Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 3 5 3 5
Số người đang truy cập
2 9
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ ngày 03/9 đến ngày 04/9 năm 2017

Nhân dân

Nhiều thủ đoạn tinh vi trong sản xuất và kinh doanh dược, mỹ phẩm giả

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong hai năm (từ 15-7-2015 đến 15-4-2017), cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 51.274 vụ; phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Nhiều vi phạm trong lĩnh vực dược – mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Trong thời gian từ 15-7-2015 đến 15-4-2017, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 51.274 vụ, phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thu nộp ngân sách nhà nước 75,530 tỷ đồng. Đồng thời, khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng.

Trong việc phát hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tân dược, thực phẩm chức năng, nhiều vụ có quy mô, trị giá hàng hóa vi phạm lớn. Trong hai năm, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 259 vụ vi phạm/159 đối tượng liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép, nhập khẩu hàng hóa là tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 47,942 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước đạt 7,77 tỷ đồng; khởi tố ba vụ/ba đối tượng.

Nhiều vụ việc vi phạm đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, trong đó có một số đơn vị, địa phương có kết quả nổi bật. Cụ thể như BCĐ 389 Bộ Y tế đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 559 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 30,985 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo đã xử lý 263 cơ sở vi phạm với 294 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 9,21 tỷ đồng; thu hồi 89 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, dừng lưu thông 191 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm. Cục Quản lý Dược đã xử phạt vi phạm hành chính 194 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, tổng số tiền phạt 13,025 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra 1.622 vụ, xử lý 1.626 vụ (trong đó xử lý bốn vụ tồn), phạt hành chính 16,437 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 39,557 tỷ đồng; khởi tố hai vụ và ba đối tượng. Ban Chỉ đạo 389 TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 1.271 vụ; với 1.118 đối tượng; thu nộp ngân sách đạt 14412 tỷ đồng; khởi tố 10 vụ với 16 bị can.

Các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi như không sản xuất tập trung với số lượng lớn hoặc thông qua nhập khẩu các sản phẩm của mình đã được công bố, sau đó thành lập nhiều công ty vệ tinh tự sản xuất giả (giả chất lượng) các sản phẩm của mình và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, qua công tác kiểm tra cho thấy sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh; mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xóa hạn sử dụng,... Đáng chú ý, qua giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như: chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép cho vào trong thực phẩm chức năng.

Trong lĩnh vực dược phẩm, tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hóa đơn tại các chợ trung tâm và ngay trong các quầy thuốc bệnh viện vẫn còn tồn tại.

Chồng chéo và sơ sở, nhiều đối tượng “lách luật”

Theo ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng BCĐ 389, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung còn chồng chéo, sơ hở. Do đó, đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động bất hợp pháp và gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, thiếu các quy định về cấp phép quảng cáo để xử lý đối với thông tin quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, tác dụng; quy định về kê khai giá; công bố chất lượng không ghi thành phần chính, chất chủ yếu, không ghi định tính, định lượng,... nên các đối tượng lợi dụng để né trách hành vi vi phạm hàng giả về chất lượng.

Việc chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội (facebook, Zalo, Instagram,...) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cá nhân, cơ sở kinh doanh o­nline là rất khó khăn, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ về mạng xã hội và thông tin như hiện nay.

Trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, ông Đàm Thanh Thế cho biết, hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô,...

Công tác giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, có khi mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau, đã cản trở quá trình xử lý vi phạm. Các đối tượng sản xuất hàng giả tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phần lớn là dân các tỉnh nhập cư; không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú nên việc xác minh lai lịch để lập hồ sơ nghiệp vụ giám sát, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, gia công từ các khu đô thị mới, nơi hẻo lánh, khu trọ, vùng ven thành phố hoặc vùng giáp ranh giữa các tỉnh để tổ chức sản xuất nên việc quản lý, thẩm tra để kiểm tra, kiểm soát là rất khó khăn.

Thêm nữa, công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt, trong khi nhiều hãng sản xuất không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối chưa thực sự quan tâm tới công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường. Vì vậy, cơ quan chức năng chống hàng giả thiếu thông tin về sản phẩm, do đó hiệu quả công tác đấu tranh hàng giả là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm thời gian qua chưa cao.

Vì thế, theo BCĐ 389 quốc gia, để tăng cường đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, cần phải có sự vào cuộc sát sao, quyết liệt thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Bộ Y tế cần chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, công bố tiêu chuẩn chất lượng,...; ban hành quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đồng thời, thông tin công khai về việc cấp phép của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin để lực lượng chức năng có thể tra cứu, khai thác trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên bền vững

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân (ngày 3-6-2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác BHYT học sinh - sinh viên (HSSV). Thủ tướng cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp chặt chẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, bảo đảm đến năm 2017 tất cả đối tượng này tham gia BHYT…

Những con số không ngừng tăng

Trong những năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được chú trọng và thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của ngành BHXH và ngành giáo dục và đào tạo, y tế, lao động - thương binh và xã hội, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Nếu như năm học 2006 - 2007, cả nước mới chỉ có 45% HSSV tham gia BHYT, thì đến năm học 2010 - 2011, tỷ lệ HSSV tham gia đã tăng lên gần 70%. Đến năm học 2014 - 2015, con số này là 85%, tương ứng gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Đáng chú ý, năm học 2015 - 2016 là năm học đầu tiên thực hiện BHYT HSSV theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1-1-2015), mặc dù mức đóng được điều chỉnh tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở; giảm mức chi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học (YTTH) từ 12% xuống 7% kèm theo các điều kiện cụ thể về YTTH để được cấp kinh phí, nhưng kết quả đạt được vẫn khả quan khi tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu HSSV, trong đó số HSSV tham gia tại trường học là 12,8 triệu em; tham gia theo các nhóm đối tượng khác (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình…) hơn 2,8 triệu em.

Đến năm học 2016 - 2017, số HSSV tham gia BHYT tăng khoảng 15,9 triệu HSSV, đạt 92,5%. Với kết quả này, HSSV là một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất và là đối tượng có tỷ lệ tham gia cao nhất trong nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ.

Nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Bên cạnh việc được chi trả khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; mặc dù hiện Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV là đối tượng được hưởng gián tiếp các quyền lợi này thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Hiện nay, khoản kinh phí trích lại từ số thu BHYT HSSV là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn của hoạt động YTTH (nguồn trích lại từ quỹ BHYT chiếm khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước cho YTTH chỉ khoảng 18%). Năm học 2005 - 2006, kinh phí phân bổ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTTH chỉ có 75 tỷ đồng, thì đến năm 2015 - 2016, con số này tăng hơn 500 tỷ đồng.

Để phát triển bền vững

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn đến 7,5% số HSSV chưa tham gia BHYT, điều này cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề để phát triển BHYT HSSV năm học 2017 - 2018. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với HSSV nói riêng; một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm đúng mức đến công tác YTTH. Nhiều cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV.

Thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-6-2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, trong năm học 2017 - 2018, BHXH Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, ngành đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục và đào tạo từ T.Ư đến địa phương, giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV, bảo đảm đến hết năm 2017 đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến HSSV và các bậc phụ huynh, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện chính sách này. Đây không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước.

Để việc thực hiện chính sách được thuận lợi, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo, tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, cụ thể: Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2017. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV sáu tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

Đồng thời, đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tế như: Trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang học sinh lớp 1 mà sinh vào các ngày trong tháng sau ngày 30-9 thì được sử dụng đến hết tháng của tháng đủ 72 tháng tuổi; học sinh lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến 30-9 thay vì cấp thẻ đến 31-5 (kết thúc khóa học).

Năm học 2017 - 2018 là năm đầu BHXH Việt Nam thực hiện cấp mã số BHXH định danh duy nhất cho mỗi người tham gia. Mã số này sẽ gắn với quá trình tham gia BHXH, BHYT suốt đời của mỗi người, được cập nhật liên tục, giảm thủ tục khai báo lại thông tin của người tham gia khi cấp thẻ BHYT, bảo đảm quyền lợi ưu đãi của những người tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên. Dự kiến, trong năm học này, tất cả HSSV tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ theo mã số mới.

HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Trong đó, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Đối với HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng. Hiện BHXH Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng HSSV.

Hà Nội mới

Mỗi năm Việt Nam có 75.000 người tử vong vì ung thư

Theo Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 120.000 ca ung thư mới được phát hiện và hơn 75.000 bệnh nhân qua đời vì căn bệnh này. Do đó, ung thư đang là một căn bệnh nguy hiểm tại Việt Nam và trên toàn thế giới.Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chữa trị ung thư, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, số ca ung thư tại Việt Nam và trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng. Thực trạng này cho thấy cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư vẫn còn dài và đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, các bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội, chiếm 66% gánh nặng bệnh tật. Nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm được xác định là do lối sống của người dân như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau củ quả, ăn quá mặn hoặc lười vận động...Cụ thể, vẫn còn 49% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, trong đó có 11% uống tới mức nguy hại; 40% bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh. Chưa kể, việc dự phòng không rốt ráo, việc điều trị dựa vào cộng đồng cũng chưa làm được đang làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng quá tải bệnh viện và giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống của người dân.Với mong muốn hỗ trợ các bác sĩ, nhà khoa học và bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Salt Cancer Initiative, Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Forbes Việt Nam và Đại học Nam California sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo ung thư Vietnam Multidisciplinary o­ncology Conference tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2017.Hội thảo sẽ quy tụ nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học uy tín của Trung tâm ung thư MD Anderson, Đại học Nam California, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhiều bệnh viện, trung tâm y khoa lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ.Theo đó, tại Hà Nội, hội thảo sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào các ngày 5 và 6-9. Đây sẽ là cơ hội để các chuyên gia về ung thư của Hoa Kỳ và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, giao lưu học thuật và hợp tác nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị và phòng ngừa ung thư.

Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ chia sẻ và trình bày các tiến bộ mới nhất trong điều trị và nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư. Hội thảo cũng sẽ mở ra các cơ hội quý báu để các chuyên gia về ung thư của Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp tác trong các dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực và điều trị ung thư trong tương lai.

Tại TP Hồ Chí Minh, hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 8-9 với mục tiêu kết nối các bệnh nhân ung thư, các chuyên gia và các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân cùng chung sức trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư. Qua diễn đàn này, các chuyên gia về ung thư của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ trình bày những tiến bộ mới trong điều trị ung thư và những thông tin quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân ung thư.

Xét nghiệm máu có ra sốt xuất huyết?

Do lo ngại tình trạng quá tải tại các bệnh viện công nên nhiều người dân đã lựa chọn dịch vụ xét nghiệm máu chẩn đoán sốt xuất huyết tại nhà. Thế nhưng, không ít người lo ngại khi cùng trong một ngày, việc xét nghiệm có thể cho hai kết quả xét nghiệm khác nhau. Các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm cho rằng, để chẩn đoán chính xác bệnh, quan trọng nhất vẫn là các triệu chứng lâm sàng bởi kết quả xét nghiệm có thể có sai số.

Sáng âm tính, chiều dương tính

Chị Đỗ Th. (36 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) có con trai chị sốt cao với các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết. Quá lo lắng, chị đã liên hệ với một cơ sở y tế và chọn dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà. Kết quả, con chị âm tính với sốt xuất huyết. Dù vậy, chị Th. vẫn cảm thấy không yên tâm. Chị cho biết: "Vì công việc hằng ngày có liên quan đến lĩnh vực y tế nên tôi cũng hiểu về bệnh sốt xuất huyết. Rõ ràng, con tôi có những triệu chứng của bệnh nhưng kết quả lại không thể hiện cháu mắc sốt xuất huyết. Vì vậy, cuối buổi chiều cùng ngày, tôi lại đưa con tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 để khám. Theo kết quả xét nghiệm tại đây, con trai dương tính với sốt xuất huyết type Dengue 1".

Tương tự, khi thấy em gái có biểu hiện sốt cao, anh Lê Ph. (30 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã nhờ đến dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà. Mặc dù kết quả cho thấy không mắc sốt xuất huyết, thế nhưng, sau đó em gái anh vẫn sốt cao và có biểu hiệu bị chảy máu chân răng. Do đó, anh Ph. đã đưa em gái vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết.

Lý giải vì sao trong cùng một ngày, một bệnh nhân lại có hai kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết khác nhau, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, hiện tại có 3 loại xét nghiệm với bệnh sốt xuất huyết, bao gồm: Xét nghiệm nhanh Dengue NS1 nhằm phát hiện kháng nguyên vi rút gây bệnh; xét nghiệm xác định type Dengue (vì bệnh sốt xuất huyết có 4 type D1, D2, D3, D4) bằng cách giải trình tự gene vi rút, và xét nghiệm kháng thể Dengue IgM, IgG trong máu.

Tuy nhiên, không một test xét nghiệm nào khẳng định được chắc chắn là bệnh nhân có hoặc không mắc sốt xuất huyết. Việc bệnh nhân có kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết khác nhau trong cùng một ngày là điều bình thường. Trong mùa dịch sốt xuất huyết năm nay, bệnh viện đã gặp khá nhiều trường hợp làm xét nghiệm âm tính với sốt xuất huyết trước đó nhưng lại phải nhập viện cấp cứu vì chính căn bệnh này.

Thạc sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết thêm, việc xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên sốt xuất huyết được thực hiện trong vòng 3-5 ngày đầu kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Khi đó, nồng độ kháng nguyên vi rút trong máu thấp nên kết quả xét nghiệm sẽ là âm tính, còn nếu cao là dương tính. Đến ngày thứ 7 trở đi, vi rút Dengue trong máu hết dần, lúc này nếu xét nghiệm tìm kháng nguyên sẽ cho kết quả âm tính. Về nguyên tắc, thời điểm này phải xét nghiệm tìm kháng thể.

Quan trọng nhất là triệu chứng lâm sàng

Dịch vụ xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà hoàn toàn có thể sử dụng được, nhưng điều quan trọng là ứng xử với kết quả xét nghiệm ra sao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, có những trường hợp, ngay từ ngày đầu tiên có triệu chứng sốt cao, mật độ vi rút Dengue dày đặc thì việc xét nghiệm sẽ cho ngay kết quả dương tính. Thế nhưng, đến ngày thứ 5-6 trở đi, khi nồng độ vi rút trong máu đã giảm nhiều trong khi nồng độ kháng thể chưa tăng đủ cao thì các xét nghiệm (gồm cả kháng nguyên và kháng thể) có thể đều âm tính. Thậm chí, đến ngày thứ 7 trở đi thì dù việc xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả âm tính nhưng xét nghiệm kháng thể có thể lại cho kết quả dương tính…

“Quy trình lấy máu cũng ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Nếu lấy được mẫu máu tập trung nhiều vi rút hoặc quá trình lưu giữ, vận chuyển mẫu bảo tồn được kháng nguyên, kháng thể thì độ chính xác sẽ cao hơn. Nếu lấy máu không đúng kỹ thuật, kết quả xét nghiệm có thể không chính xác”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, dù kết quả xét nghiệm là âm tính với sốt xuất huyết nhưng nếu người bệnh có các dấu hiệu lâm sàng như sốt cao, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… thì nên đi khám lại.

Với bác sĩ điều trị, xét nghiệm chỉ là một kênh thông tin tham chiếu để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn chứ không thể dựa hoàn toàn 100% vào xét nghiệm để xác định hướng điều trị. Hơn nữa, xác suất cho kết quả xét nghiệm dương tính chính xác khoảng 95-98%, có nghĩa là vẫn còn khoảng 2-5% sai số cho xét nghiệm về sốt xuất huyết.

Để chẩn đoán sốt xuất huyết thì phải dựa vào nhiều yếu tố. Test nhanh đôi khi vẫn cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Hơn nữa, kết quả âm tính hay dương tính phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Thạc sĩ Phạm Bá Hiền cho rằng, vi rút truyền bệnh sốt xuất huyết có 4 type. Khi bị mắc 1 trong 4 type thì người bệnh sẽ có miễn dịch với type vi rút đó, nhưng không đủ miễn dịch để phòng các type khác. Vì vậy, về lý thuyết, mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần.

Trong 3 ngày đầu tiên khi khởi phát sốt, rất khó phân biệt sốt xuất huyết hay sốt do các căn nguyên khác. Chính vì vậy, người bệnh cần đi khám để được các bác sĩ tư vấn hướng điều trị phù hợp, tránh việc tự ý điều trị dễ gây ra biến chứng đáng tiếc.

Công an nhân dân

Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội khi sinh viên nhập học

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ 1-1-2017 đến ngày 31-8-2017, ghi nhận 23.693 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần từ ngày 24-8 đến 30-8, Hà Nội ghi nhận 2.822 trường hợp, giảm 261 trường hợp so với tuần từ ngày 17-8 đến 23-8. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện là 2.139 người, có xu hướng giảm so với các tuần trước. Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù số ca mắc trong tuần đã có xu hướng giảm, nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay và thời gian tới sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học thì nguy cơ dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng. Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để từng người dân biết về bệnh SXH và các biện pháp phòng chống; bổ sung nhân lực cho đội xung kích diệt bọ gậy; có kế hoạch chi tiết cụ thể cho việc phun hoá chất; tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch, đồng thời, thực hiện chế độ giao ban, báo cáo dịch theo đúng quy định. Nhận định về tình hình dịch SXH trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, dịch có dấu hiệu giảm, tuy nhiên, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lại tăng ở một số quận, huyện như Thường Tín, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thanh Xuân… Do vậy, để công tác phòng chống dịch đạt được hiệu quả, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong cơ quan, đơn vị và phun hoá chất diệt muỗi theo hướng dẫn của Sở Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; gắn trách nhiệm cụ thể đối với lãnh đạo các xã, phường để sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.

Sức khỏe & Đời sống

Hà Nội: Cô gái 18 tuổi bị viêm não mô cầu

Sau 3 ngày sốt, nôn, đau đầu, chấm xuất huyết, tưởng bị sốt xuất huyết, cô gái người Quảng Bình đang ở trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đi khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW và đã được cách ly ngay vì bị viêm não mô cầu.

BS Trần Thị Hải Ninh- Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh nhân đang đi học và tạm trú tại quận Cầu giấy, Hà Nội. 2 ngày trước khi vào viện, cô gái bị sốt, ý thức lơ mơ kèm theo nôn, đau đầu. Nghĩ mình bị sốt xuất huyết, cô đến khám tại một bệnh viện gần nhà và điều trị 1 ngày (truyền dịch, hạ sốt...), sau đó được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.“Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, cổ cứng, ban xuất huyết hoại tử vùng ngực, bụng, đùi. Với hội chứng màng não, bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tuỷ xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do não mô cầu.Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang cơ sở 2 tại Kim Chung, Đông Anh nằm phòng cách ly. Đồng thời, Bệnh viện thông báo cho Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch”- BS Trần Thị Hải Ninh cho biết.

Về ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh nhân được phát hiện sớm, diễn tiến không quá nặng, nên sau 4 ngày điều trị đã có thể ra viện.

“So với sốt xuất huyết, viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm hơn nhiều, lây qua đường hô hấp. Rất may người bệnh được cách ky kịp thời, tránh lây cho bệnh nhân khác”- PGS.TS Nguyễn Văn Kính nói.Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, đây là ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên tại Hà Nội trong năm nay. Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã cử cán bộ đến nơi bệnh nhân cư trú để điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh để uống kháng sinh dự phòng. Hiện ổ dịch đã được khống chế, chỉ dừng lại ở một ca bệnh.Bệnh não mô cầu thường xuất hiện rải rác quanh năm và tăng cao vào mùa xuân. Trung bình một năm Hà Nội ghi nhận 5-7 ca viêm não mô cầu. Não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.

Theo các chuyên gia, với bệnh viêm màng não do não mô cầu, bệnh nhân có thể sốt cao đột ngột giống như trong bệnh sốt xuất huyết, nhưng có chấm xuất huyết hoại tử hình sao, rất đặc trưng. Bên cạnh đó, người bệnh còn có các hội chứng màng não (đau đầu, cổ cứng…) trong khi người bệnh sốt xuất huyết chỉ mệt, lờ đờ. Bệnh nhân cũng có thể bị sốc ngay từ ngày đầu trong khi với bệnh sốt xuất huyết thường là từ ngày thứ 3 trở đi.

“Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi. Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng”- PGS.TS Nguyễn Văn Kính nói.

Khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thường 3-4 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn... Biểu hiện này tương tự viêm não, màng não do virus thông thường khác. Bệnh cũng có ban hoại tử trên da nên dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Ngoài ra, bệnh còn khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính.

Những điểm mới về BHYT học sinh sinh viên năm học 2017-2018

Mỗi người tham gia BHYT, gồm cả HSSV được cấp 01 mã số BHXH để sử dụng trong quá trình kê khai tham gia BHYT, hưởng BHYT và được sử dụng, gắn bó với các em không chỉ trong thời gian học tại nhà trường mà sẽ theo sát các em trong cả quá trình trưởng thành và suốt cuộc đời.

Ông Trần Đình Liệu- Phó tổng giám đốc Bảo hiễm xã hội (BHXH) Việt Nam  cho biết, BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 595/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trong đó có nhiều đột phá mới trong quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thu, nộp BHXH, BHYT, đặc biệt quy định người tham gia BHXH, BHYT được cấp mã số BHXH là số định danh duy nhất để cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ BHXH, BHYT.

Theo đó, đối với mỗi người tham gia BHYT, gồm cả học sinh sinh viên (HSSV) được cấp 01 mã số BHXH để sử dụng trong quá trình kê khai tham gia BHYT, hưởng BHYT và được sử dụng, gắn bó với các em không chỉ trong thời gian học tại nhà trường mà sẽ theo sát các em trong cả quá trình trưởng thành và suốt cuộc đời.

Mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở

Để đáp ứng yêu cầu quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà trường, HSSV khi tham gia BHYT, cơ quan BHXH sẽ đến phổ biến và hướng dẫn Nhà trường và HSSV lập danh sách cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH:

- Đối với HSSV đã được cấp mã số BHXH: Nhà trường ghi mã số BHXH vào các mẫu biểu tương ứng do cơ quan BHXH cung cấp.

Mức đóng BHYT HSSV năm học 2017-2018 là 4,5% mức lương cơ sở

- Đối với học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) và sinh viên năm thứ nhất, chưa có mã số BHXH, khi tham gia BHYT, nhà trường hướng dẫn HSSV kê khai chính xác, đầy đủ thông tin vào Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin (Mẫu TK1-TS) ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

- Đối với HSSV còn lại, cơ quan BHXH sẽ gửi mẫu kê khai bổ sung đến những HSSV còn thiếu thông tin để cơ quan BHXH cập nhật bổ sung và cấp mã số BHXH cho HSSV.

- Sau khi có mã số BHXH, nhà trường lập danh sách tham gia BHYT và ghi mã số BHXH vào danh sách đối với từng HSSV để được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH được cấp.

- HSSV báo lại mã số BHXH cho cơ quan BHXH khi tiếp tục đăng ký tham gia BHYT hoặc giải quyết chế độ BHYT.

Theo quy định mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở (tức là 4,5% x 1.300.000 đồng) và HSSV chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được ngân sách chi trả.

Mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tương ứng với thời hạn sử dụng của thẻ BHYT (Mức lương cơ sở từ 01/07/2017 là 1.300.000 đồng).

Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, đến nay tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu em. Trong năm học 2017-2018 này, một số địa phương trong cả nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ HSSV tham gia BHYT…Tại TP. Hồ Chí Minh, liên Sở Giáo dục & Đào tạo và BHXH TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thu BHYT HSSV năm học 2017-2018 tại các trường học trên địa bàn TP. Mức đóng BHYT năm học 2017-2018 bằng 4,5% mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 01/7/2017 (1,3 triệu đồng/tháng) nhân với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%, người học chỉ đóng 70% chi phí còn lại.  Tham gia BHYT tại trường học, HSSV có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng tiền gồm 3 - 6 - 9 hoặc 12 tháng. Trường hợp tham gia phương thức 3 tháng, 6 tháng khi thẻ sắp hết hạn, nhà trường có trách nhiệm đôn đốc các em tiếp tục tham gia để thẻ có giá trị liên tục đến hết năm.Nếu HSSV có thẻ BHYT hết hạn sử dụng rơi vào các tháng trong năm 2017 hoặc chưa tham gia BHYT trước đó, nhà trường có trách nhiệm lập danh sách mua thẻ BHYT cho các em trong những tháng còn lại đến hết ngày 31/12/2017 rồi thực hiện đăng ký theo các nhóm phương thức 03 - 06 - 09 - 12 tháng hoặc mua gói 15 tháng cho 3 tháng cuối năm 2017 và cả năm 2018.

Đối với HS-SV thuộc diện hộ gia đình cận nghèo, theo quy định phải tham gia BHYT tại địa phương và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70%. Nếu chưa tham gia BHYT tại địa phương, các em có thể đăng ký tham gia BHYT tại trường, sau khi được cấp thẻ sẽ được hoàn trả 70% tiền đóng theo quy định.

Tỉnh Lâm Đồng cũng hỗ trợ 70% mức đóng cho HSSV là người dân tộc thiểu số không sống trong vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn chưa có thẻ BHYT.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là HS-SV (trừ HSSV học lớp 12 và năm cuối của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp của năm học 2016-2017) là người dân tộc thiểu số không sống trong vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, chưa có thẻ BHYT tính đến thời điểm 31/7/2017 đang học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thuộc diện được hỗ trợ. Cụ thể, mức hỗ trợ là thêm 70% mức đóng BHYT đến hết năm 2017 (5 tháng) từ nguồn Quỹ khám, chữa bệnh BHYT kết dư năm 2015 (ngoài 30% ngân sách nhà nước đã hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP).

Đối với những đối tượng là HS-SV (trừ HS-SV học lớp 12 và năm cuối của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp của năm học 2016-2017) là người dân tộc thiểu số đã có thẻ BHYT (tính đến thời điểm 01/8/2017) nhưng hết giá trị sử dụng trước ngày 31/12/2017 (tính từ tháng 8 đến tháng 12) thì các cơ sở giáo dục, đào tạo lập danh sách riêng theo mẫu gửi BHXH các huyện, thành phố tổng hợp chung số liệu theo địa bàn quản lý báo cáo BHXH tỉnh để xem xét đề xuất với UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ.

Khi phẫu thuật nội soi về bệnh viện huyện

Phẫu thuật nội soi là một kỹ thuật y học hiện đại được ứng dụng trong khám, chẩn đoán bệnh bằng việc sử dụng các loại dụng cụ chuyên biệt để quan sát trực tiếp bên trong các cơ quan của cơ thể.

Với kỹ thuật nội soi có thể quay phim, chụp hình bên trong các cơ quan, lấy dị vật, sinh thiết và thậm chí là thực hiện phẫu thuật nội soi. So với mổ hở, mổ nội soi có nhiều ưu điểm: sẹo mổ nhỏ, sau mổ ít đau, rút ngắn thời gian nằm viện, hồi phục sức khỏe nhanh, sớm trở lại công việc và sinh hoạt hàng ngày. Điều đáng nói là phẫu thuật nội soi hiện nay hầu hết đã phủ sóng các bệnh viện (BV) tuyến huyện, ngay cả các BV huyện miền núi.

Thụ hưởng kỹ thuật hiện đại ngay tại quê nhà

Nhập BVĐK huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) với cơn đau dữ dội, bà D.T.L. (ở Nga Bạch, Nga Sơn) được chẩn đoán viêm phúc mạc khu trú do viêm ruột thừa muộn và được chỉ định phẫu thuật. Nếu như trước đây, những bệnh nhân như bà L. sẽ phải thực hiện mổ hở, thời gian hậu phẫu kéo dài rất khó khăn cho bệnh nhân, thì nay BVĐK huyện Nga Sơn đã triển khai thành công phẫu thuật nội soi, vì vậy bà L. được thực hiện phẫu thuật nội soi ngay tại BV. Sau phẫu thuật 1 ngày, bà L. đã ngồi dậy và đi lại được, sau 2 ngày, sức khỏe ổn định, không còn đau đớn, đến ngày thứ 6 được xuất viện. Bà L. chia sẻ: “Tôi phải mổ cấp cứu, may mắn được các bác sĩ bệnh viện huyện phẫu thuật bằng phương pháp nội soi. Tôi và người nhà không phải đi xa, giảm được chi phí, thời gian nằm viện ngắn, vết mổ nhỏ, sức khỏe phục hồi nhanh. Tôi rất mừng và yên tâm vì được hưởng thụ kỹ thuật hiện đại ngay tại quê nhà. Được biết, từ tháng 9/2015, BV triển khai phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân đã giúp cho người bệnh tiếp cận được kỹ thuật cao ngay tại tuyến huyện, không phải đi xa, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho BV tuyến trên. Đến nay, BV đã phẫu thuật thành công cho hàng trăm bệnh nhân với các bệnh: viêm ruột thừa, viêm ruột thừa đến muộn (viêm phúc mạc ruột thừa), u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung. Tất cả các ca mổ đều an toàn, không có biến chứng sau phẫu thuật, tạo được niềm tin đối với nhân dân. Cũng giống như bà L., bà N.T.H. (ở xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) nhập BVĐK huyện Sơn Dương vì đau bụng dữ dội. Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết, bà H. được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Bà H. được chỉ định phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật 1 ngày bà đã ngồi dậy, đi lại được, sau 2 ngày sức khỏe ổn định và chỉ đến ngày thứ ba bà đã được xuất viện. Bà H. rất ngạc nhiên và vui mừng vì mình lại có thể ra viện nhanh như vậy. Bởi theo bà, trước đây mổ ruột thừa ở huyện thì phải mất cả tuần nằm viện, đau đớn, nhưng hiện tại sau mổ bà thấy rất nhẹ nhàng. Các bác sĩ giải thích, trước đây các ca viêm ruột thừa thường mổ hở, gây nhiều đau đớn, bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, đặc biệt là thời gian hậu phẫu kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nhưng với phẫu thuật nội soi sẽ rút ngắn thời gian nằm viện của người bệnh, giảm nguy cơ mất nhiều máu, nhiễm khuẩn...

Tương tự, là một BV huyện miền núi và xa xôi như BVĐK Bảo Lạc (Cao Bằng), song BV đã nỗ lực hết mình vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bác sĩ BVĐK Bảo Lạc đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi ổ bụng cho bệnh nhân L.T.V. (35 tuổi, ở Nà Chùa, thị trấn Bảo Lạc). Bệnh nhân V. được chẩn đoán u nang buồng trứng trái, kích thước 0,8cm x 0,6cm. BS. Lý Văn Chuyên của BVĐK Bảo Lạc là phẫu thuật viên chính đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bỏ u nang buồng trứng cho bệnh nhân thành công chỉ trong thời gian 45 phút/bệnh nhân.

Nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới

Theo các chuyên gia y tế, phẫu thuật nội soi là một kỹ thuật khó, đòi hỏi không chỉ yếu tố nhân lực thực hiện phải có chuyên môn cao, trang thiết bị dùng cho phẫu thuật phải tương ứng, do đó, đây là kỹ thuật cần được tiến hành ở những BV lớn, nhưng các BV tuyến huyện hiện nay đã đáp ứng đầy đủ được các yếu tố đó.  Đây cũng là cơ hội để BV có thể mổ cho nhiều bệnh nhân, giảm chi phí đi lại cho người bệnh, giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại BV, bên cạnh đó, người dân được hưởng và tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Trước đó, tại Hội nghị khoa học ngoại khoa và phẫu thuật nội soi - nội soi toàn quốc năm 2016 cũng đánh giá mức độ che phủ của phẫu thuật nội soi ở Việt Nam so với thế giới có thể đứng hàng đầu. Hơn 90% BV trên cả nước đã thực hiện được phẫu thuật nội soi, trong đó hầu hết BV tuyến huyện đều làm được, tuy chỉ ở mức độ cơ bản nhưng đó là tiền đề để phát triển cao hơn.

Có thể nói rằng, phẫu thuật nội soi và nội soi là một tiến bộ của y học, là thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại. Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và xã hội, đó là ít đau, giảm chi phí chăm sóc, sớm ra viện, sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhiều người bệnh không cần vượt tuyến để điều trị, giảm tải cho BV tuyến trên, giảm chi phí cho bệnh nhân...

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Thuốc tẩy giun giả, tác hại thật

Nhiều người cứ nghĩ uống phải thuốc giả thì cùng lắm là tiền mất tật mang nhưng trong thực tế loại thuốc giả này có thể gây ra những tai biến do các thành phần có trong viên thuốc.

Trên thị trường dược phẩm hiện nay, thuốc tẩy giun là sản phẩm được bán rất dễ dàng và cách dùng rất thông dụng vì đây là thuốc bán không cần kê đơn của bác sĩ. Các thuốc thường dùng là Mebendazol, Albendazol, Pyrantel Pamoat. Tuy nhiên, thời gian gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện thuốc tẩy giun Fugacar giả.

Những ca tai biến do uống thuốc tẩy giun giả

Cách đây chục ngày, bệnh nhân Nguyễn Văn Ngọc (12 tuổi, ngụ xã Tân Kim, Cần Giuộc, Long An) nhập viện tại bệnh viện tỉnh với biểu hiện đau bụng kéo dài, nôn thốc tháo, hoa mắt chóng mặt, toàn thân ngứa ngáy, nổi mẩn sau khi uống thuốc tẩy giun mua ở nhà thuốc gần nhà.

Sau khi xem xét vỏ hộp thuốc, các bác sĩ đối chiếu với bảng hướng dẫn của Cục Quản lý dược thì phát hiện đây là thuốc tẩy giun Fugacar giả nên gây đau bụng, ngộ độc toàn thân và dị ứng.

Sau đó ít ngày, bé Lâm Kim Quyên, bảy tuổi, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành cùng tỉnh cũng phải nhập viện cấp cứu vì bị nổi mề đay toàn thân sau khi em uống “thuốc xổ lãi”.

Đây là những trường hợp phát hiện kịp thời và là những ca đầu tiên được phát hiện do sử dụng thuốc giả trong địa bàn tỉnh. Hiện nay hầu hết người dân đều tự tiện ra hiệu thuốc mua thuốc tẩy giun về uống mà không quan tâm đến khuyến cáo của ngành chức năng về thuốc giả bởi thực tế chưa thấy có người chết vì thuốc tẩy giun giả.

Người sử dụng cần thật sự thông minh và cẩn thận khi mua thuốc tẩy giun để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cùng gia đình.

Thuốc tẩy giun giả có gì mà độc hại?

Thuốc tẩy giun Fugacar thật có thành phần là Mebendazole với hàm lượng 500 mg được bào chế dưới dạng viên nén nhai được. Loại thuốc này được dùng trong trường hợp nhiễm các loại giun: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.

Còn trong thực tế, tuy thành phần của viên Fugacar giả chưa được ngành chức năng công bố nhưng trong các loại thuốc giả phát hiện thời gian qua chứa những chất cực kỳ nguy hiểm như thủy ngân, nhôm, chì, asen, crom, selen, thậm chí một số loại thuốc giả còn có độc dược như thuốc diệt chuột, acid boric, chất chống đông. Ngoài ra còn có một số loại thuốc giả hoàn toàn không có dược chất mà chỉ có lactose, tinh bột, muối.

Đây là một cảnh báo nguy hiểm cho người sử dụng vì hầu hết mọi người đều phải thường xuyên tẩy giun định kỳ mỗi sáu tháng một lần nên tần suất và mức độ sử dụng thuốc tẩy giun rất cao.

Trên thực tế, khi uống phải thuốc tẩy giun giả có thể gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15-30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ như buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Cách tránh mua phải thuốc tẩy giun giả

Trước hết, chỉ mua thuốc tại nhà thuốc uy tín, nếu là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn “thực hành tốt nhà thuốc” thì càng tốt. Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, mua bán kiểu trao tay.

Khi mua thuốc cần quan sát kỹ, nếu là loại thuốc đã quen dùng, cần xem kỹ bao bì, chữ in có sắc nét không, trong các chữ được in có bị thiếu không, ví dụ Fugacar giả thì ghi “nhiệt độ bảo quản 15-30C” (thiếu ký hiệu nhiệt độ °), mùi vị thuốc khi uống. Nếu có sự nghi ngờ như bao bì đóng gói kém chất lượng, nhãn mác kém thẩm mỹ hơn so với trước đây, viên thuốc có sự khác biệt với thuốc quen dùng, mùi vị thuốc uống không như trước thì có nguy cơ rất lớn là thuốc giả.

Cuối cùng, sau khi sử dụng thuốc, nhất thiết phải lưu giữ lại vỏ hộp thuốc ít nhất 72 giờ và mang theo để trình báo bác sĩ khi nhập viện nếu có vấn đề xảy ra sau đó nghi ngờ do uống phải Fugacar giả.

Phân biệt thuốc Fugacar thật và giả

Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã ra văn bản gửi các sở Y tế, khuyến cáo cách phân biệt thuốc tẩy giun Fugacar thật, giả.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đã ban hành Công văn 12099/QLD-Ttra đề nghị các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc mang tên Fugacar, SĐK: VN-16500-13, số lô 514015 và 1614007, trên nhãn hộp ghi mạo danh cơ sở nhượng quyền sản xuất là Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse, Bỉ.

Cụ thể, mã số in trên bao bì hộp thuốc thật và thuốc giả sẽ khác nhau; số lô sản xuất, hạn dùng thuốc thật được in nổi, thuốc giả in thường. Cách viết hạn sử dụng trên vỉ thuốc thật cách nhau bằng dấu chấm, thuốc giả là dấu gạch chéo. Bề mặt thuốc thật có khắc dấu hiệu hãng, thuốc giả thì không.

Ngoài ra, Cục Quản lý dược còn tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Báo Hải quan

Lo ngại bệnh tay chân miệng tăng khi bước vào năm học mới

Hiện nay, khi thời tiết giao mùa là thời điểm khiến bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, bên cạnh đó đây cũng là dịp chuẩn bị bước vào năm học mới với hàng triệu học sinh mầm non, tiểu học đến trường, do vậy nếu không có biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng có thể bùng phát mạnh.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 34.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh thành. Trong đó có hơn 20.000 ca phải nhập viện điều trị.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế hiện cho biết, hiện đã vào thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, nên dự báo bệnh tay chân miệng có thể sẽ gia tăng, do đó, các địa phương cần tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, trường học

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3- 5 và tháng 9- 10.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da; chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Các bác sỹ cũng cảnh báo, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa. Ðể chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân và cộng đồng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và chăm sóc trẻ.

Cục Y tế Dư phòng cũng khuyến cáo các gia đình và trường học, nhất là trường mầm non cần thường xuyên lau sạch bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, gia đình cần đưa trẻ đi khám, hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tuổi trẻ

Trẻ bệnh hô hấp nhập viện tăng nhanh

Mới vào mùa nhưng số trẻ mắc bệnh hô hấp đã tăng rất nhanh.Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số trẻ mắc bệnh hô hấp phải nằm ghép từ 3-5 trẻ/giường, còn tại khoa hô hấp 2 - Bệnh viện Nhi Đồng 2, phòng cấp cứu "mở rộng" của khoa cũng đang trong tình trạng gần 2 trẻ/giường.

Ngày 1-9, khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đông nghẹt bệnh nhi ở các phòng bệnh. Khoảng 10h sáng, ngay cả hành lang giữa các phòng bệnh trong khoa cũng chỉ còn một chỗ hẹp để đi lại. Cũng tại hành lang này, khoa đã đặt hai bàn khám ngay tại hành lang để khám bệnh cho các bệnh nhi.

5 trẻ nằm một giường

Ngay cả cầu thang đi lên khoa có chỗ nào nằm được, các bà mẹ đều trải chiếu cho con nằm. Tại một phòng bệnh, chị T.N.G., 36 tuổi, ở Cà Mau, đang chăm cháu cho biết giường của cháu chị được xếp 5 trẻ/giường. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 2 trẻ nằm trên giường bệnh, còn những cháu khác được các bà mẹ đưa ra ngoài hành lang ngủ.

Cháu chị G. mắc đến ba bệnh là bệnh viêm phổi, tiêu chảy và đau mắt đỏ. Nhiều bà mẹ trong phòng cùng kể phòng bệnh đông nên không khí trong phòng luôn ngột ngạt. Người lớn không bị bệnh cũng cảm thấy khó chịu, chứ nói gì đến trẻ nhỏ mắc bệnh.

Ngoài quá tải bệnh nhi, người lớn đi thăm trong phòng còn thêm quá tải âm thanh bởi tiếng khóc của trẻ. Bệnh nhi này khóc, một bệnh nhi khác mãi mới ngủ cũng giật mình khóc theo. Tiếng nói chuyện, hỏi thăm, tiếng gọi điện thoại cho người nhà của một số người tạo thành thứ âm thanh hỗn độn.

"Chỉ cần nghe âm thanh này một lúc cũng đã thấy mệt rồi", một người nhà bệnh nhi than.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, có không gian thoáng hơn, phòng bệnh rộng rãi hơn nhưng khoa hô hấp 1 cũng phải kê thêm giường bệnh ra hành lang cho bệnh nhi nằm. Dù vậy, trong khoa cũng không tránh khỏi tình trạng một số bệnh nhi phải nằm ghép 2 trẻ/giường.

Khoa hô hấp 1 có khoảng 200 giường bệnh (tính cả số giường bệnh đã kê ra hành lang) nhưng thực tế ngày 1-9, khoa này có 230 bệnh nhi. Tại khoa hô hấp 2 chỉ có 90 giường bệnh nhưng số bệnh nhi nằm viện trong ngày lên tới 130 bệnh nhi, nhiều bé phải nằm ghép.

Ngoài ra, một số khoa dịch vụ trong bệnh viện cũng tiếp nhận thêm bệnh nhi hô hấp.

ThS.BS Trần Quỳnh Hương, trưởng khoa hô hấp 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết khoa đã sắp xếp dành mọi chỗ có thể để kê thêm giường cho bệnh nhi nằm đến mức hiện nay bác sĩ cũng không có bàn khám bệnh, phải ngồi khắp nơi để khám.

Thở oxy phải chờ đến lượt

Tại phòng cấp cứu "mở rộng" của khoa hô hấp 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Hương cho biết trước đây khoa chỉ có một phòng cấp cứu nhưng do người bệnh nhập viện đông nên khoa đã lấy một phòng bệnh làm khoa cấp cứu. Trưa 1-9, chúng tôi thấy một số bà mẹ phải bế con đợi đến lượt được thở oxy. Có trường hợp được thở oxy nhưng do phải chờ đến lượt được xếp chỗ, một bà mẹ phải bế con trên tay trong lúc con đang thở oxy.

Khoa cấp cứu "mở rộng" có 7 giường bệnh nhưng có đến 13 bệnh nhi, tất cả những bệnh nhi này đều dưới 1 tuổi và cùng mắc bệnh hô hấp nặng.

Mới là đầu mùa của bệnh hô hấp nhưng số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã lên đến 349 trẻ. Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, dự báo bệnh hô hấp còn tiếp tục kéo dài đến tháng 11 và đỉnh của dịch bệnh có thể vào tháng 10 tới.

Lây nhiễm chéo cao

Bác sĩ Quỳnh Hương ước chừng số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng khoảng 1,5 lần so với lúc bệnh chưa vào mùa và tăng nhanh khoảng một tháng nay. Viêm tiểu phế quản và viêm phổi nặng là những bệnh chiếm phần lớn số bệnh nhi đang nằm điều trị trong khoa.

Năm nay, bệnh hô hấp vào mùa chậm hơn nhưng bệnh rất đông, đặc biệt trẻ em dưới 1 tuổi nhập viện nhiều. Có những lúc chưa kịp sắp xếp, trẻ thở oxy phải bế trên tay chứ không có chỗ nằm trong khi đúng ra trẻ thở oxy phải có giường riêng nằm trong phòng cấp cứu.

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, mỗi trẻ mắc bệnh hô hấp phải có khoảng không gian riêng để cho trẻ còn thở, đỡ lây nhiễm bệnh nhưng thực tế trong khoảng thời gian bệnh đông như hiện nay thì không được vậy.

Giữa các giường trong phòng cấp cứu của khoa cũng phải kê thêm băng ca để có thêm chỗ nằm cho bệnh nhi. Một băng ca có khi phải nằm đến 3 bệnh nhi.

Có một bệnh nhi mắc bệnh loạn sản phổi, các bác sĩ điều trị suốt mấy tháng, bệnh nhi gần hết bị bội nhiễm, gần cai được oxy, chuẩn bị được xuất viện thì gặp ngay dịp nhiều bệnh nhi mắc bệnh hô hấp "ào ào" nhập viện, làm bệnh của bệnh nhi này nặng trở lại.

Hiện bệnh nhi này bị bội nhiễm trở lại do bị lây bệnh từ những bệnh nhi xung quanh. Bệnh nhi nhập viện đông mà cơ sở vật chất không đáp ứng nổi. Bệnh nhi nằm chen chúc nhau thì khả năng lây nhiễm bệnh càng tăng lên, "đứa ho ra, đứa lại hít vào"- bác sĩ Quỳnh Hương nói.

Phòng tránh bệnh

Để phòng bệnh hô hấp, các bậc cha mẹ cần tránh để tác động xấu từ bên ngoài vào trẻ như tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ. Khi trời nóng phải sử dụng máy lạnh, quạt máy hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ, nên để nhiệt độ máy lạnh ở mức 27 độ C...

Không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn mắc bệnh, cho dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi thông thường. Người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên vì rửa tay đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, ăn nhiều hoa quả, rau xanh để tăng cường vitamin, tăng sức đề kháng cho trẻ.

Khi trẻ có những dấu hiệu ngủ li bì, khó đánh thức, không uống được, trẻ nhỏ bỏ bú, bú kém hơn 1/2 lượng sữa bình thường trẻ thường bú, co giật, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

Còn khi thấy trẻ khó thở, thở co lõm lồng ngực, trẻ thở nhanh hơn bình thường nên đưa trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Nên đưa trẻ đi khám sớm khi trẻ sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên để xem trẻ bị viêm phổi hay bất kỳ một bệnh khác như sốt xuất huyết, hoặc trẻ khạc đàm giống như mủ, trẻ ho quá một tuần mà triệu chứng không thuyên giảm.

Hiện thế giới đã chứng minh nếu trẻ tiêm ngừa HHIB và văcxin phế cầu liên hợp sẽ giảm được 49% mắc bệnh viêm phổi. Thế giới đã coi đây là cứu cánh để giảm được gánh nặng bệnh tật cho viêm phổi do phế cầu.

Phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây các nhiễm khuẩn hô hấp từ viêm tai giữa, viêm phổi và cả viêm màng não mủ.

Thanh niên

Bệnh viện tăng cường trực cấp cứu dịp lễ

Lễ 2.9 cũng là thời điểm một số dịch bệnh đang gia tăng. Các bệnh viện đã được yêu cầu duy trì nghiêm túc 4 cấp trực. Đặc biệt, các BV đầu ngành đều có đội cấp cứu lưu động, đội phòng chống dịch lưu động.

Bộ Y tế cho hay dịp nghỉ lễ 2.9 năm nay cũng là thời điểm sốt xuất huyết và một số dịch bệnh đang gia tăng nên các bệnh viện (BV) đã được yêu cầu duy trì nghiêm túc 4 cấp trực: lãnh đạo, lâm sàng, cận lâm sàng, hành chính - bảo vệ. Đặc biệt, các BV đầu ngành như: BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đều được yêu cầu có đội cấp cứu lưu động, đội phòng chống dịch lưu động.

“Riêng khoa khám bệnh mỗi ngày nghỉ đều có kíp 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng trực khám để giảm tải các ca khám cấp cứu. Bệnh nhân đến khám trong kỳ nghỉ lễ thường là các trường hợp bất thường sức khỏe, diễn biến cấp tính; đau ngực, đau bụng, sốt cao, nhiều người khám do tình trạng nặng lên của bệnh mãn tính”, TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, cho biết.

Thông tin từ BV Nhi T.Ư cho biết, các bệnh nhi sơ sinh mắc viêm phổi nặng do nhiễm vi rút RSV vào viện đang tăng đột biến trong các tuần gần đây. Mỗi ngày, BV phải sàng lọc (test RSV) cho 80 - 120 bệnh nhân, 30 - 40% trong số đó được xác định nhiễm vi rút RSV. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, ước khoảng 30% trong tổng số gần 200 ca đang điều trị tại khoa này. Bác sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh BV Nhi T.Ư, cho biết số bệnh nhân nặng nội trú ở mức cao, cần chăm sóc theo dõi sát sao nên trong các ngày nghỉ lễ, nhân lực vẫn được bố trí để đảm bảo yêu cầu công tác chuyên môn.

Còn tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, mặc dù dịch sốt xuất huyết đang có phần chững lại, nhưng trong dịp nghỉ lễ, BV vẫn duy trì các kíp y bác sĩ khám, xử trí cấp cứu khi có bệnh nhân.

Tại TP.HCM, ngày 1.9, bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã có công văn chỉ đạo các BV tăng cường trực cấp cứu, đảm bảo cứu chữa kịp thời người bệnh nhập viện trong dịp lễ 2.9. Các đơn vị y tế dự phòng cũng phải tập trung trực để xử lý kịp thời các dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra nếu có.

Cùng ngày, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho hay BV phân công trực lễ 2.9 các khoa lâm sàng mỗi ngày một kíp trực, còn cấp cứu thì thường trực 24/24. Đặc biệt, BV luôn có một kíp cấp cứu tai nạn, ngộ độc… hàng loạt. Tại BV Chợ Rẫy, cũng phân công 3 ca trực cấp cứu, mỗi ca 40 - 50 người, gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, riêng bác sĩ là 10 người. BV còn tổ chức tăng cường đội ngũ, chuẩn bị sẵn sàng nếu có báo động về cấp cứu. Các bác sĩ khoa cấp cứu không được nghỉ phép trong dịp lễ.

Lập tổ y tế phòng chống sốt xuất huyết tại bến xe, nhà ga

Ngày 1.9, đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Nam Định. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, từ khi phát hiện ca SXH đầu tiên tại TP.Nam Định vào ngày 13.5 đến hết ngày 30.8, toàn tỉnh có 2.664 ca mắc, dịch SXH đã xuất hiện ở 10/10 huyện, TP. Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy Nam Định là 1 trong 2 tỉnh mắc dịch nặng nhất miền Bắc (cùng với TP.Hà Nội). Bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định, cho biết địa phương đang thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn dịch như cấp phát hóa chất diệt côn trùng, ấu trùng muỗi và phun hóa chất tại các địa bàn dân cư; thành lập các đội xung kích, tổ phòng chống dịch... Ngoài ra, theo bà Thu, do số người mắc bệnh tại các tỉnh ngoài về Nam Định chạy chữa chiếm số lượng lớn (1.558 người, chiếm gần 59% tổng số ca mắc) nên tỉnh đã thành lập các tổ y tế trực tại các bến xe, ga tàu tiến hành giám sát, phát hiện người có dấu hiệu mắc bệnh SXH, đưa ngay đến cơ sở y tế khám, điều trị để tránh phát triển mầm bệnh...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay việc thành lập tổ xung kích và tổ y tế tại bến xe là cách làm hay, cần nhân rộng trong việc hạn chế phát triển mầm bệnh SXH.

Sài gòn giải phóng

Sức bật y tế ven đô

Khi các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của TPHCM ngày càng quá tải, TPHCM đã chú trọng đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở nhằm giảm tải cho tuyến trên, đồng thời phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh người dân, nhất là các vùng ven đô, ngoại thành, các cửa ngõ của TP.

Đưa hệ thống y tế đến gần dân

Được đầu tư cơ sở vật chất, xây mới và đưa vào hoạt động với quy mô 300 giường bệnh, nhưng trước thời điểm năm 2016, chỉ với 12 bác sĩ, Bệnh viện (BV) huyện Củ Chi luôn trong tình trạng thưa thớt bệnh nhân đến khám và điều trị.

Theo nhiều người dân ở đây, mặc dù cơ sở mới xây khang trang, sạch đẹp nhưng do số lượng bác sĩ quá ít, chất lượng khám bệnh không đảm bảo nên không tạo được sự tin tưởng của người dân. Nhưng với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM, bắt đầu từ tháng 4-2016, các BV lớn của TP như Nhi đồng 1, Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Mắt, Tai mũi họng… đã triển khai đặt khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại BV huyện Củ Chi. 

Bên cạnh đó, BV cũng được trang bị hệ thống máy CT Scanner 16 lát, X-quang kỹ thuật số DR, máy đo loãng xương, các máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, phòng mổ đạt chuẩn và phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II với đầy đủ các thiết bị máy móc mới, hiện đại… người dân bắt đầu tìm đến BV này để khám chữa bệnh.

Ông Huỳnh Tính (ngụ tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) phấn khởi cho biết, hơn một năm nay ông và người dân ở đây không phải lặn lội vô tận TP để khám chữa bệnh nữa. “BV huyện nay đổi khác nhiều quá, chữa được nhiều bệnh, có bác sĩ giỏi nên tôi thật sự yên tâm khi điều trị tại đây”. 

Theo BS Hồ Hải Trường Giang, GĐ BV huyện Củ Chi, đến giữa năm 2017, số lượt bệnh nhân đến khám bệnh tăng hơn 150%, số bệnh nhân nhập viện điều trị cũng tăng 158% so với trước. Nhiều bệnh lý trước đây phải chuyển lên tuyến trên như các bệnh về chấn thương chỉnh hình, sản khoa, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy hô hấp… nay đã được BV giữ lại và điều trị an toàn.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đầu tư phát triển y tế cho các huyện ngoại thành và các quận cận nội thành là một trong những chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TPHCM với mục tiêu giảm tải cho các BV chuyên khoa, đa khoa của TP. Ngoài BV huyện Củ Chi, TP đang đầu tư xây dựng mới và sắp đưa vào hoạt động các BV ngoại thành, vùng ven khác như BV huyện Bình Chánh, BV huyện Cần Giờ, BV huyện Hóc Môn…

Cùng với việc xây mới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, quan trọng nhất vẫn là nhân lực. Bên cạnh việc đưa bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ, ngành y tế TP cũng đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đảm bảo các BV ngoại thành có đủ bác sĩ, điều dưỡng để có thể đảm trách được nghiệp vụ và chuyên môn phục vụ chữa bệnh trên địa bàn.

Phát triển kỹ thuật chuyên sâu

Đau ngực, khó thở, tím tái, vã nhiều mồ hôi, bệnh nhân N.T.T. (39 tuổi, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được người nhà đưa đến BV Quận Thủ Đức để cấp cứu.

Qua thăm khám kết hợp chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng, các bác sĩ BV quận Thủ Đức xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do thuyên tắc khối mạch vành, cần can thiệp gấp nếu không sẽ tử vong. Sau 2 giờ đồng hồ can thiệp mạch vành bằng cách nong bóng và đặt stent phủ thuốc trên đoạn bị tắc, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sinh tồn, mạch đập và huyết áp ổn định. Bệnh nhân được xuất viện vài ngày sau đó. Đây là một trong những trường hợp được các bác sĩ BV quận Thủ Đức áp dụng kỹ thuật cao kịp thời cứu sống người bệnh.

Theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, thời gian qua đơn vị này còn thực hiện thành công các kỹ thuật chuyên sâu khác như điều trị ung thư gan bằng phương pháp nút hóa chất động mạch TACE, phẫu thuật u não, u tủy sống, mổ tim hở cho người lớn.

PGS-TS Tăng Chí Thượng đánh giá, đây là một trong những BV tuyến quận, huyện của TP được đầu tư theo hướng đa chuyên khoa sâu nhưng gần dân và đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao mà ngay cả một số BV tuyến tỉnh cũng chưa thực hiện được như phẫu thuật u não, u tủy sống, mổ tim hở…

Hiện tại, ngoài BV quận Thủ Đức thì các BV cận nội thành khác như BV quận 2, BV quận Tân Phú, BV quận Bình Tân cũng đã phát triển theo hướng đa chuyên sâu và thực hiện nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu như: phẫu thuật ung thư gan, thay khớp háng, mổ nội soi… Nhờ đó, tỷ lệ chuyển viện từ các BV này lên tuyến trên liên tục giảm trong những năm gần đây.

Cùng với việc phát triển tuyến BV ngoại thành, Sở Y tế TPHCM cũng đã lên kế hoạch xây dựng khu kỹ thuật y tế chuyên sâu của TP. Đó là xây dựng các BV đa khoa, chuyên khoa ở các vùng ngoại thành, vùng cửa ngõ. Và BV Nhi đồng thành phố là một minh chứng điển hình.

Dù chưa chính thức khánh thành nhưng trong giai đoạn đầu, BV Nhi đồng thành phố đã triển khai hoạt động khám và điều trị ngoại trú với 1.000 lượt bệnh nhi/ngày, giảm tải cho BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, đồng thời phục vụ nhu cầu của người dân các quận huyện như Bình Chánh, quận 8, Bình Tân và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Mới đây, khu điều trị nội trú của BV này cũng đã chính thức đi vào hoạt động với các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực chống độc, Hồi sức sơ sinh, Nhiễm, Nội tổng quát… Đặc biệt, Khoa Hồi sức sơ sinh được thiết kế hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, mỗi ngày có từ 30 đến 40 trẻ sơ sinh nằm điều trị với đầy đủ các trang thiết bị chuyên dùng, hiện đại đặc thù cho sơ sinh…

Ngày 06/09/2017
Ban Biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích