Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 9 1 0 4 7
Số người đang truy cập
1 8 5
 Tin tức - Sự kiện
Diễn tập y tế phục vụ Hội nghị APEC.
Điểm tin y tế từ các báo từ ngày 27/10 đến ngày 28/10 năm 2017

Tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT; 35 tổ y tế trực 24/24h phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC; Bất hợp lý trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Vẫn khó giải quyết...; Phân loại mức độ lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết để phòng ngừa; Khống chế thành công 95,5% ổ dịch sốt xuất huyết; Gần 500 học sinh tiểu học nhập viện sau khi uống sữa Milo; Dịch vụ “chặt chém” vây người bệnh

Sức khỏe & Đời sống

Tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT

SKĐS - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), cơ quan BHXH của nhiều địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với ngành bưu điện để giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến, trả kết quả tại nhà qua bưu điện…

TP. Hồ Chí Minh: Địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện dịch vụ hành chính công BHXH, BHYT trực tuyến qua dịch vụ bưu điện Thay vì đến cơ quan BHXH các quận, huyện và TP để làm các thủ tục BHXH, BHYT, kể từ ngày 25/10, các cá nhân, đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh có thể nộp hồ sơ trực tuyến (qua mạng) và kết quả được trả tại nhà nhận qua bưu điện.

Đây là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện dịch vụ hành chính công BHXH, BHYT trực tuyến qua dịch vụ bưu điện. Dịch vụ công trực tuyến này do BHXH TP.HCM và Bưu điện TP.HCM hợp tác triển khai. Để tham gia dịch vụ trực tuyến này, người dân tham gia BHXH, BHYT có thể truy cập website một cửa của TP.HCM tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn, vào trang “Tiếp nhận hồ sơ”, chọn mục “BHXH”; hoặc truy cập website http://dvc.bhxhtphcm.gov.vn để vào hệ thống. Sau đó, cá nhân, đơn vị đăng nhập hệ thống, tạo và gửi hồ sơ BHXH, BHYT theo hướng dẫn.

Dịch vụ trực tuyến công BHXH qua bưu chính được hỗ trợ 23 bộ thủ tục BHXH, BHYT, BHTN để người dân có tham gia BHXH, BHYT làm thủ tục trực tuyến tiện lợi nhất. Trong đó, các loại giấy tờ, đơn đề nghị đã có mẫu sẵn, người tham gia chỉ cần điền trực tiếp hoặc tra cứu tình trạng thông tin bộ hồ sơ đã gửi.

Ngoài ra, một số hồ sơ có các chứng từ (gốc, quan trọng) không thể gửi trực tuyến được, người tham gia chỉ cần chuẩn bị các loại giấy tờ này và nhân viên bưu điện sẽ đến nhận và nộp cho cơ quan BHXH. Khi có kết quả, nhân viên bưu điện sẽ trả tận nhà cho người dân.

BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện TP. Hồ Chí Minh có 2,2 triệu người tham gia BHXH, 6,7 triệu người tham gia BHYT. Quá trình làm thủ tục đóng, hưởng các loại hình bảo hiểm đã phát sinh nhiều giao dịch với cơ quan BHXH trong việc sửa đổi, bổ sung, hưởng các loại trợ cấp. Theo đó, người dân phải trực tiếp đến cơ quan BHXH nhiều lần để làm các thủ tục khiến mất nhiều thời gian đi lại. Khi thực hiện đăng ký trực tuyến, người dân ngồi tại bất cứ đâu cũng có thể kê khai, đăng ký làm thủ tục, không bị phiền hà, đi lại nhiều lần.

Từ ngày 1/1/2017: BHXH Hà Nội thí điểm chi trả trợ cấp BHXH một lần qua bưu điện

BHXH Hà Nội và Bưu điện Thành phố vừa thống nhất triển khai thí điểm chi trả trợ cấp BHXH một lần qua hệ thống Bưu điện tại quận Ba Đình và huyện Gia Lâm từ ngày 1/11 - 31/12/2017. Sau đó, hai bên sẽ đánh giá, tổng hợp để rút kinh nghiệm và triển khai trên toàn thành phố từ ngày 1/1/2018.

Theo ông Đặng Đình Thuận - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, sau gần 2 năm thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua bưu điện, BHXH và Bưu điện Hà Nội đã phối hợp, hỗ trợ nhau tích cực và hiệu quả. Đến nay, đối tượng thụ hưởng đã nhận thức đầy đủ và đồng thuận thực hiện.

Hai bên cũng đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn về quy trình nghiệp vụ chi trả; cập nhật về chế độ chính sách BHXH, BHYT và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân cho đội ngũ nhân viên chi trả của bưu điện. Chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện cơ sở, địa bàn, bảo vệ an toàn trong quá trình tổ chức chi trả… Đây là tiền đề quan trọng để hai bên tiếp tục phối hợp mở rộng sang chi trả chế độ trợ cấp BHXH một lần qua hệ thống bưu điện.

Mỗi ngày hai lần, Bưu điện Thành phố, bưu điện huyện, bưu điện trung tâm đến BHXH Thành phố hoặc BHXH cấp huyện nhận hồ sơ giải quyết chế độ một lần. Nếu đối tượng nhận tiền trợ cấp qua tài khoản thẻ thì bưu điện có trách nhiệm chuyển tiền ngay trong ngày hoặc ngày làm việc kế tiếp kể từ khi nhận được danh sách. Nếu đối tượng nhận tiền trợ cấp trực tiếp thì đến các bưu điện huyện, bưu điện trung tâm xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy ủy quyền theo quy định để ký nhận trên danh sách…

35 tổ y tế trực 24/24h phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC

SKĐS - Ngày 25/10, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế APEC 2017 phối hợp với Sở Y tế TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra quân, diễn tập triển khai công tác y tế phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Sở đã thành lập 35 tổ y tế trực 24/24h tại các khách sạn, bệnh viện để kịp thời làm nhiệm vụ trong những ngày diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC. Trong đó, 17 tổ y tế túc trực tại 18 khách sạn, sẵn sàng phục vụ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp dự hội nghị; 4 tổ khác sẽ phục vụ các nhà báo, phóng viên trong và ngoài nước; 1 tổ y tế đặt ngay cạnh Trung tâm Hội nghị quốc tế. Ngoài ra, Sở Y tế Đà Nẵng cũng bố trí 13 tổ y tế dự phòng đặt tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng. Ngành y tế cũng trưng dụng, huy động 23 xe cứu thương chuyên dụng để phục vụ APEC đợt này. Ngành y tế Đà Nẵng đã bố trí nhân lực trực 24/24h tại các cửa khẩu, sân bay cùng với các trang thiết bị hiện đại để tăng cường giám sát thân nhiệt và thể trạng đối với du khách nhập cảnh vào thành phố. Nếu phát hiện có ca bệnh nghi ngờ, lực lượng chức năng sẽ xử lý kịp thời.

Hà Nội mới

Bất hợp lý trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Vẫn khó giải quyết...

(HNM) - Chỉ trong 9 tháng năm 2017, đã có 122,9 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng chi phí lên tới 71.325 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã chi hơn 170% Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Những con số mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa công bố cho thấy tình trạng lạm dụng quỹ không hề giảm, với những “chiêu trò” không mới, nhưng cũng không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.

Chi phí gia tăng bất thường

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) quý III năm 2017 tăng đột biến so với 2 quý trước. Trong khi đó, các cơ sở khám, chữa bệnh lại cho rằng, cơ quan BHYT đã xuất toán không đúng nhiều chi phí, gây trở ngại cho công tác khám, chữa bệnh. Trước những băn khoăn nêu trên, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng về việc các cơ sở khám, chữa bệnh lạm dụng Quỹ BHYT. Để tránh vượt trần, nhiều cơ sở y tế đã chia nhỏ đợt điều trị, tính dôi số ngày giường của bệnh nhân đã xuất viện, giá dịch vụ không phù hợp, chỉ định xét nghiệm quá mức cần thiết, thanh toán sai quy định…, dẫn đến tăng chi phí bất hợp lý. Có bệnh nhân chưa kịp ra viện này, đã có thanh toán điều trị tại bệnh viện khác. Chi phí do thanh toán trùng như vậy lên tới hàng trăm nghìn đồng mỗi trường hợp, dẫn tới tổng số chi tăng lên tới hàng tỷ đồng. Về ngày điều trị nội trú, so sánh với quý trước, thì tỉnh Hà Giang có tỷ lệ tăng bệnh nhân vào điều trị nội trú rất bất thường (21,48%), Phú Thọ tăng trên 19%, trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 10%.

Đáng lưu ý, ở các bệnh viện công lập, ngày điều trị thường kéo dài hơn bình thường, bệnh viện phụ sản tuyến huyện có thể lên tới 6,35 ngày, trong khi tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có thời gian 3 ngày. Có những kỹ thuật liên quan tới mắt đơn giản, thường được ra viện sau nửa ngày, nhưng cũng được giữ lại viện vài ngày. Cứ mỗi bệnh nhân thêm một ngày giường, mỗi năm Quỹ BHYT phải trả thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam cũng cho biết một số cơ sở không tuân thủ quy trình kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ y tế. Chẳng hạn, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh mỗi bàn khám tới 180 bệnh nhân/ngày; thực hiện nội soi tai mũi họng 62 ca/bác sĩ/ngày. Muốn hoàn thành khối lượng công việc như vậy, theo định mức Bộ Y tế xây dựng, bác sĩ đó phải làm việc 15,5 giờ liên tục. Bệnh viện Thái Thượng Hoàng (Nghệ An) có ca hàn composite 24 cổ răng cho một lần điều trị, có nghĩa ca hàn này kéo dài tới 12 giờ. Những trường hợp đó vừa thể hiện sự bất hợp lý trong các đề nghị chi phí, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám, chữa bệnh cũng như quyền lợi và sức khỏe người bệnh.

Khi thực hiện giám định chuyên đề tại 5 bệnh viện: Việt - Đức, Xanh Pôn, Đại học Y Hà Nội, Phụ sản trung ương và Phụ sản Hà Nội, BHXH Việt Nam cũng phát hiện các bệnh viện này đã thực hiện tách các dịch vụ y tế để thanh toán BHYT khoảng 5,33 tỷ đồng và thu thêm của người bệnh hơn 4 tỷ đồng. Khi thực hiện tách dịch vụ để đề nghị thanh toán có những điểm vô lý như có bệnh nhân phải cắt đến hai túi mật, hai đại tràng, cắt hẹp hai bao quy đầu… Trong chỉ định về thuốc, bác sĩ kê đơn những thuốc có giá chênh lệch rất nhiều so với loại thuốc cùng hàm lượng, khác dạng bào chế. Cùng loại stent của cùng nhà sản xuất, song tại Thanh Hóa có giá 58,49 triệu đồng, ở Huế là 50,79 triệu đồng; giá vật tư kim luồn tĩnh mạch có sự chênh lệch gấp đôi giữa Hòa Bình và Hải Dương… Những con số này cho thấy, có sự mua sắm và lựa chọn những vật tư, thuốc không hợp lý, dẫn đến gia tăng chi phí một cách không bình thường.

Cần một thước đo

Khi đưa ra những dẫn chứng về tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan. Trong đó có việc, chưa quy định thế nào là một xét nghiệm thường quy, nên các cơ sở y tế tự đưa ra quy định là điều khó kiểm soát. Ngoài ra, công tác quản lý chi phí còn đang thiếu "thước đo" để đo lường tính hợp lý của các chi phí khám, chữa bệnh, tức là các quy chuẩn, quy trình, phác đồ điều trị rõ ràng của Bộ Y tế ban hành. Thước đo này chính là căn cứ để cả cán bộ giám định BHYT và cơ sở y tế cùng tuân thủ.

Nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng quỹ, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện các hệ quy chuẩn nói trên, tránh các cách hiểu khác nhau cũng như tránh xung đột về quan điểm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng cần điều chỉnh Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về các định mức kinh tế kỹ thuật vật tư y tế đang được xây dựng ở mức cao so với thực tế. Tới đây, BHXH Việt Nam sẽ mời Tổng hội Y học tham vấn, đề xuất chính sách cùng Bộ Y tế về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật BHYT để giải quyết nhiều vướng mắc trong vấn đề thanh toán, quản lý Quỹ BHXH và xử lý khó khăn, vướng mắc hiện nay. Bộ Y tế cũng điều chỉnh Thông tư về giá dịch vụ y tế để phù hợp hơn, có văn bản hướng dẫn tính ngày, giường bệnh cho các cơ sở y tế, tiến tới sẽ tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong y tế và quản lý bệnh án điện tử, sử dụng chữ ký số.

Phân loại mức độ lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết để phòng ngừa

Chiều 25-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố đã chủ trì giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 10 tuần gần đây. Riêng tuần qua ghi nhận 862 trường hợp mắc, giảm 159 trường hợp so với tuần trước. Hiện toàn thành phố chỉ còn 230 ổ dịch quy mô nhỏ. Theo bản đồ dịch tễ về dịch sốt xuất huyết, các quận, huyện ở mức báo động đỏ đã chuyển sang màu da cam, màu vàng. 50% xã, phường công bố dịch đã được kiểm soát, còn 50% xã, phường vẫn tập trung vào các biện pháp phòng chống.

Như vậy, nếu toàn thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống thì hết tháng 11-2017 có thể chấm dứt dịch sốt xuất huyết, chỉ còn duy trì số ca mắc ở mức lưu hành như các năm với khoảng 500 ca/tháng.

Dự kiến, trong tuần này, ngành Y tế Thủ đô sẽ lập danh sách cụ thể từng quận, huyện, xã, phường xem nơi nào đã đạt ở mức khống chế dịch sốt xuất huyết, nơi nào số ca mắc còn gia tăng để có đáp ứng phòng dịch cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo, thời gian tới, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên toàn thành phố vẫn tiếp tục phải thực hiện một cách quyết liệt. Riêng đối với huyện Chương Mỹ và huyện Mỹ Đức thời gian qua bị úng ngập cần tập trung vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh khi nước rút.

Sở Y tế Hà Nội cũng cần rà soát, phân loại cụ thể mức độ lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết tại từng quận, huyện, xã, phường, từ đó tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể, tránh dàn trải để dành nguồn lực phòng, chống các dịch bệnh khác, như: Sởi, ho gà, tay chân miệng… đang có dấu hiệu gia tăng.

Khống chế thành công 95,5% ổ dịch sốt xuất huyết

Chiều 25/10, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Sở Y tế, luỹ tích từ 01/01/2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 34.771 trường hợp, trong đó, có 7 trường hợp tử vong do SXH. Số bệnh nhân đã khỏi là 33.990 người (chiếm 97,8%). Hiện, còn 781 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Số ổ dịch đã được khống chế là 4.926/5.156 ổ (chiếm 95,5%), còn 230 ổ dịch đang hoạt động.

Trong tuần 42 (từ ngày 16/10 đến 22/10/2017), Hà Nội ghi nhận 862 trường hợp, giảm 159 trường hợp so với tuần 41 và giảm 2.707 trường hợp so với tuần cao điểm (tuần 32). Cụ thể, 24/30 quận, huyện có số mắc giảm. Tuy nhiên, 3/30 quận, huyện có số mắc tăng như: Ba Đình (tăng 3), Sơn Tây (tăng 2), Phú Xuyên (tăng 1).

Trong tuần qua, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH. Theo đó, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống SXH tới người dân; tuyên truyền trong các cơ quan, trường học. Tiếp tục duy trì các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi theo đúng chỉ định. Kết quả, đội xung kích diệt bọ gậy kiểm tra 1.381.539 hộ gia đình, trong đó, 57.522 hộ gia đình có bọ gậy (chiếm 4,2%). Phun hoá chất 118.746/138.257 hộ gia đình (đạt 86%).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của các quận, huyện, xã, phường, thị xã trên toàn thành phố trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn. Do vậy, công tác phòng chống SXH đã đạt được kết quả tích cực. Trong tuần tới, đồng chí yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách phòng, chống dịch bệnh cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hàng tuần, kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch mới; tiếp tục phun hoá chất diện rộng quy mô xã, phường và tại các trường học. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá kết quả hoạt động phòng, chống dịch trong tuần.

Riêng đối với hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức cần tăng cường vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi tại các khu vực bị úng ngập để phòng, chống dịch bệnh.

Ngành Y tế chịu trách nhiệm rà soát, phân loại, công bố xã, phường không còn ổ dịch để có biện pháp chỉ đạo cụ thể. Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục làm tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân SXH.

Nhân dân

Gần 500 học sinh tiểu học nhập viện sau khi uống sữa Milo

Ngày 27-10, thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: gần 500 học sinh của Trường tiểu học Lái Hiếu và Trường tiểu học Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy) phải nhập việc cấp cứu, sau khi uống sữa Milo, trong đó có 39 em có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu, những em còn lại có biểu hiện nhẹ.

Được biết, hơn 700 suất sữa nói trên là loại sữa Milo được pha sẵn do Sở Y tế tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang cấp phát miễn phí định kỳ cho học sinh.

Ông Lê Văn Khởi - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang nhận định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các em bị ngộ độc nêu trên. Có thể là do lô sữa, do nguồn nước dùng để pha hoặc khoảng thời gian từ lúc pha cho đến khi đem tới trường cho các học sinh uống kéo dài lâu...

Ngay sau khi biết được thông tin, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Lữ Văn Hùng đã đến trực tiếp tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy để thăm hỏi và chỉ đạo cấp cứu cho các em học sinh.

Sau khi cấp cứu kịp thời, sức khỏe phần lớn các em đã ổn định và về nhà, nhưng vẫn còn gần 100 em đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Ngã Bảy. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc nói trên.

Tiền phong

Dịch vụ “chặt chém” vây người bệnh

Hàng loạt bệnh viện “ép” bệnh nhân sử dụng dịch vụ trong khuôn viên với giá cao hơn bên ngoài nhiều lần. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng các bệnh viện và cơ quan chức năng chậm xử lý.

Phí  gửi xe cao hơn quy định

Theo khảo sát của phóng viên, đa số các bệnh viện trong nội thành rất ít chỗ gửi xe máy cho người nhà bệnh nhân, trong khi các bãi xe bên ngoài đều thu giá vé cao hơn nhiều lần so với giá quy định.

Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, thời gian trước đây, muốn gửi xe máy hay ô tô vào viện rất khó bởi bãi xe bên ngoài thường xuyên đông kín chỗ. Nhiều người nhà bệnh nhân muốn vào viện thăm người thân còn phải gửi xe ở các ngõ đối diện bệnh viện với giá 10 – 20 ngàn đồng/xe máy. Thời gian gần đây, phía tiếp giáp với đường Phủ Doãn mới được mở một bãi trông giữ xe của bệnh viện.

Tuy nhiên, với diện tích nhỏ, hẹp, nên dù giá xe được niêm yết công khai 3.000 đồng/lượt, nhưng rất ít người nhà bệnh nhân có thể gửi xe vào đây. Khi bãi xe của bệnh viện đã kín chỗ, bắt buộc người nhà bệnh nhân phải gửi xe ở địa điểm cũ – trên vỉa hè bên lề đường Phủ Doãn tiếp giáp bệnh viện. Dù giá vé đã được niêm yết trên bảng trong bãi giữ xe, nhưng những người trông xe này đều thu cao hơn với giá 5.000 đồng/xe.

Cạnh Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Phụ sản T.Ư nằm trên phố Triệu Quốc Đạt cũng có một bãi xe nằm trong khuôn viên, nhưng chỉ dành cho công nhân viên của bệnh viện. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải gửi xe ngoài vỉa hè. Theo ghi nhận của phóng viên, vé của điểm trông giữ xe số 1 Triệu Quốc Đạt ghi là 3.000 đồng, tuy nhiên, những người trông giữ xe vẫn lấy 5.000 đồng/xe và không giải thích lý do.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cổng Bệnh viện K Hà Nội (Quán Sứ). Dù trong khuôn viên vẫn còn chỗ để xe máy, nhưng những người bảo vệ bệnh viện đã đặt tấm biển chỉ dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra gửi xe trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt. Chiếc vé ghi công ty cổ phần 901 có địa chỉ số 4B, xóm Thắng Lợi, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng. Trên vé ghi rõ vé trông giữ xe máy ban ngày 3.000 đồng/lượt, nhưng nhà xe này lấy bút ghi đè biển số xe lên giá niêm yết với giá 5.000 đồng.

Cơm bệnh viện đắt mà không ngon

Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện cũng có giá “cắt cổ” bệnh nhân và người nhà. Đơn cử như tại bệnh viện Răng hàm mặt. Căng tin bệnh viện trên tầng 4 khá sơ sài, nhưng một chai nước lavie bình thường giá 4.000 đồng được nâng giá thành 7.000 đồng. Không có tiền trả lại, nhân viên bán hàng trong căng tin trả phóng viên một chiếc kẹo cao su thay 3.000 tiền thừa.

Trong khi đó, tại bệnh viện K, một số loại nước ngọt, nước đóng chai cũng tăng giá 20 - 30%. Một số bệnh viện khác như Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y 108 các mặt hàng trong căng tin đều tăng giá nhiều. Ông Lại Quốc Thịnh (quê Thanh Hóa) cho hay, ông đã lên Bệnh viện K điều trị ung thư lần thứ 4, lần nào cũng vào căng tin bệnh viện ăn trưa vì không biết hàng quán nào khác quanh khu vực này. Dù gia đình không quá khó khăn, nhưng chi phí mỗi lần điều trị lên đến hàng chục triệu đồng cũng “vắt kiệt” tài sản gia đình. Theo ông Thịnh, tất cả chi phí ăn ở phải tiết kiệm hết mức để lấy tiền xạ trị, thế nhưng các dịch vụ bệnh viện cũng có giá cao hơn nhiều so với bên ngoài. Không có lựa chọn khác, nên người bệnh đành phải sử dụng. Đơn cử như tại căng tin bệnh viện K, một suất cơm ông Thịnh mua giá 30 ngàn đồng, cộng với lon nước ngọt “bò húc” có giá 14 ngàn đồng, cao hơn bên ngoài rất nhiều.

Gần 12h trưa, có mặt tại bệnh viện Phụ sản T.Ư, chúng tôi gặp bà Loan (Văn Giang, Hưng Yên) đưa con gái lên sinh cháu. Mua suất cơm 25 nghìn ở căng tin bệnh viện, bà Loan bảo đắt hơn ở ngoài nhiều. Suất cơm chỉ có cơm, thức ăn gồm bắp cải và 1 ít tép. Bà Loan bảo, lên bệnh viện trung ương phải chấp nhận chứ biết làm sao.

Một cán bộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, có tình trạng độc quyền dịch vụ ở các bệnh viện hiện nay do các bệnh viện đang hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính. Khi tự quản, thì chi phí các hoạt động chuyên môn, chi trả lương… lãnh đạo Bệnh viện sẽ phải lo. “Bài toán chi phí, đảm bảo đầu ra, đầu vào cho các bệnh viện hiện nay là vấn đề phải tính toán kỹ lưỡng”, vị cán bộ cho hay.

Đại diện Bệnh viện Việt Đức cho hay, bãi xe bệnh viện mới được mở từ 3 tháng nay để phục vụ bệnh nhân. Được sử dụng thẻ từ nên việc thu đúng giá quy định, dịch vụ trông xe được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng “chặt chém” vẫn diễn ra ở vỉa hè phố Phủ Doãn.

Nhiều 'chiêu trò' ở phòng khám có yếu tố nước ngoài

Có tới 63% phòng khám có yếu tố nước ngoài đạt chất lượng trung bình thấp. Đây là kết quả của công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TPHCM vừa được công bố trong cuộc họp giữa Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM và 17 phòng khám diễn ra sáng 27/10.

Báo cáo tại cuộc họp, TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, gần đây, Sở Y tế liên tiếp nhận được những đơn thư phản ánh của các bệnh nhân sau khi đến chữa bệnh tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Ông đặt ra câu hỏi tại sao trong số gần 250 phòng khám đa khoa trên địa bàn TP, người bệnh chỉ tố cáo, khiếu nại các phòng khám có yếu tố nước ngoài? Và  đây cũng chính là nhóm phòng khám “có nguy cơ vi phạm cao”.

Nhiều bệnh nhân phản ánh việc khi đến các phòng khám này, người tư vấn, chỉ định họ thực hiện các xét nghiệm, siêu âm chính là nhân viên tiếp tân của phòng khám, hoàn toàn không có chuyên môn nghiệp vụ. Các “gói dịch vụ” chữa bệnh được phía phòng khám  đưa ra với nhiều mức giá chênh lệch nhau. “Thậm chí khi người bệnh đã chọn gói đắt tiền nhất vẫn chưa thoát khỏi các chiêu trò của phòng khám”, vị Chánh thanh tra cho biết.

Theo đó, trong quá trình thực hiện các tiểu phẫu, người bệnh liên tiếp được thông báo mắc thêm nhiều triệu chứng bệnh nguy hiểm khác, cần phải chữa trị ngay, càng nhiều triệu chứng bệnh đồng nghĩa với việc số tiền càng tăng lên, có khi người bệnh phải trả đến 70-80 triệu đồng.

Nhận định về vấn đề này, BS Trạng cho biết luật đã quy định rõ về nghĩa vụ của các BS, phải chẩn đoán đúng bệnh, toàn diện, bàn luận phương pháp điều trị với bệnh nhân. Do đó sẽ xử lí nghiêm những trường hợp BS chẩn đoán “sót bệnh”, vẽ bệnh moi tiền ở các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài, xem xét trình độ chuyên môn của các  BS này đến đâu.

Theo ông Trạng, trong cuộc họp chỉ có 15/17 phòng khám được mời có mặt, và chỉ có 5/15 người là người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám. Ông đặt nghi vấn liệu có hay không tình trạng cho thuê giấy phép hành nghề để đứng tên phòng khám, đến khi “có chuyện” lại phủi tay. “Việc các phòng khám luôn lấy lí do không biết để biện minh cho việc làm sai của mình là vô trách nhiệm. Lúc đầu có thể không biết, nhưng bị xử lí nhiều lần vẫn cho rằng không biết luật liệu có hợp lí hay không? Không biết hay cố tình không biết?”, BS Trạng hoài nghi.

Cần xem lại chất lượng phòng khám

Theo kết quả đánh giá của Sở Y tế, các phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn đạt mức điểm chất lượng trung bình rất thấp (dưới 2,5 trên thang điểm 4). Các phòng khám này chỉ đạt số ít chuẩn chất lượng thiết yếu, sự phối hợp giữa người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và nhà đầu tư còn rời rạc nên dễ nảy sinh nhiều sai phạm.

Theo đó, những lỗi vi phạm trong quá trình hoạt động của các phòng khám bao gồm: Kê đơn thuốc bằng tiếng Trung Quốc mà không có phần dịch ra tiếng Việt của người phiên dịch; Không lập hồ sơ bệnh án cho người bệnh; Thực hiện kỹ thuật điều trị không theo phác đồ điều trị, không đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế; Thực hiện kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chưa được Sở Y tế phê duyệt cho phép...

Sài Gòn giải phóng

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân

Ngày 27-10, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước đề nghị chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch mùa đông xuân, chú trọng phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua.

Đặc biệt triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A(H7N9), A(H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Đối với các dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà..., khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên, cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Bộ Y tế cũng cho biết, qua giám sát và số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc SXH trên toàn quốc liên tục giảm trong suốt 8 tuần qua. Đặc biệt, cả nước không ghi nhận thêm ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi bệnh là 33.990 người (chiếm 97,8%), còn hơn 780 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Ngành y tế vẫn đang tiếp tục giám sát và triển khai đồng bộ mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không chủ quan vì dịch SXH thường kéo dài tới tháng 11 hàng năm.

Liên quan tới dịch bệnh tay chân miệng (TCM), Cục Y tế dự phòng tiếp tục cảnh báo, thời tiết giao mùa hiện nay bệnh TCM ở trẻ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời và chủ động phòng chống. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 54.000 ca mắc TCM, không trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo.

An ninh Thủ đô, Công an Nhân dân

Di dời các khoa gây ô nhiễm khỏi bệnh viện Bạch Mai

UBND TP Hà Nội yêu cầu quy hoạch Bệnh viện Bạch Mai theo hướng nâng cấp, cải tạo xây dựng lại hệ thống bệnh viện có kết hợp di dời các khoa gây ô nhiễm, giảm số lượng giường bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ 1/500. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết thuộc địa bàn phường Phương Mai, quận Đống Đa. Phía Bắc một phần giáp phố Phương Mai, phần còn lại giáp các bệnh viện: Da liễu Trung ương, Lão Khoa và Việt - Pháp; phía Đông giáp đường Giải Phóng và giáp bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương; phía Nam giáp khu dân cư phường Phương Mai; phía Tây giáp khu dân cư phường Phương Mai.

Tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 13,81 ha. Trong đó, diện tích đất nằm ngoài quản lý của Bệnh Viện Bạch Mai khoảng: 2,51 ha (gồm Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, bệnh viện Lão Khoa Trung ương); diện tích đất nằm trong quản lý của Bệnh Viện Bạch Mai (diện tích đất đề xuất lập quy hoạch chi tiết 1/500) khoảng 10,6 ha. Theo đề xuất, quy mô giường bệnh khoảng 1.770 giường.

Quy hoạch nhằm cụ thể hóa các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chi tiết quận Đống Đa) và Quy hoạch phân khu đô thị HI-3 đang hoàn chỉnh, trình phê duyệt.

Mục tiêu của quy hoạch là nâng cấp, cải tạo xây dựng lại hệ thống bệnh viện có kết hợp di dời các khoa gây ô nhiễm, giảm số lượng giường bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và công tác nghiên cứu.

Cùng đó, khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, đảm bảo đồng bộ các yêu cầu về: công trình khám, điều trị nội - ngoại trú, nghiên cứu và đào tạo, hành chính - hậu cần... đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và nhu cầu học tập, nghiên cứu, đào tạo của sinh viên và cán bộ ngành y.

Đồ án cũng quy hoạch chi tiết công trình kiến trúc, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực xây dựng mới phù hợp với cảnh quan kiến trúc khu vực cải tạo chỉnh trang và khu vực di tích bảo tồn; đảm bảo quy hoạch theo hướng có không gian kiến trúc hiện đại, hài hoà giữa khu vực cải tạo với khu vực xây mới cũng như ưu tiên dành quỹ để xây dựng các khu vực cây xanh vườn hoa, tăng cường không gian xanh, giảm mật độ tăng tầng cao và nâng cấp công nghệ…

Pháp luật Việt Nam

Dịch sốt xuất huyết đã chững lại

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết trong 8 tuần vừa qua liên tục giảm.Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 22/10, cả nước có 148.261 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, tuần vừa qua ghi nhận 862 ca mắc sốt xuất huyết, tức đã giảm 159 ca so với tuần trước đó, và giảm 2.707 (tức giảm 75,8%) so với tuần cao điểm nhất.Không ghi nhận thêm ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi là 33.990 người (chiếm 97,8%), còn 781 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.Riêng tại TP Hà Nội, nơi diễn ra dịch sốt xuất huyết sớm hơn mọi năm với diễn biến phức tạp, hiện nay số ca mắc đã giảm mạnh liên tục trong suốt 9 tuần qua.Ghi nhận tuần thứ 41 cho thấy có tổng cộng 1.021 ca mắc sốt xuất huyết, tức giảm 46 ca so với tuần trước đó và giảm 2.547 ca so với tuần cao điểm của thành phố.Hiện nay, Hà Nội ghi nhận trung bình mỗi ngày có khoảng 100 ca mắc rải rác tại các quận, huyện và không có sự gia tăng đột biến số mắc mới ở bất cứ quận, huyện nào trên toàn thành phố.

Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm 80% (từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày).Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận huyện trong thành phố (2 quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông cũng chỉ còn trên 10 ca/ngày, các quận huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận.Trước diễn biến tích cực của dịch, ngành y tế vẫn đang tiếp tục giám sát và tiếp tục triển khai đồng bộ mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên duy trì các thói quen vệ sinh nơi ở, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt, tuyệt đối không chủ quan vì dịch sốt xuất huyết thường kéo dài tới tháng 11 hàng năm.

Lao động

Phát hiện thêm một vụ "VNPharma thứ hai": Lập công ty ma, bán thuốc ung thư giả

Trong khi phiên tòa xét xử lãnh đạo Cty VN Pharma với nghi án thuốc ung thư H-Capita 500mg chữa ung thư là thuốc giả đang diễn ra thì tại Hà Nội, một “vụ VN Pharma” nữa mới bị phát hiện.

Ngày 24.10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh (sinh 1981, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả. Trong đó, nhiều mặt hàng là thuốc chữa ung thư.

Lập Cty ma

Nguyễn Công Doanh là đối tượng buôn bán các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư không có nguồn gốc được dán nhãn Vidatox (một sản phẩm của công ty dược phẩm Labiofam - thương hiệu nổi tiếng của Cuba, được chiết xuất từ nọc độc bọ cạp xanh, có tác dụng giảm đau, phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhân ung thư) để trục lợi hàng trăm triệu đồng của những bệnh nhân ung thư.

Cơ quan công an kiểm đếm, niêm phong số tang vật phục vụ công tác điều tra. Trao đổi với Lao Động ngày 25.10, đại diện PC46 - Công an Hà Nội - cho biết, để “lòe” và làm cho người tiêu dùng tin tưởng Nguyễn Công Doanh đã tự thành lập một Cty BIDU Pharmanhưng không có pháp nhân

Cty này đối tượng tự gọi, tự đặt ra thương hiệu như vậy. Sau đó tung lên trang mạng để quảng cáo lừa người tiêu dùng. Đối tượng rất tinh vi khi bố trí đầy đủ các bộ phận như một Cty bình thường khác. Vẫn có các bộ phận như chăm sóc khách hàng, kế toán, giao dịch khách hàng…

Để duy trì được việc này, Nguyễn Công Doanh sử dụng rất nhiều số và nhiều điện thoại khác nhau. Khi khách hàng gọi đến các bộ phận thì đều liên lạc được nhưng người nghe vẫn duy nhất chỉ là Doanh.

Phòng PC46 - Công an Hà Nội - cho hay, việc phá vụ án này gặp rất nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Khi bắt đầu triển khai phá án, nguồn tài liệu lúc đó rất ít để chứng minh đối tượng phạm tội. Chính vì vậy, phải lần theo các bước, khi phát hiện đối tượng tung lên trang Web có tên Cty và địa chỉ cụ thể thì buộc cơ quan Công an phải tìm được pháp nhân của Cty này. Phải xác minh được Cty này là của ai, bao nhiêu người, hoạt động như thế nào?… Tuy nhiên, trong quá trình đi thực tế để xác minh địa chỉ thì có thật nhưng không hề có tên Cty đăng trên trang Web BIDU Pharma.

Về sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu Vidatox Plus là sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư do Tập đoàn Labiofam (Cộng hòa Cuba) sản xuất. Nhãn hiệu Vidatox là nhãn hiệu được bảo hộ theo văn bằng bảo hộ quốc tế số 1091524 đăng ký ngày 20.6.2011, có hiệu lực đến năm 2021 tại Văn phòng bảo hộ VIPO có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện này sản phẩm này mới chỉ một đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền. Quá trình làm việc, phía đơn vị đó cũng đã hợp tác cung cấp các tài liệu, nhận biết sản phẩm thật giả - cán bộ này nói.

Để phân biệt được sản phẩm này là giả nếu không có sự so sánh hay không tìm hiểu kỹ thì rất khó, ví dụ như các loại màu, tem nhãn, và hạn sử dụng của các sản phẩm. Theo cán bộ này, sản phẩm thật thì hạn sử dụng chỉ được 30 ngày trong khi đó loại giả này thì thời gian đối tượng tự in nên không cố định. Tem nhãn mác cũng thể hiện khác hẳn, loại thuốc giả tem ghi rõ BIDU Pharma trong khi đó loại thuốc thật không ghi hẳn như vậy...

Theo lời khai của Nguyễn Công Doanh, đầu năm 2015, Doanh là cộng tác viên bán sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu Vidatox cho một Cty phân phối độc quyền tại Việt Nam. Thấy có lãi nên Doanh bắt đầu tìm hiểu, đặt hàng và kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng từ nước ngoài về với giá rẻ (khoảng 2.400.000 đồng - 2.600.000 đồng/sản phẩm), sau đó đặt in các vỏ hộp, hướng dẫn sử dụng để đưa ra thị trường.

Khi đưa lên các trang Web, Doanh niêm yết giá 4.890.000 đồng/sản phẩm. Trong khi giá của một sản phẩm thật trị giá 5.950.000 đồng. “Đối tượng Doanh chủ yếu liên hệ và buôn bán qua các trang Web chứ không hề giao dịch trực tiếp với các hiệu thuốc trên địa bàn” - cán bộ này nói thêm.

Chưa được phép vẫn kinh doanh thuốc chữa ung thư

Theo quy trình nhập khẩu thuốc của Bộ Y tế, một Cty dược nước ngoài muốn được cấp phép phải nộp hồ sơ, các giấy tờ liên quan để Bộ Y tế xem xét. Với các đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký khác, Cục Quản lý Dược tổ chức thẩm định hồ sơ, với tổ 10 chuyên gia thẩm định từ Đại học Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Cục Quản lý Dược. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu cần có giấy chứng nhận thuốc lưu hành tự do (FSC) và giấy chứng nhận nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).

Với thuốc điều trị ung thư Vidatox đã có không ít những lùm xùm trong thời gian qua. Đặc biệt là thị trường thuốc Vidatox được rao bán rầm rộ. Dễ dàng nhận thấy nhất là trên mạng internet. Thuốc được quảng cáo, rao bán, công khai trên mạng.

Tuy nhiên, vào giữa năm 2014, TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế (thời điểm đó đang là Cục trưởng Cục Quản lý dược) đã có văn bản gửi các cơ sở y tế khuyến cáo sử dụng thuốc Vidatox 30CH và các sản phẩm có tên gọi tương tự. Theo đó, thuốc Vidatox 30CH được nghiên cứu và sản xuất từ nọc bọ cạp xanh sống ở Cuba và một số nước khu vực Caribe và Trung Mỹ. Thuốc Vidatox 30CH đã được đăng ký lưu hành tại Cuba và một số nước. Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh thuốc có hiệu quả giảm nhẹ triệu chứng ung thư.

Với kết quả này, thuốc Vidatox 30CH dùng để điều trị giảm nhẹ triệu chứng đau cho bệnh nhân ung thư, không có chỉ định điều trị ung thư cho bệnh nhân. Thuốc Vidatox 30CH chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam mà mới chỉ được phép nhập khẩu với số lượng hạn chế theo nhu cầu đặc biệt của bệnh viện.

Đến thời điểm này, thuốc Vidatox mới được cấp phép lưu hành tại Trung Quốc và Mỹ Latinh. Tại Việt Nam, mới chỉ có thực phẩm chức năng Vidatox được Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận là thực phẩm an toàn và Vidatox này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc chữa bệnh.

Ngay cả tại phiên họp liên Chính phủ Việt Nam - Cuba lần thứ 35 diễn ra từ ngày 28.9-3.10 vừa qua, Vidatox đã được đề cập tới. Trong đó khẳng định, hiện chỉ có HT Pharma tiếp tục giữ vai trò là đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm VidatoxPlus tại thị trường Việt Nam.

Tập đoàn Labiofam tiếp tục ủy quyền cho HT Pharma là đơn vị duy nhất tiến hành các thủ tục pháp lý để đưa sản phẩm Vidatox30CH vào lưu hành tại thị trường Việt Nam dưới dạng dược phẩm trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, ngoài Vidatox Plus, thì các sản phẩm Vidatox 30CH đang bán trên thị trường cũng đều là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.

Theo đại diện từ tập đoàn Labiofam, Vidatox bị làm giả không chỉ ở Việt Nam, thị trường Trung Quốc, mà còn bị làm giả ở ngay tại Cuba.

Chặn đà bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Sau giai đoạn dài loay hoay với tình trạng bội chi Quỹ Khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (KCB BHYT), nay BHXH tỉnh Bình Định áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để từng bước chặn đứng đà tăng phi mã này.

9 tháng, kết dư hơn 210 tỉ đồng

Tại Hội nghị đánh giá công tác KCB BHYT 9 tháng đầu năm do Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức mới đây, câu chuyện mất cân đối thu - chi tiếp tục được mổ xẻ. Theo báo cáo chính thức, sau 9 tháng, toàn tỉnh có 1.208.324 thẻ BHYT, tăng 49.477 thẻ so với năm 2016. Số lượt KCB của người được cấp thẻ là 1.946.799 lượt, tăng 66.332 lượt so với cùng kỳ 2016; tần suất KCB BHYT là 1,61%, tăng 0,11%. Với áp lực như vậy, chi phí KCB BHYT đã phình ra tới 874,75 tỉ đồng trong khi Quỹ KCB BHYT chỉ có 664,64 tỉ. Vượt ngưỡng 210 tỉ đồng, bội chi lan rộng trên địa bàn. Những cơ sở có mức chi KCB BHYT cao là Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền, Phòng khám Đa khoa tư nhân Diêu Trì, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y tế An Nhơn, Trung tâm Y tế Hoài Ân, Trung tâm Y tế Vân Canh...

Ông Hà Thúc Chí - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định - lý giải, có lý do từ cơ chế nhưng cũng có bất cập, khiếm khuyết trong quá trình triển khai thực hiện. Một số cơ sở KCB có hiện tượng cán bộ y tế khám, điều trị không đúng chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề hay quy định của Bộ Y tế; chỉ định sử dụng thuốc tân dược trái Thông tư số 40 ngày 17.11.2014 của Bộ Y tế; chỉ định sử dụng chế phẩm y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền không theo hướng dẫn tại Thông tư số 05 ngày 17.3.2015 của Bộ Y tế; áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; thanh toán giường bệnh điều trị nội trú vượt quá số giường thực kê... Ông Chí cũng thừa nhận cơ quan quản lý chưa kiểm soát tốt chi phí KCB; còn có tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 24.10, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định Phạm Mai cho rằng, đã có tâm lý nôn nóng khi hoạch định lộ trình BHYT toàn dân. “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 2015, đến 2016, chúng ta đã mở cửa cho thông tuyến cấp huyện, khi điều kiện đi kèm chưa thực sự sẵn sàng. Thêm nữa là sức ép tính đúng, tính đủ giá thành dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37 năm 2015 của Bộ Tài chính - Y tế. Bội chi Quỹ BHYT không phải câu chuyện cá biệt, chỉ riêng Bình Định đối mặt. Nó là vấn đề của cả nước”.

Giảm 12 tỉ đồng trong tháng 9

Cho rằng bội chi là một thực tế không thể né tránh trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định Phạm Mai thông báo, đã có dấu hiệu tích cực nhờ nỗ lực kiểm soát chi tiêu Quỹ KCB BHYT. Như Lao Động đã phản ánh, cuối 2016, đầu năm 2017, nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Sở Y tế Bình Định, của BHXH Việt Nam đã thanh kiểm tra hàng chục cơ sở KCB cả công lập, lẫn tư nhân. Có phòng khám bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, bị đề nghị truy thu tiền tỉ, bị đóng cửa ròng rã 2 tháng. Có cơ sở KCB đầu ngành không được chấp nhận thanh toán gần 9 tỉ đồng; bị buộc chứng minh, giải trình gói chi phí kỹ thuật hơn 30 tỉ đồng khác. “Ngay những cá nhân lợi dụng kẽ hở quản lý, quanh năm suốt tháng thập thò tới lui phòng khám, lấy thuốc đem bán thủ lợi, chúng tôi cũng xử lý mạnh tay, mời cả công an vào cuộc. Nhóm này, năm 2016 có 143 trường hợp bị phát hiện, đến tháng 7.2017 chỉ còn 15 người” - ông Mai dẫn chứng.

Tháng 8.2017, UBND tỉnh Bình Định tổ chức liên tiếp hai cuộc họp, chỉ đạo siết chặt quản lý công tác đấu thầu thuốc, KCB BHYT. Ngày 26.9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 27-CT/TU về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KCB BHYT”, yêu cầu “đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý, cơ sở KCB trong việc thực hiện KCB BHYT, đảm bảo “đúng người, đúng bệnh, đúng thuốc”, thực hiện công bằng trong hưởng thụ chính sách BHYT, phòng chống các hiện tượng lãng phí, lạm dụng Quỹ BHYT, ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”.

Tinh thần chỉ đạo trên được Sở Y tế cụ thể hóa thành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc. Đó là tập hợp những giải pháp, ràng buộc ngặt nghèo, khả dĩ khắc chế sự tùy tiện, buông thả ở các cơ sở KCB. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ, chẳng hạn giải pháp kiểm soát chặt việc chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng hay giải pháp kiểm soát việc chỉ định thuốc, nghiêm cấm in đơn thuốc ngoại trú tại các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện. “Chúng tôi hài lòng về sự phối hợp này. Tất nhiên, còn phải huy động nhiều giải pháp hỗ trợ. Chỉ đạo, điều hành cũng phải điều chỉnh để theo kịp tình hình. Trên thực tế, đà bội chi được kìm hãm ngay từ tháng 9, khi số lượt người KCB giảm từ 252.200 xuống còn 220.206 lượt, chi KCB giảm từ 114,01 tỉ đồng xuống còn 101,76 tỉ, tương đương 12,24 tỉ đồng” - ông Mai cho biết.

Tuổi trẻ

222 bệnh nhân được điều trị với robot phẫu thuật

TTO - Đó là kết quả sau gần một năm triển khai phẫu thuật robot cho người lớn tại VN được thực hiện ở Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM).

Theo ghi nhận của nhà sản xuất hệ thống robot phẫu thuật, 222 người bệnh được điều trị thành công trong năm đầu tiên là "ngoạn mục" và "ấn tượng" so với số liệu của các trung tâm phẫu thuật robot lớn hiện nay trên thế giới.

Hiện 14 êkíp bác sĩ của bệnh viện gửi đi đào tạo tại nước ngoài đã được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế về phẫu thuật robot.

TS.BS Trần Vĩnh Hưng - giám đốc Bệnh viện Bình Dân - cho biết như trên tại lễ kỷ niệm một năm triển khai phẫu thuật robot và đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 ngày 28-10.  

Cũng theo TS Trần Vĩnh Hưng, Bệnh viện Bình Dân là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ robot trong phẫu thuật nội soi.

Đây là kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới giúp điều trị triệt để, bảo tồn tốt nhất chức năng các cơ quan còn lại, giảm tối đa nguy cơ tai biến và biến chứng thường gặp sau phẫu thuật.

Ngoài ra, khi phẫu thuật bằng robot người bệnh trải qua phẫu thuật nhẹ nhàng hơn, ít đau, hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn và chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật cao hơn….

 Với mục tiêu giúp những người bệnh cần sự hỗ trợ của robot phẫu thuật trong điều trị, Bệnh viện Bình Dân đã miễn giảm chi phí phẫu thuật robot cho hơn 60 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ vậy nhiều người bệnh được thụ hưởng thành tựu ngoại khoa tân tiến nhất hiện nay và thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh của một bệnh viện công trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vụ ngộ độc sữa: còn 39 học sinh phải nằm viện

TTO - Chiều tối 27-10, tại Trung tâm Y tế Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) vẫn còn một số học sinh trường tiểu học Lái Hiếu có biểu hiện sốt, nôn ói, đau bụng phải ở lại theo dõi.

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Huân, giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), trong số hơn 400 học sinh thuộc hai trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy), đến bệnh viện do uống sữa pha sẵn tại trường sáng 27-10, chỉ có 39 em có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn ói được giữ lại điều trị.

Trước đó, khoảng 7h sáng 27-10, Trường tiểu học Lái Hiếu cho học sinh toàn trường uống sữa Milo của nhãn hàng Nestle. Khoảng 30 phút sau khi uống sữa, các em bắt đầu có hiện tượng nôn ói, đau bụng, chóng mặt và tiêu chảy… 

Nhà trường liền phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đưa học sinh có dấu hiệu ngộ độc đi cấp cứu. 

Cùng khoảng thời gian này, Trường tiểu học Nguyễn Hiền (phường Hiệp Thành) cũng xảy ra ngộ độc tương tự và cũng được đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy.

Đến 9h sáng cùng ngày, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đã tiếp nhận khoảng 400 học sinh có dấu hiệu ngộ độc do sữa.

Bác sĩ Lê Văn Thắng, trưởng khoa cấp cứu tổng hợp Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết trước mắt đánh giá học sinh bị ngộ độc do sữa. Đa phần học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, mệt nên được cho uống thuốc, một số trường hợp phải truyền dịch.

 

Ngày 02/11/2017
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích