng lọc, hướng dẫn người dân đến cơ sở chuyên khoa tiếp tục điều trị. Nhiều nội dung hoạt động phong phú, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu được người dân phấn khởi, hồ hởi đón nhận như: tổ chức tập huấn sơ, cấp cứu cho giáo viên, học sinh; tổ chức tập huấn rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh; tuyên truyền sử dụng thuốc Nam, thuốc do Việt Nam sản xuất; tuyên truyền vận động hiến mô, hiến tạng, giác mạc... lồng ghép trong việc khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí kết hợp tặng quà, chăn, quần áo ấm, thực phẩm, TV... cho người dân; “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế cơ sở; chuyển giao kỹ thuật, tặng trang thiết bị y tế, tư vấn thiết kế cho y tế cơ sở, qua đó đánh giá cao hiệu quả của trạm y tế trong việc phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân mặc dù còn hết sức thiếu thốn về nhân sự cũng như cơ sở vật chất; tặng quà cho trường học; thăm hỏi, động viên, tặng quà giá trị cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, nạn nhân chất độc da cam...

PV: Hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã nhận được sự tham gia của đông đảo lực lượng bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn. Có ý kiến cho rằng, đây là hình thức gián tiếp giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc trẻ. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, hệ thống y tế công lập tại các vùng khó khăn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực. Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013 với mục tiêu: tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho các vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở. Đến ngày 9/1/2018 đã có 14 bác sĩ trẻ tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để góp phần chăm lo sức khỏe người dân ở những vùng đất khó khăn, thiếu thốn; đang tiếp tục đào tạo 140 bác sĩ, sẽ bàn giao sau khi tốt nghiệp và cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Kế hoạch tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300-500 bác sĩ tham gia dự án.

Sự tham gia năng nổ, nhiệt huyết của đông đảo bác sĩ trẻ tình nguyện là lực lượng nòng cốt tham gia Chương trình Khám, chữa bệnh từ thiện tới vùng khó khăn thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội đối với cán bộ y tế. Qua đó người cán bộ y tế nói chung và bác sĩ trẻ nói riêng thấy được khó khăn, gian nan của đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào của mình; ý thức, thấm nhuần được trách nhiệm của bản thân, của người cán bộ y tế; có môi trường, có thời gian công tác, cống hiến tại các vùng khó khăn để trải nghiệm, phát huy sức trẻ, hoài bão, năng lực của mình, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

PV: Trong thời gian tới, các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo sẽ tiếp tục được triển khai ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phát huy các kết quả đạt được của chương trình trong những năm qua, với tinh thần thiện nguyện, Bộ Y tế ủng hộ về chủ trương, khuyến khích sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học y dược tiếp tục chủ động trong việc đăng ký trực tiếp công tác khám, chữa bệnh từ thiện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng với Trung ương Hội Chữ thập đỏ và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo kết quả với các đơn vị đã đăng ký và Bộ Y tế. Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổng hợp kết quả và tổ chức khen thưởng các đơn vị có thành tích; qua đó tiếp tục vinh danh, khích lệ các tập thể, tổ chức, cá nhân có thành tích tốt góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Ngày 11/01/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích