Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 5 0 5 3
Số người đang truy cập
2 6 4
 Tin tức - Sự kiện
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng"
Điểm tin y tế từ các báo ngày 01/7 và 02/7 năm 2017

Sức khỏe & Đời sống

Hydrogel chứa nanocomposite có thể giúp chữa bệnh ung thư

Các nhà khoa học Đại học Arak (Iran) đã sản xuất thành công một loại hydrogel chứa nanocomposite có tác dụng trị liệu ung thư bằng liệu pháp quang động lực.

TS. Alireza Karimi - Giám đốc dự án cho biết: Loại hydrogel này có tính chất sinh học tự phục hồi bằng cách tạo ra nanocomposite nhờ sự trợ giúp của các ống nanocarbon. Các hydrogen có thể tự phục hồi trong trường hợp chấn thương mà không cần có “tác nhân từ bên ngoài”.

Từ kết quả nghiên cứu trên, TS. Karimi đã đưa ra khẳng định: Hydrogel có thể được sử dụng để “tấn công đúng mục tiêu bệnh”, hơn nữa, hydrogel tự phục hồi sẽ giúp bệnh nhân giảm hoặc loại bỏ căng thẳng khi điều trị.

Thủ tướng Chính phủ đề ra 5 giải pháp phát triển BHYT

Nhân kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 01/7/2017, tối ngày 30/6/2017, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng". Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Chương trình. Tham dự Chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng- Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng ại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và Thành phố Hà Nội; đại diện Sở Y tế, cơ quan BHXH và một số bệnh viện thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện cộng đồng bệnh nhân BHYT; đại diện một số doanh nghiệp.

Đây là một sự kiện truyền thông có ý nghĩa quan trọng để tuyên truyền sâu, rộng nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia; khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% người dân tham gia BHYT.

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật, và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Chủ trương phát huy vai trò của BHYT và tiến tới BHYT toàn dân được thể hiện nhất quán trong Nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa và tập trung thực hiện.

 

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình
“Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng"

Thủ tướng cho biết, chủ trương phát huy vai trò của BHYT và tiến tới BHYT toàn dân được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa tập trung chỉ đạo thực hiện. Năm 2008, lần đầu tiên Luật BHYT được ban hành, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho triển khai thực hiện tiến tới BHYT toàn dân.

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tỉ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh, từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% năm 2011 và đến nay là trên 82%. Phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hệ thống thông tin giám định đã liên thông trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong toàn quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách BHYT của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH, đã góp phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng ngành y tế công bằng, hiệu quả.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại. Cụ thể, nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT của một số DN chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng việc trốn đóng, nợ đóng BHYT còn xảy ra nhiều; tình trạng trục lợi BHYT chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm.

Để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, Bộ, Ngành, chính quyền địa phương quán triệt sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của BHYT, coi đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo công bằng xã hội. Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện 5 giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT cho người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư , diêm nghiệp tham gia BHYT theo hộ gia đình; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong tham gia BHYT; cơ chế quản lý quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, tạo bình đẳng việc KCB BHYT giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhân.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ KCB; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ và quản lý thông tin hiệu quả giữa cơ sở y tế và BHXH.

Ba là, xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia BHYT theo Luật BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm DN, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Bốn là, nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, KCB bằng BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm tình trạng lãng phí.

Đồng thời , khẩn trương hoàn thiện cơ chế mua sắm thuốc, vật tư y tế theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT, BHXH, để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi, chủ động, tích cực tham gia BHYT.

Với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, Thủ tướng kêu gọi các nhà hảo tâm, các doạnh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhiệt tình, thiết thực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho nững người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật, giúp người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng xã hội công bằng, phồn vinh, hạnh phúc.

Tại Chương trình, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh  nêu rõ, sau 8 năm thực hiện Luật BHYT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về BHYT ngày càng được nâng cao; công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã có những chuyển biến rõ nét; việc mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật; chất lượng KCB BHYT và sự hài lòng của người dân có thẻ BHYT khi đi KCB từng bước được nâng cao. Người dân được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao với chi phí lớn đã được quỹ BHYT chi trả. Tính đến nay, cả nước đã có gần 76,4 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 82,1% dân số. Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ đạt trên 90% dân số. Trong 06 tháng đầu năm 2017, ước cả nước có gần 75,6 triệu lượt người KCB được quỹ BHYT chi trả.

Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh nêu rõ, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng đã tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý điều hành để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; cải cách hành chính theo hướng coi người bệnh là trung tâm, đã được ngành Y tế và ngành BHXH phối hợp triển khai. Đặc biệt là Hệ thống thông tin giám định BHYT để kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB trên toàn quốc đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ đến KCB được phục vụ kịp thời, góp phần phần phòng ngừa các biểu hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Đồng thời, việc xây dựng thành công dữ liệu hộ gia đình với đầy đủ thông tin của 24 triệu hộ, với trên 91 triệu người, là nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT...

Phát biểu tại Chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Các đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án y tế cơ sở, các quy định về cải các thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo môi trường y tế xanh - sạch - đẹp đã và đang phát huy hiệu quả; bước đầu giải quyết tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh cải thiện rõ rệt, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm theo quy định.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ trên cơ sở định hướng tài chính y tế chuyển dần từ cơ chế cấp ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân tham gia BHYT đã góp phần đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

“Quỹ BHYT là nguồn tài chính cơ bản cho hoạt động KCB, đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, làm tăng tính chủ động, tích cực, tinh thần thái độ phục vụ và đổi mới phương pháp quản lý, đồng thời đã tạo điều kiện để phát triển chuyên môn kỹ thuật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB, giám định và thanh toán chi phí được triển khai mạnh mẽ tại tất cả các cơ sở y tế thuộc các tuyến là một bước tiến quan trọng trọng việc quản lý cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả”- Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Tại Chương trình, ông Chu Mạnh Sinh - Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam, đại diện ngành BHXH đã trao tặng số tiền 1,5 tỷ đồng ủng hộ người cận nghèo mua thẻ BHYT. Đây là số tiền đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH với tinh thần "Chung tay vì sức khỏe cộng đồng"

Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam

Hội đồng chuyên môn kết luận về việc bé gái tử vong tại bệnh viện

Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã có cuộc họp khẩn và thống nhất một số kết luận về trường hợp bé gái tử vong do sốt xuất huyết. Vụ em Nguyễn Phương Bảo Linh (12 tuổi), con của ông Nguyễn Tấn Cường (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bị tử vong do bệnh sốt xuất huyết vào ngày 30/6 khiến gia đình đã phản ứng cho là Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang tắc trách.

Ngày 1/7, lãnh đạo và Hội đồng chuyên môn của bệnh viện này đã có cuộc họp khẩn. Sau khi nghe báo cáo tóm tắt, ý kiến của các thành viên, Hội đồng thống nhất một số kết luận.

Gia đình có bé tử vong do bệnh sốt xuất huyết phản ứng tại bệnh viện

Theo đó quy trình tiếp nhận, điều trị cho em Linh tại Khoa Nhi đúng quy định. Tuy nhiên, đây là trường hợp sốt xuất huyết diễn tiến nặng nhanh, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi.

Dù đã được các bác sĩ tập trung hồi sức tích cực, xử lý sốc sốt xuất huyết đúng phác đồ nhưng bệnh diễn tiến xấu (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi ồ ạt, suy đa cơ quan) dẫn đến bệnh nhân tử vong.

Về tinh thần thái độ phục vụ, bệnh viện có giải thích và thông tin đến gia đình bệnh nhân trong quá trình điều trị. Khi bệnh diễn biến nặng, đã tích cực hồi sức, hội chẩn kịp thời, tuy nhiên, trong quá trình theo dõi bệnh, nhân viên y tế giải thích chưa rõ ràng làm cho người nhà chưa thật sự hài lòng.

Sau sự cố này, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang sẽ cử người thăm hỏi, động viên gia đình bệnh nhân, đồng thời tăng cường giám sát quy chế, quy trình chuyên môn của bệnh viện.

Chi trả tiền tỷ cho nhiều bệnh nhân bệnh hiểm nghèo

Những lợi ích của BHYT mang lại cho người sử dụng là điều dễ thấy. Nhưng đến nay, việc hướng đến mục tiêu toàn dân có BHYT vẫn còn không ít khó khăn.

"Nếu không có bảo hiểm y tế, có lẽ tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay". Đó là chia sẻ của anh Cao Thanh Lịch (sinh năm 1993), bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh trong chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” được tổ chức mới đây.

Hàng triệu người đang hưởng những lợi ích thiết thực từ việc tham gia bảo hiểm y tế. (Ảnh minh họa) Kể về bệnh tình, anh Lịch cho biết, căn bệnh quái ác này đã hành hạ anh bao năm nay, bệnh ngày một nặng, những cơn đau cũng dữ hơn trước. Ban đầu anh đăng ký bảo hiểm y tế (BHYT) và điều trị tại bệnh viện Xanh pôn, nhưng bệnh tình ngày càng phức tạp, nên anh được chuyển đến bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, điều trị theo đúng chuyên khoa 13 năm nay.

Anh Lịch cho biết, nếu không có BHYT, có lẽ anh đã không thể sống đến ngày hôm nay do chi phí chữa trị quá lớn. “Với một người làm công việc tự do như tôi, thu nhập thấp và không ổn định, lo ăn, ở hàng ngày còn khó chứ đừng nói đến việc khám, làm các xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh lại vô cùng tốn tiền, chi phí điều trị bệnh máu kéo dài nhiều năm. Mỗi  năm số tiền điều trị cũng lên đến hàng tỷ đồng, nếu như không có BHYT thì tôi và gia đình có cố gắng đến đâu cũng không thể có đủ tiền để điều trị được”, anh Lịch xúc động chia sẻ.

Được biết, chỉ riêng năm 2016, Quỹ BHYT đã chi trả cho anh Lịch hơn 1,1 tỷ đồng chi phí khám và điều trị tại bệnh viện. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, số tiền mà BHYT chi trả cho anh cũng trên dưới 700 triệu đồng.

Bệnh nhân này chia sẻ, khi đi khám và điều trị, anh mới nhận thấy rõ những lợi ích thiết thực của BHYT mang lại. Không chỉ riêng anh Lịch, hàng triệu bệnh nhân khác tham gia BHYT cũng đang được nhận những lợi ích thiết thực, giảm bớt gánh nặng trong việc điều trị cho chính bản thân và gia đình bệnh nhân.

Còn tại khoa Chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân phải chạy thận lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Dương Thị Nhàn, quê Hải Phòng, không may mắc bệnh từ năm 1995. Đến nay, hơn 20 năm điều trị, bà Nhàn cho biết, mỗi tháng bà chỉ phải trả 500.000 đồng thay vì hơn 10 triệu đồng nếu như không có BHYT.

Theo nghiên cứu, tại nước ta có đến 13% bệnh nhân ung thư không có đủ điều kiện điều trị sau 1 năm phát hiện ra bệnh do chi phí quá lớn. Cùng chia sẻ về những lợi ích khi tham gia BHYT, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đại đa số các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh đã nặng, do các tuyến dưới chuyển lên. Việc chi trả chi phí điều trị sẽ rất tốn kém, nếu không có bảo hiểm, người bệnh khó lòng chống chịu được, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Lợi ích là thế, tuy nhiên đến nay vẫn có không ít người băn khoăn về việc sử dụng dịch vụ y tế tại các bệnh viện khi có thẻ BHYT. Trả lời vấn đề này, bác sỹ Dương Đức Hùng khẳng định: "Quan niệm phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có bảo hiểm và bệnh nhân không có bảo hiểm là điều hoàn toàn sai lầm. Khi chữa trị, chúng tôi thường hỏi bệnh nhân có BHYT hay không, vì nếu có, gần như chúng tôi có thể yên tâm hoàn toàn trong quá trình điều trị. Thực tế, có những người không có bảo hiểm, khi mắc bệnh, đặc biệt là những bệnh nặng, khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. BHYT đang tạo ra một điều kiện tốt hơn cho các bác sỹ chăm sóc sức khỏe người bệnh".

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó chủ nghiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng BHYT đang giúp mọi người được đối xử công bằng hơn. Biểu hiện rõ nhất là người tham gia BHYT đóng theo một mức chung, nhưng lại được hưởng theo nhu cầu.

Ông Tiên cho biết, ở các nước phát triển, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế gần như 100%. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển xã hội, chống lại nghèo đói và phát triển ngành y tế của mỗi quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, sau 8 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT, đạt trên 82%.  Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc phụ trách BHXH TP Hà Nội cho biết, 18% dân số chưa tham gia BHYT thuộc vào nhóm người lao động chưa được chủ sử dụng lao động hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, người dân hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp có mức thu nhập trung bình...

VOV.VN - Hiện nay, hơn 70% người dân trong diện phải tham gia BHYT theo hộ gia đình lại không mua bảo hiểm. Lý do chính họ đưa ra là vì không có tiền.

Ngoài hạn chế về mặt kinh tế, ông Hòa cho rằng việc truyền thông chưa thực sự hiệu quả, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa cao, nhiều tuyến cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân... là những rào cản của việc tiến tới toàn dân sử dụng BHYT.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lên Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng để nâng cao hơn nữa tỷ lệ người tham gia BHYT, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHYT, toàn ngành Y tế cần coi việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khám chữa bệnh cho người có BHYT là phương châm cũng như mục tiêu của ngành; tạo điều kiện để người bệnh được tiếp cận đúng tuyến y tế kịp thời, đơn giản các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi; đồng thời đổi mới toàn diện phong cách thái độ ứng xử của đội ngũ y bác sỹ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân./.

Hà Nội mới

1.346 người bị ngộ độc thực phẩm trong 6 tháng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6-2017, cả nước đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm làm 340 người bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 59 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.346 người bị ngộ độc, trong đó ghi nhận 17 trường hợp tử vong. Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm có 168 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 5.000 người mắc và khoảng 30 người tử vong. Riêng giai đoạn 2011 - 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm với hơn 4 triệu ca mắc và 123 người tử vong.  Đáng chú ý, kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%. Về giết mổ động vật, sản phẩm động vật, tính đến năm 2016, số cơ sở nhỏ lẻ không giảm mà còn tăng thêm 285 cơ sở. Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y.

Thanh niên

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHYT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người làm nông lâm, ngư, diêm nghiệp, tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Tối 30.6, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam (1.7), Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Bảo hiểm xã hội VN vừa có văn bản yêu cầu thu hồi và xuất toán hơn 7 tỉ đồng tiền chi cho bảo hiểm y tế của hai bệnh viện lớn thuộc tỉnh Bình Thuận.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau 25 năm, hiện có 81,8% dân số tham gia BHYT và phấn đấu đạt trên 90% vào năm 2020. Tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% (năm 2012) còn 41% (năm 2016).

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người làm nông lâm, ngư, diêm nghiệp, tham gia BHYT theo hộ gia đình; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động cũng như các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...

Thủ tướng kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình tham gia hỗ trợ, mua và tặng thẻ BHYT cho người dân đang còn gặp khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật.

Nâng cao chất lượng bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến khích các BV công lập tuyến T.Ư và tuyến tỉnh thực hiện tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Ngày 30.6, tại hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện (BV) các tỉnh phía bắc với chủ đề nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tổ chức ở Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến khích các BV công lập tuyến T.Ư và tuyến tỉnh thực hiện tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Tiến, trong số 38 BV tuyến T.Ư, hiện có 2 BV (Y Dược TP.HCM và Nội tiết T.Ư) đã tự chủ tài chính hoàn toàn, 13 BV tự chủ một phần (tự bảo đảm được kinh phí cho các hoạt động thường xuyên) là quá ít. “Tự chủ tài chính thì BV mới phát triển và các nhà quản lý, giám đốc BV mới nâng cao được trình độ và năng lực. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng BV theo 83 tiêu chí, đồng thời đổi mới cách phân hạng, phân tuyến để các BV buộc phải nâng cao chất lượng, thu hút bệnh nhân”, bà Kim Tiến nói.

Theo đó, trước mắt, Bộ Y tế sẽ cử đơn vị độc lập trong nước đánh giá chất lượng BV theo tiêu chuẩn quốc tế, sau đó tiến tới mời các tổ chức quốc tế chấm điểm.

Theo khảo sát của Bộ Y tế mới đây, quy trình khám bệnh trong BV công đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước, giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh.

Cận thị, cũng như các tật khúc xạ (viễn thị, loạn thị) có thể được phẫu thuật mà không cần phải động chạm vào mắt, tạo vạt giác mạc. Phương pháp này vừa được Bệnh viện Mắt TP.HCM áp dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh còn những hạn chế như tình trạng quá tải BV ở một số chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi... và trong một số BV T.Ư, tuyến cuối; nhân viên y tế còn thờ ơ, chưa tận tình và có trách nhiệm đối với người bệnh; tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các BV; lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị và tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh giữa các cơ sở y tế, gây lãng phí...

Ông Khuê cho biết dự kiến cuối năm 2017, một số BV sẽ thí điểm triển khai chi trả theo chất lượng dịch vụ y tế. Việc này đòi hỏi các BV phải nâng chất lượng hơn nữa; người bệnh được hưởng dịch vụ đúng với mức chi trả, chấm dứt tình trạng bệnh nhân trả tiền cao nhưng chất lượng nhận được không tương xứng.

Công nghệ thực tế ảo hỗ trợ y khoa

Trong vài năm qua, thực tế ảo là liệu pháp điều trị hiệu quả cho chứng ám ảnh ở người. Giới nghiên cứu cũng đã bắt đầu phát hiện tiềm năng to lớn của công nghệ này trong y khoa. Sự ra đời và ứng dụng của công nghệ thực tế ảo (VR) đang được chứng minh không chỉ là hình thức giải trí mới, mà hứa hẹn sẽ được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y khoa, từ điều trị đến đào tạo y bác sĩ, theo tạp chí

Không ít các nghiên cứu cung cấp chứng cứ hợp lý cho thấy VR có thể giúp giảm đau, cả các cơn đau cấp tính lẫn kinh niên. Các phần não bộ có liên hệ với cảm giác đau đớn, cụ thể là vỏ não chi phối cảm giác - xúc giác và thùy nhỏ ở não trước, được chứng minh ít hoạt động hơn hẳn khi bệnh nhân đắm chìm trong thế giới của VR. Thậm chí trong một số trường hợp, nó có thể giúp con người chịu đựng những quy trình điều trị đau đớn, như làm răng và thay băng vết bỏng, theo báo cáo trên chuyên san Royal Society Open Science. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều mẫu kính thực tế ảo (VR), nhưng sản phẩm này có nhiều nội dung chưa phù hợp cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, Samsung đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề này.

Các cuộc nghiên cứu khác cho thấy những người bị đoạn chi cũng nhận được ích lợi từ liệu pháp VR. Nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt tay/chân thường cảm thấy đau đớn khủng khiếp ở phần chi bị mất, cái cảm giác khó có thể xua đi bằng những biện pháp điều trị thông thường, và thậm chí uống thuốc giảm đau liều mạnh cũng không giúp được nhiều. Tuy nhiên, một kỹ thuật gọi là “liệu pháp gương ảo” được chứng minh có thể hỗ trợ một số bệnh nhân vượt qua cơn đau ảo.

Liệu pháp vật lý

VR có thể được sử dụng để theo dõi hoạt động của cơ thể, cho phép bệnh nhân thực hiện tốt hơn các bài tập vật lý trị liệu thông qua việc tương tác trong game. Ví dụ, họ có thể cần phải nâng cánh tay khỏi đầu để chụp một quả banh ảo. Vừa chơi game vừa làm vật lý trị liệu rõ ràng vui hơn so với chuyện đối mặt với một cỗ máy, kích thích người bệnh tập luyện siêng năng hơn. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân cảm thấy căng thẳng khi phải đi bộ, bác sĩ có thể điều chỉnh để cảnh trong VR diễn ra chậm hơn so với trên thực tế, thúc giục người bệnh đi nhanh hơn bình thường dù họ không cảm thấy như thế.

Việc nghiên cứu cách thức con người tiếp nhận và tương tác với các hệ thống VR cũng giúp giới y học thiết kế những ứng dụng và bài tập hỗ trợ hồi phục chức năng tốt hơn.

Không phân chia khám dịch vụ, khám thường và phí khám bệnh 20.000 đồng nhưng phục vụ bệnh nhân theo chuẩn quốc tế. Tại bệnh viện này, lần đầu tiên, ba mẹ đưa con đi khám bệnh thấy thảnh thơi, không 'đổ mồ hôi' vì quá tải.

Trị sợ hãi và ám ảnh

Đối với người luôn sợ hãi một điều gì đó, chẳng hạn như sợ độ cao, sợ nhện lông lá, VR có thể là liệu pháp điều trị hiệu quả giúp họ đối mặt với những nỗi ám ảnh này. Trên thực tế, trị chứng ám ảnh hoặc nỗi sợ hãi hiện là một trong những ứng dụng kể từ buổi đầu của VR. Theo đó, chuyên gia tâm lý thường sử dụng liệu pháp theo hướng tăng cấp độ cho từng bệnh nhân. VR được xem là liệu pháp hoàn hảo trong trường hợp này, do nó có thể được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân, và không bị giới hạn bởi nơi chốn chữa trị, có thể thực hiện được ở phòng khám của bác sĩ lẫn nhà riêng của bệnh nhân. Ban đầu VR được dùng để trị nỗi ám ảnh, hiện các chuyên gia đã nâng cấp để giúp những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD).

Phục hồi nhận thức

Bệnh nhân bị chấn thương não do tai nạn hoặc bệnh tật, như đột quỵ, thường gặp vấn đề trong các công việc thường ngày, chẳng hạn đi mua sắm hoặc lên kế hoạch cho cuối tuần. Dùng VR để biến những hoạt động này như trò chơi, cho phép bệnh nhân thực tập các thao tác lên kế hoạch trong môi trường ảo, và theo thời gian sẽ nâng cấp mức độ phức tạp. Kết quả là bệnh nhân có thể phục hồi nhận thức nhanh hơn so với bình thường.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng môi trường ảo làm công cụ phân tích và đánh giá sự hồi phục của bệnh nhân, từ đó xác định được những vùng bị mất trí nhớ ở người bệnh để có biện pháp điều chỉnh trị liệu thích hợp.

VR không chỉ dùng cho bệnh nhân mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho những người hành nghề y khoa. Các bác sĩ và y tá thực tập có thể thao tác các quy trình phẫu thuật, điều trị trong môi trường ảo, cho phép họ học cách mổ xẻ trên các mô hình chính xác như cơ thể người, cũng như các biện pháp khống chế lây nhiễm trong trường hợp bùng nổ dịch bệnh.

Hiến máu còn mang lại nhiều lợi ích cho người hiến

Bị một con kiến chích không làm bạn trở thành một anh hùng, nhưng thay con kiến bằng chiếc kim tiêm, bạn hoàn toàn có thể trở thành một người hùng bằng việc hiến máu.

Việc hiến máu không chỉ mang lại lợi ích đến những người được nhận máu, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người hiến máu.

Đem lại niềm vui

Sau mỗi lần giúp bác sĩ cứu sống người khác, bạn sẽ có một cảm giác vui sướng khó tả. Lượng máu mà bạn hiến sẽ được chia thành nhiều phần theo nhu cầu của từng bệnh nhân. Mỗi phần có thể được sử dụng cho những bệnh nhân khác nhau với những mục đích khác nhau. Với mỗi lần hiến máu, bạn có thể cứu sống 3 hoặc 4 bệnh nhân,

Tham gia hiến máu tình nguyện từ khi là sinh viên, hơn 20 năm qua, cô giáo dạy THCS này đã 50 lần hiến máu tình nguyện cứu người, chỉ với phương châm giản dị 'mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại'.

Kiểm tra sức khỏe miễn phí

Bạn chỉ có thể hiến máu nếu cơ thể khỏe mạnh. Vì thế, trước khi hiến máu, bạn sẽ phải trải qua một loạt hoạt động kiểm tra sức khỏe, và dĩ nhiên các hoạt động kiểm tra sức khỏe này hoàn toàn miễn phí. Đó là một lợi ích dành cho bạn. Thông qua việc kiểm tra sức khỏe, bạn có thể biết được huyết áp của mình có bình thường hay không? Từ đó, giúp bạn phát hiện kịp thời những chứng bệnh trước khi chúng bùng phát. Hơn nữa, sau khi hiến máu, máu của bạn sẽ được kiểm tra về các bệnh truyền nhiễm. Bạn có thể yêu cầu được biết nếu phát hiện ra bất cứ bất thường nào trong quá trình kiểm tra. Hiến máu thường xuyên chính là một hình thức kiểm tra sức khỏe miễn phí

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Thông tin trên Dailymail cho biết hiến máu thường xuyên giúp kiểm soát lượng sắt trong cơ thể, đặc biệt là đối với nam giới. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Sắt là yếu tố thiết yếu giúp cho cơ thể hoạt động tốt, nhưng thừa chất sắt có thể dẫn đến mất cân bằng oxy hóa quá mức. Mất cân bằng oxy hóa là thủ phạm chính gây ra gia tăng lão hóa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

Đốt cháy calo

Theo Mercola, mỗi lần hiến máu thường tiêu tốn 650 calo. Điều này giúp bạn kiểm soát được cân nặng của mình. Tuy nhiên, để an toàn chỉ nên hiến máu một lần trong vòng 2 -3 tháng.

Giảm nguy cơ ung thư

Tiến sĩ Gustaf Edgren tại Viện Karolinska, ở Stockholm (Thụy Điển) cho biết theo lý thuyết, có một vài cơ chế mà việc hiến máu thường xuyên có thể tác động tới sức khỏe. Chẳng hạn, việc hiến máu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư do ung thư có liên quan đến việc hàm lượng sắt trong máu cao quá mức. Sau khi hiến máu, một phần sắt sẽ bị loại ra khỏi cơ thể và điều này có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bao gồm ung thư gan, ung thư ruột kết, phổi, và cổ họng.

Sài Gòn giải phóng

Kỹ thuật mới tầm soát ung thư cổ tử cung

Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hùng Vương TPHCM, Bộ Y tế đã cho phép BV Hùng Vương triển khai kỹ thuật xét nghiệm APTIMA HPV trong tầm soát ung thư cổ tử cung.

 Đây là kỹ thuật xét nghiệm mới và BV Hùng Vương là đơn vị đầu tiên trong cả nước được thực hiện kỹ thuật này trên hệ thống Panther. Xét nghiệm APTIMA HPV giúp phát hiện E6/E7 RNA thông tin của 14 chủng HPV nguy cơ cao, kết quả dương tính chỉ ra người phụ nữ đã nhiễm HPV đang ở tình trạng hoạt động.

Xét nghiệm APTIMA HPV không chỉ có độ nhạy cao (trên 95%) mà còn có độ đặc hiệu vượt trội so với những xét nghiệm DNA HPV hiện nay. Với kỹ thuật xét nghiệm này, người thực hiện chỉ cần làm thủ công ở khâu lấy mẫu, tất cả các công đoạn phân tích còn lại sẽ do máy tự thực hiện và cho ra kết quả cuối cùng. Điều này giúp hạn chế tác động của các yếu tố bên ngoài làm sai lệch kết quả.

Liên thông kết quả xét nghiệm: Giảm phiền hà, tốn kém cho người bệnh

Trước tình trạng các bệnh viện (BV) không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, lạm dụng xét nghiệm gây phiền hà, mệt mỏi và tốn kém cho người bệnh, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025.

Theo lộ trình, từ hôm nay 1-7, các BV thuộc Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm; đến năm 2025 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm tất cả BV trên toàn quốc.

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), xung quanh việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

° PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng hầu hết các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau và lạm dụng xét nghiệm đối với người bệnh?

° PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ: Hiện nay, trung bình hàng năm các BV trong cả nước thực hiện khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm khoảng 10%/năm, cao hơn số tăng của bệnh nhân khá nhiều. Hiện nay, chi phí dành cho xét nghiệm chiếm 16% - 20% tổng chi phí cho y tế. Với số lượng xét nghiệm lớn như vậy, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm, thì mỗi năm sẽ có khoảng 4,75 triệu lượt người bệnh không phải thực hiện xét nghiệm tại các BV. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng, thì việc các BV công nhận kết quả xét nghiệm của nhau giúp tiết kiệm hơn 237 tỷ đồng/năm.

° Xin ông cho biết về lộ trình thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh?

° Theo đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, trước ngày 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV hạng đặc biệt và hạng 1; đến năm 2020 sẽ liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố; năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Còn trước mắt, bắt đầu hôm nay sẽ thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với 38 BV trực thuộc Bộ Y tế.

° Tại sao mới chỉ có các BV trực thuộc Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm?

° Thực tế hiện nay, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Kết quả khảo sát 330 phòng xét nghiệm ở 22 tỉnh, thành phố cho thấy có 73% đạt yêu cầu về nhân lực, 90% phòng xét nghiệm đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất. Do đó, để chuẩn bị cho việc công nhận mức chất lượng xét nghiệm, 10 năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Bộ Y tế ban hành Chương trình hành động nâng cao chất lượng xét nghiệm, thành lập các trung tâm kiểm chuẩn; có các thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm, xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý chất lượng, xây dựng danh mục các xét nghiệm có thể được liên thông công nhận kết quả.

Đồng thời, Bộ Y tế còn phối hợp với các chuyên gia của Mỹ và Tổ chúc Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam tổ chức tập huấn, đào tạo các chương trình quản lý chất lượng xét nghiệm; thực hiện gần 4.000 chương trình ngoại kiểm cho các phòng xét nghiệm. Hiện nay, Việt Nam cũng đã thành lập 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm thuộc Sở Y tế TPHCM, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TPHCM để giúp các phòng xét nghiệm thực hiện đánh giá, kiểm chuẩn.

° Để các BV công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, đòi hỏi những điều kiện nào, thưa ông?

° Phải có các điều kiện quan trọng, như: chất lượng xét nghiệm phải bảo đảm thông qua quy trình quản lý chặt chẽ, chính xác và độ tin cậy cao; xác định được danh mục những xét nghiệm có thể sử dụng lại kết quả trong khoảng thời gian nhất định. Còn để liên thông kết quả xét nghiệm trên quy mô quốc gia, phải đáp ứng 3 nội dung: Xây dựng được tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học; tổ chức đánh giá và công bố mức chất lượng phòng xét nghiệm; xây dựng danh mục xét nghiệm có thể liên thông...

Tuy nhiên, theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, khi kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. BV chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.

Chặt đứt việc “núp bóng” phân phối thuốc

Theo Cục Quản lý dược Bộ Y tế, phân phối dược phẩm và phát triển hệ thống phân phối dược phẩm có ý nghĩa rất lớn trong đảm bảo đủ thuốc chất lượng, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế toàn dân.

Tuy nhiên 10 năm qua, khi Việt Nam ký kết hiệp định và tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền sản xuất thuốc của Việt Nam vẫn ở thời kỳ đầu của phát triển, các doanh nghiệp (DN) chủ yếu đầu tư gia tăng số lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, chưa tập trung phát triển mạnh kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường.

Đa phần các DN sản xuất tự tổ chức phân phối nhỏ lẻ, thị trường manh mún, nên “miếng bánh” phân phối thuốc vẫn thuộc về các DN nước ngoài một cách không chính thống. Cục Quản lý dược chỉ rõ, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FIE) có đăng ký hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam đã liên kết với DN dược trong nước để thực hiện việc “phân phối núp bóng”.

Tức là, các DN dược của Việt Nam nhập khẩu rồi bán thuốc theo sự điều khiển của các DN FIE ở tất cả các khâu, từ quy định giá bán, đối tượng bán, đến thời điểm xuất kho, phương pháp tiếp thị, nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, thanh toán. Hoạt động của các DN dược Việt Nam trong mối liên kết này phụ thuộc hoàn toàn vào các DN FIE và chỉ được hưởng một khoản phí rất thấp, khoảng 0,3%.

Thống kê năm 2016, chỉ với 3 DN FIE hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam (công ty mẹ tại nước ngoài cung cấp thuốc), doanh số phân phối thuốc tại Việt Nam đã là 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng giá trị thuốc thành phẩm nhập khẩu và khoảng 30% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng một năm (4,2 tỷ USD).

Đáng báo động, con số này có xu hướng tiếp tục tăng, đồng nghĩa với doanh số phân phối của các DN Việt Nam có xu hướng giảm. Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, chia sẻ, nếu tiếp tục để các DN FIE được phân phối trá hình như hiện nay thì ngoài việc các DN dược Việt Nam bị giảm thị phần, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sản xuất thuốc, mà nguy hiểm hơn là ngành dược trong nước sẽ ngày càng lệ thuộc vào một số DN FIE. Các DN này hoàn toàn có thể thao túng giá thuốc, điều phối thị trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh y tế, cũng như kiểm soát giá thuốc.

Tuy nhiên, sau khi Luật Dược 2016 được thực thi và Nghị định 54/2017 có hiệu lực đã góp phần minh bạch hóa và ngăn chặn được tình trạng “phân phối núp bóng” dược phẩm. Theo Cục Quản lý dược, Nghị định 54/2017 nhằm triển khai nội dung cam kết đa phương và song phương với quốc tế, quy định chi tiết hoạt động liên quan đến phân phối thuốc mà DN FIE không được thực hiện tại Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo quyền nhập khẩu thuốc của các DN này.

Theo đó, Nghị định 54/2017 quy định rõ, DN FIE không được nhận vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối; không quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối.

Ông Đỗ Văn Đông nhấn mạnh, các quy định về phân phối thuốc được nêu tại Nghị định 54/2017 là rất cần thiết trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư, không làm ảnh hưởng đến những công ty FIE có hoạt động lành mạnh, phù hợp với các quy định của pháp luật. Qua đó, giúp đảm bảo an ninh y tế, kiểm soát được giá thuốc, tạo điều kiện phát triển ngành dược để có thể chủ động trong việc cung ứng thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc tại Việt Nam.

Pháp luật TP HCM

Dân nghèo được cấp thuốc miễn phí trọn tháng 7

Ngày 1-7, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa có công văn đề nghị các bệnh viện công lập, ngoài công lập và phòng y tế quận, huyện thực hiện tháng cao điểm “Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị nói trên tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo trên địa bàn TP từ ngày 1 đến 31-7. Cạnh đó hướng dẫn gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng cách phòng, chống tai nạn thương tích, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, dinh dưỡng an toàn…

Sáng cùng ngày, BV An Bình (TP.HCM) đã “mở hàng” cho chuỗi hoạt động tháng cao điểm “Chương trình khám chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Bệnh viện đã tổ chức tầm soát cho gần 150 bệnh nhân cao tuổi với các nội dung tư vấn, khám, thực hiện xét nghiệm, đo điện tim (khi có chỉ định của bác sĩ), cấp thuốc miễn phí cho nhiều bệnh nhân.

Báo động lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ

Theo nhật báo The New York Times, trong năm 2016 đã có hơn 59.000 người Mỹ chết do quá liều thuốc giảm đau và con số này trong năm nay dự đoán vẫn đang tăng lên.

Và trong đa số trường hợp là do chính bác sĩ kê toa. Nếu như trước đây các loại thuốc giảm đau được chỉ định cho những ca đau nhức dữ dội do ung thư thì đến thập niên 1990, nhiều công ty dược phẩm đã “thao túng” để bác sĩ kê toa thuốc giảm đau cho những ca đau nhẹ hoặc mạn tính như đau lưng và họ cũng khẳng định rằng sẽ không có hiện tượng quen thuốc (nhờn thuốc). Trong khoảng từ năm 1991 đến 2011, các toa thuốc giảm đau như Oxycodone, Percocet, Vicondin… đã tăng lên gấp ba lần tại Mỹ và đến năm 2015 ước tính có đến 98 triệu người Mỹ, tức 36% dân số, dùng thuốc giảm đau, nhiều hơn cả số người nghiện thuốc lá và có hai triệu người Mỹ “nghiện” thuốc giảm đau nhóm opioid.

Thế rồi khi chính quyền vào cuộc thì bác sĩ có “chùn tay” nhưng bệnh nhân đã “nghiện” sau đó lại tự đi tìm những sản phẩm thay thế, ví dụ như thuốc phiện và thị trường chợ đen đã ăn nên làm ra. Tai ương này trước đây hoành hành tại những vùng nông thôn và những TP nhỏ tại các bang Kentucky, Oklahoma, Bắc Dakota… song hiện nay đã lan tràn khắp nơi, kể cả tại Canada. Năm 2016, số người chết do quá liều thuốc giảm đau đã tăng 62% tại bang Maryland và 39% tại bang Maine. Và tệ hơn nữa là tại Mỹ ngày càng có nhiều trẻ em vừa ra đời là đã “nghiện” thuốc Fentanyl vì người mẹ đã dùng thuốc này khi mang thai.

Từ đó thống đốc của nhiều bang tại Mỹ đã phải nhanh chóng tìm biện pháp để “dập dịch”. Bang Delaware đã ban hành một đạo luật tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến chữa trị khi quá liều thuốc giảm đau và ngăn bác sĩ kê quá nhiều loại thuốc này. Cũng đã có những ngân hàng dữ liệu để kiểm tra xem bác sĩ kê toa thuốc giảm đau cho bệnh nhân như thế nào.

Đội ngũ y khoa tại Mỹ không thể không lo lắng, họ kêu gọi một hành động rộng khắp trên cả nước Mỹ để ngăn chặn vấn nạn, xem đó như một dịch bệnh như dịch tả hay bệnh cúm.

Bác sĩ bỏ quên camera trong bụng bệnh nhân

Lacrystal Lockett vừa đệ đơn kiện BV ĐH Emory ở Mỹ và ba bác sĩ ở đây vì tội bất cẩn. Lý do, ngày 14-12-2014 cô làm phẫu thuật cấy ghép thận và tụy ở đây và bị bác sĩ phẫu thuật bỏ quên một máy quay dùng trong quá trình phẫu thuật trong người cô. Chiếc máy quay không bị phát hiện cho đến khi Lockett đến bệnh viện sáu tháng sau làm một cuộc kiểm tra. Cô Lockett đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa để lấy nó ra.

Theo đơn kiện, “hậu quả từ sự bất cẩn của bị đơn và nguyên đơn Lacrystal Lockett phải chịu đựng khó khăn không đáng có từ việc phẫu thuật lần nữa, phải chịu phí tổn y tế cũng như đau đớn”. Sau phẫu thuật, cô Lockett phải ra vào bệnh viện thường xuyên và phải được chăm sóc y tế liên tục.

 

Ngày 05/07/2017
Ban biên tập Website
(sưu tầm từ các báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích