Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 6 4 7 5
Số người đang truy cập
7 1
 Tin tức - Sự kiện
Những trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.
Điểm tin y tế từ các báo từ ngày 03/7 đến 04/7 năm 2017

Sức khỏe & Đời sống

Hàng chục y, bác sĩ nghi phơi nhiễm HIV vì cấp cứu nạn nhân

Một nạn nhân vụ hai xe khách đấu đầu làm 4 người chết ở Kon Tum được đưa đến bệnh viện cấp cứu đã nhiễm HIV khiến cho hàng loạt y bác sĩ, người dân tiếp xúc phải khẩn cấp điều trị phơi nhiễm.

Theo thông tin từ Sở Y tế Kon Tum trưa 2-7, trong vụ hai xe khách đấu đầu trên đường Hồ Chí Minh trưa 30-6 làm 4 người chết, có 17 cán bộ y tế và 7 người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân và nghi bị phơi nhiễm HIV.

Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Hoàng Đình Cảnh đã yêu cầu các phòng chức năng khẩn trương hướng dẫn Kon Tum sàng lọc và cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm ngay cho những người tham gia vận chuyển, cấp cứu, điều trị cho nạn nhân này.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế cho biết sở cũng đã tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến những ca cấp cứu nạn nhân.

Sở đã cho uống thuốc dự phòng trong 24 giờ kể từ khi bị phơi nhiễm (quy định là trong vòng 72 giờ) với 24 người có liên quan và theo dõi trong vòng 3 tháng.

Sở Y tế cũng đồng thời giám sát, xét nghiệm hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.

Theo ông Khánh, trong quá trình đưa nạn nhân đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ nên nghi ngờ những người nãy đã bị phơi nhiễm HIV.

Hiện tỉnh Kon Tum và các ngành chức năng đã tổ chức thăm hỏi, động viên những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn.

“Trường hợp đặc biệt có người đã dùng xe gia đình chở nạn nhân đi cấp cứu thì sẽ có đề xuất kịp thời để tỉnh Kon Tum động viên, khen thưởng” - ông Khánh nói.

Như đã thông tin, trước đó, khoảng 13h00 ngày 30-6, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk H’ring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe khách.

Chiếc xe 16 chỗ ngồi của Hợp tác xã vận tải Đồng Tiến chạy từ Đà Nẵng về Kon Tum đã đâm phải xe khách thuộc Hợp tác xã vận tải Tây Nguyên chạy hướng ngược lại.

Hậu quả vụ tai nạn đã khiến hai nạn nhân tử vong tại chỗ là bà Trần Thị Mơ (51 tuổi) và Lê Văn Dục (28 tuổi) ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng và hai người khác đã tử vong sau đó tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum sáng 1-7.

Các nạn nhân đều bị đa chấn thương như dập đầu, dập phổi, vỡ thận, tràn dịch màng tim, gãy chân…

7 người dân và 17 y bác sĩ nghi phơi nhiễm HIV khi cứu nạn nhân vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum

1 trong 4 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn hai xe ô tô lao vào nhau tại tỉnh Kon Tum hôm 30/6 nhiễm HIV, tuy nhiên trong lúc cấp cứu, 17 y bác sĩ và 7 người dân không biết nên đã chủ quan không phòng hộ.

Chiều ngày 2/7, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông tin, 1 trong 4 nạn nhân tử vong trong vụ 2 xe khách đối đầu tại Kon Tum nhiễm HIV. Tuy nhiên trong quá trình đưa đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 17 y bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của người này mà không biết nên đã không thực hiện phòng hộ, nghi ngờ phơi nhiễm với HIV. Trước sự việc này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế Komtum ngay lập tức báo cáo vụ việc bằng văn bản về Cục. Đồng thời yêu cầu các phòng chức năng của Cục như phòng truyền thông, phòng điều trị, phòng giám sát – xét nghiệm khẩn trương liên hệ với Sở Y tế tỉnh Kon Tum để triển khai gấp nhiều đầu việc. Trong đó hướng dẫn địa phương tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV theo quy định. Phòng giám sát – xét nghiệm hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng yêu cầu Sở Y tế Kon Tum tổ chức thăm hỏi, động viên những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn. Trường hợp đặc biệt lấy xe gia đình chở người đi cấp cứu như báo chí đưa thì cần có ưu tiên đặc biệt để động viên, khen thưởng.

Trước đó vào khoảng 12h ngày 30/6/2017, tại Km1522 thuộc đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), chiếc xe khách 16 chỗ mang BKS 82B - 002.45 của nhà xe Vạn Thành lưu thông theo hướng từ huyện Đắk Tô về TP Kon Tum đã đâm vào xe khách mang BKS 82B-002.23 của nhà xe Mạnh Tiến lưu thông hướng ngược lại. .Cú tông trực diện khiến 2 xe biến dạng, 2 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong sau 1 ngày điều trị tại BV đa khoa tỉnh Kon Tum và hơn 10 người khác bị thương

Liên quan đến thông tin về các bệnh nhân của vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này, ông Trần Minh Tuấn- Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum) cho biết, hiện nay còn 2 nạn nhân bị thương nặng là Vũ Thị Hương (21 tuổi, ở huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai) và Nguyễn Thị Phương (19 tuổi, ở thôn 4, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc nhưng đã qua cơn nguy kịch.

BS Phạm Thị Nguyệt - Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum) cho biết: Trong 2 trường hợp nặng đang điều trị tại khoa, nạn nhân Hương bị đứt động mạch dưới xương đòn, gãy xương đòn, gãy xương cánh tay phải đã qua cơn nguy kịch và đã tỉnh. Còn nạn nhân Phương bị chấn thương sọ não, dù đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn lơ mơ. Chúng tôi vẫn đang tích cực điều trị.

Ngoài ra, còn 5 nạn nhân khác của vụ tai nạn này đang được điều trị ở Khoa Ngoại chấn thương, 1 người điều trị ở Khoa Tai mũi họng và 1 người đã xin xuất viện về Quảng Nam.

“Bài trừ” kháng sinh trị viêm ruột do Shigella: Ðúng hay sai?

Hiện nay, do những thông tin về vấn đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đã khiến không ít các bà mẹ có tâm lý “bài trừ kháng sinh”.

Hiện nay, do những thông tin về vấn đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đã khiến không ít các bà mẹ có tâm lý “bài trừ kháng sinh”. Thậm chí còn chia sẻ đường link, trong đó với nội dung chủ trương ‘’chống kháng sinh’’ trong điều trị viêm ruột do Shigella. Vậy việc “bài trừ” kháng sinh này là đúng hay sai?

Một trường hợp bệnh nhân cụ thể

Một bà mẹ có con bị viêm ruột do Shigella (đã được nuôi cấy định nhanh vi khuẩn tại Bệnh viện), bác sĩ kê thuốc kháng sinh nhưng chị kiên quyết không cho con uống thuốc mà chỉ cho con bú mẹ. Sau 20 ngày căng thẳng chăm sóc con theo cách của mình, bà mẹ này tự hào lên facebook chia sẻ thành tích không dùng kháng sinh mà con vẫn khỏi bệnh. Status này đã được nhiều bà mẹ khác like và chia sẻ... Có lẽ việc làm này của bà mẹ kể trên sẽ gây hiệu ứng lan tỏa rộng và rất có thể nhiều bà mẹ khác sẽ hưởng ứng theo “kinh nghiệm” này. Và đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Có thể nói, trường hợp con của bà mẹ nêu trên đã rất may mắn khỏi bệnh mặc dù không được điều trị bằng kháng sinh. Nhưng đa số trẻ em khi bị viêm ruột do Shigella nếu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Hơn nữa, việc không điều trị bệnh còn khiến trực khuẩn Shigella lây lan ra cộng đồng và nguy cơ khiến nhiều trẻ khác bị mắc bệnh, thành dịch lớn. Và đó chính là lý do mà khi bạn mắc viêm ruột do lỵ trực khuẩn Shigella, đã được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết và bác sĩ đã kê đơn thì cần phải được điều trị bằng kháng sinh.

Lợi ích của liệu pháp kháng sinh

Mục tiêu của liệu pháp kháng sinh trong điều trị viêm ruột do lỵ trực khuẩn Shigella bao gồm: cải thiện triệu chứng, diệt trừ vi khuẩn  và giảm sự lây lan cho cộng đồng. Việc sử dụng kháng sinh diệt Shigella một cách hợp lý sẽ cải thiện tiêu chảy trong vòng 3 ngày; cải thiện tình trạng sốt trong vòng xấp xỉ 1 ngày và giảm được sự phát tán mầm bệnh ra cộng đồng (từ 2-5 ngày so với 4 tuần nếu không điều trị). Điều trị kháng sinh hợp lý cũng có thể giảm được nguy cơ  tiến triển tới biến chứng. Các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu ruột, hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, lồng ruột, sa trực tràng. Phình đại tràng do độc tố có kèm thủng hoặc không. Bội nhiễm viêm túi mật, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm nấm Candida ruột, nhiễm khuẩn huyết do các trực khuẩn ruột. Nặng hơn có thể biến chứng toàn thân (co giật, nhiễm độc thần kinh, truỵ tim mạch, viêm tắc động tĩnh mạch). Hội chứng tan máu - urê huyết, đây là biến chứng ít gặp nhưng lại rất trầm trọng, ảnh hưởng đến hệ thống đông máu và thận. Thường có 3 triệu chứng: thiếu máu do tan máu, giảm tiểu cầu và suy thận. Nếu nặng có thể gây thiếu máu nặng, rối loạn đông máu, gây chảy máu dưới da, niêm mạc và suy thận... Hội chứng Reiter với tam chứng (viêm khớp, viêm niệu đạo, viêm kết mạc mắt) không gây mủ do Chlamydia gây nên. Thường xuất hiện 2 - 3 tuần sau khi khỏi lỵ trực khuẩn (cũng có thể xuất hiện ở ngay giai đoạn toàn phát). Tam chứng này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc riêng lẻ. Trước đây người ta coi hội chứng này là biến chứng, nay được coi nó là bạn đồng  hành với bệnh lỵ.

Bệnh lỵ trực khuẩn có thể gây tử vong trong các thể nhiễm độc nặng, kéo dài và tử vong do các biến chứng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 1995, tỷ lệ tử vong (trong trường hợp không được điều trị bệnh sớm có hiệu quả) là 1-10% tùy theo quốc gia.

Do vậy, những lợi ích của việc dùng thuốc thì vượt trội hơn so với nguy cơ tiềm ẩn của việc vi khuẩn kháng thuốc và tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ nghiêm trọng của kháng sinh trị Shigella được cảnh báo, bao gồm: Sốc phản vệ, phản ứng mẫn cảm, hội chứng Stevan-Johnson. Tuy nhiên, vào năm 2010, một phân tích từ 16 thử nghiệm ngẫu nhiên (với 1.748 trẻ em và người lớn tham gia) cho thấy các kháng sinh trị Shigella được sử dụng đều an toàn, không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được  báo cáo. Liệu pháp kháng sinh không làm xuất hiện sự gia tăng nguy cơ hội chứng tán huyết urê máu cao của Shigella Dysenteria

Chỉ định kháng sinh khi nào?

Quyết định chỉ định kháng sinh liệu pháp phải cân nhắc tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, khả năng diễn biến bệnh và cân nhắc tới sức khỏe của cộng đồng. Shigella có khả năng lây lan rất cao, chỉ cần nuốt phải 10 con vi khuẩn là có thể bị bệnh. Do đó, việc tiệt trừ Shigella còn có ý nghĩa tránh lây lan cho người khác (ví dụ như ở nhà trẻ, bệnh nhân nội trú...). Đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch và bệnh nặng thì khuyến cáo sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm điều trị của bác sĩ để diệt Shigellla.

Ở trẻ em và thiếu niên được nghi ngờ là bị nhiễm Shigella (tiêu chảy phân nhầy máu, đau bụng từng cơn, sốt cao, hiện diện nhiều bạch cầu đa nhân trong phân...), kèm theo các triệu chứng: Bị suy giảm miễn dịch; Có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm vi khuẩn (tăng cao bạch cầu, hạ thân nhiệt, sốt cao trên 39 độ, lừ đừ). Những bệnh nhân này kháng sinh nên bắt đầu theo kinh nghiệm của bác sĩ sau khi đã lấy phân đi xét nghiệm và lấy máu để cấy. Sau đó điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ (phân và máu).

Ngoài ra, những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của lỵ trực khuẩn và cấy phân mọc lên Shigella thì khuyến cáo liệu pháp kháng sinh  nếu có một trong 5 yếu tố sau: Có bằng chứng nhiễm khuẩn; yêu cầu phải điều trị nội trú; đi học nhà trẻ; sống trong một tập thể; Có liên quan tới việc làm chế biến đồ ăn. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng và cấy phân dương tính và không thuộc 5 yếu tố trên cũng có thể cân nhắc cho kháng sinh. Điều này phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, nguy cơ lây truyền cho người khác.

Đối với những trẻ nghi ngờ nhiễm Shigella nhưng không rơi vào các tình huống vừa nêu (không suy giảm miễn dịch, không hoặc chưa  có  kết quả cấy phân) thì dùng kháng sinh khi có một trong các mục sau: Có yếu tố dịch tễ mạnh (đang trong vụ dịch, người trong nhà cấy phân lên dương tính với Shigella); triệu chứng lâm sàng điển hình.

Không sử dụng kháng sinh cho hầu hết các trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc đang hồi phục tự nhiên. Tuy nhiên vẫn phải dùng kháng sinh cho những trẻ này tại thời điểm  kết quả nuôi cấy trả về có dương tính với Shigella và trẻ đang đi nhà trẻ, sống trong tập thể đông hoặc đang nằm điều trị nội trú nhằm tránh lây lan cho người khác.

Việc lựa chọn kháng sinh nào bác sĩ sẽ tùy thuộc từng bệnh nhân cụ thể để kê đơn. Bệnh nhân không được tự ý mua kháng sinh về tự điều trị và cũng không bỏ điều trị ngang chừng.

Thanh niên

Giảm tải nhờ bệnh viện vệ tinh

Sở Y tế TP.HCM đang tăng cường triển khai chương trình hỗ trợ cho ngành y tế 19 tỉnh phía nam với 38 bệnh viện, kéo dài đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho các bệnh viện này, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện ở TP.HCM. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2017, số lượt khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) tuyến trên của TP.HCM giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi các BV quận, huyện lại tăng đến 16%, BV tư nhân tăng đến 17%.Trong chương trình hỗ trợ trên, Sở Y tế TP.HCM cử 8 BV trực thuộc (Nhân dân Gia định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình) tham gia làm BV hạt nhân cho 38 BV vệ tinh của 19 tỉnh thành ở phía nam (Lâm Đồng, Tiền Giang, Cà Mau, Khánh Hòa, Cần Thơ, Ninh Thuận, Kiên Giang, Đồng Nai...). Các lĩnh vực mũi nhọn được chuyển giao chủ yếu là nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, sản khoa...

Không chỉ chuyển giao kỹ thuật cho các BV tỉnh, các BV tuyến trên của TP.HCM còn chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến quận, huyện của TP. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2 (TP.HCM), cho biết sau khi BV Nhi đồng 2 đến đặt khoa nhi vệ tinh, rồi rút về, nay BV Q.2 đã tự khám, chữa bệnh được nhiều bệnh lý như: hô hấp, sơ sinh, tay chân miệng, sốt xuất huyết, hồi sức nhi… Hiện BV có 16 bác sĩ chuyên khoa nhi, mỗi ngày khám 200 lượt bệnh nhi; giường bệnh nội trú đạt 90%, tăng 10 - 20% so với trước đây. BV Ung bướu cũng đặt vệ tinh tại BV Q.2. Nay BV Q.2 mỗi ngày khám khoảng 400 lượt bệnh nhân ung thư; 150 giường bệnh khoa ung bướu vệ tinh nằm kín bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Thái Phương Phiên, Giám đốc BV tỉnh Ninh Thuận, cho hay BV Chấn thương chỉnh hình của TP.HCM đã chuyển giao và BV Ninh Thuận đã làm được một số kỹ thuật cao như: thay khớp háng, thay khớp gối, chữa đứt dây chằng chéo, đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ, nội soi khớp... Nhờ đó, nếu trước đây các loại bệnh chấn thương chỉnh hình nằm điều trị ở tỉnh 40 - 50 người thì nay đã lên 90 - 100 người. Tương tự, Th.S-BS Chu Văn Thiện, Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học chỉ đạo tuyến BV Nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ: “BV đã được BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) chuyển giao kỹ thuật mổ chấn thương sọ não ở trẻ em, đến nay BV đã mổ được 25 ca”. Gần đây BV Nhi đồng Đồng Nai đã giữ lại theo dõi và mổ 10 ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông mà không cần phải chuyển đi. BV cũng đã mổ 10 ca sứt môi hở hàm ếch. Các bệnh dị tật bẩm sinh (thoát vị hoành, hở thành bụng), đường tiết niệu..., bước đầu BV cũng đã làm được. BV Nhi đồng Đồng Nai cũng đã làm chủ kỹ thuật thở máy cao tần, lọc máu những ca bệnh nặng (nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết nặng...) không cần phải lên tuyến trên.

Tuy nhiên, các BV vệ tinh cũng kiến nghị khi được chuyển giao kỹ thuật thì cần có trang thiết bị tương ứng.

Giảm tải nhờ bệnh viện vệ tinh

Sở Y tế TP.HCM đang tăng cường triển khai chương trình hỗ trợ cho ngành y tế 19 tỉnh phía nam với 38 bệnh viện, kéo dài đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho các bệnh viện này, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện ở TP.HCM.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2017, số lượt khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) tuyến trên của TP.HCM giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi các BV quận, huyện lại tăng đến 16%, BV tư nhân tăng đến 17%.

Trong chương trình hỗ trợ trên, Sở Y tế TP.HCM cử 8 BV trực thuộc (Nhân dân Gia định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình) tham gia làm BV hạt nhân cho 38 BV vệ tinh của 19 tỉnh thành ở phía nam (Lâm Đồng, Tiền Giang, Cà Mau, Khánh Hòa, Cần Thơ, Ninh Thuận, Kiên Giang, Đồng Nai...). Các lĩnh vực mũi nhọn được chuyển giao chủ yếu là nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, sản khoa...

Không chỉ chuyển giao kỹ thuật cho các BV tỉnh, các BV tuyến trên của TP.HCM còn chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến quận, huyện của TP. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2 (TP.HCM), cho biết sau khi BV Nhi đồng 2 đến đặt khoa nhi vệ tinh, rồi rút về, nay BV Q.2 đã tự khám, chữa bệnh được nhiều bệnh lý như: hô hấp, sơ sinh, tay chân miệng, sốt xuất huyết, hồi sức nhi… Hiện BV có 16 bác sĩ chuyên khoa nhi, mỗi ngày khám 200 lượt bệnh nhi; giường bệnh nội trú đạt 90%, tăng 10 - 20% so với trước đây. BV Ung bướu cũng đặt vệ tinh tại BV Q.2. Nay BV Q.2 mỗi ngày khám khoảng 400 lượt bệnh nhân ung thư; 150 giường bệnh khoa ung bướu vệ tinh nằm kín bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Thái Phương Phiên, Giám đốc BV tỉnh Ninh Thuận, cho hay BV Chấn thương chỉnh hình của TP.HCM đã chuyển giao và BV Ninh Thuận đã làm được một số kỹ thuật cao như: thay khớp háng, thay khớp gối, chữa đứt dây chằng chéo, đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ, nội soi khớp... Nhờ đó, nếu trước đây các loại bệnh chấn thương chỉnh hình nằm điều trị ở tỉnh 40 - 50 người thì nay đã lên 90 - 100 người.

Tương tự, Th.S-BS Chu Văn Thiện, Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học chỉ đạo tuyến BV Nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ: “BV đã được BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) chuyển giao kỹ thuật mổ chấn thương sọ não ở trẻ em, đến nay BV đã mổ được 25 ca”. Gần đây BV Nhi đồng Đồng Nai đã giữ lại theo dõi và mổ 10 ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông mà không cần phải chuyển đi. BV cũng đã mổ 10 ca sứt môi hở hàm ếch. Các bệnh dị tật bẩm sinh (thoát vị hoành, hở thành bụng), đường tiết niệu..., bước đầu BV cũng đã làm được. BV Nhi đồng Đồng Nai cũng đã làm chủ kỹ thuật thở máy cao tần, lọc máu những ca bệnh nặng (nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết nặng...) không cần phải lên tuyến trên.

Tuy nhiên, các BV vệ tinh cũng kiến nghị khi được chuyển giao kỹ thuật thì cần có trang thiết bị tương ứng.

Có hơn 600 công nhân Công ty TNHH An Giang Samho ngộ độc thực phẩm

Ngành chức năng xác định số ca ngộ độc thực phẩm là 605, đây là vụ ngộ độc lớn nhất xảy ra tại An Giang từ đầu năm đến nay. Đến trưa ngày 2.7, cơ quan chức năng đã thống kê số công nhân bị ngộ độc thực phẩm là 605 người. Theo báo cáo nhanh lần 2 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh An Giang, vụ ngộ độc không có ca tử vong hay nguy kịch. Đến 10 giờ ngày 2.7, hầu hết các công nhân đã xuất viện, còn lại 5 ca dự kiến xuất viện trong chiều nay (2.7).

Có hơn 600 công nhân Công ty TNHH An Giang Samho ngộ độc thực phẩm -

Ăn xong bữa cơm trưa ngày 1.7, hàng trăm công nhân Công ty TNHH  An Giang Samho (An Giang) bị nôn, nhức đầu, choáng váng và phải nhập viện điều trị.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 1.7, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH An Giang Samho (Khu công nghiệp Bình Hòa, H.Châu Thành, An Giang) ăn cơm trưa xong đã bị nôn ói, đau bụng, một số công nhân do căng thẳng đã bị vọp bẻ…phải đưa đi bệnh viện điều trị.

Một nam công nhân của Công ty TNHH An Giang Samho cho biết lúc ăn trưa, thấy cơm và thịt gà có mùi hôi nên anh ăn được một chút rồi đổ bỏ, nên không bị ngộ độc.

Trước đó, ngày 1.7, công ty trên đặt phần cơm trưa cho công nhân từ cơ sở nấu ăn của bà Trần Thị Hằng (TP.Long Xuyên, An Giang). Khi ăn xong, các công nhân bắt đầu có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Các phần ăn gồm có thịt kho hột vịt, thịt gà xào, chiên...

Hàng loạt công nhân của một công ty may mặc tại Tiền Giang đã phải nhập viện cấp cứu sau bữa ăn trưa.

Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm An Giang đã đề nghị công ty ngưng hợp đồng cung cấp suất ăn với cơ sở nấu ăn của bà Hằng cho đến khi điều tra được nguyên nhân. Hiện chi cục đã gửi đi xét nghiệm mẫu thức ăn và mẫu nước thu nhập tại nơi xảy ra ngộ độc.

An ninh Thủ đô

Hà Nội tăng viện phí từ 1.8

Hôm qua,  HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Theo đó, trong số 2.184 giá dịch vụ khám chữa bệnh, có 712 giá dịch vụ tăng, 8 giá dịch vụ giảm, 1.365 giá dịch vụ giữ nguyên và 99 giá dịch vụ mới (chưa được Bộ Y tế quy định về mức giá nhưng đã có trong danh mục kỹ thuật, mặt khác Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn về phí dịch vụ). Các mức điều chỉnh tương đương 70% mức trần dịch vụ tại khung giá viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định.

Phải dành 15% nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị

Theo nghị quyết được thông qua, mức giá khám bệnh tại bệnh viện (BV) hạng 1 là 17.000 đồng/lần, hạng 2 là 12.000 đồng/lần. Giá một ngày giường bệnh đối với điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng 1, 2  là 300.000 đồng/ngày. Giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 113.000 đồng tại BV hạng  1, 75.000 đồng tại BV hạng 2 và 52.000 đồng tại BV hạng 3. Với trường hợp nằm ghép 2 người/giường, chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người/giường trở lên chỉ được thu tối đa 30%/người...

Nghị quyết của HĐND cũng quy định, để tương xứng với khoản tiền người bệnh bỏ ra, hằng năm các cơ sở y tế được phép thu dịch vụ phải dành 15% số thu để nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị, giường bệnh… Đồng thời phải tăng cường cơ chế quản lý tài chính, chống lạm dụng kỹ thuật.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành. Các quy định của Nghị quyết được áp dụng từ ngày 1.8.2013. Đối với những người bệnh đang điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh của TP trước ngày nghị quyết có hiệu lực vẫn thực hiện theo mức thu cũ cho đến khi xuất viện.

Người bệnh phải chi nhiều hơn

Theo UBND TP.Hà Nội, ngành y tế TP đang quản lý 41 BV công lập, trong đó có 7 BV hạng 1, 18 BV hạng 2 và 16 BV hạng 3. Khung giá dịch vụ hiện hành được áp dụng tại các cơ sở trên thực hiện theo quy định cách đây 18 năm đã lạc hậu, không còn phù hợp. Trong khi đó tiền lương tối thiểu đã tăng 8,7 lần, chỉ số tiêu dùng cũng đã tăng nhiều lần... Việc điều chỉnh dịch vụ y tế lần này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đồng thời được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính tới khấu hao tài sản cố định, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.Hà Nội, cho rằng dù viện phí tăng nhưng sẽ đưa lại nhiều lợi ích cho người nghèo, trẻ em và các đối tượng có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh khi chất lượng dịch vụ sẽ được cải thiện. Theo bà Thùy, hiện thành phố có 70% người dân thuộc đối tượng chính sách có thẻ BHYT nên việc tăng viện phí chỉ tạo áp lực với 30% còn lại, nhưng đây là những người có điều kiện nên họ không mua BHYT mà khám chữa bệnh bên ngoài. “Đối với người nghèo thì BHYT đã chi trả cho họ 80% viện phí, họ chỉ trả khoản 20% còn lại. Ví dụ: mức khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 là 17.000 đồng lần khám thì họ phải chi trả khoảng 3.000 - 4.000 đồng, mức tiền này là không lớn hiện nay, bà Thùy nói.

Học phí cơ sở giáo dục chất lượng cao không được vượt trần

Cùng ngày 6.7, HĐND TP.Hà Nội thông qua nghị quyết về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao. Theo đó, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được tự chủ về các khoản thu chi, bao gồm thu học phí nhưng không được vượt quá mức trần quy định của TP. Mức trần học phí này được quy định cụ thể như sau: Bậc mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng trong năm học 2013-2014 và 3,2 triệu đồng trong năm học 2014-2015; bậc THCS và THPT là 3 triệu đồng trong năm học 2013-2014 và 3,4 triệu đồng trong năm học 2014-2015. Từ năm học 2015-2016 sẽ được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định. Đối với các đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập sẽ thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và TP. Trước kỳ tuyển sinh của năm học mới, cơ sở giáo dục chất lượng cao phải công bố mức thu học phí cùng cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo chương trình quy định. Học phí được thu định kỳ theo tháng (thu 9 tháng/năm), nếu học sinh tự nguyện có thể thu 1 lần cho cả học kỳ hoặc năm học. 

TP.HCM cũng đề xuất tăng viện phí

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa 8 (dự kiến diễn ra từ 10.7 đến 12.7), UBND TP trình HĐND TP thông qua đề xuất tăng viện phí. Theo đó, đối với việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP,  UBND TP đề xuất tăng 40% phí các dịch vụ kỹ thuật (thuốc và vật tư được tính theo giá mua vào của bệnh viện). Việc tăng viện phí sẽ được điều chỉnh hằng năm (kể từ 2013) theo tỷ lệ 10% và đạt mức tối đa khung giá đến năm 2016.

Các bệnh viện thuộc Hà Nội sẽ tăng viện phí từ 1-8-2017

Nếu được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, các bệnh viện của thành phố Hà Nội sẽ đồng loạt tăng viện phí từ 1-8 tới. 17,6% dân số Hà Nội chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này. 

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình HĐND TP về việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố Hà Nội.

Mức giá được ban hành theo Thông tư 02/2017/TT- BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế sẽ thay thế mức giá quy định tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 17/3/2013 của HĐND TP và Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 của UBND TP về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Thông tư 02/2017/TT- BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.

Hiện nay, đã có 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành điều chỉnh tăng giá. Đối với Hà Nội, khi được HĐND TP thông qua mức giá khám khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT thì theo lộ trình, các cơ sở y tế của Thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh giá bắt đầu từ 1/8. Mức giá này gồm các chi phí trực tiếp (thuốc men, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao…), chi phí tiền lương.

Theo thống kê, tại Hà Nội có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội. Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này. 

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, 17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là con số quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả.

Việc quy định mức giá khám chữa bệnh cho đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, Bộ Y tế cũng như thành phố Hà Nội hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt về giá khám chữa bệnh giữa người có BHYT và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế.

Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do đảm bảo các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng tính đủ; Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá.

Mặt khác, việc tăng giá lần này cũng phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân

Hà Nội mới

Đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn:Có đạt được mục tiêu?

Tuần qua, Bộ Y tế đã đưa 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo chính quy, chuyên khoa cấp I đầu tiên theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn. Thời gian tình nguyện là 3 năm đối với nam và 2 năm với nữ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Với thời gian tình nguyện ngắn như vậy, liệu dự án có đạt mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến y tế mà Bộ đã đề ra?

Chênh lệch lớn về nguồn nhân lực

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc dự án cho biết, tại 62 huyện nghèo trên cả nước còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa. Một số bệnh viện huyện của các tỉnh miền núi như: Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang... chỉ có 4-5 bác sĩ, thậm chí có huyện chưa có bác sĩ. Còn tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có tới 140 bác sĩ. Đây là khoảng cách quá xa giữa y tế miền núi và miền xuôi. Xuất phát từ thực trạng thiếu bác sĩ khiến người dân ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe, y tế, tháng 2-2013, Bộ Y tế phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (dự án 585). Theo TS Phạm Văn Tác, dự án là giải pháp căn bản cân bằng chất lượng y tế, bác sĩ vùng sâu, vùng xa, giảm bớt sự chênh lệch, mâu thuẫn giữa những vùng khó khăn và thuận lợi.

Hơn ba năm qua, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức tuyển chọn được 78 bác sĩ với 5 khóa đào tạo thuộc 10 chuyên ngành, gồm: Nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền. Đây là những bác sĩ sẽ tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh. Tại lễ bàn giao vừa được Bộ Y tế tổ chức, 7 bác sĩ trẻ đầu tiên về công tác tại 4 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, những bác sĩ được chọn là sinh viên vừa tốt nghiệp, tự nguyện đăng ký (yêu cầu bằng khá, giỏi trở lên). Sau đó, họ sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương và được cử đi học bác sĩ chuyên khoa I theo phương pháp đặc biệt “một thầy một trò, cầm tay chỉ việc” với hơn 70% thời lượng học là thực hành. Kết thúc khóa học sau 2 năm, các bác sĩ này được phân về vùng sâu, vùng xa với chế độ lương, phụ cấp ưu đãi. Nam giới sẽ có thời gian phục vụ 3 năm, nữ là 2 năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, các bác sĩ quay trở lại làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế mà họ đã được tuyển dụng trước khi tham gia dự án hoặc các bệnh viện tại quê hương theo nguyện vọng.

Quyền lợi và nghĩa vụ phải tương đồng

Vấn đề đặt ra ở đây là thời gian tình nguyện, cống hiến của các bác sĩ trẻ quá ngắn. Khoảng thời gian này chỉ đủ để thích nghi với môi trường làm việc và văn hóa vùng miền, không đủ để họ phát huy chuyên môn, góp sức nâng cao chất lượng y tế tại các huyện nghèo. Khi họ “rút quân”, sẽ tiếp tục để lại một “khoảng trống” tại tuyến y tế này. Trong khi so sánh với “quyền lợi” mà các bác sĩ nhận được sẽ thấy có sự chênh lệch lớn. Ngoài một chương trình đào tạo đặc biệt, ngay khi tham gia vào dự án, các bác sĩ trẻ được bảo đảm “đầu ra”, được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, trong đó có nhiều bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương… Với quyền lợi như vậy, có bác sĩ nào từ bỏ để ở lại làm việc tại những vùng khó khăn, thiếu thốn?

Theo TS Phạm Văn Tác, đã có nhiều Giám đốc Sở Y tế chất vấn về vấn đề này. Bởi, so sánh giữa quyền lợi và nghĩa vụ chưa tương đồng. Thậm chí, quyền lợi nhiều hơn nghĩa vụ. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, những cử nhân trường y lại tiếp tục được đi học, được đào tạo chuyên sâu như một bác sĩ nội trú. Hơn nữa, trong lúc nhiều bạn bè còn chưa xin được việc, những bác sĩ trẻ này đã trở thành viên chức của những bệnh viện lớn. “Bộ Y tế sẽ cân nhắc lại vấn đề thời hạn tình nguyện tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, với 5 khóa học đã tuyển sinh, đào tạo sẽ không thay đổi quy định đã đưa ra. Từ khóa học thứ 6 của dự án sẽ xem xét lại trách nhiệm và nghĩa vụ của các bác sĩ trẻ. Ít nhất quyền lợi bảo đảm 60% và nghĩa vụ là 40%”, TS Phạm Văn Tác cho biết.

Theo kế hoạch Dự án 585, đến năm 2020 sẽ có khoảng 300 - 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Đây thực sự là một “lời mời” hấp dẫn mà Bộ Y tế dành cho các bác sĩ trẻ. Tuy nhiên, điều mà chính Giám đốc dự án quan ngại, đó là khi bác sĩ tình nguyện rời các huyện nghèo thì ai có thể lấp vào khoảng trống này. Vì vậy, dự án sẽ hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng tuyển chọn, đó là tìm chính bác sĩ địa phương để đưa đi đào tạo, sau đó trở về làm việc khi bác sĩ trẻ tình nguyện rời đi. Tuy nhiên, đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Ngành Y tế đã ban hành chế độ phụ cấp đối với bác sĩ, cán bộ y tế công tác ở 62 huyện nghèo, đặc biệt là xã khó khăn lên tới 70% nhưng vẫn không thể thu hút được bác sĩ giỏi về công tác. Nếu để bác sĩ trẻ về công tác suốt đời ở những vùng khó khăn thì khó khả thi, thậm chí không có người đi. Do vậy, trước mắt là giải pháp quyền lợi rồi sau đó là nghĩa vụ và lòng yêu nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ..."

Bệnh nhân được 'chấm điểm' các y, bác sĩ

Với chương trình này, mỗi người dân sau khi sử dụng dịch vụ y tế tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Trị sẽ được 'chấm điểm' đội ngũ y, bác sĩ và chất lượng các dịch vụ tại đây, thậm chí có thể 'chấm điểm' tới… 2 lần. HĐND tỉnh Quảng Trị ngày 16.3 đã khởi động chương trình “Dân chấm điểm M.Score” tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Theo chương trình này, khi người dân vào nằm viện tại BV đa khoa tỉnh Quảng Trị sẽ để lại số điện thoại, sau đó mỗi tháng 350 người trong số này sẽ nhận được điện thoại hoặc tin nhắn từ tổng đài hỏi về chất lượng phục vụ, đánh giá về thái độ của đội ngũ y bác sĩ…

Ngoài ra, người dân còn có thể tham gia “chấm điểm nóng” các dịch vụ y tế với 5 máy tính bảng được đặt ở BV đa khoa tỉnh Quảng Trị. Có 5 mức: "rất hài lòng", "hài lòng", "bình thường", "không hài lòng", "rất không hài lòng" để người dân có thể lựa chọn.

Trước đó, cách đây 2 năm, tỉnh Quảng Trị cũng thực hiện dự án “Dân chấm điểm” tại 9 phòng giao dịch 1 cửa thuộc các địa phương trong tỉnh và đã thu được nhiều kết quả.

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, y tế là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của xã hội nhưng thời gian qua tồn tại nhiều vấn đề khiến người dân chưa hài lòng. Vì vậy, việc đo lường sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực này là cần thiết.

“Việc triển khai dự án Dân chấm điểm tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị thể hiện sự quyết tâm của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh. Hy vọng từ tiếng nói của người dân, ngành Y sẽ có những thay đổi, cải thiện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người dân cần nhận thức được quyền và nghĩa vụ của chính mình để đưa ra đánh giá khách quan, trung thực và công tâm”, ông Dũng cho hay.

Được biết, đây là chương trình do HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở Y tế và tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức.

 Hà Nội: Đề xuất tăng viện phí với người không có thẻ BHYT

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 80/TTr gửi HĐND thành phố về việc ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội.

Theo tờ trình, việc ban hành Nghị quyết trên nhằm thực hiện đúng Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế ban hành theo mức tối đa của 1.930 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình tính giá đã được quy định tại Nghị định số 16 của Chính phủ, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương bác sĩ, áp dụng với người bệnh không có thẻ BHYT. Việc điều chỉnh này giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng, tính đủ, đồng thời bảo đảm quyền lợi giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT. Mặt khác, từng bước thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế theo lộ trình của Chính phủ. Hiện nay, TP Hà Nội có 82,4% dân số trên địa bàn đã tham gia BHYT. Số chưa tham gia BHYT là 17,6% thuộc các đối tượng có mức sống ổn định và thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Nghị quyết trên sẽ được UBND TP Hà Nội trình tại kỳ họp thứ tư HĐND thành phố khóa XV để xem xét, quyết nghị. Nghị quyết này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-8-2017.

Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ ngày 20-6, đã có 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành điều chỉnh tăng giá viện phí của hơn 1.900 dịch vụ y tế với mức tăng trung bình khoảng 20-30%. Theo lộ trình, cùng với Hà Nội còn có 29 tỉnh, thành khác dự kiến thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế vào tháng 8 tới. Đến hết năm 2017, giá viện phí mới đối với người không có BHYT sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Hà Nội đề xuất tăng viện phí từ ngày 1-8: Chất lượng khám, chữa bệnh phải tăng theo

Hôm nay (4-7), UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố khóa XV xem xét ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội…

Đây cũng là nội dung Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về việc điều chỉnh 1.930 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình bắt đầu thực hiện từ ngày 1-8. Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, khi viện phí tăng, các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mới mong giữ được bệnh nhân...

Các bệnh viện đã sẵn sàng

Sáng 3-7, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, khi biết thông tin ngành Y tế Hà Nội chuẩn bị triển khai đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhiều bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tỏ ra lo lắng. Ông Nguyễn Tiến Đông (phường Nam Đồng, Đống Đa) chia sẻ: "Tôi là lao động tự do nên không mua BHYT. Sau buổi khám bệnh này, nhất định tôi sẽ tham gia BHYT...".

Ông Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, trung bình một ngày bệnh viện tiếp đón từ 600 đến 700 bệnh nhân và 300 người bệnh điều trị nội trú. Tại đây có đến 84% bệnh nhân ngoại trú và 91% bệnh nhân nội trú có thẻ BHYT. Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài như:

Tiểu đường, tiết niệu, thận nhân tạo… đều có thẻ BHYT. Vì vậy, việc điều chỉnh giá viện phí tới đây sẽ không gây xáo trộn nhiều. Cũng theo ông Lê Hưng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng, tính đủ, đồng thời bảo đảm quyền lợi giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT. Để “đón đầu”, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bệnh viện đã chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện cơ sở vật chất. Bệnh viện đã triển khai thủ tục hành chính (ra viện, vào viện) theo "một cửa", tạo thuận lợi cho người bệnh. Tới đây, bệnh viện tiếp tục triển khai thêm phòng xét nghiệm ngoại trú, giải quyết ngay tất cả xét nghiệm trong ngày…

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến, để chuẩn bị cho đợt điều chỉnh viện phí tới, bệnh viện đã tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa từ những vấn đề nhỏ nhất. Ngoài việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, triển khai kỹ thuật cao, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tạo Khoa Khám bệnh, bệnh viện cũng bổ sung thêm ghế ngồi, quạt cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã thành lập Tổ Công tác xã hội, tiến tới thành lập Phòng Công tác xã hội nhằm đón tiếp, tư vấn cho bệnh nhân tận tình, chu đáo ngay từ khi làm thủ tục...

Bảo đảm quyền lợi chính đáng

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho rằng, trong mỗi đợt điều chỉnh viện phí, vấn đề người bệnh quan tâm nhất là chất lượng khám, chữa bệnh. Cụ thể là, khám bệnh đúng, chỉ định đúng, chữa bệnh hiệu quả. Không thể để tình trạng, không cần thiết nhập viện cũng cho bệnh nhân nhập viện, hay có thể được xuất viện nhưng vẫn giữ lại...

Tại buổi khảo sát các bệnh viện ngày 3-7, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã yêu cầu các cơ sở y tế trong toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, các bệnh viện phải tự mình đánh giá chất lượng, đổi mới cách làm, cách kiểm tra. Nếu như trước đây bệnh viện mổ hở, bệnh nhân nằm viện 10 ngày, thì cần lên kế hoạch chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật để rút ngắn thời gian nằm viện. Các bệnh viện phải làm sao để quyền lợi của người bệnh tăng lên. Đây là vấn đề rất nhân văn mà Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành Y tế và BHXH Việt Nam hướng tới khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tạo điều kiện để toàn dân tham gia BHYT...

Cũng theo bà Trần Thị Nhị Hà, việc điều chỉnh theo hướng tăng giá dịch vụ y tế không chỉ đòi hỏi các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân, mà còn buộc các bệnh viện thực hiện chính sách tự chủ tài chính trong mọi hoạt động.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT, bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội... Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định, nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này.

Báo Giao thông

Dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường

Tính đến nay cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 47 tỉnh/thành phố.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến nay cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 47 tỉnh/thành phố, trong đó có hơn 10 trường hợp tử vong. Người bệnh mắc SXH vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), đặc biệt tăng mạnh ở Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, TP.HCM.

Tại TP.HCM, số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho thấy, số ca mắc bệnh SXH liên tục tăng trong 3 tuần nay với gần 400 ca mắc. Hiện toàn thành phố có gần 1.500 ca mắc, trong đó 3 người tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có trên 2.000 người mắc SXH, tăng 4 lần so với cùng kỳ 2016. Trong đó tập trung nhiều ổ dịch tại một số khu vực trọng điểm như quận Đống Đa 88 ổ dịch - gần 500 người mắc, gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái; quận Hoàng Mai 83 ổ dịch - 340 người mắc, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ. Các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm có số mắc tăng 5,5 lần so với cùng kỳ...

Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh SXH có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn với triệu chứng sốt cao kèm theo đau nhức cơ, hốc mắt và biếng ăn; nặng hơn là chảy máu răng và xuất huyết dưới da. Tuy nhiên, không phải ai cũng xuất hiện đầy đủ các triệu chứng trên, do vậy nếu sốt cao liên tục 2-3 ngày, người bệnh cần chủ động đi khám. Bên cạnh đó, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, tránh muỗi đốt...

Công an nhân dân

Lại rộ lên tình trạng ngộ độc chì ở trẻ

Việc ngộ độc chì từng rộ lên với nhiều hậu quả vài năm trước từng thu hút sự quan tâm của xã hội tưởng đã chấm dứt. Vậy mà gần đây, các bệnh viện (BV) lại phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc chì, đa phần là trẻ em, nhập viện.

Ngày 30-6, BV Nhi Trung ương cho biết, chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 6, đã có 8 trường hợp trẻ phải cấp cứu tại Khoa Cấp cứu chống độc của BV do bị rối loạn thần kinh nặng và rối loạn tiêu hóa vì sử dụng thuốc cam. Đây chỉ là một ví dụ trong số hàng chục trường hợp trẻ em ngộ độc chì từ thuốc cam mỗi năm mà BV phải tiếp nhận.

Bé Nguyễn Văn Hòa (7 tháng tuổi, Ninh Bình) bị viêm mũi họng, nhưng gia đình mua thuốc cam dùng cho bé, thay vì làm theo chỉ định của bác sĩ, vì sợ thuốc tây khó uống có thể khiến bé bị trớ. Một tuần sau khi dùng thuốc, cháu bắt đầu bị nôn kèm co giật.

Gia đình vội đưa bé vào BV Sản Nhi Ninh Bình và được chẩn đoán bé bị giãn não thất. Sau đó, bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Bé nhập viện Nhi Trung ương trong trạng thái co giật, li bì và được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật đặt ống dẫn lưu nhằm giảm áp lực nội sọ. Nghi ngờ cháu bị nhiễm độc chì, các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm chì trong máu và kết quả cho thấy bé Hòa bị nhiễm độc chì rất nặng. Hiện bé đang được điều trị tích cực bằng thở máy, kết hợp sử dụng thuốc thải chì tại khoa Hồi sức tích cực.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy-Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc cho biết, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Họ tin vào lời đồn rằng thuốc cam có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường. Một số cha mẹ dùng để vệ sinh lưỡi cho trẻ. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các bé.

Một bé khác cũng bị nhiễm độc chì đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương là Nguyễn Duy Lâm (4 tháng tuổi, Hà Nội). Bé nhập viện ngày 16-6 trong tình trạng nôn, đau bụng và ho… Gia đình cho biết, trước đó 5 ngày bé bị nấm miệng, người nhà đã tự ý mua thuốc cam ở chợ về rồi pha loãng để đánh tưa lưỡi cho cháu hàng ngày. 4 ngày sau, bé ho, đau bụng kèm theo nôn liên tục. Gia đình vội đưa con vào BV Nhi Trung ương để cấp cứu thì kết quả xét ngiệm máu cho thấy cháu bé bị ngộ độc chì nặng.

Không chỉ trẻ em mà hậu quả của ngộ độc chì với người lớn cũng rất nghiêm trọng. Theo Trung tâm chống độc của BV Bạch Mai, chị Lê Thị Nh. (22 tuổi, ở Ninh Bình), cũng phải nhập viện cấp cứu sau khi dùng thuốc của ông lang L. ở cùng huyện để mau chóng có con.

Chị Nh. cho biết, sau 10 ngày dùng thuốc của thầy lang, chị Nh. bị đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng. Khi được đưa tới Trung tâm, các bác sĩ đã xác định chị bị ngộ độc chì. Chị Nh. đã được điều trị giải độc chì, nhưng bác sĩ khuyên phải đợi tới khi nồng độ chì máu giảm trở về mức an toàn mới nên có con. 3 người khác cùng quê chị Nh. uống thuốc nam của ông lang trên cũng đều bị nhiễm độc chì.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy cho hay, chì có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày-đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Điều đáng lo ngại là trong khi người lớn hấp thu chì qua đường tiêu hóa khoảng 15%, thì trẻ lại hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, những dấu hiệu có thể nhận biết trẻ bị nhiễm độc chì là tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt; trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chán ăn, hoặc chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém; da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.

Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy khuyến cáo để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, phụ huynh không nên tự ý sử dụng các thuốc cam không có nguồn gốc để uống, bôi cho trẻ. Chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nguồn gốc và được cấp phép. Hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc –BV Bạch Mai cho biết, chì hoàn toàn không có tác dụng làm tăng khả năng có thai, ngược lại, còn gây giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Mẹ mang thai bị ngộ độc chì thì con chắc chắn bị ngộ độc chì, đồng thời mẹ dễ bị sảy thai, để non.

Chì đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ khi bào thai. Việc cho rằng dùng thuốc nam có chì nhằm tác dụng tăng khả năng có thai là phản khoa học và gây hại thêm cho bệnh nhân. Vì thế, cần cảnh giác với các loại thuốc nam chứa chì, không chỉ các “thuốc cam” cho trẻ mà còn các dạng thuốc có dạng bột hoặc viên không nhãn mác, không được cấp phép.

Việt Nam ghi dấu ấn tại hội nghị toàn thế giới về bệnh phổi trẻ em

Tại hội nghị “Bệnh phổi trẻ em toàn thế giới” lần thứ 16 vừa diễn ra tại Tây Ban Nha vào cuối tháng 6-2017, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham dự với báo cáo “Đặc điểm dịch tễ và yếu tố nguy cơ của viêm phổi nặng do sởi biến chứng ở Việt Nam”. Đây là hội nghị thường niên qui tụ các giáo sư, bác sỹ giỏi trong các lĩnh vực chuyên sâu về bệnh phổi hiếm gặp cũng thường gặp như viêm phổi cộng đồng; các kỹ thuật thở máy hiện đại vv…

Các chuyên gia của các nước từ đến từ châu Âu, châu Mỹ, Australi, Nam phi, châu Á vv… đã cùng trao đổi và báo cáo những thành tựu nghiên cứu mới nhất trong chẩn đoán và điều trị các bệnh phổi nhiễm trùng và không nhiễm trùng; các bệnh phổi mạn tính và cấp tính từ tuổi sơ sinh đến 18 tuổi; các bệnh phổi thường gặp cũng như hiếm gặp; các bệnh hay gặp ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển.  “Đặc điểm dịch tễ và yếu tố nguy cơ của Viêm phổi nặng do sởi biến chứng ở Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng là sự đúc kết kinh nghiệm điều trị đầy sáng tạo của ông trong dịch sởi năm 2014 đã đi vào lịch sử ngành y, khi ông đã cứu sống nhiều bệnh nhi bị bệnh rất nặng từ cõi chết trở về. Báo cáo đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao và tại hội nghị về bệnh phổi trẻ em này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã được mời vào Ban cố vấn quốc tế. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, mà là của cả ngành y tế Việt Nam khi đã cho thấy các thầy thuốc của Việt Nam đã không ngừng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, với mục tiêu cao cả là chữa bệnh cứu người và khẳng định được vị thế y học của Việt Nam với các nước.

Cấp bách chặn dịch sốt xuất huyết đang gia tăng

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố ghi nhận đã có trên 8.300 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Trong đó, đã có 3 ca tử vong (2 ca là bệnh nhi). Theo dự báo, diễn tiến sẽ còn phức tạp vì hiện mới là đầu mùa mưa, chưa phải là đỉnh dịch của SXH với khu vực phía Nam…

Nhiều trẻ sốc do sốt xuất huyết nặng

Theo ghi nhận các BV quận/huyện báo cáo về Trung tâm YTDP TP Hồ Chí Minh, từ tháng 6 tới nay, số bệnh nhân phải nhập viện vì SXH tăng vọt, có nơi tăng gấp đôi bình thường, nhiều ca nặng phải điều trị ở khoa hồi sức, thở máy. Tại Khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, những tháng bình thường, trung bình chỉ có khoảng 40 ca SXH nhập viện. Riêng tháng 6-2017 tới nay, số bệnh nhân nhập viện vì SXH tăng lên 60, có ngày tới 80 ca nằm nội trú vì SXH.

Theo Trung tâm YTDP TP Hồ Chí Minh, số ca SXH ở thành phố  bất ngờ tăng đột biến, trong đó, nhiều trẻ bị sốc do SXH. Đặc biệt trong tuần qua đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay ở thành phố lên 3 trường hợp.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 3-7, TS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH - BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho hay, riêng  tại BV này ghi nhận từ đầu năm 2017 tới nay đã có 2 ca trẻ tử vong do SXH. Nguyên nhân do người nhà khi đưa con từ tỉnh lên BV Nhi đồng 1 trong tình trạng đã quá nặng, không thể cứu.

Tại BV Nhi đồng 1, số trẻ mắc SXH nặng đang nằm điều trị tuần qua có 9 trường hợp. Các BS tại đây tỏ ra lo ngại tình hình diễn tiến dịch SXH tại địa bàn thành phố sẽ còn phức tạp trong thời gian sắp tới. Vì đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu mùa mưa, chưa phải là thời điểm đỉnh dịch. Để chủ động, theo chỉ đạo của Giám đốc BV Nhi đồng 1, các khoa-phòng đã chuẩn bị các loại thuốc, dịch truyền, máu, máy thở, máy lọc máu cũng như nhân sự sẵn sàng phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhi SXH.

Đặc biệt là tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng viên tại các BV tuyến cơ sở về công tác chẩn đoán và điều trị. Để phòng khi cần thiết, BV cũng sẽ cử các đội cơ động xuống phối hợp đến các BV quận, huyện xử trí các ca bệnh nhất là ca bệnh nặng khi có yêu cầu.

Diễn tiến phức tạp do đâu ?

“SXH sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng”, đó là nhận định của các chuyên gia dự phòng tại cuộc họp về tình hình dịch SXH tại phía Nam. Theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, nếu như năm 2015, SXH tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó tăng cao nhất ở Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh; thì cuối năm 2016 dịch SXH lại bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên, nơi không phải có tốc độ đô thị hóa cao và tập trung nhiều dân nhập cư.

Nguyên nhân do diễn tiến thời tiết thất thường của năm 2016 với việc nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; qua năm 2017, SXH trở lại rầm rộ từ đầu năm tới nay cũng không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ.

Ngoài ra, dịch SXH gia tăng một phần rất lớn từ ý thức của người dân góp phần làm bùng phát dịch SXH. Công tác phát hiện ổ dịch và xử lí ổ dịch nhiều nơi cũng chưa rốt ráo.

Tại cuộc họp của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thừa nhận, SXH là bệnh nguy hiểm nhưng chưa có vaccin, trong khi hoạt động giám sát điểm nguy cơ gây dịch SXH đến nay vẫn chưa được phân cấp quản lý cho cấp khu phố/ấp. Phía chính quyền địa phương luôn viện cớ rằng, nhân sự do phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể đảm đương thêm công tác phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc giám sát, can thiệp điểm nguy cơ cũng chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND cấp quận/huyện đối với ban, ngành, đoàn thể; chưa xử lý nghiêm quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị làm phát sinh muỗi, lăng quăng.

“Công tác phòng chống SXH đang thiếu sự giám sát của YTDP tuyến cơ sở, nhiều nơi không triển khai các phương án phòng và dập dịch cùng một thời điểm nên hiệu quả phòng chống SXH tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đạt yêu cầu”, ông Bỉnh cho biết thêm.

Dấu hiệu trẻ mắc sốt xuất huyết nặng

Theo TS Minh Tuấn, các trường hợp trẻ bị sốc sốt xuất huyết (SXH) đang điều trị tại BV đa phần do trẻ bị thất thoát huyết tương nặng, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến bị sốc. Phần lớn do đến trễ hoặc đang mắc thêm các bệnh nền như: tim, gan, thận, phổi… dễ gây nên tình trạng biến chứng nguy hiểm.

Các phụ huynh hết sức lưu ý khi chăm sóc trẻ trong mùa mưa này: Nếu trẻ đột ngột có cơn khởi sốt cao, sốt 2-3 ngày kéo dài tới 7 ngày cho uống thuốc, tìm cách hạ nhiệt mà không đỡ, ngay lập tức phải nghi vấn SXH và đưa đi viện ngay. Trước hết cần đưa trẻ đi khám bệnh ở BV gần nhất, tầm soát có phải SXH hay không.

Khi đã phát hiện chính xác là SXH thì tuỳ theo chỉ định của bác sĩ mà chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà hoặc tại BV. Chú ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, uống nước trái cây, bù dịch cho trẻ bằng việc cho uống Oresol, ăn các loại thức ăn mềm như: cháo, súp, canh rau. Lưu ý, không cho trẻ uống các loại nước uống có màu đen, màu nâu như: xá xị, socola... để còn phòng ngừa, phát hiện trẻ bị SXH tiêu hoá.

Khi chăm sóc trẻ đã biết rõ mắc SXH mà có biểu hiện: hạ thân nhiệt, lừ đừ, bứt rứt, quấy khóc, chân tay lạnh, ói nhiều, không ngủ được thì phải đi viện ngay. Vì rất có thể đó là những biểu hiện của tình trạng biến chứng nặng do SXH.

Bộ Y tế thông tin về vụ 24 người phơi nhiễm HIV do cấp cứu người bị nạn

Việc 17 nhân viên y tế và 7 người dân bị phơi nhiễm HIV do cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum ngày 30-6, vì có một nạn nhân nhiễm HIV, khiến nhiều người rất hoang mang. Để giúp bạn đọc có thông tin đầy đủ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)...

+ Cục Phòng, chống HIV/AIDS có biết thông tin về việc một nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông chỉ được biết bị nhiễm HIV của sau khi cấp cứu?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Ngay khi có thông tin đầu tiên đăng trên facebook, sau đó một số báo đưa tin về việc này, chúng tôi đã chủ động điện thoại cho lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum và Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum để nắm tình hình. Đúng là tình trạng nhiễm HIV của nạn nhân đã tử vong chỉ được biết sau khi đã hoàn thành việc cứu nạn, mà có 17 cán bộ y tế và 7 người dân tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân.

Lập tức, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã yêu cầu Sở Y tế Kon Tum hướng dẫn các cơ sở y tế  tư vấn, xét nghiệm sàng lọc và cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV, kể cả người dân tham gia cấp cứu. Chúng tôi cũng yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan theo qui định; tổ chức tuyên truyền về dự phòng phơi nhiễm HIV và chủ động cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí.

+ Một người dân tham gia cấp cứu bị phơi nhiễm HIV cho biết ban đầu, nhân viên y tế yêu cầu họ phải trả tiền nếu muốn dùng thuốc ARV để dự phòng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo Quyết định 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ qui định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, thì thuốc ARV dùng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV chỉ được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm do nghề nghiệp như cán bộ y tế, cán bộ lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện... khi đang làm nhiệm vụ.

 Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt, khi 7 người dân tích cực cấp cứu người bị nạn nên đã bị phơi nhiễm HIV. Do vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã lập tức chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cả 24 người đã tham gia cấp cứu nạn nhân này. Hiện tất cả 17 cán bộ y tế và 7 người dân bị phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu đều đã được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV và cấp thuốc ARV để điều trị dự phòng kịp thời.

+Theo thông tin ban đầu, nạn nhân tử vong có nhiễm HIV mới điều trị ARV từ tháng 5-2017. Như vậy nguy cơ bị phơi nhiễm trong trường hợp này ra sao?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum thì nạn nhân này đã điều trị ARV nhiều năm rồi, chứ không phải mới. Mà về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế), nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp. Mặt khác, 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay. Vì thế, hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai bị nhiễm HIV.

+Vụ tai nạn xảy ra trưa 30-6, nhưng người uống ARV sớm nhất là trưa 1-7, muộn nhất là trưa 2-7. Như vậy, việc cho uống thuốc ARV có kịp thời không thưa ông? 

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV thực hiện càng sớm càng tốt, tối ưu trong vòng 72 giờ.  Như vậy, cả 24 người đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu sau phơi nhiễm- là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

+ 24 trường hợp này sẽ uống thuốc trong bao lâu? Khi nào có thể khẳng định họ hoàn toàn an toàn?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong 28 ngày. Trong thời gian này, họ cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua và nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay.

 Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị. Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng theo quy định của Bộ y tế.

Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV. Do vậy họ không được cho máu và cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định là họ không nhiễm HIV.

+Với những người này, phải nghỉ hay vẫn đi làm bình thường, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng qui định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, thì những người bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc 20 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp để điều trị dự phòng.

Hiện nay các thuốc ARV được lựa chọn điều trị là khá an toàn với người sử dụng và cũng rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy một số người mới uống có thể bị mệt mỏi và triệu chứng này sẽ nhanh qua. Do vậy nếu những người dùng thuốc mà khỏe mạnh, họ có thể đi làm bình thường nếu muốn. Những trường hợp có phản ứng phụ của thuốc như dị ứng, mệt mỏi nhiều cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có thể đổi phác đồ điều trị.

+ Cảm ơn ông  về cuộc trao đổi!

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người nhiễm HIV, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào mắt, mũi, họng; bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu chứa virus HIV đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sỹ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…

 Nhưng không phải người nào bị phơi nhiễm HIV cũng bị nhiễm HIV. Việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt giúp hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV.

Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.vn)

Kon Tum bán thuốc ARV cho người dân là vi phạm

Bộ Y tế khẳng định, việc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Kon Tum bán thuốc ARV cho người dân với số tiền hơn 2 triệu đồng là sai quy định.

Như VOV đã đưa tin, 17 y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và 7 người dân đã bị nghi phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cấp cứu người bị tai nạn giao thông và tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân nhiễm HIV. Tuy nhiên, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Kon Tum lại bán thuốc chống phơi nhiễm (ARV) cho 2 người dân với số tiền hơn 2 triệu đồng. Bộ Y tế khẳng định, việc làm này là sai quy định.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum bán thuốc chống phơi nhiễm HIV (ARV) cho người dân dự phòng sau khi tham gia cấp cứu tai nạn giao thông là vi phạm quy định. Bởi, Trung tâm này không có chức năng bán thuốc mà chỉ được phép tư vấn và giới thiệu người dân mua thuốc ARV tại những hiệu thuốc có bán loại thuốc này. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay chưa có quy định nào về việc cấp thuốc miễn phí cho người dân nếu bị phơi nhiễm HIV từ người khác, kể cả khi tham gia cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

Ông Hoàng Đình Cảnh nói: “Hiện nay, theo quyết định 265 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ điều trị đối với những người phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp thì được xét nghiệm, điều trị miễn phí và được nghỉ 20 ngày phép trong quá trình điều trị. Ngoài ra, đối với các đối tượng khác chưa có quy định cấp thuốc miễn phí và những đối tượng này phải tự tìm nguồn thuốc điều trị, nghĩa là phải đến các phòng tư vấn của hệ thống phòng chống HIV/AIDS sẽ được tư vấn, hướng dẫn mua thuốc tại các điểm bán thuốc”.

Mặc dù chưa có quy định, nhưng xét thấy 7 người dân đã tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn và bị phơi nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho những người này. Tuy nhiên, người dân đề nghị, cần có quy định về việc cấp thuốc ARV miễn phí trong những trường hợp đặc biệt, như ở Kon Tum vừa qua.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nói: “Ví dụ các trường hợp tai nạn giao thông cần được cấp cứu ngay mà máu của nạn nhân chảy lênh láng vẫn phải bế bệnh nhân lên, tiếp xúc với máu để cứu nạn nhân. Những trường hợp đặc biệt như thế, người dân tham gia cấp cứu không có dụng cụ bảo hộ cần phải được hưởng chế độ ưu tiên. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng phải có quy định thêm về điều này. Hiện nay, có thể những trường hợp này ít nên cơ quan quản lý chưa bao quát hết, chưa có quy định cụ thể”.

Bộ Y tế đang kiến nghị Chính phủ cho phép chi trả bảo hiểm y tế đối với việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng như điều trị dự phòng phơi nhiễm hoặc nghi phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, đảm bảo việc dự phòng và điều trị được kịp thời, đạt hiệu quả bền vững./.

Sài Gòn giải phóng

Thêm 10 người có tiếp xúc với nạn nhân vụ 2 xe khách đối đầu uống thuốc phơi nhiễm HIV

Tính đến 15 giờ chiều 3-7, có 34 người tham gia cứu người trong vụ Tai nạn giao thông ở Kon Tum tham gia uống thuốc phơi nhiễm HIV.

Ngày 3-7, Bác sĩ Nguyễn Hồ Định, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, trong sáng cùng ngày, tại trung tâm có thêm 7 cán bộ y, bác sĩ và 3 người dân phản ánh có tiếp xúc với nạn nhân vụ tai nạn giao thông tử vong bị nhiễm HIV. Những người này đã được chỉ định xét nghiệm và sau đó cho uống thuốc phơi nhiễm HIV.

Như vậy, tính đến 15 giờ chiều 3-7, có 34 người tham gia cứu người trong vụ Tai nạn giao thông ở Kon Tum tham gia uống thuốc phơi nhiễm HIV. Trong đó, Trung tâm y tế huyện Đắk Hà có 24 người và 10 người dân tham gia đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Về thông tin một người dân tham gia cấp cứu có tiếp túc với nạn nhân nhiễm HIV đến trung tâm xin thuốc điều trị nhưng được cán bộ trả lời không cấp miễn phí mà phải mua, Bác sĩ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết, trong quy định các nhóm điều trị phơi nhiễm thì chưa quy định rõ người tham gia cấp cứu tai nạn giao thông. Khi tiếp nhận, cán bộ trung tâm nhiệt tình tư vấn mua thuốc, không có ý định kinh doanh thuốc gì. Sau khi có ý kiến của lãnh đạo sở, cán bộ trung tâm đã trả lại tiền và cấp thuốc điều trị miễn phí.

* Cũng trong sáng ngày 3-7, UBND huyện Đăk Hà đã trao giấy khen cho những người tích cực tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn giao thông.

Trước đó, như SGGP o­nline đã phản ánh, vào trưa 30-6, tại Km1522 thuộc đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đắk Hrinh, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, xe khách 16 chỗ BKS 82B - 002.45 của nhà xe Vạn Thành lưu thông theo hướng từ huyện Đắk Tô về TP Kon Tum đã đâm vào xe khách BKS 82B-002.23 của nhà xe Mạnh Tiến lưu thông hướng ngược lại.

Vụ va chạm khiến 4 người chết, 12 người bị thương. Trong số 4 nạn nhân tử vong có nạn nhân M., 51 tuổi đã bị nhiễm HIV trước đó, nhưng khi đưa đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, các y, bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Đắk Hà và người dân không hay biết nên không chuẩn bị các phương án phòng hộ.

Tuổi trẻ

Chậm dự phòng cho người cứu bệnh nhân HIV vì thiếu quy chế

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 3-7 cho hay sáng cùng ngày, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã họp bàn và thống nhất sẽ sớm có quy chế rõ về các trường hợp được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS miễn phí. 

Theo đó, 7 người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân HIV và có tiếp xúc với dịch, máu của người bệnh hôm 30-6 chậm được uống thuốc dự phòng do chưa có quy chế rõ ràng, sau vụ việc ở Kon Tum, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về việc này.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, quy định hiện hành chỉ cấp thuốc ARV dự phòng cho những người bị phơi nhiễm trong khi làm nhiệm vụ.

“Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là hỗ trợ tối đa người có hành động dũng cảm, tích cực cứu người. Các đơn vị y tế khi gặp trường hợp tương tự cần báo ngay lên cấp trên và báo về Bộ Y tế để được hướng dẫn”- ông Cảnh cho biết.

Về nguy cơ 24 cán bộ y tế và người dân ở Kon Tum bị lây nhiễm HIV, ông Cảnh cho biết người phụ nữ bị nhiễm HIV và đã tử vong sau tai nạn giao thông hôm 30-6 đã được điều trị nhiều năm bằng thuốc kháng virus (ARV). Về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế), khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp.

Mặt khác 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay, do vậy hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV.

Ông Cảnh cũng cho biết hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS đề nghị điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ.  Như vậy cả 24 bệnh nhân này đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu sau phơi nhiễm. Đây là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày. Trong thời gian này, người được điều trị cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay.

Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị. Sau 3 tháng, những người được điều trị dự phòng sẽ được xét nghiệm lại HIV.

Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.

 Đề nghị khen thưởng cho người tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân

Thông tin từ Sở Y tế Kon Tum cho hay Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Kon Tum đã có văn bản gửi Sở Y tế, đề nghị Sở tặng bằng khen cho anh Lê Văn Tùng (28 tuổi) do đã có tinh thần trách nhiệm cao, lấy xe tải chở tám người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, trong đó có nạn nhân nhiễm HIV kể trên.

Trước đó, hôm 1-7 trên mạng xã hội có thông tin anh Tùng bị đề nghị “bán thuốc” ARV dự phòng với giá 5 triệu đồng. Status này hiện đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội (dù người đăng tải đầu tiên đã xóa status), gây nhiều tranh cãi về việc ngành y tế bị oan hay không oan, việc không cấp thuốc ARV miễn phí cho người tham gia vận chuyển, cấp cứu nạn nhân HIV là đúng quy trình hay là thiếu nhạy cảm…

Khánh Hòa mới tiêm văcxin viêm gan B cho 50% trẻ sơ sinh

Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa vừa có chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện, chấn chỉnh việc tiêm văcxin ngừa bệnh viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh. 

Vì cho đến nay việc tiêm văcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh cho trẻ sinh sống ở tỉnh này chỉ mới đạt khoảng 50%. Trong khi, cách đây 5 năm (7-2012) Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch tiêm văcxin viêm gan B cho đối tượng trẻ sơ sinh như vừa nêu phải đạt từ 65% trở lên.

Các cơ sở y tế tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đạt rất thấp là nhà hộ sinh TP Nha Trang cả năm 2016 và quý I năm nay chỉ tiêm văcxin viêm gan B cho 64 cháu/525 trẻ sinh sống; trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh chỉ tiêm cho 225 cháu/907 trẻ sinh sống; trung tâm y tế huyện Diên Khánh chỉ tiêm cho 624 cháu/2.634 trẻ sinh sống.

Cá biệt, Bệnh viện Quân y 87 (tại Nha Trang) vẫn chưa triển khai tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh.

Còn bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang, bệnh viện đa khoa Tâm Trí Nha Trang và trung tâm y tế Cam Ranh không có báo cáo thống kê việc tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao. Tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh sẽ phòng được lây truyền bệnh này từ mẹ sang con từ 80% - 95%; nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền đó sẽ ít hiệu quả.

Tổ chức Y tế thế giới cũng có khuyến cáo, tiêm văcxin viêm gan B đủ ba mũi trong năm đầu đời và tiêm văcxin viêm gan liều sơ sinh trong vòng 24 giờ được chứng minh là chiến lược tối ưu nhất trong việc phòng và kiểm soát bệnh viêm gan B.

Đề nghị xử lý bác sĩ từ chối cấp thuốc chống phơi nhiễm HIV

Người cứu nạn nhân bị nhiễm HIV phản ánh khi xin thuốc điều trị phơi nhiễm HIV, bác sĩ trả lời chỉ cấp cho người làm nhiệm vụ, không cấp cho dân thường. Nếu cứu người thì được bán một liều năm triệu đồng

Sáng 1-7, trên mạng xã hội, một người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân cho biết ông đã lấy xe tải của gia đình chở tám nạn nhân đến bệnh viện, một người trong đó đã tử vong, chảy máu. Ông đã bế nạn nhân lên xe và máu từ vết thương của nạn nhân đã dính vào vết thương bị trầy xước của ông. Khi được biết người tử vong nhiễm HIV, ông đã xuống bệnh viện đề nghị xin thuốc dự phòng.

“Nhưng bác sĩ nói thuốc này chỉ cấp cho người làm nhiệm vụ, không cấp cho dân thường, còn tôi cứu người thì bác sĩ nói bán một liều năm triệu. Vậy tôi xin hỏi còn ai dám cứu người hay nên để cho các cấp làm nhiệm vụ đến cứu?”, người tham gia cấp cứu nạn nhân đặt câu hỏi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ o­nline, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, tỏ ra rất bức xúc vì vị bác sĩ đã đề nghị “bán” thuốc dự phòng cho người dân tham gia cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông. “Chúng tôi đang trao đổi để xác định ai là người đã có hành vi này và đề nghị Sở Y tế Kon Tum xử lý nghiêm. Tuy nhiên, Sở Y tế Kon Tum cho biết họ đang xác minh do trong lúc hỗn loạn không biết ai đã phát ngôn như vậy", ông Anh nói. Theo quy định của Bộ Y tế, người có phơi nhiễm trực tiếp với người nhiễm (kể cả người làm nhiệm vụ, người dân đều được uống thuốc dự phòng HIV miễn phí).

Ông Anh cũng cho biết riêng người đã lấy xe của gia đình chở bệnh nhân đi cấp cứu sẽ được ưu tiên đặc biệt để động viên, khen thưởng.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế Kon Tum, trong quá trình đưa nạn nhân đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu sau vụ tai nạn ngày 30-6 trên đường Hồ Chí Minh, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ nên nghi ngờ những người nãy đã bị phơi nhiễm HIV.

Sở Y tế đã tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến những ca cấp cứu nạn nhân.

Sở đã cho uống thuốc dự phòng trong 24 giờ kể từ khi bị phơi nhiễm (quy định là trong vòng 72 giờ) với 24 người có liên quan và theo dõi trong vòng 3 tháng.

Sở Y tế cũng đồng thời giám sát, xét nghiệm hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.

Pháp luật TP HCM

Khuyến cáo tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ

Bộ Y tế vừa khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch. Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương như co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê thì người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời…

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết trong sáu tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có một trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Số ca mắc bệnh xuất hiện rải rác, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Nam. Các tỉnh, TP có số mắc cao là Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội, Sơn La, Khánh Hòa, Kiên Giang và Kon Tum.

Trong năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản bổ sung cho đối tượng 6-15 tuổi tại 16 tỉnh, TP hiện lưu hành dịch bệnh viêm não Nhật Bản và có nguy cơ bùng phát dịch.

Đại biểu Nhân dân

Quản lý an toàn thực phẩm: Bãi bỏ những quy định mơ hồ

Tại hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng tại Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 38/2012/ND-CP” nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều nội dung không rõ ràng, điều kiện để được chứng nhận phù hợp rất mơ hồ, nên cần bãi bỏ.

Có thể thấy, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25.4.2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được ban hành đã góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi Pháp lệnh An toàn thực phẩm trước đây. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP, cộng đồng các doanh nghiệp thực phẩm đã gặp phải một số vướng mắc, bất cập, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy vậy, một số điểm bất cập lớn vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo nghị định sửa đổi. Các ý kiến doanh nghiệp đã dẫn ra rằng, thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP không có trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã phải tiêu tốn trên 4 tháng mới xin được giấy tiếp nhận hợp quy, mặc dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ.

Theo Trưởng ban Pháp chế - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn việc quản lý chất lượng ATTP qua thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP như hiện nay là không phù hợp. Cụ thể, theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, để đưa một sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn ra thị trường, đầu tiên doanh nghiệp phải gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm. Nếu đạt chất lượng thì doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rồi nộp hồ sơ gửi Cục ATTP - Bộ Y tế xin xác nhận công bố phù hợp ATTP. Lúc này, Cục ATTP sẽ thẩm xét giấy tờ rồi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP. Việc quản lý bằng thủ tục kể trên không có tác dụng bảo đảm ATTP vì Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu, hồ sơ. Mặt khác, việc nặng vào quản lý dựa trên hồ sơ, giấy tờ như vậy không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp mà còn thiếu minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực để “hành” doanh nghiệp. Điều này cho thấy cơ quan quản lý đang trút gánh nặng tài chính lên doanh nghiệp và cuối cùng người tiêu dùng là đối tượng phải chịu chi phí do giá thành sản phẩm tăng lên.

Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng, thủ tục hiện nay đang kéo dài vô lý. Việc lấy mẫu để kiểm tra đã rất lạc hậu, làm sao có thể dựa vào việc lấy mẫu để nói đó là thực phẩm an toàn, vì mẫu đó không thể đại diện được cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa.

Nguyên Cục trưởng Cục Khảo sát sau thông quan, Tổng Cục Hải quan Phạm Thanh Bình cho biết: Tính đến chiều 29.6.2017, số hồ sơ đang chờ cấp chứng nhận tại Cục ATTP (Bộ Y tế) là hơn 9.000. Số hồ sơ đang được xử lý tại đây là gần 5.000. Như vậy, số hồ sơ tồn đọng, đang xem xét tại đây là khoảng 15.000 hồ sơ. Với số lượng như vậy thì việc kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận là đương nhiên, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải kêu ca, phản ánh. “Chúng tôi kiến nghị nên bãi bỏ quy định công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm, bởi tính không hiệu quả và không bảo vệ người tiêu dùng…”, ông Phạm Thanh Bình nhấn mạnh. Cũng theo ông Bình, trong thủ tục công bố sản phẩm, một công việc mất nhiều chi phí và thời gian là kiểm nghiệm. Theo dự thảo Nghị định thì dù là tự công bố, doanh nghiệp vẫn phải tiến hành kiểm nghiệm và phải kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Tức là, về cơ bản, chẳng khác gì việc công bố trên cơ sở chứng nhận hợp quy. Do vậy, đề nghị quy định, trường hợp doanh nghiệp tự công bố thì việc có cần kiểm nghiệm hay không là do doanh nghiệp quyết định.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng kiến nghị, những quy định không phù hợp thì nên được bãi bỏ. Thứ nhất, bãi bỏ quy định cấp giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và chuyển sang hình thức chứng nhận hợp chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật tại các tổ chức được chỉ định bởi các cơ quan có thẩm quyền (đã có 37 tổ chức được chỉ định trên cả nước) do hình thức Công bố phù hợp quy định ATTP không có quy định trong Luật ATTP và thực hiện thời gian 4 năm qua cho thấy sự bất cập, vướng mắc như tính chất của một “giấy phép con”.

Thứ hai, trong khi chưa sửa được Luật ATTP, thì không cần thực hiện công bố hợp quy với các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn đối với tất cả những nước mà hiện tại Việt Nam đã ký kết FTA hoặc đã có những sự công nhận các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng thư ATTP. Ít nhất, chúng ta nên áp dụng cho các nước có mức độ ATTP rất cao như: EU, Mỹ, Australia, New Zealand, Canada và Nhật Bản. Với cách thức này, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu sẽ có trách nhiệm thông báo đến cơ quan nhà nước liên quan, nộp các chứng từ nhập khẩu kèm theo, ghi nhãn phụ hàng hóa để nhận dạng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về nội dung ghi nhãn. Đây cũng là cách mà các nước EU đang quản lý tương tự cho hàng thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Tiền phong

Nâng cao hình ảnh người thầy thuốc nhân dân

Chiều 3/7, tại Hà Nội, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 4 khóa III. Tham dự có Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long. Trong 6 tháng đầu năm, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng gắn với chuyên môn…

Lao động, Người Lao động, Báo xây dựng, Dân trí

Vụ ngộ độc thực phẩm ở An Giang: Gần 130 công nhân nhập viện

Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh - Giám đốc BVĐK Châu Thành xác nhận, tổng số công nhân của Cty Samho nhập viện cấp cứu tại đơn vị vào ngày 3.7 là khoảng 100 người. Cùng thời điểm này, Trạm Y tế Bình Hòa cũng tiếp nhận điều trị trên dưới 30 công nhân nhập viện trong tình trạng tương tự.

Bác sĩ Oanh cho biết, sự việc bắt đầu từ 7h30. Lúc đầu có vài công nhân của Cty Samho An Giang ở khu công nghiệp Bình Hòa nhập viện sau khi bị ngộ độc vào ngày 1.7. Đến khoảng 9h30, sống lượng công nhân nhập viện cấp cứu tăng lên. Tính đến thời điểm 14h, có khoảng 100 bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại BVĐK Châu Thành.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cùng thời điểm này cũng có gần 30 công nhân của Cty Samho được đưa đến Trạm Y tế xã Bình Hòa (Châu Thành) điều trị.

Theo nhận định ban đầu, tất cả các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt, khó thở, một số có dấu hiệu nôn ói... Trong đó có khoảng 50% là bệnh nhân của vụ ngộ độc thực phẩm vào chiều (1.7). Hiện bộ phận chức năng đang theo dõi sức khỏe bệnh nhân và tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Như LĐO đã thông tin, ngày 1.7, có 605 công nhân đang làm việc tại Cty TNHH An Giang Samho, tọa lạc tại Khu Công nghiệp Bình Hòa (xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm trưa do một cơ sở ở đường Võ Thị Sáu (TP. Long Xuyên) cung cấp. Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế An Giang), đơn vị này cung cấp 4.180 suất ăn (trong đó có 370 suất ăn chay) gồm có: Thịt kho trứng, thịt nướng, gà sào xả ớt, đùi gà chiên, thịt khìa, rau sống, dưa leo, dưa cải chua...; chia thành 2 ca. Ca ăn lúc 10h thì bị ngộ độc lúc 10h30; ca ăn lúc 11h thì bị ngộ độc lúc 12h.

bnews.vn

Thực thi chính sách bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế tư nhân: Vướng những gì?

Chưa có sự thống nhất trong thực thi chính sách bảo hiểm y tế giữa các địa phương; việc giám định, xuất toán bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều bất cập.

Chưa có sự thống nhất trong thực thi chính sách bảo hiểm y tế giữa các địa phương; việc giám định, xuất toán bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều bất cập là kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị Đối thoại chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế khu vực phía Nam do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân tổ chức ngày 3/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Đến quý I năm 2017, cả nước có 444 bệnh viện và phòng khám tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, các cơ sở y tế tư nhân chưa thực hiện đúng các quy định trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mà Bộ Y tế yêu cầu, như thực hiện dịch vụ kỹ thuật vượt định mức, vượt thời gian quy định; đề nghị xin được xuống hạng bệnh viện mặc dù quy mô, nhân lực không thay đổi; sử dụng bác sỹ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; bác sỹ tại cơ sở công lập khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân vượt quá 200 giờ/năm; không thông báo và phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc mua, đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế; sử dụng biệt dược gốc tỷ lệ cao…

Ở chiều ngược lại, đại diện của các cơ sở y tế tư nhân lại cho rằng, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của các địa phương vẫn còn nhiều bất cập.

Bác sỹ Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện An Phước (tỉnh Bình Thuận) phản ánh, bệnh viện bị từ chối khi xét nghiệm định nhóm máu ABO cho sản phụ, nhưng theo bác sỹ Hùng đây là xét nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cũng từ chối thanh toán giường bệnh nội trú với lý do bệnh viện cho bệnh nhân nằm ghép trong khi thực tế thì không nằm ghép.

Ông Đào Cảnh Tuất, Giám đốc Bệnh viện Vạn Phúc (tỉnh Bình Dương) cho rằng, năng lực của các giám định viên bảo hiểm y tế còn hạn chế, chưa hiểu rõ nhiều vấn đề chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh dẫn đến khó tìm được tiếng nói chung và các bệnh viện thường bị xuất toán.

Đồng tình với quan điểm này, bác sỹ Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Bệnh viện Y Đức (tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng công tác giám định hiện nay vẫn còn quá bất hợp lý.

Bác sỹ Nguyễn Đắc Lực ví dụ, một bác sỹ chuyên khoa 2 về tim mạch chỉ định cho toàn bộ bệnh nhân tim mạch của bệnh viện, nhưng khi giám định viên chỉ là kế toán đến kiểm tra thì lại bác bỏ một số chỉ định của bác sỹ.

Điều này khiến các bác sỹ rất bức xúc và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bệnh nhân.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sẽ kiểm tra, thẩm định lại cũng như đề xuất giải pháp để có sự điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc thực thi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế công lập lẫn ngoài công lập thực hiện việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo mọi quyền lợi cho người bệnh.

Ông Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng, sau khi thông tuyến bảo hiểm y tế, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại khu vực tư nhân đã tăng lên nhưng nhiều nơi lại xuất hiện hiện tượng thu hút bệnh nhân không sòng phẳng.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh lại tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Y tế tư nhân kiến nghị đơn vị Bảo hiểm xã hội cần có chính sách công bằng với các cơ sở y tế tư nhân; đồng thời thống nhất, đồng bộ trong việc thực thi chính sách về bảo hiểm y tế giữa các địa phương trên cả nước, tránh tình trạng địa phương này áp dụng theo Thông tư này, địa phương khác lại áp dụng theo Nghị định khác.

Báo Chính phủ

Nhiều bất cập về chính sách BHYT ở bệnh viện tư nhân

Sáng 3/7, tại TPHCM, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế tư nhân.

Cơ sở tư nhân khám chữa bệnh BHYT tăng nhanh

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015, cả nước có 365 cơ sở tư nhân (bao gồm 210 phòng khám đa khoa và 155 bệnh viện tư nhân) ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Đến năm 2017, con số này đã tăng lên đến 444 cơ sở tư nhân (phòng khám là 292, bệnh viện là 152). Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh BHYT.

Tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trong năm 2015 là trên 6,5 triệu lượt. Tổng số tiền thanh toán là 2.834 tỷ đồng.

Tới năm 2016, tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT lên đến hơn 16,6 triệu lượt (tăng 255% so với năm 2015). Tổng chi phí thanh toán là 6.617 tỷ đồng (tăng hơn 233% so với năm 2015).

Chỉ tính riêng trong quý I/2017, số lượt khám chữa bệnh là trên 4,2 triệu lượt và chi phí khám chữa bệnh BHYT là 1.591 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2017 là trên 21 triệu lượt và số tiền ước chi trên 7,9 tỷ đồng.

Tại các bệnh viện tư nhân, chi bình quân một đợt khám chữa bệnh ngoại trú là 384.528 đồng, chi bình quân một đợt điều trị nội trú là 3,58 triệu đồng. Trong khi đó chi phí bình quân của cả nước là 202.000 đồng/lượt ngoại trú và 2,75 triệu đồng/đợt nội trú.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đóng vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh BHYT khi góp phần giảm tải cho các cơ sở công lập, tạo môi trường cạnh tranh dẫn đến thúc đẩy phát triển chuyên môn, hạ tầng, nâng cao chất lượng phục người bệnh.

Cơ quan BHYT đã áp dụng một số chính sách ưu tiên đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như 100% cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được áp dụng ngay mức giá có tiền lương kể từ ngày 01/3/2016.

Đồng thời, các bệnh viện chuyên khoa tư nhân tương đương hạng 3, hạng 4, chưa phân hạng được xếp tuyến huyện, được khám chữa bệnh thông tuyến (100% bệnh viện chuyên khoa công lập xếp tuyến tỉnh, không được khám chữa bệnh thông tuyến).

Còn nhiều bất cập

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, có nhiều cơ sở y tế tư nhân còn thiếu minh bạch trong khâu quản lý khám chữa bệnh dẫn đến những vướng mắc khi thanh toán BHYT.

Đơn cử như việc quản lý thuốc. Hiện tại một số cơ sở y tế tư nhân đã tự tổ chức đấu thầu thuốc nhưng kết quả lựa chọn nhà thầu có nhiều bất cập. Ví dụ, kết quả đấu thầu của Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic (Bạc Liêu) có 152 mặt hàng so sánh giá được với kết quả đấu thầu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu thì 46 mặt hàng giá cao hơn, giá trị chênh lệch 116 triệu.

Kết quả đấu thầu ở Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec (Hà Nội) so sánh với Bệnh viện St. Paul, có 423 mặt hàng so sánh giá được thì 92 mặt hàng cao hơn, với tổng giá trị chênh lệch là 2,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều đại diện các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân lại cho rằng, một số quy định về khám chữa bệnh, thanh toán BHYT tại các bệnh viện tư nhân chưa phù hợp với các bệnh viện tư nhân. Đại diện Bệnh viện mắt Tây Nguyên (Đắk Lắk) phản ánh về những khúc mắc trong việc xếp hạng bệnh viện, đại diện Bệnh viện An Phước (Bình Thuận) băn khoăn về quy định sử dụng bác sĩ đã được hay chưa được cấp chứng chỉ hành nghề...

Rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế và cơ quan bảo hiểm cần làm rõ các khái niệm trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế để tránh hiểu lầm đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế tư nhân.

Để giải đáp những vướng mắc còn tồn đọng ở các cơ sở y tế tư nhân về BHYT, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, cần tăng cường giám định, tạm ứng kinh phí, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định, không phân biệt cơ sở nhà nước và cơ sở tư nhân.

"Cơ quan bảo hiểm sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản phù hợp với thực tế, đồng thời thống nhất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm là rất quan trọng. Nó giúp bệnh viện quản lý tốt hơn, và giúp cơ quan bảo hiểm giám định chính xác, thanh toán nhanh chóng hơn".

Ông Hà Văn Thuý, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại thẳng thắn với các cơ sở khám chữa bệnh công lập, cũng như tư nhân để tìm ra được quyết sách thực hiện mục tiêu toàn dân được sử dụng BHYT.

Ngày 06/07/2017
Ban biên tập Website
(sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích