Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 4 8 2 3
Số người đang truy cập
2 4 1
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ ngày 09/9 đến ngày 10/9 năm 2017

Nhân dân

Giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giảm tỷ lệ sử dụng các thuốc biệt dược gốc từ 47% xuống còn 30%. Không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hạng bốn, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng. Đây là nội dung quan trọng trong công văn gửi Bộ Y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất về tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo chỉ đạo của Chính Phủ.

Năm 2016, chi phí sử dụng thuốc biệt dược gốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là gần 8.226 tỷ đồng, bằng 26% tổng chi phí thuốc. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại bệnh viện tuyến Trung ương là 47% tổng chi phí thuốc tại các bệnh viện tuyến này; tuyến tỉnh 24% và tuyến huyện 7%. Chi phí thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền có 1-3 loại thuốc generic nhóm một thay thế trở lên là 2.982 tỷ đồng.

Theo TS. Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí của thuốc biệt dược gốc năm 2016, sau khi đã tách chi phí của các biệt dược gốc hết hạn bản quyền còn lại là gần 5.244 tỷ đồng, bằng 16% tổng chi thuốc. Tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược tương ứng tại tuyến Trung ương là 32%, tuyến tỉnh là 15% và tuyến huyện 4%.

Trong thời gian tới, danh mục thuốc biệt dược hết hạn bản quyền tiếp tục tăng lên, đồng thời một số thuốc biệt dược hiệu quả sử dụng không vượt trội so với thuốc nhóm một sẽ loại khỏi danh mục, thì chi phí thuốc biệt dược gốc tiếp tục giảm.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời nâng cao hiệu quả việc sử dụng và thanh toán thuốc bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc năm 2018 như sau: Đối với các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng và các bệnh viện trực thuộc Bộ Công an và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương hiện tại sử dụng biệt dược gốc tỷ lệ cao, phải điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng tối đa bằng 30% tổng chi thuốc.

Các bệnh viện tuyến Trung ương còn lại có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 30%, sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng BDG không quá 30% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 30% tổng chi thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Đối với bệnh viện hạng một trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh tương đương: tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% so với tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 25%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 25% tổng chi thuốc sẽ giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Các bệnh viện hạng hai trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh tương đương sẽ có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% so với tổng chi thuốc.

Bệnh viện hạng ba trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh tương đương có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% so với tổng chi thuốc. Không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hạng bốn, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo việc sử dụng biệt dược gốc không vượt quá tỷ lệ đã thống nhất, đồng thời chỉ đạo việc kê đơn thay thế thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền bằng các thuốc generic nhóm một có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu tại các cơ sở y tế.

Tháng 4-2017, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện có 447/698 thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền, tức là các công ty dược khác có thể lấy công thức, quy trình đó để sản xuất mà không phải qua giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, được gọi là thuốc generic. Trong khi đó, một số thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền sáng chế, giá chênh lệch khá cao (có loại gấp đến tám lần) so với các nhóm thuốc nhóm một cùng chất, nồng độ, hàm lượng.

Từ đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không thanh toán đối với các trường hợp mua sắm, sử dụng thuốc ngoài danh mục đã thống nhất; Bộ Y tế chỉ đạo việc kê đơn thay thế các biệt dược gốc đã hết bản quyền bằng thuốc generic thuộc nhóm một.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu Bộ Y tế có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá đối với các biệt dược gốc, có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.

 Thách thức trong triển khai đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi (NCT), dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu NCT. Sự chuyển đổi nhân khẩu này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cá nhân cộng đồng và đất nước.

Người cao tuổi và gánh nặng "bệnh tật kép"

Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn dự báo trước đó là năm 2017. Với đời sống kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí…, nhất là hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Hệ thống chính sách về NCT được ban hành và đang triển khai thực hiện; kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển là những thuận lợi để triển khai Ðề án chăm sóc NCT giai đoạn 2017-2025. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn. NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất khó khăn, đa số NCT hiện nay lại không có tích lũy vật chất. Bên cạnh đó, nhiều người đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mãn tính (bình quân mỗi NCT mắc ba bệnh), đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa và chi phí điều trị lớn. Ðiều tra quốc gia về NCT Việt Nam năm 2011 cho thấy hơn 60% số NCT cho biết tình trạng sức khỏe là yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc.

Tình trạng NCT sống không có vợ, chồng chiếm tỷ lệ cao. Số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Với sức khỏe nhiều hạn chế, việc phải sống một mình là điều rất bất lợi với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Người cao tuổi là nguồn lực của xã hội

Thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng đã được nhân rộng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ này. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe NCT chưa phát triển, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ, kỹ năng. Hiện cả nước chỉ có 49 trong số 63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, ba cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa. Khoa Lão vừa điều trị bệnh vừa điều trị phục hồi chức năng cho NCT cho nên không chỉ cần thuốc men, trang thiết bị y tế mà cả chế độ dinh dưỡng, luyện tập cũng phải được lưu ý.

GS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, NCT thường mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp từ bảy đến 10 lần so với người trẻ tuổi. Theo GS Phạm Thắng, việc thành lập khoa Lão tại các bệnh viện là rất cần thiết bởi đặc điểm bệnh lý của NCT khác với các lứa tuổi khác vì cơ thể bị lão hóa dẫn đến có thể mắc nhiều bệnh cùng một lúc; dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ; rối loạn đi và ngã; giảm hoạt động chức năng; lú lẫn, trầm cảm; sử dụng nhiều thuốc; nguy cơ tai biến cao… đòi hỏi phải được chăm sóc một cách toàn diện và liên tục.

Ngày 30-12-2016 Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QÐ-BYT phê duyệt Ðề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ðề án do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Ðề án, kế hoạch hành động. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Do đó, hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được tiến hành toàn diện. Ðể làm được điều đó, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

PGS, TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Cần nhận thức rằng NCT không phải là gánh nặng mà là một nguồn lực của gia đình, cộng đồng. Chăm sóc NCT là vấn đề cần sự quan tâm của cả xã hội, trong đó y tế đóng vai trò nòng cốt.

Để triển khai Đề án ở địa phương, ngày 22-3-2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1376/BYT-TCDS hướng dẫn kế hoạch về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2017, trong đó, giao chỉ tiêu cơ bản là 15% số NCT được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế; tăng thêm 10% số NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm. Ngày 24-3-2017, Bộ Y tế tiếp tục gửi Công văn 1439/BYT-TCDS tới UBND các tỉnh, thành phố kèm theo hướng dẫn xây dựng Đề án, kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025.

Tháng 8 vừa qua, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án và ký Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án với T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn về thủ tục chứng nhận ATTP cho các doanh nghiệp

Chiều 8-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì cuộc đối thoại giữa đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp (DN), các bộ, ngành liên quan về kiến nghị sửa đổi Nghị định số 38/2012/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), trong đó tập trung giải quyết những bất cập trong quản lý ATTP đối với các DN.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục ATTP nêu quan điểm chưa đồng ý đề xuất cho phép DN tự công bố phù hợp ATTP với lý do, nếu chỉ để DN tự công bố sản phẩm có thể gây nhầm lẫn cho người dùng, khó xử lý nếu có các loại phụ gia thực phẩm, các loại dược liệu bị cấm hay khuyến cáo không sử dụng, các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, kim loại nặng vượt mức cho phép. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tiến hành thẩm định, công nhận các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đã có đầy đủ (hiện chiếm khoảng 60-70% số quy định công nhận phù hợp ATTP) trong thời gian không quá 30 ngày. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến của DN theo hướng, DN có văn bản công bố phù hợp với quy định ATTP gửi lên Cục ATTP theo hệ thống điện tử, sau một tuần cơ quan quản lý không có ý kiến thì DN được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đối với một số nhóm thực phẩm có nguy cơ cao về sức khỏe con người như sữa, thực phẩm công thức dinh dưỡng cho trẻ em, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm… cần có cơ chế kiểm soát phù hợp.

Phát biểu ý kiến tại các phần thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đặt câu hỏi, có phải tất cả sản phẩm thực phẩm đều như vậy, hay có thể phân loại thành thực phẩm chỉ cần công bố nhưng những thực phẩm có nguy cơ cao thì buộc phải có xác nhận? Một số quy định về ghi trên nhãn, chỉ tiêu về hàm lượng kim loại, vi sinh vật… thì đương nhiên trong quy định của pháp luật đã có, DN vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định, đây là trách nhiệm của các DN. Bản chất nhiều quy chuẩn kỹ thuật, quy trình này chúng ta đã có, hoàn toàn theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex). Cái nào đã có đầy đủ thì công nhận ngay, còn cái nào thiếu, hoặc những sản phẩm đặc thù của Việt Nam, chúng ta khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện tiếp. Những yêu cầu vô lý, tùy tiện, không có cơ sở khoa học đối với DN phải bỏ ngay. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, luật quy định kiểm tra chuyên ngành nhưng nếu chúng ta biết rõ không cần thiết mà vẫn làm theo cách cũ thì không được. Tinh thần là chỉ kiểm tra những gì thật sự cần thiết. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế - cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38, đưa các nội dung này vào dự thảo.

Bất cập trong phòng, chống sốt xuất huyết tại Hà Nội

Từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã có khoảng 25.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), bảy người đã tử vong; 14 trong tổng số 30 quận, huyện thuộc diện báo động đỏ về bệnh SXH. Theo bạn đọc phản ánh, SXH tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp là do công tác phòng, chống dịch chưa thật sự hiệu quả; người dân còn lơ là, chủ quan.

Chủ quan, thiếu hiểu biết về phòng và chống SXH

Anh Nguyễn Văn Hải, nhân viên cửa hàng sửa xe máy ở phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa kết thúc đợt điều trị SXH tại Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội), cho biết: “Lúc mới bị sốt tôi chủ quan cho rằng bị sốt dịch, cho nên tự mua thuốc uống, mấy ngày sau xuất hiện các triệu chứng sốt cao, kèm theo chảy máu chân răng, đại tiện ra máu,... Ðến bệnh viện khám, xét nghiệm máu thì các bác sĩ phát hiện tôi bị mắc SXH nặng, phải nhập viện ngay”. Cũng suy nghĩ như anh Hải, chị Nguyễn Thị Hương ở đường Nguyễn Ðức Cảnh (Hoàng Mai, Hà Nội) kiên quyết không mở cửa cho nhân viên y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi với lý do, “gia đình không có ai mắc SXH. Hơn nữa, phun thuốc này rất độc hại, chưa chắc muỗi, bọ gậy đã chết mà có thể những người thân trong nhà lại mắc bệnh ung thư”. Mặc dù trước đó, chung quanh nhà chị đã có rất nhiều người mắc SXH phải vào các bệnh viện điều trị.

Tại phường Láng Thượng (Ðống Ða, Hà Nội), một trong những quận nằm trong diện báo động đỏ của thành phố về tình hình SXH, công tác phun thuốc diệt muỗi được UBND phường thông báo đến từng tổ dân phố với nội dung: “Hộ gia đình (nhà riêng) chỉ phun ở tầng một và hướng vòi phun lên tầng hai; chung cư (cũ) phun từ tầng năm trở xuống; chung cư (mới xây dựng) phun từ tầng ba trở xuống; mỗi hộ gia đình phun từ 40 giây đến 60 giây...”. Trên thực tế, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ được thực hiện ở tầng 1 của các gia đình ở phường Láng Thượng và nhiều khu dân cư khác trên địa bàn thành phố. Anh Ðặng Tiến T, ở ngõ 426 Ðường Láng, phường Láng Hạ (Ðống Ða, Hà Nội), cho biết: "Ngõ nhà tôi có rất nhiều người bị SXH phải nhập viện, tôi đã thông báo cho tổ trưởng dân phố và cán bộ y tế phường đến phun thuốc nhưng chỉ được phun ở tầng 1. Sau đó, mỗi gia đình bồi dưỡng ít nhất 50 nghìn đồng thì nhân viên mới phun đầy đủ các tầng, các phòng...”.

Theo một số chuyên gia y tế dự phòng, việc hướng dẫn chỉ phun thuốc diệt muỗi ở tầng một (đối với hộ gia đình) của UBND phường Láng Thượng và một số địa phương là không đúng, không đạt hiệu quả trong diệt muỗi gây SXH. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì đối với nhà chung cư, nhà ở có nhiều tầng, nhiều phòng, thì phun tất cả các phòng, các góc, cầu thang, sân thượng... với nguyên tắc phun từ tầng trên xuống tầng dưới, từ trong ra ngoài bằng cách đi giật lùi hết phòng này sang phòng khác.

Chống SXH theo kiểu phong trào

Mặc dù các ban, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và bước đầu đã có những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Ðoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế thì vẫn còn rất nhiều ổ bọ gậy, ổ muỗi tồn tại trong các khu dân cư, khu nhà trọ không được người dân loại bỏ. Công tác phun hóa chất và diệt bọ gậy tại Hà Nội chưa triệt để. Có đến 10% số gia đình đóng cửa không tiếp cận được, 35% số gia đình không chấp nhận việc phun hóa chất tất cả các tầng, khoảng 50% đến 60% số gia đình chỉ cho phun tầng 1. Tại cuộc họp gần đây giữa Bộ Y tế với Sở Y tế Hà Nội về đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống SXH trên địa bàn thành phố, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Ðắc Phu cho rằng, hiện nay số ca mắc SXH mới tại các quận nội thành có xu hướng giảm, nhưng tại các huyện ngoại thành lại tăng. Bởi trước đó, các biện pháp phòng, chống SXH mới chỉ tập trung tại các quận có nhiều người mắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số khu dân cư, công trường xây dựng, nghĩa trang,... một số quận, huyện thuộc diện báo động đỏ về SXH như: các xã Bích Hòa, Cự Khê, Dân Hòa (huyện Thanh Oai); phường Khương Ðình (quận Thanh Xuân); phường Phú Lãm (quận Hà Ðông) và phường Trung Liệt (quận Ðống Ða)... có rất nhiều ổ bọ gậy trong các lọ hoa, máy phun sương, bình lọc nước, chậu cây cảnh. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cho rằng việc phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy được thực hiện qua loa, chiếu lệ và chưa vào tận các ngõ, ngách; mỗi đội phun hóa chất phải có ba người, gồm: hai cán bộ thay nhau phun và một cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, nhưng hầu hết chỉ có một người phun; công tác tuyên truyền diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi ở cấp cơ sở diễn ra chậm, khiến số ổ dịch tăng lên; nhiều đội trưởng đội xung kích là các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố đã lớn tuổi, sức khỏe không bảo đảm; theo quy định mỗi đội xung kích phụ trách từ 30 đến 50 gia đình nhưng hầu hết các đội phụ trách từ 120 đến 150 hộ; một số đội xung kích khi kiểm tra tại các gia đình còn để sót bọ gậy; các tổ giám sát hoạt động chưa thường xuyên, thiếu cán bộ giám sát.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh từ đầu năm đến nay thành phố có khoảng hơn 25.000 người mắc SXH, trong đó có bảy người chết. Nếu tính theo số người mắc SXH tuyệt đối thì Hà Nội đang đứng đầu cả nước. Nguyên nhân là do phần lớn người dân vẫn chủ quan, xem thường bệnh SXH; sự phối hợp của người dân với các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong phòng, chống SXH chưa cao; khoảng 30% số đội xung kích diệt bọ gậy, chống SXH hoạt động chưa hiệu quả. Hơn nữa, thành phố hiện có khoảng 2.300 công trường xây dựng và khoảng 118 nghìn khu nhà trọ của sinh viên, người lao động không bảo đảm vệ sinh môi trường; năm nay, mùa hè đến sớm, Hà Nội không có đợt rét tháng ba (âm lịch) như mọi năm... Ðây là những điều kiện, môi trường thuận lợi để bọ gậy, muỗi gây SXH phát triển mạnh.

Tiền phong

Đề xuất bỏ thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi đối thoại, trao đổi về kiến nghị sửa đổi Nghị định số 38 của 9 hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên với các Bộ Y tế, KH&CN, Công Thương, NN&PTNT.

Tại buổi đối thoại, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị bãi bỏ thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP), vì thủ tục này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Theo hiệp hội, sau nhiều lần đưa ra, kiến nghị này hiện vẫn không được tiếp thu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế nhất trí với việc bãi bỏ theo đề nghị của hiệp hội và đã gửi văn bản sang Bộ KH&CN, ban hành quy chuẩn cho phù hợp. Mặc dù vậy, phía Cục ATTP vẫn còn nhiều băn khoăn với việc này. “Chính phủ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo công tác quản lý nhà nước, đồng thời tránh gian lận thương mại”, ông Cường nói.

Về việc này, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong khẳng định, chưa thể bỏ được thủ tục xác nhận này, bởi rất nhiều sản phẩm không thể không xác nhận. Ông Phong ví dụ với sản phẩm súp gà, khi mở ra kiểm tra thì chỉ có bột đường, hành khô, như vậy có chấp nhận được không? Có cần phải ý kiến không? Hay với chất phụ gia, đúng đối tượng, hàm lượng, nhưng lại nằm ngoài danh mục, thì có phải xem xét không, hay cứ công nhận? Các mặt hàng thực phẩm chức năng, hay sữa bột cũng được ông Phong viện dẫn tương tự.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Bộ đã có công văn, nhất trí đề nghị bãi bỏ thủ tục này. Phía Bộ sẵn sàng hỗ trợ để chuyển quy định thành quy chuẩn. Bộ Tư pháp thì cho rằng, do còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nên đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về việc này.

Hà Nội mới

Kiểm tra hiệu quả việc phát phiếu điều tra về bọ gậy tại hộ gia đình

Ngày 8-9, Sở Y tế Hà Nội làm việc với UBND quận Hà Đông nhằm đánh giá hiệu quả việc phát phiếu điều tra bọ gậy tại hộ gia đình dành cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn quận.

Hiện nay, quận Hà Đông có 361 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập với hơn 70 nghìn học sinh. Quận đã phát phiếu điều tra tại hộ gia đình cho học sinh toàn bộ các trường THCS, THPT trên địa bàn. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế quận Hà Đông lựa chọn ngẫu nhiên Trường THCS Kiến Hưng để đánh giá hiệu quả hoạt động này. Qua xem xét thông tin trên phiếu và giám sát trực tiếp tại hộ gia đình, cơ quan chức năng nhận thấy công việc này chưa đạt hiệu quả.

Qua giám sát ngẫu nhiên cho thấy vẫn còn ổ bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước tại một số hộ dân.

Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo các nhà trường cần hiểu rằng, phiếu điều tra không phải là bài kiểm tra kiến thức, mà phải coi đó là phần việc quan trọng nhằm giúp mỗi học sinh trở thành một "chiến sĩ" tích cực tham gia phòng, chống sốt xuất huyết. TS Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các trường học căn cứ vào đặc điểm địa bàn dân cư, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện phiếu điều tra.

* Chiều 8-9, UBND quận Cầu Giấy tiếp nhận 1.200 sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia hỗ trợ tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, diệt bọ gậy trong 4 tuần liên tục.

Phạt 70 triệu đồng một công ty sản xuất cồn y tế không có giấy phép

Theo tin từ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội chiều 7-9, cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt hành chính hơn 70 triệu đồng với Công ty Cổ phần quốc tế Đại Lợi.

Lý do xử phạt là công ty này sản xuất, kinh doanh sản phẩm cồn 90 độ và cồn 70 độ nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành trên thị trường. Cùng đó, Thanh tra Sở Y tế cũng yêu cầu công ty tiêu huỷ hơn 2.800 lít cồn, trị giá hơn 128 triệu đồng.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của công ty và phát hiện các sản phẩm cồn 70 độ và 90 độ của Đại Lợi ghi công dụng trên nhãn: “Sát trùng; Tiệt trùng dụng cụ; Dung môi; Đốt làm chín thực phẩm” nhưng sản phẩm không có giấy phép sản xuất, lưu hành.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện trên thị trường có rất nhiều loại cồn. Riêng các sản phẩm cồn y tế phải có quy định về thành phần ethanol và được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế cấp phép lưu hành). Với các sản phẩm cồn y tế hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) được phép có nhưng với tỷ lệ rất thấp. Công ty Đại Lợi đã cố tình mập mờ trong cách ghi nhãn sản phẩm gây khó khăn cho việc định danh loại sản phẩm thuộc đơn vị nào cấp phép.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục cảnh báo về tình trạng bệnh nhân ngộ độc sau khi pha cồn y tế thành rượu uống dẫn dến tử vong, trong đó kết quả xét nghiệm phát hiện hàm lượng methanol chiếm tới 80% trong mẫu cồn này.

Gia đình & Xã hội

Gây mất an toàn thực phẩm sẽ bị phạt hàng trăm triệu đồng

Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm (ATTP). Nhiều khoản phạt nặng đã được đưa ra để nhằm chấn chỉnh trong lĩnh vực này.

Nhiều hình thức phạt khi gây mất ATTP

Theo cơ quan soạn thảo, các hành vi sẽ bị phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP là vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu; Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP ; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn. Khi tổ chức, cá nhân vi phạm các nội dung nêu trên thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc tiền.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn sẽ bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc đình chỉ hoạt động; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm. Song song với các hình phạt này còn có các hình thức phạt bổ sung. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm; Chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm; Hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định; Chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Mức phạt tối đa lên tới 200 triệu đồng

Dự thảo này quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, khi đã áp dụng khung cao nhất của hình phạt mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (với cá nhân) hoặc thấp hơn 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (với tổ chức) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 - 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức. Phạt tiền bằng 60% đến 80% tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thuộc diện phải công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định ATTP nhưng không công bố để sản xuất thực phẩm và số tiền phạt không vượt quá 100.000.000 đồng.

Phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100.000.000 đồng. Phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100.000.000 đồng. Hành vi sử dụng nguyên liệu không đảm bảo ATTP để sản xuất, chế biến cao nhất là 20 triệu đồng và phạt đến 50 triệu đồng khi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Ngoài ra còn hàng loạt mức phạt khác mà tổ chức, cá nhân sẽ phải đối diện khi gây mất ATTP.

Người tiêu dùng ủng hộ

Khi được tham khảo các thông tin xử phạt nêu trên, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra đồng ý và thậm chí còn đề xuất phạt nặng hơn nữa để các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong mảng thực phẩm không dám làm bậy và nếu làm bậy thì sẽ sạt nghiệp. Chị Nguyễn Thị Doanh (Cầu Giấy, Hà Nội) kinh doanh đồ ăn sáng cho biết, chị ủng hộ việc phạt nặng các hành vi gây mất ATTP . Bản thân chị kinh doanh trong mảng thực phẩm và muốn sản phẩm bán ra luôn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. “Người tiêu dùng toàn bà con trong khu phố, mình ăn như thế nào thì làm bán cho khách như vậy nên việc đảm bảo vệ sinh luôn được coi trọng. Nếu làm ẩu, bẩn thì sẽ mất khách chứ chưa nói đến việc bị cơ quan chức năng phạt” - chị Doanh nói. Tuy nhiên, cũng theo chị, để sản phẩm đầu ra đạt chuẩn an toàn thì mỗi khâu chế biến thôi vẫn chưa đủ. Bản thân chị cũng phải nhập các nguyên liệu đầu vào, dù luôn nhập mối quen nhưng để xác thực nguồn gốc về việc đảm bảo 100% an toàn thì khó lòng để quả quyết.

Ủng hộ quy định tổ chức, cá nhân gây mất ATTP và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, ông Đỗ Ngọc Quang (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng cần có giám sát mạnh mẽ để thực thi điều khoản này. “Đây là quy định khá mạnh mẽ, việc phạt hành chính, phạt bổ sung là một nhẽ, mức phạt cao nhất cũng chỉ 200 triệu. Nếu gây ra hậu quả trên diện rộng thì chi phí khám, chữa bệnh mà người bị ảnh hưởng phải bỏ ra không nhỏ. Quy định khoản này thuộc trách nhiệm của bên gây ra hậu quả sẽ tăng tính răn đe tốt”.

Sài Gòn giải phóng

Dùng muỗi diệt muỗi ngăn sốt xuất huyết

Không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang bị dịch sốt xuất huyết (SXH) hoành hành khiến nhiều người mắc bệnh và tử vong.

Hiện nay việc phòng chống dịch SXH chủ yếu vẫn là diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi

Trước thực tế chưa có thuốc đặc trị và vaccine ngừa dịch bệnh nguy hiểm này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, thì phương pháp thả muỗi mang khuẩn Wolbachia vào môi trường dân cư nhằm ức chế sự phát triển của virus Dengue (truyền bệnh SXH) đang mở ra một hướng mới trong việc phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 tới nay, dịch SXH đã bùng phát và kéo dài nhiều tháng qua, diễn ra ở cả 4 khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên, với số mắc được ghi nhận là trên 110.000 trường hợp, trong đó 26 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc SXH tăng gần 50%. Hà Nội là nơi có số người mắc dịch bệnh này cao nhất cả nước, với gần 25.000 người, trong đó 7 trường hợp tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh SXH đang hiện diện ở hơn 100 quốc gia với hàng trăm triệu ca mắc hàng năm. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết bệnh SXH lây truyền qua muỗi vằn Aedes aegypti mang virus Dengue, là loại muỗi hiện đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, khi hiện nay việc phòng chống dịch SXH gặp rất nhiều khó khăn do chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng chống chủ yếu vẫn là diệt lăng quăng nhằm kiểm soát muỗi truyền bệnh.

“Vũ khí” mới

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã cùng các nhà khoa học Úc nhân nuôi thành công dòng muỗi Aedes aegypti của địa phương mang vi khuẩn Wolbachia (muỗi được bắt từ đảo Trí Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tiếp đó, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đã được thí điểm thả vào môi trường tại đảo Trí Nguyên trong 2 đợt là tháng 9-2013 và tháng 11-2014. Sau khi thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vào môi trường, kết quả giám sát dịch tễ các năm gần đây cho thấy, trong khi số người mắc SXH ở thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều ở mức rất cao, thì riêng ở đảo Trí Nguyên từ khi kết thúc thả muỗi Wolbachia năm 2014 đến nay chưa xảy ra bất cứ ổ dịch SXH nào.

Theo một số chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như: ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn… và cả một số loài muỗi thường đốt người, nhưng muỗi vằn truyền bệnh SXH thì lại không có vi khuẩn này. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi mang khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây bệnh SXH, virus Zika và một số loại virus khác truyền bệnh qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền virus gây bệnh sang người. Ích lợi hơn, vi khuẩn Wolbachia được muỗi cái truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung” nên duy trì hiệu quả lâu dài nhờ quá trình cặp đôi, sinh sản tự nhiên mà không làm tăng số lượng muỗi ở cộng đồng. Hơn nữa, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gien vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gien của muỗi. Vi khuẩn Wolbachia sống cộng sinh trong tế bào muỗi và duy trì ổn định qua các thế hệ một cách tự nhiên.

Hiện nay, không chỉ có nước ta mà nhiều quốc gia khác như Australia, Indonesia, Brazil và Colombia cũng đã thực hiện thả muỗi mang Wolbachia vào môi trường tự nhiên, trong cộng đồng dân cư, với kết quả đạt được cho thấy đây là một phương pháp an toàn, hiệu quả. Muỗi mang Wolbachia không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe con người hay môi trường sinh thái, trong khi hiệu quả khống chế sự lan truyền của bệnh SXH nâng lên rõ rệt.

Công an Nhân dân

Các bệnh viện chỉ được sử dụng tối đa 30% biệt dược gốc

Sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) có công văn số 3794 gửi Bộ Y tế để thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc, chiều ngày 8-9, BHXHVN đã ký một văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung tại các điểm 1,2,3 của công văn trước về tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc. Theo văn bản mới nhất này, tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc được phân cấp cụ thể theo tuyến.

Sẽ giảm tối đa tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trong bệnh viện

BHXHVN đề nghị Bộ Y tế tạm thời thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc năm 2018 như sau: Đối với các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, các BV trực thuộc Bộ Quốc phòng (BV Trung ương quân đội 108, BV Quân Y 103, Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, BV Quân y 175, BV Y học cổ truyền quân đội), các BV trực thuộc Bộ Công an (BV 198, BV 30/4) và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương: tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tối đa bằng 30% tổng chi phí thuốc.

Các BV tuyến Trung ương có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 30%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 30% tổng chi phí thuốc, các BV có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 30% tổng chi phí thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Các BV đều bị hạn chế sử dụng biệt dược gốc từ 2018

Đối với BV hạng 1 trực thuộc Sở Y  tế các  tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% so với tổng chi phí thuốc.

Các BV có  tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 25%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% tổng chi phí thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 25% tổng chi phí thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

BV hạng 2 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% so với tổng chi phí thuốc. Các BV có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trong năm 2016 lớn hơn 15%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% tổng chi phí thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 15% tổng chi phí thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

BV hạng 3 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% so với tổng chi phí thuốc. Các BV có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 4%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% tổng chi phí thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 4% tổng chi thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám chữa bệnh hạng 4, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng.

Đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh về việc sử dụng biệt dược gốc không vượt quá tỷ lệ đã thống nhất, đồng thời chỉ đạo việc kê đơn thay thế thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền bằng các thuốc Generic Nhóm 1 có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu điều trị tại các cơ sở y tế.

Tuổi trẻ

Thiệt mạng vì cồn giả chứa methanol

Đã có 2 người chết và một số người bị ngộ độc vì cồn chứa methanol trong vòng vài tháng trở lại đây. Cồn in trên nhãn cồn ethanol, tuy nhiên thực tế lại là cồn chứa methanol.

Hai người chết do uống phải cồn chứa hàm lượng methanol quá cao. Có thể sẽ có thêm những cái chết được báo trước nếu cơ quan chức năng còn để những chai cồn mập mờ nhãn mác được tiêu thụ trên thị trường, gây nguy hiểm cho người dùng.

Chết vì cồn

Lần giở những chai cồn của nhiều nhà sản xuất mà thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thu thập thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đức, phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho hay đang có tình trạng mập mờ nhãn mác trên các chai cồn.

"Nhãn chai chỉ ghi cồn 70 độ, cồn 90 độ, ghi công dụng là sát trùng dụng cụ, sát trùng vết thương, làm chín thực phẩm nhưng không ghi thành phần, nếu không được Cục Quản lý dược cấp đăng ký lưu hành thì đó không phải là cồn y tế, nhưng các nhà sản xuất ghi nhãn không rõ ràng khiến người dùng nhầm là cồn y tế vốn tinh khiết, chứa từ 70-90% là ethanol (tương tự rượu)"- ông Đức cho biết.

Chính vì sự mập mờ này đã khiến cho 2 người chết, một số người ngộ độc vì uống phải cồn chứa hàm lượng methanol, nghĩ rằng là ethanol.

Mới nhất là hôm 26-8, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu cho ông Lê Văn T., 63 tuổi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, hôn mê, tụt huyết áp, nhiễm toan nặng do ngộ độc methanol có trong chai cồn 500ml ông T. đã mua về uống trước đó. Mặc dù được cấp cứu, hồi sức, dùng các thuốc giải độc nhưng do đến bệnh viện muộn, não tổn thương quá nặng, tử vong cận kề nên gia đình đã xin cho bệnh nhân này về.

Trước đó, một người nam 45 tuổi ở Hà Nội tử vong hồi tháng 6 do mua cồn của Dai Loi về pha thành rượu uống. Loại cồn người bệnh sử dụng là cồn 90 độ, nhãn hiệu Dai Loi, góc trái có ghi chữ ethanol nhưng qua xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả có đến 88% methanol, không tìm thấy ethanol.

Lỗ hổng quản lý

Mặc dù giá bán lẻ chai cồn chỉ từ 1.000-15.000 đồng tùy cỡ, nhưng đang tiềm ẩn một lỗ hổng rất lớn trong quản lý sản phẩm này. Hồi tháng 7 vừa qua, hơn nửa tháng sau ca chết do uống phải cồn nhãn hiệu Dai Loi chứa 88% methanol, Sở Y tế Hà Nội đi kiểm tra, lấy mẫu tại kho hàng của nhà sản xuất loại cồn này.

Cơ quan y tế làm kiểm nghiệm, xác định sản phẩm trong kho của nhà sản xuất cồn Dai Loi có methanol, tuy hàm lượng các mẫu lấy sau nửa tháng không cao như mẫu kiểm nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng cũng không đạt tiêu chuẩn cồn y tế (methanol quá ngưỡng cho phép là 0,1g/lít) và hiện cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng không xử lý được do các quy định hiện hành không rõ ràng với nhóm sản phẩm này.

"Khi chúng tôi làm việc với doanh nghiệp để xử phạt thì khó xếp sản phẩm vào nhóm nào, nhãn mác của họ không ghi là cồn y tế, công dụng ghi là sát trùng dụng cụ, làm chín thực phẩm, nếu xếp vào cồn y tế thì không đúng, nhưng sản phẩm lại được bán như cồn y tế và dễ gây nhầm lẫn. Chúng tôi đã mời Cục Quản lý dược, thanh tra Bộ Y tế cùng thảo luận, xếp sản phẩm vào nhóm trang thiết bị y tế do công dụng có mục sát khuẩn dụng cụ, nhưng sản phẩm lại chưa có giấy phép sản xuất nên Sở Y tế đã xử phạt mức 70 triệu đồng và đình chỉ lưu hành 2.800 lít cồn đã sản xuất"- một thành viên đoàn thanh tra cho biết.

Tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai cũng có văn bản gửi Cục Quản lý dược, đề nghị kiểm tra các sản phẩm cồn sát trùng, có biện pháp kiểm soát thành phần methanol trong cồn sát trùng. Đồng thời yêu cầu ghi rõ hàm lượng methanol, ethanol trên nhãn mác chai/lọ, trường hợp chứa cồn công nghiệp methanol phải ghi rõ "chứa cồn công nghiệp methanol - không được uống".

Đề nghị từ tháng 7 chưa được xem xét thì cuối tháng 8 lại có thêm người chết vì cồn y tế giả. Đã có người chết tức là hậu quả đã rất nghiêm trọng, nhưng nhiều người vẫn nghĩ "mấy ai dùng đến cồn và mấy ai đã bị nhầm".

Sự lơ là trong quản lý thể hiện rõ khi ngày 7-9, chúng tôi đi khảo sát lại thị trường sản phẩm này vẫn thấy các chai cồn nhãn mác lộn xộn, mập mờ, cồn không phải là cồn y tế, không rõ thành phần đang được bày bán ở các hiệu thuốc như cồn y tế. Và nếu cứ coi đây là điều không đáng lo, rất có thể sẽ còn có những tai nạn đau lòng vì cồn y tế giả.

Cồn giả dễ gây nhiễm trùng

Hầu hết các chai cồn đều ghi công dụng sát trùng vết thương, nhưng bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trung tâm đã từng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc methanol do sử dụng cồn sát trùng chứa hoàn toàn là methanol, không tìm thấy ethanol như yêu cầu đối với cồn y tế (yêu cầu có 70-90% là ethanol).

"Khi đó hiệu quả sát trùng không đảm bảo, dễ dẫn tới nhiễm trùng vết mổ, vết thương…"- bác sĩ Nguyên cho biết.

"Nên đóng chai, lọ cồn sát trùng với nhãn mác khác với nước cất, nước rửa mắt mũi để tránh nhầm lẫn, vì đã có trường hợp bị bỏng mắt do nhầm lẫn dùng chai cồn để rửa mắt", BV Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế.

Ngày 14/09/2017
Ban Biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích