Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 4 8 1 0
Số người đang truy cập
5 3
 Tin tức - Sự kiện
Người dân ở ổ dịch bạch hầu xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn được tiêm chủng văc xin phòng bạch hầu vào tháng 7-2015. Ảnh: LÊ TRUNG-Báo Tuổi trẻ
Điểm tin y tế từ các báo từ ngày 09/10 đến ngày 12/10 năm 2017

59 tỉnh bội chi quỹ bảo hiểm y tế; Xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam; Bộ Y tế đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh; Bệnh sốt xuất huyết tăng vọt, diễn biến bất thường ở ĐBSCL; Xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại Hà Giang; Ngộ độc thức ăn đường phố: Rước bệnh vào thân vì quá dễ dãi;Hà Nội ghi nhận khoảng 150 ca sốt xuất huyết/ngày;  Tiếp tục tập trung vào 5 biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Tiền phong

59 tỉnh bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến năm nay Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều địa phương đến nay đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm của tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị. Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi, nhiều nơi dự kiến bội chi 500-1.000 tỷ như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình,

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh của Quỹ BHYT chủ yếu là do  việc điều chỉnh các chính sách như điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng; chính sách thực hiện thông tuyến xã lên huyện và liên huyện. Cùng với đó, ngành Y tế cũng triển khai mạnh mẽ các chương trình chuyển giao kỹ thuật từ trung ương về tỉnh, huyện, xã đã giúp các dịch vụ kỹ thuật cao được cập nhật thường xuyên, thực hiện nhiều ở các tuyến cơ sở khám chữa bệnh.

Theo thống kê, từ 2015-2016, kỹ thuật phẫu thuật tim hở tăng 17%, can thiệp tim mạch tăng 12%, phẫu thuật thay khớp gối tăng 71%, hay phẫu thuật thay khớp háng tăng 48%...

Cùng với đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng cao do thay đổi mô hình bệnh tật, già hóa dân số (người già thường mắc 3-4 bệnh mạn tính). Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, tiểu đường làm gia tăng chi phí điều trị xét nghiệm, thuốc…

Liên quan đến vấn đề lạm dụng dịch vụ y tế, ông Khảm cho rằng phải nhìn nhận khách quan, công bằng từ nhiều phía, cả người dân tham gia BHYT và cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian qua, có trường hợp cơ sở khám chữa bệnh, có hiện tượng chỉ định sử dụng dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa thực sự cần thiết, hoặc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian nằm viện không cần thiết. Đó là hiện tượng đơn lẻ, xảy ra tại một số cơ sở, tình trạng này không phải mang tính hệ thống.

Tổng hội Y học Việt Nam mới đây thực hiện nghiên cứu phân tích hồ sơ bệnh án các bệnh nhân đã ra viện tại một số cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, tư nhân, trạm y tế xã để đánh giá sự gia tăng chi phí y tế. Theo kết quả ban đầu, số chi do lạm dụng chiếm khoảng 5% tổng chi. Ông Khảm cho hay, lạm dụng gồm 2 cấp độ: chỉ định phù hợp với chẩn đoán nhưng không cần thiết và chỉ định không phù hợp chẩn đoán. Vì thế, theo đại diệnVụ BHYT: “Việc Bảo hiểm xã hội kiểm tra trên hệ thống thông báo từ chối thanh toán hàng triệu hồ sơ bệnh án, với hàng trăm tỷ đồng không phải tất cả là do “làm ăn gian dối” mà có thể chuyển dữ liệu bị lỗi, nhập mã sai, lỗi kỹ thuật...; ngoài ra cũng có trường hợp chỉ định không cần thiết. Ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai có trường hợp chụp Xquang 12 lần trong một ngày nhưng không có chuyện đó mà do bị lỗi”.

Trước thực trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT, nhiều người lo ngại, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng vì quỹ đang bị thu hẹp lại. Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: “Quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này. Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền tràn lan, không hợp lý, làm tăng chi trong khi nguồn quỹ có hạn…”.

Thanh niên

Xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam

Sáng 11.10, Sở y tế tỉnh Quảng Nam cho biết vừa phát hiện một ổ dịch bạch hầu tại Trường tiểu học xã Trà Vân (H.Nam Trà My) với 7 em học sinh mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Trường tiểu học xã Trà Vân với 8 lớp gồm 199 học sinh (148 em nội trú, phân bố chỉ trong 3 phòng ở) và 14 thầy cô, cấp dưỡng.

Từ cuối tháng 9, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, UBND H.Nam Trà My và Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng tỉnh đã nhận được thông tin từ TTYT H.Nam Trà My về một số trường hợp mắc bệnh tại Trường tiểu học xã Trà Vân.

Qua nắm bắt tình hình, ngành y tế Quảng Nam ghi nhận có ổ dịch nghi bạch hầu tại trường tiểu học xã Trà Vân với 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng, đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó có 3 người cùng nhà) và đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang.

Kết quả xét nghiệm sơ bộ ngày 5.10 cho thấy 7/7 ca dương tính với vi rút bạch hầu, gồm 3 nam và 4 nữ có độ tuổi từ 8 - 12.

Theo Sở Y tế, hiện có 6 ca đang được điều trị tại Bệnh viện H.Nam Trà My, đáp ứng với điều trị và tiến triển tốt. Riêng ca bệnh Hồ Bảo Ph. (6 tuổi, phát bệnh ngày 27.9, vào TTYT H.Nam Trà My sáng 29.9), được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1.10, bệnh trở nặng và được chuyển đến bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, rồi bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng trong ngày. Đến 12 giờ ngày 3.10, bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim

Bộ Y tế đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết để phù hợp với mức sinh và quy mô dân số, bộ này đang đưa ra 3 phương án điều chỉnh mức sinh, đề xuất các cặp vợ chồng được tự quyết định số con. Theo đó, phương án 1: duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt; thực hiện thông qua vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Với những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) tiếp tục vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Những nơi tỷ lệ sinh thấp (khu vực Đông Nam bộ) phải vận động nâng mức sinh.

Phương án 2: tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1 - 2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số.

Phương án 3: cho sinh thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).

Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái, các địa phương sẽ phải có chính sách điều chỉnh cho sát mức sinh thay thế. Với phương án 3, nhiều chuyên gia lo ngại dân số tăng trở lại. Vì thế, Bộ Y tế mong muốn thực hiện phương án 1.

Dù vậy, đại diện ngành dân số cũng khẳng định việc khuyến khích sinh thêm con ở những vùng mức sinh thấp là rất khó. Theo ông Tân, từ năm 1993 đến nay chính sách dân số chủ yếu là vận động sinh ít con, hầu như không phạt ngoại trừ một số địa phương. Ngay cả với nhóm đối tượng là đảng viên, từ năm 2011 - 2012 cũng đã thay quy định về xử phạt đối với người sinh đến con thứ 5 mới bị khai trừ Đảng, thứ 4 mới cảnh cáo, con thứ 3 khiển trách.

Ông Nguyễn Văn Tân cho hay, số con trung bình của phụ nữ tuổi sinh đẻ đã giảm các năm qua, hiện ở mức 2,09 con và duy trì hơn 10 năm qua. Riêng khu vực Đông Nam bộ số con trung bình hiện rất thấp (1,7 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ); TP.HCM thấp nhất nước với 1,4 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ; Cao nhất thuộc về khu vực trung du và miền núi phía bắc (2,69 con). Tại Hà Nội, số con trung bình là 2,1 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ. Dự báo năm 2017 dân số nước ta khoảng 93,4 triệu người.

Bệnh sốt xuất huyết tăng vọt, diễn biến bất thường ở ĐBSCL

Trong đó có 3 ca tử vong là trẻ em và hơn 150 ca trong tình trạng nặng. Điều đáng lo ngại là bệnh đang có chiều hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp.

Tại TP.Cần Thơ, Trung tâm y tế dự phòng thành phố cho biết bệnh SXH vẫn đang tăng mạnh, chưa có dấu hiệu chững lại. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2017, tỷ lệ mắc SXH tại Cần Thơ tăng 66% so với cùng kỳ năm 2016, riêng tháng 9 tăng đến 101%. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tính đến tháng 9.2017, bệnh viện này tiếp nhận điều trị gần 2.500 ca SXH điều trị ngoại trú và gần 1.500 ca nội trú.

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay đã có trên 2.600 ca mắc SXH, trong đó 3 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 1 người lớn.

Xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại Hà Giang

Ngày 9-10, Sở Y tế Hà Giang thông báo xác định nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm khi đi ăn cỗ đám hỏi tại gia đình ông Lý Seo Hỏa, thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên khiến 58 người nhập viện, trong đó có ba người tử vong.

Sau nhiều ngày được điều trị tích cực, đến nay, 55 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.

Về kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm có trong mâm cỗ, xác định nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm là do thịt lợn luộc, thịt lợn xào nhiễm vi khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng) vượt quá giới hạn cho phép, cụ thể: S.aureus (CFU/mg) có trong thịt lợn luộc là 1,2x104; thịt lợn xào là 1,5x104 (giới hạn cho phép là 102).

Về mẫu rượu trắng có trong mâm cỗ, sau khi xét nghiệm, xác định lượng methanol trong giới hạn cho phép.

Qua điều tra tại gia đình ông Lý Seo Hỏa, điều kiện nơi chế biến thức ăn không bảo đảm; không có dụng cụ bảo quản thức ăn; nước dùng cho sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh (lấy từ khe nước trên rừng); số thịt lợn mua về chế biến không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ

Sức khỏe & Đời sống

Ngộ độc thức ăn đường phố: Rước bệnh vào thân vì quá dễ dãi

Tại nhiều địa điểm kinh doanh, thức ăn đường phố không phải mang đi xét nghiệm mà có thể nhìn rõ bằng mắt, ngửi bằng mũi đã nhận thấy thực phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn đông khách.

Điều này cho thấy người tiêu dùng quá dễ dãi với an toàn thực phẩm (ATTP). Hà Nội hiện có khoảng 20% số cơ sở không đảm bảo ATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất lớn.

Gần 20% cơ sở bán thức ăn đường phố ở Hà Nội không an toàn

TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới cũng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là quản lý ATTP tại các cơ sở này không hề dễ dàng. Theo thống kê của Cục ATTP, năm 2016, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên toàn quốc thì 3,2 - 5,7% tổng số vụ là do thức ăn đường phố, nhiều nơi xảy ra 2 - 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên cùng một địa bàn.

Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 26.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó đa số là cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín), 5.218 cơ sở thức ăn đường phố. Hàng năm, các đoàn kiểm tra giám sát trung bình 110.000 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chí ATTP trên 80%, khoảng gần 20% số cơ sở chưa đạt.

Vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chậm thay thế trang thiết bị, dụng cụ cũ hỏng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa kể đến việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị...

Từ thực tiễn, ông Tụ thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố, nguyên nhân là do số cơ sở lớn, luôn di biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang... Những nơi này có nhiều quán ăn bình dân không đảm bảo điều kiện ATTP nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, theo ông Tụ, một số địa phương chưa quan tâm thường xuyên, còn nể nang trong quản lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm. Ý thức thực hành vệ sinh của người chế biến còn hạn chế, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Nhìn đã thấy thực phẩm không đảm bảo nhưng vẫn... đông khách

Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, TS. Lâm Quốc Hùng cho rằng, rất khó có thể kiểm soát được một cách triệt để thức ăn đường phố. Nguyên nhân đến từ tính thiếu tự giác, làm ăn gian dối của một số cơ sở kinh doanh cũng như sự dễ dãi, đồng tình với nguy cơ mất ATTP của người tiêu dùng.

“Thậm chí, tại nhiều địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố không phải mang đi xét nghiệm mà có thể nhìn rõ bằng mắt, ngửi bằng mũi đã nhận thấy thực phẩm không đảm bảo nhưng vẫn đông khách. Có cầu ắt có cung, như vậy khiến cơ quan chức năng có dẹp đến mấy cũng khó. Hơn nữa những cơ sở trên thường hoạt động ngoài giờ hành chính, cơ quan chức năng có theo dõi 24/24 giờ cũng khó có thể kiểm soát triệt để” - TS. Lâm Quốc Hùng nói.

Ông Lâm Quốc Hùng cũng cho biết thêm, hiệu lực quản lý thức ăn đường phố các cấp quận huyện còn chưa thường xuyên, chưa cao, chỉ khi nào UBND vào cuộc một cách quyết liệt, triệt để các cơ sở mới không thể làm ăn dối trá. Bởi chính chính quyền nắm rõ trong tay từng cơ sở một.

Hiện tại, UBND TP Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, trong đó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 tuần 1 lần, Phó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần 1 tuần... Tuy vậy, từ thực tiễn ở cơ sở, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng phần lớn các phường giao nhiệm vụ đảm bảo ATTP cho Trạm Y tế phường nên dễ dẫn tới quá tải.

Mặt khác, thực tế có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ như quán trà sữa, cháo dinh dưỡng nhưng đứng tên công ty và do thành phố cấp giấy chứng nhận kinh doanh nên ở cấp xã phường, quận huyện khó vào kiểm tra kịp thời. Do vậy, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy kiến nghị thành phố Hà Nội cần hướng dẫn phân cấp quản lý về ATTP triệt để hơn nữa.

Để đề án BVVT đạt hiệu quả

Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2013 với mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải ở BV tuyến trên, giảm công suất sử dụng giường bệnh thuộc tuyến Trung ương và các BV tuyến cuối...

Kỳ 1: Khắc phục khó khăn ở BVVT

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cả BV hạt nhân nơi chuyển giao kỹ thuật và BVVT nơi tiếp nhận kỹ thuật vẫn còn rất nhiều việc phải làm...

Gia Lai một tỉnh nằm ở khu vực Tây Nguyên nằm cách xa 2 trung tâm y học lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do đó, chi phí để người dân lên tuyến trên điều trị là rất lớn, đặc biệt đối với người dân ở địa phương này chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Do đó, xây dựng và phát triển BV đa khoa tỉnh trở thành BVVT tại đây là rất thiết thực. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án BV tỉnh gặp không ít khó khăn. Khó khăn không chỉ là phải có nguồn nhân lực có trình độ để đi học tập và tiếp nhận các kỹ thuật được chuyển giao mà còn về cơ sở vật chất, máy móc hạ tầng và thiết bị kỹ thuật...  Theo đề án, Khoa Tim mạch, BV đa khoa tỉnh là khoa vệ tinh của BV Tim Hà Nội, vì vậy để thực hiện được các kỹ thuật được chuyển giao theo kế hoạch, thì Khoa Tim mạch phải đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của BV hạng 1 như quy mô giường bệnh; có phòng cấp cứu tim mạch và bệnh nặng; phòng điều trị, phòng thủ thuật, phòng đo điện tâm đồ và phòng điện tâm đồ gắng sức, phòng siêu âm tim, phòng xử lý dụng cụ... Thế nhưng, hiện tại BV tỉnh chưa có chuyên khoa tim - mạch, giường bệnh, buồng bệnh ở rải rác các khoa nên không tập trung bệnh nhân, không được chuyên khoa hóa...

Tương tự, BV đa khoa tỉnh Sơn La cũng là một trong những BV tham gia rất sớm vào Đề án BVVT của Bộ Y tế và là BVVT của BV Bạch Mai, BV Việt Đức. BV đã rất nỗ lực trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được với nhu cầu tiếp nhận kỹ thuật cao do tuyến trên chuyển giao. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc BV, nguồn vốn đối ứng và để đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại vẫn đang là bài toán nan giải với BV. Đây cũng là khó khăn, vướng mắc nhất mà BV gặp phải.

Khó khăn không chỉ với BVVT mà ngay cả đối với BV hạt nhân nơi đi chuyển giao kỹ thuật. Một giám đốc của BV tuyến Trung ương có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chuyển giao kỹ thuật nhận xét, có những đơn vị tham gia Đề án BVVT được địa phương quan tâm đầu tư máy móc hiện đại rất tốt, nhưng có những địa phương không có thiết bị máy móc theo yêu cầu của kỹ thuật được chuyển giao, do đó các thầy có chuyển giao thì về học viên cũng không thể thực hành và do đó làm giảm hiệu quả, mất thời gian...

Mặc dù vậy, để đạt được hiệu quả, các BVVT cũng đang gắng sức vận dụng mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đề án BVVT là một chủ trương lớn của ngành y tế nhằm tăng cường phát triển hệ thống y tế tuyến tỉnh, thành phố; giảm tình trạng quá tải cho y tế tuyến Trung ương. Theo đó, mục tiêu đạt được là sau khi đã hoàn thành chuyển giao các kỹ thuật, yêu cầu đặt ra đối với các BVVT đó là phải đảm bảo duy trì bền vững các kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao của BV hạt nhân; không chuyển lên tuyến trên các loại hình bệnh tật thuộc lĩnh vực kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao, trừ các trường hợp vượt quá khả năng. Song, với những khó khăn hạn chế như hiện nay thì sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hà nội mới

Hà Nội ghi nhận khoảng 150 ca sốt xuất huyết/ngày

Ngày 9-10, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 2 đến 8-10), toàn thành phố ghi nhận 1.068 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 160 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.501 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8-2017).

Cụ thể, 24 quận, huyện có số ca mắc giảm, 2 quận, huyện có số mắc tương đương tuần trước. Hiện chỉ có 6 quận, huyện: Sóc Sơn, Cầu Giấy, Ba Đình, Phú Xuyên, Gia Lâm và Thanh Xuân có số mắc tăng từ 1 đến 8 ca/tuần và chỉ còn 271 ổ dịch đang hoạt động (giảm 89 ổ dịch so với tuần trước). Dù vậy, Hà Nội vẫn ghi nhận khoảng 150 ca sốt xuất huyết/ngày. Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận 97 trường hợp mắc tay chân miệng, 2 trường hợp viêm não Nhật Bản tại xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) và xã Đông Quang (huyện Ba Vì).

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn có diễn biến phức tạp. Hiện cả nước đã ghi nhận hơn 143.000 trường hợp mắc, trong đó có 30 ca tử vong. Dù số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 8 tuần gần đây trên địa bàn thành phố, nhưng qua kiểm tra cho thấy nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể gia tăng trong các tuần của tháng 10 và tháng 11-2017

Tiếp tục tập trung vào 5 biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Chiều ngày 11-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố đã chủ trì cuộc giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 8 tuần gần đây. Riêng trong tuần từ ngày 2 đến 8-10, toàn thành phố ghi nhận 1.068 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 160 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.501 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8-2017). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn có diễn biến phức tạp. Nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể gia tăng trong các tuần của tháng 10 và tháng 11-2017 nếu không tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tại cuộc họp, theo báo cáo của 8 quận, huyện, dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như tại quận Hà Đông, dù số ca mắc giảm so với những tuần trước nhưng việc kiểm tra cho thấy 102/29.000 hộ gia đình có ổ bọ gậy, 30/88 công trường xây dựng có ổ bọ gậy, 25/123 khu vực công cộng có ổ bọ gậy...

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát, tới giữa tháng 11-2017 thì có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh nếu duy trì tốt công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua có mưa liên tục, nhiệt độ giảm không đáng kể và đó là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. "Chúng ta phải giữ nhịp độ phòng chống dịch thật tốt trong vòng 4-6 tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ hai xuất hiện", ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố phải tiếp tục tăng cường phun thuốc diệt muỗi và diệt bọ gậy, tập trung vào những khu vực trọng điểm, khu nhà trọ; với những khu đất trống thì phải bảo đảm phun mù nóng liên tục 1 lần/tuần. Ngay từ bây giờ, toàn thành phố cần lên kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho năm 2018, đưa ra giải pháp duy trì các đội xung kích, tổ giám sát..., sẵn sàng ứng phó khi có dịch.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, dù số ca mắc liên tục giảm trong những tuần gần đây nhưng UBND thành phố vẫn tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch trên tinh thần không được chủ quan. Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với một số tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Nam Định. Bên cạnh đó, vẫn còn 3/12 xã, phường có tỷ lệ phun thuốc dưới 90%, 8/12 số đơn vị có tỷ lệ ổ bọ gậy từ 20% đến 50%. Điều đó cho thấy công tác chống dịch vẫn có hạn chế nhất định, việc diệt bọ gậy và phun thuốc chưa triệt để. Các địa phương không được chủ quan, cần tuyên truyền bằng các hình thức thích hợp để người dân chủ động tham gia thực hiện giải pháp phòng, chống dịch tại gia đình và cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, thời gian tới, toàn thành phố tiếp tục tập trung thực hiện 5 biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Từ các gia đình cho đến cơ quan, xí nghiệp, công trường, trường học phải thực hiện một tuần tổng vệ sinh môi trường một lần, tập trung tìm diệt triệt để các ổ bọ gậy, không để phát triển thành muỗi... Sở Y tế vừa tăng cường số lượng máy phun, nơi nào thiếu máy phun, thiếu nhân lực thì phải có đề xuất để được bổ sung kịp thời.

Công an Nhân dân

Kháng thuốc khiến nhiều người bệnh chỉ còn đường ra …nghĩa trang

70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) - nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư nhưng điều đáng lo ngại là việc kháng thuốc kháng sinh khiến nhiều loại thuốc điều trị HP ở nước ngoài đạt hiệu quả tới 80% -90%, thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công chỉ dưới 80%, thậm chí có khi chỉ còn 50%- 60%. 

Đây là thông tin mới nhất về hậu quả của kháng thuốc kháng sinh được đưa ra tại hội nghị khoa học quốc tế về tiêu hóa gan mật diễn ra tại Hà Nội ngày 9-10.

Cách đây 2 tuần, Bộ Y tế cũng thừa nhận tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta đang ở mức nguy hiểm. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. 

Trong khi đó, nghiên cứu của ngành y tế đã chỉ ra có tới 88% nhà thuốc ở thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán kháng sinh không theo đơn. 

Ông Nguyễn Văn Kính-  Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ông từng thử vào hiệu thuốc mà không cần đưa bất cứ đơn thuốc kháng sinh nào, người bán cũng bán, kể cả kháng sinh thế hệ mới.

 Ông Lương Ngọc Khuê -Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, việc các nhà thuốc tùy tiện bán kháng sinh không cần đơn thuốc là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh. 

Bên cạnh đó, còn do các bác sỹ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp cũng như lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt....

Theo ông Cao Hưng Thái -Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB, một nghiên cứu của Cục Quản lý KCB ở hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 BV lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM cho thấy có tới 74% sử dụng kháng sinh không phù hợp. 

Điều này không chỉ khiến thất bại điều trị lên tới 63% so với 40% ở nhóm dùng kháng sinh phù hợp, mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc khi hầu hết các kháng sinh thông thường như: penicillin, tetracycline, streptomycine… hay kháng sinh cephalosporn thế hệ thứ 3 đều đã xuất hiện các khuẩn kháng thuốc. Do đó, nếu không ngăn chặn kịp thời, tương lai không có thuốc chữa bệnh đang ở cận kề.

Ông Nguyễn Văn Kính-  Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hậu quả của kháng thuốc là rất lớn, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, sử dụng nhiều thuốc, tăng chi phí điều trị. 

Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn. Hiện chỉ một số BV Trung ương hoặc tuyến tỉnh có labo vi sinh lâm sàng có thể giúp bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý.

Các BV còn lại thì việc sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ. Vì thế, việc sử dụng nhiều loại kháng sinh chưa hợp lý. Đặc biệt, nhiều người ngại đến BV khám bệnh, nên cứ sốt là nghi ngờ nhiễm khuẩn và tự mua thuốc, thậm chí, chưa hỏi mua thì người bán đã tư vấn dùng thuốc kháng sinh…

Nghiên cứu của Trường Đại học Dược Hà Nội cho thấy, số lượng người bệnh ở Việt Nam sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần so với người bệnh các nước châu Âu.

“Nếu không bắt đầu từ hôm nay thì tương lai, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn chỉ còn con đường đến... nghĩa trang, bởi vì kháng hết các thuốc kháng sinh thì không còn thuốc chữa”- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương lo ngại.

Đặc biệt, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết một thông tin đáng báo động: Có đến 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện, mà có một nguyên nhân khá phổ biến là rất nhiều trẻ được cha mẹ tự mua thuốc điều trị với liều lượng và chủng loại kháng sinh không hợp lý. Nhiều bệnh nhi chuyển từ tuyến dưới lên đã bị nhiễm khuẩn rồi nên cũng có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngay tại BV. 

Mà việc xử lý bệnh nhân bị kháng thuốc rất khó khăn. Phải có sự phối hợp giữa các chuyên ngành trên để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất, đồng thời phải theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các em bé để có thể vượt qua dược tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hàng ngày, BV phải xác định những ca nhiễm khuẩn BV và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng ca bệnh. 

Trong số 1.700 bệnh nhi điều trị nội trú, hầu hết đều trong tình trạng rất nặng: hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày, trẻ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng có khoảng 70-80 ca... Vì thế, việc kháng thuốc kháng sinh là điều đáng báo động, khi có nguy cơ đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Bộ Y tế cho biết, thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Trong khi tốc độ kháng thuốc ngày càng tăng thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có quá ít loại kháng sinh mới được nghiên cứu và phát triển để chống lại mối đe dọa của những căn bệnh nhiễm trùng kháng nhiều loại thuốc. 

Thế giới sắp cạn kiệt các loại kháng sinh hiệu quả là cảnh báo đầy lo ngại của WHO. Việc thiếu thuốc kháng sinh có thể khiến hàng triệu người đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đến tính mạng, như bệnh lao kháng thuốc, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình trạng kháng thuốc kháng sinh tác động lớn đến kinh tế - xã hội ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo của WHO về tình trạng kháng thuốc cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, số ngày nằm viện tăng hơn 3,2 triệu ngày và tăng số tử vong 38.000 người/năm; ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm do kháng thuốc kháng sinh.

Nhân dân

Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình tại các địa phương

Mô hình bác sĩ gia đình được Bộ Y tế triển khai tại một số địa phương đang được đánh giá cao trong việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cho người dân ở các địa phương.

Đề án mô hình bác sĩ gia đình đã triển khai đạt nhiều kết quả tốt tại tám tỉnh, thành phố trên cả nước. Vừa qua, ngày 9-10, Bộ Y tế tiếp tục triển khai mô hình này tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Bốn bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết hỗ trợ về mặt chuyên môn, thực hiện đào tạo và cử các bác sĩ về hỗ trợ cơ sở y tế xã hai tuần một lần để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao hơn.

Theo đề án, các bệnh viện tuyến trên sẽ cử bác sĩ để thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân hai tuần một lần. Sau khi quản lý hồ sơ người bệnh tốt, tiến tới sẽ về khám một tháng một lần. Các chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn qua điện thoại khi cần thiết. Điều này, vừa góp phần tạo uy tín cho các trạm y tế xã cũng như góp phần chuyển giao đào tạo tại chỗ cho các địa phương.

Ở giai đoạn một dự án triển khai tại tám tỉnh, thành phố, mô hình bác sĩ gia đình tại huyện Sóc Sơn được triển khai ba năm qua có nhiều thành quả tốt đẹp. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã có 97,4% dân số đã được theo dõi sức khỏe thông qua phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân (324.149 người dân đã được lập phiếu quản lý).

Bên cạnh việc triển khai quản lý, tích hợp hồ sơ theo mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép công tác khám chữa bệnh, lập hồ sơ quản lý tại hộ gia đình, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã thực hiện chuyển tuyến y học gia đình một số trường hợp bệnh nhân có nhu cầu lên các bệnh viện chuyên khoa, cũng như triển khai tư vấn sức khỏe qua điện thoại, chăm sóc người bệnh tại nhà, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân...

Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.

Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: “Nhiều ý kiến cho rằng, không cần có trạm y tế xã khi đã có bệnh viện. Điều đó không đúng vì trạm y tế có chức năng riêng trong việc chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo vệ môi trường. Còn thực tế, bệnh viện là môi trường đầy nguy cơ lây nhiễm bệnh. Quản lý bệnh mãn tính không cần bệnh viện”.

Theo đó, các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.

Với việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại tuyến y tế cơ sở như trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện… sẽ giúp đầu tư chất lượng dịch vụ y tế cao hơn, tay nghề bác sĩ được nâng cao hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chất lượng ở gần nơi mình sống nhất.

Sau khi triển khai tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Y tế cho biết, sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có quy trình triển khai mô hình bác sĩ gia đình nhanh hơn, vì thời gian triển khai vừa qua còn khá nhiều lúng túng.

Hiện nay hơn 80% dân số Việt Nam có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng nếu có thẻ mà dịch vụ cung cấp không đầy đủ thì thẻ không có ý nghĩa. Theo quan điểm của Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn thì “Phải đẩy nhanh tốc độ bao phủ dịch vụ y tế có chất lượng song song với bao phủ bảo hiểm y tế. Tốc độ bao phủ y tế không phải là vấn đề khó khăn nữa, quan trọng là bao phủ dịch vụ y tế”.

Một học sinh tử vong nghi bị bạch hầu

Ngày 11-10, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Văn cho biết, tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), vừa xuất hiện ổ bệnh bạch hầu làm một học sinh tiểu học tử vong; sáu trường hợp khác đang điều trị.

Sau khi nhận được thông tin về một số học sinh mắc bệnh bạch hầu tại Trường tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My), ngày 3-10, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Viện Pasteur Nha Trang và Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã đến trường để kiểm tra và thu thập thông tin.

Qua đó, đoàn công tác đã ghi nhận có ổ bệnh nghi bạch hầu tại trường, với bảy trường hợp mắc bệnh cùng các triệu chứng như: sốt, sưng hạch cổ, có giả mạc hầu họng, ăn uống khó khăn…

Đoàn công tác đã tiến hành lấy 10 mẫu dịch để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm sơ bộ, cho thấy 7/7 ca đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Hiện sáu ca đang điều trị tại Bệnh viện huyện Nam Trà My.

Riêng bệnh nhân Hồ Bảo Phúc (SN 2009), phát bệnh vào ngày 27-9. Sau đó, em Phúc được đưa vào Trung tâm y tế huyện Nam Trà My lúc 10 giờ ngày 29-9, tuy được điều trị tích cực, nhưng đến ngày 1-10, bệnh trở nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Quảng Nam, rồi đến Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng trong ngày. Tuy nhiên, đến 12 giờ ngày 3-10, bệnh nhi này đã tử vong do biến chứng viêm cơ tim.

Để khống chế ổ bệnh, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly xử lý ổ bệnh. Từ ngày 2-10 đến nay, Trung tâm y tế huyện Nam Trà My đã cử ba đội chống dịch bám sát địa bàn, thực hiện các hoạt động chống dịch bệnh. Nhiều đoàn công tác cũng đã đến các thôn, trường học trên địa bàn xã Trà Vân để tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại của bệnh bạch hầu và biện pháp phòng chống (vệ sinh cá nhân, mang khẩu trang...). Đến nay, trên địa bàn chưa phát hiện thêm ca mắc hay nghi mắc bệnh bạch hầu nào khác.

Vụ ngộ độc tại Hà Giang do thực phẩm nhiễm tụ cầu vàng

Ngày 9-10, ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, đã có báo cáo xác định nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm khi đi ăn cỗ đám hỏi tại gia đình ông Lý Seo Hỏa, thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên khiến 58 người nhập viện, trong đó có ba người tử vong.

Sau nhiều ngày được điều trị tích cực, đến nay, 55 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.

Về kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm có trong mâm cỗ, xác định nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm là do thịt lợn luộc, thịt lợn xào nhiễm vi khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng) vượt quá giới hạn cho phép, cụ thể: S.aureus (CFU/mg) có trong thịt lợn luộc là 1,2x104; thịt lợn xào là 1,5x104 (giới hạn cho phép là 102).

Về mẫu rượu trắng có trong mâm cỗ, sau khi xét nghiệm, xác định lượng methanol trong giới hạn cho phép.

Qua điều tra tại gia đình ông Lý Seo Hỏa, điều kiện nơi chế biến thức ăn không bảo đảm; không có dụng cụ bảo quản thức ăn; nước dùng cho sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh (lấy từ khe nước trên rừng); số thịt lợn mua về chế biến không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ.

Sở Y tế Hà Giang cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là trong các bữa ăn tập thể. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, tránh tình trạng buôn bán thực phẩm bẩn, ôi thiu trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng tài khoản y tế quốc gia

Ngày 10-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo về xây dựng tài khoản y tế quốc gia. Tài khoản y tế quốc gia sẽ giúp tập hợp các số liệu về các nguồn tài chính cho y tế, qua đó giúp cơ quan quản lý nắm rõ và cân đối, lập kế hoạch chi tiêu, đầu tư cho y tế. Trên cơ sở phân tích chi tiêu công cơ quan quản lý đưa ra dự toán, xây dựng kế hoạch ngân sách cho y tế, đồng thời xác định được chi phí y tế từ người dân phải chi trả. Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hệ thống tài khoản y tế và đây đang là nguồn số liệu tổng quan cung cấp các thông tin về tài chính y tế.

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc thiết lập tài khoản y tế là phải thu thập rất nhiều số liệu từ các nguồn: Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra dân số, số liệu lưu trữ trong các cơ sở... đòi hỏi phải có phối kết hợp chặt chẽ của nhiều ban, ngành chức năng

Nhận diện nguyên nhân gây bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, sáu tháng đầu năm 2017, quỹ BHYT đã chi cho KCB hơn 41 nghìn tỷ đồng, vượt 6.500 tỷ đồng so với dự toán. Quỹ KCB của các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Trị đã sử dụng 90% quỹ của cả năm. Dự kiến năm 2017, Quỹ BHYT bội chi hơn 10 nghìn tỷ đồng với khoảng 59 tỉnh, thành phố bội chi. Hiện nay, cả nước chỉ có bốn địa phương cân đối được quỹ KCB BHYT là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đác Lắc. Tình trạng bội chi đã xảy ra trong năm 2016 với khoảng hơn 7.600 tỷ đồng. Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) lo ngại, nếu điều chỉnh chính sách như mở rộng danh mục thuốc, chi trả thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS, chi trả thuốc lao, điều chỉnh giá dịch vụ y tế có kết cấu yếu tố công nghệ thông tin và khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định… thì dự kiến đến năm 2020 quỹ sẽ thiếu hụt khoảng 100 nghìn tỷ đồng để chi cho KCB BHYT.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, thời gian qua, nguyên nhân gia tăng chi phí quỹ KCB BHYT chưa được thông tin đầy đủ, gây hiểu nhầm cho người bệnh và nhân viên y tế. Cần đánh giá chính xác các nguyên nhân bội chi quỹ KCB BHYT để người bệnh yên tâm về quyền lợi, giúp cơ quan chức năng có những chính sách phù hợp quản lý quỹ. Bội chi quỹ BHYT bắt đầu từ 2016, do nhiều nguyên nhân: Mức đóng của người tham gia BHYT không thay đổi từ năm 2009 đến nay (mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng, tiền lương hưu...) nhưng quyền lợi của người tham gia BHYT đã được mở rộng, dẫn đến quỹ BHYT phải chi trả nhiều hơn. Từ năm 2015, theo quy định của Luật BHYT, một số đối tượng được điều chỉnh tăng mức hưởng BHYT. Từ năm 2016, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Việc điều chỉnh này nhằm triển khai giá dịch vụ KCB theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí được quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đánh giá của các chuyên gia BHYT, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến gia tăng chi phí quỹ BHYT. Nhờ thực hiện thông tuyến huyện trong KCB, người bệnh có điều kiện tiếp cận dịch vụ nhiều hơn, nhưng quỹ BHYT phải chi nhiều hơn cho người bệnh. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng đã được ứng dụng vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh và mô hình bệnh tật thay đổi dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng của người bệnh cũng là một trong những yếu tố làm tăng chi phí của quỹ. Ngành y tế tăng cường các chương trình, đề án chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trung ương về tuyến tỉnh, huyện khiến người có thẻ BHYT dễ dàng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương hơn so với trước đây.

Mặc dù các nguyên nhân khách quan nêu trên làm tăng chi phí quỹ BHYT nhưng việc tăng đó là theo lộ trình, nhằm đáp ứng quyền lợi ngày càng được mở rộng của người có thẻ BHYT. Bội chi quỹ hiện tại ở nhiều địa phương không ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân vì quỹ bù trừ giữa các tỉnh và cân đối được. Cuối năm 2016, quỹ BHYT còn dư hơn 47 nghìn tỷ đồng, dự báo nếu trong mỗi năm sử dụng thêm hơn 10 nghìn tỷ thì hết năm 2019 quỹ vẫn còn cân đối được.

Về nguyên nhân người bệnh và nhân viên y tế lạm dụng dịch vụ y tế, gây bội chi quỹ BHYT, ông Lê Văn Khảm khẳng định là có, tuy nhiên cần được đánh giá đúng mức độ và từng trường hợp cụ thể, nếu không, dễ gây hiểu nhầm đây là nguyên nhân chính gây bội chi quỹ thời gian qua. Ngành y tế kiên quyết ngăn chặn hành vi lạm dụng dịch vụ kỹ thuật trong KCB nhưng cần xem xét đó là hành vi cố tình chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết hay chỉ là sai sót trong quá trình thống kê, tổng hợp dữ liệu. Nếu sai sót do thống kê, nhập dữ liệu thì không thể coi là lạm dụng dịch vụ, còn nếu hành vi cố tình thì phải nêu rõ để cảnh báo, xử lý.

Vừa qua, Tổng hội Y học Việt Nam khảo sát, đánh giá nhanh thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT và nguyên nhân gây bội chi quỹ BHYT tại bốn tỉnh Thái Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa và An Giang. Kết quả cho thấy, bên cạnh nguyên nhân tăng giá dịch vụ y tế, tăng tần suất KCB, có nguyên nhân chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc không hợp lý với tỷ lệ không lớn. Có khoảng 10% dịch vụ kỹ thuật được chỉ định quá mức cần thiết, các nhận xét bệnh án không hợp lý đối với sử dụng thuốc chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Từ nguyên nhân bội chi do tăng giá dịch vụ y tế là nguyên nhân chính, nhiều chuyên gia BHYT cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và thống nhất một giá đối với người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT để khuyến khích toàn dân tham gia BHYT, tăng số thu cho quỹ. Điều chỉnh mức đóng BHYT cũng là một giải pháp để bảo đảm cân đối thu, chi. Để giải quyết tình trạng chỉ định quá mức về dịch vụ y tế và thuốc, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các loại bệnh để thống nhất thực hiện trong KCB và cơ sở để cơ quan BHXH giám định, thanh toán BHYT. Cần thành lập hội đồng đánh giá độc lập để giải quyết các trường hợp mà BHXH và bệnh viện không thống nhất được có phải là lạm dụng quỹ BHYT hay không. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xem xét đánh giá tác động của thông tuyến KCB BHYT để kiểm soát tình trạng gia tăng tần suất KCB, tự đi KCB nhiều lần. Những đề xuất nêu trên là giải pháp bền vững để bảo đảm cân đối quỹ mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT

Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam

Hà Nội còn hơn 270 ổ dịch sốt xuất huyết

Hiện Hà Nội vẫn còn hơn 270 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, chiếm gần 10% tổng số ổ dịch đã được khống chế.

Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội chiều 10/10, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần số ca sốt xuất huyết đã giảm 160 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.500 trường hợp so với tuần cao điểm hồi đầu tháng 8.

Cụ thể, trong tuần qua, toàn thành phố Hà Nội có trên 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Như vậy tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận trên 32.500 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó 7 trường hợp tử vong.

Số bệnh nhân đã khỏi chiếm 96%, tương đương 31.500 bệnh nhân, hiện còn trên 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Hiện Hà Nội vẫn còn hơn 270 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, chiếm gần 10% tổng số ổ dịch đã được khống chế.

Lao động

Cải tổ hệ thống bệnh viện công: Lợi cho dân, xóa lợi ích nhóm

Tại sao phải cải tổ hệ thống bệnh viện công lập? - câu hỏi đã được đặt ra từ trước khi Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra mới đây, kèm theo những đề xuất với Thủ tướng Chính phủ. Mục đích của việc cải tổ không gì khác chính là làm sao để đảm bảo chất lượng dịch vụ của hệ thống bệnh viện công lập, làm sao để toàn thể người dân ở nông thôn được khám-chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện với chất lượng ngang bằng dịch vụ tại các bệnh viện hàng đầu; để 100% người dân có bảo hiểm y tế được khám-chữa bệnh với giá dịch vụ thấp nhất

“Các bệnh viện công chỉ còn cái vỏ nhà nước”

Những tồn tại, hạn chế, tiêu cực trong hệ thống bệnh viện công lập được chỉ ra là: Suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị rất cao, có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân; Giá thuốc mua vào rất đắt do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch và chuyên nghiệp; Người bệnh vào bệnh viện khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức như viện phí, tiền mua thuốc thì còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức như tiền phong bì, chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến, rồi việc phải mang theo người nhà đi chăm sóc bệnh nhân; Tình trạng luôn quá tải tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TPHCM đi kèm với tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến lớn…

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện nay giá viện phí đã tiệm cận thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí gián tiếp vì nhiều bệnh viện tư nhân ở các tỉnh với phần lớn khách hàng là đối tượng có bảo hiểm y tế như Hợp Lực hay Hoàn Mỹ đang có giá cả dịch vụ tương đương với mức viện phí của bệnh viện nhà nước mà vẫn sống được, phát triển được, tức là người ta có lãi trong khi bệnh viện tư nhân phải tự bỏ tiền mua đất, xây bệnh viện, mua thiết bị tuyển nhân sự trả lương mà người ta có lãi chứng tỏ bệnh viện công, bệnh viện có thương hiệu có thể tự hạch toán.

Trong khi đó, hiện nay, việc hầu hết các viện không tự chủ được tài chính kể cả các viện đang quá tải bệnh nhân như Việt Đức, Bạch Mai là vấn đề đáng quan ngại. Ông Hải cho rằng nguyên nhân là do có thực trạng thất thoát tài sản nhà nước rất lớn tại các bệnh viện công. Cụ thể, các suất đầu tư vật chất, hạ tầng bệnh viện thường cao gấp đôi viện tư nhân nhưng kiến trúc vẫn xấu xí, máy móc chất lượng kém. Giá thuốc qua đấu thầu mà vẫn chênh mấy chục %, còn các loại dụng cụ, hoá chất chưa phải đấu thầu thì giá chênh còn khó phát hiện hơn và giá mua vào gấp 2-3 giá tư nhân mua.

Ông Hải nhận định tại các viện công, chi ra thất thoát lớn, thu vào cũng bị thất thoát trong khi chất lượng dịch vụ không được cải thiện, dù viện phí tăng nhiều, năm 2016 đã tăng 50%. Người bệnh vẫn phải phong bì, nhà nước phải bơm cả 100 nghìn tỉ đồng/năm vào hệ thống các bệnh viện huyện, tỉnh. Ông nhận định hiện nay các bệnh viện công chỉ còn cái “vỏ nhà nước” vì bên trong thực chất các nhóm lợi ích, các DN sân sau đã thâu tóm hết từ việc kinh doanh căngtin, bãi xe tới các nhà cung cấp vật tư...

Để bệnh viện huyện “ngang ngửa” về chất lượng với Bạch Mai, Chợ Rẫy

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra là: Tại sao bao nhiêu năm rồi chúng ta không phát triển các thương hiệu mạnh như: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… xuống các tỉnh mà cho tới giờ chỉ có một cơ sở duy nhất? Việc xây dựng và mở rộng quy mô của bệnh viện tỉnh, BV huyện với nguồn nhân lực hạn chế có làm nên một thương hiệu mạnh hay không? Tại sao đội ngũ bác sĩ giỏi không mặn mà làm việc tại các bệnh viện tuyến dưới mà chỉ mong ước được làm việc tại các bệnh viện lớn và mạnh?

GS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt VN, GĐ BV Răng Hàm Mặt T.Ư cho rằng: “Sở dĩ các BV tuyến T.Ư là nơi hội tụ các chuyên gia đầu ngành, những BS có tay nghề giỏi nhất là bởi về cơ chế của BV tuyến T.Ư có thể tự chủ. Họ có thể chủ động cử BS ra nước ngoài học tập kỹ thuật mới nhiều lượt trong một năm đồng thời, cứ có chuyên gia giỏi ở nước ngoài là họ mời đến Việt Nam giảng dạy, cầm tay chỉ việc cho cán bộ của mình học, họ mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại bậc nhất, thu hút nhân tài... bằng tài chính và uy tín của mình. Nhưng đối với các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện thì lại không dễ dàng như vậy. Họ tụt hậu là tất yếu”.

Một cán bộ nguyên là lãnh đạo nhiều năm của Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, BV Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở 2, 3 là vô cùng cần thiết. Và thực tế cho thấy, cơ sở 2 ở Thanh Trì và cơ sở 3 ở Tân Triều của BV K lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân. Bản thân tôi nghĩ rằng, ví dụ như BV Bạch Mai, phải xây dựng đến 5 cơ sở rải khắp các tỉnh miền Bắc thì mới đáp ứng được nhu cầu của nhân dân”.

Lỗ 2 năm liền, giám đốc bệnh viện mất chức

Theo Tổng Thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải, trước tiên nên để các bệnh viện công hoạt động theo mô hình DN công ích theo luật DN để tính đúng tính đủ các chi phí, công khai tài chính, kiểm toán đầy đủ. Bước hai mới lựa chọn một số bệnh viện huyện tỉnh thí điểm CPH và CPH các bệnh viện phải có đặc thù khác DNNN vì nhà nước vẫn phải kiểm soát giá viện phí để tính đúng đủ, đạt lợi nhuận định mức chứ không thể để có siêu lợi nhuận cũng đảm bảo số bệnh nhân bảo hiểm y tế được chăm sóc.

Sau CPH, nhà nước vẫn nên chiếm cổ phần đa số khoảng 65% để không ai can thiệp vào định hướng quan trọng của bệnh viện đồng thời áp dụng quy định làm lỗ 2 năm thì giám đốc bệnh viện mất chức. Theo VAFI, các viện hàng đầu như Chợ Rẫy, Bạch Mai dư sức tự chủ tài chính mà vẫn bao cấp vì thất thoát và nhà nước quá dễ dãi dẫn tới nhiều tồn tại và các viện không có nhu cầu tiết kiệm.

Trao đổi về vấn đề cổ phần hóa trong BV công, khi đó cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ sẽ ra sao? giá dịch vụ y tế có đắt đỏ hơn? GS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt VN cho rằng: “Bộ phận định giá phải độc lập với giám đốc, với cán bộ BV, phải công khai, minh bạch. Cơ sở vật chất cũng đưa vào cổ phần hết. Cổ phần hóa rồi phải đảm bảo chức năng nhiệm vụ. Theo tôi, dịch vụ dứt khoát là không đắt đỏ, vì cạnh tranh khốc liệt, nên giá dịch vụ có xu hướng giảm xuống. Nhà nước chỉ cần đưa ra cơ chế cạnh tranh.

Thách thức không nhỏ

Nhận định về khó khăn khi CPH các bệnh viện, Tổng Thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng khó nhất là thay đổi tư duy vì sẽ làm mất lợi ích một số nhóm. Hiện nay, các sở, bộ y tế đang có quyền ban phát với cơ chế xin cho, trong quyết định về các suất đầu tư thiết bị hay vấn đề nhân sự, quyền là của sở, bộ nên vấn đề rất lớn nằm ở chỗ họ có rời bỏ quyền đó không và “họ sẽ từ chối viện đủ thứ để trì hoãn đổi mới” - ông Hải nhận định.

TS-BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - lại chỉ ra ba khối thách thức tương ứng với ba chủ thể: Khối làm chính sách, khối nhân viên y tế và bộ máy y tế hiện tại, và thách thức với người dân. BS Tuấn phân tích: “Thách thức lớn nhất với người làm chính sách là năng lực thực tế của đội ngũ này khi phải đi từ định hướng đến chính sách cụ thể sao cho khi nhìn tổng thể, không bị mâu thuẫn, đối chọi nhau, gây khó khăn cho nhau giữa cái cụ thể với cái tổng thể hướng đến. Đó là năng lực của đội ngũ làm chính sách. Thách thức tiếp theo là khắc chế thế nào sự can thiệp vào tiến trình làm chính sách y tế công cộng của các nhóm doanh nghiệp có lợi ích mâu thuẫn với lợi ích sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, đặc biệt từ các ngành công nghiệp gây nhiều nguy cơ bệnh tật như amiang, thuốc lá, rượu bia, nhiệt điện chạy than, hóa chất dùng trong nông nghiệp…, hay của các công nghiệp trực tiếp là thành phần làm nên dịch vụ chăm sóc sức khỏe như dược phẩm, sinh phẩm, trang thiết bị và công nghệ y tế, sữa, thực phẩm chức năng… mà trong thời gian qua, tôi nhận thấy phần nhiều là sự can thiệp của các tập đoàn liên quốc gia với chiến lược can thiệp rất tinh vi, trên nhiều phương diện, khoác áo khoa học, tài trợ quốc tế, đòi hỏi tính kinh tế hiệu quả hệ thống và tự do thương mại mà không dễ nhân ra trong kỷ nguyên truyền thông, mạng xã hội, tạo thêm sự phức tạp cho tiến trình làm chính sách”.

Các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập do VAFI đưa ra:

Giai đoạn 1: Nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ; Toàn bộ hệ thống BVCL phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hằng năm…; Giai đoạn 2: Cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như BV Bạch Mai, Việt Đức, BV K, BV phụ sản TW, BV Nhi đồng, BV chợ Rẫy… Và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau đó thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cho các doanh nghiệp này để làm sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán. Các bệnh viện lớn này sẽ đóng vai trò là các bệnh viện mẹ để làm cơ sở cho một tiến trình từng bước hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện nhỏ, các bệnh viện ở tuyến tỉnh, bệnh viện huyện. Đây là tiến trình hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối (trên 65% vốn điều lệ), mang thương hiệu Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… xuống tận cấp huyện. Người dân ở nông thôn khi đó chỉ cần tới chi nhánh BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức… đóng tại huyện mình khám bệnh, thay vì phải vất vả vượt tuyến. Giai đoạn 3: Sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất của cả nước, các bệnh viện này sẽ làm nòng cốt để hình thành lên các tập đoàn bệnh viện nhà nước hoạt động trên phạm vi cả nước hay vùng lãnh thổ.

Sài gòn giải phóng

Quảng Nam: Khoanh vùng ổ dịch bạch hầu gây chết người tại trường tiểu học

Ngày 11-10, Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Sở Y tế tỉnh và UBND huyện Nam Trà My, TTYT Dự phòng tỉnh đã nhận được thông tin từ TTYT huyện Nam Trà My vào lúc 10 giờ ngày 29-9 về một số trường hợp mắc bệnh tại Trường tiểu học Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo TTYT Dự phòng tỉnh, TTYT huyện Nam Trà My cùng với Trạm Y tế xã đến trường tiểu học Trà Vân nhanh chóng nắm bắt tình hình, đồng thời thành lập các đoàn công tác để điều tra, giám sát ngay trong ngày và báo cáo cụ thể cho lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Nam Trà My và Viện Pasteur Nha Trang. Bên cạnh đó, khẩn trương tiến hành các biện pháp chuyên môn để kiểm soát, khống chế tình hình dịch bệnh.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có ổ dịch nghi bạch hầu tại Trường Tiểu học xã Trà Vân có 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng, đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó có 3 người nhà) gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.

Trong 7 trường hợp (3 nam, 4 nữ) mắc/nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó theo. Kết quả xét nghiệm sơ bộ của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy tất cả ca nghi ngờ đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trong đó, 2 ca ngày 27-9 (phát hiện ngày 29/9); 5 ca ngày 30-9 (phát hiện 2 ca/ngày 2-10 và 3 ca/ngày 3-10).

Các trường hợp mắc bệnh ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi, trong đó 6 ca đang điều trị tại bệnh viện huyện Nam Trà My, hiện nay đáp ứng với điều trị, tiến triển tốt. Riêng ca bệnh Hồ Bảo Phúc (sinh ngày 1-4-2009) phát bệnh ngày 27-9, vào TTYT huyện Nam Trà My 10 giờ sáng ngày 29-9, được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1-10-2017, bệnh trở nặng và được chuyển đến bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, sau đó chuyển bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng trong ngày. Đến 12 giờ ngày 3-10-2017, bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim.

Theo Sở Y tế Quảng Nam, ngoài 7 ca phát hiện, đến nay chưa phát hiện thêm ca mắc/nghi mắc bệnh bạch hầu khác.

Hiện Sở Y tế Quảng Nam có các văn bản báo cáo nhanh về Viện Pasteur Nha Trang và chỉ đạo TTYT Dự phòng, TTYT Nam Trà My về triển khai phòng chống dịch bệnh. UBND huyện Nam Trà My đã củng cố lại Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm và tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Chiều ngày 4-10, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch huyện với sự tham gia của Lãnh đạo Y tế tỉnh và Trung tâm Y tế Nam Trà My đã tổ chức hội nghị triển khai công tác chống dịch tại hội trường UBND xã Trà Vân có sự tham gia đầy đủ của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã, các ban ngành đoàn thể và Ban giám của 3 trường trên địa bàn xã.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Sở Y tế triển khai các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, khống chế tình hình dịch bệnh như đã báo cáo. Triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly xử lý tại ổ dịch, tại hộ gia đình, tại trường học và tại bệnh viện huyện Nam Trà My. Đảm bảo thông tin liên lạc để báo cáo, theo dõi và chỉ đạo khống chế dịch. Từ ngày 2-10 đến nay, theo chỉ đạo của Sở Y tế, TTYT huyện Nam Trà My cử 3 đội chống dịch gồm 4 Bác sỹ, 4 y sỹ, cùng với lực lượng y tế xã, YTTB xã Trà Vân bám sát địa bàn thực hiện các hoạt động chống dịch.

Sở Y tế Quảng Nam cho biết thêm, tất cả các ca có sốt, viêm đường hô hấp trên đều được đưa vào diện nghi ngờ và được điều trị tích cực theo phác đồ quy định. Hiện tại, về lâm sàng 6 ca tại bệnh viện Nam Trà My đều đáp ứng tốt với điều trị. Đồng thời cử CBYT tiếp tục giám sát, phát hiện sớm điều trị kịp thời các ca nghi ngờ tại cộng đồng của 3 thôn và tại các trường THCS, trường tiểu học, mẫu giáo của xã Trà Vân. Đồng thời, tổ chức phun dung dịch Chloramin B 0,5% tại các nơi thu dung điều trị và tại trường tiểu học, trường mẫu giáo, tại nhà của bệnh nhân (phun 2 ngày/ lần liên tục trong 10 ngày); cấp dung dịch Choramin B cho y tế xã, YTTB để vệ sinh bề mặt các vật dụng trong các hộ gia đình. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch và xin ý kiến Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang, tổ chức tiêm vaccine Td phòng bệnh bạch hầu cho tất cả đối tượng từ 5 - 40 tuổi và đồng thời tiêm văc xin DPT cho đối tượng từ 1 đến 4 tuổi trên địa bàn toàn huyện Nam Trà My và huyện Bắc Trà My (huyện miền núi giáp huyện Nam Trà My).

Trước đó, vào tháng 1 và tháng 5 năm 2017, tại hai huyện Phước Sơn và Tây Giang (Quảng Nam) cũng xảy ra ổ dịch bạch hầu khiến 5 người tử vong

An ninh thủ đô

Mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh lây lan

Tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội giảm 106 trường hợp nhưng lại ghi nhận một số ca rất nặng. Trong khi đó, kiểm tra tại quận Hà Đông vẫn phát hiện tại 102 hộ gia đình, 30/88 công trường có ổ bọ gậy…

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội chiều 11-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dù số mắc SXH tại thành phố tiếp tục giảm song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến rất phức tạp.

Đề phòng dịch diễn biến phức tạp

Thời điểm này, lượng bệnh nhân vào khám, điều trị SXH đang tiếp tục có xu hướng giảm so với các tuần trước đó. Tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, mỗi ngày có 10-12 ca nhập viện vì SXH trong tổng số khoảng 50 ca khám. Tính đến chiều 11-10, tại khoa này chỉ còn hơn 40 bệnh nhân SXH đang điều trị. Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 10, mỗi ngày viện này tiếp nhận khoảng 50 ca vào khám, khoảng 20 ca vào nhập viện nội trú. Tuy nhiên, điều đáng cảnh báo là trong tuần qua đã ghi nhận một số ca SXH biến chứng nặng, thậm chí có ngày số ca có sốc hoặc dọa sốc lên tới 4-5 ca. Đặc biệt, ngày 10-10, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận liên tiếp 2 ca mắc SXH biến chứng rất nặng, trong đó có một trường hợp là bệnh nhân nam, 39 tuổi, ở Hà Nội.

Các bác sĩ cho biết, dù số mắc SXH tại Hà Nội đã giảm mạnh nhưng kinh nghiệm điều trị qua một số năm gần đây cho thấy, thường vào cuối vụ dịch, số người mắc SXH dengue bị diễn biến nặng lại tăng lên.

Chưa biết được có đỉnh dịch nữa hay không?

Chiều 11-10, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua là tuần thứ tám liên tiếp số ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội giảm. Cụ thể, riêng trong tuần (từ ngày 2 đến 8-10), toàn thành phố ghi nhận 1.068 trường hợp mắc SXH (giảm 160 trường hợp so với tuần trước).

Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội nhận định, tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát lại vẫn có thể xảy ra trong các tuần còn lại của tháng 10 và tháng 11 tới bởi thời tiết hiện nay mưa rất nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. Hơn nữa, thông thường đỉnh dịch SXH hàng năm đều rơi vào thời điểm tháng 10-11.

Đặc biệt, qua báo cáo từ 8 quận, huyện tại cuộc họp cho thấy, công tác phòng chống dịch SXH ở nhiều địa phương hiện vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, tại quận Hà Đông - một trong những đơn vị có số mắc SXH giảm so với tuần trước nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện 102/29.000 hộ gia đình có ổ bọ gậy, 30/88 công trường xây dựng có ổ bọ gậy, 25/123 khu vực công cộng có ổ bọ gậy.

Trên toàn thành phố, qua giám sát tại 12 điểm dịch SXH trọng điểm trong tuần qua, vẫn còn 3/12 xã, phường có tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi đạt dưới 90%, 8/12 số đơn vị có tỷ lệ ổ bọ gậy cao từ 20-50%, tức cứ kiểm tra 10 dụng cụ thì còn sót từ 2-5 dụng cụ có chứa bọ gậy... Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cần phải giữ nhịp độ phòng chống dịch thật tốt trong vòng 4-6 tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ hai xuất hiện trong năm nay.

Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị, các quận, huyện, xã, phường, cơ quan chức năng của thành phố tuyệt đối chưa được phép chủ quan với dịch SXH mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh này. “Số mắc trong 1 tuần của thành phố hiện vẫn còn cao hơn tổng số mắc SXH của cả tỉnh Bắc Ninh tính từ đầu năm đến nay cũng như vẫn ở mức rất cao so với một số tỉnh, thành phố lân cận” - Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý.

“Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành y tế và các địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch. Ưu tiên số 1 trong công tác chống dịch SXH thời điểm này vẫn là tiến hành phun thuốc triệt để tại các ổ dịch và diệt bọ gậy, không để sinh trưởng thành muỗi. Nếu nơi nào thiếu máy phun, thiếu nhân lực phải có đề xuất để bổ sung kịp thời” - ông Ngô Văn Quý chỉ đạo

Tuổi trẻ

Thêm một ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam, 1 học sinh tử vong

Thêm một ổ dịch bạch hầu vừa xuất hiện ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam khiến một trẻ 8 tuổi tử vong.

Sáng 11-10, ông Nguyễn Văn Văn, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay vừa có một ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở huyện Nam Trà My, trong đó có 7 trường hợp dương tính với bạch hầu, một trường hợp đã tử vong.Trước đó ngày 29-9, Sở nhận được thông tin từ Trung tâm y tế huyện Nam Trà My về một số trường hợp mắc bệnh nghi bị bạch hầu tại Trường tiểu học Trà Vân (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My). Ngay sau đó Sở chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện Nam Trà My đến trường tiểu học Trà Vân nhanh chóng nắm bắt tình hình.

Ngày 3-10, Sở đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang đến trường tiểu học Trà Vân để kiểm tra. Theo báo cáo của Sở này, ổ dịch xảy ra tại trường tiểu học xã Trà Vân với 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng. Đoàn kiểm tra đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó có 3 người nhà) để đem đi xét nghiệm. Qua xét nghiệm sơ bộ thì xác định có 7 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu (gồm 3 nam, 4 nữ, độ tuổi từ 8-12). Trong đó 6 ca sau khi phát hiện bệnh đang điều trị tại bệnh viện, hiện nay đáp ứng với điều trị, tiến triển tốt.

Riêng trường hợp em Hồ Bảo Phúc (8 tuổi), phát bệnh ngày 27-9, vào trung tâm y tế huyện Nam Trà My sáng ngày 29-9, được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1-10 bệnh trở nặng và được chuyển đến bệnh viện Nhi tỉnh, rồi bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng. Đến ngày 3-10 bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim. Đến 16g ngày 6-10 chưa phát hiện thêm ca mắc, nghi mắc bạch hầu khác nữa.Theo ông Văn, hiện Sở đã công bố ổ dịch tại địa phương này và có báo cáo gửi Bộ y tế. Sở dã triển khai các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, khống chế tình hình dịch bệnh, tích cực điều trị những ca dịch bệnh đã phát hiện theo phác đồ điều trị. Đồng thời triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly xử lý tại ổ dịch, tại hộ gia đình, tại trường học và tại bệnh viện huyện Nam Trà My. Sở cũng đã xây dựng kế hoạch và xin ý kiến Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho tất cả đối tượng từ 5 - 40 tuổi và đồng thời tiêm văc xin DPT cho đối tượng từ 1 đến 4 tuổi trên địa bàn toàn huyện Nam Trà My và huyện Bắc Trà My.

Như Tuổi Trẻ đưa tin, trước đây ổ dịch bạch hầu cũng đã từng xuất hiện ở các huyện miền núi Phước Sơn và Tây Giang và đã có nhiều trường hợp tử vong. Ngành y tế tỉnh này cũng tổ chức nhiều đợt tiêm vắc xin phòng bệnh này cho nhiều người dân ở đây.

Ngày 13/10/2017
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích